Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:47:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sài Gòn sụp đổ  (Đọc 46958 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2007, 05:21:20 pm »

Tác giả: Pauk Dreyfrus
Người dịch: Lê Kim
Nhà xuất bản: Công an Nhân dân
Năm xuất bản: 2004
Số hoá: ptlinh, nhinrathegioi



LỜI GIỚI THIỆU

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, đại quân ta tiến vào Sài Gòn giữa lúc trong thành phố này có tới một trăm hai mươi nhăm nhà báo nước ngoài thuộc mười ba nước, trong đó có nhà báo Pháp Paul Dreyfrus.


Trong thời gian tại Sài Gòn, Paul Dreyfrus đã cần mẫn ghi nhật ký, hầu như đêm nào cũng cặrn cụi ghi chép lại những sự việc xảy ra trong ngày kể từ khi Hiệp định Paris 1973 về Việt Nam được ký kết. Sau khi trở về Pháp, ông đã dựa trên những tư liệu sẵn có, viết cuốn sách nhan đề “… Et Saigon tomba" (... Và Sài Gòn sụp đổ) do Nhà xuất bản Arthaud ở Pháp xuất bản ngay trong Quý 3 năm 1975, được coi là một trong những cuốn sách sớm nhất ra mắt người đọc ở Pháp về những ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn.


Đọc cuốn sách của Paul Dreyfrus, mọi người nhận thấy ngay, nhà báo này - vốn là một người lính trong đạo quân xâm lược của thực dân Pháp - không có thiện cảm với chủ nghĩa cộng sản nhưng cũng không ưa gì chế độ Nguyễn Văn Thiệu tay sai của chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Trên những trang viết, xuất phát từ lập trường, quan điểm của bản thân, tác giả cố làm ra vẻ khách quan, không thiên vị bên nào. Nhưng trên thực tế, do tác giả sống ngay trong sào huyệt của Mỹ và chế độ tay sai, không được tới thăm các căn cứ địa cách mạng, các khu giải phóng và nhất là rất ít được tiếp xúc với các cán bộ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nên tầm nhìn bị hạn chê, nhận thực bị thu hẹp, đồng thời còn có một số nhận định lệch lạc.


Dù sao, cuốn sách này cũng ghi lại được nhiều chi tiết cụ thể về "sự sụp đổ” của chế độ thân Mỹ tại miền Nam Việt Nam, đúng với nhan đề cuốn sách. Mặt thác cuốn sách cũng nêu lên nhiều khó khăn, rối ren khi quân ta vào tiếp quản Sài Gòn. Những vấn đề này đã được giải quyết tốt đẹp dưới sự mẫn cán của chế độ mới, được các tầng lớp nhân dân ủng hộ.


Nhân dịp kỷ niệm ba mươi lăm giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam (1975 - 2005) Nhà xuất bản Công an nhân dân giới thiệu cùng bạn đọc cuốn ..."Et Sai gon tomba” dưới nhan đề tiếng Việt: "Sài Gòn sụp đổ với sự chứng kiến của một nhà báo phương Tây, do nhà báo Lê Kim dịch sang tiếng Việt. Những quan điểm cùng với nhiều phán đoán của Paul Dreufrus chỉ mang tính chất chủ quan mà ngày nay tất cả mọi người đều thấy rõ là không hoàn toàn chính xác vẫn được giữ nguyên để bạn đọc thấy rõ tâm trạng người viết, đồng thời càng làm nổi bật những thành tựu mà dân dân ta đạt được, hiển hiện qua thắng lợi mùa xuân 1975 và công cuộc xây dựng đất nước trên thực tế hiện nay.

   NHÀ XUẤT BẢN
CÔNG AN NHÂN DÂN
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Giêng, 2021, 07:27:22 am gửi bởi ptlinh » Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #1 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2007, 05:24:01 pm »

PHẦN MỘT
BẮT ĐẦU CUỘC CHIẾN TRANH THỨ BA Ở ĐÔNG DƯƠNG
27 tháng 1 năm 1973

1
TRONG KHI HIỆP ĐỊNH PARIS VỪA ĐƯỢC KÝ KẾT

27 tháng 1 năm 1973

Ngừng bắn... Đúng là có ngừng bắn. Nhưng chiến tranh đã tiếp tục cho tới phút cuối cùng. Trong khi tôi đang viết những dòng chữ này tại Sài Gòn, lúc chập tối, vẫn nghe thấy những tiếng nổ rền từ phía xa vọng lại. Đó là những chiếc B.52 đang ném bom rải thảm khủng khiếp. Đó là pháo binh quân đội Sài Gòn đang bắn cho hết những cơ số đạn. Đó là dàn nhạc rốc-két của cộng sản đang chơi bản hoà tấu cuối cùng. Đối với hàng triệu người dân trên dải đất bị tàn phá này, đây vẫn còn là một đêm đầy hãi sợ trong cuộc chiến tranh dài nhất của thế kỷ hai mươi.


Nếu như cuộc chiến tranh này hoàn toàn chấm dứt đúng giờ giấc ghi lòng Hiệp định Paris thì sẽ là ngày mai, thứ Bẩy, vào lúc 8 giờ theo giờ Sài Gòn, từ 1 giờ, theo giờ Paris.


Khi đó, trời đã sáng bạch ở Sài Gòn. Những tiếng chuông nhà thờ sẽ reo vang mừng đón hoà bình đã chờ đợi từ hai mươi nhăm năm nay, nhưng liệu lúc đó những tiếng súng có im không? Chưa ai dám khẳng định, nhất là những người đã chứng kiến cảnh tượng trong ngày thứ Sáu. Lực lượng cộng sản đã tận dụng khoảng thời gian trước giờ quy định ngừng bắn để mở những cuộc tiến công ác liệt có lợi cho họ. Điều bất ngờ không phải là trận tiến công vì mọi người đã từng chờ đợi. Cái bất ngờ chính là quy mô trận đánh. Vào khoảng quá nửa đêm, khi những điện cấp báo đầu tiên gửi về tổng hành minh quân đội Sài Gòn, các sĩ quan tham mưu phụ trách việc ghim những ký hiệu màu sắc khác nhau trên tấm bản đồ lớn, lúc đầu cứ tưởng rằng đây chỉ là một loạt những cuộc đụng độ tiêu hao. Nhưng, cùng với thời gian, những báo cáo tới tấp gửi về ngày càng nhiều từ tất cả bốn quân khu thì không ai còn nghi ngờ gì nữa, quân đội Bắc Việt và Việt Cộng đang bắt đầu mở một cuộc tiến công lớn1 (Tác giả chỉ ngồi tại Sài Gòn nên chỉ nhìn được từ một phía. Thật ra những tài liệu mật thu được từ Bộ tổng tham mưu nguỵ sau này quân ta giải phóng miền Nam Việt Nam đã tố cáo trên giấy trắng mực đen chính quyền Sài Gòn trước khi ký Hiệp định Paris 1973 đã soạn thảo kế hoạch "tràn ngập lãnh thổ, tiến công đánh chiếm những vùng "da beo" nhằm thanh toán các vùng giải phóng nằm sâu trong vùng lãnh thổ do Sài Gòn kiểm soát (N.D)).


Đến cuối buổi sáng, mọi người trong cơ quan tham mưu bàn tán với nhau là đã xảy ra gần hai trăm trận tiến công khác nhau. Nhiều hơn cả trận tiến công của cộng sản hồi Tết Mậu Thân năm 1968. Cũng nhiều hơn cả trận tiến công lớn hồi tháng 3 năm 1972. Những trận tiến công của cả hai phía trước giờ quy định ngừng bắn của Hiệp định Paris 1973 đạt kỷ lục tuyệt đối trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Một kỷ lục đáng buồn của một cuộc chiến tranh mơ hồ.


Bị tiến công khắp mọi nơi trong cùng một lúc, các đồn bốt quân đội Sài Gòn đã lập tức phản ứng, những khẩu trọng liên khạc đạn loạn xạ trong bóng tối. Phải cầu cứu cá pháo binh yểm trợ. Nhưng các khẩu pháo cũng không làm được gì hơn ngoài việc bắn vu vơ, mặc dù nhiều pháo sáng bay lơ lửng dưới cánh dù. Mãi tới khi rạng đông, xe bọc thép mới bắt đầu xuất phát. Sau đó là vũ điệu ầm ỳ của những chiếc máy bay lên thẳng hạng nặng. Và rồi lại xuất hiện những máy bay ném bom - khu trục, bay sát mặt đất, trên các ruộng lúa, rống lên như mèo kêu. Cuối cùng là những chiếc máy bay B.52 khổng lồ, cất cánh từ đảo Guam và từ căn cứ không quân Utapao, Thái Lan, phun ra những vệt khói trắng trên nền trời xanh lơ.


Cảnh tượng này kéo dài suốt ngày. Một kiểu chuẩn bị ngừng bắn đặc biệt, khác thường.


Buổi tối hôm đó, một phi công Mỹ đi làm nhiệm vụ trở về kể lại rằng: "Bộ đội cộng sản có mặt khắp mọi nơi. Có thể nói, y như những đàn kiến từ trong tổ chui ra”.


Họ từ trên núi kéo xuống, từ trong rừng kéo ra, từ đồng ruộng hoặc từ những xóm làng trước đó vẫn hoàn toàn thanh bình kéo tới để làm gì? Phải chăng, họ muốn đáp ứng mệnh lệnh của những cấp trên, tràn ngập trong vài giờ tất cả miền Nam Việt Nam?


Chắc chắn là không. Họ chỉ muốn chiếm lĩnh trước giờ ngừng bắn, tất cả những gì có thể chiếm được, để kiểm soát được những gì có thể bảo đảm an ninh cho vùng giải phóng của họ, để tiêu diệt những gì có thể huỷ hoại được.


Sau một ngày chiến đấu ác liệt, khi thống kê các trận tiến công của đối phương, có thể dễ dàng phân loại được năm hình thức như sau:

1. Bắn phá các căn cứ quân sự của Mỹ và quân đội Sài Gòn bằng các loạt rốc-két 122 của Liên Xô, 107 của Trung Quốc, và các khẩu cối 82, pháo không giật 75.

2. Chiếm lĩnh trước giờ ngừng bắn những khu vực đảm bảo an ninh cho chính quyền cộng sản.

3. Chiếm lĩnh các khu dân cư do các lực lượng yếu kém của Sài Gòn như quân địa phương, dân vệ kiểm soát.

4. Bao vây những khu dân cư có các lực lượng thiện chiến và trang bị tốt hơn của chế độ Sài Gòn bảo vệ.

5. Chặt đứt các trục lộ giao thông khiến cho các đoàn xe cơ giới của Sài Gòn không vận chuyển được.


Một mục tiêu cuối cùng chứng minh cho tính chất ác liệt của những cuộc tiến công này xảy ra tại khu vực chung quanh Tây Ninh, cách Sài Gòn 90 kilômét về phía Tây Bắc. Thành phố này được coi như một toà thánh Vatican của đạo Cao Đài, là nơi lực lượng cộng sản có ý định đặt thủ đô của Chính phủ cách mạng lâm thời. Đó cũng là địa điểm đã từng được đặt, ít nhất cũng trong một khoảng thời gian, trụ sở Chính phủ lâm thời cách mạng miền Nam Việt Nam, trong đó có một nhân vật rất được quen biết, nhất là ở Pháp. Đó là bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.


Từ ngày hôm nay, những thành viên của Chính phủ này phải có mặt tại Sài Gòn. Một số đáp máy bay từ Hà Nội vào. Số khác đáp máy bay từ Paris tới. Số còn lại sẽ do máy bay lên thẳng của Mỹ, sơn các ký hiệu được quy định (những sọc trắng kẻ dọc trên thân máy bay) lên tận bưng biền đón về đây.


Tất cả những nhân vật này đều hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất ở cửa ngõ thành phố Sài Gòn, một căn cứ không quân phòng thủ vững chắc trong đó vẫn còn trụ sở Bộ tham mưu Mỹ ở Nam Việt Nam.

Hôm nay, người ta cũng đang đón đợi chiếc máy bay của Phó tổng thống Mỹ Spiro Agnew.

Cuối cùng, những thành viên đầu tiên của Uỷ ban quốc tế giám sát ngừng bắn cũng sẽ tới. Uỷ ban này gồm 1.160 thành viên thuộc bốn nước: Canada, Hungari, Indonexia, Ba Lan.


Tuy nhiên, các sự kiện thiết yếu trong ngày hôm nay không diễn ra tại sân bay Tân Sơn Nhất mà là trên chiến trường, trong các thành phố và làng xóm trên những đường cái và đường mòn ở Nam Việt Nam. Chỉ vài giờ nữa số phận của cuộc ngừng bắn và tương lai của hoà bình sẽ được định đoạt.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #2 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2007, 05:25:28 pm »

2
CUỘC NGỪNG BẮN KÉO DÀI... MỘT PHÚT

28 tháng 1 năm 1973

Tám giờ sáng. Khi những tiếng chuông nhà thờ trong thành phố Sài Gòn reo vang báo tin thời điểm ngừng bắn thì tại khu phố mà chúng tôi có mặt không ai nghe thấy vì bị chìm dưới những tiếng nổ của đạn pháo.
Có vẻ như cuộc ngừng bắn chỉ kéo dài được khoảng chừng... một phút, lừ 8 giờ đến 8 giờ 1 phút. Đó là khoảng thời gian Tổng thống Thiệu lệnh cho quân đội ngừng nổ súng để chứng minh Hiệp định Paris vừa ký kết bắt đầu có hiệu lực! Nhưng ngay cả cái phút im lặng ngắn ngủi đó cũng không được tôn trọng triệt để. Ở khắp mọi nơi, những cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục. Tại nhiều địa điểm, cường độ trận đánh còn tăng hơn trước.


Từ cuối tháng 12 năm 1972, chúng tôi đã viết: “Cuộc ngừng bắn đánh dấu khởi đầu một cuộc chiến tranh mới,"… Mọi người cho là chúng tôi bi quan. Nhưng ngày hôm nay sự việc đã trở thành hiển nhiên, cuộc chiến tranh thứ ba ở Việt Nam đang mở màn.


Nếu ai còn nghi ngờ điều này, xin đọc lại bài diễn văn mà Tổng thống Thiệu vừa đọc sáng Chủ Nhật. Ông ta đã nói, không có một quy lắc chính trị nào, một quy tắc quân sự nào, có thể có được đối với cộng sản. Nếu cộng sản có mặt tại những khu vực mà chính quyền (Sài Gòn) kiểm soát thì phải bắn hạ.

Đó thật sự là một lời tuyên bố chiến tranh rất rõ ràng.

Tiến quân dưới nòng pháo

Có tới mấy chục nhà báo quốc tế chúng tôi đã nhìn thấy cuộc chiến tranh này diễn ra suốt ngày. Một số được nhìn thấy trong khoảng cách rất gần.

Vào lúc đầu buổi sáng, chúng tôi vẫn còn nghĩ rằng đây chỉ là những cuộc đụng độ nhỏ vi phạm ngừng bắn. Nhưng khi thấy xuất hiện cả xe bọc thép, pháo binh, không quân, thì còn ai có thể nói rằng đây không phải là một cuộc chiến tranh?


Chính pháo binh của Sài Gòn đã dẫn đường cho chúng tôi Không cần có bản đồ hoặc thám báo. Chỉ cần tiến dưới nòng pháo. Cũng không nhất thiết phải đi quá xa chung quanh thủ phủ Sài Gòn. Chỉ mười phút ôtô là tới được chiến trường. Dù có chọn đường đi hướng đi, đều vu vơ. Vì trên tất cả các nẻo đường chung quanh Sài Gòn đều có đụng độ Chúng tôi nói rõ: tất cả các ngả đường đều có đụng độ.


Chúng tôi bắt đầu tiến theo quốc lộ 13, con đường dẫn thẳng tới An Lộc, nơi đang đánh nhau từ tháng 3, năm trước.


Mới chưa đến 9 giờ rưỡi chúng tôi đã phải dừng lại vì đường bị tắc nghẽn bởi các xe cộ dân sự và quân sự tại Phú Cường, cách Sài Gòn ba mươi nhăm kilômét về phía Bắc.


Một cuộc giao tranh đang diễn ra lại ấp Tân Bình Hiệp sát gần tới mức từ đây chúng tôi có thể nhìn thấy những mái nhà trong xóm dưới những cây dừa. Việt cộng tới ấp này từ đêm trước. Họ đã cắt đứt đường cái và đang bảo vệ căn cứ chiếm lĩnh bắn các trọng liên và súng phóng rốc-két chống tăng B40 do Trung Quốc chế tạo. Quân đội Sài Gòn phải yêu cầu tăng viện. Nhiều đại đội bộ binh, có xe chiến đấu bọc thép và pháo trợ lực. Những loạt đạn khô khốc phóng đi từ các vũ khí tự động đáp lại pháo bắn giã giò, chậm chạp và đinh tai nhức óc.


Một đám dân tị nạn chạy về phía chúng tôi. Đàn ông, đàn bà mang theo hành trang vội vã. Những trẻ nhỏ giương cặp mắt ngơ ngác, ngồi trên những chiếc xe bò do những con trâu trắng kéo đi.


Một thanh niên bị thương vào háng, kêu la ầm ỹ. Một người mẹ bế một đứa con nhỏ, lê bước nặng nề, có vẻ như sắp ngã gục. Khi người đàn bà này tới gần chỗ chúng tôi đứng chúng tôi nhìn thấy máu chảy từ vai xuống ròng ròng...
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #3 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2007, 05:27:09 pm »

Cờ trên đầu súng

Ở bên kia đường là những dân vệ của chế độ Sài Gòn trong những bộ đồng phục màu đen. Một số chỉ vào khoảng mười sáu tuổi. Các nòng súng trường và súng máy đều cắm cờ, cứ như Chủ Nhật này là một ngày lễ hội. Khi đi ngang qua đám dân vệ, những người chạy nạn buông lời chửi rủa:

- Chúng mày là đồ ăn hại, không bảo vệ được thôn ấp, chạy như chuột. Thế mà bây giờ lại còn trang hoàng cờ xí!

Dân làng phản ứng là đúng. Vì, hình như Việt cộng chỉ có khoảng một trung đội. Vậy mà có tới hàng mấy trăm binh lính được trang bị đầy đủ khí tài của Mỹ vẫn không đánh bật được một dúm cộng sản chỉ trang bị vũ khí nhẹ, nhả đạn dè sẻn, ra khỏi các hầm hố.


Cuối buổi sáng, chúng tôi lại được chứng kiến một cảnh tượng như vậy tại một địa điểm cách Sài Gòn bốn mươi nhăm kilômét về phía Tây Bắc, trên đường đi Tây Ninh. Đó là quốc lộ 1 nổi tiếng dẫn tới biên giới Campuchia, bị cắt ngang ở gần Trảng Bàng.


Tại khu vực này, cuộc chiến diễn ra ác liệt hơn. Sài Gòn phải huy động máy bay tới nhả bom bắn phá suất từ 8 giờ 5 phút đến 8 giờ 25 phút, tức là sau thời điểm ngừng bắn. Những chiếc máy bay chiến đấu phản lực F.5 và máy bay cánh quạt Skyraider đã tới tiến công một đơn vị Việt cộng kéo tới đây từ đêm trước, đang bám trụ hai bên đường cái.


Một cột khói đen bốc lên trên vòm trời không mây. Những xe tăng M.48 chiếm lĩnh vị trí trên đường nền nhựa đã bị mặt trời nóng bỏng làm chảy nhão nay lại bị bánh xích xe tăng cày xới. Thỉnh thoảng những khẩu pháo nòng dài trên xe bọc thép lại khạc ra một lưỡi lửa màu da cam rồi mọi người nhìn thấy một quả đạn pháo phát nổ phía sau rặng cây chuối màu xanh nhạt. Không khí khét lẹt mùi thuốc đạn.

Việt cộng giáng trả bằng cối 57 và bằng cả tiểu liên AK 47.

Trên những cánh đồng, những người nông dân vẫn thản nhiên cầm bình lưới có nòi hoa sen, lưới những dòng nước nhỏ chảy vọi theo hình cầu vồng lên những cây rau cải.

Một đám đàn bà, trẻ nhỏ ngồi dưới bóng cây hoa đại chờ kết thúc cuộc chiến. Họ chạy khỏi làng từ lúc rạng đông. Liệu khi quay lại, họ còn nhìn thấy tài sản nữa không? Và biết bao giờ họ được quay trở về?



Tất cả những con đường chung quanh Sài Gòn đều bị cắt đứt

Một nhà báo đi tới chỗ chúng tôi trên một chiếc xe tô Mỹ cho thuê, rất đẹp. Anh ta mặc một bộ đồ mới ủi, thắt một chiếc cà vạt đỏm dáng, khoác thêm bên ngoài bộ quần áo thời trang một chiếc áo nịt chống đạn mới toanh. Trên đầu anh đội một chiếc mũ sắt Mỹ.


Một xe ô tô cứu thương vừa từ mặt trận trở về, chở nặng những binh lính Sài Gòn bị thương. Một người đã bị chết trên đường vận chuyển. Anh ta còn rất trẻ. Trên gương mặt thanh niên vẫn còn lại một nụ cười. Có lẽ anh đã chết không kịp đau đớn.


Một đại tá chế độ Sài Gòn đi ngang qua. Chúng tôi hói:

- Có bao nhiêu Việt cộng ở trong kia?

Ông ta đáp lại bằng tiếng Anh:

- May be a platoon (có lẽ có một trung đội).

Vậy mà, để tiến đánh một trung đội này, đã phải huy động chiến xa loại nặng, xe gắn trọng liên và cả máy bay mà vẫn chưa đạt được mục đích.

Hơn nữa từ đây đến Tây Ninh, hình như đường cái còn bị cắt đứt hàng chục quãng. Không phải con đường bị cản trở bởi các chướng ngại vật như thân cây, các hố hào, các rào kẽm gai, mà là bị chặn đứng bởi các nhóm nhỏ Việt cộng phục kích ven đường, núp trong những hố cá nhân nguỵ trang bằng cành lá.


Từ sáng hôm nay, cảnh tượng này xuất hiện trên tất cả những con đường chung quanh Sài Gòn, đi tới Mỹ Tho ở phía Nam, tới Vũng Tàu ở phía Tây. Từ trung tâm thành phố Sài Gòn, chỉ đi được khoảng hai mươi, ba mươi kilômét là bị chặn đánh.


Chính quyền Nam Việt Nam sẽ làm gì? Họ có thể để mặc cho đối phương ngăn chặn, cấm đi lại trên tất cả các lục lộ giao thông nội địa ở chung quanh đô thành chăng? Cũng như là, các thành phố quan trọng ở miền Nam Việt Nam đều chịu chung số phận như vậy? Ít nhất, điều này cũng đã được phản ánh trong các bức điện từ các địa phương gửi về Sài Gòn.


- Với tình trạng như thế này, không một chính phủ nào trên thế giới có thể chấp nhận được.

Một viên tướng từ mặt trận quay trở lại Sài Gòn khi bị chúng tôi hỏi, đã trả lời như vậy. Các nhà báo hỏi tiếp:

- Vậy thì, vẫn còn chiến tranh à?

- Các ông muốn nó sẽ diễn biến khác đi như thế nào?

- Các ông chưa dốc hết sức mình.

- Rồi các ông xem. Chỉ mười lăm ngày nữa, chúng tôi sẽ thắng cuộc.

Nhưng, những đơn vị cuối cùng của Mỹ đã rút khỏi lãnh thổ Nam Việt Nam. Hạm đội 7 của Mỹ đã chấm dứt các hoạt động chiến đấu. Cộng sản biết rõ điều đó. Thời cơ chẳng phải đã đến với họ rồi chăng? Bất cứ người chỉ huy cách mạng nào lại chẳng chớp lấy thời cơ này? Nếu đúng thật tướng Thiệu là bù nhìn, như những người cộng sản Việt Nam vẫn khẳng định, thì đây chính là lúc chứng minh, hoặc không bao giờ còn cơ hội nào nữa. Nhưng bù nhìn Thiệu cũng không có ý định để mặc đối phương làm gì thì làm. Mọi người lại hỏi:

- Vậy thì nội dung ngừng bắn là thế này ư?

Ồ? Vâng! Hiệp định ký lại Paris trên những tờ giấy rời chỉ thể hiện ở những chữ ký của những người anh em thù địch. Văn bản này cho phép Mỹ rút chân ra khỏi Nam Việt Nam.

Ngừng bắn ư?

Ở đây, ở Nam Việt Nam, tôi không biết có ngừng bắn.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #4 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2007, 05:30:17 pm »

3
UỶ BAN QUỐC TẾ GIÁM SÁT LÀM NHIỆM VỤ

29 tháng 1 năm 1973
 
Sáng hôm qua, Uỷ ban quốc tế giám sát ngừng bắn đã họp phiên đầu tiên ở Sài Gòn trong khung cảnh thiểu não: Từ phía xa xa tiếng đạn pháo vẫn nổ rền không ngớt. Không phải pháo nhỏ. Toàn cỡ 105, 155... Một lần nữa, pháo lại bắn suốt đêm chung quanh thành phố Sài Gòn bị ngột ngạt vì oi bức và xao xuyến vì hoang mang lo lắng. Bản hoà tấu đơn điệu này vẫn kéo dài mãi, trong lúc các thành viên có trách nhiệm giám sát việc thực hiện ngừng bắn theo Hiệp định Pari, gặp nhau lần đầu tiên.


Mười giờ sáng, Bộ tham mưu quân đội Nam Việt Nam công bố bản thông báo hằng ngày. Không phải để báo tin các hoạt động chiến sự đang giảm bớt. Ngược lại, 335 trận chiến đấu đã xảy ra, trong đó có một số là những trận chiến đấu thật sự, trong ngày thứ Bẩy. Tuy nhiên, ngày hôm trước kỷ lục còn cao hơn. Có tới 426 trận chiến đấu. Đến ngày thứ Hai, mọi người có thể sẽ nghĩ rằng cường độ giao tranh sẽ tiếp diễn, phụ thuộc vào ý chí quyết liệt của cả hai phía, không ai chịu nhường ai.


Vậy mà, tờ Sao và Vạch của quân đội Mỹ vừa phát hành cách đây mấy tiếng đồng hồ vẫn còn in trên trang nhất dòng chữ đậm nét to tướng It's all over (Mọi chuyện đã kết thúc). Quả là một nhận định kỳ quái!



Đại diện bốn nước ngồi chung quanh một chiếc bàn

Chào đón các thành viên Uỷ ban quốc tế chỉ có một nhóm nhà báo, khoảng một chục nữ nhân viên phục vụ dáng vẻ tò mò và vài đứa trẻ con ăn mặc bẩn thỉu.

Địa điểm đón tiếp thật thảm hại. Đó là một trại lính cũ của Pháp từ thời xưa, có những dãy nhà quét vôi màu vàng trên một bãi đất trọc, trụi cỏ, trồng cây, gần Câu lạc bộ thể thao. Khu vực này từ thời thuộc Pháp đã được gọi là “Trại lính lắm hồ ao".


Một viên cảnh sát đã mở những cánh cổng màu xanh dẫn vào khu nhà lớn nhất, cũng là ngôi nhà ít thảm hại nhất. Trong một gian phòng rộng hình chữ nhật trơ trụi, ngửi thấy mùi mốc, đã bố trí sẵn một chiếc bàn. Mặt bàn được phủ vội vã một tấm khăn có lẽ là khăn trải bàn mầu trắng từ thời chiến tranh thuộc địa của tướng Galliéni. Trên bàn có đặt vài chiếc cốc thuỷ tinh cọ rửa qua loa và bốn chai đựng nước uống, hứng từ vòi nước máy.


Ngồi chung quanh bàn là hai chục người đàn ông, gương mặt lộ rõ vẻ mệt nhọc. Bởi vì, tất cả đều vừa mới trải qua một chuyến đi dài để tới chiếc bàn không sang trọng này. Một số đã không chợp mắt từ hai đêm nay.


Phần lớn các thành viên đều trang phục mùa hè, màu sám hoặc xanh lơ, thắt cra-vát trên cổ áo sơ mi trắng theo đúng quy cách.


Nếu mọi người nhận ra ngay các thành viên quốc tịch Indonexia thì lại rất khó phân biệt những người Canada, Hungari và Ba Lan. Có hai sĩ quan Hungari mặc quân phục với những chiếc mũ mềm ka ki có lưỡi trai che mắt rất kỳ cục. Có hai người Canada, cũng là hai sĩ quan, mặc quần cộc màu xanh đậm, áo sơ mi xanh nhạt cộc tay. Ngồi sát gần chỗ tôi là một đại tá Ba Lan quân phục chải chuối, đeo đầy huân chương. Đây là người tôi có dịp trò chuyện, trước khi khai mạc cuộc họp.


Đến từ ba lục địa và thuộc những nước có chế độ chính trị khác nhau, song những thành viên này đều cùng chung mục đích: cố góp phần vào việc lập lại một nền hoà bình thật sự ở Nam Việt Nam.



Không làm gì cả.

Cuộc họp đầu tiên này kéo dài một giờ.

Buổi trưa, các nhà báo chúng tôi đến trụ sở của người Canada, đón đợi trưởng đoàn là ông Michel Gauvin, 53 tuổi, đã từng giữ chức đại sứ tại Hi Lạp, nay tới đây cùng với phó đoàn là thiếu tướng Mac Alpine.

Nhà ngoại giao này nói:

- Chúng tôi đã thảo luận về khả năng cử các phái đoàn giám sát tới bẩy bộ tư lệnh địa phương ở Nam Việt Nam. Nhưng trong lúc này chưa thực hiện được vì những lý do mà các ông đã biết. Lý do thứ nhất là các hoạt động chiến sự vẫn tiếp diễn. Uỷ ban quốc tế giám sát dĩ nhiên chỉ có thể hoạt động được nếu có ngừng bắn thật sự và có những đường ranh giới rõ ràng giữa các lực lượng đối địch.

Chúng tôi hỏi lại đại sứ:

- Nếu những cuộc chiến đấu cứ tiếp tục, các ngài sẽ làm gì?

Ông trả lời bằng tiếng Pháp:

- Chúng tôi không thể làm gì được.

Ông Michel Gauvin vừa mới tới Sài Gòn hồi hai giờ rưỡi sáng hôm nay. Nhưng ông biết rõ xứ sở này vì đã ở đây từ năm 1955. Dù chỉ mới trở lại đây một khoảnh khắc ngắn, qua giọng nói của ông chúng tôi được biết ông không nuôi ảo vọng gì về tương lai của Uỷ ban giám sát trong sứ mệnh kéo dài sáu mươi ngày. Ít nhất cũng là những ảo vọng trong tương lai gần.

Đại sứ tiếp tục nói:

- Chúng tôi chỉ có thể thực thi nhiệm vụ trong chừng mực hiệp định ngừng bắn được cả hai bên tôn trọng.

Một nhà báo Mỹ vụt hỏi ông:

- Có một cuộc chiến đấu bùng nổ ngay ở bên kia phố, thì các ngài sẽ làm gì?

Ông đáp lại bằng tiếng Anh, thẳng thừng như quất một ngọn roi:

- Nothing! (Không làm gì cả!)



Sự cố ở sân bay

Lý do thứ hai khiến cho Uỷ ban quốc tế giám sát ngừng bắn không thể nào bắt tay làm việc nhanh chóng như đã định là một bộ phận đoàn đại biểu Ba Lan chưa tới kịp Sài Gòn. Bộ phận này bị chậm trễ vì Hà Nội thiếu máy bay. Bởi vì tuyến đường bay duy nhất từ Hà Nội vào Sài Gòn chỉ có thể thực hiện trên một phương tiện duy nhất là bay qua Lào, một nước trung lập, nếu không nói là có xu hướng trung lập. Từ Hà Nội, mỗi tuần chỉ có một chuyến bay của hãng Aeroflot của Nga bay đi Viếng Chăn. Mọi người hình như quên mất chi tiết này.


Lý do thứ ba, quan trọng vô cùng, đang kìm hãm công việc của Uỷ ban quốc tế giám sát. Uỷ ban quân sự bốn bên do Hiệp định Paris chỉ định vẫn chưa bắt đầu thực hiện nhiệm vụ. Phía Nam Việt Nam, Bắc Việt Nam và Mỹ đã có thể sẵn sàng công việc vì đã có mặt tại những toà nhà lớn có điều hoà không khí, trong căn cứ không quân Tân Sơn Nhất, tất cả các cổng ra vào đều canh gác kỹ. Nhưng các cấp tướng và sĩ quan cấp cao Việt cộng vẫn chưa có mặt. Người ta giải thích:

- Thật ra, họ đang ngồi trên một chiếc máy bay quân sự của Nam Việt Nam. Chiếc máy bay này đã hạ cánh, đậu gần nhà ga, nhưng họ không chịu xuống.


Lý do? Các nhà chức trách Nam Việt Nam đã đưa máy bay đón phái đoàn Việt cộng từ Băng Cốc. Phái đoàn này đã từ Paris tới thủ đô Thái Lan trên một chiếc máy bay của hãng hàng không Pháp Air France. Nhưng khi tới Sài Gòn, các nhân viên cảnh sát và hải quan yêu cầu họ làm các thủ tục nhập cảnh như những người nước ngoài. Và các sĩ quan Việt cộng đã đáp lại, không phải không có lý:


- Nước Việt Nam là một, không thể chia cắt được. Nguyên tắc này đã được công bố rõ trong Hiệp định Paris vừa ký kết. Đó cũng là điều Hiệp định Genève 1954 đã ghi nhận. Hôm nay là ngày chúng tôi trở về đất nước của chúng tôi. Đây là nhà của chúng tôi. Chúng tôi kiên quyết không chịu để đối xử như những người nước ngoài…


Những sĩ quan Việt cộng này vẫn sẽ còn ngồi trong khoang máy bay nếu như đến giờ ăn trưa chính quyền Sài Gòn không nhượng bộ bằng cách tạo ra một cái cớ để đỡ mất thể diện, theo kiểu châu Á.



Và đến bây giờ?

Cuối cùng, các tiểu ban đã có thể bắt tay vào việc.

Tiểu ban quân sự bốn bên có nhiệm vụ làm cho các lực lượng quân sự Bắc Việt, Nam Việt và Việt cộng1 (Trong cuốn sách này, Paul Dreyfus dùng từ "Việt cộng" để chỉ những thành viên thuộc Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam) “đóng ở nguyên các vị trí” (theo điều 3 chương A Hiệp định Paris) và cấm ngặt "các hoạt động thù địch, khủng bố, đàn áp" (điều 3, chương C).


Về phần uỷ ban quốc tế giám sát, các thành viên sẽ đi khắp lãnh thổ Nam Việt Nam để thừa nhận hoặc ghi nhận những vi phạm hiệp định đã ký kết tại phố Kleber Paris.


Nhưng, để làm việc này, trước hết phải có ngừng bắn. Mà, lúc này, súng lại bắn gấp đôi.

Cuộc chiến tranh giữa Mỹ và cộng sản Việt Nam đã kết thúc. Nước Mỹ thở phào nhẹ nhõm.

Nhưng cuộc chiến tranh Việt - Việt đang ác liệt. Nhìn về phía chân trời lúc này, chỉ thấy máu và nước mắt.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #5 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2007, 05:32:49 pm »

4
SPIRO AGNEW ĐẾN SÀI GÒN TRONG CẢNH TRÀN NGẬP RỐI REN

30 tháng 1 năm 1973

May mà Spiro Agnew không quay lại phía sau khi bước xuống máy bay. Nếu không, có lẽ ông đã nhìn thấy ông bạn Thiệu có những thứ không muốn phô diễn. Đó là hai chiếc máy bay vận tải của Mỹ vừa hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất trước chiếc chuyên cơ của Spiro Agnew ít lâu.


Đúng là, khi cửa chiếc máy bay Boeing 707 màu xanh và trắng, số hiệu 88961, sơn cờ nhiều ngôi sao ở phía đuôi, vừa mở rộng để Phó tổng thống Mỹ Spiro Agnew bước xuống sân bay, ông Agnew đã không ngoái cổ nhìn chung quanh.


Phó tổng thống Mỹ mặc một bộ đồ màu xám sẫm, thắt cravat đen có điểm hạt đậu trắng, mái tóc muối tiêu chải mượt, nét mặt nghiêm nghị. Ngài bước thẳng đến chỗ đại sứ Ellsworth Bunker đứng ở đầu hàng một nhóm nhỏ các quan chức dân sự và quân sự đang đón đợi. Vừa bắt tay xong, ngài Phó tổng thống leo ngay lên chiếc xe hơi thân dài màu đen đi thẳng tới trụ sở ngoại giao có nhiều cây xanh.


Spiro Agnew không nhìn thấy gì hết. Ông không nhìn những lính cảnh vệ người Việt bó chặt trong những chiếc áo nịt chống đạn đứng ở thềm nhà ga hàng không, không nhìn những khẩu súng tự động sẵn sàng nhả đạn, bố trí trên nóc nhà, không nhìn những chiếc xe tô có gắn trọng liên, nguy trang, túc trực quanh sân bay, những chiếc xe tăng trong lực lượng dự bị, những chiếc máy bay lên thẳng làm nhiệm vụ bảo vệ, những cảnh sát khoác áo dân sự mang theo máy bộ đàm nhỏ xíu trong người.


Dù cho có nhìn thấy những thứ đó, có lẽ ông cũng nghĩ rằng đó là những biện pháp nhằm bảo vệ ông, nhân vật thứ hai của nước Mỹ, được Tổng thống Nixon cử đi tới thủ đô bẩy nước Đông Nam Á nhằm động viên tinh thần các đồng minh của Mỹ.


Thật ra, chỉ có một phần lực lượng bố trí này là nhằm vào việc bảo vệ Spiro Agnew. Căn cứ Tân Sơn Nhất sở dĩ đặt trong tình trạng chiến tranh còn do nhiều lý do khác nữa.



Chúng tôi không chịu ra khỏi đây

Tân Sơn Nhất, sân bay dân sự và quân sự, chiếm một diện tích lớn như một thành phố loại trung bình của nước Pháp, là một căn cứ luôn luôn được phòng thủ vững chắc. Đây là một vị trí có tầm quan trọng chiến lược quá lớn tới mức không thể bỏ mặc cho đặc công Việt cộng được trang bị vũ khí phóng rốc két tầm xa mười một kilômét tự do bắn phá.


Ngay cả khi đã có hiệp định ngừng bắn, Tân Sơn Nhất vẫn còn là một pháo đài ghê gớm tua tủa vũ khí như con nhím. Sáng hôm qua, chúng tôi chỉ có thể vào được đây do được phép ngồi trong một chiếc xe quân sự của Mỹ có một thiếu tá quân phục chỉnh tề mở đường tiên vào sân bay. Tại sao phải áp dụng những biện pháp đề phòng này? Trên thực tế hiện nay sân bay đang có những phái đoàn cộng sản thành viên của các tiểu ban quân sự đình chiến. Vậy mà, mới hôm qua, một sự cố nghiêm trọng đã đẩy một trong các phái đoàn này vào tình trạng đối lập với các nhà chức trách Sài Gòn.


Câu chuyện như sau:

Khoảng một trăm sĩ quan Bắc Việt vừa tới căn cứ không quân Tân Sơn Nhất trên hai chiếc máy bay vận tải hai động cơ C130 Hercules của lực lượng không quân vận tải Hoa Kỳ. Các nhà chức trách Sài Gòn lại có ý định buộc các đại biểu này phải tiến hành các thủ tục nhập cảnh như đã áp dụng đối với những người nước ngoài. Ngày hôm trước, phái đoàn Việt cộng đã không chịu theo các thủ tục do cảnh sát và nhân viên hải quan yêu cầu. Hôm nay, đến lượt các sĩ quan Bắc Việt cũng không chịu làm thu tục, với các lý do tương tự. Họ nói:

- Sự thống nhất của nước Việt Nam đã được công nhận ngay từ Hiệp định Genève 1954, và tuần trước lại được Hiệp định Paris 1973 tái khẳng định ngay trong điều một của văn bản. Chúng tôi không thể bị đối xử như những người nước ngoài. Chúng tôi từ chối tuân theo các thủ tục do chính quyền Sài Gòn tự tạo ra nhằm làm chậm trễ công việc của các tiểu ban trong Uỷ ban giám sát. Chúng tôi sẽ không ra khỏi đây chừng nào vấn đề này chưa được giải quyết. Chúng tôi cứ ngồi ở ngay trong khoang máy bay này.



Những người vô hình

Họ đã ngồi trên máy bay hết giờ này sang giờ khác. Kể lại trong một hàng chữ thì rất ngắn. Nhưng thực tế thì rất dài. Cũng cần biết thêm, trong chiếc máy bay vận tải quân sự Hercules của Mỹ không có đầy đủ tiện nghi vì loại này chỉ dùng để chở hàng hoặc thả dù. Thời tiết rất nóng. Máy bay lại đỗ trên đường băng xi măng bị hun nóng như lò bánh mì.


Những lính canh của quân đội Sài Gòn đội mũ sắt được bố trí vây quanh máy bay.

Còn những lính Mỹ, vừa mới hôm qua còn là kẻ địch thì thỉnh thoảng lại mang bánh mì kẹp thịt, nước chanh giải khát... tới mời các sĩ quan tự nguyện ngồi lì trên máy bay.


Trong khi đó chính quyền Sài Gòn vẫn cứng đầu cứng cổ. Họ tuyên bố:

- Hôm qua, chúng tôi đã tìm được một giải pháp đối với Việt cộng. Dù sao đó cũng là những người Nam Việt Nam. Nhưng, đối với những phái viên của Bắc Việt, không có vấn đề nhân nhượng nào cả.

Đại sứ Hoa Kỳ phải ra tay can thiệp, nói:

- Phó tổng thống Agnew đang tới thăm các ngài. Nhất định, các ngài phải tìm ra giải pháp. Nếu sự cố này không được giải quyết trong thời gian Phó tổng thống qua thăm, có thể sẽ dẫn đến hậu quả xấu nhất.


Như vậy là, chỉ ba mươi nhăm phút sau khi chiếc Boeing màu trắng và xanh chở ngài Spiro Agnew hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, chính quyền Sài Gòn đã tìm được giải pháp. Các đại biểu Bắc Việt bước ra khỏi máy bay, mệt mỏi vì đã ngồi trong khoang nóng bỏng tới hai mươi giờ. Nhưng họ đã thắng.


Nhưng rồi họ đi đâu? Không ai biết. Một trong số bạn đồng nghiệp của tôi vừa đi một mình vào cổng sân bay căn cứ không quân Tân Sơn Nhất đã bị lính canh của quân đội Sài Gòn tịch thu hết giấy tờ. Một người khác, vừa lái xe tới gần rào cản, đã bị một loạt đạn bắn vỡ lốp xe.


Không nhà báo nào được liếp xúc với các thành viên phái đoàn Bắc Việt và Việt cộng. Cũng không biết họ ở đâu Trong lúc này, họ đang là những người vô hình.



Từ nay đến cuối tuần

Nếu có được một hi vọng hoà bình, thì đó là nhờ vào những người trong các tiểu ban quân sự kiểm soát ngừng bắn, gồm ba nghìn ba trăm sĩ quan lập hợp trong Uỷ ban quân sự bốn bên: Mỹ, Nam Việt, Bắc Việt, Việt cộng và khoảng vài chục sĩ quan trong tiểu ban quân sự liền hợp Nam Việt và Việt cộng. Chúng tôi được biết, những thành viên này đã họp bàn, nhưng nội dung các cuộc thảo luận vẫn được giữ rất bí mật như những cuộc bầu một giáo chủ.


Trong khi đó, những cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục diễn ra ác liệt từ nơi này đến nơi khác trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam.


Không ai nhìn thấy những cuộc giao tranh này sẽ có thể ngừng một cách đột ngột như thế nào.

Việt cộng và Bắc Việt không có ý định rút khỏi những vị trí đã chiếm lĩnh trước thời điểm Hiệp định Paris trở thành có hiệu lực trên lý thuyết.


Còn quân đội Sài Gòn thì quyết định giải toả bằng mọi giá các trục lộ giao thông chung quanh các thành phố lớn, nhất là chung quanh Sài Gòn. Họ đã thực hiện việc này không cần tiết kiệm các phương tiện: Xe tăng, pháo, máy bay. Có Chúa Trời mới biết được, các tuyến đường được mở bằng giá nào.

Khi tiếng sấm của những cuộc chiến đấu giảm đôi chút, người ta lại nghe thấy:

- Các bên đối địch tố cáo lẫn nhau vi phạm hiệp định ngừng bắn, một cuộc ngừng bắn không hề có.

- Tiếng nói không trọng lượng của Uỷ ban quốc tế kiểm soát kẻ chứng kiến một cách bất lực sự nổi dậy của chiến tranh.

- Tiếng kêu cứu của những người dân chạy nạn ở hai bên đường.

- Tiếng kêu xé lòng của dân thường bị thương.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #6 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2007, 05:34:11 pm »

5
CÁC TIỂU BAN KIỂM SOÁT BỊ NGỪNG TRỆ

31 tháng 1 năm 1973

- Chúng tôi sẵn sàng đi khắp đất nước ngay lập tức.
 
Đó là lời ông Bogdan Wasilevski, nguyên đại sứ Ba Lan tại Hà Nội, hiện đang giữ chức trưởng đoàn Ba Lan trong Uỷ ban bốn nước (Ba Lan, Canada, Hungari, Indonexia) kiểm soát ngừng bắn tại Việt Nam, nói với tôi hôm qua.


1160 thành viên của ông đã sẵn sàng. Nhưng đã bốn ngày sau thời điểm quy định đình chỉ các hoạt động chiến sự, bộ máy này vẫn đình trệ, nằm tại Sài Gòn. Các trận đánh vẫn tiếp tục. Về phần các tiểu ban quân sự cũng chưa hoạt động được. Các nhà chức trách Sài Gòn ngăn không cho các nhà báo đến gần họ. Các thành viên Việt cộng và Bắc Việt vẫn bị cách biệt trong sân bay Tân Sơn Nhất.


Tình trạng này khiến cho báo chí quốc tế phải lên tiếng phản kháng chính quyền Sài Gòn. Kết quả là một con số không. Tổng thống Thiệu, các bộ trưởng, các tướng lĩnh bỏ mặc. Hôm trước, họ đã tuyên bố là những thành viên Bắc Việt tới sau sẽ phải thực hiện các thủ tục hải quan và nhập cảnh như khách nước ngoài. Điều này có thể dẫn đến những sự cố mới.


Tuy nhiên, một vài dấu hiệu, dù mỏng manh cũng đang làm mọi người nghĩ rằng tình hình có thể tiến triển. Từ ngày hôm qua, người ta ghi nhận các trận đánh đã giảm bớt và thừa nhận không xảy ra một hoạt động quân sự nào với quy mô lớn. Mọi người lại được đi lại trên tất cả các trục lộ giao thông lớn chung quanh Sài Gòn. Những tuyến giao thông chính yếu đã được giải toả như các nhà chức trách Sài Gòn mong đợi. Tiếng súng lớn đã lùi xa. Mặt khác, cũng có nhiều hoạt động gây sức ép với chính quyền Sài Gòn thúc đẩy họ phải giảm bới căng thẳng hơn nữa đối với những người cộng sản đối thoại. Chính Phó tổng thống Mỹ Agnew đã thúc bách Thiệu làm việc này. Những sức ép khác đến từ các con đường ngoại giao.

Nhiều nhà quan sát cho rằng đến cuối tuần sẽ có một bước ngoặt trong chiến tranh Việt Nam.

Cuộc chiến sẽ chuyển sang những hình thức khác khi nào đình chỉ chiến sự.

Chắc hẳn, chính vì lẽ đó mà tướng Dương Văn Minh thường được gọi là "Minh lớn", một nhân vật khôn ngoan, có thể được coi là người đối lập duy nhất trong phe đối lập với Thiệu, ngày hôm qua đã ra khỏi nơi ở ẩn. Từ lâu lắm, đây là lần đầu tiên người ta nghe thấy một tiếng nói cấp tiến ở Nam Việt Nam.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #7 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2007, 05:35:03 pm »

6
CHIẾN TRANH CÓ SỨC SỐNG RẤT DÀI, NHƯNG MÀ...

1 tháng 2 năm 1973

Ngồi trong phòng làm việc rộng lớn như một phòng khiêu vũ có máy điều hoà không khí, tướng Viên thoả mãn xoa hai bàn tay vào nhau.

Mọi việc đang tiến triển tốt.

Cao Văn Viên, 52 tuổi, là Tổng tư lệnh kiêm Tổng tham mưu trưởng quân đội, là nhân vật hùng mạnh nhất của chế độ Sài Gòn, sau Tổng thống và Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đang nghĩ có thể thắng được kẻ địch cứng đầu cứng cổ.


Xuất thân là một học viên trường đào tạo sĩ quan của Pháp ở Vũng Tàu, Viên được bổ túc nghiệp vụ cấp tướng tại Học viện quân sự cấp cao của Mỹ, đã dự kiến trước cộng sản sẽ làm gì khi có lệnh ngừng bắn. Ông chờ Việt cộng đưa những đơn vị nhỏ tới chặt đứt các quốc lộ và tỉnh lộ và đã bố trí binh lực để có thể ứng phó kịp thời. Đó là điều ông đã thực hiện từ 8 giờ sáng ngày Chủ Nhật 28 tháng 1 năm 1973, dựa trên hai chủ bài là tính cơ động tuyệt đối cao của các đơn vị cơ giới hoặc máy bay lên thẳng, và ưu thế rất cao về hoả lực.


Cao Văn Viên đang thắng thế trong cái gọi là "chiến tranh xa lộ". Phần lớn các tuyệt giao không đã được giải toả. Dù cho các đơn vị cộng sản vẫn còn tiếp tục các hoạt động phá hoại và còn giữ được một vài vị trí, nhưng đã bộc lộ những dấu hiệu tàn lụi.


Chiến thuật mới mà cộng sản đang áp dụng đã khiến cho binh lực của họ phải ra khỏi các "thánh địa" và phân tán thành từng đơn vị nhỏ.

Những đơn vị xung kích này rất hiếm khi vượt quá một trung đội, nhưng vẫn có những khó khăn lớn là tiếp tế đạn dược, ngay cả ban đêm. Các đoàn tiếp vận phải vượt những chặng đường dài để mang vác những quả đạn cối, những băng đạn trọng liên, và phải vượt qua nhiều khu vực do Sài Gòn kiểm soát.


Hôm qua, các vụ vi phạm hiệp định ngừng bắn đã giảm bớt, nhưng vẫn còn tới 188 vụ.

Danh từ "vi phạm" có thể hiểu theo nhiều cách. Dù sao, Chủ Nhật trước cũng còn có tới 1.134 vụ vi phạm. Có nghĩa là cuộc chiến tranh vẫn tiếp diễn không ngừng.

Cuộc chiến tranh này có sức sống rất dai.

Đúng như giới báo chí Liên Xô nhận định, cuộc chiến tranh này đã đi tới đoạn chót sau những hai mươi bẩy năm chiến đấu, khó mà có thể chấm dứt ngay lập tức đúng thời điểm quy định. Lời bình luận của Matxcơva thật có ý nghĩa. Liên Xô đang cẩn thận, cố tránh thổi bùng lên ngọn lửa đang phải bắt đầu.


Trong lúc này, các tiểu ban kiểm soát ngừng bắn đang bố trí một cách nhọc nhằn, vất vả. Mãi ngày hôm qua chúng tôi mới nhận được tin đầu tiên của đại sứ Michel Gauvin, trưởng đoàn Canada trong Uỷ ban quốc tế cho  biết, sáu mươi hai nhân viên của Uỷ ban kiểm soát ngừng bắn, trong ngày hôm nay, thứ Sáu 1 tháng 2 đang dự định liến hành chuyến thanh sát đầu liên trên lãnh thổ Nam Việt Nam. Họ sẽ đi bằng máy bay lên thẳng, có các thành viên thuộc tiểu ban quân sự bốn bên (Mỹ, Bắc Việt, Nam Việt, Việt cộng) đi kèm.
Cuối cùng, trong ngày hôm qua, trưởng đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cũng đã từ bưng biền, đáp máy bay lên thẳng được Mỹ tìm đón, tới sân bay Tân Sơn Nhất.


Sau khi đến sân bay, tung tích của đoàn bị chính quyền Sài Gòn bưng bít rất nghiêm ngặt. Không một nhà báo nào được tiếp xúc với nhân vật quan trọng này. Ngay cả họ tên của ông, mãi đến tối hôm qua, mọi người cũng không được biết.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #8 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2007, 06:23:19 pm »

7
TẾT ĐẾN VỚI ANH CHÀNG NGUYỄN TỘI NGHIỆP

2 tháng 2 năm 1973

Cách đây hai năm, tôi có quen một nhân viên khách sạn Continental, một khách sạn cũ xây theo kiểu thuộc địa ở ngay trung tâm Sài Gòn. Anh ta tên là Nguyễn. Vì biết tiếng Pháp nên có một vài lần anh được chọn làm phiên dịch cho tôi.


Hôm qua, tình cờ tôi gặp lại Nguyễn trên đại lộ từ Toà Thị chính dẫn đến bờ sông. Đây là dịp Tết âm lịch của Việt Nam. Đại lộ này biến thành một chợ hoa.

- Thế nào, Nguyễn, mạnh khoẻ chứ?

- Cũng tạm được, thưa ông.

Anh chỉ vào ống tay áo bên trái, đang bay phất phơ dưới mỏm cụt.

Câu chuyện của Nguyễn cũng giống như hàng ngàn, hàng vạn thanh niên ở Nam Việt Nam, đang có lệnh động viên tất cả trai tráng mười tám tuổi. Nguyễn được biên chế vào một đơn vị biệt kích, sau ba tháng huấn luyện bị đưa đi chiến đấu tại vùng châu thổ gần Cần Thơ. Một quả đạn cối nổ gần. Cánh tay trái của Nguyễn gần như bị xé nát. Đưa về trạm quân y, cánh tay bị cắt cụt. Nguyễn trở thành phế binh. Sau đó được giải ngũ, sống bằng tiền trợ cấp thương tật còm cõi. Không chết là may rồi.

- Rồi sao nữa?

- Thưa ông, tôi làm đủ mọi nghề phục dịch nhỏ. Hiện nay tôi giúp những người bán hoa, đang rối bận vì Tết đến.

Nguyễn dạy tôi biết tên ba loại cây cảnh ngày Tết: Mai trắng, Mai vàng, Đào hồng, rồi nói thêm:

- Tôi đã có vợ và vừa mới có con. Mời ông tối nay lại chơi.

Tôi đến chỗ hẹn, và không sao quên được căn hộ của Nguyễn. Đây là một túp lều dựng lên bằng những ván gỗ mỏng, mái lợp tôn lá uốn, bên cạnh phố Võ Tánh, sát đường xe lửa.

Tôi hỏi:

- Không có xe lửa chạy qua chỗ này à?

- Có! Ngày nào cũng có. Tàu đi Biên Hoà. Là tuyến xe lửa cuối cùng ở Nam Việt Nam. Chiều dài ba mươi cây số. Nhưng sau đó, đường sắt này cũng bị cắt.

Nguyễn dẫn tôi vào căn nhà tối om. Anh giới thiệu với tôi người vợ rất trẻ, rồi chỉ vào đứa bé đang ngủ trong chiếc nôi làm bằng vỏ két đạn của Mỹ, nói một cách tự hào:

- Con tôi đấy! Cháu sinh đúng vào ngày đình chiến. Thật là một sự trùng hợp kỳ lạ, vì tôi sinh vào ngày Điện Biên Phủ thất thủ.

Giữa hai cha con là một khoảng cách mười chín năm chiến tranh không ngừng.

Chúng tôi nói chuyện với nhau trong khi vợ Nguyễn pha trà có vắt chanh.

Tôi hỏi:

- Nguyễn này! Cậu có ủng hộ Việt cộng không?

- À, mà không!

- Thế có lẽ cậu ủng hộ Thiệu?

- Càng không. Tôi không ưa viên tướng này. Nhưng nếu cần phải chọn một trong hai phía, thì tôi đứng ở phía...

- Vậy thì cậu bỏ phiếu cho ai?

- Biết thế nào được?

- Nhưng mà, cậu phải quyết định đi. Cậu là người Nam Việt Nam. Sẽ có tuyển cử.

- Tuyển cử ấy à? Không có tuyển cử ngay đâu. Ông hãy tin lời tôi.

- Chiến tranh đã kéo dài mười chín năm rồi. Có lẽ từ bây giờ, lại phải chờ mười chín năm nữa mới có hoà bình?

- Ai mà biết được?

Nói xong, Nguyễn nhe răng cười. Trong vỏ một hộp sữa Guigoz được dùng làm lọ hoa, có một cành mai vàng đang nở hoa.

Thấy tôi nhìn, Nguyễn giải thích:

- Ngày Tết mà!

- Chào mừng năm mới. Một năm tốt đẹp.

Tôi rời khỏi căn hộ.

Trời đã tối mịt. Có tiếng hát của những người đàn bà vang lên từ những căn nhà ổ chuột làm bằng bìa cứng, lợp mái tôn. Phía xa xa, có tiếng còi một chiếc đầu tàu vọng lại.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #9 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2007, 06:25:14 pm »

8
MỘT LÀNG NHỎ TẠI MẶT TRẬN VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

3 tháng 2 năm 1973

Như bốn con cóc cụ màu xanh ghê tởm, bốn chiếc xe bọc thép đang lội trong bùn dọc theo quốc lộ số 4.

Phía bên kia là một con đường đất nhỏ màu vàng chạy giữa những ruộng lúa nước màu xanh. Một con đê hẹp lỗ chỗ vì đạn pháo dẫn đến thôn Nhị Quý.

Từ thành phố lân cận, một cụ già đã nói với tôi:

- Các ông khó mà tới đó được. Đang đánh nhau dữ lắm. Nhà thờ chỉ còn là những đống đổ nát.

Hai cây số chạy bộ đưa chúng tôi đến cổng làng. Một búi dây kẽm gai ngăn lối vào phố chính. Chúng tôi bỏ lại chiếc xe tô Meharie có một sinh viên tên là Hân cùng đi để làm phiên dịch ở ngoài cổng.

Từ đây chỉ còn đi hai kilômét, vượt đường cái lớn Mỹ Tho - Cai Lây, trục lộ giao thông chính trong vùng châu thổ là có thể rơi vào khu vực tuyệt đối không an toàn. Có thể nói, khu đó là "mặt trận”, nếu từ ngữ này có một ý nghĩa nào đó trong chiến tranh cách mạng.


Không xa lắm, một cỗ pháo 105 đang nhả đạn vào một mục tiêu vô hình. Những máy bay lên thẳng lượn vòng rất thấp trên khu vực.

Hân nói:

- Trong tiểu khu này vẫn còn có một cuộc hành quân chiến đấu. Sáng nay máy bay đã ném bom.

Cuộc chiến đang diễn ra phía Bắc quốc lộ có lẽ cách khu vực Đồng Tháp Mười khoảng ba hoặc bốn kilômét. Còn chúng tôi thì lại đang đâm bổ xuống phía Nam, về phía sông Cửu Long. Và chúng tôi biết sẽ không tài nào tới đích.


Khu vực này có hàng chục kênh rạch cắt ngang cùng với những bụi cây chuối, cây cọ, cây dừa, Việt cộng đang chiếm lĩnh như giữ nhà của mình.

Một dân làng bảo chúng tôi:

- Các ông đừng đi xa nữa. Ở bên kia cầu, rất nguy hiểm cho binh lính.

Chúng tôi vượt qua cây cầu thép đã bị đánh gục một nửa, tiếp tục đi đến nhà thờ, một ngôi nhà lá đơn sơ dùng làm trường học. Mái nhà đã bị pháo phá huỷ.

Nhưng bên trong, tượng Đức Mẹ Đồng Trinh bằng thạch cao vẫn không bị thương tổn.

Một sĩ quan nói với chúng tôi:

- Lúc ngừng bắn, có năm tên Việt cộng đã đóng trong nhà thờ, cắm cả cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng. Chúng tôi đã đánh bật và tiêu diệt chúng.

- Thế lá cờ đâu?

- Chúng tôi bắn pháo rất nhiều tới mức chỉ còn lại có cán cờ.

Nhìn lên một ngọn cây dừa, tôi thấy có một lá cờ hai màu xanh, đỏ, chính giữa có ngôi sao vàng. Tôi hỏi viên sĩ quan:

- Thế còn lá cờ kia, chẳng phải đó là cờ của chính phủ lâm thời Việt cộng đó hay sao?

- À, nhưng chỗ đó là khu vực của Việt cộng.

- Còn ở đây?

- Đây là khu vực của chúng tôi.

Để chứng minh cho lời viên sĩ quan, lính của ông ta, nhan nhản khắp nơi đang đào hố để đặt ổ súng trọng liên.

Có những tiếng súng máy vang lên gần.

Bầy trẻ con đi theo chúng tôi, reo hò vui vẻ như một đàn chim sẻ.

Viên sĩ quan quát lính:

- Nhanh tay lên. Phải bố trí xong trước khi trời tối.

Binh lính vội vã đào hố bằng xẻng.

Khi hoàng hôn tắt nắng thì thôn Nhị Quý cũng đã cắm xong những lá cờ vàng có ba vạch đỏ.

Đây là lần giành giật thứ sáu kể từ thời điểm ngừng bắn.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM