Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 09:30:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris  (Đọc 197688 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #150 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2009, 11:24:15 pm »

Mới đầu nhóm đề ra ba phương án: phương án một: Tăng bốn trăm nghìn quân với ngân sách bổ sung mười tỷ đô-la trong năm 1969; phương án hai: Tăng quân kết hợp với hạn chế ném bom tới Nam vĩ tuyến 20 để đề nghị hoà bình; phương án ba: Do Macnamara đưa ra là giữ quân số ở mức hiện nay và sửa đổi chiến lược chỉ bảo vệ các vùng chủ yếu và giảm bớt các cuộc hành quân trong các vùng ít dân. Clifford đề nghị phương án bốn: Tăng viện thêm từ năm trăm nghìn đến một triệu quân. Hỏi các tướng Wheeler và Westmoreland, họ cho rằng cần tăng viện hai trăm linh năm nghìn quân, nhưng trong hai tháng trước mắt tăng ngay một trăm linh tám nghìn quân. Ý kiến của hai nhân vật quan trọng nhất là của Tư lệnh ở miền Nam Wheeler và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Macnamara. Macnamara cho rằng không nên tăng quá mức mười lăm nghìn quân đã dự kiến và tăng thêm trách nhiệm tác chiến cho quân Sài Gòn. Wheeler cho rằng nên giữ ý kiến ông ta đưa ra trước mắt gửi hơn một trăm nghìn quân sang ngay miền Nam.

Trong lúc các cuộc bàn luận tiếp tục mà chưa đi đến kết luận gì có nhiều tin quan trọng tác động đến cách suy nghĩ của mọi người. Trước hết là báo cáo của Westmoreland cho biết Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu có một trăm mười tám tiểu đoàn sẵn sàng chiến đấu. Thứ hai là những tin liên tiếp từ U Than, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, nhiều nhà ngoại giao Đông Âu, nhiều đại sứ Mỹ ở nước ngoài cho biết Hà Nội sẽ nhận thương lượng với Mỹ nếu Mỹ chịu chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam.

Như vậy vấn đề tăng viện cho đội quân Mỹ ở miền Nam lại gắn với khả năng quân Sài Gòn thay thế quân Mỹ một chừng mực nào, với vấn đề Việt Nam. Dean Rusk kiên trì ý kiến cứ ngừng ném bom miền Bắc không cần tuyên bố, không cần đòi có đi có lại, nhưng do mùa mưa bắt đầu có thể chấm dứt ném bom từ vĩ tuyến 20 trở lên, như vậy về quân sự cũng chẳng thiệt hại gì.

Cuối cùng nhóm Clifford kiến nghị tăng viện ngay cho miền Nam hai mươi ba nghìn quân, đòi Chính quyền Sài Gòn tăng thêm quân số, chuẩn y ngay việc động viên hai trăm bốn mươi lăm nghìn quân dự bị, nghiên cứu thêm những "chỉ thị mới về chính trị và chiến lược" về Việt Nam và không đề một sáng kiến hoà bình mới nào về Việt Nam.

Để có những ý kiến rộng rãi và khách quan, Johnson lại triệu tập các Cố vấn phi Chính phủ (thường gọi là các nhà quân sư) như cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Dean Acheson, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao George Ball, Tướng Omar Bradley, Mac George Bundy, Arthur Dean (người tham gia cuộc thương lượng để giải quyết cuộc chiến tranh Triều Tiên), cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Douglas Dillon, đại sứ Hen ri Cabot Lodge, nhà ngoại giao Robert Murphy, Tướng Mathew Ridway, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Cyrus Vance. Ông cũng tham khảo ý kiến những nhân vật có thế lực trong Quốc hội.

Có nhiều công thức hoà bình được trình lên Tổng thống. Ridway đã đề nghị ngừng ném bom thực tế, không nêu bất cứ điều kiện hay giả định gì. Công thức của một nhà ngoại giao trung lập là: một Chính phủ trung lập hay một cường quốc nào khác mời Bắc Việt Nam, Nam Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Hoa Kỳ họp vào một ngày nào đó, một ngày trước khi họp các bên tham chiến sẽ giảm hoạt động quân sự bao gồm cả việc ngừng mọi cuộc hành quân tiến công quy mô; các thành viên trong Uỷ ban Quốc tế cũng sẽ được mời dự họp; không cần thoả thuận trước, đến ngày đã định cuộc họp cứ tiến hành dù các bên được mới có đến hay không.

Đại sứ Mỹ Arthur Goldberg đề nghị ngừng ném bom hoàn toàn miền Bắc trong thời gian cần thiết để xem Hà Nội có thật lòng mong muốn thương lượng không, không cần nói điều kiện hay thời hạn. Công thức của đại sứ Mỹ Chester Bowles tại Ấn Độ cũng là chấm dứt hoàn toàn việc ném bom miền Bắc nhưng trước khi chấm dứt hoàn toàn việc ném bom miền Bắc thông báo cho Ấn Độ, Anh, Liên Xô, Nhật Bản, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc biết và nói rằng Mỹ chỉ chấm dứt ném bom nếu các nước khác cam kết thúc đẩy các cuộc thương lượng có ý nghĩa là hứa hợp tác với Mỹ và các nước khác để vạch một kế hoạch phát triển kinh tế ở Đông Nam Á.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Chín, 2009, 08:23:31 pm gửi bởi macbupda » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #151 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2009, 11:25:09 pm »

Những ý kiến không tán thành chấm dứt ném bom thì có những kiến nghị chấm dứt ở vĩ tuyến 20 hoàn toàn chấm dứt từ vĩ tuyến 20 trở lên, chấm dứt ở vĩ tuyến 17 hay phía Bắc khu phi quân sự v.v...

Theo Johnson, nhóm Cố vấn phi Chính phủ không nhất trí: sáu vị tán thành một kiểu xuống thang nào đó, một vị không tán thành mà cũng không phản đối, bốn vị phản đối. 

Còn một vấn đề nữa làm cho Johnson suy nghĩ rất nhiều là ông có nên rút khỏi danh sách ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ không? Ngay khi trúng cử Tổng thống năm 1964, ông đã có ý định và sau đó đã nhiều lần nêu vấn đề này hỏi ý kiến các cộng sự thân cận nhất. Với sự phát triển bất ngờ của tình hình Việt Nam, từ sau Tết Mậu Thân, ông càng cân nhắc vấn đề rút lui việc ứng cử Tổng thống năm 1968.

Cho đến những ngày cuối tháng 3 năm 1968, Johnson đi đến bốn quyết định:

Một: Viện trợ cho Chính quyền Sài Gòn về số quân Mỹ, trang bị, tiền của không cần phải quá nhiều.

Hai: Đề nghị hoà bình của Dean Rusk là đề nghị tốt nhất.

Ba: Chính quyền Sài Gòn cần đảm nhiệm phần nhiều hơn trong chiến đấu để tự bảo vệ.

Bốn: Không ra ứng cử Tổng thống một khoá nữa.

Quyết định đó vào lúc nào? ông đã trả lời: chính xác vào hai mươi mốt giờ một phút ngày 31 tháng 3 năm 1968, khi ông đọc bài diễn văn trong phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Trong bốn mươi nhăm phút, ông đã tả lại cuộc tấn công Tết Mậu Thân, âm mưu của Việt cộng? và nói nó đã thất bại ở những điểm nào, thông báo dự định của Chính quyền tăng cường quân đội Sài Gòn. Tiếp đó, ông nói đã đến lúc lại nói về hoà bình và ông sẵn sàng đi bước trước trên con đường xuống thang.

Tối nay tôi đã ra lệnh cho các máy bay và tàu chiến của chúng ta không tiến hành cuộc tiến công nào chống Bắc Việt Nam, trừ khu vực nằm ở Bắc khu phi quân sự là nơi địch đang có những cuộc chuẩn bị liên tục, trực tiếp đe doạ các vị trí tiền tiêu của đồng minh và là nơi cuộc vận chuyển của các đoàn người và đoàn tiếp tế chỉ làm tăng thêm sự đe doạ đó”.

Sau cùng ông nói:

Khi tôi nhìn con em nước Mỹ đi chiến trường xa, khi tôi thấy tương lai nước ta bị đe doạ ngay bên trong biên giới của nước ta và khi tôi nghĩ đến những hy vọng hoà bình của chúng ta và của toàn thế giới, tôi không nghĩ mình có quyền dành một ngày, thậm chí một giờ, trong thì giờ của tôi ủng hộ những quyền lợi đảng phái hay bất cứ nhiệm vụ nào khác ngoài những nhiệm vụ nặng nề đặt trên vai vị Tổng thống nước các bạn. vì vậy tôi không mưu cầu và cũng không chấp nhận việc đảng tôi cử tôi ra ứng cử cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới" (L.B.John8on: sđd, tr. 443-525.).

Trong suốt hai tháng, tất cả các Cố vấn của Tổng thống, kể cả những tác giả của các công thức ngừng ném bom hoàn toàn hay hạn chế, đều không tin là lần này Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ đáp ứng tích cực một đề nghị hoà bình mới của Johnson.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #152 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2009, 11:26:16 pm »

Trong chính giới, một số nghị sĩ có tên tuổi nghi ngờ tác dụng lời tuyên bố ngày 31 tháng 3 của Johnson. Thượng nghị sĩ William Fulbright nói: Tuyên bố đó chỉ là một sự thay đổi hạn chế chính sách hiện hành của Mỹ, rằng chấm dứt ném bom như thế sẽ không thúc đẩy Hà Nội đi vào thương lượng hoà bình. Thượng nghị sĩ Frank Lausche cho rằng: Làm sao Cụ Hồ Chí Minh có thể có một câu trả lời khẳng định trong khi Fulbright và nhiều người khác đả kích Chính phủ trước khi kẻ địch trả lời.

Bản thân Johnson cũng băn khoăn về điều đó. Cho nên tối ngày 31 tháng 3 ngay trước khi ngủ, ông đã cầu nguyện để Hà Nội nghe thấy lời kêu gọi của ông sẽ đáp lại.

Chúa đã nghe thấy lời thỉnh cầu của Tổng thống Johnson chăng?

Từ cuối năm 1966, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã quyết định chủ trương tạo điều kiện thực hiện cục diện vừa đánh vừa đàm và đã có nhiều biện pháp để thực hiện chủ trương đó.

Ngày 3 tháng 4 năm 1968, trong một tuyên bố chính thức, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã chỉ rõ: "Rõ ràng Chính phủ Mỹ chưa đáp ứng nghiêm chỉnh và đầy đủ đòi hỏi của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, của dư luận tiến bộ Mỹ và dư luận thế giới. Tuy nhiên về phía mình, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố sẵn sàng cử đại diện mình tiếp xúc với đại diện Mỹ nhằm xác định với phía Mỹ việc Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để có thể bắt đầu cuộc nói chuyện.

Hà Nội chính thức chấp nhận nói chuyện với Mỹ nhưng bước đầu đại diện hai bên tiếp xúc với nhau để bàn việc tổ chức nói chuyện về thực chất, sau đó sẽ là Hội nghị chính thức.

Tối ngày 4 tháng 4, sứ quán Mỹ ở Viêng Chăn chính thức báo cho sứ quán Việt Nam là Mỹ đề nghị cuộc tiếp xúc sẽ diễn ra ở Geneve. Hà Nội đề nghị lấy Phnôm Pênh với dụng ý là có một địa điểm gần chiến trường miền Nam Việt Nam và có thể có tác động cổ vũ và củng cố tình đoàn kết nhân dân ba nước Đông Dương. Washington không chấp nhận và đề nghị bốn địa điểm khác: New Delhi, Jakarta, Viêng Chăn, Rangoon. Hà Nội đề nghị Varsava. Lúc đầu, Washington chấp nhận Varsava nhưng họ khó chịu về việc tin đó bị tiết lộ ra ngoài. Họ lại đưa ra một danh sách mười địa điểm: Colombo, Kathmandou, Kualumpur, Rawalpindi, Kaboul, Tokyo, Bruxelles, Helsinski, Vienne, Roma. Cuộc trao đổi ý kiến qua đại dương về địa điểm tiếp xúc diễn ra trong gần một tháng đã có sức cuốn hút dư luận.

Cuối cùng, ngày 2 tháng 5, bỏ qua bước tiếp xúc trù bị, Hà Nội đề nghị lấy Paris làm địa điểm họp chính thức, cử Bộ trưởng Xuân Thuỷ làm Trưởng đoàn Đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đề nghị phiên họp đầu tiên vào ngày 10 tháng 5 năm 1968 hay một vài ngày sau đó. Washington chấp nhận.

Johnson cử Averell Harnman và C.Vance, hai nhà ngoại giao có tài, làm Trưởng và Phó trưởng đoàn Đại biểu Chính phủ Mỹ. Sau khi thoả thuận các vấn đề thủ tục trong ngày 10 và 11 tháng 5, cuộc nói chuyện chính thức bắt đầu ngày 13 tháng 5.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #153 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2009, 11:26:24 pm »

Lập trường của Mỹ trong thời kỳ đầu của cuộc nói chuyện tập trung vào ba vấn đề chủ yếu: Các cuộc nói chuyện sau khi Mỹ chấm dứt hoàn toàn các cuộc ném bom cần có sự tham gia của Chính phủ Sài Gòn; Bắc Việt Nam không vi phạm khu phi quân sự không đưa quân đi qua hay đóng tại khu đó, không bắn pháo vào phía Nam từ khu đó; Bắc Việt Nam và Việt cộng không bắn pháo tay hay tên lửa vào các thành phố lớn ở miền Nam như Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng. Đoàn Đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phản đối những đòi hỏi đó coi đó là những điều kiện cho việc chấm dứt ném bom, và đòi phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và phải để Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia cuộc nói chuyện.

Đến tháng 10, đoàn Đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chủ động gỡ tình hình bế tắc. Trong một cuộc gặp riêng, đồng chí Xuân Thuỷ hỏi: Nếu Việt Nam chấp nhận cho Chính quyền Sài Gòn tham gia giai đoạn tiếp theo của cuộc nói chuyện thì phía Mỹ có chấm dứt hoàn toàn các cuộc ném bom miền Bắc Việt Nam hay không? Hariman nói: Cần phải hỏi Washington. Sau khi Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã thoả thuận mọi vấn đề liên quan tới việc ngừng ném bom và giai đoạn của cuộc nói chuyện, Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã nêu thêm nhiều vấn đề, nhiều lý lẽ để phản đối việc chấm dứt ném bom miền Bắc vào ngày 1 tháng 11 năm 1968. Buộc phải từ bỏ ý định làm một bản tuyên bố chung Mỹ - Sài Gòn, Tổng thống Johnson đã đọc bản tuyên bố với nhân dân Mỹ lúc hai mươi giờ ngày 31 tháng 10 năm 1968. Sau khi phân tích sự diễn biến rất quan trọng của tình hình tìm kiếm hoà bình từ tuyên bố ngày 31 tháng 3 đến các cuộc nói chuyện ở Paris, ông nói:

- Bây giờ, do tình hình như vậy, tôi ra lệnh chấm dứt kể từ tám giờ (giờ Washington) sáng thứ sáu tất cả các cuộc oanh kích bằng không quân, hải quân và đại bác đối với Bắc Việt Nam".

Đồng thời, Johnson thông báo là sẽ bắt đầu các cuộc nói chuyện ở Paris vào tuần sau. Chính phủ Sài Gòn tự do quyết định tham gia hay không, còn đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam sẽ tham gia nhưng điều đó không bao hàm ý nghĩa công nhận dưới bất cứ hình thức nào Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Johnson nói thêm là các cuộc nói chuyện không thể tiếp tục nếu phía bên kia lợi dụng việc chấm dứt ném bom, nếu các thành phố lớn ở miền Nam Việt Nam bị pháo kích và khu phi quân sự bị xâm phạm. 

Bốn tuần lễ sau, Chính phủ Sài Gòn mới quyết định cử một đoàn Đại biểu đi Paris, và Trưởng đoàn này mãi ngày 8 tháng 12 mới tới. Ngày 18 tháng 1 năm 1969, mọi vấn đề thủ tục đã được giải quyết. Ngày 25 tháng 1, phiên họp thứ nhất của Hội nghị bốn bên ở Paris bắt đầu, năm ngày sau khi Tổng thống Johnson rời khỏi Nhà Trắng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #154 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2009, 11:29:30 pm »

CHƯƠNG XX
THAY LỜI KẾT (PHẦN MỘT)

Từ ngày 1 tháng 11 năm 1968, máy bay và tàu chiến Mỹ nói chung không oanh kích nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhưng thỉnh thoảng còn đánh phá phần phía Nam, máy bay trinh sát, đặc biệt U.2, tiếp tục ngày đêm trinh sát nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Chiến tranh vẫn tiếp diễn ở miền Nam Việt Nam trong lúc tại Paris, công khai và bí mật, người Mỹ và người Việt Nam đối thoại để đi tới chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

Mặc dầu sau này Chính quyền Nixơn cho máy bay ném lại miền Bắc cả bằng B.52, việc chấm dứt ném bom hạn chế năm 1968 có ý nghĩa rõ ràng là cuộc chiến tranh leo thang bằng không quân và hải quân của Tổng thống Johnson đã thất bại.

Sau khi trúng cử Tổng thống thứ ba mươi sáu của Hoa Kỳ, từ đầu năm 1965, Johnson đã có hai quyết định cực kỳ quan trọng đối với nước Mỹ: đưa quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam và dùng không quân ném bom Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Phải chấp nhận sự thách thức đó, nhân dân Việt Nam đồng thời chống cuộc chiến tranh cục bộ giải phóng miền Nam và cuộc chiến tranh leo thang ở miền Bắc, buộc Mỹ phải xuống thang từng bước, tiến tới thống nhất Tổ Quốc.

Với lời tuyên bố nổi tiếng "Mỹ sẵn sàng thương lượng không điều kiện" ở Baltimore ngày 7 tháng 4 năm 1965, Johnson dù thành thật hay không thành thật, đã chỉ ra con đường thực hiện giải quyết vấn đề Việt Nam, do đó thật sự lúc đầu đã gieo hy vọng trong lòng nhiều người, nhất là những người yêu chuộng hoà bình. Nhưng cho đến khi đưa ra công thức San Antonio, trong ba mươi tháng, con đường mà ông đã đi lại theo một chiều ngược lại. Trên các diễn đàn quốc tế, xưa nay biết bao nhà chính trị đã nói một đằng làm một nẻo, cho nên việc Johnson đặt điều kiện rồi mới chịu đi vào thương lượng là không có gì đáng ngạc nhiên.

Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi ông ta muốn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thương lượng theo điều kiện của Mỹ. Nhưng điều khiến người ta ngạc nhiên là trong một vấn đề đã làm đau đầu những Tổng thống tiền nhiệm của ông và tiếp tục là vấn đề nan giải của bản thân ông, ông vẫn muốn vừa thắng cuộc chiến tranh Việt Nam vừa thắng cuộc bầu cử Tổng thống năm 1968. Do quá tin ở sức mạnh của Hoa Kỳ hay do đánh giá quá thấp kẻ địch? Hy vọng sẽ lại giành sự thắng lợi lịch sử năm 1964 hay do đánh giá sai tác động của chiến tranh Việt Nam tới cử tri? Có thể nói trong suốt ba mươi tháng đó, hễ Johnson nói sẵn sàng thương lượng với Hà Nội là nói đến điều kiện, thậm chí còn theo tối hậu thư.

Trong vụ Marigold, lần đầu tiên do sự trung gian của Ba Lan, cái cầu quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã được bắc, nhưng Washington đã phủ nhận những điều mà đại diện của họ đã nói với đại diện Ba Lan và Italia tại Sài Gòn, đã ném bom trung tâm Hà Nội hai ngày trước khi có cuộc gặp tại Varsava giữa đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đại diện Mỹ như thoả thuận. Họ phá cuộc gặp gỡ và phá luôn cả cái cầu

« Sửa lần cuối: 27 Tháng Chín, 2009, 08:25:30 pm gửi bởi macbupda » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #155 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2009, 11:29:38 pm »

Cái cầu Lê Trang - Guthrie mới bắc được ở Mát-xcơ-va thì ở Luân Đôn, cũng trong thời gian đó, Nhà Trắng phủ nhận những điều mà Thủ tướng Anh Wilson, với sự đồng ý của đặc phái viên Tổng thống Mỹ C.Cooper, đã thoả thuận với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Kossiguine khi đó đang ở thăm Vương quốc Anh. Họ đã đòi Hà Nội phải chấp nhận những điều khác với những thoả thuận đó trước một thời hạn mà ngay Cooper và đại sứ Mỹ tại Luân Đôn cũng thấy đó là quá đáng để có cớ ném bom thủ đô Hà Nội. Sự tiếp xúc giữa Washington và Hà Nội lại bị cắt đứt.

Với sự trung gian của hai ông Aubrac và Marcovich, cuộc tiếp xúc giữa Hà Nội và Washington kéo dài hai tháng và đi tới cả việc trao đổi thông điệp giữa hai bên. Nhưng về sau, Washington vừa đưa công hàm vừa ném bom Hà Nội, khiến cả hai người trung gian cũng không hiểu Nhà Trắng muốn gì. Đây là cái mà ông Marcovich gọi là hai món hàng khác nhau cùng một người giao hàng gửi cho một người nhận.

Qua kinh nghiệm thực tế, Hà Nội cho cái gọi là "sáng kiến hoà bình”, “thương lượng không điều kiện" của Johnson là lừa bịp. Dư luận, kể cả ở Mỹ, cho rằng đó là chính sách hai mặt của ông ta, ông ta không thật lòng muốn thương lượng. Ít nhất, có một điều có thể khẳng định được là Johnson muốn tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh ở miền Nam giành thắng lợi quyết định để bước vào năm bầu cử Tổng thống; trong khi đó có thể tiếp xúc với Hà Nội - chưa phải là thương lượng - để thăm dò ý kiến giải quyết toàn bộ vấn đề của phía Việt Nam, và có thể ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam với điều kiện Hà Nội tuyên bố không lợi dụng ngừng ném bom để tăng cường chi viện cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Vì thế, lúc nào Johnson cũng nêu điều kiện dưới hình thức này hay hình thức kia. 

Phải đợi đến sự rung chuyển miền Nam Việt Nam và cả nước Mỹ sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân thì Johnson mới buộc phải có một lựa chọn phù hợp với tình hình. Đã đến lúc phải đưa nước Mỹ vào thương lượng trực tiếp với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trước kia, Washington đòi Bắc Việt Nam trước hết phải bảo đảm không lợi dụng ngừng ném bom, nay không đòi nữa, trước kia không chấp nhận Mặt trận dân tộc giải phóng tham gia thương lượng, nay chấp nhận dù không coi việc đó là công nhận Mặt trận. Và hơn thế, vì những lợi ích đảng phái, ông ta tuyên bố không ra ứng cử Tổng thống một khoá nữa, chấm dứt sự nghiệp chính trị của bản thân ông. 

Nếu ta nhớ lại rằng Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói rất rõ với đại sứ C Ron-ninh từ tháng 3 năm 1966 rằng chỉ cần Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền Bắc là hai bên có thể nói chuyện ngay; nếu ta nhớ lại rằng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh từ ngày 28 tháng 1 năm 1967 đã chính thức nói rằng sau khi Mỹ ngừng ném bom không điều kiện miền Bắc sẽ có nói chuyện giữa Mỹ và Việt Nam, thì thấy rằng cuộc gặp gỡ giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ còn có khả năng diễn ra sớm hơn. Một số người còn đi xa hơn và tự hỏi: biết đâu đã chẳng tránh được Tết Mậu Thân và Johnson có thể không phải rút lui khỏi vũ đài chính trị.

Mặc dù Johnson đã coi vấn đề chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam là "biện pháp bức thiết phải có". Nhưng như Tướng Abram, Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam nói: ông đã trả một giá rất đắt cho nước Mỹ, cho bản thân ông vì một chính sách mù quáng, phiêu lưu, vì cuộc chiến tranh của Johnson.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #156 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2009, 10:38:37 am »

PHẦN HAI
CÁC CUỘC THƯƠNG LƯỢNG LÊ ĐỨC THỌ - KISSINGER TẠI PARIS

CHƯƠNG 1
1968: CHẤM DỨT NÉM BOM MIỀN BẮC VÀ HỘI ĐÀM BỐN BÊN

Hội nghị Paris bắt đầu

Hãy cho phép chúng tôi nhắc lại một sự kiện mà thế hệ thanh niên hôm nay không biết đến nhưng cách đây hơn một phần tư thế kỷ đã đưa hình ảnh chiến tranh Việt Nam đến từng nhà người dân Mỹ, làm nức lòng bạn bè của Việt Nam nhưng đã làm điên đầu các vị lãnh đạo Nhà Trắng và Lầu Năm Góc: Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968).

Sau cuộc tiến công đó, Tổng thống Johnson gửi 20.000 quân tăng viện cho tướng Westmoreland. Ngày 31 tháng 3 tuyên bố đình chỉ các hoạt động của không quân, hải quân Mỹ chống Bắc Việt Nam, trừ khu vực giáp khu phi quân sự, và khước từ việc Đảng Dân chủ cử ông ra ứng cử cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. Ông nhắc lại đề nghị sẵn sàng đi bước trước trên con đường thương lượng với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Đó là sự thất bại rõ ràng của kế hoạch chiến lược hai năm của Mac Namara mà ông đã thông qua nhằm đảo ngược tình hình miền Nam Việt Nam và bước vào năm bầu cử Tổng thống 1968 với một chiến thắng lẫy lừng.

Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không để Nhà Trắng chờ đợi lâu, và ngày 3 tháng 4 đã chính thức tuyên bố.

"Rõ ràng Chính phủ Mỹ chưa đáp ứng nghiêm chỉnh và đầy đủ đòi hỏi chính đáng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, của dư luận tiến bộ Mỹ và dư luận thế giới. Tuy nhiên về phía mình, Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố sẵn sàng cử đại diện của mình tiếp xúc với đại diện Mỹ nhằm xác định với phía Mỹ việc Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để có thể bắt đầu cuộc nói chuyện" (Báo Nhân dân, Cơ quan Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ngày 4 tháng 4 năm 1968.).

Gần một tháng trôi qua mà hai bên không thoả thuận được về vấn đề đỉa điểm họp. Cuối cùng Hà Nội đề nghị họp ở Paris đồng thời cử Bộ trưởng Xuân Thuỷ làm trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Washington chấp nhận và cử Averell Harriman, nhà thương lượng có tiếng của Hoa Kỳ, rất thông thạo các vấn đề của Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa, đã từng tham gia các cuộc hội đàm cấp cao của các nước Đồng minh chống phát xít trong chiến tranh thế giới thứ hai.

Chính phủ Pháp đã có nhã ý dành Trung tâm các Hội nghị Quốc tế tại đại lộ Kléber cho các cuộc thương lượng Việt - Mỹ.

Khi cuộc chiến tranh Việt Nam đã trở thành nỗi trăn trở của cả loài người, vấn đề lương tri của thời đại, thì không có gì ngạc nhiên là từ tất cả các nước người ta mong chờ, hướng về Hội nghị Paris này. Hàng nghìn nhà báo, điện ảnh, nhiếp ảnh, đã đổ về Hội trường Kléber, đông hơn bất kỳ Hội nghị Quốc tế nào từ nhiều năm nay. Ngày 13 tháng 5 năm 1968, ngày chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh mới giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; cuộc chiến tranh quanh tấm thảm xanh trong lúc bom vẫn nổ trên chiến trường. Nhiều người nghĩ: người Việt Nam đã lần lượt làm thất bại các kế hoạch chiến tranh của Mỹ, không thể nghi ngờ tài năng quân sự của họ, nhưng rồi đây chiến lược ngoại giao của họ liệu có đạt hiệu quả như chiến lược quân sự hay không?

Điều chắc chắn là hai bên đã đi vào trận với đội ngũ mạnh, báo hiệu một cuộc giao tranh ít nhất cũng là quyết liệt.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #157 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2009, 10:39:26 am »

Phía Mỹ, ngoài Harriman còn có Cyrus Vance, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, sau này là Bộ trưởng Ngoại giao của Tổng thống Jimmy Carter, Philippe Habib, một chuyên gia kỳ cựu về vấn đề Việt Nam, W.Jordan, một nhà ngoại giao năng động, tác giả văn kiện "Vì sao có vấn đề Việt Nam" của Bộ Ngoại giao Mỹ để giải thích vì sao Nhà Trắng phải ném bom Nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà và đưa quân Mỹ sang chiến đấu ở miền Nam Việt Nam.

Phía Việt Nam có Xuân Thuỷ, một chiến sĩ cách mạng lão luyện, một nhà báo, nhà thơ, đã từng giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Phó trưởng đoàn là đại sứ Hà Văn Lâu, nguyên Cục trưởng cục Tác Chiến Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, thành viên Đoàn Đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Hội nghị Genève năm 1954 về Đông Dương, tại Hội nghị Genève 1961-1962 về Lào. Ngoài ra còn có Phan Hiền, một luật gia, Vụ trưởng Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao và sau này là Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Nguyễn Thành Lê, Phó Tổng biên tập nhật báo Nhân dân, cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam. Cả Nguyễn Minh Vỹ và Nguyễn Thành Lê đều đã tham gia Hội nghị Genève 1961-1962 về Lào. Lần này, Nguyễn Thành Lê là người phát ngôn của Đoàn Việt Nam.

Xuân Thuỷ bắt tay Harriman (ông đã biết từ Hội nghị Genève 1961 - 1962 về Lào), với nụ cười đôn hậu và tươi tắn. Báo chí đều nói đến cái bắt tay "lịch sử”. Kể cũng là lịch sử thật vì đây là lần đầu tiên đại diện chính thức của hai bên tham chiến ngoan cường đang chiến đấu quyết liệt bằng tất cả khả năng của mình để giành chiến thắng tiếp xúc với nhau. Nhưng ý nghĩa của cái bắt tay chỉ có thể thật sự là "lịch sử” khi các cuộc thương lượng mang lại một giải pháp cho cuộc chiến tranh.

Các cuộc tranh cãi lúc đầu "nảy lửa", phân tích các khía cạnh của cuộc chiến tranh với những con số mới lạ, những sự việc người ta chưa biết và cũng còn quá sớm để cho phép có một kết luận nào, dần dần trở thành tẻ nhạt. Những nhà báo mong sớm có một sự thoả thuận nào đó cũng rút dần.

Ông Xuân Thuỷ nêu khái quát nguyên nhân cuộc chiến tranh là chính sách can thiệp và xâm lược của Hoa Kỳ, phá hoại Hiệp nghị Genève năm 1954 về Việt Nam, phá hoại các điều khoản về tổng tuyển cử để tái thống nhất nước Việt Nam, xây dựng miền Nam Việt Nam thành một Quốc gia riêng, xây dựng ngụy quân, nguỵ quyền làm công cụ thực hiện chủ nghĩa thực dân mới. Hoa Kỳ đã đưa máy bay ném bom Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đồng thời đưa quân Mỹ vào chiến đấu ở miền Nam Việt Nam, gây nên rất nhiều tội ác. Lập trường giải quyết vấn đề Việt Nam là bốn điểm của Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và năm điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Hoa Kỳ phải chấm dứt chiến tranh, rút quân Mỹ về nước, để nhân dân Việt Nam giải quyết công việc của mình, trước mắt là chấm dứt hoàn toàn, không điều kiện các cuộc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để có thể bắt đầu bàn về một giải pháp cho vấn đề Việt Nam.

Ông Harriman tố cáo Bắc Việt xâm lược miền Nam, đã vi phạm qui chế khu phi quân sự, khẳng định Hoa Kỳ không có tham vọng gì ở Đông Dương, không muốn mở rộng chiến tranh nhưng sẽ tiếp tục bảo vệ tự do và có hành động thích đáng và cần thiết trước sự xâm lược của kẻ khác. Hoa Kỳ không có ý định xấu đối với lãnh thổ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, không có ý định lật đổ nhà cầm quyền Hà Nội. Hoa Kỳ chỉ muốn giúp đỡ miền Nam Việt Nam duy trì tự do, độc lập, chống lại sự xâm lược do cộng sản Hà Nội chi viện và lãnh đạo. Hoa Kỳ sẽ sung sướng nếu tất cả các bên hữu quan tôn trọng Hiệp nghị Genève năm 1954 và như vậy thì sẽ có giải pháp thoả đáng về vấn đề Việt Nam. Bất cứ dấu hiệu nào của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà muốn trở lại Hiệp nghị đó sẽ được hoan nghênh.

"Đường gươm" của hai ông Xuân Thuỷ, Harriman vẫn là: “Mỹ xâm lược Việt Nam và miền Bắc xâm lược miền Nam.”
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #158 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2009, 10:40:35 am »

Khi bước vào nói chuyện với phía Mỹ, Đoàn Đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã xác định ba mục tiêu: tranh thủ sự đồng tình của dư luận đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, phân hoá và cô lập đối phương phục vụ chiến đấu trên chiến trường; đòi Mỹ chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam; tìm hiểu ý đồ của Mỹ. Sau một tháng "đọ gươm" ở Hội trường Kléber, phía Việt Nam thấy mặt tuyên truyền có đạt được một số kết quả nhưng chưa tìm hiểu được thêm ý đồ của Mỹ.

Ngày 3 tháng 6, Nguyễn Duy Trinh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, chỉ thị cho Đoàn:

Tiếp tục làm tốt việc đấu tranh công khai và chuẩn bị lúc nào thuận lợi thì vừa nói chuyện công khai vừa nói chuyện hậu trường. Nói chuyện hậu trường khác với nói chuyện bí mật của Mỹ. Nhưng không cho Mỹ dùng việc nói chuyện hậu trường để lừa bịp, gây ảo tưởng trong dư luận” .

Ngày 15 tháng 6. Bộ Chính trị nói rõ thêm :

Ta chủ trương tiếp xúc riêng đế thăm dò, chưa mặc cả”.

Cuối phiên họp ngày 12 tháng 6, Nguyễn Thành Lê, người phát ngôn của đoàn Việt Nam nhận lời mời đi ăn cơm của Jordan, người phát ngôn của đoàn Mỹ. Sự ngăn cách bắt đầu được khai thông. Liền sau đó, Hà Văn Lâu, Phó trưởng đoàn Việt Nam nhận lời gặp riêng Cyrus Vance, Phó tưởng đoàn Mỹ.

Ngày 12 tháng 6, người ta thấy xuất hiện trong đoàn Đại biểu Việt Nam một gương mặt mới: Lê Đức Thọ, Cố vấn đặc biệt của Bộ trưởng Xuân Thuỷ. Những người quan tâm đến tự hỏi con người đó là ai, nhưng cơ quan tình báo Pháp và Mỹ có hồ sơ đầy đủ. Ông là một nhà hoạt động cách mạng từ khi còn đi học, tên thật là Phan Đình Khải, quê ở huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Từ nhà pha Hoả Lò ở Hà Nội đến nhà tù Sơn La, ngục Côn Đảo, ông đã trải nhiều năm tháng trong lao tù. Cuộc sống đã rèn luyện ông thành một chiến sĩ cộng sản kiên cường và sớm đưa ông vào hàng ngũ những nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Năm 1968 ông đang là Uỷ viên Bộ Chính trị, ông được coi là người có mưu lược, vững vàng, biết quyết đoán khi cần thiết. Sau Tết Mậu Thân, ông được điều vào miền Nam Việt Nam tăng cường cho Trung ương cục để phát huy kết quả của đợt tiến công Tết. Cuối đợt hai của cuộc tổng tiến công bắt đầu từ ngày 4 tháng 5, Hồ Chủ tịch gọi ông ra Hà Nội và cử ông làm Cố vấn đặc biệt cho Bộ trưởng Xuân Thuỷ.

Sự có mặt của ông trong đoàn Đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chứng tỏ phía Việt Nam muốn đẩy các cuộc thương lượng đi tới. Và cũng từ những ngày tháng 6, tiếp xúc riêng trở thành diễn đàn chính song song và quan trọng hơn diễn đàn đại lộ Kléber.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #159 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2009, 10:43:22 am »

Cấp Phó trưởng đoàn: Thăm dò

Cuộc tiếp xúc đầu tiên diễn ra tối 26 tháng 6 năm 1968, tại nhà riêng của Đoàn Việt Nam, ở Vitry-sur-seine. Cyrus Vance đến với Philíppe Habib. Phía Việt Nam, cùng tiếp với Hà Văn Lâu có Nguyễn Minh Vỹ.

Sau những câu trao đổi lễ tân, Vance rút trong túi ra một tờ giấy đánh máy và đọc: 

Hoa Kỳ sẽ chấm dứt các cuộc ném bom trên toàn miền Bắc vào một ngày sẽ được thông báo cho phía Việt Nam biết trước. Trước ngày đó hai bên sẽ thoả thuận về “hoàn cảnh" (circonstances) sẽ được thực hiện sau khi chấm dứt ném bom. Đó là cách vượt qua những trở ngại trên đường đi của chúng ta. Tôi nghĩ điều đó có thể thoả mãn gợi ý của các ông đề ra cũng như thoả mãn đòi hỏi của chúng tôi. Chúng tôi có thể chấm dứt ném bom mà không làm tổn hại đến tính mệnh binh lính Mỹ và đồng minh”.

Ông cũng nói hai bên sẽ thảo luận về "hoàn cảnh" và giữ bí mật, không công bố.

Đại sứ Hà Văn Lâu nhắc lại đòi hỏi của ta, như đã trình bày ở hội trường Kléber. C.Vance nói rằng một trong những vấn đề sẽ phải thảo luận là "hành động chiến tranh khác". Habib thêm: "Việc chấm dứt ném bom không đặt ra nữa vì ngày chấm dứt ném bom sẽ được định trước".

Trả lời câu hỏi thế nào là "hoàn cảnh", Vance nhắc lại vấn đề khu phi quân sự và nói Hoa Kỳ lo ngại về các việc sau đây: “Bắn pháo từ khu phi quân sự và từ miền Bắc Việt Nam vào quân Mỹ và quân đồng minh, tấn công bằng bộ binh qua khu phi quân sự”. Habib thêm: "và từ trong khu phi quân sự”.

C Vance tiếp:

- Việc tăng cường lực lượng ồ ạt vào miền Nam Việt Nam và việc tấn công vào dân thường ở thành phố miền Nam như Sài Gòn... Đó là những điều phải bàn đến khi nói chữ “hoàn cảnh".

Hà Văn Lâu bình luận:

- Không có đề nghị gì mới trong lập trường của Mỹ - có chăng là ở chỗ thêm việc định ngày chấm dứt ném bom.

Habib:

- Có những điều mới khác: “Hoàn cảnh" chỉ thực hiện sau khi chấm dứt ném bom, như vậy không thành điều kiện để chấm dứt ném bom, như thế là thoả mãn cả yêu cầu của Việt Nam và của Hoa Kỳ. Điều mới thứ ba là ngay từ bây giờ Hoa Kỳ không đòi Việt Nam phải làm gì cả mà chỉ đòi Việt Nam phải làm gì sau khi ngừng ném bom.

C. Vance cố gắng thuyết phục các nhà thương lượng Việt Nam về tính hợp lý của đề nghị đó và cho rằng:

- Việc lập lại khu phi quân sự đối với thế giới là hành động liên quan đến cả hai bên... không liên quan đến việc chấm dứt ném bom... Lập lại khu phi quân sự tiếp sau việc chấm dứt ném bom không phải là điều kiện.

Hà Văn Lâu:

- Đề nghị của Hoa Kỳ vẫn là có đi có lại. Nếu cuộc thảo luận không đi đến thoả thuận thì thế nào?

Vance:

- Hoa Kỳ sẽ không chấm dứt ném bom. 

Cuộc trao đổi đầu tiên này chấm dứt lúc quá nửa đêm sau hai giờ làm việc.

Điều đáng chú ý là mặc dầu Hà Văn Lâu lên án mạnh mẽ việc Mỹ xâm lược, Vance không trả lời mà chỉ tập trung vào vấn đề chấm dứt ném bom miền Bắc.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM