Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:49:51 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris  (Đọc 197644 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #370 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2009, 06:11:20 pm »

Ngày 9 tháng 12, cả hai bên muốn giải quyết nhanh. Sau mấy câu đạo lý chung chung, Kissinger nói:

- Tổng thống nay chấp nhận đề nghị của Việt Nam đưa ra về điều 1 (Hoa Kỳ và các nước tôn trọng độc lập...) và để ở đầu Hiệp định. Hoa Kỳ cũng chấp thuận giảm quân số và phục viên càng sớm càng tốt, chấp nhận ghi Chính phủ Cách mạng Lâm thời trong Lời mở đầu và cho rằng cách viết như hồi tháng 10 là tốt nhất : Hoa Kỳ (với sự thoả thuận của ... hoặc hành động chung với.) Chính phủ Việt Nam Cộng hoà, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (với sự thoả thuận của ... hoặc hành động chung với...) Chính phủ Cách mạng Lâm thời.

Lê Đức Thọ hỏi thêm về cách ký, Kissinger cho biết: sẽ do Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký và sau đó sẽ có thư gia nhập của Chính quyền Sài Gòn và Chính phủ Cách mạng Lâm thời.

Lê Đức Thọ nói: 

- Tôi lạc quan về việc Mỹ nhận một số vấn đề, nhưng không lạc quan khi Mỹ vẫn đòi để điều 4. Như vậy Mỹ vẫn tiếp tục dính líu quân sự vào nội bộ miền Nam Việt Nam. Rõ ràng ông Cố vấn đưa ra một tay và tay kia lấy lại thì kết quả vẫn như cũ.

Về khu phi quân sự, tôi đề nghị ghi: "Tôn trọng khu phi quân sự và hai miền Nam và Bắc Việt Nam sẽ thoả thuận về thể thức đi lại qua giới tuyến quân sự tạm thời".

- Như thế là quy định thể thức đi lại của dân chúng? - Kissinger hỏi lại.

- Thể thức đi lại qua giới tuyến - ông Thọ trả lời.

Về thời hạn, đề nghị rút các nhân viên dân sự ở miền Nam trong hai tháng như các ông đã nói với Bộ trưởng Xuân Thuỷ hôm 17 tháng 10.

Kissinger cho là Lê Đức Thọ tăng thêm nhiều điều kiện trong một số vấn đề và làm cho cuộc thương lượng như một việc buôn bán ngựa.

Lê Đức Thọ nói Mỹ nêu lên các sửa đổi rồi lại rút đi để nói là nhân nhượng, và nói:

- Ở Việt Nam không có từ buôn ngựa mà người ta thường nói “lái trâu".

Sau khi nghỉ, Kissinger đề nghị:

- Nếu tất cả các vấn đề khác mà giải quyết một cách thoả đáng thì Hoa Kỳ đồng ý để điều 1 và điều 4 trong Hiệp định. Đề nghị rút nhân viên dân sự trong 15 tháng.

Lê Đức Thọ nói sẵn sàng bỏ điều ghi về nhân viên dân sự trong đề nghị của Việt Nam và có sự hiểu biết riêng nhưng không ghi vào Hiệp định. Ông Thọ cũng đồng ý để lnđônêxia tham gia Uỷ ban Quốc tế. Nhưng thời gian rút nhân viên dân sự 15 tháng thì dài quá.

Kissinger nói Việt Nam nhân nhượng ít quá, không đủ cho Phó Tổng thống Mỹ đi Sài Gòn mà ông ta nói từ đầu.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #371 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2009, 06:12:21 pm »

Hai bên lại bàn đến vấn đề khu phi quân sự.

Kissinger đề nghị:

- Trong việc lập lại quan hệ bình thường về nhiều mặt có vấn đề cho phép đi lại của dân thường qua giới tuyến quân sự tạm thời.

- Nếu các ông chấp nhận câu đó thì chúng tôi đồng ý bỏ câu nói "tôn trọng lãnh thổ của nhau” .

Lê Đức Thọ:

- Tôi không có quyền quyết định.

Kissinger: 

- Tôi cũng vậy. 

- Tôi phải hỏi Chính phủ. Tôi không có quyền. - ông Thọ nói

- Tôi cũng thế, tôi tin ở ông - Kissinger đáp.

Lê Đức Thọ lại nói:

- Tôi bị phê phán rất dữ. Tôi phải tìm một công thức như thế là quá lắm rồi. Trong tuần qua tôi đã trao đổi nhiều lần với Hà Nội. Nhưng Chính phủ chúng tôi còn chỉ thị cho tôi cao hơn công thức mà tôi nêu với ông. Sự thật bây giờ ở vùng giới tuyến một bên là miền Bắc, một bên là vùng giải phóng của Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Đáng lẽ chúng tôi không có gì phải quy định vấn đề qua lại giới tuyến này, nhưng vì cố gắng để giải quyết với các ông chúng tôi mới tìm ra công thức đó. Đó là thực tế.

Lê Đức Thọ nói thêm:

- Tôi còn phải hỏi lại rồi đến ngày kia (11 tháng 12) gặp lại.

Đúng là hôm trước đoàn nhận được chỉ thị của Bộ chính trị: Về khu phi quân sự ta kiên trì không ghi công thức của Mỹ vì như vậy sẽ đẻ ra nhiều vấn đề phức tạp. Ta ghi theo công thức của Bộ Chính trị đã thông qua: “Hai miền sẽ thoả thuận về quy chế khu phi quân sự và định ra thể thức qua lại giới tuyến quân sự tạm thời”.

Hai bên thoả thuận phải xin chỉ thị của Chính phủ, và trong khi chờ đợi, các chuyên viên sẽ họp vào sáng chủ nhật 10 tháng 12, mỗi bên ba người, để rà soát lại văn bản.

Hôm đó là một cuộc họp căng thẳng. Huyết áp của Lê Đức Thọ lên cao, phải nghỉ nhiều lần và kết thúc cuộc gặp riêng không thoải mái gì cho cả hai bên.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #372 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2009, 06:15:13 pm »

Bế tắc

Tối hôm đó, đoàn Mỹ gửi cho ta một công hàm nhân danh Tổng thống nói rằng Nixon chưa chấp nhận công thức của Kissinger đưa ra và đòi phục hồi lời lẽ Chương V mà Việt Nam đã thoả thuận hôm 23 tháng 11 về khu phi quân sự đưa ra hôm qua là hết sức đúng đắn và hợp tình hợp lý.

Cuộc họp hôm 11 tháng 12 thực ra chỉ còn một vấn đề lớn: Khu phi quân sự. Nhưng khi vào họp, Lê Đức Thọ nói chưa nhận được chỉ thị của Chính phủ, có lẽ sáng mai mới có trả lời và chiều mai mới thảo luận được.

Kissinger tỏ ra bực bội và thất vọng. Ông ta nói rằng ở Washington bầu không rất căng thẳng, người ta không còn kiên nhẫn nữa. Ông đưa ra nhiều lý do để nói người ta ngày càng bực tức: Phó Tổng thống Agnew cứ chờ mãi để đi Sài Gòn, bây giờ lại phải hoãn lại. Còn ông ta tối mai phải về Washington và do đó không thể đi Hà Nội cho đến sau lễ Noel. Ông đổ cho Việt Nam kéo dài đàm phán.

Nhưng ông ta cũng đồng ý thảo luận vấn đề ký kết và lại đưa một thời điểm:

- Nếu ngày mai đạt được thoả thuận thì tối mai Phó Tổng thống Mỹ đi Sài Gòn. Tối thứ năm ông trở về Washington. Sau đó đi Hà Nội vào thứ tư hoặc thứ năm tuần tới. Đó là cách duy nhất làm xong trước Noel. Nếu không thì phải trì hoãn tất cả hoặc bỏ cuộc đi Hà Nội của ông ta.

Kissinger cũng dự định ký Hiệp định ở Paris vào ngày 27 hoặc 28 tháng 12.

Để tỏ rõ sự bực bội, ông ta đề nghị nghỉ họp để đi báo cáo Nixon. Không khí trở nên căng thẳng thêm.

Về cách ký kết, Lê Đức Thọ không đồng ý đề nghị cũ của Mỹ là Chính quyền Sài Gòn và Chính phủ Cách mạng Lâm thời gửi thư tham gia vào văn bản Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ ký. Ông đề nghị cả hai bên và bốn bên cùng ký một văn bản. Kissinger không chịu. Cuối buổi, Lê Đức Thọ đưa ra công thức: Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ ký một văn bản. Chính quyền Sài Gòn và Chính phủ Cách mạng Lâm thời ký vào hai bản khác nhưng nội dung giống nhau. Tức là có ba văn bản nội dung giống nhau mà có lần Kissinger đã đề ra. Phía Mỹ hứa nghiên cứu.

Về các hiểu biết. Vì có nhiều phức tạp do yêu cầu hai bên khác nhau, nên cuộc họp thoả thuận ngày 12 tháng 12, các đại diện Mỹ, đại sứ Porter, đại sứ Sullivan gặp lại Xuân Thuỷ và Nguyễn Cơ Thạch để duyệt lại.

Lê Đức Thọ nói nếu ngày mai xong thì ông cũng quay về, mà không xong thì cũng về.

Ngày 12 tháng 12, khi vào họp Lê Đức Thọ nói:

- Chúng tôi mới nhận được chỉ thị đáp ứng yêu cầu các ông về khu phi quân sự như sau: 

“Miền Bắc và miền Nam tôn trọng khu phi quân sự ở hai bên giới tuyến quân sự tạm thời. Miền Bắc và miền Nam sẽ sớm bắt đầu thương lượng lập lại quan hệ bình thường về nhiều mặt. Trong các vấn đề thương lượng có vấn đề thể thức qua lại giới tuyến quân sự tạm thời". 

Công thức này gần giống công thức Mỹ đưa ra hôm 7 tháng 12 và hôm 9 tháng 12 - chỉ khác có hai chữ: Mỹ viết “cho phép đi lại của thường dân" (thay dân sự).

Kissinger hỏi lại ngay:

- Việc đi lại của dân chúng có phải không?

Lê Đức Thọ:

- Không - Vấn đề thể thức qua lại giới tuyến quân sự tạm thời, đúng như hôm trước ông đề nghị.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #373 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2009, 06:17:46 pm »

Kissinger nói rằng công thức đó Mỹ đã rút đi rồi và châm biếm:

- Con trâu có đi lại được không?

- Trâu sắt thì không, còn trâu thường thì không có vấn đề gì. Ông Thọ trả lời.

Chúng tôi quan sát thấy nhiều “con voi" (đoàn xe - tiếng Anh) qua khu phi quân sự - Kissinger nói.

- Không, các ông nhầm đấy. Đó là những con voi thật đấy - Lê Đức Thọ trả lời.

Tiếp đó ông Thọ nói luôn đến cách ký kết. Ông đòi hai bên ký rồi bốn bên cùng ký. (Như vậy là thay đổi luôn ý kiến ta mới đưa ra hôm qua). Ông nói:

- Đó là chỉ thị của Chính phủ chúng tôi để nói với các ông như vậy... Nếu không giải quyết được thì tôi phải về rồi sau đó tôi sẽ gửi công hàm cho các ông. Vì tôi không có quyền giải quyết.

Trước khi bình luận, Kissinger châm biếm:

- Đại sứ Sullivan cho rằng ông Cố vấn có nhiều trâu nhất ở Việt Nam.

- Ông thì có nhiều ngựa nhất ở Mỹ - Lê Đức Thọ nói rồi cười.

Cuộc thảo luận tiếp tục.

Kissinger nhắc lại nhiều lần “Hoa Kỳ quan tâm đến vấn đề đi lại của thường dân”.

- Nếu ta ghi lại: việc đi lại của thường dân hay đi lại dân sự thì Hoa Kỳ đồng ý ngay.

Ông Thọ nhắc lại:

- Tôi không có quyền.

Thực ra Lê Đức Thọ ở trong tình trạng rất khó khăn.

Về vấn đề khu phi quân sự:

Trong thoả thuận tháng 10 giữa ta và Mỹ không có vấn đề đề khu phi quân sự. Chỉ có một câu: "Giới tuyến quân sự ở vĩ tuyến 17 là tạm thời, không phải ranh giới về chính trị hay lãnh thổ".

Ngày 20 tháng 11, theo yêu cầu của Sài Gòn, phía Mỹ đề nghị thêm: "Trong khi chờ đợi thống nhất Việt Nam, khu phi quân sự phải được hai bên tôn trọng”. Ý đồ của Mỹ là muốn làm rõ miền Nam Việt Nam là một Quốc gia riêng biệt.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #374 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2009, 06:18:50 pm »

Hôm sau đoàn ta đề nghị:
 
“Hai miền tôn trọng khu phi quân sự và thoả thuận về quy chế và định ra thể thức qua lại giới tuyến quân sự tạm thời".

Ngày 23, ta thoả thuận bỏ đoạn "về quy chế và thể thức" mà chỉ ghi "miền Bắc và miền Nam sẽ tôn trọng khu phi quân sự ở hai bên giới tuyến quân sự tạm thời".

Hà Nội không tán thành công thức này. Trong chỉ thị ngày 1 tháng 12 năm 1972, Hà Nội chỉ thị cho đoàn: "Cần ghi thêm là quy chế sẽ do hai bên thoả thuận". Hôm sau lại chỉ thị thêm cho đoàn “Nếu không nói rõ quy chế sẽ do hai miền thoả thuận thì Mỹ có thể giải thích là ta tôn trọng khu phi quân sự như quy chế cũ. Do đó có thể gây thêm phức tạp quanh vấn đề này”.

Ngày 4 tháng 12, theo chỉ thị của Hà Nội, Lê Đức Thọ bổ sung thêm "Hai miền sẽ thoả thuận về quy chế khu phi quân sự và thể thức qua lại giới tuyến quân sự tạm thời". Phía Mỹ không chịu, cho ta rút đi sự thoả thuận quan trọng nhất đạt được hồi tháng 11, làm cho cuộc thảo luận căng thẳng.

Ngày 7 tháng 12, Mỹ đề nghị "trong các vấn đề thảo luận có vấn đề thể thức qua lại giới tuyến quân sự tạm thời". Họ không nói gì đến quy chế khu phi quân sự và đặt vấn đề đi lại giữa hai miền.

Ngày 9 tháng 12, ta dựa vào công thức của Mỹ đưa ra công thức “Miền Nam và miền Bắc sẽ thảo luận về thể thức qua lại giới tuyến quân sự tạm thời" liên sau câu tôn trọng khu phi quân sự như đã nói ở trên.

Báo cáo về Hà Nội, Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ viết: 

“Nếu ta cứ đòi cả thoả thuận về quy chế về thể thức thì cứng quá mà chỉ nên để thể thức qua lại, vì bàn thể thức qua lại là bàn cả quy chế rồi, như vậy vừa đạt yêu cầu vừa mềm dẻo”.

Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ nhận được trả lời của Hà Nội.

"Ta kiên quyết không ghi vấn đề khu phi quân sự theo cách của Mỹ vì như vậy sẽ đẻ ra nhiều vấn đề phức tạp”. Đây là âm mưu rất lớn của Mỹ nhằm chia cắt lâu dài Việt Nam, biến miền Nam thành một nước riêng, tạo điều kiện cho Nguỵ trở lại vấn đề “rút quân miền Bắc" về phía Bắc khu phi quân sự theo các điều khoản Hiệp định Genève năm 1954... Hà Nội đã thảo luận kỹ vấn đề này mà họ không giải quyết. Còn ta không nên vì muốn giải quyết mà bỏ vấn đề nguyên tắc này.

Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ hiểu rằng vấn đề khu phi quân sự là vấn đề nguyên tắc, càng cương quyết đấu tranh. Nhưng nếu thấy trở lại công thức có cả qui chế khu phi quân sự thì Mỹ khó chấp nhận, hai ông báo cáo về Hà Nội:

"Nếu Mỹ không nhận thì có khả năng đàm phán có thể gián đoạn một thời gian, chiến tranh tiếp tục, tuy họ không có khả năng kéo dài nhưng sẽ đánh ồ ạt tập trung sau một thời gian lại yêu cầu đàm phán lại. Nếu ta không gặp thì chiến tranh tiếp tục và Mỹ sẽ đố trách nhiệm cho ta. Nếu ta công bố mà nội dung chỉ còn một vấn đề khu phi quân sự thì ta sẽ khó giải thích; dư luận còn có thể hiểu lầm rằng ta không muốn tôn trọng khu phi quân sự, ta còn muốn tiếp tục đưa quân. Nếu ta nhận gặp thì lúc đó ta ở thế bị sức ép mà cũng chỉ đặt vấn đề khu phi quân sự như công thức Bộ Chính trị nhưng cũng có thể không đạt, mặt khác ta lại bị thiệt hại thêm ở miền Bắc do đó ảnh hưởng một phần ở miền Nam.

Ta không (bị) thúc bách nhưng cần thấy thời cơ. Hiện nay Mỹ đang cần giải quyết, nếu để quá thì sẽ lỡ và ép họ thì cũng ít tác dụng vì mọi việc đều có giới hạn...".
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #375 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2009, 06:22:46 pm »

Ngày 12 tháng 12, Hà Nội nói rõ quan điểm cho đoàn ở Paris:

“Không thể theo công thức 23 tháng 12 và đồng ý công thức sau:

"Miền Nam và miền Bắc sẽ tôn trọng khu phi quân sự ở hai bên giới tuyến quân sự tạm thời và sẽ sớm bắt đầu thương lượng nhằm lập lại quan hệ bình thường về nhiều mặt”.

Nếu Mỹ không đồng ý công thức này, ta có thể lấy công thức của Mỹ sửa lại như sau:

"Miền Nam và miền Bắc Việt Nam sẽ tôn trọng khu phi quân sự hai bên giới tuyến quân sự tạm thời. Miền Nam và miền Bắc sẽ sớm bắt đầu thương lượng nhằm lập lại quan hệ bình thường về nhiều mặt. Trong các vấn đề thương lượng có vấn đề thể thức qua lại giới tuyến quân sự tạm thời. Nhất định là không nhận ghi đi lại về dân sự của Mỹ".

Chiều 12 tháng 12, Lê Đức Thọ đưa ra công thức này cho Kissinger, nhưng Mỹ nhất định không công nhận vì không nói rõ đi lại dân sự. Như vậy là bế tắc, chỉ còn khác nhau hai chữ dân sự.

Trong phiên họp ngày 12 tháng 12 ấy còn vấn đề ký kết nữa. Sau khi Lê Đức Thọ thay đổi ý kiến về cách ký kết, Kissinger nói Việt Nam đưa thêm vấn đề mới ông ta phải hỏi ý kiến của Tổng thống và sẽ trao đổi công hàm với phía ta.  

Tuy vậy, sau khi thảo luận quá găng mà không giải quyết được vấn đề khu phi quân sự, không khí trở lại bình tĩnh hơn và hai bên thoả thuận được ba văn bản: hiểu biết về việc Lào và Campuchia, về định nghĩa các bên trong Chương, về trao trả tù binh.

Cuộc thương lượng đã thật sự bế tắc. Nhưng hai bên vẫn thoả thuận hôm sau chuyên viên hai bên rà soát văn bản và 10 giờ 30, Lê Đức Thọ và Kissinger lại gặp nhau ở Neuilly để duyệt.

Hôm sau (13 tháng 12) cuộc họp bắt đầu, Kissinger hỏi Lê Đức Thọ hôm nào về tới Hà Nội. Một câu hỏi xã giao hay hữu ý? Vì ngày 18 là bắt đầu các cuộc ném bom bằng B52.

Và hai bên đi vào xem xét lại văn bản.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #376 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2009, 06:24:31 pm »

Hôm qua khi thảo luận về vấn đề này Kissinger đã nói rằng: Về văn bản thì ông Lưu Văn Lợi và ông Negroponte là những kẻ phá hoại, còn về nội dung thì ông Sullivan và ông Nguyễn Cơ Thạch là những kẻ phá hoại. Ông Lưu Văn Lợi là người cầm đầu nghiệp đoàn buôn trâu.

Hôm nay, khi vào cuộc họp Kissinger phàn nàn rằng chuyên viên phía ta đã nêu lên 17 vấn đề trong đó có nhiều vấn đề Lê Đức Thọ và Kissinger đã thoả thuận xong rồi. Đúng là Lưu Văn Lợi có bỏ chữ phá huỷ trong vấn đề thay thế vũ khí, sửa lại đoạn đầu điều 20 (a) - sửa ba tháng thành hai tháng trong vấn đề trao trả tù binh, và bỏ đi 9 chỗ có ghi Việt Nam Cộng hoà, vì tên Chính phủ Cách mạng Lâm thời đã bị bỏ đi. Trong nhiệm vụ Hội đồng ta vẫn giữ từ “đôn đốc” - mà phía Mỹ không chịu... Trong các điểm sửa đó có ba điểm theo chỉ thị của Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh hôm 7 và 12 tháng 12 .

Cuộc thảo luận về từ ngữ cũng trở nên căng thẳng. Tình hình nhiệm vụ của Hội đồng Quốc gia hoà giải và hoà hợp dân tộc hồi tháng 10, Mỹ đưa ra bốn chữ “khuyến khích”, ta không đồng ý, sau đó họ đưa ra ba từ: “to promote” (thúc đẩy), “to oversee” (trông nom, giám sát) và “to see to” (chăm lo), còn ta vẫn dùng chữ “đôn đốc”. Cuối cùng phía Mỹ đồng ý bỏ bớt tên Việt Nam Cộng hoà trong Hiệp định nhưng sẽ qua công hàm để xác nhận. Ta đồng ý điều 8c (tù dân sự miền Nam) vẫn để ba tháng nhưng có hiểu biết riêng - còn các vấn đề khác gác lại.

Trong khi thảo luận, Kissinger vừa đùa cợt vừa đả kích Lưu Văn Lợi (một nhà luật, nhà báo, trợ lý Bộ trưởng, chuyên viên về văn bản của ta). "ông Lưu Văn Lợi muốn được Huân chương nên có nhiều ý kiến trong việc dùng từ ngữ”, "Cần cho ông Lưu Văn Lợi phục viên về sinh quán”, “Hoa Kỳ không có chuyên viên nào đủ mức tế nhị như ông Lợi!”, “Phải xây dựng tượng ông Lợi cạnh một cái hồ...”.

Lê Đức Thọ cũng tỏ ra vui vẻ thêm vào: chân bức tượng đó phải ghi những đề nghị sửa đổi Hiệp định của ông Lợi. 

Kissinger đổ cho ta kéo dài đàm phán, việc sửa đổi nhiều về từ ngữ càng củng cố thêm ý nghĩ đó của ông ta, nếu không nói ta quá chặt chẽ về câu chữ.

Hai bên còn trao đổi về Nghị định thư. Mỹ quan tâm đến Nghị định thư về Uỷ ban Quốc tế và Uỷ ban Liên hợp nhưng chưa giải quyết được.

Kissinger bắt tay Lê Đức Thọ, hai người chúc nhau lên đường bình yên. Khi bắt tay Lưu Văn Lợi, ông ta hỏi:

- Bao giờ tượng ông sẽ được dựng?

Lê Đức Thọ hài hước nói chen vào:

- Mỹ có tiếng là giỏi về khoa học và kỹ thuật, nhưng không hiểu có làm nổi bức tượng ông Lợi có hai mắt nháy được không?

Cuộc chia tay nếu không là hữu nghị thì ít nhất cũng là bình thường. Sự thật mây đen từ chân trời xa do phía Mỹ tạo nên đang đùng đùng kéo về phía máy bay của Lê Đức Thọ đang đi tới.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #377 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2009, 06:25:28 pm »

Mùa Noel của Nixon

Như trên đã nói, để đáp lại sự tiết lộ xuyên tạc của Mỹ, ngày 26 tháng 10 năm 1972, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà công bố sự thật về các cuộc gặp riêng giữa Lê Đức Thọ - Xuân Thuỷ và Kissinger và công bố bản Hiệp định mà Hà Nội và Washington đã đạt được ngày 20 tháng 10 năm 1972, và tố cáo Mỹ trì hoãn việc ký kết Hiệp định đó, tố cáo Nguyễn Văn Thiệu mưu toan phá hoại việc ký kết đó. Từ ngày đó, các cuộc thương lượng Việt Mỹ bước sang một thời kỳ mới rất phức tạp.

Ngày 24 tháng 10, Nguyễn Văn Thiệu đọc diễn văn trước Quốc hội Sài Gòn công khai lên án và bác bỏ Hiệp định 20 tháng 10 năm 1972.
Ngày 14 tháng 11, Thiệu đích thân đưa cho tướng Haig, phái viên của Tổng thống Nixon, bức giác thư yêu cầu sửa 69 điểm trong Hiệp định ngày 20 tháng 10 năm 1972, bảo lưu các Nghị định thư, lưu ý phía Mỹ tới các hiểu biết (understanding). Ngày 18 tháng 11, Sài Gòn lại gửi một giác thư mới nêu các vấn đề “sinh tử” như vấn đề quân miền Bắc, Hội đồng hoà giải và hoà hợp dân tộc không gồm ba thành phần, Uỷ ban Quốc tế gồm toàn nước trung lập. Thiệu cử đặc phái viên Nguyễn Phú Đức sang gặp Nixon, cử Phạm Đăng Lâm hàng ngày gặp Kissinger để nắm tình hình thương lượng với Lê Đức Thọ - Xuân Thuỷ, cử các đại sứ Sài Gòn ở London và Washington phụ tá cho Lâm, v.v...

Hạ nghị viện Sài Gòn thông qua nghị quyết lên án mọi giải pháp liên hiệp với cộng sản. Tổng trưởng Ngoại giao Sài Gòn ra tuyên bố nói sẵn sàng chấp nhận ngừng bắn nhưng không chấp nhận giải pháp đi ngược lại lợi ích của 17,5 triệu nhân dân miền Nam.
Từ đây Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu trở thành một bên thương lượng tuy là gián tiếp.

Thiệu dùng chiến thuật hai mặt: một mặt đòi sửa đổi nhiều điều khoản mà Mỹ đã thoả thuận với ta, mặt khác đòi Chính quyền Nixon tiếp tục đưa vũ khí vào miền Nam Việt Nam theo kế hoạch Enhance Plus (tăng cường hơn nữa). Nixon vẫn thuyết phục Thiệu chấp nhận Hiệp định nhưng đồng thời hạn chế những yêu cầu của Thiệu chẳng hạn không đồng ý mở rộng thành phần nói chuyện riêng, trì hoãn việc tiếp phái viên Nguyễn Phú Đức.

Nixon cố ép Thiệu nhưng bị Thiệu ép lại mạnh hơn, cố ép Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhưng bị đòn ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tấn công mạnh. Sức ép của chính giới và nhân dân Mỹ trước khi Quốc hội Mỹ họp, sức ép của dư luận quốc tế càng thôi thúc Nixon phải lựa chọn: hoặc là cắt đứt đàm phán (và đương nhiên là ném bom trở lại) hoặc là gạt các yêu cầu của Thiệu.

Đợt đàm phán lại (từ 20 tháng 11) bốn phiên họp chính thức, hai phiên họp hẹp, đạt được một số thoả thuận, trong đó một số điểm có ý nghĩa. Tuy vậy, đến 23 tháng 11 nhiều vấn đề lớn vẫn chưa được giải quyết như Chương III, Chương IV (về vấn đề rút nhân viên dân sự Mỹ) đối với ta, vấn đề giảm quân số 1-1, phục viên về sinh quán, bỏ ba thành phần Hội đồng hoà giải và hoà hợp dân tộc, hai miền tôn trọng lãnh thổ của nhau, quân đội các nước Đông Dương ở trong biên giới của nước mình, v.v... đối với Mỹ.

Đến lúc này Kissinger thấy các điểm sửa đổi đạt được còn cách rất xa yêu cầu của Thiệu và con bài mặc cả không có, không ép được Việt Nam sửa đổi, tiếp tục họp nữa chỉ càng bế tắc. Kissinger báo cáo với Nixon hai khả năng lựa chọn: một là cắt đứt đàm phán và tăng cường ném bom, hai là chấp nhận các sửa đổi đã đạt được cải thiện chút ít về vấn đề chính trị để vớt vát thể diện cho Sài Gòn.

Lúc đầu Nixon điện cho Kissinger không tán thành phương án một. Tuy đã chỉ thị cho Kissinger rằng “chúng ta không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc đạt được một Hiệp định theo những đường lối của nguyên tắc ngày 8 tháng 10 (đúng ra là 20 tháng 10), nhưng hôm sau ông ta vẫn điện cho Kissinger ngừng đàm phán một tuần lễ đế tham khảo ý kiến Chính phủ. Ông ta nói: Tôi có thể sẵn sàng cho phép ném bom ồ ạt miền Bắc Việt Nam trong thời gian nghỉ ngơi đó" (R.Nixon. Hồi ký. Sđd, tr. 730 - 734.)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #378 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2009, 06:26:47 pm »

Trong đợt đàm phán lại đầu tháng 12 năm 1972, bắt đầu ngày 4, quan điểm hai bên vẫn còn xa nhau. Cuối cùng ngày 4, Lê Đức Thọ nói rõ ràng: “Nếu các ông muốn giữ Hiệp định như cũ thì chúng tôi cũng sẵn sàng giữ nguyên như cũ không thay đổi một chữ. Nếu các ông không sửa một chữ nào thì chúng tôi cũng không sửa một chữ nào”, và ông Thọ còn rút đi nhiều điều quan trọng mà phía ta mới thêm vào.

Kissinger thấy ý nghĩa của đề nghị phải chăng đó là xin hoãn phiên sau đến ngày 6 để xin chỉ thị Tổng thống. Người ta không hiểu tại sao 12 giờ đêm ngày hôm đó ông ta lại đến gặp Đại sứ Trung Quốc Hoàng Chấn với vẻ nghiêm trọng, bực dọc, bi quan, và nói: “Nếu ngày thứ tư 6 tháng 12, Bắc Việt Nam vẫn giữ lập trường của họ thì chúng tôi buộc phải cắt đứt đàm phán".

Trong dịp này, tự nhận đã thất bại trong đàm phán, Kissinger nêu vấn đề từ chức với Tổng thống.

Ngày 5 tháng 12, Nixon điện cho Kissinger: "Tôi nhất quyết cho rằng chúng ta không được tự dồn mình vào góc bằng cách nói rằng đây là đề nghị cuối cùng của chúng tôi hoặc đây là cuộc họp cuối cùng của chúng tôi. Hãy để một chỗ hở ở cửa cho các cuộc họp tiếp" (R.Nixon Hồi ký. Sđd, tr.730-734.)

Giải thích thế nào thái độ của Kissinger: ông ta bi quan thật hay suy tính điều gì?

Qua ngày 6 tháng 12, Lê Đức Thọ lại nhắc lại đề nghị hai bên rút hết mọi đề nghị sửa đổi và trở lại Hiệp định đã thoả thuận: “Nếu sửa thì chỉ sửa một số chi tiết không thuộc thực chất và nguyên tắc; hai là hai bên đều sửa đổi. Đã sửa đổi thì bên này sửa lớn, bên kia cũng sửa lớn; bên này sửa nhỏ bên kia cũng sửa nhỏ, không thể chỉ một bên sửa một bên không sửa. Cứ như thế, sửa đi sửa lại mãi, không thể hoàn thành được. Trong hai cách đó, phía Mỹ chọn cách nào chúng tôi cũng sẵn sàng, nhưng chúng tôi cho rằng cách tốt nhất là cơ bản giữ Hiệp định ".

Đề nghị của Lê Đức Thọ làm cho không khí dịu hơn và dù cuộc tranh luận có lúc căng thẳng, khiến Lê Đức Thọ nhiều lúc huyết áp tăng, nhiều vấn đề tồn tại cũng đã được lần lần giải quyết.

Đến ngày 12 chỉ còn hai vấn đề sẽ giải quyết bằng trao đổi công hàm: cách ký văn kiện và vấn đề khu phi quân sự. Hai bên còn thoả thuận sáng 13 rằng nhóm chuyên viên sẽ rà soát văn bản Hiệp định và tiếp tục bàn các hiểu biết và Nghị định thư. Kissinger giới thiệu Porter, Sullivan, Aldrich; Lê Đức Thọ giới thiệu Nguyễn Cơ Thạch vào nhóm chuyên viên.

Nhưng nhiều vấn đề Lê Đức Thọ và Kissinger tưởng đã giải quyết xong lại trở thành vấn đề tranh cãi trong nhóm chuyên viên rà soát văn bản. Thí dụ: bản tiếng Việt viết là: Hội đồng đôn đốc thi hành Hiệp định và các Nghị định thư kèm theo và chữ “đôn đốc” ở đây tương đương với các từ: “to direct”, đề nghị “encourage”, phía Việt Nam bác chữ đó; cuối cùng đồng ý chữ “to promote”. Ta chấp nhận chữ “to promote” nhưng đòi bản tiếng Việt vẫn để là “đôn đốc”. Phía Mỹ cũng không nhận chữ “đôn đốc” trong bản tiếng Việt

Đến ngày 13, ngoài những vấn đề tồn tại trong văn bản, quan điểm hai bên trong các Nghị định thư cũng xa nhau. Lê Đức Thọ và Kissinger thoả thuận tạm ngừng các cuộc họp chính thức để hai bên về xin chỉ thị Chính phủ mình và trao đổi công hàm; Lê Đức Thọ đề nghị và Kissinger đồng ý rằng trong thời gian đó, chuyên viên hai bên tiếp tục làm việc. Lê Đức Thọ nói cả đi cả về cũng mất mười hai đến mười lăm ngày.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #379 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2009, 06:28:45 pm »

Ngày 15 tháng 12, Lê Đức Thọ lên đường về nước qua Matxcơva và Bắc Kinh. Ngày 16, mặc dầu tình hình không có gì mới và không có trao đổi gì với Lê Đức Thọ - khi đó còn ở Matxcơva - Kissinger họp báo và đổ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hoà kéo dài đàm phán. Và ngày 18, khi Lê Đức Thọ vừa từ sân bay Gia Lâm về tới nhà ở phố Nguyễn Cảnh Chân, trung tâm Hà Nội, máy bay chiến lược B52 ầm ầm giội bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố khác.

Đây là một kế hoạch tập kích chiến lược đã được chuẩn bị sẵn sàng dưới cái tên Linebaker II. Nội dung của nó là thả mìn lại Hải Phòng, dùng B.52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng. Tư tưởng của các nhà lãnh đạo và tướng lĩnh Hoa Kỳ trước sau vẫn là dùng sức mạnh quân sự để ép đối phương.

Từ ngày 14 tháng 12, sau cuộc trao đổi ý kiến với Henry Kissinger và tướng A.Haig, Nixon đã ra lệnh: ngày 17 thả mìn Hải Phòng, ngày 18 dùng B.52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng.

Nixon nói với đô đốc Moorer, chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân:

“Điều may mắn của ông là được dùng một cách có hiệu quả sức mạnh quân sự của chúng ta để thắng cuộc chiến tranh này, nếu ông không làm được việc đó, tôi sẽ coi ông là người chịu trách nhiệm” (R.Nixon. Hồi ký. Sđd, tr. 1722.).

Nixon nhấn mạnh phải đánh, đánh ác liệt nếu không coi như không làm gì cả. Dùng đòn mạnh nhất để thúc đẩy thương lượng, hay, như Kissinger nói, "tung con chủ bài cuối cùng" (le dernier coup de dé). Không phải là vấn đề đơn giản: nếu nó không thành công thì đến ngày 3 tháng giêng 1973, Quốc hội Mỹ trở lại họp thì có nguy cơ phái phản đối chiến tranh sẽ thông qua một nghị quyết cắt ngân sách cho việc tiếp tục chiến tranh. Đó là chưa kể cái giá chính trị phải trả ở trong nước và ngoài nước. Ít nhất Nixon đã nói thật khi ông viết trong Hồi ký: “Lệnh ném bom lại trước Noel là quyết định khó khăn nhất của tôi trong cuộc chiến tranh này nhưng cũng là một trong những quyết định dứt khoát nhất và cần thiết nhất (không nhất thiết - Tác giả)" (R.Nixon. Hồi k.ý. Sđd, tr. 730.).

Các cuộc ném bom lại vào Việt Nam ác liệt chưa từng thấy ở Việt Nam. Trong ngày 18 tháng 12, Hoa Kỳ đã sử dụng tới 129 máy bay B52 đánh Bắc Việt Nam, ngày 20, 98 B52 đánh Hà Nội, ngày 21, 30 B52. Ngày 24 nghỉ để xem lại kế hoạch tấn công. Ngày 26, 116 B52 ném bom các mục tiêu khu vực Hà Nội và Hải Phòng. Chỉ trong tuần đầu từ 18 đến 24 tháng 12, Quân đội Việt Nam đã bắn rơi 46 máy bay Mỹ trong đó có 17 máy bay B52, 5 máy bay F111 và bắt được nhiều phi công Mỹ.

Dư luận, nhất là ở Mỹ, hiểu thế nào là những trận “rải thảm" bằng B52, mỗi chiếc mang 30 tấn bom loại 500 và 700 cân Anh, cho nên ở Mỹ cũng như trên thế giới sự công phẫn nổ bùng lên. Phái diều hâu cổ vũ Nixon nhưng đa số nghị sĩ Quốc hội, trong đó một số là đảng viên Đảng Cộng hoà, lên tiếng phản đối.

Các tờ báo lớn phê phán cực kỳ mạnh mẽ:

“Hàng triệu người Mỹ cúi đầu vì xấu hổ và nghi ngờ sức khoẻ tâm thần của Tổng thông của họ”, đây là một hành động "khủng bố vô đạo làm hoen ố uy danh nước Mỹ”, các cuộc ném bom này là “kiểu chiến tranh nổi khùng”, Tổng thống là “một bạo chúa lên cơn điên” ... "ném bom khủng bố nhân danh hoà bình”.

Jerry Gordon, điều phối viên của Liên minh toàn quốc vì hoà bình, tuyên bố trong một cuộc họp báo: “Một lần nữa, người ta đã lừa dối nhân dân Mỹ. Thay vì một nền hoà bình trong tầm tay, là một cuộc chiến tranh tăng cường. Thay vì chấm dứt tàn sát ở Việt Nam là sự leo thang”.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM