Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 07:13:57 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ cuộc đối đầu lịch sử mà nước Mỹ muốn quên đi  (Đọc 44465 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2009, 12:44:37 pm »


Ngày 28 tháng 3 đánh dấu sự chờ đợi cơ hội mới đối với Thiếu tá Grauwin và những người bị thương thuộc phần trách nhiệm của ông ta. Từ sáng sớm, một chiếc C-47 trượt trên đường băng vào sáng sớm chạm phải pháo binh của Việt Minh. Chiếc máy bay đó do tổ phó tổ vận tải - Thiếu tá Maurice Blanchet lái trong chuyến bay đêm đầu tiên vào Điện Biên Phủ. Chiếc C-47 của Blanchet là chiếc máy bay y tế cuối cùng hạ cánh xuống Điện Biên Phủ và cũng là chuyến bay cuối cùng bị hoả lực Việt Minh tiêu diệt. Phi công và phi hành đoàn trong đó có Trung uý Terraube 28 tuổi y tá lực lượng không quân, đã tránh được bị thương và gia nhập quân đồn trú.

Giống như những phi công bị kẹt khác, Blanchet đã sớm tìm được nơi trú ẩn trên mặt đất, một bộ phận kỹ thuật viên hàng không đang phải chiến đấu như những lính bộ binh cùng với Tiểu đoàn dù Lê dương số 1. Các bộ phận khác đảm nhiệm việc cung cấp đạn dược cho các căn cứ của Pháp. Blanchet lập tức bố trí người ở đài phát thanh VHF, hướng dẫn các phi công lái các chuyến bay thả hàng tiếp tế. Trung uý Galard-Terraube được giao nhiệm vụ ở bệnh viện của Thiếu tá Grauwin để cùng chia sẻ những hiểm nguy, những đêm thức trắng và nỗi sợ hãi trong các hầm trú ẩn bị chuột quấy phá. Sự điềm đạm và kinh nghiệm chuyên môn trên chiến trường của Terraube đã có tác động xoa dịu sự đau đớn của những người bị thương và những người đang hấp hối. Đầu tiên, các bệnh nhân của Grauwin gọi cô ta là “Mademoiselle” nhưng sau đó cô ta được biết đến như “Genevieve”. Cô ta không chỉ chăm lo cho những thương binh nặng mà còn bất chấp nguy hiểm tới thăm các trạm thương binh ở các cứ điểm khác. Mặc dù huyền thoại về “thiên thần của Điện Biên Phủ” là một sản phẩm của chiến dịch quảng cáo tuyên truyền nhưng Genevieve khiêm tốn sẽ không bao giờ phai mờ trong trí óc những người đã qua bệnh viện này.

Ngày 29 tháng 3 gió mùa bắt đầu tràn vào Điện Biên Phủ. Ngày hôm sau, mưa to làm ngập các đường hào tới mắt cá chân. Đất đỏ tràn từ trên tường xuống và các ụ nước hào giống như những dòng dung nham chảy chậm lấn vào các hầm trú ẩn và hầm chứa vũ khí. Cùng với đó là những xác chết chưa được chôn và các chất thải của con người đã tạo ra một loại đất bùn hôi thối. Mưa rào làm lung lay các cột gỗ đang chống đỡ căn hầm trú ẩn và có nguy cơ làm sập mái. Các phân đội đang phải di chuyển súng đạn và lương thực lên trên khu đất cao hơn đề tránh nước. Ngày 13 tháng 3 công việc chuẩn bị cho các bữa ăn đã trở nên rất khó khăn. Nước chảy xối xuống các bức tường của bệnh viện làm dâng cao mực nước trên sàn.

Một kế hoạch tạm thời được đưa ra để giải quyết các vấn đề trong đợt gió mùa. Đó là di chuyển các đơn vị và nguồn tiếp tế tới chỗ cao hơn. Các nhà vạch kế hoạch đã dự kiến trước một quy trình theo thứ tự dưới sự trợ giúp của các lực lượng công binh, xe tải, các đơn vị có liên quan. Kế hoạch này đã không tính tới hoả lực pháo binh liên tiếp của đối phương. Dưới những trận mưa không ngớt, việc bố trí lại trật tự ở các cứ điểm đã trở thành một giấc mộng hão huyền.

Từ giữa tháng 3, Tướng Giáp đã lên các kế hoạch cho “giai đoạn 2 của cuộc tấn công”. Các mục tiêu sẽ là:

Chiếm các đồi phòng thủ phía Đông khu vực trung tâm, thúc đẩy công việc đào hào để nhanh chóng bao vây đối phương, bố trí xung quanh một mạng lưới các hướng tấn công, cô lập sau đó chiếm đóng sân bay chính, ngăn chặn và cắt đứt hoàn toàn tuyến đường tăng quân và tiếp tế của đối phương, tiêu hao và tiêu diệt sinh lực địch, giới hạn phạm vi và không gian, tạo điều kiện thuận lợi để tiến hành một cuộc tổng tấn công.

Kế hoạch này đòi hỏi phải tiến vào được các khu cứ điểm Dominique và Eliane của Pháp, chiến đấu ngày đêm không nghỉ ngơi bằng hoả lực, bằng các cuộc tấn công xe tăng và các cuộc không kích cho tới khi chiếm được các cứ điểm đó. Tướng Giáp thừa nhận những khó khăn và nguy hiểm của một kế hoạch như vậy. Cho tới giờ, các cuộc tấn công của ông vẫn thường diễn ra vào ban đêm. Yếu tố này cho phép quân lính của ông tiếp cận các mục tiêu trong đêm tối, giao tranh với địch và rút ra trước khi trời sáng, cũng có nghĩa là giảm bớt hiệu quả của việc trợ giúp bằng không quân của Pháp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2009, 12:45:07 pm »


Để giảm bớt những quấy nhiễu của cuộc chiến ban ngày, Giáp ra lệnh xây dựng mạng lưới đường hào mới quanh Dominique và Eliane. Mạng lưới này gồm các đường hào giao thông chạy từ đỉnh đồi phía Đông tới hàng rào thép gai phía ngoài các đơn vị của Pháp và các đường hào tiếp viện bên cạnh để trợ giúp cho việc di chuyển và ngăn cản các đợt phản công của địch. Những công sự chiến đấu này phải gồm các hầm xây cuốn cho các vũ khí tự động, súng không giật, các hầm đạn, các hầm trú ẩn cho cứu thương và các chỗ để ngủ. Có một khẩu hiệu đó là “Đào xong rồi đánh”. 100 km đường hào được đào trong 10 ngày vào cuối tháng 3. Tướng Trần Độ viết:

Trong một ngày, bộ đội chỉ được ngủ khoảng 3 giờ hoặc ít hơn thế. 7h hoặc 8h giờ họ từ chiến trường trở về, sau khi ăn họ tham gia một cuộc họp để điểm lại công việc, ngủ từ 9h đến 12h, sau đó đi đốn và trở củi về. Từ 3h trở đi sinh hoạt tập thể, ăn cơm sau đó vác cuốc chim và xẻng ra đi tới tận sáng hôm sau.

Mặc dù pháo binh và các trận không kích của Pháp là mối nguy thường trực nhưng mô tả của Trần Độ vẫn chỉ ra sự trái ngược giữa lực lượng bao vây và lực lượng bảo vệ còn lại ở Điện Biên Phủ. Hơn nữa việc đào hào vẫn còn là một công việc phải trả giá đắt. Trần Độ viết:

Tuy đã chuẩn bị xong cơ bản cho cuộc tấn công vào bốt ở phía Đông, nhưng đại đội của Phùng vẫn tiếp tục đào thêm được khoảng 10m để củng cố lại các lều trại, chất gỗ xung quanh và xây các đường hầm để bảo vệ chúng khỏi đạn pháo của đối phương. Công việc này làm nhiều người phải hy sinh do vậy đã làm tăng thêm lòng căm thù, sôi sục của hàng trăm người khác.

Công việc chuẩn bị trước khi tấn công của hai căn cứ hoả lực Bald Mountain và Phony Mountain là kế hoạch chính cho các công binh chiến đấu của Tướng Giáp. Từ khi Pháp bắt đầu chiếm đóng Điện Biên Phủ, Đại tá Piroth và đám lính của ông ta đã khẳng định với De Castries rằng Tướng Giáp sẽ không bao giờ đưa được khẩu đội pháo vào những quả đồi trọc phía Đông Nam của Eliane 2 (Cứ điểm A1) - một trong những vị trí quan trọng của cứ điểm. Ở một chừng mực nào đó họ đã đúng. Không một chỉ huy Việt Minh nào có kinh nghiệm lại liều mình đưa pháo vào những vị trí lộ liễu như vậy. Nhưng Pháp đã không tính tới khả năng của đối phương là đào các địa đạo các đường hầm xuyên qua đồi. Vì Tướng Giáp đã đưa lực lượng tấn công vào vị trí, nên giờ đây ông ta có thể yên tâm về vấn đề tiếp viện hoả lực từ một số súng không giật và súng máy hạng nặng được phóng hoả từ những sào huyệt mới đào, được ngụy trang kỹ của Phony Mountain. Cả hai quả đồi này đều là nơi trợ giúp đắc lực cho các hoạt động của Việt Minh cũng như hoạt động của các căn cứ hoả lực.

Với Trung tá Langlais, mọi dấu hiệu chỉ ra một cuộc tấn công lớn của Việt Minh vào các vị trí đồi phía đông. Những chuyến thăm chớp nhoáng tới Dominique và Eliane buộc ông ta tin rằng cần thiết phải tăng cường lính dù cho cả hai cứ điểm. Ông ta đặc biệt lo ngại về điều kiện xuống sức của tiểu đoàn súng trường Algeri đang nắm giữ Dominique. Con mắt thực tế của ông ta thấy được những dấu hiệu mệt mỏi và suy giảm tinh thần của đám lính. Đại uý Jean Garandeau, chỉ huy tiểu đoàn, lại không đủ khả năng chỉ huy vì bị cảm cúm nặng, nhiều sĩ quan và lính không tham chiến của tiểu đoàn đã được sơ tán vì bị sốt rét, bị bệnh lỵ hoặc bị thương, vì thế làm cho tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Yêu cầu chiếm được các vị trí bên trong Dominique đã gây chia rẽ trong đám chỉ huy của Garandeau. Nếu Langlais bị lúng túng trong việc chiếm lại những vị trí do nguồn nhân lực nghèo nàn chiếm giữ, ông ta sẽ bị sốc khi biết rằng một trong những vị trí ở Dominique 2 được bảo vệ chỉ bằng một đại đội dân quân địa phương với những khẩu súng trường bắn tỉa 303 lỗi thời và không có một sĩ quan nào. Ông ta chỉ hơi yên lòng trước sự sẵn sàng chiến đấu của đại đội pháo Lê dương với sự yểm trợ của lính Algeri. Cho dù tiểu đoàn súng trường người Marốc đang chiếm giữ Eliane có điều kiện tốt hơn đám lính Algeri, Langlais vẫn nghi ngờ sức chịu đựng dẻo dai của tiểu đoàn người Thái ở Eliane. Ông ta ra lệnh rút một đại đội thuộc Bawouan số 5 và một đại đội của Tiểu đoàn dù Lê dương số 1 để tăng cường cho tiểu đoàn người Marốc ở Eliane 2. Ngoài ra 2 đại đội và một tiểu đội thuộc Bawouan số 5 của Đại uý Botella ở Eliane 4 (Cứ điểm C2) cùng với một đại đội thuộc Tiểu đoàn dù xung kích số 8 đã chiếm được Eliane 10 (Cứ điểm 506, 507). Các bộ phận thuộc Tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 của Thiếu tá Bigeard đã vào vị trí lực lượng dự bị và một trung đội tăng cũng đã sẵn sàng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2009, 12:45:46 pm »


Việc giải vây một vị trí tiền tiêu dưới những điều kiện căng thẳng không bao giờ là dễ dàng, đặc biệt khi bị đối phương giám sát mọi hoạt động. Lúc 18h ngày 30 tháng 3, một đại đội thuộc Tiểu đoàn Bawouan số 5 đang chui qua các lỗ thủng trên hàng rào để giải vây cho đại đội súng trường Algeri ở Dominique 1 (Cứ điểm E1). Lính Algeri đã dời chuyển các vũ khí tự động và tập hợp các kiện hàng cùng trang thiết bị. Vì phải tập trung trong các hầm hào nhỏ, nên binh lính Bắc Phi phải nói thì thầm với nhau và buộc phải rời khỏi vị trí bị lộ cũng chẳng vui vẻ gì vì họ đã thấy các mũ sắt nhấp nhô của lính dù Việt Nam đang tiến tới. Bỗng nhiên, mọi góc địa ngục thoát khỏi sự kìm hãm. Bầu trời dường như rộng mở. Pháo của Tướng Giáp đã bắt đầu tấn công vào Dominique và Eliane, và đang vươn ra để dập tắt các hoạt động và tạo ra cảnh hỗn loạn ở bốt chỉ huy trung tâm. Pháo đạn của súng đại bác và cối hạng nặng bắn tới tấp để lại những thi thể biến dạng, đẫm máu đang lồm cồm bò trong các hầm hào và những lính bảo vệ còn sống sót đang lần mò cào bới để yểm trợ nhau. Những gì sẽ trở thành nổi tiếng như “trận đánh giành 5 cứ điểm” đã bắt đầu. Cứ điểm Dominique 1, 2 (Cứ điểm E1, D1) và Eliane 1, 2, 4 (Cứ điểm A1, C1, C2) đã biến mất sau màn khói dày đặc với những mảnh vỡ bay tứ tung.

Quá trình giải vây cho Dominique 1 trở thành một cảnh hỗn loạn: các sĩ quan dù buộc những binh lính bị chất nặng hàng tiến về vị trí; cán bộ của đại đội súng trường Algeri cố gắng ra lệnh để dẹp đám hỗn độn và giữ binh lính của mình ở nguyên vị trí. Thông thường, những người bảo vệ sẽ chịu đựng các trận oanh tạc dưới bất kể sự yểm trợ sẵn có nào, chờ đợi để giao đấu với đối phương mà họ đã dự tính trước bằng súng máy cũ kỹ và hoả lực cầm tay một khi cuộc tấn công chấm dứt, nhưng lần này thì hoàn toàn khác, những đợt sóng bộ đội đầu tiên dường như mọc lên từ dưới lòng đất bên trong các hàng rào phòng thủ thép gai. Họ tiến thẳng lên vượt qua hàng loạt lượt đạn, nhổ những cụm thép gai mà họ đã cắt trước trong đêm. Các đơn vị đầu tiên làm nhiệm vụ lăn những cuộn thảm tới cạnh đường và đặt những quả mìn kích nổ, đặt bẫy sát thương. Việt Minh đột nhập qua hàng rào phòng thủ nhanh tới mức làm cho đại đội pháo Lê dương không kịp điều chỉnh tầm nhìn và điều chỉnh hoả lực pháo binh yểm trợ của Pháp. Quyết tâm giành chiến thắng, Tướng Giáp đã điều động 2 Sư đoàn Việt Minh 312 và 316, 2 trung đoàn thuộc Sư đoàn 308 cho cuộc tấn công. Quan sát cuộc tấn công từ trên xuống qua lớp khói của đạn pháo thấy được những lớp người tấn công đang toả ra từ các công sự và lao tới các vị trí của Pháp cứ như sức hút của các nam châm khổng lồ.

Rõ ràng là quá khó khăn với các lính Algeri ở Dominique 1. Binh lính trong đại đội chạy nháo nhác, mỗi người đều vì bản thân mình khi họ chạy trốn xuống chân đồi qua đám lính dù. Chỉ huy đại đội dù lệnh cho binh lính phóng hoả lực vào đám người chạy trốn và đã chặn được một số nhưng phần lớn vẫn tiếp tục chạy. Hơn 10 người chọi 1, lính dù Việt Nam, những người còn sống sót của đại đội pháo Lê dương và một số lính không tham chiến Algeri đã giữ vững vị trí được thêm 3 giờ trước khi bị thất thủ.

Rất giống với Dominique 2 (Cứ điểm D1), vị trí trọng yếu, hầu hết lính súng trường của Đại uý Garandeau đã bỏ chạy về phía sau, bốt chỉ huy bị san phẳng trong vòng một giờ. Binh lính Marốc ở Eliane 1 đã nhập vào và Thiếu tá Nicolas, chỉ huy tiểu đoàn ở Eliane 2 hầu như không liên lạc được với trung tâm của tiểu đoàn.

Đây là một cuộc chiến trên bộ tồi tệ nhất, một cuộc đấu kinh hoàng, không khoan nhượng của những đợt pháo sáng thường hay bị gián đoạn theo những tiếng nổ không ngớt của pháo binh và của hoả lực vũ khí tự động. Những người tham chiến phải chiến đấu trong bùn lầy, qua hàng rào thép gai,... cũng bị thiệt hại lớn như đối phương của họ. Các nhóm lính nhỏ tập trung quanh một chiếc súng trường tự động đang kêu lạch cạch sẽ ngăn chặn một cuộc tấn công từ phía đối phương. Liên lạc bằng radio thường xuyên bị cắt đứt và gây ra nhiều nhầm lẫn, những mệnh lệnh được thét ra đã biến mất trong tiếng ồn ào chói tai.

Ở Eliane 4, Bigeard vẫn duy trì liên lạc với Langlais qua đài, ghi thông cáo các bức điện từ Thiếu tá Nicolas. Có lúc Langlais mất liên lạc với Nicolas và đoán là vị trí đã bị mất, liền ra lệnh cho pháo lệnh bắn vào Eliane 2. Thật may, Bigeard đã can thiệp kịp thời để xoá bỏ lệnh và cho rằng Langlais thường xuyên điều chỉnh radio. Bigeard bị một mảnh đạn sượt qua cổ. Ông ta chứng kiến sự thất bại hoàn toàn của binh lính Algeri và Marốc nên đã củng cố vị trí bằng cách tiếp nhận toàn lực lượng tấn công vào căn cứ của mình. Phía Tây, Sư đoàn 308 Việt Minh đã bắt đầu tấn công vào Huguette.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2009, 12:46:42 pm »


Một khẩu đội súng 105 ly do các xạ thủ da đen châu Phi đảm nhiệm đã vào vị trí gần tuyến đường 41 trên vùng đất tương đối bằng phẳng giữa Dominique và Eliane. Trung uý Brunbrouck, một sinh viên tốt nghiệp năm 1952 của trường Võ bị Pháp và là chỉ huy khẩu đội pháo đã theo dõi sự tan rã của các cứ điểm. Đám xạ thủ súng trường rút lui chạy vòng quanh căn cứ để tìm cách trốn về phía sông Nậm Rốm. Với Brunbrouck rõ ràng rằng các khẩu pháo và gần 100 lính của khẩu đội pháo sẽ sớm trở thành lực lượng đảm bảo duy nhất cho việc ngăn chặn cuộc rút lui giữa hai cứ điểm, một tuyến đường trực tiếp dẫn tới các công sự phòng thủ bên trong của Điện Biên Phủ. Một đại đội lính súng trường Algeri đã đào hào xung quanh khẩu đội của anh ta, mìn được đặt trong một con suối cạn đã tạo thành một công sự cho các bệ súng đắp bằng các bao cát. Quan sát những gì đã xảy ra ở Dominique, Brunbrouck không dám chắc rằng lính Algeri có thể giữ vững được trận địa. Ông ta lệnh cho tất cả các vũ khí tự động phải trong tư thế sẵn sàng để hỗ trợ cho đợt rút lui của ông ta. Các khẩu đại bác được nạp đạn đầy đủ và nòng súng hạ thấp để sẵn sàng phóng hoả trực tiếp.

Brunbrouck và các xạ thủ của ông được thử thách khi phải chờ đợi lâu. Hai trung đoàn thuộc Sư đoàn 312 Việt Minh được khích lệ bằng thành công của họ ngay lập tức tăng lên từ đợt rút quân dọc theo đường 41. Họ đang tiến về phía chiếc cầu bắc qua sông Nậm Rốm dẫn tới Claudine và đồn chỉ huy của De Castries. Súng cannon 105 ly gầm rú, những quả đạn nổ inh tai, khói hơi cay bốc ra từ những chiếc cannon bị quá nóng... Cùng lúc Tiểu đoàn dù xung kích số 8 được giao thêm một vị trí mới. 8 nòng súng của họ phóng hoả lực vào đối phương giống như những lưỡi dao của máy tuốt lúa. Cuộc tấn công chậm lại, dao động và tan vỡ. Trong sự tuyệt vọng, gần 200 Việt Minh phải tìm chỗ ẩn náu trên con suối cạn. Phần lớn số họ chết ở đó khi lính Algeri - những người kiểm soát khu vực đó cho nổ bãi mìn. Trong thời gian lắng dịu, khẩu đội pháo oanh tạc các vị trí bị đối phương chiếm lĩnh ở Dominique và Eliane và nã pháo vào tuyến Đường 41.

Yêu cầu thay thế các xạ thủ bị thương và bị chết của Trung uý Brunbrouck bị từ chối và đã hai lần anh ta được lệnh phá huỷ các khẩu pháo rồi rút lui. Nhưng Brunbrouck vẫn ở nguyên vị trí vì biết rằng khẩu đội của anh ta là vật cản duy nhất giữa Sư đoàn 312 và căn cứ trung tâm. Cuộc chiến tiếp tục diễn ra qua đêm. Hoả lực pháo rơi xuống, đám xạ thủ còn lại của đối phương tập hợp để cố đột nhập qua sông Nậm Rốm, nhưng không ai hay hoạt động nào có thể đứng vững trước sự tàn sát trực tiếp của hoả lực cannon 105 ly. Vào lúc rạng sáng, lực lượng tấn công đã rút hết, để lại những đống xác người trên mặt đất. Một đại đội dù xuất hiện lờ mờ trong sương mù tạo thành một màn phòng ngự phía trước khẩu đội pháo. Theo sau là những chiếc xe kéo pháo của Brunbrouck về phía căn cứ chính. Lại một lần nữa, kết cục của một trận đánh quan trọng được quyết định bởi số phận, cơ hội và cách cư xử của một số ít cá nhân.

Cũng không có gì khác với các vị trí bị bao vây trên đồi, Trung tá Langlais lôi kéo các đại đội Lê dương từ Tiểu đoàn dù Lê dương số 1 và Bán Lữ đoàn số 13 vào trận đánh giành lấy Eliane 2. Từ một vị trì ở Eliane 4, Bigeard có thể nghe thấy tiếng hò reo của lính Lê dương và một bài hát diễu binh khi họ tới được mục tiêu. Trung uý Lucciani dẫn một lực lượng hỗn hợp lính dù và lính Marốc vừa thành công trong một trận phản công, về phía các điểm cao của Eliane 2. Đó là một cuộc chiến đấu giáp lá cà bằng lưỡi lê, dao, bia bắn súng trường và các dụng cụ đào hào. Khi nó kết thúc, binh lính của Lucciani sát nhập với những binh lính Marốc còn lại của Thiếu tá Nicolas vẫn đang bám trụ ở cứ điểm.

Vùng đất bị phá tan quanh Eliane 2 chất đầy xác chết. Xác chết của lính Lê dương, Marốc và Việt Minh nằm lẫn lộn với nhau. Những người bảo vệ kéo một số xác chết đối phương vào một chỗ tạo thành các ụ bảo vệ chắn trước hào, những đầu đạn và bom mìn bắn tới tấp vào những thi thể không hồn này. Giờ đây những người sống sót của đại đội Lucciani được tăng cường thêm từ Tiểu đoàn dù Lê dương số 1 và Tiểu đoàn số 6 của Bigeard nhưng họ lại chạm trán với Việt Minh trên đường.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2009, 12:47:06 pm »


Cả bộ phận tham mưu của De Castries tương đối an toàn trong chiếc hầm chỉ huy ẩm thấp. Những lính dù kiệt sức ở Eliane 2 biết rằng các vị trí đồi có lỗ châu mai đều là vấn đề trọng yếu cho sự sống còn của Điện Biên Phủ. Langlais và Bigeard lên kế hoạch lấy lại Dominique 2 và Eliane 1 bằng một cuộc phản công lớn với xe tăng yểm trợ của các tiểu đoàn tốt nhất sẵn có, đó là Tiếu đoàn dù xung kích số 8, Tiểu đoàn số 6 của Bigeard, các đơn vị của Bawouan số 6 và sự yểm trợ của Tiểu đoàn bộ binh Lê dương từ căn cứ Isabelle. Thực tế, sự tín nhiệm tiểu đoàn đã có từ lâu. Nhưng tổn thất đã làm giảm sinh lực của các đơn vị chiến đấu. Những thương vong là sĩ quan cao tới mức các sĩ quan cấp dưới phải đứng ra nhận trách nhiệm chỉ huy và hạ sĩ quan đã phải thay vào để lấp những chỗ trống. Một số sĩ quan vẫn ở lại các bốt của họ, nếu bị thương sẽ được phân cấp và gửi về địa phương trong điều kiện chiến đấu bình thường. Những tổn thất về pháo binh cả người và pháo đã làm giảm hiệu quả đi một nửa. Những xạ thủ còn sống sót đang phải chịu đựng sự mệt mỏi và tra tấn về tinh thần vì đứng ở vị trí các khẩu pháo cả ngày lẫn đêm và dưới làn hoả lực ác liệt đã trở thành một thử thánh gay go. Phải thừa nhận rằng tập trung nhiều hoả lực cũng không hạ được pháo của đối phương và việc cung cấp đạn chậm là một yếu tố làm mất tinh thần của binh lính.

Langlais và Bigeard hoàn tất kế hoạch bằng việc hy vọng sự trợ giúp đó đang trên đường tới. Lời yêu cầu tăng quân liên tiếp của De Castries giờ đã tới Hà Nội. Sở chỉ huy của Cogny gửi một bức điện tới Điện Biên Phủ hứa rằng nếu tới đây ngài tổ chúc một đợt tấn công lớn thì một nhóm dù chiến đấu (2 hoặc 3 tiểu đoàn) sẽ được tăng cường tới ngay lập tức. Lực lượng giải vây bước đầu gồm tiểu đoàn dù số 2 của Thiếu tá Brechignac, Tiểu đoàn dù Lê dương số 2 của Thiếu tá Hubert Liesenfelt và Tiểu đoàn dù thuộc địa do Đại uý Guy de Bazin de Bezon chỉ huy. Tất cả các đơn vị này đều đã sẵn sàng và chờ đợi tín hiệu đèn xanh để bay tới trợ giúp cho các lính dù ở Điện Biên Phủ.

Bigeard tiến hành cuộc phản công lúc 13h30 ngày 31 tháng 3 với Tiểu đoàn dù xung kích số 8 của Thiếu tá Tourret tấn công mục tiêu Dominique 2, Tiểu đoàn số 6 của Bigeard và các bộ phận thuộc Bawouan số 5 của Botella tấn công vào Eliane 1. Tiểu đoàn yểm trợ Lê dương và một trung đội tăng chờ sẵn ở Isabelle được lệnh không tham gia tác chiến. Một chuyến đi dài 6 km tính từ cứ điểm đã bị một trung đoàn Việt Minh đang án ngự trên đoạn đường ở bản Kho Lai chặn lại. Sau đó lính Lê dương đã phải chiến đấu để bảo đảm an toàn cho Isabelle và phải chịu tổn thất lớn (15 người bị chết và 50 người bị thương).

Lực lượng tấn công của Pháp tiến lên đồi phải đối mặt với hỏa lực mạnh trong cảnh tượng hãi hùng của hàng rào thép gai xoắn và phá huỷ hoàn toàn các công sự. Mùi hôi thối của những xác chết bốc lên từ các vị trí pháo. Những lính dù nhăn nhó và chửi bới khi họ vô tình giẫm chân lên đó. Mưa đã tạnh, máy bay chiến đấu đã phối hợp với pháo binh để tấn công các vị trí của Việt Minh. Lúc 15h, Bigeard đã báo cáo: Dominique 2 và Eliane 1 lại về tay người Pháp. Nhưng chẳng vui vẻ gì với thành công của đợt phản công này vì cái giá phải trả quá đắt. Khi các lính dù đào chỗ ẩn nấp để chờ đợi phản ứng của đối phương họ đã nhìn lên tìm kiếm trên bầu trời quang đãng, hy vọng quân tăng cường sẽ tới như lời hứa của Cogny. Bigeard viết trong báo cáo của ông ta miêu tả lại thời điểm quan trọng với một chút giọng chua cay:

Tinh thần của binh lính thật tuyệt với, bầu trời rất dẹp, thời tiết tốt. Chúng tôi chờ đợi tới 16h cũng chẳng thấy gì. Sau đó Việt Minh phản công và lấy lại Eliane 1 cùng Dominique 2. Tinh thần giảm sút, màn đêm buông xuống thật đáng sợ. Chắc chắn sự có mặt của 2 tiểu đoàn dù ngày hôm đó sẽ gây một ảnh hưởng nghiêm trọng về sau này.

18 giờ ngày 31 tháng 3, cùng lúc Tiểu đoàn đột kích số 8 của Tourret rời khỏi các vị trí ở Dominique 1, một thư ký mật mã trong phòng thông tin của Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn chuyển một bức điện mật tới Washington. Bức điện tờ Đại sứ Heath phác thảo bằng thông tin từ các nguồn tư liệu của Pháp và trợ lý tuỳ viên quân sự của ông bằng một phân tích ngắn gọn, cô đọng tình hình ở Điện Biên Phủ.

Thật không may, thời tiết sáng nay rất xấu và người Pháp không thể cất cánh từ Hà Nội tới tận 11h kể cả các máy bay ném bom hạng nặng có thể tác chiến trên mọi địa hình chiến trường và đêm hôm trước cả B26 và các chỉ huy đều bị tấn công. Không thể tới đó để thả tiếp viện là vấn đề quan trọng vì đó là ý định rõ ràng của Navarre hôm đó. Trong trận đánh đêm qua Pháp mất 7 khẩu pháo ở vị trí trung tâm và 6 trong 12 khẩu ở Isabelle. Nếu hôm nay khi màn đêm buông xuống, các lực lượng tăng cường này chưa tới chỗ De Castries thì phía quân sự chúng tôi cho rằng đêm nay Việt Minh có thể chiếm được Eliane và đang ở tư thế sẵn sàng cho đợt tấn công cuối cùng. Tiếp đó Navarre sẽ phải đối mặt với quyết định quan trọng liệu có tăng thêm quân hay tiếp tục chiến đấu tới người cuối cùng với những gì còn lại ở Điện Biên Phủ. Thời tiết vẫn là yếu tố quan trọng trong chương trình này. Ký tên Heath.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2009, 12:47:26 pm »


Một bức điện khác từ Sài Gòn thông báo về tình hình thảm hại của Điện Biên Phủ, gửi qua các kênh quân sự và tình báo phát vào trung tâm điện tín ở Lầu Năm góc và cơ quan CIA. Tình hình khẩn cấp đã đặt Washington trong tình trạng khủng hoảng. Đô đốc Radford, với sự ủng hộ của Phó Tổng thống Richard Nixon, tiếp tục vận động sự ủng hộ đối với chiến dịch Vultue. Nhưng Tổng thống Eisenhower, người gần đây đã kết thúc sự can thiệp của Mỹ trong cuộc xung đột Triều Tiên và hứa giảm cả ngân sách quốc phòng và thuế, đã không hài lòng với bất cứ mạo hiểm quân sự mới nào ở châu Á. Tướng Matthew B. Ridgway, Tham mưu trưởng liên quân, người thay thế Tướng Douglas MacArthur ở Triều Tiên, cũng phản đối chiến dịch Vulture. Cũng như nhiều cựu bộ binh, ông ta nghi ngờ tính hiệu quả của các cuộc không kích như vậy. Ông ta dự đoán rằng sự tham gia của Mỹ cuối cùng có nghĩa là can thiệp trên bộ. Nhớ lại kinh nghiệm đầu tiên của ông khi chiến đấu với lính tình nguyện Trung Quốc ở Triều Tiên, Ridgway cho rằng ít nhất sẽ cần 7 sư đoàn Mỹ tăng viện cho Pháp và nhiều hơn nữa nếu quân Trung Quốc tham gia vào cuộc xung đột. Ông ta mạnh mẽ cho rằng Mỹ không nên lại can thiệp vào một cuộc chiến trên bộ ở châu Á.

Ngày 29 tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles công khai kêu gọi “hành động thống nhất” để ngăn chặn sự lan tràn của Cộng sản ở Đông Nam Á. Hành động như vậy sẽ phải dựa trên sự hợp tác của Mỹ, Pháp, Anh, Úc, New Zealand, Thái Lan, Philippines và 3 nước liên kết của Đông dương (Việt Nam, Campuchia và Lào). Lời kêu gọi của Dulles chỉ ra sự tiếp tục can thiệp của Mỹ vào Đông Nam Á và cung cấp cho Cộng sản tài liệu để tư duy khi họ chuẩn bị cho Hội nghị Geneve sắp tới, nhưng sáng kiến này kém hiệu lực vì thiếu chi tiết về sự can thiệp quân sự.

Các cuộc họp cấp cao đưa ra các kế hoạch tạm thời làm nóng lên những phản đối ở Washington khác xa với những thực tế của “5 cứ điểm”. Đêm 31 tháng 3 ở Eliane được thắp sáng bằng những quả đạn pháo, ở Eliane 4, Thiếu tá Bigeard cố tình nghe một bức điện phát ra từ radio của Trung tá Langlais.

“Bruno”, Langlais nói với anh ta, “nếu anh thấy không thể trụ vững, hãy gia nhập với chúng tôi ở đồn chính”.

“Anh chẳng hiểu gì tình hình cả, gars Pierre (mật danh của Langlais)”, Bigeard đáp lại. Trừ khi tôi còn một người sống sót, tôi sẽ không bỏ cuộc. Hơn nữa, Điện Biên Phủ đã kết thúc!” Tướng Trần Độ sau đó đã khái quát quan điểm chiến đấu của Việt Minh bằng một câu ngắn gọn: “Pháp đã chịu những tổn thất lớn nhưng lại không thừa nhận chính mình bị thất bại”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2009, 12:48:27 pm »


CẦU CỨU SỰ GIÚP ĐỠ


“Giờ đây sự can thiệp vũ trang của hàng không mẫu hạm Mỹ là cần thiết để cứu vãn tình hình ở Điện Biên Phủ”

George Bidault - Ngoại trưởng Pháp


Cuộc tấn công dữ dội đầu tiên của các đơn vị thuộc Sư đoàn 308 Việt Minh vào vị trí trọng điểm ở Huguette bị chặn lại bởi một trung đội từ Đại đội số 1 của Bawouan 5 do Đại uý Bizard chỉ huy. Từ khi tiến hành cuộc phản công vào vị trí Gabrielle và sa thải những binh lính còn do dự trong hàng ngũ, những người Việt Nam kiên cường đã chiến đấu rất tốt. Những lính dù người Việt ở vị trí Huguette đã kịp sánh ngang với đối tác của họ ở “5 cứ điểm”. Sau cái chết của chỉ huy - Trung uý Thélot, trung đội phải chịu đựng mũi dùi của cuộc tấn công do trung sĩ Tournayre chỉ huy. Vào đêm 31 tháng 3, Việt Minh lại tấn công, bộ đội tràn qua hàng rào thép gai với những tiếng kêu “mau lên” khi các sĩ quan của họ kêu họ tiến lên phía trước. Lần này Tournayre được lệnh rời vị trí, rút trung đội về sau, bỏ lại boongke và các hầm hào trống rỗng. Trong phút chốc bất ngờ và chưa có quyết định thì quân tấn công đã tràn vào vị trí bị bỏ trống, Bizard rút về trong tình trạng hoả lực bay tới tấp. Một khi các súng máy hoạt động thì các lính dù lại tập trung phản công và tất cả vị trí Huguette lại một lần nữa rơi vào tay quân Pháp.

Sáng 31 tháng 3 đánh dấu một loạt các hoạt động thù địch theo một kiểu khác ở Hà Nội. Tướng Navarre phải bay từ Sài gòn ra Hà Nội vì gặp nhiều phiền phức bởi các báo cáo về những thành công của Việt Minh. Ông ta tới Hà Nội lúc 1 giờ 15, Đại tá Bastiani ra đón, đã xin lỗi vì sự vắng mặt của Tướng Cogny và giải thích rằng Cogny rất mệt và đã đi nghỉ. Sự vắng mặt của Cogny ở sân bay chỉ làm tăng thêm sự căng thẳng còn tồn tại giữa 2 vị tướng này. Sau đó, theo nhà sử học quân sự Jules Roy, Navarre gọi điện tới đồn chỉ huy của Cogny và được thông báo rằng vị tướng này đã để lại lời nhắn không được làm phiền. Cogny chắc chắn rất mệt mỏi vì phải chịu áp lực trước tránh nhiệm của một sĩ quan cao cấp đối với Điện Biên Phủ. Nhưng cho dù mệt mỏi thế nào thì cũng không thể sánh ngang với sự mệt mỏi của các binh lính đang chiến đấu để giành lại Dominique, Eliane và Huguette.

Cogny vắng mặt, Navarre với sự trợ giúp của Đại tá Bastiani phác thảo ra một chỉ thị đặc biệt, gửi tới cho Cogny. Chỉ thị gồm 2 trang yêu cầu đồn Claudine và cứ điểm Isabelle có sự chuẩn bị vì thế họ phải bám trụ càng lâu càng tốt dưới những điều kiện khó khăn. Để cho giảm bớt sự bực dọc. Navarre khẳng định quân đồn trú phải được thông báo tình hình. “Ông ta giải thích rằng miễn là cuộc kháng cự kéo dài, mọi hy vọng sẽ không bị mất và thời cơ sẽ đến khi mùa mưa tới, rằng Việt Minh sẽ phải nới lỏng vòng vây”. Như vậy Navarre lại để lộ thái độ lạc quan u ám, không biện minh được mà chính điều này đã gây ra tai hoạ cho toàn chiến dịch. Chỉ thị nhấn mạnh yêu cầu động viên tinh thần quân lính bằng việc nói rằng “quân đồn trú đang bảo vệ danh dự của Pháp và Việt Nam, rằng cả thế giới đang đổ dồn con mắt vào họ”. Điểm được nhấn mạnh là cuộc chiến đấu của họ phải có giới hạn, những tổn thất mà họ giáng cho Việt Minh, thời gian họ làm chậm lại để 30 tiểu đoàn và nhiều đơn vị pháo hiện đang nằm im một chỗ sẽ lại có mặt”. Sau khi tuyên bố không bàn tới bất cứ ý kiến nào về việc đầu hàng, Navarre đi thẳng vào thực tế vấn đề. “Ông ta ra lệnh dùng mọi biện pháp tuy nhiên không ca nông, không xe tăng nào rơi vào tay địch mà không bị phá huỷ hoàn toàn và các kho dự trữ (đặc biệt là đạn) phải được phá huỷ trước khi bị địch chiếm”.

Trang sau của chỉ thị liên quan tới quân đồn trú bị bao vây, Navarre chỉ rõ:

Phải thông báo cho Đại tá De Castries rằng mọi việc sẽ được tiến hành để sơ tán thương binh và chuyển lính tới để thay thế cho các tiểu đoàn dù của ông ta, quân tăng cường giới hạn ở mức một tiểu đoàn dù và một khẩu đội súng không giật 75 ly nhưng nên cảnh báo trước với ông ta (De Castries) rằng tình hình chung có thể cho phép tôi (Navarre) chuyển từ cuộc chiến có giới hạn thành duy trì một cuộc chiến đấu lâu dài. Tôi không thể cung cấp cho ông ta tất cả quân của tôi đặc biệt một số hoặc toàn bộ đơn vị dù số 1, trừ phi tôi tin rằng sự can thiệp của họ sẽ mang lại thắng lợi cho chúng ta.

Sau đó Navarre nhắc lại lòng tin của ông ta với Đại tá De Castries và khẳng định rằng binh lính dưới sự chỉ huy của De Castries sẽ theo gương ông ta. Câu kết của Navarre là một lời tái khẳng định: “Chỉ huy cứ điểm Isabelle sẽ được thông báo những chỉ dẫn này trong điều kiện còn một mình ông ta vẫn có khả năng kháng cự”.

Thiếu tướng Cogny tới sở chỉ huy chỉ trước 8h để tìm Tướng Navarre. Các báo cáo cho rằng liệu có phải cuộc tranh cãi của họ đã diễn ra ở đâu đó hay ở một cuộc họp sau này. Cho dù có phối hợp thế nào thì mọi sự phẫn nộ được giữ kín bấy lâu nay đã lộ rõ. Navarre sau này đã nói với Jules Roy: “Tôi đã tiêu tan mọi hy vọng”, “Tôi bàn bạc với ông ta nhưng ngược lại ông ta lại nói vào mặt tôi tất cả những gì ông ta đã nói với những người khác”. Sự va chạm đã có thể tránh được nếu Cogny chịu ra đón ngài sĩ quan cao cấp của ông ta ở sân bay. Được biết lúc trước khi nghỉ hưu, Cogny vì bận tham dự một công việc xã hội nên đã vắng mặt ở sở chỉ huy và điều này đã làm cho Navarre càng thêm tức giận.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 11:55:22 am »


Sự bất hoà chưa được giải quyết nên hai vị sĩ quan cao cấp này vẫn phải duy trì khả năng xã giao bề ngoài. Do bức thư của Navarre gửi cho Cogny ngày 29 tháng 3 tới chậm nên mọi khả năng về một lệnh ngừng bắn đều bị xoá bỏ. Trong bức thư này Tư lệnh đều từ chối yêu cầu tăng quân, tăng viện trợ của Cogny và chỉ rõ rằng: “Các lực lượng hiện nay của anh hoàn toàn đủ để hoàn thành nhiệm vụ được giao”. Bằng một giọng điệu lên lớp cho sĩ quan cấp dưới hơn, liên quan tới khả năng có thể diễn ra tình hình ác liệt, Navarre cảnh báo Cogny: “... Anh sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm với một tình hình như vậy vì đó là kết quả của việc sử dụng quân không thích hợp”. Navarre buộc tội Cogny đã không tạo ra một động lực mạnh mẽ hơn trong việc “chuẩn bị và tiến hành” trận đánh. Navarre nói tiếp: Phòng tham mưu của Cogny đã không hề tăng cường sự chú ý tới tuyến đường của vùng châu thổ hướng tới Điện Biên Phủ. Thiếu sự liên lạc giữa sở chỉ huy của Cogny với phòng tham mưu không quân chịu trách nhiệm tiếp tế, thiếu sự chuẩn bị cho pháo binh và thiếu vắng các chỉ thị có liên quan tới công việc tổ chức ở Điện Biên Phủ.

Không lâu sau Cogny đã chính thức trả lời Navarre. Ông ta tranh luận từng điểm nêu trong lá thư của Navarre và không chấp nhận “chịu trách nhiệm hoàn toàn” về khả năng thất bại của Điện Biên Phủ. Chỉ ra việc thiếu lòng tin của Navarre đối với khả năng của ông ta, Cogny nói ông ta không muốn phục vụ dưới sự chỉ huy của Navarre nữa. Vì không muốn bỏ dở công việc chỉ huy giữa chừng nên Cogny đã để lại quyết định và thời hạn ra đi cho Navarre. Bộ phận lưu trữ của quân đội Pháp cũng giữ một bức thư thứ hai của Cogny gửi cho Navarre (không ký tên, không gửi) tiếp tục đi vào chi tiết lớn hơn để biện hộ cho quan điểm của ông ta. Trong khi hai vị tướng này đang buộc tội lẫn nhau thì cuộc giao tranh đẫm máu vẫn tiếp tục diễn ra ở Điện Biên Phủ.

Tiểu đoàn của Thiếu tá Bréchignac tới Điện Biên Phủ lúc 20h30 ngày 1 tháng 4. Đây là tiểu đoàn tăng cường mà Navarre đã nói trong chỉ thị đặc biệt của ông ta cho De Castries. Vì lo sợ hoả lực phòng không của Việt Minh lớn mạnh, đang xé rách bầu trời để tìm kiếm các chuyến hàng nên các phi công cố giữ lộ trình tới vùng thả hàng tiếp viện. Vùng này ở đầu phía Nam của đường băng bị co lại và thời gian thả phải rút ngắn tới mức các lính dù phải nhảy thành từng nhóm nhỏ. Điều này có nghĩa là máy bay phải bay trên thung lũng không dưới một lần.

Claude Sibille người Paris, một trong những người đứng ngay cạnh của của chiếc C-47 đã nhập quân đội từ khi 18 tuổi, thấy không có ai nhận vào đội quân Marốc, nên anh ta tình nguyện tham gia vào đội lính dù. Sau 5 năm phục vụ ở Madagascar, Sibille đã tham gia vào 6 đợt nhảy dù tác chiến ở Đông Dương.

Sibille nhớ lại: “Công việc đó giống như trò chơi cây bông với những đường đạn lướt qua người. Chúng tôi phải đeo những túi nặng ở chân, những thùng hàng tiếp tế, súng máy và cối 60 ly. Điều đó làm chúng tôi chùn bước nhưng chúng tôi biết chúng tôi vẫn phải đi”. Có tín hiệu là anh ta nhảy vào trong đêm tối. Trong khi rơi xuống, anh ta có thể nhìn thấy những đường đạn hình vòng cung vút lên lao vào những tán dù đang chao đảo. Anh ta đã rất khó khăn mới hạ được cánh an toàn. “Tôi thấy lưng mình chạm vào hàng rào thép gai sau đó bị một mảnh đạn găm vào chân. Có một túi cứu thương gần dó, tôi có thể thấy dấu chữ thập đỏ qua ánh sáng của hoả lực. Một lính Việt Minh bị thương và tôi đã rơi xuống đó cùng lúc... chúng tôi cùng an ủi lẫn nhau”.

Chỉ một đại đội của tiểu đoàn, một bộ phận chỉ huy và một đội súng 75 ly tới được mặt đất đêm hôm đó. Thời gian thả dù bị chậm lại tới mức những chiếc C-47, với số còn lại của tiểu đoàn buộc phải quay trở về Hà Nội, nhường lại vùng thả hàng tiếp viện cho các đợt thả đạn dược và lương thực trong diện ưu tiên. Phải mất thêm 2 đêm mới thả hết Tiểu đoàn thứ 2 thuộc Trung đoàn kỵ binh số 1. Mỗi đợt đều mang lại nhiều thương vong, nhiều người bị thương trong khi còn đang ở trên không. Bản chất của việc tăng quân nhỏ giọt này khó có thể là một sự khích lệ tinh thần cho đám binh lính. Việc đón tiếp Bréchignac và lính của anh ta trong một boongke được xem là một sự kiện. Nhưng theo quan điểm của quân đồn trú thì tiểu đoàn này nên được thả xuống sớm hơn. Sau đó Bigeard đã ghi lại những cảm giác thường thấy ở Điện Biên Phủ:

Thật đáng tiếc, họ công được cử tới ngày 31 tháng 3 vào lúc chúng tôi đang phản công vào Eliane và Dominique. Chắc có trục trặc gì ngoài Hà Nội!... Những tổn thất không cần thiết đã có thể tránh được nếu họ được đưa đến ngày hôm đó! Chúng tôi có cảm giác mơ hồ rằng chẳng có việc gì diễn ra ở Hà Nội. Thật may, chúng tôi chưa biết việc Navarre và Cogny đang cấu xé nhau khi chúng tôi đang ở đó.

Bréchignac tới đồn chỉ huy với vết thâm tím trên người và bộ quân phục rách toác vì rơi vào hàng rào thép gai. Anh ta cũng là một truyền thuyết ở Đông Dương và là một nhà lãnh đạo được binh lính tôn thờ. Tiểu đoàn của anh ta giống như tiểu đoàn của Bigeard luôn được hy vọng để hoàn thành những công việc mà các đơn vị khác không thể làm được. Hai tiểu đoàn này thường chiến đấu cạnh nhau, bao vây Điện Biên Phủ và ngăn chặn cuộc tấn công của Tướng Giáp vào trung Lào. Hiện tại, quên đi sự thù địch sẵn có từ lâu giữa 2 người, Bigeard đã chào hỏi Bréchignac với cánh tay rộng mở.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 11:56:03 am »


Mặc dù thất vọng với sự có mặt chậm trễ của tiểu đoàn Bréchignac, Bigeard vẫn vui vẻ với những nhiệm vụ mới. Vai trò của anh ta trong chỉ huy trực tiếp các cuộc phản công đã chính thức được khẳng định. Hiện tại anh ta đang chủ trì một cuộc họp giao ban hàng ngày lúc 9 giờ ở bốt chỉ huy lính dù. Anh ta viết trong bản báo cáo về trận đánh: “Cuộc họp này là sự động viên tinh thần rất có giá trị. Tình đồng đội thật tuyệt vời... chúng tôi chiến đấu cho sự sống còn của chúng tôi. Chúng tôi bàn về các chỉ thị, về tình báo phía đối phương và về sự chờ đợi tiếp viện của không quân. Đạn được phân chia cho từng người... 20 đến 30 viên đạn mỗi bộ phận”. Câu cuối phản ánh sự thiếu đạn nghiêm trọng ở Điện Biên Phủ. Từ ngày 30 tới ngày 31 tháng 3, chỉ một khẩu pháo 105 ly đã bắn tới 9.500 loạt đạn, vì thế vào ngày 1 tháng 4, chỉ còn lại 10.500 viên của pháo 105 ly.

Sự quấy nhiễu của hoả lực phòng không và các vùng thả hàng tiếp viện bị co lại cho thấy nhiều thùng đạn thả xuống đã rơi vào tay đối phương. Một bức điện mật của De Castries gửi cho Cogny ngày 13 tháng 4 cho biết không phải mọi thứ thả xuống Điện Biên Phủ đều nhận được hết:

Trong 24 giờ chúng tôi phải chịu đựng tới 3 đợt tấn công trong khu vực vành đai phòng thủ. Mặt khác, hàng tiếp viện thả từ 5 chiếc C-119 hoặc một khối lượng tối thiểu là 800 viên đạn đã rơi vào tay đối phương. Không bình luận. De Castries.

Những thùng hàng thả nhầm trở thành nguồn cung cấp đáng kể cho hệ thống tiếp tế của Tướng Giáp. Chỉ một trung đoàn Việt Minh đã thu được trên 50 tấn hàng gồm pháo đạn và lương thực. Bộ đội rất vui khi bắt được những hàng đồ hộp như cá hộp, thuốc lá, rượu rum, cô-nhắc...

Ngày 3 tháng 4, Navarre gửi một bức điện tới Paris với nội dung thông báo về việc tăng thêm sự ủng hộ của Trung Quốc cho Việt Minh ở Điện Biên Phủ. Bức điện còn thông báo với chính phủ Pháp rằng có 14 cố vấn kỹ thuật người Trung Quốc trong sở chỉ huy của Tướng Giáp và nhiều người khác nữa gồm các chuyên gia hậu cần cấp trung, sư đoàn. Các cố vấn đang sử dụng một mạng điện thoại đặc biệt do Trung Quốc lắp đặt và duy trì. Mọi cố vấn đều dưới sự chỉ huy của Tướng Ly Chen Hou người có sở chỉ huy tác chiến bên cạnh Tướng Giáp. Trung Quốc đã cung cấp cho Việt Minh 40 khẩu súng 37 ly và 1.000 xe tải với các tay lái của Trung Quốc - 500 xe đã tới từ 1/3. Công việc phân phát 40 khẩu pháo và xe tải sắp được tiến hành.

Các nguồn cung cấp quân sự khác gồm 395 súng máy, 1.200 súng trường tự động, 4.000 súng tiểu liên, 4.000 súng trường, 44.000 đạn pháo 37 ly, 15.000 đạn pháo 105 ly, 10.000 đạn pháo 75 ly, 60.000 đạn pháo cối và 5.000.000 viên đạn trong đó có 1.500.000 viên cho súng đại liên, 4.000 m3 dầu lửa và 4.300 tấn gạo. Báo cáo cho biết 24 khẩu pháo 105 ly cho Điện Biên Phủ đã tới từ Trung Quốc theo đường biên giới của tỉnh Lào Cai trong tháng 4 năm 1953. Báo cáo kết luận lượng thông tin tình báo này được thu thập từ nguồn tư liệu đáng tin cậy nhất.

Ngày 5 tháng 5, Đại sứ Mỹ ở Paris, Douglas Dillon gửi một bức điện khẩn cho ngoại trưởng John Foster Dulles kể lại cuộc họp mặt khẩn cấp với Georges Bidault - Ngoại trưởng Pháp và Joseph Laniel - Thủ tướng Pháp. Dillon được triệu tập tới nhà riêng của thủ tướng sau đó vào một tối chủ nhật và thủ tướng cho biết: “Giờ đây sự can thiệp vũ trang của hàng không mẫu hạm Mỹ vào Điện Biên Phủ là cần thiết để cứu vãn tình hình”. Báo cáo của Navarre về phạm vi can thiệp của Trung Quốc ở Điện Biên Phủ được chuyển tới cho Dillon. Dillon cũng chuyển lời cảnh báo của Bidault rằng tham mưu trưởng không quân Pháp cho biết sự can thiệp của Mỹ ở Điện Biên Phủ có thể dẫn tới các cuộc tấn công bằng không quân của Trung Quốc vào các sân bay của Pháp ở Đồng bằng Bắc Bộ. Bất chấp chính phủ Pháp đang yêu cầu viện trợ, Dillon vẫn trích dẫn câu kết luận của Ngoại trưởng Pháp rằng: “Cho dù tốt hay xấu thì số phận của Đông Nam Á giờ chỉ còn lại ở Điện Biên Phủ và Hội nghị Geneve thắng hay bại đều phụ thuộc vào kết quả ở Điện Biên Phủ”. Dillon bình luận: “Đây là lý do để Pháp yêu cầu viện trợ”. Ông ta còn thông báo cho Dulles rằng theo Bidault, Đô đốc Radford đảm bảo với Tướng Ely rằng nếu Pháp yêu cầu sự trợ giúp của không quân hải quân Mỹ ở Điện Biên Phủ, ông ta sẽ làm hết sức để có được sự giúp đỡ đó từ chính phủ Mỹ.

Bức điện của Dillon tới Washington hai ngày sau khi Ngoại trưởng Dulles và Đô đốc Radford đệ trình bản thảo của chiến dịch “Vulture” lên các lãnh đạo quốc hội trong một cuộc họp có hạn định. Các nghị sĩ, những người có phản ứng tiêu cực cho rằng không một hành động đơn phương nào được thực hiện nhưng hãy để cho mọi người được biết và họ sẽ phải xem xét lại vị trí của họ nếu Anh đồng ý tham gia. Nhưng đáng tiếc Thượng nghị sĩ L.B. Johnson của Texas sau này là một trong những người phản đối mạnh mẽ nhất sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam. Sự tuyệt vọng trong lời yêu cầu mới đây của Pháp đã gây ấn tượng cho chính quyền Eisenhower vì sự cấp bách của tình hình yà sự cần thiết có một quyết định. Nó còn làm tăng lên sự tranh cãi nội bộ trong chính phủ. Báo cáo chi tiết về sự can thiệp của Trung Quốc đã cung cấp lý do cho cả hai vấn đề tranh luận. Đô đốc Radford xem nó như bằng chứng thực tế về ý đồ mở rộng sự thống trị của Cộng sản trên toàn Đông Nam Á của Trung Quốc. Tướng Ridgway coi sự có mặt của Trung Quốc ở Điện Biên Phủ là một dấu hiệu mà bất kể sự can thiệp nào của Mỹ đều sẽ tạo ra cái cớ cho sự can thiệp rộng lớn của Trung Quốc theo kiểu Triều Tiên, và không thể tránh khỏi sự leo thang vào cuộc chiến trên bộ không cần thiết ở châu Á.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 11:56:42 am »


Những chiếc xe đen bóng chở các quan chức của Bộ Ngoại giao tới Nhà Trắng, các đại diện của Lầu Năm góc và Hội đồng An ninh quốc gia tập hợp các thông tin cần thiết để cung cấp cho Tổng thống Eisenhower. Trong khi đó, lực lượng quân sự Mỹ đã sẵn sàng tiến hành chiến dịch “Vulture”. Kể từ khi ngừng trệ các hoạt động sau Thế chiến II, cuộc chiến tranh Triều Tiên đã thức tỉnh các lực lượng quân sự Mỹ. Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, thiếu đi tinh thần sẵn sàng chiến đấu ngay từ đầu đã gây ra nhiều thương vong và dẫn tới hình thức chiến đấu nghèo nàn. Hậu quả của sự can thiệp của quân Trung Quốc tới giờ vẫn còn là một hồi ức sống động. Vì thế giờ đây sẵn sàng và tiấn công là hai kế hoạch ưu tiên hàng đầu của Lầu Năm góc.

Đầu tháng 4, Trung tướng E.E.Partridge, Tư lệnh không quân Mỹ ở Viễn Đông và chỉ huy trưởng Chuẩn tướng J.D Caldera tới Sài Gòn để tham dự một loạt các cuộc họp với Navarre và bộ phận tham mưu không quân của ông ta. Ngay từ đầu, rõ ràng Pháp đã không chuẩn bị cho một đợt tác chiến lớn như chiến dịch Vulture và cũng không hiểu được mức độ hủy diệt của việc sử dụng B-29. Các chỉ huy Mỹ bị sốc với thái độ dường như rất thờ ơ của các đối tác Pháp đối với nguy cơ thương vong từ một chiến dịch như vậy. Chuẩn tướng Caldera quyết định dứt khoát ngay khi trực tiếp xem xét tình hình. Ông ta bay khảo sát quanh thung lũng hai lần bằng máy bay riêng B-17 và một lần bằng máy bay C-47 của lực lượng không quân Pháp. Mặc dù người Mỹ có những nghi ngờ về các hệ thống chỉ dẫn và định hướng sẵn có nhưng họ vẫn quyết định tiến hành chiến dịch Vulture vào ban ngày. Tất cả những gì Caldera cần lúc này là tín hiệu xuất phát từ Washington.

Việc sử dụng các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật theo đề nghị để cứu vãn Điện Biên Phủ vẫn còn là sự mơ hồ. Các tài liệu liên quan vẫn chưa được giải mã nhưng cũng đủ rò rỉ ra ngoài bằng những lời bình luận cá nhân và những hồi ký để chỉ ra rằng một lời đề nghị như vậy phải được cân nhắc thận trọng. Thật may cho quân đồn trú ở Điện Biên Phủ, chương trình được bãi bỏ. Các vũ khí hạt nhân tương đối thô sơ của năm 1954 chắc sẽ huỷ diệt toàn bộ những người phòng thủ cũng như những kẻ tấn công nhưng việc sử dụng vũ khí hạt nhân lần thứ hai này của Mỹ ở châu Á sẽ gây ra thảm hoạ khôn lường và những hậu quả chính trị lâu dài.

Trong khi Mỹ còn do dự trong việc lôi Pháp ra khỏi chảo lửa thì một cuộc tranh luận về việc phân bổ lực lượng lính dù tăng cường lại đang diễn ra giữa Hà Nội và Điện Biên Phủ. Đại tá Sauvagnac và Chuẩn tướng Gilles - thay thế chỉ huy lực lượng dù, quyết định tiến hành huấn luyện cho những binh lính không có chuyên môn về nhảy dù. Từ khi có nhu cầu cấp bách thì lính pháo binh, lính xe tăng và lính điều hành đài phát, những người đã tình nguyện nhảy dù xuống Điện Biên Phủ đều không qua huấn luyện nhảy dù. Sauvagnac còn được hứa rằng những đợt thả dù sẽ được đưa vào các khu vực đã xác định và tương đối an toàn nhưng điều kiện này giờ đã trở thành một điều không có khả năng thực tế. Đại tá Langlais cho rằng binh lính nhảy dù xuống Điện Biên Phủ đơn giản là đang tới các vị trí chiến đấu của họ bằng một loại phương tiện khác mà thôi. Tuy không tương xứng với các cuộc đối đầu giữa Navarre và Cogny, nhưng cuộc tranh cãi giữa Langlais và Sauvagnac đã đạt tới một đỉnh cao trong suốt các đợt nhảy dù vào ban đêm của tiểu đoàn Bréchignac. Khi những chiếc C-47 bay vòng quanh để chờ một chút yên lặng của hoả lực gần khu vực nhảy dù, Langlais nhận ra rằng thời gian đã hết và yêu cầu lực lượng không quân thả dù xuống vị trí chính. Khi sĩ quan không quân chịu trách nhiệm đợt tác chiến này còn do dự, Langlais đã lệnh cho anh ta thực hiện và nói sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm với hành động này. Sự phản đối của Sauvagnac đã làm cho Langlais đáp lại bằng một giọng điệu cay độc:

Tôi đã nhận được bức điện của anh. Nó chỉ cho tôi thấy rằng anh vẫn chẳng hiểu gì về tình hình ở Điện Biên Phủ. Tôi nhắc lại không còn cái gì ở đây, kể cả nhóm không quân, lính Lê dương hoặc lính Marôc, mà chỉ có 3000 binh lính chiến đấu trong đó lính dù là trụ cột, đang phải cố đứng vững trước sự tấn công của 4 sư đoàn của Tướng Giáp. Số phận của Hà Nội và cuộc chiến tranh Đông Dương sẽ được quyết định ở Điện Biên Phủ. Anh phải hiểu rằng cuộc chiến này chỉ có thể được duy trì bằng việc tăng cường thêm số lính dù có khả năng tốt hay không. Đại tá De Castries sẽ yêu cầu đối với những người mà tôi đã chỉ ra trong bức điện gửi cho anh và nhận được từ Tổng tư lệnh tất cả những gì mà anh từ chối tôi. Ký tên: Langlais và các chỉ huy Tiểu đoàn 6.

Vài ngày sau Thiếu tướng Cogny với một báo cáo mật gửi cho Tướng Navarre đã tham gia vào cuộc tranh luận này. Giải thích nhu cầu cấp bách của việc tăng quân và sự thiếu vắng những lính dù có chuyên môn, Cogny chỉ ra rằng 200 lính dù không chuyên tình nguyện gần đây đã được thả xuống Điện Biên Phủ và gợi ý rằng đợt huấn luyện lính dù sẽ được giảm xuống 10 hoặc 12 ngày. Sau đó ông ta yêu cầu Navarre chỉ thị cho Đại tá Sauvagnac sắp xếp ngay công việc huấn luyện càng sớm càng tốt và chỉ thêm những người đã hoàn thành đợt huấn luyện ngắn ngày có thể được nhận một khoảng tiền thưởng đặc biệt.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM