Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:12:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris  (Đọc 197650 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #320 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2009, 10:13:32 pm »

Đến đây thì sự vui mừng lộ rõ trên nét mặt của Kissinger cũng như của các thành viên trong đoàn Mỹ. Lê Đức Thọ nghỉ một lát rồi giới thiệu những điểm chính trong dự thảo Hiệp định:

Điều 1- Về các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, như vậy đề nghị của các ông với chúng tôi đã thoả thuận. Về vấn đề chính trị miền Nam, trước hết là việc tổng tuyển cử chỉ cần viết một câu ngắn:

“Nhân dân Nam Việt Nam tự quyết định chế độ chính trị của miền Nam Việt Nam qua bầu cử thật sự tự do và dân chủ”.

Sau này hai bên miền Nam Việt Nam sẽ bàn với nhau về bầu cử Tổng thống hay Quốc hội.

Về chính quyền ba thành phần... nếu chúng ta thoả thuận được về quyền lực và nhiệm vụ của nó thì chúng ta có thể tìm ra được công thức thích hợp về tên gọi của nó. 

Kissinger hỏi ngay:

- Tổ chức này bắt đầu làm việc từ lúc nào?

Lê Đức Thọ:

- Sau khi hai miền Nam Việt Nam thoả thuận với nhau thì mới thành lập ra tổ chức này và nó bắt đầu làm việc.

Về chức năng của tổ chức này ông Thọ nêu: chỉ đạo, đôn đốc và giám sát việc thi hành Hiệp định đồng thời giải quyết các vụ xung đột giữa hai bên.

Ta đòi tổ chức này có hệ thống đến tận xã.

Trong việc rút quân Mỹ, ta đề ra thời hạn sáu mươi ngày. Như vậy hai bên còn cách nhau mười lăm ngày. Lê Đức Thọ nói:

- Nếu thoả thuận thì đem mười lăm ngày chia đôi ra.

Kissinger hưởng ứng ngay: 

- Ông Cố vấn đặc biệt nghĩ đúng như tôi. Tôi có đề nghị đề ra sáu mươi bảy ngày rưỡi.

Lê Đức Thọ:

- Tôi chỉ nói sáu mươi ngày thôi. Đối với chúng tôi mấy ngày không quan trọng. Các ông đã ở lại đất nước chúng tôi trên mười năm mà chúng tôi vẫn đủ sức đối phó với các lực lượng của các ông thì có thêm bảy ngày nữa cũng không sao?

Ông Thọ nói tiếp sang vấn đề viện trợ quân sự: Cả hai bên không được viện trợ cho các bên ở miền Nam Việt Nam kể cả Chính phủ Cách mạng Lâm thời và Chính quyền Sài Gòn. Lê Đức Thọ cũng chấp nhận việc thay thế vũ khí mà phía Mỹ đề ra nhưng nhắc lại nguyên tắc công bằng và thêm: để vấn đề đó cho hai bên miền Nam Việt Nam thảo luận.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #321 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2009, 09:58:50 am »

Để đảm bảo ngừng bắn, dự thảo Hiệp định đề ra việc thành lập các ban liên hợp hai bên, bốn bên, bên cạnh Uỷ ban Quốc tế.

Lê Đức Thọ nhắc lại những nguyên tắc giải quyết vấn đề lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam là trên tinh thần hoà hợp dân tộc, tôn trọng lẫn nhau, không có sự can thiệp của nước ngoài, phù hợp với tình hình sau chiến tranh và giảm nhẹ sự đóng góp của nhân dân - ông nhấn mạnh:

- Chỉ ghi nguyên tắc như vậy thôi rồi các bên miền Nam Việt Nam sẽ bàn với nhau.

Riêng về trách nhiệm của Mỹ, dự thảo Hiệp định ghi Mỹ có trách nhiệm hàn gắn vết thương chiến tranh nhưng Lê Đức Thọ đề nghị ký Nghị định thư về việc này.

Cứ như vậy, ông Thọ giới thiệu các đề nghị về Uỷ ban Quốc tế về Hội nghị Quốc tế, và nhắc lại quan điểm của Việt Nam về Lào và Campuchia.

Khi Lê Đức Thọ dứt lời, Kissinger trân trọng:

- Thưa ông Cố vấn đặc biệt, thưa ông Bộ trưởng, trước hết tôi xin nói rằng tôi hoàn toàn chia sẻ những ý kiến mà ông Cố vấn đặc biệt vừa mới phát biểu. Hai nước chúng ta phải đi tới hoà bình, phải mở ra quan hệ giữa hai nước chúng ta. Mối quan hệ đó sẽ thay đổi tình hình đối địch giữa hai nước chúng ta trong nhiều năm qua. Căn cứ vào lời phát biểu và cách trình bày của ông Cố vấn đặc biệt, tôi nghĩ các ông đã mở một trang sử mới trong thương lượng và có khả năng chúng ta có thể giải quyết sớm.

Kissinger đề nghị tạm nghỉ và khi hai bên họp lại ông ta nói:

- Các ông đã trao cho chúng tôi một văn kiện hết sức quan trọng và rất cơ bản.

Tiếp đó ông đưa ra một lịch công tác:

- Hai ngày tới hoặc dài hơn, hoàn thành văn kiện. Ông ta sẽ về Washington xin ý kiến Tổng thống, sau đó Sài Gòn. Rồi từ Sài Gòn đi Hà Nội, qua Guam để hoàn tất và ký tắt Hiệp định. Ngày 22 tháng 10 là xong tất cả.

Lê Đức Thọ hỏi lại:

- Ngày 22 tháng 10 là xong tất cả, ký kết ở Paris?

Kissinger khẳng định:

- Trung tuần 22 tháng 10 là xong tất cả mọi thứ.

Ông ta còn nhắc lại và nói rõ ký Hiệp định ở Paris vào ngày 25 hoặc 26 tháng 10. Trước khi nghỉ họp ông nhắc lại một số vấn đề, đặc biệt là vấn đề ngừng bắn ở Lào và Campuchia, việc rút quân Việt Nam ở hai nơi này, danh sách các đơn vị miền Bắc đã vào miền Nam trong mùa xuân vừa qua.

Về cuộc gặp này, Kissinger viết trong Hồi ký của ông như sau:

“Hầu hết các đồng sự của tôi và tôi hiểu ngay tầm cỡ của những điều chúng tôi vừa nghe. Tôi yêu cầu ngừng phiên họp ngay. Lord (thành viên trong đoàn Mỹ), và tôi nắm tay nhau và tuyên bố. Chúng ta đã thành công! Tướng Haig, người đã từng chỉ huy ở miền Nam Việt Nam xúc động tuyên bố. Chúng ta đã cứu vớt danh dự cho bao người đã chiến đấu, đau khổ và hy sinh ở nơi đó. Tôi chưa bao giờ cảm động bằng buổi quá trưa mát mẻ của ngày chủ nhật mùa thu ấy. Chúng ta sẽ đạt được điều mà chúng ta tìm kiếm: một nền hoà bình phù hợp với danh dự và trách nhiệm quốc tế của chúng ta!” (H. Kissinger. Ở Nhà Trắng. Sđd, tr. 1402, 1403, 1404.)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #322 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2009, 09:59:46 am »

Dự thảo Hiệp định và cách đàm phán của Hiệp định đưa ra là rất thực tế và rất khách quan. Mỹ không thể không chấp nhận. Đúng như vậy. Kissinger phân tích có ba cách: bác bỏ về nguyên tắc kế hoạch của Lê Đức Thọ xem đó là không thích đáng; chấp nhận về nguyên tắc và thương lượng để cải tiến thêm; trì hoãn thời gian bằng cách sẽ về Washington tham khảo (H. Kissinger Sđd, tr. 1402, 1403, 1404.)

“Tôi nghĩ đến cái gì sẽ xảy ra nếu chúng ta bác bỏ đề nghị đó và nếu Hà Nội đưa nó ra công khai - một điều gần như chắc chắc (Thực tế họ đã làm như vậy cuối tháng 10 - Tác giả) - Rất dễ dàng đề hình dung ra cơn bão tố mà chúng ta gây ra khi bác bỏ không nhận những đề nghị đó của chính chúng ta mà nay Hà Nội đưa ra” (H. Kissinger: Ở Nhà Trắng Sđd, tr. 1402, 1403, 1404).

Và Kissinger quyết định tiến lên. Ông ta cho rằng Hà Nội đã đáp ứng mọi yêu cầu của Mỹ. Nhưng ông ta cũng viết thêm:

"Tất nhiên không có vấn đề Quân đội ở miền Bắc Việt Nam rút khỏi miền Nam Việt Nam. Nhưng bản thân chúng ta đã từ bỏ yêu sách đó trong đề nghị ngừng bắn từ ngày 7 tháng 10 năm 1970, trong kế hoạch bí mật bảy điểm ngày 31 tháng 5 năm 1971 và trong đề nghị công khai của Nixon ngày 25 tháng 1 năm 1972 và ngày 8 tháng 5 năm 1972... Mười năm chiến tranh và ba Chính quyền đã không làm được việc đó” (H.Kissinger: Ở Nhà Trắng Sđd tr: 1404)

Điều đó cũng đúng với phía ta đối với Chính quyền Thiệu. Phương ngôn ta có câu: "Đánh mà không được thì tha”. Điều đó đúng cho cả hai bên - nhưng hai bên còn ý đồ riêng.

Tuy nhiên, nếu như Mỹ phải từ bỏ yêu sách đòi quân miền Bắc rút khỏi miền Nam lúc đó, thì sau này theo đòi hỏi của Thiệu, Kissinger vẫn nhắc lại vấn đề này để đòi Việt Nam nhân nhượng ở các vấn đề khác.

Hôm đó, để bù lại cái vui mừng khôn xiết, cả đêm và sáng hôm sau đoàn Mỹ lăn lưng ra lao động để soạn một dự thảo Hiệp định của phía họ để hôm sau trao cho ta. Và cũng chưa xong. Họ đề nghị cuộc họp hôm sau hoãn đến mười sáu giờ, không họp từ mười bốn giờ như thoả thuận.

Về phía ta, tối hôm đó đoàn họp lại đánh giá, so sánh thời điểm của ta (ngày 15 tháng 10) và lịch phía Mỹ đưa ra, vẫn thấy có hai khả năng:

- Một là Mỹ đi vào giải quyết vào thời điểm 25 tháng 10;

- Hai là Mỹ kéo dài để vượt tuyển cử.

Nếu Mỹ thật sự muốn giải quyết thì đến ngày 25 mới ký cũng không có vấn đề gì - Nhưng họ âm mưu kéo dài để vượt tuyển cử thì phải ngăn ngừa trước. Nếu để ngày 25 tháng 10 ta mới chủ trương phá thì không kịp.
 
Chuẩn bị cho phiên họp sau, đoàn chủ trương:

Ta phấn đấu giữ thời điểm của ta, không nhận thời điểm của Mỹ. Sau hai, ba ngày tới nếu thấy họ thật sự đi vào giải quyết và chịu ký Hiệp định thì dù họ muốn kéo dài thêm dăm ba ngày ta cũng có thể nhận. 

Ta cần buộc họ là: Thời điểm thứ nhất: hai, ba ngày tới phải đạt thoả thuận cơ bản; thời điểm thứ hai: ký Hiệp định vào ngày 20 tháng 10. Còn việc Kissinger có vào Hà Nội hay không thì tuỳ ông ta. Dĩ nhiên nếu ông ta vào thì cũng có mặt lợi.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #323 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2009, 10:00:53 am »

Vào cuộc họp ngày 9 tháng 10, một lần nữa Kissinger nói rằng các văn kiện hôm qua của ta rất quan trọng và tin là có thể thoả thuận được. Ông ta đề nghị cần làm việc càng nhanh càng tốt, và đưa một lịch làm việc cụ thể hơn hôm trước:

- Ngày 11 tháng 10 năm 1972: hoàn thành Hiệp định, sau đó Kissinger về Washington. Bốn mươi tám giờ sau sẽ cho Việt Nam biết phản ứng của Nixon.

- Ngày 15 tháng 10, Kissinger đi Sài Gòn làm việc: 15, 16, 17 và 18 tháng 10.

- Chiều 18 tháng 10, Hoa Kỳ sẽ chấm dứt ném bom miền Bắc. .

- Ngày 19 tháng 10, Kissinger đi Hà Nội nếu Việt Nam đồng ý.

- Ngày 21 tháng 10, Kissinger trở về Washington.

- Ngày 22 hoặc 23 tháng 10... giờ Washington, công bố Hiệp định ở thủ đô của hai nước. 

- Ngày 25 hoặc 26 tháng 10: ký Hiệp định.

Theo đề xuất của Kissinger, hai bên trao đổi khá lâu về việc ông ta vào Hà Nội từ nội dung đến việc đi lại, kỹ thuật tiếp đón máy bay, v.v... Lúc đó qua sông Hồng phải đi cầu phao, nên có lúc Lê Đức Thọ nói đùa là “có khi phải nhảy dù!"

Qua trao đổi này, Kissinger muốn gây cho ta ấn tượng rằng việc Kissinger đến Hà Nội hôm đó là chắc chắn, là dứt khoát không có gì thay đổi nữa. Nhưng ông Thọ vẫn tỏ ra nghi ngờ.

Dự thảo Hiệp định mà Kissinger đưa ra hôm đó dựa vào dự thảo của ta, có chương lấy nguyên cách viết của ta như Lời mở đầu và một số điều khoản khác, nhưng sắp xếp lại, đảo trật tự các chương; cũng có chương Mỹ bỏ hẳn như vấn đề trách nhiệm của Mỹ trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh.

Qua dự thảo, Mỹ chấp nhận các vấn đề sau đây:

- Mỹ cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam: hoà bình, độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ - nhưng đưa xuống Chương IV.

- Ngừng bắn tại chỗ, rút quân Mỹ và đồng minh trong sáu mươi ngày, chấp nhận miệng sẽ chuyển các tàu sân bay ra khỏi hải phận Việt Nam 300 dặm như ông Thọ yêu cầu.

- Không dính líu quân sự vào miền Nam - nhưng tiếp tục viện trợ quân sự cho Chính quyền Sài Gòn - vấn đề thay thế vũ khí và dụng cụ chiến tranh hao mòn và bị phá huỷ.

- Chấp nhận về nguyên tắc, trao trả những người bị bắt.

- Chấp nhận tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, bảo đảm tự do, dân chủ, hoà hợp dân tộc.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #324 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2009, 10:01:37 am »

Họ cũng chấp nhận chức năng của Ban liên hợp quân sự hai bên và bốn bên.

Về chính trị họ chấp nhận chức năng của Uỷ ban hoà giải dân tộc gần như chức năng Chính quyền hoà hợp dân tộc của ta nhưng không dùng danh từ “đôn đốc" các bên thi hành Hiệp định sẽ ký. 

Tuy vậy, phía Mỹ giữ đòi hỏi cao ở nhiều vấn đề:

- Đòi ngừng bắn là vô thời hạn và độc lập với các điều khoản khác - đòi được thay thế các loại vũ khí đã dùng hết, và bị phá huỷ. Mỹ vẫn gắn viện trợ quân sự cho Chính quyền Sài Gòn với việc miền Bắc nhận viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa.

- Đối với việc rút quân miền Bắc khỏi miền Nam, Mỹ đòi các bên trao bản kê nơi bố trí lực lượng để biết không có đơn vị nào của miền Bắc đưa vào sau ngày 25 tháng 3 năm 1972 còn ở lại trong đó. Mỹ còn bỏ Uỷ ban hoà giải dân tộc cấp dưới, không nói đến tuyển cử địa phương.

- Vấn đề thâm nhập qua Lào và Campuchia là một trong những vấn đề mà Kissinger bám rất lâu vẫn đòi các bên không dùng lãnh thổ Lào và Campuchia để xâm phạm chủ quyền và an ninh của các nước khác, đòi rút quân đội và nhân viên quân sự nước ngoài ra khỏi các nước Đông Dương, các bên dùng ảnh hưởng tối đa của mình để ảnh hưởng đến nội bộ các nước Lào và Campuchia được giải quyết cùng một thời gian với việc hiệp thương giữa các bên Việt Nam bốn tháng.

Khi trình bày, Kissinger còn nhấn mạnh: điều 15 (của Việt Nam) chúng tôi chấp nhận gần hết, nhưng có bổ sung; điều 17 chúng tôi chấp nhận cũng gần hết; điều 18 chúng tôi chấp nhận từng chữ một, chỉ thay một danh từ và phần sau; điều 19 chúng tôi chấp nhận hoàn toàn...

Trong trao đổi, Kissinger lại nhắc lại con đường mòn Hồ Chí Minh, và Lê Đức Thọ nói:

- “Một ngày nào đó sau chiến tranh tôi sẽ đưa ông đi thăm đường Hồ Chí Minh, nhưng chỉ sợ ông không đủ sức để trèo đèo".

Riêng vấn đề trao trả những người bị bắt, Mỹ vẫn dùng từ thường dân vô tội - và đề nghị hai bên Nam Việt Nam giải quyết với nhau. Đây là một vấn đề kéo dài mãi sau này.

Về Uỷ ban Quốc tế, Mỹ vẫn đòi có năm nước - ý nói bốn nước do hai bên thoả thuận, còn nước thứ năm thì do Tổng thư ký Liên Hợp Quốc chỉ định - và ông ta đề nghị luôn Nhật và Inđônêxia vào Uỷ ban Quốc tế. 

Hai bên hẹn gặp nhau vào mười giờ sáng hôm sau. Nhưng đến hai mươi hai giờ hôm đó (tức bốn giờ sau khi nghỉ), phía Mỹ lại gửi ngay cho ta một công hàm, nhân danh Tổng thống Mỹ đòi ghi phát biểu của Lê Đức Thọ hôm 8 tháng 10 rằng "ngừng bắn là vô thời hạn và độc lập với bất cứ điều khoản nào”, đòi giám sát các đường thâm nhập - bản kê việc bố trí lực lượng - và tuyên bố Mỹ sẽ ngừng ném bom miền Bắc trước khi ký Hiệp định nếu ta thả một số tù binh Hoa Kỳ cho nhà cầm quyền Hoa Kỳ một tuần sau khi ký.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #325 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2009, 10:03:01 am »

Thoả thuận về cơ bản

Cuộc họp hôm sau hai bên bàn từng điều khoản cụ thể. Lê Đức Thọ mở đầu bằng việc phê phán Mỹ đã xuyên tạc phát biểu của ta và nhắc lại rằng: Tôi chỉ nói rằng ngừng bắn là vĩnh viễn. - ông cũng lưu ý Kissinger là công hàm đó đã gây thêm phức tạp cho vấn đề. Ông cũng đòi hai bên thoả thuận ở đây là xong, không thể Kissinger về Washington, đi Sài Gòn rồi lại thay đổi, và như vậy sẽ đi vào bế tắc. Và nếu có sửa đổi thì chỉ vì kỹ thuật thôi, không thể sửa về nguyên tắc được.

Ông Thọ hỏi:

- Có phải các ông định ép chúng tôi hơn nữa không?

Kissinger nêu lại là phía Việt Nam đã cố gắng nhiều nhưng phía Mỹ còn phải thuyết phục người khác, nhất là trong việc thi hành Hiệp định. Hiệp định phải thoả đáng cho cả hai bên. Kissinger cũng đồng ý với Lê Đức Thọ rằng làm việc xong sẽ không thay đổi gì về nội dung và nguyên tắc nữa. Làm việc xong ở đây thì có thể xem như đã hoàn thành rồi. Còn đối với Sài Gòn, Mỹ sẽ lo. Ông Thọ nhắc lại quá khứ rằng ta rất tôn trọng các Hiệp định đã ký và việc thi hành Hiệp định phải do hai bên. Kissinger đồng ý.

Đi vào từng chương một - Lê Đức Thọ đòi “Hoa Kỳ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam" phải đặt trong Chương đầu tiên vì đó là nguyên tắc, là yêu cầu cơ bản của nhân dân Việt Nam, sẽ làm cho hố ngăn cách giữa hai bên giảm bớt và chứng tỏ quan hệ hai nước bước qua giai đoạn mới - cuộc trao đổi đi đến hai bên đồng ý như vậy.

Sang các vấn đề quân sự, ông Thọ nói:

- Qua đề nghị của các ông, chúng tôi thấy có những điểm xây dựng và thoả thuận với chúng tôi, nhưng có nhiều vấn đề các ông không chặt chẽ với các ông nhưng lại chặt chẽ đối với chúng tôi. Như vậy là chưa hợp lý.

Để thúc đẩy nhanh chóng cuộc thảo luận, Lê Đức Thọ chấp nhận sửa đổi của Kissinger nói Hoa Kỳ cam kết chấm dứt chiến tranh, chấm dứt dính líu quân sự (điều 2) chỉ bỏ đi mấy chữ “khi hoàn thành việc rút quân”. Ta cũng chấp nhận vấn đề thay thế vũ khí Mỹ đưa ra nhưng giữ nguyên tắc bình đẳng ngang nhau giữa hai bên miền Nam Việt Nam.

Về việc rút quân, ông Thọ bác bỏ việc trao đổi bản kê khai sự bố trí lực lượng của hai bên nhằm thẩm tra và kiểm soát. Việc này Kissinger muốn nói đến lực lượng miền Bắc nhưng tránh chữ Bắc Việt Nam.

Lê Đức Thọ nhắc lại:

- Đây là vấn đề nguyên tắc đối với chúng tôi mà tôi đã phát biểu với ông trên bốn năm nay, cho nên tôi không thể chấp nhận câu này được. Cách đặt vấn đề như vậy không đúng và chỉ nhằm vào một phía trong khi các ông xây dựng Quân đội Nam Việt Nam lên hàng mười mấy sư đoàn và vẫn để nguyên như vậy

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #326 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2009, 10:04:03 am »

Ông Thọ đề nghị:

- Để giải quyết triệt để chiến tranh, tránh xung đột, các bên Nam Việt Nam giảm quân số và phục viên.

Kissinger hỏi kỹ về vấn đề này. Ông ta nói:

- Tuy không cần phải ghi một điều khoản trong Hiệp định, nhưng muốn có một sự di chuyển đơn phương nào của quân đội của các ông như là ông Thống đốc Harriman cho rằng năm 1968 các ông đã có sự di chuyển đơn phương như vậy.

Về vấn đề chính trị, Lê Đức Thọ đồng ý bổ sung "thời gian thống nhất Việt Nam do hai miền thoả thuận" và từ bỏ việc đòi lập Chính quyền hoà hợp dân tộc sang vấn đề "lập một Chính quyền lấy tên là Hội đồng tối cao hoà hợp dân tộc". Đồng ý đưa vấn đề trách nhiệm của Hoa Kỳ trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh vào Chương Quan hệ giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Hoa Kỳ .

Phía Mỹ cũng đáp ứng một số đề nghị của ta, như Chương I nói ở trên, bỏ việc kê khai bố trí lực lượng nhưng đòi có sự di chuyển đơn phương nào đó của Việt Nam như đã nói ở trên.

Nhưng Kissinger nhấn mạnh nhiều đến việc kiểm soát con đường thâm nhập qua Lào, đồng ý rằng vấn đề ngừng bắn. Ở Lào không ghi vào Hiệp định về Việt Nam - nhưng đòi có sự hiểu biết rằng "hai bên làm hết sức mình để cuộc đàm phán ở Lào kết thúc thành công đồng thời với việc ký Hiệp định về Việt Nam".

Đặc biệt về vấn đề trao trả người bị bắt, cụ thể là vấn đề tù chính trị, Mỹ nêu ra một vấn đề mới ghi thành một điều khoản mới, điều 8 (c) mà sau này còn nói nhiều. Ý đồ của Mỹ - Nguỵ là muốn giữ lại một số cán bộ dân sự - cùng một thời hạn với việc hoàn thành việc rút quân Mỹ, thì Kissinger tách vấn đề tù dân sự ra nói rằng “các nhân viên Việt Nam khác sẽ do các bên Nam Việt Nam giải quyết". 

Còn trách nhiệm của Mỹ trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, Kissinger không cam kết gì.

Phía ta dùng thời gian biểu do Kissinger đưa ra để ép Mỹ, và phía Mỹ cũng dùng thời hạn tuyển cử ở Mỹ để đòi ta nhân nhượng. Họ hiểu ta muốn giải quyết trước ngày tuyến cử ở Mỹ: 7 tháng 11.

Về vấn đề này, Kissinger có lúc nói "Tôi đề nghị cứ giữ đúng thời điểm cũ", có lúc lại nói "Về phương diện chúng tôi thì chúng tôi có lợi hơn nếu chờ đợi sau bầu cử rồi mới ký”, có lúc lại nói “Nên chăng chúng ta lui thời điểm vài ngày về sau để nghiên cứu các vấn đề một cách kỹ lưỡng".

Lê Đức Thọ:

- Cái đó tuỳ ông. Mới hôm qua chúng ta đã đồng ý với nhau về thời điểm mà hôm nay ông lại đề nghị thời điểm khác. Vừa thoả thuận xong thì đã lại thay đổi rồi. Như vậy đâu có phải nghiêm chỉnh để giải quyết. 

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #327 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2009, 10:04:59 am »

Sau khi nghỉ giải lao, Kissinger nêu lên ba khả năng:

- Một là hai bên thoả thuận được với nhau và ông ta có thể bảo đảm chắc chắn là Washington chấp nhận.

- Hai là hai bên thoả thuận được với nhau nhưng phải sau bốn mươi tám giờ mới biết Washington có chấp nhận không

- Ba là chúng ta không đạt được thoả thuận gì.

Lê Đức Thọ chỉ nói có hai khả năng: hoặc là thoả thuận được với nhau, hai là không. Còn khả năng bốn mươi tám giờ nữa thì không có vì Kissinger có thể nói chuyện với Washington bất kỳ lúc nào.

Kết thúc buổi họp hôm đó Mỹ lại nhắc lại vấn đề Lào, còn ông Thọ nói về vấn đề dân thường bị bắt:

- Đây không phải là mục quan trọng nhưng trong bao năm nay, nhiều cán bộ nhân viên của Chính phủ Cách mạng Lâm thời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng bị Chính quyền Sài Gòn bắt giam giữ. Đó là một điều đau khổ của những người bị giam giữ trong chiến tranh. Bây giờ chiến tranh đã chấm dứt mà họ còn bị giam giữ thì ông thử nghĩ xem lương tâm của chúng tôi sẽ như thế nào. Cho nên một khi đã ngừng bắn thì phải thả tất cả những người đó ra. Hiệp định Genêve năm 1954 và 1962 về Lào cũng đã làm như vậy. 

Hai bên tiếp tục làm việc hôm sau, 11 tháng 10 năm 1972 một cuộc họp dài nhất trong các cuộc gặp riêng, kéo dài mười sáu giờ liền từ chín giờ ba mươi ngày 11 tháng 10 đến hai giờ sáng ngày hôm sau.

Cuộc họp hôm trước đã giải quyết được nhiều vấn đề lớn. Chiều hướng của Kissinger tỏ ra cũng muốn giải quyết. Còn lại hai vấn đề lớn: vấn đề Lào và bồi thường chiến tranh. Lúc này cuộc nói chuyện giữa hai phái ở Lào cũng đã tiến triển tốt. Qua trao đổi với ta các bạn Lào đồng ý xúc tiến nhanh hơn cuộc nói chuyện ở Viêg Chăn để có thể thực hiện việc ngừng bắn ở Lào cùng một lúc với ngừng bắn ở Việt Nam.

Lê Đức Thọ chủ động nói ngay:

- Đối chiếu những lời phát biểu của ông Cố vấn với bản dự thảo của chúng tôi, chúng tôi thấy chúng ta đã đạt được nhiều điểm quan trọng. Nhưng còn hai vấn đề lớn tồn tại giữa chúng tôi và các ông. Chúng tôi rất quan tâm đến việc Mỹ có trách nhiệm hàn gắn vết thương chiến tranh. Đó là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong Hiệp định của chúng tôi. Đồng thời ông Cố vấn quan tâm đến một vấn đề lớn, tức là vấn đề Lào. Nếu ông Cố vấn giải quyết một cách thoả đáng về vấn đề hàn gắn vết thương chiến tranh thì chúng tôi cũng có sự hiểu biết về vấn đề Lào. Một khi ở Việt Nam đã ngừng bắn mà ở Lào còn chiến tranh thì các ông e ngại rằng chúng tôi sẽ dùng con đường Hồ Chí Minh để thâm nhập vào Lào và Campuchia và tiếp tế cho lực lượng ở miền Nam Việt Nam và những cái mà các ông gọi là chiến khu ở Lào và Campuchia.

Kissinger:

- Đúng như vậy.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #328 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2009, 10:05:46 am »

Lê Đức Thọ:

- Nhưng các ông cũng hiểu đúng mối quan tâm của chúng tôi, vì miền Bắc của chúng tôi bị hai cuộc chiến tranh tàn phá thiệt hại lớn lắm. Vì vậy, việc hàn gắn vết thương chiến tranh ở miền Bắc không những là trách nhiệm của Mỹ mà còn để mở ra một thời đại mới trong quan hệ giữa hai nước. Điều đó không những lợi cho chúng tôi mà còn lợi cho các ông nữa.

Kissinger khen Lê Đức Thọ đã hiểu rõ mối quan tâm của Mỹ và ông tỏ ra quan tâm đến yêu cầu của ông Thọ. Ông đồng ý về nguyên tắc có sự đóng góp của Mỹ trong một chương trình ba năm... với số tiền 1,5 tỷ đô la, trong đó 600 triệu dành cho Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Kissinger đề ra việc lập Ban Liên hợp để xây dựng kinh tế miền Bắc Việt Nam, cho đó là một sự bảo đảm tốt hơn là việc kiểm soát con đường Hồ Chí Minh. Ông nhấn mạnh:

- “Có một Ban Liên hợp như vậy chúng ta đã đạt được một nền hoà bình thật sự”.

Nhưng trong dự thảo đưa cho ta hôm đó, phía Mỹ chỉ ghi mập mờ "thi hành chính sách truyền thông của mình, Hoa Kỳ sẽ góp phần vào hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng lại sau chiến tranh ở Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Đông Dương”.

Lê Đức Thọ tiếp tục nhấn mạnh mối quan tâm của ta về vấn đề này.

Kissinger nói thêm:

- Khi tôi hứa với các ông thì tôi sẽ giữ. Chúng tôi sẽ làm việc này nhanh chóng và kiên quyết để cải thiện quan hệ hai nước, nhưng để khi sang Hà Nội hai bên sẽ ra một tuyên bố về ý định. Chúng ta sẽ giữ bí mật, đầu năm sau chúng ta sẽ có thể công bố một Hiệp định chính thức giữa hai nước.

Lê Đức Thọ chủ động sang vấn đề Lào và Campuchia:

- Khách quan mà nói, vấn đề Campuchia khác với vấn đề Lào, cho nên giải quyết vấn đề Việt Nam và Lào trước vấn đề Campuchia. Cách giải quyết vấn đề đó chúng tôi tôn trọng nguyên tắc quyền dân tộc của họ. Chúng tôi sẽ bàn với đồng minh của chúng tôi ở Lào để thúc đẩy cuộc thương lượng hiện nay ở Lào đi tới kết quả. Sau khi ngừng bắn ở Việt Nam thì có thể trong vòng một tháng các lực lượng nước ngoài sẽ rút khỏi Lào, không được đưa lại quân đội, vũ khí, dụng cụ chiến tranh, không phải chỉ chúng tôi mà cả các ông nữa. Chúng ta sẽ có hiểu biết với nhau như vậy mà không ghi vào Hiệp định. Chúng tôi sẽ có một bản ghi nhận đưa cho các ông và không ghi vào Hiệp định. 

Kissinger tóm tắt ý kiến của Lê Đức Thọ và hỏi:

- Lực lượng Trung Quốc có rút không?

- Chúng tôi không làm được việc đó và các ông cũng không làm được.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #329 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2009, 10:06:41 am »

Kissinger nói Lê Đức Thọ chưa quan tâm tới mối quan ngại thứ hai của ông ta là vấn đề Campuchia:

- Tôi tin là các ông cũng có khó khăn hơn về chính trị đối với Campuchia hơn là vấn đề Lào vì những người bạn của các ông đặt nơi cư trú ở Bắc Kinh. Như vậy thì tình hình phức tạp hơn. Tôi hiểu các ông.

Nhưng ông ta vẫn nói:

- Nếu không ngăn cản, các ông cứ dùng căn cứ của các ông ở Campuchia sẽ không hạn chế được viện trợ quân sự cho lực lượng quân sự của các ông ở Campuchia. Phía Mỹ đòi có sự hiểu biết rằng các lực lượng Việt Nam ở Campuchia sẽ không mở các cuộc hành quân tấn công Campuchia. Như vậy thì Mỹ sẽ dùng ảnh hưởng của mình để bảo đảm không có cuộc tấn công nào vào lực lượng Việt Nam ở Campuchia.

Lê Đức Thọ nhắc lại sự phức tạp của tình hình Campuchia, nêu rõ hiện nay chưa có đàm phán gì ở đây nên không thể giải quyết vấn đề Campuchia như vấn đề Lào được. Kissinger đành chấp nhận như vậy.

Ta đưa văn bản về Lào, nhưng Kissinger lại ghi cả vấn đề Campuchia vào như sau:

“Sau khi ngừng bắn đã được thực hiện ở Việt Nam sẽ không đưa thêm nhân viên quân sự và dụng cụ chiến tranh vào Lào và Campuchia. Hai là cuộc ngừng bắn ở Lào sẽ được thực hiện trong vòng một tháng sau cuộc ngừng bắn ở Việt Nam. Sau đó quân đội nước ngoài sẽ rút khỏi Lào càng sớm càng tốt".

Kissinger hỏi lại Lê Đức Thọ:

- Như thế có đúng không?

Lê Đức Thọ:

- Ở đây có hai vấn đề phải phân biệt. Vấn đề Lào chúng tôi sẽ ghi rõ cho các ông như vậy. Vấn đề Campuchia chúng ta hiểu nhau thôi vì vấn đề Campuchia phức tạp lắm.

Kissinger.

- Đúng như vậy.

Sau khi thoả thuận được hai vấn đề trên, hai đoàn đi vào thảo luận từng điểm một, không những về nội dung và nguyên tắc mà cả câu chữ, danh từ. Trong vấn đề ngừng bắn tuy hai bên nhất trí là ngừng bắn tại chỗ, nhưng ta ghi rằng các lực lượng vũ trang hai bên sẽ ở nguyên vị trí trong vùng do mình kiếm soát. Kissinger tỏ ra không chấp nhận có vùng kiểm soát. Ông ta hỏi không biết quân đội ta đóng ở đâu, Chính phủ Cách mạng Lâm thời đóng trụ sở ở chỗ nào. Xuân Thuỷ nói rõ ba vùng: vùng do Chính phủ Cách mạng Lâm thời kiểm soát - vùng do Chính quyền Sài Gòn kiểm soát, còn một vùng tranh chấp. Kissinger chấp nhận. Nhưng ngay hôm đó, ông ta điện cho đại sứ Mỹ Bunker ở Sài Gòn “yêu cầu Thiệu phải nỗ lực đến mức cao nhất để lấn chiếm thêm đất đai của Chính phủ Cách mạng Lâm thời càng nhiều càng tốt” (H. Kissinger. Ở Nhà Trắng. Sdd, tr. 1414)

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM