Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 01:40:53 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris  (Đọc 197982 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #80 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2009, 01:35:22 pm »

Ngày 29 tháng 4 năm 1966, Thủ tướng Pearson đề ra một kế hoạch hoà bình mới: ngừng bắn và từng bước rút quân như là những bước tiến tới hoà bình. Ngừng bắn là phần đầu của một khuôn mẫu rộng lớn về thương lượng hoà bình không có điều kiện trước. Và cùng với sự tiến triển của thương lượng, Bắc Việt Nam và các Chính phủ khác cùng rút quân từng đợt tương đương khỏi Nam Việt Nam dưới sự giám sát của quốc tế. Đồng thời, cần có những sắp xếp để có thể bảo đảm cho Nam Việt Nam có thể lựa chọn hình thức Chính phủ là làm sao cho việc rút quân không tạo nên một lỗ trống về chính trị mà chủ nghĩa khủng bố sẽ tiếp tục. Ông cũng gợi ý các việc trên đây sẽ thông qua Hội nghị Genève và Uỷ ban Quốc tế (Bộ Quốc phòng Mỹ: Sđd, Phần VI-A, tr. 21.).

Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1966, có một số cuộc trao đổi ý kiến giữa Ottawa và Washington về khả năng nói chuyện giữa Bắc Việt Nam và Mỹ. Với sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ, Canađa quyết định cử Ronning sang Hà Nội một lần nữa với mục đích xác định xem Hà Nội có nhận một vài sự có đi có lại nào không để đi tới ngừng ném bom miền Bắc.

Ông Ronning tới Hà Nội ngày 14 tháng 6 năm 1966. Trước hết, ông xin gặp một người quen cũ đã cùng dự Hội nghị Genêve năm 1962 về Lào và khi đó đang là một người trong lãnh đạo Bộ Ngoại giao nước ta. Trong cuộc gặp này, ông đã chuyển một thông điệp của Mỹ. Thông điệp nói:

Mỹ không thể chấp nhận một gợi ý như thế, nghĩa là Chính phủ Mỹ phải đồng ý chấm dứt vĩnh viễn việc ném bom Bắc Việt Nam coi như một điều kiện tiên quyết đơn phương không được đáp lại để đi đến đàm phán.

Mỹ có thể sẵn sàng tiến tới thương lượng trên cơ sở hai bên cùng giảm chiến sự ở Việt Nam mà việc chấm dứt ném bom Bắc Việt Nam sẽ là một yếu tố trong sự giảm bớt đó
".

Cuộc nói chuyện với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh khá căng thẳng, vì lần này rõ ràng ông Ronning đến Hà Nội mang theo quan điểm của Mỹ. Nguyễn Duy Trinh đã kịch liệt phê phán việc Mỹ đòi có đi có lại, và cũng có lời chê trách ông Ronning. Ông thanh minh và buồn bã ra về ngày 18 tháng 6.

Ông điện báo một bản báo cáo đầu tiên cho Ngoại trưởng Canađa Paul Martin. Canađa chuyển báo cáo đó cho Washington và yêu cầu không nên leo thang ném bom cho đến khi Ronning xong nhiệm vụ vì Johnson đã định leo thang bước mới, đánh Hà Nội và Hải Phòng từ ngày 7 tháng 6. Trong lúc đang công tác ở châu Âu. Ngoại trưởng Dean Rusk cũng sửng sốt về tin này, như bức điện ông gửi cho Macnamara chứng tỏ:

Tôi hết sức buồn phiền về sự phát triển đột ngột của tình hình thế giới và có lẽ cả những sự kiện lớn nhất ở trong nước nếu chúng ta tiến hành một việc sẽ phá hoại sứ mệnh của ông Ronning, một sứ mệnh mà ta đã đồng ý. Tôi hiểu sự băn khoăn day dứt mà việc này đã gây ra cho tất cả chúng ta. Chúng ta có thể có ngay báo cáo về chuyến đi của Ronning. Nếu ông ta mang về một báo cáo tiêu cực như chúng ta mong đợi thì đó là một cơ sở chắc chắn hơn nữa cho hành động mà chúng ta trù tính" (Tài liệu Lầu Năm Oóc G.E. tập IV, tr. 104.).

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #81 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2009, 01:36:39 pm »

Ông Dean Rusk sợ máy bay Mỹ đánh Hà Nội lúc ông Ronning đang ở đó, chứ không phải ông chống lại việc đánh Hà Nội vì Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đều mong muốn chuyến công du của Ronning không đạt kết quả tích cực.

Trước khi bước lên cầu thang chiếc Stratoliner cũ kỹ dành riêng cho Uỷ ban Quốc tế, Ronning nói với người phụ trách lễ tân của ta đi tiễn:

- Nếu các ông chỉ nhấn mạnh một điều là Mỹ phải chấm dứt ném bom miền Bắc thì sẽ khiến người Mỹ hiểu đây là điều quan trọng và các ông bị đánh đau nên tha thiết đòi điều đó, Mỹ sẽ càng đánh mạnh hơn

Ông Ronning đã nói một điều mà người ta đã cho ông biết trước.

Ngày 29 tháng 6, mười ngày sau khi ông Ronning rời Hà Nội, cuộc oanh tạc đầu tiên vào kho dầu Đức Giang, cách trung tâm Hà Nội năm ki lô mét, đã bộc lộ ý định thật của Nhà Trắng đồng thời cũng thiêu huỷ luôn "thời cơ của Canađa".

Để hiểu sự thất vọng của Ottawa cũng cần nói thêm rằng bước leo thang đánh Hà Nội, thủ đô của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Hải Phòng, cảng duy nhất cho các tàu Liên Xô tiếp tế cho Bắc Việt Nam, là cực kỳ nghiêm trọng, đến mức là Mỹ vẫn e ngại một phản ứng của Bắc Kinh. Từ ngày 17 tháng 4, Dean Rusk đã nhắn tin tới Bắc Kinh:

Mỹ đã hành động một cách kiềm chế trong chiến tranh ở Việt Nam và hy vọng rằng người Trung Quốc thấy rõ điều đó và sẽ chỉ đạo hành động của họ theo hướng đó".

Và Washington đã hài lòng với câu trả lời của người Trung Quốc:

Trung Quốc sẽ không phát động chiến tranh với Mỹ. Quân đội Mỹ sẽ bị tiêu diệt ở Trung Quốc nếu Mỹ tấn công Trung Quốc" (Tuyên bố của Thủ tướng Chu Ân Lai (Trung Quốc) ngày 10 tháng 5 năm 1965.).

Washington có thể yên lòng tính đến một bước leo thang mới.

Sau này trong cuốn "Hồi ký về Trung Quốc từ cuộc nổi dậy của Nghĩa hoà đoàn đến Cộng hoà Nhân dân" C.Ronning viết: "Tôi chưa bao giờ làm việc vất vả và dùng nhiều lý lẽ như vậy để diễn đạt một cách đẹp đẽ nhất sự can thiệp của Mỹ vào cuộc nội chiến ở Việt Nam với những người tôi nói chuyện nhằm cố gắng đi vào thương lượng chấm dứt chiến tranh". Nhưng ông cảm thấy đã bị lợi dụng. Hoa Kỳ nắm lấy sự bác bỏ (của Hà Nội) để biện hộ cho việc leo thang (Xem thêm: Giócgiơ C.Hearing: Sđd, tr. 159-161)

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #82 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2009, 01:37:38 pm »

CHƯƠNG XII
NHỮNG PHÁI VIÊN CỦA PARIS

Tổng thống Pháp De Gaulle đã kiên trì theo đuổi một chính sách độc lập về nhiều mặt đối với Mỹ, tuy rằng Pháp và Mỹ vẫn là hai nước đồng minh.

Là nước đã cai trị Việt Nam cũng như Lào và Campuchia trước đây, Pháp đặc biệt quan tâm đến tình hình Việt Nam, nhất là miền Nam, kể từ khi rút khỏi Đông Dương năm 1956 để Mỹ thay thế. Trước hết là vì Pháp còn quyền lợi ở Việt Nam và sau nữa Pháp vẫn muốn có vai trò, muốn phát huy ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Từ khi Mỹ tăng cường can thiệp vào miền Nam Việt Nam, Pháp đã chứng kiến những thất bại liên tiếp của Mỹ: sự sụp đổ của chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm, sự phá sản hoàn toàn của cuộc chiến tranh đặc biệt.
Với kinh nghiệm thất bại trong cuộc chiến tranh chống du kích ở Đông Dương mặc dầu có cả viện trợ của Mỹ, ngay từ đầu, Pháp đã cảm thấy Mỹ không thể thắng được và sớm muộn cũng phải rút lui. Khi cuộc chiến tranh đặc biệt bị sa lầy, Pháp thấy Mỹ có thể thua, do đó cho rằng cần phải có một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam có lợi cho cả Mỹ, Pháp và phương Tây.

Từ năm 1963, Tổng thống De Gaulle đã gợi ý rằng Bắc và Nam Việt Nam cần được thống nhất và nước Việt Nam cần trung lập hoá; tất cả các lực lượng nước ngoài phải rút đi. Nhưng ngày 2 tháng 9 năm 1963. Tổng thống Kennedy cho rằng gợi ý đó không thể chấp nhận được và tuyên bố một câu nổi tiếng:

Điều làm cho người Mỹ đương nhiên hơi sốt ruột là sau khi mang cái gánh nặng đó trong mười tám năm và chúng ta hài lòng nhận được những lời khuyên chúng ta thích được giúp đỡ hơn chút nữa, một sự giúp đỡ thật sự. Nhưng trong trường hợp nào chúng ta cũng sẽ biết trách nhiệm của chúng ta.

Chúng ta nào có tiến gì hơn khi nói: nói cho cùng, tại sao chúng ta trở về nước, phó mặc thế giới cho những kẻ thù của chúng ta?"
(L.B Johnson: Sđd, tr. 87.).

Khi Mỹ bắt đầu ném bom nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà và đưa quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam, Pháp càng lo ngại và tăng cường hoạt động ngoại giao. Ngoại trưởng Couve de Murvilde đi Mát-xcơ-va. Bộ trưởng André Malraux, người có quan hệ từ lâu với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đi Bắc Kinh để trao đổi ý kiến về một giải pháp hoà bình cho vấn đề Việt Nam. Ông Jean Chauvel cùng đi Hà Nội với nhiệm vụ tương tự.

Jean Chauvel, Phó trưởng đoàn Đại biểu Pháp trong Hội nghị Genève năm 1954 về Đông Dương, quen biết nhiều nhân vật chính trị Việt Nam, trong đó có Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi cùng dự Hội nghị Genève.

Khi đi qua Bắc Kinh, Jean Chauvel được gặp Thủ tướng Chu Ân Lai. Hai người đề cập vấn đề Trung Quốc vào Liên Hợp Quốc và vấn đề Việt Nam là vấn đề mà Chauvel quan tâm hơn.

Tại Hà Nội, Chauvel được đồng chí Phạm Văn Đồng tiếp ngày 11 tháng 12 năm 1965, mười tháng sau khi bắt đầu các đợt "Sấm Rền" ném bom miền Bắc Việt Nam.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #83 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2009, 01:38:46 pm »

Ông Chauvel nói đại ý: Chiến tranh Việt Nam có nguy cơ lan rộng. Mỹ đang lao vào một cuộc chiến tranh mà họ cũng không muốn. Chính sách leo thang hiện nay của Mỹ là một bước tiến về vũ lực. Có thể nói là nhân dân Mỹ ít am hiểu các vấn đề quốc tế đang ủng hộ Johnson. Sự phản đối của giới trí thức là không đáng kể vì trí thức ít ảnh hưởng ở Mỹ. Hiện nay, Mỹ tăng quân đến hai trăm nghìn người vào miền Nam, họ đánh ra miền Bắc, chiến tranh có thể lan rộng. Điều đó có thể đưa lại những hậu quả không thể lường được. Ở Mỹ còn hai năm nữa mới đến bầu cử Tổng thống. Từ nay đến đó phải làm gì. Tôi không hiểu rõ các điều kiện tiên quyết, thí dụ như việc Mỹ rút quân. Hồi ở Genève, hai bên đã họp với nhau trong khi còn đang đánh nhau.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói:

- Hiện nay Mỹ đang đưa thêm quân vào miền Nam để tiếp tục chiến tranh chứ không phải để lập lại hoà bình. Có thể họ sẽ ném bom Hà Nội. Khi Mỹ đã dùng vũ lực thì nhân dân Việt Nam bắt buộc phải đánh trả và nhất định Mỹ sẽ thất bại.

Chauvel:

- Chúng tôi hiểu quyết tâm của nhân dân Việt Nam. Nhưng tôi cho rằng song song với quá trình chiến tranh, cần tiến hành một quá trình hoà bình cho đến khi hai quá trình đó gặp nhau.

Về phần Pháp, chúng tôi có thể làm một việc gì đó, thí dụ đưa ra một dự án cho các bên hữu quan, lẽ dĩ nhiên không lấy lại lập trường bốn điểm của Việt Nam, vì đó là của riêng Việt Nam. Nhưng có thể đưa ra một dự án mà nội dung là Hiệp nghị Genève, và sau đó trình bày ra cho các bên. Sau khi có thoả thuận về nguyên tắc, có thể nói đến vấn đề thủ tục. Có điều thuận lợi là có thể làm như hồi ở Genève năm 1954, nghĩa là mỗi bên có thể đưa ra một danh sách mời những người bạn của mình. Sau đó có thể thoả thuận một chương trình nghị sự.


- Ngừng bắn (chứ không phải đình chiến);

- Điều kiện để giải quyết;

- Điều kiện rút quân;

Và cuối cùng có thể ngồi vào bàn thương lượng.

Tôi thấy ở Hà Nội các ông không cường điệu vấn đề như là tai hoạ đến nơi, nhưng ở nước láng giềng phương Bắc của các ông, cái gì cũng tưởng như báo hiệu sắp tận thế
.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Chúng ta đang ở Hà Nội. Chúng tôi quan tâm theo dõi các cố gắng của Pháp. Nước Pháp có lợi ích ở khu vực này. Là một bên ký Hiệp nghị Genève, Pháp có vai trò góp phần ổn định tình hình trong khu vực. Có một thời gian Pháp bỏ rơi trách nhiệm của mình. Nay Tổng thống De Gaulle thấy rõ vấn đề hơn. Còn về phía chúng tôi, chúng tôi tiếp tục chiến đấu ở miền Nam và ở miền Bắc. Chúng tôi tiến hành chiến tranh nhưng cũng tìm cách hạn chế chiến tranh không để nó mở rộng. Chúng tôi cũng biết cách lập lại hoà bình khi cần thiết. Chúng tôi không cản trở công việc của Pháp.

Đúng là Pháp có tư cách để làm một việc đó. Pháp hãy đóng vai trò của mình. Còn về phần chúng tôi ư? Chúng tôi phải thắng trên chiến trường. Pháp cần nói cho đồng minh Mỹ của mình biết rằng nếu họ cứ dùng vũ lực với chúng tôi thì đó là dịp tốt để Việt Nam mau chóng thông nhất bằng con đường chiến tranh. Ông đại sứ điểm lại xem ai có thể đóng góp vào hoà bình. Ông cho rằng người Anh thì hiện nay không được vì Anh còn bận vấn đề Malaysya, vả lại Anh không được tự do hành động. Canađa có quan tâm hơn, Ấn Độ thì đang có vấn đề với Trung Quốc. Liên Xô có thể có một cái gì. Họ muốn bình thường hoá tình hình ở đây, nhưng họ có vẻ ngập ngừng. Những yếu tố thuận lợi là thế đấy, có việc gì đó có thể được tiến hành.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #84 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2009, 01:39:36 pm »

Ông đại sứ nói tiếp:

- Nhưng quan hệ giữa Pháp và Mỹ gặp khó khăn và điều khó khăn nữa là làm sao cho Mỹ hiểu được vấn đề. Thí dụ, họ cứ khăng khăng coi Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam là hai Quốc gia riêng biệt. Hiệp nghị Genève coi giới tuyên quân sự chỉ là tạm thời và bản Tuyên bố cuối cùng của Hiệp nghị Genève đã nói rõ nước Việt Nam là một, nhưng người Mỹ không muốn hiểu điều đó.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Chúng tôi đánh giá cao những sáng kiến của Pháp. Pháp hiểu đồng minh của mình. Chúng tôi chúc Pháp may mắn. Chúng ta phải trở lại Hiệp nghị Genève mỗi bên trên vị trí của mình.

Quan điểm đó của Thủ tướng phù hợp với quan điểm mà Tổng thống De Gaulle phát biểu ngày 8 tháng 2 năm 1966 trong thư trả lời thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 24 tháng 1 năm 1966: trở lại Hiệp nghị Genève năm 1954 và trung lập hoá Việt Nam. Trong thư đó Tổng thống nói: "Chúng tôi gạt bỏ bất kỳ giải pháp quân sự nào và không tán thành người ta lấy cớ giành thắng lợi cho giải pháp đó để kéo dài hay mở rộng chiến tranh. Pháp quan tâm dùng ảnh hưởng của mình tác động theo chiều hướng mong muốn để sớm chấm dứt cuộc xung đột và tích cực tham gia giải quyết cuộc xung đột đó khi có điều kiện. Để đạt được mục đích đó, Pháp sẵn sàng duy trì Chính phủ ngài mọi sự tiếp xúc xét ra bổ ích” (Xem thêm Jean Laccuture: Sđd, tr. 245.).

*
*   *

Ngày 24 tháng 2 năm 1966, Tổng thống De Gaulle gặp ông Jean Sainteny, Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh trong Chính phủ trước và lúc đó chưa nhận công tác gì khi chờ thành lập Chính phủ mới, và giao cho ông nhiệm vụ đi Hà Nội thăm dò khả năng một giải pháp về vấn đề Việt Nam. De Gaulle yêu cầu ông sẵn sàng lên đường cuối tháng 4 đầu tháng 5 và phải giữ bí mật. Nhưng chỉ mấy ngày sau, tin đó đã lộ ra ngoài, nên chuyến đi phải tạm hoãn lại. Ngày 13 tháng 6, như đã yêu cầu trước qua bà Sainteny, Henry Kissinger, khi đó là chuyên viên Bộ Ngoại giao Mỹ đến gặp Sainteny về chuyến đi Hà Nội sắp tới của ông. Trong cuộc nói chuyện này, Kissinger khẳng định rằng Mỹ sẽ rút quân khỏi Việt Nam nếu đạt được một cuộc ngừng bắn đi đôi với một bảo đảm rằng ít nhất trong tám năm Bắc Việt Nam sẽ không mưu toan xâm chiếm Nam Việt Nam. Đó là cái mà sau người ta gọi là thuyết “thời gian phải chăng” (decent interval). Kissinger yêu cầu giữ bí mật kể cả với sứ quán Mỹ ở Paris về ý kiến ông ta đã phát biểu với Sainteny.

Sainteny là nhân vật đã ký bản Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946 giữa Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đã là đại diện của Pháp tại Hà Nội từ năm 1954 đến năm 1957, do đó rất quen biết ở Việt Nam. Việc chọn lựa ông là thích hợp để thực hiện hai mục tiêu:

Trước hết là khôi phục lại quan hệ của Pháp với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, cố gắng chấm dứt tình trạng lạnh nhạt trong quan hệ giữa hai nước từ năm 1958 và tạo mọi gạch nối giữa tướng De Gaulle và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau là thăm dò ý định của các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam cũng như các nhà lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng nhằm cố gắng đánh giá xem trong phạm vi nào họ có thể sẵn sàng tìm một giải pháp thương lượng cho cuộc chiến tranh đang tiếp diễn.

Ông tới Hà Nội ngày 1 tháng 7 năm 1966. Ông đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp. Ông cũng đã gặp Bộ trưởng Bộ Văn hoá thông tin Hoàng Minh Giám, một người quen cũ từ năm 1946, và ông Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Phan Anh.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #85 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2009, 01:40:35 pm »

Về mục tiêu thứ nhất, chính Sainteny cho là "Hoàn toàn đã đạt”. Ở đây chỉ nói về các cuộc nói chuyện liên quan tới mục tiêu thứ hai.

Ngày 4 tháng 7, Sainteny gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Cùng đi với ông có ông De Quirielle, Tổng đại diện Nước Cộng hoà Pháp. Về phía Việt Nam có ông Nguyễn Cơ Thạch, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Nguyễn Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ châu Âu. Cuộc nói chuyện bắt đầu lúc mười tám giờ tại Nhà khách chính phủ.

Sau một vài câu chuyện thân tình, Thủ tướng hoan nghênh cuộc viếng thăm của ông Sainteny và coi đó là một dấu hiệu của sự nối lại quan hệ có lợi cho cả hai nước. Thủ tướng tỏ lời cảm ơn thái độ của tướng De Gaulle và Chính phủ Pháp trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Và Thủ tướng Phạm Văn Đồng hỏi:

- Thế ông muốn tôi nói gì nào?

Jean Sainteny:

- Xin Thủ tướng hãy nói cho tôi như mọi khi những điều Thủ tướng nghĩ trong lòng.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng: .

- “Trước hết, tôi cần thông báo cho ông một việc hết sức nghiêm trọng vừa xảy ra cách đây vài ngày: Mỹ đã ném bom Hà Nội.
Không có khả năng Mỹ xuống thang. Chúng tôi biết Mỹ đang chuẩn bị cái gì và chúng tôi đã chuẩn bị đối phó với cái mà họ sẽ làm. Mỗi lần họ thua ở miền Nam là họ phải leo thêm một nấc thang để gỡ thế bí, tìm cách giành lại vị trí tốt hơn. Cũng không có gì tỏ rằng Chính quyền Mỹ muốn thay đổi chiều hướng chính sách của họ. Nước Việt Nam quyết tâm đối phó với mọi cuộc tấn công mới. Chúng tôi biết kết cục của cuộc xung đột là ở chiến trường và phải tìm kết cục đó trên chiến trường. Nếu năm 1965, chúng tôi có nhiều lo ngại cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng trước cuộc đồ bộ ồ ạt quân Mỹ thì nay không như thế nữa. Việc Mặt trận đã có thể chống lại quân Mỹ mà không chịu khuất phục, tự nó đã là một chiến thắng. Ở miền Bắc, sự đe doạ rất lớn nhưng dù người Mỹ san bằng Hà Nội cũng không thể làm nhụt ý chí kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Hãy để cho bọn quái vật Wheeler, Rostow trổ hết tài. Chúng tôi sẽ chiến đấu. Từ trước tới nay, Mỹ nói hoà bình đế làm chiến tranh. “Những nguyện vọng hoà bình" của họ không thể tin được. Mỹ chỉ nhận thương lượng trên thế mạnh, nghĩa là trên cơ sở các điều kiện của họ. Quan điểm của Mỹ không thể chấp nhận được
.”

Jean Sainteny:

- “Cuộc chiến tranh này sẽ gây nhiều hy sinh cho nên các Chính phủ trực tiếp dính líu cần tìm mọi cách để chấm dứt nó. Chúng tôi rất hiểu rằng Việt Nam không chịu khuất phục trước một số đòi hỏi của Mỹ, nhưng chúng tôi nghĩ rằng cũng không nên đình chỉ việc tìm kiếm hoà bình trong lúc đang chiến đấu với hết sức mình. Nước Mỹ mới dùng sức mạnh của họ ở Việt Nam một cách rất hạn chế và nếu họ dùng rộng rãi hơn sức mạnh đó thì những thiệt hại gây ra cho nhân dân Việt Nam sẽ không thể tính được. Dư luận Mỹ có khả năng chuyển hoá. Hiện nay nó còn bị chia rẽ, khi nào họ hiểu hơn thực trạng của cuộc chiến tranh Việt Nam, khi đó họ sẽ tán thành một giải pháp thương lượng. Các đề nghị hoà bình của Mỹ không phải chỉ là những gợn sóng, dù Washington chưa sẵn sàng nhân nhượng. Người ta không thể phê phán chính sách và ý đồ của Mỹ ở Việt Nam chỉ trên cơ sở hành động quân sự của họ vì hành động quân sự này chỉ là phản ánh một mặt của chính sách.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #86 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2009, 01:41:54 pm »

Mỹ đang đi tìm một giải pháp để khỏi mất thể diện và chính Việt Nam mới ở thế thắng. Mỹ đã bị đánh bại, không thực hiện được ý đồ. Đối với một nước nhỏ mà làm cho Mỹ không thực hiện ý đồ là đã ở trong thế thắng rồi. Việt Nam đang ở trong thế mạnh, thế của người chiến thắng. Nếu là đấu quyền Anh thì Việt Nam đã thắng điểm rồi.

Cần tìm ra một giải pháp, nhất thiết phải tìm ra một giải pháp. Mỗi bên muốn có điều kiện lợi cho mình là lẽ đương nhiên. Cần làm cho các lập trường gần nhau, không đối lập nhau quá xa để có thể dung hoà được lẫn nhau. Không phải là tất cả các điều kiện của một trong hai bên đều được chấp nhận cả. Nước Pháp rất quan tâm đến vấn đề Việt Nam và Đông Dương. Điều quyết định là ý kiến của Việt Nam.

Trong số các nhà chiến lược chính trị ở Mỹ, có những người muốn chiến đấu đến cùng, muốn phiêu lưu, có những người cực đoan nhưng họ không phải là đa số, quyết định không phải ở họ. Tuy còn hai năm nữa nhưng đã gần ngày bầu cử (Tổng thống) rồi, họ buộc phải chú ý đến điều đó. Quan điểm của một số người Mỹ đã bắt đầu chuyển biến xuống giọng
.”

Về giải pháp, ông Sainteny hoàn toàn không nói gì đến ý kiến của Kissinger nói với ông trước khi đi. Ông nói tiếp:

- “Cần nghĩ đến chiến tranh nhưng cũng cần nghĩ đến hoà bình. Một ngày nào đó sẽ phải thương lượng. Mặt trận Dân tộc Giải phóng cần phải lên tiếng. Mặt trận Dân tộc Giải phóng phải đang tiến hành chiến tranh trong những điều kiện gian khổ không những đối với các chiến sĩ mà đối với cả nhân dân. Tất cả các lực lượng thiện chí cùng chung sức phấn đấu để đi tới một giải pháp hoà bình trong thương lượng. Dư luận Mỹ đã có dấu hiệu mệt mỏi. Cần sẵn sàng lật quân bài xuống bàn, nói rõ mình muốn gì. Điều đó sẽ nhanh hơn các ông tưởng. Pháp đã sẵn sàng...”

Ông Sainteny bỗng nhiên ngừng lại. Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện, hồng hào, tươi cười. Người bắt tay khách xong, Người nói:

- "Tôi biết ông ở đây, nhưng tôi không đợi đến cuộc viếng thăm chính thức ngày mai nên đến thăm ông". Người hỏi thăm sức khoẻ ông Sainteny, gửi lời thăm bà Sainteny và các con của ông phải ở lại Phnôm Pênh vì Mỹ ném bom Hà Nội.

- Thôi để ông tiếp tục.

Trước lúc lui chân, Người nói thêm với ông Sainteny:

- “Nếu ông có gặp người Mỹ, ông hãy nói cho họ rằng chúng tôi không sợ Mỹ, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng, dù có phải hy sinh tất cả. Mỹ rút đi thì mọi việc sẽ được giải quyết. Nếu họ muốn, chúng tôi có thể mang hoa tặng họ. Nhưng chừng nào còn một tên lính Mỹ trên đất nước chúng tôi, chúng tôi còn tiếp tục chiến đấu”.

Cuộc nói chuyện của Thủ tướng và ông Bộ trưởng tiếp tục.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- “Chúng tôi biết chiến tranh là thế nào, nhưng điều thiết tha hơn, thiêng liêng hơn đối với chúng tôi là độc lập dân tộc. Pháp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục Chính phủ Mỹ đi vào con đường ít nguy hiểm hơn cho họ và thế giới. Chúng tôi có nghĩ đến giải pháp hoà bình vì chiến tranh kết thúc sớm hơn một ngày nào là hạnh phúc cho chúng tôi ngày ấy.”

« Sửa lần cuối: 11 Tháng Chín, 2009, 08:23:25 am gửi bởi macbupda » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #87 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2009, 01:43:21 pm »

Bất thình lình, ông Sainteny hỏi:

- “Ở miền Nam Việt Nam có thể thành lập một Chính phủ liên hiệp dân tộc trung lập không?”

Thủ tướng Phạm Văn Đồng: .

- Có thể. Đó là mục tiêu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Jean Salnteny:

- Các ông còn đợi gì nữa mà chưa thành lập?

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Tôi tiếc là không thể có một câu trả lời thoả đáng vì đó là vấn đề của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, Mặt trận có chính sách riêng.

Jean Sainteny:

- Sau khi Chính phủ liên hiệp dân tộc được thành lập, dư luận Mỹ sẽ thấy rõ tính ngu xuẩn và vô ích của cuộc chiến tranh này.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- “Tiến tới thành lập một Chính phủ là quyết tâm phấn đấu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng...”

Jean Sainteny:

- “Việc tất cả các lực lượng chính trị đều quy tụ vào Mặt trận cần dẫn tới một cái gì khác hơn là tăng cường chiến tranh. Cần chứng minh rằng Mặt trận là người đối thoại có giá trị. Việc thành lập một Chính phủ liên hiệp dân tộc và trung lập ở miền Nam cộng với những thất bại nặng nề của Mỹ có thể đưa tới việc thức tỉnh dư luận.”

Còi báo động rú vang trong đêm tối, máy bay Mỹ đến gần Hà Nội. Cuộc nói chuyện giữa Thủ tướng và ông Sainteny ngừng ở đây.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #88 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2009, 01:44:49 pm »

Hôm sau, ngày 5 tháng 7.

Mười bảy giờ, ông Sainteny được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tại Phủ Chủ tịch (Theo lời kể của Nguyễn Cơ Thạch, nguyên Thứ trưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.). Dự cuộc tiếp có Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Thanh Hà. Sainteny trao Chủ tịch Hồ Chí Minh bức thư của tướng De Gaulle, Tổng thống nước Cộng hoà Pháp và bày tỏ những tình cảm kính trọng đối với Người. Sau khi Nguyễn Cơ Thạch và Nguyễn Thanh Hà rút lui, cuộc nói chuyện tay đôi rất thoải mái. Đại để nội dung vẫn là các đề tài mà ông Sainteny đã trao đổi hôm trước với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh quyết tâm kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, Người nhấn mạnh:

- “Chúng tôi hiểu đế quốc Mỹ. Chúng tôi biết sức mạnh của họ. Họ có thể san bằng Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Bắc Ninh và các thành phố khác. Chúng tôi đã chuẩn bị. Điều đó không hề làm yếu quyết tâm chiến đấu đến cùng của chúng tôi. Chúng tôi đã có kinh nghiệm” (Xem thêm Claude Dulong: Ngôi chùa cuối cùng, Nhà xuất bản Gra-xê, Paris,1989, tr. 146, 147 và 159.).

Nhưng Người cũng nói nguyện vọng hoà bình của nhân dân ta và khả năng đi tới một giải pháp thương lượng. Người nói tiếp: "Chỉ có một cách đi tới giải pháp đó là Mỹ rút đi. Chúng tôi không muốn làm cái gì xấu đối với họ, chúng tôi sẵn sàng đem nhạc và hoa tiễn  họ và mọi thứ khác họ thích; nhưng, ông biết đấy, tôi thích tiếng lóng của nước ông: “qu’ils foutent le camp!" (Thì họ hãy cút đi.!).

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh rút lui, Thủ tướng và ông Sainteny tiếp tục hội đàm. Cuộc nói chuyện xoay quanh các đề tài: khả năng một giải pháp thương lượng, vấn đề Mặt trận Dân tộc Giải phóng và nguy cơ Mỹ tăng cường can thiệp ở Lào, tương lai các quan hệ Việt - Pháp.

Về vấn đề giải pháp, Thủ tướng nói rằng nếu Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, Hà Nội sẽ có cử chỉ đáp lại: "Tôi hứa với ông, chúng tôi sẽ làm một cái gì đó để tỏ thiện chí của chúng tôi". Sau đó Thủ tướng nói: "Chúng tôi không phản đối một giải pháp thương lượng nhưng, chúng tôi không muốn người ta đưa chúng tôi đến một Munich”.

Về vấn đề Mặt trận, ông Sainteny tỏ ý lo ngại rằng Mặt trận không có độc lập, Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định:

- “Mặt trận Dân tộc Giải phóng tự do quyết định chính sách của mình; sau thắng lợi, Mặt trận sẽ thành lập một Chính phủ theo ý mình, không có bất cứ sự can thiệp nào. Chúng tôi không có ý định can thiệp vào công việc riêng của Mặt trận".

Trong bản báo cáo về chuyến công cán của mình ở Hà Nội, Sainteny viết: "Từ các cuộc nói chuyện mà ta đã tiến hành ở Hà Nội từ ngày 2 đến ngày 8 tháng 7, tôi thấy rằng các nhà lãnh đạo của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà biểu thị một sự cứng rắn và một quyết tâm mà họ muốn là không có rạn nứt. Nhưng có lẽ họ không phản đối một giải pháp thương lượng sẽ giữ thể diện cho họ".

Ý kiến riêng của ông Sainteny là thăm dò các khả năng bằng việc trở lại "thi hành trung thực" các Hiệp nghị Genève năm 1954, như vậy Mỹ có thể rút quân mà không mang tiếng là theo điều kiện của đối phương, đồng thời thành lập một Chính phủ dân chủ, đại diện rộng rãi cho nhân dân miền Nam Việt Nam và thừa nhận giá trị của Hiệp nghị Genève năm 1954 (Xem Claude Dulong; Sđd, tr. 258-266.l).

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #89 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2009, 01:45:49 pm »

*
*   *

Cũng trong chuyến đi này, tại Phnôm Pênh, ông Sainteny đã có hai cuộc nói chuyện với ông Trần Bửu Kiếm, đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, ngày 29 tháng 6 khi đến Phnôm Pênh và ngày 10 tháng 7 khi từ Hà Nội trở lại. Cuộc nói chuyện chủ yếu về vai trò và chính sách của Mặt trận, về quyền lợi kinh tế mà Pháp còn có ở miền Nam Việt Nam.

Washington biết tin Sainteny đã được đón tiếp nồng nhiệt ở Hà Nội và cuộc tiếp xúc giữa ông ta và các nhà lãnh đạo Việt Nam được đánh giá là một cuộc tiếp xúc có giá trị. Washington tìm cách khai thác.

Ngày 9 tháng 9, Henry Kissinger từ Mỹ sang Pari gặp Sainteny. Quan hệ Mỹ - Pháp lúc đó đang căng thẳng do bài diễn văn ngày 1 tháng 9 của Tổng thống De Gaulle đọc tại Phnôm Pênh, phản đối việc ném bom miền Bắc Việt Nam và yêu cầu Mỹ đề ra một thời hạn rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Kissinger cho rằng phía Việt Nam vẫn khăng khăng đòi Mỹ rút quân rồi mới thương lượng thì: "Làm thế nào thuyết phục Hà Nội tin rằng Mỹ có thiện chí? Chỉ có ông là có thể thuyết phục được họ. Vấn đề tin cậy lẫn nhau là cái nút của việc này". Không đi đến kết quả cụ thể gì, cuộc nói chuyện tuy vậy vẫn để ngỏ một cái cửa cho sự hợp tác.

Ngày 2 tháng 12, A.Harriman cùng John Dean, Bí thư thứ nhất sứ quán Mỹ ở Paris bí mật đến gặp Sainteny ở nhà riêng với tư cách đặc phái viên của Tổng thống Johnson. Harriman nêu với Sainteny câu hỏi: “làm thế nào khởi động một cuộc thương lượng?” Cuộc tiếp xúc bí mật này sau bị tiết lộ ra ngoài, làm cho nhiều người tin rằng Washington thật sự tìm kiếm hoà bình.

Ngày 8 tháng 1 năm 1967, Raymond Guest, đại sứ Mỹ ở Ai-xơ-len mời Sainteny đến ăn cơm tại nhà riêng của ông ở Paris. Trong bữa ăn, Guest hỏi Sainteny: "ông có nhận gặp Tổng thống Johnson tại trang trại riêng của tôi không? Tôi quen thân  Tổng thống và có thể mời Tổng thống tới trang trại của tôi” .

Ngày 17 tháng 1, C. L.Cooper từ Washington tới gặp Sainteny tại nhà riêng. C.L.Cooper trong chiến tranh thế giới thứ hai làm tại cơ quan tình báo của Mỹ ở Trung Quốc (OSS) đã tham gia Hội nghị Genève năm 1954 về Đông Dương và Hội nghị Genève năm 1962 về Lào; từ năm 1964 rời CIA để gia nhập bộ tham mưu của Nhà Trắng do Mc George Bundy đứng đầu. Là một chuyên gia về vấn đề Việt Nam, thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia, lúc đó là một cộng sự đắc lực của Harriman, Cooper mang theo một thư do Harriman ký yêu cầu Sainteny trở lại Hà Nội càng sớm càng tốt để thăm dò các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam xem họ sẽ làm gì để đáp lại việc chấm dứt ném bom và quan niệm thế nào về một giải pháp trong danh dự. Cooper nói sẽ ở lại Paris để chờ trả lời. Sainteny báo cáo Tổng thống De Gaulle ngày 20 tháng 1 nhưng Tổng thống dứt khoát không đồng ý để Sainteny chấp nhận đề nghị của Harriman.

Đối với Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, tình hình lúc này rất khẩn trương. Trên chiến trường quân Mỹ đã lên tới gần bốn trăm nghìn người đang trực tiếp chiến đấu trong những cuộc hành quân Tìm và Diệt. Nhà Trắng triển khai một kế hoạch Tìm kiếm hoà bình rộng lớn, không phải chỉ từ Paris mà còn từ Luân Đôn và Mát-xcơ-va. Sự từ chối của Sainteny chỉ có nghĩa là tạm thời đóng cửa "con đường liên lạc qua Pháp". Cuộc vận động hoà bình của Thủ tướng Anh Harold Wilson sắp bắt đầu và “Bông cúc vạn thọ” (người Mỹ không muốn gọi là chiến dịch hay kế hoạch Bông cúc vạn thọ) đang tiếp diễn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM