Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:52:15 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris  (Đọc 197686 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #160 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2009, 10:44:26 am »

Giữa tháng 7, hai đại sứ gặp nhau lại. Ông C.Vance cũng đọc trong một tờ giấy chuẩn bị sẵn:

"Hoa Kỳ sẵn sàng chấm dứt ném bom vào một ngày cụ thể không có hành động có đi có lại, nếu chúng ta có thể có hiểu biết về những hành động chung sau khi Hoa Kỳ chấm dứt ném bom".

Tiếp đó ông trình bày một kế hoạch hai giai đoạn cách nhau độ một tháng - khoảng cách càng ngắn càng tốt. Ông nói:

Trước khi chấm dứt ném bom Hoa Kỳ cần biết rõ những điều gì sẽ xảy ra ở giai đoạn hai - nghĩa là những biện pháp thích hợp cho cả hai bên.

Rồi ông vẽ một sơ đồ trên giấy, tóm tắt như sau:

Giai đoạn 1: Hoa Kỳ chấm dứt những cuộc ném bom bắn phá bằng không quân, hải quân và pháo binh chống Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cùng tất cả các hành động liên quan đến việc dùng vũ lực ở trên và trong Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trước đó hai bên sẽ thảo luận về những vấn đề liên quan mà mỗi bên sẽ thực hiện sau khi chấm dứt ném bom.

Giai đoạn 2: Hai bên sẽ thực hiện:

1. Khôi phục khu phi quân sự theo qui chế đề ra năm 1954 (không có nhân viên quân sự hay thiết bị quân sự để bên trong hay vận chuyển qua khu này, mời ủy ban quốc tế trở lại và mở rộng hoạt động để giám sát việc thực hiện, không bắn pháo qua khu phi quân sự, không tập trung lực lượng trong khu này).

2- Không tăng thêm lực lượng của Hoa Kỳ cũng như của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà quá mức hiện có sau khi chấm dứt ném bom.

3- Bắt đầu thảo luận những vấn đề về thực chất. Hoa Kỳ cũng như Việt Nam có thể nêu bất cứ vấn đề gì liên quan đến giải pháp hoà bình.

Trong cuộc thảo luận đó phía Hoa Kỳ sẽ gồm có đại điện của Việt Nam Cộng hoà. Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có thể có bất kỳ đại diện nào mà phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà muốn mời tham dự.

4- Hoa Kỳ sẵn sàng xét các vấn đề tương tự mà phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có thể nêu ra.

Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ không có tấn công không phân biệt vào Sài Gòn - Đà Nẵng - Huế.

Ý  kiến Mỹ đưa ra chỉ thêm một vài điểm mới về hình thức và danh từ như đề ra giai đoạn 1, giai đoạn 2, dùng chữ "biện pháp" thay chữ “hoàn cảnh", còn thực chất vẫn đặt điều kiện cho việc chấm dứt ném bom.

Hà Văn Lâu:

- Nếu thảo luận vấn đề của giai đoạn 2 mà không thoả thuận được thì Hoa Kỳ có chấm dứt ném bom không?

C Vance không trả lời "Không chấm dứt" như lần trước, mà nói:

- Cứ thảo luận đi, biết đâu là có thể thoả thuận được. Thảo luận trước có mất gì?
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #161 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2009, 10:45:06 am »

Đầu tháng 8, trước khi về Mỹ, C.Vance lại yêu cầu gặp Hà Văn Lâu. Trong cuộc họp hôm 4 tháng 8 có lẽ ông ta muốn tìm hiểu ý đồ Việt Nam để giúp cho Washington lượng định bước đi trong những tháng tới, lúc cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang đến gần. Lần này ông giải thích nhiều về các biện pháp ở giai đoạn 2 mà lần trước ông nói chưa đủ liều, và nhắc lại đề nghị của Mỹ đưa ra không có vấn đề có đi có lại.

Ngày 19 tháng 8, Hà Văn Lâu và Cyrus Vance lại gặp nhau. Hà Văn Lâu muốn nghe xem người đối thoại của mình sau khi đã gặp các nhân vật cấp cao ở Washington - và các ứng cử viên hai đảng: Dân chủ (H.Humphrey) và Cộng hoà (R.Nixon) - có mang theo gì mới đến Paris không?

Là con người cẩn thận, C.Vance lại đọc một bài chuẩn bị sẵn, đại ý nói rằng: Hoa Kỳ đã xem lại các cuộc gặp trước, và đi đến kết luận rằng "chưa có hiểu nhau về khía cạnh" đề nghị của Hoa Kỳ. Đó là vấn đề tham dự thêm sẽ trở nên cần thiết nếu có đàm phán nghiêm chỉnh sau khi chấm dứt ném bom. Hoa Kỳ cho rằng đàm phán nghiêm chỉnh cần có sự tham gia của đại diện của Việt Nam Cộng hòa. Điều thiết yếu là phải có sự tham gia đó nếu muốn có đàm phán nghiêm chỉnh về tương lai của Nam Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ Hoa Kỳ không đòi Chính phủ ngài công nhận Việt Nam Cộng hoà là Chính phủ chân chính... Đây là tham gia chứ không phải công nhận... cũng như Hoa Kỳ không công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng nhưng đồng ý sự tham gia của hai bên này... Hoa Kỳ thấy sự tham gia này là sự cần thiết đối với cuộc nói chuyện nghiêm chỉnh.

Ông ta than phiền về tình trạng "nghẽn đường" hiện nay và nói có vẻ thành thật rằng ông ta rất bối rối - có phải Việt Nam không tán thành cho đại diện của Nam Việt Nam vào cuộc đàm phán không? Không biết ông hiểu lập trường của Việt Nam như thế có đúng không? ông ta nhấn mạnh đến mối quan tâm và tìm kiếm của Johnson là cái gì sẽ xảy ra ở chiến trường sau khi chấm dứt ném bom, và chờ đợi một lời nói trực tiếp hay gián tiếp việc gì sẽ xảy ra.

Hà Văn Lâu:

- Chúng tôi đã nói rõ lập trường của phía Việt Nam là Hoa Kỳ hãy chấm dứt ném bom đi thì hai bên sẽ đề cập đến mọi vấn đề liên quan đến giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam.

Nguyễn Minh Vỹ:

- Chấm dứt ném bom rồi sẽ có nói chuyện, nhất định sẽ có nói chuyện.

Qua mấy cuộc gặp này, Hà Nội thấy rõ Washington lúc đầu đặt vấn đề một cách toàn diện - cả ở miền Nam lẫn miền Bắc, ở Việt Nam và Lào, Campuchia, nay tập trung vào một vấn đề chấm dứt ném bom miền Bắc. Đó là điều tất yếu nếu muốn giải quyết hoà bình vấn đề miền Nam. Họ nêu ra nhiều điều kiện cho việc chấm dứt ném bom. Nhưng chúng ta cũng thấy Hoa Kỳ muốn có cuộc nói chuyện mở rộng ở giai đoạn hai. Họ chấp nhận trước việc tham gia của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tuy nêu rõ: không có nghĩa là công nhận, và muốn Chính quyền Sài Gòn tham gia như Mặt trận Dân tộc Giải phóng.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Chín, 2009, 08:26:11 pm gửi bởi macbupda » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #162 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2009, 10:45:49 am »

Cấp Trưởng đoàn: Đi vào thực chất

Ngày 21 tháng 8 năm 1968, phiên họp lần thứ 18 tại hội trường Kléber. Hai đoàn đang nghỉ uống cà phê. Harriman gợi ý gặp riêng Cố vấn Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thuỷ.

Lê Đức Thọ vui vẻ nhận lời.

Để hiểu yêu cầu của Harriman, cần nhìn lại tình hình chung cuộc chiến tranh Việt Nam và tình hình cuộc tranh cử Tổng thống ở Mỹ.

Sau đợt hai của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tháng 5 không đạt kết quả lắm, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tiến hành đợt ba Tổng tiến công với nhận thức rằng tổng tiến công và tổng khởi nghĩa là một quá trình tiến công liên tục, đợt này đến đợt khác để thực hiện quyết tâm đánh thắng quân Mỹ trong mọi tình huống. Chiến trường trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định và miền Đông Nam Bộ. Nhưng chẳng những ta không thực hiện được ý đồ chiến lược tiến công vào Sài Gòn và một số thị xã khác thuộc các tỉnh đồng bằng Khu V, Tây Nguyên, Nam Bộ, mà thương vong lại tăng lên. Sức ép quân sự của ta không đủ mạnh để tạo điều kiện cho quần chúng nông thôn nổi dậy tổng khởi nghĩa như đã định (Viện Lịch sử, Bộ Quốc phòng. “Lịch sử kháng chiến chống Mỹ. Tập 1. Nhà Xuất bản Sự Thật, Hà Nội 1990. tr. 307. (Sau đây sẽ gọi: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ).).

Ở Mỹ, người ta hiểu rằng kế hoạch chiến lược giành thắng lợi để chuẩn bị năm bầu cử 1968 đã thất bại, các cuộc vận động ngoại giao trên cơ sở các công thức Baltimore, San Antonio kết hợp với các cuộc ngừng ném bom cũng đã thất bại.

Trên chiến trường Việt Nam, quân Mỹ đã phải từ bỏ chiến lược phản công, chuyển hẳn sang chiến lược phòng ngự, từ bỏ biện pháp chiến lược "tìm và diệt" chủ lực của Mặt trận Dân tộc Giải phóng chuyển sang chủ trương "quét và giữ”, "phi Mỹ hoá" chiến tranh. Trong cuộc tranh cử Tổng thống, ứng cử viên của Đảng Cộng hoà, và H.Humphrey, đương kim Phó Tổng thống, ứng cử viên của Đảng Dân chủ, vận động với một chương trình cơ bản giống nhau. Cương lĩnh đảng Dân chủ nhấn mạnh việc chấm dứt ném bom Bắc Việt Nam với điều kiện Hà Nội đáp ứng. Đảng Cộng hoà không đi vào nhưng vấn đề cụ thể nhưng phê phán việc đưa quân Mỹ vào Đông Nam Á là một sai lầm. Humphrey vẫn cứ gắn với Tổng thống chiến bại, còn Nixon nhấn mạnh phải có lãnh đạo mới có khả năng suy nghĩ và hành động theo kiểu mới.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy uy tín của Humphrrey ngày càng sút kém so với uy tín của Nixon. Khi Johnson chấp nhận công thức hoà bình của Dean Rusk - ngừng ném bom Bắc Việt trên thực tế, không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì - ông ta đã tính đến việc kết hợp hoạt động quân sự ở Việt Nam với việc thương lượng, khi ông ta thấy cần tạo thêm điều kiện giành thắng lợi trong bầu cử trong khi không giành được thắng lợi quân sự, Johnson đã nghĩ đến tận dụng cuộc gặp gỡ ở Paris để tạo thuận lợi cho Humphrey.

Hà Nội không phải chỉ là những nhà chiến lược quân sự, mà trước hết còn là những nhà chiến lược chính trị, nên đã nắm bắt đúng lúc vị trí của vấn đề Việt Nam trong cuộc tranh cử Tổng thống ở Mỹ. Đầu tháng 8 năm 1968, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam quyết định: "Nếu Mỹ muốn giải quyết vấn đề Việt Nam theo lập trường tối thiểu của ta trước khi ta giành thắng lợi quyết định thì ta không để lỡ thời cơ”

Mọi việc nay càng rõ khi Harriman chủ động đề nghị có cuộc gặp với Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ. Ở đây, một con én có thể làm nên mùa xuân.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #163 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2009, 10:47:27 am »

Cuộc gặp thứ nhất

Ngày gặp: Mồng 8 tháng 9 năm 1968. Về địa điểm, lúc đầu đoàn Mỹ đề nghị một biệt thự nhỏ, hẻo lánh ở phố Boileau, sau họ nhận họp tại nhà riêng của đoàn Việt Nam ở Vitry-sur-seine.  

Phía Việt Nam, ngoài các ông Lê Đức Thọ và Xuân Thuỷ, có Hà Văn Lâu và phiên dịch Nguyễn Đình Phương. Phía Mỹ, ngoài Harriman có Vance, Phihppe Habib.

Sau những câu chuyện xã giao giáo đầu, Harriman vào đề trước.

Ông ta nói nhiệm vụ của người đàm phán là tìm cách vượt qua khó khăn để đạt được thoả thuận và có cảm giác rằng những ý kiến của hai bên khác nhau là về hình thức hơn là về thực chất. Ví dụ hai bên cùng tán thành về vấn đề cơ bản là Hoa Kỳ chấm dứt ném bom rồi chuyển sang nói chuyện nghiêm chỉnh để tiến tới một giải pháp hoà bình. Hiện nay chỉ còn khác nhau ở chỗ thực hiện việc chấm dứt ném bom trong "hoàn cảnh" như thế nào, còn khác nhau ở cách hiểu chữ "nghiêm chỉnh" trong câu "nói chuyện nghiêm chỉnh".

Rồi ông ta nhắc lại, quan tâm lớn nhất của Tổng thống Johnson là cái gì sẽ xảy ra ở khu phi quân sự. Vấn đề "nói chuyện nghiêm chỉnh" là phải có đại diện của Chính phủ Sài Gòn, và cũng với tinh thần đó Việt Nam sẽ có đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng hoặc người nào khác tuỳ phía Việt Nam. Ông ta cũng nói không phản đối nói chuyện tay đôi về tương lai của hai nước, các vấn đề lợi ích lớn hiện nay và tương lai của Bắc Việt Nam.

Bộ trưởng Xuân Thuỷ nhắc lại rằng thái độ của Việt Nam lúc nào cũng nghiêm chỉnh - ở Kléber hay trong gặp riêng - Bộ trưởng cũng xác nhận những tuyên bố của Hà Văn Lâu với Vance trong các cuộc gặp trước đây là quan điểm của Đoàn và Chính phủ Việt Nam. Tiếp đó Xuân Thuỷ nhường lời cho Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ.

Lê Đức Thọ:

- “Hôm này tôi chưa đi vào cụ thể. Tôi chỉ phát biểu một số ý kiến tổng quát về tình hình thực tế của cuộc chiến tranh xâm lược mà các ông đã tiến hành chống lại đất nước chúng tôi, vì... có hiểu đúng và đánh giá đúng tình hình thực tế mới tìm ra được giải pháp đúng...”.

« Sửa lần cuối: 27 Tháng Chín, 2009, 08:26:58 pm gửi bởi macbupda » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #164 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2009, 10:47:34 am »

Trước hết ông nói về qui mô chiến tranh, một cuộc chiến tranh lớn nhất, tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ông đem số dân miền Nam so sánh với số lượng quân Mỹ, số bom đạn Mỹ đã dùng, ngân sách Mỹ đã chi tiêu, thương vong của Mỹ, thất bại của Mỹ từ lúc ủng hộ Ngô Đình Diệm, đến chiến tranh đặc biệt và sau hai mùa khô vừa qua ... chỗ yếu của Mỹ và thế thua chắc chắn của Mỹ v.v. Sau đoạn tổng quát ngắn gọn - cũng mười trang đánh máy dày đặc, dài gần một giờ đồng hồ. Xuân Thuỷ thấy không khí có phần nặng nề bèn đề nghị tạm nghỉ.

Harriman vui lòng ngay:

- Bởi vì tôi đã có nhiều cái nhét vào trong đầu quá.

Trước khi nghỉ, ông Thọ còn nói:  

- Các ông phải đọc cho kỹ và hiểu cho kỹ những điều tôi nói để thấy rõ tình hình thực tế.

Gần nửa giờ nghỉ qua, mọi người trở lại phòng họp. Cố vấn Lê Đức Thọ lại nói về miền Bắc Việt Nam, về âm mưu và thất bại của Mỹ ở chiến trường Việt Nam, về ngân sách hao hụt, cán cân thanh toán mất thăng bằng, chảy máu vàng, nhân dân phản đối, binh lính chán ghét chiến tranh, cô lập trên thế giới, v.v... Ông không quên trích dẫn những nhận xét của nhiều chính khách Anh, Pháp, để chứng minh thất bại của Mỹ (tất cả thêm bốn trang đánh máy nữa). Cuối cùng ông nói:

- “Nếu Mỹ thật sự có thiện chí để giải quyết vấn đề Việt Nam thì phía Việt Nam cũng sẵn sàng cùng Mỹ giải quyết. Nếu Mỹ cứ tiếp tục theo đuổi chính sách thực dân mới thì sẽ không giải quyết được và trách nhiệm thuộc về Mỹ".  

Harriman bình tĩnh lắng nghe - không phải không sốt ruột và có lúc ông Thọ tạm dừng, bèn hỏi:

- Tôi sẽ đợi ông nói hết phần thứ hai rồi mới bình luận hay sao?

- Được để tôi nói hết rồi ông hãy bình luận - ông Thọ nói.

Nhưng cả sáng chủ nhật hôm đó, Harriman không có thì giờ bình luận. Hai bên định ngày cho phiên họp sau. Phía Mỹ muốn họp sớm vào thứ ba (10 tháng 9) nhưng sau đồng ý vào thứ năm, (12 tháng 9). Harriman còn đề nghị gặp riêng mỗi tuần hai lần. Lê Đức Thọ đồng ý về nguyên tắc. Harriman cám ơn lòng mến khách của chủ nhà và hy vọng có dịp đón đoàn Việt Nam tại chỗ ở của đoàn Mỹ, cũng vắng vẻ và kín đáo.  
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Chín, 2009, 08:27:31 pm gửi bởi macbupda » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #165 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2009, 10:49:22 am »

Cuộc gặp thứ hai: ngày 12 tháng 9.

Thành phần như cuộc họp trước.

Lê Đức Thọ:

- Hôm trước ông Harriman đã nói bị nhồi sọ nhiều, hôm nay tôi lại tiếp tục làm việc đó (ông cười). 

Xuân Thuỷ:

- Chịu khó nghe vậy.

Harriman: 

- Chúng tôi kiên nhẫn thôi.

Ông Thọ bắt đầu nói về chủ trương của Việt Nam và của Mỹ về giải pháp chính trị. Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện cho Mỹ ra khỏi Việt Nam một cách danh dự. Việt Nam có thiện chí - ông đưa ra ví dụ: Hà Nội đi vào nói chuyện ngay với Mỹ khi Mỹ chưa đáp ứng yêu cầu của Việt Nam mà mới chỉ hạn chế ném bom miền Bắc. Hai là, bốn tháng nói chuyện chưa chuyển biến nhưng đoàn Việt Nam vẫn nhận nói chuyện riêng. 

Ông nhắc đến lập trường cơ bản của Việt Nam là đòi độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; miền Nam Việt Nam độc lập hoà bình, trung lập, có quan hệ với Mỹ, miền Bắc cũng có thể quan hệ với Mỹ. Nhưng trước khi đi vào giải pháp chính trị thì Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Ông tố cáo Mỹ hạn chế ném bom miền Bắc, nhưng lại tập trung lực lượng đánh vào khu vực “cán xoong" (vùng hẹp, phía nam Khu IV cũ) một cách ác liệt, phê phán hai giai đoạn do Vance đề ra, thực chất là có đi có lại, phê phán công thức Manila, theo đó việc rút quân của Mỹ sẽ hoàn tất sáu tháng sau khi quân miền Bắc rút khỏi miền Nam, cho đó là không có đạo lý, là tìm cách đóng quân lâu dài ở miền Nam, củng cố lực lượng cho Thiệu - Kỳ để “phi Mỹ hoá " chiến tranh, thực hiện chủ nghĩa thực dân mới.

- “Nếu các ông cứ giữ chủ trương một giải pháp theo yêu cầu của các ông thì chiến tranh sẽ tiếp diễn.. Các ông sẽ tăng cường chiến tranh ở miền Nam, ném bom trở lại miền Bắc, nhưng thế nào rồi cũng thất bại.

Mong phía Mỹ có thiện chí để giải quyết vấn đề
”.

Cuộc họp tạm nghỉ.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #166 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2009, 10:49:29 am »

Khi trở lại phòng họp" Harriman cám ơn sự thẳng thắn của ông Cố vấn đặc biệt, nhưng trước khi trả lời, trưởng đoàn Mỹ nhắc lại đề nghị cũ là gặp riêng hai hoặc ba lần một tuần. Hai bên thoả thuận lần họp tới cũng ở Vitry-sur-seine, và sẽ định địa điểm cho kỳ họp tiếp theo. 

Đi vào nội dung, Harriman nói:

- Chúng ta đồng ý với nhau là muốn có nói chuyện tốt hơn phải chấm dứt tất cả các cuộc ném bom. Các ông đòi chấm dứt ném bom không điều kiện, chúng tôi chấp nhận điều đó. Nhưng chúng tôi có đưa ra là làm sao có "hoàn cảnh" để cho Hoa Kỳ có thể chấm dứt ném bom không điều kiện... Chúng tôi đã đưa ra những đề nghị cụ thể với đại sứ Hà Văn Lâu, nhưng hình như các ông không ưa lắm. Nếu các ông vui lòng nói chuyện điều đó thì chúng ta có thể bàn về hoàn cảnh để Tổng thống chúng tôi tiến bước lên.

Nhưng Harriman cũng nói hôm nay ông ta chưa thảo luận việc đó mà chủ yếu ông ta bình luận ý kiến của Lê Đức Thọ nói hôm trước!

- Trước hết tôi bác bỏ việc ông mô tả lịch sử như là có sự xâm lược của Hoa Kỳ. Tình hình chủ yếu là cơ sở trên sự xâm lược của Hà Nội... Cuộc chiến tranh này được vạch ra, khởi đầu và chỉ huy từ Hà Nội... là sự xâm lược của chủ nghĩa cộng sản chống chủ nghĩa Quốc gia ở miền Nam Việt Nam... Còn Mỹ vào miền Nam là "do nhân dân miền Nam Việt Nam yêu cầu để chống lại sự xâm lược của Hà Nội bằng vũ lực và khủng bố”

Ông ta cũng cho rằng chiến tranh Việt Nam không phải là tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ, chỉ khoảng từ 3 đến 3,5% giá trị tổng sản phẩm quốc dân của Mỹ, còn chiến tranh Triều Tiên năm 1953 là 14% và chiến tranh thế giới năm 1945 là 50% giá trị tổng sản phẩm của Mỹ. Nhưng Harriman cũng thừa nhận đó là một gánh nặng không thích thú (unpleasant burden).

Về tình hình chiến sự gần đây, Trưởng đoàn Mỹ nói là: Bắc Việt Nam và Việt cộng đã thất bại - từ Tết đến nay đã mất mười bốn vạn người... không chiếm được một thành phố nào... không một căn cứ của Mỹ nào bị mất... quân Quốc gia ngày càng được tăng cường về khả năng chiến đấu và lòng tin. Chưa bao giờ Cộng hoà Việt Nam và đồng minh mạnh như lúc này... Cái gọi là khởi nghĩa đồng loạt cũng thất bại...

Về chính trị, Harriman nói:

- Chính phủ Nam Việt Nam là một thực tế mà các ông không thể lờ đi được. Chính quyền của nó, quân đội của nó cũng là những thực tế. Nó phải được tham gia vào bất cứ cuộc nói chuyện nào về tương lai chính trị của Nam Việt Nam. Mặt trận Dân tộc Giải phóng được thành lập ở Hà Nội, là tay sai cho Bắc Việt ở Nam Việt Nam. Quân đội của nó do các sĩ quan Bắc Việt Nam chỉ đạo.


Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #167 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2009, 10:50:14 am »

Harriman nhấn mạnh:

- Cả Hà Nội và Washington đều không có quyền định đoạt tương lai của Nam Việt Nam. Chúng ta cần tập trung tìm cách chấm dứt chiến tranh để nhân dân Nam Việt Nam quyết định tương lai chính trị của mình...

Nhân dân Mỹ muốn hoà bình nhưng là một nền hoà bình trong danh dự. Nhân dân Mỹ không chờ trải thảm đỏ hoặc được tặng hoa. Họ tìm kiếm thực chất của giải pháp.

Nghỉ một lát rồi Harriman tiếp:

- Chúng tôi tôn trọng và ủng hộ mạnh mẽ nguyện vọng Quốc gia, chống chủ nghĩa thực dân mới dưới bất cứ hình thức nào, chống lại sự chiếm lấy đất nước bằng xâm lược cộng sản từ bên ngoài hay bất cứ sự xâm lược nào khác.

Nhắc tới lời của ông Thọ ủng hộ cương lĩnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng chủ trương có sự độc lập cho Nam Việt Nam, Trưởng đoàn Mỹ nói:

- Nếu thế thì chúng ta có thể đạt được một giải pháp thực hiện mục đích đó. Có nhiều điểm trong cương lĩnh của Mặt trận cũng phù hợp với ý nghĩ của phía Mỹ.

Ông ta nói:

- Để đi tới thoả thuận về quyền tự quyết cho nhân dân Nam Việt Nam, chúng tôi đã yêu cầu có đại diện Chính phủ Cộng hoà Việt Nam ở phía chúng tôi. Còn chúng tôi hoàn toàn chấp nhận là phía các ông có đại diện của Mặt trận, của Liên minh hoặc người nào khác.

Ông cũng đồng ý với Lê Đức Thọ rằng cơ sở thoả đáng để đảm bảo hoà bình ở Đông Nam Á là Hiệp nghị Genêve năm 1954 và 1962 về Lào, và nhấn mạnh không có sự có mặt hoặc sức ép của các lực lượng quân sự ở bên ngoài hoặc những lực lượng lật đổ. Ở Nam Việt Nam cũng thế. Vì vậy các lực lượng nước ngoài phải rút khỏi các nước này.

Harriman nhấn mạnh:

- Chúng tôi sẵn sàng rút quân khi nào các ông rút quân của các ông. Hoa Kỳ sẵn sàng thảo luận về thời gian và thể thức của việc cùng rút quân đó.

Harriman cũng chia sẻ mong muốn của Lê Đức Thọ rằng Bắc Việt Nam và Hoa Kỳ có quan hệ hai bên cùng có lợi sau khi hoà bình lập lại để nhân dân Việt Nam quyết định tương lai của mình, kể cả vấn đề thống nhất.

Ông tỏ ý muốn giúp đỡ các nước trong khu vực, kể cả Bắc Việt Nam, xây dựng lại.

Cuối cùng Harriman nhắc lại:

- Cái gì sẽ xảy ra sau khi chấm dứt ném bom. Đó là điều rất quan trọng để hai bên cùng xuống thang, cùng giảm mức độ bạo lực để Tổng thống Mỹ có thể quyết định chấm dứt ném bom không điều kiện.

Cuối buổi họp, hai bên hứa nghiên cứu quan điểm của nhau.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #168 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2009, 10:56:38 am »

Cuộc gặp thứ ba: ngày 15 tháng 9 

Harriman mở đầu nói rằng đoàn Mỹ là phi chính trị, rằng ông ta làm nhiệm vụ về Đông Dương từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, đã nhiều lần ông được giao trách nhiệm khuyên người Pháp đừng trở lại đó. Kể thì nhiều vấn đề đã được giải quyết rồi nếu chính sách đó đã được nghe theo.

Bình luận về phát biểu của Cố vấn đặc biệt, ông ta nói:

- Phía Hoa Kỳ rất quan tâm tới lời tuyên bố của ông Thọ nói rằng công việc nội bộ của Nam Việt Nam phải do chính nhân dân Nam Việt Nam giải quyết không có sự can thiệp của bên ngoài. Điều đó phù hợp với quan điểm của Hoa Kỳ.

Nhắc tới lời Lê Đức Thọ nói rằng trong khi chờ đợi thống nhất Việt Nam, những điều khoản của Hiệp nghị Genève năm 1954 cần được triệt để tôn trọng, “điều đó cũng phù hợp với quan điểm của Hoa Kỳ". Ông ta thấy rằng hình như cả hai lời tuyên bố này đều nhấn mạnh vào sự cần thiết của việc rút mọi quân đội bên ngoài ra khỏi Nam Việt Nam. Ông ta còn nói việc rút quân Mỹ là mấu chốt, nhưng việc rút tất cả quân đội bên ngoài cũng là mấu chốt. Hình như đó là lĩnh vực chung trên đó hai bên có thể đi tới thoả thuận.

Rồi Harriman đưa ra một tuyên bố về chính sách mà ông ta nói là quan trọng, đòi cả quân Mỹ và quân miền Bắc rút đồng thời ra khỏi miền Nam. Nhưng vì quân Mỹ đông hơn, nhiều trang bị, sẽ rút xong sáu tháng sau khi quân miền Bắc đã rút. 

Xuân Thuỷ chất vấn:

- Thế thì đồng thời ở chỗ nào?

Harriman:

- Tôi xin nói hết đã. Khi quân Bắc Việt Nam cũng như quân Hoa Kỳ đã rút xong thì sẽ không được đưa vào nữa. Trong công thức Manila (do Johnson và những người đứng đầu các nước có quân tham chiến ở Việt Nam đưa ra năm 1966 - Tác giả) có câu "khi mức độ bạo lực giảm". Câu này không nhằm nói đến bất kỳ sự bạo lực nào có thể xảy ra giữa người Nam Việt Nam với nhau khi quân miền Bắc đã rút."

Xuân Thuỷ: 

- Nghĩa là sau khi quân đội nước ngoài rút khỏi miền Nam Việt Nam, nếu ở miền Nam Việt Nam có bạo lực giữa người Nam Việt Nam thì là chuyện của họ?

Harriman:

- Đúng rồi, như vậy.

Xuân Thuỷ bác bỏ quan điểm của Mỹ thì Harriman nói rằng điều ông ta đưa ra không phải là một điều kiện, mà đó là bảo đảm có tính khẳng định là quân đội nước ngoài sẽ rút càng sớm càng tốt chậm nhất không quá sáu tháng.

Sang vấn đề chấm dứt ném bom, Harriman nói rằng một trong những nhân tố liên quan tới việc chấm dứt ném bom rất quan trọng mà Tổng thống Mỹ gần đây nhấn mạnh là vấn đề hoạt động quân sự ở bên trong hoặc xuyên qua khu phi quân sự và tập trung quân ở Bắc khu phi quân sự phải chấm dứt. Ông ta cũng nhắc lại sẵn sàng bàn việc giám sát quốc tế trong khu này, rồi yêu cầu giải thích câu mà Hà Văn Lâu đã nói với C.Vance: Việt Nam Dân chủ Cộng hoà biết phải làm gì sau khi Mỹ chấm dứt ném bom.

Cuối cùng ông ta nêu lại việc chính quyền Sài Gòn và Mặt trận phải tham gia trong bất cứ cuộc thảo luận nào liên quan đến tương lai chính trị của miền Nam Việt Nam.

Lê Đức Thọ lại nói một bài dài: Ai là kẻ xâm lược, ai phá hoại Hiệp nghị Genève, đến tính chất bù nhìn và thái độ hiếu chiến của Chính quyền Sài Gòn, nhắc lại quyền thiêng liêng của nhân dân Việt Nam bảo vệ đất nước của mình, đến thắng lợi của Mặt trận...

Trả lời về những điểm đồng nhất của hai bên mà Harriman nêu ra, ông Thọ nói cách hiểu của hai bên khác nhau, và thêm:

- Sau khi chấm dứt ném bom, các ông cùng chúng tôi sẽ đề ra các vấn đề thảo luận. Vấn đề quân đội nước ngoài rút khỏi miền Nam, sau khi chấm dứt ném bom sẽ thảo luận. Việc chấm dứt ném bom là không có điều kiện. Các ông đã nhận điều đó. Sau khi các ông chấm dứt (ném bom) chúng ta sẽ bước sang giai đoạn hai. Các ông sẽ đưa vấn đề của các ông, chúng tôi sẽ đưa vấn đề của chúng tôi. Hai bên sẽ bàn để đi tới chương trình nghị sự. Cái gì sẽ xảy ra sau khi chấm dứt ném bom mà ông Lâu nói là cái đó. Vấn đề có đại diện Việt Nam Cộng hoà (tham gia) sau khi chấm dứt ném bom, chúng ta sẽ bàn.

Xuân Thuỷ thêm: 

- Chúng tôi đã nghiên cứu, đã chiếu cố đến ý kiến các ông, các ông có đề ra hai giai đoạn, chúng tôi đồng ý là sau chấm dứt ném bom sẽ vào giai đoạn hai.

Điểm 2, sau chấm dứt ném bom chúng tôi đồng ý bàn chương trình nghị sự và toàn bộ vấn đề Việt Nam. Ông C.Vance có nói sau chấm dứt ném bom một thời gian mới sang giai đoạn hai, chúng tôi còn tích cực hơn nữa. Ngay. ngày hôm sau khi các ông chấm dứt ném bom, nếu cần chúng tôi sẽ bàn ngay các vấn đề khác. .

Harriman cho lời Xuân Thuỷ là quan trọng, nhưng vẫn nhắc lại vấn đề khu phi quân sự và “hoàn cảnh". Lê Đức Thọ nói chấm dứt ném bom là cái nút, chỉ chờ Mỹ làm việc đó để bàn các vấn đề

Harriman lấp lửng:

- Bước khó nhất là ném bom miền Bắc thì chúng tôi phải đi. Bước sau dễ hơn thì đến phần các ông. Mỗi bên phải được một cái gì. Đó là mấu chốt.

Qua phiên họp này, phía Mỹ đã có phần hạ giọng. Từ bốn điều kiện, Harriman chỉ nhấn mạnh vấn đề khu phi quân sự (không nói đến tấn công các thành phố miền Nam, mức độ thâm nhập). Còn vấn đề Chính quyền Sài Gòn và Mặt trận tham gia giai đoạn hai, Hà Nội đã trù liệu và xem như tất yếu nhưng chưa đưa ra.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #169 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2009, 08:38:19 pm »

Cuộc gặp thứ tư. ngày 20 tháng 9

Harriman vừa ở Washington trở lại Paris. Ông ta kể lại việc đã gặp những ai ở Washington và nhận xét rằng bầu cử ở Mỹ đã lôi cuốn sự chú ý của mọi người. Ông ta nói:

- Sau khi bàn chi tiết với các nhân vật chính trị quan trọng ở Mỹ, "chúng tôi đã quyết định là cuộc nói chuyện của chúng ta phải mềm dẻo hơn trước".

Tôi và đại sứ C. Vance đã đi tới kết luận là nếu như cuộc nói chuyện nghiêm chỉnh bắt đầu thì về phía các ông cũng muốn cuộc nói cuộc nói chuyện đó phải có kết quả và mỗi bên đều có cho và có nhận được cái gì, "chúng tôi sẽ không thảo luận về tương lai chính trị về giải pháp chính trị của Nam Việt Nam nếu không có mặt của Việt Nam Cộng hoà và sẵn sàng nhận ở phía các ông có đại diện của Mặt trận hay của Liên minh tham gia


Harriman nhấn mạnh rằng sự thoả thuận này có thể là một yếu tố quan trọng làm dễ dàng cho việc quyết định chấm dứt ném bom.

Xuân Thuỷ hỏi:

- Hôm trước ông có nói về "hoàn cảnh" để chấm dứt ném bom. Đó là việc có đi có lại mà chúng tôi không đồng ý. Hôm nay ông lại đưa vấn đề Việt Nam Cộng hoà ra. Như thế ông rút vấn đề "hoàn cảnh" và thay vào vấn đề Việt Nam Cộng hoà hay vẫn giữ "hoàn cảnh" và thêm vấn đề Việt Nam Cộng hoà vào?

Harriman nói rằng ông ta có nêu hai vấn đề đó, rằng không bao giờ coi việc những người nào ở phía Mỹ tham gia đàm phán hoà bình là một điều kiện... đây chỉ là một bộ phận của chữ "nói chuyện nghiêm chỉnh".

Lê Đức Thọ hỏi:

1. Đây có phải là điều kiện duy nhất phải thoả thuận trước khi chấm dứt ném bom không?

2. Chỉ khi nào hai bên thoả thuận được vấn đề đó rồi các ông mới chấm dứt ném bom, có phải không?

Harriman trả lời câu thứ hai trước. Ông ta nói:

- Chúng tôi nghĩ rằng Chính phủ chúng tôi không đồng ý chấm dứt ném bom nếu chúng ta không thoả thuận được vấn đề này. Còn câu thứ nhất, chúng tôi không thể trả lời một cách dứt khoát được. Chúng tôi chỉ được chỉ thị trả lời là nếu thoả thuận được vấn đề thì có thể là yếu tố quan trọng làm dễ dàng cho việc quyết định chấm dứt ném bom.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM