Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:07:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris  (Đọc 197648 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #210 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2009, 11:08:45 pm »

Hiệp đầu Lê Đức Thọ - Kissinger

Đã năm tháng trôi qua mà không có cuộc gặp gỡ riêng nào giữa Mỹ và Việt Nam. Ngày 14 tháng 1 năm 1970, tướng V. Walters gặp Mai Văn Bộ đề nghị có cuộc gặp riêng giữa Kissinger và Bộ trưởng Xuân Thuỷ ngoài khuôn khổ hiện nay "với mục đích tạo ra một khung cảnh cho một giải pháp nhanh chóng cho cuộc xung đột trên cơ sở công bằng cho tất cả”. Mỹ đề nghị cuộc gặp đó không trước ngày 8 tháng 2 vào cuối tuần.

Hơn một tháng sau, vào ngày 16 tháng 2, Mai Văn Bộ trả lời cho Walters rằng Bộ trưởng Xuân Thuỷ sẵn sàng gặp Kissinger ngày 20 hoặc 21 tháng 2 năm 1970. 

Trong lúc uống trà, viên tướng Mỹ nói:

- Ông Kissinger cũng muốn gặp ông Lê Đức Thọ.

- Ông Cố vấn đặc biệt - Mai Văn Bộ đáp - có thể tham gia cuộc gặp này nếu ông Thọ còn ở Paris.

- Ồ thế thì tốt lắm.

Lúc ấy Lê Đức Thọ sang dự Đại hội Đảng Cộng sản Pháp đồng thời để chuẩn bị gặp Kissinger. Mỹ muốn thăm dò ý đồ chiến lược và quan điểm cụ thể của ta về giải pháp. Trong lúc chiến trường miền Nam im ắng, dự kiến phía Việt Nam có thể chuẩn bị các hoạt động Đông Xuân, họ cũng muốn tìm cách ngăn cản ta đẩy mạnh hoạt động ở miền Nam hoặc Lào. 

Cuộc họp diễn ra hồi mười giờ ngày 21 tháng 2 tại số nhà 11 phố Darthé, Choisy-le-roi.

Kissinger đến cùng với Richard Smyer, chuyên gia về vấn đề Việt Nam, Tong La ke, và tướng Walters. Xuân Thuỷ ra đón ông và dẫn vào phòng khách nhỏ bên phòng ăn. Đây là giây phút đáng gọi là lịch sử: Kissinger gặp Lê Đức Thọ lần đầu tiên, hai con người hoàn toàn khác nhau về nguồn gốc xã hội, bản chất con người, lý tưởng chính trị, gặp nhau để rồi cùng nhau bàn cãi quyết liệt trong ba năm để tìm một giải pháp cho vấn đề Việt Nam, và cuối cùng chia nhau giải Nobel về hoà bình. Kissinger đã tả phút đầu gặp gỡ này như sau: 

"Tóc hoa râm, đường bệ, Lê Đức Thọ bao giờ cũng mặc bộ đại cán xám hoặc marông. Đôi mắt to và sáng, ít khi để lộ sự cuồng tín đã thúc đẩy ông hồi mười sáu tuổi đi theo phong trào du kích cộng sản chống Pháp. Ông bao giờ cũng tỏ ra rất bình tĩnh, thái độ bao giờ cũng không có điều gì chê trách được, trừ một hai lần. Ông hoàn toàn biết ông muốn gì và phục vụ lý tưởng của ông một cách tận tuy và khéo léo... Lê Đức Thọ tiếp tôi với sự lễ phép có khoảng cách của con người mà ưu thế hiển nhiên đến mức không thể làm khác được bằng một kiểu lễ phép gần như sự hạ cố" (H.Kissinger. Sđd, tr. 459.).

Phát biểu đầu tiên, Kissinger xin lỗi đến chậm và đề nghị giữ bí mật cuộc gặp này vì ông đến Paris bí mật. Ông ta nói vui mừng được gặp lại ông Xuân Thuỷ vì ông ta cho rằng ông ta hiểu Xuân Thuỷ hơn nhiều người trong đoàn Mỹ. Ông ta tỏ ý vui mừng được gặp Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ.

Đi vào nội dung, ông ta nhắc lại ba khả năng mà ông Lê Đức Thọ đã nói với ông Harriman ngày 14 tháng 1 năm 1969, và khẳng định rằng Mỹ muốn tiến hành đàm phán trên cơ sở thiện chí và với thái độ nghiêm chỉnh. Ông ta biết rằng cuộc đàm phán là rất khó khăn vì một là khó xác định được mục đích của mỗi bên muốn đạt, thứ hai cũng rất khó khăn là làm thế nào đạt được mục đích đó... Cuộc đàm phán càng thêm khó khăn bởi vì có sự nghi ngờ rất lớn từ lâu trong lịch sử. Ông ta nhấn mạnh:

- Dù bây giờ khắc phục được sự nghi ngờ này có khó khăn đến đâu đi nửa thì một năm nữa, hai năm nữa nó còn khó khăn hơn nữa cho đến khi chúng ta đạt được hoà bình, vì sớm hay muộn thế nào chúng ta cũng phải lập lại hoà bình.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #211 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2009, 11:11:18 pm »

Ông ta cố gắng tỏ ra thành thật nói rằng Việt Nam đã bị đánh lừa năm 1956: 

- Bây giờ thì Hoa Kỳ không có lợi gì trong việc đánh lừa Việt Nam nữa, vì nếu Việt Nam cho rằng bị đánh lừa thì họ lại tiếp tục chiến đấu. Các ông gần Nam Việt Nam hơn Mỹ. Vì vậy Hoa Kỳ muốn tìm một giải pháp mà cả hai bên đều muốn đạt được. Nếu muốn đưa đàm phán đến thành công thì có hai yêu cầu:

- Phải nhất trí với nhau về những mục tiêu cần phải đạt được.

- Khi đã có mục tiêu rồi thì phải nhất trí với nhau về một chương trình làm việc để đạt mục tiêu đó.

Ông ta nhắc lại gợi ý hồi tháng 8 năm ngoái và cho rằng Việt Nam đã bỏ lỡ thời cơ vì tình hình của "các ngài không được cải thiện gì và dù có lâu hơn nữa nó vẫn không được cải thiện". Ông ta phân tích: tình hình nước Mỹ có lợi hơn cho Nixon, tình hình miền Nam hiện nay khó khăn cho Việt Nam hơn năm ngoái, trên thế giới vấn đề Việt Nam không còn là vấn đề trung tâm mà mọi người nhất trí chú ý. Phía Việt Nam không còn sự ủng hộ như trước nữa, kể cả một số nước vẫn ủng hộ Việt Nam.

Ông ta khen ông Xuân Thuỷ giỏi trong việc đưa ra những tuyên bố bí ẩn có hàm ý, rồi nói:

Tình hình có thể như thế này: Theo chúng tôi hình như các ngài muốn được bảo đảm - coi như một điều kiện cho đàm phán - là sẽ được ưu tiên chính trị, và lúc đó, chúng tôi phải tuỳ thuộc vào sự thành thật và sự kiềm chế của các ngài sau này. Có lẽ theo các ngài thì hình như chúng tôi muốn giành được ưu thế về quân sự và chúng tôi yêu cầu các ngài phải tin vào sự thành thật và sự kiềm chế của chúng tôi sau này. Hai là chúng tôi thừa nhận các ngài có vấn đề đặc biệt là đặt vấn đề quân đội của các ngài ở miền Nam Việt Nam trên cùng một cơ sở pháp lý như Quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam. Chúng tôi biết rằng chưa bao giờ các ngài chính thức thừa nhận rằng các ngài có quân đội ở Nam Việt Nam và không bao giờ thừa nhận quân đội đó là quân đội nước ngoài ở Nam Việt Nam. Chúng tôi thừa nhận vấn đề này, chúng tôi tôn trọng thái độ của các ngài về vấn đề này. Chúng ta thử tìm xem có thể có một giải pháp cho vấn đề đặc biệt khó khăn này không, một giải pháp thực tế chứ không phải một giải pháp có tính lý thuyết.

Về giải pháp chính trị, chúng tôi nghĩ rằng có hai cơ sở đế giải quyết: một là khi các lực lượng bên ngoài rút ra khỏi Nam Việt Nam rồi thì người Việt Nam giải quyết với nhau. Nhưng nếu việc giải quyết vấn đề này là một bộ phận của nội dung đàm phán của chúng ta thì chúng tôi xin nêu ra hai nguyên tắc dưới đầy:

- Bất cử giải pháp chính trị công bằng nào cũng phải phản ánh tương quan lực lượng chính trị hiện có ở Nam Việt Nam.

- Chúng ta phải thừa nhận rằng không một bên nào có thể cho rằng phía bên kia sẽ từ bỏ ở bàn đàm phán những gì mà họ không chịu bỏ ở chiến trường
".

Kissinger cũng đề ra hai cách làm việc: thảo luận cả mười điểm của Mặt trận và tám điểm của Nixon; hai là gạt mười điểm và tám điểm ra mà xác định với nhau những nguyên tắc chung. Khi đã thống nhất rồi thì để cho các đoàn ở Kléber giải quyết các chi tiết. Hoa Kỳ không cứng nhắc, Hoa Kỳ muốn chấm dứt chiến tranh một cách thực tế chứ không phải về lý thuyết. Ông nhấn mạnh rằng sự tiến bộ của việc làm này tuỳ thuộc vào việc không có sự tăng cường bạo lực ở Nam Việt Nam. (xin hiểu là hoạt động quân sự của Việt cộng - Tác giả). Đó là điều không có lợi cho cả hai bên mà có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng... Ông nói Tổng thống Nixon còn cầm quyền bảy năm nữa, không phải là điều đáng mong muốn gì cho cả hai bên nếu muốn thử thách lòng dũng cảm của mình hơn nữa. (lời nói bao hàm một sự đe doạ không che giấu - Tác giả). Sau khi chiến tranh chấm dứt, Mỹ sẽ sẵn sàng giúp nhân dân Việt Nam - toàn thể nhân dân Việt Nam - đổi mới và xây dựng lại... Một Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà độc lập phồn vinh và tự tin vào mình là phù hợp với quyền lợi Quốc gia của Hoa Kỳ, và trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào Hoa Kỳ sẽ không bao giờ là mối đe doạ cho nền độc lập của Việt Nam.

Ông ta kết thúc bằng cách xin lỗi đã nói dài, "nhưng là một giáo sư Trường Đại học Havard thì bao giờ cũng nói trong năm mươi nhăm phút".

Mọi người cùng cười rồi nghỉ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #212 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2009, 11:12:35 pm »

Bộ trưởng Xuân Thuỷ nhắc lại rằng tình hình đàm phán từ sau cuộc gặp riêng tháng 8 năm ngoái đã xấu đi. Mỹ nói muốn giải quyết nhanh trước ngày 1 tháng 11 năm 1969, nhưng không đưa ra nội dung cụ thể gì mà chỉ mở ra một diễn đàn mới với Cố vấn Kissinger.

Trong khi đó chúng tôi dưa ra hai nội dung cụ thể. Một là Mỹ rút hết quân và rút nhanh trong vòng năm, sáu tháng - Hai là lập Chính phủ liên hiệp ba thành phần. Tổng thống Nixon trong diễn văn ngày 3 tháng 11 năm 1959 lại nhấn mạnh dùng Việt Nam hoá để giải quyết chiến tranh... chúng tôi cho rằng tin Việt Nam hoá sẽ thắng lợi là chủ quan và lừa dối dư luận".

Xuân Thuỷ phê phán việc Mỹ không cử trưởng đoàn mới ở Paris rồi nhấn mạnh rằng Mỹ nói thành thật nhưng phía Việt Nam không thấy điều đó. Bộ trưởng cũng phê phán việc Mỹ đẩy mạnh hoạt động quân sự ở Lào và miền Nam. Về lời đe doạ của Kissinger, Xuân Thuỷ nói:

- Chúng tôi không muốn đọ sức với Mỹ, chúng tôi chỉ muốn bảo vệ độc lập tự do của chúng tôi. Chúng tôi tin tưởng ở tinh thần, ở sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam, không trông chờ ở phong trào chống chiến tranh ở Mỹ và thế giới. Mục đích đàm phán của chúng tôi là đạt được một nước Việt Nam hoà bình, độc lập thật sự.

Ông nhấn mạnh:

- “Chúng tôi muốn rằng đã giải quyết với nhau thì giải quyết toàn bộ vấn đề làm sao thật sự chấm dứt được chiến tranh, thật sự tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam. Còn về hình thức nói chuyện thì không phải là vấn đề khó khăn lớn”

Trả lời Xuân Thuỷ, Kissinger cho rằng đàm phán chưa tiến bộ thì mức độ của đoàn Đại biểu Mỹ hiện nay ở Paris là thích hợp, nếu đàm phán tiến bộ trên cơ sở mới thì phía Mỹ sẵn sàng cử sang một đoàn đàm phán mới.

Ông ta cũng cho rằng hai vấn đề: rút quân Mỹ và lập Chính phủ liên hiệp là hai vấn đề đã đặt ra trước khi ông ta đến, và hai đề nghị đó cũng không đòi hỏi sự có mặt của ông ta ở Paris.

Cuộc thảo luận buổi sáng gần kết thúc thì Xuân Thuỷ nhận xét là phía Mỹ đã tiết lộ bí mật cuộc gặp riêng. Kissinger bào chữa rằng "Không ai đánh lừa được các ông hai lần đâu".

Lê Đức Thọ :

- “Chúng tôi đã bị lừa nhiều nhưng không lừa được.”

Kissinger:

- Vấn đề bi đát không phải là sự thật phải đương đầu với sự dối trá mà bi đát là sự thật phải đương đầu với sự thật.  

Cuộc gặp gỡ buổi chiều bắt đầu bằng việc hai bên trả lời các câu hỏi của phía bên kia. Kissinger nhấn mạnh rằng Tổng thống Nixon đã đồng ý cho ông hành động như là một nhân vật chính trên cơ sở không chính thức để giải quyết những vấn đề cơ bản thật quan trọng trong các cuộc gặp nhau đều đặn với những nhân vật mà phía Việt Nam chỉ định. Nhưng vấn đề lớn đối với ông ta là phía Việt Nam có thật sự đàm phán như phía Hoa Kỳ hiểu chữ đàm phán không? "Quả thật đối với những người đã tỏ ra là những người dũng cảm tận tụy thì bây giờ cũng khó mà xem xét việc chấm dứt chiến tranh mà lại không được bảo đảm tất cả các mục tiêu đầu tiên của mình". Vì vậy mà ông ta cũng chưa đưa ra một danh sách đề nghị cụ thể cho Việt Nam mà chỉ nhắc lại thiện chí và sự mềm dẻo của Mỹ trong vấn đề rút quân không phải là Nam Việt Nam.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Chín, 2009, 08:38:05 pm gửi bởi macbupda » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #213 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2009, 11:13:45 pm »

Nhưng buổi chiều chủ yếu là phát biểu tổng quát của Cố vấn Lê Đức Thọ. Ông nói:

- Theo ông đánh giá về tình hình chúng tôi thì không đúng với thực tế chiến trường hiện nay. Đó là quyền của ông. Trong suốt mười lăm năm qua, khi đánh giá về tương quan lực lượng hai bên, các ông đã đánh giá rất sai về tình hình chúng tôi. Tôi muốn nhắc lại điều này để từ đó các ông có thể thấy phải đánh giá như thế nào cho đúng. Có đánh giá đúng thì giải quyết vấn đề mới đúng được.

Tiếp đó Lê Đức Thọ nêu lên bốn lần Mỹ đánh giá sai:

"Lần thứ nhất, khi Mỹ dựng lên Chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm với một đội quân tàn sát nhân dân.

Lần thứ hai, việc Mỹ phát động chiến tranh đặc biệt ở miền Nam tưởng có thể đàn áp được nhân dân miền Nam bằng chính sách ấp chiến lược, nhưng đã không thực hiện được.

Lần thứ ba, Mỹ đưa quân ồ ạt vào miền Nam, dùng một khối bom đạn có thể nói là cao hơn tất cả các cuộc chiến tranh từ trước tới nay của Mỹ.

Sau Tết Mậu Thân đến nay ông lại đánh giá tình hình không đúng. "Các ông nói Việt Nam hoá chiến tranh thắng lợi nhưng thực ra nó đã bắt đầu thất bại
".

“Các ông định mở thêm một chiến trường ở Lào để phối hợp với chiến trường miền Nam, nhưng bây giờ Cánh đồng Chum đã bị mất về tay Pathet Lào".

Cố vấn Lê Đức Thọ còn nói về phong trào chống chiến tranh Việt Nam ở Mỹ và điều này Kissinger tỏ ra bực bội và xót xa vì sự chia rẽ trong nước ông. Lê Đức Thọ nói đến phong trào thế giới ủng hộ Chính phủ Cách mạng Lâm thời, đến ảo tưởng của Mỹ về sự thay đổi đường lối của Hà Nội sau khi Hồ Chủ tịch mất, và kết luận:

"Không phải chúng tôi không có hy sinh mất mát lớn và cũng có nhiều gian khổ nhưng chúng tôi đã thắng!".

- Đã thắng trong chiến tranh? - Kissinger hỏi.

- Chúng tôi đã thắng và các ông đã thất bại. Đến nay các ông chưa thấy sự thật khách quan. Các ông vẫn tin có thể dùng áp lực quân sự tối đa với chúng tôi trên chiến trường. Các ông chưa muốn giải quyết vấn đề một cách nghiêm chỉnh... Ông Nixon nói nhiều về Việt Nam hoá chiến tranh để thúc đẩy thương lượng. Có phải các ông định dùng Việt Nam hoá chiến tranh để làm sức ép ở bàn Hội nghị không?

Các ông định rút quân từng bước, rút quân chiến đấu đến mức nào đó mà nhân dân Mỹ có thể chịu đựng được về người và của. Sau đó các ông để lại một lực lượng hỗ trợ yểm trợ cho nguỵ quân, nguỵ quyền để kéo dài chiến tranh. Khi nguỵ quân, nguỵ quyền đã mạnh lên, các ông để lại một lực lượng Cố vấn và tiếp tục trang bị thêm cho nguỵ quân.

Nhưng thử hỏi nguỵ quân, nguỵ quyền có đảm nhận được gánh nặng chiến tranh không và bao giờ thì đảm nhận được việc đó?

Trước đây hơn một triệu quân Mỹ và quân ngụy mà các ông đã thất bại. Bây giờ các ông làm thế nào mà thắng nếu chỉ để cho quân đội bù nhìn một mình tiến hành chiến tranh và chỉ có sự yểm trợ của Mỹ không thôi làm sao các ông có thể thắng được?.

Lê Đức Thọ dừng một lát. Kissinger suy nghĩ. "Chỉ có sự yểm hộ của Mỹ không thôi làm sao các ông có thể thắng được ". Sau này ông viết trong Hồi ký rằng đó cũng là câu hỏi làm ông day dứt (H. Kissinger. Ở Nhà Trắng, Sđd, trang 462.).
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #214 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2009, 11:15:30 pm »

Lê Đức Thọ nói tiếp:  Các ông đã doạ chúng tôi nhiều rồi. Chúng tôi đã đánh với các ông trong bao nhiêu năm, ông biết rồi. Dù các ông có tiếp tục chiến tranh như thế nào nữa thì cũng không thay đổi được chiều hướng cuộc chiến tranh này. Về đàm phán, Lê Đức Thọ tỏ vẻ nghi ngờ lòng thành thật của Mỹ, ông nói:

- Chúng tôi là một dân tộc đã bị người ta lừa gạt nhiều rồi. Muốn tạo điều kiện để giải quyết vấn đề thì phải thành thật. Các ông nêu điểm một là vấn đề rút quân. Ngay điều này đã cho chúng tôi thấy các ông không nghiêm chỉnh. Chúng tôi muốn thảo luận toàn bộ các vấn đề rồi ký kết Hiệp định và thực hiện Hiệp định. Toàn bộ vấn đề là mười điểm. Hai bên phát biểu ý kiến không bên nào bị ép phải nhận điều kiện phía bên kia đưa ra.

Về cách tiến hành Hội nghị, Lê Đức Thọ nói: có nói chuyện công khai và nói chuyện riêng, rồi hỏi Kissinger:

- Có phải ông Nixon cử ông sang đây nói chuyện riêng để giải quyết vấn đề hay thỉnh thoảng ông sang đây để thăm dò thế này thôi? Còn ở Hội nghị công khai thì các ông không chịu cử trưởng đoàn. Sau khi nói chuyện riêng giải quyết được vấn đề thì ở diễn đàn công khai cũng phải có người để nói chuyện chứ.

Còn vấn đề nữa là Chính phủ Cách mạng Lâm thời chưa chịu nói chuyện với Chính quyền Thiệu-Kỳ-Hương, một Chính quyền phát xít và đàn áp, không tán thành hoà bình. Làm sao mà giải quyết vấn đề với một chính quyền như vậy? Chúng tôi muốn nói chuyện với những người có thiện chí để tìm một giải pháp chứ không phải chúng tôi hoàn toàn phủ nhận nói chuyện với Chính quyền của các ông ở Sài Gòn đâu?

Trong khi chúng tôi và Chính phủ Cách mạng Lâm thời chưa chịu nói chuyện với Chính quyền Sài Gòn thì chúng tôi và các ông thảo luận giải quyết toàn bộ vấn đề. Sau khi giải quyết các vấn đề cơ bản rồi thì sẽ thảo luận cụ thể ở Hội nghị bốn bên, nhưng các ông phải cử trưởng đoàn mới có thẩm quyền.

Kết luận, Lê Đức Thọ nói:

- Trong hai con đường hoà bình và chiến tranh, các ông nên chọn lấy một. Nếu các ông chọn con đường hoà bình thì chúng ta có thể giải quyết vấn đề một cách hoà bình, và như ông nói sau khi hoà bình lập lại, quan hệ hai nước chúng ta sẽ mở ra một trang sử mới.

Kissinger hoan nghênh sự thẳng thắn của Lê Đức Thọ và đặt ra một số câu hỏi. Hai bên nhanh chóng đồng ý về cách thảo luận mười điểm và tám điểm. Phía Mỹ hiểu thái độ của ta đối với Chính quyền miền Nam là phải thay người (Thiệu - Kỳ - Hương) và thay đổi chính sách. Đó là một điều kiện.

Về việc cử trưởng đoàn mới ở Hội nghị bốn bên, Kissinger nói: Điều này có thể sắp "ép được" ông ta nói: Hoa Kỳ không bỏ Hội nghị bốn bên tuy họ rút cả trưởng, phó đoàn đi và chỉ để lại P.Habib, người thứ ba, ở Paris - (Tác giả).

Xuân Thuỷ và Lê Đức Thọ cho Kissinger biết là nếu Mỹ không cử trưởng đoàn thì Xuân Thuỷ không ở lại Paris được, và ông Thọ với cương vị Cố vấn cũng không còn ở đây nữa.

Kissinger:

- Đây là ngài Bộ trưởng doạ tôi?

Xuân Thuỷ:

- Chính ông đe doạ tôi trước.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Chín, 2009, 08:47:26 pm gửi bởi macbupda » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #215 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2009, 11:20:50 pm »

Cuộc thảo luận đã kéo dài. Ông Cố vấn Nhà Trắng thấy rằng hôm ấy không đi xa hơn được nữa. Ông sẽ nghiên cứu ý kiến của phía Việt Nam và sớm gặp lại nhau khi có dấu hiệu tiến bộ. Nhưng ông nhắc lại rằng Hoa Kỳ không thể thay đổi chính quyền Sài Gòn. Trả lời Lê Đức Thọ về vấn đề Lào, Kissinger nói:

- Chúng tôi quan sát thấy hầu hết quân Pathet Lào đều nói tiếng Việt cả.

Rồi ông ta kể:  

"Vào thế ký XIX, có một câu chuyện tương tự như vấn đề Lào xảy ra ở một tỉnh thuộc nước Đức. Bộ trưởng Ngoại giao Anh là Palmerston (Huân tước H. Palmerson, 1784 - 1785 - Tác giả nói vấn đề này phức tạp đến nỗi chỉ có ba người biết mà thôi. Một người thì đã chết, người thử hai đã điên, người thứ ba là bạn thân của ông Bộ trưởng Ngoại giao đó, nhưng ông ta đã quên mất rồi".

Hoá ra Kissinger muốn nhắc lại câu chuyện thời Bismark muốn lấy hai xứ Holstein và Schlewig đang thuộc Vương quốc Đan Mạch để thành lập nước Đức thống nhất. Ý ông ta không phải là muốn tỏ ra là người thứ tư biết bí mật về Lào mà chỉ muốn chế giễu rằng ai cũng biết Việt Nam có quân ở Lào. Kissinger nói thêm:

- Những điều tôi học tập về Lào vẫn chưa quên.

Xuân Thuỷ:  

- Tôi là người đàm phán ở Hội nghị Genève về Lào. Ông nhớ, tôi cũng nhớ.

- Thôi, chúng ta nghỉ.

Mọi người cùng cười.

Hai bên hẹn gặp lại nhau ba tuần sau vào thứ hai, 16 tháng 3 năm 1970.

Sau cuộc gặp ngày 21 tháng 2 này, Kissinger rất hy vọng. Về Mỹ, ông "báo cho Nixon rằng đây là cuộc gặp quan trọng chắc chắn là quan trọng nhất từ khi bắt đầu Chính quyền của ngài và quan trọng nhất kể cả từ khi bắt đầu cuộc nói chuyện năm 1958 (R.Nixon. Sđd. tr. 4461).

Về mặt ngoại giao, ông ta "tiếc đã nhận gặp vào ngày 21 tháng 2, nghĩa là theo lịch do Hà Nội ấn định. Đó là một bước lùi, chấp nhận một đòi hỏi vô lý, chúng ta đã gây nên một cảm giác vội vàng vô ích cho phép Hà Nội ghi một bàn thắng về tâm lý " mà họ vẫn kiên trì từ lâu " (H.Kissinger. Ở Nhà Trắng. Sđd, tr.456.2).
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Chín, 2009, 01:23:00 pm gửi bởi macbupda » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #216 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2009, 11:23:48 pm »

Cái chung chung: Không lêninit
Cái cụ thể: Không đồng ý


Ngày 16 tháng 3. Đến địa điểm họp, Kissinger kêu quá mệt vì phải hạ cánh xuống Tây Đức - Đúng thế, máy bay riêng của ông không xuống được sân bay quân sự Avord (miền Trung nước Pháp) vì trục trặc kỹ thuật mà phải hạ xuống một sân bay Đức rồi mới quay về Pháp.

Nghỉ một lúc, vào cuộc họp ông yêu cầu Lê Đức Thọ giải thích một câu đã nói lần trước rằng không bên nào buộc phía bên kia phải chấp nhận một giải pháp bằng áp lực. Khi được giải thích, Kissinger nói ngay:

- Trong khi chúng ta nói chuyện ở đây, nếu như một bên nào làm áp lực với phía bên kia hoặc ở Việt Nam hoặc ở một nước nào liên quan đến Việt Nam thì như vậy là không phù hợp với mục đích cuộc nói chuyện của chúng ta ở đây.

Lê Đức Thọ:

- Đây là ông đặt câu hỏi hay là ông phát biểu quan điểm? 

Kissinger:

- Tôi nói để xem có đúng ý kiến của ông Cố vấn đặc biệt không.

Lê Đức Thọ nhấn mạnh lại rằng trong đàm phán mỗi bên có lập trường và quan điểm của mình. Như vậy không phải chúng tôi cứ bắt các ông phải theo quan điểm của chúng tôi. Và các ông cũng không thể bắt chúng tôi phải theo quan điểm của các ông. Phải qua thảo luận rồi đi đến thoả thuận.

Kissinger:

- Tức là không bên nào làm áp lực quân sự thêm với bên kia để buộc bên kia phải chấp nhận sự thoả thuận.

Lê Đức Thọ:

- Câu nói của tôi là đối với một cuộc thương lượng với nhau. Còn điểm ông nói về áp lực quân sự lại là vấn đề khác. Mà vấn đề này chính các ông làm áp lực quân sự đối với chúng tôi.

Kissinger nói phía Mỹ muốn đi vào thực chất. Và ông đọc một chỉ thị của Nixon gửi cho ông ta trước khi qua Paris rằng phải nói với người Việt Nam “phải đi vào trung tâm của vấn đề”. Rồi ông ta trình bày hai vấn đề: việc rút quân Mỹ và thời gian biểu của việc rút quân đó.

- Chúng tôi sẵn sàng đàm phán về việc rút lui toàn bộ quân Hoa Kỳ, điều đó bao gồm rút tất cả quân và rút hết các căn cứ quân sự Hoa Kỳ mà không có điều ngoại lệ nào. Về thời gian biểu rút quân, căn cứ vào số quân Mỹ có mặt ở miền Nam Việt Nam đến 15 tháng 4 năm 1970 là 422.000 người. Ông ta nói sẽ rút hết trong 16 tháng.

Tháng thứ nhất: 5000. Tháng thứ hai và thứ ba: mỗi tháng 10.000 Tháng thứ tư: 27.000. Năm tháng sau đó: mỗi tháng 35.000. Tháng thứ 10: 10.000. Tháng thứ 11: 15.000. Tháng thứ 12: 10.000. Tháng thứ 13, 14, và 15: mỗi tháng 40.000. Tháng thứ 16: 4.000. 

Ông ta giải thích một số điểm về kỹ thuật rút và nhắc lại rằng trong việc rút quân này “thực tế đòi hỏi phải có đi có lại chừng nào đó, và chính vì thế mà chúng ta có mặt ở đây để đàm phán"
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #217 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2009, 11:24:45 pm »

Nhắc lại phía Việt Nam không thừa nhận có quân ở miền Nam, ông ta nói:

- Chúng tôi rất chú ý đến quan điểm đặc biệt này của các ông. Chúng tôi cũng đã có ý kiến cụ thể về vấn đề này. Nhưng tốt nhất là để các ông trình bày ý kiến của các ông. Như vậy lúc đó chúng ta có thoả thuận về hai kế hoạch, hai kế hoạch này cũng được thực hiện đồng thời nhưng không liên quan với nhau.

Kissinger còn nói về vấn đề kiểm soát và vấn đề thả tù binh. Bộ trưởng Xuân Thuỷ nhận xét ngay rằng thời hạn rút quân mà Kissinger đưa ra không phù hợp với tuyên bố trước đây của Mỹ rút quân trong 12 tháng. Điều đó làm cho người ta nghĩ Mỹ kéo dài việc rút quân để gắn với kế hoạch Việt Nam hoá. Như vậy không giải quyết được vấn đề. Xuân Thuỷ cũng thúc giục Kissinger nói luôn ý kiến của ông ta về các lực lượng không phải Nam Việt Nam, vì ông ta đã có ý kiến cụ thể còn phía ta chưa có ý kiến. Bộ trưởng cũng lưu ý Kissinger là ông ta chưa nói gì đến vấn đề chính trị.

Kissinger lại giải thích mối liên quan giữa thương lượng và Việt Nam hoá, và nói thêm: thời gian rút quân vẫn có yếu tố mềm dẻo. Về việc rút quân miền Bắc, ông nói:

- Chúng tôi khó có thể nghĩ rằng Bộ trưởng Xuân Thuỷ và Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ lại chưa hề nghĩ đến một vấn đề liên quan đến Việt Nam như vậy.

Ông ta cười, rồi một lúc sau nói tiếp:

- Chúng tôi nghĩ rằng nếu như vì những lý do tinh thần, pháp lý, lịch sử mà các ông cho rằng nếu có hai chương trình song song với nhau thì dễ thực hiện hơn, chúng tôi vui lòng tán thành ý kiến đó. Chúng tôi đáp ứng yêu cầu của các ông. Trước hết chúng tôi phải nói ngay đến những lực lượng không phải Nam Việt Nam ở những khu vực gọi là “đất thánh" ở những nước có liên quan đến Việt Nam. Những lực lượng này có ảnh hưởng trực tiếp đến chiến tranh ở Việt Nam thì những lực lượng đó cũng phải là một phần trong quá trình rút quân kia. Tôi muốn nói đến những trại ở dọc biên giới Nam Việt Nam.

Trước sự thúc giục của Xuân Thuỷ, Kissinger đề nghị: 25% các lực lượng không phải Nam Việt Nam phải hoàn thành trong 5 tháng. Sau 8 tháng rút hết 50%. Sau 12 tháng rút hết 75%. Sau 16 tháng rút hết hoàn toàn. Và những trại trên đất Campuchia và Lào và các con đường thâm nhập cũng phải rút.

Lê Đức Thọ nhận xét:

- Chúng tôi công nhận là ông đã đi vào một phần thực chất. Theo ông trình bày thì việc rút hết quân Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ là một nguyên tắc pháp lý. Còn việc rút quân mà các ông cho là của miền Bắc như ông nói thì không phải là một nguyên tắc pháp lý mà là một vấn đề thực tế và kỹ thuật. Nhưng khi ông trình bày về vấn đề rút quân mà các ông gọi là của miền Bắc cũng phải hoàn thành trong cùng một thời gian, như vậy thì thực chất cũng là đòi hai bên cùng rút quân và rút hết toàn bộ. Thế mà ông nói chỉ là vấn đề kỹ thuật. Chính cách trình bày của ông mới là kỹ thuật.

Lê Đức Thọ nói tiếp:

- Đề nghị về thời hạn rút quân là một bước lùi so với thời gian các ông nêu ra ở Kléber. Cách rút quân mà ông trình bày còn có tính chất nhỏ giọt hơn cả kế hoạch Việt Nam hoá. Có tháng chỉ có 5000 so với mỗi tháng trước các ông rút đến 10.000 mà chúng tôi đã nói là quá nhỏ giọt. Bởi vậy ông nói là đi vào thực chất và không nên mặc cả thì lời nói đó trái với thực tế này.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Chín, 2009, 08:41:52 pm gửi bởi macbupda » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #218 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2009, 10:42:28 pm »

Cuối cùng Lê Đức Thọ nhấn mạnh:

- Các ông càng dùng áp lực quân sự với chúng tôi thì các ông càng thất bại hơn nữa. Các ông đã xé bỏ Hiệp định Genève về Lào và cuối cùng các ông cũng không thắng được Pathet Lào. Nếu các ông không rút bài học đó mà cứ muốn biến Campuchia thành một Lào thứ hai thì chính các ông cũng sẽ thất bại như ở Nam Việt Nam và Lào.

Lúc này chưa xảy ra đảo chính lật đổ Sihanuc ở Campụchia nhưng chúng ta cũng đã có nhiều tin tức về việc Mỹ sẽ mở rộng chiến tranh sang Campuchia. Vì vậy Lê Đức Thọ cảnh cáo trước:

- Nếu các ông không tôn trọng những điều đã ký kết thì ba dân tộc chúng tôi sẽ đoàn kết chiến đấu và các ông nhất định thất bại.

Cố vấn Nhà Trắng bào chữa và nói rằng Mỹ đã giảm 25% hoạt động của không quân ở Campuchia. Riêng về vấn đề Lào thì đã nổ ra một cuộc tranh luận ai là kẻ phá hoại Hiệp định Genève về Lào. Phía Mỹ cũng thanh minh là không có ý định chiếm lại đất đai hiện nay do Pathet Lào kiểm soát. Nhưng lúc này “địch đang điều động cấp tốc lực lượng các Quân khu 1, 2, 3 ở Lào về tăng cường phòng thủ Long Chẹng, sào huyệt của bọn phỉ Vàng Pao ở Lào”. (Lịch sử KCCM, t I, Sđd, tr. 45.)

Kissinger cũng nói Mỹ không có cố gắng nào để buộc Campuchia từ bỏ chính sách trung lập. Ông ta nhắc lại: Lịch rút quân không phải là trở ngại không vượt qua được ông cũng xác nhận: lần sau, theo yêu cầu của Việt Nam, thảo luận cả vấn đề quân sự và chính trị: Phía Mỹ sẵn sàng thảo luận cả hai vấn đề đó cùng nhau.

Ông ta cũng yêu cầu lần sau phía ta phát biểu trước vì theo ông "Không thể tiến hành đàm phán theo khuôn khổ các ông là những nhà giáo hỏi học trò xem đã hiểu đúng lập trường của các ông chưa".

Lê Đức Thọ cải chính điều đó.

Hai bên hẹn gặp lại nhau vào ngày 4 hoặc 5 tháng 4 và sẽ đi vào cụ thể. Khi chào từ biệt, Kissinger đã ra ngoài một lúc rồi lại quay lại nói:

- Lênin nói: một bước lùi, hai bước tiến. Tôi học tập Lênin đấy.

Lê Đức Thọ:

- Chủ nghĩa Lênin phải vận dụng linh hoạt. Còn ông thì máy móc. 

Kissinger:

- Thế thì một vài phiên họp nữa chúng tôi sẽ học tập Lênin tốt hơn.

Kissinger báo cáo về cho Nixon rằng: Bắc Việt Nam có vẻ quan tâm đến thời hạn rút quân và kết luận là "thêm hai cuộc họp nữa sẽ rõ chuyện" (R.Nixon. Hồi ký Sđd, tr 446.).

Cuộc họp lần này diễn ra trong lúc Đông Dương chuyển sang một bước ngoặt.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #219 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2009, 10:43:17 pm »

Ở Lào, ngày 27 tháng 3, quân phái hữu cùng quân Thái, với sự hỗ trợ của không quân Mỹ mở đợt tấn công chung quanh Long Chẹng, chiếm lại khu vực Sảm Thông, tạo điều kiện cho Mỹ tiếp tế cho lực lượng Vàng Pao. Nhưng sự kiện nghiêm trọng hơn lại xảy ra trên đất Angko. Chỉ hai ngày sau cuộc gặp bí mật giữa Lê Đức Thọ - Xuân Thuỷ và Kissinger nói trên, các lực lượng thân Mỹ do Lonnol, Thủ tướng, và Sirik Maták, Phó Thủ tướng thứ nhất chỉ huy đã lật đổ Quốc trưởng Sihanuc và phát động chiến tranh chống Việt Nam. Đây là một đòn kinh khủng đánh vào ông Hoàng Campuchia, mở đầu trận bão tố kéo dài mấy thập kỷ qua xuống cái mà người ta tưởng là một "ốc đảo hoà bình" ở Đông Nam Á.

Từ sau Hiệp định Genève năm 1954, suốt trong mười lăm năm, vận dụng một cách khéo léo các lối chơi trong ván bài chính trị, Sihanuc đã giữ cho đất nước ông được hoà bình giữa xứ Đông Dương rực cháy. Nhưng ít lâu sau khi Mỹ bí mật thực hiện chiến dịch "Thực đơn" ném bom đánh phá Campuchia, Sihanuc lập lại quan hệ ngoại giao với Washington tháng 6 năm 1969, tưởng sẽ được yên ổn. Nhưng các lực lượng phản động trong nước ông càng đẩy mạnh hoạt động chống Việt Nam và hạ bệ ông.

Cuộc đảo chính xảy ra lúc ông đang từ Liên Xô đi thăm Trung Quốc sau khi chữa bệnh ở Pháp, Liên Xô vẫn duy trì sứ quán ở Phnom Pênh, Trung Quốc vẫn có cảm tình với Sihanuc. Tuy vẫn đón tiếp ông với cương vị Quốc trưởng nhưng còn dè dặt trước diễn biến của tình hình. Bắc Kinh báo cho ông biết:

Bắc Kinh sẽ tôn trọng một cách đầy đủ mọi quvết định của Hoàng thân Sihanuc hoặc chấm dứt cuộc đời chính trị... hoặc cầm đầu một phong trào “Quốc gia chống Mỹ" (N. Sihanuc. Tù binh Khơme đỏ. Hachette, Paris 1986, tr. 415. Xem thêm: Navan Chanda. Les frèrcs ennemis. CNRS, Paris 1987, tr. 70.). Hà Nội nhận định rằng cuộc đảo chính ở Phnom Pênh là một nấc thang mới của Mỹ nhằm dựng lên một Chính quyền tay sai ở Campuchia, xoá bỏ căn cứ và bàn đạp chiến lược của Mặt trận Dân tộc Giải phóng cắt đứt tuyến tiếp tế hậu cần chi viện cho chiến trường miền Nam. Hà Nội chủ trương ủng hộ ông Sihanuc giúp đỡ cách mạng Campuchia

Ngày 21 tháng 3, Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang Bắc Kinh bằng một chuyên cơ đặc biệt. Ngày 22, trong cuộc nói chuyện thẳng thắn và tình nghĩa, Thủ tướng đã mang lại cho Hoàng thân Sihanuc sự ủng hộ chân thành của nhân dân Việt Nam và khuyến khích Hoàng thân kiên quyết chống lại bọn đảo chính. Ngày 23 tháng 3, Sihanuc ra lời kêu gọi chống Mỹ gồm năm điểm trong đó có vấn đề lập Mặt trận Thống nhất Dân tộc Khơ Me (FUNK) và quân đội giải phóng.

Ngày 4 tháng 4, Thủ tướng Chu Ân Lai tuyên bố ủng hộ chủ trương kháng chiến của ông. 

Ngày 28 tháng 4, Sihanuc lập Chính phủ Kháng chiến Khơ Me (GRUNK).

Các đơn vị vũ trang của Việt Nam được chỉ thị phối hợp với bạn mở vùng giải phóng giành quyền làm chủ ở bảy tỉnh phía Đông - Đông Bắc và ba tỉnh phía Tây - Nam, xây dựng Chính quyền cách mạng, phát triển chiến tranh du kích.

Chỉ trong một thời gian ngắn, vùng nông thôn tỉnh Kratié... sáu huyện ở Takeo, Cămpôt... đã được giải phóng (Lịch sử KCCM, tI, tr 47 - 48.).

Mỹ vội vàng tăng cường viện trợ - 200 triệu đô la - cho bọn tay sai ở Campuchia, cố gắng đưa lực lượng của Lonnol từ 35.000 lên 60.000 người.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM