Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:27:29 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris  (Đọc 198043 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #380 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2009, 06:29:47 pm »

Không một Đồng minh NATO nào ủng hộ Mỹ. Chính phủ Thuỵ Điển ví người Mỹ với những “Đức quốc xã” (R.Nixon. Hồi ký. Sđd, tr. 737-738.). Các Chính phủ Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Hà Lan, Bỉ... cũng phản đối việc ném bom lại. Phong trào càng phát triển mạnh trong các nước Á Phi, trừ nước đồng minh của Mỹ.

Nhưng nỗi lo nhất của Tổng thống Nixon là ở chỗ khác. “Nỗi lo nhất của tôi, trong cái tuần lễ đầu này, không phải là làn sóng phê phán nổi lên ở trong nước cũng như ngoài nước như đã dự kiến, mà là sự tổn thất lớn về máy bay B.52"(R.Nixon. Hồi ký. Sđd, tr. 737.). “Xin hiểu kể cả số phi công bị bắt, những thứ không dễ thay thế như B.52. Dư luận phương Tây gọi thắng lợi của Việt Nam trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 là: Điện Biên Phủ trên không”.

Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam đã công bố thắng lợi đó như sau: bắn rơi 81 máy bay trong đó có 34 B52, 5 F111, bắt 43 phi công trong đó có 32 lái B52.

Sau khi phía Việt Nam nhận họp lại cấp chuyên viên ngày 2 tháng giêng 1973 và cấp Cố vấn ngày 8 tháng giêng, ông Nixon coi đó là “sự đầu hàng tuyệt vời của địch theo các điều kiện của chúng ta". Ông có quyền tin và nói như thế để giải thích chính sách của mình nhưng sự thật vẫn là sự thật.

Đúng lúc đợt B52 đầu tiên kéo đến Hà Nội và Hải Phòng và cũng là lúc Cố vấn Lê Đức Thọ vừa mới từ sân bay về nhà, giờ Paris là 14 giờ ngày 18 tháng 12 năm 1972, ông Võ Văn Sung, đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhận được công hàm của Mỹ đổ lỗi cho phía Việt Nam trì hoãn các cuộc thương lượng đồng thời đề nghị nối lại đàm phán bất cứ lúc nào sau ngày 26 tháng 12 năm 1972. Phía Việt Nam đã không trả lời tối hậu thư và chấp nhận sự thách thức quân sự của Mỹ.

Tại Paris, Bộ trưởng Xuân Thuỷ họp báo lên án thải độ của Washington, Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã tuyên bố lên án cuộc ném bom của Mỹ. Tại Kléber, đoàn Đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đoàn Đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời sau khi tuyên bố phản đối Mỹ cùng bỏ phòng họp.

Ngày 21, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra tuyên bố lên án Chính quyền Nixon leo thang chiến tranh, trì hoãn ký Hiệp định.

Ngày 22, phía Mỹ gửi tiếp một công hàm đề nghị Kissinger và Lê Đức Thọ gặp nhau vào 3 tháng giêng 1973 và nếu Việt Nam chấp nhận thì Mỹ sẽ ngừng ném bom phía Bắc từ vĩ tuyến 20 trở lên từ ngày 30 tháng 12. Phía Việt Nam cũng chưa vội trả lời.

Ngày 26, Hà Nội mới trả lời: Sau khì tình hình trở lại như trước ngày 18 tháng 12 năm 1972, cuộc họp giữa đại diện và chuyên viên hai bên sẽ tiếp tục để bàn về các Nghị định thư, và cuộc họp giữa Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thuỷ với Kissinger sẽ được tiến hành. Hà Nội đề nghị cuộc gặp này sẽ vào ngày 8 tháng 1 năm 1973.

Ngày 27, Mỹ gửi công hàm đề nghị gặp chính thức ngày 8 tháng 1, gặp chuyên viên ngày 2 tháng 1 năm 1973 trên cơ sở các nguyên tắc của văn bản tháng 10 và những thoả thuận đạt được trong tháng 11 và tháng 12. Ngày 28, Hà Nội gửi công hàm xác nhận. Ngày 29, Mỹ thông báo sẽ ngừng ném bom ở phía Bắc vĩ tuyến 20 hồi 7 giờ chiều, giờ Washington ngày 29 tháng 12 năm 1972 (tức 7 giờ ngày 30 tháng 12 năm 1972, giờ Hà Nội).

Thế là Chính quyền Níxon đã ngừng đàm phán để ném bom, nay lại ngừng ném bom để nối lại đàm phán.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #381 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2009, 10:45:12 pm »

CHƯƠNG XI
HIỆP ĐẤU CUỐI CÙNG VÀ HIỆP ĐỊNH PARIS

Pháo đài bay không lật được thế cờ

Ngày 6 tháng 1 năm 1973, Lê Đức Thọ tới Paris. Năm 1968, Bộ trưởng Xuân Thuỷ tới phi trường De Gaulle trong vòng nguyệt quế của Tết Mậu Thân. Hôm nay Cố vấn Lê Đức Thọ tới trong hào quang của "trận Điện Biên Phủ trên không".

Xuân Thuỷ, đông đảo bà con Việt kiều, các bạn Pháp, Lào, Campuchia, Phi, Mỹ la tinh, hàng trăm nhà báo, hồ hởi vây quanh ông. Có thể nói đó là một cuộc mít tinh nhỏ chào mừng nhân dân Hà Nội, bất chấp pháo đài bay của Mỹ, đã đánh lui ý chí của Nixon muốn dùng sức mạnh áp đặt điều kiện với nhân dân Việt Nam.

Trong lúc đoàn Việt Nam trở lại bàn Hội nghị trên tư thế người chiến thắng thì đoàn Mỹ chỉ gợi lên những hình ảnh tàn phá và đau thương còn nóng rực hơi bom trong lễ Giáng sinh.

Những sự kiện chính trị mới nhất ở Washington còn theo họ như cái bóng: Nghị quyết ngày 2 tháng 1 năm 1973 của khối Dân chủ đối lập ở Hạ viện đòi cắt tất cả những chi phí cho các hoạt động dân sự Mỹ ở Đông Dương trừ kinh phí cho việc rút quân và hồi hương tù binh; tiếp theo là Nghị quyết tương tự của khối Dân chủ ở Thượng viện; phong trào đòi chấm dứt chiến tranh ở khắp nơi.

Khốn khổ cho Kissinger! Bóng ma phản chiến theo ông ta đến mức như ông ta kể lại trong Hồi ký, ngày 13 tháng 1 năm 1973 (sau khi cơ bản hoàn thành các văn kiện ở Paris) Kissinger về đến Washington, nhưng rất nhiều nhà báo đã tập trung đón ông, nên đài chỉ huy phải cho máy bay của ông ta đỗ ở một góc cách xa căn cứ Homestead ngoài cả tầm của máy thu hình (H.Kissinger. Ở Nhà Trắng. Sđd, tr. 1526.).

Đã dùng đến con chủ bài mạnh nhất mà không đạt được mục tiêu trước sức ép của Quốc hội và quần chúng, Chính quyền Nixon sẽ làm gì trong cuộc gặp gỡ sắp tới các đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng Lâm thời?

Cuộc họp đầu tiên của đợt đàm phán này diễn ra tại ngôi nhà quen thuộc ở Gif-sur-yvette bắt đầu từ 11 giờ sáng. Đoàn Việt Nam, khác với những lần trước, không ra đón Kissinger ngoài cổng. Khi đoàn xe Mỹ tới, người bảo vệ Pháp ra mở cổng, đoàn xe tiến vào sân, sân không có người Việt Nam nào. Chắc cũng hiểu ý nghĩa của sự lạnh nhạt đó, Kissinger dẫn đoàn của mình vào thẳng phòng họp để đón nhận cái chào lịch sự nhưng cũng lạnh nhạt của các đồng sự Việt Nam.

Lê Đức Thọ nổ phát súng đầu, phê phán mạnh mẽ thái độ lật lọng của Mỹ, lên án cuộc ném bom tàn bạo 12 ngày đêm, rồi nói:

- Các ông lấy cớ đàm phán gián đoạn để ném bom lại miền Bắc Việt Nam giữa lúc tôi vừa về đến nhà. Việc các ông "đón" tôi khi về đến Hà Nội có thể nói là rất “lịch sự"! Tôi có thể nói rằng hành động của các ông rất trắng trợn và thô bạo. Các ông tưởng rằng làm như vậy là có thể khuất phục được chúng tôi, nhưng các ông nhầm... Chính các ông đã làm cho cuộc đàm phán khó khăn, chính các ông đã làm cho danh dự nước Mỹ bị hoen ố.

Ông đòi Mỹ chấm dứt thủ đoạn thương lượng trên thế mạnh và đi vào đàm phán nghiêm chỉnh.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #382 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2009, 10:46:11 pm »

Kissinger không bào chữa hăng hái như những lần trước, chỉ thanh minh rằng sở dĩ có những sự việc vừa qua là vì cách đàm phán của Việt Nam trong tháng 12 làm cho Washington cho là Việt Nam kéo dài đàm phán, không muốn giải quyết:

- Bây giờ số vấn đề tồn tại đã giảm xuống con số rất nhỏ; nếu lần này chúng ta không thể giải quyết được thì tôi chắc rằng các lần sau cũng không thể giải quyết được. Tôi hy vọng rằng kết thúc đợt họp này thì chúng ta đã đem lại hoà bình ở Việt Nam và Đông Dương...

Lê Đức Thọ tiếp tục phê phán Mỹ gay gắt.

- Tôi có nghe những tính từ, tôi đề nghị không dùng những từ đó! Kissinger nói.

- Tôi dùng những tính từ đó cũng là kiềm chế lắm rồi - ông Thọ đáp - Chứ dư luận thế giới, các nhà báo và chính các nhân vật ở Mỹ còn dùng những câu chữ dữ dội hơn nhiều.

Kissinger ngồi im.

Chuyển sang bàn chương trình nghị sự, không khí vẫn căng thẳng. Kissinger yêu cầu dựa trên cơ sở những thoả thuận ngày 23 tháng 11 năm 1972, như đã nêu trong các công hàm gửi Hà Nội ngày 18 tháng 12 và 27 tháng 12 năm 1972 (tức là đòi Quân đội miền Bắc rút về miền Bắc). Lê Đức Thọ bác bỏ quan điểm đó và khẳng định rằng cơ sở tiếp tục thảo luận là kết quả làm việc cho đến ngày 13 tháng 12 năm 1972, do vậy trong Hiệp định chỉ còn hai vấn đề lớn: khu phi quân sự và cách ký các văn kiện; ngoài ra có một số vấn đề không phải là quan trọng do chuyên viên nêu lên.

Cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề cơ sở thảo luận là gì, thoả thuận ngày 23 tháng 11 năm 1972, hay các thoả thuận cho đến ngày 13 tháng 12 năm 1972, kéo dài đến hết buổi sáng.

Lê Đức Thọ nói:

- Không, bây giờ dứt khoát đi. Chỉ còn hai vấn đề đó để thảo luận thôi rồi đến các vấn đề cụ thể khác. Nếu ông đồng ý hai vấn đề đó thì chúng tôi thảo luận. Tôi giữ đúng điều trong thông điệp của các ông gửi cho chúng tôi. Lời các ông nói còn đó, biên bản còn đó? Tôi thấy ông là người rất quanh co.

Đến đầu buổi chiều mới thoả thuận được chương trình làm việc: giải quyết hai vấn đề lớn trong Hiệp định; bàn các hiểu biết và nguyên tắc các Nghị định thư, sau đó bàn vấn đề thời gian biểu.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #383 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2009, 10:47:04 pm »

Hai vấn để lớn tồn tại của Hiệp định
.

Ngày 9 tháng 1, họp tại nhà của một nhà kinh doanh Mỹ ở Saint-nom-la- Bretèche trên một ngọn đồi nhỏ do phía Mỹ sắp xếp. Bàn hai vấn đề tồn tại của Hiệp định.

Đến phiên họp ngày 12 tháng 12 năm 1972, trong vấn đề khu phi quân sự chỉ còn một chỗ khác là ghi vấn đề đi lại của nhân dân hay ghi vấn đề qua lại dân sự. Người ngoài cuộc có thể thắc mắc có gì vướng mắc giữa hai khái niệm đó để không thể thoả thuận được?

Người ta nhớ Hiệp định Genêve năm 1954 qui định việc thành lập một khu phi quân sự ở hai bên vĩ tuyến 17 được coi là giới tuyến quân sự tạm thời nhằm giải quyết vấn đề tập kết chuyển quân, cách ly hai miền Nam, Bắc Việt Nam trong hai năm chờ đợi thống nhất nước Việt Nam. Hai bên đã đồng ý giữ khu phi quân sự, giới tuyến quân sự tạm thời, nhưng mỗi bên có sự lo lắng riêng của mình. Phía Việt Nam coi nước Việt Nam là thống nhất, mọi qui định về khu phi quân sự coi hai miền Nam, Bắc là hai Quốc gia riêng biệt đều không thể chấp nhận được, đây là vấn đề nguyên tắc không thể nhân nhượng. Phía Việt Nam cũng không muốn có sự hạn chế nào đối với sự đi lại của lực lượng quân sự của mình. Còn về phía Mỹ và Sài Gòn, họ muốn coi giới tuyến quân sự tạm thời là biên giới Quốc gia và muốn ngăn chặn lực lượng quân sự vũ khí đạn dược, lương thực từ miền Bắc vào miền Nam. Phía Mỹ đòi ghi công thức “qua lại dân sự" để muốn nói rõ rằng việc “qua lại quân sự" là mặc nhiên bị cấm. Phía Việt Nam không chịu ghi “qua lại dân sự" là muốn ngỏ cửa cho việc đi lại quân sự. Thật ra phía Việt Nam cũng nêu quá cao vấn đề vì khi đó Quân Giải phóng miền Nam đã hoàn toàn làm chủ phần Nam của khu phi quân sự, nếu Hiệp định được ký kết trên nguyên tắc ngừng bắn tại chỗ thì họ vẫn có quyền đóng tại phần Nam khu phi quân sự. Về phía Mỹ, họ đã chịu mất khu phi quân sự, toàn tỉnh Quảng Trị nối với Tây Nguyên thì việc ngăn cấm lực lượng quân sự chỉ mang ý nghĩa lý thuyết nếu không phải là vô tích sự.

Trong cuộc thương lượng về khu phi quân sự, đến ngày 23 tháng 11 năm 1972, hai bên đã thoả thuận công thức “hai miền tôn trọng khu phi quân sự ở hai bên giới tuyến quân sự tạm thời". Ngày 12 tháng 12 năm 1972, phía Việt Nam đề nghị ghi "Trong các vấn đề thương lượng qua lại giới tuyến quân sự tạm thời”, Kissinger nói nếu thêm chữ dân sự thì có khả năng xem xét. Tuy vậy vấn đề vẫn bị treo lại.

Vào phiên họp hôm nay, Lê Đức Thọ khai thông việc giải quyết vấn đề khu phi quân sự bằng cách đưa công thức "trong các vấn đề sẽ thương lượng có vấn đề đi lại của nhân dân...". Kissinger nói có thể đồng ý nếu thêm “phù hợp với tính chất đặc biệt của khu phi quân sự và với các điều khoản của Hiệp định và các Nghị định thư kèm theo Hiệp định".

Đến đây lại nổ ra cuộc tranh luận gay gắt về đề nghị của Kissinger.

Lê Đức Thọ giải thích rằng nhân dân không bao hàm quân đội lực lượng vũ trang, nhưng cuối cùng đưa ra công thức "trong vấn đề thương lượng có vấn đề thể thức qua lại dân sự giới tuyến tạm thời”. Kissinger chấp nhận.

Kissinger còn đòi sửa lại điều I - Mỹ không muốn thừa nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam. Lê Đức Thọ bác bỏ ngay. Kissinger phải gác lại và xin hoãn họp ngày hôm sau.

Các vấn đề nhỏ khác được thay đổi bằng cách đổi chác. Trong điều 12 - b về nhiệm vụ Hội đồng hoà giải hoà hợp dân tộc, Mỹ đồng ý giữ chữ “đôn đốc” trong bản tiếng Việt để Việt Nam bỏ câu “và các Nghị định thư kèm theo Hiệp định này”. Mỹ đồng ý sửa câu đầu của điều 20 - a để Việt Nam đồng ý để chữ “đã bị phá huỷ" trong điều 7. Câu đầu điều 20-a trong văn bản thoả thuận ngày 20 tháng 10 năm 1972 là "bốn Chính phủ (đủ tên) triệt để tôn trọng các quyền cơ bản của nhân dân Lào và nhân dân Campuchia đã được Hiệp định Genève năm 1954 về Đông Dương và Hiệp định Genève năm 1962 về Lào công nhận...".

Ngày 7 tháng 12 hai bên đã thoả thuận: ‘các bên tham gia Hội nghị Paris về Việt Nam triệt để tôn trọng Hiệp định Genève năm 1954 về Campuchia và Hiệp định Genève năm 1952 về Lào triệt để tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của...". Hôm nay hai bên giải quyết xong vấn đề về công thức: "Các bên tham gia Hội nghị Paris về Việt Nam triệt để tôn trọng Hiệp định Genève năm 1954 về Campuchia và Hiệp định Genève năm 1962 về Lào đã công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Lào và Campuchia: độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của các nước đó".

Đến đây văn bản Hiệp định coi như đã hoàn thành.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #384 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2009, 10:49:03 pm »

Các hiểu biết

Cuối ngày 9, ngày 10 và sáng ngày 11, hai bên chủ yếu bàn giải quyết cho xong các hiểu biết.

Đặc điểm của Hiệp định Paris về Việt Nam là ngoài các Nghị định thư, Phụ lục ra, còn có những hiểu biết (understanding). Đây là một loại hình thoả thuận mà các bên ký kết, vì lý do của mình, thấy không nên hoặc không cần ghi vào Hiệp định hoặc Nghị định thư kèm theo. Nội dung các hiểu biết có thể là những vấn đề cụ thể, có thể là vấn đề nguyên tắc. Các hiểu biết tuy vậy vẫn được coi là bộ phận của Hiệp định.

Kèm theo Hiệp định Paris lần này có tám hiểu biết: năm bản có ý nghĩa thực chất, ba bản có ý nghĩa kỹ thuật.

Hiểu biết về việc Mỹ chấm dứt trinh sát đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

Mỹ đã chấp nhận vấn đề này, nhưng hôm nay hai bên mới thoả thuận cách viết, thực tế là thông qua văn bản hai bên đã chấp nhận ngày 12 tháng 12 năm 1972. .

Hiểu biết về trao trả nhân viên dân sự bị bắt

Ngày 10 tháng 1 năm 1973, Kissinger đọc “hiểu biết" về nhân viên dân sự Việt Nam bị giam giữ ở miền Nam Việt Nam.

"Hoa Kỳ sẽ dùng ảnh hưởng của mình để thúc đẩy các bên miền Nam Việt Nam trao trả trong khuôn khổ thời gian định ra bởi các điều khoản phù hợp của Hiệp định và trao trả đa số có thể được trong vòng 60 ngày. Tuy nhiên Hoa Kỳ nói rõ rằng tác dụng của ảnh hưởng đó trực tiếp chịu ảnh hướng của 1) mức độ của việc bố trí lại lực lượng thuộc quyền chỉ huy của Chính phủ Cách mạng Lâm thời cũng như Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đề nghị ngày 23 tháng 11 năm 1972, và 2) mức độ tiến bộ về việc phục viên Lực lượng vũ trang Nam Việt Nam theo điều 131”.

Lê Đức Thọ:

- Tôi hoàn toàn bác bỏ đề nghị này của ông. Tôi không thể chấp nhận được.

- Tại sao ông bác bỏ? - Kissinger hỏi.

Lê Đức Thọ:

- Vì rằng đề nghị của tôi với ông về cái gọi là Lực lượng vũ trang miền Nam Việt Nam thuộc Chính phủ Cách mạng Lâm thời bố trí lại một cách tượng trưng. Chúng tôi đề nghị điều đó trong khuôn khổ yêu sách của chúng tôi đòi thay đổi điều 8c (nhân viên dân sự Việt Nam bị giam giữ), về sau ông không chịu, chúng tôi để nguyên điều 8c và chúng tôi chỉ giữ điều cam kết mà ông đã nói với chúng tôi. Chúng tôi cũng nhắc tới điều đó trong thông điệp của chúng tôi gửi cho Tổng thống Mỹ. Vì vậy cho nên sự trả lời của Tổng thống đã tỏ ra thoả mãn với sự trả lời của chúng tôi về điều 8c và về việc thay thế vũ khí, và do đó đã coi văn bản Hiệp định là hoàn thành. Trong thông điệp chúng tôi có nhắc đến lời cam kết đó cho nên chúng tôi vẫn giữ cái đó.

Bây giờ ông đặt ra vấn đề phức tạp như thế này thì tôi cho rằng sẽ không giải quyết được và tôi cho rằng bằng cách đặt vấn đề như thế này ông sẽ làm trở ngại cho việc giải quyết vấn đề Việt Nam. Cho nên chúng tôi không bao giờ chấp nhận điều đó, tôi đã nói điều này nhiều lần lắm rồi.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #385 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2009, 10:50:11 pm »

Lê Đức Thọ còn phê phán Kissinger đã lật ngược các điều cam kết của Kissinger rất nhiều lần.

Kissinger cố gắng thanh minh và nói:

- Những điều chúng tôi nói trong đoạn 2 trong văn bản này là những điều kiện khách quan, nhưng thôi, chúng tôi thấy không cần nói như vậy trong một sự hiểu biết. Do đó để giải quyết công việc nhanh chóng, chúng tôi xin rút lui đoạn thứ 2.

Sang vấn đề hiểu biết về việc rút tàu chiến và tàu sân bay Mỹ ra khỏi bờ biển Việt Nam. Có hai vấn đề phải thảo luận là xa bờ biển Việt Nam hay xa bờ biển Bắc Việt Nam thôi. Lê Đức Thọ đọc dự thảo đòi các tàu chở máy bay của Hoa Kỳ sẽ di chuyển nơi đậu ra xa cách bờ biển Việt Nam 300 hải lý - căn cứ vào thông điệp của Hoa Kỳ ngày 30 tháng 10 năm 1972, và bắt đầu thi hành từ ngày ký Hiệp định.
Kissinger đưa ra nhiều lý do để lùi lại 60 ngày mới thực hiện việc đó và chỉ rút cách bờ biển Bắc Việt Nam 300 hải lý - còn đối với bờ biển Nam Việt Nam thì không thể như thế được.

Lê Đức Thọ phê phán Kissinger là lật ngược lại lời tuyên bố 20 tháng 10 năm 1972 của ông ta, và như vậy Mỹ vẫn uy hiếp miền Nam Việt Nam. Hôm đó chưa giải quyết được. Đến ngày 13 tháng 1 năm 1973, phía Mỹ nhận có hai hiểu biết; - một hiểu biết nói: "Hoa Kỳ có ý định chắc chắn chuyển các tàu chở máy bay của mình ra khỏi bờ biển Bắc Việt Nam quá 300 hải lý... - một hiểu biết miệng đối với miền Nam Việt Nam: “Sau khi rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ có ý định chắc chắn không đậu các tàu chở máy bay của mình cách xa bờ biển Việt Nam dưới 100 hải lý”

Hiểu biết về nhân viên dân sự Mỹ liên quan đến quân sự.

Để cho Chính quyền Sài Gòn có thể đứng được, Nixon ồ ạt đưa thêm vũ khí vào miền Nam Việt Nam theo kế hoạch ENHANCE PLUS đồng thời lập Văn phòng tuỳ viên quốc phòng (DAO) để thay Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn. Nhân viên dân sự nói đây là những quân nhân mặc dân sự của DAO.

Mỹ đã chấp nhận rút rồi, vấn đề còn lại là trong thời hạn nào. Lúc đầu phía Mỹ đòi 15 tháng, phía Việt Nam đòi 6 tháng. Phía Mỹ xuống dần 14 tháng rồi 12 tháng. Phía Việt Nam đồng ý 12 tháng.

Hiểu biết về vấn đề Lào và Campuchia

Trong đợt đàm phán lại tháng 11 năm 1972, Mỹ tỏ ra muốn có ngừng bắn sớm ở Lào đồng thời hoặc vài ba ngày sau ngừng bắn ở Việt Nam; và muốn cùng Việt Nam dùng ảnh hưởng để chấm dứt các hoạt động tấn công và khôi phục Uỷ ban Quốc tế ở Campuchia. Đây là những vấn đề liên quan đến chủ quyền của Lào và Campuchia, Việt Nam không thể thay mặt hai nước đó mà bàn bạc với Mỹ được. Tuy vậy ta có thể bàn bạc với Lào vì Neo Lào Hắc Xát là đồng minh thân thiết của ta (Neo Lào Hắc Xát đã thông báo chính thức cho ta đồng ý sẽ sớm ký Hiệp định với Chính phủ Phouma. Và ngày 21 tháng 2 năm 1973 Hiệp định về lập lại hoà bình ở Lào đã được ký kết tại Lòng Chăn, sau Hiệp định về Việt Nam ba tuần (xem lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tập II, trang 540, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Hà Nội, 1995)).

Đối với Campuchia, vấn đề có khó khăn hơn vì Trung Quốc có ảnh hưởng ở đây và phái Pol Pot lại chống Việt Nam. Lần này phía Mỹ muốn ngừng bắn sớm hơn và đặt lại vấn đề Campuchia. Đoàn Việt Nam kiên quyết không bàn thêm về vấn đề Campuchia và nhận sẽ bàn với đồng minh Lào ngừng bắn trong vòng 15 ngày sau khi Hiệp định về Việt Nam được ký kết. Sau hai bên thoả thuận chỉ có hiểu biết về Lào.

Còn về Campuchia, phía Mỹ đành bằng lòng với đoạn c: "Sau khi chiến tranh ở Việt Nam chấm dứt, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ tích cực góp phần mình vào việc lập lại hoà bình ở Campuchia" trong công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 21 tháng 10 năm 1972, trả lời công hàm ngày 20 tháng 10 năm 1972 của Tổng thống Mỹ về vấn đề này (H.Kissinger. Ở Nhà Trắng Sđd, tr. 1523.).

Ngoài năm hiểu biết trên đây, còn ba hiểu biết nữa có tính chất kỹ thuật giao cho chuyên viên duyệt lại.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #386 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2009, 10:51:25 pm »

Cách ký Hiệp định


Cách ký là một vấn đề kỹ thuật nhưng thật ra lại là vấn đề chính trị mà cả bốn bên đều quan tâm. Đây là một cuộc Hội nghị gồm bốn bên thuộc hai phe, các bên khác phe không ai công nhận ai, riêng Mỹ không công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về ngoại giao nhưng công nhận là một bên đàm phán có giá trị và đã nhận sẽ cùng ký. Và làm sao có thể khác được khi Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là địch thủ chính của Mỹ? Ý của Mỹ và Nguyễn Văn Thiệu là không công nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam sẵn sàng ký với Chính phủ Việt Nam Cộng hoà nhưng kiên quyết không chấp nhận việc gạt bỏ tên Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong các văn kiện và cách nêu tên người ký kết. Như vậy không chỉ có vấn đề cách ký mà cả vấn đề nêu tên các bên ký kết và chức vụ người ký kết.

Trong đợt đàm phán lại tháng 12 năm 1972, lúc đầu Kissinger đề nghị: Mỹ, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng Lâm thời (ba bên) ký chung một văn bản có lời mở đầu ghi đủ tên bốn chính phủ và Bộ trưởng Ngoại giao ký: Chính phủ Cộng hoà Việt Nam ký riêng một bản với Lời mở đầu "Việt Nam Cộng hoà hành động phối hợp vó các bên tham gia Hội nghị Paris...". Năm ngày sau, Kissinger lại đề nghị: Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký một văn bản với Lời mở đầu và điều 23 đầy đủ (điều 23 qui định Hiệp định do Bộ trưởng Ngoại giao ký); Chính phủ Cách mạng Lâm thời và Chính phủ Việt Nam Cộng hoà mỗi bên ký dưới hình thức công hàm gia nhập (adherence).

Lê Đức Thọ không đồng ý cả hai cách và ngày 11 tháng 12 đề nghị: ký ba văn bản: Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ ký một văn bản, Chính phủ Cộng hoà Việt Nam và Chính phủ Cách mạng Lâm thời mỗi bên ký một văn bản Hiệp định cùng một nội dung, nhưng ngày 13 tháng 12 lại rút lại.

Trong đợt đàm phán lại tháng 1 năm 1973, Lê Đức Thọ đòi hai bên ký và bốn bên ký. Kissinger không đồng ý và đề ra ba cách ký để chọn một;

- Chỉ có hai bên Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký như đã thoả thuận tháng 10 năm 1972.

- Ký bốn bên nhưng không có tên Chính phủ Cách mạng Lâm thời và Việt Nam Cộng hoà trong Lời mở đầu, không có chức vụ người ký.

- Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký một văn bản, Lời mở đầu và điều 23 đầy đủ; Chính phủ Việt Nam Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng Lâm thời ký hai văn bản riêng, nội dung Hiệp định đầy đủ nhưng Lời mở đầu không có tên bốn Chính phủ, ký tên nhưng không có chức vụ. 

Cả ba cách giống nhau ở một điểm: không có tên Chính phủ Cách mạng Lâm thời và chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #387 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2009, 10:51:33 pm »

Ngày 9 tháng 1, Lê Đức Thọ đề nghị công thức mới: Mỹ - Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chỉ ký tắt, bốn bên ký chính thức với Lời mở đầu có tên bốn Chính phủ, người ký có nêu chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao. Phía Mỹ không chấp nhận. Sau khi văn bản Hiệp định hoàn thành, Lê Đức Thọ đưa một công thức mới, mềm dẻo hơn:

- Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký với Lời mở đầu và điều 23 đầy đủ.

- Bốn bên ký với Lời mở đầu "Các bên tham gia Hội nghị Paris" (không nêu tên bốn Chính phủ), Hiệp định sẽ do bốn Ngoại trưởng ký đồng thời.

Ngày 11 tháng 1, hai bên tập trung giải quyết vấn đề cách ký. Dựa vào đề nghị trên của Lê Đức Thọ, Klssinger đề nghị: hai bên ký, bốn bên ký nhưng trong bản bốn bên thì mỗi bên ký một tờ riêng biệt và cả bốn tờ đó gộp chung vào Hiệp định; người ký đều có ghi chức vụ.

Đến đây coi như đã thoả thuận sẽ ký hai bên và bốn bên.

Về văn bản hai bên ký, Lê Đức Thọ đề nghị: Lời mở đầu ghi đủ tên bốn Chính phủ, điều 23 ghi: "Văn bản này do Bộ trương Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Hoa Kỳ ký, và văn bản Hiệp định cùng nội dung và lời văn do Bộ trưởng Ngoại giao (kể đủ bốn Chính phủ) ký cùng ngày hôm nay hợp thành một Hiệp định quốc tế lấy tên là Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam". Kissinger chỉ thêm bớt câu chữ và cuối cùng chấp nhận.

Về văn bản bốn bên ký, Lê Đức Thọ đề nghị về Lời mở đầu: “Các bên tham gia Hội nghị Paris (không ghi tên bốn Chính phú) đã thỏa thuận, cam kết tôn trọng và thi hành những điều khoản sau đây...”. Về điều 23 ông đề nghị công thức: “Hiệp định này do Bộ trưởng Ngoại giao của các bên tham gia Hội nghị Paris về Việt Nam ký và Hiệp định có cùng nội dung và lời văn như Hiệp định này do Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Hoa Kỳ ký cùng ngày hôm nay hợp thành một Hiệp định quốc tế lấy tên là...".

Kissinger đồng ý nhưng cho rằng trong văn bản, điều 23 không cần và không nên ghi Bộ trưởng Ngoại giao mà chỉ nên ghi: “Đại diện của các bên". Tất nhiên ông Thọ không chịu. Cuối cùng, Kissinger cam kết rằng Mỹ, dù không ghi Bộ trưởng Ngoại giao, sẽ dùng ảnh hưởng của mình để Bộ trưởng Ngoại giao Sài Gòn ký và các bên ghi rõ chức vụ. Lê Đức Thọ chấp nhận ghi điều 23: “Hiệp định sẽ có hiệu lực khi đại diện toàn quyền của các bên tham gia Hội nghị Paris về Việt Nam ký...".

Về số trang dành để ký, hôm trước Lê Đức Thọ đề nghị bốn bên cùng ký tên trên một trang, Kissinger đề nghị bốn bên ký bốn trang riêng. Hôm nay hai bên thỏa thuận ký trên hai trang, một trang Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng Lâm thời ký, một trang Mỹ và Chính phủ Cách mạng Lâm thời ký. Các trang này đều đánh số thứ tự trong Hiệp định. Sẽ có hai lễ ký riêng biệt nhưng cùng trong một ngày: buổi sáng bốn bên ký, buổi chiều Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ ký. Địa điểm ký: Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở đại lộ Kléber.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #388 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2009, 10:52:51 pm »

Các Nghị định thư


Chiều 11 tháng 1 năm 1973, Bill Sullivan, được sự đồng ý của Nguyễn Cơ Thạch, thay mặt hai đoàn chuyên viên trình bày với Lê Đức Thọ và Kissinger những vấn đề lớn của các Nghị định thư để hai Cố vấn giải quyết:

- Cần bao nhiêu Nghị định thư?

- Tổng số nhân viên của Ủy ban Quốc tế và Ban Liên hợp quân sự.

- Vấn đề vùng kiểm soát và vị trí đóng quân.

- Vấn đề thăm trại giam.

Về vấn đề thứ nhất, Lê Đức Thọ đề nghị thêm một Nghị định thư về bồi thường. Kissinger nói rằng Mỹ sẽ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh nhưng không nên có một Nghị định thư ngay khi tù binh Mỹ chưa được thả, vả lại số tiền đóng góp còn phải được Quốc hội Mỹ thông qua. Kissinger đề nghị dùng hình thức trao công hàm viết và sẽ bàn sau. Ông Thọ đồng ý.

Vấn đề tổng số nhân viên của Uỷ ban Quốc tế và Ban Liên hợp quân sự bốn bên phải bàn lâu là vì quan điểm của hai bên rất khác nhau. Đối với Mỹ, Uỷ ban Quốc tế phải có quyền hạn rộng, được tự do đi lại, có người rải khắp miền Nam, kể cả khu phi quân sự. Lúc đầu họ đề nghị tổng số nhân viên Uỷ ban Quốc tế từ 7000 đến 12000 người, 334 tổ công tác.

Hôm nay họ hạ xuống 2000 người. Đối với Việt Nam, Ban Liên hợp quân sự là đại diện cho các bên ký kết và chủ quyền của hai bên miền Nam Việt Nam, do đó nó phải có chức năng “phát hiện và ngăn chặn vi phạm”, còn Uỷ ban Quốc tế chỉ có chức năng giám sát và kiểm soát việc thi hành Hiệp định. Ban Liên hợp quân sự phải có ở cấp Trung ương và tất cả các khu vực và các tỉnh, do đó cần tổng số nhân viên là 4000 người. Phía Mỹ nói chỉ cần Ban Liên hợp Trung ương, Ban liên hợp các khu vực, các tổ liên hợp, do đó cần khoảng 500 người. Hôm nay Kissinger chịu nâng tổng số Ban Liên hợp quân sự lên 2500 người. Cuối cùng hai bên thoả thuận tỷ lệ 3/1: tổng số nhân viên Ban Liên hợp quân sự 3, tổng số nhân viên Uỷ ban Quốc tế 1. Cụ thể là: Ban Liên hợp quân sự 3300 người, Uỷ ban Quốc tế 1150 người. 

Hai bên đã đồng ý có Ban Liên hợp quân sự hai bên ở miền Nam. Mỹ đề nghị 48 giờ sau ngừng bắn, đại diện hai bên miền Nam trong Ban Liên hợp quân sự bốn bên gặp nhau để bàn việc tổ chức Ban Liên hợp quân sự hai bên. Lê Đức Thọ đề nghị nếu Ban Liên hợp quân sự chưa thành lập được thì người của hai bên miền Nam trong Ban Liên hợp quân sự bốn bên vừa làm nhiệm vụ của Ban Liên hợp quân sự bốn bên vừa làm nhiệm vụ của Ban Liên hợp quân sự hai bên. Phía Mỹ đồng ý.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #389 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2009, 10:52:59 pm »

Vấn đề vùng kiểm soát và vị trí đóng quân nổi lên trong khi bàn bạc Nghị định thư về ngừng bắn. Điều 3-b của Hiệp định ghi: “Ban Liên hợp quân sự hai bên nói trong điều 17 sẽ qui định vùng do mỗi bên kiểm soát và những thể thức trú quân".

Phía Việt Nam đòi có vùng kiểm soát để thể hiện nguyên tắc hai Chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát. Phía Mỹ nhấn mạnh vị trí trú quân. Hai bên tranh luận mãi về tiêu chuẩn vùng kiểm soát, về tiêu chuẩn vị trí trú quân. Cuối cùng trong Nghị định thư không ghi thêm điều khoản về vùng kiểm soát và vị trí trú quân, chỉ căn cứ điều 3-b của Hiệp định cũng được.

Vấn đề thăm trại giam liên quan tới những tù chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng bị tra tấn và giam cầm trong những điều kiện cực kỳ tồi tệ như Côn Đảo, Phú Lợi, Phú Quốc... Hai bên đã thoả thuận Uỷ ban Quốc tế và Ban Liên hợp quân sự đi kiểm tra trại giam của các quân nhân bị giam giữ (điều 8-a), nay ta nêu vấn đề kiểm tra trại giam, Kissinger không chịu. Lê Đức Thọ tiếp tục giữ yêu cầu kiểm tra này nhưng đề nghị giao Hội chữ thập đỏ bốn nước trong Uỷ ban Quốc tế làm việc này, còn Uỷ ban Quốc tế và Ban Liên hợp quân sự thì kiểm tra nơi giam giữ cuối cùng. Kissinger chấp nhận.

- Đến đây điều 8c đã xong - Lê Đức Thọ nói.

- Có lẽ chúng ta phải im lặng một phút để tưởng nhớ điều 8c.

Kissinger đáp:

- Nhưng sau khi ký Hiệp định rồi, ông và tôi vẫn còn phải nhắc tới điều 8c.

Về ngân sách của Uỷ ban Quốc tế hai bên thoả thuận là sẽ do bốn bên ký Hiệp định Paris cung cấp. Uỷ ban Quốc tế định ra ngân sách của mình và chuyển cho bốn bên để chuẩn y.

Đến chiều ngày 12 tháng 1 năm 1973, các vấn đề lớn có tính chất nguyên tắc đã được giải quyết xong. Lê Đức Thọ và Kissinger giao chuyên viên hai bên tiếp tục làm việc để hoàn thành các Nghị định thư. Đến ngày 19 tháng 1, thoả thuận xong các Nghị định thư về ngừng bắn và các Ban Liên hợp quân sự, về Uỷ ban Quốc tế giám sát và kiểm soát, việc trao trả nhân viên các bên bị bắt và giam giữ. Bắt đầu bàn ngày 24 tháng 1 năm 1973, Nghị định thư về gỡ mìn, mãi cuối tháng 1 năm 1973 mới hoàn thành.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM