Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:03:10 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chân lý thuộc về ai  (Đọc 81190 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #10 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2007, 07:01:12 pm »

Lào: Cảnh nghịch của sự lạc hậu


Tuy với tất cả sự lạc hậu của mình, Campuchia vẫn có một nhà nước tập quyền, và một số dân tương đối đồng nhất trong một khu vực có đặc tính địa lý làm cơ sở cho chủ nghĩa quốc gia. Trái lại, ở Lào, số dân gồm một số các nhóm dân tộc khác nhau rải rác trên một địa thế núi non hiểm trở. Ngay ngày nay, ở nước Lào chỉ có chưa đầy một nửa số dân là người Lào còn đa số là các “dân tộc ít người”. Địa thế rừng núi có xu hướng chia Lào thành một số các khu vực địa lý (và kinh tế) riêng rẽ, và đường giao thông bên trong đến gần cũng hầu như không có. Trước cuộc chinh phục của Pháp, Hoàng gia ở Luang Pha Bang ít có quyền kiểm soát thực sự và quyền lực chính trị có hiệu quả nằm trong tay các gia đình quý tộc khu vực. Sự phân tán quyền lực “phong kiến” đó ở Lào, đã được người Pháp duy trì, và chính nó đã sản sinh ra một phong trào hỗn loạn nhất của các phong trào quốc gia hiện đại. Nếu ở Campuchia, chủng tộc Khmer đưa lại một cơ sở “tự nhiên” cho quốc gia, thì ở Lào, vấn đề trọng yếu lại là muốn thành lập một quốc gia thì phải tập hợp các nhóm dân tộc khác nhau nhất lại với nhau và vì vậy chủ nghĩa quốc gia Lào phải tránh bằng mọi giá sự nhấn mạnh bài ngoại như chủ nghĩa quốc gia Khmer đã làm.


Cũng như ở Campuchia, sự phát triển chủ nghĩa quốc gia ở Lào bắt đầu từ năm 1945, khi người Nhật Bản lật đổ người Pháp và thiết lập một chính phủ Lào. Ở đây, thậm chí còn hơn ở Campuchia, vấn đề chính trị vẫn còn biểu hiện bằng những tranh chấp giữa những thành viên các gia đình quý tộc. Chỉ một nhúm người Lào (phần đông thuộc giới quý tộc) theo học các trường cao đẳng, kể cả trong thời kỳ sau khi đã độc lập, và những người trí thức thuộc giai cấp trung gian đã từng đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc cách mạng Việt Nam và Campuchia thì hầu như không có ở Lào. Nhưng từ rất sớm, Lào đã trở thành một chiến trường của các lực lượng Pháp và Việt Minh trong cuộc chiến tranh Đông Dương thứ nhất. Hậu quả của tình hình đó là Lào đã trải qua toàn bộ quá trình diễn biến từ một chế độ quân chủ cổ truyền sang một chủ nghĩa quốc gia quần chúng theo kiểu Việt Minh chỉ trong một thế hệ. Điều này đưa lại một tình hình trong đó các dòng cạnh tranh của chủ nghĩa quốc gia, chủ yếu là những người bảo hoàng và những người cộng sản (chủ nghĩa quốc gia tư sản không có ở Lào) đều do các thành viên đối địch của hoàng gia lãnh đạo. Nếu như sự bí ẩn của hoàng tộc trong một xã hội theo đạo Phật Terevada, mà Sihanouk ở Campuchia giữ độc quyền, thì ở Lào nó lại được chia sẻ giữa các nhóm khác nhau, kể cả những người cộng sản. Những vấn đề chính phải đối phó ở Lào không phải xuất phát từ việc hiện đại hoá xã hội Lào, một việc hầu như hoàn toàn còn nằm trong tương lai mà từ thế tiến lui đều khó truyền thống của các nhà thống trị Lào (và của các nhà thống trị khác của những quốc gia yếu bên cạnh những láng giềng hùng mạnh hơn). Vấn đề đặt ra đối với Lào là liệu nên quay sang Việt Nam để tìm kiếm sự ủng hộ và một loại kiểu mẫu chính trị nào đó, hay là quay sang Thái Lan, hay là chọn một con đường trung lập thận trọng cân đối nước này với nước kia. Nhưng với việc những người cộng sản giành được sự kiểm soát Bắc Việt Nam và Thái Lan thì đứng về phía Mỹ, những vấn đề đó đã chuyển Lào vào một chiến trường của chiến tranh lạnh.


Phong trào quốc gia đầu tiên ở Lào là phong trào Itxala (Lào tự do) thành lập tháng 8 năm 1945 đứng đầu là hoàng thân Phet Xarat thủ tướng của chính phủ do Nhật Bản dựng lên, cùng với em ông ta là hoàng thân Xuvana Phuma và người em cùng cha khác mẹ, hoàng thân Xuphanuvong. Tháng 9, sau “Cách mạng tháng Tám” ở Hà Nội, họ tuyên bố nước Lào hoàn toàn độc lập và giam giữ nhà vua tại nhà khi ông ta chống lại. Nhưng khi người Pháp trở lại Lào, Itxala chỉ có thể tổ chức sự chống lại một cách yếu ớt và các nhà lãnh đạo của phong trào đó đã sớm bị buộc phải lưu vong ở Bangkok. Nhưng Xuphanuvong tìm cách xây dựng lại lực lượng của ông ta, và chẳng bao lâu ông ta liên lạc được với Việt Minh.


Năm 1949, về danh nghĩa người Pháp giao độc lập cho chính phủ hoàng gia Lào. Nhiều người lưu vong hài lòng với việc đó và trở về Viêng Chăn. Nhưng Xuphanuvong và những thành viên cấp tiến hơn của phong trào quốc gia rút vào vùng rừng núi của Lào và tiếp tục kháng chiến vũ trang. Tháng 8 năm 1950, Xuphanuvong cùng với một số nhà lãnh đạo bộ lạc vùng rừng núi như người đứng đầu dân tộc H’mông, Phây-đang Lô-bli-yao, thành lập Pa-thét Lào (“Dân tộc Lào”) để đấu tranh giành độc lập hoàn toàn, và trong năm sau đó, họ chính thức hoá liên minh của họ với Việt Minh.


Ở Lào, hội nghị Geneva đã đưa lại một chính phủ trung lập dưới sự lãnh đạo của hoàng thân Xuphana Phuma, các khu vực tập kết cho các lực lượng Pa-thét Lào ở các tỉnh Phong Saly và Sầm Nưa và sự thống nhất đất nước theo một đường lối giống như đường lối quy định cho Việt Nam. Hiệp định gặp ngay những khó khăn vì sự ác cảm của những người cánh hữu trong quân đội chính phủ hoàng gia Lào, đã từng chiến đấu bên cạnh người Pháp, đối với Pa-thét Lào, nhưng nhìn chung người ta hy vọng rằng mặc dù sự có mặt của Pa-thét Lào, các nhóm đó có thể thống nhât vào một chính phủ liên hiệp quốc gia.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #11 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2007, 07:02:31 pm »

Nhưng bây giờ Lào là một chiến trường của cuộc chiến tranh lạnh. Cũng như với Nam Việt Nam và Campuchia, Mỹ muốn Lào trở thành một bộ phận của liên minh SEATO chống cộng. Trong nước Lào, những người chống cộng cũng mong muốn như vậy và người Mỹ chẳng bao lâu đã có được cái cơ hội mà họ đang chờ đợi. Một thời gian ngắn sau khi SEATO được thành lập, bộ trưởng quốc phòng của Xuvana Phuma bị ám sát, gây ra một cuộc khủng hoảng nội các đưa đến việc từ chức của chính phủ. Một chính phủ cánh hữu được thành lập và nhanh chóng mở cửa cho viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ. Dưới những hoàn cảnh như vậy, các cuộc thương lượng với Pa-thét Lào bị bế tắc và những cuộc xung đột vũ trang trở nên thường xuyên giữa chính phủ hoàng gia và Pa-thét Lào.
Bất chấp sự chống đối của Mỹ, Xuvana Phuma trở lại nắm chính quyền năm 1956 và theo đuổi một chính sách trung lập, hoà giải với Pa-thét Lào. Sau những cuộc thương lượng dài, ông ta thành lập một chính phủ liên hiệp năm 1957. Nhưng Mỹ cương quyết chống lại sự liên hiệp đó và coi đó như một sự tiếp quản trá hình của cộng sản (theo kiểu Đông Âu trong cuối những năm 1940). Mỹ buộc Xuvana Phuma từ chức bằng cách cắt viện trợ kinh tế mà chính phủ hoàng gia đã trở thành phụ thuộc và bằng việc xúi giục đóng biên giới Thái Lan. Một chính phủ cánh hữu mới đã được thành lập nhưng đã tỏ ra không có khả năng củng cố vị trí của mình trước sự chống đối của những người trung lập và Pa-thét Lào.


Một giai đoạn rối loạn chính trị lại xảy ra và được chấm dứt bằng việc triệu tập Hội nghị Geneva năm 1961. Việc đó đưa Xuvana Phuma trở lại với tư cách là người đứng đầu của một liên hiệp ba phái. Nhưng Mỹ không chịu chấm dứt việc cung cấp viện trợ cho “đội quân bí mật” do CIA xây dựng của người dứng đầu bộ tộc H’mông là “tướng” Vàng Pao. Đội quân này tiếp tục hoạt động đằng sau phòng tuyến của Pa-thét Lào. Những người trung lập phân hoá về các vấn đề này. Các nhà lãnh đạo Pa-thét Lào bỏ Vieng Chan. Xuvana Phuma và những người trung lập khác vẫn ở lại Vieng Chan, trở thành tù nhân của phái hữu do Phumi Noxavan cầm đầu. Từ năm 1963, sau khi chờn vờn trên miệng hố nhiều lần, Lào trôi vào cuộc nội chiến với quy mô đầy đủ.


Sự lạc hậu tột bực của Lào không đưa lại cho Phu-mi Nô-xa-vẳn một cơ sở xã hội tư sản làm cho ông ta đóng được vai trò của một Ngô Đình Diệm, hoặc thậm chí một Lon Non, ở Lào. Chính phủ hoàng gia Lào cũng không khai thác được lòng trung thành cổ truyền có tính chất tôn giáo đối với ngai vàng theo cách của Sihanouk. Trong khi sức quyến rũ của tư tưởng trung quân thần thánh hoá bao trùm đại đa số người Campuchia, thì tầm với chính trị của nền văn hoá đặc biệt Lào không thể vượt ra ngoài nhân dân vùng thấp. Trên một nửa số dân không chịu ảnh hưởng nền văn hoá đó và chống lại sự thâm nhập của nó. Một chủ nghĩa quốc gia với cơ sở chật hẹp như vậy chỉ làm cho các bộ tộc rừng núi tách xa chính phủ Lào. Nô-xa-vẳn tự thấy mình không hơn gì bao nhiêu một con người dùng bạo lực ở địa phương mà quyền lực thì lại phụ thuộc vào sự đỡ đầu bên ngoài.


Mỹ đặt trọng lượng vững chắc của mình đằng sau cánh hữu đang kiểm soát chính phủ hoàng gia Lào từ năm 1963. Việc bí mật ném bom khu vực Pa-thét Lào bắt đầu trong năm 1964, và trong thập kỷ tiếp theo, mỗi một đô thị, và phần lớn các thôn xã, trong vùng do Pa-thét Lào kiểm soát đều bị tàn phá. Nhưng chủ nghĩa bè phái cực đoan và sự mất đoàn kết trong hàng ngũ những người cánh hữu làm cho Mỹ càng ngày càng nắm lấy các chức năng chính quyền trong chính phủ hoàng gia Lào, đến mức đại sứ Mỹ được quần chúng coi như “thủ tướng thứ hai”, trong khi nhiều người khác thì nghĩ rằng thực tế ông ta là thủ tướng thứ nhất. Nhưng việc đó cũng không biến chính phủ hoang gia Lào thành một chính phủ hoạt động tốt được. Nó chỉ làm giảm sút tính hợp pháp của chính phủ, đến mức chính các chỉ huy quân sự địa phương không chịu thừa nhận sự “can thiệp” của các nhà cầm quyền trung ương vào lĩnh vực của họ. Như vậy chính phủ hoàng gia Lào là hình tượng của sự phân tán quyền lực, đặc tính của nước Lào cổ truyền.


Không giống phái hữu Lào, Pa-thét Lào đã hoạt động trong vùng rừng núi từ năm 1949. Vì Pa-thét Lào không thể xây dựng một phong trào rộng lớn trong một môi trường rừng núi như vậy trừ phi họ thu phục được lòng trung thành hẹp hòi của các bộ tộc, cho nên họ đã đánh giá cao tầm quan trọng sống còn của việc hợp nhất các bộ tộc vào việc xây dựng quốc gia ở Lào. Ít nhất từ năm 1950, họ làm hết sức mình để đưa một loạt các nhà lãnh đạo bộ tộc vào cơ cấu quyền lực của họ và cuối cùng sự nhìn xa thấy rộng của họ đã có kết quả tốt đẹp. Trong khi ban lãnh đạo chóp bu của Pa-thét Lào luôn luôn do dân tộc Lào vùng thấp chiếm số đông, đa số quân đội của họ lại được tuyển từ các nhóm ít người. Thật có ý nghĩa đã đánh bại các đối thủ của mình bằng cách xây dựng được một liên hiệp quốc gia Lào để áp đảo một chính phủ chỉ có dân tộc Lào.


Tất nhiên, nói như vậy sẽ quá đơn giản. Sự kiểm soát các nhóm bộ tộc không phải luôn luôn thuận buồm xuôi gió cho Pa-thét Lào. Những người H’mông quanh Cánh Đồng Chum, dưới quyền của Tu-bi Ly Phông, chẳng hạn, ủng hộ người Pháp và sau đó trở thành cơ sở tuyển quân cho “đội quân bí mật” của Vàng Pao. Nhưng Phây-đang, đối thủ H’mông của Tu-bi Ly Phông đã trở thành người sáng lập của Pa-thét Lào. Và cách mà Pa-thét Lào tập hợp những người ủng hộ họ thuộc bộ lạc H’mông là một sự minh hoạ thực tiễn tốt cho sự khác nhau giữa hai phía. Những người ủng hộ Vàng Pao chỉ trung thành với hắn và với bộ tộc H’mông; ít quan tâm đến điều gì xảy ra cho chính phủ hoàng gia Lào. Trái lại những người ủng hộ Phây-đang trở thành những chiến sĩ của các đơn vị chính quy hỗn hợp Pa-thét Lào và các bộ tộc khác, và dốc nhiều năng lực vào việc xây dựng một tinh thần “quốc gia” nhiều chủng tộc.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #12 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2007, 07:03:02 pm »

Trong khi phái hữu quay sang Thái Lan và Mỹ để được ủng hộ trong cuộc nội chiến, thì Pa-thét lào quay sang Hà Nội và khối cộng sản. Vùng căn cứ chính của Pa-thét Lào ở gần biên giới Việt Nam và được Việt Nam cung cấp cả hậu cần lẫn ủng hộ chính trị. Dưới sự bảo vệ của quân đội Bắc Việt Nam, những căn cứ đó sẽ không bao giờ có thể bị chính phủ hoàng gia Lào tàn phá bằng quân sự. Việt Minh cũng đưa lại cho Pa-thét Lào một kiểu mẫu về tổ chức và hệ tư tưởng. Vì chế độ Viêng Chăn ít làm gì để xây dựng một hệ thống giáo dục quốc gia, nhiều cán bộ Pa-thét Lào học ở trường của Đảng khi họ mới bắt đầu, nhưng nếu học cao hơn thì họ đi Hà Nội, Bắc Kinh hoặc Đông Âu. Như vậy chủ nghĩa quốc gia của Pa-thét Lào không bị lâm vào sự cô lập cực độ như lúc đầu người ta có thể cho là như vậy. Nó luôn luôn được điều hoà bằng một mức độ nhất định của chủ nghĩa thế giới cộng sản và không hề bao giờ thoái hoá thành chủ nghĩa sô-vanh hoang dã mà chẳng bao lâu sau đó đã xuất hiện ở Campuchia.


Một mặt, không thể cường điệu ảnh hưởng của Việt Nam đối với Pa-thét Lào; tuy nhiên, mặt khác, việc đó luôn luôn đã xảy ra. Pa-thét Lào tự mình lấy Việt Minh làm mẫu mực, và nhận sự giúp đỡ của Việt Nam, nhưng đó là một phong trào quốc gia của Lào dưới sự lãnh đạo của một thành viên của hoàng gia Lào. Chịu trách nhiệm về những thành, bại của mình, bộ máy chính quyền của Pa-thét Lào do các công dân Lào điều khiển làm lợi cho các công dân Lào, khác xa với chính phủ hoàng gia Lào. Nó không hề bao giờ là một công cụ của “chủ nghĩa thực dân" Việt Nam ở Lào, như đã thường được cho là như vậy. Nếu người Việt Nam thực sự muốn chiếm Lào làm thuộc địa thì cách tốt nhất sẽ là tôn tính bằng quân sự và cai trị trực tiếp, và sẽ bị phần đông nhân dân Lào phản đối cũng như họ phản đối sự kiểm soát của những người Lào vùng thấp. Trái lại, người Việt Nam ủng hộ và khuyến khích Pa-thét Lào và kiên trì chờ đợi khi phong trào Pa-thét Lào đi trệch hướng.


Tuy đã đề ra nhiều năm để xây dựng một lực lượng chiến đấu đủ khả năng đe doạ nghiêm trọng chính phủ hoàng gia Lào, nhưng Pa-thét Lào không bao giờ có thể lật đổ chính phủ đó chừng nào Mỹ còn hoàn toàn cam kết với nó. Do đó kết quả của cuộc chiến tranh phụ thuộc vào thắng lợi tại chiến trường hơn là vào khả năng của người Việt Nam thương lượng sự rút quân của Mỹ khỏi Đông Dương, tuy rằng từ năm 1968 trở đi cuộc chiến tranh này càng đi theo đường lối của Pa-thét Lào. Ngay sau khi quân Mỹ buộc phải rút quân, nội chiến ở Lào chấm dứt, và khi Mỹ giảm sự giúp đỡ thì các lực lượng chống Pa-thét Lào tan rã.


Trong khi các lực lượng chính trị quốc tế đã đóng một vai trò sống còn trong tất cả ba nước Đông Dương, thì việc đó lại càng trở nên đặc biệt ở nước yếu nhất trong các nước đó. Các lực lượng của công cuộc hiện đại hoá đã gây ra một cuộc nổi dậy cách mạng ở Việt Nam và một sự sụp đổ của trật tự chính trị cổ truyền ở Campuchia. Nhưng ở Lào thì các hiện tượng đó hầu như không thể cảm thấy rõ ràng. Cuộc nội chiến tiếp theo sự sụp đổ của chính phủ liên hiệp Phu-ma lần thứ hai hầu như hoàn toàn là kết quả của các lực lượng bên ngoài chứ không phải của bất cứ sự bùng nỏ xã hội và chính trị nào ở bên trong. Giới nông dân của vùng thấp vẫn chủ yếu bàng quan với cả hai phía, và chính khả năng của Pa-thét Lào động viên các nhóm ít người một cách thành công hơn, cuối cùng là quyết định.


Khi cuộc đình chiến ký năm 1973, Pa-thét Lào đã kiểm soát 80 phần trăm đất nước. Một chính phủ liên hiệp mới được thành lập dưới quyền của Xu-va-na Phu-ma và năm 1974 Xu-pha-nu-vông trở về thủ đô nhận trách nhiệm của mình trong chính phủ. Từ đó trở đi Pa-thét Lào kiểm soát vững chắc chính phủ vì cánh hữu đã tan rã. “Đội quân bí mật” của Vàng pao tiếp tục chiến tranh chống lại Pa-thét Lào ở nông thôn, nhưng bị thất bại lớn. tháng 4 năm 1975. Trùng hợp với việc Phnôm Pênh và Sài Gòn sụp đổ, thất bại đó đã đẩy bọn cánh hữu còn lại vào một sự hoảng sợ, và nhiều người đã chạy khỏi đất nước. Vào tháng 6, hầu như toàn bộ giới lãnh đạo chính phủ hoàng gia Lào trong thời chiến đã chạy sang Thái Lan. Quân đội chính phủ còn đang do cánh hữu kiểm soát đã tan rã và chính thức giải tán tháng sáu, tiếp theo là sự cáo chung hoàn toàn của chính phủ hoàng gia Lào tháng 12 năm 1975 khi vua Xa-vang Vát-tha-ma ký thư thoái vị nhường cho “hệ thống dân chủ của nhân dân".


Theo đề nghị của Xu-pha-nu-vông, cả nhà vua lẫn Xu-va-na Phu-ma được cử làm cố vấn cho chính phủ, một cử chỉ hoà giải nhằm thúc đẩ sự hoà hợp dân tộc, trái ngược hẳn với chính sách theo đuổi ở Campuchia. Nhưng lúc đó ở Lào việc đi vào giai đoạn hiện đại của nền chính trị đã được cô lai đến mức sự chuyển tiếp từ chế độ quân chủ sang chủ nghĩa quốc gia quần chúng đã xảy ra dưới sự lãnh đạo của một thành viên trong hoàng gia cổ truyền. Việc thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Pa-thét Lào thực sự cũng là sự đoàn tự của một gia đình.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #13 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2007, 04:57:52 pm »

2.Việt Nam: Câu chuyện hoang đường của chủ nghĩa bành trướng sau chiến tranh


Tiếp theo Phnôm Pênh rơi vào tay các lực lượng Việt Nam tháng Giêng năm 1979, tờ: "Nhà kinh tế" London viết: "Cuộc xâm lược của Việt Nam sẽ không làm yên lòng các láng giềng châu Á của đế chế cộng sản nhỏ vừa đâm chồi ở Việt Nam. Người Việt Nam giống như là những người Phổ của Đông Nam Á, một dân tộc mà tính chất thưòng gây hấn hoặc có thể là sự xâm lược trắng trợn, tạo ra sự không an ninh chung quanh họ". Bài bình luận lấy tên "Di chúc Cụ Hồ đươc thực hiện" rêu rao rằng cuộc xâm lược đã thực hiện "mục tiêu suốt đời của lãnh tụ đã qua đời". Vì vậy tờ "Nhà kinh tế" xem cuộc xâm lược như một hành động được tính toán từ lâu do chính sách đối ngoại và tâm lý dân tộc thúc đẩy. Một ý kiến tương tự đã được nguyên ngoại trưởng Mỹ Kissinger bày tỏ trong phần đăng năm 1982 của hồi ký ông ta, "những năm của biến động": "Những người Việt Nam sống sót sau cuộc chiếm đóng của Pháp luôn nuôi dưỡng niềm tin rằng nhiệm vụ của họ là thừa kế đế chế Pháp ở Đông Dương. Không có lòng nhân đạo như láng giềng Lào, không có sự duyên dáng như các láng giềng Campuchia, người Việt Nam tìm cách giành địa vị thống trị không phải bằng vẻ lôi cuốn mà bằng sự quyết tâm. Bao trùm lên trên tất cả là sự mê mải của họ rằng họ không cần quan tâm đến những chênh lệch về thể chất và đến những khả năng mà sự tính toán về quyền lực phải dựa vào… Bất hạnh của chúng ta là bị ở vào giữa những nhà lãnh đạo đó và những ám ảnh của họ. Cơn ác mộng Đông Dương của chúng tôi sẽ chấm dứt; những láng giềng của Hà Nội không được may mắn như vậy. Tình trạng ở gần nhau đã buộc họ vào một nỗi sợ hãi vĩnh cửu".


Những suy đoán về một tâm lý dân tộc đó quy tụ vào một thuyết cho rằng một khi chiến tranh ở miền Nam kết thúc thì Hà Nội đơn phương và không cần bị khiêu khích, sẽ theo đuổi những chính sách xâm lược đối với những láng giềng của mình và các nước trong khu vực.


Trước khi xem xét vấn đề này, chúng ta phải làm rõ di chúc của Hồ Chí Minh, mà tờ "Nhà kinh tế" nhắc đến. Đó là một điều mà một số tác giả cánh hữu rêu rao là lời kêu gọi thành lập một "Liên bang Đông Dương" do Hà Nội thống trị bao gồm Lào, Campuchia cũng như Nam Việt Nam. Điều đó hoàn toàn không đúng. Ngày 10 tháng 5 năm 1969, cụ Hồ đã viết một di chúc đề "phòng khi tôi đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác". Đó là một lời kêu gọi đoàn kết, kỷ luật và một tiêu chuẩn cao về đạo đức trong Đảng Cộng sản Việt Nam, và nhằm tiếp tục cuộc đấu tranh thống nhất tại tại Việt Nam. Về các vấn đề quốc tế, cụ nói đến sự phân biệt Xô-Trung: "Là mọt người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào về sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân thế giới bao nhiêu thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu về sự bất hoà giữa các đảng anh em hiện nay. Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lê-nin và chủ nghĩa vô sản quốc tế, có lý, có tình. Tôi tin chắc rằng các Đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại". Và cụ kết luận: "Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".


Không có nhắc tí nào đến Lào và Campuchia hoặc đến "Liên bang Đông Dương" mà nhà lạnh đạo chống Pháp lão thành đó bị vu cho là muốn thành lập. Phù hợp với việc này ông, tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ tư năm 1976, ông Lê Duẩn tự hào nói rằng Hà Nội đã “thành công rực rỡ” trong việc thực hiện di chúc Cụ Hồ bằng cách đưa lại sự thống nhất của Việt Nam và cũng không nhắc gì đến Campuchia hoặc Lào.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #14 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2007, 04:59:55 pm »

Chính sách đối ngoại của Việt Nam sau chiến tranh


Với một cách nhìn thực tế hơn, chúng ta phải thừa nhận trước tiên rằng sự chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam đã có tác động to lớn đối với nền chính trị khu vực. Ngay dù cho không có mưu đồ gì đối với các láng giềng của mình đi nữa, một nước Việt Nam không còn phải đổ sức lực vào chiến tranh nữa, cũng đã báo hiệu trở thành một cường quốc mới ở khu vực. Với một số dân trên 50 triệu, Việt Nam là một nước đông dân nhất của lục địa ĐNA và là nước cộng sản lớn thứ ba trên thế giới. Với một đội quân chính quy 680.000, được tôi luyện trong hàng thập kỷ chiến tranh, Hà Nội là một cương quốc quân sự phải được kính nể. Do đó bất kể những ý định đã được bày tỏ như thế nào, không lấy gì làm lạ khi các chính phủ Đông Nam Á xem Hà Nội với một sự sợ hãi nhất định sau thắng lợi của Hà Nội năm 1975, đặc biệt là những chính phủ đã ủng hộ Mỹ ở Đông Dương.


Tuy nhiên đã rõ từ từ đầu rằng quan tâm chính của chính phủ Việt Nam không phải là những phiêu lưu quân sự ra nước ngoài mà là việc xây dựng lại đất nước bị chiến tranh tàn phá của họ. Tình cảnh khó khăn rất nổi bật. Bốn mươi năm chiến tranh đã làm cho Việt Nam một thu nhập tính theo đầu người bằng một phần tư của Thái Lan và khoảng một phần ba mươi của các nước tư bản phát triển. Hơn nữa việc cắt viện trợ của Mỹ cho miền Nam đã nhanh chóng gây ra một cuộc khủng hoảng trước mắt. Nước Việt Nam thuộc địa đã từng là nước nhập gạo quan trọng (nhập chủ yếu từ các tỉnh màu mỡ của miền Nam, miền Bắc đông dân dựa vào nhập từ miền Nam) (Tác giả quan niệm Đông Dương có 5 nước dưới thời Pháp thuộc trước Cách mạng tháng Tam-ND). Những năm chiến tranh đã phá huỷ khả năng đó và số dân tăng lên nhanh chóng đã trở nên ngày càng phụ thuộc vào việc cung cấp lương thực từ bên ngoài, từ phương Tây cho miền Nam, từ Trung Quốc cho miền Bắc. Nền kinh tế của đất nước rõ ràng là mong manh và phải được quản lý thận trong nếu muốn làm cho nó trở lại lành mạnh.


Những đường lối chung của chính sách chính phủ sau chiến tranh đã được ông Lê Duẩn tóm tắt trong báo cáo chính trị tại Đại hội toàn quốc lần thứ tư của Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 12 năm 1976. Mười sáu năm chiến tranh đã trôi qua kể từ Đại hội lần trước, nhưng bây giờ đất nước đã được thống nhất và hoà bình. Tâm trang lạc quan chung, thậm chí là khoan khoái tại Đại hội đó là điều có thể thông cảm được.


Phần về chính sách đối ngoại trong báo cáo của ông Lê Duẩn là tương đối ngắn. Ông nói, chủ nghĩa đế quốc là một lực lượng đang giảm sút trong khi phe xã hội chủ nghĩa ngày càng lớn mạnh cũng như các cuộc đấu tranh của các phong trào giải phóng dân tộc và các phong trào công nhân trên thế giới. Những nhân tố đó thêm sức cho một “xu thế không thể đảo ngược” nghĩa là Việt Nam sẽ có khả năng xây dựng chủ nghĩa xã hội dưới những “điều kiện mới và thuận lợi”. Ông ta phân tích rằng, chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa quốc tế đã hoà hợp với nhau một cách hài hoà. Thắng lợi của “chiến tranh giải phóng dân tộc” đã xoá bỏ những chướng ngại trên con đường thực hiện thống nhất nước nhà và “đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội". Đồng thời ông xác nhận ý nghĩa quốc tế của cuộc cách mạng dân tộc: “Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến yêu nước chống sự xâm lược của Mỹ đã gắn chặt với sự ủng hộ hết lòng và sự giúp đỡ to lớn của anh em và bạn bè của ta trên tất cả các lục địa… Thắng lợi của nhân dân ta là một đóng góp có giá trị vào thắng lợi chung của các lực lượng cách mạng thế giới”.


Tiếp đó ông kêu gọi củng cố các mối quan hệ giữa Việt Nam và "tất cả các nước xã hội chủ nghĩa anh em". Ông đã cân đối một cách chính xác sự ca ngợi Liên Xô và sự ca ngợi Cộng hoà nhân dân Trung Hoa mà ông nói là "đang xây dựng nhanh chóng một nước xã hội chủ nghĩa hùng mạnh". Ông không nhắc đén sự phân biệt Xô-Trung nhưng nói rằng Việt Nam làm hết sức để "khôi phục và củng cố tình đoàn kết và xúc tiến sự ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau" giữa các nước xã hội chủ nghĩa. Ông nồng nhiệt ca ngợi “những thắng lợi lịch sử vĩ đại” ở Lào và Campuchia và kêu gọi sự củng cố các "mối quan hệ đặc biệt" giữa các nước đó. Sự nhấn mạnh tình đoàn kết quốc tế chắc chắn là tương phản với chủ nghĩa “tự túc” Mao-ít, nhưng không có chứng minh nào để xem nó là một chính sách của sự bành trướng ra nước ngoài.


Đối với các nước không cộng sản ở Đông Nam Á, lập trường của ông Lê Duẩn là một lập trường không rõ ràng có ngiên cứu. Một mặt ông tìm cách thúc đẩy cùng tồn tại hoà bình giữa những người cộng sản và không cộng sản trong khu vực. Ông tuyên bố "Việt Nam sẵn sàng thiết lập các quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trong khu vực". Mặt khác ông cũng nói đến sự ủng hộ của Việt Nam đối với "những cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân" vì dân chủ, độc lập, hoà bình và "trung lập thưc sự" (ở đây ông nói rõ: trung lập thực sự là “không có các căn cứ quân sự và quân đội của các đế quốc trên lãnh thổ của họ”). Điều đó ngụ đe doạ sẽ ủng hộ các người cộng sản địa phương không phải xuất phát từ cam kết có tính chất học thuyết về "xuất cảng" cách mạng. Nó nhằm làm cho các chính phủ Đông Nam Á lo sợ mà giảm bớt sự có mặt quân sự của Mỹ, kẻ thù mới bị đánh bại của Hà Nội.


Những lời bóng gió đó đặc biệt làm cho Thái Lan và Philippin hoảng sợ: họ cùng với chế độ Sài Gòn bị gạt bỏ là những thành viên của SEATO do Mỹ đỡ đầu, họ đã đưa quân vào cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa cộng sản ở Đông Dương và để cho máy bay Mỹ từ đất nước của họ đến đánh phá Việt Nam, Campuchia và Lào. Tuy nhiên còn các nước Đông Nam Á khác ở khu vực như Malaixia, Singapo, Indonesia hầu như ít gay gắt hơn trong sự thù địch của họ với chủ nghĩa cộng sản. Không lấy gì làm lạ việc Hà Nội xem tất cả các nước đó với một sự nghi ngờ nhất định và có xu hướng xem hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) như là một liên minh quân sự được che đậy nhằm chống lại Việt Nam.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #15 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2007, 05:01:40 pm »

Tuy nhiên báo cáo của ông Lê Duẩn đã làm rõ rằng, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam lấy việc xây dựng lại đất nước làm ưu tiên hàng đầu chứ không phải các mục tiêu quốc tế. Ông nói Đảng, nhân dân và chính phủ Việt Nam phải "tạo những điều kiện quốc tế thuận lợi nhất để nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi và phát triển kinh tế, phát triển văn hoá, khoa học và kỹ thuật, củng cố quốc phòng, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội trong nước chúng ta".


Kế hoạch năm năm lần thứ hai được thông qua tại Đại hội toàn quốc lần thứ tư nhằm làm cho đất nước tự túc về lương thực một lần nữa vào cuối năm 1980. Lao động thừa ở các đô thị sẽ được đưa vào công việc sản xuất trong các nông trường ở các khu vực kinh tế mới sẽ được mở ra ở lưu vực Tây sông Cửu Long, gần biên giới với Campuchia. Sản xuất gạo dự tính lên 21 triệu tấn và quá trình công nghiệp hoá cũng sẽ được tiến hành. Nhìn chung lại, các nhà vạch kế hoạch dự kiến một tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc dân là 15 phần trăm khi đất nước khắc phục các tàn phá của chiến tranh. Nhưng, như ông Lê Duẩn đã nói khi công bố kế hoạch, vì “tích luỹ từ các nguồn bên trong không có” nên toàn bộ chiến lược phụ thuộc vào viện trợ bên ngoài để làm vốn đầu tư. Những sự phát triển sau đó đã cho thấy kế hoạch năm 1976 là lạc quan quá mức. Nhưng, điều quan tâm hiện nay của chúng tôi là kế hoạch đó đã được hướng vào sự phát triển kinh tế hoà bình chứ không phải vào chuẩn bị quân sự. Như một nhà văn đã viết (D.R. Sar Desai, trong quyển “Sự tìm kiếm an ninh của Việt Nam", xuất bản ở New York, năm 1980-ND): “Kế hoạch năm năm lần thứ hai, chủ yếu là một kế hoạch phát triển, đã không chú ý đến phát triển quốc phòng… Chắc chắn Việt Nam tính đến một giai đoạn hoà bình dài sau khi giải phóng Đông Dương năm 1975, và Việt Nam cho rằng quốc phòng sẽ không còn cần sự ưu tiên mà nó đã có trong ba thập kỷ trước đó, và do đó mà có thể theo đuổi một cách không bị ràng buôc các mục tiêu xây dựng lại và phát triển kinh tế”.


Quân đội không được giải ngũ nhưng phần lớn hướng vào các nhiệm vụ thời bình, xây dựng lại hệ thống đường giao thông đã bị phá hoại và dọn bom đạn chưa nổ để đưa đất đai trở lại sản xuất. Kế hoạch năm 1976 của Việt Nam không liệu trước “sự mở rộng” ra Campuchia hoặc xung đột với bất cứ ai trong các nước láng giềng.


Các ngoại trưởng của ASEAN (Hội các nước Đông Nam Á) đáp ứng tình hình thay đổi này, bằng cách bày tỏ ý muốn “đi vào những quan hệ hữu nghị hoà hợp với mỗi nước ở Đông Dương" trong cuộc họp hàng năm của họ ở Kuala Lumpur từ 13 đến 15 tháng 5 năm 1975. Ngày 24 tháng 7 tổng thống Macos của Philippin và thủ tướng Curit Pramot của Thái Lan xác định lại lập trường đó trong một tuyên bố chung nói rằng các căn cứ quân sự nước ngoài trong khu vực là tạm thời và họ đồng ý rằng SEATO “đã hoàn thành mục đích của nó” và phải rút lui dần dần. Ngày 5 tháng 5, Bộ Ngoại giao Thái đã công bố chấm dứt các hoạt động của Mỹ tại căn cứ không quân Udon ở đông bắc Thái Lan và giảm dần sự có mặt về quân sự của Mỹ ở đất nước mình. Những bước đó đã dọn đường cho các cuộc đàm phán nhằm thiết lập các quan hệ ngoại giao giữa Thái Lan, Philippin và Việt Nam.


Rất lý thú là tất cả các nước ASEAN đã thừa nhận chính phủ Campuchia mới ngày 18 tháng 4, ngay hôm sau ngày sụp đổ của Phnôm Pênh, nhưng không có hành động chung đối với chế độ Nam Việt Nam mới, chính phủ cách mạng lâm thời. Việc này coi như phản ánh việc tình báo Thái Lan tin (chính xác) rằng Khmer đỏ không phải là bù nhìn của Hà Nội và việc thừa nhận ngay có thể giữ cho Phnôm Pênh khỏi chạy vào quỹ đạo của Hà Nội.


Tuy nhiên hội nghị các ngoại trưởng ASEAN đã thừa nhận rằng họ không nhất trí với nhau về thái độ của mà các nước ASEAN phải có đối với Việt Nam cộng sản. Rõ ràng do cảm thấy rằng Thái Lan và Philipin có thể đã phản ứng quá mức đối với các sự kiện, Adam Malic của Indonesia đã nhắc nhở rằng những sự điều chỉnh “không được xuất phát từ những khái niệm tiêu cực của những mối lo sợ và không chắc chắn, hoặc những lỗ hổng cảm thấy trong các quan hệ quyền lực”. Xirathambi Rajiaratnam của Singapore nhấn mạnh rằng sẽ sai lầm nếu cho rằng Mỹ đang rút khỏi châu Á, và nhắc nhở ASEAN không được gây ra ấn tượng rằng nó sẵn sàng làm bất cứ điều gì để tranh thủ ân huệ của các chính phủ cộng sản ở Đông Dương.


Trong khi ASEAN đang làm ảo thuật với những hậu quả của những thắng lợi cộng sản ở Đông Dương thì chính Trung Quốc, đồng minh danh nghĩa của Hà Nội tỏ ra hoảng sợ nhất. Khi tổng thống Macos của Philippin thăm Bắc Kinh ngay 7 tháng 6 với tư cách là một nguyên thủ đầu tiên của ASEAN, ông ta được Đặng Tiểu Bình thết đãi và nhắc nhở việc rút quân Mỹ ra khỏi khu vực sẽ dẫn đến những hoạt động tăng lên của Liên Xô và ca ngợi “cố gắng không mệt mỏi của Philipin nhằm bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia”. Đặng kêu gọi các nước ASEAN không được phản ứng qua mức với các phát triển của Đông Dương. Đặng lặp lại lời nhắc nhở đó với thủ tướng Thái vào cuối tháng 6. Người Trung Quốc rõ ràng không muốn Mỹ rút về mặt quân sự khỏi Thái Lan và Philippin và cả Đông Dương nữa.


Nhưng Thái Lan và Philippin vẫn kiên trì các chính sách hoà giải đối với Việt Nam và tiếp tục giảm các quan hệ của họ với Mỹ. Chắc chắn là các hành động của họ đã bị ảnh hưởng bởi thực tế rằng chính sách của Liên Xô đối với ASEAN nói chung là có cảm tình, xem ASEAN như là một cố gắng đáng hoan nghênh nhằm hợp tác chính trị và kinh tế và có nguy cơ bị Mỹ đẩy vào một vai trò quân sự. Thực vậy, một số nhà lãnh đạo ASEAN có xu hướng xem Liên Xô là một ảnh hưởng có khả năng làm cho Việt Nam ôn hoà, và ít lo sợ hơn về việc ASEAN là một SEATO khác.


Nhìn về phía Hà Nội thì tình hình khu vực đã được tốt lên nhiều vào đầu năm 1976. Những thoả thuận về thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước ASEAN đã đạt được hoặc đang tiến triển tốt, và SEATO đã chính thức bị huỷ bỏ tháng chín năm trước. Sau khi chính thức thống nhất miền Bắc và miền Nam, Việt Nam bước vào việc củng cố mối quan hệ của mình với ASEAN. Ngày 5 tháng 7, ngoại trưởng Việt Nam, ông Nguyễn Duy Trinh, nói rằng chính phủ của ông sẵn sàng thiết lập phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước Đông Nam Á khác trên cơ sở các nguyên tắc như sau:

1.Tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và cùng tồn tại hoà bình.

2.Không để cho bất kỳ nước ngoài nào dùng lãnh thổ của mình như một căn cứ cho sự xâm lược hoặc can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp chống lại các nước khác trong vùng.

3.Thiết lập các quan hệ hữu nghị và láng giềng tốt, hợp tác kinh tế và trao đổi văn hoá trên cơ sở công bằng và cùng có lợi, đi đôi với việc giải quyết các cuộc tranh chấp thông qua thương lượng trong một tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.

4.Phát triển và hợp tác giữa các nước trong khu vực làm cho các nước trở nên thịnh vượng trong khi vẫn giữ những điều kiện riêng biệt của mỗi nước vì độc lập, hoà bình và trung lập thực sự ở Đông Nam Á.


Thứ trưởng Phan Hiền cùng ngày đi thăm thủ đô các nước ASEAN cũng như Rangoon và Viêng Chăn nhằm xây dựng những quan hệ hữu nghị. Tại một cuộc họp báo ở Singapore, Phan Hiền nói ông ta đã ghi nhận những bảo đảm rằng ASEAN không phải là một liên minh quân sự và không chịu ảnh hưởng hoặc sự điều khiển của bất cứ nước ngoài nào.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #16 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2007, 12:16:11 pm »

Các quan hệ với Mỹ trong hậu quả của chiến tranh

Cho đến tháng giêng năm 1977, con người trong Nhà Trắng là con người đã chủ trì sự chấm dứt cuộc tán loạn của Mỹ ở Đông Duơng, đó là Giê-rôn Pho. Henry Kissinger, kiến trúc sư của cuộc leo thang chiến tranh vào Cam-pu-chia năm 1970, cuộc xâm chiếm Lào năm 1971 và cuôc ném bom Hà Nội năm 1972, vẫn còn là bộ trưởng ngoại giao. Không có ai trong hai người này có được chút cảm tình nào với chính phủ Việt Nam. Nhưng Hà Nội có hy vọng rằng với cuộc chiến tranh bỏ lại đằng sau, các quan hệ với Mỹ có thể được phát triển.


Việt Nam bắt đầu bước ngoại giao đầu tiên của mình tháng 9 năm 1975. Thủ tướng Phạm Văn Đồng công bố rằng Việt Nam sẵn sàng thiết lập các quan hệ bình thường với Mỹ trên cơ sở của hiệp định hoà bình Pa-ri năm 1973. Đối với người Việt Nam, việc này đòi hỏi thực hiện những lời hứa của tổng thống Richard Nixon trong một bức thư gửi cho thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 1 tháng 2 năm 1973, cung cấp viện trợ trị giá 3250 triệu đô la để xây dựng lại sau chiến tranh mà không kèm theo bất cứ điều kiện chính trị nào, cộng với các hình thức viện trợ khác sẽ được thoả thuận sau giữa hai bên. Về phần mình, ngày 26 tháng 3 năm 1976, Kissinger tuyến bố các điều kiện của Mỹ như sau: (i) cho biết rõ về những quân nhân Mỹ bị mất tích trong chiến đấu (MIAS); (ii) “sự cần thiết về việc Hà Nội bảo đảm những ý định hoà bình đối với các nước láng giềng ở Đông Nam Á”. Ông ta nói người Việt Nam có thể nêu lên bất cứ vấn đề nào mà họ muốn, kể cả yêu sách về viện trợ, tuy ông ta "sẽ không đưa ra nhiều triển vọng cho vấn đề đó".


Vài tháng trước đó, ở Paris, các quan chức Việt Nam tiếp xúc với các công ty dầu Mỹ về việc nối lại sự khoan dầu ngoài biển Đông, một việc làm có thể vượt qua cuộc phong toả về buôn bán và kinh doanh sau khi Sài Gòn sụp đổ. Mục đích của Việt Nam rõ ràng là dùng những tập đoàn kinh doanh hùng mạnh với hy vọng giành một sức đòn bẩy nào đó trong các giới chình trị Mỹ.


Những năm 1976 là năm bầu cử tổng thống ở Mỹ. Trong Đảng Cộng hoà, cánh hữu tỏ ra rất mạnh và Giê-rôn Pho, tổng thống đương kim, đang làm hết sức mình để giữ địa vị trước thách thức của Rônan Rigân bằng việc đẩy mạnh thái độ chống cộng của ông ta. Do đó tháng 3 năm 1976, ông ta nói xấu các nhà lãnh đạo Hà Nội là một “bọn kẻ cướp quốc tế" trước những đám đông cộng hoà hăng hái. Điều đó không phải là một không khí hứa hẹn cho Hà Nội để đưa ra đề nghị cải thiện quan hệ với Washington. Cuối tháng 4, sau khi bị Ri-gân khích bác, Pho tuyên bố: "Tôi không hề nói chúng ta sẽ tìm kiếm việc bình thường hoá quan hệ hoặc thừa nhận Bắc Việt Nam".


Việc chính phủ Mỹ đòi Việt Nam cho biết rõ tin tức về tất cả 753 người Mỹ mất tích là 1 công việc không thể nào làm được. Người Việt Nam trả lời là họ sẽ giúp đỡ trong những kế hoạch đó nhưng cũng nói rõ họ không thể chịu trách nhiệm về những người Mỹ mất tích đó trong chiến đấu ở Việt Nam. Như Hà Nội thấy, Mỹ đang làm cách từ bỏ điều mà Hà Nội cho là nghĩa vụ của Washington theo hiệp định Paris.


Vấn đề người mất tích là một vấn đề có trọng lượng trong tay phái hữu ở quốc hội, nhất là trong một năm bầu cử, và nhiều nghị sĩ dường như tin rằng Việt Nam còn giữ một số những người mất tích đó. Nhưng lời rêu rao đó đã bị bác bỏ trong một phiên họp báo cáo tháng 12 năm 1976 của Uỷ ban đặc biệt Hạ nghị viện Mỹ nói rằng không có bằng chứng còn bất kỳ người Mỹ mất tích nào còn sống hoặc bị cầm tù. Sau khi điều tranh chấp đó đã được làm rõ, không còn trở ngại nào lớn nữa ngăn cản việc bình thướng hoá các quan hệ của Mỹ với Việt Nam. Nhưng ý nghĩa thực sự của vấn đề người mất tích sớm được trở nên rõ ràng. Cánh hữu định dùng nó làm phương tiện trì hoãn việc bình thường hoá với Việt Nam một cách vô thới hạn.


Mỹ đã dùng vấn đề người mất tích để phủ quyết việc Việt Nam trở thành thành viên Liên hợp quốc tháng 11 năm 1976, lấy lý do là Hà Nội có thái độ cho là “tàn bạo và vô nhân đạo” đối với vấn đề người mất tích. Cũng tương tự như vậy, Mỹ là thành viên duy nhất bỏ phiếu chống lại việc Việt Nam tiếp quản ghế thừa kế của chế độ miền Nam cũ tại ngân hàng thế giới; ở đây Mỹ không có quyền phủ quyết, mặc dù nó có đủ sức mạnh để ngăn cản các vụ cho vay.


Chính quyền Cater vào Nhà Trắng tháng giêng năm 1977 và dường nưh lúc đầu có một đường lối hoà giải hơn. Tuy trước đây không tham gia vào chính sách đối ngoại, nhưng bản thân Jimmy Cater đã có tiếng là một người theo chủ nghĩa tự do. Người ta nói rằng Andrew Yang đại sứ mới của Mỹ tại Liên Hợp Quốc, chỉ nhận nhiệm vụ với điều kiện là không bị buộc phải phủ quyết việc Việt Nam trở thành thành viên Liên Hợp Quốc. Do vậy, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nhận vào Liên Hợp Quốc ngày 20 tháng 9 năm 1977.


Chính quyền mới đã nới bớt cuộc phong toả về buôn bán bằng cách cho phép các tàu hoặc máy bay nước ngoài đi Việt Nam có thể được tiếp dầu ở Mỹ. Một uỷ ban tổng thống, do Leonard Woodcook dẫn đầu đã đến Hà Nội giữa tháng 3 để hội đàm về triển vọng bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. Rồi, ngày 24 tháng 3, tổng thống Cater nói ông ta “sẽ đáp ứng tốt” các đề nghị viện trợ có thể có của Mỹ cho Việt Nam, nhưng viện trợ đó sẽ phải được xem như viện trợ “bình thường: chứ không phải bồi thường. Triển vọng bình thường hoá có vẻ sáng sủa.


Vào lúc đó, những khác biệt giữa các người cánh hữu và nhữn người ôn hoà trong chính quyền Cater không nổi bật hẳn lên. Cánh hữu do cố vấn an ninh quốc gia Bi-nhi-ép Brơ-din-xki đại diện, cánh ôn hoà là Xai-rớt Van-xơ, bộ trưởng ngoại giao. Ngay từ đầu, Cater không thể kiểm soát được phái hữu và càng ngày họ càng khống chế quá trình vạch chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong năm 1977-1978, chính sách đối ngoại của Mỹ về vũ khí hạt nhân, các quan hệ với Liên Xô và sự dính líu quân sự trong thế giới thứ ba diễn biến nhanh chóng trong một hướng hiếu chiến hơn; và trong năm 1979-1980, phần đông các người tự do rời khỏi nhiệm vụ (Yang bị gạt tháng 7 năm 1979, Van-xơ từ chức tháng 4 năm 1980). Do vậy, chính dưới chính quyền Cater, sân khấu đã được dựng lên cho nhiệm kỳ tổng thống của Ronald Regan và cho cuộc chiến tranh lạnh mới.


Thái độ đó của chính quyền Cater đã được Ri-sơt Hon-bruc, một người ủng hộ Van-xơ và là trợ lý bộ trưởng ngoai giao phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, báo hiệu cho Việt Nam năm 1977. Ông ta nói đến những lời hứa viện trợ của Nixon cho Việt Nam sau chiến tranh như là “một điều kỳ lạ của lịch sử lỗi thời nổi lên và làm phức tạp thêm cuộc bàn cãi". Từ đầu Nixon đưa ra những lời hứa đó cho Hà Nội chỉ là để kéo Mỹ ra khỏi một điểm khó khăn, và một khi chiến tranh đã kết thúc, thì lời hưa đó không còn xứng đáng bằng tờ giấy để viết chúng. Chính quyền Ford đã từ chối ngay sự tồn tại của những lời hứa đó; bây giờ chính quyền Cater quyết định công bố văn bản của sự “kỳ lạ lịch sử lỗi thời” đó, và từ chối viện trợ trên cơ sở những người cộng sản đã vi phạm hiệp định Paris năm 1973. Không những không trả bồi thường, người Mỹ còn tích cực tìm cách cản trở viện trợ quốc tế cho Việt Nam.


Chính quyền Cacter cũng không bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Hà Nội. Lúc đầu, lý do của họ là vấn đề người mất tích. Rồi họ kể đến tình hình ngày càng xấu đi ở Đông Dương. Lý do thực sự, ngoài sự thù địch chống cộng đối với chính phủ Hà Nội, một nhân tố có tầm quan trọng ngày càng tăng là họ sợ việc bình thương hoá có thể làm tổn thương đến mối quan hệ đang phát triển của Mỹ với Trung Quốc. Cả những người tự do và cánh hữu đều đồng ý với nhau về lý do đó. Bản thân Cacter trong hồi ký của mình có viết: "Bước đi với Trung Quốc có tầm quan trọng tối cao cho nên sau vài tuần đánh giá, tôi quyết định hoãn cố gắng về Việt Nam cho đến khi ký hiệp định của chúng ta ở Bắc Kinh".
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #17 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2007, 12:17:31 pm »

Việt Nam và Trung Quốc: sự chấm dứt nền ngoại giao thăng bằng của Hà Nội

(Theo nguyên văn: nền ngoại giao đi trên dây thép)


Việc Hà Nội không thành công trong việc khai thông quan hệ với phương Tây là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng bởi vì quan hệ của Hà Nội với Trung Quốc đã xấu đi nhanh chóng sau khi kết thúc chiến tranh. Cả Trung Quốc lẫn Liên Xô đều tự cam kết sâu vào Bắc Việt Nam trước năm 1975. Việt Nam là một nước đã nhận viện trợ lớn nhất của Trung Quốc. Nhưng mặt khác, Liên Xô đã cung cấp 70 phần trăm số viện trợ của Hà Nội trong suốt cuộc chiến tranh. Chính sách ngoại giao thăng bằng của cụ Hồ Chí Minh đã làm cho Việt Nam thoát khỏi những sóng gió của cuộc tranh chấp Xô-Trung. Sau năm 1975 tình hình đó không thể tiếp tục được nữa và Việt Nam buộc phải dứt khoát chọn phía đứng.


Tiếp theo sự sụp đổ của Sài Gòn, các cuộc tiến công Mát-xcơ-va của Bắc Kinh càng thêm gay gắt. Tháng 6 năm 1975 Đặng Tiểu Bình tuyên bố Liên Xô đang thay Mỹ để trở thành mối đe doạ chính cho hoà bình và an ninh ở Đông Nam Á và người Xô-viết "tìm kiếm một cách tham lam vô độ các căn cứ quân sự mới ở châu Á". Đó là lời cảnh báo rõ ràng đối với Việt Nam. Ông Lê Duẩn đi Bắc Kinh tháng 9 và được Mao Trạch Đông tiếp. Ông đã ký hiệp định viện trợ nhưng chống lại sức ép cắt các quan hệ với Liên Xô. Từ Bắc Kinh ông Lê Duẩn đi Mát-xcơ-va và cũng ký một hiệp định viện trợ cho giai đoạn 1976-1980. Một thông cáo chung do các đại biểu Việt Nam và Liên Xô công bố đã nói lên sự thoả thuận về tất cả các vấn đề thực chất. Việc không có tuyên bố tương tự ở Bắc Kinh là những dấu hiệu đầu tiên của những khác nhau nghiêm trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc.


Rồi Bắc Kinh lại tuyên bố những yêu sách lãnh thổ của họ trên biển Đông, những yêu sách trùng lặp và xung đột với những yêu sách của Hà Nội. "Vùng biển" mà Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đòi hỏi kéo dài dọc theo hầu như toàn bộ bờ biển của Việt Nam và cho đén cách bờ biển của bang Xa-ra-oắc Malaysia trong vòng 20 dặm. Những đòi hỏi của Trung Quốc, trung lặp với những đòi hỏi của Malaixia, Philipin, Đài Loan và Inđonêxia nữa, nhưng chính Việt Nam bị ảnh hưởng hơn tất cả.


Cuộc tranh chấp ở biển Đông xoay quanh việc kiểm soát khoảng 127 hòn đảo nhỏ ở rải rác và chủ yếu không có người ở. Quần đảo Paracel (Hoàng Sa-ND) nằm ở 150 dặm đông-nam đảo Hải Nam và cách 550 dặm về phía Nam là quần đảo Xpratlây (Trường Sa-ND) ngoài bờ biển sát Sài Gòn.


Chế độ Nam Việt Nam kiểm soát các hòn đảo này kể cả từ khi người Pháp rút khỏi Đông Dương đầu những năm 1950. Nhưng chủ quyền của Việt Nam chưa hề được Đài Loan hoặc Bắc Kinh chấp nhận. Thực vậy đảo Woody ở nhóm Paracel (Hoàng Sa) đã bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1947. Cuối năm 1973 khi tổng thống Thiệu cố gắng bảo vệ tinh thần quốc gia của mình bằng việc khiêu khích Trung Quốc ở quần đảo Paracel (Hoàng Sa), Trung Quốc trả đũa và dùng sức mạnh đuổi lực lượng Việt Nam Cộng hoà tháng giêng năm 1974 và chiếm toàn bộ nhóm đó. Trong hanh động này, Trung Quốc dựa vào yêu sách của họ là "chủ quyền không thể tranh chấp đối với những hòn đảo đó (kể cả Paracel - Spratly) và đối với các biển xung quanh chúng". Với cuộc đấu tranh để thống nhất của mình chưa được hoàn thành, người Bắc Việt Nam và chính phủ lâm thời buộc phải đáp ứng một cách thận trọng đối với hành động của Trung Quốc: một quan chức miền Bắc đã nói: ”Những tranh chấp do lịch sử để lại thường là rất phức tạp, đôi khi cần phải được đưa ra và xem xét một cách thận trọng. Các nước có liên quan buộc phải giải quyết các vấn đề đó thông qua thương lượng". Tuy nhiên, các yêu sách của Trung Quốc đã được đại biểu Bắc Kinh lặp lại tại hội nghị Luật trên biển lần thứ 3 của Liên Hợp Quốc tháng 6 năm 1974. Những khẳng định về chủ quyền của Trung Quốc trong biển Đông đó đã báo hiệu cuộc xung đột Trung - Việt về sau, ngay trước khi Sài Gòn  sụp đổ.


Ngay sau khi Sài Gòn sụp đổ, chính phủ cách mạng lâm thời công bố việc chiếm "các đảo thân yêu trong vùng biển của Tổ Quốc", nghĩa là việc tiếp quản sáu hòn đảo của nhóm đảo Xpratlay do quân Nam Việt Nam chiếm đóng trước đây. Bắc Kinh giữ thái độ im lặng. Tuy vậy tiếp theo cuộc đi thăm Maxcơva của ông lịch sử, số ra tháng 10 của hoạ báo Trung Quốc có đăng một bài có ảnh minh hoạ về cuộc thăm dò quần đảo Paracel và khẳng định lại yêu sách đối với các đảo trong biển Đông. Số ra tháng 11 của báo Quân đội Việt Nam trả lời rằng ở đâu trong qua khứ "nhân dân chúng ta có quyền làm chủ" thì ở đó chỉ thuộc quyền miền Bắc, nhưng ngày nay thì nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang là phải bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của cả đất nước, kể cả "các đảo và thềm lục địa". Vào cuối tháng đó tờ Nhân dân nhật báo Bắc Kinh đưa ra yêu sách bao quát và chi tiết nhất đối với chủ quyền ở biển Đông. Tờ báo tự kiềm chế không nói đích danh Việt Nam, nhưng nhận xét rằng "một số hòn đảo còn chưa trở về trong tay nhân dân Trung Quốc", và khẳng định quyết tâm của Trung Quốc sẽ thu hồi các đảo đó: “Chúng ta sẽ tuyệt đối không để cho bất kỳ ai xâm lược và chiếm đóng lãnh thổ của chúng ta dù dưới bất kỳ lý do nào. Các đảo trong biển Đông là lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc. Chúng ta có trách nhiệm bảo vệ chúng”.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #18 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2007, 12:18:36 pm »

Tuy nhiên các vấn đề đó không phải là đơn giản là những vấn đề đòi hỏi lại đất của Hà Nội hoặc của Bắc Kinh. Những vấn đề chính trị và chiến lược lớn hơn nhiều đang phải tính đến. Bắc Kinh cũng dính líu vào một tình hình tương tự ở biển Đông Trung Hoa là nơi mà yêu sách của họ trùng lặp không chỉ với yêu sách của Đài Loan và Nam và Bắc Triều Tiên mà còn với Nhật Bản. Và Nhật Bản về phần mình cũng có những yêu sách trùng lặp với Liên Xô. Trên mức độ toàn cầu, khu vực này thậm trí còn bùng nổ hơn ở biển Đông. Do đó chẳng lạ gì để thấy rằng, ngày 4 tháng giêng năm 1974 chính phủ Trung Quốc cùng lúc lên án chế độ Thiệu về các đảo ở biển Đông cũng như lên án các chính phủ Nhật Bản và Nam Triều Tiên về “khu vực phát triển chung” của họ ở biển Đông Trung Hoa. Bắc Kinh xem tranh chấp biên giối với Việt Nam trong bối cảnh rộng lớn hơn đó, nên càng tỏ ra không khoan nhượng.


Thái độ khẳng định của Trung Quốc ngày càng tăng đối với các vùng biển đã trùng hợp với sự chuẩn bị cho phiên họp lớn lần đầu tiên của hội Luật biển năm 1974. Tại hội nghị này cũng như các hội nghị tiếp theo Trung Quốc là nước ủng hộ hăng hái nhất việc mở rộng chủ quyền ra xa các bờ biển. Trung Quốc đã mạnh mẽ ủng hộ khu vực kinh tế 200 dặm ngay từ lúc đầu.


Những vấn đề rắc rối của Luật biển càng trở lên phức tạp thêm do việc thăm dò dầu ở các biển Nam và Đông Trung Hoa. Các công ty Mỹ đã tiến hành khảo sát cho chế độ miền Nam Việt Nam (và Hà Nội cũng muốn làm như vậy trong Vịnh Bắc Bộ) nhưng vào năm 1975, chưa tìm được gì lớn. Tuy vậy khu vực đó đã được xem như có tiềm lực dầu lớn về lâu về dài. Tất nhiên là cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều muốn dành những tài nguyên đó cho sự phát triển của họ, nhưng việc thăm dò và khai thác chưa được song song tiến hành trong các vùng tranh chấp, nói lên còn những vấn đề sâu sắc hơn phải giải quyết. Một chuyên gia về các vấn đề đó đã viết: "Để nhân tố dầu có một triển vọng có đầy ý nghĩa thì nó phải được xem như một nhân tố trong toàn bộ cố gắng rộng rãi hơn của Trung Quốc nhằm củng cố vị trí ưu thế khu vực của họ". Không những thế ưu thế về biển của Trung Quốc ở biển Đông sẽ hạn chế nghiêm trọng các triển vọng kinh tế của Hà Nội mà còn làm cho Việt Nam rất dễ chịu sức ép của Trung Quốc. Do đó các cuộc tranh chấp không phải đơn giản chỉ là sự giành giật dầu giữa hai bên (tuy cũng có một phần là như vậy) nhưng còn là yêu sách của Trung Quốc buộc Việt Nam khuất phục về chính trị-và điều này rõ ràng Hà Nội cũng biết như vậy.


Còn rộng hơn việc kiểm soát biển Đông như là một con đường chiến lược, sẽ tăng thêm quyền lực toàn cầu của Trung Quốc. Nó sẽ đóng một vai trò sống còn trong cuộc tranh chấp Xô - Trung. Người Trung Quốc biết rõ thực tế rằng lực lượng hải quân Xô-viết phải đi qua đường biển chiến lược đó để đến và rời căn cứ Vla-đi-vô-xtốc và như vậy việc kiểm soát các quần đảo trên biển Đông là điều rất được mong muốn về phương diện quân sự. Tờ Sự thật (Pravda) đã lên án rất sớm việc Trung Quốc theo đuổi một chính sách bành trướng và dùng vũ lực "đưa ra yêu sách về các đảo Paracel mà nhân dân Việt Nam xem là lãnh thổ của chính họ”. Như vậy, theo cách nhìn toàn cầu của mình, Liên Xô thấy cần phải ủng hộ những nhu cầu khu vực của Việt Nam.


Cuộc tranh chấp Trung Quốc và Việt Nam âm ỉ cho đến năm 1976 khi với cái chết của Mao và cuộc đấu tranh chống "lũ bốn tên", nền chính trị Trung Quốc một lần nưa rơi vào hỗn loạn. Trong khi giới lãnh đạo Hà Nội e ngại chờ đợi kết quả của cuộc tranh giành quyền lực tại nước láng giềng khổng lồ của mình, họ cũng tìm cách mở mở rộng các khả năng lựa chọn của mình bằng việc phát triển hơn nữa với các nước không cộng sản. Cuộc khủng hoảng đang mở ra bên trong của Việt Nam càng tăng thêm tích chất cấp bách của những cố gắng ngoại giao đó.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #19 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2007, 12:19:44 pm »

Những lựa chọn đang giảm dần một cách nhanh chóng


Triển vọng của nền kinh tế Việt Nam bắt đầu có vẻ đen tối vào cuối năm 1976. Viện trợ không đủ cả từ phương Đông lẫn phương Tây nói lên rằng các kế hoạch công nghiệp hoá đất nước phải được giảm xuống một cách cơ bản. Trung Quốc đã ngừng số 500.000 tấn gạo cho không hàng năm và cắt việc cung cấp hàng tiêu dùng.


Trong khi đó thì nông nghiệp chịu một loạt những bước lùi. Việc thiếu phân bón và nhiên liệu đã thấy rất rõ ở những vùng của miền Nam là nơi mà các phương pháp nông nghiệp hiện đại, sử dụng các loại giống cao sản, đã được thiết lập. Vì nhân dân thành thị có ít hàng để trao đổi với nông phẩm và giá mua lúa gạo lại bị giữ ở mức thấp, nên nông dân không có sự khuyến khích thị trường để sản xuất trên mức cần thiết cho họ. Năm 1977, tình hình lại xấu hơn, việc thiếu gạo gay gắt đã đẩy giá chợ đen lên đến 10 lần giá mua chính thức.


Những điều kiện thời tiết bất thường đã làm nghiêm trọng thêm các vấn đề đó. Hạn hán rồi bão lụt đưa lại tai hoạ cho miền Bắc năm 1977, buộc Việt Nam phải dùng số ngoại tệ quý của mình để nhập lương thực. Mất mùa năm 1978 lại còn tai hại hơn. Đầu năm thì hạn rồi lại bị lụt, trong khi, mùa ở đồng bằng sông Cửu Long bị nạn sâu hại. Rồi giữa tháng 8 và tháng 10, cả nước bị các trận bão và lụt chưa từng thấy trong 60 năm qua.


Thiếu lương thực càng tăng lên. Khẩu phần gạo hàng tháng giảm xuống còn một ki-lô, phần còn lại của khẩu phần được bù bằng lúa mì, bột, khoai lang và các thứ thay thế khác.


Trên thị trường tự do, giá cả tiếp tục cao vọt. Do thiếu ăn, nhân dân không duy trì được khả năng làm việc của mình và năng suất lao động ngày càng giảm. Việc thiếu dinh dưỡng cộng với việc thiếu thuốc men đã làm suy giảm thêm sức khoẻ của nhân dân. Ba năm sau chiến tranh, nhiều người Việt Nam thật bối rối mà thấy rằng mức sống của họ đã giảm sút nghiêm trọng tuy hoà bình đã trở lại.


Phản ứng đầu tiên của Hà Nội là tăng cường các cố gắng ngoại giao để khai thông sang phương Tây. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi vòng quanh châu Âu đầu năm 1977 yêu cầu viện trợ và kỹ thuật đồng thời đưa ra một luật đầu tư nước ngoài tự do và linh hoạt cho các nhà tư bản nước ngoài. Ông đã giành được một khoản viện trợ nhỏ của Pháp, còn các nước châu Âu khác tỏ ra chưa sẵn sàng đi với Việt Nam chừng nào Mỹ chưa bình thường hoá quan hệ với Hà Nội.


Giữa lúc cuộc khủng hoảng đó đang diễn ra thì Khmer Đỏ tiến tiến hành cuộc tiến công quy mô lớn đầu tiên vào các xã biên giới của Việt Nam. Những cuộc tiến công này đã tàn phá các khu vực kinh tế mới mà Chính phủ hy vọng thu hút những người thất nghiệp ở đô thị vào hoạt động sản xuất. Nhiều người lúc đầu không muốn vào các khu vực kinh tế mới, mức sống thấp của họ làm cho một số các khu vực đó là “Xibia của Việt Nam”. Những cuộc tiến công của Khmer Đỏ làm cho hàng nghìn người bỏ chạy trở về Sài Gòn, kể những chuyện khủng khiếp làm cho nhân dân đô thị càng tránh việc đi các vùng kinh tế mới.


Đồng thời các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh cũng tỏ ra là họ cũng không khoan nhượng không kém “Lũ bốn tên”. Ngày 30 tháng 7 năm 1977, tám ngày sau khi Đặng Tiểu Bình được chính thức phục hồi một lần nữa, ngoại trưởng Trung Quốc, Hoàng Hoa, đưa ra một lời phát biểu nói rằng các vấn đề tại biển Đông là không thể thương lượng được: “Lãnh thổ Trung Quốc kéo dài ra xuống phía nam đến James Shoa lịch sử gần Booc-nê-ô của Malaysia. Tôi nhớ rằng khi tôi còn là một học trò, tôi đọc về những hòn đảo này trong sách địa dư. Lúc đó, tôi chẳng hề nghe ai nói rằng các hòn đảo đó không phải là của Trung Quốc… Người Việt Nam rêu rao rằng các đảo đó là của họ. Hãy để cho họ nói cách đó. Họ đã nhiều lần yêu cầu chúng tôi thương lượng với họ về vấn đề Paracel; chúng tôi luôn luôn từ chối làm việc đó… Về quyền sở hữu các hòn đảo đó, có những hồ sơ lịch sử có thể đưa ra thẩm tra. Không cần thiết phải thương lượng vì chúng đã thuộc về Trung Quốc từ đầu. Về mặt này, thái độ của Đài Loan là đúng; ít nhất họ có một ít lòng yêu nước và không bán rẻ các hòn đảo. Còn đến bao giờ thì chúng tôi thu hồi lại các đảo đó, cần phải đợi cho đến lúc chín muồi”. Trừ phi Việt Nam đầu hàng hoàn toàn trước lập trường của Trung Quốc, nếu không lời tuyên bố trên đây chuẩn bị sân khấu cho sự căng thẳng vĩnh viên giữa hai nước.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM