Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 01:40:14 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris  (Đọc 197981 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #170 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2009, 08:38:29 pm »

Xuân Thuỷ hỏi lại vấn đề khu phi quân sự thì Harriman nói:

- Tổng thống chúng tôi muốn có một lời cam kết rõ ràng của các ông về vấn đề này, nhưng chúng tôi có cảm giác là các ông không muốn như vậy, vì vậy tôi không muốn nêu lại vấn đề này nữa.

Cả Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ đều nhận xét rằng đại sứ Harriman mới ở Washington sang cũng không đem đến điều gì mới cả. Harriman phản ứng ngay: "Không đúng tí nào”, rồi nhắc lại tầm quan trọng Mỹ đặt vào việc Chính quyền Sài Gòn tham gia.

Lê Đức Thọ lại phê phán Mỹ cố bám lấy Thiệu - Kỳ, những kẻ không bao giờ nhận nói chuyện với Mặt trận, không nhận lập Chính phủ liên hiệp thì không giải quyết được vấn đề.

Harriman không sa vào tranh luận vấn đề này mà nói:

- Nếu như Chính phủ Hoa Kỳ quyết định chấm dứt ném bom không điều kiện thì Hoa Kỳ có quyền được biết là cuộc nói chuyện nghiêm chỉnh có được tiến hành không? Hoa Kỳ hy vọng là phiên họp đầu tiên sau chấm dứt ném bom, khi vào bàn Hội nghị sẽ có đại diện Chính quyền Sài Gòn ở phía Mỹ. Nếu lúc đó phía Việt Nam từ chối không vào họp thì thành ra là một trò hề. Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có thể có đại diện của Mặt trận, điều đó là cần thiết cho sự tiến bộ.

Xuân Thuỷ lại phê phán:

- Đó là vấn đề có điều kiện, mà điều kiện lại cao hơn cho việc chấm dứt ném bom.

Lê Đức Thọ hỏi thêm:

- Đó có phải là điều kiện duy nhất không?.

Harriman không nói đó là điều kiện mà chỉ nêu lại là:

- Nếu thoả thuận được vấn đề đó thì đã đi được một bước xa để Tổng thống chúng tôi quyết định chấm dứt ném bom, và yêu cầu đoàn Việt Nam xin chỉ thị của Chính phủ.

Sau khi nghỉ giải lao, Trưởng đoàn Mỹ cho rằng hai bên gần đi tới thoả thuận, rằng ông ta rất mong Việt Nam cho biết bao giờ Việt Nam chấp nhận yêu cầu đó. Ông ta mong có trả lời sớm.

Một lần nữa ông ta bác bỏ điều phía Việt Nam nói rằng yêu cầu đó là có đi có lại ông ta cũng cho rằng Hoa Kỳ có quyền muốn để ai tham gia vào phía Mỹ đó là việc của Hoa Kỳ. Ông ta cho thái độ của phía Việt Nam là một hành động phủ quyết.

« Sửa lần cuối: 27 Tháng Chín, 2009, 08:28:19 pm gửi bởi macbupda » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #171 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2009, 08:38:54 pm »

Khi Xuân Thuỷ nói lại rằng đó là vấn đề có đi có lại cho việc chấm dứt ném bom thì vị đại sứ bảy mươi lăm tuổi của Hoa Kỳ không bình tĩnh được nữa. Ông nổi cáu, to tiếng:

- Tôi xin lỗi phải ngắt lời ông - Vì các ông nói là muốn có nói chuyện nghiêm chỉnh nên chúng tôi nói: muốn nói chuyện nghiêm chỉnh thì phải có đại diện Cộng hoà Việt Nam. Tại sao ông lại bác bỏ điều đó. Chính ông đã bác bỏ điều đó.

Xuân Thuỷ sẵng giọng:

- Tôi nói thẳng để ông biết, ngụy quyền Sài Gòn không phải là đại diện cho nhân dân Nam Việt Nam. Chúng tôi không thừa nhận bọn Thiệu - Kỳ, ông biết chưa?

Harriman:

- Ông xuyên tạc tất cả. Đây không phải là điều kiện. Nếu các ông muốn chiến tranh thì bom sẽ rơi trên đầu các ông.

Xuân Thuỷ:

- À! ông muốn ném bom trở lại miền Bắc ư? Chúng tôi sẵn sàng chống lại. Nhân dân chúng tôi đã quen chống lại bọn xâm lược rồi. Chúng tôi đã chiến đấu chống lại các ông hàng chục năm rồi. Ông định đưa chiến tranh ra doạ chúng tôi sao được.

Lê Đức Thọ cũng phê phán thêm.

Cuối cùng Harriman xin rút câu đó và thanh minh:

- Chúng tôi chỉ đề nghị các ông xin chỉ thị Chính phủ các ông. Chúng tôi muốn các ông hiểu ý định của chúng tôi và không phản đối. Tôi nói thành thật và điều đó là cần thiết.

Ông ta nhắc lại đề nghị đó. Lê Đức Thọ nói một câu bâng quơ:

- Không biết lúc nào có trả lời của Chính phủ chúng tôi.

Phiên sau Mỹ muốn họp sớm, nhưng chưa định ngày được vì còn chờ ý kiến của Hà Nội.

Qua cuộc họp này, rõ ràng Mỹ chỉ còn tập trung vào một vấn đề: sự tham gia của Chính quyền Sài Gòn vào giai đoạn hai. Họ muốn đi nhanh.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #172 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2009, 08:39:01 pm »

Trong phiên họp công khai thứ 23, ngày 25 tháng 9, Harriman lại đề cập đến vấn đề này. Ngày 2 tháng 10, cũng vào lúc uống trà, trong phiên 24, ông ta lại hỏi Xuân Thuỷ; Xuân Thuỷ nói:

- Chấm dứt ném bom đi đã sau đó sẽ bàn các vấn đề.

- Vấn đề thành phần mà các ông nêu ra muốn bàn đầu tiên cũng được.

Harriman:

- Mục 1 trong chương trình nghị sự?

Xuân Thuỷ: .

- Muốn thế cũng được

Harriman:

- Và ngay ngày hôm sau?

Xuân Thuỷ:

- Được chúng tôi vẫn giữ ý kiến cũ.

Trong phiên họp công khai thứ 25 - tức một tuần sau - Vance mới về Mỹ qua nói với Xuân Thuỷ rằng: việc để Chính quyền Sài Gòn tham gia sau chấm dứt ném bom là điều nhất thiết phải có, là điều tối cần thiết.

Ông nói:

- Mọi cuộc khủng hoảng đều được giải quyết bằng cách hai bên ngồi lại bàn bạc. Tình hình này tôi không thấy lý do gì lại khác thế.

Xuân Thuỷ nói rằng ở đây không đủ thời gian và hẹn một lúc khác

Harriman mừng rỡ:

- Tốt lắm.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Chín, 2009, 08:31:18 pm gửi bởi macbupda » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #173 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2009, 08:40:05 pm »

CHƯƠNG II.
CHẤM DỨT NÉM BOM: MẶC KỆ THIỆU!

Cuối tháng 9, hoạt động quân sự của ta ở miền Nam đã ngừng lại. Sau một thời gian dài liên tục tấn công vào đô thị - chỗ mạnh của địch trong điều kiện chúng đã bố phòng, lực lượng ta bị tiêu hao, bổ sung không kịp, tiếp tế khó khăn, phải rút về củng cố. Sự uy hiếp qua khu phi quân sự cũng không còn nữa. Hơn nữa, ta lại để vùng nông thôn sơ hở kéo dài. Địch liên tiếp phản kích, tăng cường bình định, làm cho vùng giải phóng bị thu hẹp. Rõ ràng phía Việt Nam không còn khả năng giành thắng lợi quyết định trong năm 1968 nữa. Chính lúc này Mỹ cho rằng “Hà Nội đã chuyển từ chiến trường sang bàn Hội nghị" (L.B.Jonhson. Ma vie de President. Edition Buchet/Chastel Paris, 1972, tr. 619.).

Mặt khác Hà Nội cũng cho rằng Mỹ không thể thắng ở Việt Nam được và phải đi vào con đường chấm dứt chiến tranh để giải quyết những vấn đề trong chiến lược toàn cầu của họ. Nhưng dù phải kết thúc chiến tranh, Mỹ phải bảo vệ quyền lợi của họ cũng như bảo vệ quyền lợi của bọn tay sai và giữ cho miền Nam Việt Nam vẫn trong phạm vi ảnh hưởng của Mỹ. Đó là điều thống nhất giữa các tập đoàn thống trị Mỹ, giữa Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ, giữa Humphrey và Nixon. Hà Nội cũng thấy rằng khả năng Humphrey trúng cử còn ít, mà Humphrey thất bại tức là Johnson thất bại, cho nên Johnson phải xuống thang thêm để giúp Humphrey trúng cử và để Johnson được tiếng là "Tổng thống vĩ đại của nước Mỹ".

Xuất phát từ thực tế chiến trường và nhận định trên, ngày 3 tháng 10, Nguyễn Duy Trinh điện cho đoàn đàm phán của ta ở Paris:

"Trong tình hình hiện nay phương hướng của ta là phải biết kéo Mỹ xuống thang để thắng họ, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị của ta. Ta cần lợi dụng đầy đủ chiều hướng chính sách của Mỹ, lợi dụng mâu thuẫn giữa các tập đoàn thống trị Mỹ, khéo vận dụng sách lược ép Chính quyền Johnson phải xuống thang thêm một bước quan trọng, chấm dứt đánh phá miền Bắc để có thể tìm lối thoát danh dự ra khỏi chiến tranh. ép được Mỹ thực hiện được bước xuống thang này là thắng lợi rất có ý nghĩa chiến lược của ta. Thời gian từ nay đến ngày bầu cử Tổng thống Mỹ là thời cơ thuận lợi để ta ép Mỹ xuống thang”.

Hà Nội chỉ cho Đoàn, 4 điểm đấu tranh trong nói chuyện với đối phương:

1. Phía Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và tuyên bố lên điều đó.

2 - Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chấm dứt bắn pháo qua khu phi quân sự, tôn trọng khu phi quân sự.

3 - Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cho rằng có thể họp một Hội nghị bốn bên để bàn về giải pháp chính trị cho vấn đề miền Nam Việt Nam, nhưng chính quyền Sài Gòn phải công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng, phải công nhận đường lối hoà bình trung lập, phải có thái độ tích cực đối với việc thành lập Chính phủ liên hiệp và phải có thiện chí.

4 - Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ tiếp tục bàn với Mỹ về những vấn đề mà mỗi bên đã hoặc sẽ nêu lên. Trong lập trường này có vấn đề về nguyên tắc, có vấn đề về sách lược, có vấn đề lâu dài có thể để lại giai đoạn hai của cuộc nói chuyện, có yêu cầu đúng mức nhưng cũng có đòi hỏi quá cao, và có điểm đã lạc hậu so với diễn biến của cuộc hoà đàm. Vì vậy theo đề nghị của đoàn ta ở Paris, ngày 8 tháng 10, Hà Nội đồng ý để đoàn tuỳ tình hình mà đưa ra, nếu có điều gì chưa cần thì có thể chưa đưa ra, nhưng khẳng định bốn điểm sách lược trên là đúng mức.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #174 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2009, 08:41:13 pm »

Hà Nội mở đường

Cuộc gặp riêng, ngày 11 tháng 10 diễn ra tại nhà riêng của đoàn Mỹ ở phố Touraine, thị trấn Sceaux. Đây là một nhà nhỏ, ở một nơi vắng vẻ yên tĩnh, khách có thể từ trên ô tô bước xuống là vào thẳng trong nhà không ai trông thấy. Chỉ có một điều là không có buồng riêng nên lúc giải lao cũng như lúc hội đàm đều ở cả trong một phòng.

Bắt đầu cuộc gặp gỡ, hai bên trao đổi qua về bài diễn văn hôm qua của Tổng thống Johnson vận động tranh cử cho Humphrey. Sau đó Cố vấn Lê Đức Thọ đi vào thực chất của vấn đề:

- Bây giờ tôi muốn hỏi hai câu:

1- Có phải các ông yêu cầu cho Chính quyền Sài Gòn là một bên tham gia đàm phán và sau khi các ông đã biết rõ trả lời của chúng tôi đối với yêu cầu này thì các ông có chấm dứt ném bom không?

2- Có phải các ông biết trước được như vậy thì như thế chỉ để có lý do để chấm dứt ném bom chứ không phải là điều kiện có đi có lại cho việc chấm dứt ném bom?

Phía Mỹ cảm thấy có điều gì mới rất quan trọng mà họ chờ đợi từ lâu nên yêu cầu nhắc lại. Nghe xong, Harriman không giấu nổi sự vui mừng hiện trên nét mặt ông, nhưng nhường lời cho C Vance trả lời vì ông này vừa về Washington và đã gặp ông chủ Nhà Trắng. C.Vance trả lời câu thứ hai trước, khẳng định rằng đây không phải là điều kiện, không phải yêu cầu có đi có lại mà chỉ là định nghĩa chữ "nói chuyện nghiêm chỉnh" thôi.

Harriman quay lại hỏi Phó đoàn của mình:

- Ông đã được xác định điều này ở Washington chưa?

C.Vance trả lời xác nhận rồi và tiếp:

- Còn về câu hỏi một, chúng tôi phải báo cáo về cho Tổng thống và Chính phủ chúng tôi.

Rồi ông ta nhắc lại lần nữa rằng Hoa Kỳ không coi việc Chính quyền Sài Gòn tham gia đàm phán là điều kiện để chấm dứt ném bom, mà chỉ là để mô tả tình hình làm cho cuộc nói chuyện nghiêm chỉnh có thể tiến hành được và làm cho việc chấm dứt ném bom có thể tiếp tục được.

Cả Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ đều ghi nhận lời tuyên bố trên của Mỹ về chấm dứt ném bom không điều kiện. Ông Thọ nói thêm: 

- Nhưng chúng tôi muốn biết là giả sử như chúng tôi tán thành cho Chính quyền Sài Gòn là một bên tham gia đàm phán nhưng rồi các ông không chấm dứt ném bom thì sao? Ví dụ chúng tôi đồng ý thì các ông có chấm dứt ném bom không?

Harriman:

- Tôi chưa được phép trả lời câu đó ... Tôi cũng công nhận quan điểm của các ông là không có nói chuyện nghiêm chỉnh nếu không chấm dứt ném bom.

Cuộc gặp kéo dài độ một tiếng đồng hồ, Harriman cho rằng lời tuyên bố của ông Thọ là rất bổ ích và đưa món trứng cá ra mời khách nói rằng món này là của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Côxưghin tặng ông.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #175 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2009, 08:42:44 pm »

Một chỉ thị quá khó khăn với Lê Đức Thọ

Suốt buổi chiều hôm đó và cả ngày hôm sau, tất cả các cán bộ trong đoàn đàm phán của ta ở Paris đều phải làm việc vất vả, nhưng tỏ ra vui vẻ thoải mái hơn mọi ngày. Ai cũng thấy rằng triển vọng đàm phán trong giai đoạn đầu đã rõ ràng và rất hứa hẹn. Tuy phía ta chỉ nêu ra câu hỏi, mới dùng các ngôn từ giả sử... ví dụ ... nhưng không riêng gì phía Mỹ và tất cả mọi người ngồi nghe đều thấy rõ là phía ta đã chấp nhận yêu cầu của đối phương. Vấn đề còn lại là thảo luận việc Mỹ chấm dứt ném bom vào lúc nào, Hội nghị bốn bên họp lúc nào và các thể thức liên quan đến vấn đề này.

Bỗng chiều 13 tháng 10, Cố vấn Lê Đức Thọ nhận được chỉ thị của Hà Nội với nội dung:

1- Nếu Mỹ chấm dứt ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì Việt Nam đồng ý họp Hội nghị bốn bên, nhưng Mỹ phải nói chuyện với Mặt trận và Chính quyền Sài Gòn phải thay đổi chính sách. Như vậy mới có Hội nghị bốn bên được. Vì vấn đề xâm lược và chống xâm lược ở miền Nam trước hết là giữa Mỹ và Mặt trận. Mỹ phải nói chuyện với Mặt trận và Mặt trận đồng ý họp Hội nghị thì mới có Hội nghị bốn bên được.

2 - Thời gian họp Hội nghị bốn bên phụ thuộc vào việc Mỹ bàn với Mặt trận. 

Đoàn Hà Nội chưa nên bàn với Mỹ về thời gian
”.

Nhận được chỉ thị, Lê Đức Thọ suy nghĩ rất nhiều. Ông đi đi lại lại trong phòng. Bộ trưởng Xuân Thuỷ và các thành viên trong đoàn từ buổi chiều đã họp để thảo luận việc thi hành chỉ thị này. Đòi Mỹ nói chuyện với Mặt trận, đòi Chính quyền Sài Gòn phải thay đổi chính sách trước khi họp Hội nghị bốn bên là quá cao, không thực hiện được... và có nguy cơ làm tan vỡ Hội nghị. Nhiều người nêu lên câu hỏi: Không hiểu ở nhà căn cứ vào yếu tố nào mà đề ra chủ trương đó. Ta cần đề cao vai trò và vị trí của Mặt trận, nhưng trong điều kiện còn trên nửa triệu quân Mỹ cùng với bảy trăm nghìn quân Nguỵ và hệ thống Chính quyền địch kiểm soát phần lớn miền Nam thì chủ trương đó rõ ràng không phản ánh tương quan lực lượng trên chiến trường. Ngay cả nguỵ quyền Sài Gòn cũng không chịu nói chuyện với Mặt trận nữa là Mỹ! Đòi Mỹ nói chuyện với Mặt trận như một điều kiện không có không được, rõ ràng là không thực tế. Và cứ theo chỉ thị trên thì sẽ không lợi dụng được thời cơ như chỉ thị trước, mà còn dồn đối phương vào đường cùng có thể chúng phải liều lĩnh.

Suốt trong đêm đó đoàn họp rất căng thẳng. Tất cả anh em đều rất băn khoăn... Làm thế nào... thời gian không còn bao lâu nữa. Nhiều ý kiến đề xuất cách giải quyết. Cần báo cáo hoả tốc về Hà Nội vì rõ ràng Hà Nội chưa có đủ thông tin. Nhưng làm sao có thể nói hết được tình hình. Ông đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này. Và cuối cùng, Lê Đức Thọ đã quyết định về ngay Hà Nội. Còn kịp!

Tất cả anh em được huy động để thu xếp cho ông về gấp. Sứ quán Việt Nam ở Matxcơva và Bắc Kinh được điện tìm cách dành chỗ cho Lê Đức Thọ vào chuyến máy bay gần nhất.

Sáng 14 ông Thọ cấp tốc rời Paris. Tới Bắc Kinh, đã có một chuyên cơ chờ ông. Ngày 16 đã về tới Hà Nội. Đó là chuyến đi nhanh nhất của Cố vấn Lê Đức Thọ từ Paris về Hà Nội suốt trong thời gian đàm phán ở Paris.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #176 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2009, 08:45:47 pm »

Ngày chấm dứt ném bom và ngày bắt đầu nói chuyện

Tối 15 tháng 10, hai đoàn Việt Nam và Mỹ lại gặp riêng ở đường Touraine. Thấy vắng Lê Đức Thọ, Harriman hỏi:

- Hình như hôm nay ông Thọ đi gặp ông Côxưghin?

Xuân Thuỷ trả lời: 

- Phải

Harriman đọc chỉ thị của Washington để trả lời cho phía Việt Nam:

"Quan điểm của chúng tôi là việc chấm dứt ném bom không điều kiện sẽ chỉ được thực hiện và duy trì khi có các "cuộc nói chuyện nghiêm chỉnh" và “hoàn cảnh" cần phải được duy trì cùng với cuộc nói chuyện nghiêm chỉnh. Câu trả lời của chúng tôi nêu ra là tuỳ thuộc vào trả lời của các ông về vấn đề đại diện đó. Chúng tôi sẵn sàng ra lệnh chấm dứt ném bom và mọi hành động khác liên quan đến việc dùng vũ lực trên toàn lãnh thổ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nếu các ông đồng ý bắt đầu cuộc nói chuyện nghiêm chỉnh ngày hôm sau, sau khi Hoa Kỳ chấm dứt ném bom và trong những cuộc thảo luận đó, đại diện Chính phủ Việt Nam Cộng hoà sẽ tham gia bên phía chúng tôi”.

Tuyên bố này còn được bổ sung bằng một đoạn viết tay như

Nếu các ông trả lời đồng ý về việc tham gia của đại diện của Chính phủ Nam Việt Nam thì chúng tôi có thể nói với ông rằng lệnh chấm dứt ném bom sẽ được ban hành một, hai ngày sau đó. Chúng tôi sẽ liên hệ để nói cho ông biết thời giở chính xác. Chúng tôi hy vọng là chiều mai (15 tháng 10)”.

Sau khi nhắc lại rằng hôm trước Hoa Kỳ đã tuyên bố việc chấm dứt ném bom là không có đi có lại, Xuân Thuỷ cũng đọc một tuyên bố viết sẵn:

Nếu Hoa Kỳ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì sau khi Hoa Kỳ làm việc đó chúng tôi đồng ý sẽ có đàm phán bốn bên, trong đó có đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đại diện Chính phủ Hoa Kỳ, đại diện Chính quyền Sài Gòn, để bàn một giải pháp chính trị cho vấn đề miền Nam Việt Nam".

Bộ trưởng nhấn mạnh thêm:

"Hoa Kỳ phải nói chuyện với Mặt trận, và Chính quyền Sài Gòn phải thay đổi chính sách, phải tỏ ra thực sự muốn hoà bình, công nhận Mặt trận, công nhận miền Nam trung lập, nhận lập Chính phủ liên hiệp".

Cách nêu của Xuân Thuỷ cho thấy đây không phải là một điều kiện, mà chỉ là một yêu cầu.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #177 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2009, 08:46:20 pm »

Im lặng một phút. Harriman từ vui vẻ tỏ ra lưỡng lự. Ông ấy cho rằng phía Việt Nam đưa ra điều kiện mới là đòi họp bốn bên. Hai bên tranh luận về vấn đề này. Xuân Thuỷ nói có đại diện bốn bên thì gọi là Hội nghị bốn bên. Còn Harriman thì vẫn giữ ý kiến là họp hai bên, phía Mỹ có đại diện Chính quyền Sài Gòn, phía Việt Nam cho Mặt trận tham gia. Và điều đó sẽ xảy ra ngay hôm sau khi chấm dứt ném bom.

Xuân Thuỷ lại hỏi:

- Bao giờ các ông chấm dứt ném bom, ngày mai hay ngày kia?

Harriman:

- Tôi chưa thể bảo đảm chính xác được. Có thể là khoảng hai mươi tư giờ tới.

Về ngày họp, Harriman đòi họp ngay hôm sau vì ông cho việc đó sẽ gây ấn tượng sâu sắc với Johnson. Ở đây có một sự hiểu lầm của Mỹ về một tuyên bố của Xuân Thuỷ trước đây nói rằng: ngay sau khi chấm dứt ném bom thì Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ bàn các vấn đề có liên quan chứ không phải là họp ngay Hội nghị bốn bên. Sau khi nhắc lại như vậy, Xuân Thuỷ cho rằng việc Mỹ đòi họp Hội nghị bốn bên ngay hôm sau là một điều kiện mới.

Sự hiểu lầm này cũng nhanh chóng được giải quyết. Mỹ muốn biết thời gian nào họp Hội nghị mở rộng. Theo Harriman thì càng nhanh càng tốt, và trong buổi đầu, hai thành viên mới này chưa cần có một đoàn Đại biểu đầy đủ mà mỗi bên có một người đại diện cũng được. Chính quyền Sài Gòn đã có đại sứ ở Paris, còn Mặt trận nếu đại diện (phòng thông tin - Tác giả) ở Paris không đủ thẩm quyền thì đã có đại sứ ở một số nước châu Âu có thể đến ngay Paris được và như vậy là đủ rồi, là đã tượng trưng cho sự tiến bộ rồi. Ông tin là đại diện Chính quyền Sài Gòn sẽ đến họp Hội nghị mở rộng một cách nhanh chóng.

Còn phía Việt Nam thì đòi Mỹ cho biết ngày chấm dứt ném bom. Đoàn cần phải báo cáo về Hà Nội để Hà Nội liên hệ với Mặt trận. Phía Việt Nam cần có thời gian, nhưng cũng cho Mỹ biết là yêu cầu của họ sẽ được đáp ứng. Cuộc thảo luận về khoảng cách và tên gọi của hai việc chấm dứt ném bom và Hội nghị mở rộng, không giải quyết được. Hai bên thống nhất sẽ xin chỉ thị của Chính phủ mình.

Hôm sau, trong giờ giải lao phiên họp công khai thứ 26, Harriman trao cho Việt Nam trả lời, trong đó có đoạn:

Khi nào ngài cho chúng tôi biết ngày có thể bắt đầu cuộc nói chuyện với sự có mặt của Chính phủ Việt Nam (tức Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) và của Mặt trận Dân tộc Giải phóng thì chúng tôi sẽ chấm dứt ném bom hôm trước ngày đó”.

Ông nhắc lại rằng Hoa Kỳ thấy không nên để chậm và yêu cầu họp càng sớm càng tốt với đại diện tạm thời của Chính quyền Sài Gòn và Mặt trận cũng được.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #178 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2009, 08:46:28 pm »

Tối hôm sau, 17 tháng 10, trong một cuộc họp ngắn tại nhà riêng đoàn Mỹ, vẫn ở phố Touraine, Harriman nói rằng ông ta đã giải thích lại sự hiểu lầm vừa qua cho Washington, thì bây giờ ngày họp chính xác sau khi chấm dứt ném bom cũng không cứng nhắc như đã nói... “Nếu như các ông cho tôi biết ngày nhất định của cuộc họp sau khi chấm dứt ném bom thì Tổng thống chúng tôi sẽ cho lệnh chấm dứt ném bom hai, ba ngày trước đó”.

Xuân Thuỷ hứa báo cáo ngay về Hà Nội.

Trở lại việc Lê Đức Thọ về Hà Nội. Trong các ngày 17, 18 và 19 tháng 10, các nhà lãnh đạo ở Hà Nội đã liên tục họp để nghe báo cáo và bàn bạc về tình hình đàm phán. Và chỉ thị gửi cho đoàn ở Paris ngày 20 tháng 10 như sau:

1 - Tranh thủ buộc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc. Nếu Mỹ chịu chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác thì sẽ họp Hội nghị bốn bên, đối với các hành động chiến tranh khác gồm hoạt động liên quan đến việc dùng vũ lực, trinh sát, rải truyền đơn, thả hàng tâm lý chiến... nếu Mỹ chưa chịu thì sau này sẽ tiếp tục đấu tranh.

2 - Vấn đề đòi Mỹ nói chuyện với Mặt trận và đòi Sài Gòn thay đổi chính sách không phải là điều kiện bắt buộc Mỹ phải chấp nhận trước, sau này vào Hội nghị bốn bên ta sẽ tiếp tục đấu tranh.

3 - Về thời gian triệu tập Hội nghị trù bị bốn bên, ta chủ trương từ bảy đến mười ngày, nhưng khi ra đàm phán cần đi từng bước để Mỹ khỏi hiểu là ta chấp nhận dễ dàng. Có thể lúc đầu nêu càng sớm càng tốt, sau nêu mười lăm ngày, cuối cùng mới đưa ra thời gian nói trên.

4 - Về hình thức thoả thuận, dự kiến hai khả năng:

- Cố gắng đấu tranh để hai bên ra một thông cáo chung.

- Nếu Mỹ không chịu, ta ra tuyên bố riêng
".
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #179 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2009, 08:49:08 pm »

Ngày 26 tháng 10: cởi nút

Ngày 21 tháng 10, tại một địa điểm mới, nhà riêng của đoàn ta ở Le Vesinet, ngoại ô Paris, Xuân Thuỷ báo cho Harriman biết;

Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sau khi đã trao đổi ý kiến với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng đồng ý rằng sau khi Hoa Kỳ chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ có cuộc Hội nghị bốn bên gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hoà, nhằm tìm một giải pháp chính trị đúng đắn cho vấn đề Việt Nam trên cơ sở tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam. Muốn cho Hội nghị đó tiến hành được tốt, đại diện bốn bên cần họp trù bị càng sớm càng tốt".

Bộ trưởng cũng đưa ra một dự thảo thông cáo chung về sự thoả thuận giữa hai bên trong vấn đề này. Một phút im lặng rồi đoàn Mỹ xin nghỉ mười phút. Trở lại phòng họp, Harriman trịnh trọng nói với một giọng không vui:

- “Ông (Xuân Thuỷ) đã nêu lên một số vấn đề trong những ngày muộn mằn như thế này và chỗ đó là một điều không khôn ngoan”.

Cuộc tranh luận kéo dài gần bốn tiếng đồng hồ chung quanh các vấn đề:

Chấm dứt ném bom: Mỹ nhắc lại rằng việc chấm dứt đó là không có điều kiện (Without condition), còn ta nói là việc chấm dứt là không điều kiện (unconditionau).

Phía Mỹ và cả phiên dịch của ta cũng nói là hai chữ đó nghĩa giống nhau - nhưng Mỹ vẫn giữ ý của họ.

Về tên gọi Hội nghị mở rộng: Phía Mỹ vẫn nói rằng đó vẫn là Hội nghị hai phía, phía chúng tôi và phía các ông. Phía Mỹ có hai đoàn Đại biểu, một của Mỹ, một của Chính quyền Nam Việt Nam, nhưng Nam Việt Nam không phải là một bộ phận của đoàn Mỹ. Còn phía Việt Nam tổ chức thế nào là tùy Việt Nam.

Xuân Thuỷ nói:

- Chúng ta cứ gọi theo thực tế. Có bốn đoàn thì gọi là Hội nghị bốn đoàn. Phía Mỹ không phản đối nhưng cũng không thoả thuận. Rốt cục, Mỹ nói theo cách Mỹ, Việt Nam nói theo cách Việt Nam. 

Về ngày họp: Lúc đầu Xuân Thuỷ nói chưa định ngày cụ thế được còn chờ ý kiến Mặt trận, sau nói ít nhất vài tuần sau khi chấm dứt ném bom. Harriman muốn biết ngày cụ thể cho phiên họp đầu tiên. Ông lại đề nghị mời đại diện Mặt trận ở châu Âu sang để có thể bắt đầu sớm, hai hoặc ba ngày sau chấm dứt ném bom. Mỹ không muốn có họp trù bị như ta đề nghị mà đi ngay vào bàn các vấn đề thực chất.

Về thông cáo chung: Xuân Thuỷ nói rằng để tránh những cách hiểu khác nhau nên cần có thông cáo chung và thủ tục quốc tế cũng vậy. Phía Mỹ không đồng ý vì như vậy sẽ mất thời gian bàn cãi về câu chữ. Harriman nêu ra bốn hình thức để suy nghĩ:

- Mỗi bên cứ hành động theo như mình hiểu. 

- Hai là ra thông cáo chung. 

- Ba là mỗi bên cho bên kia xem nội dung những điều mà mình sẽ công bố

- Bốn là sẽ có một biên bản mà hai bên đều thoả thuận nhưng không công bố.

Phía Mỹ ngả về cách cuối cùng này.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM