Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:48:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris  (Đọc 197635 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #410 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2009, 09:59:34 pm »

PHỤ LỤC V
HIỆP ĐỊNH VỀ CHẤM DỨT CHIẾN TRANH, LẬP LẠI HOÀ BÌNH Ở VIỆT NAM

Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với sự thoả thuận của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.

Chính phủ Hoa Kỳ với sự thoả thuận của Chính phủ Việt Nam Cộng hoà.

Nhằm mục đích chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam trên cơ sở tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, góp phần củng cố hoà bình ở châu Á và thế giới.

Đã thoả thuận, cam kết tôn trọng và thi hành những điều khoản sau đây;

Chương I
CÁC QUYỀN DÂN TỘC CƠ BẢN CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM

Điều 1

Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơnevơ năm một nghìn chín trăm năm mươi tư (1954) về Việt Nam đã công nhận.

Chương II
CHẤM DỨT CHIẾN SỰ - RÚT QUÂN

Điều 2

Một cuộc ngừng bắn sẽ được thực hiện trên khắp miền Nam Việt Nam kể từ hai mươi bốn giờ (24 giờ - giờ GMT) ngày hai mươi bảy tháng giêng năm một nghìn chín trăm bảy mươi ba.

Cùng ngày giờ nói trên, Hoa Kỳ sẽ chấm dứt mọi hoạt động quân sự của Hoa Kỳ chống lãnh thổ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bằng mọi lực lượng trên bộ, trên không, trên biển bất cứ từ đâu tới, và sẽ chấm dứt việc thả mìn tại vùng biển, các cảng và sông ngòi Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hoa Kỳ sẽ tháo gỡ, làm mất hiệu lực vĩnh viễn, phá huỷ tất cả những mìn ở vùng biển, các cảng và sông ngòi ở miền Bắc Việt Nam ngay sau khi Hiệp định này có hiệu lực.

Việc chấm dứt hoàn toàn chiến sự nói trong điều này là vững chắc và không thời hạn.  

Điều 3

Các bên cam kết giữ vững ngừng bắn, bảo đảm hoà bình lâu dài và vững chắc.

Bắt đầu từ khi ngừng bắn:

a) Các lực lượng của Hoa Kỳ và của các nước ngoài khác đồng minh của Hoa Kỳ và của Việt Nam Cộng hoà sẽ ở nguyên vị trí của mình trong lúc chờ đợi thực hiện kế hoạch rút quân. Ban Liên hợp quân sự bốn bên nói trong Điều 16 sẽ qui định những thể thức.

b) Các lực lượng vũ trang của hai bên miền Nam Việt Nam sẽ ở nguyên vị trí của mình. Ban Liên hợp quân sự hai bên nói trong Điều 17 sẽ qui định vùng do mỗi bên kiểm soát và những thể thức trú quân.

c) Các lực lượng chính quy thuộc mọi quân chủng và binh chủng và các lực lượng không chính quy của các bên ở miền Nam Việt Nam phải ngừng mọi hoạt động tấn công nhau và triệt để tuân theo những điều qui định sau đây:

- Ngăn cấm mọi hoạt động vũ lực trên bộ, trên không và trên biển .

- Ngăn cấm mọi hoạt động đối địch, khủng bố và trả thù của cả hai bên.

Điều 4

Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.

Điều 5 

Trong thời hạn sáu mươi ngày kể từ khi ký Hiệp định này, sẽ hoàn thành việc rút hoàn toàn ra khỏi miền Nam Việt Nam mọi quân đội, Cố vấn quân sự và nhân viên quân sự, kể cả nhân viên quân sự kỹ thuật, nhân viên quân sự liên quan đến chương trình bình định, vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh của Hoa Kỳ và của các nước ngoài khác đã nói ở Điều 3 (a). Cố vấn quân sự của các nước nói trên cho tất cả các tổ chức bán quân sự và lực lượng cảnh sát cũng sẽ rút trong thời hạn đó.

Điều 6

Việc huỷ bỏ tất cả các căn cứ quân sự ở miền Nam Việt Nam của Hoa Kỳ và của các nước ngoài khác đã nói ở Điều 3 (a) sẽ hoàn thành trong thời hạn sáu mươi ngày kể từ khi ký Hiệp định này.

Điều 7

Từ khi thực hiện ngừng bắn cho đến khi thành lập Chính phủ nói ở Điều 9 (b) và Điều 14 của Hiệp định này, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ không được nhận đưa vào miền Nam Việt Nam quân đội, Cố vấn quân sự và nhân viên quân sự, kể cả nhân viên quân sự kỹ thuật, vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh.

Hai bên miền Nam Việt Nam được phép từng thời gian thay thế vũ khí, đạn dược, dụng cụ chiến tranh đã bị phá huỷ, hư hỏng, hao mòn hoặc dùng hết từ sau khi ngừng bắn, trên cơ sở một đổi một, cùng đặc điểm và tính năng, có sự giám sát của Ban Liên hợp quân sự hai bên miền Nam Việt Nam và Uỷ ban Quốc tế kiểm soát và giám sát.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #411 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2009, 10:02:44 pm »

Chương III
VIỆC TRAO TRẢ NHÂN VIÊN QUÂN SỰ BỊ BẮT, THƯỜNG DÂN NƯỚC NGOÀI BỊ BẮT VÀ NHÂN VIÊN DÂN SỰ VIỆT NAM BỊ BẮT VÀ GIAM GIỮ

Điều 8

a) Việc trao trả nhân viên quân sự của các bên bị bắt và thường dân nước ngoài của các bên bị bắt sẽ tiến hành song song và hoàn thành không chậm hơn ngày hoàn thành việc rút quân nói trong Điều 5. Các bên sẽ trao đổi danh sách đầy đủ những nhân viên quân sự và thường dân nước ngoài bị bắt nói trên vào ngày ký kết Hiệp định này.

b) Các bên sẽ giúp đỡ nhau tìm kiếm tin tức về những nhân viên quân sự của các bên và thường dân nước ngoài của các bên bị mất tích trong chiến đấu, xác định vị trí và bảo quản mồ mả của những người bị chết, nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc cất bốc và hồi hương hài cốt và có những biện pháp khác cần thiết để tìm kiếm tin tức những người còn coi là mất tích trong chiến đấu.

c) Vấn đề trao trả các nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và giam giữ ở miền Nam Việt Nam sẽ do hai bên miền Nam Việt Nam giải quyết trên cơ sở những nguyên tắc của Điều 21 (b) của Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam ngày 20 tháng 7 năm 1954. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ làm việc đó trên tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc, nhằm chấm dứt thù hằn, giảm bớt đau khổ và đoàn tụ các gia đình.
Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ gắng hết sức mình để giải quyết vấn đề này trong vòng chín mươi ngày sau khi ngừng bắn có hiệu lực.

Chương IV
VIỆC THỰC HIỆN QUYỀN TỰ QUYẾT CỦA NHÂN DÂN MIỀN NAM VIỆT NAM

Điều 9

Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Hoa Kỳ cam kết tôn trọng những nguyên tắc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam sau đây:

a) Quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm và phải được tất cả các nước tôn trọng.

b) Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lại chính trị của miền Nam Việt Nam thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ, có giám sát quốc tế.

c) Các nước ngoài sẽ không áp đặt bất cứ xu hướng chính trị hoặc cá nhân nào đối với nhân dân miền Nam Việt Nam.

Điều 10

Hai bên miền Nam Việt Nam cam kết tôn trọng ngừng bắn và giữ vững hoà bình ở miền Nam Việt Nam, giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng thương lượng và tránh mọi xung đột bằng vũ lực.

Điều 11

Ngay sau khi ngừng bắn, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ:

- Thực hiện hoà giải và hoà hợp dân tộc, xoá bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia.

- Bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh.

Điều 12

a) Ngay sau khi ngừng bắn, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương trên tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc, tôn trọng lẫn nhau và không thôn tính nhau để thành lập Hội đồng Quốc gia hoà giải và hoà hợp dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau. Hội đồng sẽ làm việc theo nguyên tắc nhất trí. Sau khi Hội đồng Quốc gia hoà giải và hoà hợp dân tộc nhậm chức, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương về việc thành lập các Hội đồng cấp dưới. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ ký một Hiệp định về các vấn đề nội bộ của miền Nam Việt Nam càng sớm càng tốt, và sẽ làm hết sức mình để thực hiện việc này trong vòng chín mươi ngày sau khi ngừng bắn có hiệu lực, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân miền Nam Việt Nam là hoà bình, độc lập và dân chủ.

b) Hội đồng Quốc gia hoà giải và hoà hợp dân tộc có nhiệm vụ đôn đốc hai bên miền Nam Việt Nam thi hành Hiệp định này, thực hiện hoà giải và hoà hợp dân tộc, bảo đảm tự do dân chủ. Hội đồng Quốc gia hoà giải và hoà hợp dân tộc sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do và dân chủ như đã nói trong Điều 9 (b) và qui định thủ tục và thể thức của cuộc tổng tuyển cử này. Các cơ quan quyền lực mà cuộc tổng tuyển cử đó sẽ bầu ra sẽ do hai bên miền Nam Việt Nam thông qua hiệp thương mà thoả thuận. Hội đồng Quốc gia hoà giải và hoà hợp dân tộc cũng sẽ qui định thủ tục và thể thức tuyển cử địa phương theo như hai bên miền Nam Việt Nam thoả thuận.

Điều 13

Vấn đề lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam Việt Nam sẽ do hai bên miền Nam Việt Nam giải quyết trên tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, không có sự can thiệp của nước ngoài, phù hợp với tình hình sau chiến tranh. Trong số những vấn đề hai bên miền Nam Việt Nam thảo luận có các biện pháp giảm số quân của họ và phục viên số quân đã giảm. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hoàn thành việc đó càng sớm càng tốt.

Điều 14

Miền Nam Việt Nam sẽ thực hiện chính sách đối ngoại hoà bình, độc lập. Miền Nam Việt Nam sẵn sàng thiết lập quan hệ với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị và xã hội trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và nhận viện trợ kỉnh tế, kỹ thuật của bất cứ nước nào không kèm theo điều kiện chính trị. Vấn đề nhận viện trợ quân sự sau này cho miền Nam Việt Nam sẽ thuộc thẩm quyền của Chính phủ được thành lập sau tổng tuyển cử ở miền Nam Việt Nam nói trong Điều 9 (b).
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #412 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2009, 10:06:35 pm »

Chương V
VẤN ĐỀ THỐNG NHẤT NƯỚC VIỆT NAM VÀ VẤN ĐỀ QUAN HỆ GIỮA MIỀN BẮC VÀ MIỀN NAM VIỆT NAM
.

Điều 15

Việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hoà bình trên cơ sở bàn bạc và thoả thuận giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam, không bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào và không có sự can thiệp của nước ngoài. Thời gian thống nhất sẽ do miền Bắc và miền Nam Việt Nam thoả thuận.

Trong khi chờ đợi thống nhất:

a) Giới tuyến quân sự giữa hai miền tại vĩ tuyến 17 chỉ là tạm thời và không phải là một ranh giới về chính trị hoặc về lãnh thổ, như qui định trong đoạn 6 của Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ năm 1954.

b) Miền Bắc và miền Nam sẽ tôn trọng khu phi quân sự ở hai bên giới tuyến quân sự tạm thời.

c) Miền Bắc và miền Nam Việt Nam sẽ sớm bắt đầu thương lượng nhằm lập lại quan hệ bình thường về nhiều mặt. Trong các vấn đề sẽ được thương lượng, có vấn đề thể thức đi lại dân sự qua giới tuyến quân sự tạm thời.

d) Miền Bắc và miền Nam Việt Nam sẽ không tham gia bất cứ liên minh quân sự hoặc khối quân sự nào và không cho phép nước ngoài có căn cứ quân sự, quân đội, Cố vấn quân sự và nhân viên quân sự trên đất mình, như Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam qui định.

Chương VI
CÁC BAN LIÊN HỢP QUÂN SỰ, ỦY BAN QUỐC TẾ KIỂM SOÁT VÀ GIÁM SÁT - HỘI NGHỊ QUỐC TẾ

Điều 16 

a) Các bên tham gia Hội nghị Paris về Việt Nam sẽ cử ngay đại diện để thành lập Ban Liên hợp quân sự bốn bên có nhiệm vụ bảo đảm sự phối hợp hành động của các bên trong việc thực hiện các điều khoản sau đây của Hiệp định này:

- Đoạn đầu của Điều 2 về việc thực hiện ngừng bắn trên khắp miền Nam Việt Nam.

- Điều 3 (a) về việc ngừng bắn của lực lượng của Hoa Kỳ và của các nước ngoài khác nói trong điều này.

- Điều 3 (c) về việc ngừng bắn giữa tất cả các bên ở miền Nam Việt Nam.

- Điều 5 về việc rút ra khỏi miền Nam Việt Nam quân đội của Hoa Kỳ và quân đội của các nước ngoài khác đã nói ở Điều 3 (a) .

- Điều 6 về việc huỷ bỏ các căn cứ quân sự ở miền Nam Việt Nam của Hoa Kỳ và của các nước ngoài khác đã nói ở Điều 3 (a) .

- Điều 8 (a) về việc trao trả những nhân viên quân sự của các bên bị bắt và thường dân nước ngoài của các bên bị bắt.

- Điều 8 (b) về việc các bên giúp đỡ nhau tìm kiếm tin tức về những nhân viên quân sự của các bên và thường dân nước ngoài của các bên bị mất tích trong chiến đấu.

b) Ban Liên hợp quân sự bốn bên sẽ làm việc theo nguyên tắc hiệp thương và nhất trí. Những vấn đề bất đồng sẽ chuyển cho Uỷ ban Quốc tế kiểm soát và giám sát.

c) Ban Liên hợp quân sự bốn bên sẽ bắt đầu hoạt động ngay sau khi ký kết Hiệp định này và chấm dứt hoạt động trong thời hạn sáu mươi ngày, sau khi việc rút quân của Hoa Kỳ và quân của các nước ngoài khác đã nói ở Điều 3 (a) và việc trao trả nhân viên quân sự của các bên bị bắt và thường dân nước ngoài của các bên bị bắt đã hoàn thành. 

d) Bốn bên sẽ thoả thuận ngay về tổ chức, thể thức làm việc, phương tiện hoạt động và chi phí của Ban Liên hợp quân sự bốn bên.

Điều 17 

a) Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ cử ngay đại diện để thành lập Ban Liên hợp quân sự hai bên có nhiệm vụ bảo đảm sự phối hợp hành động của hai bên miền Nam Việt Nam trong việc thực hiện các điều khoản sau đây của Hiệp định này:

- Đoạn đầu của Điều 2 về việc thực hiện ngừng bắn trên khắp miền Nam Việt Nam, sau khi Ban Liên hợp quân sự bốn bên chấm dứt hoạt động của mình.

- Điều 3 (b) về việc ngừng bắn giữa hai bên miền Nam Việt Nam.

- Điều 3 (c) về việc ngừng bắn giữa tất cả các bên ở miền Nam Việt Nam, sau khi Ban Liên hợp quân sự bốn bên chấm dứt hoạt động của mình.

- Điều 7 về việc không được đưa quân đội vào miền Nam Việt Nam và tất cả những điều khoản khác của điều này.

- Điều 8 (c) về việc trao trả các nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và giam giữ ở miền Nam Việt Nam.

- Điều 13 về việc giảm số quân của hai bên miền Nam Việt Nam và phục viên số quân đã giảm.

b) Những vấn đề bất đồng sẽ chuyển cho Uỷ ban Quốc tế kiểm soát và giám sát.

c) Sau khi Hiệp định này được ký kết, Ban Liên hợp quân sự hai bên sẽ thoả thuận ngay những biện pháp và tổ chức nhằm thực hiện ngừng bắn và giữ gìn hoà bình ở miền Nam Việt Nam.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #413 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2009, 10:06:45 pm »

Điều 18

a) Sau khi ký kết Hiệp định này, thành lập ngay Uỷ ban Quốc tế kiểm soát và giám sát.

b) Cho đến khi Hội nghị Quốc tế nói ở điều 19 có những sắp xếp dứt khoát, Uỷ ban Quốc tế kiểm soát và giám sát sẽ báo cáo với bốn bên những vấn đề về việc kiểm soát và giám sát việc thi hành những điều khoản sau đây của Hiệp định này:

- Đoạn đầu của Điều 2, về việc thực hiện ngừng bắn trên khắp miền Nam Việt Nam.

- Điều 3 (c) về việc ngừng bắn giữa tất cả các bên ở miền Nam Việt Nam.

- Điều 5 về việc rút ra khỏi miền Nam Việt Nam quân đội của Hoa Kỳ và quân đội của các nước ngoài khác đã nói ở Điều 3 (a) .

- Điều 6 về việc huỷ bỏ các căn cứ quân sự ở miền Nam Việt Nam của Hoa Kỳ và của các nước ngoài khác đã nói ở Điều 3 (a).

- Điều 8 (a) về việc trao trả những nhân viên quân sự của các bên bị bắt và thường dân nước ngoài của các bên bí bắt.

Uỷ ban Quốc tế kiểm soát và giám sát lập những tổ kiểm soát để làm những nhiệm vụ của mình. Bốn bên sẽ thoả thuận ngay về chỗ đóng và sự hoạt động của các tổ đó.

Các bên sẽ làm dễ dàng cho hoạt động của các tổ đó.

c) Cho đến khi Hội nghị Quốc tế có những sắp xếp dứt khoát, Uỷ ban Quốc tế kiểm soát và giám sát sẽ báo cáo với hai bên miền Nam Việt Nam những vấn đề về việc kiểm soát và giám sát việc thi hành những điều khoản sau đây của Hiệp định này:

- Đoạn đầu của Điều 2 về việc thực hiện ngừng bắn trên khắp miền Nam Việt Nam, sau khi Ban Liên hợp quân sự bốn bên chấm dứt hoạt động của mình.

- Điều 3 (b) về việc ngừng bắn giữa hai bên miền Nam Việt Nam. .

- Điều 3 (c) về việc ngừng bắn giữa tất cả các bên ở miền Nam Việt Nam, sau khi Ban Liên hợp quân sự bốn bên chấm dứt hoạt động của mình.

- Điều 7 về việc không được đưa quân đội vào miền Nam Việt Nam và tất cả các điều khoản khác của điều này.

- Điều 8 (c) về vấn đề trao trả các nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và giam giữ ở miền Nam Việt Nam.

- Điều 9 (b) về tổng tuyển cử tự do và dân chủ ở miền Nam Việt Nam.

- Điều 13 về việc giảm số quân của hai bên miền Nam Việt Nam và phục viên số quân đã giảm.

Uỷ ban quốc tế kiểm soát và giám sát lập những tổ kiểm soát để làm nhiệm vụ của mình. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ thoả thuận ngay về chỗ đóng và sự hoạt động của các tổ đó. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ làm dễ dàng cho hoạt động của các tổ đó.

d) Uỷ ban Quốc tế kiểm soát và giám sát sẽ gồm đại diện của bốn nước: Ba Lan, Canađa, Hunggari, Inđônêxia. Các thành viên của Uỷ ban Quốc tế sẽ luân phiên làm chủ tịch trong từng thời gian do Uỷ ban Quốc tế quy định.

e) Uỷ ban Quốc tế kiểm soát và giám sát thi hành nhiệm vụ của mình theo nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của miền Nam Việt Nam.

f) Uỷ ban Quốc tế kiểm soát và giám sát làm việc theo nguyên tắc hiệp thương và nhất trí.

g) Uỷ ban Quốc tế kiểm soát và giám sát sẽ bắt đầu hoạt động khi ngừng bắn có hiệu lực ở Việt Nam. Đôi với các điều khoản liên quan đến bốn bên nói trong Điều 18 (b), Uỷ ban Quốc tế kiểm soát và giám sát chấm dứt hoạt động của mình khi nhiệm vụ kiểm soát và giám sát của Uỷ ban đối với các điều khoản đó đã hoàn thành. Đối với các điều khoản liên quan đến hai bên miền Nam Việt Nam nói ở Điều 18 (c), Uỷ ban Quốc tế kiểm soát và giám sát chấm dứt hoạt động của mình theo yêu cầu của Chính phủ được thành lập sau tổng tuyển cử ở miền Nam Việt Nam nói ở Điều 9 (b). 

h) Bốn bên thoả thuận ngay về tổ chức, phương tiện hoạt động và chi phí của Uỷ ban Quốc tế kiểm soát và giám sát. Mối quan hệ giữa Uỷ ban Quốc tế và Hội nghị Quốc tế sẽ do Uỷ ban Quốc tế và Hội nghị Quốc tế thoả thuận.

Điều 19

Các bên thoả thuận về việc triệu tập một Hội nghị Quốc tế trong vòng ba mươi ngày kể từ khi ký Hiệp định này để ghi nhận các Hiệp định đã ký kết; bảo đảm chấm dứt chiến tranh, giữ vững hoà bình ở Việt Nam, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam; góp phần vào hoà bình và bảo đảm hoà bình ở Đông Dương.

Việt Nam Dân chủ cộng hoà và Hoa Kỳ, thay mặt các bên tham gia Hội nghị Paris về Việt Nam, sẽ đề nghị các bên sau đây tham gia Hội nghị Quốc tế này: Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Cộng hoà Pháp, Liên bang Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết, Liên hiệp Vương quốc Anh, bốn nước trong Uỷ ban Quốc tế kiểm soát và giám sát và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, cùng với các bên tham gia Hội nghị Paris về Việt Nam.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #414 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2009, 11:43:03 am »

Chương VII
ĐỐI VỚI CAMPUCHIA VÀ LÀO

Điều 20

a) Các bên tham gia Hội nghị Paris về Việt Nam phải triệt để tôn trọng Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Campuchia và Hiệp định Giơnevơ 1962 về Lào đã công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Campuchia và nhân dân Lào: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của các nước đó. Các bên phải tôn trọng nền trung lập của Campuchia và Lào.

Các bên tham gia Hội nghị Paris về Việt Nam cam kết không dùng lãnh thổ của Campuchia và lãnh thổ của Lào để xâm phạm chủ quyền và an ninh của nhau và của các nước khác.

b) Các nước ngoài sẽ chấm dứt mọi hoạt động quân sự ở Campuchia và Lào, rút hết và không đưa trở lại vào hai nước đó quân đội, Cố vấn quân sự và nhân viên quân sự, vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh.

c) Công việc nội bộ của Campuchia và Lào phải do nhân dân mỗi nước này giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài.
d) Những vấn đề liên quan giữa các nước Đông Dương sẽ do các bên Đông Dương giải quyết, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Chương VIII
QUAN HỆ GIỮA VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ VÀ HOA KỲ

Điều 21 

Hoa Kỳ mong rằng Hiệp định này sẽ mang lại một thời kỳ hoà giải với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng như với tất cả các dân tộc ở Đông Dương. Theo chính sách truyền thống của mình, Hoa Kỳ sẽ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và công cuộc xây dựng sau chiến tranh ở Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và toàn Đông Dương.

Điều 22

Việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam và việc thực hiện triệt để Hiệp định này sẽ tạo điều kiện thiết lập quan hệ mới, bình đẳng và cùng có lợi giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Hoa Kỳ, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Đồng thời, những việc đó sẽ bảo đảm hoà bình vững chắc ở Việt Nam và góp phần giữ gìn hoà bình lâu dài ở Đông Dương và Đông Nam Á.

Chương IX
NHỮNG ĐIỀU KHOẢN KHÁC

Điều 23 

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam se có hiệu lực khi văn kiện này được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Hoa Kỳ ký và khi một văn kiện cùng nội dung được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Hoa Kỳ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Cộng hoà ký. Tất cả các bên có liên quan sẽ thi hành triệt để Hiệp định này và các Nghị định thư của Hiệp định.

Làm tại Paris, ngày 27 tháng giêng năm 1973 bằng tiếng Việt Nam và tiếng Anh. Bản tiếng Việt Nam và bản tiếng Anh đều là những bản chính thức và có giá trị như sau.

THAY MẶT
CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Nguyễn Duy Trinh

THAY MẶT
CHÍNH PHỦ HOA KỲ
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
William P.Rogers
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #415 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2009, 11:44:05 am »

PHỤ LỤC VI
HIỆP ĐỊNH VỀ CHẤM DỨT CHIẾN TRANH - LẬP LẠI HOÀ BÌNH Ở VIỆT NAM

Các bên tham gia Hội nghị Paris về Việt Nam.

Nhằm mục đích chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam trên cơ sở tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, góp phần củng cố hoà bình ở châu Á và thế giới.

Đã thoả thuận, cam kết tôn trọng và thi hành những điều khoản sau đây:

(Từ điều 1 đến điều 22, giống như điều 1 đến điều 22 của Hiệp định do hai bên ký - Phụ lục V).

Chương IX .
NHỮNG ĐIỀU KHOẢN KHÁC

Điều 23

Hiệp định này sẽ có hiệu lực khi đại diện toàn quyền của các bên tham gia Hội nghị Paris về Việt Nam ký. Tất cả các bên có liên quan sẽ thi hành triệt để Hiệp định này và các Nghị định thư của Hiệp định. 

Làm tại Paris ngày 27 tháng giêng năm 1973, bằng tiếng Việt Nam và tiếng Anh. Bản tiếng Việt Nam và bản tiếng Anh đều là những bản chính thức và có giá trị như nhau.

THAY MẶT CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh

THAY MẶT CHÍNH PHỦ CÁCH MẠNG LÂM THỜI CỘNG HOÀ MIỀN NAM VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Bình

THAY MẶT CHÍNH PHỦ HOA KỲ
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao  William P.Rogers

THAY MẶT CHÍNH PHỦ VIỆT NAM CỘNG HOÀ
Tổng trưởng Ngoại giao Trần Văn Lắm
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #416 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2009, 11:45:24 am »

PHỤ LỤC VII
NGHỊ ĐỊNH THƯ CỦA HIỆP ĐỊNH VỀ CHẤM DỨT CHIẾN TRANH LẬP LẠI HOÀ BÌNH Ở VIỆT NAM

Về ngừng bắn ở miền Nam Việt Nam và về các Ban Liên hợp quân sự

Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với sự thoả thuận của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.

Chính phủ Hoa Kỳ với sự thoả thuận của Chính phủ Việt Nam Cộng hoà.

Thực hiện đoạn đầu Điều 2, Điều 3, Điều 5, Điều 6, Điều 16 và Điều 17 của Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam ký vào ngày này, qui định việc ngừng bắn ở miền Nam Việt Nam và việc thành lập các Ban Liên hợp quân sự bốn bên và hai bên.

Đã thoả thuận như sau:

Về ngừng bắn ở miền Nam Việt Nam

Điều 1

Các Bộ chỉ huy của các bên ở miền Nam Việt Nam phải nhanh chóng và kịp thời ra lệnh cho tất cả các lực lượng vũ trang chính quy, không chính quy và cảnh sát vũ trang dưới quyền mình chấm dứt hoàn toàn chiến sự trên khắp miền Nam Việt Nam đúng vào ngày giờ quy định trong Điều 2 của Hiệp định và sẽ bảo đảm tất cả các lực lượng vũ trang và cảnh sát vũ trang đó tuân theo các lệnh trên và tôn trọng ngừng bắn.

Điều 2

a) Bắt đầu từ khi ngừng bắn có hiệu lực cho đến khi có quy định của các Ban Liên hợp quân sự, tất cả các lực lượng chiến đấu trên bộ, trên sông, trên biển và trên không của các bên ở miền Nam Việt Nam ở nguyên vị trí của mình; nghĩa là để bảo đảm ngừng bắn vững chắc, sẽ không có sự bố trí lại lực lượng lớn hoặc không có sự di chuyển nào mở rộng vùng kiểm soát của mỗi bên, hoặc dẫn tới sự tiếp xúc giữa các lực lượng vũ trang đối địch và các hành động xung đột có thể xảy ra.

b) Mọi lực lượng vũ trang chính quy, không chính quy và cảnh sát vũ trang của các bên ở miền Nam Việt Nam phải tuân theo những điều cấm chỉ sau đây:

1- Cấm các cuộc tuần tra vũ trang sang vùng do lực lượng vũ trang đối phương kiểm soát và cấm những chuyến bay của các loại máy bay ném bom, máy bay chiến đấu trừ những chuyến bay không vũ trang với mục đích huấn luyện và bảo quản.

2- Cấm tấn công vũ trang vào bất cứ người nào, quân sự hoặc dân sự, bằng bất cứ phương tiện nào, kể cả sử dụng vũ khí nhỏ, súng cối, đại bác, ném bom, bắn phá bằng máy bay và bất cứ vũ khí hoặc vật có thể nổ khác.

3- Cấm tiến hành mọi cuộc hành quân chiến đấu trên bộ, trên sông, trên biển và trên không.

4- Cấm các hành động đối địch, khủng bố và trả thù.

5- Cấm mọi hành động xâm phạm đến tính mạng và tài sản công và tư.

Điều 3

a) Những điều ngăn cấm nói trên không được cản trở hoặc hạn chế.

1- Việc tiếp tế dân sự, việc tự do đi lại, tự do làm ăn sinh sống, tự do buôn bán của nhân dân và giao thông vận tải dân sự giữa tất cả các vùng ở miền Nam Việt Nam.

2- Mỗi bên trong vùng kiểm soát của mình sử dụng những đơn vị hậu cần như đơn vị công binh và vận tải trong việc sửa chữa và xây dựng những tiện nghi công cộng và việc vận chuyển, tiếp tế cho nhân dân.

3- Mỗi bên trong vùng kiểm soát của mình tiến hành việc huấn luyện quân sự bình thường, khi tiến hành có chú ý tới an toàn công cộng.

b) Các Ban Liên hợp quân sự sẽ thoả thuận ngay về các hành lang, các tuyến đường và các quy định khác cho việc di chuyển của các máy bay vận tải quân sự, các loại xe vận tải quân sự và tàu thuyền vận tải quân sự của bên này phải đi qua vùng do các bên kia kiểm soát.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #417 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2009, 11:46:30 am »

Điều 4

Để tránh xung đột và để bảo đảm sinh hoạt bình thường của các lực lượng vũ trang ở những nơi đang trực tiếp tiếp xúc, và trong khi chờ đợi việc quy định của các Ban Liên hợp quân sự, ngay sau khi ngừng bắn có hiệu lực, những người chỉ huy của các lực lượng vũ trang đối diện nhau và đang trực tiếp tiếp xúc ở những nơi đó sẽ gặp nhau để đi tới thoả thuận về các biện pháp tạm thời nhằm tránh xung đột và bảo đảm việc tiếp tế, cứu thương cho các lực lượng vũ trang đó.

Điều 5

a) Trong vòng mười lăm ngày kể từ khi ngừng bắn có hiệu lực mỗi bên phải làm hết sức mình để hoàn thành việc tháo gỡ hoặc làm mất hiệu lực những vật gây huỷ hoại, bãi mìn, cạm bẫy, các vật chướng ngại và các vật nguy hiểm khác đặt từ trước để khỏi làm trở ngại cho sự đi lại, làm ăn của nhân dân, trước hết trên các đường thuỷ, đường bộ và đường sắt ở miền Nam Việt Nam. Những mìn không thể tháo gỡ hoặc làm mất hiệu lực trong thời gian đó phải được đánh dấu rõ ràng và phải tiếp tục tháo gỡ hoặc làm mất hiệu lực cho xong càng sớm càng tốt.

b) Cấm đặt mìn, trừ trường hợp phòng thủ sát chung quanh các cơ sở quân sự, ở những nơi không làm trở ngại cho sự đi lại, làm ăn của nhân dân và sự đi lại trên các đường thuỷ, đường bộ và đường sắt. Có thể để lại những mìn và những vật chướng ngại khác đã đặt từ trước sát chung quanh các cơ sở quân sự, ở những nơi không làm trở ngại cho sự đi lại, làm ăn của nhân dân và sự đi lại trên các đường thuỷ, đường bộ và đường sắt.

Điều 6  

Cảnh sát dân sự và nhân viên an ninh dân sự của các bên miền Nam Việt Nam có trách nhiệm duy trì trật tự trị an, phải triệt để tôn trọng những điều ngăn cấm nêu ở Điều 2 của Nghị định thư này. Theo nhu cầu nhiệm vụ, bình thường họ sẽ được phép mang súng ngắn, nhưng khi hoàn cảnh đặc biệt đòi hỏi, thì họ được phép mang vũ khí cá nhân cỡ nhỏ khác.

Điều 7

a) Việc đưa vào thay thế vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh ở miền Nam Việt Nam theo Điều 7 của Hiệp định sẽ được tiến hành dưới sự giám sát và kiểm soát của Ban Liên hợp quân sự hai bên và Uỷ ban Quốc tế kiểm soát và giám sát và chỉ qua những cửa khẩu do hai bên miền Nam Việt Nam chỉ định. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ thoả thuận về các cửa khẩu này trong vòng mười lăm ngày sau khi ngừng bắn có hiệu lực.

Hai bên miền Nam Việt Nam có thể chọn nhiều nhất là sáu cửa khẩu không nằm trong danh sách các địa điểm sẽ có tổ của Uỷ ban Quốc tế kiểm soát và giám sát đóng, như nói rõ trong Điều 4 (d) trong Nghị định thư về Uỷ ban Quốc tế. Đồng thời hai bên miền Nam Việt Nam cũng có thể chọn các cửa khẩu trong danh sách các địa điểm nói rõ trong Điều 4 (d) của Nghị định thư đó.

b) Những cửa khẩu đã quy định chỉ được dùng cho bên miền Nam Việt Nam nào kiểm soát cửa khẩu đó. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ có một số cửa khẩu ngang nhau.

Điều 8

a) Thực hiện Điều 5 của Hiệp định, Hoa Kỳ và các nước ngoài khác nói trong Điều 5 của Hiệp định sẽ mang đi với họ mọi vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh của họ.

Sau khi Hiệp định bắt đầu có hiệu lực, không được chuyển giao những thứ nói trên nhằm để lại những thứ đó ở miền Nam Việt Nam, trừ trường hợp chuyển giao những dụng cụ thông tin, vận tải và những dụng cụ khác không phải để chiến đấu cho Ban Liên hợp quân sự bốn bên hoặc Uỷ ban Quốc tế kiểm soát và giám sát.

b) Trong vòng năm ngày sau khi ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực Hoa Kỳ sẽ báo cho Ban Liên hợp quân sự bốn bên và Uỷ ban Quốc tế kiểm soát và giám sát biết những chương trình chung về thời gian biểu cho việc rút hoàn toàn quân đội sẽ được tiến hành làm bốn đợt, mỗi đợt mười lăm ngày. Dự kiến là số quân rút trong các đợt không khác nhau nhiều mặc dầu không thể bảo đảm các số quân đó ngang nhau. Số quân đại thể rút trong mỗi đợt sẽ được báo cho Ban Liên hợp quân sự bốn bên và Uỷ ban Quốc tế trước một thời gian đủ để cho Ban Liên hợp quân sự bốn bên và Uỷ ban Quốc tế có thể thực hiện một cách thích đáng nhiệm vụ của họ đối với vấn đề này.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #418 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2009, 11:49:22 am »

Điều 9

a) Thực hiện Điều 6 của Hiệp định, Hoa Kỳ và các nước ngoài khác nói trong điều này sẽ tháo dỡ và chuyển ra khỏi miền Nam Việt Nam hoặc phá huỷ tất cả các căn cứ quân sự ở miền Nam Việt Nam của Hoa Kỳ và của các nước ngoài nói trong điều đó, kể cả những vũ khí, mìn và những thiết bị quân sự khác tại những căn cứ này, để không được dùng vào những mục đích quân sự.

b) Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Ban Liên hợp quân sự bốn bên và Uỷ ban Quốc tế kiểm soát và giám sát những thông báo cần thiết về kế hoạch huỷ bỏ căn cứ để các Ban đó có thể thi hành một cách thích đáng nhiệm vụ của họ đối với những việc đó.
Về các Ban Liên hợp quân sự

Điều 10

a) Việc thi hành Hiệp định là trách nhiệm của các bên ký kết. Ban Liên hợp quân sự bốn bên có nhiệm vụ bảo đảm sự phối hợp hành động của các bên trong việc thực hiện Hiệp định bằng cách giữ mối liên lạc giữa các bên, bằng cách đặt những kế hoạch và quy định những thể thức thực hiện, phối hợp, theo dõi và kiểm tra sự thực hiện các điều khoản nói trong Điều 16 của Hiệp định, và bằng cách thương lượng và giải quyết mọi vấn đề có liên quan đến việc thi hành những điều khoản đó.

b) Những nhiệm vụ cụ thể của Ban Liên hợp quân sự bốn bên là: .

1- Phối hợp, theo dõi và kiểm tra bốn bên trong việc thực hiện các điều khoản nói trên của Hiệp định.

2- Ngăn ngừa vi phạm và phát hiện vi phạm, giải quyết các trường hợp vi phạm và các vụ xung đột, tranh chấp giữa các bên về các điều khoản nói trên.

3- Sẽ tuỳ trường hợp cử ngay không trì hoãn một hay nhiều tổ liên hợp đi bất kỳ nơi nào trong phạm vi miền Nam Việt Nam để điều tra những điều cho là vi phạm Hiệp định và giúp các bên tìm biện pháp tránh những trường hợp tương tự xảy ra.

4- Tiến hành quan sát tại những nơi cần thiết để thực hiện chức năng của mình.

5- Thực hiện những nhiệm vụ mà Ban nhất trí quyết định đảm nhiệm thêm.

Điều 11

a) Sẽ có một Ban Liên hợp quân sự Trung ương đóng tại Sài Gòn. Mỗi bên sẽ chỉ định ngay một đoàn Đại biểu quân sự gồm năm mươi chín người để đại diện cho mình ở Ban Trung ương. Sĩ quan đứng đầu do mỗi bên chỉ định sẽ là một sĩ quan cấp tướng hoặc tương đương.

b) Sẽ có bảy Ban Liên hợp quân sự khu vực đóng tại các vùng ghi trong bản đồ kèm theo và đóng ở các địa điểm sau đây:

Khu vực I: Huế;

Khu vực II: Đà Nẵng;

Khu vực III: Pleiku;

Khu vực IV: Phan Thiết;

Khu vực V: Biên Hoà;

Khu vực VI: Mỹ Tho;

Khu vực VII: Cần Thơ.

Mỗi bên sẽ chỉ định một đoàn Đại biểu quân sự gồm mười sáu người để đại diện cho mình ở Ban Liên hợp quân sự khu vực. Sĩ quan đứng đầu do mỗi bên chỉ định sẽ là một sĩ quan từ cấp trung tá đến đại tá hoặc tương đương.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #419 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2009, 11:54:20 am »

c) Sẽ có một số tổ liên hợp quân sự hoạt động ở mỗi địa phương ghi trong biểu đồ kèm theo và đóng tại mỗi đia điểm sau đây ở miền Nam Việt Nam:

Khu vực I: Quảng Trị, Phú Bài 

Khu vực II:  Hội An, Tam Kỳ, Chu Lai

Khu vực III:  Kontum, Hậu Bổn, Phù Cát, Tuy An, Ninh Hoà, Ban Mê Thuột

Khu vực IV: Đà Lạt, Bảo Lộc, Phan Rang

Khu vực V: An Lộc, Xuân Lộc, Bến Cát, Củ Chi, Tân An

Khu vực VI:  Mộc Hoá  Giồng Trôm 

Khu vực VII: Tri Tôn, Vĩnh Long, Khánh Hưng, Vị Thanh, Quản Long. 

Mỗi bên sẽ cử bốn người có thẩm quyền vào mỗi tổ liên hợp quân sự. Người đứng đầu do mỗi bên chỉ định sẽ là một sĩ quan từ cấp thiếu tá đến trung tá hoặc tương đương.

d) Các Ban Liên hợp quân sự khu vực sẽ giúp đỡ Ban Liên hợp quân sự Trung ương làm nhiệm vụ của Ban và sẽ giám sát hoạt động của các tổ hên hợp quân sự. Vùng Sài Gòn - Gia Định do Ban Liên hợp quân sự Trung ương chịu trách nhiệm và Ban Liên hợp quân sự Trung ương sẽ chỉ định các tổ liên hợp quân sự để hoạt động trong vùng này. 

e) Mỗi bên sẽ được cung cấp nhân viên giúp việc và cảnh vệ cho các phái đoàn của mình ở Ban Liên hợp quân sự Trung ương và các Ban Liên hợp quân sự khu vực và cho các thành viên của mình ở các tổ liên hợp quân sự. Tổng số nhân viên giúp việc và cảnh vệ của mỗi bên sẽ không quá năm trăm năm mươi người.

f) Ban Liên hợp quân sự Trung ương có thể lập những tiểu ban Liên hợp, Nhóm Liên hợp và các tổ liên hợp quân sự tuỳ theo hoàn cảnh. Ban Trung ương sẽ quyết định số nhân viên cần thiết cho các tiểu ban, các nhóm hoặc các tổ mà Ban lập thêm, mỗi ban sẽ cử một phần tư số nhân viên của Ban Liên hợp quân sự bốn bên, bao gồm tất cả các nhóm, các tổ và nhân viên giúp việc của Ban, sẽ không quá ba nghìn ba trăm người.

g) Các đoàn Đại biểu của hai bên miền Nam Việt Nam có thể thành lập qua sự thoả thuận với nhau những tiểu ban và những tổ liên hợp quân sự lâm thời để thực hiện những nhiệm vụ cụ thể quy định cho họ theo Điều 17 của Hiệp định.

Đối với Điều 7 của Hiệp định, hai đoàn Đại biểu của hai bên miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự bốn bên sẽ lập những tổ liên hợp quân sự tại những cửa khẩu vào miền Nam Việt Nam dùng cho việc thay thế vũ khí, đạn dược, dụng cụ chiến tranh quy định theo Điều 7 của Nghị định thư này.

Từ khi ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực cho đến khi Ban Liên hợp quân sự hai bên có thể hoạt động, các đoàn Đại biểu của hai bên miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự bốn bên sẽ thành lập một tiểu ban và các tổ liên hợp quân sự lâm thời để thực hiện nhiệm vụ đối với những nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và giam giữ. Khi cần thiết để làm những việc trên hai bên miền Nam Việt Nam có thể thoả thuận về việc cử số nhân viên thêm vào số nhân viên đã quy định cho những đoàn Đại biểu của hai bên trong Ban Liên hợp quân sự bốn bên.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM