Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:10:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris  (Đọc 197649 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #250 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2009, 11:27:51 am »

Từ Sài Gòn, Kissinger bí mật bay đi Bắc Kinh, gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc (9 tháng 7 năm 1971) chuẩn bị cho chuyến đi thăm của Nixon sang Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa năm sau. Và sau đó, ngày 12 tháng 7, như qui định của hai bên trong phiên họp trước, Kissinger trở lại Paris hội đàm riêng với Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ suốt trong ba giờ, một cuộc họp mà ông cho là "đáng khích lệ nhất chưa từng có” (Như trên, tr 817.).

Kissinger trách Xuân Thuỷ về việc bà Bình đưa ra bảy điểm mà nội dung gần giống chín điểm của Xuân Thuỷ, tỏ ý nghi ngờ về thái độ nghiêm chỉnh của phía Việt Nam và nói rằng: "Các ngài cần lựa chọn giữa tuyên truyền và thương lượng... Các ngài đánh giá sai về tình hình Hoa Kỳ từ năm 1969, đến nay các ngài lại dựa vào tình hình Hoa Kỳ năm 1971, các ngài cũng sẽ sai lầm nữa...".

Xuân Thuỷ tỏ ra ngạc nhiên trước những lời nói mở đầu của Kissinger, ông nói:

- Những ý kiến ông nêu ra để trách chúng tôi thì đáng lẽ ra chúng tôi phải trách các ông mới đúng. Ông nói với chúng tôi là không gây ra những sự nổ bùng, nhưng ông vừa rời Paris được mấy hôm thì đã có sự nổ bùng trên chiến trường Đông Dương: Mỹ đang chỉ huy cuộc tấn công lấn chiếm Cánh Đồng Chum, ở Campuchia chiến sự nổ ra ở vùng Mỏ Vẹt. Tại Nam Việt Nam, máy bay B52 ném bom rất dữ dội ở nhiều vùng cùng với các cuộc càn quét ác liệt đang diễn ra. Ở miền Bắc, các ông đánh phá vùng giáp danh giữa Bắc Việt Nam và Lào, và cách đây mấy hôm lại ném bom lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Kissinger ngắt lời Xuân Thuỷ và hỏi rõ ở vùng nào. Xuân Thuỷ:

- Ở vùng Quảng Bình và Vĩnh Linh (ngày 30 tháng 6 và mồng 1 tháng 7 - Lê Đức Thọ thêm vào).

Xuân Thuỷ tiếp:

- Ông nói với chúng tôi là phải giữ bí mật nhưng ông đi châu Á được mấy hôm thì Washington tung tin là có những cuộc gặp bí mật. Bà Bình yêu cầu gặp ông, ông không gặp, tất nhiên bà ấy phải nói ở Hội nghị Kléber, nhất là ngày 30 tháng 6 đã qua, ngày mà bà Bình đề ra thời hạn rút hết quân Mỹ, nhưng các ông không đáp ứng thì bà ấy phải có tuyên bố khác.

Bộ trưởng còn nhấn mạnh Việt Nam dựa vào lực lượng của mình mà chiến đấu chứ không chờ tình hình biến chuyển ở Mỹ.

- Năm 1964 khi các ông ồ ạt đánh Việt Nam, Thượng viện, Hạ viện, và nhân dân Mỹ đều ủng hộ Chính phủ Mỹ cả, sao chúng tôi vẫn kháng chiến. Tóm lại, chúng tôi không làm tuyên truyền. Chúng tôi đưa ra chín điểm là thật sự muốn giải quyết nhanh chóng. Tôi tin rằng những đề nghị của bà Bình cũng là để giải quyết chứ không phải để tuyên truyền.

Kissinger nhắc lại sự nghi ngờ của ông nhưng cũng nói muốn đi vào thương lượng nghiêm chỉnh.

Lê Đức Thọ nhắc lại việc hai bên nghi ngờ nhau:

- Chúng tôi đã thương lượng với Hoa Kỳ ba năm rồi. Hội nghị Paris không tiến triển được là do phía Mỹ liên tiếp mở các cuộc họp tấn công quân sự rồi hạ thấp Hội nghị Paris hàng năm trời không có trưởng đoàn, trong khi Bộ trưởng Xuân Thuỷ vẫn ngồi nói chuyện với người thứ ba trong đoàn Mỹ...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #251 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2009, 11:28:48 am »

Nhưng Lê Đức Thọ không tranh luận về vấn đề này mà đi vào bình luận đề nghị của Kissinger. Ông nói:

- Trong bảy điểm của các ông có những điểm mà chúng tôi đồng ý về nguyên tắc nhưng chưa đi vào cụ thể, nhưng có điểm về nguyên tắc chúng tôi chưa đồng ý. Ví dụ:

- Việc giám sát quốc tế về ngừng bắn tuy còn phải thảo luận nhưng về nguyên tắc thì đồng ý.

- Việc tôn trọng Hiệp định Genève năm 1954 về Campuchia và Hiệp định Genève năm 1962 về Lào, chúng tôi cũng đồng ý và chúng tôi đã làm. Các ông nói phải có thể thức bảo đảm quốc tế, chúng tôi cũng đồng ý. 

Còn vấn đề tù binh của hai bên, chúng tôi nói thả tù binh chiến tranh, các ông nói thả cả tù binh ở Đông Dương. Để thả tù binh, chúng tôi đòi Hoa Kỳ phải định ngày rút quân. Chính ông Nixon cũng nói thả tù binh thì Hoa Kỳ rút hết quân.

Có những điểm ông đưa ra chúng tôi không đồng ý. Thí dụ: điểm hai của các ông (rút quân ngoại nhập ra khỏi các nước Đông Dương - Tác giả) và điểm sáu của chúng tôi về việc giải quyết các vấn đề giữa người Đông Dương với nhau còn khác xa lắm ...

Theo yêu cầu Lê Đức Thọ, Kissinger bình luận chín điểm của Việt Nam, nhưng trước khi trình bày, ông ta bào chữa cho việc Hoa Kỳ ném bom Vĩnh Linh, Quảng Bình là do Việt Nam tập trung ở phía Bắc khu phi quân sự uy hiếp quân Mỹ. Ông ta vẫn cay cú về việc đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời đưa công khai bảy điểm và nói Mỹ đàm phán với Việt Nam chứ không phải với tờ Thời báo New York (trong hai ngày liền, 2 và 3 tháng 7 báo này có phê phán thái độ thiếu thiện chí của Chính quyền Nixon đối với để nghị của bà Bình, và thúc giục Mỹ phải nắm lấy thời cơ - Tác giả).

Sau đó Kissinger bình luận từng điểm một trong đề nghị của Việt Nam: 

* Về điểm 1 - Chúng tôi sẵn sàng đưa ra một thời hạn rút toàn bộ lực lượng Hoa Kỳ và đồng minh như mục 1 của chương trình làm việc một khi chúng ta đã đạt được thoả thuận về cái khung, chưa đi vào cụ thể của cái khung đó.

* Về điểm 2 - Chúng tôi chấp nhận cách viết của các ngài với hai điểm nói rõ thêm như sau:

- Hai bên sẽ đưa danh sách quân nhân và thường dân vô tội bị giam giữ trên toàn Đông Dương vào ngày đạt được thoả thuận.

- Việc thả tù binh sẽ bắt đầu cùng ngày với việc rút quân của chúng tôi theo một thời gian biểu được thoả thuận và sẽ hoàn thành cùng ngày với các cuộc rút quân.

Các ngài nhận thấy chúng tôi bỏ điểm nói rằng tù binh phải được thả hết hai tháng trước khi hoàn thành các cuộc rút quân xem đó là cử chỉ thiện chí và nhằm đẩy nhanh tiến bộ.

* Về điểm 3 - Tôi muốn gác lại và thảo luận riêng trong phần cuối những nhận xét của chúng tôi.

* Điểm 4 - Không thể chấp nhận được về nguyên tắc như tôi đã nói lần trước. Tôi sẽ bình luận về điểm này sau khi tôi đã phát biểu về các điểm khác.

* Điểm 5 - Chúng tôi chấp nhận về nguyên tắc nhưng không theo lời lẽ dự thảo hiện nay. Chúng tôi sẵn sàng tôn trọng Hiệp định Genève năm 1954 và năm 1962 trên cơ sở có đi có lại áp dụng cho tất cả các nước. Chúng tôi xem những từ ngữ như "Hoa Kỳ xâm lược" là những sáo ngữ không thể chấp nhận được và phải bỏ đi. (Có trao đổi ngoài lề một chút về vấn đề này, không quan trọng lắm).
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #252 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2009, 11:29:38 am »

* Về điểm 6 - Chúng tôi chấp nhận nguyên tắc là tương lai của Đông Dương phải do các bên Đông Dương giải quyết trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào nội bộ của nhau. Nhưng câu cuối của các ngài là không cần thiết ...

* Về điểm 7 - Chúng tôi chấp nhận về nguyên tắc, nhưng muốn viết lại: sẽ có một cuộc ngừng bắn chung trên toàn Đông Dương bắt đầu khi Hiệp định được ký kết, xem như một phần của ngừng bắn, không được đưa thêm lực lượng ngoại nhập vào các nước Đông Dương.

Chúng tôi chấp nhận điều 8 và điều 9. Như thế là chúng tôi đồng ý các điểm 8 và 9, đồng ý về nguyên tắc các điểm 1, 2, 5, 6, 7.

Tiếp đó ông nói về điểm 3 và điểm 4. 

Về điểm 4, Kissinger nói:

- Như tôi đã nói trong phiên họp lần trước, quan niệm về bồi thường là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên Tổng thống cho phép tôi nói với các ngài rằng chúng tôi muốn khởi đầu một mối quan hệ với các ngài cũng như với các nước Đông Dương.

Do đó, sau khi ký kết hoà bình, Tổng thống sẵn sàng mở đầu một chương trình viện trợ lớn tất cả các nước Đông Dương xem như một cử chỉ thiện chí. Chúng tôi sẽ làm việc đó như một hành động tự nguyện mà các ngài có thể tin cậy, chứ không xem như một nghĩa vụ hay một điều kiện hoà bình... .

Mặt khác, chúng tôi có thể chấp nhận về nguyên tắc điểm 3 của các ngài theo nghĩa chung của nó. Chúng tôi có thể đồng ý là chúng tôi không cam kết với bất cứ một Chính phủ nào ở Sài Gòn, nhưng cũng theo nguyên tắc ấy chúng tôi phải được quan hệ với bất cứ Chính phủ nào tồn tại ở đó. 

Chúng tôi sẵn sàng đồng ý về một mối quan hệ được quy định với bất cứ một chính phủ nào ở Sài Gòn sau khi Hiệp định hoà bình được ký kết. Nghĩa là chúng tôi sẵn sàng xác định mối quan hệ cụ thể về kinh tế, quân sự và chính trị mà một Chính phủ Sài Gòn có thể có với chúng tôi trong điều kiện hoà bình. Về vấn đề này chúng tôi sẵn sàng xem xét nghiêm chỉnh một số ý kiến nêu trong điểm 4b và điểm 5 trong đề nghị ngày 1 tháng 7 của bà Bình.

Đó là mức xa nhất chúng tôi có thể đi, cũng là mức tối đa các ngài có thể nêu ra một cách thực tế.

Chuyến đi Sài Gòn đã làm cho tôi tin rằng cách nhanh nhất để bắt đầu sự tiến triển chính trị đó là chúng ta thoả thuận trong mùa hè này một giải pháp cho cuộc xung đột.

Hoa Kỳ không chống ý kiến về vấn đề thống nhất Việt Nam nêu ở đoạn 4a trong tuyên bố của bà Bình. Tôi cũng cần phải vạch rõ rằng chúng tôi giữ thêm điểm 2 trong đề nghị bảy điểm của chúng tôi.

Cuối cùng, Kissinger kết luận: 

- Bây giờ là thời gian chủ chốt để hai bên có những cố gắng to lớn nhằm thực hiện những tiến bộ để đi đến thoả thuận. Không có lúc nào thuận lợi hơn để đem lại hoà bình cho nhân dân chúng ta và nhân dân thế giới.

Xuân Thuỷ nêu ra một loạt câu hỏi, và cuộc thảo luận kéo dài. Xuân Thuỷ muốn gây sức ép để Kissinger đưa ra một ngày cụ thể để về việc rút quân Mỹ. Nhưng ông ta không chịu mà chỉ nói rằng đó là điểm thứ nhất trong chương trình làm việc khi hai bên thoả thuận về cái khung.

Về vấn đề thay Nguyễn Văn Thiệu vào lúc trước bầu cử tháng 10 được trao đổi nhiều.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #253 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2009, 11:30:34 am »

Xuân Thuỷ nhấn mạnh:

- Thế nào cũng phải thay Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu... Các ông đã cung cấp cho họ một bộ máy quân sự, cảnh sát và hành chính để đàn áp nhân dân và những người đối lập. Như vậy là trên thực tế các ông vẫn duy trì Chính quyền Thiệu. Tôi xin nói nếu không thay Chính quyền Thiệu thì không thể giải quyết hoà bình được vấn đề Việt Nam... Ông nói không thể làm được nhưng chúng tôi lại cho rằng các ông có khả năng làm nhưng các ông không chịu làm. Nếu các ông không chịu làm việc này thì không những đàm phán không có kết quả được mà dư luận sẽ cho rằng Mỹ không muốn rút khỏi miền Nam Việt Nam. Các ông không muốn giải quyết vấn đề này tức là các ông không có thiện chí.

Lê Đức Thọ tiếp lời Xuân Thuỷ:

- Có lẽ đây là trở ngại lớn nhất vì Chính quyền này rất độc tài, hiếu chiến... còn Thiệu thì không thể có hoà bình được... Có thể nói vấn đề thay Thiệu hay không là thước đo ý định của các ông muốn hoà bình hay tiếp tục Việt Nam hoá chiến tranh. Nếu các ông thay Thiệu thì chúng tôi sẵn sàng giải quyết vấn đề chiến tranh một cách nhanh chóng không những ở Việt Nam mà ở cả Đông Dương. Chúng tôi đã đàm phán năm 1954 và 1962, các ông cũng đã thấy chúng tôi giải quyết hợp tình hợp lý như thế nào. Do đó nếu các ông thay Thiệu thì chúng tôi sẽ bước những bước dài nhanh chóng và thoả đáng đối với các bên. Những lời tôi nói hôm nay với ông là nghiêm chỉnh...

Kissinger:

- Tổng thống Nixon sẽ bảo tôi rằng: Nếu chúng ta thực hiện những điều cụ thể như họ nói với chúng ta thì họ sẽ có những bước tiến, những bước tiến đó không rõ ràng. Vậy thì chúng ta phải làm thế nào?

Lê Đức Thọ:

- Nếu các ông sẵn sàng thay Chính quyền Thiệu thì chúng tôi sẽ đáp ứng. 

Kissinger:

- Đáp ứng thế nào?

Lê Đức Thọ:

- Sẽ thảo luận các vấn đề nêu ra.

- Nếu giải quyết như vậy rồi thì còn gì mà thảo luận nữa.

Lê Đức Thọ:

- Nếu các ông đồng ý thay Thiệu thì chúng tôi sẽ thảo luận các vấn đề ông nêu ra và giải quyết một cách thoả đáng.

Kissinger:

- Như thế nghĩa là nếu chúng tôi không thoả thuận thì các ông không thảo luận nữa hay sao?
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #254 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2009, 11:31:19 am »

Lê Đức Thọ:  

- Nếu các ông không giải quyết vấn đề thì khó mà tiến lên được. Chúng tôi cũng như Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam muốn nói chuyện với một Chính quyền ở miền Nam Việt Nam tán thành hoà bình và muốn nghiêm chỉnh giải quyết vấn đề. Nhưng nếu các ông cố giữ Thiệu thì làm sao giải quyết được?

Kissinger:  

- Các ông cứ nói chúng tôi phải thay Thiệu thì cụ thể các ông muốn chúng tôi phải làm gì?

Lê Đức Thọ:

- Các ông có nhiều cách để thay thế. Tôi có thể nêu một ví dụ. Thiệu do các ông đưa lên, bây giờ nhân dịp bầu cử các ông muốn thay Thiệu thì thay được vì đó là một cơ hội để các ông thay Thiệu. Dư luận báo chí và những người đối lập ở Sài Gòn đều biết rằng nếu các ông ủng hộ Thiệu thì Thiệu sẽ trúng cừ, còn nếu các ông không ủng hộ Thiệu thì Thiệu sẽ không trúng cử được.

Kissinger:

- Mùa hè này là cơ hội cuối cùng để hai bên đạt được hoà bình bằng cách thương lượng với nhau. Nếu không đạt được kết quả thì Mỹ tiếp tục Việt Nam hoá chiến tranh. Cuộc chiến tranh đẫm máu sẽ tiếp tục kéo dài. Có thể các ngài sẽ thắng và có thể các ngài sẽ không thắng. Nhưng dù sao chiến tranh cũng sẽ chấm dứt không phải bằng thương lượng.

Lê Đức Thọ nhấn mạnh quyết tâm chiến đấu của nhân dân ta cho đến khi đạt được độc lập tự do... và nhắc lại việc thay Thiệu.

Kissinger nêu lên hai điểm. Điểm thứ nhất Mỹ không dùng thủ đoạn vặt với ta, Tổng thống Nixon đã sốt ruột lắm rồi, chắc ông ta không thể cho Kissinger tiếp tục như thế này nữa. Điểm thứ hai là nói đến vấn đề thay Thiệu là Việt Nam phải nói trong phạm vi khả năng của Mỹ. Nếu các ngài đòi Hoa Kỳ không ủng hộ bất cứ một ứng cử viên nào trong bầu cử thì điều đó Hoa Kỳ có thể dễ làm nếu Hoa Kỳ hứa... Nhưng nếu các ngài lại muốn có một văn kiện viết trong đó chúng tôi hứa bảo đảm thay Thiệu bằng bất cứ cách nào thì chắc chắn Tổng thống Nixon sẽ không đồng ý.

Xuân Thuỷ:

- Nếu các ông nói các ông không ủng hộ ứng cử viên nào tức là các ông đã ủng hộ Thiệu. Tôi thấy các ông có nhiều cách để thay Thiệu hoặc trong bầu cử như ông Cố vấn Lê Đức Thọ có nói, hoặc trước bầu cử các ông khuyên Thiệu không ra ứng cử.

- Cách đó nhẹ nhàng hơn - Lê Đức Thọ thêm.

Sau này Lê Đức Thọ kể lại: Khi nói chuyện riêng với Kissinger, tôi bảo: "ông muốn hạ Thiệu thì thiếu gì cách". Ông ta cho câu nói đó của tôi có nghĩa là ám sát Thiệu (Lê Đức Thọ. Những ý kiến về cuộc thương lượng ở Paris, ngày 14 tháng 11 năm 1988. Xem thêm Kissinger. Ở Nhà Trắng. Sđd. Tr 1086.). Cả hai bên thấy cần dừng cuộc họp ở đây để nghiên cứu ý kiến của nhau.

Hai bên hẹn gặp lại nhau vào 26 tháng 7.

Về cuộc họp này, Xuân Thuỷ báo cáo về Hà Nội rằng Mỹ vẫn giữ hai vấn đề cơ bản: chưa chịu ấn định thời hạn rút hết quân Mỹ, chưa chịu thay Thiệu - nhưng từ thái độ của Mỹ đến nội dung các vấn đề nêu ra cũng như cách đặt vấn đề của Kissinger đều chứng tỏ Mỹ có bước lùi, tỏ ra yếu và tỏ ý muốn thương lượng để giải quyết vấn đề. Điều đáng chú ý là Mỹ muốn tỏ ra mặc cả với ta không những về vấn đề quân sự mà cả về chính trị.

Các chuyên gia ở Bộ Ngoại giao tại Hà Nội cũng thấy rằng Mỹ muốn sớm giải quyết vấn đề, tỏ ra có một số điểm mềm dẻo: không nhắc đến vấn đề quân miền Bắc rút khỏi miền Nam, đồng ý ngừng bắn sau khi có Hiệp định, giải quyết vấn đề tù binh đồng thời với việc rút quân Mỹ và hé ra sẽ có viện trợ đáng kể không hoàn lại sau chiến tranh.

Đoàn Đại biểu ta ở Paris đề xuất với trong nước nên đưa ra đề nghị mới để ép Mỹ xuống thang về chính trị (thay Thiệu) và định thời hạn rút quân. Hà Nội đang cân nhắc.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #255 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2009, 09:52:11 am »

Thời cơ: Sớm hay muộn đều có hại

Ngày 13 tháng 7 năm 1971, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai bí mật qua Hà Nội thông báo việc Kissinger đi Bắc Kinh. Sau khi kể qua một số chuyện về ý muốn xích lại gần nhau của cả hai phía Trung Quốc và Mỹ, ông nói rằng Trung Quốc thấy đã đến lúc để Kissinger vào Trung Quốc vì ông ta đã tiếp xúc với Việt Nam. Kissinger sang Trung Quốc với hai nhiệm vụ: bàn việc Nixon sang Trung Quốc, còn Nixon sang Trung Quốc bàn vấn đề gì? Chu Ân Lai nói: 

Vấn đề Đông Dương là quan trọng nhất trong cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi và Kissinger. Kissinger nói rằng Mỹ gắn việc giải quyệt vấn đề Đông Dương với việc giải quyết vấn đề Đài Loan đối với Trung Quốc, vấn đề rút quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam là một vấn đề số một. Còn vấn đề Trung Quốc vào Liên Hiệp Quốc là vấn đề thứ hai” .

Chu Ân Lai cũng nói:

Vấn đề quan trọng hơn hết là vấn đề Việt Nam. Chúng tôi nói với Kissinger rằng chúng tôi kiên quyết ủng hộ bảy điểm của Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Các ông phải rút khỏi Đông Dương không điều kiện, phải rút hết, phải định thời hạn rút hết lực lượng, hải, không quân, lính thuỷ đánh bộ, căn cứ quân sự, quân cảng... Nhưng Kissinger nói Mỹ sẽ giữ lại một số Cố vấn kỹ thuật. Về chính trị Mỹ không muốn có Nguyễn Văn Thiệu. Kissinger còn nói khi về Paris sẽ gặp lại Lê Đức Thọ nêu bốn điểm:

- Mỹ rút quân trong mười hai tháng.

- Tù binh cũng thả trong mười hai tháng.

- Phải ngừng bắn toàn diện.

- Phải tôn trọng Hiệp định Genève
"

(Vụ Thông tin báo chí Bộ Ngoại giao: Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua. Nhà xuất bản Sự Thật, Hiệp định 1979, trang 57).

Trao đổi với Việt Nam, Chu Ân Lai nói rõ thêm; Hoa Kỳ không đòi Quân đội miền Bắc rút khỏi miền Nam, nhưng họ đòi Quân đội miền Bắc phải rút khỏi Lào và Campuchia... Theo ý ông Chu, vấn đề rút quân khỏi Việt Nam trở thành vấn đề số một của Mỹ, việc công nhận Trung Quốc là vấn đề số hai. Cuộc đàm phán Paris trở thành vấn đề then chốt... giai đoạn mấu chốt là từ nay đến tháng 5 năm 1972. Các đồng chí Việt Nam bắt họ rút trong năm nay. Trung Quốc ủng hộ các đồng chí đòi rút trong năm nay.

Ngày 15 tháng 7 năm 1971 tại Washington, Nixon công bố sẽ đi thăm Trung Quốc trước tháng 5 năm 1972. Đấy là một tin giật gân được dư luận Mỹ và thế giới hết sức quan tâm, đặc biệt trong điều kiện hai nước đã giữ thái độ thù địch trong hơn hai mươi năm.

Ngày 25 tháng 7 tại Paris, Đại sứ Hoàng Chấn cũng thông báo cho Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ nội dung về cuộc hội đàm Chu Ân Lai - Kissinger giống như ông Chu đã thông báo cho Hà Nội, nhưng nhấn mạnh hai trở ngại chính trong đàm phán:

1- Bắc Việt Nam cứ đòi lật đổ chế độ hiện nay ở Sài Gòn như là một điều kiện cho việc tìm kiếm hoà bình.

2- Bắc Việt Nam từ chối một cuộc ngừng bắn toàn Đông Dương trong khi quân Hoa Kỳ rút.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #256 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2009, 10:00:07 am »

Qua thông báo của Thủ tướng Chu Ân Lai, Hà Nội thấy rằng việc cải thiện quan hệ Trung - Mỹ là vì quyển lợi của hai bên. Nhưng Hà Nội chưa hiểu hết ý nghĩa và nội dung trao đổi giữa hai bên.

Lúc này, so sánh lực lượng trên chiến trường chính chưa lợi cho Việt Nam, lực lượng của Chính phủ Cách mạng Lâm thời đang chuẩn bị cho hoạt động xuân hè năm 1972 nhằm "giành thắng lợi quyết định".

Ngày 17 tháng 7, Nguyễn Duy Trinh thông báo cho Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ:

Đối với Việt Nam thời gian trước mắt chưa phải là thời cơ giải quyết. Nắm vững thời cơ là vấn đề rất quan trọng, sớm hay muộn đều có hại. Tương quan mà chúng ta phải nắm không phải là tương quan hiện tại mà là tương quan không diễn biến có lợi cho ta, rất khó khăn cho địch. Vì vậy anh Ba (tức Lê Duẩn - Tác giả) và các anh khác thấy trước mắt ta chưa nên làm gì khác ngoài chín điểm đã đưa. Địch sẽ cho ta là yếu và tăng sức ép. Mỹ đặt yêu cầu có cái khung chung, cái khung chung hiện nay là chín điểm. Cứ tiếp tục đi sâu vào chín điểm, xoáy vào hai điểm chính: vấn đề rút quân Mỹ và vấn đề thay thế chế độ Thiệu...”

Cuộc họp ngày 26 tháng 7 bắt đầu bằng phát biểu của Xuân Thuỷ, với một loạt câu hỏi nêu ra cho Kissinger về hầu hết các vấn đề tập trung vào hai vấn đề chủ yếu: Thời hạn rút quân Mỹ và Chính quyền ở Sài Gòn. Và khi Kissinger trả lời mập mờ thì Xuân Thuỷ lại hỏi lại. Có lúc Kissinger đã phải nói: "Tôi không thoát được điểm nào khỏi sự chú ý của Bộ trưởng”

Về vấn đề rút quân, Xuân Thuỷ nhắc lại Mỹ không chịu đưa ra một ngày cụ thể tuy đã đồng ý về nguyên tắc, như vậy là kéo dài chứ không phải giải quyết nhanh chóng.

Ông chất vấn Kissinger:

- Có phải các ông từ chối không thay đổi Chính quyền Sài Gòn do nhóm Nguyễn Văn Thiệu cầm đầu không?

Và nhận xét thêm rằng: trong đề nghị của Mỹ, vấn đề Chính quyền ở Sài Gòn không được ghi thành một điểm riêng, rõ ràng là chúng ta không giải quyết cả vấn đề quân sự và chính trị ở miền Nam thì không giải quyết được vấn đề.

Đối với những điểm mà phía Mỹ đã đồng ý về nguyên tắc nhưng sẽ viết lại hoặc bổ sung thêm thì phía Việt Nam sẽ nghiên cứu không có vấn đề gì khó khăn lắm. Kể cả việc Kissinger nói về viện trợ. Xuân Thuỷ kết luận:

- Chúng ta có một vài tiến bộ là đồng ý lấy chín điểm của chúng tôi và bảy điểm của các ông để thảo luận. Nhưng có hai điểm mấu chốt các ông vẫn không nói gì cả là: thời hạn rút quân gắn liền với vấn đề tù binh, và Chính quyền ở miền Nam. Chúng tôi đã nói rõ là phải thay nhóm Nguyễn Văn Thiệu. Điều 7 của các ông không ghi vấn đề này cũng không nói gì thêm. Ông nói phải thoả thuận cái khung, nhưng những vấn đề mấu chốt này là xương sống của cái khung mà không nói gì cụ thể thì làm sao có được cái khung?

Lê Đức Thọ: 

- Một cái khung không có xương sống.

Kissinger

- Ông Cố vấn đặc biệt lại muốn làm văn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #257 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2009, 10:00:51 am »

Lê Đức Thọ: 

- Một cái khung không có xương sống thì nó sẽ đổ.

Rồi tiếp:

- Tôi muốn nhìn lại một cách tổng quát ý kiến của các ông về cách giải quyết vấn đề Việt Nam và cách đặt vấn đề giải quyết các vấn đề Đông Dương như thế nào?

Các ông đã nhúng tay quá sâu vào chiến tranh ở Việt Nam và chiến tranh ở Đông Dương. Trong quá trình đó các ông lại gặp nhiều thất bại, và hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm thế nào để giải quyết vấn đề Việt Nam và Đông Dương. Chúng tôi nhận thấy là hiện nay các ông cũng muốn rút ra khỏi chiến tranh Việt Nam và chiến tranh Đông Dương nhưng lại tính toán làm sao có lợi nhất cho các ông. Vì vậy các ông tính rút bằng hai cách: thương lượng và Việt Nam hoá chiến tranh. Ý định của các ông là lấy hai vấn đề này hỗ trợ cho nhau. Việt Nam hoá chiến tranh nhằm duy trì một Chính quyền và một quân đội mạnh mẽ ở miền Nam Việt Nam bảo đảm cho các ông thực hiện ý định chủ nghĩa thực dân mới. Còn nếu không thương lượng được thì các ông cũng tích cực thực hiện Việt Nam hoá chiến tranh để đạt được ý định của các ông là biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới .

Cách thương lượng của các ông chính là nhằm đạt được mục đích đó. Vì vậy, các ông muốn tách vấn đề quân sự, với vấn đề chính trị ... lẩn tránh vấn đề chính trị, chỉ chú ý vấn đề quân sự, mà giải quyết vấn đề quân sự thì ý định các ông cũng là rút từ từ để giải quyết bằng thương lượng hay không các ông vẫn duy trì được Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.

Vì thế các ông không đưa ra một thời hạn cụ thể nào cho việc rút quân mà còn đặt điều kiện cho việc rút quân. Nghiên cứu cái khung của các ông chúng tôi thấy rõ những điểm nào các ông đồng ý đều là có lợi cho các ông, những điểm nào các ông đề nghị sửa đổi thì cũng vậy. Nhưng có hai điểm mấu chốt như Bộ trưởng Xuân Thuỷ đã nói là cái xương sống của cái khung thì các ông lại loại ra khỏi cái khung.

Tóm lại, những điểm các ông đồng ý hay đề nghị sửa chữa là những điểm phụ, nhưng về những điểm chính thì cách đặt vấn đề của các ông lại khác chúng tôi. Trong hai điểm chính các ông gọi là nhân nhượng và tiến bộ là các ông rút việc thả tù binh trước khi rút hết quân. Lần trước chúng tôi nhận xét đó là tiến bộ, nhưng là tiến bộ nhỏ giọt so với những điểm chúng tôi đưa ra mà các ông đã đồng ý chấp nhận. Các ông nói giải quyết nhanh nhưng ý muốn của các ông lại mâu thuẫn với mục tiêu của các ông.

Lê Đức Thọ nhấn mạnh:

- Chúng tôi đồng ý với cái khung và từ đó đi vào từng vấn đề cụ thể, cái khung chung đó là cái khung hai bên có thể chấp nhận được nhưng trước hết phải thoả thuận về hai vấn đề lớn: điểm 1 (thời hạn rút quân) và điểm 3 (chính quyền ở Sài Gòn).

Cuối cùng Lê Đức Thọ nói thêm:

- Trong mấy năm nay các ông đã chạy vạy chỗ này chỗ kia để tìm ra lối thoát nhưng không biết các ông có rút được kinh nghiệm không? Thực ra các ông uổng công vô ích, làm phức tạp thêm vấn đề cho các ông.

Ông Thọ nói chậm và rõ ràng:

- “Không có cách thần kỳ nào để giải quyệt vấn đề Việt Nam ngoài cách đàm phán nghiêm chỉnh với chúng tôi ở Hội nghị Paris trên cơ sở những đề nghị của chúng tôi và những đề nghị của các ông. Trong một ván cờ, quyết định thắng bại phải là người trong cuộc không có cách nào khác. Chúng tôi độc lập giải quyết vấn đề của chúng tôi”.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #258 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2009, 10:01:32 am »

Kissinger hoan nghênh những ý kiến của Xuân Thuỷ và Lê Đức Thọ, và nói rằng phần lớn những ý kiến đó là xây dụng và phát biểu với tinh thần tích cực, rồi ông cũng nêu ra nhiều câu hỏi: về mức độ ảnh hưởng của Xuân Thuỷ và Lê Đức Thọ đối với đồng minh ở miền Nam, và về phía Việt Nam có chấp nhận Quân đội Bắc Việt đóng trên biên giới của mình không? Và nhất là về thay thế Thiệu: khác nhau giữa thay thế Thiệu và thay thế Chính quyền Thiệu, thay con người hay cả con người lẫn chính sách, bộ mặt Chính phủ sau này ở Sài Gòn như thế nào? v.v...

Ông cũng nói sự phân tích của Lê Đức Thọ về chiến lược của Hoa Kỳ là đúng và khôn ngoan, rồi nói về chiến lược của Việt Nam:

- "Nếu tôi hiểu đúng thì chiến lược của các ngài làm sao đạt được hai kết quả: muốn quân đội chúng tôi rút càng nhanh càng tốt và khi chúng tôi rút đi thì lật đổ cơ cấu chính trị hiện nay ở Nam Việt Nam. Đòi hỏi của các ngài đề ra không phải là nhân nhượng mà để đòi chúng tôi dâng cho Hà Nội các mục tiêu mà các ngài muốn đạt. Nếu các ngài tự mình đạt được thì chúng tôi tôn trọng nhưng chắc rằng các ngài không đạt được trong đàm phán này. Cả hai phía chúng ta chắc rằng không một bên nào lại muốn ký một Hiệp nghị để hiến dâng cho đối phương tất cả mục tiêu mà đối phương đã đặt ra ... " .

Kissinger nói tiếp về ba vấn đề lớn:

- Vấn đề viện trợ. Khi ký kết được một thoả thuận về nguyên tắc Tổng thống Nixon sẽ kiến nghị Quốc hội để thông qua một chương trình viện trợ kinh tế năm năm cho các nước Đông Dương... có thể đến 7 tỷ rưỡi đô la, trong đó dành từ 2 đến 3 tỷ rưỡi cho Bắc Việt Nam. Vấn đề hoàn lại không thành vấn đề. Quá 2/3 sẽ là biếu không, 1/3 còn lại là cho vay rất dài hạn... lãi suất rất thấp... không kèm theo điều kiện nào.

Về thời hạn rút quân. "Chúng tôi sẵn sàng ấn định một ngày để hoàn thành việc rút quân của chúng tôi và đồng minh trong vòng 9 tháng kể từ ngày ký Hiệp nghị".

Về vấn đề chính trị ở miền Nam. Kissinger thừa nhận rằng đây là vấn đề mẫu chốt đối với Việt Nam, rằng Việt Nam muốn đạt được mục tiêu chiến đấu của mình thông qua hành động của Mỹ. Ông nói rằng Việt Nam không thể đòi Mỹ vừa rút quân nhanh vừa làm tất cả các vấn đề chính trị hộ, rồi ông phân tích thêm? Việc rút quân Hoa Kỳ sẽ có tác động chính trị trước khi việc rút quân nhanh hoàn thành ... Nếu Hoa Kỳ chấp nhận điểm trung lập trong năm điểm của bà Bình đã là có tác động chính trị quan trọng ở miền Nam Việt Nam rồi và nếu Hoa Kỳ công bố hạn chế viện trợ cho Sài Gòn hoặc đứng trung lập trong tuyển cử sắp tới sẽ có tác động chính trị quan trọng ở Nam Việt Nam. Ông cũng nhắc lại Hoa Kỳ không muốn có xáo động chính trị ở Sài Gòn... sẵn sàng đóng vai trò tích cực trong việc mang lại một giải pháp... nhưng sau khi Hoa Kỳ rút, Việt Nam hoá thành công, Hoa Kỳ không còn quyền lực để tác động vào chính trị ở Nam Việt Nam. Ông nhấn mạnh:

- Trong giai đoạn lịch sử này, Hoa Kỳ không phải là mối đe doạ đối với nền độc lập của Việt Nam mà còn có những nước khác gần hơn có thể là mối đe doạ đó.

Trả lời ám chỉ của Lê Đức Thọ về việc đi Trung Quốc của ông, Kissinger nói: 

- Chúng tôi biết muốn giải quyết chiến tranh Việt Nam bằng thương lượng thì phải giải quyết ở Paris ... Chúng tôi tôn trọng và khâm phục tinh thần độc lập mà các ngài luôn tỏ ra... Chúng tôi không muốn tìm một giải pháp ở nơi nào khác ngoài nơi đây.

Cuối cùng ông đề nghị hai bên thoả thuận với nhau một tuyên bố về nguyên tắc coi như một chỉ thị cho đàm phán ở Kléber để thảo luận thêm những chi tiết.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #259 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2009, 10:02:42 am »

Xuân Thuỷ lại bắt đầu ra một số câu hỏi về thời hạn rút quân chín tháng, thời gian bắt đầu, việc để lại nhân viên kỹ thuật, về cách giải quyết vấn đề Đông Dương, về Hội nghị Quốc tế, v.v.

Xuân Thuỷ nhận xét rằng nếu không định ngày cụ thể cho việc rút quân thì cũng giống như người ta nói: ngày mai ăn cơm không mất tiền?

Nhưng vấn đề tranh luận nhiều nhất là vấn đề Chính quyền ở Sài Gòn. Xuân Thuỷ nói:

- Nếu các ông cứ duy trì Thiệu thì đó mới là mất danh dự của Mỹ, còn các ông thay Thiệu thì được nhân dân miền Nam cũng như nhân dân Mỹ hoan nghênh. Vả lại chúng tôi không yêu cầu các ông tuyên bố công khai... Các ông làm thì cứ làm, chúng tôi không yêu cầu các ông công bố.

Kissinger:  

- Như thế thì nó hiển nhiên quá.

Xuân Thuỷ:

- Làm sao mà hiển nhiên được. Có ai biết đâu. Chỉ giữa các ông và chúng tôi biết thôi ... Nếu không thì chứng tỏ các ông muốn giữ Thiệu... Có hai vấn đề thời hạn rút quân và thay thế Thiệu nếu không giải quyết được thì chúng ta có muốn đi nhanh nhưng cũng vẫn kéo dài.

Lê Đức Thọ:  

- Vấn đề chính trị hôm nay coi như không thảo luận gì. Ông vẫn giữ quan điểm là chỉ giải quyết vấn đề quân sự thôi. Không có cuộc chiến tranh nào chỉ giải quyết vấn đề quân sự không giải quyết vấn đề chính trị mà có thể kết thúc được... Trong thương lượng các ông đi rất chậm.

Kissinger:

- Các ngài cứ theo chiến thuật đưa ra đòi hỏi của mình rồi phê phán trả lời của chúng tôi như kiểm tra một thí sinh vào vấn đáp, như thế thì không đi đến thoả thuận được.

Ông ta không đồng ý với Lê Đức Thọ nói rằng hôm nay không thảo luận vấn đề chính trị và nhấn mạnh lại điều mà Hoa Kỳ không làm được là thoả thuận bí mật với ta thay thế người lãnh đạo một nước đang là đồng minh của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ làm theo những tuyên bố mà ông Thọ đưa ra thì đã rất không có lợi cho Thiệu và một ứng cử viên khác hợp ý Việt Nam sẽ có thể trúng cử.

Cuộc thảo luận trở nên căng thẳng. Lê Đức Thọ nói:

- Không có người Việt Nam nào chiến đấu bao nhiêu năm nay mà lại không biết kết quả chính trị ở miền Nam Việt Nam như thế nào. Không thể nói một câu chung chung, ra một tuyên bố trung lập mà đủ được!

Kissinger cải chính ngay:

- Điều tôi muốn nói là ra một tuyên bố không cam kết chứ không phải một tuyên bố về nền trung lập. Bất cứ một Chính phủ nào ở miền Nam cũng phải thi hành một chính sách ngoại giao trung lập, chỉ có thể nhận một số lượng viện trợ quân sự nào đấy và một số điểm trong tuyên bố bảy điểm của bà Bình (không liên minh quân sự, không có căn cứ quân sự nước ngoài - Tác giả). Tuyên bố này là tuyên bố không cam kết đối với hai bên...

Lê Đức Thọ:

- Nhưng có vấn đề mấu chốt không thoả thuận được thì làm sao thành cái khung được.

Cuộc họp kết thúc. Lê Đức Thọ nói rằng hai bên cần nghiên cứu ý kiến của nhau. "Nếu các ông thấy cần gặp lại thì sẽ gặp".

Kissinger nói:

- Năm 1954, F.Dulles muốn có căn cứ quân sự, bây giờ các ngài đang đàm phán với một Chính quyền không quan tâm gì đến duy trì căn cứ quân sự ở Nam Việt Nam nữa... Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam không còn là vấn đề mấu chốt nữa. "Chúng tôi biết các ngài còn nghi kỵ nhiều! Đó là thảm kịch".

Hai bên hẹn gặp nhau lại một lần nữa. Xuân Thuỷ đòi Kissinger đến cuộc họp sau đưa ra nội dung cụ thể thiết thực. Kissinger nói:

- Sẽ khó đả thông ông Nixon để tôi đi một chuyến nữa, nhưng hy vọng là sẽ thuyết phục được.

Ông đề nghị ấn định phiên họp sau vào ngày 7 tháng 8, thứ bảy.

Xuân Thuỷ:

- Để ông có thì giờ thuyết phục ông Nixon, chúng ta hẹn xa xa một chút, thí dụ vào hạ tuần tháng 8 năm 1971.

Cuối cùng hai bên thoả thuận sẽ gặp lại ngày 16 tháng 8.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM