Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:29:25 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris  (Đọc 197646 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #180 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2009, 08:49:33 pm »

Cuộc thảo luận hôm đó chưa giải quyết được. Găng nhất là hai vấn đề: Ngày chấm dứt ném bom và ngày họp phiên đầu tiên giai đoạn hai.

Ngày 24 tháng 10, Harriman gợi ý là ngày họp đầu tiên sau khi chấm dứt ném bom là ngày 2 tháng 11. Trong trường hợp đó phía Mỹ sẽ chấm dứt ném bom trước đó hai hoặc ba ngày tức là 31 hoặc 30 tháng 10. Ông cũng đề nghị khi công bố việc chấm dứt ném bom thì công bố cả ngày họp phiên đầu tiên của Hội nghị có bốn đoàn.

Xuân Thuỷ cứ đòi chấm dứt ném bom sớm.

- Các ông muốn họp sớm thì chấm dứt sớm. Nếu chỉ chấm dứt ném bom trước hôm họp có hai, ba ngày thì không đủ để cho Mặt trận thu xếp và không đủ để cho nhân dân Việt Nam tin rằng các ông đã chấm dứt ném bom thật sự hay chỉ vì thời tiết xấu.

Harriman cho rằng điều Xuân Thuỷ nói đó là quan trọng chẳng khác gì khi người ta nói "mua lợn khi lợn còn để trong bị".

Xuân Thuỷ đưa ra đề nghị khoảng cách mười ngày từ lúc chấm dứt ném bom đến ngày họp phiên đầu tiên giai đoạn hai.

Ngày 26 tháng 10, hai bên tiếp tục thảo luận về vấn đề trên dựa theo dự thảo một biên bản chung để hai bên sẽ ký. Dự thảo này do phía Mỹ chuẩn bị và thoả thuận được điểm thứ hai về tính chất Hội nghị. Còn lại là vấn đề khoảng cách. Xuân Thuỷ hạ mức từ mười ngày xuống còn tám ngày, và nói với Harriman:

- Nếu ngài chỉ muốn chấm dứt ném bom vào 30 thì ngày 6 hay 7 (tháng 11) mới họp được.

Harriman nói rằng đây không phải vấn đề mặc cả... buôn bán, thêm bớt với chúng tôi một vài giờ. Đây là đứng trước thực tế những vấn đề Tổng thống chúng tôi phải đối phó.

Cuối cùng Xuân Thuỷ nói:

- Nếu ngày 2 tháng 11 các ông muốn họp phiên đầu tiên thì ngày 27 tháng 10 các ông phải chấm dứt ném bom đi. Như vậy chỉ còn năm ngày thôi.

Đoàn Mỹ ngồi tính. Harriman đếm trên đầu ngón tay từ 27 tháng 10 đến 2 tháng 11, rồi nói: Là sáu ngày chứ.

Xuân Thuỷ:

- Ngài tính cả ngày đó nữa à?

Và mọi người cùng cười, trừ Harriman.

Harriman:

- Như thế là ngài muốn nói năm ngày trước ngày họp?

Xuân Thuỷ:

- Đúng thế. 

Kết thúc buổi họp, vị trưởng đoàn Mỹ vẫn nằn nì về việc họp bốn đoàn hai, ba ngày sau khi chấm dứt ném bom.

Cuối cùng hai bên thoả thuận được biên bản chung như sau:

1. Hoa Kỳ sẽ chấm dứt mọi cuộc oanh tạc bằng không quân, hải quân, pháo binh và mọi hành động khác liên quan tới việc dùng vũ lực trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bắt đầu từ... giờ, giờ GMT ngày... tháng 10 năm 1968.

2. Một cuộc họp để tìm một giải pháp hoà bình cho vấn đề Việt Nam sẽ được tiến hành ở Paris ngày...

Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã nói rằng sẽ có mặt của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; Hoa Kỳ đã nói rằng sẽ có mặt của Việt Nam Cộng hoà. 

Do đó cuộc họp sẽ gồm có Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hoà.
Phía Mỹ vui mừng thấy ta nhận không ghi chữ "không điều kiện" và “mọi hành động chiến tranh khác".

Về việc ký biên bản, C.Vance nói rằng Harriman và cả ông ta nữa sẽ thay mặt Chính phủ Mỹ ký; Phía ta, Bộ trưởng Xuân Thuỷ

Harriman hứa sẽ báo cho ta rất sớm ngày Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #181 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2009, 08:51:36 pm »

Thiệu chống Johnson .

Trong hồi ký L.B.Johnson viết: "Khi chúng ta đạt được sự sắp xếp với Hà Nội thì sự hoà hợp với Tổng thống Thiệu lại tan vỡ” (L.B.Johnson. sđd, tr. 621.)  

Suốt trong quá trình hội đàm ở Paris với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Washington đều thông báo cho Sài Gòn nội dung và diễn biến các cuộc nói chuyện. Mọi người đều thấy giữa Washington và Sài Gòn từ lâu đã có nhiều mâu thuẫn. Tháng 7 năm đó, Johnson và Thiệu đã gặp nhau ở Honolulu để bàn bạc và dàn xếp.

“Những người Nam Việt Nam (tức Thiệu) đã chấp nhận lập trường của chúng ta đến giữa tháng 10 và sau đó nữa” (L.B.Johnson. Maviede Président. sđd, tr. 621.).

Ngày 28 tháng 10, Thiệu còn nói với đại sứ Mỹ ở Sài Gòn rằng "không thể đòi hỏi hơn được nữa”. Nhưng hôm sau Thiệu đòi thêm thời gian và bảo đảm để họ có thể nói chuyện với Hà Nội chứ không phải với Mặt trận Dân tộc Giải phóng”.

“Hai đòi hỏi đó là không thực tế. Người Nam Việt Nam biết rằng chúng ta phải tuyên bố (về chấm dứt ném bom - tác giả) vào lúc 20 giờ ngày 31 tháng 10. Sau 19 giờ Bunker báo cho chúng ta rằng Thiệu còn đòi thêm hai điều kiện sửa đổi nữa. Chúng ta buộc phải đi một mình”.

Ai cũng biết rằng tập đoàn Thiệu - Kỳ không thể tiếp tục chiến tranh nếu mất sự chi viện tinh thần, chính trị và vật chất của Mỹ. Tại sao họ lại dám đi ngược lại chủ trương chấm dứt ném bom của Johnson? Là những người thực dụng, quen với những thủ đoạn lật lọng trong bầu cử, họ không phải không hiểu thế của Đảng Dân chủ trong năm bầu cử đã giảm sút sau Tết Mậu Thân, và họ tính toán đến người sẽ thay thế Tổng thống Johnson.

Ngay sau ngày 10 tháng 10 năm 1968, sau khi ông Lê Đức Thọ và ông Xuân Thuỷ tuyên bố không phản đối Sài Gòn tham gia các cuộc đàm phán hoà bình, ở cả Sài Gòn và Washington các Cố vấn quân sự và dân sự của Johnson đều thống nhất thúc giục phải nhanh chóng nắm lấy cơ hội này. Trong một bức thư bạn đọc đăng trên New York Times ngày 13 tháng 6 năm 1991, William Bundy, với tư cách trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương từ 1964 - 1969, Tổng biên tập tờ Foreign Affairs từ 1972 - 1974, đã tham gia các sự kiện hồi tháng 10 năm 1968, cho biết Tổng thống Johnson đã thông báo cho ba ứng cử viên Tổng thống là Nixon, Humphrey và Wallace biết thoả thuận mới về sự tham gia của Chính quyền Sài Gòn; Nixon khẳng định lại sự ủng hộ của ông ta đối với một thoả thuận trên cơ sở đó.

Clark Clifford, cựu Bộ trưởng Quốc phòng của Johnson, cho biết Tổng thống đã biết qua nhiều bức điện của sứ quán miền Nam Việt Nam, đặc biệt là bức điện ngày 27 tháng 10, rằng bà An na Chennault - người Mỹ gốc Trung Quốc ủng hộ Nixon và quen biết Thiệu - đã chuyển qua Bùi Diễm, đại sứ của Thiệu, những bức thông điệp rõ ràng "có thẩm quyền của Đảng Cộng hoà" thúc giục Thiệu từ bỏ hoặc làm què quặt thoả thuận giữa Washington và Hà Nội bằng cách từ chối không tham gia.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã theo dõi bà Chennault và khẳng định các hoạt động của bà ta. Rõ ràng tính toán của Thiệu - Kỳ là đánh canh bạc phút chót để Nixon thắng cử. Họ không muốn cho Humphrey thắng lợi. Johnson viết: "Tôi có đầy đủ lý do để nghĩ rằng người ta đã yêu cầu họ hoãn việc tham gia vào cuộc nói chuyện ở Paris và người ta đã hứa với họ rằng họ sẽ đạt được nhiều điều kiện tốt hơn dưới Chính quyền Nixon” (B.Jonhson. Maviede Président, tr. 622, 624 )

Ở Paris, đoàn Mỹ mừng đã đạt được thoả thuận với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhưng rất lúng túng trước thái độ của Thiệu-Kỳ.

« Sửa lần cuối: 27 Tháng Chín, 2009, 08:32:04 pm gửi bởi macbupda » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #182 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2009, 08:51:46 pm »

Đêm 29 tháng 10, Johnson phải gọi cấp tốc tướng Abrams về để tham dự cuộc họp bất thường với các Cố vấn thân cận của Nhà Trắng lúc hơn hai giờ sáng. Tại Paris, Cyrus Vance đã phải hoãn cuộc họp với Hà Văn Lâu hai lần - lúc đầu dự định vào mười sáu giờ, sau hoãn đến mười tám giờ, rồi đến hai mươi giờ. Đây là một cuộc họp khổ sở cho ông ta. Vừa bước vào phòng họp, ông ta đã yêu cầu Negroponte, thư ký, báo ngay số điện thoại nơi họp về sứ quán Mỹ. Ông tỏ ý tiếc phải hoãn cuộc họp và nói: "Tôi biết các ông bận mà chúng tôi cũng bận", rồi ngồi im đợi ta nói.

Hà Văn Lâu hỏi:

- Ngài đã có tin gì chưa?

C. Vance:

- Có, lần trước khi về chúng tôi đã điện ngay cho Chính phủ chúng tôi. Nhưng ông rõ. Mỗi bên chúng ta đều có chuyện phức tạp phải giải quyết. Chúng tôi có nhiều yếu tố phải giải quyết, nhiều sự trao đổi phải làm. Thời gian lại chênh nhau nhiều. Hôm nay tôi đang chờ chỉ thị. 

- Nghĩa là bây giờ ông chưa có tin?

- Vâng - C.Vance đáp rồi ngồi im. 

- Còn quá ít thời giờ - Hà Văn Lâu nhận xét. 

- Vâng, tôi hiểu - Đại sứ Vance đáp rồi lại im lặng.

Khi hỏi về việc ký biên bản, C.Vance nói ông hy vọng sẽ được tin vào đêm khuya nay - hoặc sáng sớm mai. Tôi không dám bảo đảm.

Rồi lại im lặng. Habib ngồi bên cạnh nhắc C.Vance cáo từ ra về Nhưng ông này hình như không nghe thấy gì.

- Vậy lúc nào thì ông có tin? - Hà Văn Lâu hỏi.

- Tôi không thể nào nói chính xác được - C.Vance ngừng lại - Washington đang làm việc rất khẩn trương - Rồi ngồi im.

Lần thứ hai Habib nhắc ông ra về. Ông ta vẫn ngồi đó.

- Nếu ông thấy khó khăn thì ông cho chúng tôi biết - ông Lâu nói. 

C vance ấp úng:

- Tôi hy vọng đêm nay hoặc sáng mai.

Cả Hà Văn Lâu và Nguyễn Minh Vỹ đều nói:

- Nếu các ông thật có khó khăn thì cứ cho chúng tôi biết, chúng tôi sẽ chiếu cố.

C.Vance và Habib cám ơn rơi rít và nói đó sẽ là một thoả thuận quân tử.

Hai mươi ba giờ, phía Mỹ xin gặp lại ta. Nửa giờ sau, Habib đến báo cho Hà Văn Lâu biết là Mỹ không thể chấm dứt ném bom vào 00 giờ giờ GMT ngày 30 tháng 10 được, và hôm sau cứ họp ở Kléber như thường lệ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #183 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2009, 08:52:52 pm »

Mặc kệ Thiệu!

Thất vọng quá đáng (L.B.Jonhson: Maviede Président. Sđd, tr 626.) vì sự lần khân của Thiệu, Johnson không đợi được nữa. Nửa đêm 30 tháng 10 năm 1968, đoàn Mỹ xin gặp ta. Hơn nửa giờ sau, Harriman, C.Vance, Habib cùng những người giúp việc kéo đến nơi ở của đoàn ta, nhà số 11 phố Darthé, vùng Choisy le Roi. Cuộc họp bắt đầu hồi 1 giờ 35 và kết thúc sau đó một giờ.

Harriman đọc: .

"Tôi được phép tuyên bố với ngài rằng Tổng thống sắp sửa ra những mệnh lệnh vào buổi tối ngày 31 tháng 10, tức là 7 giờ hoặc 8 giờ, giờ Washington, theo giờ GMT là 24 giở GMT ngày 31 tháng 10, hoặc 01 giờ sáng ngày 1 tháng 11 để chấm dứt mọi cuộc oanh tạc bằng không quân, hải quân và pháo binh và mọi hành động khác liên quan đến việc dùng vũ lực chống toàn bộ lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Những mệnh lệnh đó sẽ hoàn toàn có hiệu lực 12 giờ sau đó.

Tống thống sẽ có một công bố về hành động này vào khoảng khi những mệnh lệnh này được ban hành...

Cuộc họp như đã thoả thuận sẽ không tiến hành trước ngày 6 tháng 11 năm 1968.

Hành động này được tiến hành trên cơ sở các cuộc nói chuyện chúng ta đã có, có tính đến những điều các ông đã nói và những điều chúng tôi đã nói
”.

Đoàn Việt Nam hội ý. Khi trở lại họp, Bộ trưởng Xuân Thuỷ đọc một bản chuẩn bị sẵn, tóm tắt công việc từ 6 tháng nay, nhấn mạnh rằng phía Việt Nam luôn đòi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và qua tuyên bố của Harriman, phía Việt Nam hiểu như vậy là không điều kiện.

“Các ngài đã nói thực chất không có một điều kiện có đi có lại nào và còn nói trong tất cả các tuyên bố của Hoa Kỳ không một chỗ nào có chữ “có điều kiện”. Như vậy chúng tôi khẳng định là Hoa Kỳ chấm dứt ném bom không điều kiện”.

Bộ trưởng còn phê phán thái độ kéo dài của Mỹ, không nhất quán trong việc làm biên bản, nói khác, viết khác, làm khác. Xuân Thuỷ tuyên bố không cần ký biên bản thoả thuận, đồng ý họp bốn bên không trước ngày 6 tháng 11 năm 1968 và đòi Mỹ phải thực hiện đúng những điều đã thoả thuận.

Xuân Thuỷ cũng chấp nhận yêu cầu giữ bí mật của Mỹ cho đến khi Johnson đọc diễn văn. Hai bên cùng trao đổi việc báo cho chủ nhà Pháp biết.

Hôm đó, chưa phải là buổi chia tay, nhưng Harriman cũng đã tặng Xuân Thuỷ quyển sách nhan đề "Nhân quyền" do ông ta viết, trong đó có trích dẫn một số thơ và lời đề tặng "Kính tặng Bộ trưởng Xuân Thuỷ, nhà thơ, Paris, ngày 31 tháng 10 năm 1968".

Mọi người đều vui vẻ.

Ngày 31 tháng 10, Johnson vẫn đợi, tuy không nhiều hy vọng, rằng Sài Gòn sẽ cùng tham gia với Mỹ vào bản tuyên bố chung. Nhưng Thiệu vẫn đưa ra những đòi hỏi quá đáng. Cuối cùng, đến 20 giờ ông ta đành phải đọc diễn văn về chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam.

Johnson hy vọng rằng con chủ bài này sẽ nâng cao hình ảnh của ông ta và uy tín của ứng cử viên Humphrey. Điều đó đúng. Nhưng đã quá muộn.

Ngày 6 tháng 11, Nixon, ứng cử viên Đảng Cộng hoà, đã trúng cử Tổng thống Mỹ, với 43,3% tổng số phiếu, còn Humphrey chỉ thua sát nút ông ta, 42,7%, kém Nixon 500.000 phiếu (0,6%).

Nếu như Johnson chấm dứt ném bom miền Bắc sớm hơn năm, bảy ngày thì có lẽ tình hình đã khác.

Đến đây kết thúc một giai đoạn của cuộc đàm phán Việt - Mỹ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #184 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2009, 06:11:30 pm »

CHƯƠNG III
ĐỂ KHỞI ĐỘNG HAI KẾ HOẠCH HOÀ BÌNH

Nixon trước hậu quả của thất bại Tết Mậu Thân

Tổng thống R.Nixon thừa hưởng của L.B.Johnson cuộc chiến tranh chết chóc ở Việt Nam cùng những vấn đề gây cấn khác. Ông coi cuộc chiến tranh ở Đông Dương là “vấn đề đối ngoại cấp bách nhất" và “một giải pháp ở Việt Nam là chìa khoá cho mọi chuyện” (R.Nixon. The memoirs of R.Nixon. Grosset + Dunlop - New York 1978, tr. 347-391.).

Trong khi Mỹ sa lầy ở Đông Nam Á thì những kẻ đối đầu cũng như đồng minh của Mỹ được rảnh tay và họ đã tăng cường tiềm lực một cách đáng kể. Liên Xô không còn thua kém Mỹ bao nhiêu trong lĩnh vực vũ khí chiến lược. Trung Hoa nhân dân đã giành nhiều tiến bộ trong lĩnh vực hạt nhân. Các đồng minh châu Á và châu Âu của Mỹ đã trở thành những kẻ cạnh tranh gay gắt với Mỹ trên thị trường quốc tế. Trong quan hệ với Nhật, ngoài vấn đề thâm hụt về cán cân thương mại, Nixon còn phải đương đầu với việc “đất nước Mặt trời mọc" đòi chủ quyền về quần đảo Okinaoa mà Mỹ chiếm từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Các đồng minh châu Âu trong khối Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đòi độc lập hơn với Mỹ, đòi hạn chế bớt quyền hành của Washington, nhất là từ khi tướng De Gaulle không chấp nhận nữa trụ sở khối NATO đóng trên đất Pháp. Rồi còn chính sách mở cửa sang phương Đông của Thủ tướng W.Brant ở Bon.

Tuy nhiên, về mặt nào đó, Tổng thống mới của Hoa Kỳ cũng gặp nhiều thuận lợi. Là kẻ thù không đội trời chung với chủ nghĩa cộng sản, Nixon có lý do để vui mừng trước mâu thuẫn gay gắt giữa hai nước xã hội chủ nghĩa lớn - Liên Xô và Trung Quốc - và đi đến chỗ xung đột ở trên sông Utxuri hai tháng sau khi Nixon lên cầm quyền. Trời đã cho ông ta một đồng minh không ngờ mà ông ta không thể không dùng đến để giúp ông giải quyết vấn đề Việt Nam. Trong cuộc xung đột không cân sức giữa hai lực lượng cộng sản đó có thể một ngày nào đó bên này hay bên kia phải tính đến vai trò của Hoa Kỳ nếu không được sự ủng hộ thì cũng tìm thấy một lực lượng đối trọng, nhất là Trung Quốc lúc này đang ở cao trào của cách mạng văn hoá, tức là ở bên bờ vực thẳm.

Ở Tây Âu, nếu như Hoa Kỳ phải đối phó với các yêu sách của các nước đồng minh trong "Liên minh khó khăn" thì Liên Xô từ sau khi Hồng quân vào Tiệp Khắc (1968) cũng phải đương đầu với xu hướng độc lập ngày càng tăng của các nước Đông Âu.

Sáu tháng sau khi lên cầm quyền, dừng chân trên đảo Guam trên đường thăm một số nước châu Á, Tổng thống Nixon phác hoạ ra chiến lược mới, học thuyết Nixon, hay còn gọi là học thuyết Guam. Ông nói rằng:

“Sau chiến tranh Việt Nam, chúng ta cần có một chính sách châu Á mới để đảm bảo không có một Việt Nam trong tương lai... Nhưng ngay từ lúc này về sau chúng ta chỉ cung cấp vật liệu và viện trợ quân sự, kinh tế cho những nước nào sẵn sàng chấp nhận trách nhiệm cung cấp sức người để tự bảo vệ lấy mình" (R.Nixon. The memoirs ofr.Nixon, Sđd. tr. 395. ).

Ông nói rằng chính sách đó không phải là rút ra khỏi châu Á mà "đó là cơ sở vững chắc duy nhất để Hoa Kỳ ở lại đây". Hoa Kỳ vẫn là một cường quốc ở Thái Bình Dương.

Tóm lại, người ta có thể nói rằng học thuyết của ông là dựa trên các yếu tố, sức mạnh của Mỹ và chia sẻ trách nhiệm - chứ không phải một mình gánh lấy nhiệm vụ sen đầm quốc tế như trước đây. Lúc này đang có cuộc thương lượng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ở Paris, cho nên người ta có thể thấy thêm một nhân tố khác của học thuyết Nixon: thương lượng trên thế mạnh?

Cũng như nhiều Tổng thống tiền nhiệm, Nixon có học thuyết riêng của mình là chuyện bình thường. Thực tế khách quan đã chỉ rõ cái học thuyết Guam nổi tiếng một thời đó là chiến lược xuất phát từ sự suy yếu, một học thuyết với “hình bóng thấp".

Trong vấn đề Việt Nam, Washington đổi danh từ "phi Mỹ hoá chiến tranh" thành "Việt Nam hoá chiến tranh", tức là biến cuộc chiến tranh của Mỹ thành cuộc chiến tranh giữa người Việt Nam với nhau. Nội dung chủ yếu của Việt Nam hoá là tăng cường sức mạnh mọi mặt cho quân nguỵ Sài Gòn, để Mỹ rút được quân về nước. Đó là việc áp dụng học thuyết Nixon ở Đông Dương. Nhưng như người ta thấy sau này, trong vấn đề Campuchia, chính Nixon cũng không theo đúng học thuyết của ông!

Trên lĩnh vực quân sự, sau thất bại của chiến lược "tìm và diệt" của tướng Westmoreland trước đây, Lầu Năm Góc Phương Đông (ở Sài Gòn) do tướng Abrams cầm đầu đã đề ra chiến lược mới "quét và giữ” cho phù hợp với yêu cầu của Việt Nam hoá chiến tranh.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #185 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2009, 06:13:14 pm »

Mặt trận Dân tộc Giải phóng trước những hậu quả của chiến thắng Tết Mậu Thân

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 của quân và dân miền Nam Việt Nam đã giành được thắng lợi lớn về chính trị và tâm lý, đánh mạnh vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải đi vào nói chuyện với ta ở Paris để giải quyết hoà bình vấn đề Việt Nam ... Nhưng ta cũng bị thiệt hại nặng nề.

Khi tổng tiến công chúng ta đã tung hết lực lượng... cho nên đến khi địch phản kích thì chúng ta không có lực lượng, chúng ta gần như mất thế, và đối phó phản kích rất khó khăn. Chúng ta lâm vào tình hình rất khó khăn trong những năm 1969, 1970, 1971" (Trần Độ. Tạp chí Lịch sử Quân sự - Bộ Quốc phòng - Tháng 2 năm 1988 tr. 47.).

Từ nửa cuối năm 1968, địch tập trung đánh phá ác liệt các vùng giải phóng nhằm tiêu diệt và đẩy lùi các đơn vị chủ lực ta ra khỏi các nơi đứng chân như Trị - Thiên, Khu V, Nam Bộ...

Chúng còn đánh phá ác liệt ven các căn cứ quân sự lớn "dùng xe cơ giới san ủi làng mạc ruộng vườn thành những vùng trắng rộng hàng chục kilômét vuông... Quân ngụy đóng thêm hàng nghìn đồn bốt".

Sáu xã ở Gò Nổi (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) bị xe tăng, xe ủi san phẳng. Nhiều xã ở phía Bắc huyện Củ Chi không còn một lùm cây nhỏ” (Bộ Quốc phòng, Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân - Sự Thật, 1991, tr. 311.)

Tháng 10, các đơn vị chủ lực của ta ở Trị - Thiên đã rút ra Quảng Bình để củng cố. Quần chúng mất chỗ dựa. Địch tập trung đánh phá, dồn dân quyết liệt, lập lại hầu hết các khu đã mất... Ở Nam Bộ, đến cuối năm 1968, địch lập lại số ấp chiến lược, khôi phục lại vùng tranh chấp" (Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, Tập 1, Sách đã dẫn, tr. 311.)

Lực lượng vũ trang bị tiêu hao không được bổ sung. Tiếp tế lương thực rất khó khăn. Ở Tây Nguyên, toàn bộ số gạo còn lại của năm 1968, chỉ còn một phần ba so với số lượng tồn kho năm 1967. Dự trữ lương thực đến giữa năm 1969 chỉ đủ nuôi bộ đội ta trong khoảng một tuần

Bước vào năm 1969 tại Đông Nam Bộ và Khu VI, địch lấn chiếm và hầu như kiểm soát toàn bộ vùng nông thôn bao quanh Sài Gòn và các tỉnh Phước Long, Bình Tuy và vùng đồng bằng các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận...

Cơ sở cách mạng bị tổn thất, lực lượng vũ trang bị tiêu hao và tiếp tục phải lùi dần lên rừng núi...

Sau khi nêu lên thắng lợi cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân, Lê Đức Thọ đã nói:  

Cuộc tổng tiến công ấy đã mắc sai lầm là chủ quan đánh giá không đúng tương quan lực lượng giữa ta và địch, đánh giá quá cao về phong trào quần chúng nổi dậy và khởi nghĩa ở đô thị. Vì thế chúng ta đề ra lấy tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành Chính quyền toàn miền Nam... nhằm kết thúc chiến tranh. Đến cuối năm 1968, lực lượng ta đã tổn thất nhiều, yếu tố bất ngờ không còn nữa mà ta vẫn còn chủ quan sai lầm như hồi Tết Mậu Thân, vì thế, địch đã tập trung lực lượng bình định nông thôn gây cho ta khó khăn trong hai năm 1969, 1970. Từ khi đế quốc Mỹ trực tiếp đưa quân vào miền Nam Việt Nam, chưa bao giờ chúng ta gặp khó khăn như hai năm này, cơ sở ở nông thôn bị tổn thất, căn cứ bị thu hẹp ở nhiều nơi, chủ lực của ta bị tổn thất không còn chỗ đứng chân ở miền Nam, phải trú chân trên đất bạn” (Lê Đức Thọ. Tạp chí Lịch sử Quân sự Bộ Quốc phòng tháng 2 năm 1998 tr. 8-9.)

Cuộc hội; đàm ở Paris giữa ta và địch bắt đầu vào giai đoạn hai trong hoàn cảnh như vậy.  
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Chín, 2009, 08:36:07 pm gửi bởi macbupda » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #186 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2009, 06:16:14 pm »

Câu chuyện cái bàn

Cuộc chiến tranh thành Troie bắt đầu từ quả trứng Lê đa (Trong thần thoại Hy Lạp - Tác giả). Cuộc đấu tranh ngoại giao ở Paris lại bắt đầu từ cái bàn.

Ngày 31 tháng 10 năm 1968, Mỹ chấm dứt ném bom Bắc Việt Nam. Ngày 3 tháng 11, đại diện Mỹ đã gặp ta đề nghị hai bên họp vào mồng 6 tháng 11 bàn sắp xếp cho "cuộc họp thực chất dưới hình thức mới". Ta chấp nhận nhưng lưu ý phía Mỹ rằng cuộc họp bốn bên vào ngày đó chưa được hai bên thoả thuận - và cuộc họp đó phải là cuộc họp bốn bên. Bà Nguyễn Thị Bình, đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng sẽ họp phiên đó. Nội dung cuộc họp đó là các bên sẽ bàn về thủ tục.

Đại diện Mỹ tỏ ra lúng túng vì lúc này đại diện Chính quyền Sài Gòn vẫn chưa cử người tham dự, tuy đại sứ Phạm Đăng Lâm của họ vẫn có mặt tại Paris - và sau này là trưởng đoàn chính thức của họ - Phía Mỹ nói bây giờ có vấn đề phức tạp về ngày khai mạc "phiên họp mở rộng" ngoài sự kiểm soát của họ. Hai hôm sau đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lại thúc ép Mỹ và tuyên bố rằng ngày mai Bộ trưởng Xuân Thuỷ sẵn sàng đến họp vào buổi sáng, buổi chiều hay buổi tối cũng được, tại hội trường phố Kléber. Đại diện Sài Gòn chưa đến thì họp ba đoàn, khi nào họ đến họ sẽ vào họp sau. Đại diện Mỹ lại thanh minh là họ có khó khăn tuy họ đã cố gắng để cùng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bắt đầu cuộc họp giai đoạn mới.

Cuộc tranh luận lại nổ ra chung quanh khái niệm này. Và hai bên gọi theo cách của mình. Ta gọi là cuộc họp bốn bên, còn Mỹ gọi là cuộc họp hai phía.

Về sắp xếp chỗ ngồi, phía Mỹ đề nghị nhờ Pháp thu xếp - Ta không đồng ý. Việt Nam cho rằng đi vào đàm phán bốn bên các đoàn phải bình đẳng, độc lập với nhau, thể hiện vai trò và vị trí của mỗi bên và phản ánh tương quan lực lượng trên chiến trường. Do yêu cầu đề cao vai trò của Mặt trận Dân tộc Giải phóng ta đề nghị một bàn vuông, bốn đoàn ngồi bốn cạnh - hoặc một bàn hình thoi. 

Phía Mỹ có nhiều sáng kiến để thể hiện khái niệm hai phía của họ. Lúc đầu họ đề ra cái bàn chữ nhật: Phía Mỹ và Chính quyền Sài Gòn ngồi một bên, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mặt trận Dân tộc Giải phóng ngồi một bén.

Tiếp đó họ gợi ý ra ba kiểu bàn khác:

- Hai bàn hình cung đối diện nhau, không tách rời nhau.

- Hai nửa vòng tròn đối diện nhau, tách rời nhau.

- Hai nửa vòng tròn đối diện nhau, ở giữa có khoảng cách, hai đầu có hai bàn chữ nhật cho thư ký ngồi.

Phía ta đề nghị lấy kiểu thứ hai của Mỹ nhưng không tách ra mà ghép lại thành một bàn tròn.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #187 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2009, 06:16:45 pm »

Cứ như thế là đã mất hết hai tháng cuối năm 1968 rồi. Sang tháng giêng năm sau, Mỹ lại đề nghị ba kiểu bàn khác:

- Một bàn tròn liên tiếp có hai phần dành cho thư ký đối diện nhau - và hai phần đó tụt xuống thấp hơn, một nửa về phía Việt Nam, một nửa dành cho phía Mỹ.

- Một bàn trong có kê hai chiếc bàn cho thư ký đối diện nhau và dính sát vào bàn tròn.

- Hai bàn dài khép kín bằng hai nửa vòng tròn dành cho thư ký.

Họ cũng đề nghị không cờ, không có biển ghi tên các đoàn trước mặt họ. Ta không đồng ý hình thù cái bàn mà còn đòi họ theo đúng thủ tục quốc tế, có cờ, có biển ghi tên trước mặt các đoàn!

Phía Mỹ lại đưa ra sáng kiến mới: một bàn tròn có băng to bằng thảm đỏ ở giữa. Bị phản đối, họ thay cái băng thảm bằng một vạch nhỏ (trip).

Trong quá trình thảo luận, nước chủ nhà và đại diện Liên Xô ở Pháp, đại sứ Obôrencô có tham gia ý kiến. 

Ngày 15 tháng 1 năm 1969, hai bên chấp nhận gợi ý của Liên Xô:

- Về sắp xếp chỗ ngồi: sẽ là một bàn tròn phẳng lì, có hai bàn chữ nhật kê cách bàn tròn 0,45mét đặt ở hai địa điểm đối diện nhau; các bàn này dành cho thư ký.

- Không có cờ và biển. 

- Còn thứ tự phát biểu - cũng là vấn đề. Thông thường ở các Hội nghị Quốc tế, ai cũng muốn phát biểu đầu tiên, lúc các nhân vật quan trọng còn có mặt, chứ không ai đợi lúc chiều tà, chợ đã vãn mới nói vì ít người chú ý. 

Theo ý kiến của Liên Xô, thứ tự phát biểu trong Hội nghị này là nhờ Pháp rút thăm cầu may. Phía nào thắng sẽ phát biểu trước. Nếu ta thắng, có thể Bộ trưởng Xuân Thuỷ hay bà Nguyễn Thị Bình phát biểu trước. Phía Mỹ cũng vậy.

Hôm sau, đại diện ta vì muốn giải quyết cho xong vấn đề thủ tục, ta không câu chấp gì về thứ tự phát biểu, và nhường cho phía Mỹ phát biểu trước, nhưng nói rõ đó không phải là chấp nhận quan điểm "hai phía" của Mỹ. Ta cũng chấp nhận phiên họp đầu tiên bốn đoàn vào 18 tháng 1 năm 1969, như Mỹ đề nghị. Còn hai ngày nữa Tổng thống L.B Johnson rời Nhà Trắng nhưng Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu vẫn không muốn cho vị Tổng thống này của Hoa Kỳ dính dáng vào. Một tuần sau họ mới cử người đi họp. R.Nixon đã vào Nhà Trắng được năm ngày!

*
*   *

Ngày 10 tháng 1, đại sứ quán Mỹ ở Paris nhân danh Harriman gửi thư cho đoàn Việt Nam đề nghị gặp Bộ trưởng Xuân Thuỷ và Cố vấn Lê Đức Thọ để xem lại kết quả công việc sau 9 tháng đến Paris thảo luận về tương lai quan hệ hai nước. Phía Mỹ đề nghị họp ở nhà riêng của họ ở thị trấn Sceaux để cho cuộc gặp gỡ được lặng lẽ và hoàn toàn riêng tư. Thư có thêm một câu viết tay "Rất mong được gặp ngài với mọi sự tốt lành". Ký tên: Harriman.

Cuộc họp tiễn biệt đó diễn ra hôm 14 tháng 1 năm 1969 tại địa điểm trên. Đại sứ Mỹ thông báo cho ta biết là ông Cabot Lodge, người bạn cũ của Tổng thống Nixon, người đã hai lần làm đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn - sẽ cầm đầu phái đoàn Mỹ tại Paris. Ông Walsh, một luật gia có tên tuổi ở New York sẽ thay ông C.Vance. Ngoài ra còn có thêm ông M. Green, nguyên đại sứ Mỹ ở Inđônêxia.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #188 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2009, 06:16:53 pm »

Harriman muốn biết quan điểm của Việt Nam về tương lai cuộc đàm phán trước khi về Mỹ. Ông nói, và phía Việt Nam cũng thông cảm, rằng ông không thể nói về chính sách của Chính quyền mới ở Washington, nhưng ông nghĩ rằng quan điểm chung cũng giống như điều ông đã nói là làm sao xuống thang chiến sự, tôn trọng khu phi quân sự và cùng rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam. Về chính trị, người Việt Nam phải đứng hàng đầu trong cuộc nói chuyện với nhau để tìm một giải pháp. Lê Đức Thọ tỏ ý tiếc là đại sứ Harriman không ở lại Paris được, và điểm lại quá trình nói chuyện, ông nói:

“Nếu như chỉ hai, ba tháng các ngài đã chấm dứt ném bom thì tình hình bây giờ đã khác rồi".

Đề cập đến việc dư luận báo chí nói Nixon không muốn giải quyết chiến tranh, việc Sài Gòn đưa tướng Nguyễn Cao Kỳ sang làm Cố vấn cho đoàn họ là một dấu hiệu không hay, Lê Đức Thọ nêu ra ba khả năng:

1 - Trường hợp thứ nhất. Chúng tôi nghiêm chỉnh và có thiện chí, Chính quyền mới ở Mỹ và đoàn đàm phán mới của Mỹ ở Paris thật sự nghiêm chỉnh và có thiện chí có thể tiến lên giải quyết vấn đề.

2 - Nếu các ngài muốn dùng thế mạnh để ép chúng tôi, không coi trọng những quyền lợi dân tộc cơ bản của Việt Nam thì khó có thể giải quyết được và cuộc đàm phán sẽ kéo dài.

3 - Còn trường hợp thứ ba các ngài không muốn giải quyết mà tiếp tục đánh thì chúng tôi cũng sẵn sàng tiếp tục chiến đấu cho đến khi giành lại được các quyền dân tộc cơ bản của chúng tôi.

Tôi cho rằng trường hợp một là đúng đắn nhất, nhưng không biết rồi đây ông Nixon, ông Lodge có nghĩ như vậy không hay lại chọn trường hợp thứ hai và thứ ba. Nếu như vậy thì không phải lỗi ở chúng tôi.”


Lê Đức Thọ nhấn mạnh rằng khó khăn là do bọn Thiệu - Kỳ - Hương không muốn giải quyết vấn đề. Với thái độ như vậy thì ngồi vào cũng khó giải quyết được.

Còn quan hệ giữa Mỹ và miền Bắc sẽ là quan hệ bình thường, cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào nội bộ nhau.
Harriman nói rằng có thể loại bỏ khả năng thứ ba. Ông ta cũng nói rằng ông Nixon và ông Lodge sẽ nhìn vấn đề theo khả năng một và khả năng thứ hai. Vị đại sứ Mỹ còn hỏi thêm rằng nếu như ở miền Nam Việt Nam lập một Chính phủ muốn chấm dứt chiến tranh và có cảm tình với miền Bắc thì phía Việt Nam thấy thế nào? Ông ta cũng hỏi về thời gian thống nhất hai miền, Việt Nam sẽ thành một liên bang hay một Quốc gia thống nhất.

Ba hôm sau mới là cuộc từ biệt chính thức. Đại sứ Mỹ tặng mỗi người tham dự một bao diêm bằng giấy làm kỷ niệm và bộ trưởng Xuân Thuỷ tặng ông tập san "Nghiên cứu về Việt Nam” chuyên đề về văn học, và tặng ông C.Vance một cuốn về giáo dục ở Việt Nam bằng tiếng Pháp. Hôm ấy người ta chúc mừng nhau, không khí vui vẻ. Nhưng đại sứ Harriman không quên nhắc tới vấn đề giặc lái Mỹ bị bắt ở miền Bắc Việt Nam. Còn Lê Đức Thọ nêu lên nhận định của ông rằng "phi Mỹ hoá chiến tranh" của Mỹ sẽ thất bại như đã xảy ra trước khi quân Mỹ vào.

Chúng tôi có cả một dân tộc đứng lên chiến đấu... Chúng tôi biết đánh, chúng tôi cũng biết nói chuyện. Chúng tôi mong đạt được hoà bình chính đáng. Chúng tôi sẽ thảo luận với ông Lodge về vấn đề rút quân hoặc bất cứ vấn đề nào khác mà các ngài nêu ra... Nếu như các ngài không nhìn vào thực tế, tuy muốn giải quyết nhưng kéo dài việc rút quân bằng chờ đợi việc củng cố ngụy quân, ngụy quyền, gây sức ép với chúng tôi, điều đó không thể được đâu".

Harriman có vẻ bi quan, mong muốn thấy được hoà bình ở Việt Nam trước khi ông qua đời
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #189 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2009, 06:18:19 pm »

Hội nghị bốn bên bắt đầu

Mười giờ ba mươi phút sáng 25 tháng 1 năm 1969, khai mạc trọng thể Hội nghị bốn bên tại phòng lớn của Trung tâm Hội nghị Quốc tế phố Kléber.

Trước cửa của Trung tâm, đông đảo bà con Việt kiều ở Paris, tay cầm cờ đỏ sao vàng và cờ Mặt trận đứng chật ních bên đường vẫy chào hai đoàn Đại biểu Việt Nam. Các phóng viên báo chí, vô tuyến truyền hình, các hãng thông tấn của nhiều nước trên thế giới đều có mặt để ghi lại hình ảnh ban đầu của sự kiện lịch sử này. Họ chú ý nhiều đến đoàn Mặt trận do ông Trần Bửu Kiếm dẫn đầu.

Sau phút náo nhiệt ban đầu, các đoàn lần lượt vào ngồi quanh chiếc bàn đường kính tám mét phủ thảm xanh - Các trưởng đoàn lần lượt phát biểu ý kiến và có tranh luận ngắn - sau đó người phát ngôn ra họp báo.

Lần lượt từ tháng này qua tháng khác, mỗi tuần một lần vào thứ tư, các bên đối địch nhau ngồi đối diện nhau tố cáo nhau gay gắt và quyết liệt Những vấn đề về nguồn gốc chiến tranh và giải pháp là những vấn đề lớn, bên cạnh những lời lẽ về thiện chí, nghiêm chỉnh được lặp đi lặp lại nhiều lần - một cuộc đấu lý kéo dài lại diễn ra như những tháng đầu của Hội nghị hai bên. Các Đại biểu ngồi ở đấy nhưng cái hy vọng chính của họ là ở chiến trường.

Một tuần sau phiên khai mạc, Trưởng đoàn Mỹ đưa ra một giải pháp ba điểm: Hai bên cùng rút quân, bảo đảm quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam và thả tù binh - là vấn đề họ nhấn mạnh nhiều lần sau này - tố cáo phía Việt Nam vi phạm công ước Genève 1958 đối với bọn giặc lái bị bắt quả tang khi đang gây tội ác ở miền Bắc.

Phía Mỹ còn nói nhiều về việc ta vi phạm khu phi quân sự và đòi ta nói chuyện với Chính quyền Sài Gòn.

Về phía Việt Nam: từ tháng 11 năm 1968, Hà Nội đã vạch ra phương hướng mới là: Đẩy mạnh đấu tranh trên ba mặt trận quân sự chính trị, ngoại giao giành thắng lợi từng bước tiến lên giành thắng lợi quyết định và mở đường cho một giải pháp bảo đảm các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta mà đối phương có thể chấp nhận được.

Ngày 1 tháng 1 năm 1969, Nguyễn Duy Trinh lại thông báo cho đoàn Việt Nam ở Paris:

Tình hình ngày càng xác minh nhận định trước đây là đúng: chiều hướng của Mỹ là sớm chấm dứt chiến tranh. Nixon cũng phải theo chiều hướng đó. Nhưng Mỹ muốn rút trong danh dự. Nixon muốn đàm phán trên thế mạnh, rút quân Mỹ nhưng phải giữ được ngụy quân làm công cụ thi hành chính sách thực dân mới ở miền Nam Việt Nam.”

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM