Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:42:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris  (Đọc 197671 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #260 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2009, 10:04:35 am »

Tám điểm: Khung mới, lập trường cũ

Mỹ tăng cường các hoạt động quân sự trên cả ba chiến trường. Ở miền Bắc, chúng tăng nhịp độ đánh phá. Trong tháng 7, đã có mười bảy lần chúng ném bom vào các vùng đông dân ở khu vực Vĩnh Linh và tỉnh Quảng Bình, cả một phần phía Nam tỉnh Nghệ An. Máy bay B.52 cũng ném bom rải thảm nhiều lần phía Bắc khu phi quân sự và cả ở Quảng Bình. Trong tháng 8, máy bay chiến thuật và máy bay chiến lược Mỹ tiếp tục đánh phá nhiều lần khu vực Vĩnh Linh. Ngày 15 tháng 8, Mỹ lại oanh tạc Quảng Bình.

Ở miền Nam, một mặt Mỹ - Nguy ráo riết chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống vào đầu tháng 10, mặt khác đẩy mạnh chiến dịch "Phượng hoàng" truy lùng ráo riết các cán bộ cơ sở của Chính phủ Cách mạng Lâm thời, khủng bố nhân dân và đàn áp phe đối lập.

Ở Lào, Mỹ dùng lực lượng đặc biệt của Vàng Pao cùng quân phái hữu và quân Thái tấn công lấn chiếm Cánh Đồng Chum và tổ chức các cuộc hành quân nhằm chiếm lại cao nguyên Bôlôven. Ngày 9 tháng 8, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra tuyên bố nói rằng Chính phủ Hoa Kỳ có quyền không thi hành đầy đủ Hiệp định Genève về Lào.

Ở Campuchia, Mỹ huy động hàng vạn quân ngụy Sài Gòn và quân của Lonnol mở các cuộc hành quân qui mô ở nhiều vùng thuộc phía Đông và Đông Bắc Campuchia.

Còn Chính phủ Cách mạng Lâm thời chủ trương tiếp tục chống bình định ở miền Nam cũng như phối hợp với lực lượng giải phóng ở Campuchia, quân Pathet Lào và quân Việt Nam ở Lào phá tan các cuộc hành quân của địch.

Tại các đô thị miền Nam, Chính phủ Cách mạng Lâm thời chủ trương đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng đòi lập “một Chính quyền ít phản động hơn tạo điều kiện cho phong trào cách mạng miền Nam phát triển và tiến lên giành thắng lợi quyết định sau này" (Lê Duẩn. Thư vào Nam: Sdd, tr 266.).

Trong hoàn cảnh đó diễn ra một cuộc gặp lần này giữa Xuân Thuỷ và Kissinger. (Lê Đức Thọ còn ở Hà Nội).

Kissinger trao cho Võ Văn Sung một số tài liệu công khai về việc Mỹ sắp phóng tàu Apollo lên mặt trăng - theo yêu cầu của ông Thọ lần trước - và nói:

- Trong này không có bảy điểm, cũng không có chín điểm.

Xuân Thuỷ:

- Nhưng cũng nói đi được bao nhiêu xa chứ?.

Mọi người cùng cười. Kissinger hỏi thăm sức khoẻ của Lê Đức Thọ và xin lỗi đến chậm vì những lý do không tránh khỏi.

Thật ra hôm ấy ông ta gặp đại sứ Trung Quốc Hoàng Chấn quá lâu. (H. Kissinger. Ở Nhà trắng Sđd, tr.1091)

Xuân Thuỷ:

- Dù có lên được mặt trăng cũng có khi đi chậm.

Tướng V.Walters không hiểu vô tình hay hữu ý nói:

- Chúng ta hẹn gặp nhau vào mười một giờ.

Xuân Thuỷ nhìn đồng hồ: 

- Bây giờ đã mười một giờ hai lăm phút.

Kissinger: .

- Bộ trưởng nói tôi đến chậm chứ gì. Người ta cũng có lúc nhanh lúc chậm
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #261 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2009, 10:05:26 am »

Xuân Thuỷ đáp.

- Tôi sẵn sàng chờ, miễn là ông thật sự muốn giải quyết hoà bình vấn đề Việt Nam.

Kissinger:

- Nhưng cũng không nên để xảy ra như vậy. Con đường lên mặt trăng còn ít trở ngại hơn con đường chúng ta đi.

Tiếp đó Kissinger chủ động đưa ra một cái khung tám điểm mà ông ta nói là một cố gắng để phối hợp bảy điểm của Mỹ và chín điểm của Việt Nam, cho rằng đó có thể là cơ sở để đưa ra một tuyên bố về nguyên tắc. Ông ta đề nghị hai bên thoả thuận về nguyên tắc rồi chuyển tuyên bố đó cho nhóm đàm phán chính thức của hai bên để thảo luận chi tiết. Kissinger đọc tám điểm tóm tắt như sau:

1. Hoa Kỳ sẽ rút hết quân vào ngày 01 tháng 8 năm 1972 nếu Hiệp định cuối cùng ký vào 01 tháng 11 năm 1971

2. Việc thả các tù binh sẽ bắt đầu cùng ngày và kết thúc cùng ngày với việc rút quân Hoa Kỳ.

3. Tương lai chính trị của Nam Việt Nam do nhân dân Nam Việt Nam quyết định không có sự can thiệp của nước ngoài. Hoa Kỳ tuyên bố:

- Không ủng hộ bất cứ ứng cử viên nào và sẽ giữ hoàn toàn trung lập trong bầu cử sắp tới ở Nam Việt Nam.

- Sẽ tôn trọng kết quả cuộc bầu cử và mọi quá trình chính trị khác do nhân dân Nam Việt Nam tự đặt ra.

- Sẵn sàng qui định mối quan hệ về viện trợ quân sự và chính trị giữa Hoa Kỳ với bất cứ Chính phủ nào tồn tại ở Nam Việt Nam, kể cả việc qui định những giới hạn về viện trợ quân sự cho Nam Việt Nam coi như một phần của giới hạn chung về viện trợ quân sự của bên ngoài cho cả Bắc và Nam Việt Nam.

Trong điểm 3 còn qui định Nam Việt Nam cùng các nước Đông Dương theo chính sách ngoại giao trung lập, vấn đề thống nhất Việt Nam...

4. Hai bên tôn trọng các Hiệp định Genève năm 1954 và năm 1962

5. Vấn đề giữa các nước Đông Dương do các bên Đông Dương giải quyết... trong đó có nguyên tắc lực lượng vũ trang của nước nào đóng trong phạm vi biên giới của nước đó.

6. Ngừng bắn toàn Đông Dương.

7. Giám sát quốc tế về ngừng bắn, rút quân và thả tù binh.

8. Bảo đảm quốc tế.

Ngoài ra Kissinger còn được phép chuyển đến Bộ trưởng Xuân Thuỷ lời cam kết miệng của Tổng thống:

Một tháng sau khi thoả thuận về nguyên tắc, Tổng thống sẽ yêu cầu Quốc hội cho phép và cho tiền để thực hiện chương trình 5 năm viện trợ cho các nước Đông Dương... khoảng 7 tỷ rưỡi đô la trong đó dưới hai tỷ sẽ dành cho Việt Nam Dân chủ cộng hoà".

Kissinger giải thích tính công bằng và hợp lý của tám điểm và kêu gọi bỏ nghi kỵ trong quá khứ và không để trở thành tù nhân của lịch sử.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #262 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2009, 10:06:12 am »

Trước khi bình luận, Xuân Thuỷ phê phán Mỹ tăng cường chiến tranh, không giữ lời hứa của các cuộc gặp riêng và chạy vạy chỗ nọ chỗ kia... Kissinger thanh minh một lần nữa và nói rằng Hoa Kỳ muốn hoà bình, Hoa Kỳ nhận thức một cách rõ ràng là muốn lập lại hoà bình thì phải lập lại với Hà Nội. Rồi ông ta nói:

- Chắc Bộ trưởng đã được chỉ thị là không để cho tôi thuyết phục Bộ trưởng, và tôi biết Bộ trưởng sẽ trả lởi tôi rằng tất cả những việc xảy ra là do trách nhiệm phía chúng tôi. Thật là đáng tiếc. Cái bi kịch là nếu chiến tranh tiếp tục một năm nữa thì chúng ta quay lại tình hình đại khái như bây giờ... Chúng tôi không cản trở con đường tiến của các ngài. Rõ ràng tôi thấy Bộ trưởng chưa sẵn sàng làm công việc đó.

Tạm nghỉ, Kissinger trao tám điểm cho ta và cho Xuân Thuỷ xem bức ảnh chụp chung với Dương Văn Minh và đại sứ Bunker, do Dương Văn Minh gửi tặng. Sau giờ nghỉ, Xuân Thuỷ nói Mỹ đã có một cố gắng vì đã đề ra ngày cụ thể cho việc rút quân, tuy so với ngày cụ thể của Việt Nam đòi rút hết quân trong năm 1971 thì còn cách xa nhiều. Nhưng chủ yếu Bộ trưởng nói về vấn đề thay Thiệu ở miền Nam.

- Sự có mặt của Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam đã gây ra nhiều xáo trộn chính trị Biểu hiện cụ thể đó là sự thành lập và tồn tại Chính quyền Thiệu. Thiệu đã tuyên bố bốn không (không liên hiệp, không trung lập, không công nhận Mặt trận, không nhượng đất - Tác giả) và từ trước tới nay thi hành chính sách của Hoa Kỳ... Chúng ta thương lượng ở đây không thể thương lượng về một giả thuyết, một dự đoán trừu tượng, một tác động tâm lý, mà phải giải quyết vấn đề thực chất. Nếu Chính phủ Hoa Kỳ tìm mọi cách để giữ Thiệu thì chắc chắn không giải quyết được vấn đề.

Kissinger trả lời rằng việc ta đòi hỏi rút hết vào 31 tháng 12 năm 1971 là không thể được và sẽ gây ra một sự đảo lộn hoàn toàn ở Sài Gòn. Nhưng ông ta nghĩ rằng nếu giải quyết được các điểm khác thì Hoa Kỳ có thể điều chỉnh chút ít về cái ngày đó để đáp lại thiện chí của Việt Nam về các vấn đề khác.

Còn vấn đề Chính quyền ở Sài Gòn “điều mà các ngài muốn - ông nói - là chúng tôi tạo ra một tình thế để Chính quyền Sài Gòn phải sụp đổ ngay một cách chắc chắn, chúng tôi muốn tạo ra một tình hình làm cho việc thay thế Chính quyền Sài Gòn có thể xảy ra, chứ Hoa Kỳ không đảm bảo thực chất việc đó. Quân Hoa Kỳ có thể thêm năm, sáu tháng nữa nhưng luôn luôn giảm bớt thì càng không thể thay đổi được tình hình chính trị ở miền Nam Việt Nam".

Dừng một lúc, quay lại phía Walter, Kissinger nói:

- Tướng Walter muốn nói các ngài muốn ăn tráng miệng trước khi ăn xúp. 

Xuân Thuỷ: .

- Ông Cố vấn đã đi Trung Quốc. Ông biết ở đấy người ta ăn tráng miệng nửa chừng bữa cơm rồi lại tiếp tục ăn mặn

Mọi người cùng cười. Kissinger lại mời Xuân Thuỷ tháng 11 sang Mỹ dự việc phóng tàu vũ trụ lên mặt trăng.

Xuân Thuỷ lại tiếp tục nêu ra những mâu thuẫn của Kissinger trong tám điểm thì ông ta nói: 

- Tôi cứ tưởng nói lên mặt trăng thì Bộ trưởng ký ngay tám điểm của tôi .

Xuân Thuỷ: 

- Tôi muốn nói chuyện quả đất chứ chưa muốn nói chuyện mặt trăng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #263 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2009, 10:07:12 am »

Kissinger đề nghị chia ra hai giai đoạn: Ký thoả thuận về nguyên tắc càng sớm càng tốt vì tám điểm này chưa phải là Hiệp định cuối cùng. Còn Hiệp định cuối cùng thì ký trước ngày 1 tháng 11 năm 1971. Ông nói rằng nếu từ nay đến bầu cử mà không xảy ra điều gì thì chắc chắn chính phủ hiện nay ở Sài Gòn sẽ thắng cử. Nếu ta thoả thuận tuyên bố về nguyên tắc thì có khả năng tướng Dương Văn Minh thắng cử.

Xuân Thuỷ:

- Trong điều kiện Thiệu có gần một triệu quân, có bộ máy cảnh sát lớn, có gần hai mươi vạn quân Mỹ yểm trợ và giúp Thiệu, toà đại sứ Mỹ chỉ đạo cả về quân sự và chính trị, có các đội bình định, mạng lưới CIA, mà các ông nói không có cách nào để ảnh hưởng ngoài lời tuyên bố giữ thái độ trung lập. Những điều ông nói đối với những người hiểu biết không ai tin được. 

Việc Hoa Kỳ đứng trung lập thật ra là ủng hộ Thiệu.

Xuân Thuỷ đề nghị một cuộc họp khác vào 13 tháng 9 năm 1971.

Ngày 20 tháng 8 và sau đó ngày 23 tháng 8, Nguyễn Cao Ký, rồi Dương Văn Minh lần lượt rút khỏi cuộc chạy đua tranh cử với Nguyễn Văn Thiệu. Việc bầu cử ở Sài Gòn trở thành một trò hề: độc diễn. Phong trào chống bầu cử gian lận ở các đô thị miền Nam lại càng phát triển thêm.

Kissinger đến cuộc họp hôm 13 tháng 9 có lẽ có hy vọng có gì mới vì cuộc họp này do ta đề xuất. Hơn nữa, ông ta đã đề nghị phía Việt Nam đưa ra phản đề nghị về vấn đề Chính quyền ở miền Nam. Còn Xuân Thuỷ muốn dùng phiên họp này để ép Mỹ xuống thang thêm.

Sau một bài dài của Xuân Thuỷ phê phán tám điểm của Hoa Kỳ, Kissinger tỏ ra thất vọng và hỗn xược: 

- Tôi biết Bộ trưởng đã phát biểu theo chỉ thị mà Bộ trưởng đã nhận nên tôi trả lời đây là trả lời người đã thảo ra chỉ thị đó.

Xuân Thuỷ nghiêm nghị:

- Tôi xin ngắt lời ông. Tôi hỏi ông trả lời đây là theo chỉ thị của Nhà Trắng hay theo ý kiến riêng ông?

Kissinger:

- Thay mặt Nhà Trắng.

Xuân Thuỷ:

- Thay mặt Nhà Trắng thì tôi sẵn sàng nghe, còn nếu là của cá nhân ông thì chỉ nghe một phần thôi. Vì tôi chỉ nghe những điều mà ông nói theo chỉ thị của Nhà Trắng và những điều tôi nói cũng để cho Nhà Trắng nghe.

Kissinger:

- Ngài sẵn sàng nghe chứ?

Xuân Thuỷ:

- Được, nếu là của Nhà Trắng.

Kissinger đọc một bản kể lại những đề nghị của Mỹ từ 31 tháng 5 đến nay nói lên thiện chí của Mỹ và đổ trách nhiệm cho phía Việt Nam không muốn giải quyết vấn đề. Ông ta còn nói thêm là bản thân đã bốn lần sang Paris khi không có người từ Hà Nội đến

Khi Kissinger nói đến đòi hỏi của Mỹ hạn chế viện trợ quân sự cho miền Bắc Việt Nam đi đôi với việc Mỹ hạn chế viện trợ quân sự cho miền Nam theo tỷ lệ tương đương thì Xuân Thuỷ sẵng giọng:

- Ông làm như Việt Nam là của các ông. Ông làm như miền Nam và cả miền Bắc Việt Nam là thuộc Hoa Kỳ cả. Không? Việt Nam là của người Việt Nam!

Cuộc tranh luận bế tắc trong vấn đề Chính quyền ở miền Nam. Cuộc họp kết thúc sau hai giờ, ngắn nhất so với những lần gặp trước.
Không hẹn cụ thể ngày gặp lại, hai bên đồng ý sẽ báo cho nhau nếu có gì mới.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #264 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2009, 10:08:02 am »

*
*   *

Qua hai cuộc gặp sau cùng này, người ta thấy rõ Mỹ muốn đạt được thoả thuận về vấn đề chính trị, giải quyết xong cái khung với ta để công bố ra, lấy vốn chính trị có lợi cho họ về đối nội và đối ngoại. Sau khi công bố cái khung thì coi như căn bản giải quyết vấn đề còn cụ thể thế nào thì Mỹ để đấy hoặc có thể kéo dài việc thương lượng.

Việc Mỹ công bố cái khung chung như thế sẽ có tác động đến tình hình chính trị ở miền Nam, có lợi cho Nguyễn Văn Thiệu trong bầu cử sắp tới.

Mỹ chủ động ngừng cuộc gặp riêng. Nhưng Mỹ không cắt cầu thì ta cũng không cắt.

Ngày 30 tháng 9, Thượng viện Mỹ hầu như nhất trí thông qua quyết nghị đòi Nixon rút quân trong sáu tháng với điều kiện duy nhất là đưa được tù binh về nước.

Ngày 4 tháng 10, tướng Walters gọi điện thoại cho Võ Văn Sung đề nghị gặp Bộ trưởng Xuân Thuỷ để trao một công hàm của Washington. Không gặp được Xuân Thuỷ, ngày 11 tháng 10, Walters trao đề nghị tám điểm mới của Mỹ cho Võ Văn Sung.

Trong công hàm có đoạn viết: "Tiến sĩ H.Kissinger sẵn sàng gặp vào ngày 1 tháng 11 năm 1972 ông Lê Đức Thọ hoặc một nhân vật khác tương đương của Hà Nội cùng với Bộ trưởng Xuân Thuỷ. Trong cuộc họp đó ông ta sẵn sàng tính đến các điểm khác đã được thảo luận trong các cuộc họp trước đây của diễn đàn này".

Phía Mỹ còn nói đây là một giải pháp toàn diện, một cố gắng cuối cùng để thương lượng một giải pháp công bằng trước cuối năm 1971.

Điểm mới trong tám điểm ngày 11 tháng 10 của Mỹ là:

- Hoa Kỳ sẽ rút hết quân vào ngày 1 tháng 7 năm 1972 miễn là tuyên bố về nguyên tắc sẽ ký vào ngày 1 tháng 12 năm 1971. Tức là thời hạn rút quân Mỹ chỉ còn bảy tháng.

Vấn đề chính trị ở miền Nam đã trở thành một điểm riêng, và:

- Sẽ có bầu cử Tổng thống tự do và dân chủ sau khi Hiệp định cuối cùng được ký.

-  Sẽ có cơ quan độc lập gồm đại diện các lực lượng chính trị ở miền Nam tham gia chịu trách nhiệm tổ chức tuyển cừ...

- Một tháng trước cuộc bầu cử Tổng thống đó, Tổng thống và Phó Tổng thống đương quyền sẽ từ chức.

Nhưng Mỹ vẫn đòi ta rút quân khỏi Lào và Campuchia. Mỹ tỏ ra đáp ứng bảy điểm công khai của Chính phủ Cách mạng Lâm thời và chín điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Thời hạn rút quân Mỹ có ngắn hơn trước nhưng vẫn phụ thuộc vào việc ký Hiệp định cuối cùng. Về chính trị, Mỹ nói đến việc Thiệu từ chức, nhưng đòi ta phải chấp nhận chế độ Nguy quyền trong hiến pháp của Sài Gòn và như vậy bảo đảm cho Nguỵ thắng cử.

Về cơ bản Mỹ vẫn giữ lập trường cũ: không muốn giải quyết toàn bộ vấn đề mà chỉ muốn giải quyết vấn đề quân sự, lấy được tù binh.
Từ đầu tháng 10 năm đó, Hà Nội đã tiếp Chủ tịch Xô-viết Tối cao Liên Xô Pốtgoócnưi và được thông báo những ý kiến tương tự.

Ngày 20 tháng 11, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở Bắc Kinh, Thủ tướng Chu Ân Lai nói:

"Việt Nam nên tranh thủ thời cơ giải quyết trước vấn đề rút quân Mỹ và quan tâm giải quyết vấn đề tù binh Mỹ, việc đánh đổ ngụy quyền Sài Gòn là lâu dài" (Vụ Thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao. Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc 30 năm qua. Sđd, tr.58).
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười, 2009, 09:05:23 pm gửi bởi macbupda » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #265 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2009, 10:08:43 am »

Ngày 12 tháng 10, Nixon công bố sẽ đi thăm Liên Xô tháng 5 năm 1972, và ngày 20 tháng 10 công bố tin Kissinger đi Trung Quốc lần thứ hai.

Rõ ràng nếu đề nghị này được Việt Nam chấp nhận sẽ tạo thế mạnh cho Nixon đối với cả Liên Xô và Trung Quốc. Còn nếu Việt Nam không nhận thì có thể công bố và đổ trách nhiệm cho Việt Nam trước dư luận thế giới.

Ngày 25 tháng 10, Võ Văn Sung báo cho Walters biết là Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thuỷ sẵn sàng gặp Cố vấn Nhà Trắng vào ngày 20 tháng 11.

Nhưng ba ngày trước cuộc gặp đó, Võ Văn Sung lại báo cho Walters là Cố vấn Lê Đức Thọ bị ốm bất ngờ nên không tới dự cuộc gặp riêng đó được. Bộ trưởng Xuân Thuỷ sẵn sàng gặp Tiến sĩ Kissinger vào ngày 20 tháng 11 như đã thoả thuận.

Hai hôm sau, Walters gặp lại Võ Văn Sung nói rằng: Rất tiếc về việc Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ bị ốm. Trong trường hợp đó cuộc gặp nói trên sẽ không có ý nghĩa.

Nhưng phía Mỹ vẫn để ngỏ cửa sẽ có cuộc gặp lại vào thời gian thích hợp với Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ hoặc với bất cứ đại diện nào của Bộ Chính trị để nhanh chóng giải quyết cuộc chiến tranh... Mỹ mong đợi Việt Nam đưa ra những gợi ý về một thời hạn thích hợp cho cuộc gặp. 

Đấy là một trường hợp ốm về chính trị.

Lúc đó trên chiến trường miền Nam, tương quan lực lượng vẫn chưa có lợi cho cách mạng, Chính phủ Cách mạng Lâm thời chưa có thắng lớn mà còn đang chuẩn bị cho hoạt đồng xuân - hè năm sau.

Mặt khác, trên bàn đàm phán về quân sự hai bên đã gần nhau nhưng còn về chính trị Mỹ vẫn giữ lập trường như trước - và trước thái độ đó, Hà Nội thấy cần tỏ ra không nóng vội.

Một vấn đề nữa là ba nước lớn sẽ bàn nhau về vấn đề Việt Nam như thế nào ta chưa rõ. Còn phải chờ xem.

Trước đây Hà Nội quyết định Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ gặp Kissinger vào ngày 20 tháng 11 năm 1971 và có thể đưa phản đề nghị của ta. Nhưng lúc này phía Việt Nam chưa biết đích xác Nixon sẽ tuyên bố vấn đề Việt Nam vào ngày nào. Nếu sau khi phía Việt Nam đưa phản đề nghị, Nixon mới tuyên bố vấn đề Việt Nam thì ông ta đã biết rõ ý đồ của Hà Nội và sẽ có những tuyên bố lừa bịp dư luận và đi trước để phá tuyên bố của phía Việt Nam. Như thế không có lợi cho Việt Nam. Do đó Hà Nội quyết định trong cuộc gặp 20 tháng 11, chưa đưa phản đề nghị, ông Thọ chưa cần sang và để một mình ông Xuân Thuỷ gặp Kissinger để giữ cầu nếu Kissinger vẫn đồng ý gặp.

Ngày 12 tháng 11, Nixon tuyên bố về đợt rút quân mới, nhưng không đưa ra sáng kiến gì mới về chính trị.

Ngày 17, đoàn Việt Nam lại nhận được chỉ thị chưa đưa ra phản đề nghị vì hai lẽ:

a) Qua tuyên bố ngày 12 tháng 11, thấy Nixon tỏ ra rất ngoan cố âm mưu rút quân từng bước để thực hiện Việt Nam hoá, đồng thời duy trì một số quân vô thời hạn để làm con bài mặc cả. Do đó Việt Nam nên tỏ thái độ cứng và chưa cần đưa phản đề nghị.

b) Phương hướng đấu tranh ngoại giao năm 1972, đang được nghiên cứu xem, nên giải quyết trước xuân - hè 1972 nếu đối phương nhận một giải pháp phù hợp với yêu cầu hay là đợi sau khi thực hiện ý đồ chiến lược của ta trên chiến trường.

Từ đó đến cuối năm 1971 không có cuộc gặp riêng nào.

Ngày 15 tháng 12, Hoa Kỳ gửi công hàm đổ trách nhiệm cho Việt Nam làm bế tắc Hội nghị Paris và hoãn phiên họp 139 Hội nghị bốn bên tới 23 tháng 12 - rồi lại hoãn tới 30 tháng 12 năm 1971.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #266 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2009, 01:41:19 pm »

CHƯƠNG VI
THỜI CƠ CHUYỂN SANG CHIẾN LƯỢC HOÀ BÌNH

Nixon xấu chơi

Quan hệ với Trung Quốc được khai thông, với Liên Xô tiến thêm một bước, Nixon quyết định ra tranh cử một nhiệm kỳ nữa, và ngay từ ngày 5 tháng 1 đã đăng ký tham gia vào các cuộc bầu cử sơ bộ.

Tuy vấn đề Việt Nam còn đó, lạm phát, thất nghiệp, sự không ổn định xã hội còn đó, ông ta tính những biện pháp có lợi cho vận động bầu cử và các chuyến đi Trung Quốc, Liên Xô sắp tới.

Ngày 13 tháng 1, Nixon công bố quyết định rút thêm một đợt mới đáng kể 70.000 người, giảm quân số Mỹ ở Nam Việt Nam xuống còn 69.000 vào ngày 1 tháng 7 năm 1972.

Ngày 25 tháng 1, ông ta công bố nội dung các cuộc gặp riêng giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Hoa Kỳ từ năm 1969 tới nay, đặc biệt đưa ra công khai các đề nghị của Hoa Kỳ ngày 31 tháng 5 năm 1971 và 11 tháng 10 năm đó và cả đề nghị mới.

Hôm sau, tại Paris, phía Mỹ gửi công hàm cho đoàn Việt Nam thanh minh rằng đó là "việc làm rất miễn cưỡng" và đề nghị nối lại cuộc thương lượng bí mật giữa hai bên.

Trước ống kính của đông đảo các phóng viên, Nixon nói rằng phía Việt Nam đã bác bỏ mọi đề nghị của Hoa Kỳ, khăng khăng đòi lật đổ Thiệu, lợi dụng tiếp xúc bí mật để tấn công công khai, hẹn gặp riêng rồi lại thôi, không trả lời tám điểm của Hoa Kỳ mà lại tấn công quân sự. Tóm lại đề cao thiện chí của Nixon, đổ trách nhiệm cho Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.  

Đợt tấn công vừa công khai vừa bí mật khá quy mô này nhằm nhiều mục tiêu.

Trước hết, để chứng minh cho nhân dân Mỹ và phe đối lập rằng Nixon đã làm mọi cách để tìm kiếm giải pháp thương lượng, muốn chấm dứt dính líu và chiến tranh, ông ta đã đi xa hơn phe đối lập và nhân dân Mỹ. Ông ta đề cao thành tích lớn lao của Việt Nam hoá chiến tranh, nhất là đã rút được gần nửa triệu quân Mỹ về nước.

Thứ hai là ngăn chặn Việt Nam hoạt động mạnh ở miền Nam, tạo thuận lợi cho ông ta đi Trung Quốc, Liên Xô.

Thứ ba là phục vụ cho chiến dịch bầu cử ở trong nước.

Nixon có đạt được các mục tiêu trên không?

Những đề nghị mới của ông ta có những điểm yếu như: rút quân mà thực tế kéo dài chiến tranh, do đó không lấy được tù binh, và tiếp tục duy trì Nguyễn Văn Thiệu.

Chính vì vậy mà cuộc tấn công hoà bình này của Nixon chỉ thu được kết quả hạn chế trong một tuần. Sau đó dư luận Mỹ lại tiếp tục lên án ông ta, cho tám điểm mới của ông ta đưa ra là “một kiểu bài bây mới". Kissinger chua chát mà nhận thấy rằng:

“Một tuần chưa trôi qua những người chỉ trích chúng tôi lại hoà chung tiếng nói của họ. Một lần nữa sự bế tắc mà chúng tôi gặp phải sau khi Hà Nội từ chối hoàn toàn đổ lên đầu Chính phủ” (H.Kissinger. Ở Nhà Trắng Sđd, trang. 1100).

Ngày 31 tháng 1 năm 1972, Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà công bố giải pháp chín điểm đã trao cho Kissinger ngày 26 tháng 6 năm 1971, đồng thời vạch rõ sự tráo trở của Nhà Trắng đã vi phạm thoả thuận hai bên không công bố các nội dung cuộc họp riêng theo đề nghị của chính Kissinger. Việt Nam cũng phân phối cho các báo những công hàm trao đổi giữa hai bên về cuộc gặp ngày 20 tháng 11 năm 1971. Dư luận xôn xao.

Ngày 2 tháng 2, tại Hội nghị bốn bên, bà Nguyễn Thị Bình nói rõ thêm hai vấn đề then chốt trong lập trường bảy điểm đã đưa ra ngày 1 tháng 7 năm 1971.

* Về quân sự, Chính phủ Cách mạng Lâm thời đòi Hoa Kỳ định ra một thời hạn dứt khoát cho việc rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam, đồng thời đòi Hoa Kỳ chấm dứt chiến tranh bằng không quân ở cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam. Thời hạn rút quân đó sẽ là thời hạn trao trả tất cả tù binh của các bên (kể cả phi công Mỹ bị bắt ở Bắc Việt Nam).

* Về chính trị, Thiệu phải từ chức ngay và Chính quyền Sài Gòn phải chấm dứt chiến tranh hiếu chiến, thủ tiêu bộ máy kìm kẹp, khủng bố nhân dân, chấm dứt chính sách bình định, giải tán các trại tập trung, trả lại tự do cho những người bị bắt vì lý do chính trị, bảo đảm các quyền tự do dân chủ cho nhân dân như Hiệp định Genève năm 1954 đã quy định.

Như vậy Chính phủ Cách mạng Lâm thời không đòi thay tập đoàn cầm quyền của Thiệu mà đòi Thiệu từ chức và huỷ bỏ công cụ chủ yếu của chính sách Việt Nam hoá chiến tranh. Thay chính sách là mặt chủ yếu trong đề nghị mới này. Đây là một bước uyển chuyển để tiến lên có những đề nghị khác sau này.

Đề nghị mới này của Chính phủ Cách mạng Lâm thời lại gây được tiếng vang trong dư luận thế giới và dư luận Mỹ. Hai hôm sau, Thượng nghị sĩ E. Muskie, một ứng cử viên Tổng thống, đòi Nixon chấm dứt viện trợ cho Thiệu ngay sau khi Hoa Kỳ đơn phương rút hết quân, trừ phi Thiệu phải thoả thuận với cộng sản. Từ đó trở đi vấn đề này trở thành chủ đề của phe đối lập ở Mỹ chống lại việc kéo dài chiến tranh của Nixon.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #267 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2009, 01:42:55 pm »

Vấn đề quan hệ Trung - Mỹ

Ngày 21 tháng 2 năm 1972, Tổng thống Nixon đến Bắc Kinh mở đầu chuyến đi thăm Trung Quốc, đánh dấu một bước quyết định trong quan hệ mới giữa hai nước sau hơn hai mươi năm thù địch. Một nước lớn như Trung Quốc phải giữ đầy đủ vai trò của mình trong cộng đồng quốc tế. Đó là quyền và trách nhiệm của Trung Quốc. Việc nối lại quan hệ với Hoa Kỳ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc trở lại Liên Hợp Quốc và có quan hệ bình thường với tất cả các nước. Trung Quốc sẽ bàn bạc với Hoa Kỳ về vấn đề Đài Loan, vấn đề buôn bán giữa hai nước.

Dư luận cho rằng Trung Quốc đi với Mỹ để chống Liên Xô, hay ít nhất cũng lợi dụng sức mạnh của Mỹ làm đối trọng cân bằng với mối đe doạ của Liên Xô. Còn Mỹ thì cần Trung Quốc giúp đỡ để giải quyết vấn đề Việt Nam. Và cũng lúc đó thôi, hai bên mới cần đến nhau - còn chậm lại sau khi Mỹ đã thoả thuận được với Việt Nam rồi thì đương nhiên là không cần thiết nửa.

Trong hội đàm giữa Chủ tịch Mao Trạch Đông và Tổng thống Nixon hai bên tập trung vào vấn đề chiến lược toàn cầu. Như thông báo của Thủ tướng Chu Ân Lai cho Việt Nam hồi năm ngoái, vấn đề Đông Dương là vấn đề số một, và thực tế trong hội đàm giữa hai vị lãnh tụ đó "vấn đề Đài Loan trở thành vấn đề thứ yếu, Chủ tịch Mao Trạch Đông đề cấp đến sự có mặt về quân sự của Mỹ ở đây".

Ám chỉ đến vấn đề Việt Nam, Mao Trạch Đông nói

"Các ông muốn đưa một số binh lính các ông về nước, binh lính của chúng tôi sẽ không được ra nước ngoài" và “điều này đã đánh tan ác mộng của hai Chính quyền Mỹ (tức Johnson và Nixon - Tác giả) lo sợ Trung Quốc can thiệp vào Đông Dương” Kissinger nhận thấy rằng "Trung Quốc đã mở ra một mặt trận chung bằng một hiệp ước ngầm, không xâm lược với chúng ta”. “Mối bất hoà giữa Hoa Kỳ và nước Trung Hoa mới đã chấm dứt. Nhiệm vụ hiện nay của hai bên là phải đối phó với khát vọng bá quyền" (H.Kissinger. Ở Nhà Trắng. Sđd, tr. 1118).

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc, Tổng thống Mỹ đã nói nhiều về chính sách của Hoa Kỳ ở Đông Dương và Việt Nam. Đáp lại, Thủ tướng Chu cho rằng Trung Quốc ủng hộ Hà Nội. “Ông yêu cầu chúng ta rút lui về quân sự ở Việt Nam, nhưng không bảo vệ chương trình chính trị về một Chính phủ liên hiệp và lật đổ Thiệu như Hà Nội và những người chống đối chúng ta đòi hỏi...” (H.Kissinger. Ở Nhà Trắng. Sđd, trang 1129)

Kissinger kết luận:

“Hai nước lớn tìm kiếm sự hợp tác không phải thông qua một hiệp nghị chính thức mà bằng điều hoà một cách nhịp nhàng những sự thông cảm của nhau trong các vấn đề quốc tế có lợi ích của hai bên”... Cả hai bên đều hiểu rằng một chiến lược hành động song song sẽ xuất phát từ đó" (Như trên. sđd, trang 1130).

Trong thông cáo Mỹ - Trung ở Thượng Hải ngày 28 tháng 2 năm đó, hai bên tuyên bố “không tìm kiếm bá quyền ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương". Về Vấn đề Đài Loan, thông cáo viết “Tuỳ tình hình căng thẳng trong khu vực này giảm đi, Mỹ sẽ dần dần giảm lực lượng và cơ sở quân sự của Mỹ ở Đài Loan" (nghĩa là gắn vấn đề Đài Loan với tình hình khu vực).
 
Năm hôm sau, khi thông báo cho các nhà lãnh đạo Hà Nội kết quả chuyến đi thăm của Nixon ở Bắc Kinh, Thủ tướng Chu Ân Lai đã nhấn mạnh lại:

“Muốn bình thường hoá quan hệ Trung - Mỹ, muốn làm dịu tình hình ở Viễn Đông thì trước hết phải giải quyết vấn đề Việt Nam và Đông Dương - Vấn đề Đài Loan là bước sau” (Vụ thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao. Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc 30 năm qua. Sđd, trang 57.).

Nhân dân Việt Nam qua lịch sử của mình cũng hiểu vì sao Trung Quốc đặt vấn đề Việt Nam lên trên cả vấn đề Đài Loan.

Nixon rất hài lòng về kết quả chuyến thăm Trung Quốc. Giờ đây Mỹ chỉ còn “nhìn về phía Matxcơva để nghiền nát Việt Nam" (Trần Hà, Tạp chí Thông tin Lịch sử Quân sự, số 4, tháng 4 năm 1991. Trang 2).
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #268 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2009, 01:44:15 pm »

Hà Nội trả lời: Mức độ và thời điểm

Bước vào năm 1972, quân nguỵ Sài Gòn đã có tổng số quân 1,04 triệu, quân nguỵ Campuchia có 17 vạn, quân nguỵ Lào có trên 8 vạn. Về bình định, chúng vẫn kiểm soát được trên 70% tổng số thôn ấp và 80% tổng số dân, lại là những vùng đông dân và kinh tế trù phú.

"Về ta, cuối năm 1971, các đơn vị chủ lực của ta lần lượt trở lại chiến trường miền Nam, củng cố được địa bàn đứng chân dọc miền Tây các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ đến đồng bằng sông Cửu Long. Vùng căn cứ giải phóng được tăng cường và có phần được củng cố từ U Minh - Đồng Tháp, rừng núi miền Đông Nam Bộ, qua Tây Nguyên đến Trị - Thiên, lại được nối thông với vùng giải phóng của nước bạn ở Hạ Lào kéo thẳng xuống Đông Bắc Campuchia. Số dân trong các vùng giải phóng ở miền Nam là 2,78 triệu, đông gấp hai lần so với cuối năm 1970" (Trần Hà. Tạp chí Thông tin Lịch sử Quân sự, số 4, tháng 4, 1991, Trang 4).

Giữa tháng 3 năm 1972, Hà Nội đánh giá:

"Năm 1972 là năm hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh giữa ta và địch trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. Nhiệm vụ quân sự cần kíp là đẩy mạnh tấn công quân sự, chính trị, binh vận, phát triển thế tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam, đồng thời đẩy mạnh tấn công ngoại giao, phối hợp chặt chẽ với quân và dân Lào, quân và dân Campuchia đẩy mạnh tấn công trên các chiến trường Đông Dương, đánh bại chính sách Việt Nam hoá chiến tranh của Mỹ, tạo ra một chuyển biến căn bản làm thay đổi cục diện chiến trường ở miền Nam và cả trên bán đảo Đông Dương giành thắng lợi to lớn buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh trên thế thua bằng một giải pháp chính trị có lợi cho ta mà chúng phải và có thể chấp nhận được".

Ngày 30 tháng 3 năm 1972, quân dân miền Nam bất ngờ mở cuộc tấn công qui mô ở miền Nam trên các hướng Quảng Trị - Thừa Thiên, Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ (các tỉnh Bình Dương, Phước Long, Bình Long, Tây Ninh) và đồng bằng Khu V.

Hướng chủ yếu của đòn tấn công này là Quảng Trị, nơi tiếp giáp với miền Bắc, nơi có điều kiện để tập trung lực lượng và chỉ đạo cũng như bảo đảm vật chất cho một chiến dịch qui mô.

Chỉ trong mấy ngày, tuyến phòng thủ vành ngoài kiên cố nhất của Mỹ - Nguỵ ở đường 9 - Quảng Trị, phía Nam sông Bến Hải - Khu phi quân sự đã bị đập tan. Tuyến phòng ngự của chúng ở Bắc Tây Nguyên (vùng Đắc Tô - Tân Cảnh) và Tây - Bắc Sài Gòn cũng bị phá vỡ. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Ngày 24 tháng 4 quân ta giải phòng vùng Bắc Kontum và một số khu vực thuộc Khu V và đồng bằng Sông Cửu Long. Ngày 1 tháng 5, quân nguỵ bỏ chạy khỏi Quảng Trị, hôm sau quân giải phóng tiến vào giải phóng tỉnh lỵ và tiếp tục truy kích quân địch về hướng Huế. Quân Mỹ và quân nguỵ phản kích quyết liệt. Cuộc chiến đấu kéo dài suốt cả mùa hè cho đến giáp mùa khô năm đó.

Ngày 6 tháng 4 năm 1972, bất chấp cam kết của Mỹ năm 1968, Nixon hạ lệnh ném bom trở lại miền Bắc nước ta - cả Hà Nội, Hải Phòng - dùng cả lực lượng không quân chiến lược và chiến thuật.

Trước đó, kết hợp với hoạt động quân sự, từ ngày 24 tháng 3, Nixon tuyên bố hoãn vô thời hạn các phiên họp công khai Hội nghị Paris.
Một vấn đề đặt ra cho ta lúc này: Có tiếp tục nói chuyện với Mỹ nữa không?
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #269 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2009, 01:44:55 pm »

Ngày 17 tháng 4, một ngày sau khi Mỹ dùng B52 ném bom Thành phố Vinh, Lê Đức Thọ lúc đó còn ở Hà Nội và Nguyễn Duy Trinh điện cho Xuân Thuỷ như sau:

“1- Việc Mỹ ném bom lại Hà Nội - Hải Phòng, đó là một bước leo thang rất nghiêm trọng để cứu vãn tình thế đang suy sụp ở miền Nam và gây áp lực đối với ta.

Hành động này không chứng tỏ chúng mạnh mà còn làm rõ thêm chỗ yếu nhưng liều lĩnh của Nixon. Bộ Chính trị đã thảo luận và quyết định tiến hành cuộc chiến đấu ở miền Nam như kế hoạch đã định và có kế hoạch mọi mặt đối phó với cuộc chiến tranh không quân, hải quân đối với miền Bắc để đánh bại Mỹ. Chúng càng thua ở miền Nam thì việc đánh phá miền Bắc sẽ ác liệt hơn.

2- Hiện nay mặc dù Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc, ta vẫn chủ trương duy trì Hội nghị Paris. Nếu ta bỏ Hội nghị Paris thì không lợi vì Mỹ sẽ đổ trách nhiệm cho ta và sẽ vin vào cớ đó để đòi triệu tập Hội nghị Quốc tế về Việt Nam và Đông Dương. Trong hoàn cảnh Liên Xô và Trung Quốc đều hoà hoãn với Mỹ, họp Hội nghị Quốc tế để giải quyết sẽ bất lợi cho ta. Ta cần duy trì Hội nghị Paris để làm diễn đàn tuyên truyền có lợi cho ta và sau này trực tiếp giải quyết với Mỹ. Việc duy trì diễn đàn Paris không phải ta yếu mà chính là dùng diễn đàn này phối hợp với chiến trường để đấu tranh với Mỹ.

3- Cho nên hiện nay tại Paris ta vẫn đấu tranh vừa lên án Mỹ và đòi Mỹ chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc vừa đòi Mỹ họp lại Hội nghị Paris như thường lệ. Ta vạch rõ nếu Mỹ tiếp tục ném bom và đánh phá miền Bắc và tiếp tục ngừng không thời hạn Hội nghị Paris thì Mỹ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm".

Tại Paris, một cuộc đấu tranh khá gay gắt bằng công hàm diễn ra giữa hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Hoa Kỳ, lúc đầu xoay quanh việc ấn định ngày họp riêng giữa Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ với Kissinger mà phía Mỹ đã đề nghị vào tháng 2, tiếp sau đó là chung quanh việc ấn định ngày họp bí mật và ngày họp lại Hội nghị công khai. .

Việt Nam đòi Mỹ có họp lại như thường lệ phiên công khai thứ 146 tại phố Kléber thì ta mới đồng ý họp bí mật vào 15 tháng 3 năm 1972. Mỹ đồng ý nhưng hoãn cuộc họp bí mật đến 20 tháng 3. Nhưng từ 1 đến 5 tháng 3, Mỹ liên tục ném bom nhiều nơi ở miền Bắc và cũng chưa ấn định ngày họp thường lệ của Hội nghị công khai nên ta lùi ngày họp riêng đến 20 tháng 4.

Ngày 2 tháng 4 phía Mỹ báo cho ta biết họ sẽ họp lại phiên toàn thể ở Kléber vào 13 tháng 4, nhưng bốn hôm sau đúng ngày Nixon hạ lệnh ném bom trở lại miền Bắc, đoàn Mỹ lại hoãn phiên họp công khai đến 20 tháng 4 để phản đối ta "tiếp tục tấn công qua khu phi quân sự”, vi phạm qui chế khu phi quân sự và tấn công tiếp vào quân Khu III và quân Khu IV của Chính quyền Sài Gòn, vi phạm “thoả thuận ngầm" năm 1968.

Ngày 15 tháng 4, trong công hàm với lời lẽ gay gắt gửi cho Mỹ, đoàn ta vạch rõ:

1- Hoa Kỳ đã gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, vi phạm Hiệp định Genève năm 1954 về Việt Nam.

2- Hoa Kỳ đã cam kết chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện việc ném bom bắn phá miền Bắc. Hành động của Hoa Kỳ đã vi phạm cam kết đó. Không có thoả thuận ngầm nào khác cả.

3- Hai bên đã thoả thuận rằng các cuộc gặp riêng phải song song với phiên họp Hội nghị bốn bên. Và Việt Nam đề nghị họp công khai vào 27 tháng 4 và họp bí mật vào 6 tháng 5 năm 1972.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM