Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:31:51 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris  (Đọc 197663 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #300 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 12:55:49 pm »

Tóm lại, trong ba cuộc gặp riêng đó, ta đã từng bước vững vàng chủ động tấn công, giữ nguyên tắc của ta và có sách lược mềm dẻo. Mỹ còn ngoan cố và lắm thủ đoạn mánh lới. Hai bên đều vào trận, vừa thăm dò nhau vừa giữ miếng, bên này đưa ra điểm này thì bên kia đưa ra điểm kia, cả hai bên đều bảo vệ gay gắt những điểm mình đưa ra. Nhưng cả hai bên đều đi dần tập trung vào vấn đề chính trị.

Về ý đồ của Mỹ và khả năng phát triển tình hình, Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ đều cho rằng chiều hướng chính của Nixon không phải là chỉ muốn vượt tuyển cử mà không giải quyết vấn đề. Thật ra Nixon chuẩn bị cả hai tay, vừa muốn giải quyết vấn đề Việt Nam có lợi cho ông ta để bảo đảm chắc chắn thắng cử; vừa chuẩn bị khả năng vượt tuyển cử mà không giải quyết vấn đề Việt Nam. Hai ông đề nghị với Hà Nội:

“Xuất phát từ tình hình nhận định địch - ta, và nhận định qua ba cuộc gặp riêng, chúng tôi thấy: Một mặt Mỹ muốn giải quyết vấn đề với ta nhưng trên thế mạnh với một giải pháp có lợi cho Mỹ, mặc khác Mỹ cũng đề phòng không giải quyết vấn đề với ta thì Mỹ có kế hoạch để vượt tuyển cử. Cho nên có hai khả năng:

a) Có thể giải quyết vấn đề Việt Nam, do so sánh lực lượng, do chỗ yếu mạnh giữa hai bên ta có khả năng với con bài phải chăng buộc Mỹ giải quyết.

Cũng có khả năng do Mỹ chủ quan đánh giá ta yếu, cho là có thể lừa bịp được dư luận để thắng cử được nên họ ngoan cố chưa giải quyết trước tuyển cử ở Mỹ. Như vậy giải quyết phải để sau tuyển cử.

Trong khả năng giải quyết được vấn đề trước tuyển cử ở Mỹ thì tình hình sẽ diễn biến khá phức tạp. Có thể.

* Tình hình miền Nam sẽ ở trong trạng thái hoà bình nhùng nhằng kéo dài, cuộc đấu tranh chính trị sẽ rất gay gắt giữa hai bên.

* Nhưng cũng có khả năng sau một thời gian chiến tranh lại tái diễn.

b) Trong khả năng không giải quyết được vấn đề, có thể là Nixon không trúng cử mà Mc Govern thắng cử do đó sẽ tạo một phần điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết nhưng ta cũng không nên ảo tưởng nhiều vào Mc Govern.

Nixon trúng cử, tình hình sẽ khá phức tạp cho ta”

Về âm mưu của Mỹ trong đàm phán, hai ông nhận định:

“1- Âm mưu cơ bản của Mỹ là muốn rút khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam nhưng cố gắng duy trì Chính quyền Sài Gòn. Tuy họ thấy không thể duy trì nguyên như trước họ vẫn tìm cách duy trì ngụy quyền trong ưu thế đối với các lực lượng cách mạng miền Nam.

2- Mỹ đồng ý giải quyết với ta về cả chính trị và quân sự, nhưng chia làm hai bước.

Bước một - Mỹ và miền Bắc giải quyết cụ thể vấn đề quân sự và một số nguyên tắc về chính trị - Sau đó sẽ ngừng bắn (trước tuyển cử ở Mỹ).

Bước hai - Vấn đề chính trị cụ thể sẽ do người Việt Nam bàn và giải quyết với nhau. Chính phủ Cách mạng Lâm thời nói chuyện với Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Thời gian giải quyết sẽ kéo dài sau tuyển cử ở Mỹ. Nguyễn Văn Thiệu sẽ từ chức sau khi người Việt Nam đạt được một giải pháp. Mỹ không chịu để Thiệu từ chức ngay sau khi có ngừng bắn ở bước một.

Đây là âm mưu Mỹ trong đàm phán, nếu họ thực hiện được thì họ sẽ chuẩn bị vượt tuyển cử mà không giải quyết gì. Trong trường hợp này họ sẽ công bố công khai những đề nghị hoà bình của họ, đồng thời trên chiến trường có thể ngừng ném bom miền Bắc và có những thủ đoạn để lừa bịp dư luận, đổ trách nhiệm cho ta.

Đế thực hiện âm mưu của họ trong đàm phán, từ nay đến khi rõ là giải quyết được hay không giải quyết được họ sẽ tăng cường đánh mạnh ở hai miền Nam và Bắc Việt Nam và dùng nhiều thủ đoạn mánh khoé chính trị tuyên truyền lợi dụng các cuộc gặp riêng để làm áp lực trong đàm phán”.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #301 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 12:56:41 pm »

Những nhận định trên đây hừng hực hơi nóng của cuộc đấu tranh căng thẳng phức tạp với Kissinger, được Hà Nội đánh giá cao.

Ba cuộc gặp riêng này diễn ra trong bối cảnh phía Việt Nam còn khó khăn, nhưng cơ bản là thuận lợi. Cuộc tấn công Xuân - Hè 1972 của ta đã giành được những thắng lợi chiến lược to lớn làm cho kế hoạch Việt Nam hoá chiến tranh của Nixon thất bại một bước có ý nghĩa chiến lược và tạo một cục diện mới chưa từng có cho cuộc đấu tranh cứu nước của nhân dân ta trong thế chiến lược chung rất thuận lợi của ba nước Đông Dương. Tuy vậy, lực lượng so sánh giữa ta và địch ở miền Nam còn ngang nhau và chưa áp đảo được địch.

Mỹ hy vọng rằng những hoạt động ngoại giao của Mỹ hoà hoãn với Liên Xô, Trung Quốc và việc tiến hành chiến tranh bằng không quân với quy mô lớn và phong toả bờ biển miền Bắc sẽ làm cho không thể kéo dài được cuộc tấn công với quy mô lớn ở miền Nam quá ba tháng (4-5-6) và ép ta đàm phán theo điều kiện của Mỹ. Mỹ hy vọng với sự tham chiến của không quân Mỹ, quân Nguỵ có thể thực hiện từ tháng 7 kế hoạch tái chiếm những vùng bị mất (Kế hoạch đánh chiếm Quảng Trị gắn liền với cuộc gặp riêng).

Cuộc bầu cử ở Mỹ bước vào giai đoạn sôi nổi. Vấn đề chiến tranh ở Việt Nam đã trở thành vấn đề số một trong tuyển cử ở Mỹ. Tuy vậy trong tháng 7 và tháng 8 mới diễn ra cuộc đấu tranh nội bộ của mỗi đảng. Đó là thời gian Đại hội của hai đảng. Cuộc tranh cử quyết liệt nhất trong hai tháng 7 và 8 chưa thật cấp bách với Nixon.

Chính do thế mạnh chưa từng có của Việt Nam trong đàm phán, mà Nixon buộc phải giải quyết chiến tranh mới có thể thắng cử nhưng ông ta còn ảo tưởng có thể tạo sức mạnh trong đàm phán nên còn ngoan cố. Trong ba cuộc gặp riêng vừa qua cả Việt Nam và Mỹ tỏ ra thiện chí và thăm dò nhau là chủ yếu, lập trường cơ bản của hai bên là chưa thay đổi.

Mỹ mới tỏ ra mềm dẻo về hai điểm trong lập trường về giải pháp: thừa nhận trên văn bản ngừng bắn tại chỗ, cộng với ý trong phát biểu thêm: sự tồn tại của hai cơ cấu Chính quyền, hai Quân đội hai lực lượng chính trị rưỡi (lực lượng Mặt trận Dân tộc Giải phóng - lực lượng Nguỵ + nửa lực lượng thứ ba).

Triển vọng có thể như thế nào?

1- Nixon cho rằng Việt Nam bị suy yếu vì chiến tranh huỷ diệt của Mỹ ở hai miền và miền Bắc bị phong toả không đánh lớn được nữa và không thể đánh đổ ngụy quyền trước bầu cử ở Mỹ, còn ảo tưởng sự cải thiện quan hệ với Liên Xô, Trung Quốc gây khó khăn cho Việt Nam và hạn chế khả năng đánh lớn lâu dài của Việt Nam, còn hy vọng dùng thủ đoạn lừa bịp xoa dịu được nhân dân Mỹ. Mặt khác vấn đề giữ Nguỵ là vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với vấn đề thực hiện học thuyết Nixon trên thế giới. Có thể Nixon nghĩ rằng Việt Nam không muốn giải quyết với ông ta mà muốn tranh thủ Mc Govern để đánh đổ ông hoặc Việt Nam tiếp tục chiến đấu để đạt mục tiêu cao hơn.

Sự phát triển của tình hình tuỳ thuộc chủ yếu ở miền Nam ta thắng lớn, miền Bắc đứng vững và một phần rất quan trọng là do cuộc đấu tranh bầu cử sắp tới ở Mỹ. Vào cuối tháng 9 và đẩu tháng 10 mới thấy chiều hướng nào là chính.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #302 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2009, 11:10:09 pm »

2- Trong hoàn cảnh đó, Hà Nội chủ trương:

a) Đẩy mạnh đấu tranh trên ba mặt trận, tranh thủ giải quyết vấn đề với Nixon trước ngày bầu cử ở Mỹ đồng thời tích cực đề phòng khả năng tiếp tục chiến đấu trong những năm sau 1972.

b) Trong đấu tranh công khai vẫn là bảy điểm và hai vấn đề then chốt và trong tiếp xúc riêng vẫn là mười điểm ngày 1 tháng 8 vừa qua. Lập trường nguyên tắc giải quyết vấn đề Việt Nam là:

- Mỹ chấm dứt hoàn toàn và vĩnh viễn mọi dính líu quân sự của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Mỹ tiến hành mười năm qua một cuộc chiến tranh xâm lược hao người tốn của mà phải chấm dứt hoàn toàn và vĩnh viễn dính líu quân sự của Mỹ ở miền Nam Việt Nam thì đó là một thất bại to lớn của Mỹ, một thắng lợi rất to lớn của ta và của nhân dân thế giới...

- Giữ vững lực lượng chính trị và quân sự, giữ vững địa bàn của ta ở miền Nam Việt Nam là tạo điều kiện phát triển lực lượng của ta, làm suy yếu lực lượng chính trị và quân sự của Ngụy, lập được một Chính quyền ở miền Nam Việt Nam gồm ba thành phần và đảm bảo có quyền tự do dân chủ của nhân dân. Đó là yếu tố bên trong quyết định sự phát triển của cách mạng miền Nam.

- Mỹ bồi thường chiến tranh để xây dựng lại miền Bắc có ý nghĩa rất to lớn.

c) Phát huy tác động chủ quan của ta để vừa kéo vừa ép Nixon đi vào giải quyết với ta. Đồng thời ta cần ngăn chặn Nixon vượt tuyển cử để làm tăng khả năng giải quyết trước bầu cử. Nếu Nixon còn ảo tưởng vượt được tuyển cử mà không giải quyết thì khả nàng giải quyết trước tuyển cử càng ít, ta cần tập trung đấu tranh làm cho Nixon khó khăn thêm, thậm chí thất bại trong tuyển cử. 

d) Trong cuộc đấu tranh, ta dựa vào sức mạnh của mình là chính nhưng ta rất coi trọng lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ Mỹ. Đó là vấn đề có ý nghĩa chiến lược. Mâu thuẫn trong tập đoàn thống trị Mỹ biểu lộ gay gắt nhất trong bầu cử là vấn đề Việt Nam. Ta đàm phán giải quyết với Nixon nhưng đến khi thấy không có khả năng giải quyết với Nixon thì phải ủng hộ phe đối lập trong việc làm cho Nixon thất bại. Tuy vậy cần làm cho nhân dân ta không có ảo tưởng vào tuyển cử ở Mỹ.

e) Trong giai đoạn đấu tranh quyết liệt và có ý nghĩa quyết định này cần tích cực tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới đoàn kết, giúp đỡ Việt Nam.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #303 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2009, 11:11:03 pm »

Kissinger: Chấm dứt trước 15 tháng 10

Cuối tháng 8 và đầu tháng 9 năm đó, để làm tăng khả năng giải quyết với Nixon trước tuyển cử ở Mỹ, Hà Nội một mặt chuẩn bị phương án mềm dẻo trong cuộc gặp tới, mặt khác đẩy mạnh công tác đấu tranh trên dư luận. Báo chí ở miền Bắc - và Đài Hà Nội cùng Đài phát thanh Giải phóng liên tục phê phán thái độ ngoan cố của Nixon kéo dài chiến tranh không muốn giải quyết bằng thương lượng. Tất nhiên đây còn nhằm chống lại âm mưu của ông ta vượt tuyển cử mà không giải quyết.

Ngày 11 tháng 9, Chính phủ Cách mạng Lâm thời ra tuyên bố tố cáo Mỹ tiếp tục đẩy mạnh "Việt Nam hoá chiến tranh " ở miền Nam và đánh phá dã man miền Bắc, tố cáo Chính quyền Thiệu hiếu chiến, đồng thời khẳng định ở miền Nam có hai Chính quyền, hai Quân đội, ba lực lượng chính trị, và đòi lập một Chính phủ hoà hợp dân tộc ba thành phần.

Cùng ngày, Lê Đức Thọ sau một thời gian về Hà Nội cũng đã đến Paris và lên án Mỹ tiếp tục chiến tranh xâm lược Việt Nam và tỏ thiện chí của ta.

Trong thời gian này Hà Nội cũng tiếp đặc phái viên của ửng cử viên Tổng thống Mc Govern, và nhân dịp Quốc khánh mồng 2 tháng 9, ta thả ba tù binh cho phong trào chống chiến tranh ở Mỹ. Dư luận lại tăng sức ép đối với Nixon.

Ngày 29 tháng 8, Nhà Trắng lại tuyên bố rút thêm 12.000 quân nữa khỏi miền Nam. Như vậy, đến cuối năm đó quân Mỹ chỉ còn lại 27.000 người. Nixon đã được Đại hội Đảng Cộng hoà đưa ra ứng cử một nhiệm kỳ nửa và dư luận Mỹ tỏ ra thuận lợi với ông ta.

Kissinger đã tính toán đến nhiều khả năng: hoặc là đạt được một giải pháp trước bầu cử, hoặc là kết thúc chiến tranh bằng một bước leo thang sau bầu cử, hoặc là để cho xung đột tiếp tục với hy vọng cuối cùng Hà Nội phải nhượng bộ và đưa ra điều kiện tốt hơn. Kissinger ủng hộ phương án một - còn Nhà Trắng muốn leo thang. Kissinger thấy rằng đến tháng 1, khi Quốc hội Mỹ họp lại chắc chắn sẽ có một loạt nghị quyết đòi chấm dứt cam kết của Mỹ với những điều kiện không thuận lợi như những điều kiện Mỹ có thể đạt được ở Paris và nếu Mỹ không lợi dụng cơ hội trước ngày bầu cử ở Mỹ thì Hà Nội sẽ nhanh chóng nhận ra tình thế bấp bênh của Chính quyền Nixon. Và bất kỳ chính sách của Mỹ như thế nào sau ngày 7 tháng 11 (kiên nhẫn hoặc leo thang) thì Hà Nội vẫn có đủ thời gian, còn Chính quyền Washington thì lại vẫn rơi vào sức ép của Quốc hội (H.Kissinger. Ở Nhà Trắng Sđd, tr. 1385, 1380.).

Ngày 31 tháng 8, sau chuyến đi Sài Gòn, Kissinger và Đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn Bunker gặp Nixon ở Honolulu để vạch đường lối thương lượng với ta ở Paris. Tất nhiên, họ phải tính đến nhiều tình huống, kể cả việc cắt đứt thương lượng, nhưng "không đưa ra được một chiến lược nào khả dĩ làm đảo lộn một cách căn bản tương quan lực lượng ở Đông Dương nếu thương lượng thất bại" (H.Kissinger .Sđd, tr. 1385, 1380)

Mỹ cùng tìm sự ủng hộ của Trung Quốc và Liên Xô. Ngoài cuộc gặp gỡ với đại diện hai nước đó ở Washington, ngày 8 tháng 9, Kissinger lại qua Matxcơva trước khi gặp Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ ở Paris .

Lúc này, quân Ngụy Sài Gòn mới lấy lại được Quảng Trị.

Bước vào cuộc gặp riêng lần thứ 17, ngày 15 tháng 9 năm 1972, Cố vấn Nhà Trắng cảm thấy vị trí của ông ta được củng cố thêm.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #304 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2009, 11:11:44 pm »

Washington rất lo ngại nếu Hà Nội tiết lộ việc thương lượng, nhưng khi gặp ta, Kissinger lại đặt ngay vấn đề đưa tin về cuộc gặp này. Ông ta nói không thể giữ bí mật được vì lần này ông ta đi công khai và sẽ gặp Tổng thống Pompidou của Pháp. Nhưng phản ứng gay gắt nhất là đối với tuyên bố 11 tháng 9 của chính phủ Cách mạng Lâm thời và việc thả ba phi công Mỹ cho phong trào chống chiến tranh ở Mỹ. Tất nhiên ông ta không thể làm gì được.

Để tỏ ra chủ động, ông ta xin nói trước. Sau những lời lẽ về thiện chí và nghiêm chỉnh của Mỹ, ông đưa ra đề nghị mới gồm mười điểm.
Kissinger cố nói về tính mềm dẻo của những điểm mà ông gọi là mới trong đề nghị của Mỹ và kết luận:

“Hoa Kỳ đã có một nỗ lực tối đa, để chú ý tới mọi điều quan tâm của các ngài, rằng những điểm này không phải là một đề nghị “nhận thì nhận không nhận thì thôi" hoặc là một tối hậu thư... rằng Hoa Kỳ sẵn sàng có nhân nhượng trong khuôn khổ kế hoạch đó, rằng Hoa Kỳ không đánh lừa các ngài... và không còn nhiều thì giờ nữa".

Cuối cùng ông ngỏ ý muốn đi Hà Nội nếu đạt được tiến bộ đáng kể ở đây, coi như là một thiện chí của Mỹ.

Trả lời câu hỏi của Lê Đức Thọ về Uỷ ban hoà giải dân tộc, Kissinger nói thêm là Uỷ ban đó được tổ chức ở tỉnh hoặc ít nhất là ở quân khu, không thể chỉ ở Sài Gòn... Khi có ngừng bắn thì Chính phủ Cách mạng Lâm thời và Chính quyền Sài Gòn kiểm soát thực tế trên một số địa phương nhưng Uỷ ban hoà giải dân tộc sẽ làm nhiệm vụ trên toàn miền Nam.

Sau này Kissinger thừa nhận “kế hoạch đó chỉ sửa đổi đôi chút về Uỷ ban bầu cử" và Uỷ ban hoà giải dân tộc nhưng thực ra so với đề nghị ngày 1 tháng 8 của Mỹ thì kế hoạch mới này là một bước lùi. Không những Mỹ không tôn trọng quyền thống nhất của việt Nam mà còn nhấn mạnh Nam Việt Nam là một Quốc gia riêng biệt, giữ hiến pháp miền Nam (có hứa hẹn sửa đổi), kéo dài thời gian lập quan hệ giữa hai miền và hạn chế quan hệ đó trong “nhiều mặt" chứ không phải “mọi mặt" như đề nghị cũ.

Vấn đề chính trị nội bộ miền Nam, quan điểm của Mỹ lại càng xấu: phủ nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời, kể cả với tư cách là một Chính quyền địa phương mà chỉ coi Mặt trận Dân tộc Giải phóng là một lực lượng trong khuôn khổ hiến pháp Nguỵ. Mặt khác đề nghị mới lại nhấn mạnh đến tính hợp pháp hợp hiến của chế độ Sài Gòn, giữ chế độ đó đến sau bầu cử.

Kissinger cũng phủ nhận nguyên tắc "bình đẳng" trong việc giải quyết các lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam mà chỉ nói “công bằng". Ông ta công bố việc ngừng bắn tại chỗ thay bằng “ngừng bắn chung" đi đôi với việc đòi quân miền Bắc rút khỏi miền Nam.
Mỹ còn gắn vấn đề viện trợ Mỹ cho Sài Gòn với việc viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa cho miền Bắc. Và khi giải thích thêm lại đòi miền Bắc không được viện trợ cho miền Nam để buộc ta chặt hơn. Mỹ không chịu rút hết nhân viên quân sự trong các ngành không phải quân sự như trong chương trình bình định và các Cố vấn quân sự kỹ thuật. Mỹ có một vạn Cố vấn loại này lúc đó ở miền Nam.

Mỹ vẫn gắn giải pháp về Việt Nam với các vấn đề quân sự ở Đông Dương, đòi quân miền Bắc rút khỏi Lào và Campuchia mà không nói gì đến lực lượng Mỹ và Thái Lan.

Tóm lại, Mỹ chưa muốn chấm dứt hẳn dính líu quân sự ở Nam Việt Nam. Họ còn đòi giám sát và kiểm soát quốc tế đối với ngừng bắn ở Đông Dương, định đưa các nước bên tham chiến và việc giám sát ngừng bắn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #305 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2009, 11:12:36 pm »

Lê Đức Thọ tỏ ra không quan tâm lắm đến mười điểm mới của Kissinger, chỉ tỏ ra đồng tình rằng thời gian đã chín muồi để đi đến một giải pháp và phải nhanh chóng đi đến giải quyết vấn đề Việt Nam.

Ông Thọ liền trình bày quan điểm của Việt Nam về ba loại vấn đề:

- Tuyên bố về chính sách của Việt Nam.

- Nội dung giải pháp.

- Cách thương lượng. .

Trước khi vào tuyên bố về chính sách của ta, Lê Đức Thọ nói:

“Muốn đặt vấn đề một cách đúng đắn thì phải xuất phát từ nguyên nhân của cuộc chiến tranh chính nghĩa và nhân dân Việt Nam là nạn nhân của sự xâm lược".

Lê Đức Thọ phê phán nguyên nhân mà văn kiện Mỹ đã nêu ra là không phù hợp với thực tế khách quan và hoàn cảnh lịch sử đó và không thể là nguyên tắc chung cho cả hai bên được. Ông cũng chất vấn Kissinger tại sao trong văn bản ngày 14 tháng 8. Mỹ lại bỏ đi hai nguyên tắc quan trọng. Có phải Mỹ vẫn muốn có một Chính phủ thân Mỹ ở miền Nam Việt Nam không? Mỹ còn muốn dính líu ở miền Nam và có dịp quay trở lại Việt Nam không? Mỹ còn muốn có các căn cứ quân sự của Mỹ ở khu vực này để làm bàn đạp tấn công lại Việt Nam không?

Không đợi Kissinger trả lời Lê Đức thọ nêu lên sáu điểm trong chính sách của ta - gồm mục tiêu chiến đấu của nhân dân ta, thái độ đối với Lào và Campuchia và việc giải quyết liên quan đến ba nước - mong muốn của ta có một khu vực Đông Nam Á hoà bình, độc lập, trung lập và hợp tác - chính sách ngoại giao theo năm nguyên tắc chung sống hoà bình của ta cùng độc lập tự chủ trong đường lối của Việt Nam và quyết tâm tôn trọng các Hiệp định sẽ được ký kết.

Tiếp đó Lê Đức Thọ phê phán mạnh mẽ những điểm tiêu cực trong đề nghị của Mỹ, kết hợp với việc trình bày kế hoạch mới của ta. Ông nói: .

“Lần trước chúng tôi đã đề nghị thành lập Chính phủ hoà hợp dân tộc lâm thời ba thành phần đưa đến xoá bỏ Chính phủ Cách mạng Lâm thời và Chính quyền Sài Gòn ngay sau khi Chính phủ hoà hợp dân tộc nhậm chức. Lần này chúng tôi đề nghị thành tập Chính phủ hoà hợp dân tộc ở bên trên mà Chính phủ Cách mạng Lâm thời và Chính quyền Sài Gòn vẫn tồn tại.

Hai là... do chủ trương còn để tồn tại Chính phủ Cách mạng Lâm thời và Chính quyền Sài Gòn nên quyền hạn của Chính phủ hoà hợp dân tộc lâm thời về đối nội có sự hạn chế nhất định. Đồng thời Chính phủ Cách mạng Lâm thời và Chính quyền Sài Gòn sẽ tạm thời đảm đương việc quản lý các vùng mình kiểm soát và đưong nhiên phải thi hành các quyết định của Chính phủ hoà hợp dân tộc lâm thời...”
Kissinger tỏ ra vui mừng thấy phía ta từ bỏ yêu sách lật đổ Chính quyền Sài Gòn mà ta kiên trì từ nhiều năm nay.

Sang thời hạn rút quân Mỹ, ông Thọ đưa ra thời hạn sau bốn mươi lăm ngày sau khi ký Hiệp định toàn bộ - Kissinger ghi vội vào tập giấy để trước mặt ông ta. Rõ ràng vấn đề này đã gần được giải quyết.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #306 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2009, 11:13:44 pm »

Về vấn đề đề bồi thường chiến tranh, Lê Đức Thọ đồng ý không dùng "bồi thường chiến tranh”, miễn là thực chất Chính phủ Mỹ gánh vác trách nhiệm của mình và đóng góp 9 tỷ đô la (mỗi miền 4,5 tỷ) vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh.

Lê Đức Thọ còn giải thích thành phần lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam gồm hàng chục vạn con em miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 cùng những con em miền Bắc tình nguyện vào miền Nam chiến đấu tổ chức thành những đơn vị quân đội trở vào miền Nam, và tất cả đặt dưới quyền chỉ huy của Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Do đó việc giải quyết vấn đề lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam sẽ do Chính phủ cách mạng Lâm thời và Chính quyền Sài Gòn cùng nhau bàn bạc giải quyết.

Lê Đức Thọ cũng đưa ra thành phần Uỷ ban Quốc tế gồm năm thành viên: Ngoài ba nước hiện có Ấn Độ - Ba Lan - Canađa, mỗi bên giới thiệu thêm một nước và được bên kia thoả thuận. Về việc này Kissinger không chấp nhận Ấn Độ là một nước trung lập, không đồng ý đưa Ấn Độ vào Uỷ ban kiểm soát và giám sát quốc tế (đầu năm 1972, Ấn Độ đã nâng quan hệ với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lên hàng đại sứ và duy trì quan hệ với Sài Gòn - Tác giả). Lê Đức Thọ đề nghị đưa Cu Ba vào Uỷ ban kiểm soát và giám sát quốc tế nhưng Kissinger bác bỏ. Phía Việt Nam còn đưa ra thành phần cụ thể về Hội nghị bảo đảm quốc tế.

Về cách đàm phán, ông Thọ nhắc lại hai bên Hoa Kỳ - Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phải giải quyết toàn bộ mới mở ra các diễn đàn khác.

Đề cập đến việc Kissinger vào Hà Nội, Lê Đức Thọ nói:

“Chúng tôi cho rằng nếu chúng ta đạt được kết quả về cơ bản về các vấn đề thì lúc đó chúng ta sẽ thảo luận".

Trong lúc trao đổi, Kissinger vui mừng và hỏi thêm nhiều điểm. Trả lời Kissinger xong, Lê Đức Thọ nhận xét:

- Ông Cố vấn nói tình hình đã chín muồi muốn nhanh chóng giải quyết vấn đề nhưng thời gian ông đề ra lại kéo dài và theo chúng tôi thì ông muốn kéo dài đàm phán để vượt tuyển cử. Có phải thế không?

Kissinger vội thanh minh rằng việc thương thuyết không có lợi ích gì đối với tuyển cử ở Mỹ vì đa số nhân dân Mỹ đã ủng hộ Nixon, rồi nhắc lại Mỹ muốn nhanh chóng chấm dứt chiến tranh, và đề nghị gặp lại sau mười ngày.

Lê Đức Thọ lắc đầu nói:

- Các ông chưa thật sự muốn đi vào giải quyết sớm.

Chậm lại một chút, ông Thọ nói tiếp:

- Nếu các ông giải quyết sớm thì chúng tôi cũng sẵn sàng giải quyết sớm. Nếu các ông kéo dài và tiếp tục đánh mạnh hơn thì chúng tôi cũng phải có cách đối phó. Đó là lẽ đương nhiên. Trách nhiệm thuộc về các ông.

Kissinger một lần nữa nhắc lại Mỹ muốn chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt và nêu ra hai khó khăn là hai bên chưa thoả thuận về nguyên tắc và chưa đề ra được một lịch công tác. Ông ta nói:

- Nếu đồng ý đề ra lịch làm việc thì tôi cho rằng hai bên có thể giải quyết được trước 15 tháng 10, nếu sớm hơn được càng tốt.

Một lát sau, ông ta nói thêm:

- Chúng ta có thể bàn tất cả các vấn đề ở đây và các diễn đàn khác xong vào cuối tháng 11 năm 1972.

Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ hình như không để ý đến đoạn hai trong câu nói của Kissinger. Hai ông vui lòng nhận ngay thời điểm 15 tháng 10 của Kissinger vì đã lấy làm mừng thầm vì đã khéo léo kích đối phương nói ra điều mà mình mong muốn. Kissinger cũng vui: .

- Có lẽ chúng ta đã đạt được thoả thuận đầu tiên trong cuộc gặp này là chúng ta sẽ cố gắng giải quyết chiến tranh trước 15 tháng 10.
Với tinh thần đó, hai bên hẹn gặp lại nhau trong hai ngày liền 26 và 27 tháng 9 năm 1972. Sau này Kissinger viết:

“Bất thình lình Lê Đức Thọ nêu ra một câu hỏi: ông có sẵn sàng đạt được một Hiệp định về nguyên tắc đến một thời hạn nào không? Và tôi thấy rằng không có điều bất lợi gì để ấn định một thời hạn cuối cùng trong lúc mà chúng ta chưa đưa thêm nhân nhượng gì. Và chúng tôi đã thuận 15 tháng 10” (H.Kissinger. Ở Nhà Trắng. Sđd, tr. 1389, 1392.)

Nhưng có lúc Kissinger lại nói đó là Lê Đức Thọ đưa ra là không đúng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #307 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2009, 11:14:36 pm »

Hà Nội tăng sức ép - Washington trì hoãn.

Sau cuộc họp này, đoàn ta ở Paris báo cáo về rằng vẫn có hai khả năng: Mỹ vẫn giữ lập trường cũ và ý đồ của Mỹ rất có thể chỉ là thoả thuận với ta ở diễn đàn 1 trước bầu cử để Nixon vượt tuyển cử, nhưng mặt khác cũng thấy có khả năng Nixon muốn giải quyết trước bầu cử để bảo đảm chắc thắng, nhưng lại tỏ ra không vội, sợ tỏ ra yếu bị ta ép. Và đoàn đề nghị trong phiên họp tới tranh thủ khả năng giải quyết vào thời điểm 15 tháng 10.

Ngày 21 tháng 9, Hà Nội điện cho Paris đồng ý với nhận xét và nhận định trên đây của đoàn khẳng định một lần nữa là “cần thực hiện phương hướng nỗ lực đã được quyết định, tranh thủ giải quyết trước bầu cử ở Mỹ. Thời điểm 15 tháng 10 là phù hợp với những điều đã bàn. Đồng ý đưa phương án ba trong cuộc gặp tới như hai ông đề nghị”.

Cơ quan tham mưu của Hà Nội - lúc đó gọi là CP. 50 - cũng đã đề ra ý kiến cụ thể giải quyết những vấn đề bất đồng giữa hai bên như vấn đề viện trợ quân sự, thay thế vũ khí, tuyển cử hiến pháp và bồi thường chiến tranh. Thí dụ như:

1- Ta giữ các nguyên tắc là Mỹ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, chấm dứt dính líu và can thiệp, rút hết, rút toàn bộ quân Mỹ mà không trở lại, chấm dứt viện trợ cho Nguỵ quyền Sài Gòn, không được gắn vấn đề viện trợ quân sự của Mỹ cho Sài Gòn với việc viện trợ quân sự của các nước Xã hội chủ nghĩa cho Hà Nội.

Nhưng ta linh hoạt về các vấn đề thời gian rút quân Mỹ đi đôi với trao trả tù binh, hai bên miền Nam không nhận thêm vũ khí, cả hai bên có thể được thay đổi vũ khí, việc nhận viện trợ quân sự sau này sẽ do thẩm quyền của Chính phủ chính thức.

2- Về vấn đề chính trị nội bộ miền Nam, ta giữ nguyên tắc là Mỹ phải tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, chấp nhận hai Chính quyền, hai Quân đội, ba lực lượng chính trị và chấp nhận “một hình thức Chính quyền”, hoặc hình thức “tổ chức hoà hợp dân tộc” ở bên trên với chức năng tối thiểu là bảo đảm hoà bình, thi hành và đôn đốc thi hành các Hiệp định được ký kết, thực hiện hoà hợp dân tộc, tự do dân chủ và tổ chức tổng tuyển cử còn sẽ linh hoạt về sự tồn tại của hai Chính quyền, về thời gian Thiệu từ chức và thời gian tổng tuyển cử.

3- Về lực lượng vũ trang, ta giữ nguyên tắc không rút quân miền Bắc khỏi miền Nam, nhưng sẽ linh hoạt về giảm quân số và phục viên. Cả đến tên gọi ta cũng có thể thoả thuận với đối phương như phía Mỹ có thể gọi Chính quyền Sài Gòn là Việt Nam Cộng hoà, gọi Chính phủ Cách mạng Lâm thời là Mặt trận Dân tộc Giải phóng hoặc nhà đương cục Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Ta có thể ghi là đương cục Sài Gòn, Mỹ có thể ghi Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hay đương cục Hà Nội...

Về cách đàm phán, Hà Nội cũng thấy rằng:

“Vì thời gian không còn nhiều và cần cảnh giác đề phòng việc Mỹ - Ngụy kéo dài đàm phán cho nên ta và Mỹ phải thoả thuận về một cách đàm phán thích hợp. Với sự thoả thuận của đồng minh của mình, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ thoả thuận xong tất cả các văn kiện cần ký kết và bốn bên sẽ ký kết văn kiện. Các diễn đàn khác chỉ mở ra sau khi ký các văn kiện”.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #308 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2009, 11:15:40 pm »

Đợt gặp hai ngày bắt đầu từ 26 tháng 9 không diễn ra tại địa điểm cũ nữa vì đã bị lộ, mà ở nhà 108 phố Général Leclerc thuộc Thị trấn Gif - sur - Yvette, ngoại ô phía Tây Parỉs. Đây là một biệt thự hai tầng của hoạ sĩ Fernand Léger - Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp - đã hiến cho Đảng sau khi ông mất. Nhà có vườn rộng, tường cao kín đáo. Chính nơi đây đã diễn ra cuộc gặp riêng trong hai tháng giữa ta và Mỹ.

Theo đề nghị của Kissinger, Lê Đức Thọ phát biểu trước. Cố vấn Nhà Trắng hy vọng được nghe ngay về nội dung các vấn đề trong giải pháp, nhưng ông Thọ lại chất vấn ngay về thời điểm mà Kissinger nêu ra hôm trước. Ông nhắc lại câu nói mập mờ nước đôi của Kissinger hôm 15 tháng 9 và nói:

“Tôi muốn hỏi ông Cố vấn một cách thẳng thắn và nghiêm chỉnh rằng Mỹ muốn kéo dài đàm phán đến sau bầu cử mới giải quyết hay muốn giải quyết chiến tranh ký kết Hiệp định toàn bộ trước 15 tháng 10? Các ông chọn hướng nào chúng tôi cũng sẵn sàng... Nếu các ông chọn hướng thứ hai thì thời gian không còn bao lâu nữa”.

Kissinger nhắc lại ý muốn giải quyết chiến tranh sớm, rằng ông sẵn sàng trở lại Paris và ở đấy ba, bốn ngày liền nếu cần, nhưng nêu lên trở ngại cho Chính quyền Sài Gòn không tán thành một số đề nghị mà Mỹ đưa ra và ta còn đưa ra nhiều yêu sách.

Lê Đức Thọ yêu cầu ông ta nói rõ hơn thì Kissinger khẳng định lại là “chúng tôi muốn giải quyết trong tinh thần đó" và nói ông ta có thể đến Paris ngày 5 tháng 10 và ở lại ba, bốn ngày làm xong việc vào 7 tháng 10, sau đó mở ra các diễn đàn khác có thể ký kết trước ngày 1 tháng 11 năm 1972.

Lê Đức Thọ ghi nhận lịch công tác đó - nhưng sau khi xem lại, ông Cố vấn Nhà Trắng đề nghị lui lại đến mồng 6 tháng 10 (rồi đến 8 tháng 10 theo đề nghị của Mỹ ngày 3 tháng 10 năm 1972).

Sang vấn đề Kissinger đi Hà Nội, mà ông ta đã đề ra hôm 15 tháng 9, chứ không phải do sáng kiến của ta như Kissinger viết trong Hồi ký của ông ta (H.Kissinger. Ở Nhà Trắng. Sđd, tr. 1392.). Ta thấy rõ vấn đề này, ngoài mục đích phục vụ tuyển cử còn nhằm đề cao vai trò cá nhân ông ta trong việc giải quyết vấn đề Việt Nam. Kissinger nói việc ông ta đi Hà Nội là thiết thực để góp phần vào việc giải quyết vấn đề và cần đi sớm, nhưng Lê Đức Thọ nói việc đi thăm đó chỉ có thể tiến hành sau khi đạt được thoả thuận toàn bộ và nêu ra một điều kiện: Mỹ phải chấm dứt ném bom cũng như thả mìn các cảng miền Bắc. Hôm đó việc này chưa giải quyết được và lại để đến cuộc họp sau.

Suốt buổi sáng ngày 26 tháng 9 đã mất về vấn đề thủ tục. Để tăng sức ép và đẩy nhanh đàm phán, buổi chiều ông Thọ đưa ra một kế hoạch mới với những điểm mới chủ yếu như sau:

Lập Chính phủ hoà hợp dân tộc lâm thời ba thành phần ngang nhau gồm mười hai uỷ viên làm việc theo nguyên tắc nhất trí, với quyền lực đối nội hạn chế. Lê Đức Thọ nói:

“Chúng tôi rất thực tế - chúng tôi thừa nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời và Chính quyền Sài Gòn tạm thời tồn tại và quản lý vùng mình kiểm soát trong thời gian từ khi ký Hiệp định toàn bộ đến khi thành lập Chính phủ chính thức ở miền Nam Việt Nam. Vì vậy chúng tôi đề nghị có một sự hạn chế nhất định về quyền lực đối nội của Chính phủ hoà hợp dân tộc lâm thời. Quyền lực đó chỉ trong phạm vi thi hành các điều khoản quân sự và chính trị của Hiệp định được ký kết”.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #309 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2009, 11:21:42 pm »

Tất nhiên phía Việt Nam vẫn giữ yêu cầu có bầu cử Quốc hội lập hiến - và phê phán Uỷ ban hoà giải dân tộc do Mỹ đưa ra là không có thực quyền và do đó không có hiệu lực đối với hai Chính quyền song song tồn tại.

Phía Việt Nam cũng đề nghị Uỷ ban kiểm soát và giám sát quốc tế gồm bốn nước và thành phần Hội nghị quốc tế bảo đảm.

Về vấn đề Đông Dương - trong văn bản trao cho Mỹ không có gì thay đổi.

Nhưng khi trao đổi thêm, Lê Đức Thọ đưa ra một đề nghị mà Kissinger tỏ ra rất vui mừng:

- Việc giải quyết hoà bình vấn đề Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết vấn đề Lào và Campuchia ... Khi chúng tôi đã giải quyết xong vấn đề Việt Nam thì không có lý do gì mà chúng tôi muốn chiến tranh ở Lào và Campuchia cứ tiếp tục...

Về vấn đề tù binh, chúng tôi đã nói với các ông rằng ở Campuchia không có tù binh Mỹ bị bắt, ở Lào thì có rất ít. Nhưng nếu các ông giải quyết được vấn đề chính trị và bồi thường thì chúng tôi có sự hiểu biết với các ông. Chúng tôi sẽ thảo luận với các bạn của chúng tôi.

Còn các vấn đề khác mà các ông nêu ra về vấn đề Đông Dương thì không giải quyết được - Nhưng xem như một sự hiểu biết giữa chúng ta, chúng tôi có thể nói với các ông như sau:

- Tất cả các lực lượng vũ trang nước ngoài ở Lào và Campuchia sẽ chấm dứt các hoạt động quân sự và sẽ rút khỏi Lào và Campuchia không được đưa quân đội và vũ khí trở lại Lào và Campuchia. Chúng tôi có thể tuyên bố như vậy, còn viết vào văn kiện thì chúng tôi không thể viết được vì vấn đề này liên quan đến thẩm quyền của Lào và Campuchia, không thuộc phạm vi Hội nghị này giải quyết. 

Rất nhạy cảm, Kissinger hỏi lại ngay:

- Các ông có cho Bắc Việt Nam là nước ngoài không?

Lê Đức Thọ:

- Đối với Lào và Campuchia thì bất cứ quân đội nước nào khác ngoài Lào và Campuchia đều phải rút. Nhất định như vậy.

Lê Đức Thọ nhắc lại đó là đề nghị cuối cùng của phía Việt Nam thì Kissinger nói:

- Tôi chắc ông Cố vấn đặc biệt còn văn kiện nữa muốn đưa ra?

Ông ta cười và nói thêm:

- Tôi muốn biết ông Cố vấn còn xe tăng ở An Lộc không?

Lê Đức Thọ:

- Còn đạn và còn xe tăng. Nhưng đạn và xe tăng trong đàm phán thì đến mức độ nhất định nào đó không thể hơn được nữa.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM