Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:24:59 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sài Gòn sụp đổ  (Đọc 46962 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #70 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2008, 09:13:41 pm »

69
CUỘC SĂN LÙNG SÁCH

Thứ Năm 22 tháng 5

Sáng nay, vụt một cái, tất cả những sạp bán sách trên vỉa hè, gần rạp chiếu bóng REX, đều biến mất. Trước kia, ở đây thường bán những cuốn sách mà trong các thư viện Sài Gòn sẽ không có nữa. Đó là những loại sách độc hại đối với chủ nghĩa cộng sản. Thanh niên hiểu rằng đây là những cuốn cuối cùng được bán hạ giá. Chỉ trong vòng một tuần họ đã lao đến các sạp bán sách, mua vét hết.


Chán sống

Tôi gặp lại Jane, cô gái Pháp bị bỏ rơi, vào cuối buổi chiều đang ngồi trước một tách trà đã cạn tại một tiệm cà phê. Cô gái có vẻ buồn. Hai người bạn gái đi cùng với cô, giúp tôi phiên dịch. Cô cho biết, một trong hai cô gái vị thành niên lánh nạn tại nhà cô đã tự tử. Cô bé tội nghiệp đã uống hết cả một "tuýp" thuốc Nivaquine.

Và bây giờ đến lượt ba cô gái tươi trẻ, xinh xắn lại bắt đầu nói với tôi về chuyện tự tử. Tôi nói:

- Vào tuổi các cháu, phải nghĩ đến chuyện sống.

- Tại sao lại phải sống? Chúng cháu không còn hứng thú gì với cuộc đời này.

Tôi thừa nhận, đây không phải chỉ là câu nói cửa miệng. Bởi vì trong người các cô gái này đều có mang theo hàng trăm viên thuốc nhỏ màu trắng.

Một chuỗi im lặng kéo dài làm ngừng câu chuyện tuyệt vọng.


Bữa ăn tối

Trong khu phố đang vắng dần, người ta chỉ còn nghe thấy tiếng gõ lạch cạch đều đặn theo một nốt nhạc của một chú bé báo hiệu bữa ăn tối đã chuẩn bị xong. Và thế là, trong bóng tối đang ập xuống, những người vóc dáng bé nhỏ ngồi xổm ngay trên hè, chung quanh người phụ nữ nấu ăn, lặng lẽ và chăm chú, đang múc từ trong nồi nghi ngút bốc khói đổ vào những cái bát một thức ăn hỗn hợp mì sợi dài và mảnh, những mẩu thịt và một ít rau.

Đứa trẻ tiếp tục gõ nhịp trên thanh gỗ, mời khách ăn. Hãy đến đây! Đến đây! Khi những tiếng gõ đều đều này đã ngừng, những dư âm vẫn ám ảnh tôi, như tiếng trống trong đêm châu Phi.



70
GIÓ MÙA

Thứ Sáu 23 tháng 5

Vào khoảng 11 giờ sáng, một người trong bọn chúng tôi, được cử đi thăm dò tình hình ở Bộ Ngoại giao, trở về vui vẻ nói:

- Xong rồi, các bạn ơi! Chuẩn bị ra đi. Một giờ nữa phải có mặt tại sân bay.

Chúng tôi vội vàng thu xếp hành lý.

Chúng tôi đây, tức là tám mươi hai phóng viên báo viết, báo nói, báo hình phương Tây bị mắc kẹt tại Sài Gòn sau ngày giải phóng, gồm bốn mươi chín người Pháp, ba mươi ba người Nhật Bản, mười lăm người Anh, chín người Mỹ, sáu người Đức, bốn người Italy, hai người Bỉ, hai người Thuỵ S , một người Hà Lan, một người Đan Mạch, một người Ôxtrâylia, một người New Zealand và một người Ấn Độ.


Vài ngày trước khi chế độ cũ đầu hàng, chúng tôi có tới hơn ba trăm năm mươi nhà báo. Lúc đó, chúng tôi đã có thể ra đi trên một trong những chuyến máy bay cuối cùng hoặc leo lên một máy bay lên thẳng của Mỹ. Nhưng chúng tôi đã thích ở lại. Chúng tôi cũng đã biết rõ, ở lại thì sẽ phải hứng chịu những gì. Nhưng một sự say mê tò mò đã khiến chúng tôi không sợ hãi. Và lúc đó, chúng tôi không nghĩ rằng sẽ ở lại lâu như thế này.


Kể ra, chúng tôi cũng khá ngây thơ!

Ngay sau ngày Sài Gòn thất thủ, chúng tôi đã không ngừng đề nghị chính quyền mới tìm cách cho chúng tôi được rời khỏi Việt Nam. Người ta đã hứa sẽ làm mọi việc cần thiết, nhưng sau đó lại cho biết là gặp nhiều vấn đề về phương tiện, kỹ thuật.


Những vấn đề kỹ thuật nào? Chúng tôi biết, đường băng sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn sử dụng được, đài kiểm soát không lưu vẫn còn hoạt động.

Ngoài ra, chúng tôi còn nhìn thấy sáng nào cũng có một chuyến máy bay từ Hà Nội vào mang theo hành khách và báo chí Bắc Việt Nam1 (Tác giả đã suy diễn. Trong những ngày đầu giải phóng Sài Gòn, chỉ có máy bay quân sự hoạt động, chưa có máy bay dân dụng và chưa thiết lập được tuyến đường hàng không chở hành khách Hà Nội- Sài Gòn (ND)).


Sự thật, là các nhà chức trách của chính quyền mới, trước quy mô và tốc độ nhanh chóng của chiến thắng, đã rất rối bận, còn nhiều việc phải giải quyết hơn là chăm sóc giới báo chí phương Tây.

Ngày nào chúng tôi cũng hỏi xin một chuyến bay.

Lần nào, người ta cũng trả lời:

- Chúng tôi đang thu xếp. Hãy kiên nhăn.

Tất cả những bức điện chúng tôi gửi về cho các chính phủ của chúng tôi ở Paris, Luân Đôn, Bon, Roma, Tokyo đều không thay đổi được tình hình. Tôi không nghĩ rằng Bộ Ngoại giao Pháp phải lo lắng lắm về số phận của chúng tôi. Tất nhiên, Sài Gòn không phải là Nông Pênh (dưới chính quyền của Khơme đỏ). Chúng tôi không phải khổ sở. Chúng tôi có thể đi lại tự do trong nội thành và ngay cả làm một vài chuyến đi ra ngoài, không hỏi ai cả, cũng vẫn được.


Điều chúng tôi phàn nàn là họ đã đối xử với chúng tôi như chúng tôi là một lớp học sinh bị phạt, bị giữ lại trong lớp Họ coi như chúng tôi không có mặt. Chúng tôi cũng không được tiếp xúc với các nhà lãnh đạo như bà Nguyễn Thị Bình, ông Nguyễn Hữu Thọ. Các nhân vật lãnh đạo khác cũng lẩn tránh.


Họ nghi ngờ chúng tôi chăng? Tôi không tin như vậy. Họ dửng dưng với chúng tôi chăng? Chắc chắn là không. Họ bận quá nhiều công việc? Nhất định rồi. Họ còn mắc nhiều cuộc họp hành, thảo luận? Cũng có lẽ. Nhưng, điều chính yếu là họ không thấu hiểu sự cần thiết của thông tin. Ba mươi năm chiến tranh và thắng lợi rực rỡ đã không tạo ra được sự cần thiết phải có những quan hệ tốt với giới báo chí. Tôi không oán trách ai hết. Tất cả mọi người đều đối xử rất lịch sự với chúng tôi. Tôi chỉ muốn, chính quyền mới có một ngưji phụ trách thông tin sáng suốt.


Cuối cùng, sau hai mươi bốn ngày chờ đợi, trưa hôm nay chúng tôi đã được mời tới sân bay. Chúng tôi đã tới. Người nào cũng ướt đẫm mồ hôi, thở hổn hển, mang vác nặng. Nhưng vẫn cứ phải chờ. Người ta đưa cho chúng tôi mỗi người một cái vé máy bay Sài Gòn - Viên Chăn với giá 120 đô la. Dĩ nhiên, phải là đồng đô la. Tôi chỉ có tiền franc, bị lườm nguýt: “Tiền gì thế này? Ông mà lại không có đô la à? Và cái tờ giấy mệnh giá năm trăm franc này, liệu còn lưu hành không?” Tôi đã cảm thấy, đã đến lúc tôi bị từ chối.
Nhưng rồi mọi việc đều ổn thoả.

Đúng lúc đó, nhà ga hàng không lại báo tin, đến sáng mai máy bay mới cất cánh được.

Lý do?

Chẳng ai biết cả!

Tôi hỏi một nữ tiếp viên, mặc bộ áo dài màu đỏ, và được trả lời:

- Đó là tại gió mùa. Sân bay Viên Chăn chiều nay không tiếp nhận máy bay hạ cánh.

Chúng tôi đành cụp tai quay trở về thành phố.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #71 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2008, 09:14:52 pm »

71
“TỰ DO, TỰ DO YÊU QUÝ..."

Thứ Bảy 24 tháng 5

Bẩy giờ sáng, tất cả chúng tôi lại có mặt đầy đủ ở sân bay Tân Sơn Nhất. Ngoài ra còn có vài đại diện sứ quán Pháp và ông đại biện lâm thời Nhật Bản cũng tới để quan sát những thể thức, thủ tục hải quan.
Hành lý của chúng tôi phải qua một cuộc kiểm tra rất kỹ, kéo dài không dưới ba giờ.


Cuối cùng, đến mười giờ chúng tôi được đưa tới một chiếc máy bay bốn động cơ, sơn hai màu xanh và trắng, có lính canh chung quanh. Đến chân cầu thang máy bay một lần nữa chúng tôi lại phải đưa trình hộ chiếu và soát lại lần cuối cùng thị thực xuất cảnh.


Khắp nơi chung quanh, trên các sân đỗ máy bay đều là các loại máy bay tiêm kích, vận tải, lên thẳng bị phá huỷ.

Chúng tôi leo lên chiếc máy bay dành riêng cho mình. Đó là một chiếc Iliusin 18 do Liên Xô chế tạo, sơn nhãn hiệu máy bay dân dụng Việt Nam, nhưng tổ lái đều là quân nhân. Chúng tôi ngồi vào ghế. Nữ tiếp viên đưa kẹo Caramen đến mời. Máy bay sắp cất cánh. Một sĩ quan bước vào khoang hành khách, khẩu súng ngắn đeo sệ bên đùi, đi lại giữa hai hàng ghế, đếm đầu người rồi đếm lại một lần nữa. Sau đó, ông ta mới hướng về chỗ phi công (cũng đeo súng ngắn) nói to:

- Được rồi! Điểm số xong rồi! Có thể cất cánh!

Máy bay hướng thẳng về phía Bắc, lướt tới Đà Nẵng, ngoặt sang phía Tây ra biển. Sau hai giờ bay chúng tôi đã hạ cánh xuống Viên Chăn.

Tại sân bay Viên Chăn đã có nhiều phóng viên nhiếp ảnh và quay phim đón đợi, cứ y như là chúng tôi vừa sống sót sau một cuộc thám hiểm.

Mặc dù ở đây cũng nóng và ẩm như Sài Gòn, nhưng bầu không khí bên Lào làm chúng tôi dễ chịu. Đối với chúng tôi bầu không khí này có hương vị của sự tự do.

Tối đến, tôi nằm lăn xuống giường trong khách sạn Imperial, người mệt nhoài.

Mới rạng sáng một tiếng nổ lớn làm tôi bừng tỉnh. Đang còn ngái ngủ, tôi chạy vội ra cửa sổ, cứ tưởng vẫn còn ở Sài Gòn.

Đó chỉ là tiếng sấm của cơn dông.

Từ bên kia đường phố, trong vườn một toà biệt thự quét vôi màu trắng là nơi tôi đã biết, từ hai năm trước, khi phục vụ trong quân đội hoàng gia Lào, tôi nhìn thấy một lính gác đang đi đều bước. Quân phục bằng vải ka ki, súng AK 47 của Trung Quốc, mũ kiểu Mao, nhưng đeo phù hiệu Pathet Lào.

Tốt - Cứ thế tiếp tục...
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #72 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2008, 09:16:31 pm »

KẾT LUẬN


Có những lúc, lịch sử tiến gấp.

Hồi đầu năm 1975, ai dám nghĩ là cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ 20 lại kết thúc trong vòng chỉ có ba tháng?

Lúc đó, ai có thể nghĩ được rằng Sài Gòn sẽ rơi rụng như một trái chín, gần như không chiến đấu? Tất cả diễn ra rất nhanh tới mức những hình ảnh cũng bị nhiễu và nhoà.

Do không có thời gian để suy ngẫm, lúc này từng người đang giải thích một cách, tuỳ theo phe phái, tầng lớp, chính đảng, quan điểm và tư duy của mình.

Không ai ngăn được những người này nhận định rằng việc chiếm lĩnh Sài Gòn là chiến thắng lớn. Và đúng là một đại thắng.

Nhưng cũng không ai cấm được người khác cho rằng không phải như vậy.

Do tình hình rất phức tạp, nên người ta muốn tuyệt đối thu hẹp trong những giả thiết. Ngược lại, tất cả đều phải trắng, đen rõ rệt.

Tuy nhiên, tất cả mọi người đều thoả thuận trên ba điểm:

- Chiếm được Sài Gòn là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong ba thập kỷ nay.

Và cũng là sự kiện quan trọng nhất của châu Á sau khi Bắc Kinh (của Tưởng Giới Thạch) sụp đổ năm 1949.

- Ngày 30 tháng 4 năm 1975 mai kia sẽ được ghi trong sử sách, như điểm kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài ba mươi năm. Nhưng, ngày kỷ niệm này còn có giá trị tiêu biểu gấp bốn lần nữa:

+ Tiêu biểu cho tất cả nhân dân các dân tộc thuộc địa. Đây là thắng lợi rực rỡ chống chủ nghĩa thực dân.

+ Tiêu biểu cho tất cả các kẻ thù của Mỹ trên toàn thế giới. Đây là thất bại của Mỹ cả về quân sự lẫn chính trị.

+ Dưới mắt những người châu Á, đây còn là tiêu biểu cho thời điểm quyết định loại trừ bọn thực dân da trắng đã thống trị lục địa da vàng từ năm thế kỷ nay.

+ Dưới mắt nhân dân các nước phương Tây cũng như các nước trong khối cộng sản, đây là tiêu biểu cho bước tiến quyết định tới chủ nghĩa cộng sản.


Phần còn lại, là thử tìm hiểu xem, có phải sự kiện vừa xảy ra đã được tính toán từ hai năm trước đó không?
Tôi không muốn nói là "đã nhìn thấy trước". Từ rất lâu, những nhà quan sát sáng suất đã báo trước sự kiện này. Không cần phải có khả năng của nhà tiên tri mới biết được điều đó.


Tôi muốn nói là, việc thôn tính miền Nam Việt Nam đã đặc biệt ghi ngầm một cách bóng gió trong các hiệp định Pari.

Ai chẳng biết, Kissinger và Lê Đức Thọ đều đã được giải thưởng Nobel vì hoà bình, và họ đã bí mật đàm phán với nhau những gì nữa?

Ngược lại, nếu vứt bỏ lời giải thích này, thì sẽ không hiểu nổi rằng Bắc Việt Nam đã theo đuổi trong hai năm việc chuẩn bị cho cuộc tiến công cuối cùng mà không làm dấy lên một lời phản đối nào, một sự phản ứng nào về phía chính quyền Mỹ.

Nhưng, các nhà quan sát đã bắt đầu nhìn rộng ra cả ở bên ngoài Việt Nam.

Nhìn đến Campuchia là nơi đang tiến hành một cuộc cách mạng triệt để. Có lẽ, đây là cuộc cách mạng triệt để duy nhất trong lịch sử. Cuộc cách mạng này đã san bằng mọi thứ trong quá khứ để muốn xây dựng một xã hội hoàn toàn mời, đi lên từ hạt gạo nguyên thuỷ gieo trong đồng ruộng. Đó là ý chí của Khơ-me đỏ.
Các cặp mắt cũng hướng về Lào nơi đang phát triển từ từ, hoà bình, bằng các biện pháp chính trị, êm ái, không ầm ỹ. Phải chăng, trường hợp ở Lào là "một con bài domino bằng cao su”?

Và, rồi các nhà tiên tri đoán điềm cũng đã báo trước con bài domino sắp tới: đó là Thái Lan.

Tóm lại, toàn bộ Đông Nam Á đều chấn động rung chuyển về việc đánh chiếm Sài Gòn.

Còn tại chính thành phố này thì hiện nay đang diễn ra những sự kiện gì?

Những gì mà tôi nhìn thấy ở đây, trong tháng 5 tuyệt đối chưa cho tôi nói gì được về tương lai. Chúng tôi là một trăm hai mươi nhăm nhà báo cùng trải qua một trường hợp. Chúng tôi đã chăm chú quan sát những gì diễn ra trước mắt mình. Chúng tôi đã chứng kiến một sự kiện lịch sử: sự rung chuyển của một thế giới.


Người ta bảo tôi: Nam Việt Nam sẽ trở thành cộng sản. Chắc chắn, đó là điều đáng chờ đợi. Nhưng trong bao lâu, là theo cách nào? Việc này đòi hỏi phải có thời gian và phải trải qua nhiều giai đoạn. Chế độ này sẽ tuần tự tiến triển từ màu hồng qua hồng thẫm rồi mới đến màu đỏ.


Người ta còn bảo tôi: Hà Nội sẽ thống nhất toàn bộ đất nước dưới sự cầm quyền của họ. Chắc chắn rồi, đó là mục liêu của họ. Nhà cầm quyền Hà Nội đã nhiều lần tuyên bố như vậy. Vấn đề này cũng đã được ghi trong các văn bản hiệp định Genève 1954. Đây là một trong những tư tưởng mãnh liệt của Hồ Chí Minh. Nhưng việc hợp nhất bốn mươi nhăm triệu dân này không thể thực hiện ngay lập tức. Không thể kết hôn hấp tấp hai chế độ, hai nền kinh tế, hai hình thức xã hội, hai mức sống, hai lối sống khác nhau: đó là chủ nghĩa cộng sản ở miền Bắc và cái gọi là chủ nghĩa tư bản xuống dốc ở miền Nam.


Trong vài khoảng thời gian nữa, và chắc chắn là trong nhiều năm nữa vẫn có hai lá cờ phấp phới lung bay ở miền Nam Việt Nam: lá cờ đỏ sao vàng của Bắc Việt và lá cờ xanh, đỏ có ngôi sao vàng ở Nam Việt Nam.


Cuối cùng, vào một ngày nào đó sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về thống nhất và tiến hành tổng tuyển cử. Tất cả đều được tổ chức kỹ. Và sẽ có tới 99,9% tán thành "nước Việt Nam là một, kế tục mấy ngàn năm lịch sử".

Tôi nhớ lại hồi còn ở Sài Gòn ngày nào tôi cũng nhìn thấy một chú bé khoảng mười ba tuổi, tên là Thơ, đứng trước cổng khách sạn.

Hai cánh tay chú bé bị bom napalm thiêu cháy chỉ còn là hai ống thịt sần sùi, xưng phồng, giống như đống giấy gói bị vò nát. Chân của em cụt, bị văng đi mất, ngay trước trận bom đó Lưng và cổ em còn ghi lại nhiều vết cháy bỏng.

Thơ hay cười, nụ cười tươi mát, hồn nhiên của trẻ thơ, chỉ biến mất sau tuổi trưởng thành.

Không bao giờ chú bé chìa tay xin tiền. Chú quá tự hào, không thèm đi ăn xin. Chú tập tễnh trên chiếc chân gỗ, đi theo tôi vài chục mét. Chú nói với tôi, sau này sẽ làm gì, bằng những câu tiếng Anh nghèo nàn học được trên hè phố. Tôi dúi vào tay chú vài trăm đồng, coi chú như đứa con út của tôi, cũng trạc tuổi này, nhưng đang ở một nơi rất xa.

Và mỗi buổi sáng, tôi lại nhìn thấy chú bé đứng trước thềm, vẫn nụ cười tươi rói như thường lệ.

Trước ngày Sài Gòn thất thủ, Thơ biến mất. Tôi tưởng cậu bé đã chết. Nhưng một tuần sau chú lại trở về, vẫn vui vẻ mặc dù bị tàn phế.

Ngày hôm nay, trong khi viết những dòng này, đằng sau nụ cười của chú bé trên đây, tôi lại hình dung thấy tất cả những người bạn người Việt Nam, hoặc những người Việt lai Pháp mà chúng tôi đã chia tay. Đó là Thanh, Hồng, Nguyễn, Trung, Jean Marc, Jane, Tước, Mỹ, Tuấn, Mây và bà già Thị Ba, Nioum... với nụ cười bí ẩn rất khó hiểu và bao nhiêu người nữa.

Cũng như chú bé Thơ, tôi mong muốn các bạn không bao giờ để mất nụ cười. Cầu mong các bạn được sung sướng.


Viết xong tại Grenoble, Pháp
Ngày 4 tháng 6 năm 1975
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM