Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:45:39 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris  (Đọc 197672 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #390 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2009, 10:53:35 pm »

Vấn đề Mỹ đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh

Hồi tháng 10 năm 1972, Kissinger hứa: “Mỹ sẽ đóng góp cho mục đích hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng lại miền Bắc Việt Nam ước lượng trị giá 3 tỷ đô la Mỹ". Trong thông điệp gửi Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 20 tháng 10 năm i972, Tổng thống Nixon viết: "Quan hệ kinh tế Mỹ - Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ được thảo luận khi Tiến sĩ Kissinger vào Hà Nội”. Trong các đợt đàm phán lại tháng 11 và 12 năm 1972, hai bên chưa bàn thêm vấn đề này. Chiều ngày 11 tháng 1 năm 1973, khi bàn các Nghị định thư, Lê Đức Thọ đưa ra một dự thảo Nghị định thư về đóng góp của Mỹ trong đó có ghi con số 5 tỷ đô la. Như trên đã viết ông Thọ đã đồng ý với Kissínger là sẽ bàn sau một hình thức công hàm. Trong phiên họp cuối cùng ngày 13 tháng 1 năm 1973, sau khi những vấn đề khác đã giải quyết xong, Lê Đức Thọ nêu lại vấn đề. 

Kissinger nói sau khi Hiệp định được ký kết, ngày 30 tháng 1 năm 1973, Tổng thống Nixon sẽ gửi công hàm cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng nêu những nguyên tắc về việc Hoa Kỳ tham gia vào công cuộc xây dựng lại kinh tế Việt Nam sau chiến tranh, phù hợp với điều 21 của Hiệp định. Tiếp đó Kissinger trình bày dự thảo công hàm để phía Việt Nam xem xét:

- Sự đóng góp của Hoa Kỳ sẽ căn cứ vào các yếu tố, nhu cầu của Bắc Việt Nam, khả năng của Bắc Việt Nam tiếp nhận viện trợ, chương trình cung cấp ngân sách hàng năm của Quốc hội Hoa Kỳ.

- Chương trình tham gia của Hoa Kỳ sẽ vào khoảng 3 tỷ đô la trong 5 năm.

- Lập Uỷ ban kinh tế hỗn hợp Hoa Kỳ - Việt Nam Dân chủ cộng hoà để thoả thuận về bộ máy quản lý chương trình.

Lê Đức Thọ nói chấp nhận hình thức công hàm và sẽ có công hàm ghi nhận. Về nội dung không chấp nhận sự đóng góp sẽ căn cứ vào khả năng tiếp nhận viện trợ của Bắc Việt Nam, cũng đề nghị không nêu “chương trình cung cấp ngân sách của Quốc hội Hoa Kỳ”. Lê Đức Thọ yêu cầu ghi rõ nguyên tắc viện trợ không hoàn lại và không kèm theo điều kiện chính trị. Về số tiền, ông đòi 4,5 tỷ đô la Mỹ. Hai Cố vấn giao Nguyên Cơ Thạch và Sullivan sửa lại lời văn công hàm, còn vấn đề số tiền sẽ giải quyết trước khi ký tắt.

Bốn ngày sau khi Hiệp định được ký kết, ngày 1 tháng 2 năm 1973, Tổng thống Nixon gửi cho Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà công hàm và bản ghi về việc Hoa Kỳ tham gia công cuộc xây dựng lại miền Bắc Việt Nam sau chiến tranh với nội dung đúng như hai đoàn đã thoả thuận. Ngày 23 tháng 2 năm 1973, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho Tổng thống Nixon công hàm và bản ghi ghi nhận nội dung các văn bản của Hoa Kỳ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #391 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2009, 10:56:01 pm »

Ngày họp cuối cùng

Ngày 13 tháng 1 năm 1973, hai bên họp phiên họp cuối cùng tại Saint-nom-la-bretèche.

Lê Đức Thọ và Kissinger bàn vấn đề đóng góp xây dựng lại Bắc Việt Nam (xem trên), duyệt hai hiểu biết về tù chính trị và nơi đậu tàu sân bay của Mỹ và giải quyết nốt vài điểm cụ thể.

Phần còn lại và cũng là phần lớn thời giờ hai ông bàn về thời gian biểu triển khai việc ký kết và các công việc sắp tới liên quan đến Hiệp định.

Kissinger đề nghị không đọc diễn văn và chỉ có chúc tụng từng người ở bên ngoài. Ông ta cũng nói rằng đó sẽ là ngày trang trọng ở Mỹ, và ở Việt Nam lại càng trang trọng hơn nữa. Vì vậy chúng ta nên khởi đầu với một thái độ hoà giải, quảng đại và nồng nhiệt đối với nhau.
Lê Đức Thọ vui vẻ đồng ý ngay. 

Kissinger cũng nói:

- Chắc các ông sẽ không dùng từ chiến thắng chiến tranh xâm lược

Lê Đức Thọ cũng tỏ vẻ đồng tình. Hai bên thoả thuận về thời gian biểu như sau:

1- Ngày 15 tháng 1 năm 1973: 12 giờ, giờ Washington (24 giờ, giờ Hà Nội) ngừng ném bom và thả mìn ở toàn miền Bắc Việt Nam

2- Ngày 19 tháng 1 năm 1973: thông báo cho chủ nhà Pháp biết.

3- Ngày 23 tháng 1 năm 1973: gặp chính thức Lê Đức Thọ - Xuân Thuỷ - Kissinger để hoàn thành đàm phán và ký tắt Hiệp định tại Trung tâm các Hội nghị Quốc tế tại đại lộ Kléber.

4- Ngày 24 tháng 1 năm 1973: công bố tin Hiệp định đã được ký tắt. Công bố toàn văn Hiệp định và các Nghị định thư.

5- Ngày 27 tháng 1 năm 1973: Lễ ký chính thức tại Trung tâm Kléber. Ký bốn bên buổi sáng, ký hai bên Hoa Kỳ - Việt Nam Dân chủ Cộng hoà buổi chiều.

6- Ngày 27 tháng 1 năm 1973: 24 giờ giờ GMT ngừng bắn có hiệu lực trên toàn miền Nam Việt Nam.

7- Ngày 29 tháng 1 năm 1973: Ban Liên hợp quân sự bốn bên họp tại Sài Gòn. Hai bên miền Nam bàn việc thành lập Ban Liên hợp quân sự hai bên. Uỷ ban Quốc tế bắt đầu hoạt động.

8- Ngày 30 tháng 1 năm 1973: Tổng thống Hoa Kỳ gửi công hàm cho Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về việc Hoa Kỳ đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh.

9- Ngày 31 tháng 1 năm 1973: Đưa tin Kissinger sẽ vào Hà Nội

10- Ngày 7 hoặc 8 tháng 2 năm 1973: Tiến sĩ Kissinger vào Hà Nội.

11- Ngày 26 tháng 2 năm 1973: Họp Hội nghị Quốc tế.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #392 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2009, 10:56:09 pm »

Sau khi nghỉ, Lê Đức Thọ và Kissinger trao đổi về nội dung thảo luận giữa Kissinger và các nhà lãnh đạo Hà Nội. Hai bên thoả thuận:

- Việc Hoa Kỳ đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh.

- Vấn đề quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Hoa Kỳ.

- Việc triệu tập Hội nghị Quốc tế.

- Những vấn đề khác mà mỗi bên nêu ra.

Lê Đức Thọ đề nghị duy trì bốn đoàn đàm phán của bốn bên tại Paris trong thời gian 60 ngày để quan hệ với nhau trong việc thúc đẩy thi hành Hiệp định, hai bên miền Nam gặp nhau ngay để bàn việc triệu tập Hội nghị Hiệp thương giữa hai bên miền Nam. Kissinger chấp nhận.

Mười chín giờ ngày 13 tháng 1 năm 1973, cuộc đàm phán kết thúc, trừ vài vấn đề sẽ giải quyết sau.

Trưa hôm đó, trong một không khí cởi mở và niềm vui chung, hai đoàn ăn bữa cơm chung.

Lê Đức Thọ nâng cốc nói với Kissinger:

- Như vậy là hôm nay chúng ta kết thúc cuộc hội đàm. Tuy đây là kết quả bước đầu nhưng bước đầu rất quan trọng và cơ bản để lập lại hoà bình ở Việt Nam ... Tôi đồng ý với ông là sẽ không thay đổi một tý gì trong văn bản và thời điểm. Chúng tôi sẽ làm đúng như thế. Đó là lời hứa của chúng tôi. Và chúng tôi tin là không mấy ngày nữa hoà bình sẽ được lập lại ở Việt Nam.

- Tôi coi Hiệp định, các hiểu biết và Nghị định thư đã hoàn thành - Kissinger đáp - Tôi cam kết là phía chúng tôi sẽ không có gì thay đổi ... và tôi chắc rằng đến lúc này thì hoà bình sẽ trở lại Đông Dương, sẽ trở lại với hai dân tộc chúng ta vào ngày 27 tháng 1 ngày ký Hiệp định, chúng tôi sẽ tôn trọng Hiệp định ấy. Hiệp định này phải là một Hiệp định đánh dấu sự bắt đầu của một nền hoà bình thật sự. Cái bảo đảm tốt nhất cho nền hoà bình thật sự này là cải thiện quan hệ giữa nhân dân hai nước chúng ta. Chúng ta đã qua nhiều năm đau khổ, tôi muốn nói với ông là chúng tôi quyết tâm hết sức mình để cải thiện quan hệ giữa hai nước.

- Chúng ta sẽ không quên ngày hôm nay. .

- Cả hai chúng ta đều không ai quên được.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #393 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2009, 10:56:41 pm »

Nhà Trắng vui mừng đã kết thúc đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, nhưng chưa phải đã hết chuyện với Nguyễn Văn Thiệu. Theo lời kể của Kissinger, Nixon đã nói với ông Thiệu như sau: "ông sẽ hiểu thế nào là sự tàn bạo nếu tên khốn kiếp đó (ce salaud) không chịu chấp nhận, ông hãy tin lời tôi". Đến đoạn chót của cuộc đàm phán Paris và sau khi trả giá đắt cho các cuộc ném bom tháng Chạp 1972, ông không thể dung thứ cho Thiệu cản chân ông. Đại tướng Haig trao cho Thiệu bức thư ngày 16 tháng 1 năm 1973 của Nixon, bức thư mà Kissinger gọi là bốc lửa. Trong thư này đoạn quan trọng nhất là:

"Vì vậy chúng tôi đã quyết định dứt khoát (irrévocablement) sẽ ký tắt Hiệp định ngày 23 tháng 1 năm 1973 tại Paris. Nếu cần thế, tôi sẽ làm đúng thế một mình. Trong trường hợp đó, tôi phải giải thích công khai rằng Chính phủ của ông cản trở hoà bình. Kết quả là sự chấm dứt không tránh khỏi và lập tức của viện trợ kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ - và một sự sắp xếp lại Chính quyền của ông cũng chẳng thay đổi được tình hình. (Phải chăng Nixon có ý định thay Thiệu - Tác giả). Tuy vậy, sau tất cả những gì hai nước chúng ta đã cùng nhau chia sẻ và đau buồn trong cuộc chiến tranh, chúng ta sẽ đi cùng với nhau để bảo vệ hoà bình và gặt hái những kết quả” (H.Kissinger. Ở Nhà Trắng. Sđd, tr. 1526 - 1527).

Nixon yêu cầu trả lời chiều ngày 17 tháng 1 năm 1973. Ngày 17, Thiệu trao thư trả lời yêu cầu Hoa Kỳ cố gắng chút nữa để sửa thêm vài chỗ và mong được trả lời trước buổi sáng ngày 20 tháng 1 (là ngày Nixon lên nhậm chức nhiệm kỳ 2).

Nixon trả lời ngay hôm đó cho Thiệu và bảo đảm với Thiệu rằng “Hoa Kỳ công nhận Chính phủ ngài là Chính phủ hợp pháp duy nhất ở Nam Việt Nam” (R.Nixon, Hồi ký. Sđd, tr. 749 - 750)

Vừa bị đe doạ vừa được bảo đảm như vậy, Thiệu cử Tổng trưởng Ngoại giao Trần Văn Lắm sang Paris để nắm tình hình đợt đàm phán chót, một hình thức giữ thể diện.

Nixon yêu cầu Thiệu trả lời đồng ý với Hiệp định vào 12 giờ ngày 21, nếu không ông sẽ tuyên bố với các lãnh đạo Quốc hội rằng Thiệu khước từ đi chung với Hoa Kỳ. Ngày 21 Thiệu trả lời đồng ý, chỉ đòi hỏi Hoa Kỳ ra tuyên bố đơn phương công nhận Chính phủ Sài Gòn là Chính phủ hợp pháp của Việt Nam và nói rằng Hà Nội không có quyền gì có quân ở miền Nam. Đề nghị đó phù hợp với ý đồ của Hoa Kỳ đối với Hiệp định nên họ đáp ứng ngay.

Chín giờ ba mươi lăm ngày 23 tháng 1 năm 1973, Lê Đức Thọ - Xuân Thuỷ gặp lại Kissinger tại Hội trường Kléber với đông đủ chuyên viên của mình. Không khí hồ hởi.

Cố vấn Nhà Trắng hỏi Lê Đức Thọ về địa điểm và cách trao trả tù binh Mỹ. Lê Đức Thọ cho ông biết các phi công Mỹ bị bắt ở miền Nam cũng sẽ được trao trả ở miền Bắc - còn phi công Mỹ bị bắt ở Lào - Việt Nam sẽ trao đổi với bạn Lào

Lê Đức Thọ còn nhắc lại việc Mỹ hàn gắn vết thương chiến tranh, việc triệu tập Hội nghị Quốc tế, nội dung làm việc khi Kissinger vào Hà Nội, việc hai bên miền Nam Việt Nam gặp nhau ở Sài Gòn. 

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #394 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2009, 10:56:50 pm »

Lê Đức Thọ còn gợi ý hai bên miền Nam Việt Nam thay trưởng đoàn. Và một lần nữa Kissinger đọc lại “hiểu biết về việc rút tàu chở sân bay của Mỹ" thông báo cho ông Thọ biết 48 giờ sau khi ký Hiệp định Paris về Việt Nam, Chính phủ của Lonnol ở Campuchia sẽ ra tuyên bố chấm dứt các cuộc tấn công, Hoa Kỳ sẽ chấm dứt các hoạt động trên không sau 72 giờ. Nếu không có cuộc tấn công trở lại quân Mỹ và quân Campuchia thì Mỹ sẽ không oanh tạc trở lại.

Kissinger còn trao cho ta một bản dự thảo công hàm của Mỹ về xây dựng lại miền Bắc Việt Nam và hứa 30 tháng 1 năm 1973, sẽ trao bản chính thức cho ta. (Thực tế ngày mồng 1 tháng 2 năm 1973, Mỹ mới trao). Lê Đức Thọ nhắc lại con số 4 tỷ đô la cho miền Bắc, và sau cùng thoả thuận 3 tỷ 250 triệu. Viện trợ biếu không mỗi năm 650 triệu đô la; viện trợ với điều kiện nhân nhượng: 1 đến 1,5 tỷ đô la Mỹ. Viện trợ không hoàn lại sẽ dùng hình thức công hàm; viện trợ khác dùng bản ghi (note).

Hai bên hồ hởi vì đã làm xong mọi việc.

Ký tắt xong, Kissinger trao cây bút của ông vừa ký cho Lê Đức Thọ và nói:

- Tôi xin tặng ông cây bút này để nhớ mãi ngày lịch sử này.

Lê Đức Thọ tươi cười nhận và tặng lại Kissinger cây bút mình vừa ký và nói:

- Tôi tặng lại ông cây bút này - và xin ông nhớ cho ký rồi phải giữ lấy lời nhé!

Ngày 27 tháng 1 năm 1973, lễ ký kết Hiệp định bốn bên và hai bên cũng tại Hội trường Kléber.

11 giờ 00 ngày hôm đó, đúng lúc bắt đầu lễ ký, với quân hàm đại tá, Lưu Văn Lợi rời Paris để đi Sài Gòn nhận chức Phó Trưởng đoàn Đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và bảo đảm sự có mặt tại chỗ của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngay sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực. Cùng đi còn có Đại sứ Stawiersky, Phó trưởng đoàn Ba Lan trong Uỷ ban Quốc tế, trung tá Mỹ Adams có nhiệm vụ tháp tùng, Đặng Văn Thu, Phó trưởng đoàn Đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời và một số sĩ quan, phiên dịch của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời.

Tiếp đó các công việc khác được tiến hành theo đúng lịch đã thoả thuận.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #395 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2009, 10:18:33 pm »

Hiệp định ngày 20 tháng 10 năm 1972 và Hiệp định chính thức
(Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà binh ở Việt Nam ngày 27 tháng 1 năm 1973


So sánh hai văn bản này tức là xét việc Washington lật lọng, từ bỏ Hiệp định đã thoả thuận ngày 20 tháng 10 năm 1972 thì được gì, mất gì?

Kissinger đã coi Hiệp định ngày 20 tháng 10 là thích đáng. Trả lời thông điệp ngày 19 tháng 10 năm 1972 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ngày 20 tháng 10, Tổng thống Nixon đã khẳng định:

“Với hai điều khoản trong điều 7 và 8 mà phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã thoả thuận, văn bản Hiệp định bây giờ có thể xem là đã hoàn thành”.

Mặc dầu vậy, theo lối chơi hình như quen thuộc của ông, Nixon đòi xét lại văn bản đó, nêu ra 69 chỗ cần sửa của Nguyễn Văn Thiệu, trong đó tất nhiên có cả những điểm của Nhà Trắng, thậm chí dùng cả đòn nặng cân B52 để ép Việt Nam chấp nhận sửa đổi theo ý Mỹ.
Người ta đã thấy: Mỹ dùng B52 thì Việt Nam hạ B52, Mỹ muốn thương lượng lại, Hà Nội và Washington đã hoàn toàn đi tới thống nhất một văn bản mới tức là Hiệp định Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973.

Về hình thức, điểm mới là: tháng 10 năm 1972 chỉ định ký một Hiệp định song phương giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Hoa Kỳ, ngoài ra không có văn bản nào khác, nay thì có văn bản ký hai bên, có văn bản ký bốn bên, ngoài Hiệp định chính thức còn có nhiều Nghị định thư, nhiều hiểu biết. Khách quan mà nói nếu thiếu điều quy định cụ thể của các Nghị định thư thì chắc chắn việc thi hành Hiệp định song phương ngày 20 tháng 10 năm 1972 sẽ gặp nhiều khó khăn phải bàn bạc thêm mới giải quyết được. Các nhà thương lượng hai bên không phải không biết còn thiếu những quy định cụ thể để làm dễ dàng việc thi hành Hiệp định nhưng có lẽ họ có những tính toán riêng đều xuất phát từ một điểm chung: ngày bầu cử Tổng thống 7 tháng 11 năm 1972. Nixon muốn tung tin hoàn thành Hiệp định để giành phần chắc thắng trong dịp bầu cử, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lo ngại Washington rút lại những điều khoản đã thoả thuận sau khi thắng cử cho nên muốn ép họ ký vào ngày 30 tháng 10. Một bên là muốn đánh một cú Poker, một bên thì nghi ngờ, kết quả là hai bên đều chấp nhận một văn bản Hiệp định còn thiếu nhiều điều khoản cụ thể để thi hành.

Ý đồ lớn của Washington và Sài Gòn là không ghi tên Chính phủ Cách mạng Lâm thời trên bất cứ văn bản nào, bất cứ ở chỗ nào cần phải ghi. Nếu ký hai bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Hoa Kỳ thì không có vấn đề gì, nhưng ký bốn bên thì đẻ ra vấn đề ngăn không cho tên Chính phủ Cách mạng Lâm thời được ghi trong văn bản, không cho đại diện Chính phủ Cách mạng Lâm thời ký với chức vụ đầy đủ. Nhưng trong văn bản Hiệp định ngày 27 tháng 1, Sài Gòn phải cùng ký Hiệp định mà còn chịu để Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình ký với đầy đủ chức vụ: Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.

Sài Gòn và Washington không muốn thừa nhận miền Nam có hai Chính quyền, hai Quân đội, hai vùng kiểm soát, không muốn có Hội đồng Quốc gia hoà giải và hoà hợp dân tộc ba thành phần, không muốn Hội đồng đó là một cơ cấu Chính quyền có chức năng duy trì sự ngừng bắn, giữ vững hoà bình. Nhưng trong Hiệp định ngày 27 tháng 1 năm 1973, họ chịu chấp nhận:

- Các lực lượng vũ trang miền Nam, sau khi ngừng bắn, sẽ “ở nguyên vị trí của mình" và “sẽ quy định vùng do mỗi bên kiểm soát và những thể thức trú quân”. Nghĩa là công nhận có quân đội hai bên và mỗi bên có vùng kiểm soát của mình.

Miền Nam có Hội đồng Quốc gia hoà giải và hoà hợp dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau, có các Hội đồng cấp dưới, có nhiệm vụ “đôn đốc hai bên miền Nam Việt Nam thi hành Hiệp định, thực hiện hoà giải và hoà hợp dân tộc, bảo đảm tự do dân chủ”, tổ chức tổng tuyển cử và tự do dân chủ. Tuy vậy, phía Việt Nam phải rút chữ cơ cấu Chính quyền và “duy trì ngừng bắn giữ vững hoà bình”.
Washington và Sài Gòn muốn đày quân miền Bắc trở về miền Bắc. Nhưng trong Hiệp định ngày 27 tháng 1 năm 1973, họ chịu chấp nhận: 

- Trong vòng 60 ngày, rút hoàn toàn ra khỏi miền Nam Việt Nam mọi Quân đội, Cố vấn quân sự và nhân viên quân sự, kể cả nhân viên quân sự kỹ thuật, nhân viên quân sự liên quan đến chương trình bình định, vũ khí đạn dược và dụng cụ chiến tranh của Hoa Kỳ và các nước ngoài khác (trong khi đó quân miền Bắc vẫn ở nguyên tại chỗ trong vùng kiểm soát của họ).

- Hai bên miền Nam sẽ thảo luận những biện pháp giảm số quân của họ và phục viên số quân đã giảm (họ không ghi được yêu cẩu: phục viên trở về sinh quán, ý muốn nói miền Bắc).

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #396 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2009, 10:18:41 pm »

Washington muốn Uỷ ban Quốc tế cao hơn Ban Liên hợp Quân sự: Uỷ ban Quốc tế từ 7000 đến 12.000, có 334 tổ công tác rải khắp miền Nam Việt Nam. Uỷ ban Quốc tế gồm 5 nước trung lập. Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cho rằng trách nhiệm thi hành Hiệp định thuộc về các bên ký kết, do đó Ban Liên hợp Quân sự phải cao hơn Uỷ ban Quốc tế, còn Uỷ ban Quốc tế chỉ làm nhiệm vụ giám sát và kiểm soát.

Trong Hiệp định ngày 27 tháng 1 năm 1973, Washington chấp nhận:

- Uỷ ban Quốc tế gồm đại diện bốn nước: Ba Lan, Canađa, Hunggari, Inđônêxia, có 1160 nhân viên và 59 tổ các loại.

- Ban Liên hợp Quân sự có 8300 nhân viên, 1 Ban Liên hợp Quân sự Trung ương, 7 Ban Liên hợp Quân sự khu vực và 26 tổ Liên hợp Quân sự địa phương.

Phía Việt Nam đồng ý sửa “Hoa Kỳ tôn trọng” trong “Hiệp định tháng 10” thành “Hoa Kỳ và các nước tôn trọng”, chấp nhận thêm “Hai miền tôn trọng khu phi quân sự” vào Hiệp định tháng 10 năm 1972.

Tóm lại, phía Việt Nam vẫn giữ được nội dung chủ yếu của văn bản ngày 20 tháng 10 năm 1972. .

- Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút hết quân, chấm dứt dính líu quân sự (ngoài ra còn đòi Mỹ phải rút hết nhân viên dân sự liên quan đến quân sự trong một hiểu biết riêng).

- Giữ vững lực lượng chính trị vũ trang của phía Việt Nam; công nhận miền Nam có hai Chính quyền, hai Quân đội, hai vùng kiểm soát, ba lực lượng chính trị, giữ được về cơ bản chức năng của Hội đồng Quốc gia hoà hợp dân tộc, gạt được ý đồ của Mỹ - Thiệu muốn hạ nó xuống thành một cơ quan bầu cử đơn thuần.

- Giữ nguyên các điều khoản về thực hiện tự do dân chủ, hoà hợp dân tộc. - Mỹ nhận đóng góp xây dựng lại Bắc Việt Nam sau chiến tranh với con số cao hơn hồi tháng 10 năm 1972.

Trong Hồi ký, Kissinger nói về các sửa đổi so với văn bản tháng 10, cũng đặt câu hỏi: “Điều đó có bõ không? Những sự thay đổi liệu có đủ quan trọng để biện minh cho nỗi lo âu và cay đắng trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh không? Không! đối với chúng ta, hẳn rồi, gần như là chắc chắn đối với Sài Gòn mà sự sống sót, nói cho cùng, là cái cớ của chiến tranh” (H.Kissinger. Ở Nhà Trắng. Sđd, tr. 1524 - 1525).

Những sửa đổi đó có bõ công không? Câu trả lời chính xác nằm trong sự so sánh khách quan văn bản tháng 10 năm 1972 và các văn bản ký kết tháng 1 năm 1973.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #397 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2009, 10:20:06 pm »

LỜI BẠT

27 tháng 1 năm 1973 - 27 tháng 1 năm 2002

Hiệp định Paris được ký kết đến nay đã được gần ba mươi năm. Với khoảng cách thời gian chưa dài lắm nhưng cũng đủ để những tình cảm sôi nổi lắng đọng xuống, chúng ta có thể bình tĩnh đánh giá Hiệp định đó và việc thi hành nó.

Hiệp định Paris đã được thương lượng đi thương lượng lại từ ngày 8 tháng 10 năm 1972 đến ngày 20 tháng 1 năm 1973 dưới mọi khía cạnh chính trị, ngoại giao, pháp lý, trong sự giao tiếp lịch sự, nhiều khi trong những đối đáp nẩy lửa, thậm chí trong tiếng bom man rợ. Ngay cả những yêu sách quá đáng của Nguyễn Văn Thiệu cũng được nêu ra, xem xét. Nó phản ánh đúng đắn so sánh lực lượng giữa Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, giữa Chính quyền Sài Gòn và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Anh em Kalb nói hóm hỉnh: “Nixon được tù binh trở về. Lê Đức Thọ được Mỹ rút ra. Thiệu được giữ lại Chính quyền và Chính phủ Cách mạng Lâm thời (Chính phủ Việt cộng) được một mức độ hợp pháp chính trị ở Nam Việt Nam. Mỗi người được một cái gì đó nhưng không có ai được tất cả mọi cái" (Marvin Kalb và Bemard, Kissinger Sđd tr. 477. Xem thêm: J. Amter, Sđd, tr. 290.).

Tuy vậy việc thi hành các điều khoản không phải đều giống nhau. Các điều khoản về rút quân Mỹ và đồng minh, trao trả tù binh Mỹ, ngừng bắn đối với miền Bắc Việt Nam (kể cả gỡ mìn), trao trả tù chính trị, về thành lập Uỷ ban Quốc tế, Uỷ ban Liên Hợp quân sự Trung ương và khu vực, địa phương nói chung được thi hành nghiêm chỉnh. Một số điều khoản bị vi phạm "trước khi Hiệp định được ký kết”. Đó là trường hợp các điều khoản cấm đưa vũ khí, đạn dược, nhân viên quân sự Mỹ vào miền Nam sau khi Hiệp định có hiệu lực.

Để sau này khỏi mang tiếng là vi phạm, trong ba tháng - từ tháng 10 năm 1972 đến tháng 1 năm 1973 - Mỹ đã lập một cầu hàng không dưới mật danh Enhance Plus (Tăng cường hơn nữa) để hối hả và ồ ạt đổ vũ khí, đạn dược, dụng cụ chiến tranh vào miền Nam nhằm tăng cường Quân đội Sài Gòn. Dự kiến Bộ Tư lệnh quân Mỹ ở Sài Gòn (MACVI) mà báo chí quen gọi là Lầu Năm Góc Phương Đông, sẽ phải rút khỏi miền Nam, Washington lập ngay một tổ chức thay thế gọi là DAO (Văn phòng tuỳ viên quốc phòng), như vậy vẫn duy trì được sự có mặt quân sự của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Sở chỉ huy lực lượng không quân Mỹ ở Sài Gòn cũng được sơ tán sang căn cứ Na khom Phanom cách đó vài trăm dặm.

Về điều khoản ngừng bắn ở miền Nam, Quân đội Sài Gòn đã có cả một kế hoạch vi phạm chuẩn bị từ trước. Kissinger viết: Ngày 11 tháng 10 1972 (tức ba ngày sau khi Lê Đức Thọ trao dự thảo Hiệp định cho Mỹ) “tôi điện cho Bunker để nhắc y (Thiệu) phải nỗ lực tối đa để chiếm thêm được càng nhiều đất đai có thể được, đặc biệt là các vùng quan trọng đông dân quanh Sài Gòn” (Henry A.Kissinger. Ở Nhà Trắng. Sđd, tr. 1414.).

Không nói ai cũng hiểu cái gì đã xảy ra trong thời gian trì hoãn việc ký kết Hiệp định. Đó là kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, lấn chiếm, bình định.

Bảy giờ sáng ngày 28 tháng 1 năm 1973, đúng lúc phải bắt đầu ngừng bắn, bộ binh, xe tăng của Sài Gòn tấn công Cửa Việt, một căn cứ do quân Giải phóng kiểm soát ở gần khu phi quân sự. Quân Sài Gòn còn đánh chiếm Sa Huỳnh và nhiều nơi khác thuộc miền Trung, lấn chiếm hầu hết vùng của Chính phủ Cách mạng Lâm thời ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong mấy tháng đầu ngừng bắn, Sài Gòn đã lấn chiếm gần 400 ấp, đóng thêm hơn 100 đồn thuộc vùng kiểm soát của Chính phủ Cách mạng Lâm thời, dồn hơn một triệu dân vào vùng kiểm soát của họ.

Ngay từ ngày 23 tháng 1 năm 1973, tức là trước khi Hiệp định hoà bình được ký kết, Tổng thống Nixon công bố sẽ không ủng hộ tổng tuyển cử và sẽ "tiếp tục thừa nhận Chính phủ Nam Việt Nam là chính phủ hợp pháp duy nhất ở miền Nam Việt Nam”. Lời tuyên bố trắng trợn này, cộng với tất cả các biện pháp khẩn cấp mà ông đã làm trong thời gian trì hoãn việc ký kết để cho chính quyền Sài Gòn đủ sức chơi với Việt Cộng sau khi quân Mỹ rút, càng khuyến khích Nguyễn Văn Thiệu vi phạm ngay từ đầu và ngày càng nghiêm trọng Hiệp định Paris.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #398 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2009, 10:20:13 pm »

Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng Lâm thời không giấu giếm mục tiêu lâu dài là phấn đấu để thống nhất nước Việt Nam, nhưng trước mắt họ chấp nhận Hiệp định Paris, chấp nhận đọ sức chính trị, quyết tâm nghiêm chỉnh thi hành mọi điều khoản của nó. Họ tin rằng Hiệp định được các bên thi hành sòng phẳng thì nước Việt Nam sẽ được thống nhất trong sự hoà giải và hoà hợp dân tộc. Nhưng Thiệu ngày càng lấn tới việc họ tham gia cuộc hiệp thương với Chính phủ Cách mạng Lâm thời tại La Celle - Saint Cloud chỉ là cái bình phong che đậy việc phá hoại Hiệp định trên chiến trường. Sự kiên nhẫn của Hà Nội có giới hạn. Tháng 10 năm 1973, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã xem xét tình hình và dự kiến tình hình sẽ phát triển theo hai khả năng.

Một là do đấu tranh tích cực trên cả ba mặt chính trị, quân sự ngoại giao, ta có thể từng bước buộc Chính quyền Sài Gòn phải thi hành Hiệp đính Paris về Việt Nam, hoà bình được thật sự lập lại cuộc đấu tranh của nhân dân ta nhằm hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ tuy còn lâu dài, khó khăn gian khổ nhưng ngày càng phát triển và ở tư thế tiến lên mạnh mẽ.

Hai là do Mỹ cố bám lấy Đông Dương, do tính chất cực kỳ phản động, ngoan cố của Mỹ và tập đoàn tay sai ở Sài Gòn, Hiệp định tiếp tục bị chúng phá hoại, xung đột quân sự có thể ngày càng tăng cường độ, ta lại phải tiến hành một cuộc chiến tranh cách mạng gay go, quyết liệt để giành thắng lợi hoàn toàn.

Do tình hình như vậy, Hội nghị đề ra chủ trương hết sức tranh thủ thực hiện khả năng thứ nhất nhưng phải tích cực chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt cho khả năng thứ hai.

Thực hiện nghị quyết trên, các địa phương và đơn vị của cách mạng từ Quảng Trị đến Tây Nam Bộ đã chặn được các cuộc hành quân bình định của Sài Gòn.. Nguyễn Văn Thiệu phải kêu gọi đẩy nhanh bình định: “Hiện nay bình định là biện pháp chiến lược hàng đầu, là keo sống mái cuối cùng, sống là đây và chết cũng là đây”. Vùng Thiệu kiểm soát đã mất thêm hơn 3000 đồn bốt, hơn 800 ấp với hơn một triệu dân.

Từ ngày 30 tháng 9 đến ngày 8 tháng 10 năm 1974, rồi từ ngày 18 tháng 12 năm 1974 đến ngày 8 tháng 1 năm 1975, Bộ Chính trị đã phân tích kỹ tình hình từng chiến trường và tình hình chung để cuối cùng hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam với kế hoạch chiến lược 1975-1976, và nếu có thời cơ thì giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.

Thời cơ đã đến với việc tiêu diệt thị xã Buôn Ma Thuột, tiếp đó là các chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định ngày 30 tháng 4 năm 1975 dẫn tới việc giải phóng hoàn toàn Nam Bộ. Chế độ Sài Gòn hoàn toàn sụp đổ. Miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng. Nước Việt Nam được tái thống nhất.

Người ta biết rằng Nixon đã cùng Kissinger hoàn thiện khái niệm linkage, nghĩa là trong thương lượng mình chỉ có thể lấy được cái mình muốn nếu cho đối phương cái họ cần. Ông chấp nhận Hiệp định Paris nghĩa là chịu chấm dứt chiến tranh, chấm dứt dính líu để đổi lấy việc rút hết quân Mỹ và lấy được tù binh Mỹ về, còn về miền Nam Việt Nam ông vẫn chủ trương duy trì Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, coi nó là duy nhất hợp pháp, cấp tốc cung cấp vũ khí để nó mạnh hơn và tiêu diệt được Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Sau này ông cho rằng Thiệu sụp đổ là vì bị Mỹ bỏ rơi. Nhưng ông đã tính đến tình huống Chính quyền Thiệu phải một mình đối diện với Việt cộng, không còn quân Mỹ và không quân Mỹ hậu thuẫn nữa, và đã chuẩn bị cho nó có thể đứng vững được, có phải không tính đâu?

Như vậy chế độ Nguyễn Văn Thiệu sụp đổ hoàn toàn ngày 30 tháng 4 năm 1975 không phải là vì Hiệp định Paris mang tính chất áp đặt đối với Mỹ - Thiệu, có những điều khoản không vừa lòng họ, mà chính vì Nixon chỉ muốn thi hành các điều khoản về ngừng ném bom, rút được quân Mỹ và lấy được tù binh Mỹ về, còn thì khuyến khích Nguyễn Văn Thiệu vi phạm các điều khoản khác, từ việc tôn trọng ngừng bắn đến việc hiệp thương với Chính phủ Cách mạng Lâm thời để giải quyết các vấn đề nội bộ của miền Nam Việt Nam.

Còn chính sách của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam rất rõ ràng: thi hành nghiêm chỉnh tất cả các điều khoản của Hiệp định Paris và sẵn sàng chấp nhận cuộc đọ sức chính trị; nếu Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cố tình phá hoại Hiệp định thời đương nhiên Việt cộng phải giáng trả lại cho tới khi toàn thắng. Chân lý lịch sử của ngày 30 tháng 4 năm 1975 là thế.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #399 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2009, 10:21:11 pm »

PHỤ LỤC

I. Bản đồ: Phạm vi hoạt động của các Ban Liên hợp quân sự trên phần lục địa Việt Nam.

II. Bản đồ: Phạm vi hoạt động của các tổ quốc tế trên phần lục địa Việt Nam.

III. Công hàm của Mỹ gửi Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 18 tháng 10 năm 1972.

IV. Công hàm của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gửi Mỹ tối ngày 19 tháng 10 năm 1972.

V. Công hàm của Mỹ gửi Việt Nam Dân chủ cộng hoà sáng ngày 20 tháng 10 năm 1972.

VI. Văn bản thoả thuận ngày 20 tháng 10 năm 1972.

VII. Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam

VIII. Nghị định thư về ngừng bắn ở miền Nam Việt Nam và về các Ban Liên hợp quân sự

IX. Nghị định thư về việc trao trả nhân viên quân sự bị bắt, thường dân nước ngoài bị bắt và nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và giam giữ.

X. Nghị định thư về ủy ban Quốc tế kiểm soát và giám sát.

XI. Nghị định thư về tháo gỡ, làm mất hiệu lực vĩnh viễn, phá huỷ mìn ở vùng biển, các cảng, sông ngòi Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

XII. Các hiểu biết

XIII. Công hàm của Tổng thống Hoa Kỳ gửi Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 1 tháng 2 năm 1973, về đóng góp của Mỹ vào hàn gắn vết thương chiến tranh ở miền Bắc Việt Nam.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM