Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:45:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sài Gòn sụp đổ  (Đọc 46961 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #10 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2007, 06:27:44 pm »

9
THĂM TOÀ THÁNH CAO ĐÀI


4 tháng 2 năm 1973

May quá, có một người lính canh đang đứng gác giữa đường. Nếu không, có lẽ tôi sẽ đụng phải một máy bay lên thẳng vừa đỗ xuống.

Từ trên máy bay, một người bước xuống, trong tay cầm một bản đồ tham mưu đang mở.

Tôi đoán, đây là một thành viên Uỷ ban quốc tế giám sát ngừng bắn. Nhưng tôi đã nhầm. Đây chỉ là một sĩ quan liên lạc mang mệnh lệnh tới truyền đạt cho binh lính đang hoạt động tại khu vực gần Trảng Bàng, ở phía Bắc.


Vì đây là nơi mà một tuần trước, tôi đã chứng kiến một trong những trận chiến đấu đầu tiên trong cuộc chiến tranh Việt - Việt, và đến nay sự bình yên vẫn chưa trở lại. Các xe tăng, pháo, xe bọc thép vẫn còn ở lại nơi này. Chỉ có xóm nhỏ thanh bình mà những người nông dân đã xây dựng hai bên đường là không còn nữa. Trong đống nhà đổ nát, những người sống sót đang cố bới tìm những thứ gì còn có thể thu nhặt được. Trong những bụi cây dừa, cây chuối bị đạn pháo bắn xơ xác, lũ trẻ nhỏ nhặt nhạnh các băng đạn súng máy và những vỏ đạn pháo. Một đứa khoảng mười hai tuổi mặc quần cộc màu đỏ, giơ cho tôi xem một quả lựu đạn chưa tháo kíp vừa nhặt được trong đống quả dừa, với một vẻ đắc thắng.

Chiếc máy bay lên thẳng bốc lên cao.

Tôi tiếp tục cuộc hành trình tới Tây Ninh, cách Sài Gòn khoảng một trăm kilômét về phía Tây Bắc. Hồi đó, Tây Ninh là một tỉnh lỵ nghèo nàn, bẩn thỉu, nhưng nổi tiếng là lãnh địa của đạo Cao Đài, có thánh thất của tôn giáo này ở ngay gần đó.


Một Vatican kỳ lạ
 
Vẻ kỳ lạ thể hiện ở chỗ, trên bãi đất cằn cỗi này đột khởi một Vatican của đạo Cao Đài, một khu tôn giáo gồm nhiều cư xá cho các thầy tu, các chức sắc, một bệnh viện, một trường đại học tôn giáo, có cả những dân vệ không vũ trang, mặc đồng phục màu trắng, đội mũ cát màu trắng kiểu thuộc địa có gắn hình đạo kỳ với ba màu vàng, xanh, đỏ.

Toà nhà đặc biệt nhất là Thánh thất, quét vối sặc sỡ, có vẻ như được xây dựng theo một kiểu kiến trúc hoang tưởng.

Tôi đến Toà thánh này không phải để nghiên cứu sâu hơn về đạo Cao Đài mà tôi đã được biết là do một viên chức cũ của Pháp thành lập năm 1946. Khi tới đảo Phú Quốc hồi 8 giờ sáng tôi đã nhìn thấy một nhà thờ đạo Cao Đài có một con mắt thần thánh, nhìn lên trời cao.


Một vị giáo chủ Cao Đài

Tôi muốn được yết kiến Giáo hoàng đạo Cao Đài có tầm quan trọng ở Nam Việt Nam, vì có tới năm trăm nghìn tín đồ. Nhưng người ta nói với tôi, hiện chưa có giáo hoàng vì chưa định được ngày, và đề nghị tôi gặp một trong sáu vị giáo chủ mà tôi đã được nhìn thấy sáu chiếc ghế dành riêng cho các vị này bố trí dưới chân ngai giáo hoàng tại trung tâm nhà thờ, nơi có đặt một quả địa cầu, có con mắt thánh khổng lồ, con mắt của Thượng đế.


Tôi được dẫn đến một gian phòng đẹp đẽ, mát mẻ. Người hướng dẫn bảo tôi ngồi đợi một lát trong phòng khách có đồ gỗ theo kiểu Levitan của Pháp. Tôi nghe thấy có tiếng chân bước đi lệt xệt rồi nhìn thấy một ông già mặc toàn đồ trắng, có hai người hầu xốc nách, dìu vào ngồi trên ghế trước mặt tôi.


Từ trên bộ mặt của người chết, chỉ có hai con mắt nhấp nhánh vẻ ranh mãnh. ông lão hỏi tôi bằng tiếng Pháp rất thành thạo:

- Nào, người anh em muốn gì?

- Thưa Đức ông, tình hình trong địa phận như thế nào?

- Hôm qua vẫn còn bắn nhau. Hôm nay, không đánh nhau. Ngày mai, có lẽ lại bắn nhau.

Ông trả lời một cách khôn khéo. Tôi nói tiếp:

- Thánh thất vẫn được bảo vệ. Thế mà người ta bảo tôi là có đánh nhau ngay trong toà thánh, hoặc ít nhất cũng gần toà thánh.

- Không! Không! Nhờ Trời phù hộ, chúng tôi đã tránh khỏi chiến tranh.

Tôi tránh không muốn hỏi, vong linh của Victor Hugo có giúp được gì không, bởi vì những người sáng lập đạo Cao Đài có nêu lý thuyết thờ cả văn hào Victor Hugo của Pháp. Tôi chỉ hỏi:

- Thế tại sao dân phải đi lánh nạn?

- Đó là dân các làng lân cận đến đây xin ở nhờ. Họ đi theo số dân từ Campuchia chạy sang mà chúng tôi đã cho lánh nạn từ năm 1970. Thật là những người khốn khổ tội nghiệp, như anh đã nhìn thấy đó.

Đúng là, khi tới đây, tôi đã nhìn thấy những người này. Họ cắm lều dưới bóng cây, túm tụm từng gia đình với những thứ nghèo nàn cố mang theo: những chiếc võng, những chiếc chiếu, những nồi niêu xoong chảo đã bẹp...


Một cuộc chiến tranh kiểu khác

Chúng tôi tiếp tục nói chuyện với nhau rất lâu. Khi tôi xin cáo biệt, giáo chủ nói:

- Anh cũng biết câu định lý nổi tiếng của nhà chiến lược quân sự Clausewitz rồi đấy. “Chiến tranh là kế tục của chính trị theo những phương thức khác". Tôi nghĩ người ta đang áp dụng công thức này tại Việt Nam sau khi ngừng bắn. Chúng tôi đang bước vào một cuộc chiến tranh theo hình thức khác; cuộc chiến tranh chính trị. Anh hãy nghe lời lão già này. Chúng tôi chưa kết thúc chiến tranh đâu.

Chừng như để chứng minh cho lý lẽ của ông lão, khi tôi quay trở về qua Trảng Bàng, những tiếng pháo đã im. Những xe tăng hạng nặng vẫn còn ở lại vị trí, nhưng pháo binh đã rút hết.

Đến cuối ngày, vẫn còn vài tiếng súng lẻ tẻ, bắn đi từ những lính canh đang căng thẳng thần kinh hoặc quá nhàn rồi.

Phía xa, vẫn còn nghe thấy vài tiếng súng. Có lẽ là những tiếng nổ cuối cùng.

Và đã một tuần trôi đi kể từ khi tôi nhận định đây là những tiếng súng cuối cùng.

Tôi lái xe đi từ từ, tránh những hố đạn pháo. Chú bé mặc quần cộc màu đỏ nhặt được trái lựu đạn hôm nào, vẫn còn đó. Vừa nhìn thấy tôi, thằng nhóc vội giơ cao quả lựu đạn, làm ra vẻ tháo chết an toàn, rồi toét miệng cười to...
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #11 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2007, 06:29:10 pm »

10
CUỘC TIẾP XÚC CHỚP NHOÁNG VỚI MỘT ÔNG TƯỚNG VIỆT CỘNG


3 tháng 2 năm 1973

Ngày hôm qua, ngay tại Trung tâm thành phố Sài Gòn tôi đã gặp một ông tướng Việt cộng mặc quân phục. ông đang ăn cơm trưa tại thành phố. Dĩ nhiên, không phải là một bữa ăn thịnh soạn. Đây là bữa cơm "vừa ăn vừa làm việc" do đại sứ Michel Gauvin, trưởng đoàn Canada trong ban quốc tế kiểm soát ngừng bắn, tổ chức. Chung quanh bữa ăn tại biệt thự trồng nhiều hoa, có các trưởng đoàn Ba Lan, Hungari, Indonexia.


Cùng đi với bốn người mặc thường phục là các quân nhân: Đó là bốn trưởng đoàn đại biểu thuộc tiểu ban quân sự bốn bên: Thiếu tướng Mỹ Gilbert Woodward tham mưu trưởng bộ tư lệnh quân sự Mỹ tại Sài Gòn, trung tướng Ngô Du, trung tướng Bắc Việt Lê Quang Hoà, Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam tại Hà Nội và tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh thuộc tổng hành dinh Mặt trận dân tộc giải phóng, do một chiếc máy bay lên thẳng lên tận bưng biền Lộc Ninh tìm đón, đưa về đây vài hôm trước.


Tướng Bắc Việt mặc quân phục ka ki với các cấp hiệu và huân chương. Tướng Việt cộng mặc bộ đồ trận màu xanh lá cây, không đeo sao và dải huân chương, đội mũ cứng như các sĩ quan của Mặt trận dân tộc giải phóng. Trong các khách mời với các bộ đồ may đo sang trọng, ông là vị tướng chiến đấu xuất hiện từ rừng rậm.


Cũng như người đồng nghiệp Bắc Việt, đây là lần đầu tiên ông ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất là nơi ông từng sống kể từ ngày tới Sài Gòn, trong một căn nhà có máy điều hoà không khí, được canh gác, bảo vệ nghiêm mật hơn cả bảo vệ những kho trang sức quý giá của hoàng hậu Ran.

Ông đến đây trên một xe hơi to lớn của Mỹ.

Sau bữa ăn, các vị khách ra khỏi phòng, đứng trên bậc thềm, đồng ý cho chụp ảnh. Đây là lần đầu tiên các cựu địch thủ thoả thuận cùng để lộ mặt trên phim ảnh. Tất nhiên, họ từ chối một cuộc phỏng vấn. Trung tướng Việt cộng Trần Văn Trà vẫn muốn trả lời ngắn gọn vài câu hỏi. Cũng như bạn đồng nghiệp Bắc Việt, ông khẳng định rõ ý muốn thiết lập một cuộc ngừng bắn thật sự. Ông nói:

- Chúng tôi đến đây để góp phần vãn hồi hoà bình. Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam cũng như Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà muốn hoà bình.


Ông phàn nàn về những khó khăn đã ngăn trở tiểu ban quân sự bốn bên công tác hiệu quả như cần thiết. Ông tố cáo chính quyền Nam Việt Nam, nhưng không nêu đích danh, đã chọc gậy vào bánh xe. Ông bộc lộ một sự lo ngại về tương lai khi vạch rõ tất cả những trở ngại này còn xa mới vượt được.

Sau khi nói xong, ông tiến lại gần một lính dù đang làm nhiệm vụ canh gác biệt thự. Ông giơ tay, nói:

- Chiến tranh đã kết thúc. Phải hoà giải.

Tên lính dù sững sờ, không biết phản ứng như thế nào. Bắt tay ư? Rất có thể sẽ bị cấp trên khiển trách. Bồng súng chào ư? Điều này không ghi trong điều lệnh, nhất là trong những tình huống như thế này. Hạ gục tại chỗ viên tướng Việt cộng ư? Ngay trên bậc thềm toà nhà ngoại giao, đây là một hành động gây ấn tượng xấu.

Anh lính quyết định đứng im. Dù sao anh cũng mỉm cười. Đây là nụ cười đầu tiên của hoà bình.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #12 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2007, 06:32:22 pm »

11
TẤM DA BÁO KỲ LẠ MÀ NGƯỜI TA GỌI LÀ NAM VIỆT NAM

9 tháng 2 năm 1973

Trong đêm 2 rạng ngày 3 tháng 2 khi chuông nhà thờ Sài Gòn điểm mười hai tiếng, đó là giao thừa của Tết âm lịch Việt Nam.

Ngày Tết bắt đầu năm mới theo âm lịch Năm mới âm lịch 1973 của Việt Nam có một ý nghĩa đặc biệt tiêu biểu. Không phải do việc ký kết hiệp định Paris, mà là đã ra khỏi năm Tý, năm con Chuột, để bước vào năm Sửu, năm con Trâu.


Trong quan niệm của người xứ này, con Trâu là biểu tượng của sức mạnh. Bộ máy tuyên truyền của Tổng thống Thiệu đang chứng minh cho thời điểm này. Với con Chuột, có thể xảy ra mọi rủi ro lo lắng. Với con Trâu, tất cả mọi hi vọng đều có thể đạt được.


Tuy nhiên, khi chăm chú nhìn kỹ bản đồ Nam Việt Nam, tình hình không sáng sủa chút nào. Chính quyền Sài Gòn còn xa mới kiểm soát được tất cả lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau.


Như một tâm da báo

Có một số người nhận xét: "Nhìn chung, tình hình Đông Dương năm 1973 cũng tương tự như hồi 1954, trước khi ký Hiệp định Genève. Một đường ranh giới tạm thời được vạch ra ở phía Bắc Huế và Quảng Trị, chia cắt đất nước làm hai phần".


Theo tôi, hoàn toàn không đúng như vậy. Đã mười chín năm, kể từ ngày Thủ tướng Pháp Mandès France ký hiệp định Genève, lúc đó các nhà chức trách Sài Gòn hoàn toàn làm chủ phần phía Nam của đất nước Việt Nam. Ngày nay, tình hình không giống như vậy.


Nếu các vùng do chính quyền Thiệu cai trị được tô bằng màu vàng nhạt và những vùng do cộng sản kiểm soát màu nâu thẫm, ta sẽ có một bức tranh sặc sỡ hai màu xen kẽ với nhau, thường được ví như tấm da báo. Những màu nâu sẫm dần dần nhiều như những mảng màu vàng nhạt. Nói một cách khác, hai địch thủ kiểm soát mỗi bên một nửa lãnh thổ miền Nam.


Nhưng là những nửa rất khác nhau. Phía cộng sản dựa lưng vào vùng biên giới Campuchia và Lào, chiếm một vùng lãnh thổ ít dân hơn và không có những tài nguyên dồi dào. Phía "quốc gia Nam Việt" giữ được một phần nước “hữu ích” chạy dài dọc ven biển, bao trùm tất cả những thành phố lớn và những vùng sản xuất các sản phẩm thứ yếu như lúa gạo, đường, rau quả.


Có ít nhất 200.000 chiến binh cộng sản
 
Một lý do thứ hai khiến cho tình hình miền Nam Việt Nam phức tạp khó khăn hơn hồi 1954 là có những đơn vị cộng sản được tổ chức rất hoàn hảo, sống ngay trong lãnh thổ.

Theo tin tức tình báo của Sài Gòn, Việt cộng có 83.000 chiến binh. Một phần lớn trong số này không phải sình ra ở miền Nam Việt Nam. Họ từ Bắc Kỳ kéo vào. Còn tình báo Mỹ thì ước đoán con số này là 75.000.
Bên cạnh các đơn vị chính quy, còn phải tính thêm 50.000 cán bộ chính trị, dân vận và nhân viên thu thuế.

Cuối cùng, còn phải tính đến những dân quân, dân công phụ trách chuyển vận đạn dược, lương thực.

Về số lượng các đơn vị Bắc Việt đóng tại miền Nam, các tin tức tình báo không thống nhất. Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn ước đoán là 300.000, trong khi quân báo Mỹ chỉ khẳng định có 150.000. Có lẽ, con số đúng nhất là 200.000. Nhưng nhiều tuần nay, số quân này đang được tăng thêm. Gần đến ngày ký Hiệp định Paris, Bắc Việt đã chuyển qua lãnh thổ Campuchia nhiều đơn vị chủ lực vào miền Nam Việt Nam. Vào lúc này, tại Campuchia chỉ còn có vào khoảng 10.000 binh sĩ phụ trách hậu cần, 10.000 binh sĩ chiến đấu, so với 60.000 người hồi cuối năm ngoái.


Dưới cái ô của Mỹ

Còn một điểm nữa khác biệt với tình hình năm 1954. Đó là thái độ dân chúng không như cũ. Trong những vùng do cộng sản kiểm soát, những năm học tập chính trị chưa mang lại được nhiều kết quả. Trong những vùng do Sài Gòn cai trị bầu không khí tâm lý thể hiện trên hai vế cụm từ: "Sợ bộc lộ chính kiến” và "chán nản đến cực điểm".


Chỉ tính đến những sự kiện trên đây, cũng dễ dàng kết luận là tướng Thiệu đang trong tình thế xấu. Hơn nữa, Hiệp định Paris trong khi chấm dứt sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam cũng tước mất của Thiệu một vật quý nhất: đó là cái ô viện trợ quân sự của Mỹ, nhất là yểm trợ đường không. Mùa Xuân năm ngoái, quân đội Sài Gòn lẽ ra đã bị đánh bại trong chiến dịch tiến công lớn của cộng sản nếu không được máy bay chiến lược B.52 và các máy bay chiến đấu của hạm đội 7 yểm trợ.


Bi kịch bộ ba của Thiệu: quân đội, cảnh sát, nhà tù
 
Tuy nhiên, Thiệu có những chủ bài mà những người tiền nhiệm ở Sài Gòn không có được khi kết thúc cuộc chiến tranh thứ nhất vào năm 1954.

Đó là sự viện trợ to lớn của đô-la Mỹ, cộng với các phương tiện chiến tranh hiện đại, một đội quân chưa bao giờ hùng mạnh như vậy (gần một triệu tám trăm ngàn binh sĩ bao gồm cả những đơn vị địa phương quân, dân vệ, cảnh sát các loại).


Quân đội Thiệu ngày nay không thiếu xe tăng, pháo, súng tự động, máy bay, máy bay lên thẳng, đạn dược. Một chương trong Hiệp định Paris còn cho phép hai bên đối thủ được phép thay thế thiết bị quân sự và đạn dược đã sử dụng sát ngày ngừng bắn, trên nguyên tắc một đổi một.


Nhưng từ lâu, mọi người đã nghi ngờ ý chí chiến đấu của đội quân này. Tuần qua, chúng tôi đã được chứng kiến ngay trên chiến trường. Nó đã thể hiện một bi kịch đặc biệt. Đối với chúng tôi, đó là một sự kiện mới.
Tướng Thiệu còn có một chủ bài nữa: chưa đầy năm năm qua, ông ta đã loại hết tất cả các nhân vật đối lập hoặc đã trung lập hoá họ một cách khéo léo. Đó là điều đáng buồn, nhưng mà là sự thật.


Các nhân vật đối lập tích cực nhất đã bị loại trừ. Tất cả mọi người, dù có hơi hướng hoặc gần hoặc xa với chủ nghĩa cộng sản, đều bị bắt giam. Đã có bao nhiêu người như vậy trong các nhà tù ở miền Nam Việt Nam, nhất là ở Côn Đảo? Không ai biết. Các nhà chức trách Hà Nội nói rằng có tới 200.000 hoặc tới 300.000 người. Con số này không sao kiểm tra được vì không thể nào tính hết những nạn nhân bị thẩm vấn sơ bộ rồi bị tra tấn ác liệt tại các trụ sở cảnh sát đặc biệt.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #13 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2007, 06:33:36 pm »

“Chúng tôi sẽ không bao giờ nhượng bộ"

Một lực lượng đối lập khác, tức là đối lập hợp pháp, đã bị khoá mõm. Đó là lực lượng của tướng Dương Văn Minh, của Phật giáo, của những tín đồ cấp tiến đạo Cơ đốc. Không một ai trong số họ làm cho viên tướng độc lài trong dinh Độc Lập quét vôi màu trắng giữa Sài Gòn lo ngại.


Mà tại sao ông Thiệu phải lo ngại? Ông đã được đảm bảo về sự viện trợ mọi mặt của Mỹ về kinh tế, tài chính, chính trị, quân sự... Phó tổng thống Spiro Agnew đã không nói gì khác ngoài sự đảm bảo viện trợ mọi mặt của Tổng thống Richard Nixon cho Thiệu trong chuyến thăm Sài Gòn ngày 29 và 30 tháng 1 vừa qua.


Thiệu thuộc lớp người được lòng các tướng lĩnh Lầu Năm Góc và các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ. Đó là nhân vật được tạc nguyên khối trong tảng đá chống cộng thuần khiết nhất. Ít nhất, đối với Thiệu, Mỹ không có điều gì phiền lòng. Thiệu sẽ không nghiêng ngả.


Thiệu và đám cận thần ít ỏi gồm các cố vấn quân sự và chính trị chỉ có một ý nghĩ là dựng lên một chiến luỹ không gì vượt qua được, đối mặt với những người cộng sản, dù là cộng sản ở miền Nam, miền Bắc hay ở bất cứ đâu. Ý nghĩ thứ hai, gắn liền với ý nghĩ trên, đó là duy trì quyền lực bằng tất cả mọi cách. Bởi vì quyền lực là điều rất dễ chịu, dù người ta phải thực hiện quyền lực bằng muôn vàn sự thận trọng. Không một nhân vật cấp cao nào của chế độ Sài Gòn ra khỏi thành phố mà lại không có những chiếc xe Jeep quân sự vũ trang bằng trọng liên đi  trước mở đường và cảnh sát cưỡi mô tô đi hộ tống, kéo còi hù inh ỏi.
"Chúng tôi sẽ không bao giờ nhượng bộ". Đó là khẩu hiệu của chế độ Thiệu.


Hai ý chí bướng bỉnh
 
Trong vòng mười chín năm qua không bên nào, trong hai phe đối địch có thể giành được phần thắng. Với một lực lượng viễn chinh Mỹ lên tới 500.000 quân không phải là điều mong ước gì hơn.

Bây giờ, sau khi quân Mỹ ra đi, liệu tình hình có thay đổi không? Điều đó lúc này có vẻ như ít có thể thay đổi.

Cho tới nay, Việt cộng và quân đội Bắc Việt vẫn chưa có thể chiếm được các thành phố lớn bằng vũ lực. Bầu không khí quốc tế cũng không sẵn sàng cho hành động này. Sau ngày ký hiệp định, các cường quốc có thể nhắm mắt làm ngơ trước việc vi phạm ngừng bắn trong một thời gian. Nhưng thời gian này không thể kéo dài. Không thể dung thứ cho một cuộc tiến công lớn.


Về phía chính quyền Thiệu, quân đội Sài Gòn cũng không đủ sức tảo thanh toàn bộ lãnh thổ. Trước kia đã không làm được việc này, mai sau cũng sẽ không làm được. Những người cộng sản vẫn bám giữ các căn cứ, được gọi một cách có lý là “thánh địa” của họ. Sẽ không đánh bật được Cộng sản ra khỏi những nơi này.
Đôi lúc người ta cũng liên tưởng đến tình hình Angiêri năm 1960. Nhưng, ngoại trừ vài điểm tương tự, thực tế Việt Nam vẫn rất khác Angiêri. Mặt trận dân tộc giải phóng Angiêri dựa trên ý chí giành độc lập của dân chúng. Còn Việt cộng thì muốn làm cho thế giới nghĩ rằng người dân Nam Việt Nam chỉ muốn thanh toán "chế độ bù nhìn” Nguyễn Văn Thiệu, để rồi sau sẽ trở thành cộng sản. Nhưng hiện nay, cái "chế độ bù nhìn” này vẫn đứng vững. Hơn nữa, từ ngày đình chiến, chế độ này còn được củng cố.


Hai ý chí cứng rắn đang đối chọi nhau. Ý chí của Thiệu và ý chí của cộng sản. Chừng nào một trong hai bên chưa chịu nhượng bộ, và tình hình này còn kéo dài, thì còn và sẽ còn bế tắc.


Những thất bại của ngày mai
 
Ngay hôm sau ngày đình chiến, giới báo chí chúng tôi đã viết: “Cuộc chiến tranh thứ ba đã bắt đầu”.
Cuộc chiến tranh thứ ba này bắt đầu bằng một loạt trận đánh kéo dài trên khắp lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Hai bên đã bị mất hàng ngàn người. Hàng chục ngàn người khác đã bị thương. Nghĩa là họ đánh nhau rất ác liệt.


Cuộc chiến tranh giữa hai bên người Việt sẽ còn tiếp tục ngày mai bằng những vũ khí không phải xuất từ các kho quân giới. Cuộc chiến sẽ mang tính chất chính trị. Cả hai phía đều rõ, lĩnh vực này sẽ lâu dài.


Ngừng bắn, dù có hiệu lực nhanh hay chậm, cũng chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp. Nhiều sự kiện khác sẽ thu hút sự chú ý; đó là chuẩn bị cho một hội nghị quốc tế nữa về Việt Nam có các cường quốc tham dự có thể sẽ tiến hành vào khoảng cuối thời hạn sáu mươi ngày là thời điểm tất cảcác lực lượng nước ngoài phải rút khỏi đất nước, mở đầu, dù rất khó khăn, cho việc thành lập một “Hội đồng hoà giải dân tộc", chuẩn bị cho những cuộc tổng tuyển cử "thật sự tự do và dân chủ” dưới sự giám sát quốc tế, như Hiệp định Paris đã vạch rõ.


Văn bản này cũng hứa hẹn cho dân chúng Nam Việt Nam tất cả mọi quyền tự do: “Tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do chọn việc làm và phương thức sinh sống, tự do kinh doanh". Mọi người không ai quên câu nào.
Ôi! Chương trình đề ra thật đẹp.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #14 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2007, 07:29:58 pm »

PHẦN HAI
MỘT NĂM SAU CÁi GỌI LÀ NGỪNG BẮN
(Tháng 2 năm 1954)

12
SÁU MƯƠI NGÀN NGƯỜI CHẾT MÀ KHÔNG AI NÓI TỚI


19 tháng 2 năm 1974

Một buổi tối, trại Võ Tánh có vẻ náo nhiệt khác thường. Những chiếc xe tô lớn cắm cờ trắng, trên có in những chữ ICCS, viết tắt “Uỷ ban quốc tế kiểm soát và giám sát" ngừng bắn ở Việt Nam, tấp nập kéo vào công viên lớn trồng nhiều cây me toả bóng mát.


Trưởng đoàn đại biểu Ba Lan mở tiệc chiêu đãi chia tay trong một toà biệt thự và giới thiệu người kế nhiệm.
Các nhân viên tiếp tân mặc áo "vét" trắng, mang khay đựng rượu vốt-ca đi đi lại lại trong phòng tiệc. Suốt một giờ trôi qua, phòng khách lớn vẫn vang lên những tiếng cười vui cứ như là các bạn cũ gặp lại nhau.
Tại đây đang có mặt cả một cộng đồng sắc tộc của Sài Gòn. Có những người châu Á, châu Âu, những nhà ngoại giao, những nhà báo, các đại biểu bốn nước thành viên Uỷ ban quốc tế: Ba Lan, Hungari, Indonexia, Iran (thay Canada), các sĩ quan chính quyền Sài Gòn và các sĩ quan Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.


Vị tướng đi ra từ rừng rậm

Tôi đang nói chuyện với hai đại tá quân đội Sài Gòn thì chợt một người đột ngột hỏi:

- Ông có muốn gặp một vị tướng cộng sản không?

Lời gợi ý từ một sĩ quan cấp cao "Nam Việt" thật bất ngờ. Tôi cố giữ không tỏ vẻ ngạc nhiên, chỉ bình thản trả lời:

- Nhất định rồi!

Ông ta dẫn tôi đến chỗ một người gầy gò đang uống nước cam một mình, giữa phòng họp. Ông ta mặc một bộ đồ trận, không đeo huy chương, huy hiệu. Quả là một sự tương phản rõ nét với bộ quân phục mầu xám nhạt may đo rất khéo của hai đại tá quân đội Sài Gòn. Và thế là tôi được làm quen với thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, 50 tuổi, tóc đen, trưởng đoàn đại biểu Quân giải phóng nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam.


Từ một năm nay, ông đã cùng với phó của mình là đại tá Võ Đông Giang - và có lẽ đây mới là nhân vật số một của phái đoàn - thảo luận họp bàn hai lần một tuần với các đại biểu bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Sau những lớp hàng rào dây thép gai trong sân bay Tân Sơn Nhất.


Thiếu tướng nói với tôi bằng tiếng Pháp rất thành thạo, cẩn thận chọn lọc từng từ ngữ.

- Ủa! Thưa tướng quân, đã một năm rồi ư?

Tôi nói với ông là từ mười hai tháng trước tôi đã chờ đón từng ngày các sứ giả của Mặt trận dân tộc giải phóng mà không được gặp vì các vị bị bao vây giữa những lực lượng vũ trang khá cuồng chiến.

Ông mỉm cười chua chát và nói:

- Cho tới nay, vẫn chưa có gì thay đổi cả. Chúng tôi vẫn bị canh giữ trong doanh trại cao cấp của chúng tôi.

- Và cũng không được đi vào thành phố Sài Gòn, dù rất gần?

- Trừ những buổi chiêu đãi có tổ chức như buổi hôm nay của Uỷ ban quốc tế. Ngoài ra, không được đi đâu cả, mặc dù chúng tôi thường xuyên phản kháng. Chính quyền Nam Việt Nam luôn vin vào lý do không thể bảo đảm an ninh cho chúng tôi trong thành phố.


Tôi lưu ý ông, là nếu đi dạo phố một mình trên đại lộ Pasteur, có lẽ ông có thể gặp nguy cơ bị một viên đạn bắn lén sau lưng. Nhưng rõ ràng, ông không tỏ vẻ quan ngại về điều đó.

Ông chỉ vào hai viên đại tá quân đội Sài Gòn đang lùi về ngồi ở một góc phòng khách và cho tôi biết, chính hai viên sĩ quan này là những người chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh cho ông.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #15 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2007, 07:32:05 pm »

Nói, nói nữa, nói mãi...

Như vậy là từ ngày ký kết các hiệp định tại đại lộ Kléber, Paris, vào ngày 27 tháng 1 năm 1973, đại diện hai quân đội đối địch tại Nam Việt Nam là quân đội Thiệu và quân đội công sản trong cái gọi là "Tiểu ban quân sự liên hiệp hai bên" thường ngồi đối diện nhau trong những buổi họp định kỳ trong một doanh trại cũ có máy điều hoà không khí của Mỹ tại căn cứ không quân rộng lớn ở Sài Gòn.

Tôi hỏi tướng Hoàng Anh Tuấn:

- Các vị đã làm gì trong những phiên họp đó?

- Chúng tôi thảo luận với nhau.

- Về những vấn đề gì?

- Về việc thực hiện ngừng bắn.

- Và còn gì nữa?

- Về các vi phạm hiệp định, về việc trao đổi tù binh, về việc xác lập ranh giới các khu vực có liên quan, về việc tập trung các lực lượng, về tất cả những vấn đề đã ghi trong điều 17 Hiệp định Paris.

- Và các vị đã đạt được tiến bộ?

Trong ánh mắt chìm sâu của tướng Tuấn, loé lên một tia chớp mỉa mai. Ông nói:

- Chẳng có một tiến bộ nào cả!

- Thật đáng thất vọng!

- Tôi bình luận với vẻ sốt ruột của người Âu. Tướng Tuấn đáp lại tôi theo quan điểm của châu Á: "thời gian là không đáng kể". Ông nói:

- Tại sao lại thất vọng!

- Bởi vì không có lối thoát.

- Nhưng vẫn có một đường ra.

- Đó là gì?

- Là nghiêm chỉnh thực hiện Hiệp định Paris. Nhưng chế độ Sài Gòn vẫn từ chối thi hành hiệp định này.


36.000 vụ vi phạm hay là 300.000 vụ?

Phía Nam Việt lại nói ngược lại. Và vấn đề nào cũng vậy. Hãy lấy ví dụ vấn đề vi phạm hiệp định ngừng bắn. Tôi đã tới Bộ tổng tham mưu Sài Gòn, hỏi xin các thống kê chính thức và được trả lời:

- Hơn 36.000 vụ trong vòng một năm.

Như vậy là trung bình mỗi ngày có hàng trăm vụ vi phạm. Những ngày lành cũng xảy ra khoảng năm chục vụ, ngày xấu có tới một trăm năm mươi vụ vi phạm.

Nhưng khi tôi hỏi tướng Hoàng Anh Tuấn, ông lại đưa ra một con số hoàn toàn khác hẳn. Ông nói:

- Trong vòng một năm nay, đã xảy ra tới 300.000 vụ vi phạm Hiệp định ngừng bắn.

Tôi lại quay về Bộ tổng tham mưu Sài Gòn:

- Các ông giải thích thế nào về sự khác nhau giữa hai con số thống kê, của các ông và của họ?

- Không có gì phức lạp cả. Với Việt cộng, cái gì cũng có thể gọi là vi phạm ngừng bắn. Một tiếng súng nổ lẻ loi đơn độc: vi phạm! Một chuyến bay trinh sát của chúng tôi: vi phạm. Máy bay lên thẳng của chúng tôi cất cánh: vi phạm! Họ không có máy bay lên thẳng. Vì vậy, họ muốn chúng tôi cũng không được sử dụng máy bay lên thẳng. Nhưng chúng tôi không thể thiếu máy bay lên thẳng được1 (Đây là phía chế độ Thiệu nguỵ biện. Vì Hiệp định Paris ghi rõ "phải đình chỉ tất cả các hoạt động quân sự". (N.D)).


Chuỗi danh sách đẫm máu

Một người bạn là dân Sài Gòn nói với tôi bằng một giọng châm biếm đau đớn: - Càng nói nhiều đến chuyện vi phạm, càng tốt. Bởi vì như vậy cũng là nhắc tới có một bản hiệp định ngừng bắn... mà chẳng ai tôn trọng cả!


Có cần phải chỉ đích danh những “vi phạm” dưới hình thức những cuộc chiến đấu thật sự với sự tham gia của pháo binh, xe bọc thép và về phía Sài Gòn, và cả không quân?


Suốt một năm nay, chiến tranh không ngừng được một ngày. Từ thành phố Sài Gòn, rất hiếm có đêm vắng tiếng pháo từ xa vọng tới các khu phố đang ban hành lệnh giới nghiêm, vắng vẻ.


Từ hai phía đối địch, máu vẫn tiếp tục chảy. Dưới đây là những con số thống kê chính thức từ phía Sài Gòn:
Trong vòng mười hai tháng sau khi ký kết Hiệp định Paris, 12.764 người bị thương, 4.233 người mất tích. Cũng trong khoảng thời gian đó, 2.157 dân thường bị chết, 5.965 người bị thương, 1.882 người mất tích. Chính quyền Sài Gòn tuyên bố những người này bị cộng sản bắt giữ.


Cũng theo Sài Gòn thì số Bắc Việt và Việt cộng bị chết trong cùng thời gian lên tới 44.976 người.

Hiệp định Paris cho phép quân đội hai bên được thay thế số vũ khí đạn dược đã sử dụng trước ngày ngừng bắn trên nguyên tắc “một đổi một”. Không ngạc nhiên khi thấy bên nào cũng nhích lên một chút.


Như vậy là, từ nay đến cuối năm 1975 phía Sài Gòn sẽ còn phải tiếp nhận 150 máy bay khu trục phản lực của Mỹ kiểu F5E. Đây là loại máy bay nhanh hơn và dễ điều khiển hơn loại F5A hiện đang sử dụng, và có thể đối chọi với các loại Mig 21 và Mig 23 Bắc Việt đang có.


Phía sau "trận tuyến” (nếu cần phải sử dụng từ ngữ này) bởi vì thực tế các lực lượng đối địch đang xen kẽ nhau, trên bản đồ chiến sự quân đội Sài Gòn luôn luôn thể hiện trạng thái này như “tấm da báo".


Các lực lượng cộng sản không ngừng hoạt động. Họ tăng gấp đôi việc vận chuyển theo đường mòn Hồ Chí Minh. Đây là tuyến đường có hai nhánh nằm cả trên các lãnh thổ Lào và Campuchia. Đường trải nhựa hoặc đắp đá có thể sử dụng trong mọi thời tiết, đi dọc sườn đông Trường Sơn tới Nam Việt Nam. Từ đường trục lớn, các đơn vị công binh đã bắt đầu mở một loạt nhánh đường rải đá từ những vùng núi hướng về biển Đông. Tất cả những công trình này đều được tiến hành bằng các xe ủi đất do Liên Xô chế tạo. Tổng số chiều dài của những con đường làm thêm trong một năm qua là 537 kilômét.


Việc tiếp tế xăng dầu không cần phải do dân công vận chuyển bằng những bi-đông thồ trên xe đạp nữa và cũng không cần sử dụng loại xe tải Molotova, vì đã xây dựng xong một đường ống dẫn dầu từ Bắc Việt Nam đến tận Lộc Ninh, gần biên giới Campuchia. Lộc Ninh là địa điểm chính phủ cách mạng lâm thời chọn làm thủ đô.


Hiện tại, Bắc Việt có lới sáu sư đoàn đóng tại phần phía Bắc trong lãnh thổ Nam Việt Nam. Cũng tại khu vực này đang tập trung từ ba trăm đến tám trăm xe tăng ở phía Nam vĩ tuyến 17. Phần lớn là loại xe tăng T54 do Liên Xô chế tạo. Cuối cùng, vẫn tại khu vực này, Bắc Việt bố trí khoảng từ mười tám đến hai mươi ba trung đoàn pháo cao xạ.


Thỉnh thoảng tại Sài Gòn lại có tin đồn cộng sản đang chuẩn bị một cuộc tiến công lớn. Nhưng, trong số các nhà quan sát phương Tây không ai tin. Dù sao, mọi người cũng không loại trừ khả năng xảy ra những hoạt động chiến sự quan trọng ở khu vực Bắc của Nam Việt Nam. Nhưng một cuộc chiến tranh tổng lực theo hướng Sài Gòn và các thành phố lớn là điều khó có khả năng thực hiện. Ít nhất cũng trong lúc này.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #16 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2007, 07:33:45 pm »

13
“THÀNH PHỐ XE HONDA" ĐANG ỐM NẶNG

20 tháng 2 năm 1974

Thành phố Sài Gòn có rất nhiều xe cyclo gắn máy, xe đạp máy, xe mô tô nhập từ Nhật Bản của những nhà cung cấp lớn nhất thế giới, tới mức thủ đô Nam Việt được đặt tên là "Thành phố xe Honda".

Có những ngày thời tiết nặng nề, không có một làn gió thổi qua, hơi xăng dầu từ những ống xả của những chiếc xe gắn máy hai bánh, chưa kể những xe taxi 4CV sơn độc đáo hai màu xanh lơ và kem sữa và những xe tải, xe khách cũ kỹ vẫn còn chạy được nhờ một phép màu không ai hiểu nổi, phun khói ra khắp các nẻo phố phường, khói dày đặc tới mức đọng thành một làn mây màu xanh lơ bay trên khu dân cư, làm đắng họng và cay mắt.


Lái xe trên những nẻo đường thường xuyên bị tắc nghẽn này quả là một cơn ác mộng, người mệt nhoài, trán toát mồ hôi và áo sơ mi ướt đẫm.

Giá xăng tăng gấp bốn lần.

Bây giờ thì hết rồi: Không còn tắc nghẽn nữa, không còn ác mộng nữa. Có thể lái xe đi khắp Sài Gòn không có vấn đề gì.

Nhưng, đó là dấu hiệu của "Thành phố xe Honda” không được khoẻ.

Nếu chẳng may, anh không có một can xăng dự trữ trong ga ra để xe tô thì có thể phải đi tới sáu hoặc tám cây xăng mới có thể đổ đầy thùng chứa của chiếc xe nhãn hiệu Dalat, do Sài Gòn cải biên từ xe Mehari.

Bạn cũng có thể tự coi là người sung sướng vì không phải xếp hàng đợi hàng giờ mới có thể mua được khoảng mười hoặc mười lăm lít xăng.

Nếu bạn vắng mặt tại Sài Gòn một thời gian nay quay trở lại sẽ rất ngạc nhiên vì giá xăng. Trong vòng một năm, giá xăng cao gấp bốn lần. Từ 60 đồng một lít, đã tăng lên 240 đồng, tương đương 2,40 franc Pháp. Vì vậy, sẽ không bất ngờ khi nhìn thấy từ nay có những người Việt Nam đi bộ hoặc đi xe đạp. Có chiếc xe máy chở tới năm ngươi: bố, mẹ và ba đứa con nhỏ. Dĩ nhiên, không một cảnh sát giao thông nào can thiệp vì chuyện đó đã trở thành quá quen thuộc.

Dân Sài Gòn nói với bạn là: “Thành phố xe Honda” đang ốm nặng.


Nỗi lo lắng về bữa gạo hằng ngày

Nhưng xăng dầu không phải là mặt hàng duy nhất đang tăng giá cao ở Nam Việt Nam. Một năm nay, giá gạo tăng gấp đôi, dầu ăn và nước mắm cũng tăng gấp đôi. Đường tăng gấp ba. Sữa hộp tăng giá gấp bốn lần.

Chỉ có lương tháng và tiền công là không nhúc nhích.

Trường hợp gạo là thức ăn chính của người Việt, tăng giá là chuyện không bình thường. Năm nay, miền Nam Việt Nam được mùa. Gạo hoàn toàn thoả mãn nhu cầu. Năm ngoái, chính quyền Sài Gòn chỉ nhập có 150.000 tấn gạo nhằm cung ứng đủ sáu triệu tấn cho nhu cầu.

Thật là một cảnh tượng đáng phấn khởi, một cảnh tượng hiếm thấy trên một đất nước có chiến tranh từ lâu, nay lại nhìn thấy nông dân đội nón, làm việc trên đồng ruộng, gặt lúa bằng những lưỡi liềm, đập lúa trên khúc gỗ có che vải ba phía để khỏi vung vãi, rồi mang những hạt thóc mẩy màu vàng sẫm đi phơi sát đường cái. Thật không may cho người lái xe nào giày xéo trên thấm thảm thóc vàng trải trên mặt đường nhựa. Lập lức, đàn bà, trẻ con sẽ vung gậy lên đe doạ.


Năm ngoái, giá gạo là 80 đồng một ki lô. Tại các chợ ở Mỹ Tho, Cai Lây, giá bán là 115 đồng. Nhưng đó là loại gạo "cho chó ăn" như các bà nội trợ thường nói. Gạo ngon, trắng như tuyết, giá lên tới 240 đồng một ki lô.


Tại sao giá gạo tăng như vậy? Rõ ràng, không phải do thiếu kém. Cũng không phải do giá xăng dầu tăng, vì ở nông thôn rất ít dùng xăng dầu chạy máy xay gạo. Ở nông thôn cũng không có máy cày, nông dân vẫn canh tác như tổ tiên thời trước. Và trong các khu vườn, rau vẫn mọc tự nhiên, suốt năm, không cần có các thiết bị chạy dầu ma dút.


Giá gạo trong nội thành Sài Gòn tăng cao vì các cơ sở hậu cần của Mặt trận dân tộc giải phóng đang đẩy mạnh việc thu mua gạo. Các đơn vị cộng sản thường đóng quân tại những vùng đồi núi. Họ cần phải thu mua gạo vì gạo không hoàn toàn đưa từ miền Bắc vào. Và những cán bộ cộng sản thường đặt giá thu mua nhiều hơn giá ấn định của chính quyền Sài Gòn là 160 đồng một ki lô.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #17 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2007, 07:34:46 pm »

Xoay xở để sống

Trong vòng một năm, giá sinh hoạt ở Nam Việt Nam đã tăng 60%. Tiền lương không theo kịp vật giá, nhiều gia đình phải kiếm cách xoay xở. Cách cổ điển nhất, lương thiện nhất, là kiếm thêm một công việc buổi tối. Ngày làm việc chính thức của công nhân viên chức kéo dài từ 8 giờ sáng đến 16 giờ chiều, sau đó phần lớn viên chức, người làm công, thợ thủ công, công nhân và cả quân nhân nữa kiếm thêm một công việc phụ.

Ngay cả giờ làm việc chính thức cũng bị cắt xén để "lao động đen". Trên thực tế, ngày làm việc hợp pháp chỉ tính từ 8 giờ 30 đến 14 giờ 30.

Rất nhiều gia đình sống bằng những nghề phụ. Loại công việc này tăng rất nhanh nhất là khi số lao động thất nghiệp đã lên tới 100.000. Nhưng cũng không ai nói lên được những thống kê chính thức và đúng nghĩa về cái gọi là không có việc làm hoặc thiếu việc làm.


Những vỉa hè các phố ở trung tâm Sài Gòn và cả ở những vùng phụ cận đều bị hàng ngàn người xâm chiếm, ngồi bệt trên nền đất, bán thuốc lá, kẹo cao su, xà phòng, dây buộc, kẹo bánh, nấu cháo; thổi cơm, nướng bánh, sửa chữa xe đạp, cố kiếm được vài chục đồng từ những thứ do Mỹ để lại, từ chiếc kìm vặn đinh ốc, hộp thuốc đánh răng, đồ hộp thức ăn, nhất là loại đậu trắng ngâm nước siết cà chua đóng hộp mà chúng tôi, hồi còn đi lính trong đạo quân của tướng De Lattre năm 1945 đã chán ngấy.


Trong “chợ trời”

Lực lượng viễn chinh Mỹ đã xây dựng ở miền Nam Việt Nam hàng tá căn cứ quân sự khổng lồ. Quan trọng nhất là các căn cứ Long Bình và Đà Nẵng. Ngoài ra, còn có tới nửa trăm căn cứ loại trung bình và vài trăm căn cứ loại nhỏ. Dĩ nhiên, lính Mỹ mang theo nhiều thiết bị quân sự để chất đống tài các căn cứ, từ những chiếc xẻng gập tự động đến các máy chữ. Một phần lớn đã đem bán ra ngoài một cách chính thức cho các quan chức Nam Việt Nam rồi lại bị bán đi một phần ba.


Người ta đã nhìn thấy những cặn bã của lối sống Mỹ trên các hè phố Sài Gòn và cả những thành phố khác ở miền Nam Việt Nam. Nhiều thứ đúng là của ăn cắp theo nghĩa đơn giản và đúng đắn, lấy trộm từ các kho quân nhu của Mỹ khi chuyển căn cứ, trong doanh trại, trong nhà bạt, trong xe tải và ngay trên bến cảng.


Do nguồn lộc đó bắt đầu cạn, các chuyên gia kiếm lời bắt đầu tìm những nguồn khác. Họ không thiếu đầu óc sáng tạo và sự khôn khéo. Mục tiêu của họ là những kho hàng ở trên bến cảng, trong đó có những túi xách của phụ nữ, những đồng hồ đeo tay làm ở châu Âu. Nếu bạn bị mất một chiếc máy ảnh, bạn có cơ may tìm thấy vào ngày hôm sau, ở "chợ trời", tức là chợ mua bán đồ ăn cắp, ăn trộm.


Trong một đất nước đang hoành hành các tệ nạn tham nhũng, đĩ điếm, buôn lậu, chính quyền khó có thể hoạt động bình thường. Các tỉnh trưởng đều là quân nhân. Họ đúng là những ông vua con thật sự. Ngay cả nhân viên cảnh sát giao thông cũng có thể tự ý đặt ra luật lệ đi đường theo cách riêng của mình. Nếu bị chặn đường xét hỏi, bạn chỉ có việc dúi vào tay anh ta một tờ giấy mệnh giá 1.000 đồng gấp làm tư, rồi chìa cho anh ta xem giấy phép lái xe.


Những bộ quân phục yêu quý

Để thăng bằng cán cân thương mại, chính quyền Nam Việt Nam cần có 300 triệu đô la.

Năm 1973, các mặt hàng xuất khẩu: gỗ, tôm, cao su, chè, cà phê, đồ thủ công, chỉ mang lại cho họ được 50 triệu.

May quá, chính quyền Mỹ đã viện trợ cho 140 triệu đô la. Bằng thủ thuật như thế này: chính quyền Mỹ thu mua tất cả những quân phục may tại Nam Việt Nam, cho quân đội Việt Nam, rồi trang bị lại cho các binh sĩ của Thiệu theo đúng điều khoản viện trợ quân sự. Các dược phẩm sản xuất tại Nam Việt Nam cũng vậy.

Mặc dù vậy, năm nay vẫn phải kiếm bằng được ít nhất là 100 triệu đô la. Nếu không, Nam Việt Nam sẽ đi tới chỗ phá sản.

Các khoản viện trợ nước ngoài lần lượt được công bố: Tây Đức, Nhật Bản, Pháp hứa hẹn cho Sài Gòn vay 100 triệu đô la và viện trợ không hoàn lại 10 triệu đô la, như đã công bố hành động tương tự đối với Bắc Việt. Tất cả số tiền đó liệu có làm cho con tàu đã đưa xuống nước nổi lên không?

Cộng sản muốn con tàu Sài Gòn chìm đắm. Trong lịch sử đã từng xảy ra chuyện dân chúng đói kém nổi lên làm cách mạng. Nếu khủng hoảng kinh tế cuộn trôi chế độ Thiệu, quả là có lợi cho chính phủ cách mạng lâm thời.

Nhưng Mỹ khó mà có thể bỏ rơi chế độ Sài Gòn về mặt kinh tế. Nếu cần, Washington sẽ bỏ tiền ra thu mua hàng chục ngàn bộ quân phục nữa, may từ Sài Gòn, cho quân đội Thiệu.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #18 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2007, 07:37:13 pm »

14
KHÔNG THỂ CÓ HOÀ BÌNH

24 tháng 2 năm 1974

Đã thành thói quen, hễ thức giấc tại Sài Gòn là nghe thấy tiếng pháo 105 từ xa vọng lại.

Nhưng, rạng sáng hôm nay, một ngày Chủ Nhật của tháng 2 năm 1974 khi thức giấc lại nghe thấy... bản thánh!

Những đoàn người diễu hành mang theo cờ phướn chầm chậm đi về phía nhà thờ quét vôi màu hồng.

Trước mặt nhà thờ xây theo kiểu cổ có hai toà tháp như hai mũi tên, là cả một biển người. Ít nhất cũng có tới hai trăm. Cũng có thể là ba trăm người. Không kể những binh lính đứng canh trên những xe tô gắn súng máy và cảnh sát trên những xe Jeep.


Trên bục cao đã bố trí một bàn thờ có trưng bày tấm hình Đức mẹ đồng trinh Fatima đi chu du khắp thế giới đang dừng lại ở Việt Nam.

Ở đầu hàng người, bên cạnh đức giám mục địa phận Sài Gòn mặc áo choàng màu tứn sẫm, là một đại lão hoà thượng khoác áo cà sa và một “giáo chủ” Cao Đài trong bộ đồ trắng. Đích thân Tổng thống Thiệu mặc áo dài màu xanh lam kiểu áo dân tộc cổ truyền thường xếp trong tủ, chỉ đem ra mặc vào ngày lễ hội, cũng tới dự. Như một con chiên sùng tín, tướng Thiệu quỳ gối bên cạnh vợ, cầu nguyện cho hoà bình.

Sau buổi lễ, Thiệu là người đầu tiên đứng lên tiếp đón công đồng.


Mọi sự chống đối đã bị đè bẹp

“Đó là một thằng hề1 (Nhân vật chính trong hài kịch của đại văn hào Pháp Molière, lấy tên là Tarluffe có nghĩa là một "kẻ đạo đức giả": (ND)), một tên bù nhìn, một con rối."

Những người đứng đầu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã sử dụng những danh từ này để nói về tướng Thiệu. Nhưng, "con rối” này đã nắm quyền được chín năm rồi, kể từ năm 1965 là lúc Thiệu đã chiếm quyền bằng một nhúm sĩ quan và vài đơn vị xe bọc thép.


Theo Chính phủ Cách mạng lâm thời, tên “bù nhìn” này hoàn toàn không có sinh khí vì mọi việc đều do Mỹ giật dây, và từ khi Mỹ bỏ về nước, đã trở thành một con búp bê bất động.

Tên hề Tartuffe này đã khôn khéo tuần tự loại trừ được tất cả các nhân vật đối lập, bịt miệng và làm tê liệt những người bị bắt giam.


Dù cho chế độ Thiệu chỉ có thể dựa chủ yếu vào quân đội cảnh sát và một nhóm thân cận, nhưng Thiệu vẫn đứng vững trước cộng sản.


Tại Nam Việt Nam, có một thế lực chống đối đáng gờm là lực lượng Phật giáo. Năm 1966 lực lượng này đã tổ chức, biểu tình lớn ở Huế, dẫn đến sự đàn áp của quân đội Thiệu. Phong trào lại bùng nổ ở Sài Gòn, tâm điểm của sự nổi loạn là chùa Ấn Quang. Bây giờ, mọi việc đã kết thúc. Không còn một tăng ni nào tự thiếu trên đường phố. Lãnh tụ tinh thần nổi tiếng nhất của họ là thượng toạ Thích Trí Quang đã lui về trong tháp ngà.


Còn có một lực lượng chống đối nữa do ảnh hưởng của tướng Minh, tức "Minh lớn” mà một số người coi đó là Mendes France của Việt Nam. Nhưng tướng Minh đang chơi tennis và trồng phong lan.


Cũng có cả lực lượng chống đối gồm những người theo đạo Cơ-đốc cánh tả. Nhưng đã bị bẻ gấy, đôi khi tàn nhẫn. Chỉ cần nêu lên một thí dụ: linh mục chủ bút tờ Đối diện cho đăng một bài bị coi là "thân Bắc Việt" đã lãnh án bốn tháng tù giam.


Có một giới báo chí tự do. Nhưng nay cũng không còn nữa. Tất cả các báo chí ít nhiều đều phải tuân theo mệnh lệnh của chính quyền. Muốn xuất bản một tờ báo tuần phải ký quỹ mười triệu đồng, một báo ngày hai mươi triệu đồng. Điều đó đã hạn chế những người xin đăng ký ra báo. Ngoài ra, mọi sự sơ xuất đều bị tịch thu báo, bị đưa ra toà, bị phạt vụ, bị tan vỡ.


Không tìm thấy "Lực lương thứ ba”

Trong Hiệp định Paris có ghi:

- Hai điều khoản quân sự: ngừng bắn, tập trung các lực lượng đối địch.

- Hai điều khoản chính trị: thành lập hội đồng hoà hợp hoà giải dân tộc; lổng tuyển cử trên toàn lãnh thổ Nam Việt Nam dưới sự kiểm soát quốc tế.

Không một điểm nào trong bốn điểm trên đây đạt được tiến bộ trong năm qua. Cả tiểu ban quân sự hai bên ở Sài Gòn, cả uỷ ban chính trị bốn bên họp ở La Celle-saint Cloud.


Tuy nhiên, ở miền Nam Việt Nam vẫn có nhiều người kêu gọi thực hiện một văn bản do họ đề ra đến nay đã trở thành một lá thư câm. Đó là những người, khi được hỏi đã trả lời, họ không đứng về phía cộng sản, cũng không đứng về phía Thiệu. Nhưng dù họ đông người, họ vẫn không thành lập được cái gọi là "Lực lượng thứ ba" rất khó tìm thấy. Họ không có người đứng đầu, không có tổ chức, không có cương lĩnh. Họ tồn tại như một lực lượng không định hình đinh tính. Thế thôi1 (Đây là nhận định chủ quan, phiến diện của tác giả. (ND)).


Vả lại cũng không chắc là số đông đám này khi cần phải chọn lựa giữa Thiệu và cộng sản, sẽ không chọn Thiệu2 (Tác giả tự mâu thuẫn. Phần trên viết, lực lượng thứ ba là "không thấy được" "không tiếp xúc được". Vậy thì sao biết được xu hướng cụ thể của từng thành phần? Rõ ràng, đây chỉ là chủ quan, đoán mò. (ND)).


Còn bao nhiêu người Mỹ ở lại?

Người dân miền Nam Việt Nam có thể là người theo đạo thiện, ác. Nhiều vấn đề được đặt ra dưới những sự đối lập tàn bạo: trắng hoặc đen. Đúng hơn là màu nâu và màu đỏ Chủ nghĩa độc tài quân sự hay chủ nghĩa cộng sản.


Một thực tế cũng phức tạp như trên đòi hỏi nhiều tinh tế trong phân tích, có thể dẫn đến những khái niệm đơn giản, là một trong những bất ngờ thường gặp sau ngày ngừng bắn.


Không phải vì yêu quý Thiệu mà cho tới nay Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ ông ta. Đơn giản, căn bản chỉ vì Mỹ chống cộng sản.


Hiện nay, có bao nhiêu người Mỹ ở Nam Việt Nam? Theo con số chính thức, có khoảng 10.000 người trong đó rõ ràng không chỉ toàn là những "chuyên viên, và những "chuyên gia kỹ thuật” được giữ lại hoặc để thay thế sau khi những đơn vị quân đội cuối cùng rút khỏi nơi này. Có người châm biếm nêu lên một ví dụ, tại một thành phố nọ có tới 142 phó lãnh sự Mỹ. Chính phủ cách mạng lâm thời khẳng định còn có 24.000 người Mỹ đang ở lại miền Nam Việt Nam.


Với số người Pháp, có thể biết rõ ràng hơn. Tổng lãnh sự Pháp ở Sài Gòn đã ghi vào danh sách được 11.000 người, trong số đó thật ra chỉ có một số ít là người Gaulois nguyên gốc.


Sau khi ngừng một thời gian những cuộc tiến công chống Thiệu, gần đây Chính phủ Cách mạng lâm thời lài nêu lên khẩu hiệu: “Thiệu là trở ngại chính cho hoà bình”. Còn người Mỹ thì tiếp tục nghĩ, một cách trái ngược, Thiệu là chiến luỹ chủ yếu chống cộng sản.


Rõ ràng, Nam Việt Nam đang bị vây bọc trong một cái vòng luẩn quẩn: duy trì nền độc tài quân sự hay là sự thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản. Nhưng vẫn còn những cái vòng luẩn quẩn khác: tiếp tục chiến tranh hay bập vào hoà bình, thức ăn hay là pháo, thương lượng triền miên hay là thẳng tay cắt đứt hoà đàm, vĩnh viễn chia cắt đất nước hay là hi vọng xa xôi về một đất nước thống nhất.


Một lá cờ trắng tung bay

Một năm sau khi ngừng bắn, vẫn tồn lại nhiều ẩn số.

- Số phận Campuchia là một nước phụ thuộc ít nhiều vào tương lai Nam Việt Nam, sẽ ra sao?

- Bắc Việt quyết định theo đuổi cố gắng rất nặng nề tiếp tục chiến tranh hay là ưu tiên cho việc khôi phục kinh tế quốc dân? Khó mà thực hiện được cả hai việc này trong cùng một lúc, nhất là Nixon đã tuyên bố rõ, chỉ viện trợ kinh tế đã hứa nếu Bắc Việt rút quân ra khỏi Nam Việt Nam.


- Cuối cùng, trong đại gia đình của chủ nghĩa cộng sản, có những quan điểm khác nhau như thế nào? Nhất định, có những khuynh hướng “cứng rắn" muốn tiếp tục cuộc chiến đến cùng, và những khuynh hướng “mềm dẻo” muốn ngừng chiến đấu, tiếp tục cuộc đấu tranh dưới một hình thức khác. Tương lai Nam Việt Nam tuỳ thuộc vào sự giải đáp ba câu hỏi này.

Như chúng tôi đã nói, hiện nay ít có vẻ hai địch thủ lao vào một cuộc tổng tiến công. Muốn đánh lớn, cần phải tạo ra một cái cớ đột ngột hoặc tuần tự leo thang để có thể tự do xé toạc mảnh giấy mỏng manh đã ký kết hiệp định lại.


Cũng có thể chế độ Thiệu sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế đang ngày càng trầm trọng. Đó là điều mà các nhà lãnh đạo Chính phủ Cách mạng lâm thời mong muốn và lợi dụng để tiến quân vào Sài Gòn.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #19 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2007, 07:37:53 pm »

15
LỄ NÔEN BUỒN NẢN

25 tháng 12 năm 1974

Ở Việt Nam cũng có lễ Thiên Chúa giáng sinh.

Nhưng, than ôi, chiến tranh vẫn tiếp tục.

Tuần qua là một trong những tuần đẫm máu nhất kể từ khi ký Hiệp định Paris cách đây gần hai năm: Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn chính thức công bố quân đội Thiệu bị chết 706 người, bị thương 2.758 người và khẳng định đã loại khỏi vòng chiến 3.600 lính Việt cộng.


Năm thứ hai của "hoà bình giả tạo" có thể cũng tang tóc như năm thứ nhất. Con số thương vong của hai bên từ đầu tháng 1 năm 1973 tới nay đã vượt quá 250.000. Riêng phía chính quyền Sài Gòn bị mất 151.000 binh sĩ, trong đó có 27.000 bị chết.


Bản đồ ghi những khu vực cầm chân của quân đội cộng sản tại Nam Việt Nam giống hệt như hồi đầu những năm 60, như những thời điểm đen tối đầu tiên khi quân Mỹ kéo vào, Việt cộng thâm nhập vào tất cả các khu vực. Vẫn là tấm da báo như cũ.


Các đơn vị việt cộng và Bắc Việt không ngừng tăng cường Tổng quân số của họ tại phía Nam vĩ tuyến 17 hiện nay lên tới 285.000 người, tức là tăng thêm 65.000 so với hai năm trước.


Nhưng đường mòn mang tên Hồ Chí Minh đã trở thành những đường cái lớn trải nhựa, có thể vận chuyển xe cộ trong mọi thời tiết. Đã xuất hiện những vũ khí mới trên chiến trường, nhất là tên lửa chống máy bay, dễ dàng mang vác như loại súng chống tăng bazooka.


Đối mặt với sự thâm nhập dần dà này, quân đội Nam Việt đã phải rút bỏ gần 40% số 2.500 đồn bết trong vùng châu thổ. Các cơ quan quân báo Mỹ khẳng định, cộng sản hoạt động theo một tiến trình có kế hoạch đã vạch sẵn: Việt cộng muốn thiết lập tại các tỉnh miền Nam những căn cứ vững chắc, để một ngày nào đó có thể từ những bàn đạp này tiến đánh các thành phố.

Tuy nhiên, các cơ quan tình báo quân sự đó cũng nhận định, quân đội Nam Việt Nam vẫn còn đủ mạnh để bảo vệ các trung tâm đông dân quan trọng.

Ít nhất, sức mạnh này vẫn còn được duy trì trong khi Thiệu vẫn còn nắm giữ chính quyền đang bắt đầu rêu rã nghiêm trọng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM