Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:40:17 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Thăm dò
Câu hỏi: Có đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu được không? (Trân trọng cám ơn các thành viên đã tham gia bỏ phiếu)
Chưa đủ cơ sở để đồng nhất - 7 (58.3%)
Có cơ sở khoa học để đồng nhất - 0 (0%)
Không có cơ sở để đồng nhất - 5 (41.7%)
Tổng số phiếu: 12

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Về việc đồng nhất Phạm Tu và Lý Phục Man  (Đọc 65423 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
menthuong
Thành viên
*
Bài viết: 411


Nhất tướng công thành vạn cốt khô


« Trả lời #80 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2010, 07:55:20 am »

Hình ảnh Phạm Tu này do người Việt hay người nước ngoài vẽ mà khác quá xa với chân dung cụ trên http://www.hopham.org/
Logged

caytrevietnam
Trung tá
*
Bài viết: 471


Trồng sen trong biển lửa


« Trả lời #81 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2010, 05:32:12 pm »

Hình ảnh Phạm Tu này do người Việt hay người nước ngoài vẽ mà khác quá xa với chân dung cụ trên http://www.hopham.org/


Dạ thưa bác, cái hình này là do họa sĩ trong nước vẽ. Truyện tranh của ta hầu hết giống nhau về trang phục dù ở nhiều thời đại khác nhau, cũng chả trách được. Còn việc bác so sánh bức tranh này với bức tranh kia cũng chả đâu vào đâu, vì em nghĩ rằng bức tranh đó cũng là do đời sau tưởng tượng mà họa nên thôi, ai xác nhận là giống hay không giống với người thực?

Đến ngay ảnh chụp các vua nhà Nguyễn rõ rành rành thế mà khối báo mạng khi lấy làm ảnh minh họa cho bài viết còn chú thích sai, kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia"
Logged

SỐNG VỮNG CHÃI 4000 NĂM SỪNG SỮNG
LƯNG ĐEO GƯƠM TAY MỀM MẠI BÚT HOA
thapbut
Thành viên
*
Bài viết: 158


WWW
« Trả lời #82 vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2010, 05:55:25 pm »

Với giả thiết Phạm Tu và Lý Phục Man chỉ là một người và gọi là Tướng công, trước hết cần xem khi khởi nghĩa, Tướng công trẻ hay già. Tìm hiểu điều này phải dùng tuổi ở 1 trong 2 thần phả Đình Ngoại và Quán Giá mà không xét đến quê hương. Tuy nhiên phải dựa theo chính sử về công trạng của Tướng công chắc chắn là công thần hàng đầu một người văn võ song toàn.

1. Nếu Tướng công là Lý Phục Man trẻ tuổi và dựa theo tư liệu Quán Giá
Theo thông tin Quán Giá, Tướng công sinh trong khoảng từ 505 đến 515, hoặc có người cho là Tướng công sinh năm 514. Như vậy khi Lý Bí khởi nghĩa (đầu năm 541) Tướng công có độ tuổi 30. Với thông tin Sự tích cho thấy sức hút nhóm nghĩa quân do Tướng công đứng đầu do trai tráng quanh vùng kéo về, khởi nghĩa trước Lý Bí và giải phóng Đỗ Động, Đường Lâm. Sự tích chưa thể hiện Tướng công là con nhà nòi về võ, còn về văn chưa đủ độ sâu lắng đọng của thời gian, chưa đủ độ chín của văn võ toàn tài. Tuy nhiên chúng ta có thể nhận thấy đây là hình ảnh của anh hùng giỏi võ. Phải thấy rõ vùng hoạt động chính của nghĩa quân Lý Bí ở Đan Hoài, Lý Bí cũng quê ở đây (có tài liệu còn cho rằng Triệu Túc, Triệu Quang Phục cũng ở đây vì thời Hai Bà vùng này cũng có tên Chu Diên, nhưng có lẽ Chu Diên hồi đó trôi xuống Hải Dương-Hưng Yên thì đúng hơn , các tướng thời Lý Nam Đế được thờ ở nhiều di tích trong vùng Đan Hoài).
Nếu Lý Phục Man khởi nghĩa giải phóng Đỗ Động, Đường Lâm trước Lý Bí thì bên kia sông Thiên Đức (sông Đuống)-ở thành Long Biên, viên thứ sử Tiêu Tư lại ngồi chờ Lý Bí tập hợp nghĩa quân đến đánh? Cuốn "Sự tích đức thánh Giá" còn cho Lý Phục Man khởi nghĩa thắng lợi ở Đỗ Động - Đường Lâm từ 437-441.
Bối cảnh nhà Lương đô hộ, Lý Bí bỏ Đức Châu không lâu trở về sẽ phải nhanh chóng khởi nghĩa. Lực lượng có sẵn bấy giờ của Triệu Túc, Tướng công và hào kiệt trong vùng tập hợp cùng Lý Bí khởi nghĩa. Nhưng như thế chưa đủ lý do để tôn Lý Bí làm thủ lĩnh? Cuộc khởi nghĩa xảy ra giải phóng nhanh trong vùng rồi tấn công thẳng vào Long Biên, buộc Tiêu Tư không kịp trở tay, bỏ chạy về nước. Nếu Tướng công trẻ tuổi, vào năm 545, Vua phải chọn Tướng công đi đánh trận ở Chu Diên, không thể ở lại phía sau được (như Phạm Cự Lượng phá Tống, bình Chiêm).

Như vậy ở độ tuổi 30 mạnh về võ, Lý Phục Man chưa đủ độ chín để trở thành công thần hàng đầu của nhà nước Vạn Xuân, có thể so sánh với Triệu Quang Phục để thấy rõ điều này.
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Sáu, 2010, 06:03:00 pm gửi bởi thapbut » Logged
thapbut
Thành viên
*
Bài viết: 158


WWW
« Trả lời #83 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2010, 12:05:06 am »

2. Nếu Tướng công là lão tướng Phạm Tu quê ở Thanh Liệt
Có thể thấy tư liệu về Tướng công nào là Cảm Ứng cư sỹ, rồi đô vật nổi tiếng, hào kiệt trong vùng. Có người cho rằng có thể ông còn là người tu hành. Như thế hội tụ trong Tướng công đầy đủ tố chất của vị công thần văn võ song toàn. Như vậy Tướng công không chỉ bó hẹp trong phạm vi làng Quang Liệt, Tướng công đã đi ngao du trong vùng với chiều dài ít nhất là 50 năm. Từ miền Quang Liệt đến dải Đỗ Động, Đường Lâm cũng còn là vùng đất hẹp đối với Tướng công. Nhưng thế đất đó đủ cho Tướng công chuẩn bị lực lượng, Tướng công có sự chuẩn bị dài và có mối liên hệ với các lực lượng khác và hào kiệt các nơi. Thần tích Ngọc Than có thể chứng minh điều đó.

Tại sao Lý Bí vừa bỏ quan ở Đức Châu xa xôi về đã được mọi người tôn lên thành lãnh tụ khởi nghĩa. Chắc chắn các vị Phạm Tu, Triệu Túc đã biết chí khí Lý Bí từ trước. Một giả thuyết tình huống chưa từng nêu ra: có thể thời gian Tướng công đi tu hành vùng Giang Xá đã nhận chú tiểu Lý Bí làm đồ đệ, từ đó Tướng công biết Lý Bí có đủ khả năng lãnh đạo khởi nghĩa, xứng đáng là bậc quân vương.(2) Dẫu sao cũng phải có mối quan hệ và sự chuẩn bị lực lượng trước khi Lý Bí về dựng cờ nghĩa. Chính đây là những yếu tố để khi lập nước Vạn Xuân, Lý Bí phong chức cho công thần Triệu Túc, Phạm Tu. Vì Phạm Tu cao tuổi, sức mạnh tinh thần của nhân dân vùng sông Tô nên Tướng công đã ở lại phía sau chỉ huy đắp thành cửa sông Tô (3) còn Lý Bí đem quân chống giặc ở Chu Diên.

Phạm Tu là Thành hoàng Thăng Long vì cả cuộc đời gắn bó của Tướng công từ khi sinh ra đến khi hy sinh đều bên dòng sông Tô quê hương là long mạch chính của đất Thăng Long. Với phần mộ của Tướng công ở ngay vùng chiến thành cho thấy sự hợp lý trong khi xảy ra chiến sự. Bản thân ngôi mộ tồn tại đủ nói lên Tướng công là người cao tuổi có con chiến đấu bên cạnh dù trải qua chiến tranh vẫn xác định lại ngôi mộ giữa lau sậy um tùm.
Hơn nữa Tướng công lại là người tuổi Thìn (sinh 476), liên quan đến chữ Long chăng? Những lần làm lễ trọng ở Đình Ngoại, nhà ngoại cảm BH đều dặn ông từ của Đình Ngoại dậy vào giờ Tý sửa soạn để lấy giờ làm lễ, đến buổi sớm có thể làm lễ ngay. Thân-Tý-Thìn là tam hợp.

Những điều này không thể có với Lý Phục Man trẻ tuổi. Còn nếu khẳng định Lý Phục Man trẻ tuổi, liên quan với lão tướng Phạm Tu thì rất có thể Lý Phục Man là con của Phạm Tu: do sinh sau 1 thế hệ, vua gả công chúa, đi đánh Lâm Ấp cùng cha,... Mối quan hệ cha con có thể việc truyền miệng sai lệch qua hàng chục thế kỷ (tam sao thất bản), phương Tây thường nhấn mạnh cha con để phân biệt bởi sau một thời gian đã lầm cha sang con "huống chi ngàn năm". Nếu không phải Lý Phục Man trẻ tuổi mà Tướng quân cao tuổi thì: năm 1016, Phạm Tu với danh xưng Lý Phục Man hiện về báo mộng cho vua Lý Thái Tổ. Như vậy ông có thời gian dài gắn bó với đất Cổ Sở.

Dù thế nào theo hai quan điểm trên thì Làng Giá cũng trở thành quê hương thứ 2 của gia đình cụ Phạm Tu. Có một thời gian dài ông đã sống ở Yên Sở.

Như vậy có các hướng cần xem xét để xác định đâu là sự thật:
1. Phạm Tu có quê ở Thanh Liệt hoạt động khắp vùng Đỗ Động, Đường Lâm. Trong đó Yên Sở là một nơi hoạt động chính.
2. Phạm Tu quê ở Yên Sở rồi làm quan về ở Thanh Liệt.
3. Quê ngoại ở Yên Sở (có thể quê mẹ hoặc quê vợ của cụ Phạm Tu, có bà họ Lý).

Thời Tiền Lý, vùng đồng bằng sông Hồng, sông nước mênh mông. Quân ta có lực lượng thủy binh mạnh. Phạm Tu là một vị tướng quân dùng thủy binh cũng rất giỏi. Ông là Đô Hồ Đại vương (ở Thanh Liệt), Thần Hồ Tây, Thần Tô Lịch, Thần sông Đáy-Lý Phục Man (ở Cổ Sở), Đông Hải Đại vương (ở Ngọc Than) chẳng qua đều là vùng sông nước mà ông cai quản từ núi Tản đến sát sông Hồng.
Danh nhân Tiền Lý được tôn thờ, thần Lý Phục Man chỉ đứng sau Lý Nam Đế có thể nói lên phần nào vị trí của ông (không kể đến yếu tố thiên thời địa lợi nhân hòa từ thời Lý Thái Tổ tạo nên )(4). Đền Bạch Mã, Đình Ngoại và Quán Giá đều có con Bạch Mã, tương truyền Phạm Tu cưỡi con ngựa trắng. (Tất nhiên còn nhiều nơi khác cũng có Bạch Mã)

Tóm lại: bằng lòng tin, có thể đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu nhưng thông tin về Phạm Tu ở Thanh Liệt là phù hợp hơn. Ông quê ở Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội, sinh năm 476 mất năm 545 tại chiến thành cửa sông Tô, phần mộ hiện ở bên hồ Gươm. Những lần xuất hiện của ông qua nhà ngoại cảm đã nhắc đến và có nhiều việc làm cụ thể với mảnh đất quê ông ở Thanh Liệt.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Sáu, 2010, 12:21:51 am gửi bởi thapbut » Logged
thapbut
Thành viên
*
Bài viết: 158


WWW
« Trả lời #84 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2010, 05:28:41 pm »

Sáng nay ngày 07/6/2010, Uỷ ban nhân dân huyện Quốc Oai và Công ty cổ phần Tu bổ di tích và Thiết bị văn hoá Trung ương đã long trọng tổ chức lễ khởi công tu bổ, tôn tạo di tích đình Ngọc Than. Đây là ngôi Đình làng có giá trị kiến trúc nghệ thuật cao của Xứ Đoài, thờ đức vua Lý Nam Đế và danh tướng Phạm Tu thời nước Vạn Xuân thế kỷ thứ VI.
http://www.888gamesflash.com/?pc=news&p=view&id=242
Logged
thapbut
Thành viên
*
Bài viết: 158


WWW
« Trả lời #85 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2010, 12:06:30 am »

Trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long, nhiều nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh vai trò của Lý Nam Đế và nhà nước Vạn Xuân đối với sự phát triển của Thăng Long-Hà Nội. Tuy tồn tại ngắn ngủi nhưng Vạn Xuân ("ý mong xã tắc được bền vững muôn đời")– nhà nước quân chủ đầu tiên có bộ máy chính quyền định đô đầu tiên ngay trên đất Thăng Long-Hà Nội cổ, đứng đầu cũng là người Việt đầu tiên xưng đế sớm quan tâm đến Phật giáo.
Rất mừng là nhiều di tích đình thờ liên quan đến thời kỳ tiền Thăng Long được tu bổ nhân dịp Đại lễ. Lãnh đạo Thành phố trực tiếp động thổ, khởi công, hứa hẹn, nêu gương danh nhân thời Tiền Lý. Phần nào trong tâm các vị và hiểu rõ vai trò của tiền nhân đối với giang sơn xã tắc. Thế nhưng có lẽ ý của các vị lãnh đạo vẫn để trong tâm mà chưa thể hiện qua việc đặt tên đường phố 2010 đến thật vô tâm? Ba vị tứ trụ nhà nước Vạn Xuân (Triệu Túc, Tinh Thiều, Phạm Tu) vẫn chưa được đặt tên đường phố nơi mà trước đây đến 15 thế kỷ họ đã dành độc lập, dựng kinh đô và nhiều vị đã hy sinh anh dũng trên mảnh đất thiêng liêng mà cả nước đang hướng tới để kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Nhiều vị là hậu duệ cỡ dăm chục đời sau của các vị cũng đã được đặt tên, không rõ tiêu chí đặt tên đường có thể có nhiều điều chưa được công bố nên danh nhân Tiền Lý mới có hai vị Vua (Lý Nam Đế và Triệu Việt Vương) có đủ tiêu chuẩn được đặt tên đường? Các vị khác bị “phạm quy” chăng?

Sau đâu là nội dung lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã phát biểu ngay tại trước Đình thờ danh tướng Phạm Tu (một người đang đứng đầu danh sách danh nhân của cổng thông tin Hà Nội):
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP - Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là dịp thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân cha ông có công dựng xây đất nước của nhân dân Thủ đô. Đồng chí cũng khẳng định, đình thờ Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu, là di tích có giá trị lịch sử, ghi công ơn vị "Quan Võ" Phạm Tu - Người có công lớn đã cùng nhân dân đánh tan giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước, hy sinh anh dũng trong lịch sử đấu tranh vì độc lập dân tộc. Việc tu bổ di tích này thể hiện mục tiêu trên và công trình có ý nghĩa, là cầu nối không gian lễ hội, góp phần vào Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Phó Chủ tịch yêu cầu chính quyền và các cấp, các ngành tổ chức tuyên truyền, giới thiệu nội dung; sưu tầm, bổ sung những hình ảnh, tư liệu để làm khu di tích thêm phong phú, sinh động, thu hút đông đảo nhân dân đến tham quan, nghiên cứu và tuyên truyền để thế hệ trẻ tự hào truyền thống lịch sử noi theo học tập. Phó Chủ tịch hoan nghênh các doanh nghiệp, cá nhân đã ủng hộ DA, mong muốn có nhiều đơn vị, cá nhân tham gia và tin tưởng công trình hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng cao vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm TL - HN.
Logged
thapbut
Thành viên
*
Bài viết: 158


WWW
« Trả lời #86 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2010, 06:24:45 am »

1. Năm 1998, Đề xuất của nhà sử học Dương Trung Quốc tại hội thảo khoa học về Danh tướng Phạm Tu
Cuộc Hội thảo diễn ra rất sôi nổi, do Tổng Thư kí Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – Dương Trung Quốc, khai mạc, dắt dẫn chương trình và phát biểu bế mạc. Chính ông đã đề xuất ý kiến: Thủ đô Hà Nội nên có một đường phố mang tên Phạm Tu.


2. SẼ CÓ CON ĐƯỜNG MANG TÊN PHẠM TU

   Ngày 01. 07. 2003  Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam đã gửi công văn cho UBND Tp. Hà Nội, Thường trực HĐND thành phố  và Hội đồng đặt tên đường phố của Thủ đô Hà Nội về việc lấy tên danh tướng Phạm Tu đặt cho một con đường mới thuộc quận Vạn Xuân của thủ đô Hà Nội. Nội dung công văn đó như sau:
   Nhân dịp nội thành của Thành phố mở rộng, tổ chức thêm quận mới – quận Vạn Xuân, Chúng tôi trân trọng đề nghị Thành phố ta, mà cụ thể là quận Vạn Xuân, nên có một đường phố chính mang tên Phạm Tu.
   Cùng với Triệu Túc, Tinh Thiều ; Phạm Tu là một trong ba trụ cột chính của bộ tham mưu của Lý Bí (Lý Bôn), những người sáng lập ra Nhà nước Vạn Xuân, một nhà nước có “triều đình có tổ chức” đầu tiên ở nước ta. Người được Lý Nam Đế cử đứng đầu Ban Võ, tương tự ngày nay là Bộ Quốc phòng – Tổng Tư lệnh. Người sinh ngày 19-4-476  bên dòng Tô Lịch, tại trang Quang Liệt (nay là Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) và đã chiến đấu hi sinh ngày 13-8-545 trong cuộc chỉ huy kháng chiến bảo vệ tổ quốc ngay tại nơi cửa sông Tô Lịch đổ vào sông Hồng (ngày nay là quãng phố Chợ Gạo, phía sau chợ Đồng Xuân).
   Ý kiến về “uống nước nhớ nguồn”, Hà Nội nên có một đường phố chính mang tên Phạm Tu, cũng là sáng kiến trong Hội thảo khoa học về Danh tướng Phạm Tu ngày 8. 9. 1998 tại Viện Bảo tàng Cách mạng Viêt Nam của các nhà sử học  …
   Chúng tôi xin đề nghị về vị trí cụ thể : Dựa vào quê hương, nơi sinh : đặt tên Phạm Tu cho đoạn đường từ Kim Giang đi qua xã Thanh Liệt bên dòng sông Tô   …
TM BLL. họ Phạm Viêt Nam
                     Tổng Thư ký,
                  Đại tá  Cưu chiến binh PGS.TS  PHẠM HỒNG


3. Kiến nghị gửi UBND Thành phố Hà Nội của Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam


Ban liên lạc Họ Phạm VN                      CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
                                                             Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
                                                   --------------------------------------------

                                                              Hà Nội, ngày 01/10/2008

Kính gửi : Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội
Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội
Đồng kính gửi : Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội

KIẾN NGHỊ
VỀ VIỆC ĐẶT TÊN PHẠM TU (476-545)
CHO MỘT ĐƯỜNG PHỐ LỚN QUA HUYỆN THANH TRÌ TRÊN VÀNH ĐẠI 3 CỦA THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam được biết, trong kỳ họp sắp tới, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục thông qua các phương án lấy tên các danh nhân của Thủ đô Hà Nội và của đất nước gắn cho các đường phố mới mở của Thủ đô Hà Nội, trong đó có một đường phố lớn mang tên Danh tướng Phạm Tu . Nhân dân Thủ đô Hà Nội, Ban Liên lạc họ Phạm thành phố Hà Nội , Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam và toàn thể những người mang họ Phạm sinh sống trên toàn lãnh thổ Việt Nam và ở nước ngoài sẽ rất vui mừng khi nhận được tin Thủ đô Hà Nội đã có một đường phố mang tên Phạm Tu.

Danh tướng Phạm Tu – một Tả tướng thời Tiền Lý, Trưởng ban Võ đầu tiên của Nhà nước Vạn Xuân cách đây 15 thế kỷ (Tương đương Bộ trưởng quốc phòng, Tổng tư lệnh quân đội của Nhà nước CHXHCN Việt Nam ngày nay). Ông là người chính gốc Hà Nội, sinh ra tại Trang Quang Liệt - tức Thanh Liệt, Thanh Trì Hà Nội ngày nay. Cả cuộc đời ông vì nước vì dân, “không một vết tỳ”, luôn giáo dục nhân dân và thuộc hạ nung nấu ý chí xây dựng đất nước hung mạnh, đủ sức bảo vệ Tổ quốc, đánh đuổi giặc ngoại xâm. Ông đã chỉ huy quân đội chiến đấu anh dũng, chống trả quân xâm lược Nhà Lương, và quân Lâm Ấp, bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Trong một trận chiến bảo vệ Thành Tống Bình xưa (Thành này nằm ở vị trí gần Chợ Đồng Xuân, Hà Nội ngày nay), vào ngày 20 tháng Bảy năm Ất Sửu (545), ông đã anh dũng hy sinh tại chiến thành này.
Sau khi ông mất, Lý Nam Đế và Triều đình vô cùng thương tiếc, đã cử người về tận quê ông, truy phong ông là Đô Hồ Đại Vương - Long Biên hầu,,,,, sắc cho quê ông là Thang mộc ấp, được miễn sưu sai tạp dịch và thờ người làm Bản cảnh Thành hoàng lưu truyễn mãi mãi. Công đức của Người đã được các nhà sử học nhiều đời ghi lại, khắc vào bia đá; được nhiều Triều đại sắc phong (Hiện ở Thanh Liệt còn lưu được 10 sắc phong của các triều đại); được nhân dân tôn thờ tại nhiều địa phương,…

Tại Cuộc hội thảo tưởng niệm Danh nhân Phạm Tu do Hội khoa học lịch sử Việt Nam và Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam phối hợp tổ chức vào ngày 08-9-1998 tại Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, mọi người đều nhất trí với đề nghị của Giáo sư Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội KHLS Việt Nam, người dẫn chương trình Hội thảo, là : Thành phố Hà Nội nên đặt tên vị anh hùng dân tộc - Danh nhân Phạm Tu, thuộc thế kỷ thứ VI, cho một đường phố của Thủ đô Hà Nội .

Thể theo nguyện vọng ấy, Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam và HĐND xã Thanh Liệt, HĐND huyện Thanh Trì đã có văn bản trình lên thành phố đề nghị Thành phố, đặt tên Phạm Tu cho một đường mới mở đi qua huyện Thanh Trì Hà Nội – quê hương của Danh tướng Phạm Tu

Ngày 01 tháng 7 năm 2003, thay mặt Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam, Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng - Tổng thư ký BLL họ Phạm Việt Nam lại một lần nữa làm văn bản chính thức đề nghị HĐND thành phố Hà Nội quan tâm giải quyết nguyện vọng này của nhân dân, để nhân dân Hà Nội sớm thấy tên vị anh hùng dân tộc Phạm Tu được đặt cho một đường phố lớn tại Thủ đô Hà Nội ngày nay, như nhiều danh nhân khác mà nhân dân đã thấy tên trên đường phố của Thủ đô Hà Nội .

Nhân dịp Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội mới sắp họp, Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam , một lần nữa trân trọng đề nghị Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội quyết định đặt tên Phạm Tu cho một đường phố mới mở qua huyện Thanh Trì, trên đường vành đai 3 của Thủ đô Hà Nội, đáp ứng nguyện vọng từ nhiều năm nay.


Xin trân trọng cám ơn !


TM. Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam
KT. Tổng thư ký
Phó Tổng thư ký thường trực
Phạm Cầu(Đã ký)
 


4. Công văn số 2583 UBND-VHKG, ngày 29-10-2008 của UBND Thành phố Hà Nội

VỀ VIỆC ĐẶT TÊN PHẠM TU CHO MỘT ĐƯỜNG PHỐ LỚN
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI


Kính gửi:
-Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch;
- UBND huyện Thanh Trì;
- Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam.

UBND Thành phố nhận được Đơn kiến nghị ngày 01/10/2008 của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam về việc đặt tên Phạm Tu (476-545) cho một đường phố lớn qua huyện Thanh Trì trên đường vành đai 3 của Thủ đô Hà Nội

Về việc này UBND Thành phố có ý kiến như sau:

1. Đồng ý về chủ trương theo đề nghị của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam về việc đặt tên Phạm Tu (476-545) cho một đường phố trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

2. Giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với UBND huyện Thanh Trì, Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan nghiên cứu đề xuất nội dung giải quyết theo đúng quy trình tại Quyết định 207/2006/QĐ-UBND ngày 27/11/2006 của UBND Thành phố về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội, báo cáo UBND Thành phố.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Ngô Thị Thanh Hằng

(Đã ký)

5. Đăng tải trên báo điện tử Vietnam+ của TTXVN
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội vừa có công văn về việc đồng ý chủ trương đặt tên cho 1 đường phố là Phạm Tu, vị Tả tướng thời Lý, Trưởng ban Võ đầu tiên của Nhà nước Vạn Xuân.

Theo công văn số 2582/UBND-VHKG do bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký ngày 29/10, UBND TP Hà Nội đã nhận được đơn kiến nghị ngày 1/10/2008 của Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam về việc đặt tên Phạm Tu cho một đường phố lớn qua huyện Thanh Trì, trên vành đai 3 của Thủ đô.

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, UBND TP Hà Nội đồng ý chủ trương trên, đồng thời, giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với UBND huyện Thanh Trì, Sở GTVT, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng và các đơn vi liên quan nghiên cứu đề xuất để giải quyết đúng quy trình.

Phạm Tu (476 – 545) là người gốc Hà Nội, sinh ra tại Trang Quang Liệt (tức Thanh Liệt, Thanh Trì ngày nay). Cả cuộc đời ông vì nước vì dân, luôn giáo dục nhân dân và thuộc hạ nung nấu ý chí xây dựng đất nước hùng mạnh, đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Ông đã chỉ huy quân đội chiến đấu anh dũng, chống trả quân xâm lược nhà Lương và quân Lâm Ấp, bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Trong một trận chiến bảo vệ Thành Tống Bình xưa (Thành này nằm ở vị trí gần Chợ Đồng Xuân, Hà Nội ngày nay), vào ngày 20 tháng Bảy năm Ất Sửu (545), ông đã anh dũng hy sinh tại chiến thành này.

Sau khi ông mất, Lý Nam Đế đã cử người về tận quê ông, truy phong ông là Đô Hồ Đại Vương - Long Biên hầu, sắc cho quê ông là Thang mộc ấp, được miễn sưu sai tạp dịch và thờ người làm Bản cảnh Thành hoàng lưu truyễn mãi mãi. Hiện nay ở Thanh Liệt còn lưu lại được 10 sắc phong của các triều đại dành cho ông.

Ngày 19/11, trao đổi với Vietnam+, ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, về nguyên tắc thì việc đặt tên cho đường phố phải qua 8 bước… Theo đó, chỉ khi nào HĐND Thành phố họp và thống nhất đồng ý thì việc đặt tên đường phố sẽ hoàn tất.

6. Phát biểu của lãnh đạo Thành phố Hà Nội trước sân đình Ngoại nơi thờ chính thức danh tướng Phạm Tu:

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP - Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là dịp thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân cha ông có công dựng xây đất nước của nhân dân Thủ đô. Đồng chí cũng khẳng định, đình thờ Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu, là di tích có giá trị lịch sử, ghi công ơn vị "Quan Võ" Phạm Tu - Người có công lớn đã cùng nhân dân đánh tan giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước, hy sinh anh dũng trong lịch sử đấu tranh vì độc lập dân tộc. Việc tu bổ di tích này thể hiện mục tiêu trên và công trình có ý nghĩa, là cầu nối không gian lễ hội, góp phần vào Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Phó Chủ tịch yêu cầu chính quyền và các cấp, các ngành tổ chức tuyên truyền, giới thiệu nội dung; sưu tầm, bổ sung những hình ảnh, tư liệu để làm khu di tích thêm phong phú, sinh động, thu hút đông đảo nhân dân đến tham quan, nghiên cứu và tuyên truyền để thế hệ trẻ tự hào truyền thống lịch sử noi theo học tập. Phó Chủ tịch hoan nghênh các doanh nghiệp, cá nhân đã ủng hộ DA, mong muốn có nhiều đơn vị, cá nhân tham gia và tin tưởng công trình hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng cao vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm TL - HN.

Theo Lý Anh Quý
http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?NewsId=198838&CatId=47

7. Công văn của Thường trực Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam
BAN LIÊN LẠC HỌ PHẠM                                               CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
         VIỆT NAM                                                               Độc lập – Tự do – Hạn phúc
                                                                                -----------------------------------
Số 9 BLL/HPVN
V/v đặt tên Phạm Tu cho một
đường phố chính ở Hà Nộị                                                             Hà Nội, ngày 14 tháng 7 năm 2010

                                           Kính gửi : - Ông Phạm Quang Nghị,
                                                           Ủy viên Bộ chính trị TƯ Đảng Cộng Sản Việt Nam, Bí thư Thành Ủy Thành phố Hà Nội.
                                                           - Bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội
                                                           - Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội
                                                           - Ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội

       Ngày 1.10.2008, Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam đã có đơn kiến nghị lên Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc đặt tên Phạm Tu cho một đường phố lớn qua huyện Thanh Trì.
       Ngày 29.10.2008, UBND Thành phố Hà Nội đã có công văn số 2582/UBND-VHKG gửi Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, UBND huyện Thanh Trì và trả lời Ban Liên lạc họ Phạm ViệtNam.      
      Trong văn bản UBND đã có ý kiền đồng ý về chủ trương theo đề nghị của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam về việc đặt tên Phạm Tu (476-545) cho một đượng phố trên địa bàn thành phố Hà Nội và giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với UBND huyện Thanh Trì, Sở Giao thông Vận tải, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan nghiên cứu đề xuất nội dung giải quyết theo đúng quy trình tại Quyết định số 207/2006/QĐ-UBND ngày 27.11.2006 của UBND Thành phố vê việc ban hành quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
      Hiện nay Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội đang họp kỳ họp lần thứ 21. Trong chương trình nghị sự có việc quyết định đặt tên, đổi tên đường, phố. Song, theo thông tin trên báo chí cho biết trong danh sách 45 đường phố trong tờ trình mà UBND Thành phố đệ trình lên kỳ họp lần này ở huyện Thanh Trì không có tên đường phố Phạm Tu.
      Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam một lần nữa làm đơn kiến nghị Thành ủy, HĐND Thành phố và UBND Thành Phố nghiên cứu đặt tên Đô hồ Đại vương Phạm Tu, vị khai quốc công thần thời Tiền Lý, người đứng đầu Ban Võ triều đình Vạn Xuân vào năm nay, năm kỷ niêm lần thứ 1465 ngày hy sinh của danh tướng Phạm Tu ở tòa thành nơi cửa sông Tô Lịch trong trận chiến chống quân Lương (ngày 20 tháng 7 năm Ât Sửu, năm 545)
     Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam xin trân trọng gửi đến quý vị lời cảm ơn chân thành nhất.
          
                                                                                               BAN LIÊN LẠC HỌ PHẠM VIỆT NAM
                                                                                                               KT. TRƯỞNG BAN
                                                                                                      Phó Trưởng ban thường trực
                                                                                                                       PHẠM CẦU


« Sửa lần cuối: 26 Tháng Bảy, 2010, 06:17:42 am gửi bởi thapbut » Logged
thapbut
Thành viên
*
Bài viết: 158


WWW
« Trả lời #87 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2010, 04:16:13 am »

Danh nhân hàng đầu của Thăng Long ngàn năm tuổi lại chưa được đặt tên phố tên phường? Ông chính là người sinh ra ở Hà Nội từ thế kỷ thứ 5, có công lao trong các việc giành độc lập cho mảnh đất này, lập kinh đô của nhà nước quân chủ có bộ máy chính quyền đầu tiên, dựng chiến thành đầu tiên ở đất Kinh đô và đã hy sinh vì đất nước và thủ đô non trẻ ở tuổi xưa nay hiếm.

Cổng thông tin Hà Nội của UBND thành phố Hà Nội: “Danh nhân HÀ NỘI” trước ngày mở rộng (01/8/2008) có thống kê các danh nhân như sau:

1. Phạm Tu (486-545), chưa được đặt tên đường phố ở Thủ đô nhưng lại được đặt tên cho một con phố nhỏ ở Nha Trang
2. Lý Thường Kiệt (1019-1105) – đã có tên đường ở HN
3. Ỷ Lan (?-1117) đã có tên đường ở HN
4. Trần Thị Dung (?-1259) có thể chưa có tên đường ở HN, đã có ở Thái Bình
5. Trần Quốc Tuấn (1231 – 1300) đã có tên đường ở HN
6. Trần Quang Khải (1241-1294) đã có tên đường ở HN
7. Chu Văn An đã có tên đường ở HN
8. Nguyễn Trãi (1380 – 1442) đã có tên đường ở HN
9. Nguyễn Như Đổ (1424-1526) đã có tên đường ở HN
10. Lê Thánh Tông (1442-1497) đã có tên đường ở HN
11. Ngô Chi Lan (thế kỷ 15) có thể chưa có tên đường ở HN
12. Bùi Xương Trạch (1451-1529) đã có tên đường ở HN
13. Đặng Trần Côn (Thế kỷ 18) đã có tên đường ở HN
14. Nguyễn Du đã có tên đường ở HN
15. Phạm Đình Hổ (1768-1839) đã có tên đường ở HN
16. Lý Văn Phức (1785-1894) đã có tên đường ở HN
17. Ngô Thì Nhậm (1746-1803) đã có tên đường ở HN
18. Hồ Xuân Hương (cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19) đã có tên đường ở HN
19. Nguyễn Văn Siêu (1799 – 1872) đã có tên đường ở HN
20. Cao Bá Quát (1808-1855) đã có tên đường ở HN
21. Bà Huyện Thanh Quan (thế kỷ 19) đã có tên đường ở HN
22. Hoàng Diệu (1829-1882) đã có tên đường ở HN
23. Ngô Tất Tố (1894-1954) đã có tên đường ở HN
24. Nguyễn Tuân (1910- 1987) đã có tên đường ở HN
25. Vũ Trọng Phụng (1912-1939) đã có tên đường ở HN
26. Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) đã có tên đường ở HN
Đang tiếp tục cập nhật thêm.....

Tuy nhiên đến nay không thấy cập nhật mà cũng không tìm được danh sách này theo đường dẫn trước đây đã đăng tải. Nhưng có thể đọc nguyên văn ở trang web Bách khoa thư về Hà Nội http://hanoi.org.vn/wiki/index.php/Danh_nhân_Hà_Nội
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Tám, 2010, 04:29:24 am gửi bởi thapbut » Logged
thapbut
Thành viên
*
Bài viết: 158


WWW
« Trả lời #88 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2010, 06:23:13 am »

Giới thiệu cuốn sách Bộ Sách Kỷ Niệm Ngàn Năm Thăng Long - Hà Nội - 36 Danh Tướng Thăng Long - Hà Nội
Tác giả: Đức - Huy (Sưu Tầm - Biên Soạn).
Nhà xuất bản: Nxb Thanh Niên

36 danh tướng Thăng Long - Hà Nội là những bậc anh kiệt, có tài điều binh khiển tướng, cầm quân trong trận mạc, là những hào kiệt múa gươm trên lưng ngựa; hay những người kiên trung cầm quân canh giữ triều chính, dẹp nội loạn, bảo vệ hoàng gia, hoàng tộc trong các triều đình Việt Nam; là lãnh tụ của những cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của quân xâm lược hay bọn quan lại trong triều đình phong kiến Việt Nam suy đồi, chèn ép, bóc lột tàn tệ nhân dân. Họ đã được sinh ra lớn lên, đã từng sinh sống và cuộc đời sự nghiệp của họ luôn gắn với vùng đất Thăng Long - Hà Nội trải qua các thời đại, góp phần vào sự phát triển của mảnh đất cố đô từ thuở khai sơn lập địa.

1. Huyền thoại người anh hùng làng Gióng

2. Lý Ông Trọng

3. Lý Tiến

4. Tướng quân Cao Lỗ và câu chuyện nỏ thần thành Cổ Loa

5. Nàng Tía

6. Nàng Quốc

7. Công chúa Vĩnh Huy

8. Tướng quân Phạm Tu

9. Lý Phục Man, người con của làng Giá

10. Phùng Hải

...

Logged
thapbut
Thành viên
*
Bài viết: 158


WWW
« Trả lời #89 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2010, 02:29:35 pm »

Phần in đậm được cho là sai sót trong cuốn sách do dùng tư liệu về Lý Phục Man ở Hoài Đức để gắn cho Phạm Tu:

Tên sách: LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM - TẬP 2:  ĐẤU TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP TỰ CHỦ (từ năm 179 TCN đến năm 938)
Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia
Năm xuất bản: 2001
Số hoá: ptlinh, UyenNhi05
Ban chủ nhiệm:

- Đại tá, PGS,TS. TRỊNH VƯƠNG HỒNG
- Đại tá, TS. LÊ ĐÌNH SỸ  
- Đại tá TRẦN BÍCH

Tác giả:
 
- GS. TRẦN QUỐC VƯỢNG (Chủ biên)
- Đại tá TS. LÊ ĐÌNH SỸ

IV- KHỞI NGHĨA LÝ BÍ. SỰ THÀNH LẬP NHÀ NƯỚC
VẠN XUÂN ĐỘC LẬP (542-602)

1. Khởi nghĩa Lý Bí (542-543)

Phong trào của nhân dân chống ách đô hộ nhà Lương ngày một lên cao, mở đầu là cuộc khởi nghĩa Lý Tông Hiến (516), và đỉnh cao nhất là khởi nghĩa Lý Bí (542) bắt đầu từ phủ Long Hưng (Thái Bình) rồi tỏa lan nhanh chóng ra các châu huyện khác.

…  
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua bấy giờ làm chức giám quân ở châu Cửu Đức, nhân liên kết với hào kiệt mấy châu, đều hưởng ứng. Có Triệu Túc tù trưởng ở Chu Niên phục tài đức của vua, bèn dẫn đầu đem quân theo”.  Phạm Tu (3) (có đền thờ ở Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) cũng là một tướng tài của Lý Bí ngay từ buổi đầu khởi nghĩa.
________
(3).  Về nhân vật Phạm Tu, hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.  Phạm tu có phải là Lý Phục Man không? Kết quả nghiên cứu còn tồn tại ba quan niệm: là một người, là hai người và hoài nghi chưa kết luận. Do sử sách ghi chép không rõ ràng và những tư liệu thu thập được cho đến nay đều có thể khai thác, theo những góc độ khác nhau để chứng minh cho những quan niệm trên.

Các sách Đại Việt sử ký toàn thư, Việt điện u linh, Đại Nam nhất thông chí và thần tích, bi ký, truyền thuyết ở làng Giá tức làng Cổ Sở (Yên Sở, Thanh Trì, Hà Nội) đều phản ánh Phạm Tu (có sách chép là Lý Phục Man) đã cùng dân làng tham gia cuộc khởi nghĩa giải phóng đất nước. Về sau nhân dân mở hội Giá để nhớ lại sự kiện đó.
 
Trong lễ “niêm quân” của ngày hội cho thấy, không phải chỉ Phạm Tu tham gia cuộc khởi nghĩa, mà đông đảo dân làng Giá đã vùng dậy với người anh hùng của quê hương góp phần tạo nên thắng lợi của sự nghiệp cứu nước do Lý Bí lãnh đạo.
 
Lý Bí, khi đã lên ngôi, đánh giá rất cao công lao của Phạm Tu và gả con gái cho ông.  


Có lẽ sau khi đánh tan được cuộc phản công thứ nhất, thì ở phía nam, thứ sử Ái châu Nguyễn Hán cũng bị thất bại; nghĩa quân đã vượt Ái châu tiến thẳng vào giải phóng Đức châu, nơi Lý Bí đã làm quan trong một thời gian và đã có uy tín với các hào kiệt và nhân dân vùng này. Ta có thể khẳng định điều đó, vì như sự phản ánh của Đại Việt sử ký toàn thư, mùa hè năm 543 khi Lâm ấp đưa quân vào cướp Cửu Đức đã bị đại tướng Phạm Tu đánh tan (2).  
_______
(2).  Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.I, tr.l79; Sách Lịch sử Hà Tĩnh, Sđd, t.1, tr.87, chép rằng: “Nam 542,... vua Chăm pa là Rudravarman I đã đem quân vượt Hoành Sơn đánh lên Đức châu.  Năm 543, Lý Bôn đã phải cử Lý Phục Man, sau đó cử thêm Phạm Tu, đem quân vào chống cự. Chiến trận diễn ra ở đây và quân Chăm pa bị đánh bại hoàn toàn”.
Sách Tư trị thông giám của Tư Mã Quang (q.158) ghi: “Mùa hè tháng tư, vua Lâm ấp tiến công Lý Bí, viên trưởng của (Lý) Bí là Phạm Tu đã phá quân Lâm ấp ở Cửu Đức”. Như vậy đến đây nghĩa quân đã toàn thắng và nắm quyền làm chủ đất nước. Từ đồng bằng Bắc Bộ, Lý Bí đã kiểm soát được tới Đức châu (Hà Tĩnh) ở phía nam, các vùng Ái châu, An châu (Quảng Ninh) và cả vùng bán đảo Hợp Phố ở phía bắc.  Bị thua đau, vua Lương lại sai thứ sử Cao châu là Tôn Quýnh, thứ sử Tôn châu là Lư Tử Hùng thống lĩnh binh mã, một lần nữa tiến sang Giao châu để tiêu diệt nghĩa quân Lý Bí. Sự kiện này diễn ra vào cuối năm âm lịch, sử của ta chép:
"Mùa đông, tháng 12 (542), Lương Đế sai Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng sang lấn”.



Sau khi đánh tan được quân xâm lược phía bắc, Lý Bí phải lo ngay việc đối phó với nước Lâm ấp ở phía nam. Biên giới phía bắc của nước Lâm ấp lúc đó là Hoành Sơn (Quảng Bình). Vua Lâm ấp Rudravarman I nhân cơ hội ở Giao châu quan lại Trung Hoa bị đuổi, nên đã đem binh thuyền đánh phá Đức châu (5-543). Lúc đó, như các tài liệu đã dẫn ở phần trên thì, Lý Bí đã cử đại tướng Phạm Tu đưa quân vào đánh tan quân Lâm ấp ở huyện Cửu Đức, vua Lâm ấp phải chạy trốn (2).

___________

(2).  Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t. 1, tr.179; Lương thư, q 3, t.11b; Tư trị thông giám, q.158, t.13a. Theo Thiên Nam ngữ lục thì Phạm Tu đã phá tan quân Lâm ấp rồi sau đó, Lý Bí cử Lý Phục Man vào trấn thủ biên thuỳ phương Nam (?).  


2. Sự thành lập nhà nước Vạn Xuân độc lập (544-602)

Sau những thắng lợi trên cả hai chiến trường biên giới bắc và nam, giành lại và bảo toàn lãnh thổ cơ bản có từ thời dựng nước đầu tiên, mùa xuân, tháng giêng năm Giáp Tý (tức 2-544), Lý Bí tuyên bố dựng nước, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở miền cửa sông Tô Lịch (Hà Nội). Chính sử nước ta chép “Giáp Tý(Thiên Đức) năm thứ nhất (544). Mùa xuân tháng giêng, vua nhân thắng giặc, tự xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi, đặt niên hiệu, lập trăm quan, dựng quốc hiệu là Vạn Xuân, ý mong cho xã tắc truyền đến muôn đời vậy”.  
 
Lý Bí lên ngôi hoàng đế, tự xưng là Nam Đế vua nước Nam), tổ chức một triều đình riêng với hai ban văn và võ, dựng điện Vạn Thọ để làm nơi triều hội.  Triệu Túc làm thái phó, giữ cương vị gần như tể tướng; Tinh Thiều, nhà Nho học giỏi được cử cầm đầu ban văn; Phạm Tu, vị tướng tài vừa chiến thắng ngoại xâm được cử đứng đầu ban võ. Nam Đế phế bỏ niên hiệu nhà Lương, đặt niên hiệu mời là Thiên Đức (Đứe trời) hay Đại Đức (Đức lớn).  ông sai dựng một ngôi chùa mới, lấy tên là chùa Khai Quốc (mở nước). Nhớ ơn vị nữ anh hùng tiền bối, Lý Nam Đế ban sắc phong thần cho Bà Triệu . . .


Cơ cấu chính quyền mới hẳn còn sơ sài, nhưng ngoài hoàng đế đứng đầu đã có các tướng văn, tướng võ. Triệu Túc giữ chức thái phó, bên cạnh Tinh Thiều và Phạm Tu phụ trách hai ban văn và võ. Có tài liệu còn chép: Lý Phục Man làm tướng quân coi giữ một miền biên cảnh từ Đỗ Động (Thanh Oai, Hà Tây) đến Ba Vì “để phòng ngừa Di Lão”  (4).
 
_____________
(4).  Lý Phục Man được thờ ở Yên Sở (Hà Nội) và nhiều vùng đồng bằng, tương truyền ông là người Yên Sở tức làng Cổ Sở xưa.  Phạm Tu và Lý Phục Man là một hay hai người và quan hệ với nhau như thế nào, đấy là một vấn đề được đặt ra từ rất lâu, nhưng chưa đủ cứ liệu khoa học để kết luận.      

…  
Theo thần tích đền Thanh Liệt, trong cuộc chiến đấu ở  cửa sông Tô Lịch, lão tướng Phạm Tu, tướng trụ cột của Lý Nam Đế, người đứng đầu hàng võ quan trong triều đình Vạn Xuân, đã chiến đấu rất anh dũng và đã hy sinh vào ngày 20 tháng bảy năm Ất Sửu (8-545) (2).
 __________
(2).  Về cái chết của Phạm Tu chính sử không chép. Thần tích làng Thanh Liệt cho biết Phạm Tu hy sinh trong trận đánh quân Lương ở cửa sông Tô Lịch ngày 20-7 năm Ất Sửu. Truyền thuyết làng Giá và nhiều đền thờ cũng phản ánh như vậy. Nhưng sách Việt điện u linh nói rằng Phạm Tu hy sinh vào năm Đinh Mão (547) khi Lý Nam Đế rút vào động Khuất Lão. Sách Thiên Nam ngữ lục cho rằng Phạm Tu chết ở động Khuất Lão còn Lý Phục Man hy sinh trong một trận đánh nhau với Lâm ấp.
Phạm Tu, người làng Cổ Sở, đã tham gia khởi nghĩa Lý Bí và có công lớn trong sự nghiệp giải phóng trước đây. Sau đó, được phái vào nam đánh tan quân Lâm ấp ở Cửu Đức (Hà Tĩnh), rồi trấn giữ vùng Đường Lâm (Ba Vì, Hà Tây). Khi nhà Lương phái quân tái chiếm nước ta, Phạm Tu chỉ huy một cánh quân lớn chiến đấu và hy sinh rất anh dũng. Thi hài của ông được đưa về bến Hồ Mã, an táng tại quê hương. Đó là khu Mả Thánh, cây cối mọc như rừng, nên được gọi là Rừng Giá hay Rừng Cấm nổi tiếng là thiêng: “Rừng Giá cái lá cũng thiêng” . Nhân dân thương nhớ lập miếu thờ và suy Tôn làm thành hoàng của làng.

Năm 1016, vua Lý Thái Tổ qua bến Cổ Sở, đã sai lập đền thờ và đắp tượng Phạm Tu. Từ đó, các triều vua đều có sắc phong và hằng năm vào ngày 10-3, tương truyền là ngày sinh của Thánh Giá, nhân dân lại mở hội Giá nhằm tưởng niệm và nêu cao công lao, sự nghiệp của người anh hùng.  Chiến đấu chống quân Lương xâm lược, Lý Nam Đế chỉ dựa vào một đội quân mới được tổ chức, co cụm ở một vài thành lũy mà cố thủ, lực lượng kháng chiến vì thế mà bị sứt mẻ, suy yếu dần.

trích từ: http://www.quansuvn.net/index.php?topic=4682.0


Sự cóp nhặt tùy tiện của một nhà khoa học?
PGS. TS. Lê Đình Sỹ nguyên Phó viện trưởng Viện lịch sử quân sự Việt Nam vừa chủ biên một cuốn sách đáng quan tâm “Thăng Long-Hà Nội những trang sử vẻ vang chống ngoại xâm”. Trang 48, 49 cuốn có viết về lão tướng Phạm Tu như sau:
Theo thần tích, trong cuộc kháng chiến chống quân Lương ở bên sông Tô Lịch, lão tướng Phạm Tu (có tài liệu cho là Lý Phục Man) tướng trụ cột của Lý Nam Đế, người đứng đầu hàng võ quan triều đình Vạn Xuân đã chiến đấu rất anh dũng và đã hy sinh vào ngày 20 tháng 7 năm Ất Sửu (8-545). Phạm Tu, người làng Cổ Sở đã tham gia khởi nghĩa khởi nghĩa từ những ngày đầu và có công lớn trong sự giải phóng trước đây. Ông từng được phái vào phía nam đánh tan quân Lâm Ấp ở Cửu Đức (Hà Tĩnh), rồi trấn giữ vùng Đường Lâm (Ba Vì, Hà Nội). Khi nhà Lương phái quân đánh Vạn Xuân, Phạm Tu chỉ huy quân đội chiến đấu và hy sinh anh dũng. Thi hài của ông được đưa về bến Hồ Mã, an táng tại quê hương. Khu mả Thánh cây cối mọc um tùm như rừng nên được gọi là Rừng Giá hay Rừng Cấm nơi nổi tiếng là rất thiêng: “Rừng Giá cái lá cũng thiêng”. Nhân dân thương nhớ lập miếu thờ và suy tôn làm thành hoàng của làng. Năm 1016, vua Lý Thái Tổ qua bến Cổ Sở, đã sai lập đền thờ và đắp tượng Phạm Tu, từ đó các triều vua đều có sắc phong và hàng năm vào ngày 10 tháng ba, tương truyền là ngày sinh của Thánh Giá, nhân dân lại mở Hội Giá nhằm tưởng niệm và nêu cao công lao, sự nghiệp của người anh hùng Phạm Tu.

Ngay việc viết "Theo thần tích", đã là sự mơ hồ trích dẫn tư liệu không có căn cứ. Phải rõ hơn là thần tích ở đâu?
Có hai bản thần tích liên quan đến 2 nhân vật, phần in đậm là tư liệu về lão tướng Phạm Tu ở đình Ngoại, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Còn phần màu đỏ là tư liệu về Lý Phục Man ở Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Xem ra tác giả đã "phớt" qua hội đồng nghiệm thu bản thảo cuốn sách với ý kiến của người phản biện (PGS. TS. Viện trưởng Viện Sử học Nguyễn Văn Nhật) và chủ tịch Hội đồng GS. Chủ tịch Hội KH Lịch sử Phan Huy Lê. Đây là một thiếu sót của nhà xuất bản Hà Nội.
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Tám, 2010, 02:43:46 pm gửi bởi thapbut » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM