Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:14:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris  (Đọc 197637 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #290 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2009, 02:44:52 pm »

Trong đàm phán cần tỏ cho Kissinger biết ý muốn của Hà Nội, giải quyết với Nixon nhưng đồng thời cũng sẵn sàng chiến đấu lâu dài, đừng để Mỹ hiểu ta sợ, hoãn thương lượng đến sau bầu cử. Ta làm cho Kissinger biết ta không muốn can thiệp vào nội bộ Mỹ nhưng ta không để cho Mỹ lợi dụng đàm phán để lừa bịp trong tuyển cử.

Buổi gặp riêng lần thứ 15 ngày 1 tháng 8 năm 1972 giữa hai bên vẫn diễn ra ở ngôi nhà quen thuộc phố Darthé.

Hôm đó đoàn ta đã chuẩn bị một phương án mới và cách đàm phán để trao cho Mỹ.

Nhưng khi bắt đầu gặp nhau Kissinger lại đòi đưa tin về cuộc họp. Xuân Thuỷ và Lê Đức Thọ bác bỏ ngay với lý do phía Mỹ không giữ lời hứa làm cho dư luận bàn tán nhiều và nhiều cái không đúng.

Tuy nói là vấn đề thủ tục nhưng ý Xuân Thuỷ như đã rõ là không để Nixon sử dụng diễn đàn này phục vụ cho tuyển cử. Tất nhiên nhà hoạt động chính trị nhạy cảm như Kissinger hiểu ngay và tỏ ra bực bội. Ông ta thanh minh và doạ dẫm:

“Nếu các ông không muốn tiếp tục cuộc nói chuyện của chúng ta thì tuỳ các ông. Chỉ có hai cách lựa chọn, hoặc là chúng ta có thể có tuyên bố chung, đó là điều chúng ta đáng lẽ nên làm, hoặc là người ta biết tôi vắng mặt thì chúng tôi có thể xác nhận”.

Lê Đức Thọ nhắc lại do phía Mỹ cứ tiếp tục làm sai nên

“Lần này chúng tôi không thoả thuận công bố như lần trước. Các ông xác nhận như thế nào là tuỳ các ông, chúng tôi nói thế nào là tuỳ chúng tôi, nhưng không nói về nội dung”.

Kissinger tiếp tục thanh minh... doạ sẽ kết thúc cuộc thương lượng. Ông ta nói: Hoa Kỳ không làm tuyên truyền, và thêm:

- Nếu phía Việt Nam muốn biến cuộc bầu cử ở Mỹ thành một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề Việt Nam thì Hoa Kỳ không chịu việc đó.

Kissinger tỏ vẻ cay cú, nói đi nói lại nhiều lần và kéo dài hơn một giờ. Chưa hết, khi kết thúc cuộc họp dài tám giờ hôm đó, ông ta còn nhắc lại nữa.

Đi vào nội dung, Kissinger nhận nói trước, nhưng xin lỗi ngay là ông phát biểu hơi dài.

Ông ta đưa ra một kế hoạch mới mười hai điểm. Trước khi trình bày ông ta bảo đảm lại là Mỹ sẽ tôn trọng mọi sự thoả thuận không những về tinh thần và cả lời văn nữa. Hơn nữa, ông ta còn sẵn sàng bảo đảm với các đồng minh của Việt Nam về việc đó, gắn mối quan hệ quan trọng của Hoa Kỳ với Matxcơva và Bắc Kinh vào thiện chí của Hoa Kỳ ở Đông Dương.

Mở đầu kế hoạch, Kissinger nói:

“Chúng tôi đồng ý cần giải quyết vấn đề quân sự và vấn đề chính trị cùng với nhau”.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #291 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2009, 02:45:53 pm »

Ông ta nói tiếp rằng với cố gắng lấp hố ngăn cách giữa những bất đồng của hai bên và với thái độ thiện chí, phía Mỹ đã chấp nhận hình thức căn bản của đề nghị bảy điểm và hai điểm nói rõ thêm của Việt Nam, và để có thể nhanh chóng đi đến thoả thuận hơn, Hoa Kỳ đã dùng cả cách viết của ta khi nào Hoa Kỳ có thể làm được. Kissinger cười và nhìn Xuân Thuỷ:

- Ông Bộ trưởng sẽ hài lòng vì đã có mười hai điểm rồi.

Xuân Thuỷ:

- Hôm trước ông có năm điểm, bây giờ ông tăng thêm bảy điểm.

Lê Đức Thọ:
- Như vậy nếu tính về con số thì có tiến bộ lớn.

Kissinger tuần tự đọc các điểm. Đọc đến điểm sáu thì thấy Xuân Thuỷ và Lê Đức Thọ trao đổi với nhau, Kissinger nói đùa:

- Hình như phía các ông có sự tranh luận với nhau cái gì. Chúng tôi nghĩ rằng nếu ông Cố vấn và Bộ trưởng cãi lộn nhau thì đó là bước đầu đi đến giải quyết.

Ông ta cười thích thú và thêm:

- Nhưng tôi nghĩ việc đó không thể xảy ra trước ngày bầu cử.

Đọc sang điểm thứ bảy, Kissinger dừng lại và nói:

- Chắc các ông nghe lời lẽ quen tai lắm rồi vì giống câu của các ông. .

Đọc xong mười hai điểm, ông ta trao cho ta rồi bắt đầu giải thích:

- Các ông đòi rút toàn bộ lực lượng đồng minh và trang bị của họ và đòi huỷ bỏ các căn cứ, chúng tôi đồng ý và chúng tôi đã làm như vậy. Các ông đòi rút trong thời gian ngắn, chúng tôi đã rút ngắn thời gian đó lại. Bây giờ chỉ còn bốn tháng. Nếu thoả thuận được với nhau trước ngày 1 tháng 9 thì binh sĩ Mỹ cuối cùng sẽ rời khỏi Việt Nam trước cuối năm nay.

Vấn đề chính trị, chúng tôi đã chấp nhận nhiều nguyên tắc về vấn đề này và đã đồng ý xét song song vấn đề chính trị và vấn đề quân sự.

Các ông chủ trương Chính phủ hiện nay phải thay đổi và Chính phủ mới định ra một cơ cấu hiến pháp mới. Chúng tôi xác nhận thể thức đó và cũng chấp nhận hai giai đoạn của nó, chúng tôi long trọng tuyên bố sẽ tôn trọng kết quả của quá trình mà chúng tôi đề nghị. Chỉ một điều mà chúng tôi không làm là định trước kết quả đó ở Paris.

Chúng tôi không nhất thiết đòi phải có một Chính phủ nhất định nào nhưng chúng tôi không muốn ép một Chính phủ nào cho Nam Việt Nam... Các ông đòi chúng tôi tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân Nam Việt Nam. Chúng tôi đồng ý với điều đó và sẵn sàng cam kết nghiêm chỉnh tôn trọng diễn biến ở Nam Việt Nam sau khi Hiệp định được ký kết, nghĩa là chúng tôi xác nhận những đòi hỏi của các ông ...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #292 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 12:47:11 pm »

Cứ như vậy bằng lời lẽ rất ngọt ngào, người nghe có cảm tưởng Mỹ rất thiện chí... Ông nói tiếp đến bầu cử Tổng thống do một cơ quan độc lập có đại diện tất cả các lực lượng chính trị tổ chức và có giám sát quốc tế... Thiệu đã tuyên bố từ chức từ hai tháng trước tuyển cử và thời gian Thiệu từ chức có thể mềm dẻo...

Các ông đòi bảo đảm tự do dân chủ ở Nam Việt Nam chúng tôi đã đưa vào kế hoạch những bảo đảm về tự do dân chủ. Các ông đòi miền Nam có hiến pháp mới. Chúng tôi đồng ý là sau cuộc bầu cử mới các lực lượng chính trị ở Nam Việt Nam sẽ họp nhau để sửa đổi hiến pháp trong thời gian một năm.

Kissinger kết luận là Mỹ đã đáp ứng mọi khía cạnh của đề nghị chính trị của Việt Nam.

Còn các điểm khác trong đề nghị bảy điểm, Mỹ đã đáp ứng mọi điểm về thực chất của nó! ...

Bồi thường chiến tranh, Kissinger nói rằng Hoa Kỳ không chấp nhận được, nhưng sẵn sàng nghiên cứu một chương tình kiến thiết lớn cho cả Đông Dương. Về thời gian thi hành, Kissinger đề nghị: ba tháng sau khi thoả thuận về nguyên tắc, đàm phán xong các chi tiết về việc thi hành các nguyên tắc đó, bốn tháng thì hoàn thành việc rút quân Mỹ, năm tháng sau khi Mỹ rút, thoả thuận các chi tiết về giải pháp chính trị. Cuộc bầu cử có thể diễn ra sớm hơn. Sửa đổi hiến pháp trong một năm...

Lê Đức Thọ hỏi thêm một vài điểm cụ thể nhưng phát biểu tập chung phê phán việc Mỹ ném bom miền Bắc và diễn văn ngày 27 tháng 7 của Nixon ví miền Bắc như phát xít Hít le. Ông Thọ vạch rõ đó là lời vu khống vô đạo lý nhất, ông nói:

- Mỹ có thể đem tất cả sức mạnh của mình để tàn phá nước chúng tôi... nhưng có một điều mà Mỹ không bao giờ làm được là phá tan quyết tâm sắt đá của nhân dân chúng tôi... Chúng tôi cho rằng để cho cuộc đàm phán đó có kết quả tốt, cả hai bên phải tạo những không khí thuận lợi cho việc nói chuyện này.

“Nếu các ông cứ tiếp tục ném bom các thành phố, khu đông dân các công trình thuỷ lợi và đê điều gây ra nạn lụt ở miền Bắc thì chúng tôi không thể ngồi nói chuyện với các ông như hiện nay và các ông phải hoàn toàn chịu trách nhiệm”.

Lê Đức Thọ đòi Mỹ chấm dứt ném bom và thả mìn.

Tiếp đó ông trao cho Kissinger bản ghi nhận các nguyên tắc về chính sách Mỹ mà Kissinger đã nói hôm 19 tháng 7. Ông cũng ghi nhận việc Mỹ đồng ý giải quyết cả vấn đề chính trị và quân sự song song.

Về kế hoạch mười hai điểm của Mỹ, Lê Đức Thọ nhận xét có một vài điểm mới nhưng về cơ bản lập trường về giải pháp của Mỹ vẫn chưa có gì thay đổi, đặc biệt trong vấn đề then chốt là vấn đề chính trị ở Nam Việt Nam.

Trong khi Kissinger chờ đợi những nhận xét khác nữa thì Lê Đức Thọ trình bày kế hoạch mười điểm mới của ta.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #293 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 12:48:40 pm »

Đề nghị mười điểm mới của ta vẫn là phương án cao; đòi Mỹ rút quân trong một tháng, lập Chính phủ hoà hợp dân tộc ba thành phần, có đầy đủ quyền lực đối nội, đối ngoại, xoá bỏ hẳn hai Chính quyền hiện có. Chỗ mềm dẻo là không còn đòi Thiệu từ chức ngay như một điều kiện, mà đồng ý Thiệu từ chức sau khi ký kết Hiệp định toàn bộ. Đề nghị cũng mở ra việc nói chuyện giữa Chính phủ Cách mạng Lâm thời và Chính quyền Sài Gòn khi Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thoả thuận về các vấn đề về nguyên tắc, điều mà trước đây ta không chịu. Đề nghị mới cũng nêu ra trách nhiệm của Chính phủ Mỹ đóng góp vào xây dựng lại hai miền Việt Nam để hàn gắn vết thương chiến tranh.

Trong phần giải thích Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ nêu ra số tiền 8 tỷ đô la: miền Bắc: 4,5 tỷ, miền Nam: 3,5 tỷ.

Về cách đàm phán ông Thọ nêu ra bốn diễn đàn:

1- Diễn đàn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thảo luận và giải quyết những vấn đề quân sự và những nguyên tắc cùng nội dung chủ yếu các vấn đề chính trị.

2- Diễn đàn giữa Chính phủ Cách mạng Lâm thời và Chính quyền Sài Gòn sau khi diễn đàn một đã được thoả thuận, sẽ mở ra để thảo luận và thực hiện những điều đã thoả thuận ở diễn đàn một và bàn bạc giải quyết những vấn đề cụ thể về quân sự và chính trị ở miền Nam Việt Nam.

3- Diễn đàn tay ba giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chính phủ Cách mạng Lâm thời và Chính quyền Sài Gòn để giải quyết các vấn đề cụ thể liên quan đến hai miền.

4- Diễn đàn bốn bên giải quyết những vấn đề liên quan đến bốn bên.

Kissinger hỏi một số điểm cụ thể và nhận xét rằng phía ta cũng như phía Hoa Kỳ đã đưa ra một đề nghị có ý nghĩa và không phải như một tối hậu thư. Ông ta cũng thanh minh Hoa Kỳ không đánh vào đê điều. Việc ném bom đê điều không phải là chính sách của Washington. Mỹ không ý định gây nạn lụt ở miền Bắc. Ông ta cũng nhắc lại việc ngừng bắn tạm thời bốn tháng, việc giảm chiến sự. Sơ bộ Kissinger đưa ra một số bình luận về kế hoạch mới của ta.

- Hoa Kỳ sẽ không hoàn toàn rời khỏi Đông Dương nếu còn tù binh Mỹ ở Đông Dương. Hoa Kỳ không chấp nhận việc bồi thường chiến tranh nhưng sẵn sàng có hiểu biết và đóng góp vào chương trình tái thiết ở Đông Dương nhưng chưa cam kết được số tiền vì còn phải chờ ý kiến của Quốc hội Mỹ nhưng sẽ cố gắng để trước khi đàm phán kết thúc có được một con số thực tế để phía Việt Nam xem xét. 

Kissinger cũng đồng ý bốn diễn đàn, nhưng chia làm hai bước:

Bước một - Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thoả thuận các vấn đề quân sự toàn Đông Dương và những nguyên tắc về chính trị ở miền Nam Việt Nam, ký hiệp định chung, ngừng bắn.

Bước hai - Người Việt Nam sẽ giải quyết các vấn đề chính trị ở Nam Việt Nam trên cơ sở những nguyên tắc mà Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã thoả thuận. Bước hai này sẽ làm xong trong ba tháng.

Hai bên hẹn gặp nhau vào ngày 14 tháng 8 năm 1972. Kissinger cho ta biết là sau đó đến tháng 9 mới gặp nhau lại được vì ông ta còn bận họp Đại hội Đảng Cộng hoà.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #294 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 12:49:42 pm »

Cuộc họp ngày 14 tháng 8: Vừa thăm dò vừa vừa mặc cả.

Trong tháng ngày đầu tháng 8, cuộc giành giật giữa hai bên trên chiến trường vẫn diễn ra gay go và quyết liệt. Kế hoạch ba tháng của Mỹ - Nguỵ nhằm chiếm lại những vùng đã mất nói chung vẫn giậm chân tại chỗ. Trong khi đó ở nhiều nơi, nhất là ở đồng bằng Mỹ - Nguỵ mất thêm dân thêm đất. Ở các đô thị, Chính quyền Sài Gòn phải có những biện pháp trắng trợn hơn trong việc đàn áp các nhóm đối lập và phong trào đô thị. Tuy vậy Mỹ - Ngụy vẫn hết sức cố gắng chiếm lại thị xã Quảng Trị và thúc đẩy bình định.

Ở miền Bắc, mức đánh phá của Mỹ vẫn ác liệt liên tiếp oanh tạc các khu đông dân ở hơn hai mươi tỉnh và thành phố, kể cả Hà Nội và Hải Phòng. Mỹ tăng phi vụ B52 quanh Đồng Hới và Vĩnh Linh, đánh một số đê trong ngày 2 và 3 tháng 8 ở Thái Bình, Nghệ An và Quảng Bình, Mỹ tiếp tục đe doạ ném bom phong toả miền Bắc và đe doạ dùng B52 rộng rãi hơn trên miền Bắc.

Mặt khác Mỹ tiếp tục chống đỡ với sự lên án của ta và dư luận rộng rãi về việc ném bom giết hại thường dân, phá đê đập trong mùa lũ gây nạn lụt đồng thời phản kích lại, vu cáo ta tàn sát ở miền Nam.

Dư luận ngày càng nói nhiều đến thất bại của Mỹ trong việc ném bom và phong toả, không ngăn chặn được viện trợ từ bên ngoài vào miền Bắc và từ miền Bắc vào miền Nam, không ngăn chặn được việc tấn công của Việt cộng ở miền Nam, mặc dù tháng 5 năm 1972, Mỹ đã sử dụng một số lượng bom đạn hàng tháng cao hơn tháng cao nhất dưới thời Johnson.

Tại Mỹ và trên thế giới cũng lên án mạnh mẽ việc Mỹ ném bom tàn sát thường dân. Một số chính giới có tên tuổi ở Mỹ lên tiếng tố cáo chính sách của Nixon làm tổn thương đến đạo lý và danh dự của nước Mỹ. Họ cũng công kích Nixon lấy bom đạn và tàn phá làm biện pháp giải quyết chiến tranh nhưng biện pháp đó không đạt được kết quả.

Một bộ phận dư luận cũng cho rằng Nixon tiếp tục ném bom và phong toả miền Bắc để tiếp tục duy trì chế độ Thiệu ở Sài Gòn.

Thượng nghị viện Mỹ trong vòng mười ngày đã hai lần bỏ phiếu với đa số đòi rút toàn bộ quân Mỹ trong vòng bốn tháng với điều kiện duy nhất là tù binh được thả. Tuy đa số trong Hạ viện đã bác bỏ những dư luận cho rằng thái độ của Thượng nghị viện phản ánh chiều hướng chung của công chúng Mỹ đòi sớm và dứt khoát chấm dứt dính líu của Hoa Kỳ vào Việt Nam vì bốn năm nay Nixon đã nói đến kế hoạch bí mật chấm dứt chiến tranh nhưng chiến tranh vẫn tiếp diễn.

Nhưng một bộ phận của dư luận vẫn tin luận điệu của Nixon rằng thời gian tới là thuận lợi nhất để thương lượng có kết quả vì Nixon muốn giữ lời hứa để được tái cử, vì Việt Nam có khó khăn do sức ép của Liên Xô và Trung Quốc.

Qua thăm dò dư luận về cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, thượng nghị sĩ Mc Govern còn thua kém hơn Nixon. Dư luận cũng tỏ ra bi quan về tình hình thương lượng giữa hai bên ở Paris. Thiệu vẫn tuyên bố rất gay gắt kiên quyết chống cộng, gạt mọi ý kiến cho rằng cộng sản tham gia vào Chính quyền, kêu gọi Mỹ không ngừng bắn tại chỗ và tiếp tục ném bom miền Bắc. Trước tình hình đó dư luận cho Thiệu lo ngại có thể đi đến thoả thuận về một giải pháp bất lợi cho Thiệu.

Trên thế giới, ngày 10 tháng 8 năm 1972, Hội nghị các nước không liên kết họp ở Georgetown công nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời là thành viên chính thức của phong trào.

Tóm lại, tình hình có thuận lợi cho ta, nhưng cũng chưa cấp bách cho Nixon, nhất là trên chiến trường, và cuộc bầu cử cũng chưa đến điểm cao.

Chúng ta cho rằng sau Đại hội Đảng Cộng hoà, tuỳ tình hình chiến trường và bầu cử ở Mỹ, Nixon mới đi vào thương lượng, đi vào giải quyết hay không.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #295 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 12:51:00 pm »

*
*   *

Trước cuộc gặp riêng lần thứ mười sáu tại Paris, ngày 5 tháng 8 năm 1972, Mỹ gửi công hàm cho ta đòi đưa tin về cuộc gặp riêng sắp tới xem như một điều kiện cho cuộc gặp đó. Công hàm viết:

“Phía Hoa Kỳ không có lựa chọn nào khác hơn là công bố việc gặp riêng khi cuộc gặp đang diễn ra... Tuỳ phía Bắc Việt Nam quyết định liệu có muốn tiếp tục các cuộc gặp riêng trên cơ sở đó hay không ..." .

Công hàm ngày 9 tháng 8 của ta trả lời cho Mỹ như sau:

“Rõ ràng phía Hoa Kỳ chỉ chú ý đến việc đưa tin về các cuộc gặp riêng nhằm mục đích tuyên truyền chứ không chú ý đem lại kết quả cho đàm phán".

Mặc dầu vậy, cuộc họp ngày 14 tháng 8 vẫn diễn ra.

Bước vào cuộc họp, Kissinger đã đặt ra vấn đề đưa tin với lý do lần này ông vắng mặt lâu (chiều nay phải đi Thuỵ Sĩ về việc gia đình, ngày mai phải đi Sài Gòn để thăm dò sâu về chính trị...) nhưng không làm thay đổi được ý kiến của Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ về vấn đề này.

Hôm ấy Kissinger trao cho ta ba văn kiện: Tuyên bố về chính sách của Mỹ; một đề nghị mới mười điểm; và văn bản về cách thương lượng. Thực ra là để trả lời các văn kiện tương tự của ta đã đưa ra hôm mồng 1 tháng 8.

Trình bày kế hoạch mới, Kissinger vẫn dùng những lời lẽ ngọt ngào hấp dẫn rằng ông ta đã xem lại từng điểm một trong đề nghị của hai bên và viết lại theo danh từ mà ông tin là hai bên có thể chấp nhận được, trừ vấn đề chính trị còn để trống sẽ bổ sung sau.

Ông nhấn mạnh rằng vấn đề chính trị là trung tâm của các vấn đề đặt ra cho hai bên và nhiệm vụ của hai bên là cùng nhau vượt qua trở ngại đó thông qua một giải pháp phù hợp với những nguyên tắc sâu sắc hai bên.

Ông ta nói tiếp:

- Hoa Kỳ đã làm hết sức để đáp ứng những mối quan tâm hợp lý của Việt Nam, nhưng đến nửa đầu tháng 9 sau khi đi Sài Gòn về mới đáp ứng các đề nghị chính trị của Việt Nam một cách chi tiết.

Trước khi đi vào giới thiệu mười điểm, Kissinger trao cho Lê Đức Thọ bản tuyên bố về chính sách Mỹ gần giống như ông đã nói hôm 19 tháng 7, nhưng lại bỏ lại hai điểm về việc Hoa Kỳ không đòi có một Chính phủ thân Mỹ ở miền Nam và điểm nói về Đông Nam Á.

Trong đề nghị mười điểm mới, Mỹ chỉ nêu vấn đề quân sự nhưng để trống thời hạn rút quân Mỹ. Khi được hỏi, Kissinger nói: Tôi cho đó không phải là vấn đề phức tạp, rồi nói thêm: Có thể là ngắn hơn bốn tháng và dài hơn một tháng.

Xuân Thuỷ châm biếm:

- Trước ông nói bốn tháng còn bây giờ là ba tháng hai mươi chín ngày chứ gì?

Thực ra mười điểm này chỉ là việc sắp sếp lại các đề nghị ngày 1 tháng 8 của Việt Nam và của Mỹ, theo thứ tự của bản Việt Nam, có chỗ lấy hẳn ý kiến của Việt Nam làm ra vẻ đáp ứng yêu cầu của ta và hai bên đã thoả thuận được nhiều vấn đề lớn - nhưng cũng có điểm thụt lùi hơn đề nghị trước của họ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #296 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 12:51:47 pm »

Kết thúc bản trình bày, Kissinger nêu ra các lĩnh vực mà theo ông hai bên đã đồng ý với nhau về thực chất: 

- Việc rút toàn bộ quân Mỹ và quân đồng minh.

- Việc thống nhất Việt Nam do Nam và Bắc Việt Nam quyết định.

- Việc tôn trọng Hiệp định Genève năm 1954 và 1962.

- Đông Dương là một khu vực hoà bình, độc lập, trung lập.

- Một cuộc ngừng bắn tại chỗ có giám sát quốc tế và kiểm soát quốc tế và bảo đảm quốc tế ở trong vùng. 

Còn những sự khác nhau giữa hai bên là:

- Thời hạn rút quân và đồng minh - nhưng vấn đề này không phải là không giải quyết được.

- Vấn đề viện trợ quân sự cho Chính phủ Việt Nam.

- Các vấn đề chính trị - lần sau ông ta sẽ trả lời.

- Còn vấn đề tái thiết - Hoa Kỳ không cam kết bồi thường nhưng sẵn sàng đi vào một sự hiểu biết sẽ có một chương trình tái thiết toàn Đông Dương.

Về cách thương lượng, Kissinger đề nghị:

Sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thoả thuận một vấn đề thì chuyển ngay vấn đề đó cho diễn đàn khác.

Mỹ còn đòi lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam sẽ do diễn đàn ba bên ở Việt Nam giải quyết.

Cuối cùng ông ta đưa ra một nhận xét mà ông cho là quan trọng rằng phía Việt Nam có hai cách đề cập khác nhau ở gặp riêng và ở diễn đàn công khai. Ở Hội nghị Kléber phía Việt Nam tạo ra một cảm tưởng rằng hai bên đi vào chỗ bế tắc hoàn toàn nhằm tăng cường sức ép ở Mỹ để chống lại Nixon, trong khi ở gặp riêng Việt Nam lại hy vọng Hoa Kỳ nhân nhượng ở mức tối đa và không muốn tiết lộ điều này ra ngoài mặc dù có tiến bộ đáng kể ở đây.

Trước khi phát biểu, Lê Đức Thọ hỏi Kissinger về tình hình chính trị ở miền Nam trước khi ông đi Sài Gòn. Lúc đầu ông ta không muốn nói nhưng Lê Đức Thọ hỏi lại thì trả lời:

- Tôi thừa nhận thực tế là có hai quân đội mà một trong hai quân đội đó là lực lượng của các ông, còn lực lượng thứ ba tôi công nhận là có nhưng không đặt ngang hàng với hai lực lượng chính kia ... Có hai rưỡi.

 
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #297 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 12:52:49 pm »

Lê Đức Thọ liền nắm ngay vấn đề này đòi lập Chính phủ hoà hợp ba thành phần. Sau đó ông Thọ phê phán khá dài nhiều điều Kissinger đã nêu ra.

Bắt đầu ông nói ngay rằng hai bên mới gặp riêng có hai buổi, mới tỏ ra thiện chí chứ chưa có kết quả gì về cơ bản hay tiến bộ đáng kể như Kissinger nói. So sánh lập trường của hai bên còn nhiều điểm khác xa nhau. Vấn đề then chốt là vấn đề chính trị thì hai bên còn xa nhau lắm.

Lê Đức Thọ nói:

- Các ông thừa nhận thực tế ở miền Nam Việt Nam có hai Chính quyền, hai lực lượng vũ trang, ba lực lượng chính trị, mà lại gạt Chính phủ Cách mạng Lâm thời ra ngoài... Đề nghị của các ông là trái với chính nguyên tắc các ông đề ra hôm 19 tháng 7. Nguyên tắc các ông đề ra so với nguyên tắc của chúng tôi chỉ giống nhau về câu chữ, còn cơ bản khác nhau... Các ông muốn duy trì Chính quyền Sài Gòn còn chúng tôi muốn có một chính quyền mới.

Về vấn đề quân sự, hôm nay ông lại đưa việc thảo luận vấn đề quân miền Bắc vào diễn đàn tay ba. Rõ ràng các ông hàm ý đòi quân miền Bắc rút khỏi miền Nam là điều trái với tinh thần, chính trị và pháp lý mà chúng tôi không thể nào chấp nhận được...

Ngoài ra còn những vấn đề như thả tù binh, ngừng bắn toàn Đông Dương, viện trợ quân sự cho Chính quyền Sài Gòn, thay thế vũ khí, trách nhiệm của Mỹ trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh... còn nhiều ý kiến khác nhau.

Lê Đức Thọ cũng nêu ra ý đồ của Mỹ trong việc vạch ra hai bước đàm phán là để duy trì chế độ độc tài phát xít ở miền Nam. Trong điều kiện Chính quyền đó tồn tại với đầy đủ bộ máy kìm kẹp trong tay thì cái gọi là cơ quan độc lập để bầu cử và vấn đề tự do dân chủ mà Kissinger nêu ra không eo nghĩa lý gì... Ông Thọ nhấn mạnh:

- Như vậy thì làm sao bảo đảm quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam được.

Và kết luận:

- Hoa Kỳ không thể dùng đàm phán làm một việc mà lực lượng quân sự khổng lồ của Mỹ mười năm qua đã không làm được.

Kissinger tỏ vẻ thất vọng sau khi nghe Lê Đức Thọ và nói:

- Hoa Kỳ đã có những cố gắng lớn nhưng theo lời phát biểu của Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ thì chúng ta chưa đồng ý được vấn đề gì cả. 

Sau này ông ta thừa nhận Lê Đức Thọ đã đưa ra “nhiều đề nghị khá nghiêm túc... và chúng ta (Mỹ) còn có cơ may để ký kết một nền hoà bình trong danh dự. Nhưng Hà Nội cũng chưa đi quá xa để sau này không thể trở lại đòi hỏi cũ của họ" (H.Kissinger. Ở Nhà Trắng. Sđd, tr. 1392,1379 - 1374, 1386)

Mặt khác ông ta than thở rằng kế hoạch của ông ta đã bị những đề nghị của Lê Đức Thọ làm cho trở nên lỗi thời vô hiệu. Thực tế là kế hoạch đó không bao giờ được thảo luận đến".

Còn Tổng thống Nixon cũng cho rằng “Không có tiên bộ nào" (tất nhiên theo yêu càu của Mỹ - Tác giả).

“Sự thất vọng do thất bại trong thương lượng mà Kissinger thực hiện có thể sẽ tai hại về chính trị... Điều mà chúng ta cần nhất là một kế hoạch cho phép chúng ta hoặc là ngừng cuộc thương lượng hoặc là làm cho nó có hứa hẹn nếu ta tiếp tục" (H. Kissinger. Ở Nhà Trắng Sđd. tr 1375, 1387)

Hôm đó hai bên hẹn gặp lại nhau vào 15 tháng 9 năm 1972. Không ai tỏ ra vội cả.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #298 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 12:53:41 pm »

Kết quả hai tháng thăm dò.

Đánh giá ba cuộc gặp riêng tháng 7 và tháng 8, Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ nhận định:

Vừa qua ta đã nhận định tình hình chung, thế ta và thế đối phương, tình hình Mỹ năm bầu cử, tình hình quốc tế, và càng thấy trên mặt trận thương lượng ta bước vào giai đoạn giải quyết khác với trước đây. Vì vậy qua ba lần gặp riêng vừa rồi ta chủ trương:

- Đưa Mỹ đi dần vào thương lượng thực sự.

- Ta đi từng bước vừa thăm dò vừa tìm hiểu ý đồ của Mỹ vừa xem họ mở con bài đến đâu thì ta cũng mở con bài đến đó. Nói chung thì ta xem họ đưa ra cái gì thì ta mới đưa ra con bài tương đương. Tuy nhiên ta cũng linh hoạt, không nhất thiết để họ đưa trước ta đưa sau, mà có lúc ta cũng chủ động đưa trước để thăm dò họ để đưa họ vào hướng của ta. 

Ta giữ vững nguyên tắc, đồng thời linh hoạt về sách lược. Ta đưa ra con bài cao nhất để rồi tuỳ tình hình tuỳ phản ứng của Mỹ đưa ra các con bài khác.

Cuộc họp thứ nhất ngày 19 tháng 7 năm 1972:

Chủ trương của ta là thăm dò ý đồ của Mỹ, tỏ ra quyết tâm và thiện chí của ta đồng thời nêu rõ quan điểm tổng quát về những vấn đề có tính chiến lược. Mặt khác ta cũng chuẩn bị sẵn sàng những điểm cụ thể về nội dung giải pháp để sử dụng khi cần.

Mỹ cũng chủ yếu thăm dò ta tập trung vào tuyên bố về chính sách mà Mỹ gọi là những nhân tố cơ bản cho một giải pháp nhằm tỏ ra thiện chí muốn đi đến giải quyết vấn đề. Nhưng giải pháp cụ thể thì Mỹ vẫn giữ vững lập trường cũ cơ bản như tuyên bố của Nixon ngày 8 tháng 5 năm 1872 có sửa đổi chút ít cộng với nguyên tắc chung chung về chính trị lấy từ tám điểm của Mỹ (Mỹ gọi đó là năm điểm - tháng 7 năm 1972).

Mỹ dùng thủ đoạn đưa tin và còn đưa ra việc không bên nào đưa vấn đề gì mới ra diễn đàn công khai nhằm lừa bịp dư luận và ngăn ta không tấn công ngoại giao để tuyên truyền phục vụ cuộc vận động bầu cử của Nixon. '

Do đó ta đã phê phán Mỹ ném bom và thả mìn miền Bắc, đòi Mỹ phải chấm dứt ném bom phong toả miền Bắc, phải tôn trọng lời cam kết tháng 10 năm 1968 của Mỹ.

Ta phát biểu về chính sách chung của ta.

Giữ vững bảy điểm và hai điểm nói rõ thêm mà không đưa vấn đề gì mới về giải pháp hoặc cách thương lượng. 
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #299 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 12:54:39 pm »

Cuộc họp thứ hai: ngày 1 tháng 8 năm 1972.

Trong cuộc gặp lần đầu, hai bên đã phát biểu về chính sách chung rồi, lần gặp thứ hai này hai bên đi vào nội dung của giải pháp và nếu hai bên đều giữ nhưng điểm cũ (Mỹ tám điểm, ta bảy điểm) thì sẽ là bế tắc. Vì vậy, cả hai đều chuẩn bị đi vào nội dung của giải pháp có sửa lại mềm dẻo chút ít nhưng vẫn chưa có gì thay đổi cơ bản.

Về phía ta, ta đã ghi nhận một số điểm về tuyên bố chính sách của Mỹ đồng thời phê phán giải pháp của Mỹ đưa ra là không phù hợp với lời tuyên bố về chính sách đó. Ta chủ động đưa ra giải pháp mười điểm và đề nghị về cách đàm phán, trong đó ta đưa ra con bài cao về giải pháp chính trị, về thời hạn rút quân, về bồi thường chiến tranh... đồng thời mềm dẻo về thời gian Thiệu từ chức. Ta tập trung đòi Mỹ thoả thuận về vấn đề quân sự và cả vấn đề chính trị, về việc thành lập Chính phủ hoà hợp dân tộc gồm ba thành phần như ta đã nêu ra thì mới đồng ý mở ra diễn đàn nói chuyện giữa Chính phủ Cách mạng Lâm thời với Chính quyền Sài Gòn còn Thiệu. Mặt khác ta nhấn mạnh chỉ có thể có ngừng bắn sau khi ký Hiệp định toàn bộ giữa bốn bên.

Về phía Mỹ, họ cũng đưa ra mười điểm cơ bản là tuyên bố ngày 8 tháng 5 cộng với tám điểm của Mỹ đồng thời Mỹ lấy một số câu chữ của ta đưa vào làm cho nó có vẻ là mềm dẻo nhân nhượng. Mục đích chính của Mỹ là vẫn duy trì Chính quyền Sài Gòn, kéo dài quá trình chính trị ở miền Nam Việt Nam. Mặt khác Mỹ chỉ muốn giải quyết với miền Bắc về vấn đề quân sự và một số nguyên tắc về vấn đề chính trị ở miền Nam. Tuy Mỹ có nói đến tính độc lập của cơ quan bầu cử và thi hành điều 14c (về tự do dân chủ) của Hiệp định Genève, nhưng quá trình chính trị sẽ diễn ra trong khuôn khổ hiến pháp của Chính quyền Sài Gòn.

Cuộc họp thứ ba: ngày 14 tháng 8 năm 1972.

Sau cuộc họp thứ hai ta rõ ràng ở thế chủ động tấn công, buộc Mỹ đi vào thảo luận chủ yếu vấn đề chính trị. Mỹ công nhận đề nghị của ta là xây dựng. Cho nên, trong cuộc họp thứ ba này ta vẫn giữ mười điểm, vẫn giữ đề nghị cách đàm phán của ta. Trên thế chủ động tấn công, ta phê phán mười hai điểm của Mỹ, tập trung về chính trị đòi Mỹ phải thừa nhận ở miền Nam Việt Nam có hai Quân đội, hai Chính quyền, ba lực lượng chính trị, do đó phải thành lập Chính phủ hoà hợp dân tộc gồm ba thành phần.

Về phía Mỹ, họ cũng đưa ra phản đề nghị gồm ba văn kiện. Mỹ tỏ ra mềm dẻo về những vấn đề chi tiết, vấn đề phụ. Mỹ làm ra vẻ như hai bên đã thoả thuận được nhiều vấn đề nhưng chúng đặt kẻ đi xâm lược và người bị xâm lược ngang nhau, coi như có sự thoả thuận giữa hai bên. Nhưng chỗ yếu, chỗ ngoan cố nhất của Mỹ chính là vấn đề chính trị miền Nam. Mỹ để điểm bốn (chính trị) bỏ trống trong đề nghị mười điểm của Mỹ và hứa sau khi đi Sài Gòn về sẽ trả lời ta cụ thể. Mặt khác lại có thủ đoạn mánh lới trong đề nghị về cách đàm phán.

Trong cuộc gặp thứ ba này cũng như các lần trước, hai bên còn đấu tranh gay gắt về vấn đề Mỹ ném bom thả mìn ở miền Bắc. Về vấn đề Mỹ đưa tin và bình luận về gặp riêng, ta đã phê phán Mỹ về việc lợi dụng đưa tin và đập lại những lời đe doạ của Mỹ.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM