Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:44:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris  (Đọc 197633 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #230 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2009, 06:57:06 pm »

Về chính trị, ông ta nhắc lại ba nguyên tắc mà Nixon đã nói hôm 20 tháng 4 là phải phản ánh nguyện vọng của nhân dân Nam Việt Nam, phải phản ánh tương quan lực lượng hiện có, không có sự can thiệp từ bên ngoài, và Hoa Kỳ sẽ tôn trọng kết quả quá trình chính trị mà hai bên đã thoả thuận.

Ông ta thừa nhận nhiệm vụ như vậy là rất khó khăn, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải hiểu rõ những giới hạn trong lập trường của mỗi bên. Sự mềm dẻo của Hoa Kỳ là rõ nhưng Hoa Kỳ không nhận thay đổi trước các nhà lãnh đạo Nam Việt Nam. Về Mặt trận, ông nói: dĩ nhiên đó là một thực tế hiện có, và nói chung điều chúng ta phải thoả thuận là phải thừa nhận rằng tất cả các lực lượng chính trị hiện có ở Nam Việt Nam là những thực tế.

Ông ta nhắc lại việc muốn tạo ra một quá trình chính trị, tạo ra các khả năng cho mỗi bên phát huy được sự ủng hộ của nhân dân Nam Việt Nam, "chứ chúng ta không thể bảo đảm rằng bên này hay bên kia sẽ thắng, và hai bên phải thoả thuận tôn trọng kết quả của quá trình đó".

Cuối cùng Cố vấn Kissinger nói rằng Hoa Kỳ không có ý định đánh lừa Việt Nam như hồi năm 1954 và kêu gọi thảo ra một chương trình làm việc để sớm kết thúc chiến tranh.

Bộ trưởng Xuân Thuỷ cũng tỏ ra vui mừng được gặp lại Kissinger, cũng đồng ý về ba diễn đàn như ông ta nêu ra, nhưng thấy rằng phần nói về lý do của Kissinger thì rất dài còn phần nói về thực chất thì quá ngắn.

Một lần nữa Xuân Thuỷ nói: Việt Nam là một nước nhỏ, chỉ muốn sống trong hoà bình và độc lập, tự do, nhưng lại bị xâm lược nên phải chống lại, bất kể đối phương lớn mạnh như thế nào. Không phải chúng tôi thích dùng vũ lực mà chính kẻ xâm lược buộc chúng tôi phải dùng vũ lực để bảo vệ đất nước và cuộc sống.

Bộ trưởng lên án Mỹ dùng vũ lực đẩy mạnh càn quét ở miền Nam Việt Nam, mở rộng chiến tranh sang Campuchia để ép Việt Nam trên bàn đàm phán, nhưng Mỹ đã đẩy nhân dân Campuchia chống lại Mỹ, Mỹ sẽ sa lầy thêm. Thời gian sẽ trả lời.

Hai bên trình bày cách hiểu khác nhau về quyền tự quyết của nhân dân Nam Việt Nam, về vấn đề ai sẽ đứng ra tổ chức tuyển cử ở Nam Việt Nam, làm sao để có tuyển cử công bằng.

Kissinger nhấn mạnh hai điểm mới trong vấn đề rút quân của ông: thừa nhận rút toàn bộ kể cả căn cứ quân sự, và lần đầu tiên ông ta đưa ra một kế hoạch cụ thể từng tháng mà 4/5 quân số sẽ rút trong chín tháng. Ông ta cũng nói áp lực của Bắc Việt Nam là áp lực từ bên ngoài và sẵn sàng tìm ra những phương pháp làm cho nhân dân Nam Việt Nam có thể tự do phát biểu nguyện vọng của mình thông qua các tổ chức mà người ta có thể tìm; phía Việt Nam đã thiếu kiên nhẫn đối với quan niệm về Uỷ ban tuyển cử hỗn hợp; phía Mỹ không quan tâm người ta gọi cái đó là cái gì.

Ông ta đề nghị bàn cụ thể về việc thành lập Chính phủ như thế nào. Ông ta nói rằng ông tin vào sức thuyết phục của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đối với Chính phủ Cách mạng Lâm thời và phía Việt Nam hãy tin vào sức thuyết phục của Mỹ còn nhiều khi quân Mỹ còn đông, nếu như còn lâu mới đạt được một giải pháp thì sự có mặt của quân Mỹ ít đi, sức thuyết phục của Mỹ cũng ít đi.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #231 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2009, 06:57:30 pm »

Kissinger đề nghị bàn vấn đề rút quân trong một vài phiên họp nữa. Còn về chính trị nên bàn một cách chính xác việc tổ chức tuyển cử ở miền Nam như thế nào. Ông ta cho rằng nếu thoả thuận được về một cuộc bầu cử tự do thật sự thì việc Bộ trưởng Xuân Thuỷ đòi thay thế Thiệu - Kỳ - Khiêm chỉ còn là lý thuyết thôi.

Kissinger tiếp:

- Tôi xin hỏi Bộ trưởng, tôi có thể báo cáo với ông Nixon rằng cách đề cập tổng quát như vậy về nguyên tắc có thoả thuận được không?

Xuân Thuỷ không trả lời câu này mà nhắc lại việc lập Chính phủ liên hiệp theo ba bước đã nói trước đây, rồi thêm:

- Chúng tôi không sợ gì cả - đe doạ cũng không sợ - kéo dài hay mở rộng chiến tranh cũng không sợ, chỉ muốn giải quyết thế nào cho hợp lý.

Kissinger lại hỏi:

- Nếu ông Nixon hỏi tôi, và chắc chắn ông ta sẽ hỏi, là tôi sang đây đạt được gì, Bộ trưởng nói gì khác hơn ở Kléber, thì Bộ trưởng bảo tôi thế nào? 

Xuân Thuỷ vui vẻ trả lời:

- Khó gì đâu, ông hãy trả lời rằng: vì ông Tổng thống giao cho ông Cố vấn nhiệm vụ sang đây không nói gì mới, nhất là về vấn đề chính trị, nên Bộ trưởng Xuân Thuỷ cũng không nói gì mới. Tuy ông Xuân Thuỷ không nói gì mới nhưng sau khi trao đổi, ông Xuân Thuỷ giải thích rõ hơn và có lý hơn, cho nên vấn đề chính là Tổng thống phải thay đổi chính sách hiện nay. Còn về vấn đề quân sự, các ông để ra 12 tháng rút hết quân, bà Bình đề ra 6 tháng, phải xem cái nào hợp hơn.

Kissinger từ đầu đến giờ không nói gì đến việc rút quân miền Bắc liền đáp:

- Giải quyết vấn đề rút quân phải tuỳ thuộc vào việc giải quyết các vấn đề khác. Nếu không phải giải quyết các vấn đề khác thì vấn đề rút quân cũng không giải quyết được. .

Ông lại hỏi Xuân Thuỷ:

- Có thể về lý thuyết có khả năng là sau khi nghiên cứu ý kiến của chúng tôi, Bộ trưởng thấy có một số điểm nào hợp lý thì Bộ trưởng có thay đổi gì không?

Hai bên phải nghiên cứu ý kiến của nhau. Về điểm Thiệu - Kỳ - Khiêm thì tôi không đồng ý với ông. Ông có thể nói với Nhà Trắng nhiều cách: ông nói là ông đã nói hết lý lẽ rồi, cũng có đe doạ một tý rồi, nhưng không hề làm cho ông Xuân Thuỷ lung lay. Sau đó thoả thuận là hai bên trở về nghiên cứu ý kiến của nhau.

- Tôi không bao giờ đe doạ Bộ trưởng đâu?

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #232 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2009, 06:57:38 pm »

Hai bên hẹn gặp lại nhau ngày 27 tháng 9. Kissinger nói thêm rằng:

- “Chúng tôi biết các ngài đã tồn tại hai ngàn năm không phải là do nhân nhượng và mềm dẻo đâu, và... tôi không tìm cách đánh lừa các ngài... Con đường này là con đường tốt nhất, duy nhất dề nhanh chóng chấm dứt chiến tranh".

Rồi ông ta kêu gọi phía Việt Nam hãy xem xét những điểm thay đổi đem lại sức sống và sự khẩn trương trong đàm phán. Về điểm này Bộ trưởng Xuân Thuỷ tán thành.

Trước khi ra về, nhân việc Xuân Thuỷ nói về Mỹ sa lầy, Kissinger kể một câu chuyện Nga:

- “Có một người hớt hơ hớt hải chạy vào làng kêu cứu ông Mikhailôvic vì ông đã ngập đến đầu gối rồi. Dân làng chạy ra và bảo: hốt hoảng gì vì ông ta mới ngập tới mắt cá chân. Nhưng khổ là ông ta đã ngả đầu chúc xuống vũng lầy, chứ không phải đi vào vũng lầy đâu!".

Xuân Thuỷ không bình luận về câu chuyện này, nhưng khi Kissinger yêu cầu giữ bí mật cuộc họp thì nói:

- Sẽ không bị sa lầy trong việc bị lộ.

Đây là lần đầu tiên Mỹ đưa ra lịch rút quân Mỹ trong 12 tháng mà không nói gì đến việc đòi miền Bắc rút thế nào, chỉ nói lấp lửng “đáp ứng" đồng thời lại nói có giải quyết được vấn đề khác (chính trị) mới giải quyết vấn đề rút quân. So với lần trước thì hình như có sự nhân nhượng và có phần mềm dẻo hơn, nhất là về quân sự. Đây là một cái bẫy. Tuy Mỹ còn nhiều khó khăn, nhưng lực lượng của họ còn mạnh, họ còn rất ngoan cố. Khó khăn chưa buộc Mỹ phải nhân nhượng mà tình hình chiến trường lại đang có lợi cho Mỹ để giải quyết trong lúc này, đồng thời giải quyết trong lúc này cũng có lợi cho Mỹ trong bầu cử Quốc hội.

Trước đây Kissinger nhấn mạnh hai bên cùng rút quân vì lúc đó chủ lực của ta còn nhiều ở miền Nam. Nay Mỹ biết rõ chủ lực ta đã rút đi nhiều và lực lượng du kích cũng yếu cho nên họ đặt vấn đề rút mà không nói rõ lực lượng ta phải rút - đồng thời lại nhấn mạnh giải quyết vấn đề chính trị. Đặt vấn đề như vậy rất có lợi cho họ vì so sánh lực lượng vẫn nghiêng và có lợi cho Mỹ sau khi rút quân Mỹ. Hơn nữa, sau khi ký kết hai bên sẽ không được tăng lực lượng, lực lượng ta ở Campuchia không trở lại miền Nam được và họ sẽ đặt vấn đề giải quyết cùng lực lượng nguỵ trong đàm phán riêng về Campuchia. Như vậy họ định lấy vấn đề ta rút quân để đổi lấy việc ta nhân nhượng họ về chính trị. Họ muốn có cả ưu thế quân sự và ưu thế chính trị.

Kissinger không nhắc đến vấn đề Lào và Campuchia, vì có thể muốn tìm cách giải quyết riêng ba vấn đề, sau đó có Hội nghị Quốc tế bảo đảm cho cả ba nơi.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #233 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2009, 07:00:00 pm »

Đợt tấn công ngoại giao tháng 9 của Chính phủ Cách mạng Lâm thời

Ngày 1 tháng 9 năm 1970, Quốc hội Mỹ lại thảo luận dự luật bổ sung của hai Thượng nghị sĩ Mc Govern và Hatfield đòi rút quân Mỹ khỏi miền Nam chậm nhất vào 31 tháng 12 năm 1971. Từ khi mới đưa ra, dự luật này đã được các nhà bình luận thời sự của các báo lớn ở Mỹ ủng hộ rộng rãi. Họ cho rằng với dư luận này sẽ chấm dứt lối bài bây của Chính quyền và nếu Chính quyền chống lại thì tự mình sẽ bỏ rơi mặt nạ hoà bình mà chỉ cốt tìm kiếm thắng lợi quân sự. Nếu dự luật đó được thông qua thì Chính quyền Nixon sẽ bị bó tay, Chiến lược Việt Nam hoá sẽ lâm nguy, Mỹ sẽ mất một sự ủng hộ của đồng minh đã gửi quân tham chiến ở Việt Nam, và thế thương lượng của Mỹ ở Paris sẽ bị suy yếu nghiêm trọng, và đối phương sẽ được cổ vũ thêm, càng quyết tâm hơn.

Dự luật đó đã bị bác bỏ với năm mươi lăm phiếu chống và ba mươi chín phiếu thuận, nhưng có tới ba mươi chín Thượng nghị sĩ ủng hộ là một con số không lấy gì làm vui cho Chính quyền Nixon. Chắc chắn con số đó sẽ tăng lên nếu chiến tranh kéo dài.

Đàm phán vẫn bế tắc, dư luận thế giới cũng đòi hỏi phải phá vỡ bế tắc ở Hội nghị Paris. Ở miền Nam, Chính phủ Cách mạng Lâm thời chưa đánh được những trận lớn, nhưng phong trào đấu tranh của nhân dân các đô thị chống Mỹ - Thiệu, đòi Mỹ rút quân, lập lại hoà bình, phát triển. Trước tình hình đó, Chính phủ Cách mạng Lâm thời chủ trương mở đợt tấn công ngoại giao phục vụ cho chiến trường, tranh thủ dư luận và cô lập thêm Chính quyền Nixon.

Ngày 17 tháng 9, sau cuộc gặp Xuân Thuỷ - Kissinger, tại Hội trường Kléber, bà Bộ trưởng Trưởng đoàn Đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời đưa ra đề nghị tám điểm - nói rõ thêm về một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam. Những điểm chủ yếu trong kế hoạch này là:

1 - Rút hết quân Hoa Kỳ và quân nước ngoài thuộc phe Hoa Kỳ ra khỏi miền Nam trước ngày 30 tháng 6 năm 1971. Trong trường hợp đó, các lực lượng vũ trang giải phóng sẽ không đánh vào quân Mỹ đang rút và các bên sẽ thảo luận ngay.

Vấn đề bảo đảm an toàn cho quân Mỹ rút;

Vấn đề thả các quân nhân bị bắt.

2 - Thành lập ở Sài Gòn một Chính quyền không có Thiệu - Kỳ - Khiêm, một Chính quyền tán thành hoà bình, độc lập, trung lập chăm lo cải thiện đời sống cho dân, thi hành các quyền tự do dân chủ, trả lại tự do cho những người bị giam giữ vì lý do chính trị, giải tán các khu tập trung để nhân dân trở về quê cũ làm ăn. Chính phủ Cách mạng Lâm thời sẵn sàng nói chuyện ngay với một Chính quyền như vậy để tìm một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #234 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2009, 07:00:07 pm »

Kế hoạch còn đưa ra công khai việc lập Chính phủ liên hiệp lâm thời ba thành phần đứng ra tổ chức bầu cử, thành lập Quốc hội, và bầu ra Chính phủ chính thức.

Còn các vấn đề khác như: giải quyết các lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam, vấn đề thống nhất, bảo đảm ngừng bắn... Chính phủ Cách mạng Lâm thời nêu như trong mười điểm năm 1969.

Vấn đề rút quân và thả tù binh trong đó có phi công Mỹ bị bắt là hai vấn đề lớn được dư luận Mỹ quan tâm. Chính phủ Cách mạng Lâm thời còn tuyên bố sẵn sàng nói chuyện ngay với các lực lượng hoặc cá nhân thuộc mọi xu hướng chính trị, tôn giáo ở trong và ngoài nước để tiến tới một giải pháp nhanh chóng.

Đề nghị tám điểm nói rõ thêm được dư luận thế giới quan tâm. Nhiều báo Mỹ nhận thấy có điểm mới và lại yêu cầu Chính quyền Nixon nắm lấy cơ hội. Ở miền Nam Việt Nam nhiều báo trích đăng, có báo đăng toàn văn. Có Đại biểu trong Quốc hội Sài Gòn họp báo đưa ra tuyên bố trong đó có một số nội dung như tám điểm.

Các nước không liên kết cũng tỏ vẻ ủng hộ tám điểm - và ít lâu sau, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam được mời đi dự Hội nghị cấp cao của phong trào không liên kết ở Lusaka.

Một sự kiện có nhiều ý nghĩa là Trung Quốc thay đổi thái độ. Trước đây Trung Quốc cho ta đã sai lầm khi nhận đàm phán với Mỹ thì ngày 23 tháng 9 năm đó, Chủ tịch Mao Trạch Đông nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang ở thăm Bắc Kinh rằng: “Đàm phán đã hai năm rồi, năm đầu chúng tôi lo các đồng chí mắc lừa địch. Nhưng bây giờ chúng tôi không lo nữa. Nói tóm lại một câu: ở tiền tuyến các đồng chí đánh tốt, trong đàm phán ngoại giao phương châm của các đồng chí là đúng".  

Ngày 27 tháng 9, diễn ra cuộc họp riêng mới giữa Xuân Thuỷ và Kissinger. Xuân Thuỷ trình bày rõ hơn tám điểm, nhấn mạnh lịch rút quân của Chính phủ Cách mạng Lâm thời dài hơn thời hạn đã đưa ra trước đây và nhấn mạnh Mỹ phải rút quân nhiều ngay từ đầu, rút quân chiến đấu trước, bao gồm bộ binh, pháo binh, không quân... Bộ trưởng lại phê phán việc Mỹ bám giữ Thiệu - Kỳ - Khiêm, nhắc lại ba bước lập Chính phủ liên hiệp ở miền Nam.

Kissinger đặt ra nhiều câu hỏi và nhận xét rằng đề nghị mới này có hậu quả thực tế là trở lại đề nghị rút quân sáu tháng trước đây mà Mỹ đã bác bỏ. Về vấn đề chính trị, ông nhận xét rằng khi Xuân Thuỷ nói gạt bỏ Thiệu - Kỳ - Khiêm thì không phải chỉ gạt bỏ ba người đó mà gạt cả lực lượng mà ba người đó đại diện. Ông cũng cho rằng phía Việt Nam giành quyền xác định ai là người tán thành hoà bình trung lập, tức là phía ta đã quyết định hai trong ba thành phần của Chính phủ liên hiệp và thực tế có thể nói là phía ta quyết định ba thành phần trong Chính phủ liên hiệp. Ông thuyết phục Xuân Thuỷ cứ tổ chức quá trình chính trị như ông đã nói để nhân dân Nam Việt Nam phát biểu sự lựa chọn của mình. Nếu nhận định của ta là đúng thì Thiệu - Kỳ - Khiêm sẽ bị gạt ra. Nếu nhận định của ta không đúng thì yêu cầu ta chấp nhận kết quả của quá trình chính trị đó. Ông cũng kêu gọi ta thả những tù binh Mỹ cho họ trở về gia đình như một cử chỉ thiện chí.

« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười, 2009, 09:02:11 pm gửi bởi macbupda » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #235 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2009, 07:00:28 pm »

Trước thái độ cứng rắn của Xuân Thuỷ, ông ta tỏ vẻ buồn, cho là không thể tiếp tục để đạt được kết quả ở diễn đàn này nữa. Nhưng ông cũng kết luận:

“Về khía cạnh quân sự, sự khác nhau giữa hai bên đã khá thu hẹp để cho mọi điều khác có thể giải quyết được và chúng ta có thể đi đến giải quyết vấn đề này".

Còn về vấn đề chính trị, tất nhiên ông ta không đồng ý với Xuân Thuỷ rằng còn Thiệu - Kỳ - Khiêm thì không giải quyết được vấn đề. Nhưng ông ta cũng thêm:

- “Chúng tôi chấp nhận cùng các ngài định ra các phương pháp để các nhóm tham gia vào cuộc đọ sức chính trị ở miền Nam Việt Nam được tổ chức lãnh đạo và giám sát tuyển cử, nghĩa là các lực lượng gồm Chính quyền Sài Gòn, Chính phủ Cách mạng Lâm thời và các lực lượng chính trị khác sẽ tham gia bầu cử".

Đối với Nixon, cuộc hành quân ở Campuchia là "Cuộc hành quân thắng lợi nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam", do đó ông cho rằng lần đầu tiên Mỹ có thể tính đến một Hiệp định ngừng bắn ở Nam Việt Nam mà không coi việc rút quân miền Bắc Việt Nam làm một điều kiện tiên quyết. Từ ý nghĩ đó, ông vạch ra một kế hoạch năm điểm trình bày trước truyền hình ngày 7 tháng 10 năm 1970:

1 - Ngừng bắn trên toàn Đông Dương và giữ nguyên trạng.

2 - Họp Hội nghị hoà bình về Đông Dương.

3 - Thương lượng một lịch rút hết quân Mỹ, coi đó là một bộ phận của giải pháp toàn bộ.

4 - Giải pháp chính trị dựa trên hai nguyên tắc: phản ánh ý chí của nhân dân miền Nam, phản ánh tương quan lực lượng chính trị hiện nay ở miền Nam.

5 - Thả ngay và không điều kiện toàn bộ tù binh và những người của hai bên bị giam giữ (R.Nixon. Hồi ký Sđd, tr 468-469).

Năm ngày sau, Nixon lại thông báo thêm một đợt rút 40.000 quân trước Noel.

Với hai quyết định đó, ông ta tin rằng sẽ đẩy được trách nhiệm trì hoãn thương lượng về phía người Việt Nam.

Trong điều kiện tương quan lực lượng ở miền Nam không thuận lợi cho cách mạng thì những đề nghị ngừng bắn nói trên của Nixon có lợi cho quân Mỹ và quân Nguỵ. Hơn nữa Nixon còn tranh thủ dư luận Mỹ và dư luận thế giới với đề nghị thả tù binh và họp Hội nghị quốc tế về vấn đề Đông Dương lúc Hội nghị Paris về Việt Nam bế tắc.

« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười, 2009, 09:02:52 pm gửi bởi macbupda » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #236 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2009, 07:00:36 pm »

Hôm sau, tại Hội nghị bốn bên, Xuân Thuỷ phê phán mạnh mẽ kế hoạch của Nixon. Một số báo chí Mỹ lại cho rằng việc Việt Nam đòi có một thứ Chính phủ liên hiệp nào đó là một mục tiêu mà họ đã đấu tranh trong nhiều năm, họ sẽ không chịu từ bỏ, và A.Harriman cho rằng Chính quyền Nixon đã không có cố gắng nào để đi đến một sự thoả thuận.

Cuối năm, cuộc bầu cử bổ sung vào Quốc hội Mỹ diễn ra sôi nổi. Trong khi vận động cho các ứng cử viên của Đảng Cộng hoà. Nixon luôn tìm cách đả kích phong trào chống chiến tranh. Nhưng khi đi thăm San Jose (California) ông ta đã bị 2.000 người biểu tình vây quanh và hô vang khẩu hiệu: "Chúng tôi không muốn cuộc chiến tranh chết tiệt của ông", "Nixon là tên tội phạm chiến tranh "... và ông đã được tặng hàng loạt... trứng thối và cà chua (Như trên, tr 492-493.).

Ở miền Bắc Việt Nam, trong hai ngày 20 và 21 tháng 11, Mỹ cho máy bay bắn phá ồ ạt - trên 200 lần chiếc một ngày, ngang mức trung bình trước khi chấm dứt ném bom, và đêm hôm đó chúng dùng máy bay tập kích vào trại giam tù binh Mỹ ở gần thị xã Sơn Tây hòng cứu bọn giặc lái, nhưng họ chỉ thấy mấy con trâu và bỏ lại một máy bay trực thăng bị gãy cánh.

Ngày 10 tháng 12, tại Hội nghị bốn bên, bà Nguyễn Thị Bình lại đưa ra đề nghị ba điểm về ngừng bắn:   

- Ngừng bắn với quân Mỹ, với thời hạn rút quân là 30 tháng 6 năm 1971;

- Ngừng bắn với quân Nguỵ, ngay sau khi Chính phủ Cách mạng Lâm thời thoả thuận với Chính phủ Việt Nam Cộng hoà không có Thiệu - Kỳ - Khiêm thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời ba thành phần; 

- Các bên liên quan bàn các biện pháp tôn trọng và thi hành ngừng bắn.

Vào dịp Noel, đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở Paris trao danh sách các phi công Mỹ bị bắt ở miền Bắc cho một số Thượng nghị sĩ Mỹ chống chiến tranh, trong đó có Fulbright, Kennedy, và đại diện phong trào chống chiến tranh, tước đi của Nixon một con bài quan trọng mà ông ta thường dùng để kích động dư luận Mỹ chống ta.

Trong hai năm đầu cầm quyền, Tổng thống Nixon đã ra sức thực hiện Việt Nam hoá chiến tranh, lén lút dùng B52 ném bom cơ quan đầu não của Mặt trận Dân tộc Giải phóng trong 14 tháng, liều lĩnh đưa quân Mỹ vào nước Campuchia trung lập, đẩy mạnh hoạt động quân sự của bọn tay sai Lào, hạ thấp Hội nghị bốn bên ở Paris, nhưng Mỹ vẫn chưa thoát khỏi thế bị động ở miền Nam Việt Nam, trong nước Mỹ và trên thế giới. Ông ta lo sợ phái bồ câu ở Quốc hội thắng thế và thông qua lọt một nghị quyết đòi rút hết quân Mỹ hay cắt hết mọi ngân sách cho Đông Dương. Cuộc đàm phán với Liên Xô về SALT thụt lùi. Từ Bắc Kinh chưa có một tín hiệu nào về sự khai thông. Nền kinh tế sa sút thảm hại, đồng đô la xuống mức thấp nhất từ năm 1949. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất từ năm 1961. Khó khăn tưởng như không giải quyết được. Và Nixon lo năm 1972 không trúng cử một nhiệm kỳ mới.

Sang năm 1971, Việt Nam còn là vấn đề hàng đầu.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #237 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2009, 02:58:31 pm »

CHƯƠNG V
TIẾN ĐẾN VẤN ĐỀ THỰC CHẤT

Năm mới 1971, năm mới với mọi người

Để có thể rút được quân Mỹ về, Nixon đã ra sức xây dựng Quân đội Sài Gòn và thúc đẩy các cuộc hành quân bình định ở miền Nam Việt Nam, đưa quân đánh vào "đất thánh" ở Campuchia. Ông cho rằng cuộc hành quân ở Campuchia đã đánh một đòn chí tử vào lực lượng Việt cộng, cắt được con đường tiếp tế qua Campuchia.

Bây giờ còn con đường mòn Hồ Chí Minh. Phải cắt nốt con đường này để cô lập hoàn toàn miền Nam.

Ngày 18 tháng 1 năm 1971, Nixon triệu tập Rogers, Kissinger, Alexander Haig, đô Đốc Thomas H.Moorer, Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân, Helms, Giám đốc CIA. Sau khi nghe Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird vừa mới bí mật đi điều tra tình hình miền Nam Việt Nam về báo cáo, Nixon cho phép tiến hành một cuộc hành quân qui mô để cắt đường mòn Hồ Chí Minh, bằng cách đánh vào lực lượng Bắc Việt ở Lào.

Để dư luận Mỹ khỏi phản đối và cũng là để chứng minh sự lớn mạnh của Quân đội Sài Gòn, tức là chứng minh thành công của Việt Nam hoá, ông quyết định lấy Quân đội Sài Gòn làm chủ lực, Mỹ chỉ chi viện máy bay và pháo binh.

Đóng góp chính của Mỹ là dùng trực thăng chở quân và hậu cần, dùng pháo thuyền nhỏ và B52. Để cuộc hành quân ở Lào này mang nhãn hiệu Việt Nam đích thực, các nhà chiến lược Mỹ còn tìm cho nó cái tên Lam Sơn 719, cho nó càng là của Việt Nam Cộng hoà. Mục tiêu là cắt đứt con đường tiếp tế chiến lược của cộng sản ở điểm nút Sêpôn, Hạ Lào.

Từ 30 tháng 1, quân Mỹ đã triển khai lực lượng ở phía Nam khu phi quân sự làm bàn đạp cho cuộc tiến quân sang Lào của quân nguỵ Sài Gòn, đồng thời quân Nguỵ cũng chiếm lĩnh các vị trí then chốt ở vùng Quảng Trị. Đến 7 tháng 2 thì đã hình thành đội hình tiến công.

Ngày 8 tháng 2 năm 1971, ba cánh quân của quân nguỵ Sài Gòn gồm bộ binh, lính dù, thiết giáp vượt biên giới Việt - Lào ở Nam Bắc đường số 9, tiến về phía Sêpôn. Trong ngày đầu cuộc hành quân tỏ ra thuận lợi, hy vọng sẽ chiếm được Sêpôn vào hôm sau, hoặc chậm lắm là ít lâu sau đó.

Đây là những ngày mong đợi khá sốt ruột và đầy hy vọng lúc đầu của Bộ Tham mưu ở Nhà Trắng.

Nhưng, thật không ngờ. Thời gian qua đi mà tin tức chiến thắng cũng ít đi. Ngày 12 tháng 2, quân Nguỵ đã bị đánh khá đau và phải dừng lại, 3000 quân đã bị thương vong.

Từ Washington, Kissinger luôn thúc giục đại sứ Mỹ ở Sài Gòn cho ông ta biết tin về cuộc thử nghiệm qui mô đầu tiên này của chiến lược Việt Nam hoá.

Ông được báo tin rằng: người ta không thể nghi ngờ quyết tâm và nghị lực của Chính phủ Nam Việt Nam tiến hành tốt cuộc hành quân. Hôm đó đã là 20 tháng 2 rồi. Thời hạn dự định cho việc đánh chiếm Sêpôn đã sắp hết.

Ngày 23 tháng 2, thời hạn định cho việc chiếm Sêpôn đã qua, Kissinger hỏi Westmoreland, nguyên Tư lệnh Mỹ ở Sài Gòn, thì ông này đưa ra một dự đoán đen tối, vì ít nhất phải có bốn sư đoàn Mỹ mới đánh chiếm và giữ được Sêpôn, nhưng quân Nguỵ chỉ tung vào đó có hai sư đoàn (H.Kissinger. Ở Nhà Trắng Sđd, tr 1059.).

Ngày 1 tháng 3, Kissinger lại cho đại sứ Mỹ ở Sài Gòn biết mối lo lắng của ông và vẫn được E.Bunker trả lời rằng "chiến dịch ở Lào và Campuchia sẽ đem lại kết quả đã dự tính ban đầu” (H.Kissinger. Ở Nhà Trắng. Sđd, tr 1061).

Nhưng ngày 8 tháng 3, Abrams báo về Washington rằng Bộ Tư lệnh Nam Việt Nam cho rằng "nhiệm vụ đã hoàn thành và đang cấp tốc rút lui quân" (Như trên, tr 1061.)

Thật ra thì trong hai ngày 3 và 4 tháng 3, các cánh quân địch ở phía Bắc và phía Nam đường 9 khi đổ quân xuống gần Sêpôn đã bị đánh tơi tả và ngày 18 quân Sài Gòn phải "rút lui chiến lược" trong sự hoảng loạn. Chắc người dân Mỹ chưa quên cảnh quân nguỵ bám càng máy bay để tháo chạy.

Chiến lược cuối cùng ở Đông Dương có quân Mỹ tham gia yểm trợ đã kết thúc như thế đó.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #238 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2009, 02:58:39 pm »

Đưa ra một lực lượng khá đông quân nguỵ vào một chiến trường mà địch thủ đã quen thuộc và chuẩn bị sẵn, Mỹ đã mắc sai lầm lần thứ hai sau cuộc hành quân vào Campuchia năm trước. Họ đã tạo thuận lợi cho đối phương tiêu diệt nhiều đơn vị được xem là tinh nhuệ của Sài Gòn, đồng thời để sơ hở ở tuyến trong làm cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời có điều kiện phá kế hoạch bình định.

Thất bại của việc hành quân sang Lào là tai hại cho Washington và Sài Gòn. Nó làm cho toàn bộ quân Nguỵ miền Nam vốn đã suy yếu về tinh thần, càng bị chấn động thêm, báo hiệu sự phá sản hoàn toàn chủ trương Việt Nam hoá chiến tranh của Nixon.

Song song với cuộc hành quân Lam Sơn 719, quân Nguỵ còn tiến sang Campuchia bằng hai mũi: một về hướng Snun, và một về phía tây Công Tum, đánh vào khu vực ngã ba biên giới để phá các căn cứ và đường vận chuyển chiến lược của Việt cộng. Cuộc tiến quân đó đã không mang lại những kết quả mong muốn, tuy kéo dài mãi đến tháng 5 năm 1971.

Thừa cơ lực lượng địch bị thu hút sang Lào và Campuchia, các lực lượng kháng chiến ở miền Nam Việt Nam đẩy mạnh hoạt động, và kết quả là "một số vùng bị địch bình định khống chế trong hai năm 1969, 1970 ở đồng bằng khu V đã được giải phóng"... "vùng nông thôn Nam Bộ về cơ bản đã vượt qua thời kỳ khó khăn thử thách nghiêm trọng nhất của cuộc kháng chiến" (Văn Tiến Dũng. Toàn thắng. Sđd, tr 87-89.).

Trước thất bại ở Lào, phong trào chống đối Chính quyền Nixon ở trong nước lại nổi lên, lòng tin của nhân dân Mỹ vào Nhà Trắng càng giảm sút. Họ đòi Nixon phải nhanh chóng đưa con em họ về nước, xem đó là một mục tiêu cấp bách, còn việc duy trì chính quyền Sài Gòn nếu họ "không tự mình thoát ra được thì nay đã quá muộn. Hoa Kỳ không thể chịu đựng lâu hơn nữa sự đảo lộn ở trong nước do cuộc chiến tranh đẫm máu, bi thảm và vô đạo đức mang lại" (H.Kissinger. Ở Nhà Trắng. Sđd, tr 1066.). Họ tố cáo Việt Nam hoá chiến tranh của Nixon là kéo dài chiến tranh, và đòi định thời hạn rút quân có bảo đảm an toàn và lấy được tù binh về nước. Họ lên án Thiệu là trở ngại chính cho việc thương lượng hoà bình.

Từ cuối tháng 4 đến tháng 5 luôn có biểu tình chống chiến tranh ở Washington. Lực lượng chống chiến tranh có cả cựu chiến binh Mỹ tham gia, từ nhiều nơi đổ về Washington phân phát tài liệu chống chiến tranh trong các cơ quan của Chính phủ. Họ tổ chức tuần lễ "không tuân lệnh" nhằm làm ngưng trệ hoạt động của Chính quyền. Phong trào đã lan sang cả các nhà kinh doanh, các nhà tu hành.

Ngày 22 tháng 2, Uỷ ban chính trị của Đảng Dân chủ ở Thượng viện đòi rút tất cả lực lượng Mỹ - cả lực lượng yểm trợ và không quân - trước 31 tháng 12 năm 1972.

Tại Quốc hội, trong ba tháng, từ tháng 4 đến tháng 7 đã có mười bảy dự luật đưa ra đòi hạn chế quyền của Tổng thống trong việc điều hành chiến tranh hoặc đòi qui định một thời hạn cuối cùng đơn phương rút quân Mỹ khỏi Việt Nam.

Ngày 22 tháng 6, Thượng viện Hoa Kỳ với năm mươi bảy phiếu thuận và bốn mươi hai phiếu chống, thông qua một nghị quyết bày tỏ tình cảm của Thượng viện đòi chấm dứt chiến tranh sớm và đưa quân nhanh chóng về nước với điều kiện tất cả tù binh Mỹ được thả ra.

Bên cạnh phong trào chống chiến tranh, nạn thất nghiệp trong thanh niên Mỹ lại tăng lên chưa từng có trong mười năm qua, kinh tế Mỹ khó khăn, đồng đô la mất giá.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #239 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2009, 03:00:17 pm »

*
*   *

Bước vào năm 1971, miền Bắc đã có được hai năm hoà bình để củng cố hậu phương lớn làm nhiệm vụ chi viện cho cả ba chiến trường. Đường vận tải chiến lược Hồ Chí Minh vẫn được giữ vững và mở rộng. Trong năm 1970 đã đưa được bốn vạn tấn hàng vào miền Nam, gấp mười lần năm 1969. Và sau thắng lợi đầu năm 1971, lượng tiếp tế vào Nam lại tăng lên. Riêng Nam Bộ, chiến trường xa nhất cũng nhận được 4000 tấn, so với 1700 tấn hàng năm 1970 (Lịch Sử KCCM, t I, tr 68.)

Ở Campuchia, cách mạng đã đạt được bước nhảy vọt. Chỉ trong thời gian ngắn, giải phóng được hai phần ba đất đai và ba phần tư số dân... Đến cuối năm 1970, đã xây dựng được một số đơn vị bộ đội địa phương và chủ lực ...

Còn ở Lào, ta và bạn đã phối hợp tiến công mở rộng vùng giải phóng Trung Hạ Lào (Atôpơ-xaravan) mở rộng tuyến hành lang chiến lược, tích cực xây dựng lực lượng cách mạng Lào (Văn Tiến Dũng. Toàn thắng, Sđd, tr 72.). Trong thương lượng, vấn đề rút quân Mỹ hiện nay không còn là vấn đề mấu chốt như trước nữa mà dần dần vấn đề Chính quyền ở miền Nam nổi lên. Ta đặt hai vấn đề cơ bản rút quân Mỹ và Chính quyền ở miền Nam song song với nhau. Bởi vì có giải quyết hai vấn đề đó mới thật sự chấm dứt chiến tranh xâm lược và can thiệp của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Các vấn đề của một giải pháp có thể chia làm ba loại:

Các vấn đề giữa Mỹ và Nam Việt Nam.

Các vấn đề nội bộ của miền Nam Việt Nam.

Các vấn đề nội bộ của Việt Nam. 

Âm mưu của Chính quyền Nixon là tách vấn đề quân sự và chính trị và chỉ giải quyết vấn đề quân sự nhằm thực hiện việc rút quân ngừng bắn toàn bộ cả với Mỹ và Nguỵ để duy trì và củng cố Nguỵ. Quan điểm của Việt Nam là phải giải quyết toàn bộ và chỉ ngừng bắn sau khi giải quyết cả vấn đề quân sự và chính trị, do đó phải giải quyết hai vấn đề quan trọng là:

Mỹ phải định thời hạn rút quân khỏi miền Nam.

Mỹ phải chấm dứt việc ủng hộ nhóm cầm quyền hiếu chiến hiện nay do Thiệu cầm đầu.

Lúc này ở Mỹ, Đảng Dân chủ và phong trào quần chúng cũng muốn tách vấn đề quân sự và chính trị, muốn giải quyết vấn đề rút quân và thả tù binh, còn vấn đề chính trị nội bộ miền Nam thì  họ không quan tâm lắm. Còn ở miền Nam, mâu thuẫn trong tập đoàn lãnh đạo Nguỵ đang bộc lộ gay gắt, nhất là giữa Thiệu và Kỳ, phong trào đòi Mỹ rút, đòi thay Thiệu, đòi hoà bình, chống luật lệ bầu cử phản dân chủ của Thiệu, phát triển mạnh.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM