Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 04:42:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris  (Đọc 197922 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #350 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2009, 11:24:02 am »

Kissinger cố thuyết phục ông Thọ rằng có hai chỗ ông ta nói về phục viên số quân đã giảm về sinh quán và việc lực lượng vũ trang các nước Đông Dương ở trong biên giới của mình - cốt cho cụ thể hơn - và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không cần phải thú nhận là có lực lượng vũ trang ở ngoài biên giới Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

“Chúng tôi hiểu vấn đề nguyên tắc của các ông... chúng tôi đồng ý không nói rõ trong Hiệp định... mà thêm vào cốt để duy trì nguyên tắc đã nói tới nhưng chưa rõ”.

Kissinger vẫn không chịu ghi "vùng kiểm soát" của hai bên.

Kết thúc buổi họp, Kissinger nói hai bên đã vượt được một chặng đường dài và hy vọng hòa bình sẽ được lập lại trong mấy tuần tới.

- Điều đó không tuỳ thuộc chúng tôi mà tuỳ thuộc các ông - Lê Đức Thọ trả lời.

Cuộc thảo luận bước sang ngày thứ ba (22 tháng 11). Kissinger chấp nhận điều 1 sửa đổi mà Lê Đức Thọ đã nêu ra. Nhưng vẫn đòi làm rõ tất cả các lực lượng có mặt tại Nam Việt Nam phải chấm dứt hoạt động quân sự khi ngừng bắn. Ông ta cũng đề nghị các nhân viên dân sự Mỹ đưa vào không được làm những nhiệm vụ mà họ đã không làm trước ngày 1 tháng 11 hay 15 tháng 10. Về vấn đề này ông Thọ trả lời ngay:

- Chúng tôi vẫn giữ lập trường cũ. Nếu là nhân viên dân sự Mỹ về kinh tế thì các ông giữ lại, còn những nhân viên dân sự phục vụ quân sự thì phải rút đi. Ý các ông muốn tiếp tục chiến tranh hay hoà bình là ở chỗ này.

Trở lại vấn đề rút các lực lượng không phải Nam Việt Nam, Kissinger nói rằng vấn đề này có tính chất quyết định đối với việc Chính quyền Sài Gòn có chấp nhận hay không Hiệp định này. Nhưng để tỏ thiện chí một lần nữa chúng tôi chấp nhận như cũ.

Nhưng Kissinger vẫn đòi được thay thế vũ khí đã dùng hết. Lê Đức Thọ nói ngay:

- Đây cũng là để tỏ thiện chí, chúng tôi đồng ý để các ông dùng chữ đã dùng hết. Đó là một nhân nhượng lớn lắm. Như vậy là các ông thả cửa đưa vũ khí vào!.

Kissinger:

- Không phải. Chúng tôi không muốn tiếp tục chiến tranh. Vấn đề quan trọng ở đây là dù có ghi điều khoản như thế nào đi nữa, nếu chúng ta muốn tiếp tục chiến tranh thì chúng ta cũng có cách tiếp tục chiến tranh. Một khi các ông chiến đấu trở lại thì các ông lại chiến đấu lâu dài.

Lê Đức Thọ vừa cười vừa thăm dò:

- Chắc là nếu chiến đấu một lần nữa thì các ông không vào nữa

Kissinger:

- Tôi chỉ nói rằng nếu Hiệp định bị vi phạm thì tình hình sẽ rất nguy hiểm.

Lê Đức Thọ:

- Nhưng nếu vi phạm thì chắc chắn là không phải chúng tôi vi phạm trước.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #351 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2009, 09:51:06 pm »

Về vấn đề tù dân sự ở miền Nam, Kissinger đề nghị:

- Chúng tôi cho rằng giữ văn bản cũ mà chúng ta đã thoả thuận là cơ sở tất nhất để giải quyết vấn đề này.

Lê Đức Thọ:

- Đó không phải là tốt nhất - Chúng tôi chưa đồng ý.

Sang vấn đề chính trị nội bộ miền Nam, Kissinger vẫn giữ lập trường hôm trước, chỉ đồng ý thêm:

“Hai bên Nam Việt Nam sẽ tham khảo về tổ chức chi tiết”.

- Câu này đúng là trừu tượng? - Lê Đức Thọ nhận xét ngay.

Vào cuối buổi, Kissinger đưa ra một thời điểm:

Thỏa thuận xong văn bản vào thứ bảy hay chủ nhật.

Ngày 3 tháng 12, Kissinger đi Sài Gòn; ở đó các ngày 5-6-7 tháng 12.

Ngày 8 và 9 tháng 12, Kissinger đi Hà Nội. 

Ngày 10 tháng 12, Kissinger về Mỹ.

Ngày 11 tháng 12, tối, ..: giờ Washington, công bố Hiệp định ngừng bắn trên thực tế.

Ngày 14 hoặc 15 tháng 12, ký Hiệp định tại Paris.

Cuộc họp tạm nghỉ. Khi họp lại lúc mười bảy giờ, Lê Đức Thọ nhận xét là Kissinger cũng có một số thiện chí nhưng trong những vấn đề nguyên tắc lớn mà ông Thọ đưa ra thì Kissinger chưa đáp ứng, như vấn đề những người dân sự bị bắt, việc ghi tên Chính phủ Cách mạng Lâm thời, vấn đề chính trị nội bộ miền Nam. Còn vấn đề gọi là quân miền Bắc thì Kissinger tuy có sửa đổi một số câu chữ nhưng ông ta vẫn còn bị ám ảnh. Ngoài ra còn một số vấn đề cụ thể chưa thấy ông ta nói.

Kissinger:

- Chỗ ám ảnh về quân miền Bắc chỉ còn hai câu.

- Như thế là chưa bỏ hẳn - ông Thọ nói.

Kissinger nói đại ý:

- Trong những sửa đổi của Mỹ có ba điểm lớn: Một là vấn đề Hội đồng hoà hợp hoà giải dân tộc; hai là lực lượng vũ trang miền Bắc ở Nam Việt Nam - và một sự thay đổi về điều 20 (về Campuchia và Lào).

Lê Đức Thọ:

- Nhưng đó là những thay đổi quan trọng đối với chúng tôi, và những vấn đề sửa đổi của Mỹ là những vấn đề chính trị lớn lắm.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #352 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2009, 09:51:46 pm »

Kissinger nói rằng ông ta đã bỏ đi những điều gây khó khăn cho Việt Nam - không nói đến lực lượng miền Bắc ở Nam Việt Nam nữa. Trước Hoa Kỳ nói mập mờ về quá trình chính trị nay không nói như vậy nữa.

Một lần nữa ông lại nói:

- Chúng tôi nhận thấy rằng có hai Chính quyền, hai Quân đội về thực chất hai bên ở Nam Việt Nam. Đó là lý do chúng tôi nói đến các lực lượng khác một cách chung chung ở miền Nam. Chúng tôi không phủ nhận thực tế của vấn đề. Trong vấn đề giảm quân số, chúng tôi chỉ nói rõ thêm về thủ tục: phục viên về nguyên quán. Trong vấn đề Lào và Campuchia chúng tôi cũng muốn nói cho rõ thêm.

Lê Đức Thọ không trả lời về các vấn đề này mà nói về thời điểm mà Kissinger đưa ra:

- Tôi cho rằng phải cố gắng giải quyết theo thời điểm mà ông nêu ra. Nhưng ông Cố vấn đừng dùng thời điểm này để ép tôi như lần trước. Chúng ta đã định ra thời điểm thì phải làm cho đúng.

- Có lẽ ta nói 15 tháng 1 vậy - Kissinger đáp.

Lê Đức Thọ:

- Điều đó tuỳ ông, chúng tôi không có ý kiến gì vì tôi rút kinh nghiệm lần trước. Ông Cố vấn để tôi về Hà Nội, rồi ông không vào. Ông là người trực tiếp lừa dối tôi. Toi là người bị ông trực tiếp lừa dối.

Kissinger tỏ ra hối tiếc về việc đã xảy ra và nói:

- Lần này chúng tôi thận trọng hơn, không tuỳ tiện, không lừa dối các ông, không làm cho các ông bất lợi vĩnh viễn.

Cuộc họp kết thúc. Phía Mỹ đưa cho Việt Nam hai dự thảo Nghị định thư về Uỷ ban Quốc tế và Uỷ ban Liên hợp quân sự bốn bên ở Việt Nam.

Hai bên hẹn gặp lại nhau ngày mai, 23 tháng 11 năm 1972.

Ngày hôm sau, khi vào họp, Lê Đức Thọ đã lưu ý ngay Kissinger đến việc Mỹ tăng cường dùng B52 ném bom dữ dội từ vĩ tuyến 20 trở vào với mức độ rất ác liệt có thể nói là cao nhất từ trước tới nay. Ông nói rõ những hành động đó làm trở ngại cho đàm phán và yêu cầu Kissinger chuyển lời phản đối của Việt Nam đến Tổng thống Mỹ. Kissinger hứa sẽ làm việc đó và tỏ ý hy vọng sớm đạt được kết quả để chấm dứt ném bom.

Lê Đức Thọ nói đến vấn đề thủ tục, nhắc lại rằng lần này hai bên thoả thuận xong là thôi, không thay đổi gì nữa. Kissinger đồng ý và nêu ra hai vấn đề mà hôm qua ông chưa đề cập đến: vấn đề khu phi quân sự và nhân viên dân sự Mỹ.

Về vấn đề nhân viên dân sự Mỹ, Kissinger nói Hoa Kỳ không biến những chức năng quân sự thành những chức năng dân sự, mà Hoa Kỳ có một số lớn làm việc đó ở miền Nam. Và để tỏ thiện chí, Hoa Kỳ đã giảm bớt đi rất nhiều số người đó, số còn lại chỉ ở lại trong một thời gian hạn chế để huấn luyện người Nam Việt Nam sử dụng vũ khí và sau khi làm xong nhiệm vụ họ sẽ rút

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #353 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2009, 09:52:42 pm »

Lê Đức Thọ nêu ra còn hai chương rất khó khăn, đó là Chương III (Vấn đề trao trả người bị bắt) và Chương IV (vấn đề chính trị miền Nam), nhưng ông tạm gác lại và đòi giải quyết các vấn đề khác trước.

Trước hết là Phần mở đầu của Hiệp định, Lê Đức Thọ vẫn một mực đòi ghi rõ bốn bên là ai, còn sau đó trong nội dung thì có thể viết đơn giản hơn cũng được.

Ông nói rõ:

- Chính phủ Cách mạng Lâm thời sẽ không ký nếu không ghi tên chính thức của họ.

Kissinger vẫn giữ cách làm của Mỹ là không ghi Sài Gòn, cũng không ghi Chính phủ Cách mạng Lâm thời, nhưng mỗi bên khi ký Hiệp định thì ghi tên chính thức của họ. Ông Thọ không chấp nhận và đòi ghi rõ như trong Hiệp định Genève năm 1954 và 1962 về Lào tên các Chính phủ ký Hiệp định.

Còn nhân viên dân sự Mỹ, Lê Đức Thọ đòi rút hết trong 60 ngày. Ông tiếp tục đòi bỏ câu "lực lượng các nước Đông Dương phải ở trong biên giới của mình", và hỏi Kissinger:

- Đối với Mỹ, có điều nào nói Quân đội Mỹ phải ở trong biên giới của mình đâu.

Lê Đức Thọ đưa ra cách viết về Lào và Campuchia:

“Các bên tham gia Hội nghị Paris sẽ triệt để tôn trọng các nghĩa vụ của mình đối với Hiệp định Genève năm 1954 về Campuchia và 1952 về Lào, và sẽ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của Lào và Campuchia".

Kissinger đồng ý nhưng vẫn đòi ngừng bắn đồng thời ở Lào cùng với ngừng bắn ở Việt Nam. Ông ta cho rằng đó là một sự hợp lý. Vì sau khi chiến tranh ở Việt Nam chấm dứt mà chiến tranh ở Lào kéo thêm một tháng thì Mỹ sẽ phải ném bom và phía Việt Nam cũng bị lôi cuốn vào.

Tiếp đó Kissinger đưa ra công thức về khu phi quân sự:
“Miền Nam và miền Bắc sẽ tôn trọng khu phi quân sự và lãnh thổ của nhau như đã qui định trong (điều 24) Hiệp định Genève năm 1954".

Hàm ý của Mỹ là muốn nêu lại vấn đề về tập kết quân vào Hiệp định như chuyện giữa ta và Pháp năm xưa.

Lê Đức Thọ đề nghị lại:

"Trong khi chờ đợi thống nhất Việt Nam, miền Nam và miền Bắc Việt Nam sẽ tôn trọng khu phi quân sự ở hai bên giới tuyến quân sự tạm thời".

Ông giải thích thêm:

- Trước đây chúng tôi chiến đấu chống Pháp, nay chúng tôi chiến đấu chống các ông. Khi các ông rút ra rồi thì cả hai bên đều phải tôn trọng và cả hai bên đều không đưa vũ khí, dụng cụ chiến tranh vào miền Nam.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #354 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2009, 09:53:58 pm »

Kissinger nói:

- Tôi bị ám ảnh ở hai điều: về đường mòn Hồ Chí Minh và về cái gọi là lực lượng miền Bắc. Đường mòn Hồ Chí Minh chúng ta đã giải quyết xong rồi, còn về vấn đề cái gọi là quân miền Bắc, hôm qua chúng tôi rút đề nghị đó nhưng chúng tôi muốn nêu ra một ý kiến là: "Trước khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau đó một, hai ngày có lẽ hai bên bố trí lại lực lượng của họ như là một cử chỉ đơn phương... Việc bố trí lại lực lượng này không phải là một bộ phận của Hiệp định..." Nếu bố trí lại lực lượng đó thì người ta đã thấy đó là một việc đóng góp tích cực rất nhiều. Ví dụ các lực lượng ở trong phần miền Bắc của Nam Việt Nam được bố trí lại thì thấy được rất dễ.

Lần trước khi Kissinger yêu sách thêm về vấn đề Lào, Lê Đức Thọ đã khó chịu. Lần này Kissinger lại huỷ bỏ điều hôm qua ông ta vừa chấp nhận, ông Thọ càng bực bội.

Lê Đức Thọ nói đúng vào thâm ý của Kissinger:

- Trong Hiệp định chúng tôi loại trừ tất cả những gì làm cho người ta có thể hiểu rằng đó là ám chỉ tới quân miền Bắc. Chúng tôi không bao giờ nhận để ghi vào Hiệp định một chữ nào để cho người ta có thể hiểu như thế. Chúng tôi kiên quyết và dứt khoát về chỗ đó. Chúng tôi đề ra việc giảm quân số và phục viên là thiện chí lắm rồi, là công bằng và hợp lý rồi.

Kissinger cho rằng như vậy chúng ta sẽ hướng việc chuyên chở vũ khí bằng đường mòn Hồ Chí Minh và ông ta lại bị ám ảnh một lần nữa.

Lê Đức Thọ nói:

- Các ông luôn luôn bị ám ảnh về đường mòn Hồ Chí Minh còn chúng tôi thì luôn luôn nghĩ tới các lực lượng của các ông ở Thái Lan, ở Philippin và hạm đội của các ông ở Thái Bình Dương rồi đây chưa biết sẽ ra sao.

- Khi hoà bình lập lại Hoa Kỳ sẽ giảm các lực lượng đó đi - Cố vấn Nhà Trắng trả lời.

Sau giờ nghỉ, Lê Đức Thọ cho là đã có tiến bộ như trong vấn đề thay thế vũ khí, vấn đề khu phi quân sự, nhưng còn lại một câu trong vấn đề Lào và Campuchia và tên bốn Chính phủ.

Lê Đức Thọ trở lại Chương III, Chương IV và nói:

- “Để giải quyết toàn bộ Chương III và chương IV, nếu các ông giữ đúng các điều đã thoả thuận ở Chương IV và giải quyết vấn đề ở Chương III như ý kiến chúng tôi thì chúng tôi có thể có những hiểu biết về quan tâm của các ông đến một thực tế là chúng tôi sẽ thảo luận với Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam điều chỉnh lại một số lực lượng ở phía Bắc của Nam Việt Nam tức là phía Nam khu phi quân sự một cách tượng trưng. Và với việc ngừng bắn ở Lào, chúng tôi có thể bàn với đồng minh của chúng tôi để làm sao có thể ngừng bắn sớm hơn một tháng như trước đây chúng tôi đã nói với các ông”.

Kissinger hỏi ngay, giọng có vẻ khiêu khích:

- Sớm hơn một ít là thế nào, có phải là 28 ngày không? Tại sao không ngừng bắn ở Lào cùng một lúc với ngừng bắn ở Việt Nam?

Lê Đức Thọ nói một cách bực bội:

- Đây là vấn đề của nước khác, chúng tôi phải bàn với họ. Chúng tôi không thể bắt người ta làm ngay mà phải bàn với họ. Và trong đàm phán, có cái họ đồng ý, có cái họ chưa đồng ý. Về vấn đề Lào, trước đây các ông nói đã thoả mãn rồi nay các ông lại đòi thêm nữa. Cho nên các ông phải hết sức cố gắng về vấn đề tù binh và về vấn đề chính trị miền Nam, nếu không thì đàm phán sẽ bế tắc. Chúng tôi không thể có cố gắng nào nữa. Thiện chí của chúng tôi cũng có giới hạn. Không thể có hoà bình với bất cứ giá nào? Và cũng không thể có việc giải quyết nào mà bỏ hết nguyên tắc. Đó là cố gắng cuối cùng của chúng tôi.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #355 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2009, 09:55:03 pm »

Kissinger hỏi Lê Đức Thọ sẽ di chuyển lực lượng đi đâu, lực lượng đó là bao nhiêu - có phải về Tây Nguyên không. Ông ta còn nhận xét thêm rằng ta đưa ra hai yêu sách quan trọng, một là liên quan đến những người dân sự bị bắt, hai là rút nhân viên dân sự Hoa Kỳ, ngoài ra vấn đề khu phi quân sự và ngừng bắn ở Lào cũng có thay đổi chút ít. Còn việc di chuyển một số lực lượng ở phía Bắc của Nam Việt Nam thì ta chưa nói rõ số lượng.

Lê Đức Thọ:

- Đó là đề nghị của chúng tôi. Ông muốn điều chỉnh lực lượng bao nhiêu, ông muốn ngừng bắn ở Lào như thế nào? Nếu các ông đáp ứng Chương III và Chương IV thì chúng tôi có đáp ứng những điều nói trên. Nhưng tôi nhắc ông rằng Chương IV các ông đã thoả thuận với chúng tôi rồi, đáng lẽ không cần có sự hiểu biết nào nữa, nhưng đàng này chúng tôi đã có thiện chí nhiều lắm rồi.

Kissinger:

- Chúng ta không nên tranh cãi Chương IV đã được thoả thuận hay chưa thoả thuận. Hai bên chúng ta đang thảo luận để đi tới thoả thuận.

Lê Đức Thọ:

- Chính công hàm của Tổng thống gửi cho chúng tôi đã nói văn bản Hiệp định đã hoàn thành. Vậy thì lời nói của Tổng thống các ông thế nào?

Cuộc họp trở nên rất căng thẳng. Lê Đức Thọ nhấn mạnh:

- “Đây là cô gắng cuối cùng của chúng tôi. Nếu các ông không chịu giải quyết thì có thể nói đàm phán sẽ bế tắc không có cách nào khác. Hoà bình hay chiến tranh điều đó hoàn toàn tuỳ thuộc vào các ông”

Mặc dầu ta đã tỏ thiện chí muốn giải quyết vấn đề, nhưng Kissinger vẫn không chấp nhận. Ông ta vẫn nói rằng Sài Gòn không thể chấp nhận và vấn đề bây giờ chưa giải quyết.

Về Chương IV, ông ta đồng ý chữ tổng tuyển cử thay cho chữ tuyển cử trong toàn quốc và thêm:

- Nếu như ông Cố vấn đặc biệt đồng ý như chúng tôi đề nghị Hội đồng Quốc gia hoà giải dân tộc đại diện cho tất cả các xu hướng chính trị ở Nam Việt Nam và các thành viên sẽ được lựa chọn bằng nhau thì chúng tôi sẵn sàng nói về hội đồng các cấp dưới như cũ.

Kissinger đòi giao cho chuyên viên bàn về nhiệm vụ “đôn đốc các bên" của Hội đồng. Ông ta vẫn nhắc lại cơ cấu hành chính trong văn bản tiếng Việt, và nói vấn đề giảm quân số và phục viên số quân đã giảm còn phải xem lại.

Lê Đức Thọ tỏ ra bực mình hơn:

- Việc trao trả những người bị bắt và giam giữ, chính ông Cố vấn nói với chúng tôi có sự hiểu biết về việc điều chỉnh lại một số lực lượng ở phía Bắc của Nam Việt Nam thì sẽ dễ dàng cho việc giải quyết vấn đề nhân viên dân sự bị bắt. Nhưng bây giờ chúng tôi đề ra việc đó thì ông lại không giải quyết gì cả. Như vậy thì đàm phán thế nào?

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #356 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2009, 09:56:01 pm »

Kissinger tìm cách thay đổi ý kiến trước đó nên nói rằng ông ta muốn nói việc bố trí một số lực lượng là để làm cho việc đi đến Hiệp định. Đó là điều quan trọng nhưng không quyết định. Thứ hai là ông ta muốn việc bố trí lại một cách đáng kể một số lượng nhiều hơn là một số lượng tượng trưng thì sẽ làm dễ dàng việc giải quyết những vấn đề người dân sự bị giam giữ.

Lê Đức Thọ:

- Nếu chỉ là vấn đề ký Hiệp định thì không có gì, chúng tôi phải có sự hiểu biết về việc bố trí lại lực lượng vì Hiệp định này đã được thoả thuận giữa các ông và chúng tôi rồi.

Lê Đức Thọ nhắc lại công hàm của Nixon. Kissinger tỏ ra bí nhưng vẫn ngoan cố, nói phải xin ý kiến của Tổng thống. Ông ta đề nghị nghỉ để ngày mai thảo luận các Nghị định thư. Lê Đức Thọ từ chối:

- Mới hôm qua đây ông đồng ý với chúng tôi là thảo luận xong Hiệp định mới thảo luận Nghị định thư, bây giờ chưa thảo luận xong Hiệp định, ông lại đề nghị thảo luận Nghị định thư. Vậy thì lời nói của ông có giá trị như thế nào?

Kissinger nói khiêu khích:

- Vì thấy Bộ trưởng Xuân Thuỷ ít việc làm nên chỉ làm mỗi việc là tuyên bố mập mờ.

Lê Đức Thọ tiếp tục:

- Chúng tôi đã cố gắng hết sức. Cả thế giới đều biết. Còn bây giờ các ông đề nghị không thảo luận nữa chúng tôi cũng tán thành.

Và hỏi lại Kissinger:

- Các ông có muốn đàm phán nữa không? Nếu ông Cố vấn muốn thôi thì chúng tôi cũng thôi, mà muốn bàn nữa thì chúng tôi bàn, mà bàn thì phải có đi có lại.

Kissinger hỏi: .

- Ông Cố vấn đưa ra một tối hậu thư?

Lê Đức Thọ đập bàn:

- Về Chương IV thì đúng như thế. Mấy chữ chúng tôi nói không thể nào thay đổi: ba thành phần, hội đồng các cấp, tên hội đồng. Ba điều đó chúng tôi không nhân nhượng!

Kissinger:

- Tôi phải về xin ý kiến Tổng thống?

Lê Đức Thọ:

- Tuỳ các ông. Giải quyết được thì có hoà bình, không giải quyết được thì chiến tranh tiếp tục.

Cuộc thảo luận kết thúc trong không khí nặng nề. Không hẹn ngày gặp lại - Kissinger chỉ nói sáng mai sẽ liên hệ với Việt Nam. Tình thế tỏ ra bế tắc.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #357 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2009, 09:57:12 pm »

Họp hẹp - Gián đoạn

Nhưng ngay đêm đó Kissinger đã gửi cho ta một công hàm đề nghị một cuộc họp hẹp vào sáng hôm sau tại số nhà 11 phố Darthé. Phía Mỹ có hai người: Kissinger và Haig, còn bên ta có Lê Đức Thọ, Xuân Thuỷ và phiên dịch.

Sau khi nhắc lại ý muốn hoà bình của hai bên và hai bên đã đi đến bước quyết định, Kissinger đọc một bức điện Nixon gửi riêng cho ông, mà đáng lẽ là không nên đọc ra, nhưng thấy cần cho ta biết thái độ của Nixon.

"Tôi thấy bực mình về giọng nói và thực chất trong phiên họp vừa qua. Trong hoàn cảnh như vậy, trừ phi phía bên kia tỏ ra sẵn sàng chú ý tới sự quan tâm hợp lý của chúng ta, tôi chỉ thị cho ông ngừng đàm phán và chúng ta sẽ phải tiếp tục lại các hoạt động quân sự cho đến khi phía bên kia sẵn sàng đàm phán theo điều kiện có danh dự. Phải làm cho phía bên kia từ bỏ những ý nghĩ của họ là chúng ta không có sự lựa chọn. nào khác ngoài việc phải giải quyết theo như điều kiện hiện nay. Ông phải trực tiếp báo cho họ là chúng ta có cách khác.

Nếu họ ngạc nhiên là Tổng thống có hành động mạnh mẽ như trước ngày gặp gỡ cấp cao ở Matxcơva và trước ngày bầu cử thì họ sẽ thấy rằng chúng ta bây giờ sẽ tiến hành mọi hành động cần thiết để bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ".

Trong khi đọc, Kissinger nhắc lại đây không phải là thông điệp chính thức nên lời lẽ không được ngoại giao lắm.

Đọc xong, Kissinger nói thêm: tôi chưa có liên lạc với Tổng thống. Chúng tôi có được quyền để có thêm một cố gắng tối đa nữa sẽ đưa ra trong ngày mai. Rồi ông ta lại giải thích khó khăn của Mỹ: phải chú ý đến ý kiến của Sài Gòn. Ông ta nói rằng Mỹ cần một văn kiện trong đó họ có thể chứng minh một cách quyết tâm rằng một số ý kiến của Sài Gòn đã được lắng nghe - mà các văn kiện có thể dự kiến thấy được còn rất xa với sự đòi hỏi của Sài Gòn. Nếu bị đẩy quá giới hạn tối đa thì bế tắc hoàn toàn. Bây giờ hai bên đang đứng trước ngã ba đường. Cả hai chúng ta đã đến một điểm như cái tủ đã rỗng hết rồi.

Ông đề nghị sáng mai có phiên chính thức vào mười hai giờ trưa. Ai cũng thấy đây là một sự đe doạ. Nhưng sau buổi họp hôm qua, Lê Đức Thọ trở lại bình tĩnh và nói:

- Chúng tôi không thể nào ký một Hiệp định trong đó lại ghi điểm nói rằng quân miền Bắc phải rút khỏi miền Nam.

Tổng thống Nixon nói đến danh dự của Mỹ, chúng tôi cũng có danh dự của chúng tôi. Các ông đem quân đến xâm lược nước chúng tôi, bây giờ các ông phải rút đi, và đòi chúng tôi, những người chống xâm lược cũng rút đi. Nếu có như vậy trong Hiệp định thì nhân dân chúng tôi làm sao mà chịu nổi. Làm sao chúng tôi có thể ký một Hiệp định trong khi hàng vạn người của chúng tôi còn bị giam giữ mãi.
Thứ ba, trong vấn đề chính trị miền Nam, chúng tôi đã cố gắng rất lớn. Bây giờ chỉ còn một cái Hội đồng như vậy với ba thành phần, còn phải do hai bên lựa chọn - ngoài ra hai bên còn ba tháng hiệp thương rồi mới lựa chọn - Hội đồng các cấp do hai bên lựa chọn ra. Chỉ còn ba vấn đề đó thôi.

Ông có thể tưởng tượng xem chúng tôi có thể ký một Hiệp định có câu ám chỉ quân miền Bắc, những người bị bắt không được thả, Chính phủ ba thành phần không được lập, Thiệu vẫn còn nguyên, Hội đồng còn phải sửa nữa!
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #358 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2009, 09:58:00 pm »

Lê Đức Thọ còn nói đã chiếu cố đến quan tâm của Mỹ đối với ngừng bắn sớm hơn ở Lào, và tiếp tục:

- Tôi cũng đồng ý bây giờ đã đến bước quyết định - chỉ còn có cách giải quyết hoà bình hay chiến tranh. Chúng tôi muốn hoà bình, nhưng thiện chí của chúng tôi cũng có mức độ. Nhân nhượng quá mức chỉ là đầu hàng trá hình. Nhân dân chúng tôi không bao giờ đầu hàng.

Kissinger cũng mong ta thông cảm khó khăn của Mỹ không thể nào nói với Sài Gòn ký một Hiệp định mà còn 200.000 người đối địch trên lãnh thổ của họ. Cho nên việc bố trí lại một số lực lượng là một cử chỉ rất có ích. Và ông ta đưa ra con số 100.000 quân (một trăm ngàn). 

Lê Đức Thọ:

- Tôi xin nói là ý nghĩ của ông quá chủ quan.

Cuối cùng ông Thọ mới phê phán bức điện đe doạ của Nixon: .

- Đe dọa chúng tôi chẳng tác dụng gì đâu. Chúng tôi đã đánh nhau với các ông mười năm rồi, và cũng đã thương lượng với nhau nhiều năm rồi, nên nay phải có thái độ đi đến giải quyết, không thể dùng đe doạ được đâu?

Cuộc họp hẹp hôm ấy rất ngắn. Chỉ có 1 giờ 30 phút, kể cả việc phiên dịch.

Cái nan giải của Mỹ, một cường quốc mạnh nhất thế giới, là đã đưa một đội quân lớn hơn nửa triệu người đi quá nửa vòng quả đất mà không đàn áp nổi một phong trào giải phóng dân tộc ở một nước kém phát triển.

Kissinger đã nhận định: “đối với chiến tranh du kích, không thua nghĩa là thắng, còn đối với quân đội chính quy, không thắng có nghĩa là thua" (H.Kissinger. Ở Nhà Trắng. Sđd, tr 242.).

Và trong tình thế phải rút quân về không thể không thương lượng với đối phương được. Trong thương lượng với ta, Kissinger đã nói Mỹ chẳng may mà gặp ta chứ họ không chọn đối phương là ta

Còn cái không may của Kissinger, một nhà ngoại giao nhiều thủ đoạn, nhà thuyết khách có tài, lại đối mặt với một người như Lê Đức Thọ, một chiến sĩ đã được tôi luyện trong đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, một nhà lãnh đạo quyền uy, biết tiến biết thoái, biết cương, biết nhu. Đấu tranh với Kissinger, ông nặng lòng thông cảm với nỗi đau của đồng bào đồng chí, và vững tin ở sức mạnh ngàn năm của dân tộc. Bất kể vũ khí, thủ đoạn hay đe doạ nào, một Nixon, một Kissinger không thể khuất phục được con người đó!

Ngày 23 tháng 11, Nixon điện cho Kissinger:

“Thỏa thuận 8 tháng 10 là phù hợp với quyền lợi của chúng ta. Ông cần chú ý để cải thiện được càng nhiều càng tốt những điều kiện của Sài Gòn. Nhưng điều quan trọng hơn cả là chúng ta phải thừa nhận rằng thực tế cơ bản là chúng ta không có lựa chọn nào khác là đạt được thoả thuận theo đường lối của các nguyên tắc ngày 8 tháng 10" (R.Nixon, Hồi ký Sđd, tr. 722).

Nhưng Kissinger vẫn đưa ra quá nhiều yêu sách về thực chất so với nội dung mà lúc đầu thương lượng lại ông ta nói sẽ giữ vững. Ông ta lại cãi bừa rằng văn bản “chưa thoả thuận" mà đang đi đến thoả thuận! Rồi có lúc lại trắng trợn tuyên bố không chấp nhận thoả thuận đã công bố. Lúc đầu nói bố trí lại lực lượng một cách tượng trưng sau đòi bố trí một lực lượng đáng kể. Lê Đức Thọ xem Kissinger là con người quá đáng, Nixon cũng phải nói: “Kissinger đã không phân biệt giữa những điều chúng ta cần thay đổi và những điều chúng ta thay mặt người Nam Việt Nam đưa ra.” (R.Nixon, Hồi ký Sđd, tr. 722.)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #359 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2009, 09:59:03 pm »

Khi Kissinger khăng khăng không chịu nhận các nguyên tắc về chính trị nội bộ miền Nam đã thoả thuận từ tháng 10, thì ông Thọ không giữ được bình tĩnh nữa.

Và khi Kissinger hỏi: “ông Cố vấn đưa ra tối hậu thư?" thì Lê Đức Thọ đập bàn và nói to:

- Về Chương IV thì đúng như thế.

Đó là nguyên nhân có điện của Nixon mà Kissinger đọc hôm họp hẹp 24 tháng 11, và thái độ mềm mỏng của Lê Đức Thọ sau đêm 23.

Một người nào đó trong đoàn Mỹ đã tiết lộ sự kiện ngày 23 trong cuộc họp riêng cho báo chí biết. Và hôm 25 tháng 11 khi bước vào cuộc họp hẹp, Kissinger đưa ngay vấn đề đó ra với Lê Đức Thọ - và vu cho phía ta đã để lộ tin đó cho các báo. Ông Thọ kiên quyết bác bỏ. 

Kissinger nói:

- Chúng tôi không thể nói với báo chí rằng ông Cố vấn đặc biệt đã đập bàn và đưa ra tối hậu thư. 

Ông ta còn nói rằng có nhà báo đã nói là có một người ở phía Việt Nam đưa tin đó ra cho họ.

Lê Đức Thọ kiên quyết bác bỏ tin đó:

- Nếu ông biết người nào phía chúng tôi tiết lộ thì yêu cầu ông cho tôi biết. Chúng tôi sẽ thi hành kỷ luật một cách nghiêm khắc.

Nhưng Kissinger không đưa ra được tên ai cả.

Cuộc họp hẹp hôm 25 tháng 11 không mang lại một kết quả nào. Cái cố gắng tối đa mà Kissinger hứa hôm qua cũng mất tăm. Ông ta xin nghỉ một tuần. Lê Đức Thọ trả lời:

- Nếu ông Cố vấn muốn thảo luận nữa thì chúng tôi thảo luận. Nếu ông Cố vấn ngừng lại một thời gian, chúng tôi cũng tán thành. Ông Cố vấn có cố gắng lớn để giải quyết thì chúng tôi cũng có cố gắng lớn. Cái đó tuỳ ông.

Kissinger đề nghị trong thời gian nghỉ, chuyên viên hai bên bàn về Nghị định thư, nhưng Lê Đức Thọ không đồng ý, chỉ sẵn sàng gặp Kissinger vào ngày 4 tháng 12. 

Phía Mỹ phải đề nghị hoãn lại vì thực tế không thể tiếp tục được. Nghỉ một thời gian Mỹ hy vọng sẽ gây thêm áp lực với ta, làm việc với nguỵ Sài Gòn, tìm lối thoát, và để vận động thêm Liên Xô và Trung Quốc.

Kissinger viết: "Chúng ta cần có sự nghỉ ngơi dù chỉ là đế tránh bị lôi cuốn vào một tình thế bị bế tắc và để tìm thêm cách vận dụng sức ép thế nào".

Kissinger cũng cho rằng những nhân nhượng của Hà Nội là nhỏ bé và chưa phải là cuối cùng (H.Kissinger. Ở Nhà Trắng. Sđd, tr. 1482.).
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM