Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 08:47:53 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris  (Đọc 197927 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #60 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2009, 10:16:57 pm »

3. Vì vậy Hoa Kỳ không thể đồng ý với luận đề rằng bốn điểm trong tuyên bố của Chính phủ Việt Nam ở miền Bắc là một sự giải thích chân chính Hiệp nghị năm 1954. Người ta cũng thêm rằng các yếu tố trong bốn điểm, nhất là cương lĩnh của cái gọi là Mặt trận Dân tộc Giải phóng không có cơ sở trong Hiệp nghị Genève.

Từ đó, người ta diễn giải rằng việc Hà Nội nhấn mạnh phải nhận bốn điểm trước là không phù hợp với Hiệp nghị, bởi vì việc đó đòi hỏi "những điều kiện đáng kể cho cuộc thương lượng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẵn sàng đưa bốn điểm đó vào xem xét trong bất kỳ cuộc nói chuyện hoà bình nào cùng với các điểm mà Hoa Kỳ, Nam Việt Nam và các Chính phủ khác có thể đưa ra".

4. Tham chiếu các điều mà những người đối thoại của Ngài đã nói về việc ngừng bắn và những biện pháp áp dụng trước khi bắt đầu thương lượng, người ta nhấn mạnh ở Washington rằng Hoa Kỳ sẵn sàng thương lượng mà không áp đặt bất kỳ điều kiện nào như vậy. Tuy nhiên, nếu cần thu xếp một sự giảm bớt chiến sự trước cuộc thương lượng thì tất nhiên điều đó phải trên cơ sở công bằng và có đi có lại. Nếu có sự đình chỉ một số hoạt động quân sự nào đó của bên này thì cũng phải có sự đình chỉ tương đương như vậy của phía bên kia.
Và người ta cũng thêm rằng trong thông báo của những người đối thoại của Ngài "Các công thức mà Hà Nội đưa ra chưa đáp ứng tiêu chuẩn đó, thí dụ nó không bó buộc một sự hạn chế nào cho việc tiếp tục đưa lực lượng và trang bị từ Bắc vào Nam Việt Nam”.

5. Về những thông báo của những người đối thoại với Ngài rằng Chính phủ Việt Nam ở miền Bắc không nhấn mạnh việc rút quân Mỹ trước khi bắt đầu thương lượng, người ta nhận xét rằng “Lời tuyên bố về điểm này, mặc dầu nó không phải không có ý nghĩa dưới ánh sáng của các tuyên bố mâu thuẫn nhau của Hà Nội về vấn đề đó, vẫn còn là việc thảo luận trong điểm hai và ba nói trên ".

Sau khi báo cho Ngài biết những tin tức mà Chính phủ Mỹ đã cho tôi hay - và tôi tin rằng Ngài sẽ sử dụng nó một cách tốt nhất và bí mật cho sự nghiệp hoà bình - tôi nghĩ bổn phận của tôi là phải thêm rằng những thông tin mà những người đối thoại của Ngài đã không thuyết phục được Washington về ý muốn thật sự của Bắc Việt Nam mở các cuộc thương lượng không điều kiện tiên quyết. Tuy vậy, tôi cũng phải thêm rằng Chính phủ Mỹ, trên cơ sở những đánh giá nói trên và có lẽ dưới ánh sáng của những cuộc thăm dò hơn nữa các nguồn tin của ông, cần gặp Hà Nội để thảo luận thêm vấn đề với ông.

Khi trình bày với Ngài những điều trên đây, tôi hy vọng rằng việc đó cần được khuyến khích để đi sâu hơn. Cuộc nói chuyện sơ bộ đó có mục đích sớm đạt được một cách nhìn và những ý định rõ ràng đế đi đến bắt đầu thương lượng.

Cũng bằng con đường mà tôi đã dùng (mà Ngài cũng đã gợi ý với những người đối thoại) để chuyển các tin tức, tôi hy vọng rằng có thể nhận được sự trả lời của Ngài có thể giúp vào việc thiết lập hoà bình mà mọi người đều mong muốn. Tôi thêm rằng tôi sẽ rất sung sướng nếu tôi có thể giúp đỡ Ngài trong vấn đề tối quan trọng này như sự giúp đỡ mà do đó tôi đã nhận được sự biết ơn và lời cảm tạ của Chính phủ Hoa Kỳ.

Kết thúc bức thư này, Thưa Chủ tịch, tôi xin được lưu ý Ngài về một tình hình đòi hỏi tất cả mọi người có trách nhiệm phải hết sức sáng suốt trong sự xét đoán và cả lòng dũng cảm trong những quyết định cần có sau này. Và điều này để tránh mọi việc có thể thoát ra khỏi sự kiểm soát.

Xin Chủ tịch nhận lấy những lời chào trân trọng nhất.
Amintosre Fanfani

(Thư bằng tiếng Pháp. Những đoạn ghi trong ngoặc kép là bằng tiếng Anh.)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #61 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2009, 10:17:46 pm »

Dù qua trung gian, ít nhất Hà Nội và Washington một lần nữa đã trao đổi được ý kiến về lập trường của mỗi bên. Fanfani và các ông La Pira, Primicherio tưởng chừng như quá trình tiếp xúc đã được khởi động. Nhưng sự thật lại tồi tệ hơn họ tưởng.

Ngày 15 tháng 12, nhiều tốp máy bay "thần sấm" ném bom nhà máy điện Uông Bí, một cơ sở dân dụng cách Hải Phòng bốn mươi ki lô mét. Đây là cơ sở công nghiệp đầu tiên của Bắc Việt Nam bị đánh phá. Những ngày sau, các máy bay Mỹ tiếp tục đánh phá nhà máy điện Uông Bí và đánh rộng ra nhiều điểm dân cư thuộc vùng Quảng Ninh.

Ngày 16 tháng 12, Macnamara họp báo nói rằng "Việc đánh phá Uông Bí và cơ sở công nghiệp ở vùng này là thích hợp đối với các hoạt động khủng bố ở Việt Nam và đó là loại tấn công mà Mỹ sẽ tiếp tục sau này".

Ngày 17 tháng 12, Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ các tin tức và công bố các thư trao đổi giữa ông Fanfani và Johnson cho tờ Tin nhanh Bưu điện Xanh Lui.

Dư luận Mỹ và quốc tế xôn xao.

Đại sứ Arthur Goldberg ở Liên Hợp Quốc tìm cách giảm nhẹ bước leo thang đột nhiên đánh phá nhà máy điện Uông Bí. McCloskéy, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, cũng tìm cách xoa dịu dư luận: "Bây giờ là tuỳ thuộc ở Hà Nội, muốn đưa vấn đề từ chiến trường đến bàn thương lượng không? Mỹ hoan nghênh một sự bày tỏ trực tiếp về quan điểm của Hà Nội. Chúng tôi đợi phản ứng của Hà Nội". (Xem thêm Đa-vít Cráxlô và Xtia H.Lu-ri: Cuộc bí mật tìm kiếm hoà bình ở Việt Nam. Ran-đơn haodơ, N.Y. 1968, tr. 126-135. )

Ngày hôm sau Thông tấn xã Việt Nam tuyên bố.

"Việt Nam Thông tấn xã được phép tuyên bố rằng những tin tức do Bộ Ngoại giao Mỹ tung ra đó (tức là sự thăm dò thương lượng của Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Tác giả) là hoàn toàn bịa đặt, vô căn cứ”.

Trong nhiệm kỳ đại sứ tại Roma (1978-1982), Nguyễn Anh Vũ đến thăm Florence nhiều lần và thăm giáo sư Primicherio. Trong dịp lễ thành lập Tổ chức La Pira, đồng chí đã đến thăm nơi ở và làm việc của giáo sư La Pira, một biệt thự nhỏ ở ngoại vi thành phố, gần tu viện nổi tiếng San Mao. Cùng trong dịp này, đồng chí đã hỏi thêm về chuyến đi Hà Nội của La Pira và Primicherio năm 1965. Cuộc nói chuyện này đã cho biết thêm một số chi tiết.

Sau khi thông báo cho Fanfani biết kết quả chuyến đi Hà Nội, La Pira không biết những gì diễn ra ở New York và Washington. Nhưng La Pira nghĩ rằng cần phải cho nhiều người bạn của ông biết nội dung cuộc gặp gỡ ở Hà Nội để cùng gây sức ép với Johnson. Ông gọi điện thoại cho một số bạn trong phong trào chống chiến tranh ở Mỹ, trong đó có luật sư Peter Wise, người đã dự Hội nghị về Trung Đông theo sáng kiến của ông. Ông Wise đã qua Pháp. Qua điện thoại, ông liên lạc được với Wise và ngay ngày hôm sau 5 tháng 12, Peter Wise và vợ bà Cora Wise đến Florence. Ông bà Wise và hai ông La Pira và Primicherio đều thấy rằng việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dành nhiều thì giờ tiếp hai người bạn Italia là một điều rất quan trọng và hứa hẹn là khác nữa.

Ông La Pira còn nhắc lại rằng ông nhớ mãi câu nói cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Trước hết Mỹ hãy để chúng tôi yên, Mỹ phải chấm dứt ném bom". Vậy cần phải cảnh cáo ngay Mỹ mở rộng ném bom thì mọi khả năng hoà bình sẽ dập tắt. La Pira yêu cầu Peter Wise thông báo ngay cho nhiều người Mỹ, trong đó có thượng nghị sĩ Fulbright, Robert Kennedy, Cố vấn Nhà Trắng M.G.Bundy. Bản thân La Pira cũng làm việc đó. Trong thư gửi đại sứ Arthur Goldbert ông nói rõ: "Cụ Hồ Chí Minh sẽ không thảo luận hoà bình với Hoa Kỳ nếu vùng Hà Nội, Hải Phòng bị ném bom". Trong thư gửi Lacouture, ông nhấn mạnh: "Cụ Hồ Chí Minh là con người cởi mở, cởi mở với hoà bình ở trong nước ông, ở châu Á và tôi có thể nói trên toàn thế giới nữa" (Jean Lacoutuna: Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Séuicle, Paris, 1967, tr. 24.).

Nhưng ngay sau khi biết nội dung cuộc nói chuyện ở Hà Nội, Mỹ tiến một bước leo thang mới, đánh phá các cơ sở công nghiệp. La Pira cho Mỹ là không nghiêm chỉnh, không thành thật muốn hoà bình. 

Tình hình nội bộ Italia khi đó càng làm ông phiền lòng. Sau khi các thư trao đổi giữa Tổng thống Johnson và Fanfani được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố, dư luận Italia bàn tán sôi nổi. Nhiều nghị sĩ Quốc hội chất vấn Fanfani rằng tại sao Chính phủ và bản thân ông Fanfani đã xen vào công việc không phải của Italia. Các đối thủ chính trị đả kích kịch liệt Fanfani, tìm cách phỏng vấn giáo sư La Pira. Trong bài trả lời, ông đã có những lời rất chua cay đối với Chính quyền Johnson. Ông cho Dean Rusk là một người chẳng biết gì, một con người không muốn biết gì cả.

Ông tiếp tục là người bạn của nhân dân Việt Nam và không ngừng hoạt động trong phong trào chống chiến tranh Việt Nam.

Ông xứng đáng với những tình cảm chân thành của nhân dân Việt Nam đối với ông cũng như các bạn bè khác trên thế giới.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #62 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2009, 10:19:03 pm »

CHƯƠNG IX
PINTA

Như trên đã nói, ngày 28 tháng 7 năm 1965, Tổng thống Johnson đã quyết định đáp ứng các yêu cầu của Westmoreland, đưa tổng số quân Mỹ lên một trăm bảy mươi lăm nghìn người cuối năm 1965. Nhưng đầu tháng chín, Westmoreland đề nghị tăng thêm ba mươi lăm nghìn quân nữa, nâng tổng số từ một trăm bảy mươi lăm nghìn lên hai trăm mười nghìn quân vào cuối năm. Giữa tháng 10, Westmoreland báo cáo những yêu cầu sửa đổi quân số năm 1966. Thay cho con số hai trăm bảy mươi lăm nghìn vào tháng 7 năm 1966, ông ta yêu cầu ba trăm hai mươi lăm nghìn quân với khả năng sau này còn tăng nữa và không bảo đảm là đạt được những mục tiêu của mình.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Macnamara lo ngại đây là khởi đầu một cam kết không giới hạn và tình hình đang tuột dần ra ngoài sự kiểm soát của lãnh đạo. Theo đề nghị của ông, Johnson chỉ định một nhóm chuyên gia do Tommy Thomson phụ trách. Nhóm này kết luận là leo thang chiến tranh bằng không quân sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc và Liên Xô và gợi ý ngừng ném bom một thời gian dài để thử mối quan tâm của Hà Nội đối với vấn đề đàm phán. Macnamara đề nghị Tổng thống chuẩn y con số ba trăm năm mươi nghìn người cho cuối năm 1966, ngừng ném bom một tháng và cố gắng bắt đầu đàm phán...

Johnson còn hoài nghi các ý kiến của Macnamara thì tháng 11, Westmoreland lại xin thêm hai trăm nghìn quân cho năm 1966, gấp hai lần dự tính hồi tháng 7 của ông ta . Như vậy tổng số quân Mỹ ở Việt Nam sẽ tăng lên bốn trăm mười nghìn vào cuối năm 1966 trái với dự tính ban đầu là hai trăm bảy mươi lăm nghìn quân..

Từ đầu tháng 12 năm 1965, Mặt trận Dân tộc Giải phóng ra lệnh cho các đơn vị quân đội của mình ngừng tấn công các đơn vị quân Mỹ và Sài Gòn trong dịp lễ Giáng sinh và Tết dương lịch 1966.

Sau khi đi Sài Gòn nắm tình hình một lần nữa, Macnamara trình Tổng thống hai phương án: một là đi đến một giải pháp thoả hiệp thấp hơn mục tiêu, hai là đáp ứng những yêu cầu của Westmoreland và tăng cường ném bom miền Bắc Việt Nam.

Sau nhiều cuộc tranh luận của các cố vấn và cân nhắc của Tổng thống, ngày 23 tháng 12, Tổng thống với sự đồng ý của Sài Gòn, tuyên bố một cuộc ngừng bắn ba mươi giờ, kể cả ngừng ném bom trên toàn miền Bắc Việt Nam bắt đầu từ đêm Giáng sinh. Buổi sáng lễ Giáng sinh, Johnson quyết định kéo dài thêm một hoặc hai ngày nữa. Đến ngày 27, ông lại quyết định kéo dài lệnh ngừng bắn ném bom vô thời hạn và tăng cường nỗ lực ngoại giao để đưa Hà Nội đến bàn đàm phán.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #63 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2009, 10:20:25 pm »

*
*   *

Để kết hợp với chiến dịch ngừng ném bom, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố kế hoạch mười bốn điểm dưới một tiêu đề phụ là: "Các đóng góp của Mỹ vào cái giỏ hoà bình” .

Một: Hiệp nghị Genève năm 1954 và 1962 là một cơ sở thích hợp cho hoà bình ở Đông Nam Á.

Hai: Chúng tôi hoan nghênh một cuộc Hội nghị về Đông Nam Á hay về bất cứ phần nào của Đông Nam Á.

Ba: Chúng tôi hoan nghênh các cuộc thương lượng không điều kiện tiên quyết như mười bảy nước đề ra.

Bốn: Chúng tôi hoan nghênh các cuộc thảo luận không điều kiện như Tổng thống Johnson đề nghị.

Năm: Ngừng bắn có thể là điểm đầu tiên trong thương lượng hoặc là vấn đề trong thảo luận sơ bộ.

Sáu: Bốn điểm của Hà Nội có thể được thảo luận cùng với các điểm của người khác.

Bảy: Chúng tôi muốn không có căn cứ quân sự ở Đông Nam Á.

Tám: Chúng tôi không muốn duy trì quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam sau khi hoà bình được bảo đảm.

Chín: Chúng tôi ủng hộ tuyển cử ở Nam Việt Nam để cho nhân dân có quyền lựa chọn.

Mười: Vấn đề thống nhất nước Việt phải do nhân dân Việt Nam giải quyết thông qua quyết định tự do.

Mười một: Các nước Đông Nam Á có thể không liên kết hay trung lập.

Mười hai: Hoa Kỳ mong muốn sử dụng tài nguyên của mình xây dựng lại Đông Nam Á. Nếu có hoà bình, Bắc Việt Nam có thể được lợi ích trong số một tỷ đô-la mà Hoa Kỳ sẽ đóng góp.

Mười ba: Tổng thống đã nói rằng: Việt cộng không có khó khăn gì trong việc cử đại diện và trình bày quan điểm của họ khi Hà Nội quyết định chấm dứt xâm lược. Đó không phải là trở ngại không vượt qua được.

Mười bốn: Chúng ta sẽ chấm dứt ném bom Bắc Việt Nam xem như là một bước tiến tới hoà bình như không có dấu hiệu hay gợi ý của phía bên kia cho thấy họ sẽ làm gì một khi chấm dứt ném bom
."

Hoa Kỳ vốn là một nước lớn, có nhiều nhà ngoại giao giỏi, những kinh nghiệm ngoại giao phong phú. Nhưng bản tuyên bố về lập trường mười bốn điểm này có vẻ buồn cười hoặc ít nhất cũng là vá víu. Nó ghi chép tất cả những gì người ta nói về một giải pháp hoà bình cho vấn đề Việt Nam: lập trường bốn điểm của Hà Nội, đề nghị của mười bảy nước không liên kết ở Beograd, đề nghị của Liên Xô về một Hội nghị quốc tế về Campuchia. Mục đích của nó hình như là để tỏ vẻ Mỹ coi trọng ý kiến của tất cả các phía, miễn là đạt tới hoà bình, do đó thu nhỏ cái gậy nhưng phóng to củ cà rốt.

Ngày 7 tháng 1, Mac Closkey, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ ít nhất lần này cũng tỏ ra thành thật: Mỹ bỏ tất cả mọi thứ trong cái giỏ hoà bình, trừ sự đầu hàng của Nam Việt Nam.

Johnson đã đánh giá các hoạt động ngoại giao trong đợt ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam là một trong những cuộc vận động ngoại giao rộng nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #64 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2009, 10:21:45 pm »

Trong thông điệp tình hình liên bang đọc trước Quốc hội ngày 12 tháng 1 năm 1966, tức sau hai mươi ngày ngừng ném bom và vận động ngoại giao, ông đã tuyên bố.

Những người phát ngôn có kinh nghiệm và thông thạo nhân danh Hoa Kỳ đã đi tới bốn mươi nước. Chúng ta đã thảo luận với một trăm Chính phủ, một trăm mười ba nước có quan hệ với chúng ta và một số nước khác mà chúng ta chưa có quan hệ. Chúng ta đã lên tiếng ở Liên Hợp Quốc và yêu cầu tất cả các thành viên của Liên Hợp Quốc làm tất cả những gì trong phạm vi quyền hạn của họ để góp phần giành hoà bình.

Chúng ta cũng đã nói rõ từ Hà Nội đến New York rằng chúng ta không định một gia hạn độc đoán cho việc tìm kiếm hoà bình. Chúng ta tôn trọng các Hiệp nghị Genève năm 1954 và 1962. Chúng ta sẽ ngồi vào bất kỳ bàn Hội nghị nào, chúng ta sẽ thảo luận mọi đề nghị thể hiện trong bốn điếm, mười bốn điểm hay bốn mươi điểm và chúng ta sẽ coi trọng mọi ý kiến của bất kỳ nhóm nào. Chúng ta phấn đấu cho một cuộc ngừng bắn ngay hôm nay hay khi các cuộc thảo luận bắt đầu. Nếu những người khác hạn chế việc sử dụng vũ lực chúng ta cũng sẽ làm như thế và sẽ rút binh lính của chúng ta khi Nam Việt Nam đã nhận được những bảo đảm dứt khoát về quyền được quyết định tương lai của mình
" (L.B.Johnson - Hồi ký, Sđd, tr. 292-293.).

Lời tóm tắt của Tổng thống không có cái dặm dà của David Kraslow và Stuart H.Loory

Trong khi Byroade (đại sứ Mỹ tại Rangoon - ND) đang phát triển một kênh trực tiếp ở Rangoon một cách lặng lẽ thì Tổng thống đã vén bức màn "fandagle" hoà bình của ông ta. Trước khi tất cả mọi người nhận thức ra được điều đó thì Avrell Harriman đã ở trên chiếc Boeing 707 của Tổng thống đến Vacsava. Hành động này làm tất cả mọi người ngạc nhiên, kể cả đại sứ quán Mỹ ở Vacsava và Chính phủ Ba Lan. Đại sứ John Gronouski đang đi thăm hội chợ thương mại ở Poznan. Chiếc máy bay đã ở trên không thì bí thư của Gronouski Albert W. Sherer Jr mới nhận được những chỉ dẫn từ Washington để thông báo với Chính quyền Ba Lan về người khách sắp đến của họ. Sherer và Micezylslaw Sieradski, Vụ phó Vụ Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Ba Lan đã làm việc suốt ngày đêm để chuẩn bị cho Harriman. Trong khi đó, bị dựng dậy khỏi giường ở Poznan và được lệnh quay trở lại Vacsava, ông ta bắt chuyến tàu đêm trở về thủ đô vừa kịp thời gian để rửa mặt trước khi ra sân bay đón Harriman. Chỉ khoảng hai giờ trước khi chiếc máy bay hạ cánh, Sherer và Sieradski mới hoàn tất mọi dàn xếp. Cùng với chiếc máy bay của Harriman bay ngang quần đảo Bornholmn trên biển Baltique và chỉ vài phút trước đó không lực Ba Lan mới gửi lời nhắn tới các căn cứ xa xôi của nó là không cất cánh chống lại chiếc máy bay không nhận dạng được đang tiến vào bờ biển ...

Hầu như ngay lập tức sau khi hạ cánh, Harriman cùng với Gronouski đã mời Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Dam Rapacki, Jerzy Michalowski, một trong các thứ trưởng của Rapacki ngồi vào bàn nói chuyện. Bức thông điệp của Harriman, cùng giống như tất cả các phái viên khác đang lan truyền khắp thế giới là một Hợp chủng quốc Hoa Kỳ muốn nói chuyện với Việt Nam. Đó là sự mong muốn nói chuyện trên hầu hết như bất cứ điều kiện nào. Trong vòng vài ngày, Nhà Trắng sẽ đưa các bức thông điệp này ra công khai trong một tuyên bố với tiêu đề: "Trung tâm vấn đề ở Việt Nam”. Tuyên bố này liệt kê ra mười bốn điểm dưới một tiêu đề phụ "Các đóng góp của Mỹ vào cái giỏ hoà bình” ...

Việc trình bày của Harriman trước những người Ba Lan có tính thuyết phục. Và ông ta có cơ hội làm điều đó không chỉ với Rapacki mà cả với Wladyslaw Gomulka, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Ba Lan. Thông thường, Gomulka cũng giống như tất cả những người lãnh đạo cộng sản khác, không thể tiếp cận được với những nhà ngoại giao và chính khách phương Tây. Nhưng Harriman đã có kinh nghiệm làm việc lâu dài với thế giới cộng sản bao gồm việc phục vụ như là một đại sứ ở Mát-xcơ-va trong chiến tranh thế giới thứ hai. Đối với Harriman, Gomulka đã thông cảm. Những cuộc họp như vậy hiếm đến nỗi mà buổi họp với Harriman là thời gian duy nhất Gronouski gặp người thật sự điều hành Ba Lan.
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Chín, 2009, 07:26:13 am gửi bởi macbupda » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #65 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2009, 10:23:18 pm »

Khi Harriman nói tại sao ông ta đến, Gomulka trả lời, theo các nguồn tin cộng sản, "Các ông là kẻ cướp nhưng chúng tôi muốn làm việc với kẻ cướp để chấm dứt cuộc chiến tranh này " (David Kraslow và Stuart H.Loory - Cuộc tìm kiếm bí mật hoà bình ở Việt Nam, Nhà xuất bản Ran dom House, Chương 4, Phần II.).

Harriman bay tiếp đến Nam Tư rồi tiếp tục hoàn thành chuyến đi ba mươi nghìn dặm tới mười nước trong vòng mười bảy ngày và đến Sài Gòn ngày 15 tháng giêng.

Ngoài Harriman ra, Johnson còn huy động nhiều phái viên nữa, Phó Tổng thống Hubert Humphrey đi Tokyo để nói chuyện với Thủ tướng Eisaka Sato và đã đưa cho ông ta một tài liệu có chi tiết về một trăm chín mươi cuộc nói khác nhau mà ngoại trưởng Dean Rusk đã nói về chủ đề đàm phán hoà bình với các nhà ngoại giao khác nhau và người khác nhau. Nhân dịp lễ tang Thủ tướng Ấn Độ Shastri, ông đã trình bày lập trường của Mỹ với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Kossighin và nhiều vị Thủ tướng khác lúc đó cũng đang có mặt ở New Delhi. Đại sứ Goldberg đi Rôm, Paris, Luân Đôn cũng như giải thích lập trường của Mỹ cho nhiều vị trưởng đoàn ngay tại Liên Hợp Quốc. Mc. George Bundy đi Ottawa. Thomas Mann, Thứ trưởng về các công việc ở châu Mỹ đi Mêhicô. Manuel William, Thứ trưởng về châu Phi đêm giao thừa đi Maroc và sáu nước khác trong bảy ngày.

Chưa bao giờ nước Mỹ cùng một lúc cử đi nhiều phái viên đến thế và đi vội vã đến thế. Tổng thống Johnson đã nói đúng: đây là cuộc vận động ngoại giao lớn nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông.

PINTA

Đây là mật hiệu của cuộc tiếp xúc giữa đại sứ Mỹ Byroade và Tổng lãnh sự Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Vũ Hữu Bỉnh tại Rangoon trong đợt ném bom ba mươi bảy ngày.

Trước khi có cuộc tiếp xúc này và trước khi công bố lập trường mười bốn điểm, ngoại trưởng Dean Rusk đã gặp Ianôt Radvani, đại biện lâm thời Hung-ga-ri tại Washington và giới thiệu quan điểm của Mỹ về vấn đề Việt Nam, thực chất là nội dung mười bốn điểm sẽ công bố ngày 29 tháng 12 với ý định mở kênh Budapest liên lạc với Hà Nội. Do việc này xem ra không có kết quả, ngày 29 tháng 12, Bộ Ngoại giao Mỹ chuyển sang hướng khác và chỉ thị cho đại sứ Henry Byroade tại Rangoon tiếp xúc bí mật với Tổng lãnh sự Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Vũ Hữu Bỉnh.

Nhận được chỉ thị, ngay trong ngày 29, Byroade gọi điện thoại cho Vũ Hữu Bỉnh nói rằng ông có một thông điệp của Chính phủ Mỹ cần chuyển tận tay ông Tổng lãnh sự.

Buổi chiều, tự lái lấy xe riêng không có quốc kỳ Mỹ, Byroade đến trụ sở Tổng lãnh sự quán Việt Nam số 40 đường Komin-Kochin.

Trước hai cốc bia, hai vị cựu sĩ quan, hai nhà ngoại giao ngồi đối diện nhau. Byroade nhắc lại lý do cuộc viếng thăm và chuyển cho ông Bỉnh bức thông điệp của Chính phủ Mỹ mà ông có nhiệm vụ chuyển và tỏ ý mong sẽ được một trả lời thuận lợi. Vũ Hữu Bỉnh nhận thông điệp và hứa sẽ chuyển ngay về Hà Nội.

Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, giản dị nhưng lại có ý nghĩa: lần đầu tiên hai đại diện ngoại giao hai nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ gặp nhau, tuy không chính thức nhưng lại chính thức chuyển một thông điệp của Chính phủ Mỹ. Nội dung thông điệp giống như Dean Rusk đã nói với Radvani, điều khác là yêu cầu có hành động có đi có lại.

Thấy lâu chưa có trả lời, ba tuần sau Byroade lại đến Tổng lãnh sự quán Việt Nam. Ông được đón tiếp lịch sự, nhưng vẫn chưa có trả lời của Hà Nội. Ý kiến cá nhân của ông Tổng lãnh sự: đây là một tối hậu thư của Mỹ làm ông phiền lòng.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #66 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2009, 10:23:26 pm »

Trong lúc đó tại Paris, P.Stum lại đề nghị gặp Tổng đại diện Việt Nam Mai Văn Bộ ngày 13 tháng 1 năm 1966. Mai Văn Bộ đi vắng, Võ Văn Sung tiếp Stum nói là được chỉ thị của Chính phủ Mỹ hỏi ý kiến Việt Nam về thông điệp ngày 29 tháng 12 năm 1965 mà đại sứ Byroade đã trao cho đại diện Việt Nam ở Rangoon. Cả Rangoon, Paris đều chưa có trả lời của Hà Nội. Theo chỉ thị của Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 24 tháng 1 năm 1966 tại Mát-xcơ-va, đại sứ P.Kohler đến gặp đại biện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Lê Trang để trao một công hàm với nội dung tương tự thông điệp đã trao cho Việt Nam ở Rangoon. Lần này Kohler đề nghị phía Việt Nam xem xét có khả năng giảm bớt hoạt động quân sự hay không? ông còn nói:

- Mỹ đề nghị có cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Cuộc gặp sẽ diễn ra bí mật.

Lê Trang nói: Chưa có trả lời.

Ý định của Hà Nội trì hoãn việc trả lời chính là để tìm hiểu thêm về ý đồ Mỹ kéo dài việc ngừng ném bom Bắc Việt Nam

Trong lúc Mỹ đi tìm hoà bình khắp nơi thì họ vẫn tích cực tăng cường hoạt động quân sự ở Nam Việt Nam. Cuối tháng 12, họ tăng thêm bốn nghìn quân cho Pleiku, vào giữa tháng giêng tối thiểu đã tăng thêm bảy nghìn quân làm cho tổng số quân Mỹ ở Nam Việt Nam đã lên tới một trăm bảy mươi nghìn. Ngày 8 tháng giêng, tám nghìn quân Mỹ, Nam Việt Nam, Australia, New Zeeland tấn công vùng Củ Chi ở Tây Bắc Sài Gòn, Tam giác sắt. Nếu tính toán chiến dịch Tìm Diệt mùa khô 1965-1966 thì Mỹ huy động hai nghìn quân thiết giáp với sự hỗ trợ của quân Sài Gòn và quân Nam Triều Tiên.

Ngày 21 tháng giêng, U Than kêu gọi Mỹ tiếp tục ngừng ném bom và đề nghị Mặt trận Dân tộc Giải phóng có vai trò trong Chính quyền, mặt khác cũng kêu gọi Mỹ kéo dài ngừng ném bom, tối thiểu kéo dài đến sau Tết. Các thượng nghị sĩ Fulbright và Mike Mansfield đề nghị Tổng thống tiếp tục ngừng ném bom.

Ngày 28 tháng giêng, Đài Tiếng nói Việt Nam công bố thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các nhà lãnh đạo các nước xã hội chủ nghĩa và nhiều nước khác. Cùng ngày, Tổng thống Johnson quyết định tiếp tục ném bom.

Tuy vậy, ngày 19 tháng 2, Byroade lại đến Tổng lãnh sự Việt Nam trao một bị vong lục cho phía Việt Nam. Với lời lẽ mềm dẻo, văn kiện này nhắc lại: Hoa Kỳ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, sẽ rút quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam "dưới ánh sáng của các hành động của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về việc rút quân miền Bắc khỏi miền Nam Việt Nam". Bị vong lục còn nhấn mạnh:

Theo thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng là hoàn thành độc lập, dân chủ, hoà bình, trung lập ở miền Nam tiến tới thống nhất, nếu đúng như vậy thì điểm ba không phải là trở ngại cho thương lượng. Nhưng nếu đòi cho Mặt trận được độc đoán tham gia vào một Chính phủ Liên hiệp trước hoặc không có tuyển cử thì điểm ba là trái với mục tiêu đó và không đúng với Hiệp nghị Genève.

Quan điểm cơ bản của Hoa Kỳ là cơ cấu chính trị tương lai của Nam Việt Nam phải do nhân dân Nam Việt Nam quyết định thông qua tuyển cử thật sự tự do. Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận kết quả của cuộc tuyển cử thật sự tự do đó”.
Cuối cùng bị vong lục đua ra bốn điểm giống như bốn điểm mà ông Gullion đã đưa cho Mai Văn Bộ tháng 8 năm 1965 ở Paris để “làm cơ sở có thể chấp nhận được trong thảo luận ".

Vũ Hữu Bỉnh nói: "Tôi sẽ báo cáo về Hà Nội nhưng các ông đã ném bom lại miền Bắc, cuộc tiếp xúc của chúng ta không còn ý nghĩa gì”.

Và Pin ta đã kết thúc như thế đấy.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #67 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2009, 03:01:55 pm »

CHƯƠNG X
MIKHALOWSKI Ở HÀ NỘI

(Trong chương này, lời Hồ Chủ tịch được tác giả trích trong "Lược ghi biên bản tiếp xúc Hồ Chủ tịch – Mi-khai-lốt-xki ngày 6-1-1966" của Nguyễn Hữu Ngô, Vụ trưởng Vụ Liên Xô - Đông Âu, Bộ Ngoại giao.)


Trong hồi ký, Tổng thống Johnson kể một cách đơn giản rằng ông cử Harriman đi Ba Lan giải thích lập trường của Mỹ, nhưng không ngờ sau đó lại là một loạt màn kịch bất ngờ.

Sáng sớm ngày 30 tháng 12 năm 1965, đại sứ Ba Lan tại Hà Nội, J.Siesleski xin gặp gấp Thủ tướng Phạm Văn Đồng vì có điện khẩn cấp.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận tiếp ngay đại sứ Siesleski.

Chưa hết xúc động vì những gì đã nhận được, đại sứ trình bày ngay với Thủ tướng: "Đột nhiên đêm qua Washington yêu cầu Ba Lan cho phép ông Harriman theo chỉ thị của Tổng thống Johnson vào Ba Lan ngay bằng máy bay riêng của Tổng thống để hội đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đam Rapacki. Chúng tôi đã trả lời cho Mỹ biết rằng mục đích của việc liên hệ như thế để bàn vấn đề Việt Nam là không nên. Nhưng vì Harriman đã bay đến Tây Đức để đợi trả lời và một sự từ chối của Ba Lan có thể bị lợi dụng mà ta có thể đoán trước một cách dễ dàng...

Bức điện, hoặc đúng hơn là phần đầu của bức điện, mà đại sứ đọc mới đến đó. Tiếp đó, đồng chí trao cho Thủ tướng một bức thư và đề nghị Việt Nam có ý kiến giải quyết những trường hợp tương tự nên nhận hay không nên nhận.

Ngay tối hôm đó, đại sứ Siesleski lại xin gặp Thủ tướng để thông báo tiếp nội dung trao đổi giữa Ngoại trưởng Repacki và phái viên Harriman. Đại sứ nói:

"Phía Mỹ nói Mỹ đã ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ ngày 24 tháng 12 và việc ngừng ném bom sẽ kéo dài ra ngoài Tết dương lịch nếu không có sự tăng cường quan trọng các hoạt động quân sự của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Mỹ nói rằng việc tham gia thật sự của phía Việt Nam vào việc giải quyết hoà bình vấn đề xung đột sẽ làm thuận lợi cho kéo dài ngừng ném bom. Mỹ cho rằng để có thể đi đến thương lượng cần phải có thời gian cho tình hình dịu đi và yên tĩnh trở lại. Việc ngừng ném bom một thời gian nhất định đã được thực hiện. Mỹ mong phía Việt Nam đáp lại bằng những cử chỉ tương tự. Việc đáp lại theo kiểu đó sẽ dẫn đến con đường thương lượng... Mỹ thấy cần thiết phải có thời gian cho phía Việt Nam nghiên cứu, nhưng lưu ý rằng Chính phủ Mỹ có khó khăn vì Quốc hội Mỹ sắp họp".

Harriman cũng nhắc lại lời tuyên bố của Johnson sẽ không có khó khăn gì cho Mặt trận Dân tộc Giải phỏng trình bày lập trường và quan điểm của mình trong trường hợp có thương lượng. Nhưng Mỹ không công nhận Mặt trận là một Chính phủ. Ông ta cũng nói cuộc đàm phán sau này có thể có hình thức khác, lập trường của Mỹ rất linh hoạt. Mỹ sẵn sàng nghiên cứu mọi khả năng, thương lượng trong mọi điều kiện và trong bất kỳ thành phần nào kể cả sự tham gia của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Nếu có đàm phán phía Mỹ sẵn sàng thảo luận cả bốn điểm cũng như mọi đề nghị khác của các bên kể cả của Sài Gòn”.

- Theo ý kiến riêng tôi - Đại sứ nói tiếp - Mỹ phải hành động như vậy là để tranh thủ dư luận. Mỹ rất sợ dư luận.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: .

- Đồng ý với nhận xét của đồng chí đại sứ. Mỹ đang bị cô lập nên đưa vấn đề này ra. Đồng thời Mỹ muốn thăm dò chúng tôi. Chúng tôi sẽ nghiên cứu.

Chúng ta cũng chấp nhận gợi ý của bạn mời một phái viên của Ba Lan sang Hà Nội để nắm rõ ý kiến của Harriman.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #68 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2009, 03:03:33 pm »

Ba ngày sau J.Mikhalowki, Thứ trưởng kiêm Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Ba Lan đã có mặt ở Hà Nội. Mikhalowski khá quen biết với nhiều đồng chí lãnh đạo nước ta, vì từ tháng 8 năm 1954, ông là đại sứ Trưởng đoàn Ba Lan đầu tiên trong Uỷ ban Quốc tế về Việt Nam. Ông lại là người được dự cuộc nói chuyện giữa Rapacki và Harriman ở Vasava vừa qua. Bộ Ngoại giao Ba Lan cố giữ bí mật chuyến đi này cho nên giải thích rằng ông Tổng thư ký bị ốm nên không dự các cuộc chiêu đãi và tiếp khách nhân dịp đầu năm mới. Nhưng dư luận lại hiểu rằng đó là cái bí mật của anh hề xiếc.

Buổi làm việc đầu tiên là với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trình.

Mikhalowski nói:

Mỹ đã ngừng ném bom miền Bắc và cử Harriman đến gặp lãnh đạo Ba Lan để xem xét vấn đề. Cố gắng của Mỹ có thành công hay không? Nếu như cử chỉ hoà bình của Mỹ không được đáp ứng, Mỹ sẽ ném bom trở lại với cường độ mạnh hơn. Johnson bị áp lực của giới quân sự phải leo thang chiến tranh. Chìa khoá hoà bình là ở Hà Nội... Mỹ không thể ngừng ném bom lâu được. Nếu như Chính phủ Việt Nam xét tới giải pháp hoà bình thì Harriman mong rằng sẽ có một cử chỉ thực tế về quân sự, lúc đó Mỹ sẽ đáp lại bằng một cử chỉ quân sự khác. Như vậy nhiệt độ của tình hình sẽ giảm đi và sẽ có thể đưa đến đàm phán chính trị.

Ba Lan cho rằng có hai khả năng: hoặc là Mỹ thấy thất bại rồi và hiện nay cũng không tốt đẹp gì trong việc leo thang nên nghĩ đến việc trả một giá nào đó để tránh phải leo thang. Nếu thế thì rất quan trọng. Và để thử xem Mỹ sẵn sàng nhân nhượng những gì thì ngoài đàm phán ra không có cách nào khác. Hoặc là cuộc tiến công hoà bình của Mỹ là bịp bợm, là màn khói, một âm mưu đánh lừa thế giới. Nếu như vậy thì cũng không có cách nào khác ngoài việc ngồi với Mỹ để vạch mặt Mỹ.

Trong khi thảo luận, Mỹ sẽ đưa giá quá cao, sau sẽ hạ xuống, ta cũng sẽ mặc cả xem họ bán hàng như thế nào. Chúng tôi sợ rằng Mỹ đang đứng trước một quyết định quan trọng, Mỹ sẽ không giữ mức độ chiến tranh như hiện nay vì như vậy sẽ thất bại. Cho nên Mỹ sẽ tăng cường chiến tranh. Thiệt hại của nhân dân Việt Nam sẽ rất lớn. Mỹ định đưa hai mươi hay ba mươi vạn quân nữa vào miền Nam Việt Nam, Mỹ sẽ khó xuống thang, khó rút quân. Nếu không đàm phán bây giờ thì sau này sẽ rất khó. Nếu Mỹ tăng thêm quân, cuộc chiến đấu của các đồng chí sẽ không thuận lợi như bây giờ. Mỹ đã ngừng ném bom. Nếu có dấu hiệu nào đó, Mỹ sẽ kéo dài việc ngừng bắn. Có dấu hiệu thôi, không có gì ràng buộc phía Việt Nam cả”.

Chúng tôi cho rằng Mỹ thành thật, rằng Mỹ đang ở ngã ba đường. Mỹ đã nói rằng họ bị sức ép, họ muốn có dấu hiệu đó sẽ giảm căng thẳng và rất có triển vọng
”.

Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh hỏi thêm về một số điểm trong lập trường của Mỹ.

Chiều hôm đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp Mikhalowski. Sau khi thăm hỏi sức khoẻ Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Mikhalowski đi ngay vào vấn đề.

Mikhalowski:

- Tôi chắc rằng đồng chí đã được thông báo về cuộc đi thăm của Harriman ở Vasava. Đồng chí Gomucka đã có một cuộc nói chuyện lâu với ông ta, một cuộc nói chuyện căng thẳng, khó khăn. Chúng tôi cho rằng việc chúng tôi đến đây là điều bổ ích để các đồng chí biết một cách cụ thể những điều rất quan trọng của cuộc gặp gỡ đó. Tôi được trao nhiệm vụ chuyển đến đồng chí một thông điệp miệng của đồng chí Gômulka mà tôi đã thận trọng ghi lại (đọc thông điệp, nội dung giống như đã trình bày ở trên).

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Đồng chí Hồ Chí Minh và các thành viên trong Chính phủ chúng tôi cảm ơn đồng chí Gômulka và các đồng chí lãnh đạo Ba Lan về những gợi ý đó.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #69 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2009, 03:05:04 pm »

Mikhalowski:

- Đây không phải là những gợi ý. Đấy là ý kiến của chúng tôi để trình bày với các đồng chí.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Chúng tôi xin cảm ơn các đồng chí về việc đó. Đó là biểu hiện của tình cảm, sự ủng hộ của các đồng chí đối với chúng tôi. Chúng ta cần gắn bó với nhau. Cuộc đấu tranh của chúng tôi cũng là cuộc đấu tranh của các đồng chí. Chúng ta là những nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta đứng trước một kẻ thù chung. Các đồng chí lại là thành viên trong Uỷ ban Quốc tế. Đó là lý do nữa đế các đồng chí quan tâm đến vấn đề.

Chúng tôi luôn luôn hướng về vấn đề đó. Đó là những vấn đề rất quan trọng. Chúng tôi biết thế nào là chiến tranh. Các đồng chí cũng biết điều đó nhất là ở miền Nam cuộc chiến đấu vẫn diễn ra với một cường độ rất ghê gớm. Ngày đêm chúng tôi nghĩ đến hoà bình không sao ngủ được.

Mikhalowski:

- Nếu chúng tôi đề xuất ý kiến đó thì cốt nhằm làm dễ dàng các quyết định của các đồng chí. Tất nhiên trong các vấn đề quân sự, chúng tôi không thể xét đoán được. Chúng tôi không có ý kiến.

Chúng tôi hiểu rất rõ nước Mỹ. Chúng tôi hiểu tình hình các nước khác trong lúc các đồng chí hiện nay rất bị cô lập. Có lẽ các đồng chí có khó khăn để hiểu một số chi tiết. Chúng tôi có tiếp xúc rộng lớn hơn các đồng chí, chúng tôi thấy có trách nhiệm bày tỏ ý kiến về một số vấn đề.

Chúng tôi muốn nói kỹ thêm về cuộc nói chuyện với Harriman, như vậy rõ ràng hơn là trong thông điệp. Tất nhiên đó là những ý lớn rất quan trọng và tôi không đi vào chi tiết của trận đánh mà chúng tôi đã có với ông ta. Đồng chí Gomucka đã nói với ông ta: "Các anh là bọn cướp
".

Vấn đề là phải xem Mỹ muốn gì? Tôi nghĩ rằng họ thành thật và đang ở ngã ba đường. Mỹ đang bị nhiều tổn thất và không thể cứ cư xử như hiện nay được. Có thể bản thân họ không muốn thế, nhưng họ phải nghĩ đến tương lai. Mỹ muốn leo thang để tạo khả năng cho giải pháp chính trị. Họ đang đi sâu vào con đường đó. Đó là một chính sách phiêu lưu đã bị lên án.

Điều thứ hai cụ thể hơn, ông ta (Harriman) nói là Mỹ bị sức ép, Mỹ muốn có một dấu hiệu nào đó. Thí dụ, các đồng chí xem xét một cách nghiêm túc các đề nghị của Mỹ. Họ nói đến nay vẫn chưa được một dấu hiệu nào như vậy và điều đó để họ đổ hết trách nhiệm không chịu thương lượng cho các đồng chí để leo thang, không phải cân nhắc mười bốn điểm mà cân nhắc về con đường dẫn tới hoà bình. Họ sẵn sàng chờ đợi. Vậy bây giờ phải làm gì? Cần có câu trả lời cho vấn đề đó, một dấu hiệu nào đó.

Thứ ba, nếu chúng ta chuyển cho họ dấu hiệu đó thì sẽ giảm căng thẳng và nhiều triển vọng. Sau khi làm sáng tỏ qua thăm dò, người ta sẽ biết các điều kiện làm cơ sở cho một giải pháp trong tương lai. Harriman nói: thí dụ như trong cuộc thăm dò sau một cử chỉ nào đó của phía các đồng chí, nhiệt độ sẽ hạ xuống và làm dễ dàng cho thương lượng, cho việc giải quyết các vấn đề khác và họ sẽ giảm nhiệt độ và tạo ra giải pháp chính trị.

Điều nữa là các hình thức thương lượng có thể có. Harriman nói Mỹ rất linh hoạt. Họ sẵn sàng tìm mọi cách để thương lượng - tay đôi, trực tiếp hay qua trung gian, họ sẵn sàng tìm mọi khả năng... Có vấn đề quan trọng là sự tham gia của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Harriman nói là Mỹ chấp nhận sự tham gia của Mặt trận Dân tộc Giải phóng như kiểu ở Genève. Nếu chúng ta sáng tạo ra một hình thức thương lượng nào đó cho Mặt trận, Mặt trận sẽ có uy thế nhất định.

Rồi còn bốn điểm của đồng chí, bốn điểm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng mà trên thế giới người ta coi như là kế hoạch Rapscki, Harriman nói họ chấp nhận bốn điểm, rằng bốn điểm là một cơ sở nhưng không phải là cơ sở duy nhất. Harriman cũng nhấn mạnh mười bốn điểm của Mỹ không phải là điều kiện để thương lượng. Đó là những đề nghị cũ được sắp xếp chung lại với nhau. Ông ta yêu cầu xem xét chứ không phải trả lời mười bốn điểm. Theo ý kiến chúng tôi nếu thời kỳ ngừng ném bom kéo dài thì dù sao cũng có lợi cho các đồng chí
.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Tất nhiên.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM