Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:45:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chân lý thuộc về ai  (Đọc 80965 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« vào lúc: 10 Tháng Tám, 2007, 07:19:30 am »

Tên sách: Red Brotherhood at war - Chân lý thuộc về ai
Tác giả: Grant Evans - Kelvin Rowley
Người dịch: Nguyễn Tấn Cưu
Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân
Năm xuất bản: 1986
Số hoá: nguyenquang, ptlinh



Vài lời với bạn đọc

Cuối năm 1984, hai học giả Australia, Grant Evans và Kelvin Rowley xuất bản quyển sách về cuộc chiến tranh trên biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc nước ta mà họ gọi là cuộc chiến tranh Đông Dương thứ ba. Họ bắt đầu viết quyển sách từ cuối năm 1979 và trong quá trình viết đã đến thăm Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan trong nhiều tháng.


Grant Evans giảng tại Khoa xã hội học trường Đại học New South Wales, Sydney và là tác giả quyển “Những kẻ gây ra mưa vàng”, một công trình điều tra về những luận điệu của Mỹ vu khống Liên Xô dùng vũ khí hoá học ở Đông Nam Á.


Kelvin Rowley là giảng viên các đề tài nghiên cứu về chính trị và xã hội tại Viện kỹ thuật Xuyn-bơn, Melbourne.


Các tác giả đã nói rõ động cơ viết quyển sách này của họ. Trước tiên là để chống lại những luận điểm mới hiện nay lấy cái gọi là “chủ nghĩa bành trướng của cộng sản” mà phương Tây đã dựng lên hai thập kỷ trước đây để giải thích việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia. Các tác giả cũng bác bỏ những khẳng định của những kẻ chiến tranh lạnh mới đó rằng Việt Nam là một cường quốc xâm lược, bành trướng. Các tác giả chứng minh rằng “Hà Nội không phải là người gây ra cuộc khủng hoảng ở Đông Dương mà chủ yếu là phản ứng lại các sức ép từ bên ngoài”. Các tác giả cũng phê phán mạnh mẽ chính sách của Trung Quốc và của Mỹ trong khu vực. Các tác giả cho rằng cả phái tả lẫn phái hữu đều không hiểu đúng thực chất chính sách đối ngoại của Trung Quốc đến mức mà các tác giả đã buộc phải để cả một chương trong quyển sách nhỏ này (chương V) để làm sáng tỏ chính sách đó và để xem xét những gốc rễ lịch sử của nó.
Các tác giả khẳng định rằng trong cuộc chiến tranh trên biên giới phía Bắc Việt Nam, Trung Quốc là kẻ xâm lược và sự xâm lược đó đã được mưu tính công khai từ trước. Các tác giả cũng khẳng định rằng sự đe doạ của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á là một đe doạ “thực sự” chứ không phải chỉ là đe doạ “cảm thấy”. Về thái độ đối với Việt Nam thì các tác giả cho rằng việc Trung Quốc câu kết với Mỹ đầu những năm 1970 đã làm cho Trung Quốc “có một lập trường quyết liệt hơn đối với Hà Nội" và chính sách của Trung Quốc hiện nay là ra sức “làm chảy máu Việt Nam”.


Bằng mắt thấy và tai nghe của mình, các tác giả chứng minh rằng mối quan hệ giữa ba nước Đông Dương là mối quan hệ bình đẳng, tin cậy lẫn nhau, giúp đỡ và hợp tác với nhau, chẳng hề có “không khí chiếm đóng” hoặc hiện tượng “thuộc địa hoá” nào như phương Tây vu khống. Các tác giả bỏ cái mà phương Tây gọi là “Liên bang Đông Dương trong quan hệ giữ ba nước”.


Đối với các nước ASEAN, các tác giả cho rằng các nước này liên kết chặt chẽ với các chính sách của Trung Quốc và của Mỹ chống lại Việt Nam. Đó là một chính sách tỏ ra phản tác dụng, chỉ phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc và của Mỹ chứ không phải cho lợi ích an ninh và ổn định khu vực của ASEAN.


Các tác giả cũng khẳng định rằng chính vì sự yếu kém cả về mặt chính trị lẫn quân sự của Khmer đỏ và các nhóm Khmer phản động khác nên Trung Quốc và các nước ASEAN phải tìm cách kéo chúng vào một liên hiệp và một liên hiệp như vậy tất nhiên là “một liên hiệp của những sự nghiệp nhất định thất bại”.


Một động cơ nữa của các tác giả khi viết quyển sác này là để bác bỏ những luận điệu của những kẻ chiến tranh lạnh mới cho rằng những sự kiện ở Đông Dương sau 1973 đã bào chữa cho sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Đông Dương trước đây và do đó những người chống chiến tranh Đông Dương trước đât, trong đó có các tác giả, phải trả lời về những hành động của mình. Các tác giả cho rằng những người chống chiến tranh Đông Dương trước đây chẳng cần phải trả lời gì cả vì hành động chống chiến tranh của họ trước đây đã đúng, bây giờ vẫn đúng và sau này vẫn tiếp tục đúng nếu chống lại sự can thiệp quân sự vào thế giới thứ ba. Cuộc can thiệp của Mỹ đã tỏ ra là “tai hại không phải chỉ cho lính Mỹ và gia đình của họ, mà còn cho nhân dân Đông Dương. Nó đã gây ra tàn phá và đau khổ không sao kể xiết, nhưng chẳng đạt được gì”.


Tuy nhiên, các tác giả cũng có những hạn chế quan trọng về quan điểm lập trường cũng như về tư duy. Trước hết tuy đã nói rõ trong cuộc xung đột này chân lý thuộc về Việt Nam nhưng các tác giả không thấy được sự biến chất của một số bên khác trong cuộc xung đột hiện nay nhất là sự biến chất hoàn toàn của Khmer đỏ và tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary xem chúng vẫn còn là cộng sản, cho nên đã lấy tên quyển sách là “Chiến tranh giữa những người anh em đỏ”. Chúng tôi thấy tên này không phù hợp với thực chất của thực tế khách quan nên đề nghị lấy một tên khác thay vào. Để tôn trọng ý kiến của các tác giả tuyên bố rằng nhận định của các tác giả đối với Hà Nội trong cuộc xung đột là hợp lý với chân lý hơn là với cách thức đương thời, và chân lý là quan trọng chứ không phải cách thức, chúng tôi đề nghị lấy tên “Chân lý thuộc về ai” đặt cho quyển sách.


Các tác giả không thấy được nguồn gốc sâu xa của các cuộc xung đột là chủ nghĩa bá quyền bành trướng của tập đoàn phản động trong giới cầm quyền Bắc Kinh câu kết với đế quốc Mỹ, mà lại gán cho cái mà các tác giả cho là “các thứ chủ nghĩa dân tộc”. Các tác giả có nói đến nhân tố bên ngoài là Trung Quốc và Mỹ làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột nhưng chưa thấy hết Trung Quốc là người đóng vai trò chủ mưu trong cuộc xung đột trên biên giới Tây Nam của ta, thực hiện cuộc xung đột biên giới phía Bắc, gây tình hình căng thẳng và không ổn định ở khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc hiện nay vẫn là cản trở chính của một giải pháp cho cái gọi là “vấn đề Campuchia và cho việc thực hiện sự ổn định ở Đông Nam Á”.


Với thái độ gạn đục khơi trong, chúng tôi rất trân trọng đối với những quan điểm đúng đắn, những tư liệu quý báu của các tác giả và rất mong các tác giả thông cảm với chúng tôi về những điều mà chúng tôi không thể đồng ý với các tác giả được.


Trên tinh thần như vậy, chúng tôi dịch quyển sách này để giới thiệu với bạn đọc làm tài liệu tham khảo. Chúng tôi có lược đi một số chỗ mà chúng tôi thấy không cần thiết. Chúng tôi rất mong bạn đọc hiểu rõ ý định của chúng tôi khi đọc bản dịch này và khi sử dụng nó trong công tác nghiên cứu của mình.

Rất cảm ơn bạn đọc và rất mong bạn đọc góp ý kiến cho chúng tôi.



                                                                  Hà Nội, ngày 22 tháng 8 năm 1985
                                                                     Người dịch: Nguyễn Tấn Cưu
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Giêng, 2021, 07:47:25 am gửi bởi ptlinh » Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #1 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2007, 07:21:05 am »

Lời nói đầu của tác giả


Sau 30 năm chiến tranh, hoà bình đã trở lại Đông Dương năm 1975. Vì những bên thắng trận ở Đông Dương đều tất cả là cộng sản nên nói chung, người ta cho rằng quan hệ giữa họ với nhau sẽ là quan hệ "anh em" và hoà bình. Nhưng như phần lớn thế giới không ngờ tới, những căng thẳng và rạn nứt đã xuất hiện và sau thắng lợi tình đoàn kết đó đã sụp đổ. Tháng 12 năm 1978 Việt Nam tấn công cùng Campuchia lật đổ chế độ Pol Pot, và Trung Cộng trả lời bằng một cuộc xâm lược Việt Nam tháng 2 năm 1979 để "trừng phạt" Hà Nội. Nước Lào tự thấy bị kẹt vào giữa mối hận thù của các đồng minh của mình. Đó là cuộc chiến tranh Đông Dương lần ba.


Hai ngày sau khi Trung Quốc tiến công vào Việt Nam, tờ thời báo New York viết một xã luận với đầu đề là "anh em đỏ chiến tranh với nhau". Bài xã luận công kích chủ nghĩa cộng sản và bênh vực chủ nghĩa đế quốc tư bản. Bài xã luận khen nước Mỹ là lực lượng "cho hoà bình", cần tự khẳng định" mạnh mẽ hơn nữa trên khắp thế giới. Trong khi đưa ra một sự bào chữa mong manh cho chính cuộc chiến tranh của Mỹ ở Đông Dương, thì thời báo lại cố nhấn mạnh đến sự yếu kém nghiêm trọng của lý thuyết xã hội chủ nghĩa.


Tất cả các chính phủ tham gia các cuộc chiến tranh đều viện ra những động cơ cao nhất của mình cho sự tham gia đó và tất cả các cuộc chiến tranh đều sản sinh ra những câu chuyện hoang đường và những người tạo ra những chuyện hoang đường đó. Phải mất rất nhiều thời gian để gạt bỏ những chuyện hoang đường mà Mỹ đã dùng để chứng minh cho sự can thiệp quân sự của họ ở Việt Nam. Sự can thiệp đó cuối cùng được gọi là “cuộ chiến tranh của các phóng viên” bởi vì các nhà báo phớt lờ các điều giải thích chính thức của Mỹ và tự tìm lấy sự thật. Họ thấy rõ rằng họ đã bị lừa dối và những cuộc điều tra tiếp theo sau đó về cách tiến hành chiến tranh như đã được trình bày trong quyển sách xuất sắc của William Sawcrot, quyển “Sự kiện phụ: Nixon, Kissinger và cuộc tàn phá Campuchia” (1979), đã cho thấy sự tàn bạo và lừa dối của Washington cũng như mức độ rộng lớn của thảm kịch mà Mỹ đã gây ra. Ít có ai sau khi đọc quyền sách của Sawcrot mà còn tán thành sự “tự khẳng định” của Mỹ theo kiểu đó một lần nữa.


Nhưng ngày nay các con em của Mỹ đã trở về gia đình và những thông báo của bộ ngoại giao Mỹ về cuộc tranh chấp hiện nay ở Đông Dương lại được người ta một lần nữa chú ý theo dõi. Cuộc chiến tranh lạnh mới đã thành công trong việc làm sống lại sự phản xạ chống cộng tự nhiên của nhiều nhà bình luận. Họ chỉ việc giũ sạch bụi bặm của những clise cũ về “sự bành trướng của cộng sản” hai thập kỷ trước đây để giải thích việc Việt Nam xâm chiếm Campuchia. Cách nhìn đầy mâu thuẫn và quá đơn giản đó vẫn còn được sự tán thành rộng rãi.


Chính vì đứng trước cách giải thích cuộc chiến tranh Đông Dương thứ ba bằng lý luận chiến tranh lạnh mới đó mà chúng tôi đã viết quyển sách này. Nhưng trong khi viết, chúng tôi không tìm kiếm một sự khẳng định lại những “chân lý cũ” dù cho chúng là của phái tả hay phái hữu. Chúng tôi trước hết muốn giải thích vì sao các nước cộng sản lại đi đến chiến tranh với nhau ở Đông Dương. Điều gì thực sự đã xảy ra ở Đông Dương sau năm 1975?


Khẳng định của những kẻ chiến tranh lạnh mới cho rằng Việt Nam là một cường quốc xâm lược, bành trướng, là sai lầm. Trong quyển sách này chúng tôi vạch ra rằng Hà Nội hoàn toàn không phải là kẻ gây ra cuộc khủng hoảng ở Đông Dương mà chủ yếu Hà Nội chống lại những sức ép không tính được trước từ bên ngoài, đặc biệt là từ chế độ Pol Pot. Tuy vậy, Hà Nội có đủ khả năng để phản ứng rất gay gắt với những sức ép đó. Trong khi cuộc xung đột xảy ra vì những nguyên nhân chủ yếu là khu vực, chúng tôi cũng vạch ra rằng Trung Quốc và Mỹ đã đóng một vai trò quá mức cần thiết trong cuộc xung đột đó. Toàn bộ sự giải thích này có cảm tình với Hà Nội hơn là những kiểu cách đương thời. Nhưng chân lý là quan trọng, còn kiểu cách thì không. Nếu sự phân tích của chúng tôi là đúng đắn, thì phần lớn suy nghĩ hiện nay của phương Tây về Đông Dương là dựa vào những ảo tưởng sai lầm một cách nguy hiểm.


Với cách nhìn của chúng tôi đối với Đông Dương, thì không cần phải nói cũng thấy rằng chúng tôi hết sức chỉ trích chính sách của Trung Quốc trong khu vực này. Màn khói bao trùm sự hiểu sai chính sách đối ngoại của Trung Quốc, cả ở cánh tả lẫn cánh hữu, dày đặc đến mức chúng tôi cảm thấy bắt buộc phải để khá nhiều trang sách làm sáng tỏ tình hình và xem xét các nguồn gốc lịch sử của nó.


Lúc khởi đầu, chúng tôi có ý định viết cả những phát triển chính trị trong nước lẫn những quan hệ quốc tế. Nhưng nếu làm như vậy thì quyển sách khá dồi dào, sẽ dài gấp đôi, vì vậy chúng tôi đã giới hạn vào mối quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, khi viết quyển sách này, chúng tôi thấy rõ rằng các chính sách đối nội và đối ngoại của các nước hình thành một mạng lưới không có ranh giới của nhân và quả. Do đó trong khi tập trung vào chính trị quốc tế, chúng tôi cũng thấy cần thiết nhiều lúc phải đi vào phân tích chính trị trong nước. Điều đó đặc biệt rất đúng đối với nước Campuchia của Pol Pot bởi vì theo cách nhìn của chúng tôi cuộc khủng hoảng ở Campuchia là trung tâm của cuộc chiến tranh Đông Dương thứ ba. Đồng thời, điều đó vẫn đúng, tuy với mức độ thấp hơn, đối với các chính phủ khác.


Sự quan tâm của chúng tôi đối với Đông Dương xuất phát ban đầu từ sự tham gia của chúng tôi vào phong trào chống chiến tranh trong những năm 1960. Những người chiến tranh lạnh mới rêu rao rằng các sự kiện từ năm 1975 rõ ràng bào chữa cho sự can thiệp quân sự của Mỹ và những người tham gia phong trào chống chiến tranh phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Về một ý nghĩa nào đó, chúng tôi đã “chịu trách nhiệm” đối với phong trào bằng việc viết quyển sách này.


Tuy nhiên, với một ý nghĩa quan trọng hơn, chúng tôi thấy chẳng có gì để chịu trách nhiệm cả. Không tránh khỏi có nhiều chuyện ngây thơ và khờ dại đã được nói (và làm) lúc đó, nhưng chống lại cuộc chiến tranh Việt Nam trước kia là điều đúng đắn, cũng như bây giờ vẫn đúng đắn nếu chống lại những vụ can thiệp quân sự tương tự như vậy vào thế giới thứ ba. Theo qua điểm của chúng tôi, chẳng có gì trong các thảm kịch ở Đông Dương từ năm 1975 có thể bào chữa cho sự can thiệp quân sự sai lầm của Mỹ và các đồng minh của họ. Sự can thiệp đó là rất tai hại không chỉ cho những quân nhân bị đẩy vào một cuộc chiến tranh mà họ không hiểu biết gì, và cho gia đình của họ mà còn đối với nhân dân Đông Dương nữa. Sự can thiệp đó đã gây ra sự tàn phá và đau khổ không kể xiết, và đã không đạt được gì cả. Cuối cùng, chúng tôi xin nhắc lại rằng sau chiến tranh thế giới thứ nhất, có một số người tìm cách giải thích các thất bại quân sự của mình bằng việ cho là bị một “nhát đâm sau lưng” và khao khát một cuộc đối chọi khác từ một tư thế của sức mạnh. Chúng tôi hy vọng rằng những kẻ chiến tranh lạnh mới, không nên để phải được nhắc về hậu quả của việc đó.


Chúng tôi đã bắt đầu viết quyển sách này từ cuối năm 1979 và chúng tôi đã thăm Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan trong nhiều tháng. Nhiều người đã khuyến khích và giúp đỡ chúng tôi. Chúng tôi xin cảm ơn tất cả. Nhưng không có ai chịu trách nhiệm về những ý kiến mà chúng tôi bày tỏ. Trên tất cả, đây là quyển sách của chúng tôi.



                                                          Melborne, Australia, tháng 12 năm 1983
                                                                    Grant Evans-Kelvin Rowley
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #2 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2007, 07:23:47 am »

1.Chủ nghĩa dân tộc (quốc gia) sơn đỏ


Hai sự giải thích đã thường được đưa ra ở phương Tây cho cuộc chiến tranh mới ở Đông Dương sau năm 1975. Một sự giải thích đặc biệt là của cánh hữu ở Mỹ, cho rằng đó là do “chủ nghĩa quốc tế” xâm lwojc của những người cộng sản Việt Nam và do sự thất bại của sự can thiệp của Mỹ (giống như Ronald Regan, họ tiếp tục tin rằng cuộc chiến tranh của Mỹ ở Đông Dương là một cuộc chiến tranh “danh dự”). Theo cách nhìn của họ, ngay sau khi chinh phục Nam Việt Nam những người cộng sản liền chuyển sức mạnh của họ vào việc đặt ách nô dịch lên các nước Lào và Campuchia láng giềng. Nước Mỹ, bị tê liệt vì tội lỗi, đã tỏ ra bất lực và chẳng làm được gì để cứu các nạn nhân mới đó.


Ít chuyên gia về Đông Dương đồng ý rằng tình hình lại quá đơn giản như vậy, và để thấy sự giải thích đó đã sai lầm như thế nào chúng tôi sẽ trình bày trong chương 2 nói về chính sách của Việt Nam từ năm 1975, Nhưng trong chương này mục đích cơ bản của chúng tôi là đưa ra một bối cảnh lịch sử phác hoạ những sự kiện cho đến năm 1975. Và chúng tôi sẽ làm việc đó bằng cách tập trung vào sự giải thích thông thường thứ hai, có nhiều ảnh hưởng hơn trong các chuyên gia khu vực và trong các nhà bình luận tự do của phương Tây. Nó giải thích cuộc xung đột mới thông qua sự chiến thắng của chủ nghĩa dân tộc đối với chủ nghĩa quốc tế cộng sản.


Những truyền thống lâu đời hay là sự biến đổi thuộc địa?

Sự giải thích về cuộc xung đột bằng việc lấy những mâu thuẫn đối kháng lịch sử làm cơ sở đã giành được sự chấp nhận rộng rãi của các nhà bình luận thường là bất đồng với các nhà cộng sản. Ví dụ như trong quyển sách "Trước Campuchia năm” (1979) của mình Milton Osborne, một chuyên gia về Campuchia được xem là hoàn toàn tự do đã đặt tên cho chương về quan hệ với Việt Nam là "kẻ thù truyền kiếp". Giống như Pol Pot, Osborne dựa lập luận của mình vào thực tế lịch sử không thể tranh cãi là vương quốc Khmer cũ đã bị cắt xén trong thời cận đại vì sự bành trướng của vương quốc Thái Lan ở phía tây và vương quốc Việt Nam ở phía đông. Rồi anh ta hợp lý hoá chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chống Việt Nam bằng tuyên bố rằng đó là kết quả của chủ nghĩa bành trướng Việt Nam...


Theo Osborne, điều chủ yếu của cuộc xung đột là biên giới Việt Nam-Campuchia nơi gặp nhau của hai thế giới chính trị và văn hoá khác biệt nhau. Trái lại với biên giới Thái Lan-Campuchia thì không phải vậy. Anh ta viết rằng: “Trong quá khứ thì Thái Lan-Campuchia thường xung đột với nhau nhưng không có sự phân biệt căn bản về văn hoá giữa hai nước”. Người Khmer không xem người Thái Lan là "kẻ thù chủng tộc cốt tử và không đội trời chung". Nhưng anh ta lập luận rằng với người Việt Nam người Khmer coi là như vậy. Sự giải thích cho thái độ đó và cho cuộc xung đột là ở chỗ nguồn gốc lâu đời của Campuchia thuộc văn minh Ấn Độ trong khi nguồn gốc của Việt Nam thuộc văn minh Trung Quốc: "Một hố ngăn cách cơ bản và không thể lấp được đã tồn tại giữa người Campuchia và Việt Nam. Nhân dân của mỗi nước thuộc hai nền văn hoá xung đột nhau: người Campuchia thuộc nền văn hoá Ấn Độ và người Việt Nam, nền văn hoá Trung Hoa. Sự khác nhau giữa hai nền văn minh đó đã có những tác động rất thực tiễn. Khi người Việt Nam xâm chiếm lãn thổ Campuchia, họ tìm cách làm việc đó đằng sau những biên giới đã được vạch ra một cách rõ ràng. Còn người Campuchia thì ngay khi hùng mạnh cũng không nghĩ như vậy, người Thái cũng thế. Đối với người Thái và người Campuchia, cả hai thừa hưởng những suy nghĩ của Ấn Độ về cách quản lý nhà nước, thì các biên giới được xem là linh hoạt và dễ thay đổi, và số nhân dân đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước do mới bị chinh phục, không nhất thiết phải bị đồng hoá với người chinh phục".


Cuộc va chạm giữa các quốc gia hiện đại do đó đã được giải thích bằng những khác nhau cổ truyền về văn hoá. Nhưng một nền văn hoá chung đã không hề ngăn chặn được các láng giềng thù địch với nhau, thường thì nó còn đưa lại lý do để sát hại lẫn nhau. Như Khien Thiravit đã nhận xét, mặc dù có nền văn hoá chung, "các vương quốc Xiêm và Khmer thường gây chiến tranh với nhau". Hơn thế nữa, khi dùng chiến tranh chống lại những người cùng tôn giáo với họ, họ “không tôn trọng các quy tắc chiến tranh và không cư xử theo đúng luật lệ của chiến tranh". Và chế độ Pol Pot không thực hiện cách giải quyết các vấn đề biên giới như người ta có thể mong đợi từ một “nước thừa hưởng những mẫu mực của nền văn mình Ấn Độ trong việc quản lý đất nước".


Hơn nữa, những diễn biến của chính trị và chiến tranh trong thời hiện đại không trung hợp một cách đơn giản với những kiểu mẫu lâu dài của sự khác biệt về văn hoá. Ví dụ, tại sao Trung Quốc lại ủng hộ nước Campuchia thuộc nền văn hoá “Ấn Độ” chống lại Việt Nam thuộc nền văn hoá Trung Quốc trong cuộc xung đột năm 1977-1978? Để trả lời câu hỏi này cần phân tích tình hình chính trị hiện đại chứ không phải những nền văn hoá cổ truyền.


Cách lập luận đó thường lấy “cái cổ truyền” làm một loại cứu tinh lịch sử để giải thích mọi thứ mà không cần phải tự giải thích bản thân mình. Tuy nhiên nền văn hoá cổ truyền không phải là sự xuất hiện tự phát của những bản năng chủng tộc bí ẩn mà là sản phẩm của những kinh nghiệm và thể chế lịch sử cụ thể. Nó được duy trì bằng những cố gắng liên tục và nó phục vụ lợi ích của những nhóm cụ thể.


Sự phát triển quan trọng nhất đã hình thành nên Đông Dương thời ấy là quá trình cai trị của chủ nghĩa thực dân châu Âu, chứ không phải sự kế thừa của thời kỳ trước thuộc địa. Chính sự thống trị của thực dân Pháp đã đưa 3 nước Đông Dương là Việt Nam, Lào, Campuchia lại gần với nhau thành một đơn vị chính trị và không hề có tiền lệ của một Liên bang Đông Dương trong các thể chế chính trị cổ truyền của khu vực.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #3 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2007, 07:24:53 am »

Sự phát triển đó đưa lại một biến đổi xã hội lớn ở Đông Dương. Thay đổi lớn nhất là thương mại hoá nền nông nghiệp: dưới sự thống trị của Pháp, đồng bằng sông Cửu Long trở thành nơi xuất gạo lớn. Pháp cũng đổ vốn vào xây dựng các đồn điền, hầm mỏ và đường xe lửa. Theo những thống kê có được, rõ ràng là phát triển kinh tế đã được đẩy nhanh dưới thời người Pháp; nhưng đó là một quá trình rất không cân đối và phúc lợi đã được phân phối một cách rất không công bình. Ít phúc lợi, nếu không nói là không có, đến tay người dân bình thường. Nông dân và những người tá điền Việt Nam là những người nghèo nhất của khắp châu Á, còn giai cấp trung gian buôn bán thì lớn lên trong các đô thị chính, nhất là Sài Gòn. Một giai cấp công nhân cũng xuất hiện tuy còn ít về số lượng và chỉ tập trung ở các đô thị, các đồn điền và các hầm mỏ.


Tác động của chủ nghĩa thực dân Pháp là không đồng đều một cách kỳ lạ. Sự phát triển tập chung chủ yếu ở Việt Nam, đem lại những thay đổi rộng lớn, trong khi đó cơ cấu xã hội và chính trị cổ truyền ở Campuchia vẫn cơ bản còn nguyên vẹn, còn Lào thì bị bỏ đình trệ như một vũng nước ứ đọng của Liên bang với không quá một trăm quan chức Pháp (có hàng chục nghìn ở Việt Nam).


Chủ nghĩa thực dân Pháp đã phá huỷ hệ thống thống trị Khổng giáo cổ truyền ở Việt Nam. Tuy hệ thống thi cử kiểu Khổng giáo còn được Pháp kéo dài cho đến năm 1919 làm con đường đi đến quan trường, người Pháp đã nhanh chóng đưa hệ thống giáo dục kiểu phương Tây của họ vào để đào tạo những quan chức đó chỉ được giao những nhiệm vụ tầm thường, dưới con mắt theo dõi của cấp trên người Pháp của họ.


Người Pháp chiếm Campuchia và Lào vì những lý do chủ yếu là chiến lược. Các nước đó được dùng làm một vật đệm, bảo vệ các tỉnh ven biển có giá trị hơn của Đông Dương thuộc Pháp chống lại các cường quốc thù địch. Người Pháp cũng cạnh tranh với người Anh về con đường từ phía nam đi Trung Quốc mà họ hy vọng giành được bằng sự kiểm soát thung lũng Mê Công. Việc này sẽ không tránh khỏi làm cho họ xung đột với người Thái Lan đang tức giận vì mất ảnh hưởng ở Campuchia và Lào, và vì người Pháp đã giành lại những lãnh thổ mà Thái Lan đã chiếm được trong những thời kỳ trước đây. Nhưng vua Thái cũng bị người Anh gây sức ép mạnh ở phía Tây và ông đã hết sức khéo léo đẩy người Anh chống người Pháp để tránh một sự thôn tính trực tiếp quốc vương của ông ta. Những thành công của nhà vua đưa lại kết quả là tuy phải mất một số lãnh thổ cho cả người Anh lẫn người Pháp nhưng Thái Lan vẫn đứng vững trong suốt thời kỳ thực dân như một quốc gia độc lập. Đó là nước duy nhất trong khu vực, giữ được địa vị như vậy.


Ở Campuchia, đến năm 1945 cơ cấu xã hội và chính trị cổ truyền nói chung còn nguyên vẹn. Quyền sở hữu cá nhân về đất đai đã được thiết lập, và sự thâm nhập buôn bán của Pháp vẫn còn hạn chế; một số đồn điền cao su đã được xây dựng ở phía đông của đất nước, những người Pháp thích dùng lao động Việt Nam cho các đồn điền đó. Vì người Pháp dùng người Việt Nam cho bộ máy cai trị thuộc địa của họ, nên họ chẳng làm gì nhiều để giáo dục người Khmer theo kiểu phương Tây. Kết quả là, khác với Việt Nam, trên thực tế ở Campuchia không có giới trí thức hoặc giai cấp công nhân bản xứ. Cũng tương phản với Việt Nam, nhà vua truyền thống vẫn tồn tại như một tiêu điểm của nền chính trị quốc gia, dưới con mắt thận trọng theo dõi của chế độ bảo hộ Pháp.


Ách thống trị của Pháp thậm chí ít làm tan rã cuộc sống ở Lào hơn là ở Campuchia. Từ khi Lạng Xang tan rã, Lào đã thực sự trở thành một liên bang của những tiểu vương quốc, do các gia đình quý tộc địa phương thống trị. Nhà vua đóng đô lại Luang Phabang, ít có quyền lực thực sự; người Pháp lại đặt thủ đô hành chính của họ ở Vieng Chan. Đời sống của nông dân ít được quan tâm đến. Chỉ một nhúm các nhà quý tộc được người Pháp cho học chút ít. Sự đau đầu chính của người Pháp ở nước Lào thuộc địa là các bộ tộc bướng bỉnh ở vùng rừng núi không chịu sự kiểm soát của các nhà cầm quyền vùng thấp mà Pháp đưa lên. Ở Lào cũng như ở Campuchia dấu hiệu nổi bật của ách thống trị Pháp là sự trì trệ chứ không phải là sự hiện đại hoá.


Ách thống trị của Pháp cũng chấm dứt bá quyền của Trung Quốc đối với các nước Đông Dương. Trước các hành động thôn tín của Pháp, Tự Đức, kẻ thống trị truyền thống cuối cùng của Việt Nam (nói cho đúng hơn của Bắc Kỳ, bộ phận còn lại ở phía Bắc) đã ngày càng quay sang Trung Quốc để ủng hộ. Nhưng khi Tự Đức, theo tiền lệ lâu đời, đã cử một phái đoàn chính thức triều cống Bắc Kinh năm 1880, thì người Pháp lợi dụng cơ hội đó mà xem là một hành động thách thức không tha thứ được và dùng làm cớ để chinh phục Bắc Kỳ. Năm 1885, người Pháp buộc Việt Nam làm lễ nấu chảy ấn tấn phong của các vua Trung Quốc cho các nhà thống trị Việt Nam. Quân Trung Quốc đột nhập vào Bắc Kỳ để phản đối, nhưng đã nhanh chóng bị đánh bại, và năm 1885 Trung Quốc buộc phải ký một hiệp ước đối với Việt Nam. Đó là ví dụ nổi bật của việc chủ nghĩa đế quốc châu Âu đập tan các quan hệ cổ truyền, quy phục Trung Quốc của các quốc gia ở Đông Nam Á.


Quá trình đó cũng đưa lại một kết quả là quyền lực Pháp đã khẳng định các biên giới ở Đông Dương, lần đầu tiên được phân định một cách chính xác và hợp pháp. Các biên giới của Lào và Campuchia với Thái Lan đã được xác định trong nhiều hiệp ước giữa Pháp và Thái Lan từ 1867 đến 1925. Các biên giới giữa Trung Quốc với Việt Nam và Lào đã được vạch ra trong các cuộc thương lượng Trung-Pháp trong những năm 1880 và 1890. Mặt khác các biên giới giữa Lào, Việt Nam và Campuchia đã được quyết định một cách đơn giản như những sự phân chia về mặt hành chính bên trong Đông Dương thuộc Pháp và nhiều lần được điều chỉnh cho phù hợp với công việc hành chính; chỉ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các biên giới đó mới có quy chế của các biên giới quốc tế. Do đó, như là một hậu quả của chế độ thuộc địa, các nước Đông Dương phải nhận những biên giới mà không có ai trong họ là một bên quyết định. Điều này là để chứng minh cho một di sản bùng nổ trong giai đoạn của chủ nghĩa quốc gia thắng lợi.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2007, 01:03:23 pm »

Việt Nam: sự giải phẫu cuộc cách mạng quốc gia


Chủ nghĩa quốc gia đã xuất hiện ở các nước Đông Dương để chống lại ách thống trị thực dân. Phong trào sớm nhất và mạnh nhất là ở Việt Nam. Ở Việt Nam từ lâu đã có ý thức phôi thai về tính chất quốc gia mà có thể xem là chủ nghĩa quốc gia nguyên sinh. Và cũng ở đây tác động cải biến của chủ nghĩa thực dân là lớn nhất. Sự giải phẫu cơ bản nhất của chủ nghĩa quốc gia hiện đại có thể thấy rõ nhất là tại Việt Nam.


Sự chống lại ách thống trị Pháp của Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn diễn biến rõ rệt. Tuy có những diễn biến khác nhau, nhưng có thể thấy một kiểu mẫu tương tự trong nhiều phong trào quốc gia của các nước thuộc địa. Sự chống đối bắt đầu ngay từ khi bị chinh phục, với tư cách là một phong trào của một chế độ nhà vua cổ truyền. Các thành viên của giai cấp thống trị cũ bị tác động ngay và đầy đủ nhất của việc Pháp chinh phục đất nước, bởi vì chính họ chứ không phải người dân thường bị mất mát về chính trị. Nhiều người trong bọn họ đã tìm cách khôi phục quyền lực hoàn toàn của ngai vàng Việt Nam, khẳng định mạnh mẽ trở lại các giá trị của Khổng giáo cổ truyền. Từ những năm 1860 trở đi, các quan lại địa phương tổ chức sự chống đối quân sự ở nhiều nơi trên đất nước. Có lúc, họ thành công trong việc cột chặt hàng chục nghìn quân Pháp, nhưng vào khoảng năm 1895 thì phong trào cơ bản bị đánh bại.


Giai đoạn thứ hai là giai đoạn phương Tây hoá. Ngay từ những năm 1860, một số người thuộc tầng lớp trên của Việt Nam đã bác bỏ một cách có ý thức truyền thống Khổng giáo để theo nền văn minh phương Tây. Xu hướng này đã được củng cố sau thất bại của các nhà cổ truyền, và sau khi một tầng lớp nhà buôn nửa phương Tây hoá phát triển ở các thành phố cảng. Xu hướng đó cuối cùng cũng chứng tỏ ưu thế thực tiễn của nền văn minh châu Âu. Những người Việt Nam có học thức say sưa với nền văn hoá phương Tây tìm kiếm những kiểu mẫu chính trị phương Tây cho tương lai đất nước mình và, ít ra là trước năm 1941, chịu sự giám hộ của phương Tây. Những người theo chủ nghĩa cải lương đưa ra những yêu sách với lời lẽ ôn hoà và tôn kính, và chấp nhận biểu thời gian do người Pháp đưa ra.


Giai đoạn này đã kết thúc với Chiến tranh thế giới thứ nhất. Bên trong châu Âu và cả ở ngoài, chiến tranh thế giới thứ nhất đã đập nát vĩnh viễn lòng tin vào ưu thế của nền văn minh châu Âu, một lòng tin đã từng đưa lại cơ sở trí tuệ và tình cảm của chủ nghĩa đế quốc. Sau chiến tranh, các nhà cải lương thuộc địa chuyển vào những hướng cấp tiến hơn. Ở Việt Nam, ngày càng ít người sẵn sàng theo các biểu thời gian của Pháp.


Cuộc đấu tranh chống ách thống trị Pháp của Việt Nam bước vào giai đoạn thứ ba với sự ra đời của các phong trào quốc gia hiện đại sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Những phong trào này lúc đầu có cơ sở còn nhỏ bé dựa vào sự ủng hộ của các tầng lớp ở thành thị có học thức, và chịu sự ảnh hưởng sâu sắc ở các sự kiện bên ngoài Việt Nam, không chỉ chiến tranh thế giới thứ nhất, mà còn cả các cuộc cách mạng Trung Quốc (1910)1 (Đúng ra là năm 1911-BT) và Nga (1917). Đặc biệt là cách mạng Nga đã chỉ ra một con đường tiến lên cho những ai muốn đạt tới công cuộc hiện đại hoá đất nước, nhưng chống lại chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Vào những năm 1930, hai nhóm chính tranh giành sự lãnh đạo của phong trào quốc gia Việt Nam là Việt Nam Quốc dân đảng, theo khuôn mẫu Quốc dân đảng ở Trung Quốc của Tưởng Giới Thạch và Đảng Cộn sản Đông Dương được cụ Hồ Chí Minh lãnh đạo và lấy Liên Xô làm kiểu mẫu chính trị của mình.


Giai đoạn thứ ba có thể gọi là giai đoạn “chủ nghĩa quốc gia thượng lưu”… Những cố gắng của các nhóm thượng lưu nhằm ép người Pháp ban cho độc lập bằng những biện pháp tuyên truyền và thuyết phục đã thất bại thảm hại và vào cuối những năm 1920 nhiều người đã bị bỏ tù. Khi biện pháo thuyết phục thất bại, các nhà quốc gia đó thử dùng sức mạnh, đặc biệt Quốc dân đảng Việt Nam tỏ ra là những môn đồ của chiến thuật khủng bố. Nhưng do các nhóm quốc gia còn nhỏ và bị cô lập về chính trị nên bị cảnh sát đàn áp một cách dễ dàng. Chủ nghĩa quốc gia thượng lưu Việt Nam, ngay lúc mạnh nhất, cũng không gây ra được một sự đe doạ nào đáng kể cho ách thống trị của Pháp ở Đông Dương.


Trước tính chất không khoan nhượng của người Pháp, con đường duy nhất các nhà quốc gia có thể dùng để đánh bại họ là tập hợp rộng rãi sự ủng hộ của nhân dân. Ở đây cũng vậy, chính kinh nghiệm của châu Âu đưa lại kiểu mẫu cho những ai muốn lật ách thống trị của châu Âu. Thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở châu Âu xuất hiện các phong trào chính trị quần chúng và sự dân chủ hoá đời sống chính trị. Trước đây, những ý kiến duy nhất được tính đến trong nền chính trị là những ý kiến của những nhóm khác nhau của các giai cấp cầm quyền, nhưng bây giờ thì những nhóm khác nhau của các quan điểm và lợi ích của dân thường gồm nông dân, các giai cấp lao động và trung gian cũng phải được tính đến. Nền dân chủ tự do, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít, tất cả đều xuất hiện ở châu Âu như những phản ứng khác nhau dối với việc người dân bình thường đi vào sân khấu chính trị, và tuy có nhiều khác biệt, những phong trào đó đều nhằm vào một sự việc có tầm quan trọng trung tâm, đó là việc cho rằng thắng lợi trên vũ đài mới của nền chính trị quần chúng phụ thuộc vào việc xây dựng một tổ chức đảng có hiệu lực, truyền bá một hệ tư tưởng hấp dẫn với quần chúng. Thời đại của nền chính trị quần chúng là thời đại của nền chính trị đảng và hệ tư tưởng, và điều này đã tỏ ra là đúng ở các thuộc địa cũng như ở chính châu Âu.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #5 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2007, 01:04:13 pm »

Do đó giai đoạn thứ tư trong sự phát triển của chủ nghĩa quốc gia ở Việt Nam là giai đoạn chuyển tiếp từ chủ nghĩa quốc gia thượng lựu sang “chủ nghĩa quốc gia quần chúng". Đó là giai đoạn xây dựng đảng và động viên quần chúng chống lại ách thống trị thuộc địa, xảy ra trong những năm 1930 và 1940, với bối cảnh là cuộc đại khủng hoảng và cuộc chiến tranh thế giới hai. Nó cũng chứng kiến sự phát triển của một cuộc đấu tranh giữa những người cộng sản và những người không cộng nhằm giành lòng chung thành của dân thường.


Những người chống cộng giành được một số ủng hộ đáng kể trong giai cấp buôn bán ở các thành phố cảng, đặc biệt ở Sài Gòn và trong các địa chủ kiêm nghề buôn bán đang khống chế nền kinh tế nông thôn của Nam Kỳ, liên kết chặt chẽ với các tập đoàn buôn bán ở Sài Gòn. Trong khi họ đã thành công trong việc lôi kéo nhiều người Việt Nam tầm cỡ vào hàng ngũ họ, nhưng đảng của họ vẫn chủ yếu là một đảng bảo thủ của thiểu số giàu sang. Thất bại lớn của họ là họ ít tranh thủ được sự ủng hộ của nông dân, giai cấp lớn nhất trong xã hội Việt Nam. Vì thế, không phải không có lý khi mô tả những nhóm đó là “những nhà quốc gia tư sản”.


Cùng với một cơ sở xã hội còn nhỏ bé, họ cũng không có một hệ tư tưởng chặt chẽ và một kỷ luật về tổ chức cần thiết cho mọi thắng lợi trong nền chính trị quần chúng hiện đại. Những quan điểm của các nhà quốc gia tư sản đó bao gồm từ dân chủ tự do cho đến chủ nghĩa phát xít công khai, phần đông mong muốn Pháp ra đi, hoặc ít ra giao quyền lực lại cho họ, nhưng ngoài điều đó, họ cơ bản mong muốn thay đổi nguyên trạng càng ít càng tốt. Ngay lập trường chống Pháp của họ cũng bị thay đổi khi sự xung đột với những người cộng sản tăng lên, và vào những năm 1950, nhiều người trong số họ quay sang người Pháp để tìm sự bảo vệ chống lại những người cộng sản, trong khi đó thì người Pháp lại xem họ là một sự thay thế ôn hoà, tương đắc cho chủ nghĩa cộng sản. Nhưng sự nhích lại gần với Pháp vào giữa cuộc chiến tranh giành độc lập đó chỉ làm giảm thêm sự tín nhiệm đối với lòng yêu nước đã bị nghi ngờ của những nhà quốc gia tư sản. Họ cũng chịu tổn thất vì óc bè phái lâu đời và vì không có khả năng xây dựng được một tổ chức chính trị vững chắc có gốc rễ sâu xa. Nhìn chung lại, họ không vượt quá giới hạn được giới hạn của một nền chính trị tài tử của chủ nghĩa quốc gia thượng lưu những năm 1920.


Nhưng những đối thủ cộng sản của họ, đã làm tốt sự chuyển tiếp đó. Họ thành công trong việc xây dựng và duy trì một cơ cấu tổ chức có kỷ luật gồm các chi bộ và các ngành, gắn liền một cách có hiệu quả các đảng viên cơ sở ở các xã và xí nghiệp với ban lãnh đạo toàn quốc của Đảng. Họ cũng có lợi thế vì có một lãnh tụ với những khả năng cá nhân xuất sắc, đó là cụ Hồ Chí Minh. Và khác với một quốc gia Khổng giáo cổ truyền, tổ chức cộng sản thâm nhập sâu vào các cấp thấp nhất của cơ cấu xã hội. Trong một quốc gia mà phong trào này xây dựng nên, một chính phủ tập quyền cao độ sẽ được nối liền với một tổ chức cơ sở vững mạnh bằng một bộ máy đảng có kỷ luật chặt chẽ.


Những người cộng sản đã thành công lớn trong việc động viên sự ủng hộ của giai cấp lao động. Nhưng giai cấp công nhân công nghiệp còn lại là một nhóm thiểu số trong xã hội Việt Nam: và người cộng sản đã giành được thắng lợi then chốt nơi mà các nhà quốc gia thượng lượng đã thất bại ở nông thôn. Bằng việc khai thác những mối bất bình ở nông thôn như chế độ địa chủ, việc cho vay nặng lãi, những tệ tham nhũng, lạm quyền của các quan chức địa phương, họ đã thành công trong việc tranh thủ một số người ủng hộ trong hàng ngũ nông dân ở nhiều khu vực của nông thôn Việt Nam. Trong nhiều vùng khác, nếu không được ủng hộ, họ cũng ít nhất được kính nể. Trong khi giai cấp công nhân đô thị vẫn đóng một vai trò nhất định, nhưng cuộc cách mạng cộng sản ở Việt Nam cơ bản là một cuộc nổi dậy của nông thôn do những nhà trí thức thuộc các tầng lớp trung gian (và thậm chí giai cấp quý tộc) tổ chức.


Trong đầu những năm 1930, phong trào cộng sản đã bị phá hoại vì sự đàn áp của cảnh sát, và chính vai trò lãnh đạo của họ trong việc chống lại sự chiếm đóng của Nhật Bản ở Đông Dương trong chiến tranh thế giới thứ hai đã đưa họ lên hàng đầu của phong trào quốc gia. Một kiểu mẫu tương tự như vậy có thể được phát hiện trong một số các nước châu Âu dưới sự chiếm đóng phát xít và đó là lúc mà phong trào cộng sản quốc tế phát triển nhanh nhất trong lịch sử. Tháng 5 năm 1941, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập Mặt trận “Việt Nam độc lập Đồng minh”, thường gọi là Việt Minh, mà mục tiêu là độc lập của Việt Nam, và phát động một cuộc đấu tranh vũ trang chống lại Nhật Bản. Nói một cách khác, mặt trận nhằm vào việc đuổi cả người Pháp lẫn người Nhật Bản. Với tư cách là một lực lượng chống Nhật Bản có hiệu quả lớn nhất ở Đông Dương trong chiến tranh thế giới, Việt Minh đã tìm cách thu hút sự ủng hộ không những của các nhà quốc gia Việt Nam mà còn của các lực lượng Pháp tự do và thậm chí Tổ chức phục vụ chiến lược của Mỹ là tổ chức đã có lúc cung cấp vũ khí cho các lực lượng của cụ Hồ Chí Minh.


Khi người Nhật Bản đầu hàng tháng 8 năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội và tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhà vua bù nhìn do người Pháp giữ lại là Bảo Đại, đã đồng ý thoái vị. Tuy nhiên, người Pháp không chịu chấp nhận việc mất Đông Dương. Họ trở lại bằng vũ lực năm 1946, và cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất bắt đầu. Người Pháp nhằm vào việc giành lại tất cả Đông Dương, và tìm cách tập hợp các lực lượng chống cộng ở Campuchia cũng như ở Việt Nam cho mưu đồ của họ. Cuộc chiến tranh giữa người Pháp và Việt Minh như vậy đã lan ra toàn Đông Dương cho đến khi người Pháp bị thua ở Điện Biên Phủ tháng 5 năm 1954.


Người Pháp không đơn độc trong cuộc chống lại phong trào quốc gia do cộng sản lãnh đạo ở Đông Dương. Trong lúc có nhiều người Việt Nam ủng hộ Việt Minh, thì cũng có nhiều người hết sức sợ họ. Như vậy những người theo chủ nghãi quân chủ cổ truyền còn lại, nhiều nhà quốc gia tư sản và phần đông những người theo đạo thiên chúa tập hợp quanh chính phủ Bảo Đại do người Pháp đỡ đầu.


Người Pháp còn có một đồng minh khác là nước Mỹ. Do hoảng sợ trước sự lan rộng của ảnh hưởng cộng sản ở châu Á, Mỹ đã chuyển sang chống lại Việt Minh. Ngay sau khi nổ ra cuộc chiến tranh ở Triều Tiên năm 1958 (đúng ra là 1950-ND), Mỹ bắt đầu cung cấp viện trợ quân sự quy mô lớn cho các lực lượng Pháp ở Đông Dương, và từ đó cho đến năm 1954, ngân khố Mỹ trả 80 phần trăm chi tiêu cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương.


Trận Điện Biên Phủ xảy ra đêm trước của một cuộc hội nghị quốc tế lớn ở Geneva để giải quyết cuộc khủng hoảng Đông Dương và Triều Tiên. Tất cả các cường quốc lớn, kể cả Mỹ và Trung Cộng đã tham dự. Phái đoàn Việt Minh, do ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu, đáng ra phải được hưởng kết quả của chiến thắng, nhưng bị thuyết phục chấp nhận một thoả hiệp. Thay cho việc quyền lực của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được chấp nhận trên toàn cõi Việt Nam, Việt Minh đã chấp nhận vĩ tuyến 17 như một đường ranh giới tạm thời, lực lượng của Việt Nam tập kết ra miền Bắc và các lực lượng thân Mỹ vào miền Nam. Bầu cử sẽ được tổ chức trong vòng hai năm để quyết định tương lai của đất nước. Nhưng bầu cử không bao giờ được thực hiện; sự thống nhất của Việt Nam đã bị trì hoãn hai mươi năm và chỉ đạt được bằng chiến tranh.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #6 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2007, 01:05:03 pm »

Cuộc chiến tranh Đông Dương thứ hai


Nguồn gốc tính chất của cuộc chiến tranh Đông Dương thứ hai đã bị hiểu một cách sai lạc. Chắc chắn không phải như chính phủ Mỹ rêu rao trong những năm 1960 rằng cuộc chiến tranh đó là một cuộc tiến công từ bên ngoài của các lực lượng cộng sản chống lại "Quốc gia độc lập Nam Việt Nam" đã được hội nghị Gieneve thiết lập, bởi vì không có quốc gia nào như vậy đã được thiết lập ở Geneva. Mặc dù họ đã rút các lực lượng của mình ra khỏi vĩ tuyến 17, nhưng Việt Minh đã từng là một phong trào thực sự trên cả nước và nhiều cán bộ dân sự và những người ủng hộ họ còn lại ở miền Nam.


Từ năm 1954 đến 1959, giới lãnh đạo Hà Nội trông vào các biện pháp thống nhất một cách hoà bình, nhưng bị chính phủ ở Sài Gòn bác bỏ. Việc đó đã đưa đến tình trạng căng thẳng trong các cán bộ cộng sản ở miền nam, đang bị một chiến dịch đàn áp của chế độ Sài Gòn và rất muốn chuyển sang chính sách chống lại bằng vũ trang. Năm 1959 giới lãnh đạo Hà Nội quyết định ủng hộ cuộc đấu tranh vũ trang ở miền Nam. Tại Đại hội Đảng Lao động Việt Nam lần thứ ba năm 1960, một số cán bộ miền Nam đã được đưa vào địa vị lãnh đạo. Trong số đó có ông Lê Duẩn, người đã thúc đẩy một sự thay đổi về chiến thuật từ năm 1957 đối với miền Nam. Ông ta đã được bầu vào địa vị quyết định là Tổng bí thư của Đảng.


Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã được thành lập tháng 12 năm 1960 để lãnh đạo cuộc đấu tranh. Là một tổ chức mặt trận nhân dân dựa theo kiểu mẫu của mặt trận Việt Minh, mặt trận dân tộc giải phóng được các độc giả phương Tây quen gọi là Việt Cộng. Từ lúc này trở đi, cuộc chiến tranh ở miền Nam nhanh chóng leo thang thành một cuộc chiến tranh với quy mô đầy đủ.


Việc thành lập một quốc gia riêng rẽ ở miền Nam chủ yếu là một chiến lược của Mỹ nhằm ngăn cản những người cộng sản củng cố những thắng lợi mà họ đã giành được trên chiến trường Điện Biên Phủ và tại bàn thương lượng ở Geneva. Thừa nhận rằng Bảo Đại là một nhân vật mất tín nhiệm, người Mỹ đã trút hết trọng lượng của mình lên Ngô Đình Diệm, thủ tướng cuối cùng của Bảo Đại. Là người bảo thủ nguồn gốc Khổng giáo theo Thiên chúa, Diệm là người thượng lưu với những đức tin rất độc đoán. Ông ta ghét sự lộn xộn của nền dân chủ tự do và bác bỏ về nguyên tắc ý kiến một chính phủ chỉ dựa vào "chỉ số lượng". Ông ta nói vui với Bernard Fall rằng:"Xã hội cần hoạt động thông qua các quan hệ cá nhân giữa các nhân vật ở chóp bu". Đó không phải là con người để lãnh đạo thành công chủ nghĩa quốc gia tư sản đi vào thời đại của nền chính trị quần chúng.


Lúc đầu, Diệm đã có những thành công đáng ngạc nhiên. Trong hai năm đầu Diệm đã đập tan các phái Cao Đài và Hoà Hảo, là những phái đã kiểm soát phần lớn Sài Gòn và nông thôn miền Nam. Rồi ông ta chuyển sa ng nhiệm vụ khó khăn hơn nhằm trừ diệt hạ tầng cơ sở của Việt Minh. Để làm được việc này, ông ta đã dựa vào những biện pháp trắng trợn của một nhà nước cảnh sát mà vì thế, ông ta bị các nhà tự do phương Tây chỉ trích. Nhưng khó khăn thực sự của Diệm không phải việc ông ta dựa vào những biện pháp độc tài mà sự thật là chính chế độ độc tài của ông có một cơ sở ủng hộ hết sức mong manh. Đó là chế độ độc tài của tín đồ đạo Thiên chúa đè lên số dân mà đa số tuyệt đối là theo đạo phật. Nhiều tín đồ đạo Thiên chúa lại là những người di cư thân Pháp từ miền Bắc vào. Ngay bên trong cộng đồng Thiên chúa, quyền lực lại tập chung vào một vài gia đình. Còn quan trọng hơn là việc chế độ đó đã bắt đầu và tiếp tục được duy trì bằng cách dựa vào cơ sở đô thị, gắn chặt với các tập đoàn buôn bán ở Sài Gòn. Thời gian càng trôi đi, và phần lớn nông thôn rơi vào tay Mặt trận dân tộc giải phóng, thì chế độ đó trở thành ngày càng phục thuộc vào sự ủng hộ kinh tế, chính trị và quân sự từ bên ngoài.


Người Mỹ bị kẹp vào một thế tới lui đều khó ở Việt Nam trong đầu những năm 1960. Sự có mặt của họ lộ liễu hơn của người Pháp trước kia, và cộng sản đã khai thác một cách đích đáng tình hình đó để mô tả Diệm như một “bù nhìn” của chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Nếu Mỹ đưa sự dính líu của họ tiến sâu hơn nữa thì họ sẽ làm mất lòng tin về việc lấy chủ nghĩa quốc gia thay cho chủ nghĩa cộng sản. Nhưng khi được thả lỏng dây cương thì Diệm theo đuổi những chính sách dựa vào những lợi ích hẹp hòi đến mức làm mất sự ủng hộ của nhân dân và đẩy họ vào phe cộng sản. Sau một đợt biểu tình của đạo Phật chống lại chế độ của ông ta Diệm đã bị sát hại trong một cuộc đảo chính quân sự năm 1963. Và các chế độ quân sự tiếp theo ở Sài Gòn đã không bao giờ có khả năng vượt được di sản do Diệm để lại.


Sự sấu đi nhanh chóng của tình hình quân sự ở Nam Việt Nam sau khi Diệm chết, đã đưa đến sự leo thang dính líu của Mỹ. Cuộc leo thang đó đã gây ra tàn phá rộng lớn ở cả Bắc lẫn Nam Việt Nam, nhưng chẳng làm được gì để giải quyết các vấn đề chính trị cơ bản của chế độ Sài Gòn. Sự phụ thuộc nặng nề vào Mỹ đã làm mất lòng tin vào chủ nghĩa quốc gia và dòng thác đôla đổ vào đã gây ra tham nhũng rộng khắp làm mất tinh thần những người ủng hộ chính phủ. Việc nổi lên của những nhà “triệu phú PX” (PX-trạm bán hàng hoá cho quân đội Mỹ-ND) đã biến cuộc chiến tranh thành một xí nghiệp tự phục vụ cho những người giàu sang ở Sài Gòn. Kết quả là nhiều người tuy ghét cộng sản nhưng không muốn chiến đấu cho chế độ miền Nam, khi giờ quyết định đến.


Và, tất nhiên, giờ quyết định đã đến trong đầu những năm 1970. Ảo tưởng rằng sức mạnh quân sự Mỹ sẽ đập nát những người cộng sản và đưa đến một thắng lợi nhanh chóng và dễ dàng, đã bị cuộc tấn công Tết 1968 đánh tan. Sau đó người Mỹ bắt đầu thương lượng nghiêm chỉnh cho một cuộc rút quân. Sau khi làm cho đồng minh Nam Việt Nam của mình giảm lòng tin vào chủ nghĩa quốc gia bằng sự can thiệp ào ạt, người Mỹ bây giờ đặt mọi thứ vào chính sách “Việt Nam hoá” cuộc chiến tranh. Sự có mặt của Mỹ đã được dần dần giảm bớt và một cuộc rút quân hoàn toàn đã được thoả thuận vào năm 1973 thông qua một hiệp định mà Washington thì hoan nghênh là “hoà bình danh dự” còn Sài Gòn thì cho là “phản bội”. Một khi người Mỹ đã rút đi, cuộc ngừng bắn ở Nam Việt Nam đã sụp đổ hầu như tức khắc, và đầu năm 1975 toàn bộ cơ cấu chính trị quân sự của chế độ Sài Gòn đã bị san bằng với một tốc độ và sự trọn vẹn đến mức ngay cả những người cộng sản cũng không ngờ đến. Chủ yếu là các nhà quốc gia tư sản của Sài Gòn không đủ khả năng tiến quá nền chính trị thượng lưu của những năm 1920. Năm 1975 cuối cùng họ bị tràn ngập trong chủ nghĩa quốc gia quần chúng do Việt Minh rèn luyện trong những năm 1940.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #7 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2007, 05:15:30 pm »

Campuchia: Những gốc rễ của chủ nghĩa cộng sản chinh chiến

Ở Việt Nam, sự phát triển của phong trào quốc gia hiện đại để chống lại chủ nghĩa thực dân có thể thấy được trong một hình thức tương đối “nguyên chất”. Nó đã xảy ra trong một thời gian dài và tuy có gối lên nhau trong một mức độ nhất định, các giai đoạn khác nhau tách ra một cách rõ ràng về mặt thứ tự thời gian. Ở Campuchia và Lào, tác động của chủ nghĩa thực dân nhẹ hơn, và chủ nghĩa quốc gia hiện đại phát triển chậm hơn. Trong quá trình phát triển, nó bị ảnh hưởng mạnh mẽ vì những sự kiện ở Việt Nam, và các giai đoạn khác nhau của quá trình đó “lồng vào nhau” một cách khó phân biệt.


Ở Campuchia, người Pháp sẵn sàng tuyên bố chế độ bảo hộ đối với ngai vàng, thiết lập một chính quyền thuộc địa và sau đó thì để cho đất nước tương đối không bị quấy rầy gì. Cho đến cuối những năm 1930 mới có những khuấy động đầu tiên của chủ nghĩa quốc gia ở Campuchia. Đến lúc đó, đời sống chính trị của đất nước còn tập trung vào hoàng gia, và diễn biến chung quanh mưu đồ của triều đình ở Phnôm Pênh. Do những quan hệ chặt chẽ giữa nền quân chủ và người Pháp, cho nên những người quốc gia đầu tiên nhất thiết cũng phải chống nền quân chủ. Nhưng họ ít được ủng hộ. Khi người Nhật Bản quyết định đưa một người quốc gia là Sơn Ngọc Thành lên nắm quyền ở Phnôm Pênh, thì nhà vua trẻ Norodom Sihanouk đã dễ dàng gạt bỏ ông ta, với sự giúp đỡ của những người Pháp vừa trở lại. Sihanouk khẳng dịnh rằng, trái với hy vọng của Thành, nhân dân Campuchia sẵn sàng cho nền độc lập.


Khi cuộc chiến tranh giữa Việt Minh và người Pháp tăng lên thì sự rối loạn tất nhiên lan sang các tỉnh Campuchia. Thông qua Sihanouk, người Pháp tuyển mộ người Khmer để đánh lại Việt Minh; và Việt Minh đã khuyến khích các người quốc gia chống Pháp ở Campuchia. Chẳng bao lâu sau đó các nhóm của Khmer Itxarac (“Người Khmer độc lập”) xuất hiện và tiến hành chiến tranh du kích chống lại người Pháp và Sihanouk. Một cánh của phong trào Itxarac do Sơn Ngọc Minh lãnh đạo, vẫn tiếp tục thân Việt Nam một cách mạnh mẽ, nhưng cánh kia, do Sơn Ngọc Thành lãnh đạo ngày càng quay sang chống Việt Minh cũng như Sihanouk. Lúc đầu các nhóm Itxarac còn nhỏ và dễ bị kiềm chế. Nhưng khi tình hình quân sự chuyển sang có lợi cho Việt Minh thì những Đồng minh Itxarac của họ lớn lên nhanh chóng và trở thành một đe doạ nghiêm trọng đối với địa vị của Sihanouk. Vào đầu những năm 1950, có lẽ họ có hơn 5000 quân tại ngũ và với sự ủng hộ của Việt Minh, đã kiểm soát những vùng rộng lớn của nông thôn.


Lúc đó Sihanouk tiến hành một cuộc đảo ngược đột ngột để tách mình ra khỏi ngôi sao đang rơi của quyền lực Pháp và làm hẫng chân những đối thủ quốc gia của mình. Tuy trước kia là một người chống lại nền độc lập của Campuchia, nhưng từ năm 1953, ông ta tự đưa mình ra như là một chiến sĩ của một "thập tự chinh giành độc lập". Sau một thời gian người Pháp thấy rằng sử dụng Sihanouk là thích hợp hơn là Itxarac và vội vàng trao độc lập lại cho chính phủ của ông ta. Sau đó, đánh nhau vẫn tiếp tục ở Campuchia, và năm 1954 hội nghị Geneva thừa nhận chính phủ của Sihanouk. Ixarac không được thừa nhận.


Sihanuok nổi lên như là người giành được nền độc lập cho Campuchia từ tay người Pháp và (khác với Bảo Đại ở Việt Nam) ông ta đã thành công trong việc hướng chủ nghĩa quốc gia vào việc bảo vệ ngai vàng và hệ thống chính trị cổ truyền. Sau Geneve, Sihanouk ra sức tô điểm cho nền quân chủ cổ truyền của ông ta với mũi mãng cân đai của chủ nghĩa quốc gia quần chúng, và ông ta đã thiết lập lại một sự độc quyền đối với đời sống chính trị của Campuchia. Mặc dù ông ta chính thức từ bỏ ngai vàng, thành lập chính đảng riêng của mình, Xangcum, và bắt đầu đưa ra từ ngữ hư ảo về “chủ nghĩa xã hội hoàng gia” và về “cộng đồng nhân dân", nhưng sự thống trị của ông ta vẫn còn dựa vào những giá trị cổ truyền. Ông ta vẫn còn được tôn kính như một nhân vật thiêng liêng và, không lấy gì làm lạ, ông ta tập trung vào việc duy trì vai trò chính trị cổ truyền của đạo Phật Terevada chứ không phải xây dựng một bộ máy nhà nước có hiệu quả. Lòng trung thành cá nhân với nhà thống trị là điều tối cao phải xét đến, và cảnh sát bí mật của Sihanouk đối phó nhanh chóng với bất cứ điều gì mà ông ta coi như một sự “xúc phạm” đến bản thân nhà vua.


Sự liên tục của những thể chế chính trị và tôn giáo của nền quân chủ cổ truyền đã nối nước Campuchia trước và sau giai đoạn thuộc địa lại với nhau, và sau khi người Pháp rút lui, Sihanouk giải thích tình hình chính trị khu vực bằng những sự tranh chấp giữa những vinh quang của Angko và tình trạng buồn bã mà Campuchia đã rơi vào trong thời hiện đại. Ông ta giải thích điều đó không phải bằng những yếu kém của xã hội kinh tế và chính trị của vương quốc Khmer mà bằng vị trí địa lý và những mưu đồ xấu xa của những kẻ thù. Ông ta lấy các vụ tranh chấp biên giới với Thái Lan và Nam Việt Nam làm bằng chứng cho sự phân tích đó.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #8 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2007, 05:16:39 pm »

Ngay sau hội nghị Geneva, Sihanouk ve vãn ý nghĩ tự đứng về phía phương Tây. Nhưng làm như vậy có nghĩa là tham gia vào tổ chức hiệp ước Đông Nam Á (SEATO). Ông ta sợ rằng làm như vậy sẽ làm cho Campuchia lệ thuộc vào các láng riềng lớn mạnh hơn đang có tham vọng về lãnh thổ Campuchia, tức Nam Việt Nam và Thái Lan. Nước Mỹ sẵn sàng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Campuchia chống lại các lực lượng cộng sản chứ không phải các chế độ cách hữu. Mặt khác, Sihanouk lại thấy rằng khối cộng sản sẵn sàng bảo đảm với ông ta một cách không úp mở về điều đó, đặc biệt là Trung Cộng ủng hộ chính phủ ông ta. Do đó Sihanouk chọn một chính sách trung lập, và nhận ra rằng trong khi Mỹ không sẵn sàng tha thứ cho một chính sách như vậy, nhất là dưới ánh sáng của sự cam kết ngày càng tăng của nó vào Nam Việt Nam, thì chính sách đó được các nước cộng sản hoan nghênh. Vì vậy Sihanouk tự thấy bị đẩy vào một hướng “thân cộng sản” trong chính sách đối ngoại của ông ta, tuy rằng ông ta sợ và ghét chủ nghĩa cộng sản.


Tình hình này, kết hợp với bề ngoài dựa vào nhân dân, đã đưa lại khá nhiều sự mơ hồ về tính chất cơ bản của chế độ Sihanouk. Mục tiêu chính của Sihanouk là duy trì lâu dài chế độ quân chủ đã thống trị đất nước hàng thế kỷ và duy trì các lực lượng xã hội, kinh tế và tư tưởng để làm cơ sở cho chế độ đó. Thấy rõ được những nguy hiểm của sự lạc hậu, ông ta phát triển một hệ thống giáo dục hiện đại, tìm kiếm viện trợ nước ngoài để thúc đẩy việc đô thị hoá và tăng trưởng thương mại. Việc làm đó ảnh hương rất ít đến khu vực nông thôn vẫn còn là một trong những khu vực lạc hậu nhất trong toàn Đông Nam Á, nhưng nó đã đưa đến sự phát triển giai cấp trung gian ở Phnôm Pênh và sự xuất hiện các nhóm quốc gia hiện đại mà chẳng bao lâu sau đã phân hoá thành phái tả và phái hữu.


Việc phân tích nền chính trị của Campuchia luôn luôn bị lẫn lộn một cách rất đáng tiếc vì quan điểm rộng rãi cho rằng Sihanouk đã và (và vẫn còn là) một nhân vật “mê hoặc kỳ diệu”. Đó là một điều vô nghĩa: cơ sở của việc quần chúng ủng hộ ông ta không phải là sức hút của một loại nam châm cá nhân nào mà là do sức mạnh của các thể chế hoàng tộc trong một xã hội chủ yếu là đạo Phật Terevada cổ truyền. Suhanouk bám vào lý tưởng về một nhà chuyên chế nhân đức được nông dân tôn sùng (ông ta thường gọi nông dân là “các con của tôi”). Những quan lại, những nhà kinh doanh, những tướng lĩnh và nhà chính trị luôn luôn gây cho ông ta sự nghi ngờ; họ đại diện cho “lợi ích bất di bất dịch” của họ chứ không phải cho “nhân dân". Sihanouk chấp nhận sự tồn tại của họ, nhưng ông ta không bỏ lỡ cơ hội nào để hạn chế ảnh hưởng của họ trong nền chính trị Campuchia.


Để hiểu đầy đủ nền thống trị của Sihanouk, có lẽ sẽ có ích nếu ta só ánh nó với triều đại của vua Chulalongcon ở Thái Lan (1868-1910). Chulalongcon đã căn bản thành công trong việc thực hiện một “cuộc cách mạng từ bên trên”. Ông ta đã biến một chế độ cha truyền con nối cổ truyền, chủ yếu là giống chế độ Sihanouk, thành một nhà nước quan liêu tập quyền, lấy chính quỳen thuộc địa của Anh ở Miến Điện làm kiểu mẫu. Tất nhiên sự cải tiến đó không có chút nào là hoàn toàn cả và ngay cả ngày nay, chế độ quan liệu của Thái Lan vẫn còn đầy rẫy tính chất gia trưởng của thời cũ, nhưng điều này không được làm lu mờ thực tế quan trọng của sự chuyển biến mà nhà vua đã đưa lại.


Chulalongcon cũng tích cực thúc đẩy thương mại và phát triển tư bản trong vương quốc của ông ta. Cuối cùng việc hiện đại hoá nhà nước và xã hội ở Thái Lan tỏ ra không đi đôi với chế độ cha truyền con nối đã khởi xướng ra sự hiện đại hoá đó. Chính quyền chuyên chế của nền quân chủ đã bị phá huỷ trong cuộc cách mạng năm 1932. Cuộc cách mạng này đã đưa lại cho các nhóm quân sự, quan liêu và kinh doanh ở Bangkok một tiếng nói mạnh trong chính phủ, còn nền quân chủ với quyền lực giảm đi nhiều, vẫn còn được duy trì để sáp nhập giới nông dân cổ truyền vào hệ thống chính trị mới. Sự sắp xếp này tỏ ra khá lâu bền để vượt qua được tất cả các cuộc nổi dậy về sau trong khu vực.


Nhưng Sihanouk không đưa lại bất kỳ một cuộc “cách mạng từ bên trên” nào như vậy ở Campuchia. Sau năm 1954, ông ta tiếp tục đối sử với các nhà chính tri tư sản mới ở Phnôm Pênh cùng với các phương pháp mà các vua chúa chuyên chế thường dùng để đối xử với các âm mưu trong triều đình, nghĩa là sự kết hợp khéo léo giữa chế độ gia trưởng, sự thao túng, do thám và đàn áp. Lúc đầu ông ta bao dung phái hữu, khủng bố phái tả; rồi năm 1963, khi nghĩ rằng phái hữu đã phát triển mạnh lên, ông ta quay lại phái tả; và đến năm 1966, ngay vào lúc phái tả tỏ ra củng cố được vị trí của mình thì ông ta lại bỏ nó để một lần nữa đưa phái hữu lên. Kết quả là những mưu đồ thúc đẩy sự hiện đại hoá cả tư bản chủ nghĩa lẫn xã hội chủ nghĩa bị bao bọc trong một chế độ gia trưởng hoàng tộc, đổi chác ân huệ và tham nhũng ngày càng trắng trợn, cho nên không đưa lại thành công nào. Những thất vọng về xã hội và chính trị của những người thượng lựu làm việc hiện đại hoá đã được che giấu dưới một lớp son của sự tôn quân bắt buộc và dưới hàng chồng sách dày du lịch nói về “vương quốc của những nụ cười” của những nhà quan sát phương Tây lãng mạn. Do đó mà cả thế giới không được chuẩn bị sẵn sàng cho sự tàn bạo mà những thất vọng đó đã cuối cùng làm nổ ra khi chế độ Sihanouk sụp đổ năm 1970.


Với một ý nghĩa nhất định, cuộc đảo chính tháng 3 năm 1970 của Lon Non cũng giống như cuộc cách mạng năm 1932 ở Thái Lan. Nhưng Campuchia đã không trải qua “chế độ chuyên quyền sáng suố”t giống như của Chulalongcon. Sự yếu kém của nhà nước lẫn giai cấp tư sản nói lên rằng kết quả sẽ rất khác nhau.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #9 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2007, 05:17:30 pm »

Cuối cùng, địa vị của Sihanouk đã bị yếu đi vì sự leo thang trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam chứ không phải vì các lực lượng xã hội bản xứ. Một trong những quan tâm chính của ông ta trong những năm 1960, được chứng minh đầy đủ bằng điều đã xảy ra trong những năm 70, là giữ cho đất nước ông ta đứng ngoài cuộc chiến tranh. Để thực hiện mục tiêu đó, Sihanouk sẵn sàng làm ngơ trước sự thâm nhập quân và hàng cung cấp của cộng sản vào Nam Việt Nam thông qua "đường mòn Hồ Chí Minh" từ những vùng rừng núi của Lào và Đông Campuchia, miễn là người Việt Nam tránh các vùng dân cư. Ông ta cũng cho phép họ mua gạo ở Campuchia. Sihanuok cũng sẵn sàng làm ngơ khi người Mỹ bắt đầu bí mật ném bom các lực lượng Việt Nam ở Đông Campuchia trong năm 1969, nhưng công khai phản đối khi các xã Khmer bị ném bom.


Tuy nhiên, điều này đã làm mất sự ổn định bên trong của chính phủ Sihanuok. Năm 1966, cánh hữu trở đã lại làm việc ở Campuchia và họ hết sức hoảng sợ trước điều mà họ xem như là chính sách đối ngoại thân cộng sản và thân Việt Nam của Sihanuok. Rồi, khi việc ném bom của Mỹ vào các đất thánh ở biên giới đẩy người Việt Nam đi sâu vào Campuchia năm 1969 thì phái hữu càng sợ hãi, và Lon Non và Xiric Matac tổ chức cuộc đảo chính tháng 3 năm 1970.


Việc Sihanouk bị lật đổ phản ánh những căng thẳng trong nội bộ các nhóm thượng lưu với nhau chứ không phải sự bột phát từ lòng bất bình của quần chúng. Cuộc đảo chính đã được các nhà khá giả ở Phnôm Pênh chào đón với sự nhiệt tình chung, nhưng gây ra sự kinh hoàng ở các tỉnh. Lòng trung thành truyền thống đối với nền quân chủ vẫn còn mạnh ở nước Campuchia thông dã trong năm 1970, và ở đâu lòng trung thành đó bị xóa bỏ thì người nông dân chuyển sang những lựa chọn cấp tiến hơn những lựa chọn mà nhóm người cướp chính quyền ở Phnôm Pênh đưa ra. Khi Sihanouk tức giận trước sự “phản bội” của Lon Non và Xiric Matac, đi với phái tả để thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc của Campuchia, thì số phận của chế độ Lon Non, thực vậy, đã được định đoạt. Nó phải đương đầu với một cuộc chiến tranh giữa thành thị và nông thôn trong một xã hội áp đảo là thôn dã.


Sihanouk sớm nhận ra rằng Khmer đỏ không phải dễ điều khiển như phái tả cũ của Phnôm Pênh. Các nhà lãnh đạo Khmer đỏ hoan ngênh những người ủng hộ Sihanouk vào hàng ngũ Mặt trận thống nhất dân tộc Campuchia, nhưng giữ Sihanuok ở lại nước ngoài như là người đứng đầu “chính phủ lưu vong” ở Bắc Kinh, và dần dần xoá bỏ ảnh hưởng chính trị của ông ta bên trong Campuchia. Vào năm 1974-1975 Pol Pot tổ chức thanh trừng các người tích cực ủng hộ Sihanuok ra khỏi hàng ngũ Mặt trận thống nhất dân tộc Campuchia. Cả Lon Non lần Pol Pot đều đập tan cơ cấu thể chế của nền quân chủ cổ truyền và quét sạch nhiều nhân viên then chốt của cơ cấu đó. Bị tước mất quyền lực, Sihanouk cũng mất luôn quy chế thiêng liêng và phần lớn sự ủng hộ của dân chúng đối với ông ta.


Ngay sau khi cướp quyền năm 1970 Lon Nol đã mưu toan gạt những người cộng sản Việt Nam ra khỏi đất thánh Campuchia của họ. Những người cộng sản đã giáng cho quân đội kém sẵn sàng của Lon Nol những thất bại đau đớn mà không bao giờ có thể phục hồi lại được.


Cũng giống như trong cuộc chiến tranh Đông Dương chính sách của những người cộng sản Việt Nam trong các khu vực họ chiếm đóng ở Campuchia là khuyến khích vũ trang những người nổi dậy và rút lui khi các nhóm này tỏ ra đủ khả năng đứng vững một mình. Trong những năm 1970-1971 phần lớn cuộc chiến đấu bằng chủ lực chống quân đội Lon Nol là do người Việt Nam thực hiện nhưng từ năm 1972 thì chủ yếu do Khmer đỏ. Người Việt Nam vui vẻ cho rằng vì mục tiêu chung của họ là "chống đế quốc" và vì các mối quan hệ anh em giữa những người cộng sản ở Việt Nam và những người cộng sản Campuchia, cho nên không có sự xung đột nghiêm trọng giữa quyền lợi của họ và quyền lợi của phong trào giải phóng dân tộc mà họ khuyến khích ở Campuchia.


Chính phủ Lon Nol đã bắt đầu lắm quyền trong một hoàn cảnh xấu và nhanh tróng đi vào con đường tồi tệ hơn. Nó chỉ kiểm soát những vùng lõm quanh Phnôm Pênh và các tỉnh lỵ và dọc theo các đường chính nối liền các vùng đó. Vào năm 1972 rõ ràng chính phủ này đã đến ngày tận số nếu không có những biến chuyển lớn. Nhưng người Mỹ vẫn bám một cách tuyệt vọng vào Lon Nol và cuộc lật đổ chế độ đó trong năm 1973 chỉ được gạt đi bằng cuộc ném bom bão hoà của Mỹ chống lại các lực lượng Khmer đỏ tiến gần Phnôm Pênh. Tuy nhiên, với việc Mỹ tách ra khỏi Đông Dương năm 1973, viện trợ Mỹ cho chế độ Phnôm Pênh năm 1974 cũng giảm xuống. Chế độ đó đã sụp đổ tháng 4 năm 1975, thậm chí trước khi Sài Gòn sụp đổ. Rồi Mặt chận thống nhất dân tộc Campuchia lên nắm quyền về danh nghĩa còn thực quyền nằm trong tay các nhà lãnh đạo Khmer đỏ.


Ở Campuchia, tác động tương đối nhẹ hơn của chủ nghĩa thực dân đã đưa lại sự phản ứng của các nhà quốc gia phát triển chậm hơn. Điều đó, kết hợp với sự nhanh nhẹn về chính trị đáng chú ý của Sihanouk, đã bảo đảm sự sống sót của nền quân chủ cổ truyền cho đến hết kỳ sau thuộc địa. Khi chế độ quân chủ sụp đổ dưới những sức ép do sự leo thang của cuộc chiến tranh ở Việt Nam gây ra, Campuchia đã tan rã từ trên xuống. Nhưng giới nông dân thì vẫn còn theo lệ cổ một cách sâu sắc, và chế độ đã bị lật đổ vì những mưu đồ của giới thượng lựu chưa không phải vì một cuộc nổi dậy của quần chúng. Đồng thời sự lạc hậu của Campuchia chắc chắn đưa lại sự tan rã của chủ nghĩa quốc gia thượng lựu.


Rồi, Khmer đỏ lên lắm quyền như là một nhóm những trí thức cấp tiến của giai cấp trung gian, đứng đầu một đội quân nông dân. Nhưng họ lên cầm quyền từ một địa vị bị cô lập hầu như hoàn toàn trong hơn năm năm với bối cảnh của một sự sụp đổ to lớn do tình trạng chiến tranh hiện đại gây ra cho một cơ cấu xã hội và chính trị cổ xưa.


Khác với người Việt Nam, những người cộng sản Khmer không thể rút từ giới trí thức và giai cấp trung gian cũng như từ giai cấp nông dân những cán bộ của họ bởi vì giới trí thức và giai cấp trung gian còn nhỏ và phần lớn đi với chế độ Lon Nol.


Ngược lại, họ hầu như họ độc nhất vào những binh sĩ nông dân được giáo dục rất ít. Một số ít là những người kỳ cự của các cuộc đấu tranh của Itxarac trong những năm 1950, nhưng đại đa số là những thanh niên thiếu phương hướng ở các thôn xóm bị đẩy từ một xã hội cổ truyền ở nông thôn vào một cuộc chiến tranh hiện đại tàn ác chỉ mới vài tháng hoặc thậm chí vài tuần trước đó. Trong các cuộc cách mạng khác cũng vậy, những cán bộ với một quá trình như vậy thường phạm phải những hành động thô bạo và tàn ác, trừ phi được những nhà lãnh đạo tinh thông hơn hướng dẫn và kiềm chế. Ở Campuchia, những nhà lãnh đạo như vậy rất hiếm. Hơn nữa sự đột ngột và tính chất tàn phá của cuộc chiến tranh làm cho những vấn đề đó trầm trọng thêm. Hơn nữa trong các nhà lãnh đạo Khmer đỏ, có một số người muốn hết sức lợi dụng khả năng tàn ác tiềm tàng đó để phục vụ cho lợi ích của họ. Kết quả là trong cuộc cách mạng Campuchia những người nông dân hiếu chiến đã hoàn toàn thắng những người làm công việc hiện đại hoá trong lịch sử của chủ nghĩa cộng sản ở Campuchia.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM