Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:02:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ cuộc đối đầu lịch sử mà nước Mỹ muốn quên đi  (Đọc 44399 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 11:58:47 am »


Thung lũng Mường Thanh trở thành nơi hội tụ của những hố pháo và chất phế thải: những vỏ pháo, những hộp thức ăn, đường băng bị xoắn lại, những cuộn dây thép gai chưa sử dụng và những xác máy bay bị cháy đen. Những chiếc dù bị bỏ lại trên mặt đất giống như những chiếc nấm khổng lồ bị xẹp xuống. Những người bảo vệ Điện Biên Phủ từng sẵn sàng lao ra để yểm trợ giờ đã di chuyển từ hầm hào vào nơi trú ẩn. Giống nhu đàn kiến vỡ tổ, Việt Minh liên tiếp tràn lên. Hỏa lực pháo binh không ngớt, một tiếng nổ inh tai làm rung chuyển cả mặt đất. Những gì con lại của ngôi làng giờ đã biến mất, bị quét sạch bởi những bộc phá lớn. Gần 1.500 xác chết Việt Minh và 300 xác quân Pháp nằm ngổn ngang xung quanh Eliane. Những người bị chết gần đây đã bị trương phềnh trong các bộ quân phục. Còn những người khác bị chết trước đó đã khô, co lại và nhăn nheo. Phụ thuộc vào chiều gió, mùi hôi thối bốc ra không thể nào chịu đựng được, nhắc nhở những người đang sống của cả hai bên về những người đã chết. Những người bảo vệ, lợi dụng giây phút lắng dịu của bom đạn để tự giải vây cho bản thân bất cứ khi nào và ở bất cứ đâu.

Vùng đất bằng phía Đông Nam của Eliane 2 nay đã trở thành một vùng đất chết, một quang cảnh của những cuộc tấn công và phản công. Trung đoàn 174 thuộc Sư đoàn 316 Việt Minh tự ý tấn công và đều không giành được thành công trước sự quyết tâm của các lính dù, lính Marốc và những người Thái còn lại. Sáng sớm ngày 4 tháng 4, bộ đội lại di chuyển, những chiếc mũ sắt có ngụy trang đang nhấp nhô dọc theo các đường hào. Nhưng lần này, giống như một đợt thuỷ triều xuống, họ đang rời khỏi Eliane 2.

Người Pháp hy vọng rằng đối phương sẽ tạm ngừng để lấy lại sức sau những tổn thất nặng nề trong trận đánh để giành “5 cứ điểm”. Nhưng Tướng Giáp giống như một võ sĩ quyền anh đang tìm kiếm điểm yếu của đối phương đã chọn Huguette cho trận đánh tiếp theo. Đêm 4 tháng 4, Tướng Giáp cử 4 tiểu đoàn của Sư đoàn 312 và một đại đội có các vũ khí hạng nặng tấn công Huguette 6 sau một đợt oanh tạc bằng pháo binh. Căn cứ này ở đầu phía Bắc của đường băng chỉ do 86 lính Lê dương và 2 sĩ quan bảo vệ. Nhiều người trong số họ là những người sống sót của Bán Lữ đoàn 13 từ căn cứ Béatrice. Trung sĩ Bleyer là người chịu trách nhiệm. Kinh nghiệm của anh ta dường như không có giá trị trong trận đánh để giữ căn cứ Huguette.

Lúc 22 giờ, lực lượng lính Lê dương đã tới. Sau những trận tấn công ồ ạt để lại những xác chết của Việt Minh mắc kẹt vào hàng rào thép gai. Số lính Lê dương còn sống sót đã ngăn cản tốc độ của các đợt tấn công bằng cách bắn thẳng vào đối phương đang tràn lên trong khi nhiều đồng đội của họ đang hoảng loạn tại các điểm đặt hoả lực. Lo lắng tới tầm quan trọng của Huguette cũng như nơi trú ẩn phía Tây Bắc của các căn cứ phòng thủ ở Điện Biên Phủ, Langlais cử một đại đội lính dù từ Tiểu đoàn dù xung kích số 8 và 2 xe tăng tới để trợ giúp cho lính Lê dương. Tiến dọc theo rãnh nước ở phía Đông của đường băng, đám lính dù bị một lực lượng của Việt Minh chặn lại và 2 chiếc xe tăng cũng dừng lại đột ngột vì trúng hoả lực bazôca và pháo binh tấn công.

Sáng sớm ngày 5 tháng 4, một đại đội thuộc tiểu đoàn Bréchignac tiến hành một cuộc tấn công qua đường băng để đánh đối phương từ phía sau và tiến thẳng tới Huguette mà hiện tại chỉ có 20 lính canh phòng. Sau đó Langlais lệnh cho Bigeard phải ổn định tình hình. Khi binh lính của Bréchignac đã đẩy lùi được Việt Minh thì Bigeard lại kéo theo được một lực lượng đặc nhiệm của 2 đại đội thuộc tiểu đoàn riêng của ông ta ở Eliane, tổng cộng 160 lính cùng với quân dự bị của Tiểu đoàn dù Lê dương số 1. Ông ta bố trí pháo binh và không quân yểm trợ và nói với lính Lê dương: “Chờ một chút, chúng tôi đang tới”. Cuộc phản công bắt đầu lúc 6 giờ. Lính dù đẩy lùi Việt Minh khỏi các vị trí chặn đánh quanh đường rãnh nước và bao vây họ xung quanh Huguette 6 (cứ điểm 105). Một lần nữa, nó lại trở thành một cuộc đọ sức tay đôi đẫm máu khi các lính dù bắn giết đâm chém và gây rối trên đường tiến quân. Mặc dù Việt Minh đưa tiểu đoàn dự bị vào cuộc tấn công nhưng sự phản ứng quyết liệt của Pháp đã gây ra một cú sốc. Đầu tiên là từng cá nhân, sau là các tiểu đội, trung đội, đại đội bắt đầu nao núng, phản bội và rút lui.

Sự phối hợp trong rút lui của Việt Minh không thể tồi tệ hơn. Pháo binh và cối hạng nặng của Pháp buộc họ phải chui luồn qua đám thép gai. Khi mặt trời lên, các máy bay chiến đấu đáp lại yêu cầu của Bigeard. Những lo lắng của Tướng Giáp về cuộc tấn công trên vùng đất bằng và trống trải, không có lợi thế yểm trợ của rừng và đồi, giờ đã hoàn toàn được chứng minh. Máy bay quay chậm cảnh các tiểu đoàn rút quân, hàng ngũ bị tan vỡ vì trúng pháo súng máy và bom sát thương. Những quả bom napan hình thoi rơi xuống và trượt trên mặt đất trước khi nổ tạo ra ngọn lửa đặc quánh và đám khỏi đen mù mịt. 4 đại đội lính dù và những gì còn lại của lính Lê dương ở Huguette 6 đã quét sạch những người tụt lại phía sau của đối phương và chiếm lại toàn bộ căn cứ. Đó là một quang cảnh ảm đạm dễ sợ.

Những tổn thất nặng nề ở Dominique, Eliane và Huguette làm tổng số binh lính chết và bị thương của Tướng Giáp lên tới gần 10.000 người. Bị Pháp kháng cự lại, Tướng Giáp yêu cầu tăng thêm quân và quyết định từ bỏ các đợt tấn công ồ ạt. Ông lệnh cho các chỉ huy tập trung thăm dò các vị trí của Pháp bằng chiến thuật ít tốn kém đó là đào các hào tấn công sát hơn tới các pháo đài của Pháp. Tướng Giáp giải thích, công việc này sẽ cho phép binh lính của ông chặn đứng hoàn toàn việc tăng quân và tăng tiếp viện của Pháp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 11:59:17 am »


Chiếm lại Huguette 6 đã gây thiệt hại nặng nề cho các đơn vị của Pháp vốn bị kiệt sức từ trước. Trên 200 binh lính bị thiệt mạng trong đó gồm cả 4 sĩ quan quan trọng. Cán cân lực lượng đóng vai trò chính trong việc chống lại những người phòng thủ của Điện Biên Phủ. Trong khi Tướng Giáp có thể triệu tập những tân binh từ các vùng hậu phương thì chiến trường đã làm tiêu hao số quân tăng cường ít ỏi của Pháp vừa nhảy dù xuống. Đạn pháo binh đã sụt giảm; chỉ còn 3 xe tăng hoạt động theo mệnh lệnh ở vị trí trung tâm; các đường hào của Tướng Giáp càng tiến gần thì các vùng thả hàng tiếp viện càng bị thu gọn lại. Việt Minh còn tăng áp lực đối với phía Nam của căn cứ Isabelle đang bị cô lập, nơi các đợt mưa gió mùa đã làm tăng thêm phần khó khăn cho vùng đất sình lầy này.

Khi lính dù đem một số xác chết đi chôn trong các đường hào bỏ không ở Huguette và lấy thêm đạn dược cũng như khẩu phần ăn, thì Tướng Navarre nhận được một bức điện mật có mã số đặc biệt từ Paris của Marc Jacquet, Chủ tịch Hội các nước Liên hiệp Đông Dương thông báo:

Hai tiểu đoàn dù mà Chính phủ Pháp quyết định gửi tới để tăng cường là Tiểu đoàn dù thuộc địa số 7 và Tiểu đoàn dù Lê dương số 3. Đoàn thứ nhất sẽ được chuyển tới bằng máy bay của không quân Mỹ và sẽ tới vào ngày 25 tháng 4. Đoàn thứ hai sẽ tới vào ngày 22 tháng 5. Một chuyến máy bay của Mỹ sẽ đưa tới khoảng 400 lính tình nguyện. Các máy bay chuyên chở tiểu đoàn và lính mới có thể được sử dụng để vận chuyển lính hoặc hàng hoá trở về...

Điều này chắc sẽ là tin tốt lành nhưng với điều kiện hoàn cảnh và ngày tháng nói trên thì nó thích hợp với việc chuyển quân luân phiên thông thường hơn là một yêu cầu tăng quân chiến đấu khẩn cấp. Navarre quyết định chuyển tiểu đoàn thứ hai thuộc quân lính dù dự bị của ông ta tới chiến trường. Đêm 9 tháng 4, các đại đội đầu tiên của Tiểu đoàn dù Lê dương số 2 do Thiếu tá Hubert Liesenfelt chỉ huy đã nhảy dù xuống đồn trung tâm ở Điện Biên Phủ. Sự có mặt của đám lính dù gồm lính Đức, Tây Ban Nha, Đông Âu và Việt Nam chứng tỏ rằng Điện Biên Phủ không bị bỏ quên. Thiết nghĩ sự trợ giúp quan trọng từ bên ngoài cuối cùng đã tới cho phép quân đồn trú nắm lấy những cơ hội mong manh. Pierre Schoendoerffer nhớ lại:

Chúng tôi muốn và hy vọng một đợt không kích chiến lược của Mỹ. Khi một chiếc B-26 thả một quả bom vào Tiểu đoàn dù xung kích số 8 chúng tôi nghĩ đó là không quân Trung Quốc tấn công... và đó sẽ có nghĩa là sự can thiệp của Mỹ đã bắt đầu. De Castries dập tắt lời đồn đại này, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng một lệnh ngừng bắn do Liên Hiệp quốc công bố. Một số người trong chúng tôi biết rằng thế là hết nhưng các bạn biết đấy, thanh niên luôn luôn nói “không”. Các phi công rất bi quan nhưng Bigeard lại cho rằng chúng tôi có thể đứng vững.

Trong vài ngày, không có các cuộc tấn công hoặc phản công lớn. Việt Minh tiếp tục bắn hoả lực gây rối, các đội tuần tra xô xát nhau, lựu đạn nổ, bẫy sập và những người cứu thương mang cáng lao về phía bệnh viện. Việt Minh còn đào thêm hầm hào trong đêm tối và Pháp thì tiến hành các đợt đột nhập ban ngày để lấp chúng lại. Nhưng không phải tất cả các công việc đào bới này đều do Việt Minh làm. Bigeard quyết định lấy lại Eliane 1. Vị trí bị mất này chi phối các vị trí còn lại của Pháp ở Eliane và gây ra một mối lo thường trực. Hoạt động nhẹ nhàng nhất đối với quân của Bigeard là có thể lôi kéo hoả lực bắn tỉa của đối phương hoặc những cơn mưa lựu đạn và những quả pháo cối. Một trong những sĩ quan dưới quyền Bigeard bị chết ngay cạnh Bigeard vì trúng đạn của Việt Minh trong khi họ đang quan sát các vị trí của đối phương từ một lô cốt.

Langlais và De Castries đồng ý kế hoạch của Bigeard và ông bắt đầu tiến hành công việc. Trong suốt thời gian phục vụ ở Đông Dương, Bigeard tự nghiên cứu và rút ra những bài học chiến thuật thành công của đối phương cho các mục đích riêng của mình. Giờ đây ông cho binh lính làm việc bằng cuốc, xẻng, đua tranh với những lính công binh Việt Minh, đào đường trong đêm thẳng tới tiểu đoàn đối phương đang nắm giữ Eliane 1. Đội hình của cuộc tấn công được triển khai một cách chính xác: 4 đại đội thuộc Tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 của Bigeard với số quân 320 sẽ tạo thành một lực lượng tấn công; tiểu đoàn của Bréchignac sẽ ở yên tại chỗ làm quân dự bị sẵn sàng ứng chiến; Tiểu đoàn dù Lê dương số 1 và Tiểu đoàn dù xung kích số 8 sẽ tập trung các loại vũ khí bộ binh vào mục tiêu. 12 khẩu 105 ly, 12 cối 120 ly từ Điện Biên Phủ, 8 khẩu 105 ly từ Isabelle và 3 xe tăng còn lại sẽ yểm trợ cho pháo binh. Cối 81 ly của Tiểu đoàn thuộc địa số 6 đứng chặn trên tuyến đường Việt Minh dùng để tiếp tế và tăng quân vào Eliane 1.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 11:59:45 am »


6 giờ ngày 10 tháng 4, 1.800 loạt hoả lực pháo binh bắt đầu giáng xuống Eliane 1 như những cú giáng động trời. Các xe tăng tham gia bắn hoả lực trực tiếp từ những khẩu pháo 75 ly. 6 giờ 10 Bigeard tăng thêm một đợt tấn công bằng pháo binh và lệnh cho một trong các đại đội tiến lên phía trước. Hoả lực đạn pháo tạo ra những màn khói đen yểm trợ cho hoạt động của họ. Những chiếc máy bay của hải quân Pháp gầm rú trên bầu trời để ngăn chặn đối phương đưa quân tiếp cận tới Eliane 1. Đại đội đầu tiên bị hỏa lực kiềm chế, Bigeard phải đưa ra đại đội thứ 2 cùng với một đội súng phun lửa. Chốt cò tay của súng phun lửa bật ra tạo thành một luồng lửa phóng vào các boongke của Việt Minh, thiêu cháy những người phòng thủ ở đó. Những cố gắng để chạy thoát đã trở thành những ngọn đuốc sống từ từ ngã xuống và co lại giống nhu những con côn trùng va vào đám lửa. Mặc dù 1/3 tiểu đoàn đối phương bị quét sạch nhưng Việt Minh vẫn đứng vững và chiến đấu tới người cuối cùng. Bigeard mãi sau này mới viết: “Không một ai rút lui, những người lính được Tướng Giáp huấn luyện thật tuyệt vời!”.

Khi đợt tác chiến 10 tiếng kết thúc, Việt Minh mất 600 người. Tiểu đoàn của Bigeard mất 100 lính. Ông ta kéo 2 đại đội đóng vai trò mũi nhọn tấn công của mình về và thay vào đó là những người lính từ tiểu đoàn của Bréchignac. Nhá nhem tối một đợt oanh tạc của đối phương báo hiệu sự quyết tâm lấy lại Eliane 1 của Tướng Giáp. Tướng Giáp đưa trước một trung đoàn vào trận. Langlais đang kiểm lại đám lính dự bị ít ỏi của ông ta, đã đáp ứng yêu cầu tăng quân của Bigeard bằng cách ra lệnh cho 2 đại đội thuộc Tiểu đoàn dù Lê dương số 1 tham gia tác chiến.

Lúc này một trong những sự kiện hiếm hoi đã xảy ra làm đọng mãi trong trí óc những người lính. Hồi ức ấy giờ vẫn còn gây ra một ức chế với những cựu chiến binh ở Điện Biên Phủ. Trung uý (giờ là đại tá) Lucciani của Tiểu đoàn dù Lê dương số 1, nói về đợt tập kích vào sườn của Eliane 1, nhớ lại: “Những người lính Lê dương chúng tôi đã hát bài hát của Tiểu đoàn dù Lê dương số 1”. Bài hát làm tan biến tiếng ồn của những đợt sóng âm thanh bị ngắt quãng và lại bị dập tắt khi chạm phải quân đối phương.

Biết rằng những người lính tuyệt vời nhất của mình đang chiến đấu để giữ lấy mạng sống của họ, Bigeard đưa các đơn vị cuối cùng vào tham chiến, 2 đại đội từ Tiểu đoàn số 6 Bawouan của Botella. Một trong 2 đại đội do Trung úy Phạm Văn Phú, sĩ quan dù duy nhất của Quân đội quốc gia Việt Nam ở Điện Biên Phủ chỉ huy. Lính dù người Việt gồm những người không tham chiến của các đơn vị thuộc địa cũ được huấn luyện; những lính của trung đoàn thiết giáp từ Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình và Phủ Lý, một số tân binh từ miền Trung, miền Nam Việt Nam; và lác đác những người Campuchia, đã bắt đầu chuyến đi dài ngày tới Eliane 1. Không làm được như lính Lê dương họ tự sáng tác ra một bài hát cho mình. Những chất giọng cao của họ không thể hợp với âm thanh vang dội của đám lính Lê dương nhưng họ đã hát với hết sức mình. Và lần đầu tiên trong nhiều năm, “La Marseillaise” được hát trên chiến trường.

Lúc 20 giờ, Trung đoàn Việt Minh rút khỏi Eliane 1. Sau này, một bức điện trên đài phát thanh của Việt Minh để lộ rằng Tướng Giáp đã tha thứ cho viên đại tá, người đã không chiếm lại được cứ điểm này.

Nếu Tướng Giáp thất vọng với việc chỉ huy chiến đấu của một trong những sĩ quan dưới cấp thì Tướng Navarre lại không bằng lòng với sự yểm trợ của lực lượng không quân ở Điện Biên Phủ. Đại tá Jean-Louis Nicot, chỉ huy các chuyến vận chuyển hàng không, cố gắng đảm bảo cho 50 chuyến bay một ngày tới khu vực chiến đấu. Nhưng thời tiết xấu, hoả lực phòng không của Việt Minh mạnh, sự yếu kém về kỹ thuật và mệt mỏi của nhân viên phi hành đoàn làm cho mục tiêu này không thực hiện được. Các báo cáo liên tiếp về việc hàng hoá bị thả nhầm vị trí và những yêu cầu tăng thêm các chuyến bay tiếp viện của De Castries làm cho Navarre thêm tức giận; cùng lúc, Việt Minh công bố bắn hạ được máy bay thứ 50 của Pháp, gửi một bức điện tới Thiếu tướng Henri Charles Lauzin, tư lệnh không quân ở Đông Dương. Biết được Navarre đang đe doạ tiến hành biện pháp răn đe các thành viên trong bộ phận của ông, Lauzin đã nhận toàn bộ trách nhiệm về mình và đề nghị cho biết các sĩ quan của ông đã phạm vào những lỗi gì. Lauzin còn nói với Navarre rằng việc thông báo cho ông ta về “sự thù địch và ngờ vực không thể bỏ qua được” trong đám nhân viên của ông ta là hoàn toàn cần thiết. Lauzin tiết lộ Đại tá Nicot đã đề nghị truy cứu đám lính chỉ huy dưới quyền của Navarre vì những đối xử không thể chấp nhận được của họ. Trong một lá thu gửi cho Lauzin, Navarre cho biết ông ta sẽ không trừng phạt bất cứ ai nhưng nói: “Tuy nhiên tôi cho rằng có vấn đề trong khâu tổ chức của anh vì sau khi điều tra vẫn không thể khẳng định trách nhiệm nằm ở khâu nào”. Navarre tiếp tục phủ nhận việc nói là có “sự nghi ngờ hoặc thù địch” trong đám nhân viên của Lauzin nhưng lại buộc tội họ vì đã không có mặt trong trận đánh. Cuộc tranh cãi này lẽ ra không đáng có trong một không khí vốn đã căng thẳng của Hà Nội. Người ta cho rằng Tư lệnh Pháp đã không xem xét kỹ vấn đề trong khi ở Hà Nội, thực tế những sự kiện ấy chỉ chứng tỏ rằng Chuẩn tướng Dechaux rất khôn ngoan khi đưa ra lời nhận xét ngày 17 tháng 11 năm 1953 trong kế hoạch tác chiến cho cuộc hành quân Castor. Ông ta chỉ ra mục tiêu của mình đối với đợt tác chiến và cảnh báo Navarre về những khó khăn sắp tới trong việc tiếp tế cho Điện Biên Phủ bằng đường không.

Hầu hết các phi hành đoàn của Đại tá Nicot đều không nhận thức được sự hận thù sâu sắc này. Họ đang dựa vào khả năng chịu đựng áp lực hàng ngày của riêng mình. Trước hết, họ đặt lòng tin vào những chiếc Dacota (C-47) mà họ đang bay. Họ thả lính dù và hàng tiếp viện, vận chuyển thương binh, tấn công vào đội hình đối phương bằng bom napan, rải truyền đơn tâm lý chiến vào khu vực của Việt Minh và thực hiện các nhiệm vụ tình báo. Mặc dù mọi chú ý giờ đều được tập trung vào Điện Biên Phủ, nhưng các đoàn Dacota ở miền Trung Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long, Lào và Campuchia đều tham gia tác chiến đầy đủ để đảm bảo cho sự sống còn của các căn cứ của Pháp và giải quyết mọi việc từ phân phát thư tới sơ tán những người dân làng bị thương.

Những người phòng thủ ở Điện Biên Phủ không có nhiều thời gian cũng như sự lựa chọn để lo lắng về những điều thề thốt của đám phi công hoặc hiểu các vấn đề khúc mắc của họ. Thiếu tá Grauwin đang gặp phải khó khăn vì bệnh viện quá tải lại còn phải phân bổ các bác sĩ phẫu thuật cùng với thuốc men viện trợ nhận được tới các tiểu đoàn. Vùng thả hàng tiếp viện giảm xuống tới mức cứ 30 thùng hàng được thả xuống Grauwin chỉ nhận được 10 thùng mà còn bị hỏa lực đe doạ. Nhu cầu cần 1000 lọ thuốc kháng sinh thì may mắn mới lấy lại được 1 thùng khoảng 100 lọ. Cần 500 lít cồn trong khi chỉ lấy được có 50 lít. Ngày 13 tháng 4, Đại tá De Castries thông báo với Hà Nội rằng việc chuẩn bị thả hàng tiếp viện bằng đường không có nhiều sai sót. Ông ta phàn nàn: “Máy phát điện không được gói cẩn thận, tới được nơi thì đã bị vỡ và không sử dụng được. Xăng được thả xuống cho chúng tôi trong những chiếc can đầy, chúng đã phát nổ khi rơi xuống đất. Vì thế chúng tôi không có đủ xăng để đổ đầy các bình chứa trong xe tăng”.

Sớm hơn 2 ngày, những hàng không mẫu hạm đồ sộ của Mỹ đã cắt sóng ngoài Vịnh Bắc Bộ tới để cứu vãn cho tình hình ở Điện Biên Phủ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 12:01:33 pm »


MỘT CÚ NHẢY VÀO ĐỊA NGỤC


“Điều kỳ lạ là không có nhiều tiếng la hét hay than khóc trên chiến trường”

Pierre Schoendoerffer, nhà quay phim
Trung tâm thông tin Quân đội Pháp.



Sự bất đồng quan điểm giữa Đại tá Langlais với Hà Nội về việc tăng cường lính dù vẫn tiếp tục được trao đổi qua các bức điện trên vô tuyến điện và ngày một thêm nghiêm trọng. Mặc dù đã biết một đơn vị dù người Việt Nam đang được chuẩn bị, Langlais vẫn đe doạ tước vũ khí toàn bộ tiểu đoàn một khi họ đến Điện Biên Phủ và bắt họ lao động như những người phu. Một bức điện tối mật nữa của De Castries gửi cho Tướng Cogny chỉ rõ nhu cầu bức thiết đối với việc phòng thủ và với các đơn vị ưu tiên. Ông ta lấy dẫn chứng về một số chuyến bay của lính dù Việt Nam dưới làn lửa đạn và cho rằng sự việc này “một lần nữa cho thấy sự thiếu suy xét của họ đối với cuộc chiến đấu gay go đang diễn ra ở đây”. De Castries còn cho biết:

Trong tấn công cũng như phòng thủ, tôi chỉ có thể hy vọng vào những người lính dù người Âu, lính Lê dương và một số ít lính Bắc Phi, chỉ có các tiểu đoàn dù đã nhận được sự tăng cường binh lực. Tôi cho rằng lính tình nguyện Lê dương trong quân đội Viễn chinh sẽ được nhảy dù mà không cần phải trang bị đầy đủ. Thiết nghĩ việc nhảy dù không có vũ khí, trang bị sẽ ít nguy hiểm hơn. Kết quả sẽ có tác động đáng kể đến tinh thần và giảm bớt gánh nặng của nhiệm vụ khó khăn hiện nay của phần đông lính dù.

Những tranh luận về việc huấn luyện cho những ngươi tình nguyện, song chưa biết nhảy dù, đã sớm được dẹp lại trước sự khẩn cấp của tình hình. Trước tiên lính tình nguyện phải trải qua một đợt huấn luyện tối thiểu, sau đó một số phải thực hiện các cú nhảy thực hành. Nhưng thời hạn sắp hết, tất cả các máy bay đều được sử dụng cho mục đích sẵn sàng chiến đấu. Đại tá Langlais và các chỉ huy đều muốn được tăng cường những lính dù có đủ khả năng và tư cách nhưng khó khăn hiện tại là vấn đề lấp chỗ trống bằng bất cứ ai, chỉ cần người đó có thể sử dụng được các loại vũ khí và biết tuân lệnh.

Lời kêu gọi (đến Điện Biên Phủ) được truyền tới tất cả những người lính. Những thông cáo được đính tạm trên bảng tin của các đơn vị trên toàn Đông Dương. Mặc dù binh sĩ của quân đội Viễn chinh Pháp biết được rằng việc thất thủ Điện Biên Phủ là điều có thể xảy ra, nhưng sự hưởng ứng thật đáng ngạc nhiên. Các cựu chiến binh dù đang làm việc trong các cơ quan hoặc bị thương trước đây đều được chọn vào đội quân sẽ đến Điện Biên Phủ. Nhân viên trong các đơn vị hậu cần, lái xe, nuôi quân, tân binh, nhân viên tổng hành dinh, lính bộ binh... cũng ghi tên đăng ký. Niềm hy vọng cuối cùng vào lính tình nguyện đã thay đổi hẳn. Tướng Navarre trong cuốn Đông Dương hấp hối 1953-1954 đã ghi lại một số lính tình nguyện gồm có 800 lính Pháp, 450 lính Lê dương, 400 lính Bắc Phi và châu Phi, 150 lính Việt, nhảy xuống Điện Biên Phủ để tăng cường cho lực lượng phòng thủ ở đây. Sau khi sàng lọc chỉ còn lại 681 lính được đưa đi tham chiến ở Điện Biên Phủ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 12:02:00 pm »


Quân tình nguyện chưa biết nhảy dù đã dời đơn vị tới Hà Nội và báo cáo tình hình cho các thành viên chỉ huy mới để chuẩn bị cho cuộc nhảy mạo hiểm này. Một số người tới với vũ khí trang bị đầy đủ. Những khẩu súng trường lập tức được thay bằng một loại súng dễ gấp hay bằng một khẩu tiểu liên MAT-49. Trang phục đi trận được đổi bằng những chiếc áo nhảy jacket có túi và quần cũng có túi lớn. Giày nhảy đều được đổi, nếu có sẵn. Một số lính tình nguyện đã phải chịu đựng đợt huấn luyện từ 8 đến 10 ngày với những cú đập vào gót đau điếng của viên chỉ huy, nhằm tạo ra những tình thế như trong một trận chiến thực sự. Một số khác chỉ có một chút thời gian để kịp làm quen với công việc trong một chiếc C47 không có cánh hoặc trong một chiếc boongke vận tải. Họ cần biết hình dạng chung của chiếc máy bay, chức năng của đường tĩnh học, một loạt các mệnh lệnh khi nhảy dù như: Đứng lên !... nhảy! Tư thế phù hợp, nguyên tắc gập gối...

Thêm vào đó, họ còn đồng ý nhảy dù lần đầu tiên từ một chiếc máy bay tới dưới làn lửa đạn và trong tình trạng khó có thể sống sót nổi khi tới mặt đất. Nếu họ làm thế thì họ sẽ có một cơ hội tốt để nhảy dù vào bên trong các chiến tuyến của đối phương. Liệu lính tình nguyện của Điện Biên Phủ lập lại hành động mà De Gaulle thường đưa ra như một “ý tưởng kiên định của Pháp”? Điều này cũng dường như rất khó, đặc biệt là với lính Lê dương, lính Bắc Phi và lính ngụy Việt Nam. Hay đó có thể là sự tìm kiếm vinh quang gắn liền với thói cao ngạo thái quá? Điều đó thật đáng ngờ. Phần lớn những người lính ở Đông Dương đều có đủ thời gian để họ không còn có những ảo tưởng về bản chất khốc liệt của cuộc chiến tranh. Thậm chí khi so sánh với những người mới đến thì những khoảng trời ảm đạm, những cơn mưa sập sùi của Bắc Kỳ đều đưa đến cho họ sự bi quan hơn là những giấc mơ vinh quang.

Có thể, đối với nhiều người, đó là tình bằng hữu giản đơn, không tô điểm và một tinh thần đồng đội, giống như tất cả những người lính đang chiến đấu ở những góc độ khác nhau. Những bạn chiến đấu của họ đứng ở trong tình trạng rất tồi tệ và cần được giúp đỡ. Một số người không nhận thức đầy đủ về tình trạng tuyệt vọng này, đã hành động như thể ngăn chặn sự tận thế cũng như sự sụp đổ của niềm kiêu hãnh của quân đội thuộc địa, với những truyền thống và quy tắc của nó. Một số khác, những người tình nguyện tới từ các đơn vị không trực tiếp chiến đấu, dường như đã nhận ra vài điều gì đó đối với bản thân họ, còn một số kẻ gây rắc rối thì đơn giản là đang tìm cách hành động. Dù cho cách giải thích cuối cùng là thế nào đi nữa, mỗi người đều có lý do riêng bảo vệ cho việc tình nguyện của mình đến cái nơi mà sau này người ta mô tả như là “một cú nhảy vào địa ngục” (A jump into hell).

Báo cáo của một nhân chứng về một chuyến bay ban đêm cất cánh từ sân bay Gia Lâm (đăng trong cuốn Tạp chí Caravelle của Quân đoàn Viễn chinh Pháp) đã mô tả lại công việc huấn luyện nhảy dù cho lính tình nguyện như là việc của các “cha nội” dạy con cái. Nhiều người vẫn còn muốn đi giầy đinh hơn là đôi giầy của lính dù khi tập. Để khỏi trượt chân trên sàn sắt của máy bay hay khỏi ngã nhào qua các cửa để ngỏ, họ phải cẩn thận đi tất trùm qua các đầu đinh của giầy.

Chiếc máy bay chỉ huy C.47 cất cánh sớm và hoạt động như một “xe cảnh giới lưu động” trên không và sẽ dừng ở thung lũng Mường Thanh ở độ cao 10.000 feet đến 12.000 feet (3.048-3.657 mét) vào khoảng 7-8 tiếng. Trong khi máy bay chỉ huy rà quanh thung lũng thì phi hành đoàn và nhân viên chia nhau ăn uống. 

Trong các khoang chở lính, tiếng hát hò, những câu chuyện gẫu nhạt dần khi ánh đèn của Hà Nội khuất khỏi tầm nhìn. Những chai rượu rum được chuyền tay nhau. Những “ổ gà” không khí đầu tiên và sự hỗn loạn đã tác động tới những tân binh, đặc biệt là những người chưa có kinh nghiệm bay nên đã ăn uống quá nhiều trước khi xuất phát. Tiếng nôn oẹ của họ bị lẫn đi trong tiếng ầm ầm của động cơ.

Đến gần Điện Biên Phủ, những chiếc C.47 bắt đầu hạ dần độ cao. Tác giả bài báo đăng trên Tạp chí Caravelle nhớ lại: Có một khối đen lớn che lấp hết các cửa sổ. Đó là những ngọn núi. Chúng bao quanh toàn bộ chiếc Dacota và cắt mất tầm nhìn của nó. Bây giờ chỉ có radio hướng dẫn phi công hạ cánh dần xuống cái địa ngục mà thời gian tưởng chừng như kéo dài vô tận. Chỉ cần mắc một lỗi nhỏ là anh ta sẽ lao vào những ngọn núi cao vút.

Đợt thả dù này quả thực là cơn ác mộng của những nhà vạch kế hoạch, những trái pháo cao xạ 37 ly nổ toé xung quanh, những mảnh đạn văng vào cánh máy bay, đôi khi làm thân máy bay bị vết thủng lỗ chỗ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 12:03:34 pm »


Những chiếc C-47 thường quay về với khoang trống rỗng trừ đội bay cùng một hai hay ba chú lính tình nguyện ngồi thu lu trong những chiếc ghế, còn phần lớn đã lần lượt nhảy. Họ hy vọng hạ cánh xuống gần toạ độ đánh dấu khu vực thả dù, nhưng toạ độ thường bị trượt khỏi tầm nhìn khi bị các luồng gió bất thường ập tới. Những người nhảy chệch hướng sang phòng tuyến đối phương hoặc rơi vào khu vực pháo phòng không đều hiểu rằng số phận của họ sẽ rất bi đát. Đối với nhiều người, cú nhảy đầu tiên và cú nhảy cuối cùng cũng đồng nghĩa với cái chết hoặc bị bắt làm tù binh. Có người rơi đúng vào mớ dây thép gai phòng thủ hỗn độn, để rồi bị những chiếc dù không hạ xuống nổi, kéo lê qua các hàng rào dây kẽm gai, cào xước cơ thể. Một số khác lại rơi vào các mái hầm hay các ụ pháo; không may hơn là số bị rơi vào các khu hầm hôi hám của nhà xác ngoài trời buộc phải trườn qua các xác chết để thoát ra. Trong cuốn Tôi là thầy thuốc ở Điện Biên Phủ, Thiếu tá Grauwin miêu tả sự khôi hài trên chiến trường nổi bật lên giữa những mớ hỗn độn. Nhìn thấy chiếc huân chương thập tự trên ngực của một lính dù mới đến Grauwin hỏi bằng giọng Pháp bồi: “Anh là ngươi Thiên chúa giáo?” “Tôi ấy à, không, tôi không phải là người Thiên chúa giáo”, người lính ngụy đáp lại, “Me colonial”, nghĩa là “Tôi thuộc tiểu đoàn dù thuộc địa”.

Có lần, nguyên tắc của đơn vị dù khi tiến về phía khu vực thả dù đã không thực hiện được. Viên sĩ quan thông báo vắn tắt với họ: “Đây là khu vực thả dù. Hãy tiến về phía có đèn sáng. Quân Việt Minh đang ở phía bên kia... Cẩn thận, không được di chuyển về hướng đó”. Nguyên tắc này chứng tỏ nói dễ hơn làm khi mà hoả lực, lựu đạn và địa hình mới kết hợp với nhau làm rối trí những kẻ mới đến. Các tổ tìm kiếm, có trang bị đèn pha, theo dõi chặt chẽ những lính dù nhảy xuống vào ban đêm và hướng dẫn họ đến nơi an toàn. Trong một số trường hợp, khi các lính dù rơi vào giữa hai chiến tuyến thì lập tức diễn ra một cuộc chạy đua để ứng cứu và bắt sống quân dù giữa các đội tuần tra của Pháp và Việt Minh.

Không phải tất cả những lính tình nguyện tham gia nhảy dù là đều do tự cá nhân xung phong. Ngày 20 tháng 4, Thiếu tướng Cogny thông báo cho Đại tá Sauvagnac biết toàn bộ Tiểu đoàn số 2 (Trung đoàn bộ binh Lê dương số 3) đã tình nguyện tập nhảy dù. Ông ta yêu cầu có một sự dự tính cần bao nhiêu thời gian để huấn luyện cho một tiểu đoàn có thể nhảy xuống khu vực an toàn và khi nào thì bắt đầu tập luyện. Sauvagnac cho biết một tiểu đoàn tình nguyện nhảy dù lần đầu tiên sẽ có thể có tới 20% bị thương vong nếu trong điều kiện thời tiết tốt và 30-40% nếu tốc độ gió từ 4-5 m/s. Ông ta nêu ra một ví dụ trong đợt huấn luyện gần đây của 60 lính dù, kết quả “12 người bị tai nạn trong đó có 8 người phải vào viện”. Ngày hôm sau, một bức điện khẩn của Tướng Cogny gửi cho Tướng Navarre đề nghị bãi bỏ ngay tức khắc kế hoạch tập luyện và nêu ra sự cần thiết tiếp tục cuộc chiến đấu ở những nơi khác chứ không chỉ tập trung cho Điện Biên Phủ với nội dung: Dành riêng cho Tổng chỉ huy. Về vấn đề: đợt nhảy dù cuối cùng của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn bộ binh Lê dương số 3. Hôm nay, số lính dù của Tiểu đoàn 2 Trung đoàn bộ binh Lê dương số 3 đã bị 2 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 42 Việt Minh tấn công trên quốc lộ 5. Thống kê sơ bộ thiệt hại cho thấy có 23 người chết trong đó có 3 sĩ quan, Thiếu tá Carabiere, Đại uý Pernet, Trung uý Rignebault. 50 người bị thương trong đó có 3 sĩ quan. Do phải chịu đựng những tổn thất và ảnh hưởng do cái chết của viên chỉ huy tiểu đoàn đối với tinh thần của những người sống sót thuộc đơn vị này, tôi cho rằng kế hoạch này cần được chấm dứt.

Ký tên: Cogny

Kể cả những người lính từng trải cũng nhận thấy sự có mặt của họ ở Điện Biên Phủ thật là một bi kịch. Trung sĩ Robert Mallet, người cùng nhảy với một trong số các đại đội thuộc Tiểu đoàn dù số 2 nhớ lại:

Tuy đã ở Viễn đông từ năm 1951, nhưng tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh tràn ngập pháo đạn như vậy. Đêm hôm sau, Trung sĩ Braun và tiểu đội của anh ta bị giết hoàn toàn chỉ bởi một viên đạn pháo khi đang cố gắng tập hợp lại quanh một khẩu pháo cũ. Vài ngày sau, một quả bom lạc từ một trong những số máy bay của đơn vị chúng ta lại dội vào chúng tôi, gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Một người bị thương nằm trên cáng, những người khiêng vác và một quân y đang đi theo họ, tất cả đều bị xoá sạch trước mắt tôi. Trong một cái rãnh đó, tôi nhặt được vài mảnh thịt vụn của những số phận bất hạnh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 12:04:00 pm »


Câu chuyện về những người lính tình nguyện và những kẻ thay thế được ném xuống Điện Biên Phủ trong những chiếc máy bay nhỏ cho thấy sự mập mờ thiếu quyết đoán vẫn tiếp tục ngự trị trong Bộ chỉ huy tối cao Pháp trong cuộc chiến ở đây. Để yêu cầu quân đồn trú chiến đấu đến cùng, nhằm gây ra những thương vong lớn cho Việt Minh và tận dụng thời gian là một hành động quân sự có thể hiểu được nhằm duy trì số quân ở chiến trường, nhưng chỉ với số lượng nhỏ đến mức họ không thể tác động được tới diễn biến thuận lợi của cuộc chiến thì cũng đồng nghĩa với phạm một tội ác.

Một lỗi dễ hiểu đối với những cuộc thử nghiệm pháo bộ binh vào các cứ điểm của Điện Biên Phủ là thường coi nhẹ các đơn vị phục vụ: tiếp tế, thông tin, sửa chữa và y tế, những người có nhiệm vụ duy trì chức năng của pháo đài và cứu chữa cho thương binh. Binh lính cấp thấp phải chịu đựng nhiều khó khăn, mạo hiểm hơn những người từng trải trong các cuộc chiến khác. Những công binh Pháp trung thành với phương châm “Xây đôi khi phải phá” đang phải thực hiện nhiệm vụ dưới bom đạn và trong điều kiện ngày càng tồi tệ hơn. Liên tiếp chịu đựng sự thiếu thốn về vật chất và thương vong tăng cao họ phải củng cố lại các hầm trú ẩn, đào thêm công sự mới, đặt thêm mìn, bẫy, sửa chữa hàng rào thép gai và chống đỡ các ụ súng bị sập... Họ còn đảm nhiệm vai trò của những công binh chiến đấu, phòng thủ các vị trí và tham gia vào các đợt phản công như lính bộ binh.

Nhà nhiếp anh quân sự Camus và Peraud, nhà quay phim Schoendoerffer đi cùng với Tiểu đoàn xung kích số 8 và tiểu đoàn của Bigeard trong các đợt phản công để tiếp tục quan sát tình hình cuộc chiến. Khi không đi với các tiểu đoàn thì họ nghỉ lại trong các boongke tình báo gần bệnh viện mà người Mông vừa chiếm được. Schoendoerffer nhớ lại cuộc chiến đấu giáp lá cà để giành lại cứ điểm Eliane và Huguette “Các vị trí pháo chất đầy xác chết của các xạ thủ”. Trong một chuyến thăm cứ điểm Eliane 1 ông đã thấy mùi khó chịu bốc ra từ những xác chết và tiếng vo ve ghê người của lũ ruồi. Ông kể lại: “Thời tiết rất nóng, chúng tôi lại khát và một tổ được cử đi lấy nước đã bị chết do trúng đạn pháo cối. Khi xuống đồi tôi đã thấy xác của họ, 6 thi hài xác xơ trong bùn đỏ”. Vì khu vực vành đai chật hẹp nên Schoendoerffer và các đồng nghiệp được yêu cầu giúp đỡ bảo vệ các boongke tình báo cạnh người Mông. Ông nói: “Người Mông bắn rất giỏi và đã giúp chúng tôi ngăn chặn các đợt tấn công của Việt Minh”. Ngừng lại nhìn ra của sổ trong màn đêm của Paris nhiều năm sau Schoendoerffer nói tiếp: “Điều kỳ lạ là không có nhiều tiếng la hét hay than khóc trên chiến trường”.

Ở Washington, các nhà hoạch định chính sách Lầu Năm góc đang bàn về các chiến thuật của cuộc hành quân Vulture. Họ cho rằng máy bay B-29 của Mỹ nên sơn màu đỏ, trắng và phù hiệu xanh của lực lượng không quân Pháp. Để tránh việc tìm kiếm sự yểm trợ họ quyết định: Yêu cầu không quân Mỹ sẽ không mang theo bất kể giấy tờ tuỳ thân hay những dấu hiệu chỉ quốc tịch hoặc cấp bậc. Nhưng những chuẩn bị về quân sự để cứu vãn Điện Biên Phủ giờ đây phải phụ thuộc vào một quyết định ngoại giao. Ngoại trưởng Dulles bay tới London và Paris ngày 10 tháng 4 để nêu kế hoạch hành động thống nhất trước khi Mỹ đứng ra dẫn đầu phe đồng minh.

Ngày 14 tháng 4, cả Anh và Pháp đồng ý xem xét các nguyên tắc nêu ra trong kế hoạch. Tuy nhiên, có một vấn đề quan trọng giữa việc xem xét một kế hoạch mở rộng cho hành động thống nhất và việc phải đưa máy bay ném bom của Mỹ tới để cứu viện cho Điện Biên Phủ.

Sự lo lắng của một số nghị sĩ quốc hội, một số nhà lãnh đạo quân sự cao cấp và thái độ thờ ơ của Tổng thống Eisenhower với kế hoạch của Dulles về cuộc hành quân Vulture bị kém hiệu lực bởi vậy Dulles như bị “va phải bức tường đá ở London”. Thủ tướng Churchill và Ngoại trưởng Anthony Eden đang đấu tranh để cùng nhau giữ được chính phủ cộng hoà Anh sau chiến tranh đã không gì phải vội để bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh thuộc địa này với những ý đồ chính trị nghiêm trọng. Họ còn phải bận rộn chuẩn bị cho Hội nghị Geneve về Đông Dương sắp diễn ra. Churchill khẳng định chính phủ Anh sẽ không bị lôi kéo vào bất cứ hành động nào trước khi kết quả của Hội nghị chưa được công bố. Mặc dù hoạt động ngoại giao vẫn diễn ra hàng tuần, các kế hoạch chiến thuật mới được nêu ra nhưng tất cả dự định và mục tiêu của cuộc hành quân Vulture giờ đã không còn hiệu lực.

Tướng Giáp tiếp tục tập trung nỗ lực vào các cứ điểm của Pháp ở Huguette, một trọng điểm để kiểm soát được đường băng. Cho dù đường băng đã hoàn toàn bị tê liệt nhưng mất nó cũng có nghĩa là pháo binh và các vũ khí hạng nặng của Việt Minh có thể tiến gần hơn vào khu trung tâm phòng thủ Điện Biên Phủ. Quan trọng hơn, pháo phòng không 37 ly được đặt vào vị trí mới sẽ có thể rút ngắn khoảng cách với các máy bay viện trợ khi chúng trên phạm vi khu vực thả dù. Việt Minh nhận thức rõ về những khó khăn mà đối phương đang phải đối mặt với khi tiếp nhận quân tăng cường và hàng tiếp tế. Tướng Giáp nhận định về khu vực mà Pháp vừa chiếm được: “Các máy bay vận chuyển không dám bay thấp vì sợ hoả lực phòng không và sợ các thùng hàng lương thực, súng đạn rơi vào các chiến hào của ta. Vì vậy chúng ta phải đánh địch bằng chính pháo đạn của chúng”. Ông còn đề cập tới “cái gọi là những người tình nguyện - những người đã rơi vào phòng tuyến của ta và bị bắt khi đang đặt chân xuống mặt đất”. Khẩu phần ăn mà quân đồn trú đang phải chia nhau với những người bắt chúng có cả những hộp hành tươi, rau và hoa quả. Những đồ hộp này đã cung cấp nguồn dinh dưỡng chính cho quân đồn trú để họ có thể chống lại căn bệnh phù nề và các bệnh dịch khác do thiếu vitamin gây ra.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 12:04:36 pm »


Ngày 16 tháng 4, khi De Castries đang xin Hà Nội cho tăng thêm pháo binh thì được biết ông ta được thăng chức thiếu tướng nhưng không phải chỉ một mình ông ta mà cả Langlais, Bigeard, De Séguin - Pazzis và nhiều sĩ quan khác nữa. Nhiều phần thưởng như huân huy chương được thả xuống. Tướng Cogny thông báo ông ta đã thả một hộp đựng quân hàm mà trước đây ông ta đã đeo khi còn là thiếu tướng cho De Castries cùng với rượu cô nhắc và thuốc lá để chúc mừng. Hộp đựng quân hàm đó sẽ không bao giờ tới được tay De Castries vì nó đã rơi vào chiến hào của Việt Minh. Theo nhà văn Ervan Bergot - người đang phục vụ cho Tiểu đoàn dù Lê dương số 1 thì Đại đội 4 thuộc tiểu đoàn của ông ở cứ điểm Huguette 5 đã lấy được chiếc hộp đó nhưng các chai rượu bị vỡ hết, họ hút hết thuốc lá còn sao thì đem chôn xuống đất. Cuối cùng người ta phải dùng những mảnh kim loại để làm thành các ngôi sao tạm thời cho De Castries. Sau một thời gian, đài phát thanh của Việt Minh lại thông báo chiếc hộp đựng nhiều huân huy chương của Pháp đã rơi vào tay họ.

Ngày trước khi hộp đựng quân hàm được thả xuống Điện Biên Phủ, cố vấn Mỹ Paul Sturm tổ chức một bữa tiệc chia tay với Thiếu tướng Cogny tại trụ sở của ông ở Hà Nội. Sturm đã hết thời hạn và phải chuyển giao nhiệm vụ cho người khác và phải báo cáo lại cuộc gặp mặt về cho Washington. Sturm nói: “Tướng Cogny một lần nữa đã nghĩ lại nhưng vẫn có những bất đồng với Tướng Navarre, đặc biệt về việc tiến hành cuộc chiến ở Điện Biên Phủ”.

Cogny ca ngợi kế hoạch tác chiến ở Điện Biên Phủ của Việt Minh và nêu rõ chiến lược trọng tâm của Việt Minh trong chiến dịch. Ông nói: “Các hoạt động của Việt Minh ở Lào, các trận đánh vào tuyến đường bộ và đường xe lửa ở Hà Nội, Hải Phòng và các hoạt động tự phát của quân du kích khắp vùng châu thổ đều trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng tới trận đánh ở Điện Biên Phủ. Còn câu trả lời của Pháp với Điện Biên Phủ chỉ là một chiến thuật”. Cogny còn chỉ trích sự lơ là và cẩu thả trong việc tiếp tế bằng không quân. Cogny nói với Sturm: “Khi họ đề nghị Mỹ tăng thêm máy bay và Mỹ đồng ý thì họ lại không đủ phi công và cơ sở hạ tầng.” Câu cuối của bức điện viết: “Cogny vẫn tin rằng Bộ Tư lệnh Pháp không bao giờ nên chấp nhận cuộc chiến trong rừng núi xa xôi hẻo lánh của người Thái, vì cuộc chiến ở Điện Biên Phủ để giành lấy vùng châu thổ sông Hồng rất có thể sẽ bị thất bại”.

Sturm còn yêu cầu Bộ ngoại giao chuyển bức điện của Langlais tới chị gái của ông ta bà Jim Corbett ở trường Đại học Notre Dame để cảm ơn đồng bào, đặc biệt là những người Mỹ gốc Pháp về những lá thư động viên của họ gửi tới Điện Biên Phủ.

Chủ nhật ngày 18 tháng 4 là một ngày bất thường ở Điện Biên Phủ. Bầu trời trong xanh, ánh nắng tràn ngập, bỗng nhiên một chiếc máy bay ném bom xuất hiện, phá tan màn không khí yên bình, dọn đường cho một đợt nhảy dù khác thường. Những chiếc C-47 và C-119 xuống thấp để thả hàng. Phần lớn những chiếc dù sặc sỡ vẫn còn bay lơ lửng bên trong vành đai. Mặc cho hoả lực đối phương quấy nhiễu, những tay lính canh vẫn lao ra thu nhặt các thùng lương thực và đạn dược. Ngoài lương thực và đạn dược họ còn thấy có cả thịt hộp sôcôla, hoa quả và thuốc lá. Rượu rum và rượu cô nhắc đã làm tăng thêm niềm vui cho quân đồn trú vào ngày lễ Phục sinh rất đặc biệt này.

Tình hình nguy hiểm của Đại uý Bizard và binh lính của ông ở cứ điểm Huguette 6 đã không cho phép họ có thời gian để tổ chức tiệc. Hệ thống hầm hào của Việt Minh vây quanh cứ điểm đã xiết chặt họ lại. Không chỉ những hầm hào của đối phương hướng về cứ điểm Huguette 6 mà một số cái thậm chí đã được đào hướng về phía đồn trung tâm để ngăn chặn các cuộc phản công của Pháp. Một tuyến đường hào của Việt Minh hiện cắt đôi đường băng. Lực lượng tác chiến đặc biệt đem nước vào cứ điểm mỗi đêm đều phải giải phóng những khối vật cản của Việt Minh để lại trên đường từ đợt tác chiến trước đã gây ra một tổn thất lớn. Đêm 17 tháng 4, Bigeard kết hợp cùng một đơn vị dù hỗn hợp và một đơn vị Lê dương với 2 xe tăng yểm trợ đã phá vòng vây ở cứ điểm Huguette 6. Sau 6 giờ chiến đấu ác liệt với những đợt tăng quân ít ỏi, quân của Bigeard đã qua được vòng vây thứ 2 (ra khỏi mục tiêu 800 mét). Khi bình minh lên, rõ ràng những nỗ lực tấn công vào cứ điểm Huguette 6 đã phải trả giá quá đắt.

Thiếu tá Clémencon liên lạc với Bizard qua đài phát thanh, nói bằng giọng tiếng Anh để phía đối phương có nghe trộm cũng bị nhầm lẫn, rằng hiện tại chỉ còn anh và 200 lính của anh là đang chiến đấu. Sự dũng cảm và bình tĩnh của Bizard ở Huguette 6 đã gây ấn tượng cho nhiều người ở Điện Biên Phủ. Một huân chương danh dự rất có ý nghĩa với một sĩ quan của anh ta giờ lại rơi vào chiến hào của đối phương. Đây là thời điểm quyết định đối với Bizard nên anh ta chẳng hề do dự. Đánh tới cùng để lấy lại vị trí đã bị mất hoặc đầu hàng, Bizard lựa chọn lối đánh. Kế hoạch bắt đầu lúc 8 giờ ngày chủ nhật, Bizard triển khai quân dọc theo đường hào phía Nam của cứ điểm Huguette 6 cách vị trí gần nhất của Việt Minh 30m. Sau khi trấn an cho thương binh và phá huỷ tất cả các vũ khí hạng nặng, Bizard lệnh cho binh lính tự vũ trang bằng lựu đạn và yêu cầu họ chia đôi bao cát đeo ra phía trước và sau để tránh các mảnh đạn bắn vào người. Một trung sĩ bị thương vẫn đang dùng khẩu súng trường tự động để bắn yểm trợ cho đồng đội và đã chết ngay tại chỗ vì trúng đạn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 12:05:18 pm »


Vào thời điểm quyết định và dưới màn sương mù bao phủ, Bizard lệnh cho quân lính trườn qua các ụ đất phòng thủ dọc theo chiến hào và cuộc chạy nước rút bắt đầu diễn ra. Phần lớn bộ đội đã quay về hướng Nam, tập trung ngăn chặn lực lượng phá vây cách khoảng 300m. Dưới những trận mưa lựu đạn, quay lại họ thấy đám lính dù và lính Lê dương tại cứ điểm Huguette 6 đang rất mệt mỏi nhảy qua các chiến hào chạy về phía đội quân cứu trợ. Ốm đau, thiếu lương thực, bị thương đã làm giảm tốc độ rút quân của đám lính và gây thêm nhiều thương vong. Cú điện đầu tiên gọi về sau khi quân của Bizard tới được cứ điểm an toàn cho biết 60 người mất tích (trong đó có cả bị chết, bị thương và bị bắt). Trong 300 người của đơn vị đồn trú thì 106 người bị chết, 49 người bị thương, 79 người mất tích. Trong 16 sĩ quan làm nhiệm vụ tại cứ điểm Huguette 6 chỉ có 5 người sống sót.

Ngày 20 tháng 4, Langlais và các chỉ huy lính dù đưa ra một bản đánh giá chi tiết về sức mạnh trên chiến trường. Bizard nhớ lại trong số 13.000 quân ban đầu thì khoảng 2.400 quân (không tính tới quân đồn trú bị cô lập ở Isabelle) có thể được coi là chiến đấu tốt. Tiểu đoàn 6 của Bigeard là 150; Tiểu đoàn 2 của Bréchignac: 200; Tiểu đoàn dù xung kích số 8 của Tourret: 250; Bawouan 5 của Botella: 200; Tiểu đoàn dù Lê dương số 1 và 2: 550; bộ binh Lê dương: 400; lính súng trường Marốc, pháo binh, công binh và các nhóm người Thái: 650. Sau này Bigeard viết tiếp: “Chỉ có “lực lượng chủ lực” là còn đang chiến đấu, các lực lượng khác đều đã thất bại. Ban đêm, họ trốn việc đi cướp hàng tiếp viện được thả xuống. Lúc này Langlais đang xem xét một phương án trừng phạt những người trốn việc này. Nhưng đã có quá nhiều người chết và bị thương vậy nên làm gì đây? Chúng tôi sẽ quan tâm tới vấn đề này nếu chúng tôi thoát khỏi đây”.

Đêm 20 tháng 4, một nhóm khoảng 100 lính tình nguyện nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Mỗi đợt nhảy thành công đều được ghi bằng điện mật gửi từ Hà Nội vào sở chỉ huy của De Castries. Trong một bức điện Hà Nội nhấn mạnh việc tăng cường quân: “Có thể gửi cho ngài thêm 100 lính Pháp, lính Lê dương và lính Bắc Phi tình nguyện nhảy dù - những người đã bị toà án quân sự kết án hoặc bị ngồi tù. Hãy gửi điện báo nếu ngài chấp nhận những lính tình nguyện này”. Điện Biên Phủ trả lời: “Isabelle mong muốn nhận được binh lính đã được tuyển chọn kỹ”.

Tình hình ở bệnh viện ngày càng xấu đi, Thiếu tá Grauwin đang phải đối mặt với nạn dịch ấu trùng. Ruồi bay khắp nơi kêu vo ve quanh đám thi hài mục nát trong nhà xác. Grauwin viết: “Đêm đến, thật kinh hoàng khi nhìn thấy cảnh rùng rợn này: những con giun trắng nhỏ bé bò qua tay, mặt, chui vào tai những người bị thương đang ngủ”. Để trấn an bệnh nhân Grauwin giải thích: những con ấu trùng ăn các tế bào chết để giữ sạch cho các vết thương.

Thật kỳ lạ, bệnh viện lúc đó trở thành một nơi tăng quân. Trong bữa ăn trưa vội vã với Langlais và Bigeard, Langlais cho rằng Grauwin nên kiểm tra xem liệu có ai đáng ra phải nằm trong bệnh viện lại bị tụt về phía sau. Do dự một lúc rồi bắt đầu đi kiểm tra quân số bị thương, Grauwin nói với một số bệnh nhân từ tiểu đoàn của Bigeard rằng chỉ huy của họ đang tìm kiếm người để thành lập một đại đội mới. Những từ “lính tình nguyện”... “Tiểu đoàn 6”.... “ Bigeard” lan truyền nhanh qua các hầm trú ẩn. Trong cuốn sách của mình, Grauwin tả lại cảnh này như việc ông ta bất ngờ phải đối phó với một cuộc họp của những người thương binh tình nguyện: “Tôi thấy một chân tôi được các đồng đội (những người còn cả 2 chân) chăm sóc; tay tôi bị quấn băng đeo trước ngực; nhưng người mù nói với tôi rằng họ có thể nhìn rất rõ...”. Cảm động trước sự đoàn kết đó nhưng bị kẹt vì sợ có lỗi với những người bị thương, Grauwin phản ứng: “Không, không phải tất cả mọi người”. Họ trả lời thật đơn giản và thẳng thắn: “Những người bạn thân đang chờ chúng tôi, chúng tôi biết chắc điều đó. Nếu họ phải chết, chúng tôi muốn chết cùng họ”. Hướng về phía đồn trung tâm, một số thương binh trong trạm dưỡng thương tiểu đoàn đã sẵn sàng bước tập tễnh quay lại các vị trí của họ.

Việt Minh chuyển hướng sang cứ điểm Huguette 1 (cứ điểm 206) phía Nam của Huguette 6, chếch phía Tây của đường băng. Cứ điểm này cách không xa chiếc máy bay Curtiss của lính đặc công mà từ lâu đã làm nơi hội ý kế hoạch tuần tra và phản công của Pháp. Thân máy bay làm nơi trú cho một xạ thủ súng máy Việt Minh đóng vai trò cốt tử trong cuộc đấu tranh giành lại đường băng. Trước sự thất bại của Huguette 6, Việt Minh đào thêm 2 đường hào cắt nhau giáp với Huguette 1. Hiện tại hệ thống đó được cải tiến và mở rộng. Nhìn từ trên không, các đường hào quanh cứ điểm đã phân chia mặt đất thành nhiều phần giống như chiếc mền bông.

Đêm 18 tháng 4, một đại đội mới của Tiểu đoàn 1 bán lữ đoàn Lê dương số 13 dưới sự chỉ huy của Đại uý Chevalier được lệnh chuyển từ cứ điểm Claudine tới Huguette 1 để tăng cường cho một đại đội Lê dương đã quá mệt mỏi của Tiểu đoàn 1 Trung đoàn bộ binh Lê dương số 2. Quá nửa đêm đại đội của Chevalier bị quân Việt Minh từ các chiến hào và công sự phòng thủ quanh cứ điểm chặn đánh. Lính Lê dương đang phải chống đỡ lại đợt chặn đánh của 1,5 tiểu đoàn bộ đội trên đường. Chevalier yêu cầu xin thêm pháo binh. 10 giờ ngày 19 tháng 4, đại đội của Chevalier vào tới được cứ điểm Huguette 1 thì đã mất 1/3 đại đội. Lính Lê dương phải mất 14 giờ để vượt qua 1.500 yard (961m). Tại cứ điểm này Việt Minh cũng đang chờ quân của Chevalier tới.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 12:06:00 pm »


Cứ điểm Isabelle đang bị pháo đạn của Việt Minh tấn công, các chiến hào của đối phương được mở rộng sát vào vành đai phòng thủ phía ngoài của quân Pháp. Trong số 11 đại bác 105 ly chỉ còn 8 khẩu đang hoạt động, xe tăng chỉ còn 2. Địa hình bằng phẳng, lầy lội của Isabelle không tạo ra được sự bao quát thực và cũng không có chỗ ẩn nấp, chu vi đo được 1/4 dặm vuông vì vậy nó là vị trí rất khó thả dù.

Đại tá Lalande chỉ huy cứ điểm cùng với một cựu chiến binh quân đội Viễn chinh trong thế chiến II đang có một đội quân hỗn hợp gồm lính Lê dương, lính súng trường Algeri, lính súng trường người Thái... chiếm giữ các vị trí của cứ điểm Isabelle. Mặc dù chức năng chính của cứ điểm này là phải cung cấp pháo binh cho Điện Biên Phủ nhưng giờ nó lại bị đẩy vào cuộc chiến bộ binh và pháo binh để tồn tại.

Hồi đầu trước khi con đường nối Isabelle với cứ điểm chính bị cắt đứt, Isabelle đã nhận quân tăng cường từ Điện Biên Phủ. Đội quân này gồm những tay súng trường người Thái những người đã trốn khỏi trận đánh ở Anne-Marie. Ngày 20 tháng 4, một cuộc đọ sức giành lại cứ điểm Wieme do Trung tá Wieme và đơn vị 219 người Thái thực hiện. Vị trí này mở rộng về phía Đông Bắc của Isabelle. Đường băng phụ kéo dài từ Wieme về phía Bắc hiện do Việt Minh kiểm soát và hoàn toàn mất tác dụng với Pháp. Cứ điểm Wieme là một bãi lầy lớn, các đường hào sâu nối với vị trí trung tâm bằng một chiếc cầu nhỏ bắc qua sông Nậm Rốm. Lực lượng nhỏ bé của Wieme và toàn bộ quân đồn trú của Isabelle đang phải chịu cảnh thiếu thốn lương thực. Với mục tiêu chiếm được Isabelle, Việt Minh đã đưa vào Trung đoàn 57 (Sư đoàn 304) và Tiểu đoàn 888 (Sư 316), tổng cộng quân số là 3800. Ngày 20 tháng 4 tổng số quân của Đại tá Lalande lên tới 1400 quân. Các cuộc tấn công và phản công của Việt Minh đã tiêu diệt hết các đơn vị của Pháp ở “5 cứ điểm và Huguette” và bắt đầu chuyển hướng sang Isabelle.

Quân của Chevalier ở Huguette 1 liên tiếp phải chịu các cuộc tấn công của Việt Minh. Hoả lực pháo của Việt Minh mạnh tới mức cứ điểm này giống như ngọn núi lửa đang hoạt động. Các xạ thủ Việt Minh từ các công sự vừa chiếm được ở Dominique 2 phóng thẳng hoả lực về phía địch tạo thành một dòng chảy không gì ngăn cản được. Trong khi luân chuyển vị trí, Chevalier được cảnh báo rằng có tiếng đào bới dưới lòng đất tại các cứ điểm của Pháp. Ngày 22 tháng 4 Chevalier tập hợp 60 người còn lại trong các chiến hào quanh sở chỉ huy để dốc lực vào trận cuối. Đêm đó, Việt Minh từ lòng đất chui lên trong các cứ điểm giống như những bóng ma gây hoạ. Chevalier lệnh cho súng 120 ly tập trung hoả lực vào Huguette 1. Nhiều bộ đội chui lên đã trúng pháo đạn của lính Lê dương. Lúc trời sáng thì lính Lê dương cũng dọn sạch xác Việt Minh. Erwan Bergot, trong cuốn “170 ngày ở Diện Biên Phủ” đã tả lại hệ thống hào dưới lòng đất của Việt Minh: “Lính Pháp đã giết người đầu tiên chui lên khỏi mặt đất rồi lấp vào đó bằng một bọc thuốc nổ và lấy xác chặn lại”. Nhưng mỗi lẫn bộc phá nổ thì lại một người mới xuất hiện. Bức điện cuối cùng từ Huguette 1 yêu cầu tăng quân được ghi lại lúc 23h. Đóng quân trên một khu đất mấp mô, Đại uý Chevalier và một số quân của ông đang bị tấn công dữ dội. Nếu Điện Biên Phủ với dây thép gai, hầm hào lầy lội giống như Verdun thì sự thất bại của Huguette 1 đã gợi lại cảnh các trận đánh ở thế kỷ 19 từng làm Quân Viễn chinh nổi danh.

Tướng De Castries quyết định lấy lại Huguette 1. Cả Langlais và Bigeard đều chống lại quyết định trên vì Bigeard cho rằng sức mạnh bị giảm cùng với sự mệt mỏi chung là dấu hiệu của sự thất bại. Nhưng De Castries biết sự có mặt của Việt Minh ở Huguette 1 cũng có nghĩa là sẽ mất đi khu vực nhảy dù còn lại nên yêu cầu tấn công là trên hết. Ông ta hy vọng sẽ giành lại vị trí này trong vòng 16 giờ.

Sở chỉ huy của Cogny muốn biết cần phải làm gì để chuyển các đơn vị và hàng tiếp viện khi mùa mưa và gió mùa tới. Vấn đề là liệu De Castries có chỉ huy được một đơn vị đồn trú bình thường tiến hành một đợt tái triển khai lớn đến như vậy? Hà Nội cho rằng nên đưa quân ở Isabelle vào để tăng cường cho khu trung tâm. Các nhà chiến thuật dường như lờ đi thực tế là Isabelle luôn sẵn sàng chiến đấu để giành lấy sự sống còn của nó.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM