Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:58:31 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris  (Đọc 197645 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #20 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2009, 01:09:11 pm »

Bộ phận tham mưu của Johnson gồm hầu hết là những người ủng hộ chính sách của ông về Việt Nam. Phó Tổng thống H.Humphrey chấp nhận mọi quyết định của Tổng thống; W.Rostow, là người đã đề ra kế hoạch leo thang ném bom miền Bắc Việt Nam và do đó trở thành con người được Tổng thống tín nhiệm. G.Bundy lúc đầu không hoàn toàn tin rằng ném bom miền Bắc Việt Nam là cần thiết, nhưng sau chuyến đi công cán ở miền Nam Việt Nam về ông thấy tận mắt Việt cộng bắn súng cối vào trại lính Mỹ ở Plây-cu, ông thấy cần phải gây ức ép liên tục với Hà Nội.

Dan Rusk trước sau vẫn là con người đáng tin cậy của Tổng thống trên cương vị ngoại trưởng. Tuy vậy, có một số người khác không tin rằng ném bom miền Bắc Việt Nam sẽ đem lại thắng lợi và họ lần lượt rời khỏi chức vụ của mình, trong đó có Roger Hilsman, Averen Hamman, M. Forrestal v.v... Chỉ có George Bon, Thứ trưởng Ngoại giao, không tin ở thuyết Domino và chống lại việc ném bom miền Bắc Việt Nam. Tuy vậy, ông ta vẫn còn ở lại, mặc dầu ý kiến của ông chống leo thang không được Tổng thống hay Ngoại trưởng chú ý.

Một thời gian ngắn sau khi nhậm chức Tổng thống, Johnson có thể yên tâm với một đội ngũ những cộng sự tin cậy.

Vấn đề ổn định ê-kíp lãnh đạo Chính quyền Sài Gòn thì không đơn giản. Cái khó là tìm được những người có khả năng mà Mỹ tin tưởng được. Cái dễ là hầu hết những nhân vật của chế độ Sài Gòn đều do Mỹ dựng lên và sống nhờ viện trợ Mỹ. Từ cuối năm 1963 đến đầu năm 1965, thời điểm chính thức đẩy mạnh chiến tranh ở cả hai miền Việt Nam, tình hình chính trị ở Sài Gòn trải qua nhiều biến động.

Ngày 30 tháng 1 năm 1964, tướng Nguyễn Khánh làm đảo chính gạt tướng Dương Văn Minh. Trần Văn Hương được đưa lên làm Thủ tướng thay Nguyễn Khánh. Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng, Khánh chỉ còn giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng tướng lĩnh. Hương đưa bốn tướng lên để làm chỗ dựa mà không hỏi ý kiến Khánh. Khánh phản đối và cuối cùng Hương phải rời chức Thủ tướng. Khánh chọn Phan Huy Quát để thay Hương, nhưng Quát lại không được lòng Washington vì ông ta có xu hướng thương lượng để kết thúc chiến tranh.

Ngày 19 tháng 2 năm 1965, Washington đưa hai tướng trẻ Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ lên lãnh đạo Chính quyền Sài Gòn và từ đó cho đến tháng 4 năm 1975, Washington có một Chính quyền có thể kiểm soát được. Đó là sự kiện rất quan trọng để Johnson triển khai kế hoạch chiến tranh của mình.

Nhưng việc làm yên lòng nhân dân Mỹ tuỳ thuộc vào nhận thức của họ về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Những cuộc ném bom trả đũa sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ theo một màn kịch bản lừa gạt thật sự đã không gây phản ứng đáng kể trong công chúng Mỹ. Thậm chí, trong cuộc tuyển cử năm 1964, Johnson đã giành thắng lợi vang dội. Điều đó chứng tỏ nhân dân Mỹ tin tưởng ở ứng cử viên hoà bình của mình biết bao. Ngay cả đối với các cuộc ném bom Bắc Việt Nam đầu năm 1965, cũng có ít hoặc không có sự chỉ trích nào của nhân dân Mỹ.

Khi cuộc chiến tranh bằng không quân bắt đầu đối với Bắc Việt Nam và những đơn vị lính Mỹ đầu tiên đổ bộ lên miền Nam Việt Nam, vì bị lừa gạt như vậy nên nhiều người Mỹ không còn ủng hộ nữa. Một số cuộc biểu tình nhỏ ở nơi này nơi kia hồi tháng 3, tháng 4 không gây được tiếng vang lớn. Sự phản đối phát triển thành một phong trào toàn quốc là chuyện sau này. Nhưng người ta có thể coi như bước đầu phát động chiến tranh của Johnson tháng 2 năm 1965 là thuận lợi dưới con mắt của nhân dân Mỹ.  

Tác động của mọi hành động chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đối với tình hình quốc tế là vấn đề mà Tổng thống L.B.Johnson và Bộ tham mưu của ông phải mất nhiều thì giờ để nghiên cứu và đối phó.
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Chín, 2009, 07:12:15 am gửi bởi macbupda » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #21 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2009, 04:19:03 pm »

Ngay từ năm 1963, sự thất bại của cuộc chiến tranh đặc biệt ở miền Nam Việt Nam đã làm cho giới chính trị và báo chí nghi ngờ sự cần thiết Mỹ phải can thiệp sâu vào công việc nội bộ của người Việt Nam và bình luận nhiều về giải pháp mà Nhà Trắng sẽ phải lựa chọn để thoát khỏi sự bế tắc. Mỹ sẽ dùng những phương tiện lớn để ở lại miền Nam Việt Nam với bất cứ giá nào, hoặc Mỹ sẽ rút lui?

Những tin tức đầu tiên về việc mở rộng chiến tranh ở miền Nam Việt Nam đã tới tai các nhà báo; từ Mỹ đến châu Âu và các nơi khác, dư luận đã tỏ ra lo ngại trước nguy cơ Mỹ mở rộng chiến tranh ở Việt Nam. Chính sách đối ngoại của Washington tập trung biện minh cho việc ném bom Bắc Việt Nam hồi đầu tháng 8 năm 1964, nêu rõ quyết tâm của Mỹ là ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á, giúp đồng minh Việt Nam giữ tự do của minh, để cho cộng đồng quốc tế và đồng minh của Mỹ (từ khối SEATO, khối ANZUS đến khối NATO), nếu không ủng hộ thì cũng làm ngơ trước các sáng kiến quân sự, chính trị của Mỹ.

Với những lập luận khéo léo, những chứng cứ giả tạo và sự tự kiềm chế trong ném bom, cả năm 1964 công khai chỉ có trận ném bom Bắc Việt Nam ngày 5 tháng 8 và cũng chỉ nhằm một số mục tiêu quân sự hạn chế, trong buổi đầu Johnson nhìn chung đã đạt được mục tiêu ấy. Nhưng ngay từ khi quyết định ném bom ngày 5 tháng 8, ông ta đã lo lắng đến phản ứng của Liên Xô và Trung Quốc. Nếu mở rộng chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ dè chừng phải đụng đầu với Trung Quốc, có khi với cả Liên Xô, hoặc ít nhất cũng sẽ làm cho Liên Xô, Trung Quốc hoà hợp với nhau.

Trước khi xuất hiện trên Đài truyền hình để thông báo cho nhân dân Mỹ biết tin máy bay đã lên đường ném bom trả đũa Bắc Việt Nam, Johnson có hai ý nghĩ: phải chọn giờ báo tin thế nào để Bắc Việt Nam không hiểu lầm.

“Chúng ta biết rằng khi các máy bay của chúng ta còn đang bay, ra-đa của Trung cộng cũng như của Hà Nội đã phát hiện được rồi. Tôi không muốn các nhà lãnh đạo Bắc Kinh ngộ nhận lý do tại sao máy bay của ta lại bay trên Vịnh Bắc Bộ. Cần làm cho họ hiểu rằng đây là những hành động trả đũa Bắc Việt Nam, và chỉ Bắc Việt Nam thôi, chứ không phải đối với Trung Hoa nhân dân, và mục tiêu của chúng ta là hạn chế..." (L.B.Johnson: Sđd, tr. 151.).

Sự lo sợ đụng chạm với Trung Quốc trong một cuộc chiến tranh trên bộ là kết luận mà tướng Mac Ác-tơ đã rút ra sau cuộc chiến tranh Triều Tiên những năm 50 mà cho đến nay vẫn còn ám ảnh các nhà lãnh đạo Mỹ. Trước nguy cơ hiển nhiên một sự thất bại ở miền Nam Việt Nam, các Cố vấn diều hâu cho rằng cần có hành động ngay, và có người lập luận rằng "Trung cộng chỉ nhảy vào cuộc chiến tranh nếu miền Bắc Việt Nam bị xâm lược, hay khi Chính phủ Hà Nội có nguy cơ bị lật đổ”.

Sau trận ném bom đầu tháng 8 vào một số mục tiêu của Bắc Việt Nam, Johnson vẫn còn phải cân nhắc hai ẩn số: Liên Xô và Trung Quốc, nhất là Trung Quốc trước khi có quyết định lớn.

Các nhà chiến lược Mỹ đã từng tính đến khả năng Trung Quốc đưa ba mươi mốt sư đoàn xuống Đông Nam Á và trong trường hợp đó, Mỹ sẽ dùng từ năm đến bảy sư đoàn Mỹ là đủ để đối phó với tình hình, kể cả việc chiếm đóng Bắc Việt Nam. Nhưng trước sau Mỹ vẫn không muốn có sự đụng độ như vậy với "biển người” Trung Quốc. Tổng thống Johnson muốn có một thông tin có thể tin cậy được của Bắc Kinh nếu như Mỹ tiến hành leo thang đánh phá miền Bắc Việt Nam.

Chủ tịch Mao Trạch Đông từ những ngày chưa giành được chính quyền đã có nhiều dịp gặp gỡ người Mỹ như nhà báo EdgarSnow, John Service, Cố vấn chính trị của viên tư lệnh quân đội Mỹ ở mặt trận Trung - Miến - Ấn, đồng thời là Bí thư thứ hai của đại sứ quán Mỹ tại Trùng Khánh, Harison Foman... lần nào Chủ tịch Mao cũng đều nói rằng lợi ích của Trung Quốc và Mỹ giống nhau và liên quan với nhau.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #22 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2009, 04:23:32 pm »

Cuối năm 1964, Edgar Snow được mời sang thăm Trung Quốc. Edgar Snow là nhà báo Mỹ đầu tiên, từ năm 1936, đã đến khu giải phóng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã sống tại đây nhiều tháng và khi trở về Mỹ đã viết cuốn “Sao đỏ trên đất Trung Quốc". Đặc biệt là E.Snow đã có nhiều cuộc nói chuyện với Chủ tịch Mao tại Diên An (bắc tỉnh Thiểm Tây) về nhiều đề tài, kể cả triển vọng quan hệ Trung - Mỹ. Việc mời E.Snow trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị về chính trị và quân sự) để mở rộng chiến tranh ở Việt Nam, tự nó đã mang một ý nghĩa chính trị rất to lớn.

Chủ tịch Mao đã trao đổi cởi mở với Edgar Snow như với người bạn cũ. Đặc biệt, ông đã tuyên bố. "Quân đội Trung Quốc sẽ không vượt biên giới của mình để chiến đấu. Đó là điều hoàn toàn rõ ràng. Chỉ khi nào Mỹ tấn công, người Trung Quốc mới chiến đấu. Phải chăng như vậy là không rõ ràng. Người Trung Quốc rất bận công việc về nội bộ của mình. Đánh nhau ngoài biên giới nước mình là phạm tội ác. Tại sao người Trung Quốc phải làm như vậy? Người Việt Nam có thể đương đầu với tình hình" (Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1980, tr. 46.).

Trong tờ New Republic tháng 2 năm 1965, Edgar Snow còn tường thuật thêm lời của Chủ tịch Mao: "Trung Quốc ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc nhưng không phải bằng cách gửi quân đội. Khi có một cuộc chiến tranh giải phóng, Trung Quốc sẽ đưa ra tuyên bố và kêu gọi biểu tình ủng hộ cuộc chiến đấu đó. Chính các tuyên bố đó làm mất lòng đế quốc”.

Có thể hiểu là Mỹ làm gì thì làm, miễn là không đụng đến Trung Quốc, nếu Mỹ đụng đến Trung Quốc thì người Trung Quốc sẽ phải chiến đấu. Phải chăng như vậy là không rõ ràng?

Tổng thống Johnson thấy rõ mình có thể tiến hành mở rộng chiến tranh ở hai miền Việt Nam. Tuy vậy, ông ta hành động ra vẻ tự kiềm chế lắm.

Đêm 6 rạng ngày 7 tháng 2 năm 1965, Quân giải phóng miền Nam tấn công doanh trại quân Mỹ ở Plây-cu và căn cứ trực thăng trại Holoway.

Chiến dịch ném bom trả đũa đầu tiên gọi là “Mũi tên rực cháy 1" (Flaming Dart) được thực hiện: bốn mươi chín máy bay của Hải quân Mỹ đánh Đồng Hới và Vĩnh Linh.

Ngày 10 tháng 2, quân Mỹ ở Quy Nhơn bị tấn công và ngày 11 Mỹ thực hiện chiến dịch ném bom trả đũa “Mũi tên rực cháy 2" cũng các khu vực trên.

Ngày 13 tháng 2, Johnson ra lệnh chuyển máy bay chiến lược B.52 từ Gu-am về O-ki-na-oa, sẵn sàng can thiệp vào Việt Nam. Ông cũng thông qua kế hoạch “Sấm Rền" (Rolling Thunder) ném bom từng bước và liên tục Bắc Việt Nam

Ngày 2 tháng 3, chiến dịch “Sấm Rền" bắt đầu đợt một: một trăm lẻ bốn máy bay của không lực Hoa Kỳ tấn công xóm Bông, mười chín máy bay của không lực Sài Gòn ném bom căn cứ Hải quân Bắc Việt Nam ở Quảng Khê (Quảng Bình).

Ngày 6 tháng 3, máy bay Mỹ lần đầu tiên ném bom xuống vùng dân cư Nam Việt Nam.
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Chín, 2009, 07:12:59 am gửi bởi macbupda » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #23 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2009, 04:24:07 pm »

Tại miền Bắc Việt Nam, các cuộc ném bom của chiến dịch “Sấm Rền" dần dần được mở rộng.

Mỗi đợt “Sấm Rền" kéo dài từ một đến bảy ngày. Những cuộc tấn công lúc đầu giới hạn vào các cầu, trạm ra-đa, kho tàng quân sự giữa vĩ tuyến 17 và vĩ tuyến 19. Sau đó các cuộc ném bom leo thang lên vĩ tuyến 20, rồi trên 20 và mở rộng ra mục tiêu dân sự, các khu dân cư.

Tuy đã được lời tuyên bố của Chủ tịch Mao với Edgar Snow trước khi bắt đầu các đợt ném bom "Sấm Rền”, Washington vẫn còn lo ngại sự hiểu lầm của Bắc Kinh. Trong cuộc hội đàm tại Vasava ngày 24 tháng 2, đại diện Mỹ là đại sứ John Gronowski đã chính thức thông báo cho đại diện Trung Quốc:

“Tôi được chỉ thị khẳng định lại chính sách của Mỹ ở Việt Nam là luôn luôn giúp đỡ miền Nam Việt Nam duy trì tự do, độc lập chống lại sự xâm lược của cộng sản được Hà Nội ủng hộ và lãnh đạo.

Chừng nào Việt cộng do Hà Nội lãnh đạo và ủng hộ với sự giúp đỡ của phía các ông tiếp tục tấn công miền Nam Việt Nam, thì Hoa Kỳ thấy cần phải giúp đỡ Chính phủ miền Nam mọi sự cần thiết.

Người Việt Nam ở miền Bắc đã gây áp lực với miền Nam qua biên giới, điều đó không thể tha thứ được. Chúng tôi cần phải và sẽ có hành động cần thiết đế chấm dứt việc đó".

Ngày 17 tháng 2, Tổng thống Johnson đã nhắc lại là:

"Chúng tôi không có tham vọng gì ở Đông Dương, chúng tôi không muốn mở rộng chiến tranh nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ tự do và có hành động thích đáng và cần thiết trước sự xâm lược của kẻ khác.

Tôi muốn nhấn mạnh là chúng tôi không có ý định xấu đối với lãnh thổ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, không có ý định lật đổ nhà cầm quyền ở Hà Nội.

Chúng tôi hy vọng rằng Hiệp nghị Genève năm 1954 cho phép các Chính phủ ở Đông Dương tồn tại trong hoà bình, nhưng người Bắc Việt Nam đã xé bỏ Hiệp nghị Genève năm 1954 trong việc cố gắng lật đổ Chính phủ miền Nam.
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Chín, 2009, 07:14:03 am gửi bởi macbupda » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #24 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2009, 04:24:17 pm »

Hà Nội đã cung cấp cho Việt cộng lãnh đạo, huấn luyện nhân viên và trang bị. Xin đưa một số ví dụ chính xác hơn: có chứng cớ là đa số nòng cốt sĩ quan Việt cộng, nhân viên chuyên môn như giao thông liên lạc, vũ khí hạng nặng là do miền Bắc đưa vào. Chúng tôi biết những trung tâm huấn luyện chính ở miền Bắc, con đường chính để xâm nhập vào miền Nam. Chính phủ miền Nam đã bắt được sĩ quan quân đội, công an của miền Bắc đưa vào miền Nam.

Chúng tôi sẽ sung sướng nếu tất cả các bên hữu quan đều tôn trọng Hiệp nghị Genève năm 1954 và như vậy thì sẽ có giải pháp thoả đáng về vấn đề Việt Nam. Bất cứ dấu hiệu nào của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà muốn trở lại Hiệp nghị đó sẽ được hoan nghênh.

Xin ông chuyển phần chủ yếu trong nhận định của chúng tôi cho nhà đương cục của ông. Nếu Hà Nội có nghi ngờ gì về lập trường của Mỹ thì xin ông chuyển giúp lập trường của chúng tôi cho Hà Nội" (Một bản sao thông điệp này cũng được đại sứ Canađa, Seaborn chuyển cho Hà Nội tháng sau.).

Và cái mà Tổng thống Johnson gọi là “chính sách trả đũa" từng bước và liên tục cứ thế mà tiếp diễn với những tổn thất ngày càng lớn về máy bay và phi công Mỹ và những tàn phá nặng nề, những vụ giết hại dân thường hàng loạt đối với Bắc Việt Nam.

Trong khi đó, Tổng thống Johnson quyết định tăng thêm vũ khí, máy bay, xe tăng cho Quân đội Việt Nam Cộng hoà và nhất là gửi lực lượng chiến đấu Mỹ sang Nam Việt Nam. Còn phải kể cả các lực lượng quân sự Nam Triều Tiên, Thái Lan, Phi-líp-pin, Australia, New Zeeland thật sự giúp quân Việt Nam Cộng hoà chống lại Việt cộng.

Tất cả bắt đầu ngày 8 tháng 3 năm 1965, một buổi sáng mưa phùn. Dưới quyền chỉ huy của tướng Federik J.Karch, sau sáu lần lênh đênh từ Nhật Bản ra đi, các tàu Mount Kinley, Henrico Union và Vancouver đã đậu trước bãi biển Đà Nẵng. Ngay người Mỹ cũng tự hỏi tại sao Bộ Tư lệnh Mỹ không cho quân Mỹ đổ bộ xuống sân bay Đà Nẵng, nhưng rồi họ cũng tìm được câu trả lời: căn cứ không quân khi đó còn quá nhỏ và Mỹ lại muốn phô trương lực lượng, không những đối với Bắc Việt Nam mà đối với cả Liên Xô, Trung Quốc để tỏ quyết tâm của Mỹ không để miền Nam lọt vào tay cộng sản. Trong hơn một giờ ba nghìn năm trăm quân của lữ đoàn viễn chinh lính thuỷ đánh bộ (MEB) đã đổ bộ xong, với những vũ khí hạng nặng như súng cối 105, xe tăng M.48, xe chiến đấu Ontas trang bị mỗi xe sáu khẩu pháo không giật 106 mm. Người ta nói rằng số quân đó được phép bắn trả khi bị tấn công, nhưng đây thật sự là lính chiến đấu của Mỹ. Cho tới lúc đó, ở miền Nam Việt Nam, Mỹ đã có hai mươi ba nghìn lính Mỹ đủ loại (cố vấn, lực lượng đặc biệt, nhân viên của không lực mà lý thuyết thì chỉ làm nhiệm vụ huấn luyện Quân đội Sài Gòn).

Cho không quân ném bom Bắc Việt Nam, đưa quân chiến đấu vào miền Nam Việt Nam, dù che đậy dưới những từ “hạn chế”, “phòng thủ”, vẫn là cuộc chiến tranh mà Tổng thống Johnson đã đưa nước Mỹ vào, với những hậu quả mà mười năm sau mới được phơi bày ra ánh sáng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #25 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2009, 12:52:13 pm »

CHƯƠNG 4
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ TRƯỚC VIỆC MỸ GÂY CHIẾN TRANH LỚN Ở CẢ HAI MIỀN

Toàn bộ chính sách chuẩn bị chiến tranh của Mỹ ở cả miền Nam Việt Nam và ở Lào nhất là cuộc chiến tranh đặc biệt ở cả miền Nam Việt Nam và Lào đã báo động thế giới vì những phát triển nguy hiểm tiếp theo. Nhân dân Việt Nam, mục tiêu trực tiếp của chính sách đó, càng không thể làm ngơ trước những gì Mỹ đang làm và dự định làm ở miền Nam Việt Nam.

Hội nghị toàn thể lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã đánh giá tình hình miền Nam Việt Nam sau cuộc đảo chính tháng 11 năm 1963:

Ta đã mạnh hơn địch về chính trị nhưng còn yếu hơn địch về quân sự".

Hội nghị dự kiến có hai khả năng phát triển tình hình miền Nam:

Một: Có thể Mỹ tham gia đến mức như hiện nay hay hơn một chút nghĩa là vẫn giữ chiến tranh đặc biệt.

Hai: Mỹ đưa quân Mỹ và quân của Đông Nam Á vào miền Nam, biến chiến tranh ở miền Nam thành chiến tranh cục bộ (Một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ cứu nước, Nhà xuất bản Sự Thật Hà Nội, 1980, tr. 168- 178.).

Trước âm mưu của Mỹ, tình hình các nước lớn muốn duy trì nguyên trạng ở Việt Nam, diễn biến phức tạp của phong trào cộng sản thế giới, đặc biệt là mâu thuẫn gay gắt giữa Liên Xô và Trung Quốc. Đảng Lao động Việt Nam cũng đã dự tính cách mạng miền Nam có thể phải qua những bước quá độ với những hình thức và phương pháp đấu tranh phức tạp mới đi đến thắng lợi hoàn toàn

Cuối năm 1963 sau khi Ngô Đình Diệm bị giết hại, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã đề nghị:

Các phái hữu quan ở miền Nam cùng nhau thương lượng để đến ngừng bắn và giải quyết vấn đề trọng đại của đất nước" (Những sự kiện lịch sử Đảng, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, tr. 277-293)

Ngày 30 tháng 1 năm 1964, tình hình miền Nam Việt Nam vẫn trong khủng hoảng chính trị, quân sự trầm trọng. Ngày 8 tháng 2 năm 1964, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam kêu gọi:

Các phe phái, các lực lượng miền Nam cùng nhau đàm phán để tìm một giải pháp hợp lý cho đất nước trên cơ sở thực hiện hoà bình, độc lập, dân chủ và trung lập ở miền Nam Việt Nam" (Những sự kiện lịch sử Đảng, Nhà xuất bản Thông tin Lý luận Hà Nội.).

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #26 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2009, 12:52:20 pm »

Trước khi Johnson quyết định đẩy mạnh chiến tranh ở cả hai miền Việt Nam, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã cho rằng;

Đối với chúng ta, vấn đề đặt ra là ta phải đánh thế nào cho Mỹ ngụy phải thua, đồng thời hạn chế ở mức thấp nhất, đi đến loại trừ khả năng địch thay đổi chiến lược, chuyển “chiến tranh đặc biệt" thành “chiến tranh cục bộ".

Ngay đầu năm 1965, trong bức thư gửi các đồng chí lãnh đạo ở miền Nam, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã cho rằng tình hình có khả năng chuyển biến mau lẹ; có thể xuất hiện một mặt trận trung lập và dưới ngọn cờ mặt trận trung lập đó, nhân dân sẽ nổi lên, thành lập một Chính quyền trung lập:

Chính quyền mới sẽ đề ra các yêu cầu:

- Đình chỉ chiến sự. Đặt vấn đề giao thiệp công khai với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam để bàn việc chấm dứt chiến tranh.

- Thực hiện chính sách trung lập. Giao thiệp với Pháp, Mỹ và đặt vấn đề yêu cầu Quân đội Mỹ rút.

Yêu cầu hai Chủ tịch Hội nghị Genève năm 1954 triệu tập ngay Hội nghị để bàn vấn đề bảo đảm trung lập cho miền Nam và đình chỉ chiến sự
" (Lê Duẩn - Thư vào Nam, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1985, tr. 88.).

Qua kịch bản này người ta có thể thấy kịch bản giải quyết vấn đề Lào năm 1962. Điều này phù hợp với chủ trương đưa Nam vào con đường hoà bình trung lập mà Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã đề ra khi mới thành lập và lời kêu gọi của Mặt trận sau cuộc đảo chính giết hại Ngô Đình Diệm. Đó là cơ hội có thể mang lại hoà bình ở miền Nam Việt Nam, ngăn ngừa chiến tranh lớn xảy ra. Rất tiếc rằng Chính quyền Johnson quá lo sợ về bóng ma "Domino" đã không đáp ứng lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và tiếp tục ủng hộ các tướng lĩnh thân Mỹ, kéo dài cuộc khủng hoảng chính trị, quân sự ở miền Nam.

Tình hình miền Nam ngày càng căng thẳng. Ngày 7 tháng 2 năm 1965, máy bay Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc, ngày 8 tháng 3 năm 1965 tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến đầu tiên của Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng.

Cuối tháng 3 năm 1965, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp Hội nghị toàn thể để đánh giá tình hình mới và ra nghị quyết:

Tình hình một nửa nước có chiến tranh, một nửa nước có hoà bình đã biến thành tình hình cả nước có chiến tranh với hình thức và mức độ khác nhau ở mỗi miền" và hiện nay "miền Nam vẫn là tiền tuyến lớn, miền Bắc vẫn là hậu phương lớn”, “phải tiếp tục xây dựng miền Bắc, kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế và tăng cường quốc phòng, kiên quyết bảo vệ miền Bắc, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại và phong toả bằng không quân và hải quân của địch, chuẩn bị sẵn sàng để đánh bại địch trong chiến tranh cục bộ cả ở miền Nam lẫn miền Bắc, ra sức động viên lực lượng của miền Bắc chi viện cho miền Nam, ra sức giúp đỡ cách mạng Lào”.

Trung ương Đảng cũng quyết định chuyển hướng nền kinh tế miền Bắc từ thời bình sang thời chiến, chuyển hướng về tư tưởng và tổ chức cho phù hợp với tình hình cả nước có chiến tranh, tăng cường và mở rộng lực lượng vũ trang (Một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ cứu nước, Sđd, tr. 212-214.).
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #27 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2009, 12:53:26 pm »

Trong cuộc Hội nghị cán bộ từ ngày 2 đến ngày 8 tháng 7 năm 1965, đồng chí Lê Duẩn lại tuyên bố.

Đảng ta là một đảng đã trưởng thành, biết đánh giá đúng đắn sự giúp đỡ của các nước anh em, biết giữ vững quyền độc lập tự chủ của mình, mọi hành động của chúng ta đều là vì lợi ích của cách mạng nước ta cũng như của cách mạng thế giới. Đảng Lao động Việt Nam hoàn toàn chủ động lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Chúng ta biết khởi sự chiến tranh cách mạng thì biết kết thúc chiến tranh đó vào lúc nào có lợi cho cách mạng nước ta và cách mạng thế giới" (Ta nhất định thắng, địch nhất định thua, Bài nói chuyện của Tổng Bí thư Lê Duẩn với cán bộ ngày 2 đến ngày 8 tháng 7 năm 1965.).

Ngày 20 tháng 7 năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước:

Dù phải chiến đấu năm năm, mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn” (Hồ Chí Minh tuyển tập, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1985 tập II, tr. 364.).

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Người đã khẳng định rõ ràng lập trường của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà:

Kiên quyết bảo vệ nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai được xâm phạm đến quyền thiêng liêng ấy của nhân dân ta. Đế quốc Mỹ phải tôn trọng Hiệp nghị Genève, phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Phải chấm dứt ngay những cuộc tiến công vào miền Bắc. Đó là biện pháp duy nhất để giải quyết vấn đề chiến tranh ở Việt Nam để thực hiện Hiệp nghị Genève năm 1954, để bảo vệ hoà bình của các nước Đông Dương và Đông Nam Á, không có cách nào khác. Đó là trả lời của nhân dân và Chính phủ ta cho đế quốc Mỹ" (Hồ Chí Minh tuyển tập, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1980 tập II, tr. 364.).

Cùng dịp này, trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhắc lại lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là tôn trọng nghiêm chỉnh Hiệp nghị Genève năm 1954 về Việt Nam và đề ra bốn điểm làm cơ sở cho một giải pháp chính trị đúng đắn cho vấn đề Việt Nam:

Lập trường trước sau như một của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là tôn trọng nghiêm chỉnh Hiệp nghị Genève năm 1954 về Việt Nam, thi hành đúng đắn những điều khoản cơ bản của Hiệp nghị ấy thể hiện cụ thể ở mấy điểm sau đây:

"Một: Xác nhận những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam: hoà bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Theo đúng Hiệp nghị Genève, Chính phủ Mỹ phải rút quân đội, nhân viên quân sự và các loại vũ khí Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, triệt phá những căn cứ quân sự Mỹ ở miền Nam, xoá bỏ “liên minh quân sự" với miền Nam. Chính phủ Mỹ phải đình chỉ chính sách can thiệp và xâm lược đối với miền Nam. Theo đúng Hiệp nghị Genève, Chính phủ Mỹ phải đình chỉ hành động chiến tranh đối với miền Bắc, hoàn toàn chấm dứt mọi hoạt động xâm phạm lãnh thổ và chủ quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Hai: Trong lúc chờ đợi thực hiện hoà bình thống nhất nước Việt Nam, trong lúc nước Việt Nam còn tạm thời bị chia làm hai miền, thì phải triệt để tôn trọng những điều khoản quân sự của Hiệp nghị Genève năm 1954 về Việt Nam như: hai miền đều không có liên minh quân sự với nước ngoài, không có căn cứ quân sự, quân đội và nhân viên quân sự của nước ngoài trên đất mình.

Ba: Công việc miền Nam do nhân dân miền Nam tự giải quyết theo cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài.

Bốn: Việc thực hiện hoà bình thống nhất nước Việt Nam do nhân dân Việt Nam ở hai miền tự giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài
".
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #28 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2009, 12:54:27 pm »

Lập trường đó chắc chắn được mọi Chính phủ và nhân dân yêu chuộng hoà bình và công lý trên thế giới đồng tình và ủng hộ.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cho rằng lập trường trình bày trên đây là cơ sở cho một giải pháp chính trị đúng đắn về vấn đề Việt Nam sẽ có điều kiện tiến hành thuận lợi và mới có thể tính đến việc họp lại một cuộc Hội nghị quốc tế theo kiểu Hội nghị Genève năm 1954 về Việt Nam.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố rằng mọi giải pháp trái với lập trường trình bày trên đây đều không thích hợp; mọi giải pháp muốn dùng Liên Hợp Quốc để can thiệp vào tình hình nước Việt Nam cũng đều không thích hợp, bởi vì những giải pháp như vậy về cơ bản trái với Hiệp nghị Genève năm 1954 về Việt Nam.

Lập trường bốn điểm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được đưa ra ngay sau tuyên bố Baltimore của Tổng thống Johnson. Đúng thế, tối ngày 7 tháng 4 năm 1965, tại Trường Đại học Johnson Hopskin, Johnson đã đọc một bài diễn văn quan trọng về tình hình Việt Nam. Khi đó, các máy bay Mỹ đang ném bom miền Bắc Việt Nam và đã leo tháng đến vĩ tuyến 20, ngoài lữ đoàn viễn chinh, lính thuỷ đánh bộ đã đổ bộ lên Đà Nẵng. Lữ đoàn không vận 173, lực lượng can thiệp nhanh đã đến bảo vệ căn cứ không quân Biên Hoà, lữ đoàn không vận 101 đã đến tăng cường cho vùng Sài Gòn.

Để làm dịu dư luận đang kịch liệt phản đối Mỹ ném bom Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đưa quân Mỹ vào trực tiếp chiến đấu ở miền Nam, Johnson đã bào chữa những hành động chiến tranh của Mỹ, và đưa ra đề nghị: “sẵn sàng thương lượng không điều kiện " và cử Eugene Black đại diện nước Mỹ để thương lượng ngay với miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Để thêm sức thuyết phục dư luận, Johnson hứa sẽ viện trợ một tỷ đô-la để xây dựng Đông Nam Á, trong đó có Bắc Việt Nam.

Dư luận có người tin thiện chí của Johnson, có người không tin, nhưng dư luận chung thấy một bên đã nói “sẵn sàng thương lượng không điều kiện”, một bên lại đưa ra nội dung giải pháp. Bất kể thế nào, sự trùng hợp đó là điều thuận lợi để cứu vãn hoà bình ở Việt Nam.

Lập trường bốn điểm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một giải pháp dựa trên Hiệp nghị Genève năm 1954 và Thủ tướng đã nói rõ đây là “cơ sở để giải quyết vấn đề Việt Nam". Nhưng các nhà ngoại giao Mỹ và các nhà báo lại phân biệt chi li từ "reonnize" (thừa nhận) với từ “accept" (chấp nhận). Nghe nói có nhà ngoại giao giở đủ thứ từ điển để tra cứu bốn điểm của ông Phạm Văn Đồng và điều đó cũng là tất nhiên vì họ phải hiểu ý đồ của Hà Nội về chủ trương, phương pháp. Họ không những chỉ thị cho các sứ quán tìm hiểu mà còn tìm người trung gian trực tiếp hỏi các nhà ngoại giao Hà Nội.

Mỹ vui mừng có một thuận lợi là có sẵn mối quan hệ với J.B.Seaborn đại sứ Canađa trong Uỷ ban Quốc tế đã hai lần ra Hà Nội thăm dò tình hình và quan điểm. Theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Seaborn tới Hà Nội ngày 3 tháng 6 năm 1965.

Lần này ông không được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng như hai lần trước. Ông được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh tiếp .
Sau mấy câu lễ tân, Seaborn đi ngay vào vấn đề:

Chính phủ Canađa tỏ ra lo ngại đến tình hình nghiêm trọng đang diễn ra ở Việt Nam có liên quan trực tiếp đến tình hình thế giới. Chính phủ Hoa Kỳ có gửi một bức công hàm mật cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đến nay, Chính phủ Canađa chưa được biết phản ứng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà? Chúng tôi rất mong muốn được nói chuyện với Ngài về vấn đề đàm phán thương lượng tìm cơ sở cho một giải pháp hoà bình ở Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng làm người trung gian, tuy nhiệm vụ trung gian nhiều lúc rất bạc bẽo.
Trước khi tôi ở Sài Gòn ra đây, tôi được chỉ thị chuyển một thông điệp miệng của Chính phủ Hoa Kỳ nếu ngài đồng ý, tôi xin đọc...”.


Đến đây, đại sứ dừng lại.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #29 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2009, 12:55:49 pm »

Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh cảm ơn ông đã tỏ sự quan tâm đến tình hình nghiêm trọng ở Việt Nam và nêu rõ nguyên nhân của tình hình là việc Mỹ mở rộng chiến tranh. Bộ trưởng nhấn mạnh: Mỹ đang theo đuổi chính sách “cái gậy và củ cà rốt" và nói tiếp:

Chắc đại sứ đã rõ nhân dân Việt Nam ở miền Nam và miền Bắc đã trả lời như thế nào đối với chính sách của Mỹ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói rõ lập trường của chúng tôi! Chúng tôi nghĩ rằng với Canađa là một thành viên trong Uỷ ban Quốc tế, chúng tôi mong rằng Ngài làm tròn nhiệm vụ trong Uỷ ban Quốc tế với hết khả năng của mình".

Seaborn:

Trong việc đánh giá tình hình giữa Chính phủ chúng tôi và Chính phủ Ngài có những điều không giống nhau, nhưng Chính phủ chúng tôi luôn thành thật trong khi làm nhiệm vụ Uỷ ban Quốc tế...Tôi đã đọc, đã nghiên cứu và tìm hiểu bốn điểm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vì đấy là sự mở đầu quan trọng. Tôi nghĩ, với ý kiến cá nhân, trong bốn điểm đó có những điểm đáng chú ý. Tôi thấy có nhiều điểm đối phương có thể chấp nhận được nhưng cũng có điểm mà hiện nay Chính phủ Mỹ không sẵn sàng chấp nhận.

Chúng tôi thấy có điều cần được rõ thêm là có phải việc chấp nhận bốn điểm đó là điều kiện tiên quyết để đàm phán hay bốn điểm đó là những vấn đề sẽ đưa ra bàn để giải quyết dần trong quá trình đàm phán?”


Nguyễn Duy Trinh:

Báo cáo của Chính phủ chúng tôi đã nêu rõ đó là cơ sở để giải quyết vấn đề Việt Nam, nghĩa là vấn đề Việt Nam phải giải quyết bằng cách như vậy.

Nhân dân chúng tôi đang phải chiến đấu để giành các quyền dân tộc cơ bản của mình như Hiệp nghị Genève đã quy định. Bản báo cáo của Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nói: Thi hành bốn điểm đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán.

Diễn văn của Tổng thống Johnson ở Baltimore tuy nói thương lượng không điều kiện nhưng thực ra đã đưa ra những điều kiện: Mỹ không từ bỏ xâm lược miền Nam Việt Nam, không thừa nhận nước Việt Nam thống nhất, không thừa nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Đối chiếu với Hiệp nghị Genève, rõ ràng Hiệp nghị Genève đã không được Mỹ để ý đến...

Bốn điểm của chúng tôi là cơ sở để giải quyết vấn đề Việt Nam, thực hiện bốn điểm đó mới trở lại Hiệp nghị Genève
”.

Seaborn:

Trong bốn điểm có điểm nói Mỹ phải rút quân khỏi Nam Việt Nam. Như vậy là Mỹ phải rút trước khi đàm phán hay là việc Mỹ rút sẽ được thu xếp trong khi đàm phán?”.

Nguyễn Duy Trinh:

Vấn đề là thái độ của Mỹ đối với tất cả bốn điểm đó như thế nào Đáng tiếc thực tế không phải là Mỹ rút mà Mỹ còn đang tăng số quân ở miền Nam, tăng cường chiến tranh. Nhân dân Việt Nam kiên quyết chiến đấu và đòi Mỹ cút".

Bộ trưởng dừng lại.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM