Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:00:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris  (Đọc 197640 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #100 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 09:16:16 pm »

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Như vậy là tốt, tôi không mong gì hơn. Nếu ông đồng ý những điều đó thì người cầm quyền Mỹ cũng sẽ phải đồng ý.

Salsbury:

- Tôi cũng hy vọng như vậy, nhưng không dám chắc. Còn phải chờ xem.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Về phía tôi thì chắc, vì trước sau cũng phải đi đến kết luận đó. Nếu bây giờ người ta chưa đồng ý thì sau này phải đồng ý. Nếu phái này mà không đồng ý thì phái khác phải đồng ý. Vì nếu những người cầm quyền Mỹ không đồng ý những điều này thì họ sẽ mắc sai lầm nữa, đến một lúc nào đó, họ phải hiểu sự thật và rút ra kết luận này. Ông có đồng ý với tôi về điểm đó không?

Salsbury:

- Tôi còn nghi ngờ. Tôi không muốn nói “có" khi tôi không chắc. Muốn được như vậy, có thể còn phải mất nhiều thời gian nữa. Có thể là Ngài đúng mà tôi thì sai.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Đó là vấn đề.

Salsbury:

- Đây có vấn đề chính trị và cũng có vấn đề cá nhân.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Cố nhiên, nhưng chủ yếu là chính trị.

Salsbury:

- Tôi cũng nghĩ vấn đề chính trị là chính.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Vừa rồi ông tỏ ý hoài nghi cũng có chỗ đúng. Nhưng tôi nghĩ những người như ông phải có cống hiến và làm cho sự thật sáng tỏ. Vì đây là vấn đề rất lớn, có liên quan đến chúng tôi và liên quan đến các ông. Trước sau thì những người cầm quyền Mỹ phải nhìn nhận thấy sự thật. Vì sự thật ngày càng sáng tỏ và buộc người ta phải thừa nhận.
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Chín, 2009, 08:25:13 pm gửi bởi SaoVang » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #101 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 09:17:03 pm »

Thủ tướng nhắc lại quá trình can thiệp của Mỹ vào miền Nam Việt Nam từ sau Hiệp nghị Genève năm 1954 những thất bại liên tiếp của Mỹ ở miền Nam nhất là thất bại của "chiến tranh đặc biệt" , tình hình nghiêm trọng của đội quân viễn chinh Mỹ sau hai mùa khô. Ở miền Bắc Việt Nam chính sách leo thang đánhphá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng đang thất bại.

Thủ tướng nói tiếp:

- Tình hình hiện nay đối với quân đội viễn chinh Mỹ khó khăn hơn bao giờ hết. Họ đang đứng trước một bước đường tiến thoái lưỡng nan. Họ sẽ làm gì? Đánh ở đâu. Đánh thế nào? Làm thế nào để có thể thắng được? Đó là những câu hỏi mà quân nhân Mỹ không giải đáp được. Nếu ông hỏi tướng Westemoreland, cũng chẳng chắc ông ta đã trả lời được. Trước đây một năm, ông ta trả lời được nhưng bây giờ thì không trả lời được. Có lẽ phải nhắc đến bốn điểm của tướng Oét-mo-len. ông có cần tôi nhắc lại bốn điểm đó không

Một: Đánh bại lực lượng quân giải phóng.

Hai: Bình định. .

Ba: Củng cố ngụy quân ngụy quyền.

Bốn: Cắt miền Nam với miền Bắc.

Với điểm thứ nhất, đến bây giờ thì rõ ràng là không thể nào thực hiện được. Người Mỹ không dám thừa nhận điều đó. Họ còn nói là họ thực hiện được điểm một, nghĩa là có thể đánh bại được quân giải phóng. Nhưng tôi, tôi nói với ông là họ không làm được điểm một. Trái lại, lực lượng vũ trang giải phóng càng tăng cường mạnh hơn là người Mỹ tưởng.

Về điểm thứ hai, tôi nói thẳng là họ thất bại và họ cũng không thể không thừa nhận điều đó.

Về điểm thứ ba, họ không muốn nhận, nhưng cũng buộc phải thừa nhận là ngụy quân ngụy quyền sụp đổ.

Về điểm thứ tư, rõ ràng là họ không làm được.

Tóm lại, toàn bộ kế hoạch đã bị thất bại. Hơn nữa, trong thời gian tới họ không có khả năng làm hơn được cái gì họ đã làm,nghĩa là người Mỹ đang ở trong một tình trạng bế tắc ở miền Nam.Ở đây tôi với ông, nếu cần, nên nói chuyện nhiều về điểm này, vì có rất nhiều người tưởng rằng sức mạnh vật chất, sức mạnh vũ khí của Mỹ sẽ thắng ở miền Nam. Tôi cho họ nghĩ như vậy là không đúng và nguy hiểm nữa, nhất là đối với những người Mỹ.

Mấy năm qua, nhà cầm quyền Mỹ leo thang vì họ nghĩ rằng sức mạnh vật chất sẽ thắng. Thua một nấc, họ nghĩ nếu tăng cường lục lượng họ sẽ thắng, đến nấc thứ hai, họ thua, họ tưởng đến nấc thứ ba sẽ thắng, đến nấc thử ba, thứ tư họ cũng nghĩ vậy, đến nấc này, họ còn nghĩ như vậy nữa không? Đó là vấn đề.

Chúng tôi quả quyết với ông là họ không thể thắng. Từ đó, tôi muốn nói với ông về bản chất của cuộc chiến tranh vì đó là vấn đề mấu chốt. Trong những câu hỏi của ông với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có một số câu hỏi tôi muốn nói ở đây.

« Sửa lần cuối: 10 Tháng Chín, 2009, 08:27:31 pm gửi bởi SaoVang » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #102 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 09:35:51 pm »

Ông hỏi chúng tôi so sánh giữa tướng Mỹ với tướng Pháp như thế nào? Giữa lính Mỹ với lính Pháp như thế nào? Vấn đề không phải ở đó, vấn đề là ở chỗ cuộc chiến tranh này là cuộc chiến tranh gì đối với người Mỹ? đối với người Mỹ, đó là cuộc chiến tranh phi nghĩa, không có lẽ phải và ở một vùng mà người Mỹ không thể nào giành được những điều kiện thuận lợi. đối với chúng tôi, đó là một cuộc chiến tranh thiêng liêng. Đó là độc lập, tự do, đời sống của chúng tôi, đối với chúng tôi là tất cả, cho thế hệ hiện nay và cho cả thế hệ tương lai. Cho nên chúng tôi quyết chiến quyết thắng. Và thắng lợi bắt đầu từ trong ý chí của mỗi người Việt Nam. Thắng lợi từ quyết tâm và từ đó chúng tôi giải quyết được tất cả các vấn đề. Điều này các ông khó hiểu lắm. Không phải chỉ đối với các ông tôi mới nói như vậy, mà cả với những người bạn khác ở châu Âu, những người bạn rất gần của chúng tôi. Người ta không hiểu, người ta sợ lực lượng của Mỹ. Người ta nghĩ làm thế nào có thể chống lại đội quân viễn chinh hai trăm nghìn người với những vũ khí hiện đại, với hạm đội 7 ở bên cạnh. Người ta không tin là chúng tôi đánh thắng, đến bây giờ chúng tôi làm được. Chúng tôi đánh thắng. Chúng tôi nói với những người bạn của chúng tôi là chúng tôi sẽ thắng lợi hoàn toàn. Người ta đã phải thừa nhận đó là sự thật, nhưng người ta vẫn chưa hiểu, đối với ông, tôi không có hy vọng thuyết phục được ông, nhưng tôi phải nói điều này vì nó là một điều rất quan trọng.

Về khả năng của tướng Mỹ tôi muốn nói thêm. Ở miền Nam có những sĩ quan và binh lính nguy. Đó là người Việt Nam. Chúng là nửa triệu người. Chúng có vũ khí tốt. Nhưng chúng đã làm được gì trong lúc lực lượng vũ trang giải phóng ít hơn, vũ khí tất nhiên xấu hơn, mà họ lại đánh rất giỏi. Tất cả đều là người Việt Nam, nhưng vì sao một bên thì là tồi, một bên thì thật là tài trí tuyệt vời, chưa hề có. Từ trước đến nay trong lịch sử, chưa có một cuộc chiến tranh nhân dân nào đánh tài như vậy. Người Mỹ cũng phải thừa nhận điều đó. Vì ở miền Nam, chúng tôi là chính nghĩa, do đó chúng tôi sẽ thắng Mỹ. Chúng tôi đã thắng người Mỹ vì lẽ đó. Bây giờ đang thắng. Nếu cần sang năm sẽ thắng. Nếu phải đánh thêm ba mươi năm nữa cũng sẽ thắng vì lẽ đó.

Tôi nói thêm một điều rất quan trọng mà người Mỹ chưa thấy. Hiện nay, nhiều quân nhân Mỹ lý luận như thế này: họ có bốn mươi vạn quân mà không giải quyết được vấn đề, họ tưởng tăng lên năm mươi vạn quân thì có thể giải quyết được, có người nói đến sáu mươi vạn, có người nói nếu cần thì tăng thêm nữa. Nhưng như tôi đã nói, căn bản của vấn đề không phải ở chỗ đó. Đây là một vấn đề quan trọng. Lính Mỹ càng vào miền Nam càng gây ra những hậu quả không lường được. Thứ nhất, họ mang lại chiến tranh. Đó là một điều rất nguy hại đối với họ về mặt chính trị. Ngụy quân ngụy quyền từ trước đến nay còn lừa dối được một số người bây giờ không lừa dối được ai. Và người Việt Nam ở miền Nam rõ ràng thấy Chính phủ Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh thuộc địa dã man nhất trong thế kỷ này. Ông có nhận thấy điều đó không?


Salsbury:

- Tôi khó mà trả lời được câu hỏi của Ngài. Nếu Ngài hỏi chiến tranh có dã man không thì tôi sẽ trả lời tất cả các cuộc chiến tranh đều dã man cả. Có thể nói đây là một cuộc chiến tranh rất dã man.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Đó là một điều rất quan trọng.

Điều thứ hai là đội quân viễn chinh Mỹ vào đã làm đảo lộn toàn bộ nền kinh tế ở miền Nam. Nạn lạm phát rất ghê gớm. Người ta không thể nào sống được.

Thứ ba là binh lính Mỹ đã gây những hiện tượng rất xấu xa về mặt văn hoá và xã hội. Ông cũng biết người ta gọi Sài Gòn là một nhà chứa khổng lồ không? Cả con gái những người ở tầng lớp trên cũng đi làm đĩ cho sĩ quan Mỹ.

Từ những điều đó thì thấy quân đội Mỹ càng vào đông chừng nào càng gây ra những căm phẫn ghê gớm trong nhân dân miền Nam. Do đó, ở các đô thị miền Nam đang diễn ra một tình hình rất mới là phong trào đô thị phát triển mạnh mẽ, như những cuộc đấu tranh của công nhân bến tàu ở Sài Gòn mấy hôm nay. Rồi đây phong trào càng rộng lớn mạnh mẽ, lôi cuốn tất cả các tầng lớp trên, trí thức, tư sản, tôn giáo, công chức trong bộ máy ngụy quyền. Đó là những diễn biến chính trị mà các ông không lường hết được. Đó là một mặt trận cực kỳ quan trọng đi đôi với những thắng lợi trên mặt trận quân sự, trên cơ sở sự sụp đổ của ngụy quân, ngụy quyền. Đó là những điều người Mỹ phải nhìn thấy. Tôi nghĩ có thể có những người Mỹ sáng suốt ở Sài Gòn bắt đầu thấy. Như vậy thì đưa quân vào nhiều, các ông làm được gì? Dù các ông tăng quân trong lúc ngụy quân, ngụy quyền sụp đổ thì làm được gì? Đó là những điều cơ bản về tình hình chính trị ở miền Nam Việt Nam. Về điểm này ông với tôi có thể thảo luận thêm.


« Sửa lần cuối: 08 Tháng Chín, 2009, 09:49:45 pm gửi bởi SaoVang » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #103 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 09:36:50 pm »

Về miền Bắc, mấy hôm nay đi thăm, ông đã thấy đại thể tình hình. Điều quan trọng nhất là cuộc chiến tranh bằng không quân đối với người Mỹ là một sự thất bại. Dư luận thế giới đã thấy là thất bại. Thất bại ở chỗ không bắt buộc được chúng tôi đầu hàng và hơn nữa không ảnh hưởng gì đến tình hình miền Nam. Trái lại, tình hình miền Nam lại càng thuận lợi hơn cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng và nguy khốn hơn cho người Mỹ.

Về phía chúng tôi, trong mấy năm chiến đấu với loại chiến tranh mới này, chúng tôi thấy thêm mấy điểm:

Một là tiềm lực quân sự và quốc phòng của chúng tôi tăng lên rõ rệt và đây là một điều rất may mắn. Lực lượng phòng không tăng lên, nói chung là lực lượng vũ trang tăng lên và sẽ tăng lên một cách vững chắc vì chúng tôi đã vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất, đã trải qua những bước ngập ngừng lúc đầu.

Bây giờ là lúc phát triển rộng và nhanh. Ở đây lực lượng chủ yếu là thanh niên, rất quan trọng và rất dũng cảm. Chắc là ông có nghe nói đến sức mạnh, lòng dũng cảm, khả năng to lớn của tuổi trẻ. Rõ ràng trong cuộc chiến tranh, chúng tôi thấy sáng tỏ những khả năng của họ. Ba triệu thanh niên đã đăng ký sẵn sàng và họ đã chứng tỏ khả năng của họ trên các chiến trường. Trong tất cả các cuộc cách mạng đều là như vậy.

Hai là về mặt kinh tế. Trong các câu hỏi của ông, ông có hỏi về vấn đề này. Ở đây phải thấy hai mặt: một mặt là sự tàn phá của cuộc chiến tranh bằng không quân, điều đó là tất nhiên. Nhưng có mặt khác, mặt chúng tôi tìm cách đế phát triển tiềm lực kinh tế cho thích hợp với điều kiện chiến tranh và có thể tránh được sự phá hoại của bom đạn Mỹ. Trong thời gian qua, chúng tôi đã rút được kết luận về vấn đề đó. Chúng tôi tiếp tục làm những cái gì chúng tôi có thể bảo vệ được, về nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải và tất cả các ngành khác. Đây là những kinh nghiệm cực kỳ quý báu. Trên cơ sở đó, có khả năng phát triển tiềm lực kinh tế cho thích hợp với điềụ kiện chiến tranh, chuẩn bị chiến tranh lâu dài.

Bây giờ đến một điểm lớn trong những câu hỏi của ông là: triển vọng của cuộc chiến tranh. Ông hỏi là chiến tranh sẽ kéo dài trong bao lâu? Về phần chúng tôi, chúng tôi chuẩn bị chiến tranh lâu dài, vì chiến tranh nhân dân tất nhiên phải lâu dài. Không ai biết nó sẽ héo dài bao lâu. Điều này khó nói. Lúc nào hết quân xâm lược mới thôi. Thực sự chúng tôi chuẩn bị như vậy. Trong ý nghĩ của chúng tôi là như vậy. Trong người dân Việt Nam nào cũng là như vậy. Ông không có thì giờ để nói chuyện với những người dân Việt Nam chúng tôi. Đây là điều mà người nước ngoài hay hỏi chúng tôi, câu hỏi làm chúng tôi ngạc nhiên, đối với bất cứ một người dân Việt Nam bình thường nào cũng vậy. Chúng tôi làm sao quyết định được khi nào sẽ kết thúc chiến tranh, vì chúng tôi không thể đem quân sang đánh bẹp các ông trên đất Mỹ. Cho nên, chúng tôi chuẩn bị đánh lâu dài. Mỹ còn xâm lược, còn đánh. Bao nhiêu năm? Mười năm, hai mươi năm đã vừa chưa? Nếu chưa vừa thì còn dài nữa. Tôi thường nói với các bạn nước ngoài: thế hệ trẻ của chúng tôi, nếu cần phải tiếp tục chiến đấu, sẽ chiến đấu giỏi hơn chúng tôi, thậm chí cả những trẻ em ít tuổi. Vì họ cũng đã được chuẩn bị tốt.

Tình hình là như vậy. Tôi nói đây không phải để uy hiếp ai, để gây ấn tượng với ai. Đó là hậu quả lô-gích của tình hình. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc tự hào. Cả lịch sử của nó là lịch sử của một dân tộc tự hào. Giặc Mông Cổ đến, chúng tôi đánh cho một lần thua, lần thứ hai đến, chúng tôi lại đánh thua. Lần thứ ba đến, chúng tôi lại đánh thua nữa. Bây giờ các ông muốn đánh mấy lần? Ông hỏi phải đánh bao nhiêu lâu, tôi phải trả lời như vậy. Đó là tuỳ các ông chứ không phải tuỳ chúng tôi.

Vấn đề thứ nhất tôi muốn nói với ông là như vậy.
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Chín, 2009, 08:28:01 pm gửi bởi SaoVang » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #104 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 09:37:38 pm »

Tôi nói đến vấn đề thứ hai là vấn đề giải pháp. Ông hỏi nhiều câu về giải pháp. Tất nhiên ông chú ý nhiều về giải pháp. Tôi hiểu và rất muốn nói chuyện với ông về điều đó. Nhưng tôi nghĩ muốn nói chuyện được với nhau về giải pháp thì phải xuất phát từ tình hình tôi vừa nói với ông. Đối với chúng tôi, giải pháp rất dờn giản. Vì đây là một cuộc chiến tranh xâm lược, thuộc địa, phi nghĩa, thì giải pháp là làm sao chấm dứt xâm lược. Giản đơn lắm, rất lô-gích, rất hoàn hảo và không thể bác bỏ được. Ông có đồng ý không?

Salsbury:

- Trên thế giới có rất nhiều điều không lô-gích mà chúng ta vẫn phải chịu.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Đúng, tôi hiểu như vậy. Chúng ta đang phải sống trong một thế giới như vậy. Nhưng không phải như vậy là chúng ta không phấn đấu cho cái gì mình cho là đúng đắn, là thiêng liêng. Đối với chúng tôi, cuộc chiến đấu là độc lập, tự do. Tất cả các giải pháp đều phải xuất phát từ điều đó và phải đưa đến vấn đề đó. Đối với chúng tôi, đó là một điều không thể nào động đến được. Tất nhiên đó là một vấn đề rất khó.

Theo quan điểm của chúng tôi, tốt nhất là những người xâm lược Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của họ. Tất cả vấn đề là ở đó. Chừng nào họ chưa tính đến việc này thì chưa thể có giải pháp cho cuộc chiến tranh được. Họ còn đánh chúng tôi,  chúng tôi còn phải đánh lại họ. Có cách nào làm họ hiểu điều đó, tôi nghĩ đó là việc của các ông. Những người như ông có trách nhiệm làm việc đó.

Ở đây người ta thường nói đến một điều không đúng. Người ta nói đến danh dự của nước Mỹ. Danh dự của nước Mỹ ở chỗ nào? Tôi nghĩ danh dự chính đáng của nước Mỹ là không làm chiến tranh phi nghĩa, và nếu đã làm chiến tranh phi nghĩa thì thôi đừng nói đến danh dự của nước Mỹ nữa. Không có cách nào khác. Tôi nghĩ làm như vậy là đúng. Trong lịch sử đã có nhiều tiền lệ là nước Pháp đối với Algéri. Tại sao người Mỹ không làm được như thế? Còn phía chúng tôi, chúng tôi phải làm một cuộc chiến tranh yêu nước. Tất nhiên, chúng tôi không nghĩ đến việc làm nhục nước Mỹ vì nước Mỹ là một nước lớn. Nước Mỹ trọng danh dự của nước Mỹ. Chúng tôi cũng trọng danh dự của nước chúng tôi. Và lúc nào giới cầm quyền Mỹ chấm dứt cuộc chiến tranh thì chúng ta có thể tôn trọng lẫn nhau và giải quyết mọi vấn đề. Vì sao chúng tôi không tính được như vậy? Chỗ này tôi muốn biết ý kiến ông.

Vì quan điểm của chúng tôi là như vậy nên lập trường của chúng tôi là bốn điểm. Bốn điểm đó là cơ sở đế giải quyết vấn đề chiến tranh. Không nên coi đó là điều kiện. Đó là chân lý, là lẽ phải. Đó là điều giản đơn, chẳng qua chỉ là thừa nhận những điều khoản của Hiệp nghị Genève. Các giới cầm quyền Mỹ không chịu thừa nhận bốn điểm đó, như vậy là họ chưa muốn giải quyết vấn đề Việt Nam. Và nhất là không muốn thừa nhận điểm ba là muốn bám lấy miền Nam Việt Nam, tức là họ còn muốn chui vào đường hầm. Thế là chịu, ai làm sao được! Cho nên phải đi đến giải quyết vấn đề trên cơ sở bốn điểm. Anh muốn đi đường nào cũng được,nhưng cuối cùng cũng phải đi đến bốn điểm. Dư luận thế giới thừa nhận điều này. Bên cạnh bốn điểm, chúng tôi còn đề ra một điểm nữa, đòi Chính phủ Mỹ phải đình chỉ vĩnh viễn và vô điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc. Điều này có tính chất quan trọng. Dư luận thế giới ủng hộ điểm này chứng tỏ nó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đến nay thế giới người ta đòi Mỹ phải thừa nhận điểm này. Cho nên ông U Than, tướng De Gaulle cũng đòi như vậy. Vì lẽ gì? Tôi không cần nói nhiều vì hình như ông cũng thừa nhận điểm này. Nhưng các giới cầm quyền Mỹ và Lầu Năm Góc chưa bằng lòng đâu. Tất nhiên đối với họ còn khó lắm, đối với chúng tôi thì rất rõ ràng và giản đơn, vì những lẽ phải lớn rất giản đơn.

« Sửa lần cuối: 08 Tháng Chín, 2009, 09:52:22 pm gửi bởi SaoVang » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #105 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 09:39:20 pm »

Về giải pháp thì lập trường của chúng tôi rất rõ rệt và có bốn điểm. Đối với miền Nam có điểm thứ ba trong bốn điểm. Lát nữa tôi sẽ nói rõ, vì nó liên quan đến vấn đề thống nhất đất nước. Về giải pháp, tôi nói thêm một điều là từ trước đến nay phía Chính phủ Mỹ chưa có một thiện chí nào. Trong một cuộc chiến tranh phức tạp như thế này mà không có thiện chí nào thì không giải quyết được gì. Chúng tôi biết rất rõ và không khi nào bị lừa đâu. Vì chúng tôi biết là giới cầm quyền Mỹ và Lầu Năm Góc trong khi nói đến hoà bình vẫn tiếp tục tăng cường chiến tranh. Còn các giới chính trị và dư luận thế giới lúc đầu có thể hiểu lầm, nhưng dần dần người ta cũng hiểu. Chúng tôi nghiệm rằng mỗi lần bọn xâm lược Mỹ muốn leo thang thì họ lại trùm lên họ cái áo hoà bình, từ bài diễn văn ở Baltimore cho đến nay, cho đến lúc này. Tất nhiên tôi hiểu điều này hơn ông vì có nhiều cái tôi không nói với ông được. Nhưng như vậy không có kết quả gì tốt cho Mỹ đâu. Dư luận đâu đâu cũng nói Tổng thống Johnson là kẻ nói dối... Tôi đọc rất nhiều bài báo đều nói như vậy, ông ấy làm như vậy đề làm gì? Đánh lừa được ai? Cho nên, muốn thực sự có giải pháp thì trước hết phải có thiện chí. Tất nhiên, về phía chúng tôi đã sẵn sàng. Chúng tôi biết chúng tôi phải làm gì nếu Mỹ có thiện chí. Nếu họ chấm dứt cả cuộc chiến tranh, chúng tôi biết chúng tôi phải làm gì. Nếu họ chấm dứt động chạm đến miền Bắc, chúng tôi cũng biết chúng tôi phải làm gì. Về giải pháp, chúng tôi chỉ nói bấy nhiêu, có gì ông nói thêm.

Bây giờ tôi nói về vấn đề miền Nam và vấn đề thống nhất. Chúng tôi nghĩ là về vấn đề miền Nam, và tất cả những vấn đề của miền Nam. Cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng rất đầy đủ. Cương lĩnh đó thể hiện trong bốn từ: hoà bình, độc lập, dân chủ, trung lập. Đó là một cương lĩnh sáng suốt và thông minh, rất thích hợp với tình hình miền Nam hiện nay, được nhân dân miền Nam rất đồng tình và nay mai sẽ trở thành mục tiêu phấn đấu của toàn thể nhân dân miền Nam, không những ở nông thôn mà cả ở đô thị. Đó là điều mà tình hình đòi hỏi. Vì lẽ Mặt trận là người lãnh đạo sáng suốt nên Mặt trận được sự ủng hộ lớn lắm trong nhân dân miền Nam. Ở đây phải nói là giới cầm quyền Mỹ rất mù quáng không chịu thừa nhận tình hình đó. Ở miền Nam, họ đánh ai? Họ đánh với Mặt trận. Họ không thừa nhận Mặt trận, đó là điều không thể được. Họ muốn giải qnyết những vấn đề của miền Nam thì phải nói chuyện với ai? Tất nhiên phải thừa nhận Mặt trận và nói chuyện với Mặt trận. Nhất định tình hình sẽ diễn ra như vậy. Có thể là giới cầm quyền Mỹ sẽ đứng trước những sự đau đớn bất ngờ đối với họ nếu họ mù quáng không chịu thừa nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Ở đây có một vấn đề tôi muốn nói với ông, đó là vấn đề quan hệ giữa Mặt trận với chúng tôi. Việt Nam là một nước, một dân tộc Nhưng có Hiệp nghị Genève, có tình hình thực tế hiện nay, vàở miền Nam có Mặt trận, người lãnh đạo cuộc chiến tranh giải phóng ở miền Nam. Chúng tôi rất yêu thương đã đành rồi, chúng tôi còn kính trọng đồng bào chúng tôi ở miền Nam và càng kính trọng vì đồng bào chúng tôi trong đó đang làm một cuộc chiến tranh cực kỳ gian khổ và cực kỳ anh dũng. Chúng tôi kính trọng những chủ trương của Mặt trận. Tình hình miền Nam là do Mặt trận giải quyết. Vấn đề chiến tranh ở miền Nam là do Mặt trận giải quyết, cả trước mắt và trong tương lai. Đó là một chính sách rất lớn của chúng tôi.

Vấn đề thống nhất sẽ giải quyết như thế nào? Đây là một câu hỏi của ông. Chúng tôi đã nói rất nhiều lần quan điểm của chúng tôi, Mặt trận cũng đã tuyên bố rất nhiều lần. Nhất định chúng tôi phải thống nhất. Chúng tôi đã từng nói: trên thế giới này không có lực lượng nào có thể chia cắt đất nước nhân dân chúng tôi. Vì dân tộc Việt Nam rất thống nhất. Tôi là một người quê ở miền Nam. Nhưng thống nhất thế nào? Chúng tôi chủ trương thống nhất trên cơ sở độc lập dân tộc, bằng phương pháp hoà bình. Điều đó có nghĩa là hai miền bàn với nhau trên tinh thần anh em để làm thế nào cho tốt nhất. Bằng phương pháp gì? Bằng những bước nào? Người ta thường hiểu nhầm điều này. Người ta nói chúng tôi sẽ lấn áp, thôn tính miền Nam. Chúng tôi không làm những điều ngu xuẩn và tội lỗi như vậy. Trái lại, chúng tôi rất tôn trọng ý kiến của đồng bào và của Mặt trận. Ở miền Nam. Vì vậy, chúng tôi ủng hộ lẫn nhau và cùng chiến đấu chống kẻ thù chung. Chắc ông biết khi Hà Nội bị ném bom thì miền Nam đã phản ứng rất nhanh. Khẩu hiệu của miền Nam là bọn xâm lược Mỹ đụng đến Hà Nội thì nhân dân miền Nam sẽ đánh hai, ba, năm, mười lần mạnh hơn. Đây không phải là điều nói huênh hoang đâu. Trong khi miền Nam nói “Hà Nội là trái tim của cả nước”, điều đó là đúng sự thật. Cho nên thế nào chúng tôi cũng phải thống nhất, nhưng chúng tôi sẽ tính toán với nhau, xem xét tình hình, làm thế nào thuận lợi nhất, vững chắc nhất và chúng tôi không vội. Vấn đề thống nhất không có gì mới, tôi chỉ nói vắn tắt như vậy.

« Sửa lần cuối: 08 Tháng Chín, 2009, 09:53:21 pm gửi bởi SaoVang » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #106 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 09:39:27 pm »

Cuối cùng tôi muốn nói với ông một điều. Chúng tôi là một nước độc lập. Chúng tôi có chính sách độc lập, tự chủ của chúng tôi. Chúng tôi làm chủ vận mệnh của chúng tôi, làm chủ chính sách của chúng tôi từ cái nhỏ đến cái lớn. Điều này rõ lắm. Làm một cuộc chiến tranh như thế này nếu không làm chủ thì không làm được. Không có chính sách vững vàng thì không thể làm được. Do đó phải nói là chúng tôi độc lập tự chủ trong tất cả các vấn đề ngoại giao của chúng tôi. Từ trước đến nay là như vậy, từ nay về sau cũng như vậy. Tôi nói với ông điều này vì các giới chính trị Mỹ hay hiểu lầm điều này lắm. Và hiểu lầm điều này là đi rất sai. Tôi không muốn họ đi sai, vì giới cầm quyền Mỹ mà sai thì tình hình sẽ có những cái không tốt. Trong phạm vi nào đó, nó có quan hệ đến chúng tôi.

Về các câu hỏi của ông, có một câu hỏi nhỏ tôi cần trả lời ông. Ông hỏi lúc nào chúng tôi nhận quân tình nguyện. Tôi trả lời với ông là tuỳ Chúng tôi đã chuẩn bị và không thiếu người tình nguyện, nhưng lực lượng vũ trang tình nguyện cũng có và những người dân thường tình nguyện cũng có. Chúng tôi cần thì có thể có rất nhiều. Đây là một chỗ dựa quan trọng của chúng tôi. Và điểm này cũng chứng tỏ chính sách độc lập của chúng tôi.

Tôi nghĩ là tôi đã giải thích về cơ bản những điều tôi muốn nói với ông. Bây giờ thì ông với tôi nói chuyện. Câu hỏi của tôi là tôi nói như vậy ông có điều gì không đồng ý? Vì lúc nãy tôi đã nói là tôi nói chuyện với một người Mỹ có thiện chí. Nếu hôm nay ta nói chuyện chưa xong thì mai ta lại nói.


Salsbury:

- Tôi xin nêu lên một số nhận xét và ý kiến của tôi. Tôi bắt đầu từ điểm này: tôi rất mong muốn giữa Việt Nam và Mỹ có hoà bình. Cũng như nhiều người Mỹ và nhiều người khác trên thế giới, tôi rất phiền muộn vì cuộc chiến tranh đang tàn phá đất nước Ngài. 

Tôi nghĩ rằng tôi hiểu rất rõ tinh thần độc lập và dũng cảm đang thúc đẩy nhân dân Việt Nam đấu tranh. Đối với một người Mỹ, việc hiểu điều đó không khó khăn gì. Cách đây rất lâu, chúng tôi là một dân tộc thuộc địa lúc đó rất nhỏ yếu phải đương đầu với một nước thực dân rất to lớn. Chúng tôi đã phải tiến hành một cuộc chiến tranh rất gian khổ đế chống lại nước đó. Chúng tôi đã chiến đấu rất dũng cảm và cuối cùng chúng tôi đã giành được độc lập. Sau chiến tranh, chúng tôi đã trở nên những người bạn rất thân với nhau, tôn trọng lẫn nhau. Tôi và nhiều người Mỹ cũng mong rằng cuộc chiến tranh này sẽ kết thúc với tình hình như vậy. Tôi mong rằng các ngài sẽ được độc lập, có chủ quyền, khi đó chúng ta sẽ cùng tôn trọng lẫn nhau và là những người bạn của nhau.

Cuộc xung đột này có hai khả năng phát triển. Một là, nó sẽ tiếp tục và lâu dài. Các ngài cũng đã chiến đấu hai mươi, ba mươi năm. Thời gian vậy là rất lâu rồi. Tôi hiểu rằng khó có thể nói được là chiến tranh sẽ kéo dài bao nhiêu lâu nữa. Có thể là mười năm, hai mươi năm nữa, và như vậy là một thời gian rất dài đối với đời sông của một con người.

Lúc nãy, Ngài có hỏi tôi rằng: đây có phải là một cuộc chiến tranh dã man nhất trong lịch sử không? Thật khó có thể nói được, vì chiến tranh rất khủng khiếp. Nó đã gây cho nhân dân Việt Nam bao nhiêu đau khổ, chết chóc, tàn phá. Tôi nghĩ là bất cứ ai đã nhìn thấy những sự việc đó đều thấy cần phải chấm dứt cuộc chiến tranh mà vẫn đạt được những mục tiêu đã theo đuổi, cần phải có giải pháp như thế nào để cho người Mỹ nói chung và người Mỹ trong Chính phủ có thể thừa nhận được. Tôi cũng muốn tìm mọi cách để góp phần chấm dứt chết chóc.

« Sửa lần cuối: 10 Tháng Chín, 2009, 08:28:36 pm gửi bởi SaoVang » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #107 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 09:55:36 pm »

Tôi nghĩ rằng có hai mặt để giải quyết vấn đề chiến tranh. Về phía các ngài, các ngài không tin người Mỹ. Các ngài cho rằng Mỹ đang muốn lừa bịp các ngài để thắng các ngài. Nếu chúng ta muốn tìm cách nói chuyện bình tĩnh với nhau thì có thể người Mỹ sẽ cho đó là dấu hiệu yếu đuối. Ngài nói mỗi khi Mỹ nói đến hoà bình là một lần họ chuẩn bị một bước leo thang mới. Tôi sang đây có mang theo một bài xã luận của tờ New York Times trong đó chúng tôi cũng đã viết như vậy. Đó là vì chúng tôi căn cứ vào những điều họ đã làm. Cho nên chúng tôi không ngạc nhiên và chúng tôi nghĩ rằng các ngài không có cách suy nghĩ nào khác. Chiến tranh ảnh hưởng đến quyền sống dân tộc của các ngài. Cho nên các ngài không thể chịu mất được. Và đúng là các ngài đang phải chiến đấu chống lại một kẻ thù to lớn mạnh mẽ. Nếu ở vào địa vị các ngài thì tôi cũng sẽ làm như vậy.

Mặt khác, tôi muốn nói đến lập trường của người Mỹ. Tôi rất khó nói, vì tôi có nhiều điều đồng ý với lập trường đó. Nhưng điều quan trọng là phải hiểu lập trường của Mỹ là thế nào. Trong Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cũng có những người muốn chấm dứt xung đột nhưng họ cũng nói rằng không tin được Việt Nam, vì người Việt Nam là một kẻ địch rất nguy hiếm. Họ nói nếu họ tỏ ra muốn nói chuyện thì các ngài sẽ không ngừng đâu. Tôi hiểu được vì họ đang chiến đấu chống lại các ngài và họ biết các ngài là những chiến sĩ chiến đấu rất mạnh mẽ. Họ biết các ngài hơn ai hết.

Cho nên, khi có một người nào đó, như tôi chẳng hạn, muốn tìm cách tiến đến có những cuộc tiếp xúc thì thật khó khăn, vì cả hai bên đều cho là bên kia không muốn tiếp xúc với mình. Riêng tôi thì tôi không thể nói thay được cho ai cả vì tôi chỉ là một nhà báo. Một nhà ngoại giao Mỹ không đến đây được và một nhà ngoại giao của các ngài cũng không thể đến Mỹ được. Tôi lấy ví dụ: Nguyên tắc giải quyết cuộc chiến tranh ở Việt Nam nên như thế nào. Tôi cho lập trường của các ngài là hợp lý. Tôi cũng cho rằng nếu ở vào địa vị của các ngài thì mục tiêu của chúng tôi cũng vậy. Nhưng đối với người Mỹ rất khó nhận điều đó. Hợp lý nhưng khó khăn. Những nhà lãnh đạo Mỹ đã đưa ra hết tuyên bố này đến tuyên bố khác. Các ông tướng còn nói nhiều hơn. Vì các tướng còn có vấn đề bảo vệ danh dự của họ. Họ nói cho họ thêm ba tháng hoặc cho họ thêm ba trăm nghìn quân nữa thì họ sẽ giải quyết được vấn đề. Đó là cách nói của các ông tướng. Trong chiến tranh nào cũng vậy. Cho nên vấn đề là phải làm thế nào để thoát khỏi tình trạng bế tắc đó, vì nó làm cho chiến tranh kéo dài, chết chóc, tàn phá. Tôi không nghi ngờ khả năng của các ngài chiến đấu mười, hai mươi năm. Tôi không nghi ngờ các ngài được sự ủng hộ của bạn bè các ngài. Tôi cũng không nghi ngờ khả năng của Nhà Trắng có thể động viên thêm quân, sản xuất thêm máy bay và bom đạn. Tôi không nghĩ rằng việc đó có thể làm Mỹ thắng được chiến tranh. Nhưng như vậy thì chiến tranh sẽ kéo dài thêm nhiều năm nữa. Cuối cùng thì những người chiếm đóng cũng không thể thắng được. Nhưng phải làm thế nào chấm dứt chiến tranh cho nhân dân đỡ đau khổ.

Hiện nay trên thế giới có những lực lượng muốn chấm dứt chiến tranh, cả ở Mỹ cũng vậy. Việc tôi đến thăm miền Bắc đã khuyên khích một số người muốn chấm dứt chiến tranh. Cho nên có khả năng động viên dư luận, tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh một cách hợp lý. Bản thân tôi rất lạc quan. Ngài cũng tỏ ra rất lạc quan. Ngài phải là người lạc quan mới có thể chiến đấu cho nhân dân, cho đất nước của mình như vậy. Tôi tin Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người lạc quan, vì có như thế mới có thể cống hiến được cả cuộc đời mình cho dân tộc.

Trong tình hình hiện nay, có một số yếu tố làm cho những người biết lẽ phải thấy có thể tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh. Tôi nghĩ về phía các ngài cũng như về phía Mỹ nên thăm dò để khai thác tình hình. Tôi biết đây là một vấn đề tế nhị. Tôi đã nói chuyện với một số cán bộ Việt Nam, tôi nghĩ rằng rất tốt nếu có một cuộc nói chuyện rất lặng lẽ, kín đáo giữa hai bên, ở bất cứ một nước nào trên thế giới. Làm như vậy thì có thể có sơ sở để tin cậy nhau hơn, và có thể tìm ra được biện pháp thực tế nhằm giải quyết cuộc chiến tranh.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #108 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2009, 09:56:17 pm »

Ngài nói phải chấm dứt ném bom trước khi nói chuyện. Đó là một điều hợp lý. Ngài nói nếu Mỹ đồng ý điều đó thì về Ngài, Ngài cũng biết sẽ phải làm gì. Tôi nghĩ không lầm nếu tôi cho rằng nếu một bên tỏ ra thiện chí thì bên kia cũng phải tỏ ra như vậy. Cả hai bên đều cùng tỏ ra thiện chí. Không bên nào tỏ thiện chí, nếu còn nghi ngờ lẫn nhau. Điểm này về phía Mỹ khó hơn các ngài. Vì đối với các tướng, cam kết bỏ leo thang là một vấn đề rất lớn. Westmoreland và các tướng khác nói họ đang thắng ở miền Nam. Nhưng bức tranh họ vẽ cho Johnson khác hẳn tình hình như Ngài vừa nói với tôi. Tôi chưa tới Sài Gòn. Nhưng tôi có nhiều người bạn làm báo hoặc làm ngoại giao ở Sài Gòn.

Họ nói: gần đây các tướng ở đó rất tin tưởng và cho là tình hình có tiến bộ phần nào. Họ nghĩ rằng nếu có thêm một trăm nghìn, hai trăm nghìn, ba trăm nghìn quân nữa thì họ sẽ thắng. Họ cho rằng việc ném bom miền Bắc đã gây khó khăn rất lớn cho các ngài. Trong đời tôi đã có nhiều kinh nghiệm về việc này. Tôi đã ở Anh trong đại chiến thứ hai, khi không quân Đức định ném bom đè bẹp nước Anh. Nhưng cái mà không quân Đức làm được là họ đã gây căm thù và động viên tinh thần của nhân dân Anh. Tôi cho rằng ở đây cũng vậy. Tôi biết những người lãnh đạo không quân Anh, Mỹ khi ném bom Đức. Việc đó làm cho họ mất nhiều người và nhiều máy bay, đã giết được nhiều trẻ em và tàn phá từng thành phố một. Nhưng sau chiến tranh; khi tổng kết lại kết quả của việc ném bom chiến lược, người ta thấy rằng trong suốt thời gian máy bay Anh, Mỹ ném bom Đức, nền công nghiệp Đức lại mạnh hơn trước. Cho nên có lẽ việc ném bom lại giúp cho Đức đứng vững. Vì vậy tôi không bị mắc lừa với việc người ta công bố kết quả việc ném bom miền Bắc. Tôi biết có nhiều người bị chết, nhiều thành phố bị tàn phá và gây nhiều khó khăn cho các ngài. Tôi hiểu tình hình thực tế. Nhưng không may là những người chủ trương "ném bom thì sẽ thắng" lại là những người có thế lực. Mọi người đều thấy rằng Mỹ sẽ tiếp tục leo thang. Muốn chấm dứt chiến tranh và có giải pháp hoà bình thì phải có một cuộc đấu tranh rất mạnh ở Mỹ. Nhưng tôi tin là ở nước tôi ngày càng có nhiều người tán thành tìm giải pháp hoà bình, chấm dứt chiến tranh. Và chắc chắn là những lực lượng này sẽ ngày càng mạnh.

Có một điều quan trọng. Rất khó cho tôi cũng như cho bất cứ một người nào khác nếu muốn đưa ra một giải pháp hoà bình cho vấn đề Việt Nam. Nếu chúng tôi đưa ra vấn đề chấm dứt ném bom và ngừng đưa thêm quân Mỹ và miền Nam, coi đó là những điều kiện tối thiểu để đi đến đàm phán, trong khi đó về phía các ngài thì chúng tôi không thấy dấu hiệu các ngài tỏ ra sẵn sàng làm gì để hưởng ứng, đó là không công bằng, một bên muốn mà một bên không. Tôi không chờ phía các ngài nói sẵn sàng làm những gì, nhưng tôi xin góp ý là nếu Mỹ ngừng ném bom và đưa quân vào thì các ngài cũng đừng đưa quân vào miền Nam để giữ tình trạng tương quan như hiện nay. Hoặc là các ngài có thể làm việc gì khác tương tự như vậy. Có những việc có thể đưa đến thương lượng để chấm dứt chiến tranh mà các ngài vẫn thực hiện được mục tiêu của các ngài.

Có thể là tôi sai. Nhưng tôi là một người Mỹ rất quan tâm đến vấn đề này. Tôi biết vấn đề này rất khó khăn và nguy hiểm nữa, nhưng dù sao cũng nên xem xét một cách nghiêm túc. Thời điểm hiện nay là thời điểm đặc biệt tốt để làm việc này. Chắc ngài cũng biết rằng trong chiến tranh, đặc biệt là trong cuộc chiến tranh này, có những sự tiến triển từng thời kỳ, nghĩa là nó phát triển lên rồi lại dừng lại, lại phát triển lên rồi lại dừng lại. Đây không phải là một điều bí mật: Lầu Năm Góc có những kế hoạch A, B về leo thang. Cho nên tôi nghĩ trước khi chiến tranh tiếp sang một giai đoạn mới, ta có thể tìm ra được biện pháp đề chấm dứt nó hay không? Tôi không biết những nhận xét này của tôi có đúng không, nhưng tôi xin trình bày với lòng tin của cá nhân tôi, lòng tin tưởng và tôn trọng đối với nhân dân Việt Nam và biết là nhân dân Việt Nam đã hy sinh rất lớn.

Tôi buộc phải nói như một nhà ngoại giao mà thực tế tôi chỉ là một nhà báo, nếu có gì sai thì xin Ngài lượng thứ.!”

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #109 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2009, 06:35:45 pm »

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- “Về những điểm. Ông vừa gợi ý, có một điểm về cơ bản chúng tôi không tán thành. Về điểm này chúng tôi đã chính thức nói rõ quan điểm của mình. Hôm nay cũng muốn nói thêm với ông. Ông gợi ý đối với một việc phía Mỹ sẽ làm đối với miền Bắc, chúng tôi phải có một hành động gì đáp lại. Quan điểm của chúng tôi là đặt vấn đề như vậy không được. Chính phủ Mỹ làm chiến tranh xâm lược bằng không quân đối với miền Bắc, trái với tất cả các luật pháp. Đây là một hành động chiến tranh cực kỳ nghiêm trọng của hành động này. Ông có thể nào tưởng tượng được rằng nước ông có thể bị một nước khác dùng không quân đánh không? Và trong trường hợp đó thì thái độ của những người Mỹ như thế nào? Thế rồi nước tiến công nước Mỹ của các ông đòi ngừng ném bom và đòi người ta phải có gì trả lại. Ông có thể trả lời tôi câu ấy được không?”

Salsbury:

- “Tôi có thể trả lời được. Tôi không nghĩ rằng các ngài phải trả gì cả nếu chúng tôi chấm dứt tấn công. Tôi không nghĩ rằng gợi ý của tôi bao hàm ý các ngài phải làm gì cho Mỹ mà chỉ là để tạo điều kiện dễ dàng cho cả hai bên. Tôi nghĩ rằng cách ném bom không thể bắt người ta đầu hàng được. Nếu nước chúng tôi bị ném bom thì nhân dân chúng tôi cũng sẽ làm như các ngài thôi. Nhưng nếu có cái gì ngài xem có thể làm được thì đó là ý của ngài. Đó là một hành động độ lượng về phía các ngài đối với vấn đề này như thế nào. Tôi cho là phải có một biện pháp nào đó để tạo điều kiện thuận lợi, dù chỉ là một biện pháp nhỏ để có thể đi đến những biện pháp khác. Tôi biết các ngài có những lực lượng chính trị rất to lớn. Các ngài có thứ vũ khí rất mạnh chưa dùng đến, hành động của ngài sẽ là một hành động rất mạnh. Cho nên trên tinh thần đó tôi muốn đề nghị các ngài có một việc làm gì đó để tạo ra hoà bình”.

Trả lời gợi ý về việc Việt Nam nên có một hành động độ lượng, Thủ tướng nói:

- “Về ý kiến của ông nói rằng chúng tôi cần có một hành động độ lượng, nếu xuất phát từ ý tốt thì điều đó đòi hỏi chúng tôi phải suy nghĩ. Đó là một đòi hỏi quá lớn đối với chúng tôi. Thực ra, đó là một đòi hỏi mỉa mai. đối với ông thì chúng ta có thể nói chuyện được Nhưng đối với người khác thì tôi không dung thứ, tôi nói thật vậy. Dầu sao thì đây là những vấn đề đáng suy nghĩ”.

Thủ tướng nhắc lại rằng Mỹ phải chấm dứt vô điều kiện và vĩnh viễn mọi hành động tấn công miền Bắc, phía Việt Nam sẽ có hành động thích đáng.

Ông Salsbury cho rằng người của hai bên ngồi lại với nhau để trao đổi vấn đề thì vẫn có ích. Đã đến lúc chín muồi và hy vọng thời kỳ hoà bình bắt đầu lóe ra trên đất nước Việt Nam.

Lúc chia tay Salsbury nói:

- “Tôi rất cám ơn Thủ tướng đã cho tôi có dịp được nói chuyện với Ngài. Trong cuộc nói chuyện này, tôi đã đi quá công việc của người làm báo. Đáng lẽ người làm báo phải nghe nhiều hơn nói, nhưng tôi đã nói nhiều’.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- “Tôi cũng không nghĩ nói chuyện với một nhà báo. Nếu nói chuyện với một nhà báo thì tôi không nói như vậy. Những điều tôi vừa nói với ông nếu là nhà báo thì chắc ông không đăng được. Đó là câu chuyện giữa hai người với nhau, không phải là với nhà báo. Như vậy thì tốt hơn. Nếu cần nói với nhà báo thì tôi sẽ nói khác. Và sẽ không có gì đáng nói cả.”

Các bài viết và nhất là cuộc nói chuyện với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các bức ảnh về sự tàn phá của bom đạn Mỹ ở Hà Nội mà ông Xôn-xbơ-ri gửi về nước đã gây tiếng vang lớn ở Mỹ và trên thế giới.

Từ ngày 28 tháng 12, Bộ biên tập New York Times đã điện nhắc Salsbury cần thận trọng trong việc đưa tin và bài. Phải chăng đó là sức ép của Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc?
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM