Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:03:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường xuyên Trường Sơn  (Đọc 53652 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #40 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2007, 12:38:08 am »

***
      Đầu xuân Quý Sửu - 1973, đồng chí Lê Duẩn, người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta lúc đó vào thăm, chúc Tết bộ đội Trường Sơn.
      Thật khó nói hết không khí vui vẻ náo nức tại sở chỉ huy Bộ Tư lệnh ở Hiền Ninh, Quảng Ninh chiều mồng một Tết năm đó, khi anh Duẩn vào. Xuân đất trời, xuân chiến thắng hoà quyện trong nhau làm ngây ngất lòng người.
      Sau chén rượu, dăm ba câu chuyện và lời chúc đầu xuân, công việc lại kéo chúng tôi về với không khí làm việc nghiêm túc "nóng bỏng".
      Tôi báo cáo anh Lê Duẩn những phần việc chủ yếu đã làm, dự kiến kế hoạch sau thắng lợi quyết định của hai nước Việt - Lào.
      Anh Ba rất vui, lắng nghe và thi thoảng ghi chép đôi chút. Phải sau hơn một giờ, nghe tôi báo cáo xong, anh mới hỏi thêm một số vấn đề. Đề cập tình hình và nhiệm vụ sắp tới, anh khẳng định:
      - Tình hình địch-ta trên chiến trường lúc này đã hoàn toàn khác trước. Chúng ta đang đứng trước một thời kỳ thuận lợi. Cục diện chiến trường, tương quan lực lượng đã thay đổi cơ bản theo hướng có lợi cho ta. Thời cơ đó có được là do ta đã tạo nên bằng quá trình chiến đấu gần 20 năm. Đương nhiên cũng do một phần ở những sai lầm của địch. Đồng thời ta không bao giờ quên sự góp sức của bạn bè thế giới, xu thế của thời đại. Nhiệm vụ của chúng ta giờ đây là phải bằng mọi nỗ lực, tận dụng tối đa lợi thế đó, tạo thời cơ mới để đẩy nhanh công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
      Bác Hồ của chúng ta đã khẳng định một chân lý: "Không có gì quý hơn độc lập tự do. Nhân dân ta, dân tộc ta, đất nước ta phải chịu đựng những năm dài đằng đẵng chiến tranh, từ kháng chiến chống thực dân Pháp đến kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Hơn ai hết, Đảng ta, nhân dân ta rất khát khao hoà bình. Nhưng nền hoà bình phải do tự ta chiến đấu giành lại. Phải có hoà bình, chúng ta mới thực hiện được độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội… Bộ Chính trị đánh giá cao những kết quả mà tuyến đường Hồ Chí Minh đã làm những năm qua, và tin chắc tuyến đường sẽ thực hiện tốt sứ mạng là cầu nối Bắc - Nam, góp phần tích cực tạo thời cơ mới…
      Sổ vàng truyền thống Binh đoàn Trường Sơn còn lưu ghi bút tích của anh Lê Duẩn trong chuyến anh vào thăm đầu xuân Quý Sửu: "Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng…
      Đó cũng là con đường đoàn kết của các dân tộc, của ba nước Đông Dương…
      Quang vinh thay bộ đội Trường Sơn anh hùng đã chiến đấu và chiến thắng trên con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại.
      Sáng hôm sau, mùng 2 Tết, tôi và anh Đặng Tính vừa tiễn chân, vừa hướng dẫn ành Lê Duẩn thăm cầu phao Long Đại do công binh Trường Sơn thi công dùng cho hai làn xe. Đoàn đến cùng lúc một đơn vị vận tải đang dàn đội hình qua cầu. Lễ xuất quân đầu xuân rất gây ấn tượng. Tiếp đó, anh Lê Duẩn tới thăm một đơn vị cao xạ 57 ly bảo vệ cầu. Điểm dừng cuối cùng của anh là Binh trạm 12 - một đơn vị vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển bảo đảm chiến dịch Đông Hà - Quảng Trị, năm 1972.
      Trước đông đảo cán bộ, chiến sĩ của binh trạm, anh xúc động nói:
      - Tổ quốc ta, nhân dân ta, Đảng ta rất tự hào có những người con kiên cường dũng cảm vô cùng tận như các đồng chí…
      Hơn một phần tư thế kỷ qua, kể từ ngày anh Lê Duẩn vào thăm chúng tôi ở Quảng Bình đầu xuân Quý Sửu, đến nay tôi vẫn nghĩ những dòng anh viết, những điều anh nói về bộ đội Trường Sơn là một trong những ý nghĩ, tình cảm vô cùng quý giá mà các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước dành cho tuyến đường mang tên Bác.
      Đón Tết xong, anh Đặng Tính và tôi nhận được điện triệu tập họp của Thường trực Quân uỷ Trung ương. Ngày 5 tháng 2 năm 1973, hai anh em có mặt tại Hà Nội nhận nhiệm vụ Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng giao. Điều tôi thực sự tâm đắc trong đợt công tác lần này là ngoài những chỉ tiêu vận chuyển chi viện theo yêu cầu quân sự và quốc kế dân sinh vùng giải phóng, Quân uỷ Trung ương đã giao cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhiệm vụ phát triển hoàn thiện thế trận vận chuyển. Đặc biệt là thế trận cầu đường và tổ chức lực lượng theo quy mô thích hợp với điều kiện mới, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.
      Những nhiệm vụ chủ yếu mà Thường trực Quân uỷ Trung ương giao cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn hôm đó, sau này được phát triển và hoàn thiện thành Nghị quyết 81/QUTW của Quân uỷ Trung ương (5-5-1973) - Nghị quyết chuyên đề về nhiệm vụ chi viện chiến trường và phát triển tuyến chi viện Trường Sơn trong tình hình mới.
      Nhận nhiệm vụ trên giao, khi mùa khô đã qua nửa thời gian, Bộ Tư lệnh chủ trương tranh thủ đẩy mạnh khâu vận chuyển chiến lược, tập trung dứt điểm sớm khối lượng hàng chuyển giao các chiến trường khoảng 80.000 tấn; tạo đủ chân hàng để Bộ Tư lệnh Sư đoàn 470 sử dụng Trung đoàn 53 vận tải đường sông chuyển giao Nam Bộ trong mùa mưa.
      Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh quyết định điều chỉnh lại tổ chức toàn tuyến theo hướng thành lập những sư đoàn binh chủng cơ động trực thuộc Bộ Tư lệnh. Cụ thể, chúng tôi đề nghị Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng cho bỏ cấp binh trạm, các sư đoàn khu vực, thành lập các sư đoàn binh chủng nhằm tạo "những quả đấm" mạnh, thực hiện vận chuyển đường dài và đủ sức giải quyết nhũng công trình trọng điểm trong một thời hạn cho phép.
      Cũng phải đến mùa hè năm 1973, việc điều chỉnh tổ chức, biên chế mới ngã ngũ, bằng việc Quân uỷ Trung ương phê chuẩn chuyển Sư đoàn khu vực hậu cứ 571 thành Sư đoàn 571 ô tô vận tải và chuyển Sư đoàn khu vực 473 thành Sư đoàn công binh 473 trực thuộc Bộ Tư lệnh. Đây là hai sư đoàn binh chủng chưa có tiền lệ trong lịch sử tổ chức quân đội ta. Chúng tôi cho đây là một sáng tạo độc đáo của Đảng ta trong xây dựng lực lượng vũ trang và lãnh đạo chiến tranh cách mạng.
      Để bảo đảm cho sự thành công trong xây dựng, quản lý và chỉ huy những sư đoàn binh chủng mới mẻ này, Bộ Tư lệnh quyết định chọn, sắp xếp những cán bộ giàu kinh nghiệm, có kiến thức và năng lực chỉ huy vào những vị trí chủ chốt.
      Với Sư đoàn 571 ô tô cơ động vận tải, chúng tôi bố trí anh Nguyễn Đàm làm Tư lệnh, anh Phan Hữu Đại làm Chính uỷ, anh Hoàng Trá và anh Nguyễn Tất Giới làm Phó tư lệnh, anh Phan Biên làm Phó chính uỷ.
      Với Sư đoàn 473 công binh, anh Nguyễn Văn Kỷ được cử làm Tư lệnh, anh Bùi Thế Tâm làm Chính uỷ; hai anh Cao Đôn Luân, Tô Đa Mạn làm Phó tư lệnh, anh Phan Bá Dậu làm Phó chính uỷ.
      Xung quanh việc thành lập sư đoàn ô tô vận tải và sư đoàn công binh lúc này còn có ý kiến chưa ủng hộ, viện dẫn tổ chức quân đội nhiều cường quốc quân sự cũng không có. Chỉ đến Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, lịch sử đã trả lời một cách công bằng, sòng phẳng nhất về quyết định đầy tính sáng tạo này.
      Như vậy từ cuối hè năm 1973 đến kết thúc sứ mạng lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ Tư lệnh Trường Sơn có tám sư đoàn (gồm hai sư đoàn ô tô vận tải: 571, 471; bốn sư đoàn công binh: 470, 472, 473, 565; Sư đoàn phòng không 377, Sư đoàn bộ binh 968) và một số trung đoàn trực thuộc (gồm: 6 trung đoàn cao xạ, 1 trung đoàn bộ binh, 4 trung đoàn đường ống xăng dầu, 2 trung đoàn cầu, 2 trung đoàn thông tin, 1 trung đoàn vận tải đường sông, 1 trung đoàn giao liên cơ giới, 1 trung đoàn kho, 1 trung đoàn huấn luyện, an dưỡng). Lực lượng thanh niên xung phong trên tuyến gồm 4 đoàn - tương đương trung đoàn, với gần 10 nghìn nam nữ thanh niên.
      Nói tới sự trưởng thành, lớn mạnh của tổ chức binh chủng hợp thành thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn, không thể không nói tới lực lượng phục vụ - những con người tận tuỵ cống hiến hết mình trong lửa đạn, trong gian khổ - những người lính hậu cần, đặc biệt là quân nhu, quân y Trường Sơn. Không chỉ phục vụ lực lượng trên tuyến mà còn phục vụ các chiến trường, cả ta và bạn; nên quân y Trường Sơn được Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế hỗ trợ, giúp đỡ tích cực. Bác sĩ Vũ Văn Cẩn - Cục trưởng Cục Quân y, một con người hết mình vì sức khỏe của bộ đội, vì chiến trường, sau là Bộ trưởng Bộ Y tế, đã dành nhiều tâm sức trực tiếp chỉ đạo hoạt động của quân y Trường Sơn.
      Trong nhiều năm, các anh Nguyễn Ngọc Thảo, Lê Trung Nguyên, Vũ Bá Lợi… đã cùng đông đảo các bác sĩ quân y giỏi chuyên môn, giàu tâm huyết xây dựng hệ thống quân y trên tuyến chi viện chiến lược khá hoàn chỉnh, đồng bộ, lớn mạnh, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ quân y chiến lược và quân y tuyến chiến dịch.
      Xuất phát từ quan điểm "Cứu chữa con người là trên hết", lần đầu tiên trên tuyến cũng như các hướng ra chiến trường, quân y Trường Sơn đã hình thành một tuyến thống nhất có sự chỉ huy, theo dõi, cấp cứu, điều trị liên tục 24/24 giờ trong ngày thông qua hệ thống thông tin trực ban ở Bộ Tư lệnh.
      Đến cuối năm 1972, tổ chức quân y Trường Sơn, gồm 4 bệnh viện (59, 46, 47, 48), 16 bệnh xá, 125 đội điều trị, đội phòng dịch và đội phẫu; hàng trăm đội cứu thương cơ động với hơn 200 bác sĩ, dược sĩ cao cấp; hơn 1.300 y sĩ, dược sĩ; 4.200 y tá, dược tá… Lực lượng quân y đã cùng với quân nhu góp phần xứng đáng bảo đảm sức chiến đấu của bộ đội trong điều kiện vô cùng ác liệt.
      Quân y Trường Sơn đã sớm đề ra phương châm "Cấp cứu tại chỗ, phòng bệnh đi trước". Nhờ vậy mà hạn chế thấp nhất mức độ tử vong; đặc biệt là tử vong do sốt rét ác tính - một căn bệnh trầm kha làm giảm ghê gớm sức chiến đấu của bộ đội.
Logged
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #41 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2007, 12:38:57 am »

***
      Ngày 1 tháng 3 năm 1973, Đảng uỷ Bộ Tư lệnh Trường Sơn họp quán triệt nhiệm vụ Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng giao.
      Tại hội nghị này, chúng tôi thống nhất đánh giá: Từ sau khi Hiệp định Paris được ký kết, chiến trường Trường Sơn thay đổi căn bản. Mỹ buộc phải chấm dứt đánh phá bằng không quân. Tuy vậỷ không loại trừ khả năng quân nguỵ Sài Gòn phản lại Hiệp định đã ký kết, cho máy bay đánh phá khi ta tổ chức vận chuyển lớn. Có thể chúng đánh quy mô hạn chế hơn. Nhưng toàn tuyến phải hết sức cảnh giác, chủ động đối phó.
      Do hiện thời ta làm chủ địa bàn đông và tây Trường Sơn, nên có khả năng chấm dứt được tình trạng dai dẳng cố hữu trước đây là chỉ vận chuyển mỗi mùa khô. Vấn đề cốt yếu là khẩn trương xây dựng thế trận mới, vận chuyển cả năm liên tục. Để làm được điều đó, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh thống nhất xây dựng cơ bản tuyến vận tải.
      Trong năm 1973 phải mở thông tuyến phía đông từ Cầu Khỉ (nam Quảng Bình) đến Sa Thầy (Kontum) sau đó vào Bù Gia Mập, Bù Đốp. Trọng điểm là đoạn Bù Lạch - Trao - Bến Giằng, đoạn Đắc Pét - đèo Lò Xo, đoạn từ đường 19 vào Bù Gia Mập; nâng cấp tuyến phía tây, bảo đảm vận chuyển và cơ động binh khí kỹ thuật cả hai mùa; trọng điểm là từ Bản Đông và Flây Khốc. Cùng với phát triển cầu đường, cần đẩy nhanh tuyến đường ống xăng dầu đông Trường Sơn song hành với tuyến ống phía tây; hoàn chỉnh mạng thông tin tải ba trên toàn tuyến và nối tới các chiến trường một cách vững chắc.
      Nhằm động viên, cổ vũ sĩ khí của cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn, tạo đà thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong giai đoạn mới, chúng tôi tổ chức Đại hội mừng công sau 14 năm thành lập tuyến và thực hành vận chuyển chi viện chiến trường.
      Ngày 7 tháng 3, Đại hội mừng công khai mạc. Quy mô chưa từng có, khí thế rầm rộ chưa từng có là cảm nhận của số đông đại biểu về dự đại hội. Lần này Bộ Quốc phòng cho phép Bộ Tư lệnh Trường Sơn bắn pháo hoa mừng chiến thắng.
      Không chỉ bà con Hiền Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình - nơi Bộ Tư lệnh đặt chỉ huy sở, mà có lẽ không ít đại biểu lần đầu được chứng kiến quang cảnh tưng bừng mừng thắng lợi như vậy… Về chung vui với bộ đội Trường Sơn có đại biểu Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam, đại biểu Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải… Cũng thật vinh dự, lần mừng công này, chúng tôi lại được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là lần thứ ba anh thay mặt Bộ Chính trị, Chính phủ, Quân uỷ Trung ương dự hội nghị mừng công của bộ đội Trường Sơn.
      Nói chuyện với Đại hội, anh Văn khẳng định chiến công trong 14 năm qua của cán bộ, chiến sĩ, thanh nhiên xung phong trên tuyến đường mang tên Bác "Đã góp phấn xứng đáng vào thắng lợi của các chiến trường. Đó là những cống hiến lớn lao, một trong những cống hiến có tính chất quyết định về chiến lược vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam ta; không những thế, thành tích, chiến công đó đã có tác dụng giúp Trung ương Đảng, Quân uỷ Trung ương thực hiện chiến lược đoàn kết chiến đấu giữa ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương… Thành tích chiến đấu, công tác, xây dựng trong 14 năm qua của các lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn là một trong những thành công kiệt xuất của đường lối quân sự và chính trị của Đảng ta, là kinh nghiệm quý báu làm phong phú thêm khoa học và nghệ thuật quân sự của quân đội ta. Trong thành công to lớn của bộ đội Trường Sơn chứa đựng lời đáp về câu hỏi: Vì sao một dân tộc nhỏ mà anh hùng như Việt Nam dã đánh thắng một tên đế quốc to như đế quốc Mỹ".
      Sau khi bế mạc Đại hội mừng công, anh Võ Nguyên Giáp tranh thủ làm việc với chúng tôi về nhiệm vụ phát triển thế trận cầu đường chuẩn bị tạo thế và lực mới, thời cơ mới.
      Thay mặt Bộ Tư lệnh, tôi báo cáo toàn bộ chủ trương và kế hoạch đã được Thường vụ Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh thống nhất trong cuộc họp ngày 1 tháng 3; trình bày thật chi tiết trên bản đồ. Nghe tôi báo cáo xong, anh Văn nói:
      - Với chủ trương và kế hoạch này, tin chắc tuyến chi viện chiến lược sẽ tiến triển mau lẹ, hoà nhập được với sự phát triển của chiến trường. Hiệp định Paris được ký kết; nhưng với kinh nghiệm đã qua, chúng ta phải chuẩn bị thật tốt để đối phó với hai khả năng: đối phương tôn trọng hiệp định hoặc tìm cách phá hoại. Nhưng bất luận khả năng nào cũng phải chấp hành nghiêm nghị quyết của Trung ương Đảng…
      Anh khẳng định:
      - Những gì mà bộ đội Trường Sơn đang làm là thể hiện tính chủ động, sáng tạo, dám chấp nhận thách thức, đón đầu thời cơ, dám làm việc lớn; đồng thời là những căn cứ tốt giúp Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng hoạch định khối lượng vật chất chi viện, bổ sung lực lượng, cơ động bộ binh và binh chủng kỹ thuật bằng cơ giới cho các chiến trường chuẩn bị thời cơ mới.
      Cuối cùng anh lưu ý chúng tôi phải theo dõi sát sao mọi diễn biến tình hình địch-ta, và thực hiện tốt những nhiệm vụ cụ thể:
      - Sớm hoàn thiện tuyến đường đông Trường Sơn theo tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi.
      - Đối với tuyến tây Trường Sơn, ta đang sử dụng "đường kín" tổ chức vận tải cơ giới đội hình quy mô lớn, chạy ngày, bỏ được vận chuyển cung ngắn. Đây là một sáng tạo kỳ diệu cần phá~ huy có hiệu quả hơn. Nhưng khi điều kiện cho phép, cần sử dụng ngay "đường hở" để vận chuyển ban ngày.
      - Đẩy mạnh tốc độ xây dựng đường ống xăng đầu và thông tin tải ba xuyên Tây Nguyên vào miền Đông Nam Bộ.
      - Phát triển nhanh chuyển quân bằng cơ giới, chuẩn bị tốt để khi thời cơ đến có thể cơ động "thần tốc" được cả đội hình quân đoàn binh chủng hợp thành…
      Xong công việc ở Bộ Tư lệnh, anh Đặng Tính và tôi đưa anh Võ Nguyên Giáp đi thị sát chiến trường.
      Theo yêu cầu của anh, lộ trình được chọn là những trục đường, những trọng điểm trước đây địch đánh phá quyết liệt nhất. Chúng tôi đưa anh tới trọng điểm Văng Mu, tới tập đoàn trọng điểm ATP.
      Dừng lại ở đỉnh đèo Phu La Nhích, Đại tướng chọn một điểm cao và dùng ống nhòm quan sát toàn cảnh trọng điểm mà chắc rằng trước đây đã có lúc để lại trong anh những lo lắng, buồn vui, khi nhận được tin báo từ chiến trường. Tôi thấy anh lặng người khá lâu trước cảnh tượng chừng 100 cây số vuông vốn là rừng nguyên sinh bị đạn, bom, chất độc khai quang của Mỹ đào quật, huỷ diệt, chỉ còn lác đác mấy thân cây cháy trụi. Hố bom chồng chất hố bom. Xác xe cháy, hỏng nằm cong queo, tưa tướp, ngổn ngang…
      Tiếp đó, Đại tướng tới thăm tiểu đoàn 83 công binh anh hùng trụ bám đỉnh đèo Phu La Nhích, đại đội 1 công binh bảo vệ ngầm Ta Lê; đại đội thanh niên xung phong và một đơn vị cao xạ bảo vệ Cua chữ A. Bộ đội, thanh niên xung phong được báo trước, tập trung đông đủ đón đợi. Mọi người vô cùng xúc động khi anh Văn xuất hiện với bộ quân phục đỏ quạch bụi đường. Không ít nữ thanh niên xung phong khóc rưng rức. Anh Văn nói trong nghẹn ngào, xúc động:
      - Qua trọng điểm đánh phá của địch mới thấy hết sức chịu đựng, trí sáng tạo của các đồng chí. Đường Hồ Chí Minh thực sự là một kỳ công, một kỳ tích được tạo dựng bởi ý chí vì độc lập tự do của dân tộc Việt Nam… Các đồng chí đều xứng đáng là anh hùng. Không có các đồng chí, không có ngày hôm nay…
      Nhưng muốn giành được đỉnh cao toàn thắng, chúng ta cần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo hơn nữa. Đường Trường Sơn không dừng lại ở mức độ này mà phải được mở, rải đá, đi được cả hai chiều, cả hai mùa mưa nắng…
      Sau chút ít thời gian nói chuyện với bộ đội, thanh niên xung phong, anh Văn đến thắp hương viếng mộ một số liệt sĩ kề cạnh đó. Những giọt nước mắt dành cho phút hội ngộ với những người đang sống và chiến đấu, những giọt nước mắt dành cho những chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại trọng điểm này của vị Tổng tư lệnh giữa chiều Trường Sơn thật sự thấm đẫm tình người, lắng sâu trong tâm khảm, tôi không thể nào nguôi quên.
      Từ tập đoàn trọng điểm ATP, đoàn chúng tôi theo đường 20 về hậu cứ Binh trạm 14 gần Xuân Sơn. Tối hôm đó, trong khi chuyện trò với mấy đồng chí trong Thường vụ tỉnh uỷ Quảng Bình lên đón, anh Văn nói:
      - Đúng là "Trăm nghe không bằng một thấy". Mới thấy một vài cung đường, tới một vài trọng điểm, nhưng tôi thật sự không tưởng tượng nổi sức chịu đựng, sự sáng tạo và thành công của các binh chủng và thanh niên xung phong Trường Sơn lớn lao, vĩ đại đến như vậy. Thật xững đáng là những anh hùng, những thế hệ anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.
      Thời gian làm việc của anh Văn không dài, nhưng với những gì lĩnh hội được thì sự chỉ đạo lần này của anh có ý nghĩa rất lớn đối với tuyến chi viện chiến lược trước bước phát triển mới của cách mạng.
      Hầu như năm nào, anh Văn cũng dành một đôi lần làm việc với Bộ Tư lệnh Trường Sơn, và lần nào cũng giúp chúng tôi tháo gỡ, giải quyết những vấn đề có tính chiến lược; ví như năm 1966 khẳng định lấy cơ giới làm phương thức vận chuyển chủ yếu; hay như lần này, anh chỉ đạo cụ thể việc hoàn chỉnh thế trận, xây dựng đường đông Trường Sơn theo tiêu chuẩn quốc gia, làm cơ sở cho tuyến xuyên Việt trong tương lai. Để có được một mét đường xuyên Trường Sơn, phải hội tụ đủ trí lực của toàn Đảng, toàn dân…, nhưng trong đó, với chúng tôi, anh Võ Nguyên Giáp, anh Văn Tiến Dũng và anh Đinh Đức Thiện là những "kiến trúc sư" chính của tuyến đường này.
Logged
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #42 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2007, 12:39:41 am »

Cũng vào tháng 3 năm 1973, Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhận lệnh của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, đón tiếp Quốc trưởng Norodom Sihanouk cùng Hoàng hậu từ Trung Quốc sang Hà Nội và vượt Trường Sơn về thăm vùng giải phóng Campuchia.
      Chúng tôi coi đây là vinh dự, trách nhiệm và cả đền ơn trả nghĩa. Vương quốc Campuchia dưới thời Quốc trưởng dã giúp đỡ cách mạng miền Nam, giúp đỡ tuyến Đường Hồ Chí Minh xây dựng các cơ sở hậu cần, khai thác vật chất trên đất bạn; cho ta sữ dụng cảng Sihanouk Ville, đường 13, đường sông Mê Công… như những mũi "vu hồi" lợi hại trong hoạt động chi viện chiến trường. Phần khác, chúng tôi tôn trọng Quốc trưởng, bởi ông là một Nguyên thủ quốc gia có tư tưởng dân tộc cao - một người rất sùng kính Chủ tịch Hồ Chí Minh.
      Phần vì trách nhiệm, nghĩa tình, phần vì điều kiện cho phép, chúng tôi tổ chức đón dưa Quốc trưởng và Hoàng hậu tận tình, chu đáo theo thể thức đón tiếp Nguyên thủ quốc gia.
      Biết Quốc trưởng và Hoàng hậu có sừ dụng tiếng Pháp, chúng tôi bố trí anh Lê Đình Sum nói tiếng Pháp khá tốt đi cùng đoàn suốt cuộc hành trình trên Trường Sơn; tổ chức bảo vệ cẩn mật. Để Quốc trưởng và Hoàng hậu có điều kiện nghỉ ngơi chu đáo trong những ngày lưu lại ở chặng đường cuối trước khi trở về Tổ quốc, chúng tôi đã cho chuẩn bị một lán nhỏ trên sông, làm bằng tre, theo dáng biệt thự, đầy đủ tiện nghi, nhưng đơn giản.
      Được tổ chức đón đưa trọng thị, chu đáo, Quốc trưởng và Hoàng hậu vô cùng cảm kích. Chia tay chúng tôi, Quốc trưởng xúc động nói:
      - Ở Bắc Kinh, tôi không hiểu nổi Đường Hồ Chí Minh. Qua chuyến đi này, tôi thấy tuyến đường của các bạn vô cùng vĩ đại. Nhất định các bạn sẽ thắng. Là người con của đất nước Ăng Co huy hoàng, vợ chồng chúng tôi rất biết ơn các bạn đang giúp cuộc chiến đấu của nhân dân Campuchia. Rất cảm ơn các bạn đã tổ chức cho chúng tôi chuyến đi an toàn, thành công, thoải mái…
      Đã hơn một phần tư thế kỷ trôi qua kể từ ngày có cuộc hành hương của Quốc trưởng Sihanouk và Hoàng hậu trên đường Hồ Chí Minh, thế giới, đặc biệt là đất nước Chùa tháp đã trải qua bao biến cố thăng trầm, can qua, chìm nổi; lòng người cũng có lúc, có ai "sớm nắng chiều mưa"; nhưng phải khẳng định, trong khó khăn, binh đao, lửa đạn, mới thấy hết nghĩa tình bè bạn.
      Tháng 4 năm 1973, các anh Tố Hữu, Đinh Đức Thiện, Nguyễn Thọ Chân dẫn đầu đoàn cán bộ của Trung ương Đảng, Quân uỷ Trung ương, Uỷ ban thống nhất Trung ương vào làm việc và nắm tình hình, chỉ đạo trực tiếp các chiến trường. Theo yêu cầu của đoàn, chúng tôi tổ chức để các anh theo đường tây Trường Sơn vào Nam Bộ, và từ Nam Bộ sẽ theo đường đông Trường Sơn ra Tây Nguyên, Khu 5, Trị-Thiên.
      Nghe tôi dự kiến lộ trình như vậy, anh Tố Hữu và anh Thiện đều bảo:
      - Phải làm xong đường ở Đắc Lắc, để tới khi quay ra chúng tôi sẽ đi theo đường đó. Bởi ở phía đông, địch còn cắm chốt ở Đức Lập, Đắc Pét, Đắc Mỉn…
      Lường sức mình và khó đoán chắc lúc nào các anh quay ra, tôi đành khất, tuỳ tình hình cụ thể sẽ điện báo cáo các anh sau.
      Anh Thiện cười rất thoải mái và nói:
      - Được, chúng tớ cho các cậu nợ, nhưng cấm nợ lâu!
      Với một lực lượng hùng hậu, có nhiều cán bộ chủ trì các ngành, nên phái đoàn của anh Tố Hữu và anh Đinh Đức Thiện đã trực tiếp giải quyết nhiều yêu cầu bức xúc của chiến trường. Với Bộ Tư lệnh Trường Sơn, đoàn đã giúp giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, nhất trí đề nghị Nhà nước và Bộ Quốc phòng có kế hoạch bảo đảm với yêu cầu cao nhất để tuyến vận tải Trường Sơn nhanh đổi mới thế trận.
      Ít lâu sau, trong buổi làm việc cuối cùng với Bộ Tư lệnh Trường Sơn trên đường ra Bắc, anh Tố Hữu dặn tôi chuẩn bị thật chu đáo luận chứng về dường cơ bản đông Trường Sơn, tháng 5 tới ra làm việc với Chính phủ.
      Trong không khí ấm áp, cởi mở, chân tình, chúng tôi vô cùng xúc động nghe anh Tố Hữu đọc những vần thơ anh vừa viết về đường Trường Sơn - những ý thơ mà theo anh chính là sự rung động khi tận mắt chứng kiến sự hy sinh, chịu đựng gian khổ, ngoan cường, mưu trí, sáng tạo của bộ đội Trường Sơn:
      Trường Sơn xẻ dọc, rọc ngang
      Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng.
      Trường Sơn vượt núi băng sông,
      Xe đi trăm ngả chiến công bốn mùa.
      Trường Sơn đông nắng, tây mưa
      Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình…
      Trong những năm tháng chiến đấu vô cùng quyết liệt trước đây, ở cơ quan Bộ Tư lệnh hay đi thực địa, xuống đơn vị, tôi vẫn thường thấy ở những vách lán của bộ đội, lán của thanh niên xung phong, những sườn núi, vách ta luy đường mới mở…, đã được viết lên với bao kiểu cách hai câu thơ của anh:
      Xẻ dọc Trường Sơn đi cữu nước
      Mà lòng phơi phới dậy tương lai.
      Những dòng thơ đã thành lẽ sống, khẩu hiệu hành động của cả một thế hệ thanh niên Việt Nam thời đánh Mỹ. Sau này, chúng tôi đã cho khắc ghi một đoạn thơ của anh Tố Hữu vào văn bia nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
      2
      Hoàn thiện tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn theo tiêu chuẩn đường quốc gia, đối với Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Trường Sơn vốn là hoài bão, là mục tiêu chiến lược. Với thắng lợi có tính chất quyết định của cách mạng Việt - Lào và yêu cầu tất yếu của sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cho tới đầu năm 1973, về khách quan và chủ quan tôi cho rằng đã hội tụ những yếu tố "CẦN" và "ĐỦ" để thực hiện hoài bão đó.
      Đối với Bộ Tư lệnh Trường Sơn, sau một thời gian khá đài huy động hơn 60 kỹ sư, cán bộ kỹ thuật cầu đường, tổ chức ba đoàn khảo sát, thiết kế…, tới đây chúng tôi đã có một dự án khá hoàn chỉnh về tuyến đường xuyên Bắc - Nam đông Trường Sơn.
      Đầu tháng 2 năm 1973, sau khi ra Hà Nội nhận nhiệm vụ Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng giao, tôi cùng Tham mưu trưởng công binh Phạm Diêu trực tiểp báo cáo Chính phủ về chủ trương và dự án kế hoạch thi công đường tiêu chuẩn đông Trường Sơn.
      Sau khi tôi báo cáo cụ thể, các Phó thủ tướng: Lê Thanh Nghị, Đỗ Mười, Phan Trọng Tuệ đều cho rằng xây dựng đường tiêu chuẩn xuyên Bắc - Nam đông Trường Sơn là một công trình tầm cỡ quốc gia, là một vấn đề có tính chiến lược; triển khai sớm sẽ góp phần quan trọng tạo thế và lực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam.
      Nhưng, là tuyến đường đi qua địa hình núi non hiểm trở, chia cắt mạnh, thi công rất phức tạp, khối lượng lớn. Anh Lê Thanh Nghị, anh Đỗ Mười và anh Phan Trọng Tuệ đều nhất trí cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn triển khai thi công theo dự án. Trong quá trình thi công cần báo cáo thường xuyên lên Chính phủ, nhất là những vấn đề vật tư nhân lực cần giải quyết.
      Hôm sau, tôi được Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho mời vào làm việc Là học trò xuất sắc của Bác Hồ và luôn gần gũi Bác, nên dù là nguyên thủ quốc gia, phong cách làm việc của anh Đồng rất thân mật, chan hoà với cấp dưới. Anh vui vẻ, thân tình, muốn tôi báo cáo toàn bộ hoạt động của tuyến. Biết thời gian lúc này đối với anh là quý giá, tôi xin phép được báo cáo vắn tắt. Anh Đồng cười và nói:
      - Không sao. Tôi đang muốn nghe thật đầy đủ, thật cụ thể. Công việc quá bận, tôi chưa vào tuyến thăm các anh được. Và đã bao giờ tôi được tiếp khách quý Trường Sơn đâu!
      Biết anh nói vậy để động viên, nên tôi cũng báo cáo rất ngắn gọn, trọng tâm là việc xây dựng đường đông Trường Sơn.
      Nghe tôi trình bày xong, anh Đồng nói:
      - Trong những năm Mỹ đánh phá, ngăn chặn quyết liệt, cán bộ, chiến sĩ và thanh niên xung phong trên Đường Hồ Chí Minh đã chịu nhiều gian khổ, hy sinh, cực kỳ anh dũng, mưu trí. Cả nước và thế giới đều biết. Về cách mạng miền Nam, đúng như một triết gia nổi tiếng đã nói: "Cái gì phải đến, nó sẽ đến". Nhưng ở đây, phải nói một cách đầy đủ rằng: Tuyến Đường Hồ Chí Minh - một công trình lịch sử mà động lực chủ yếu là con người đã góp phần quan trọng làm chuyển biến cục diện chiến trường. Hiệp định Paris là kết quả thắng lợi nhiều mặt, trong đó có đóng góp của Đường Hồ chí Minh- bộ đội Trường Sơn, có hậu phương lớn miền Bắc, có bạn bè gần xa trên thế giới. Nhưng nên nhớ rằng đây mới chỉ là thắng lợi quan trọng bước đầu. Chúng ta phải làm nhiều việc mới đến đích giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong cách mạng, muốn đi đến thắng lợi phải trả giá. Tôi biết lần này ra Hà Nội, công việc trọng tâm của các anh là lo xây dựng đường tiêu chuẩn đông Trường Sơn. Đây cũng là một cách làm, một tầm nhìn. Các anh cũng biết, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, từ Liên khu 5 ra Việt Bắc, tôi cũng đã vượt Trường Sơn bằng những lối mòn. Nhiều đồng chí khác cũng vậy. Mong có được đường ô tô là khát vọng cháy bỏng của người từng đếm bước đường rừng, từng gùi hàng chai sạn cả vai và lưng…
      Nhắc chuyện cũ, quá xúc động, anh dừng lời chốc lát rồi nói tiếp:
      - Về tuyến đường mà Bộ Tư lệnh Trường Sơn đề xuất, tôi đã được các anh Võ Nguyên Giáp, Lê Thanh Nghị, Đỗ Mười, Phan Trọng Tuệ báo cáo lại. Tôi rất ủng hộ. Đường Hồ Chí Minh như luận chứng của các anh, nếu được triển khai tốt, chúng ta sẽ có thêm một công trình tầm cỡ cho cả trước mắt và lâu dài, đáp ứng được cả yêu cầu quân sự - quốc phòng và kinh tế.
      Cuối cùng anh dặn:
      - Cần làm việc cụ thể với các cơ quan Nhà nước và cho triển khai càng sớm, càng tốt.
      Trưa đó, anh mời tôi cùng ăn cơm.
      Trong bữa cơm thanh đạm nhưng thân tình, ấm cúng tại nhà nghỉ Hồ Tây, tôi được anh kể về Hà Nội 12 ngày đêm rực lửa cuối năm 1972, những chuyện "ngoài lề" về Hội nghị Paris…
      Tròn buổi làm việc, một bữa cơm thân tình như buổi hội ngộ anh em bao tháng ngày xa, và hết thảy những gì tôi biết trước đó, càng lắng lại trong suy nghĩ, tình cảm của tôi về anh Phạm Văn Đồng - một nguyên thủ quốc gia, một con người thân tình, giản dị mà uyên bác, tâm huyết suốt đời vì Đảng vì dân.

Về Hà Nội lần này, đất trời đã thanh bình, yên ả. Gặp lại gia đình, các con tôi về đông đủ. Khó nói hết nỗi mừng của các cháu Hưng, Việt, Bắc, Quân, Hiền, Hà. Vậy là phải sáu năm, kể từ ngày đưa hai con gái về lại nơi sơ tán Sơn Tây, mong ước "về hẳn Hà Nội" của các cháu đã thành hiện thực.
      Việc chung giải quyết xong; gặp mặt đông đủ gia đình, nên tôi quyết định vào tuyến sớm hơn dự định. Đề phòng vợ và các con "phật ý" khi vừa về "chân ướt, chân ráo" đã đi, tôi nói vui:
      - Tây nam Quảng Bình giờ đây cũng đã hoà bình - sóng yên biển lặng rồi. Nay mai phải mời "bà" vào thăm sở chỉ huy để xem anh em chúng tôi làm ăn thế nào; kết hợp cho các con thăm bà, thăm quê nữa.
      Vợ tôi vui vẻ cười xoà. Các con tôi nghe nói được về quê, thăm bà, thì sung sướng lắm!
      Trước hôm trở lại Quảng Bình, tôi tới thăm Khâm Thiên- khu dân cư bị máy bay B.52 Mỹ ném bom rải thảm vào cuối tháng chạp năm 1972.
      Đã từng trải trận mạc, từng chết hụt bởi B.52, nhưng tôi không khỏi bàng hoàng trước cảnh phố xá tan tành, nhà cửa đã tan nát, khói hương còn phảng phất thâm trầm…
Logged
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #43 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2007, 12:41:59 am »

***
      Vào sở chỉ huy, tôi mời Thường vụ Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh để báo cáo lại kết quả sau khi làm việc với chính phủ và Bộ Quốc phòng, đồng thời trình bày phương án tổ chức thi công đường tiêu chuẩn đông Trường Sơn.
      Các anh trong Thường vụ và Bộ Tư lệnh nhất trí dự kiến tổ chức thi công do Tham mưu trưởng công binh báo cáo. Vấn đề băn khoăn duy nhất là thời gian hoàn thành cơ bản đoạn từ Quảng Bình vào Khu 5 (Quảng Bình vào bến Giằng - Quảng Nam) trước tháng 5 năm 1973, để khi tuyến tây Trường Sơn bước vào mùa mưa, có thể " lật cánh" trở lại đông Trường Sơn, kịp chi viện cho Khu 5, Tây Nguyên, Trị-Thiên là quá gấp.
      Sự lo lắng hoàn toàn có lý. Biết vậy, tôi nói rõ thêm:
      - Cấp trên cũng chưa "chốt" thời gian thi công, chúng ta cứ triển khai, sau đó sẽ xác định chính thức. Tuỳ thuộc yêu cầu thời gian, khối lượng từng quãng khác nhau mà bố trí lực lượng thi công theo phương thức "chuyên sâu - đồng bộ - dây chuyền". Phải khéo kết hợp lao động thủ công, công cụ cải tiến, phương tiện thi công cơ giới, thuốc nổ, thành một động lực tổng hoà để tạo tốc độ nhanh, năng suất cao, chất lượng tốt, hiệu quả thiết thực.
      - Chủ trương, kế hoạch và phương thức thi công đường tiêu chuẩn đông Trường Sơn được thống nhất, những trăn trở về thời gian quá gấp được giải toả một bước, từ đó chúng tôi tập trung chỉ đạo các đơn vị triển khai từng phần việc cụ thể.
      Cuối tháng 3, Bộ Tư lệnh Trường Sơn tổ chức nắm lại tổng thể tình hình toàn tuyến, làm cơ sở cho việc chỉ đạo thi công cũng như hoàn chỉnh luận chứng chính thức để trình Chính phủ về việc mở đường đông Trường Sơn; tôi dẫn một đoàn đi vào theo hướng đông, anh Đặng Tính dẫn đoàn theo tuyến tây Trường Sơn. Dự kiến, đoàn của anh Tính đi tuyến phía tây, theo đường 9 đến Bản Đông, rẽ sang đường 128, qua đường 23, xuyên cao nguyên Bloven, qua vùng ba biên giới.
      Cũng như bao lần đi xa trước đây, đêm trước khi lên đường, anh em chúng tôi thức bên nhau, trao đổi công việc với tâm trạng hết sức phấn chấn bởi bao dự định lớn lao.
      Vẫn biết sinh tử là chuyện thường ở đời. Nhất là trong chiến tranh, trước "mũi tên, hòn đạn", sự sống và cái chết có khi cách nhau không đầy gang tấc, thậm chí chỉ là sợi chỉ mong manh.
      Nhưng tôi không ngờ, đây là lần cuối cùng anh Tính và tôi chia tay nhau, để rồi anh đi mãi.
      Đêm mùng 4 tháng 4, đoàn chúng tôi theo tuyến phía đông, dừng nghỉ tại một điểm bên bờ sông Sa Thầy, cạnh đường 19. Đêm xuống đã lâu, nhưng tôi vẫn trằn trọc, thao thức. Cứ nghĩ do thời tiết quá oái oăm, ngày nóng như rang, đêm về lạnh buốt. Nhưng đã bao năm ở rừng, tôi đâu có vậy? Gần sáng, nhân viên cơ yếu đi cùng chuyển cho tôi bức điện vẻn vẹn mấy chữ: Chính uỷ Đặng Tính hy sinh ngày 3 tháng 4 ở Pắc Xoòng.
      Cầm bức điện, mắt tôi nhoà đi. Một nỗi đau không nói thành lời. Tôi quyết định tạm dừng chuyến đi, trở về sở chỉ huy. Nhưng vì đường xa, trắc trở, chúng tôi cũng không kịp ra dự lễ tang của anh Đặng Tính, do Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức ở Hà Nội. Liền sau đó, tôi ra viếng mộ anh, chia buồn cùng chị Tính và gia đình. Thắp nén hương lên phần mộ người đã khuất, tôi thấu tận cùng nỗi đau; thương tiếc người đồng chí mẫu mực, thân thiết đã sớm vĩnh viễn ra đi, đem theo bao tâm huyết, hoài bão của một tầm nhìn chiến lược, có tính toán.
      Theo anh em trong đoàn do anh Tính chỉ huy kể lại: Đúng lộ trình đã định, anh Tính vào làm việc với Bộ Tư lệnh các Sư đoàn: 471, 472, 565, 968, Quân khu Hạ Lào, kết hợp khảo sát, nắm tình hình đường sá và bàn biện pháp xây dựng vùng giải phóng. Sáng ngày 3 tháng 4, trên đường xuống thăm một đơn vị thuộc Sư đoàn 968 chốt giữ tại Pắc Xoòng - một vị trí quan trọng ở Nam Lào vừa được giải phóng, xe anh Tính trúng mìn của địch. Hy sinh cùng anh Đặng Tính còn có thượng tá Chính uỷ Sư đoàn 968 - Vũ Quang Bình, Cục phó Cục Tham mưu công binh - Nguyễn Xuân Yên, nhạc sĩ Trịnh Quý - Đoàn phó đoàn văn công Trường Sơn, một bác sĩ và đồng chí lái xe. Đây là một tổn thất lớn nhất về cán bộ của Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
      Sau khi anh Đặng Tính hy sinh, có người hỏi tôi: Anh Tính vượt cao nguyên Bloven làm gì? Tôi trả lời: Điều đó thuộc kế hoạch của Bộ Tư lệnh. Chúng tôi bàn tính kỹ, lúc này có điều kiện nên khảo sát nắm kỹ lại tình hình khu vực ba biên giới.
      Theo tuyến phía tây, anh Tính sẽ vượt cao nguyên Bloven, xuống khu vực ba biên giới, sau đó vào Lộc Ninh. Còn tôi sẽ vào Tây Nguyên, đến Đắc Min, quay sang đường 19 và đường 18, rồi cùng vượt Bloven trở về. Sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ tính tới phương án nếu Mỹ - nguỵ phản bội những điều khoản đã cam kết trong Hiệp định Paris, Bộ Tư lệnh Trường Sơn sẽ tổ chức vận chuyển chi viện chiến trường qua Đường Hồ Chí Minh ở tầm lớn hơn.
      Sau khi anh Đặng Tính hy sinh, Phó chính uỷ Hoàng Thế Thiện được bổ nhiệm Chính uỷ Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
      ***
Logged
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #44 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2007, 12:42:40 am »

***
      Từ ngày 15 đến ngày 19 tháng 5 năm 1973, tôi có mặt ở Hà Nội báo cáo Thường trực Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng và các anh Đỗ Mười, Phan Trọng Tuệ toàn bộ luận chứng xây dựng hoàn chỉnh đường đông Trường Sơn. Một số anh trong Bộ Tư lệnh và chủ trì binh chủng trực tiếp làm việc với các cơ quan Nhà nước và Bộ Quốc phòng. Tròn một tuần sau, ngày 25 tháng 5, Phó thủ tướng Đỗ Mười thông qua sơ bộ kế hoạch xây dựng cơ bản đường đông Trường Sơn với nội dung:
      - Đường Hồ Chí Minh đông Trường Sơn là đường xuyên Nam - Bắc, xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi, bắt đầu từ Tân Kỳ (Nghệ An) đến Chơn Thành (Bình Phước). Bộ Tư lệnh Trường Sơn đảm trách từ Khe Gát (Quảng Bình) vào Chơn Thành - trước mắt vào đến Bù Gia Mập, với tổng chiều dài 1.200 cây số, nền đường 9 mét, mặt đường 7 mét; cầu cống vĩnh cửu và bán vĩnh cửu bảo đảm hành quân cơ giới và vận chuyển cả hai mùa, xe chạy với vận tốc tối đa 60 cây số một giờ.
      - Đối với đường tây Trường Sơn, tiến hành cải tạo, nâng cấp hai trục. Trục thứ nhất từ Phong Nha (đường 20) và từ Thạch Bàn (đường 16) vào Plây Cần, dài 720 cây số, từ đó nối vào đường đông Trường Sơn. Trục thứ hai: gần đường 9 từ Hướng Hoá đến Mường Phìn, theo đường 23 xuống Saravan, A-tô-pơ, nối sang Plây Cần, dài hơn 600 cây số.
      Để tạo điều kiện cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn thực hiện được khối lượng công việc lớn này, Chính phủ và Bộ Quốc phòng duyệt nâng tổng số lực lượng cầu đường lên trên 47 nghìn người, trong đó có hơn 10 nghìn gồm cả thanh niên xung phong do Trung ương Đoàn chi viện và dân công được huy động ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Đặc biệt Bộ Quốc phòng quyết định bổ sung và đổi mới trang thiết bị cơ giới phục vụ làm đường, gồm hơn 200 máy húc, trên 600 xe ben, 50 xe lu, 100 máy ép hơi, máy nghiền đá Anh Nguyễn Nam Hải - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cùng một số chuyên gia cầu đường vào hỗ trợ chúng tôi khảo sát cắm tuyến, nghiên cứu kết cấu địa chất, tập trung khảo sát thiết kế đoạn Bù Lạch - Khâm Đức là nơi địa hình phức tạp nhất.
      Trở về sở chỉ huy, tôi cho mời Bộ Tư lệnh và cán bộ chủ trì các cơ quan thông báo quyết định sơ bộ ban đầu của Chính phủ. Vui tột độ có lẽ là các anh Phạm Diêu, Phan Quang Tiệp, bởi chính họ là những cán bộ, đã từng "lao tâm, khổ tứ, gối đất, nằm sương" mấy tháng trời, trực tiếp khảo sát và cùng cán bộ chuyên môn hoàn chỉnh luận chứng tuyến đường.
      Là người từng dấn bước theo lối mòn, vai trĩu nặng ba lô, leo núi, vượt suối, băng rừng Trường Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, rồi những năm dài đằng đẵng thời đánh Mỹ, phải mượn đất bạn Lào mở đường…, liệu ai có thể giấu nổi niềm vui này?
      Tôi nói với anh Phạm Diêu:
      - Ước mơ đã thành hiện thực. Nhưng niềm vui như được nhân đôi, bởi rất may cho chúng ta là Chính phủ quyết định cho triển khai, khi Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã có thực lực.
      Các anh Phạm Diêu, Phan Quang Tiệp, Dương Đình Tạ… đều nhất trí đề nghị Bộ Tư lệnh: Luận chứng đã được Chính phủ thông qua, cho triển khai ngay. Vừa thi công, vừa tính toán số liệu chính xác cụ thể.
      Chúng tôi nhất trí theo cách đó.
      Vào những ngày bộ đội Trường Sơn dồn sức cho "công trình thế kỷ" này, chúng tôi vinh dự được đón Thủ tướng Phi-đen Cát-xtơ-rô vào thăm vùng giải phóng Quảng Trị, thăm Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam và thăm Đường Hồ Chí Minh.
      Thật sự gây niềm kính phục, xúc động trong tôi là hình ảnh vị nguyên thủ Cuba - một quốc gia bé nhỏ, rất đỗi anh hùng bên kia Thái Bình Dương hiện diện rất sớm ở Quảng Trị, ngay sau khi mảnh đất này vừa được giải phóng. Đồng chí trong bộ quân phục với dáng vóc uy nghiêm, đứng trên xác một chiếc xe tăng Mỹ tại thị xã Đông Hà tuyên bố trước ngàn quân và đông đảo nhân dân rằng: Chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của Cuba. Quảng Trị là Hi Rông của Cuba…
      Là người đã từng nêu khẩu hiệu: "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến cả máu mình", sau chuyến vào Trường Sơn, Thủ tướng Phi- đen Cát-xtơ-rô đã báo cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng rằng: Cuba sẽ viện trợ cho Bộ Tư lệnh Đường Hồ Chí Minh một số thiết bị làm đường hiện đại mà nước ông mua của Nhật Bản, và sẽ cử chuyên gia cầu đường sang giúp.
      Về nước, Thủ tướng Phi-đen đã phái ngay 73 kỹ sư, công nhân lành nghề sang Việt Nam, vào Trường Sơn "cùng đổ mồ hôi, sôi nước mắt" với bộ đội, thanh niên xung phong Việt Nam trên từng cung đường. Sau đó, một khối luợng thiết bị làm đường hiện đại trị giá sáu triệu đô-la, gồm máy húc 130 CV, xe ben 12 tấn, máy lu, máy tưới nhựa đường… do Cuba viện trợ đã vượt biển cặp cảng Hải Phòng. Được Bộ Quốc phòng thông báo, chúng tôi cử Cục phó công binh Trần Đình Cầu, Trưởng phòng vật tư kỹ thuật Đặng Hương dẫn Trung đoàn 515 vận tải ra nhận.
      Vậy là không chỉ Lào, Campuchia, bạn bè cùng chung chiến trường, chung kẻ thù; không chỉ Liên Xô, Trung Quốc và bạn bè trên đại lục Á - Âu… mà đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh còn thu hút được khối óc, con tim, sự hỗ trợ về vật tư thiết bị của bạn bè Cuba cách ta nửa vòng trái đất.
      Riêng phần mình, sau khi có quyết định, sự hỗ trợ to lớn của trên, trong xây dựng đường cơ bản, Bộ Tư lệnh Trường Sơn xem yếu tố hàng đầu phải là con người. Đặc biệt là cán bộ chủ trì. Với quan điểm đó, chúng tôi chủ trương sớm tập huấn nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy và kỹ thuật thi công cầu đường. Để thống nhất nội dung, chuẩn bị cho tập huấn, chúng tôi chọn Sư đoàn 473 công binh thi công thí điểm theo phương thức có tính công nghiệp: "Dây chuyền- chuyên sâu - đồng bộ", với động lực là "Lao động thủ công + công cụ cải tiến + thuốc nổ + phương tiện thi công cơ giới". Bốn thứ động lực chính này phải đổi mới hoàn toàn về công cụ thao tác, ứng dụng kỹ thuật và sáng kiến; nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng công trình. Máy húc thi công theo sơ đồ. Xe ben nhận đất đá theo "ke xả", nhận xong có đường đi luôn, không mất thời gian quay trở.
      Những điểm có khối lượng thi công lớn, dùng máy húc thi công; nơi nhỏ lẻ, chủ yếu làm thủ công. Các lực lượng tập trung làm ban ngày. Chỉ những bộ phận đổ bê tông mới làm đêm…
      Nói về tổ chức thực nghiệm đổi mới phương thức làm đường, thì anh Bùi Thế Tâm - một cán bộ có trình độ, ham học hỏi, cùng các anh Nguyễn Văn Kỷ, Tô Đa Mạn, Cao Đôn Luân là một tập thể cán bộ sư đoàn binh chủng khá đều tay, quyết tâm cao. Ấn tượng đó được củng cố thêm sau lần tôi cùng anh Lê Xy và anh Phan Khắc Hy xuống làm việc với Bộ Tư lệnh sư đoàn bàn áp dụng thi công cầu đường theo phương thức mới, có thỉết bị kỹ thuật hiện đại, đồng bộ do Cuba viện trợ.
      Theo dõi Phó tư lệnh Phan Khắc Hy giới thiệu sơ đồ đội hình thi công "chuyên sâu - dây chuyền - đồng bộ", anh Bùi Thế Tâm nêu ý kiến:
      - Báo cáo, đây thực sự là khái quát một phương châm tổ chức thi công cầu đường rất mới của Binh chủng Công binh. Nhưng liệu đã hội đủ những điều kiện để có thể triển khai được chưa?
      Phó chính uỷ Lê Xy nói rõ thêm:
      - Trong chính phương châm đó đã nói rõ động lực chính là con người, kết hợp công cụ cải tiến, thuốc nổ.
      Bộ Tư lệnh Sư đoàn 473 hoàn toàn nhất trí và hứa vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện thêm.
      Thấy đã thống nhất phương thức thi công, tôi hỏi:
      - Theo ý kiến các anh, nên chọn đoạn nào để thi công thí điểm và sử dụng đơn vị nào?
      Bộ Tư lệnh 473 nhất trí chọn trên dưới 100 cây số từ Dakrong đến Bù Lạch. Đoạn này gần đường 9; tập kết vật tư, thiết bị thuận lợi. Về lực lượng thi công, Sư đoàn đề nghị cho bốn trung đoàn thật thiện chiến làm đường và Trung đoàn cầu 99.
      Anh Tâm kiến nghị:
      - Đề nghị Bộ Tư lệnh ưu tlên cho quãng thi công thí điểm này. Nếu "đầu xuôi" thì ắt là "đuôi sẽ lọt"!
      Chúng tôi nhất trí phương án của Chỉ huy Sư đoàn 473. Riêng lực lượng, bổ sung hai đoàn thanh niên xung phong.
      Do tầm quan trọng của khâu "đột phá khẩu", Bộ Tư lệnh thấy cần phải để anh Lê Xy và anh Phan Khắc Hy ở lại tiếp tục giúp Sư đoàn 473 một thời gian.
      Với nội bộ Thường Vụ Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Trường Sơn, công việc luôn bề bộn, đan cài. Nhưng cơ bản mấy anh em hoạt động đều tay, nên mọi việc đều trôi chảy, chu tất. Riêng các anh Lê Xy, Nguyễn An, Phan Khắc Hy, Nguyễn Lang, Lê Đình Sum thường được dành "ưu tiên" trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ những việc, những thời đoạn khó khăn nhất. Ngoài tuổi trẻ, sức khỏe, đây là những cán bộ kiên cường, sáng tạo, có trình độ, năng lực tổ chức chỉ huy và dày dạn kinh nghiệm.
      Theo phương thức tổ chức thi công đã thống nhất, được anh Phan Khắc Hy và anh Lê Xy chỉ đạo trực tiếp, sau 3 tháng thi công thí điểm ở Sư đoàn 473, kết quả cho thấy các chỉ tiêu đều vượt hai lần so với cách làm cũ. Đây là cơ sở quan trọng để chúng tôi kết luận phương pháp, ngllyên tắc, phương châm đề ra trước đây là cơ bản chính xác.
      Tháng 6 năm 1973, Đảng uỷ Bộ Tư lệnh Trường Sơn họp bàn chuyên đề về xây dựng đường cơ bản đông Trường Sơn. Tiếp đó, chúng tôi tiến hành tập huấn cho cán bộ sư đoàn, trung đoàn và cơ quan Bộ Tư lệnh. Địa điểm tập huấn là sở chỉ huy giã chiến của Sư đoàn 473, nằm cạnh sông Bang, gần mỏ nước khoáng, cây số 18 đường 16 (Lệ Thuỷ, Quảng Bình). Đây là địa điểm thành lập Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Bình thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, mà tôi là uỷ viên Ban Chấp hành, khi đó gọi là Mặt trận Việt Minh "Cô Tám" (tên một phụ nừ yêu nước tiêu biểu của Quảng Bình trước đây).
      Theo phân công của Bộ Tư lệnh, tôi truyền đạt cho hội nghị tập huấn về tư tưởng và phương châm xây dựng cầu đường.
      Hơn 200 cán bộ dự tập huấn hào hứng tập trung theo dõi, ghi chép đầy đủ, thảo luận sôi nổi, thắng thắn; phân tích rỡ những ưu điểm và hạn chế của "mô hình" làm đường kiểu mới. Đa số cho rằng đây là kiểu làm đường chưa từng có của ngành giao thông nưởc ta cho đến nay, là bước chuyển hướng có tính chiến lược với hàng loạt nội dung mới về làm đường tiêu chuẩn trên tuyến chi viện chiến lược Đường Hồ Chí Minh. Hai vấn đề lớn mà cán bộ dự tập huấn trao đổi, tranh luận khá kỹ là thời gian hoàn tất công trình và phương pháp thi công. Cuối cùng hội nghị đều nhất trí với phương án của Bộ Tư lệnh. Về thời gian, quyết tâm hoàn thành trong 4 năm như Chính phủ đã chấp thuận. Sau này, trong quá trình triển khai có thể điều chỉnh.
      Về lực lượng, phải huy động tập trung vào đây Sư đoàn công binh thiện chiến 473, Sư đoàn khu vực 470 và 4 đoàn thanh niên xưng phong, với khoảng 25.000 người cùng một số phương tiện thi công mới. Dự kiến có thể tăng cường thêm một số trung đoàn của Sư đoàn 472.
      Về phương pháp thi công, phải có "điểm" và có "diện". Điểm là từ Cù Bai, đường 16 (Quảng Bình) vào Kontum. Phải tập trung vào đây Sư đoàn công binh 473 và một số trung đoàn công binh của các sư đoàn khác, các đoàn thanh niên xung phong và thiết bị thi công mới có công suất cao. Tổ chức thi công theo 4 cung đoạn, 4 mũi, nhằm sớm hợp điểm để có thể nhanh chóng đưa vào sử dụng cả tuyến đường khi xuất hiện thời cơ chiến lược mới.
      Về kỹ thuật, mặt đường chủ yếu rải đá cấp phối; khi có điều kiện sẽ cho rải nhựa; cầu cống làm vĩnh cửu, trước mắt là cống và cầu nhỏ.
      Xét mọi phương diện, hội nghị tập huấn lần này có tầm quan trọng đặc biệt được chúng tôi xem như hội nghị Hương Đô tập huấn chiến dịch, chiến thuật vận tải vào cuối mùa hè năm 1967; nó nhằm đổi mới phương thức tổ chức thi công cầu đường theo một mô hình mang tính chất công nghiệp với tư duy khoa học, sáng tạo, trong điều kiện chiến tranh.
      Sau hội nghị tập huấn, toàn tuyến xốc lại đội hình. Sở chỉ huy các sư đoàn và đội hình các trung đoàn, đại đội được điều chỉnh theo từng cung đường được đàm trách. Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh chuyển vào Thạch Bàn - ngã ba đường 15 và đường 16, cạnh sông Bang - đứng ở điểm đầu hướng đột kích của tuyến mới Đường Hồ Chí Minh đang vào thời điểm thi công dồn dập.
      Đầu hè cho tới tháng 9 năm 1973, trên mặt trận cầu đường, toàn tuyến đã huy động trên 1,6 triệu công lao động trực tiếp, hơn 13 nghìn kíp máy, 200 nghìn chuyến xe ben, trên 2.600 tấn thuốc nổ, 300 nghìn tấn sắt thép, 150 nghìn tấn xi măng… Đổi lại, tuyến đông Trường Sơn đã thông xe được từ Thạch Bàn vào bến Giăng (dài 338 cây số). Tuyến tây Trường Sơn gần 700 cây số từ Bản Đông vào Plây Khốc được hạ dốc, mở rộng, "nắn" sửa những quãng vòng cua gấp. Nhờ vậy, đường của ta từ chỗ tuyến hẹp, dốc cao, bán kính vòng cua nhỏ, thành đường rộng từ 6 - 8 mét, được rải đá hoặc cấp phối ở những quãng trọng điểm; được là phẳng ở những nơi có kết cấu địa tầng tốt, vượt sông suối hầu hết bằng cầu; bảo đảm lực lượng cả 2 hướng, trên dưới 2.000 xe vào ra cả ngày đêm với tốc độ trung bình 30-85 cây số một giờ.
      Việc thi công đường ống xăng dầu tuyến đông Trường Sơn khó khăn phức tạp còn hơn đường ô tô, bởi địa hình hiểm trở, chia cắt mạnh. Do vậy, tới đầu mùa khô 1973-1974 mới tới được Trao.
      Trong khi đó ở hành lang phía tây, đường ống xăng dầu đã kéo vào khu vực ba biên giới.
Logged
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #45 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2007, 12:43:38 am »

***
      Tháng 7 năm 1973, Trung ương Đảng ra nghị quyết 21 khắng định con đường cách mạng miền Nam vẫn tiếp tục con đường cách mạng bạo lực. Bất luận trong tình huống nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, không mơ hồ, ảo tường vào "thiện chí" của kẻ thù, giữ vững chiến lược tiến công, tiếp tục đưa cách mạng miền Nam đi lên.
      Tháng 10 năm 1973, Quân uỷ Trung ương có nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ quân sự đối với cách mạng miền Nam, đặc biệt nhấn mạnh công tác chuẩn bị tạo thế và lực, kể cả chuẩn bị chiến trường, bảo đảm cho tác chiến hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn khi thời cơ đến.
      Tổ chức cho bộ đội quán triệt nghị quyết của Đảng, chúng tôi cho rằng những gì mà Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã và đang làm - đặc biệt là chủ trương phát triển, hoàn thiện thế trận vận chuyển từ sau khi có Hiệp định Paris, thực sự là những bước đi vừa mang tính tuần tự, cơ bản, vừa mang tính "đi trước, đón đầu".
      Trong hàng loạt nhiệm vụ cấp bách, Trung ương Đảng, Quân uỷ Trung ương coi trọng hoạt động chi viện chiến trường, phát triển tuyến chi viện chiến lược - Đường Hồ Chí Minh.
      Cuối tháng 11 năm 1973, anh Phan Trọng Tuệ điện báo với tôi rằng Chính phủ chính thức ra quyết định xây dựng đường tiêu chuẩn quốc gia đông Trường Sơn. Về hướng tuyến, thời gian thi công, tiêu chuẩn kỹ thuật cơ bản như luận chứng đã được anh Đỗ Mười thông qua hồi tháng 5 năm 1973. Mấy ngày sau anh Tuệ vào Thạch Bàn giao cho chúng tôi quyết định số 247, do Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị ký ngày 17 tháng 11 năm 1973.
      Thay mặt Chính phủ vào giao quyết định, giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn, nhưng khi gặp chúng tôi tại sở chỉ huy, anh Phan Trọng Tuệ thân tình bảo:
      - Mình vào mừng và chia vui với bộ đội Trường Sơn.
      Trên thực tế, đường tiêu chuẩn đông Trường Sơn đã được Bộ Tư lệnh Trường Sơn cho triển khai thi công từ cuối năm 1972. Việc Chính phủ phê chuẩn luận chứng kinh tế - kỹ thuật là một yếu tố quyết định, một động lực mới để bộ đội Trường Sơn sớm thực hiện được ước nguyện lớn lao.
      Trung tuần tháng 12, sau khi ổn định sinh hoạt, công tác của cơ quan Bộ Tư lệnh ở Thạch Bàn, tôi cùng một số cán bộ chủ trì cơ quan xuống làm việc với Sư đoàn 571, kiểm tra đội hình trung đoàn xe chạy ban ngày và tình hình sửa chữa, nâng cấp đường tây Trường Sơn; chỉ đạo cho bắc cầu phao cỡ hai:làn xe ở những ngầm nước lớn.
      Tiếp đó, tôi đến làm việc trực tiếp với lãnh đạo các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, hiệp đồng tăng cường lực lượng vận tải đường sông, đường biển, đặc biệt là nhân lực bốc xếp ở các cảng Đông Hà, Nhật Lệ, Hòn La…, và các khu vực dự trữ hàng dọc đường 9.
      Xong việc ở tuyến ngoài, chúng tôi vào kiểm tra khu vực ba biên giới. Kể từ khi ở cương vị Tư lệnh bộ đội Trường Sơn, đây là lần thứ năm tôi vào thị sát "Thánh địa" này. Và cứ mỗi lần đến đây tôi lại có thêm nhũng cảm nhận mới, những ý tưởng mới về vùng đất thiêng liêng có tên là "Ngã ba biên giới". Ai có may mắn đến nơi này đều bâng khuâng khôn tả khi nghe được những chú gà trống của ba nước Việt - Miên - Lào cùng cất tiếng gáy đón chào bình minh…
      Là cán bộ quân sự, không riêng gì tôi, mà ai cũng phải lưu tâm về vị thế chiến lược của vùng đất ấy. Và thực tế, khu vực ba biên giới từ lâu đã trở thành căn cứ chiến lược chung của các chiến trường Nam Đông Dương.
      Ở điểm "giao thoa" này, Việt Nam có Tây Nguyên trải rộng trên địa bàn ba tỉnh, đất đai bằng phẳng, mỡ màu; tài nguyên rừng, tiềm năng thuỷ điện và cây công nghiệp lớn nhất trong nước.
      Phía bạn Lào, nối với Tây Nguyên có cao nguyên Bloven, diện tích rộng, đất đai phì nhiêu, giàu có về tài nguyên rừng; tiềm năng thuỷ điện và cây công nghiệp rất lớn; có nhiều sông lớn thuận cho giao thông bằng tàu thuyền, có Thác Khôn nổi tiếng cả Đông Dương.
      Phía Campuchia có vùng rừng Đông bắc rộng lớn, hiểm trở, là địa bàn đứng chân lý tưởng của lực lượng vũ trang.
      Với vị trí có tính chiến lược đó, nếu như cách mạng ba nước giữ được vùng ba biên giới, thì dám chắc chẳng kẻ thù nào làm gì được ta.
      Trên cơ sở một căn cứ chiến lược chung, đã hình thành mặt trận đoàn kết chiến đấu giữa ba dân tộc cùng chống kẻ thù chung qua hai cuộc kháng chiến, giành độc lập cho mỗi quốc gia và bảo vệ vững chắc thành quả đó. Tuy phương cách, bước đi tới thắng lợi của từng nước không giống nhau, nhưng đoàn kết chiến đấu, dựa vào nhau để giành thắng lợi là một nguyên tắc, một yếu tố có tính sống còn của cách mạng mỗi nước.
      Nung nấu những ý tưởng đó, trong bất cứ tình huống nào, Bộ Tư lệnh Trường Sơn cũng coi trọng xây dựng căn cứ ba biên giới.
      Trở lại lần này tôi kiểm tra khắp lượt các đơn vị đứng chân nơi đây nhưng chủ yếu là Sư đoàn 470. Đoàn chúng tôi đã tới tỉnh lỵ A-tô-pơ, sau đó dùng xuồng máy xuôi dòng Xê Công rồi Mê Công đến các Binh trạm 51, 53 ở Xiêm Pạng, sau đó đi ô tô về sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Sư đoàn 470.
      Một may mắn là trong chuyến đi lần này tôi được làm việc trực tiếp với cán bộ chủ trì một số chiến trường, nắm được tình hình chung và yêu cầu cụ thể của từng hướng. Bởi vậy trong suy nghĩ của tôi luôn choán ngự hai vấn đề bức bách nhất:
      - Làm sao đẩy nhanh tốc độ thi công đường Trường Sơn?
      - Làm sao chi viện binh lực, vật chất cho các chiến trường kịp thời nhất, đồng bộ nhất?
      Từ những đòi hỏi bức xúc đó, tôi dành mấy ngày kiểm tra việc thi công đường đông Trường Sơn qua Gia Lai và Đắc Lắc.
      Ở địa bàn do Sư đoàn 470 đảm trách, chúng tôi tới vùng giải phóng Đắc Tô, Tân Cảnh, khảo sát lại đường 19 - đoạn từ Gia Lai sang Stung Treng (Campuchia), các trục 128A, 128B là những trục ngang nối Kontum với A-tô-pơ. Tiếp đó, chúng tôi đi Plây Cần, Sa Thầy kiểm tra tuyến đường mới mở.
      Tới Trung đoàn 4 công binh, sau khi nghe Trung đoàn trường Lê Thanh Nhàn báo cáo, tôi kết luận ngay:
      - Trung đoàn thi công nơi địa hình bằng phẳng, phương tiện thi công cơ giới có công suất cao và đồng bộ như: máy húc Kommassu 130 mã lực, máy gạt, máy lu, máy xúc, máy đào rãnh, xe xi-téc tưới nước… là điều kiện rất tốt để thi công thẹo phương thức dây chuyền - chuyên sâu - đồng bộ. Các đồng chí cho làm thử một tuần, xem mỗi ngày hoàn chỉnh được bao xa.
      Ngay sau đó, chúng tôi kéo nhau vào khu rừng khộp thuộc địa phận Ea Súp (Đắc Lắc), phía nam đường 19 trực tiếp chỉ huy đơn vị thi công theo bốn công đoạn trong dây chuyền: nhổ cây, rà rễ - ủi đào đắp nền - san mui, luyện mặt đường - đào rãnh, đặt cống.
      Cả ngày hôm đó, trung đoàn thi công được một cây số, hoàn chỉnh ba công đoạn; riêng đặt cống, rải cấp phối chưa thực hiện được.
      Từ thực tiễn chỉ đạo Trung đoàn 4, chúng tôi đã hệ thống lại thành tài liệu mô hình tác nghiệp làm đường qua địa hình cao nguyên và gửi ngay cho các Trung đoàn công binh 551, 574 và một số đơn vị khác có điều kiện thi công tương tự.
      ***
      Đến tháng 4 năm 1974, lực lượng làm đường trên toàn tuyến có 4 sư đoàn, 5 trung đoàn công binh và 4 đoàn thanh niên xung phong. Ở tuyến "điểm" có 3 sư đoàn, 5 trung đoàn công binh và 4 đoàn thanh niên xung phong với trên 6 vạn quân. Ở tuyến "diện", phía sau có 2 trung đoàn với hơn 3.000 quân thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn và gần 2 vạn người, gồm lực lượng thuộc Bộ Giao thông vận tải, thanh niên xung phong và dân công các tinh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
      Ở tuyến "điểm", chúng tôi chỉ đạo lấy cấp sư đoàn công binh làm đơn vị tổ chức, chỉ huy thi công tập trung thống nhất. Trong đó mỗi sư đoàn tổ chức hai trung đoàn chuyên về nền, móng; từ một đến hai trung đoàn chuyên làm mặt đường; một trung đoàn chuyên làm cầu, cống; một tiểu đoàn làm đường công vụ; một tiểu đoàn vận chuyển vật tư, vật liệu, một tiểu đoàn sản xuất vật liệu, một đại đội khảo sát, thiết kế, nghiệm thu và một số phân đội phục vụ.
      Trong thiết kế thi công phải tạo được phương thức thi công công nghiệp "chuyên sâu - dây chuyền - đồng bộ". Các đội hình thi công theo "bậc thang"; bố trí lệch nhau về thời gian, nhưng đảm báo tính kế thừa, liên tục về công đoạn, không để chờ đợi, ùn tắc. Quy định từng tháng, mỗi sư đoàn làm được bao nhiêu đường là phải hoàn chỉnh tổng thể (trừ cầu vĩnh cửu) để có thể sử dụng ngay.
      Chiến trường Trường Sơn thưa dần tiếng bom đạn của kẻ thù. Nhưng thay vào đó là một công trường xây dựng khổng lồ, hội lưu gần chục vạn con người, hàng vạn máy móc thiết bị. Núi rừng rung chuyển không phải vì đạn bom mà bởi những chiến sĩ làm đường, chiến sĩ vận tải. Những bàn tay một thời "xẻ núi, lăn bom" giờ đây lại tiếp tục bạt núi, mở đường, dựng cầu… Làm nên những con đường rải đá trên Trường Sơn. Hoạt động thi công đường đông Trường Sơn ngày càng đi vào quỹ đạo ổn định, đạt được tốc độ "thần tốc", chất lượng, hiệu quả.
Logged
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #46 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2007, 12:44:21 am »

***
      Trên tuyến tây Trường Sơn, xe ta tung hoành trên cả "đường kín", "đường hở" suốt ban ngày. Đặc biệt sau khi Bộ Tư lệnh quyết định bỏ các cung trung chuyển; từ Đông Hà, Long Đại xe chạy một mạch vào Xê Sụ với cự ly hơn 500 cây số, để rồi từ đó chuyển thẳng vào Nam Bộ… thì hiệu quả vận chuyển tăng vọt. Theo báo cáo của cơ quan Tham mưu vận tải, đến hết tháng 1 năm 1974 toàn tuyến chuyển giao Nam Bộ trên 8.000 tấn vật chất, nhiều hơn kế hoạch vận chuyển chi viện cho chiến trường này cả mùa khô 1972.
      Nhưng rồi "cái gương nào cũng có mặt trái của nó". Người đời thường nói vậy! Vào thời điểm này, xuống thăm một số đơn vị vận tải, tôi đã bắt gặp sự "quá tải" của anh em. Xe, lái, thợ kỹ thuật, tung hết lên tuyến, liên tục và liên tục… Vì sự toàn thắng, vì yêu cầu tạo thế, tạo lực cho chiến trường, lái xe mặc sức tung hoành trên những cung đường mà trước đây phải "lấy đêm làm ngày".
      Với cường độ này, nguy cơ "tụt" lái, "tụt" xe có thể trở thành hiện thực. Do vậy, chúng tôi kịp thời chỉ thị cho cơ quan hậu cần và kỹ thuật tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và giữ vững đầu xe.
      Tết sắp đến, không khí Trường Sơn càng rạo rực. Những ngày cuối tháng chạp, chúng tôi nhận kế hoạch đột xuất chuyển gần 1.000 tấn hàng, trong đó có nhiều hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân Khu 5 và Tây Nguyên vào dịp Tết. Thời gian quá eo hẹp, nhưng Bộ Tư lệnh giao cho Trung đoàn 512 vận tải ô tô, bằng mọi giá phải hoàn thành nhiệm vụ, quyết không được phụ lòng tin của Trung ương Đảng, Chính phủ quan tâm đặc biệt đến cái Tết của đồng bào miền Nam.
      Chỉ sau hơn 10 hôm kể từ khi nhận lệnh, Trung đoàn 512 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và quay trở về với cái tết "cơm niêu, nước lọ" dọc đường.
      Chiều 29 Tết, tôi nhận được điện của anh Võ Chí Công - Bí thư khu uỷ Khu 5 báo tin vui, hàng đã vào đủ ở Khâm Đức, ở Tây Nguyên. Rồi niềm vui chiều tất niên rộn rực hơn,thiêng liêng hơn, khi chúng tôi nhận điện báo anh Trường Chinh vào thăm.
      Chiều 30 Tết, anh Trường Chinh vào và cùng đón giao thừa với Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Cùng đi với anh có anh Nguyễn Đôn - uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
      Anh Trường Chinh là một nhà lãnh đạo lỗi lạc, dày dạn kinh nghiệm của Đảng ta; có tác phong làm việc khoa học, cẩn thận, có sức thuyết.phục và tác đụng giáo dục cấp dưới rất thiết thực.
      Biết phong cách làm việc của anh, nên khi có tin anh vào, tôi đã cho chuẩn bị những nội dung cần báo cáo thành văn bản, hoặc vẽ thành bản đồ.
      Sáng mùng một Tết, nghe tôi báo cáo tình hình hoạt động của tuyến xong, anh Trường Chinh hỏi:
      - Từ sau Hiệp định Paris được ký kết, trở ngại lớn nhất trong vận chuyển chi viện chiến trường là gì? Xăng dầu bảo đảm cho tuyến đường ống vào khu vực ba biên giới có đủ không? Xây dựng đường tiêu chuẩn đông Trường Sơn có gì vướng mắc…?
      Tôi trả lời:
      - Thưa anh, kẻ thù trực tiếp nguy hiểm của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn là hoạt động đánh phá của địch về cơ bản bị loại trừ; điều kiện thời tiết gây trở ngại tuy được khắc phục một phần, nhưng cơ bản vẫn còn, bởi đường vận tải của ta là đường dã chiến. Tuy vậy, chúng tôi vẫn bảo đảm được chỉ tiêu kế hoạch vận chuyển chi viện chiến trường vì đã chuyển toàn bộ lực lượng vận tải cơ giới sang chạy ban ngày, tốc độ cao hơn, đội hình tập trung lớn hơn. Đặc biệt đã bỏ những trạm trung chuyển, chạy cung dài, đưa hàng tới thẳng chiến trường.
      Về nguồn xăng dầu, do phải bơm xăng từ Bãi Cháy - Quảng Ninh, tuyến quá dài, nên cũng có thời điểm thiếu hụt, phải ngừng bơm. Khắc phục sự cố đó, bộ đội xăng dầu đã đặt những bể chứa xăng dự trữ ở cuối tuyến đường ống.
      Về xây dựng đường tiêu chuẩn đông Trường Sơn, Bộ Tư lệnh Trường Sơn có sự phối hợp của Bộ Giao thông vận tải, đang triển khai tích cực. Khó khăn chủ yếu lúc này là thiếu xi măng, sắt thép, nhựa đường.
      Hiện tại, chúng tôi chọn điểm khởi đầu (Km 0) tuyến Đường Hồ Chí Minh là Tân Kỳ - Nghệ An, với ý nghĩa chọn một điểm trên quê hương Bác Hồ, nhưng sau này, khi ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đề nghị Chính phủ nên lấy điểm bắt đầu là Pắc Bó, Cao Bằng, phần chủ yếu chạy men theo sườn đông Trường Sơn vào tới Cà Mau - Đất Mũi, tạo thành một tuyến xuyên Việt thứ hai, không chỉ đáp ứng yêu cầu chiến tranh hiện đại, mà còn là cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá miền núi…
      Anh Trường Chinh kết luận:
      - Qua báo cáo đầy đủ, súc tích của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, tôi thấy có những vấn đề các đồng chí làm rất táo bạo, sáng tạo, cần nêu thành bài học không chỉ riêng cho bộ đội Trường Sơn mà cả cho đơn vị khác, chiến trường khác…
      Tuyến Đường Hồ Chí Minh trong những năm qua đã góp phần quan trọng vào thắng lợi bước đầu của cách mạng miền Nam và cả nước. Nhưng miền Nam chưa được giải phóng, đất nước chưa thống nhất, cuộc chiến đấu của chúng ta còn tiếp diễn. Từ những kinh nghiệm xương máu của lịch sử, tôi đánh giá cao những dừ liệu rất thực tế của các đồng chí để đề phòng đối phương phản trắc.
      Trong quá khứ, Đảng ta thừa thiện chí, nhưng quân thù "chết thì chết, nết không chừa". Phản trắc là vấn đề thuộc về bản chất của kẻ địch. Vì vậy tôi đề nghị các đồng chí phải thật sự cảnh giác, tích cực chuẩn bị và hành động kịp thời nếu đối phương phản bội.
      Kinh nghiệm sau Cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến, hai lần đàm phán đình chiến, nếu đối phương còn lực thì không bao giờ họ ngừng phản kháng. Nếu tình huống lại xảy ra như trước đây thì tuyến Đường Hồ Chí Minh cực kỳ quan trọng, vì đây là một trong những điều kiện có tính quyết định để miền Bắc, các nước xã hội chủ nghĩa anh em chi viện cho cuộc cách mạng miền Nam.
      Anh Trường Chinh không quên nhắc nhở Bộ Tư lệnh hết sức tránh chủ quan, thoả mãn; trước mắt, hoàn thành thật tốt kế hoạch năm 1974.
      Sau khi làm việc với Bộ Tư lệnh, chúng tôi đưa anh xuống thăm và chúc Tết Sư đoàn ô tô 571. Trước hàng nghìn quân - những tay lái lão luyện của Trường Sơn với một đội hình xe hùng hậu, thiện chiến, anh Trường Chinh vô cùng phấn khởi và xúc động. Là người dõi theo từng bước tiến của Quân đội, hỏi rằng làm sao anh có thể giấu được niềm vui, bởi từ bước đầu, với 34 chiến sĩ áo chàm, súng kíp… nay quân đội ta có những lực lượng binh chủng hợp thành vô cùng tinh nhuệ…
Logged
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #47 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2007, 12:45:06 am »

***
      Đầu xuân Giáp Dần, ngày 21 tháng 2 năm 1974, Đảng uỷ Bộ Tư lệnh Trường Sơn họp. Đây là phiên họp đầu tiên của Đảng uỷ mới kể từ sau khi trên tuyến tổ chức các sư đoàn binh chủng.
      Hội nghị tập trung đánh giá kết quả các mặt công tác từ đầu mùa khô 1973-1974, phổ biến biên chế tổ chức mới; quán triệt tình hình nhiệm vụ mới, thông qua chỉ tiêu kế hoạch công tác tháng 3, sớm kết thúc kế hoạch mùa khô. Đảng uỷ cử anh Hoàng Thế Thiện - Chính uỷ làm Bí thư.
      Đầu tháng 3, tôi quyết định đi thực địa một đợt dài ngày, kiểm tra các đơn vị thi công đường đông Trường Sơn - chủ yếu là quãng từ Dakrong (Quảng Trị) vào Khâm Đức (Quảng Nam), đồng thời làm việc với Bộ Tư lệnh các chiến trường, hiệp đồng kế hoạch chi viện nhằm đáp ứng tình hình phát triển nhanh.
      Đang lục tục chuẩn bị lên đường thì đoàn cán bộ của Bộ Giao thông vận tải, do anh Đặng Hữu (lúc đó là Chủ nhiệm khoa cầu đường - Trường Đại học Xây dựng) dẫn đầu vào.
      Anh Đặng Hữu hồ hởi nói:
      - Theo yêu cầu của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, anh Phan Trọng Tuệ phái tôi cùng một số cán bộ kỹ thuật vào gìúp các anh duyệt thiết kế một số đoạn đường phức tạp.
      Cùng vào với anh Đặng Hũu có khoảng 50 kỹ sư cầu đường. Số anh em này có quyết định tăng cường cho công binh Trường Sơn.
      Tôi quyết định lùi chuyến đi một ngày và cho mời ngay các anh Phan Quang Tiệp, Hoàng Đình Luyến tới cùng làm việc với phái đoàn của Bộ Giao thông vận tải.
      Tôi nói với anh Đặng Hữu:
      - Rút kinh nghiệm của thời kỳ kháng chiến chống Pháp và những năm chống Mỹ vừa qua, lần này xây dựng đường đông Trường Sơn, chúng tôi muốn bám sát chân núi, muốn đi trên đỉnh đồi kiểu "yên ngựa". Toàn tuyến có những đoạn phức tạp nhất là:
      - Từ Khe Gát (Quảng Bình) vào Hướng Lập (Quảng Trị).
      - Từ Dakrong (Quảng Trị) vào A Lưới (Thừa Thiên).
      - Từ Bù Lạch (Thừa Thiên) vào Đắc Pét (Kontum).
      Ở những đoạn này, khối lượng đất đá phải đào đắp, bạt xả ta-luy rất lớn; có nơi hơn 200 nghìn mét khối một cây số. Các anh cố giúp ở những đoạn khó.
      Nhân thể, tôi kể anh Đặng Hữu nghe, trong một lần về làm việc với Bộ Giao thông vận tải có Thủ trưởng Bộ và một số cán bộ Viện Thiết kế giao thông. Khi chúng tôi trình bày luận chứng kinh tế - kỹ thuật về tuyến đường này, các anh ở Viện Thiết kế giao thông nói:
      - Mở đường tiêu chuẩn cấp 4 miền núi mà đi theo hướng tuyến công binh Trường Sơn chuẩn bị thì ở miền Bắc từ kháng chiến chống Pháp đến nay, chưa nơi đâu làm. Bởi lẽ, nền đường mở càng rộng, ta-luy dương càng cao, gặp mưa lũ thì khối lượng sụt lở càng lôn; phải 5 hoặc 6 năm sau ổn định dần, mới đỡ bị sụt lở.
      Nghe vậy anh Phan Trọng Tuệ nói luôn:
      - Các đồng chí ở Viện Thiết kế nói vậy là có thực tế. Nhưng không sao. Đã chấp nhận làm đường miền núi, lại đòi không sụt lở là điều không tưởng. Vấn đề đặt ra là phải có biện pháp kỹ thuật để hạn chế sụt lở. Bộ sẽ phái chuyên gia vào giúp công binh Trường Sơn.
      Nay lời hứa đó đã được thực hiện. Chúng tôi vô cùng cảm ơn anh Phan Trọng Tuệ, cảm ơn các anh đã vào.
      Tôi đề nghị anh Đặng Hữu và đoàn của Bộ xuống trực tiếp giúp Sư đoàn 473 - sư đoàn chủ lực cầu đường, xem xét góp ý kiến và duyệt một số điểm làm mẫu. Sau đó kỹ sư, cán bộ kỹ thuật của chúng tôi tự lo liệu.
      Vào thời điểm này, trên tuyến đã có tới 250 kỹ sư cầu đường. Phần đông do Bộ Giao thông vận tải đưa vào. Có một số giữ trọng trách sư đoàn trường, trung đoàn trưởng; số còn lại là cán bộ khảo sát thiết kế… Đây thực sự là lực lượng "rường cột" của công binh Trường Sơn…
      Nghĩ tới sự trưởng thành của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, đặc biệt là bước chuyển lớn về thế trận cầu đường, chúng tôi càng biết ơn anh Phan Trọng Tuệ - cựu Tư lệnh bộ đội Trường Sơn. Anh Tuệ - một chiến sĩ cách mạng miền Bắc vào hoạt động ở đồng bằng sông Cửu Long, gắn bó máu thịt với chiến trường Khu 9 thời đánh Pháp, hết lòng hết dạ vì miền Nam những năm đánh Mỹ, và cũng nhiều "duyên nợ" với đường Trường Sơn. Đối với việc làm đường tiêu chuẩn, anh ủng hộ chúng tôi hết lòng, tăng cường cho tuyến nhiều kỹ sư cầu đường, xe - máy, Ban 67… và cả kinh nghỉệm tổ chức, chỉ đạo.
      Chúng tôi cũng không thể quên được công lao của các anh Nam Hải, Tường Lân, Lệ Ngọc Hoàn… những người đã lặn lội vào Trường Sơn từ rất sớm, vai ba lô, chân trần lội suối trèo đèo, sẻ chia cùng bộ đội Trường Sơn những cơn sốt rừng khủng khiếp… để khảo sát xác định được nhiều tuyến có giá trị. Đoạn đường từ Bù Lạch đi Trao, mà anh Nam Hải trực tiếp cùng công binh Trường Sơn thị sát và định hướng từ mấy năm trước, nay chúng tôi đang triển khai thi công.
      Chúng tôi cũng luôn tâm niệm: Nói tới đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, mà không nói tới đóng góp to lớn của lực lượng giao thông vận tải, trực tiếp là Ban 67, là phi thực tế, khó chấp nhận.
      Ban 67 ra đời từ năm 1967, khi Mỹ tăng cường đưa quân viễn chinh vào miền Nam và đánh phá miền Bắc ác liệt hơn. Đây là một đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải, được phối thuộc một bộ phận thanh niên xung phong. Thời gian đầu, Ban 67 do các anh Phan Trầm, Nguyễn Bát phụ trách, về sau có anh Phan Như Cảnh, anh Cảo, anh Lê Ngọc Hoàn… là những cán bộ kiên cường, có năng lực tổ chức chỉ huy và chuyên môn nghiệp vụ. Quân số lúc cao nhất xấp xỉ 10.000 người, tương đương sư đoàn.
      Bộ Tư lệnh Trường Sơn xem Ban 67 là lực lượng công binh thực thụ, có trình độ kỹ thuật chuyên môn vững, cực kỳ dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong mở đường, bảo đảm giao thông ở nhiều trọng điểm trên đất Quảng Bình trong những năm địch đánh phá quyết liệt nhất. Họ là lực lượng chủ công mở đường 20 - "Quyết Thắng" - con đường tạo cảm hứng sáng tạo cho biết bao văn nghệ sĩ; cùng lực lượng giao thông Quảng Bình, Vĩnh Linh nâng cấp, bảo đảm giao thông đường 15 - đoạn từ Khe Ve đến Vĩnh Linh, đường 12 - đoạn từ Tân Ấp đến Mụ Giạ… Trong những năm tôi làm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương kiêm Tư lệnh Đoàn 559, Ban 67 là lực lượng phối thuộc của Tổng cục Hậu cần tiền phương. Khi Tổng cục Hậu cần tiền phương chuyển thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Ban 67 chuyển sang phối thuộc cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn cho đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ.
      Cũng như Ban 67, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đánh giá cao lực lượng giao thông tỉnh Hà Tĩnh (do anh Lê Quang Đạt phu trách), lực lượng giao thông Quảng Bình (do anh Lại Văn Ly phụ trách) và lực lượng giao thông Vĩnh Linh (do anh Trần Đồng phụ trách). Ba lực lượng này đã kết thành một khối vững như "bê tông cốt thép" giữ vững mạch máu giao thông ở một địa bàn vô cùng ác liệt, nối liền với tuyến 559…
      Những ngày sau đó, tôi phân công các anh Phan Quang Tiệp, Hoàng Đình Luyến đưa anh Đặng Hữu xuống làm việc trực tiếp với Sư đoàn 473; đồng thời giao Cục Chính trị nghiên cứu phân bổ 50 kỹ sư cầu đường cho các đơn vị, và không quên nhắc cơ quan hậu cần cấp ngay tiêu chuẩn quân trang cho số anh em này.
      Bố trí xong chương trình làm việc của đoàn cán bộ vừa vào, tôi cùng anh Dương Đình Tạ và một số sĩ quan tham mưu, công binh bắt đầu chuyến công tác dài ngày. Điểm đầu tiên là Sư đoàn công binh 478. Các anh Tô Đa Mạn, Cao Đôn Luân đưa chúng tôi xuống trực tiếp nghe Ban chỉ huy Trung đoàn 99 báo cáo phương án bắc cầu treo Dakrong.
      Cầu treo Dakrong do Cục Công binh Bộ Tư lệnh Trường Sơn chủ trì thiết kế, có sự tham gia ý kiến của một số kỹ sư cầu đường Bộ Giao thông và anh Tâm - phó tiến sĩ chuyên ngành cầu Trường Đại học Xây dựng. Cầu có sức chịu tải H13, bảo đảm cho xe hạng nặng qua lại dễ dàng.
      Ảnh: Cầu treo Dakrong, tháng 10-2004, đầu cầu có một tảng đá nặng 600 tấn rơi xuống.
      Hôm sau, chúng tôi qua phía nam sông Dakrong, theo đường công vụ vào thăm một số công trường do các Trung đoàn 6, 217, 509, 592 và một đơn vị thanh niên xung phong Hà Bắc thi công.
      Toàn bộ lực lượng này được rải ra từ nam cầu Dakrong vào đến A Lưới. Đây là đoạn trọng điểm, khối lượng thi công lớn, nên được chúng tôi ưu tiên về cả nhân lực cũng như phương tiện xe, máy, vật tư; đặc biệt được trang bị một số máy húc Kommassu để thi công.
      Qua kiểm tra, tôi được biết công tác tổ chức chỉ huy của đơn vị rất tốt; công tác bảo đảm hậu cần khá chu đáo. Cấp dưỡng mang cơm trưa ra hiện trường cho bộ đội.
      Không khí lao động trên công trường tràn đầy sức trẻ. Bộ đội, thanh niên xung phong chung sức bạt núi, san đồi, vừa làm vừa hát hò sôi nổi. Tối đến, nhiều đơn vị còn lén ở lại để làm thêm. Tiến độ thi công thay đổi từng ngày.
      Hằng ngày vào 18 giờ, tất cả các tổ chuyên nổ mìn được lệnh phát hoả đồng loạt. Mìn nổ kéo dài trong vòng nửa giờ, đảm bảo đủ khối lượng cho xe - máy và lực lượng lao động thủ công làm cả ngày hôm sau. Vào quãng thời gian đó, nhìn những ánh chớp, tiếng nổ liên hồi, núi đồi rung chuyển, không ít người liên tưởng đến cảnh máy bay B.52 ném bom rải thảm mấy năm về trước cũng chính ở những cung đường này.
Logged
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #48 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2007, 01:49:20 am »

Vào một buổi sáng, Chính uỷ Trung đoàn 6 Cao Xuân Hùng hướng dẫn chúng tôi thăm một đại đội đang bạt xả ta-luy và san sửa nền đường.
      Tại hiện trường, tôi thấy hai tiểu đội đang đứng ở sườn núi cao chừng 30 mét xả đất đá xuống. Ở nền đường có hai tiểu đội khác đang đón đợi để hót đất đá vào sọt hoặc bao tải, khiêng chuyển sang lấp nơi khác. Thật là một cảnh tượng lao động quá mức thủ công, "nghịch cảnh" với những cỗ máy húc hiện đại kề cạnh.
      Tôi nói với đồng chí đại đội trưởng:
      - Người ở trên xả đất đá xuống, dưới lại có người đứng chờ, sẽ có hai điều bất lợi: vừa không an toàn, vừa tăng "giờ chết". Tại sao không dùng xe cải tiến thay cho khiêng cáng bằng bao tải, sọt? Xe cải tiến thì nào chúng ta có thiếu? Cần từng bước giảm nhẹ thủ công, cơ bắp; giảm nhân lực, tăng công cụ cải tiến để không ngừng nâng cao năng suất và bảo đảm an toàn lao động.
      Trưa hôm đó, chúng tôi cùng đơn vị ăn cơm ngay mặt đường; buổi chiều đến kiểm tra một đại đội máy húc làm việc. Sáu chiếc Kommassu đang thi công theo chiến thuật tác chiến đội hình ba thê đội, tiến công dứt điểm từng đoạn theo thiết kế, so với kiểu thi công đơn lẻ trước đây, thi công theo cách này năng suất tăng 30 phần trăm.
      Sau khi quan sát bộ đội thi công, tôi góp ý:
      - Với địa hình hoàn toàn đá thì dùng mìn phá, sau đó chỉ sử dụng máy húc. Với địa hình hoàn toàn đất, chỉ dùng máy húc. Nhưng với địa hình đất đá lẫn lộn nên sử dụng một lượng thuốc nổ nhất định; sau đó dùng máy húc. Như vậy vừa tiết kiệm máy, vừa tiết kiệm lao động thủ công, lại nâng cao được năng suất.
      Cán bộ sư đoàn, trung đoàn cùng đi hoàn toàn nhất trí những điều tôi góp ý, và hứa cho triển khai ngay. Anh Cao Đôn Luân vui vẻ nói:
      - Với tư tưởng tiến công, Tư lệnh nhìn vào đâu cũng phát hiện ra nhiều thiếu sót của chúng tôi!
      Cũng theo đường công vụ, hôm sau chúng tôi vào kiểm tra Trung đoàn 542 - một đơn vị có thâm niên và bề dày công trạng, đang đứng ở cao điểm Pê Ke, đảm trách một địa bàn khá hiểm yếu Trung đoàn được tăng cường hơn một nghìn thanh niên xung phong quê Hà Bắc, do một nữ đồng chí tên là Hiền phụ trách. Già nửa số thanh niên xung phong là nữ, tuổi đời từ 17 đến 22; hầu hết đã tốt nghiệp phổ thông cấp II, một số tạm rời ghế nhà trường cấp III xung phong vào Trường Sơn. Chứng kiến họ vừa "đào đất cất gỗ" vừa nói cười trêu chọc cánh lính lái xe, mới thấy mọi gian nan, vất vả với tuổi trẻ chẳng nghĩa lý gì.
      Pê Ke vốn là một trọng điểm mà dịch đánh phá liên tục trong nhiều năm trước, nên giờ đây nếu có chấn động mạnh, các sườn núi thường bị sụt lở, đất đá bất thần ập xuống, rất nguy hiểm cho người làm đường.
      Vận dụng sáng tạo phương pháp của Trung đoàn 98, ở đây bộ đội và thanh niên xung phong đã thi công cắt tầng theo ba bậc để khỏi phải đẩy đất đá nhiều lần. Với riêng tôi, đây là một kinh nghiệm hay, độc đáo. Tuy vậy, điều mà tôi cần nhắc nhở trung đoàn là không nên bố trí lao động, đặc biệt là nữ thanh niên xung phong làm ở tầng ba và tầng một, vì không đảm bảo an toàn. Tầng ba dễ sụt lở. Tầng một dễ bị vùi lấp. Tốt nhất nên chuyển tiểu đoàn nữ thanh niên xung phong ra làm móng và mặt đường.
      Chiều hôm đó chúng tôi ăn cơm cùng tiểu đoàn nữ thanh niên xung phong. Bữa cơm rừng tuy đạm bạc nhưng có bàn tay phụ nữ nên rất ngon lành. Canh lá bứa rừng nấu với cá suối. Rau dền, rau cải đều do chị em tăng gia, có thêm cá cơm khô rang, thịt lợn…
      Vui chuyện trong bữa cơm, tôi hỏi chị Hiền:
      - Chị em vào đây được bao lâu?
      - Thưa, hơn một năm rồi ạ!
      - Làm đường vất vả, sinh hoạt nơi "rừng thiêng nước độc" thế này, mọi người kiến nghị, thắc mắc gì không?
      - Thưa Tư lệnh, khộng ạ! Chỉ tội là "mắc bệnh" hay cười. Có lúc cười rung cả lán.
      Chị đoàn phó ngồi cạnh Hiền, rụt rè nói:
      - Nếu có quả bồ kết, Thủ trưởng cho chúng em một ít.
      Tôi quay sang nói với anh Cao Đôn Luân cho người ra Hướng Hoá hoặc Đông Hà mua cho chị em. Thứ này, ngoài đó đâu có thiếu.
      Anh Cao Đôn Luân hứa tuần sau sẽ mang vào.
      Nghe vậy, chị em ồ lên, vỗ tay, đấm lưng nhau thùm thụp cười như nắc nẻ!
      Thấy cảnh tượng đó, trong tôi đan xen những buồn vui khó tả!
      Giờ đây, khi mà biết bao phương tiện thông tin đại chúng suốt ngày phô trương, quảng cáo các loại mỹ phẩm hảo hạng, chăm chút, làm đẹp cho từng sợi tóc - "góc con người" của các cô gái, tôi lại thắt lòng nhớ về chút đòi hỏi nhỏ nhoi của những cô gái thanh niên xung phong ngày ấy ở Trường Sơn. Khi mới vào tuyến, những mái tóc con gái đồng chiêm, tuổi mười tám - đôi mươi, mượt mà hương bưởi, hương chanh, nhưng sau vài trận sốt rét rừng, chỉ còn lơ thơ vài sợi… Và giờ đây, còn bao chị em trong số họ đi gần hết cuộc đời vẫn không chồng, không con…!
      Từ ngày thành lập tuyến chi viện chiến lược đển đầu năm 1974 đã có hàng chục nghìn thanh niên xung phong từ mọi vùng quê đất Bắc có mặt ở Trường Sơn. Một bộ phận không nhỏ trong số họ chuyển thành công binh. Thanh niên xung phong là một trong những lực lượng quan trọng xây dựng cầu đường, bảo đảm giao thông, làm giao liên, đánh địch… Anh chị em vô cùng dũng cảm, mưu trí, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đặc biệt là mở đường, bảo đảm giao thông, bốc xếp hàng hoá…
      Tôi đã chứng kiến một trung đội nữ thanh niên xung phong do cô Liệu phụ trách bảo đảm giao thông ở ngầm Ta Lê. Để kịp giải toả trọng điểm trong khi chưa kịp đóng cọc tiêu, chị em đã dàn hàng ngâm mình dưới nước sâu chảy xiết, biến mình thành cọc tiêu "sống" hướng dẫn xe qua ngầm dưới mưa bom bão đạn…
      Trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, thanh niên xung phong là lực lượng cổ vũ mạnh mẽ mọi binh chủng, là tấm gương có sức thuyết phục mạnh mẽ những ai dao động trước thử thách hiểm nguy. Đặc biệt, ở Trường Sơn, nữ thanh niên xung phong không phải là phái yếu như nhiều người tllường nghĩ. Trái lại họ là "phái mạnh". Bằng sức lao động dẻo dai, dũng cảm, thông minh, nữ thanh niên xung phong đã xây dựng biết bao công trình, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vự trên tuyến đường mang tên Bác. Đất nước, cũng như bộ đội Trường Sơn mãi mãi ghi công những nam nữ thanh niên xung phong đã cống hiến máu xương, trí tuệ, sức lực, cống hiến cả một thời xuân sắc vì sự sống của những con đường trường tồn cùng dân tộc, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
      Chia tay tiểu đoàn nữ thanh niên xung phong, chúng tôi vào thung lũng A Lưới (Thừa Thiên) - nơi nhiều năm là căn cứ quan trọng của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn phục vụ cho chiến trường Trị-Thiên, bắc Khu 5, nơi mà bộ đội Trường Sơn cùng quân và dân Trị-Thiên đánh bại ba cuộc hành quân càn quét quy mô lớn của Mỹ - nguỵ.
      Vào A lưới, chúng tôi làm việc với Trung đoàn 217 và một tiểu đoàn thanh niên xung phong đang thi công quãng đường này. Tại đây, đường cũ được mở qua địa hình thấp, sình lầy. Trong phương án thiết kế mới, đường sẽ được đưa lên chân núi phía đông. Do vị thế của địa bàn A Lưới, Bộ Tư lệnh quyết định ưu tiên tập trung thi công đoạn đường này đồng bộ, cả cầu cống vĩnh cửu, rải nhựa mặt đường xong trong năm 1974; xong lúc nào sẽ thống nhất cùng địa phương đưa nhân dân - chủ yếu là đồng bào Vân Kiều về ổn định sinh hoạt, sản xuất. Với chủ trương đó, chúng tôi đã tăng cường cho Trung đoàn 217 một đại đội 36 chiếc xe ben, một số máy lu, máy gạt, xe tưới nhựa đường…
      Khảo sát thấy suối A Lưới có nhiều sỏi, nên khi thiết kế làm móng đường, đã nảy sinh mấy loại ý kiến khác nhau: một là dùng toàn sỏi, hai là: chỉ dùng đá. Riêng ý kiến anh Tô Đa Mạn cho rằng ở đây nền đường yếu, nên khi làm móng, nếu tận dụng đá sỏi cũng phải kết hợp đá dăm; đổ một lớp sỏi dày 50 phân, dưới lớp đá dăm (cỡ 4 - 6 phân) dày 20 phân là bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Tôi và một số kỹ sư cầu đường đồng ý giải pháp của anh Tô Đa Mạn,vì đá dăm cỡ 4 - 6 phân, có cạnh nhám, được lèn chặt với sỏi sẽ có cường độ chịu lực cao.
      Sau khi trực tiếp xem xét công binh và thanh niên xung phong làm đường, chúng tôi kiểm tra đánh giá bãi sỏi trên suối A Lưới có trữ lượng rất lớn. Mùa khô, nước cạn, sỏi nổi thành cồn đống. Đây là nguồn nguyên liệu tự nhiên khổng lồ. Tại bãi, anh chi em thanh niên xung phong đang hì hục dùng xẻng xúc sỏi đổ lên thùng ben.
      Theo đồng chí đại đội trưởng báo cáo thì nếu xúc được một xe sỏi 4 tấn, phải cần 6 người làm cật lực từ 35-40 phút. Sỏi nặng, thùng xe cao, xúc được một xe thì chân tay ai nấy rã rời…
      Thấy vậy tôi hỏi anh Tô Đa Mạn:
      - Trong tập huấn, đã tính đến phương án dùng ke xả như một phương tiện bán tự động. Tại sao đây không áp dụng?
      Đồng chí Trung đoàn trưởng Trung đoàn 217 trả lời:
      - Báo cáo Tư lệnh, làm ke xả phải tính đến thế đất dốc, chủ yếu là sườn đồi, ở đây bãi sỏi bằng, không làm được.
      - Vậy bãi sỏi dày bao nhiêu? Tôi hỏi tiếp.
      - Báo cáo chúng tôi chưa khảo sát kỹ, nhưng nơi mỏng cũng hơn một mét.
      Thấy tình hình "không ổn", bởi biết tôi thường đòi hỏi sự sáng tạo của cấp dưới, anh Luân ghé tai anh Mạn thì thầm gì đó, rồi quay về phía tôi:
      - Báo cáo Tư lệnh, chúng tôi chưa chỉ đạo đơn vị làm ke xả, chứ không phải không làm được.
      Tôi vui vẻ nói:
      - Đồng chí Trung đoàn trướng nói cũng có phần đúng; thực ra cả trên tuyến và cả những công trình cầu đường trên miền Bắc từ trước tới nay ta chưa hề làm ke xả nưi địa hình bằng phẳng.
Logged
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #49 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2007, 01:50:12 am »

Nhưng ở đây, ta phải triệt để khai thác "mỏ" sỏi quý giá này, vừa tiết kiệm được thuốc nổ, máy nghiền và nhân lực để khai thác đá, vừa đẩy nhanh tiến độ thi công. Muốn vậy, phải tìm nơi sỏi tập trung nhất, dùng gỗ tốt. Lắp đặt hai ke xả, cách nhau chừng 150 mét. Cho máy ủi vun sỏi thành hai đống, cao hơn miệng ke xả chừng 2,5 mét. Dùng máy húc DT75 đẩy sỏi vào miệng ke xả.
      Cấu trúc của ke xả phải giống cầu chui. Xe ben vào nhận sỏi xong đi thẳng luôn. Tính cự ly vận chuyển mà bố trí đội hình xe cho hợp lý, không được để xe chờ quá 10 phút. Đại đội trưởng phải dùng bộ đàm chỉ huy cả hai đầu.
      Để giải quyết dứt điểm chuyện "ke xả", tôi quyết định ở lại A Lưới ba ngày để theo dõi, đôn đốc. Chỉ sau một ngày đêm, Trung đoàn 217 đã làm xong hai ke xả. Chúng tôi cho triển khai hoạt động ngay.
      Đội hình xe ben 36 chiếc tuần tự vào lấy sỏi, xong đi thẳng tới chỗ đổ, không phải quay trở mất thời gian. Mỗi xe có tải trọng 4 tấn chỉ nhận sỏi không quá 10 phút, thay vì 40 phút trước đó.
      Một công trường đầy tính công nghiệp, hoạt động đồng bộ, nhịp nhàng. Bộ đội và thanh niên xung phong phấn khởi tột độ, đặc biệt là số anh chị em xúc sỏi, vì được giải phóng khỏi một công đoạn vô cùng vất vả.
      Chứng kiến không khí lao động cũng như hiệu quả của phương thức thi công mới, tôi nói với anh Tô Đa Mạn:
      - Đoạn đường 38 cây số này là mô hình thí điển toàn bộ nội dung và phương thức thi công như đã tập huấn là: "Chuyên sâu - dây chuyền - đồng bộ"; nhằm thực hiện bằng được mục tiêu: năng suất, chất lượng, tốc độ cao nhất, đồng thời bảo đảm an toàn và từng bước giảm dần lao động thủ công, giải phóng năng lượng cơ bắp.
      Kết thúc công việc ở Trung đoàn 217, chúng tôi tạt qua làm việc với Trung đoàn 98 đang thi công quãng qua dốc Bù Lạch. Đây là quãng có địa hình phức tạp nhất, khối lượng thi công rất lớn. Mặc dù vậy, tôi thật sự yên tâm khi Sư đoàn 4 73 chọn Trung đoàn 98, đơn vị Anh hùng đảm trách quãng đường này.
      Để tranh thủ thời gian vào làm việc với Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 do đã hẹn trước, tôi nắm qua tình hình và dặn ban chỉ huy trung đoàn chuẩn bị làm việc với anh Đặng Hữu. Có gì vướng mắc, báo cáo về Bộ Tư lệnh sau.
      Trên suốt trục đường vào Khu 5, các trung đoàn công binh, thanh niên xung phong dồn lên mặt đường. Nơi nơi tràn ngập không khí rộn ràng, sôi động.
      Đây là lần thứ hai tôi vào làm việc với Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Do hẹn trước, nên khi chúng tôi vào các anh Võ Chí Công, Chu Huy Mân, Đoàn Khuê bố trí làm việc ngay. Các anh thông báo tình hình Khu 5 từ sau khi có Nghị quyết 21 của Trung ương, diễn biến chiến trường khá thuận lợi cho ta. Để tạo điều kiện cho địa phương đẩy mạnh hoạt động tạo thế tạo lực, anh Năm Công, anh Chu Huy Mân đề nghị Bộ Tư lệnh Trường Sơn giao đủ, giao sớm quân và vật chất của Trung ương bổ sung. Các anh cũng không quên cảm ơn bộ đội Trường Sơn đã chi viện đắc lực trong nhiều năm cho chiến trường Khu 5.
      Tôi cảm ơn tình cảm mà Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Quân khu dành cho bộ độí Trường Sơn, cũng như những thông tin các anh cung cấp sẽ là cơ sở giúp chúng tôi chủ động bảo đảm chỉ tiêu vận chuyển chi viện chiến trường. Đồng thời, tôi cũng khẳng định những gì mà bộ đội Trường Sơn làm được đều có sự trợ lực của các chiến trường. Riêng Khu 5 trong thời gian gần đây đã giải phóng Khâm Đức, Đắc Pét, tạo điều kiện cho bộ đội Trường Sơn đưa một phần tuyến vận tải quân sự chiến lược về đất ta, tiếp cận các chiến trường miền Nam, trựe tiếp và gần hơn.
      Chia tay với các anh trong Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Quân khu 5, chúng tôi khẩn trương vào làm việc với Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên: Cũng như lần trước, đón và làm việc với chúng tôi có các anh Hoàng Minh Thảo, Vũ Lăng, Trần Thế Môn…
      Anh Thảo thông báo với chúng tôi tình hình toàn mặt trận, kết quả tiếp nhận hàng và quân bổ sung. Anh đề nghị tăng chỉ tiêu và lập hai điểm giao hàng mới: một ở tây Gia Lai và một ở tây bắc Đắc Lắc; đây là hai điểm nằm trên đường mới mở.
      Tôi đồng ý và đảm bảo với Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên là từ ngày 10 tháng 4 này, chúng tôi sẽ thực hiện.
      Anh Thảo, anh Lăng, anh Môn vô cùng cảm ơn bộ đội Trường Sơn từ hơn chục năm nay đã chi viện vật chất, bổ sung quân cho Tây Nguyên vượt chỉ tiêu; phối hợp với Tây Nguyên đánh địch ở vùng ba biên giới.
      Nghe các anh nhắc tới "Thánh địa" này, tôi nói:
      - Về căn cứ chiến lược ba biên giới, chúng tôi phải cảm ơn các anh trước. Bởi lẽ, lực lượng đánh địch ở đây chủ yếu là B3.
      Không khoan nhượng với sự khiêm tốn của chúng tôi, anh Thảo nói:.
      - Đúng vậy, nhưng lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ - hai vấn đề cực kỳ quan trọng lại thuộc về bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.
      Tôi trình bày thêm để anh Thảo, anh Môn, anh Lăng rõ:
      - Theo chỉ thị của Bộ, chúng tôi sẽ điều Sư đoàn 4 70 về đóng ở Sa Thầy và lập ở đây cụm khu dự trữ lớn. Nhưng chúng tôi vẫn cho củng cố đường C4, vừa để bổ trợ, vừa phục vụ việc vận chuyển chi viện cho bạn Campuchia. Chúng ta quyết giữ vững khu căn cứ chiến lược này. Đường đông Trường Sơn nay đã được đưa vào sử dụng chuyển quân và vật chất đưa thẳng, trực tiếp vào Tây Nguyên. Đường ống xăng dầu, đường thông tin tải ba cũng theo đường tiêu chuẩn đông Trường Sơn mà vươn dài vào Nam Bộ. Nhưng hiện nay địch vẫn còn chốt ở cao điểm 900 (Đắc Min) và Đức Lập. Do vậy, hiện tại, chúng tôi tạm thời sử dụng khoảng 100 cây số vòng qua Ô Ranh đất bạn Campuchia, rồi quay về Bù Đốp - Lộc Ninh. Trong một lần trên đường ra Hà Nội làm việc, anh Lê Đức Anh là bạn rất thân có trao đổi với tôi nên bàn với B8, phối hợp "nhổ" luôn cao điểm 900, từ đó ép địch "án binh bất động" ở Đức Lập, tạo điều kiện cho Đường Hồ Chí Minh vươn nhanh vào Bù Đăng, thuộc miền Đông Nam Bộ. Nay tôi chính thức đề nghị các anh chuyện đó, càng sớm càng hay.
      Anh Thảo nói:
      - "Nhổ" cứ điểm đó không khó gì. Nhưng chúng tôi e "rút dây động rừng". Vì nó nằm trên biên giới Việt - Campuchia. Để chúng tôi nghiên cứu, xin chỉ thị của Bộ và sẽ bàn với các anh ngay. Trên địa bàn Tây Nguyên đã có đường đông Trường Sơn xuyên qua. Đây là một trong những yếu tố cơ sở hạ tầng có tính quyết định, không chỉ đối với Tây Nguyên mà cả đối với Nam Bộ. Chúng tôi rất vững tâm đẩy mạnh hoạt động xây dựng chiến trường và chiến đấu trong mọi tình huống. Tây Nguyên sẽ cùng bộ đội Trường Sơn bảo vệ vững chắc tuyến đường đó.
      Rời Bộ Tư lệnh Tây Nguyên, chúng tôi theo đường mới qua Ô Ranh, rồi vòng về miền Đông Nam Bộ, kết hợp kiểm tra các đơn vị làm đường, tổ chức vận tải, bảo đảm giao liên hành quân. Sau hai ngày, toàn đoàn đã dừng chân ở Bù Đốp - một căn cứ tập kết chân hàng và quân để giao cho Nam Bộ. Ngủ một đêm tại đây, sáng hôm sau, đồng chí chỉ huy trưởng căn cứ hướng dẫn chúng tôi thăm và kiểm tra toàn bộ căn cứ. Nhiều kho hàng, bãi tập kết được xây dựng khá quy củ, nằm kín đáo trong rừng nứa. Hàng hoá chủ yếu là vũ khí, đạn, thuốc quân y, quân trang. Lương thực, thực phẩm từ trước tới nay ít chuyển vào Nam Bộ.
      Qua kiểm tra, được biết chỉ mấy tháng đầu năm 1974, cụm kho Bù Đốp đã tiếp nhận 3.200 tấn hàng và đã chuyển giao cho Nam Bộ 2.000 tấn, chủ yếu là đạn pháo lớn.
      Rời Bù Đốp, chúng tôi vào thẳng Bộ Tư lệnh Miền. Các anh trong Bộ Tư lệnh cho người đón chúng tôi tại trụ sở Chính phủ lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, đóng ở thị trấn Lộc Ninh. Trụ sở là một căn nhà sàn rộng và một số nhà thấp bé bao quanh, lẫn trong khu dân cư. Đây cũng chính là nút hội tụ đoạn cuối Đường Hồ Chí Minh, đường giao liên đông - tây Trường Sơn; và sẽ là điểm cuối đường ống xăng dầu, đường thông tin tải ba… Thật là một địa thế vô cùng lý tưởng, một vùng "địa linh".
      Đón chúng tôi tại sở chỉ huy có các anh Trần Văn Trà, Trần Nam Trung…
      Trong không khí "tay bắt mặt mừng" gặp gỡ Bắc - Nam, hết sức xúc động, anh Trà hồ hởi nói:
      - Chúc mừng đường đông Trường Sơn đã vào tới Nam Bộ, và thật sự là "Ta về ta tắm ao ta" rồi.
      Tôi tiếp lời:
      - Chưa hắn đâu anh ạ. Còn một quãng gần trăm cây số ta vẫn nhờ đất bạn.
      Anh Trần Nam Trung vui vẻ nói:
      - Chúng mình biết chứ. Nhưng không sao. Còn vài cái "gai" ta nhổ ngày một ngày hai thôi mà!
      - Vâng, chúng tôi cũng mong sớm hoàn thiện, để không chỉ đường ô tô, mà cả đường ống xăng dầu cũng phải vào thẳng Bù Đốp luôn.
      Anh Trà khái quát tình hình chiến trường Nam Bộ. Về ta, các tỉnh đã cho "cắm cờ", giữ vững và củng cố vùng giải phóng. Chủ lực đang xúc tiến thành lập Binh đoàn Cửu Long (Quân đoàn 4). Quán triệt Nghị quyết 21, Nam Bộ đang đẩy mạnh hoạt động tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ. Đề nghị Bộ Tư lệnh Trường Sơn đưa nhanh quân số, vũ khí, đạn, xăng dầu, thuốc chiến thương vào sớm, trước mùa mưa.
      - Báo cáo anh - Tôi trả lời - Trước khi vào đây, chúng tôi đã nhận được kế hoạch tăng chỉ tiêu bổ sung quân lẻ, một số đơn vị thực binh, có cả những đơn vị xe tăng, pháo mặt đất 130 ly, cao xạ… và chỉ tiêu bổ sung vũ khí, đạn súng bộ binh, xăng dầu… Nếu cần thêm gì, đề nghị các anh cho biết.
      Anh Trà phấn khởi nói:
      - Vậy là trên chu đáo, kịp thời quá rồi. Trước mắt đề nghị các anh cứ thực hiện như kế hoạch. Nếu tình hình phát triển đột biến, có gì bức thiết, chúng tôi báo sau. Riêng việc giúp chúng tôi làm đường nội bộ, lần trước các anh đã đưa vào một trung đoàn công binh, nay nếu có thể điều thêm một số máy húc, xe ben và một số kỹ sư cầu đường.
      - Vâng - Tôi trả lời - Đề nghị anh cho đồng chí Tham mưu trưởng lập dự trù cụ thể, chúng tôi cố gắng hết sức.
      Thay mặt Bộ Tư lệnh Trường Sơn, tôi cảm ơn Bộ Tư lệnh Miền đã tạo điều kiện thuận lợi và động viên mạnh mẽ bộ đội Trường Sơn trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình và nhờ chuyển lời chúc sức khỏe của chúng tôi tới các anh trong Trung ương Cục.
      Phút chia tay, anh Trà xúc động nói:
      - Trong cuộc đối đầu với tên "sen đầm quốc tế" này, các chiến trường miền Nam với chiến trường Trường Sơn hợp thành một chỉnh thể, song tuyến đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh có vị trí chiến lược đặc biệt. Đó là chiếc cầu nối vĩ đại giữa hậu phương chiến lược miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Qua nó, vật chất, binh lực từ hậu phương chiến lược được chuyển tới chiến trường, bảo đảm cho chiến trường đánh to thắng lớn. Thay mặt Bộ Tư lệnh Miền, tôi chân thành cảm ơn Bộ Tư lệnh Trường Sơn và các lực lượng trên tuyến Đường Hồ Chí Minh.
      Chia tay Bộ Tư lệnh Miền, cũng là kết thúc một chuyến công tác dài ngày vô cùng quan trọng - vừa kết hợp kiểm tra, chỉ đạo trực tiếp việc thi công đường đông Trường Sơn, vừa chủ động hiệp đồng với các chiến trường chuẩn bị cho "đòn" quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM