Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 02:37:37 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris  (Đọc 197983 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #270 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2009, 01:45:48 pm »

Lý do ta đưa ra là cần có đủ thì giờ cho Cố vấn Lê Đức Thọ, đang bận những việc quan trọng ở Hà Nội, qua Paris.

Mỹ tuyên bố sẵn sàng họp lại Hội nghị bốn bên vào 27 tháng 4, nhưng vẫn yêu cầu gặp riêng vào 24 tháng 4.

Cuối cùng hai bên thoả thuận họp công khai 27 tháng 4 và gặp riêng vào 2 tháng 5 năm đó.

Tháng 4 năm 1972, Liên Xô và Mỹ chuẩn bị Hội nghị cấp cao hai nước. Lợi dụng cơ hội này Mỹ ra sức gây áp lực với Liên Xô.

Đại sứ Liên Xô ở Hà Nội Secbacôp đã liên tiếp gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng (14 tháng 4), Nguyễn Duy Trinh (15 tháng 4) và Tổng Bí thư Lê Duẩn (17 tháng 4) thông báo nội dung sau đây:

1- Trong hội đàm gần đây với đại sứ Đôbrinin ở Washington, Kissinger nói nếu tại cuộc gặp riêng 24 tháng 4 tới, phía Việt Nam muốn thảo luận nghiêm túc các con đường đi tới giải pháp thì Hoa Kỳ sẽ có thái độ tương tự; hy vọng cuộc họp đó có thể giúp cho quan điểm hai bên gần lại nhau mà không để cho cuộc thảo luận công khai làm băng giá những quan điểm đó, có thể là hước ngoặt quyết định trong việc tìm kiếm hoà bình.

Nếu không như vậy thì bế tắc, cuộc xung đột vẫn tiếp diễn. Nixon không để Quân đội Mỹ và Sài Gòn bị đánh tan, và sau khi việt Nam Dân chủ Cộng hoà "thực tế tung hết vào miền Nam các đơn vị chính quy của mình có thể rơi vào tình thế hết sức khó khăn nếu đối phương mở một chiến dịch lớn ngay trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.

(Nixon còn để lộ nếu tổ chức một cuộc gặp bí mật giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Kissinger thì tốt, nhân dịp Kissinger đi Liên Xô từ ngày 21 đến 23 tháng 4 để chuẩn bị cho chuyến đi của Nixon. Nhưng Kissinger cũng sẵn sàng gặp ở Paris).

2- Kissinger nói Nhà Trắng đánh giá Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khước từ cuộc gặp ngày 24 tháng 4 là một bằng chứng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không muốn thương lượng nghiêm chỉnh và muốn đánh đổ thêm một Tổng thống nữa của Mỹ. Do đó Nixon đã ra lệnh đánh phá khu vực Hà Nội - Hải Phòng.

Song Mỹ sẽ không đánh phá Hải Phòng, Hà Nội và các mục tiêu quân sự chiến lược quan trọng khác của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chừng nào còn đàm phán thông qua Liên Xô về việc tổ chức gặp bí mật.

Nixon đồng ý tiếp tục cuộc đàm phán chính thức ở Paris vào ngày 27 tháng 4. Như vậy điều kiện tiến hành song song những cuộc gặp gỡ đó với cuộc đàm phán chính thức do Hà Nội đưa ra sẽ được đáp ứng.

Mỹ cũng đồng ý là hai hình thức đàm phán phải hỗ trợ cho nhau. Nếu Hà Nội muốn chuyển ngày gặp bí mật đến gần ngày 27 tháng 4 hơn nữa để thực hiện công thức song song của mình thì Nixon cũng có thể đồng ý tổ chức cuộc gặp vào 25 tháng 4.

Mỹ vẫn tiếp tục lợi dụng hoà hoãn với Trung Quốc và Liên Xô để tác động đến vấn đề Việt Nam, lợi dụng chuyến đi thăm Liên Xô của Nixon để thúc đẩy vai trò trung gian của Liên Xô trong việc giải quyết vấn đề Việt Nam.

Mặt khác Liên Xô vẫn tiếp tục có ý đồ muốn làm trung gian trong vấn đề Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh gần đến ngày Nixon đi Liên Xô, ta đang đánh mạnh ở miền Nam, Mỹ ném bom miền Bắc, nếu hai bên cứ tiếp tục găng về quân sự mà không nối lại cuộc đàm phán thì sẽ gây khó khăn cho việc Liên Xô tiếp Nixon.

Ta từ chối không gặp Kissinger ở Matxcơva.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #271 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2009, 01:46:49 pm »

Ngày 25 tháng 4, sau khi Cố vấn Nhà Trắng rời Liên Xô, C. Katusep, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô sang Hà Nội, thông báo cho ta những nét lớn về giải pháp mà Mỹ đề ra như sau:

1- Quân sự - Giảm bạo lực đi đến một giải pháp chính trị

- Hoa Kỳ sẵn sàng rút hết quân Mỹ (cả căn cứ và nhân viên quân sự) trong một thời gian khi hai bên thoả thuận về nguyên tắc của giải pháp. Đây là nhượng bộ lớn của Hoa Kỳ. Song song với việc này, Việt Nam phải thả hết tù binh Mỹ.

- Hoa Kỳ sẵn sàng chấm dứt cung cấp vũ khí cho Sài Gòn nếu Việt Nam cam kết không tranh thủ thêm vũ khí của đồng minh. Như vậy Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tiếp tục đấu tranh chống Chính quyền Sài Gòn mà không có bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài. Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận bất cứ kết cục nào của cuộc đấu tranh này.

- Hoa Kỳ sẵn sàng rút lui các lực lượng không, hải quân được tăng cường sau 29 tháng 3, nếu Việt Nam rút sáu sư đoàn mới đưa vào (miền Nam) sau 29 tháng 3.

- Hoa Kỳ sẵn sàng chấm dứt mọi hành động đánh phá miền Bắc nếu Việt Nam tôn trọng khu phi quân sự.

2- Chính trị

- Giải quyết tiếp tục sau vấn đề quân sự, trên cơ sở lực lượng so sánh thực tế ở miền Nam.

- Giữa điểm hai của Việt Nam và điểm tương ứng trong tám điểm của Hoa Kỳ có những nhân tố giống nhau. (Việt Nam: Chính phủ ba thành phần; Mỹ: bộ máy tuyển cử ba thành phần và Chính quyền Sài Gòn không có Thiệu - Tác giả) từ đó có thể đi đến thoả hiệp - Trong gặp riêng, Hoa Kỳ muốn Việt Nam cho biết tên người muốn đưa vào Chính phủ Sài Gòn.

- Hoa Kỳ không sẵn sàng lật Thiệu một cách đơn giản.

- Giải quyết giữa các bên miền Nam về các vấn đề chính trị (Mỹ và miền Bắc chỉ giải quyết vấn đề quân sự), Mỹ sẵn sàng chấp nhận kết quả giải quyết này.

3- Về đàm phán  

- Hoa Kỳ muốn đàm phán nghiêm chỉnh đi đến kết quả cụ thể dù chỉ là tạm thời.

- Trong cuộc gặp riêng ngày 2 tháng 5, Mỹ đề nghị hai bên ra tuyên bố sẽ có những cố gắng nghiêm chỉnh trong đàm phán để đi đến giải quyết vấn đề Việt Nam trong năm.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #272 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2009, 01:47:38 pm »

Trước và trong đàm phán sắp tới, hai bên giảm mức độ bạo lực không đánh lớn. Để tạo không khí, Việt Nam tôn trọng khu phi quân sự, Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, hai bên thả tù binh bị giam lâu - trên bốn năm.

- Hoa Kỳ sẵn sàng nghe phản đề nghị đối với tám điểm .

Trong khi thông báo, Katusep còn nói thêm một số ý Mỹ đe doạ:

- Mỹ không cho phép kéo dài trong năm bầu cử Tổng thống. Nếu phía Việt Nam không thoả hiệp, Mỹ sẵn sàng mở rộng chiến tranh đối với miền Bắc Việt Nam - sẽ có biện pháp kiên quyết làm cho miền Bắc không còn tiềm lực quân sự, kinh tế để đánh lớn.

- Mỹ kiên quyết rút ra khỏi chiến tranh với bất cứ giá nào, bất cứ biện pháp nào, bất chấp mọi áp lực quân sự đối với Mỹ.

Khi nói về điểm này, Katusep cũng để lộ cho Mỹ có thể phong toả cảng Hải Phòng.

Ngày 27 tháng 4, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp phái viên của Matxcơva. Thủ tướng phê phán mạnh mẽ ý kiến của Mỹ. Có lúc Thủ tướng đã nói: “Ai cho phép họ đe doạ chúng tôi? Ai cho phép họ nói cho chúng tôi làm việc này, không cho chúng tôi làm việc nọ? Ai cho phép họ nói: Nhà Trắng không cho phép kéo dài đàm phán trong thời gian có bầu cử ở Mỹ?”.

Katusep hỏi:

- Về mục tiêu chiến lược thì phải tăng cường lực lượng quân sự ở miền Nam, nhưng còn về sách lược mà nói, làm thế nào để kết hợp việc đánh ở miền Nam và Hội nghị Paris?

Phạm Văn Đồng:

- Đây là vấn đề mức độ. Nếu ta không có hành động quân sự mạnh hơn thì họ không nói chuyện với ta. Ta cần phải hành động để chứng minh cho họ hiểu rằng: Việt Nam hoá chiến tranh nhất định thất bại, bọn Nguỵ nhất định bị quét, không có gì cứu được.

Vấn đề mức độ là cần làm thế nào vừa đủ để họ ngồi nói chuyện với ta, ta không muốn làm nhục họ. Vấn đề mức độ cũng đồng thời là vấn đề thời điểm.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #273 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2009, 01:50:35 pm »

Cuộc gặp riêng ngày 2 tháng 5

Ngày 28 tháng 4, trong tình hình quân Ngụy đang thua ở miền Nam, Nixon vẫn phải tuyên bố rút thêm một đợt phụ nữa gồm 20.000 người, đưa quân Mỹ xuống còn 49.000 tên vào 1 tháng 7 năm 1972.

Ngày 2 tháng 5, quân Chính phủ Cách mạng Lâm thời tiến vào chiếm giữ khu Thành cổ Quảng Trị và tiếp tục đuổi truy kích địch về phía Nam. Toàn tỉnh Quảng Trị đã được giải phóng. Tại miền Đông Nam Bộ, sau khi giải phóng Lộc Ninh - sau này trở thành nơi đóng trụ sở của Chính phủ Cách mạng Lâm thời - quân ta tiến công bao vây An Lộc - tỉnh lỵ tỉnh Bình Long - và ở Tây Nguyên quân ta cũng đang chuẩn bị đánh vào Kontum.

Mười giờ sáng ngày 2 tháng 5, tại Paris bắt đầu cuộc gặp riêng lần thứ mười ba giữa Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ với Kissinger.

Đây là một cuộc họp nặng nề trong không khí căng thẳng của bom đạn đang gầm thét trên chiến trường.

Hôm đó người ta không thấy ở Kissinger - một giáo sư Đại học sôi nổi nói dài dòng hay bông đùa như trước, mà là một người ít nói có vẻ ngượng nghịu, suy nghĩ. Còn Lê Đức Thọ đã được những tin đầu tiên thắng lợi ở Quảng Trị, địa đầu của miền Nam đang nóng lòng chờ kết quả cụ thể ở vùng đất miền Trung cũng như ở nhiều nơi khác.

Người ta có thể dự đoán trước được kết quả cuộc gặp gỡ này.

Mở đầu, Kissinger đã nói đến hoàn cảnh của phiên họp không diễn ra như Mỹ mong muốn, còn Xuân Thuỷ lên án ngay phía Mỹ về việc công bố nội dung các cuộc gặp riêng và hoãn các phiên họp thường lệ ở Kléber và hỏi Kissinger:

- Từ cuộc gặp riêng này trở đi, thái độ hai bên như thế nào?

Và không đợi bên kia trả lời, Bộ trưởng nói tiếp:

- Nếu phía Mỹ muốn công bố thì chúng tôi sẽ công bố, nếu Mỹ muốn giữ bí mật thì chúng tôi giữ bí mật.

Xuân Thuỷ cũng đòi phía Mỹ họp lại Hội nghị bốn bên như thường lệ.

Kissinger bào chữa cho hai việc trên, nhưng cuối cùng cũng chấp nhận giữ bí mật các cuộc gặp riêng và các phiên họp thường lệ của Hội nghị công khai sẽ được tiến hành song song với việc gặp riêng.

Vào nội dung, Xuân Thuỷ thúc giục Kissinger nói trước. Kissinger nói rằng thật ra ông ta không có gì mới để nói vì phía ta chưa trả lời đề nghị tháng 10 năm ngoái và tám điểm tháng 1 năm nay của Nixon, rồi ông ta đọc tuyên bố ngắn, đại ý như sau:

- Tổng thống không cử tôi vượt trùng dương lần này là lần thứ mười ba trừ phi ông ta biết rằng có thể đạt được một giải pháp nhanh chóng và công bằng cho cuộc chiến tranh... Hoa Kỳ sẵn sàng tôn trọng kết quả của giải pháp đó... Sau khi Hoa Kỳ rút đi rồi thì bên Việt Nam vẫn ở tại chỗ cho nên giải pháp phải đáp ứng được sự quan tâm của Việt Nam... Vì vậy bây giờ Hoa Kỳ sẵn sàng đạt được một giải pháp như thế... Nhưng yêu cầu Việt Nam đừng hiểu lầm. Hoa Kỳ không đàm phán dưới mũi súng. Không có một lý do nào để bàn đến thoả thuận sau này nếu "lực lượng xâm lăng” của miền Bắc cứ tràn vào phía chúng tôi.

Ông cũng nói rằng trong những tháng qua, phía Việt Nam đã lẩn tránh việc tìm một giải pháp thương lượng và đưa cho ta một số tư liệu về vấn đề này, và nói "Chúng tôi không muốn chơi cái trò đó nữa". Ông nêu ra ba yêu cầu:

1- Chấm dứt các cuộc tấn công.

2- Khôi phục lại thoả thuận ngầm năm 1968.

3- Phải có đàm phán nghiêm chỉnh, cụ thể, xây dựng, để đi đến kết thúc chiến tranh.

Xuân Thuỷ nhận xét ngay rằng Kissinger đã không đưa ra điều gì mới mà chỉ nhắc lại những điều mà phía Việt Nam đã biết và bác bỏ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #274 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2009, 01:51:52 pm »

Về cái gọi là thoả thuận ngầm, ông nói:

- Chính tôi và Lê Đức Thọ nói chuyện riêng nhiều lần với ông Harriman và cuối cùng không có "thoả thuận ngầm" nào hết.
Lê Đức Thọ cũng bác bỏ cái mà Cố vấn Kissinger gọi là "thoả thuận ngầm 1968”.

(Sau này có lúc Kissinger viết đúng về vấn đề đó, nhưng có đoạn ông ta cố xuyên tạc) (H.Kissinger, Ở Nhà Trắng Sđd, tr. 247 - 249, 1252). 

Lê Đức Thọ nói tiếp rằng sau bảy, tám tháng không gặp nhau, cứ tưởng rằng sẽ được nghe Kissinger đi ngay vào các vấn đề của giải pháp, nhưng tiếc rằng đã không nghe được gì mới. Ông Thọ nói rằng đã phải đi xa hơn Kissinger mới đến được Paris, rồi nhắc lại một loạt sự kiện về leo thang chiến tranh của Mỹ ở Campuchia, ở Lào và ở miền Bắc Việt Nam... nói rằng để thấy ai vi phạm Hiệp định Genève, ai vi phạm thoả thuận năm 1968 và kết luận:

“Chính các ông đã dùng áp lực quân sự trong quá trình đàm phán để buộc chúng tôi phải chấp nhận điều kiện của các ông. Cho nên nhân dân miền Nam Việt Nam phải chống lại các cuộc tấn công đó. Đó là lẽ đương nhiên. Ngay thượng nghị sĩ Fulbright cũng phải thừa nhận sự thật đó".

Kissinger vừa bực bội vừa xót xa ngắt lời Lê Đức Thọ:

- Tôi không muốn bàn về tình hình nội bộ Hoa Kỳ.

Lê Đức Thọ:

- Tôi muốn nhắc câu đó để thấy sự thật như vậy. Ngay người Mỹ cũng nói chứ không phải chúng tôi.

Kissinger cố gắng để Lê Đức Thọ không nói điều đó nữa: 

- Việc bàn bạc công việc nước Hoa Kỳ là việc của chúng tôi.

Ông Thọ cũng không ngừng mà còn xoáy thêm:

- Tôi nêu một dẫn chứng để nói rằng không phải chỉ chúng tôi mà cả người Mỹ cũng nói, và nhắc lại: ngày 8 tháng 4, ông Fulbright đã nói: Việc các lực lượng vũ trang yêu nước tăng cường hoạt động quân sự này là một đòn giáng trả tự nhiên vào chính sách của Hoa Kỳ phá hoại Hiệp định Genève năm 1954.

Kissinger:

- Tôi biết rồi. Ngài không phải nói 

Lê Đức Thọ:

- Tôi cũng chỉ nói qua cho ông biết thôi.

Kissinger: 

- Tôi đã nghe rồi.

Lê Đức Thọ vẫn chưa thôi: 

- Không phải chỉ chúng tôi nói chân lý đó mà những người Mỹ có chút lương tâm cũng biết lẽ phải đó. Cho nên ông nói chúng tôi xâm lược Nam Việt Nam là điều vô lý.

Lê Đức Thọ còn dẫn chứng Tài liệu mật của Lầu Năm Góc (lúc đó mới được tiết lộ - Tác giả) để vạch rõ quá trình can thiệp và xâm lược của Mỹ làm cho Kissinger không chối cãi được.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #275 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2009, 01:52:54 pm »

Kissinger buồn ra mặt. Không biết lúc đó ông ta nghĩ gì nhưng sau này ông viết nhiều lần rằng sự xâu xé trong nước Mỹ làm cho ông đau lòng. Ông đưa ra đề nghị sơ bộ:

“Chúng tôi đề nghị chúng ta trở lại tình hình trước ngày 29 tháng 3 tức là trước ngày các ngài bắt đầu tấn công quân sự, thì chúng tôi sẽ rút những lực lượng chúng tôi đã đưa thêm đến khu vực này và chúng tôi sẽ chấm dứt ném bom. Sau đó chúng ta sẽ tiến hành cuộc nói chuyện trong một bầu không khí êm ả hơn.

Thứ hai, chúng tôi muốn vạch ra với các ngài rằng, trong đề nghị ngày 11 tháng 10 của chúng tôi, chúng tôi đã rút ngắn thời hạn rút quân. Các ngài phản đối để lại các Cố vấn kỹ thuật, chúng tôi đã huỷ bỏ điều này. Tháng 9, các ngài phàn nàn rằng đề nghị về chính trị của chúng tôi là không cởi mở và không cụ thể, chúng tôi đã viết ra với nhiều chi tiết. Nếu các ngài không thích thì đề nghị các ngài đưa ra phản đề nghị".

Xuân Thuỷ.

- Ông nhìn vào thực tế mà chỉ nói lý về mình. Khi nào có lợi cho các ông thì các ông làm, khi nào không có lợi cho các ông thì các ông không làm. Việc các ông mở rộng chiến tranh ra Đông Dương thì các ông xem là việc các ông được làm. Còn bây giờ nhân dân Việt Nam chống lại sự xâm lược của các ông thì các ông lại đòi ngừng lại.

Về phản đề nghị của Việt Nam mà Kissinger yêu cầu, Xuân Thuỷ và Lê Đức Thọ nhắc lại tuyên bố ngày 2 tháng 2 năm 1972 của Chính phủ Cách mạng Lâm thời.

Ông Thọ nói:

- Có hai vấn đề: Về rút quân, chúng tôi muốn có một ngày nhất định, Mỹ chỉ nói sáu tháng sau khi thoả thuận. Như vậy cũng vẫn kéo dài. Còn về vấn đề chính trị, các ông nói Thiệu từ chức một tháng trước khi bầu cử, chúng tôi đòi Thiệu từ chức ngay và Chính quyền còn lại phải thay đổi chính sách.

Kissinger hỏi.

- Tất cả các thành phần khác, trừ Thiệu, vẫn có thể ở lại trong Chính quyền?. 

Xuân Thuỷ: 

- Họ ở lại nhưng phải thay đổi chính sách.

Kissinger:

- Thay đổi chính sách là thế nào?

Lê Đức Thọ.

- Thay đổi chính sách tức là phải bỏ tất cả những gì kìm kẹp áp bức nhân dân, thực hiện các quyền tự do dân chủ thực sự.

Kissinger

- Làm thế nào để xác định được rằng đã thay đổi chính sách rồi?

Lê Đức Thọ:

- Không những phải tuyên bố mà còn phải hành động.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #276 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2009, 01:53:55 pm »

Xuân Thuỷ thêm vào:

- Thí dụ: Thiệu thành lập bao nhiêu trại tập trung thì nay phải huỷ bỏ đi, giam bao nhiêu tù chính trị phải thả họ ra, cấm bao nhiêu tờ báo nay phải để họ xuất bản trở lại.

Kissinger:

- Thiệu từ chức ngay sau khi có thoả thuận hay bây giờ?

Xuân Thuỷ:

- Từ chức ngay là từ chức ngay. Từ chức ngày mai là tốt nhất.

Kissinger tỏ ra chờ đợi và ngạc nhiên không thấy phía Việt Nam đả động gì đến các vấn đề mà Mỹ đã chuyển cho ta qua Liên Xô ông liền nói:

- Qua đồng minh của các ngài, chúng tôi đã đưa ra những vấn đề thảo luận và đồng minh của các ngài đã chuyển cho các ngài rồi, tôi lấy làm lạ đến đây không thấy các ngài thảo luận gì về vấn đề mà các ngài đã biết.

Rồi ông ta nhắc lại: .

- Hoa Kỳ sẵn sàng thảo luận bất cứ một quá trình chính trị nào có thể giải quyết thực sự tương lai chính trị của Nam Việt Nam... sẵn sàng thảo luận việc xây dựng một Chính quyền ở Sài Gòn theo cách đặt vấn đề của Việt Nam... rằng mục tiêu của Hoa Kỳ không phải là duy trì một Chính quyền cụ thể nào mà làm sao cho tất cả các lực lượng có thực ở miền Nam có khả năng hợp lý để giành thắng lợi.  

Lê Đức Thọ không hưởng ứng gợi ý thảo luận các vấn đề ông Cố vấn Nhà Trắng nêu ra, mà chỉ nói:

- Từ trước tới nay chúng tôi đã nói nhiều lần rằng có vấn đề gì các ông nói chuyện trực tiếp với chúng tôi, và chúng tôi trực tiếp nói chuyện với các ông. Chúng tôi không qua một người thứ ba nào cả. Bây giờ có gì thì chúng tôi sẵn sàng thảo luận với các ông.

Phía Việt Nam muốn nghe cụ thể những ý kiến của Nixon trực tiếp từ Kissinger, nhưng ông ta cũng không nói gì thêm, và cho rằng:

- Chúng ta hãy ngừng lại ở đây... chúng tôi sẵn sàng gặp lại các ông, sẵn sàng tiếp tục cuộc nói chuyện này về một chương trình chính trị thực tế với một số thay đổi trong tám điểm của chúng tôi nếu có thể được miễn là hai bên đều có ý muốn thật sự để cho nhân dân Nam Việt Nam tự quyết định tương lai của mình.

Lê Đức Thọ nói tiếp:

- Chúng tôi sẵn sàng gặp lại ông và sẵn sàng thảo luận để tìm một giải pháp hợp tình hợp lý, có lợi cho cả hai bên.

Hai bên chia tay nhau mà không hẹn gặp lại một ngày cụ thể nào. Khi chia tay, Kissinger đồng ý giữ bí mật nội dung cuộc gặp và hẹn trở lại trong một hoàn cảnh tất hơn. Ông Thọ đồng ý.

« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười, 2009, 09:06:46 pm gửi bởi macbupda » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #277 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2009, 01:54:49 pm »

Sau cuộc gặp này, Hà Nội đánh giá:

1- Hiện nay ta đang thắng lớn nhưng chưa đến mức buộc Mỹ phải buông con bài Việt Nam và Đông Dương. Mỹ còn ra sức tăng cường lực lượng miền Nam và tăng cường đánh phá miền Bắc, ngăn chặn ta đánh Huế và Kontum... làm cho cuộc tiến công của ta chậm lại, tạo điều kiện cho Mỹ củng cố lại thế phòng ngự để làm chủ bài mặc cả với ta lúc họ buộc phải đi vào giải quyết.

Về ngoại giao, Mỹ mưu toan dùng Liên Xô, Trung Quốc để hạn chế thắng lợi của ta trên chiến trường và ép ta đi vào giải quyết sớm. Nhân việc Nixon đi Liên Xô, Mỹ dùng Liên Xô để hạn chế ta tiếp tục tấn công và để buộc ta giải quyết về quân sự cho Mỹ rút, còn vấn đề chính trị để cho các bên miền Nam giải quyết với nhau.

Giữa Mỹ và Liên Xô có sự mua bán và đổi chác về vấn đề Việt Nam. Không ngoại trừ khả năng từ nay đến khi Nixon đi Liên Xô. Kissinger lại sang Matxcơva một lần nữa (bí mật hoặc công khai) để ép Liên Xô về vấn đề Việt Nam hòng gỡ bớt khó khăn hiện nay của Mỹ. Ta cần cảnh giác với âm mưu phá hoại Hội nghị Paris và tạo ra cách giải quyết khác để giải quyết sớm vấn đề Việt Nam, kể cả Hội nghị Quốc tế.

2- Ta tiếp tục thực hiện tốt ý đồ quân sự và chính trị trên chiến trường, có như vậy mới có cơ sở để đạt một giải pháp vững chắc, đề phòng và đánh trả tốt việc đánh phá miền Bắc.

Về gặp riêng, chúng ta chủ trương từ nay đến khi Nixon kết thúc chuyến đi Liên Xô, không gặp thêm một lần nào nữa mà chỉ gặp sau khi Nixon đi Liên Xô. Nếu gặp riêng lúc này thì ta phải có gì mới và do đó lại tạo điều kiện cho Liên Xô làm trung gian và dùng vấn đề Việt Nam mua bán với Mỹ. Nếu Mỹ chủ động hẹn gặp, Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ tìm cách lùi đến sau khi Nixon đi Liên Xô xong mới gặp riêng”.

Ngày 8 tháng 5, chưa đầy một tuần sau phiên gặp riêng giữa Lê Đức Thọ, Xuân Thuỷ và Kissinger, Nixon tuyên bố tiến hành một bước leo thang mới mở rộng quy mô đánh phá miền Bắc, kể cả bằng lực lượng không quân chiến lược, thả mìn cảng Hải Phòng cùng các cửa sông, lạch trên vùng biển phong toả miền Bắc nước ta.

Đấy là những biện pháp có tính chiến lược cho cuộc chiến ở miền Nam chứ không phải hỗ trợ như chiến tranh phá hoại dưới thời Johnson. 

Cùng ngày, Nixon đưa ra đề nghị hoà bình mới:

- Thả tất cả các tù binh Mỹ.

- Có giám sát quốc tế về ngừng bắn toàn Đông Dương.

- Sau đó Hoa Kỳ sẽ chấm dứt mọi hành động vũ lực trên toàn Đông Dương.

- Hoa Kỳ sẽ tiến hành rút hoàn toàn quân Hoa Kỳ khỏi miền Nam Việt Nam trong vòng bốn tháng (R.Nixon. Hồi ký Sđd tr 602-602).

Qua đề nghị trên người ta thấy rõ, Mỹ tỏ ra cứng rắn, nhưng mặt khác cũng không tin tưởng quá vào khả năng đánh bại ý chí chiến đấu của quân và dân ta bằng chiến tranh phá hoại. Ông ta cũng không tin tưởng nhiều vào kết quả hoạt động đối ngoại với các cường quốc khác trong vấn đề Việt Nam. Giải pháp mà ông ta đưa ra chỉ giải quyết vấn đề quân sự mà vấn đề hàng đầu được nêu ra là vấn đề tù binh Mỹ thì cả chương trình Việt Nam hoá lẫn những mưu tính toàn cầu đều không giải quyết được dù muốn hay không và Nhà Trắng vẫn phải quay lại Hội nghị Paris để thương lượng với Hà Nội.

Một điều nữa cũng đáng lưu ý là chỉ cách đây không lâu con “diều hâu" này còn gọi Bắc Việt Nam là xâm lược thì hôm nay lại từ bỏ yêu sách đòi quân miền Bắc rút khỏi miền Nam Việt Nam.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #278 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2009, 01:55:48 pm »

Vấn đề Việt Nam và Hội nghị cấp cao Xô - Mỹ

Cuộc tiến công Xuân Hè của ta diễn ra sau khi Nỉxon đi Trung Quốc và trước khi ông ta đi Liên Xô. Không những thế nó còn kéo dài nhiều tháng nữa. 

Điều đó cho thế giới thấy rõ công việc của Việt Nam do người Việt Nam giải quyết, và cũng chứng minh cho Washington biết cả Trung Quốc và Liên Xô vẫn giúp ta.

Sự thất bại không ngờ của quân Nguỵ làm cho Nixon bực bội và đau xót. Ông ta than thở "Thật là trớ trêu của định mệnh đã đưa đến tình cảnh này: số phận của chúng ta lại nằm trong tay người Nam Việt Nam" (R.Noxon. Hồi ký Sđd, tr 588, 590 - 591). Tất nhiên Washington không thể ngồi yên. Họ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ngoại giao song song với các biện pháp quân sự. Tháng 4 năm đó, khi Kissinger lên đường sang Liên Xô cũng là lúc quân nguỵ Sài Gòn được Mỹ trang bị những vũ khí tối tân đang phải chạy dài ở nhiều nơi... Nixon bảo Kissinger rằng: 

“Điều người Nga muốn là Kissinger có mặt ở Matxcơva để thảo luận về Hội nghị cấp cao, điều tôi muốn là có ông ở Matxcơva để thảo luận vấn đề Việt Nam... Điều chúng ta thật sự phải nghĩ tới là huỷ bỏ Hội nghị cấp cao và tỏ ra cứng rắn ở Việt Nam, kể cả phải dùng đến phong toả" (R.Nixon. Hồi ký. Sđd, tr 588, 590-591)

Nixon đã tính đến một sự thất bại trước mắt ở Đông Nam Á, đã phải xem xét đến việc rút lui và tìm người thay thế. Ông soát lại danh sách những nhân vật có thế lực trong Đảng Cộng hoà, từ Rockefeller đến Reagan và Connally, xem ai có khả năng cầm đầu Đảng Con Voi để chọi với Đảng Con Lừa.

Nixon nhấn mạnh với Kissinger trước khi ông này đi Liên Xô rằng:

“Điều tiên quyết là phải có một giải pháp cho vấn đề Việt Nam trước khi thảo luận mọi vấn đề... Tôi định huỷ bỏ Hội nghị cấp cao trừ phi chúng ta có được một sự cam kết chắc chắn của người Nga công bố một thoả thuận chung ở Hội nghị cấp cao dùng ảnh hưởng của cả hai bên để kết thúc chiến tranh” (R.Nixon. Hồi ký Sđd tr 602.).

Chiều 1 tháng 5, khi tướng C.Abrams, Tư lệnh Lầu Năm Góc ở Phương Đông, báo cáo về Nhà Trắng rằng "Quảng Trị đã rơi vào tay cộng sản" thì cả Nixon và những Cố vấn có mặt của ông đều lặng đi. Ông bảo Kissinger rằng:

"Chúng ta phải nói cho người Nga biết rằng tôi muốn huỷ bỏ Hội nghị cấp cao nếu họ nghĩ rằng chúng ta phải trả bằng cái giá thất bại ở Việt Nam... Trong bất cứ trường hợp nào tôi sẽ không dự Hội nghị thượng đỉnh nếu chúng ta còn bị khó khăn ở Việt Nam".

“Tôi không thể dự Hội nghị cấp cao và chạm cốc với Brêgiơnép khi xe tăng Xô viết chạy ầm ầm qua Huế hay Quảng Trị, Hội nghị cấp cao chẳng đáng một trinh, không cần mua bằng thất bại ở Việt Nam" (R.Nixon. Hồi ký. Sđd, tr.593,594-595, 601, 609.).

Rồi Nixon biên thư cho Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô rằng trang bị của Liên Xô đang cung cấp các phương tiện cho Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hành động và đòi Liên Xô chấm dứt viện trợ cho Việt Nam.

Việt Nam hiểu rằng đối với Liên Xô dẫu sao vấn đề Việt Nam cũng chỉ là vấn đề lớn hơn ở sát nách mình, như vấn đề Trung Quốc, Trung Đông và châu Âu nữa. Và vì vậy khi Nixon đã hoà hoãn với Trung Quốc thì Liên Xô không thể tiếp tục việc hoà dịu với Mỹ bắt đầu từ thập kỷ 60. Nixon nói nhiều đến việc huỷ bỏ Hội nghị thượng đỉnh, điều đó có thật lòng ông ta nghĩ như vậy không? Có điều chắc chắn Nixon muốn ghi dấu ấn vào cái mốc lịch sử trong quan hệ Đông - Tây, điều chưa từng có khi chuyến viếng thăm Matxcơva của Tổng thống Eisenhower bị huỷ bỏ do việc Mỹ cho máy bay U2 do thám Liên Xô và bị bắn rơi.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #279 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2009, 01:56:27 pm »

Ngày 20 tháng 5 năm 1972, Nixon lên đường sang Matxcơva. Trên máy bay Kissinger nói với ông ta rằng: “Đây là một trong những đòn ngoại giao lớn của mọi thời đại" (R.Nixon. Hồi ký. Sđd, tr 543, 594, 595, 601, 602, 609.).

Hà Nội tỏ ra không đồng tình trước việc Liên Xô đón Nixon. Hà Nội cũng không đồng tình với lập trường của Liên Xô về vấn đề Việt Nam được nêu ra trong thông cáo chung của hai bên: Không nói gì đến việc Mỹ phong toả miền Bắc, tỏ thái độ không mạnh đối với việc họ ném bom ồ ạt trở lại miền Bắc Việt Nam.

Thực tế Việt Nam đã trở thành món hàng mặc cả để giữ thế cân bằng lực lượng giữa các nước lớn ở Đông Nam Á.

Sau chuyến đi của Tổng thống Mỹ sang Matxcơva, ngày 11 tháng 6, đoàn Mỹ gửi công hàm cho đoàn ta ở Paris đề nghị nối lại cuộc gặp riêng vào 28 tháng 6.

Từ ngày 14 đến 17 tháng 6, Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô Pôtgotnưi sang Hà Nội, thông báo cho ta biết kết quả cuộc đi thăm của Nixon ở Matxcơva, đồng thời thăm dò ý kiến ta. Liên Xô muốn tuyên truyền cho chuyến đi này để chứng minh cho dư luận thấy việc đón Nixon là đúng, Matxcơva và Hà Nội vẫn có quan hệ chặt chẽ. Nhưng Hà Nội chỉ đưa tin khi chuyến đi đã kết thúc.

Ai cũng thấy rằng cuộc gặp riêng mà phía Mỹ đề nghị và việc Pôtgotnưi sang ta liên quan với nhau. Hà Nội điện cho Xuân Thuỷ chưa vội trả lời, đợi hiểu rõ ý đồ của Mỹ sau khi Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô sang Hà Nội.

Hà Nội cũng điện thêm cho Xuân Thuỷ: ta có thể hẹn gặp vào trung tuần tháng 7 sau khi Hội nghị Kléber họp phiên thường lệ. Ta vẫn đòi họp Hội nghị công khai trước khi gặp riêng.

Lúc ấy Cố vấn Lê Đức Thọ đang ở Xôphia dự Đại hội Đảng Cộng sản Bungari đã được mời về gấp dự Hội nghị Bộ Chính trị. Xuân Thuỷ cũng về dự họp.

Ngày 14 tháng 6 tại Paris, phía Mỹ lại trao cho ta một bản ghi nhớ hoãn cuộc họp thường lệ đó "Vì hành động quân sự của Bắc Việt Nam vẫn tiếp tục. Còn các phiên họp sau sẽ do các yếu tố xác đáng quy định”. Họ không đưa ra một ngày cụ thể nào họp lại.

Ngày 20 tháng 6, Võ Văn Sung trao cho đại tá Guay, người liên lạc của Mỹ, trả lời của ta cho công hàm 11 tháng 6 của Mỹ, trong đó có đoạn viết:

"Với thiện chí của mình, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đồng ý gặp riêng và cho rằng cần phải họp lại các phiên họp toàn thể của Hội nghị Paris như thường lệ làm cơ sở cho việc gặp riêng như đã thoả thuận trước đây.

Từ nay đến hết tuần đầu tháng 7, Cố vấn Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thuỷ đã có chương trình làm việc từ trước tại Hà Nội. Do đó Cố vấn Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thuỷ sẵn sàng gặp riêng Tiến sĩ Kissinger tại địa điểm chậm nhất là ngày thứ năm 15 tháng 7 năm 1972".

Đại hội Đảng Dân chủ Mỹ năm đó họp vào tháng 7. Ta không ủng hộ Nixon bằng cách gặp đại diện của ông ta trước hoặc đúng ngày hôm đó và cũng để dư luận rõ ta không can thiệp vào bầu cử ở Mỹ.

Hôm 11 tháng 6, khi chuyển công hàm cho ta, đại tá Guay nói thêm với Võ Văn Sung: "Từ ngày 29 tháng 6, Kissinger đi vắng bốn tuần sang California làm việc với Nixon”. Nhưng khi nghe đọc công hàm của ta hẹn gặp vào ngày 15 tháng 7, Guay nhắc lại chuyện đó và nói:

- Nay các ông lại đưa ra ngày 15 tháng 7 là rơi vào đúng bốn tuần lễ đó.

Võ Văn Sung đáp:

- Tôi đã chuyển lời nói thêm của ông hôm trước về Hà Nội.

Guay:

- Như vậy là Hà Nội đã biết điều đó. Tôi chỉ hỏi lại ông thế thôi. Còn nhiệm vụ của tôi là chuyển công hàm này. Có gì tôi sẽ gọi cho ông.

Ngay trưa hôm đó (20 tháng 6) viên đại tá Mỹ lại gặp Võ Văn Sung và trao công hàm của Mỹ cho ta chấp nhận việc gặp riêng nhưng xin lui lại đến 19 tháng 7 năm 1972. Họ cũng đồng ý họp Hội nghị toàn thể ngày 13 tháng 7.

Sự nhanh nhạy này của Mỹ cho thấy rõ ý nghĩa của nó.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM