Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:57:54 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trận chiến Điện Biên Phủ  (Đọc 60600 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #100 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2008, 12:15:07 am »


VI
LỜI CẦU NGUYỆN CHO TRẬN CHIẾN
ĐIỆN BIÊN PHỦ


Giả thử chúng ta gửi cho họ những bữa ăn và những trang thiết bị mới? Giả thử chúng ta cung cấp lúa mạch cho đàn ngựa đói lả của họ trước khi tiến đánh họ?
Shakespeare

Henry V - Màn III





Chính tinh thần là nhân tố dẫn đến các trận chiến thắng, bây giờ và sau này cũng mãi mãi như vậy, cũng như đã chiến thắng trong mọi thời đại của thế giới. Giá trị tinh thần, giá trị đạo đức của chiến tranh vẫn không hề thay đổi kể từ những thời đại ấy. Máy móc, các vũ khí chính xác, mọi cơn sấm sét mà con người và các môn khoa học do con người phát minh ra, không bao giờ có thể chiến thắng được cái điều lúc này bị coi thường, có tên gọi là tinh thần của con người.
Barbey Daurevilly1.




Trong chiến tranh, một thảm họa lớn bao giờ cũng chỉ ra một thủ phạm lớn.
Napoléon




Vào thời kỳ mối thảm họa Điện Biên Phủ diễn ra và mặc dù tôi là người đã loan tin về biến cố ấy, mối thảm họa vẫn cứ đè nặng lên tâm hồn tôi. Số phận bất công và đáng sợ của một vài bạn hữu, cùng lúc đó tác động mạnh đến tôi. Tôi mong muốn, không phải là để trả thù cho họ, mà là trả lại cho họ một vinh dự mà tạm thời lúc này họ tưởng đâu là đã đánh mất.

Ấy thế mà cách đây hai năm, không có lí do gì rõ rệt, tấn bi kịch Điện Biên Phủ lại như một quả đấm giáng thẳng vào ngực tôi và tôi đã trải qua một đêm bước xuống bên dòng sông xưa kia chảy giữa bãi chiến trường, sục sôi giữa những đám cháy. Tôi nhớ lại rằng mười tháng trước, ở giữa lòng cuộc chiến tranh Algérie, cũng một quả đấm tương tự đã giáng vào tôi mà tôi không chút đề phòng. Tất cả những mối đe dọa của cuộc tranh chấp giữa quân đội và quốc gia đã bám rễ sâu vào trong vết thương cháy bỏng ấy, vết thương mà lại một lần nữa ta phải rạch rộng ra để trích bỏ nguyên nhân của tật bệnh: đó là cái trạng thái mập mờ về bản chất của những lí tưởng phải bảo vệ, cũng như về giá trị đạo đức của các phương tiện tiến hành, mà các cấp chỉ huy quân sự của chúng ta đã không nói ra.

Dù rằng đã biết Điện Biên Phủ là chiến thắng dành cho một quân đội trang bị và vũ khí kém cỏi nhất, vấn đề này có những nguyên nhân cũng như việc sức mạnh và số lượng các phương tiện cơ giới không bao giờ có thể chiến thắng được nếu như các phương pháp thực hiện dựa vào một sai lầm cơ bản và sự chỉ đạo cuộc chiến tranh dựa vào con số không. Nguồn gốc của mọi chuyện đó là có lòng tin hay thiếu lòng tin, là ý chí hay sự sa sút ý chí của một dân tộc. Diễn đạt bằng một câu nói thô tục và rất phổ biến thì đồng bạc Đông Dương, vế đùi đàn bà, và những đồn điền trồng chuối, đó chính là ba động cơ cao cấp có giá trị nhất ở Đông Dương vào thời kì bấy giờ. Những kẻ láu tôm láu cá thì làm giầu và hưởng thụ những gì mà các thứ đó mang lại; những người lính thì bắn giết và bị bắn giết. Lương tâm thì sa đọa, những giá trị mà thời đại nào giới hiệp sĩ nước Pháp cũng có đã biến mất, sự hèn nhát của các vị đứng đầu chính phủ khi đứng trước một sự thật mà họ không muốn nhìn thấy, bởi lẽ sự thật ấy đòi hỏi những phẩm chất mà họ không có, tất cả đã đặt đất nước đứng trước một chuyện ghê tởm nhất của thế kỉ và đặt những con người trong sáng đã phục vụ cho câu chuyện xấu xa đó đứng trước nỗi nhục nhã là tô vẽ vinh quang cho câu chuyện ghê tởm.


CÓ XẤU HỔ HAY KHÔNG?

Tại sao lại thấy xấu hổ khi nhắc đến cái tên Điện Biên Phủ, giống như là người ta đã lo sợ rằng việc chôn cất biết bao tử thi không có quan tài làm dấy lên một cơn giận dữ mà người ta muốn dập tắt? Nếu như một viên tướng đã bị đánh bại ở Điện Biên Phủ thì chắc chắn đó là vì ông ta bất tài. Cũng có thể là bởi vì các chính khách đã không lấy làm vinh dự có cùng chung một ý tưởng với các viên tướng. Cuối cùng, người ta có thể nói về nước Pháp rằng nước Pháp đã nêu ra một hình mẫu về thái độ thờ ơ hoàn hảo nhất đối với quân đội của mình và rằng cái tội ác do sự lơ là ấy có tên gọi là sự thiếu trợ giúp cho những người đang gặp nguy hiểm. Bị trừng phạt bởi những điều luật dành cho những công dân bình thường, khì mà toàn bộ quốc gia đều là thủ phạm, tội ác đó dẫn đến những cuộc bãi nhiệm mà một dân tộc không thể gượng dậy được và rằng một ngày nào đó, dân tộc ấy sẽ trả giá bằng chính cái chết của mình.

Một thế kỷ trước đây, khi mối thảm họa mà đạo quân viễn chinh ở Grimée phải gánh chịu trong trận Balaclava làm rung chuyển nước Anh, thì chính phủ Anh, không giống như chính phủ của chúng ta sau sự kiện Điện Biên Phủ, lại chỉ mong muốn dẹp bỏ vụ việc nếu như công luận không bị xúc động bởi những bài viết của ngài William Hovard Russel, phóng viên báo chí đầu tiên ở trong quân đội. Vị bộ trưởng đã bị lật đổ nhưng lại đã không có hình thức kỷ luật nào được áp dụng cho hai con người phải chịu trách nhiệm về việc lữ đoàn kỵ binh bị tiêu diệt và về cái chết của viên chủ nhiệm tổng cục hậu cần của quân đội. Một ủy ban được nhanh chóng sinh ra dưới cái tên Xí nghiệp tẩy sạch đã giúp cho các bị cáo thoát tội. Nếu không có thái độ bất bình của Florence Nightingale, người đã tận tụy phục vụ các thương binh và đã dọa công bố những ghi chép của cá nhân mình thì mọi việc sẽ dừng lại ở đó. Trở thành thần tượng của công chúng và nỗi khiếp sợ của nghị viện, Florence Nightingale đã khơi lên cơn giận dữ ở khắp nơi và dân chúng Anh đòi hỏi phải điều tra và xử lí. Họ đã không có được mọi đáp ứng. Vài tháng sau, cuộc nổi dậy của những người Cipayes đã hướng sự chú ý sang những mối nguy hiểm mà nền đế chế phải đương đầu ở Ấn Độ, cũng giống như cuộc nổi dậy ở Algérie đã làm quên lãng Điện Biên Phủ.

Nếu như nhân dân Anh có thói quen muốn biết được nguyên nhân các thất bại của mình thì tại sao nhân dân Pháp lại không dũng cảm để nhìn thẳng vào một trong những bất ngờ có tính chiến lược lớn nhất trong lịch sử của mình? Tôikhông hiểu giờ đây nhắc lại mối thảm họa Điện Biên Phủ có đúng lúc hay không? Đối với tôi, chính mối thảm họa đó đã đến không đúng lúc.


TRÁCH NHIỆM CỦA NHÂN DÂN PHÁP

Nếu như những người bại trận ở Điện Biên Phủ phải đem ra xét xử, nhân danh nhân dân Pháp, thử hỏi người ta sẽ buộc họ vào tội gì đây? Tội đã không hiểu đầy đủ tình thế và đối phương ư? Nhưng thử hỏi, ai đã đặt tướng Navarre ngồi vào chiếc ghế của ông ấy? Ai đã xác định nhiệm vụ mà những người tiền nhiệm và ông ấy phải hoàn thành, nếu không phải là các chính phủ kế tiếp của nền Cộng hòa thứ tư? Cuối cùng ai cho phép các chính phủ ấy không kiểm tra theo dõi, bỏ mặc cho các viên tướng bị lây nhiễm cái căn bệnh tự phụ, tự kiêu? Việc thoái lui, đôi khi là đức tính cao quí nhất của các chính khách lại không phải là bài học được dạy dỗ trong các học viện quân sự. Sự thật, việc chỉ đạo cuộc phiêu lưu Điện Biên Phủ có nét nổi bật là tình trạng thiếu năng lực của bộ chỉ huy cao cấp cũng như sự thờ ơ quái đản của một dân tộc. Để bào chữa cho chuyện đó liệu người ta có thể nói rằng dân tộc đó, đã tưởng đâu, trong trường hợp này, đây là một cuộc chiến tranh do những binh lính đánh thuê tiến hành trong thời bình để duy trì các đồn điền cây cao su, những cánh đồng trồng bông, để bảo vệ những người công giáo và các trường đại học? Lâu dài về sau, mấy trăm nghìn con người mặc bộ đồng phục quân đội Pháp đã sống cuộc sống có vui có buồn của quân đội ở xứ sở ấy, mắc phải các bệnh tật, nhận lấy những vết thương và đôi khi là cái chết để rồi, nói cho cùng chỉ phục vụ cho chủ nghĩa đế quốc tệ hại nhất thế giới. Đếquốc này đã ngụy trang việc nó không chịu để bị mất đi những cổ tức và các thị trường dưới chiêu bài một cuộc thập tự chinh chống lại chủ nghĩa cộng sản. Cuộc chiến tranh này vốn không thể nào giành được thắng lợi, lẽ ra những kẻ hung hăng đến cực đoan phải kết thúc nó bằng một cuộc thương lượng. Nếu như những người kém ngu xuẩn hơn trong số họ có nghĩ đến điều đó thì ý kiến đánh giá của họ cũng không chiếm ưu thế và đã vấp phải những lợi ích mà các cuộc chiến tranh thường khai thác. Không một ai đã nghĩ rằng các vị tổng thống trước đây và các vị chủ tịch hội đồng bộ trưởng các nhiệm kỳ đã qua lại không hề bận tâm đến việc tránh cho đất nước của họ phải trải qua một thử thách ở tầm cỡ như vậy. Nỗi bất hạnh là họ đã không dám lên án việc đó, và các vị bộ trưởng của họ cho rằng đó là để bảo vệ thế giới phương Tây. Họ đã giải quyết điều bận tâm đó bằng nhiều cách khác nhau. Ngài Pléven thì tự đặt mình vào trong cái vòng vây những ảo tưởng cùng những con người ảo tưởng và rửa sạch hai bàn tay với một lương tâm của con người trung thực và một nỗi ngạc nhiên không bờ bến. Ngài Bidault thì định tìm cách cứu vãn đoàn quân thập tự chinh của mình bằng vụ nổ nguyên tử của cuộc hành binh Vautour. Ngài Letourneau thì cầu xin Thượng đế, còn viên cao ủy Dejean thì gửi những bức điện ngoại giao, ngài Jacquet thì chỉ biết rít tẩu thuốc của mình còn ngài Reynaud thì im lặng. Những kẻ hèn hạ thì không nhiều nhưng phần lớn là những người ngu ngốc hoặc viển vông, những kẻ yếu đuối hoặc láu cá, tất cả tụ tập lại trong cái sự dốt nát của những người bị điều hành, một nét đặc tính của các trung tâm cầm quyền. Thử hỏi có chứng cứ gì để chống lại họ nếu không phải là chứng cứ về việc họ đã ngồi một chỗ, và đã đồng ý dùng máu của những người khác để thanh toán cho tờ chứng từ về những sai lầm và những hành động hèn nhát của họ? Còn về phần các viên tướng chỉ huy, không một ai có thể nghi ngờ về nhiệt tình phục vụ tổ quốc của họ. Mù quáng, tai điếc và kém thông minh như người ta nói, bởi lẽ nó không đưa cho ta bất cứ điều gì nếu như ta không giành giật từ tay của nó, nhân dân Pháp cùng với những lá phiếu bầu cử, đã khẳng định vai trò tòng phạm của nó. Tội phạm, trước hết, đó là nhân dân Pháp.
_______________________________
1. Nhà văn pháp (1808 - 1889), theo chủ nghĩa lãng mạn. - N.D
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #101 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2008, 12:17:19 am »


NHỮNG TÌNH YÊU ĐÃ CHẾT

Khối hành lí của tôi được xếp đặt trong gian phòng người ta dành cho tôi trông ra khoảng sân của khách sạn Métropole ở Hà Nội chưa đầy mười phút mà tôi đã cảm thấy khó thở. Tuy nhiên, chín năm sau cuộc phiêu lưu Điện Biên Phủ, tôi đã có mặt ở nơi mà tôi muốn có mặt để có thể hiểu rõ hơn trận thất bại của chúng ta. Dù cho đã chuẩn bị đầy đủ để hứng chịu nó, cú sốc về việc tôi quay trở lại nơi đây đã vượt quá những gì mà tôi dự kiến. Người ta nghĩ rằng người ta có con tim sắt đá chống lại những tình yêu đã chết, ấy thế mà chỉ cần bóng dáng một khuôn mặt quen thuộc thoáng qua là đủ để làm sống lại những tình yêu ấy trong toàn bộ sức mạnh của chúng.

Khách sạn Métropole, đối với tôi, không phải là cái phòng đợi đáng sợ ở đó những viên đốc công Xô - Viết ngồi ngủ gà ngủ gật trong những chiếc ghế bành trước con mắt của một người thường trực gầy yếu, mà là nơi hẹn gặp của các hiệp sĩ. Cũng vẫn cánh cửa kính quay do các nhân viên nét mặt rầu rĩ đẩy, xưa kia va đập vào người các sĩ quan và những cần vụ của họ, những cô gái hiếu chiến phục vụ trong quân đội, những nhà báo quốc tế và những người địa phương thích phiêu lưu. Tiếng vù vù của những chiếc quạt trần quay hòa trộn với những tiếng reo mừng và những tiếng hát tràn ngập gian đại sảnh, lan xuống khu nhà ăn, ở đó người ta vui vẻ, í ới gọi nhau. Người ta nhận ra quả lựu đạn và những chiếc mũ lưỡi trai của lính lê dương, những cầu vai của các phi công, chiếc mỏ neo mạ vàng của các thủy binh của Hải Phòng, những bộ quần áo da báo của quân dù hoặc chiếc phù hiệu màu đỏ của các pháo thủ, ngôi sao năm cánh của những người lính Marốc. Đôi khi, người ta thoáng thấy ở giữa bọn họ, những "thống chế' cũ của tướng De Lattre trốn lên đây chơi một chuyến trước khi lên đường về các tỉnh của họ vào lúc tảng sáng: khuôn mặt lo âu của Vanuxem, với chiếc vòng đeo cổ có hình con linh miêu, vầng trán gây gổ của Gilles, cái mồm rộng của Clément uống cạn hết cốc rượu uytski này đến cốc uýtski khác, đôi môi trơ trẽn của Castries, chiếc kính một mắt của Blankaert. Ở bên ngoài, tấm kính chắn gió lật ngửa xuống mũi xe, những chiếc xe Jeep rồ máy phóng đi hoặc thả xuống một mẻ người mới trước cái trạm khách hạng sang, mà bầu không khí ồn ào những tiếng quát tháo, hẳn phải gợi lại những khẩu lệnh của cái vương quốc đích thực ở Jérusalem. Mùi xăng thoát ra từ các động cơ thay thế mùi mồ hôi của đàn ngựa, khẩu tiểu liên của các vệ sĩ thay thế những thanh kiếm và những ngọn giáo. Thị giác chứng khoán hiện lưu hành được trao đổi ở đây và người ta phát hiện ra dưới chiếc mũ nồi đỏ, khuôn mặt nhìn nghiêng như mặt con đại bàng của Bigeard đang tiến bước như một niềm vinh quang mới giữa những bộ mặt hốc hác của những con người đang chuẩn bị quay về châu Âu. Những tầng gác phía trên, ở đó người ta đi thăm nhau từ buồng này sang buồng khác, tiếng nước chảy rù rì của các vòi hoa sen và tiếng quạt trần quay hòa trộn vào tiếng ồn ào hỗn độn. Khi mà, đột nhiên, tiếng đại bác nổ làm rung chuyển bầu trời, không một ai cắt đứt cuộc trò chuyện: cũng giống như tiếng ầm ầm của máy bay khu trục bay lượn trên thành phố hoặc những đợt sóng các đoàn xe bóp còi inh ỏi trên các đại lộ, tiếng đại bác phá vỡ khung cảnh hòa bình của Hà Nội trong một lúc. Trên bờ hồ Hoàn Kiếm, những người lính lê dương áp chặt thân mình vào chiếc quần dài mầu tím của những cô gái làng chơi.

Tôi bước ra ngoài. Đã qua mười năm, trong cái xứ sở đó tốc độ sinh đẻ phi nước đại đẩy lùi các thế hệ vào quá khứ, từ một chế độ bị đánh bại nay chỉ còn lại dòng chữ trên một tấm biển được vít chặt trên một lề hè phố, ở một ngã tư: "Cấm đỗ ". Các cảnh sát giao thông lẳng lặng điều khiển hệ thống đèn tín hiệu để chỉ huy dòng xe đạp và người đi bộ. Những quán cà phê trước đây, trở thành những phòng thông tin, những gian hàng cao cấp nay bán soong chảo, mầu sác óng ánh những chiếc áo khoác ngoài của phụ nữ nay đã biến vào trong mầu giản dị của bộ trang phục dân tộc. Người ta chỉ có thể nhầm tôi là một người Nga. Tôi gọi một chiếc xe kéo và ngồi lên đó.

- Phái đoàn đại diện Pháp! Người lái xe nhìn tôi, đôi mắt buồn bã, gọi một đồng sự, rồi gọi những người qua đường.
- Pháp - Pháp - Tòa nhà nước Pháp.


HÌNH BÓNG CỦA CÁC ĐỒNG ĐỘI GIỜ ĐÂY CÁC BẠN Ở ĐÂU?

Tôi chỉ biết nhắc lại cái tên ấy, giống như ngày xưa và không một ai hiểu được tôi. Một đám đông hình thành và một viên cảnh sát vẫy tay giải tán đám đông. Với viên cảnh sát tôi cũng bảo "Pháp ''. Anh ta có vẻ không nghe thấy, thậm chí không nhìn thấy tôi: anh ta xua đuổi một đàn ruồi mà không thèm nhìn cái thây ma còn sống đã thu hút đàn ruồi ấy. Sự so sánh đáng sợ không phải đã nẩy sinh trong đầu óc tôi ngay lập tức mà là nó hiện rõ trong tâm trí tôi, khi trở lại cái hầm mộ cổ, là khách sạn, không một ai trong bộ phận tiếp tân đoán ra được là tôi muốn nói tới điều gì. Được soạn thảo duy nhất bằng tiếng Việt, bản danh bạ điện thoại được đánh máy chữ không dành một chỗ nào cho các cơ quan ngoại giao. Tôi là tù binh giữa một đám đông, lọt thỏm giữa những con người, giờ đây không nghe tôi nói nữa, dưới một quả núi những phế tích và quên lãng mà người ta đến phải nói là đã tích tụ lại qua nhiều thế kỷ. Đã biến mất, những viên đại tá chém giết người Việt, những đội quân nhạc, những đoàn xe G.M.C chở đầy những con người thân mình phủ kín bụi đường, những giáo sư, những tên phố, những quán rượu ở đó thứ bia tươi chảy như suối, những cô gái lai Âu - Á với những tấm váy dài xẻ tà; đã biến mất những người chết vì đức vua Bảo Đại và vì những viên cao ủy bụng phệ, đầu đội những chiếc mũ vải xinh xắn. Hình bóng của biết bao những đồng đội béo tốt vào thời kỳ mà giông bão không nổ ra và lúc đó, mỗi ngày có mười binh sĩ chết vì cái nóng, những viên đại úy thắng trận đẹp trai, có đôi mắt xanh lơ, có tiếng nói ngắn gọn và con tim trong sáng, giờ đây các bạn ở đâu vậy? Họ đang ở đâu vậy, hỡi nữ thánh Đồng Trinh? Những tiểu đoàn lê dương, những người lính Marốc, những người lính Algérie và những quân dù được các xe cứu thương chuyển về trong tiếng còi rú rầm rì, với bộ ngực rách toang vì trúng mìn, khoang bụng thủng lỗ vì những loạt đạn tiểu liên hay những mảnh lựu đạn, máu chảy dầm dề từ mọi tĩnh mạch, hoàn toàn mất trí nhớ, giờ đây họ đang say sưa chiến đấu ở đâu vậy? Và tôi, giờ đây tôi không chỉ còn là một nhà báo Pháp nữa mà được tiếp đón như những người Bungari hoặc những người Sécbi - Crôattơ; cùng với một chương trình đi thăm các hợp tác xã nông nghiệp và các xưởng cơ khí, rồi được thả sức trước thực đơn của một cửa hàng ăn quốc doanh, ở đó những người Nga uống rượu Vodka từng cốc đầy, dùng tay xé thịt gà để ăn, bởi lẽ có một trận đánh đã thất bại, ở một nơi cách đây ba trăm kilômét, xung quanh một thị trấn mà cái tên đã làm lách cách những cỗ máy tê-lê-típ trên khắp thế giới.

Chín hay mười năm cũng chưa phải là quãng thời gian đủ để quên đi những cụm khói đen của napan đột nhiên bốc lên từ những ngôi làng nằm phía dưới những chiếc máy bay, phía sau những chiếc xe tăng với những vành bánh xích làm rung chuyển mặt đất, để quên đi những đoàn người bám theo sau các bộ trưởng, những chiếc loa phát đi những bài hát điếc tai, những người nông dân nằm gục bên những con trâu của họ trong những ruộng lúa đang bốc cháy. Từ một nửa thế kỷ hiện diện, giờ đây chỉ còn lại những đại lộ thẳng tắp hai bên viền những hàng cây và những ngôi biệt thự kiểu thuộc địa, những nhà bảo tàng, những trường đại học, những sân vận động và các viện nghiên cứu, một toà lâu đài của chính phủ và một ngôi nhà thờ bằng cẩm thạch mà hầu như không một ai biết được là do những ai xây dựng nên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #102 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2008, 12:19:50 am »


NHỮNG NGƯỜI CHIẾN THẮNG VÀ NHỮNG KẺ CHIẾN BẠI

Chiến bại ư? Nói thế chưa đủ. Kẻ chiến bại nếu như anh ta nhún nhường và ý thức được thất bại của mình, cuối cùng gặp lại những con người, thông qua anh ta nhìn thấy chiến thắng của họ, rồi tỏ lòng thương hại và tiếp đón anh ta. Di sản của Điện Biên Phủ đã che giấu cho tôi và tôi phải dùng phấn trắng viết lên mặt quầy của người thường trực để nhận được chìa khóa buồng của mình. Buổi tối đầu tiên ở Hà Nội, tôi cảm thấy như mình đang sống giữa những người chết ở Điện Biên Phủ, họ vây xung quanh tôi, và tôi không ngủ được. Đôi khi, bắt đầu thiu thiu ngủ, tôi tưởng như nghe thấy những tiếng cười ngày xưa, cảnh huyên náo sung sướng của những đêm chơi bời trở về sau một cuộc mua vui. Tôi bật sáng ngọn đèn đầu giường; tôi lắng tai nghe. Thành phố yên ngủ, mọi cánh cửa đóng kín, đầy những người đàn ông khôn ngoan, không vui vẻ gì để tạo ra những đứa con cùng với những người phụ nữ mệt mỏi vì cuộc vật lộn cho miếng ăn, gầy yếu, trong người có vi khuẩn amíp tàn phá ruột và gan họ, đầu óc ám ảnh nỗi lo phải phục tùng kỉ luật của nhà nước và những tiếng còi của các giáo viên thể dục sắp kéo họ ra khỏi giấc ngủ, trước khi tảng sáng. Bớt nghèo túng hơn ngày trước bởi lẽ chiến tranh không còn tàn phá đồng ruộng của họ nữa, vượt qua cảnh cùng quẫn mấp mé với nỗi đói khổ, phẩm giá được nâng cao lên do bởi niềm kiêu hãnh đã đánh thắng một quân đội của phương Tây bằng xương bằng thịt, có thừa thãi những xe tăng và máy bay. Còn về cái chế độ mà họ đã lựa chọn, chế độ duy nhất đã biết xóa bỏ bất công và nạn hối lộ mà chúng ta đã nuôi dưỡng cùng với bọn quan lại, thử hỏi là người bại trận, tôi có thể nhân danh cái gì mà lên án họ đây? Để hiểu được những nguyên nhân thất bại của chúng ta, vượt qua nỗi thất bại ấy và soi rọi vào các diễn viên của vở bi kịch ấy những vầng sáng cho phép ít nhiều tiến gần tới sự thật, trước hết tôi phải vận dụng một đức tính vốn không phải là đức tính của các viên tướng của chúng ta: sự nhún nhường.


NHỮNG CHIẾC CHÌA KHÓA CỦA LỊCH SỬ

Không có những lời giải thích vững chắc và dứt khoát cho những thất bại về quân sự nhiều hơn là cho những mối tình tan vỡ; cần phải phát hiện chuỗi dài những chuyện hiểu lầm và những nỗi thất vọng đã dẫn một đôi trai gái dần dần đi tới chỗ ghét bỏ nhau hoặc đưa một viên tướng bước vào chỗ sai lầm. Chắc chắn, thật khó khăn để biên soạn Lịch Sử khi ta là người cùng thời với những ai đã làm ra Lịch Sử đó, rằng ta từng có thể là bạn chiến đấu của họ, đã ăn uống cùng một bàn với họ. Để dựng lại tấm thảm kịch Điện Biên Phủ, người viết sử vốn sẽ chỉ có trong tay những tư liệu lưu trữ già nua đã nửa thế kỷ, sẽ không được trang bị tốt hơn tôi lúc này, bởi vì những tài liệu không bộc lộ những bí mật của chúng dễ dàng hơn những con người. Nhà viết sử sẽ thiếu vắng cái khả năng làm cho bản thân mình có ấn tượng, giống như một tấm phim chụp ảnh hay một cuộn băng ghi - âm có thể gây ấn tượng bằng những hình ảnh, những câu nói và những cung bậc âm thanh của các diễn viên trong vai diễn của họ. Khi mà tôi gặp gỡ họ, liệu bản thân họ có biết được vì sao họ đã là nhữngngười thắng trận hay những người bại trận hay không? Số người này thì cho rằng thất bại bắt nguồn từ đầu óc kém cỏi hoặc sự thiếu kinh nghiệm của một vị tổng chỉ huy cùng những cố vấn của ông ta, số người khác thì đổ lỗi cho một hệ thống, số khác nữa còn cho là vì những quyết định về chính trị mà họ không nắm được và số người cuối cùng thì cho đó là vì tinh thần dũng cảm và trí sáng tạo của đối phương. Không có chuyện gì đơn giản và tuyệt đối đến như vậy. Mọi chuyện đều có vị trí của nó, mỗi một từ ngữ, mỗi một thái độ và mỗi một sự kiện đều tác động đến những ai tiếp nối nhau, chồng chéo và nhằng nhịt với nhau. Không còn điều gì có thể cứu vãn được Điện Biên Phủ nữa, ở một thời điểm nào đó, trong khi đó một quyết định sáng suốt lẽ ra đã có thể tránh được mối thảm họa vào một thời điểm khác, hoặc như việc cách chức một cán bộ chỉ huy yếu kém, bất chấp mọi sai lầm đã phạm phải, lẽ ra có thể giúp cho việc giành được một chiến thắng.

Điện Biên Phủ, một trận chiến đã thất bại ngay từ trước khi nổ ra ư? Tôi hoàn toàn không tin là như vậy. Kể cả nếu như nó được tung ra như đã làm, một vài con người thông minh cũng có thể vượt qua được khoảng cách xa, khắc phục được những chướng ngại, chiến thắng được đối phương và thúc đẩy nó đi tới trận thắng trước một đối thủ mà những khả năng không phải là vô tận. Có những con người như vậy: họ đã không được bố trí hoặc là đã được bố trí quá muộn mà lại không có những phương tiện để tỏ rõ tài năng. Kể cả khi số mệnh có vẻ như đã điều khiển họ, thì những biến cố cũng không lôi cuốn một cách mù quáng những con người nếu như những con người không chịu khuất phục. Đã nhiều lần, tôi tưởng như đã tới được trung tâm của vấn đề. Sự thực, đó là từ cả một chùm những chiếc chìa khóa và những chiếc nậy cửa mà tôi cần có để đi từ cửa này sang cửa khác, từ ngõ cụt này sang ngõ cụt khác, quay trở lại để rồi lại lạc đường và cuối cùng khám phá ra một căn phòng bí mật mà không tin chắc đó là căn phòng duy nhất. Một trong số các chìa khóa, đó là chuyến đi của tôi lên Điện Biên Phủ.

Ngồi ở giữa một thư viện, và lục tìm trong những chiếc hòm đầy ứ tư liệu lưu trữ, người ta có thể làm sống lại trận Waterloo. Chuyện kể về các trận đánh, tài liệu mô tả các địa điểm và các nhân vật vẫn còn. Người ta có thể phục hồi lại vị trí các đạo quân trên các tấm bản đồ, theo từng ngày và từng giờ một. Tuy nhiên, không có gì giá trị bằng cái cảm tưởng mà nhà viết sử, dù cho anh ta có thiếu trí tưởng tượng đến đâu, tự mình rút ra được qua việc đối mặt với bãi chiến trường. Lúc đó, thực tế trước mắt tác động mạnh đến anh ta nhiều hơn là cuộc giao lưu thầm kín với cấu trúc của một phong cảnh đã dần dần xóa bỏ cú sốc gây ra đối với các diễn viên bởi những lần đầu tiên tiếp xúc, cũng giống như người ta dần dần làm quen với việc không nghe thấy tiếng những đoàn xe lửa đi qua làm rung chuyển ngôi nhà nơi ta đang sống nữa. Đi lên Điện Biên Phủ, việc đó tôi thấy có vẻ là cần thiết, dấu vết của một trận chiến đấu có thể dễ dàng gặp lại được trên thực địa nhiều hơn là trong các tâm hồn.

Vì vậy không phải là không lo sợ, sau đêm đầu tiên ở Hà Nội, tôi đã thẳng đường theo hướng tây trên một chiếc xe Commăngca Xô-viết nhỏ bé mà người lái xe, ngay khi có một đoạn dốc nào đó lại đã tắt máy để tiết kiệm xăng, mặc cho xe tự do lăn bánh. Một sĩ quan trong bộ tham mưu của tướng Giáp cùng đi với tôi, vừa làm nhiệm vụ phiên dịch.

Buổi tối đầu tiên, chúng tôi dừng lại ở một hợp tác xã nông nghiệp ở Mộc Châu. Giường ngủ được bố trí trong căn phòng nhỏ, cũng tại đó chúng tôi cùng dự bữa ăn tối với những người lãnh đạo. Người ta nhìn tôi với một vẻ tò mò xen lẫn lo ngại, chúng tôi nói về cuộc chiến tranh. Năm 1952, lần đầu tiên, tôi đã từ chối vinh dự được cầm vũ khí khi mà, sau mấy tuần lễ thu thập thông tin trên khắp nẻo đường ở Đông Dương, tôi hiểu ra rằng chúng tôi phục vụ cho một mục đích phi nghĩa hoặc, nếu như chúng tôi quyết định nhẩy vào một cuộc thập tự chinh đúng đắn chúng tôi sẽ tiến hành cuộc chiến đó mà thiếu nhiệt tình và sự vô tư là những đặc tính của những sự nghiệp lớn của tôn giáo. Có lẽ phải chiến đấu ở Đông Dương để duy trì các căn cứ chiến lược, chống lại cả một dân tộc đã chối bỏ chúng ta do vì chúng ta chiếm đoạt đất đai và chủ quyền của họ ư? Nếu thế thì mặc xác những căn cứ chiến lược của phương Tây. Tôi chỉ có thể chiến đấu cho phương Tây nếu như tôi không đồng thời phải gắn mình với sự kết hợp bẩn thỉu những lợi ích đã làm vấy bẩn lí tưởng của nó, bởi lẽ chiến đấu có nghĩa là có nguy cơ phải chết và người ta chỉ có thể chết vì cái gì mà người ta yêu quí. Trong mọi trường hợp, việc phủ nhận các đồng đội không phải là một món hàng xuất khẩu vì vậy tôi không việc gì phải thổ lộ những cuộc tranh cãi về lương tâm trước mặt những con người vốn đã là chiến sĩ quân đội nhân dân hay là du kích quân. Tôi là đối thủ trước đây của họ cũng như họ từng là đối thủ của tôi, tuy nhiên bây giờ chúng tôi nhìn nhau không chút ngượng ngùng và không chút hằn thù.


DÂN TỘC CỦA NIỀM TIN

Phiền lòng khi thấy tôi ăn quá ít, họ hỏi xem tôi thích ăn thứ gì, nhưng tôi không thể trả lời họ bởi lẽ họ không thể nào cung cấp cho tôi những thứ mà tôi thích. Vả lại. tôi không thấy đói không phải do vì những món ăn bỏ lại bên châu Âu, mà do vì những gì tôi nghe được từ miệng của họ, nghe được về cái niềm tin có thể rời non lấp biển, niềm tin mà chúng ta đã coi thường, gọi đó là sự cuồng tín, các cấp chỉ huy quân sự của chúng ta đã không tin là có niềm tin đó, niềm tin đã đánh bại các cơ quan tham mưu của chúng ta, đã hạ gục xe tăng và máy bay của chúng ta. Những bạn đồng hành của tôi tất cả đều là những con người bình dị, tôn trọng quân đội, và họ chuyển nỗi sợ hãi mà đạo quân viễn chinh của chúng ta xưa kia reo rắc cho họ lên con người tôi. Họ đều thuộc về cái dân tộc này, một trong những dân tộc chịu đau khổ nhất trên trái đất, chắc chắn như vậy, và là một trong những dân tộc đáng coi trọng nhất; dân tộc đó, dòng người này chúng ta đã gặp hoặc đi ngược lại ngay từ vùng ngoại ô của Hà Nội, dòng người của cái thế giới vô tận và đông đảo những nông dân, những thợ thủ công, những người đàn ông và những phụ nữ, gập người dưới sức nặng của chiếc đòn gánh hay còng lưng trong những vụ cầy cấy hay gặt hái. Buổi sáng hôm đó, tôi đã trông thấy họ cắt lúa bằng chiếc liềm, cắt từng nắm tay một, dưới những thửa ruộng mà cơn giông bão đã làm cho lúa đổ rạp xuống; họ bó lúa thành từng bó nhỏ để không để mất đi một hạt nào hoặc cấy từng khóm mạ và xa hơn nữa, bừa nhỏ đất, làm cuộn lên lớp bùn, đi theo sau những con trâu lội nước đến ngang bụng, đôi sừng trâu to tướng vểnh lên như những mảnh trăng lưỡi liềm. Những người đàn ông gầy gò ấy, những người phụ nữ héo quắt sau khi có đứa con đầu lòng ấy thử hỏi họ có còn điều gì phải sợ tôi nữa?

Cái dân tộc ấy hối hả, mệt mỏi, náo động chẳng khác gì đàn kiến, chuyên chở những gánh nặng khổng lồ, vất vả vì thời tiết bắt buộc phải khai thác nguồn sống từ những rặng núi và những thung lũng cằn cỗi của họ. Họ dùng vồ đập vỡ từng cục đất hoặc tưới ruộng bằng từng xô nước một, họ làm mầu mỡ từng thước đất ngay tận trong sân nhà để có rau ăn, họ buộc phải lao động để xoa dịu cái đói đến mức chỉ còn trông chờ được nghỉ ngơi sau khi chết, đó cũng chính là dân tộc đã chiến thắng ở Điện Biên Phủ. Cũng giống như lúc này, họ đi bộ hàng trăm kilômét, tự nuôi sống mình bằng cơm và cá khô.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #103 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2008, 12:22:48 am »


ĐIỆN BIÊN PHỦ, ĐÓ LÀ VALMY1 

Tối hôm ấy, trong cái thị tứ nơi chúng tôi dừng chân, chiếc máy nổ phát điện bị pan và tất cả khung cảnh tựa như lùi lại một nửa thế kỷ. Dưới ánh sáng những ngọn đèn dầu hỏa, chúng tôi nói về những gì đã chia rẽ chúng tôi, những gì có thể đoàn kết chúng tôi lại. Người ta hỏi tôi về nước Pháp và về châu Âu, người ta chất vấn tôi vì sao những con cháu thừa kế cuộc Cách mạng 1789 lại đã có thể chống lại một phong trào thấm đẫm những lí tưởng mà cuộc cách mạng ấy đã tung hô.

Chúng tôi uống nước chè chát đắng, và các bạn đồng hành của tôi gần như không dám nhấp môi vào những cốc nước mà tôi đã rót vào đó chút ít rượu cô nhắc. Liệu có ai tin được là người ta đã ném họ vào trận xung phong trong trạng thái say rượu trong khi thứ nước uống duy nhất làm cho họ chếnh choáng là rượu bia nhẹ mà họ thường chạm cốc trong những dịp lễ tết. Niềm say mê duy nhất đã cho họ sức mạnh vừa hô vang vừa xông lên trước những nòng súng đại liên và lớp lớp hàng rào thép gai, đó chính là ý tưởng về chế độ tự do phải giành lấy và niềm vinh dự được là anh bộ đội của Bác Hồ. Tiếng đàn dế rúc rích dưới đất làm lay động những ngôi sao qua khung cửa sổ: một âm thanh chói tai, và đáp lại, tựa như một tiếng vang, là một âm trầm mà tôi tưởng là tiếng kêu của ễnh ương và có lẽ chỉ riêng đôi tai tôi nghe thấy. Vầng trăng sắp mọc muộn khiến tất cả những con gà trống, tưởng là trời đã sáng bèn cất tiếng gáy cho tới lúc bình minh. Tôi biết là mình không ngủ được, đôi khi rên rỉ để có thể ngủ thiếp đi, trong lòng tự hỏi vì sao mình lại có mặt ở điểm đối cực với tổ quốc mình, ở giữa những người xa lạ đã từng đánh bại chúng ta, nằm bên cạnh một viên đại úy mà đồng lương chưa bằng tiền lương của một thợ mỏ ở chỗ chúng ta, viên đại úy ấy về phía mình cũng tự hỏi về những lý do của chuyến đi của tôi. Những lý do đó tuy nhiên thật rõ ràng nhưng tôi đã bao lần nói dối rằng tôi mang theo trên mình những tội lỗi của các viên cao ủy trước kia và của các nhà cầm quyền đã trở về cõi hư vô, từ nơi đó họ bước ra sau khi đã góp sức vào việc lừa dối đất nước chúng ta và lôi cuốn những đứa con trai của đất nước đi vào chiếc cối xay thịt khổng lồ. "Nếu như các bạn đã bị đánh bại thì việc đó là do tự chính các bạn, Điện Biên Phủ, đó là Valmy". Cái câu này tướng Giáp bảo tôi vào hôm trước khi tôi lên đường, một nụ cười làm rạng rỡ khuôn mặt con sư tử già, giờ đây, tôi không thể không sử dụng để làm sáng tỏ tấn thảm kịch.

Sau một chặng nghỉ nữa ở Sơn La, ở đó ban đêm bị khuấy động bởi tiếng động ầm ầm và tiếng nổ của một cuộc thực tập tác chiến trên đường phố, chúng tôi tới Điện Biên Phủ, người và xe phủ đầy bụi đường và mệt nhoài vì đường sá mấp mô, gập ghềnh. Từ xa, tôi đã nhận ra đường nét nhấp nhô trên rặng núi của Điện Biên Phủ và tưởng rằng con đường tỉnh lộ 41 kia sẽ mở ra những đoạn chữ chi, từ đó có thể nhìn bao quát được khu lòng chảo; tôi chuẩn bị cho mình một sự suy sụp thần kinh, rồi một đêm nữa đầy những cơn ác mộng, ầm ầm tiếng sấm của đạn pháo và những tiếng kêu thét. Thực tế, cây cối che khuất tầm nhìn và con đường, ở đó chúng tôi đã làm cho một con chim gáy thấy động giật mình bay lên, trườn mình qua những quả đồi. Tới khoảng không gian rộng rãi, tiếp nối đột ngột với những đoạn đường hẻm mà chúng tôi lượn ngoằn ngoèo từ nhiều tiếng đồng hồ nay, đột nhiên tôi nhận ra là đã tới nơi. Những đàn gia súc quay về chuồng trong tiếng mõ đeo cổ lục cục kia, dải thung lũng tràn trề ánh nắng kia, những ngọn đồi xanh rì kia, những người nông dân kia kết thúc một ngày lao động, hòa vào với đám chiến sĩ ở trước mặt những mái nhà gianh của một ngôi làng, đó là cái khung cảnh mà phương Tây đã gánh chịu một trong những thảm họa lớn nhất trong Lịch Sử. Hoạt động kỳ lạ của cỗ máy tinh thần? Tôi không mảy may cảm thấy những gì mà tôi dự cảm; một trạng thái thanh thản khác thường khiến tôi gần như thấy xấu hổ, làm cho con người tôi được thư giãn. Tôi đã đạt tới cái đích của tôi, và khi mà từ trên gác tòa nhà khách, trong mầu vàng óng của buổi hoàng hôn, chính xác là sau chín năm kể từ ngày khởi đầu trận đánh, tôi ngắm nhìn cái khung cảnh, nơi mà ba tiểu đoàn quân dù của tướng Gilles được thả xuống ở hai bên dòng sông, tôi thấy hình như mọi điều bí ẩn đều đã tiêu tan.


BÃI CHIẾN TRƯỜNG

Những bụi cây dày và lởm chởm của thứ hoa nở thành từng tán mầu trắng và xanh lơ phủ kín khoảng không gian của những ngọn đồi và dải thung lũng, nơi đã từng diễn ra những trận đánh ác hệt nhất. Để tới được những điểm chủ chốt của hệ thống phòng ngự, cần phải đi theo những con đường nhỏ mà người ta không thể bước chệch ra ngoài nếu không muốn vấp phải mìn, nhưng đám trẻ con đã mạo hiểm lần theo những dấu vết còn nhìn thấy được của những giao thông hào để tha về những cuộn dây thép gai, giờ đây được dùng để làm hàng rào quanh nhà.

Những doanh trại quân sự đã mọc lên trong ngôi làng, một phần được xây lại lùi xuống phía nam. Ở hai bên con đường giờ đây mang tên đường số 42. Khi một chiếc xe tải chạy qua, lớp bụi mà nó làm tung lên, đổ xuống các cửa hàng và những mái nhà gianh, đổ dọc theo mặt đường, chật đầy những chú lợn con mầu đen, đàn gà vịt mà người ta tránh không làm cho chúng hoảng sợ.

Đây chính là nơi, buổi sớm ngày chủ nhật, ngay từ lúc bình minh, người ta tụ tập lại để họp chợ. Ngay từ tối hôm trước, đến đây từ các thôn bản lân cận, những cô gái Thái trẻ, che khuất mái tóc và khuôn mặt xinh đẹp dưới những chiếc nón đan bằng nan tre, được quang dầu và trang trí. Mặc những chiếc váy satanh mầu đen và những chiếc áo ngắn đủ mầu, hai nẹp áo trước ngực là những mảng thêu đẹp, những chùm chìa khóa treo lủng lẳng nơi thắt lưng bằng những sợi dây xích bằng bạc. Họ trợ giúp cho các bà mẹ bán các mặt hàng: giầu, vỏ, hạt bông vải, những cuộn song mây, những con cá khô bó chặt trong những chiếc giỏ xinh xắn, hoa quả thu hái từ vườn nhà, bánh ngọt và những khúc mía, những lồng gia cầm, chim cảnh, những con lợn bị trói chặt bốn chân và những đồ đan lát. Trong phiên chợ này người ta cũng thấy những lá thuốc lá, những chùm quả đậu, những mẩu vải dù và cuộn dây dù, những bình đựng nước của binh lính và những can hai mươi lít từ thời đánh nhau.

Nặng trĩu trên cổ là những chiếc vòng có đính những đồng bạc hoa xòe cũ, hai tai bị kéo rách bởi sức nặng của những chiếc vòng bạc, những người phụ nữ dân tộc Xá trú ngụ ở lưng chừng núi hay những người Mèo từ trên núi cao xuống, đem những nải chuối, những bó rau để đổi lấy những quả ớt, các loại hạt, trong lúc đó những người đàn ông nước da nâu, khuôn mặt nhăn nheo với chiếc khăn quấn trên đầu, trước ngực đeo một con dao quắm, mời chào bán những con khỉ bị sa bẫy hoặc những chú lợn gầy do họ chăn nuôi.

Lúc chín giờ, đám đông tản mát và theo những con đường trở về các thôn bản. Ngày hôm sau cuộc sống lại bắt đầu. Những người phụ nữ giã gạo, những người đàn ông ra đồng,. đám trẻ con, ngồi trên lưng trâu, dẫn đàn gia súc đi gặm cỏ. Ngay sau khi các nhóm thợ gặt làm xong công việc của họ, những chiếc máy cầy Trung Quốc có năm lưỡi cầy của một nông trường quốc doanh, cầy xới lớp đất thịt trộn lẫn xương người. Dưới các thửa ruộng, dấu hằn bánh xích của những máy cầy ấy đã thay thế dấu hằn bánh xích những chiếc xe tăng của đại úy Hervouët; gần như bị chôn vùi dưới lớp cây cỏ, bộ khung của những chiếc xe tăng ấy gẫy nát, chứa đầy đất, nằm hoen rỉ trong vùng lân cận sở chỉ huy, ở trên một ngọn đồi Eliane và giữa những lùm cây của cứ điểm Isabelle, nơi cây ngô đã mọc lên tại vị trí của những cụm pháo ngày trước.

Trên những quả đồi xưa kia đã không diễn ra các trận đánh, hàng nghìn héc ta cây cà phê đã được trồng và người ta khai phá khu rừng rậm chạy dọc con sông Nậm Nưa. Trong các thôn bản, những vỏ đạn pháo 105 và 75 được dùng để bó vỉa các hè đường và người ta đun nước trong những chiếc biđông cũ của ngành hậu cần quân sự. Những tấm ghi sắt đường băng sân bay được dùng làm các bếp lò ở trước mặt các ngôi nhà. Buổi sáng, vào mùa này, mây tụ lại trên các đỉnh núi và bầu trời như sà xuống các thành vách khu lòng chảo, chẳng khác gì một chiếc vung nồi. Người ta nghe thấy tiếng gà gáy rất xa. "Đừng bao giờ chiến đấu trên một mảnh đất giống như một con rùa nằm ngửa bụng. Chỉ nên trú quân ở đó trong thời gian ngắn". Cái nguyên lý này của một học thuyết quân sự kinh điển của Trung Quốc, tướng Navarre không hề hay biết.

Những dấu vết của trận đánh đã không còn hiện ra rõ ràng nữa. Sức mạnh của các cơn giông tố đã dần dần lấp đầy những đường hào; cây cỏ làm liền sẹo những vết thương trên mặt đất, những mầm non đã nhô ra từ những mỏm cụt của những thân cây gẫy nát. Trên những ngọn đồi của Béatrice và Eliane, người ta gặp lại dấu vết của trận hỗn chiến, mặt đất nút nẻ, những vết tàn phá của các quả đạn pháo. Người ta thu nhặt được những mẩu sắt thép, những mẩu tôn bị lớp rỉ ăn mòn như răng cưa, những vỏ đạn đại bác, đạn thường, giống như người ta có thể làm việc đó ở Verdun2, mười lăm năm sau trận chiến. Lớp đất tựa như còn đỏ màu máu đã chẩy và ống kính hiển vi chắc chắn sẽ phát hiện được rằng những bộ phận của cơ thể con người lẫn lộn trong lớp đất ấy, cuối cùng đã hòa làm một trong mối tình hữu nghị của những đối thủ nay đã hòa giải với nhau trong cõi hư vô. Lúc đó người ta hình dung ra cái quang cảnh đúng như trận đánh đang diễn ra, mảnh đất thê thảm, bóng láng dưới màn mưa, lởm chởm những bộ khung của những chiếc máy bay và xe tăng bị phá huỷ, những mảnh cánh quạt và những cụm rào thép gai nhô lên từ lớp bùn, ngổn ngang những bọc hàng còn mắc vào những chiếc dù nằm rải rác có đến hàng chục nghìn chiếc, những tử thi mà không một ai còn có thể chôn cất được nữa và những con người sống sót, nét mặt thất thần.
_________________________________
1. Valmy: một làng trên bờ sông Marne. Năm 1792 các tướng Dumouriez và Kellerman đã đánh thắng quân Phổ. - N.D
2. Verdun: Thủ phủ quận Meuse, từ tháng 2 đến tháng 11/1916 quân Pháp đã đẩy lùi những trận tấn công dữ dội của quân Đức trong Đại chiến Thế giới I. - N.D
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #104 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2008, 12:24:56 am »


NHỮNG NGÔI MỘ

Trong cái khu rộng lớn tập hợp các di vật này, một nghĩa trang duy nhất của năm trăm chiến binh Việt Minh đã được xây dựng, hơi cách xa con đường, ở dưới chân những ngọn đồi của cứ điểm Eliane cũ, khu đồi còn giữ lại dấu vết của sắt thép và máu lửa. Khu nghĩa trang sừng sững một khối kiến trúc mặt tiền theo kiểu một ngôi chùa, phía trước mặt ngôi chùa đó bốn anh hùng dân tộc nằm yên nghỉ. Năm trăm thi thể xác định được tên tuổi, sau những trận chiến đấu cuối cùng giờ đây yên nghỉ giữa rặng cây nở hoa, trong số mười nghìn tử sĩ của quân đội nhân dân hay sao? Thật là một trò đùa bi thảm. Hai tượng đài, một chiếc được dựng lên ở đồi Béatrice để tuyên dương chiến binh Phan Đình Giót người đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai của một lô cốt, mở đường cho một đợt sóng xung phong. Tượng đài thứ hai, đồ sộ hơn, nằm trên đồi Eliane 2 ở trước mặt một thân cây lỗ chỗ những mảnh đạn pháo nhưng vẫn bướng bỉnh mọc ra những cành lá, về mùa xuân nở đầy những bông hoa trắng, cánh hoa to tròn. Đó là một cây hoa ban, biểu tượng của tình yêu trong trắng và ngây thơ, ăn sâu trong tấm lòng chung thủy của Tristan và Iseut1, như người ta tưởng tượng ở Việt Nam. Đó là tất cả những gì dành cho những người đã chết trong cuộc chém giết rộng lớn này. Những nghĩa địa của quân Pháp trước đây ở đồi Isabelle và đồi Claudine giờ đây bị phủ kín bởi những ruộng ngô và những rừng cây. Từ thi thể của những người lính được vùi lấp gặp đâu vùi đấy, trong các đường hào, bị đạn pháo nghiền nát cùng với lớp đất, được chôn vùi dưới dòng nước hay được tìm thấy sau khi Điện Biên Phủ thất thủ, chỉ còn lại một lăng tẩm ngang tầm với trận thắng hay là mối thảm họa: đó là khu lòng chảo Điện Biên Phủ được nhào trộn thịt người, những mẩu thịt nhặt ra được trên những đỉnh núi bao bọc lấy khu lòng chảo như những bức thành luỹ. Ở khắp nơi, tôi hỏi đâu là những nấm mồ của những người lính lê dương, người ta không trả lời tôi. Để dành cho những người này tôi đã mang từ nước Pháp tới một bông hoa hồng đã bị héo khô qua chặng đường dài. Tôi bóp nát bông hồng ấy bằng đầu ngón tay lúc tôi đứng cạnh số phụ nữ đang quạt thóc. Bằng những động tác của những tiên nữ nhẩy múa và bằng những cú quạt mạnh, họ quạt sạch rơm rạ ra khỏi hạt thóc vừa mới gặt về. Và tôi đã tung cao những mảnh vụn của bông hoa hồng, coi như gieo những mầm giống lên trời, xuống cánh đồng và gửi vào hồi ức về hai nghìn binh sĩ, về hai viên đại tá, và hàng trăm sĩ quan của đạo quân viễn chinh đã trở thành cát bụi trong màn bụi cát lúc này.

Vào cuối kỳ lưu trú của tôi, người ta báo với tôi rằng các vị đại diện chính quyền sắp tổ chức một buổi tiếp khách để chia tay với tôi trước ngày tôi lên đường, tôi đã yêu cầu người phiên dịch nói với viên đại úy cùng đi với tôi rằng tôi thấy bất tiện nếu tham dự bữa tiệc đó bởi lẽ tôi cho là tổ quốc của tôi đã bị lăng mạ khi mà kỷ niệm về những người con của tổ quốc tôi đã chết nay đã bị xoá hết. Tôi nói thêm rằng, lúc này dù chưa biết được phản ứng của mọi người ở đất nước chúng tôi nơi không thiếu những nghĩa trang của các kẻ thù trước kia. sẽ tới mức nào khi nhận được tin này, bản thân tôi, với tư cách một cựu sĩ quan Pháp, tôi cũng không thể tha thứ cho cử chỉ nhục mạ này đối với quân đội của tôi. Tôi còn nói thêm là việc này tuyệt nhiên không mảy may làm thay đổi những tình cảm mà tôi đã có được đối với dân tộc Việt Nam và quân đội Việt Nam, cũng như đối với những biến cố mà tôi đang nghiên cứu. Tuy nhiên một người chiến thắng, trong một trận chiến như trận chiến Điện Biên Phủ, cần phải tôn trọng kẻ chiến bại. Vinh quanh cho một số người này ư? Có thể. Thiên đường không phải chỉ dành riêng cho những người chiến thắng. Với tất cả những nạn nhân do sự rồ dại của con người, cần phải có lòng khoan dung. Để có thể đáp lại lời mời đã dành cho tôi, tôi yêu cầu ít nhất là phải dựng lên một tấm bia đá để tưởng nhớ những binh sĩ Pháp đã chết ở Điện Biên Phủ. Bản thân chúng ta, thử hỏi chúng ta sẽ làm gì đối với các tử thi Việt Minh nếu như chúng ta là những người thắng trận? Đó là câu hỏi mà ngay lập tức viên đại úy hỏi tôi, và tôi đã không muốn trả lời. Người ta sẽ vùi lấp tất cả số tử thi đó trong một cái hố chung rộng lớn và tướng De Castries chắc chắn sẽ không nghĩ tới hạ lệnh có một nghi lễ bồng súng tưởng niệm họ, biểu dương những vinh quang mà họ xứng đáng được tuyên dương. Dù sao, tôi cũng không thể không có phản ứng trước cử chỉ lăng mạ dành cho những người của tôi, không chỉ vì tôi thấy là việc đó không đẹp đẽ mà tôi còn nói rằng đó là việc làm không đúng đắn bởi lẽ một người chiến thắng sẽ càng làm vẻ vang cho chính mình khi tôn vinh kẻ chiến bại.

Hai hôm sau, viên chỉ huy trưởng quân sự ở Điện Biên Phủ cùng với tôi tham dự buổi trình chiếu buồn tẻ một bộ phim tuyên truyền. Kết thúc chiếu phim, ông ta muốn nói chuyện với tôi. Tôi tới gặp ông ấy trong phòng họp của nhà khách, ở đó những tách nước chè hâm lại luôn luôn chờ đợi một nghi thức tiếp đón khắc khổ. Viên đại úy dẫn đường cho chúng tôi ở Điện Biên Phủ cùng với viên đại úy đi cùng tôi từ Hà Nội lên cũng có mặt. Do vì đã gần mười giờ đêm và máy nổ phát điện sắp ngừng chạy một ngọn đèn nhỏ được thắp lên đặt trên chiếc bàn dài ở giữa căn phòng. Lần này, chúng tôi đứng nói chuyện với nhau.

Viên chỉ huy trưởng quân sự có khuôn mặt buồn bã, lạnh như đá. Nhỏ nhắn, bất động, ông nói bằng một giọng dịu dàng và cân nhắc từng câu chữ. Lời mở đầu, phải ngắt từng đoạn để dịch cho nên kéo dài và trịnh trọng như thói quen của xứ sở này. Ông bắt đầu bằng việc nhắc lại rằng trong một lần gặp gỡ trước đây, tôi đã có nói rằng nếu như những chiến binh Việt Minh có thể vẫn còn giữ mối hận thù đối với những người còn sống, trước đây đã đánh nhau với họ, thì không những họ không được có một chút hận thù nào đối với những người đã chết, mà ngược lại phải biểu lộ lòng thương cảm khi nghĩ rằng cái mục đích đã làm cho số người đó phải chết, theo cách nhìn của chính họ, cũng là phi nghĩa.

- Đây không phải là lỗi của chúng tôi, viên chỉ huy nói, nếu như thi thể các binh sĩ Pháp không được thu gom lại và tưởng niệm. Các tù binh Pháp đã phát hiện với chúng tôi rằng các nghĩa địa đã bị đặt mìn, cốt để, nếu như chúng tôi có muốn khai quật các hố chôn để tính đếm số lượng thì chúng tôi sẽ là nạn nhân của trí tò mò của bản thân mình. Vì vậy chúng tôi đã tránh không tìm kiếm các nghĩa địa của lính Pháp và thậm chí không đến gần những chỗ đó.

Hoàn toàn bất động hai cánh tay buông thõng không hề có một cử động nào, nhìn chăm chú vào người phiên dịch,người này do xúc động đôi lúc ấp úng và lắp bắp, viên chỉ huy trưởng quân sự phát biểu với một thái độ tự chủ gây ấn tượng, chỉ thỉnh thoảng ngước mắt lên nhìn tôi trong chớp nhoáng, lúc ông ngừng nói để chờ phiên dịch. Cũng như các sĩ quan khác, ông ta nghe được tiếng Pháp đến mức đôi khi sửa câu chữ cho người dịch, nhưng nói thì khó khăn.

- Chúng tôi đã thường xuyên biểu thị sự tôn trọng đối với những người chết của các ông, bất kỳ lúc nào có thể, viên chỉ huy trưởng nói tiếp, mặc dù về phía các ông người ta không hề bận tâm giống như chúng tôi. Về phần tôi, tôi nhớ lại là đã xây dựng một phần mộ tưởng niệm những binh sĩ ở chỗ các ông. Lần ấy chúng tôi tấn công một đồn binh và trận đó chúng tôi không thành công, trên đường rút lui, phải thu nhặt các tử sĩ của chúng tôi, đêm hôm sau khi quay trở lại, chúng tôi gặp phải thi thể của họ đã bị gài mìn hoặc đã biến mất không còn dấu vết. Chúng tôi đã nghĩ đến ý tưởng của ông để dựng lên một tấm bia đá để tưởng niệm những binh sĩ Pháp, nhưng mà tấm bia đá hay cây thập tự ấy sẽ ra sao nếu như ở phía dưới không có một xác người nào? Dù sao, chúng tôi cũng sẽ cố gắng làm thoả lòng các ông và chứng tỏ với các ông là chúng tôi không hề cố chấp, không hề lưu giữ niềm cay đắng hay ý muốn trả thù nào.

Nói đến đây, ông ngừng lại. Tôi đã lắng nghe ông ấy, tâm trạng rất căng thẳng, nhìn chăm chú qua đôi vai của cả bốn người, có ấn tượng về không khí nghiêm trang của buổi trò chuyện.

- Tôi không biết các ông có được những thông tin như vậy từ số tù binh nào, nhưng tôi nghĩ đó là những thông tin sai lầm, tôi trả lời viên chi huy trưởng quân sự. Những sĩ quan có thể cung cấp cho các ông những thông tin đáng tin cậy nhất đó là những thầy thuốc đã ở lại tại chỗ một thời gian sau trận đánh. Tôi không nghĩ là họ có thể nói với các ông như vậy, cũng như việc bộ chỉ huy quân Pháp lúc đó còn có những mối bận tâm khác, không thể nào lại có thể cho áp dụng một kế hoạch như vậy. Dù sao. tôi sẽ quan tâm đến chuyện này. Kể cả nếu như chuyện đó là có thực, bởi lẽ cuộc chiến này ác liệt đến nỗi không thể loại trừ bất cứ điều gì, tôi cũng tha thiết đề nghị các ông bỏ qua mối hận thù mà có thể các ông đã nuôi dưỡng và dựng lên một tượng đài, dù là rất khiêm tốn, dành cho những binh sĩ Pháp đã chết. Chắc chắn, các ông có quyền phán xử cái mục đích mà những con người đó phục vụ là xấu xa, nhưng các ông cũng có nghĩa vụ nghĩ tới những bà mẹ của họ. Đối với một bà mẹ, không có vấn đề mục đích tốt đẹp hay mục đích xấu xa, mà chỉ có vấn đề đứa con trai đã chết. Việc mà tôi yêu cầu các ông làm, đó là nhân danh tất cả các bà mẹ trên thế giới.

Sau câu nói cuối cùng của tôi, ngọn đèn điện tối lại rồi tắt ngấm, và những bóng đen của chúng tôi bắt đầu nhẩy nhót trong cảnh tranh tối tranh sáng trước ánh lửa lập loè của chiếc đèn dầu hỏa. Một trong mấy viên đại úy cúi xuống, khơi to ngọn bấc. Lúc đó tôi nhìn thấy khuôn mặt tái nhợt của người phiên dịch khi dịch câu nói cuối cùng của tôi, đôi mắt ông ta trợn tròn, tựa như ông ta hoảng hốt.

Viên chỉ huy trưởng quân sự ngẩng mặt lên, và qua hàm răng gần như rít chặt, trả lời bằng một giọng nói mà tôi nghe không thật rõ, đủ hiểu giọng nói rất nhỏ:

- Ông yêu cầu việc đó với chúng tôi nhân danh tất cả các bà mẹ trên thế giới. Lẽ ra ông cũng phải, đôi lúc, nghĩ tới những bà mẹ của Việt Nam. Như vậy họ sẽ bớt đau khổ hơn. Nhưng mà gợi ý của ông sẽ được nghiên cứu; tướng Giáp sẽ được báo cáo về gợi ý này và tôi hi vọng là quyết định của tướng Giáp sẽ phù hợp với nguyện vọng của ông. Điều đó sẽ chứng minh là chúng tôi biết chia sẻ những nỗi đau khổ mà chính phủ của các ông đã bắt nhân dân Pháp phải gánh chịu và rằng chúng tôi chỉ mong muốn có được tình hữu nghị với nhân dân Pháp.

Tôi chìa tay ra với ông ấy và chúng tôi chia tay nhau. Theo sau có viên đại úy của mình, viên chỉ huy trưởng quân sự bước xuống đoạn cầu thang nối từ nhà khách ra đường cái Những bóng đen lờ mờ, hòa lẫn vào màn đêm trời đầy sao và trong một lúc lâu, tôi nhìn thấy mảnh mầu sáng của bộ trang phục của họ bằng vải thô trườn xuống thung lũng và dần dần biến mất. Viên đại úy thứ hai và người phiên dịch cũng chia tay với tôi, để lại cho tôi ngọn đèn nhỏ, dưới vầng sáng của ngọn đèn đó, tôi ghi chép một vài dòng trước khi chui vào trong chiếc màn mắc sẵn trên giường ngủ. Tôi thấy hình như lớp đất hẳn phải bớt đè nặng lên những người chết của Điện Biên Phủ, cũng như bầu trời trên đầu tôi thấy thông thoáng hơn.

Vài ngày sau, tôi thấy không cần thiết phải nói chuyện đó với tướng Giáp. Chính ông là người nói với tôi trước:

- Về vấn đề liên quan đến những người Pháp chết ở Điện Biên Phủ, sẽ được giải quyết như nguyện vọng của ông. Số tử thi nếu như chúng tôi gặp được, sẽ được thu gom và một tượng đài có thể được xây dựng để tưởng niệm họ.

Bác sĩ Grauwin, mà tôi gặp lại khi đi qua Nôngpênh, khẳng định với tôi rằng những nghĩa địa có gài mìn ở tập đoàn cứ điểm chỉ là một câu chuyện truyền thuyết. Tôi sẵn sàng tin vào lời của bác sĩ. Vì Điện Biên Phủ.
______________________________________
1. Hai nhân vật của chuyện truyền thuyết thời Trung Cổ. Là hình tượng của tình yêu say đắm: vĩnh cửu, không có gì chia rẽ nổi. - N.D
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #105 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2008, 12:30:08 am »


VIÊN TƯỚNG BẠI TRẬN

Nỗi xấu hổ, người ta cảm thấy không phải là ở trên các ngọn đồi mà là ở dưới dải thung lũng. Trên mảng lan can bằng sắt của cây cầu, do đội công binh Pháp bắc qua con sông, một người hành hương đã viết bằng phấn trắng hai câu thơ của thi sĩ Tố Hữu, người đã giữ một vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến của đất nước ông.

Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa ban lại trắng, vườn cam lại vàng.


"Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam1, mùa xuân lại nở rộ khắp nơi, những cây cam trĩu nặng hoa...". Những vườn rau mọc lên trên hai bờ sông đã thấm đẫm biết bao là máu, bên cạnh dòng nước xám nhạt lóng lánh những tia phản xạ màu xanh, nơi hàng chục nghìn con người đã tắm rửa và uống thứ nước ấy để đỡ khát trước cơn gió Lào. Một con đường nhỏ dẫn từ bờ sông tới vị trí sở chỉ huy trung tâm trước đây, ở đó những thanh thép hình vòm xưa kia chống đỡ cấu trúc hầm chỉ huy nay nằm han rỉ. Trên một tấm biển cố định trên một chiếc cọc đứng, người ta có thể đọc được một dòng chữ mà tôi đã nhờ dịch sang tiếng Pháp: “Tại đây, ngày 7 tháng năm 1954, quân đội nhân dân đã bắt sống tướng bại trận De Castries cùng toàn thể bộ tham mưu của ông ta”. Tại sao lại thêm vào cái từ “bại trận"? Nếu như chiếc ghế bành làm việc của De Castries được trưng bầy ở Hà Nội với hai tay vịn mầu xanh đã lỗ chỗ thủng vì độ ẩm thì người ta đã để lại ở Bảo tàng Điện Biên Phủ chiếc bàn vuông bằng sắt của ông ấy, một trong số các đài thông tin và chiếc máy chữ có ru lô lớn, đã từng đánh những bản mệnh lệnh và những bảng thống kê quân số. Hơn bất cứ nơi nào, đứng ở đây người ta cảm thấy bị đè bẹp bởi cái đám đông những con người, thân hình nhỏ nhắn nhưng lòng dũng cảm thì to lớn, đã từng đẩy những khẩu pháo lên những đỉnh núi cao nhất, từng bắt rơi những chiếc máy bay và đè bẹp các tiểu đoàn của chúng ta.

Gần đấy, nằm chỏng chơ những chiếc xe tăng lớp vỏ tôn lỗ chỗ vết thủng, những vòng bánh xích ngập sâu xuống đất tới một nửa, những tháp pháo vẫn còn quay tròn trên hệ thống điều khiển của chúng mang những vết sẹo sâu của những phát đạn đã xuyên thủng và thiêu cháy vỏ thép như thiêu cháy một tảng thịt. Trên một trong số xe tăng đó còn đọc được một cái tên "Ettlingen ". Những con ong vò vẽ to tướng làm tổ trong đoạn đầu nòng những khẩu pháo 75 của nó. Những chiếc xe tăng ấy giống như những chiến hạm bị đánh đắm trên một bãi biển đầy những phế tích, những quả đạn pháo nằm rải rác, những chiếc xe tải gẫy nát, những chiếc cánh quạt máy bay nhô ra từ lòng đất như những thanh kiếm, và những khẩu pháo bị phá hủy nằm giữa những đống vỏ đạn cao ngất.

Là người bại trận đơn độc và câm lặng đi giữa những người chiến thắng ân cần, tôi đã đi suốt bãi chiến trường như vậy, tôi đã ghi chép, đã ngồi trên miệng chiếc hố sâu nay đã gần bị lấp đầy, nơi De Castries đã chơi bài bridge cùng với các sĩ quan cấp phó để đánh lừa những giây phút chờ đợi dài dằng dặc trước lúc các trận tấn công nổ ra. Thảm thực vật dày đã phủ kín các đường hào; dây thép gai và những quả mìn đã không cho phép tôi tới được khu bệnh viện, nơi mà Grauwin cùng các nhà giải phẫu của anh đã mở rộng các khoang bụng, băng bó các đoạn xương gẫy và cưa cắt những cẳng chân trong suốt hai tháng trời; cũng không tới được khu nhà xác nơi mà hàng trăm xác chết đã chờ đợi để được chuyển tới chiếc hố lộ thiên do xe ủi đào. Đối với tôi, mọi chuyện đều là đau buồn. Đối với các bạn đồng hành của tôi, đó là chiến thắng, ánh nắng đè nặng lên vùng gáy của tôi, họ không cảm thấy như vậy và họ hít thở mộl cách thích thú hương vị ngọt ngào của mùa gặt, hương vị ấy lại làm cho tôi thấy nôn nao.

Lỗi tại ai, trận thất bại này?


LỖI TẠI AI ?

Trước hết, xét đến những phẩm chất của những con người từng đối mặt với chúng ta. Những con mối hung dữ, những người học trò tốt, và những quân nhân hăng hái ư? Có thể. Những viên tướng trong quân đội của họ, không có gì phân biệt những viên tướng ấy với những người lính thường, nếu không phải là tuổi tác và mầu sắc ngôi sao mà họ đính trên ve áo. Bộ quân phục bằng vải của họ được cắt cùng một thứ vải khốn khổ, họ đi những đôi giầy thô kệch như nhau, chiếc mũ cứng bằng lie không phân biệt gì người này với người khác và các viên đại tá cũng hành quân bộ như đám lính trơn. Người ta sống bằng thứ gạo mà người ta mang vác đi theo, bằng những thứ củ mà người ta nhổ được trong rừng, những con cá mà người ta câu lấy và uống nước sông suối. Không có những nữ thư ký xinh đẹp, không có những khẩu phần ăn đặc biệt, không có xe ô tô cũng như chẳng có những lá cờ hiệu bay phần phật trước gió, không có những bản dạo đầu của những bản nhạc và những bài noubas2, không có những dải băng vải bịt trên trán, nhưng mà lạy trời, đó là những con người chiến thắng! Tôi tự cho phép mình nói với những vị chỉ huy lớn của các đạo quân chịu trách nhiệm bảo vệ phương Tây rằng: “Nếu như một ngày nào đó, các ngài phải chiến đấu với họ để bảo vệ mình thì xin đừng tính đến những nguyên tắc chiến lược và những quả tên lửa của các ngài nữa, cũng như Navarre đã quá trông cậy vào pháo binh của ông ta. Cái ngày những quả bom nguyên tử của Trung Quốc mà các ngài chưa từng thấy được đưa vào vị trí sẽ mạnh hơn và được điều khiển chính xác hơn những quả bom của các ngài, các ngài sẽ bị bất ngờ". Chúng ta cũng vậy, than ôi! Những chiến binh gầy gò ấy, những người thấy rung động với những bông hoa trước khi đi ra trận xông vào chỗ chết, điều đó làm cho tôi thấy ớn lạnh.

Tiếp đến, xem xét sự kém cỏi của các vị chỉ huy lớn của chúng ta, những người đã muốn lặp lại bài học dang dở ở Nà Sản với một khoảng cách xa gấp đôi từ điểm nóng đến các căn cứ của họ. Xét về đầu óc đơn giản của họ đã khiến cho họ coi đối phương là một kẻ ngu ngốc, xét về lòng ghen tị đã chia rẽ họ, về sự yếu kém của một quân đội, ở đó vấn đề thâm niên luôn luôn quyết định ai là những người chỉ huy. Xét đến sự tự mãn của họ, đến việc họ hoàn toàn không hiểu được đối phương, về sự đánh giá quá ư chủ quan về bộ đội cùng những phương tiện của chính họ cái đó được gọi là thói giương giương tự đắc. Ôi, những viên tướng của nền cộng hòa đã ngã gục trước đối phương khi mới hai mươi chín tuổi đời! Ôi cái đám tướng lĩnh cao cấp gồm những ông già có đôi má nhăn nheo, ngay từ sáng sớm đã nhổ vặt vì cơn sổ mũi, và đứng dậy một cách vất vả sau những bữa ăn trưa phè phỡn cùng với các viên cao ủy.

Được chỉ huy ở Đông Dương, có nghĩa là được sở hữu những biệt thự xa hoa, những chiếc xe ôtô, những người đàn bà, được thu lợi lộc và tính toán. Chiến tranh kéo theo sau nó cái sân khấu của những văn phòng, những mái lều dã chiến, những chiếc tủ lạnh, máy điều hòa không khí. những cơ quan tham mưu và những cơ cấu cho phép các cơ quan tham mưu ấy có thể di động, được ngồi, được ăn uống và ngủ nghê thoải mái. Thử hỏi có bao nhiêu các cán bộ chỉ huy sư đoàn, lữ đoàn, và trung đoàn đã biết chịu đựng gian khổ cùng với binh sĩ của họ, biết cùng sống cuộc sống của họ, biết đi bộ, lai vô ảnh khứ vô hình, lặng lẽ và đáng sợ giống như đối phương đang vây xung quanh họ? Có bao nhiêu tiểu đoàn trưởng quân lê dương đi chiến đấu đã lôi theo sau mình một lao công vác một thùng rượu vang để uống cho đến căng bụng? Bất chấp nhiều tấn bom ném xuống các tuyến đường giao thông, con đường cho phép quân đội nhân dân tiếp nhận vũ khí đạn dược đã không bao giờ bị cắt đứt và đây không phải là sự chi viện của Trung Quốc đã đánh bại tướng Navarre mà là những chiếc xe đạp peugeot thồ nặng từ hai đến ba trăm ki lô, được điều khiển bởi những con người ăn không đủ no và nằm ngủ trên những mảnh nilông rải trên nền đất. Tướng Navarre không phải là bị đánh bại bởi các phương tiện mà là bởi trí thông minh và ý chí quyết thắng của đối phương.

Thật là sự ngây thơ đáng sợ của các vị chỉ huy lớn! Làm thế nào ông Navarre lại có thể quên được rằng chính ông ta là người ngày 3 tháng mười hai đã quyết định tham chiến ở Điện Biên Phủ trước sự ngạc nhiên của mọi người. Làm thế nào ông ta có thể đổ lỗi mối thảm họa ấy là do một hành động bất ngờ của tướng Giáp, người đã mở trận tấn công của mình sớm hơn dự kiến tám tháng? Nào có ai đã bắt buộc Navarre phải sử dụng giả thuyết rằng đối phương không hề thay đổi phương pháp và phương tiện tác chiến để làm căn cứ cho những lập luận của mình? Và rằng tướng Giáp sẽ không thể liều lĩnh đẩy lùi những kế hoạch của một sĩ quan cấp tướng đã tốt nghiệp từ Học viện Quân sự cao cấp? Nào có ai đã bắt buộc Navarre phải chui rúc vào khu tập đoàn cứ điểm này, ở đó chính những gian nhà tiêu cũng không được che chắn? Thêm nữa, ai là người đã có thể làm cho ông ta tưởng đâu có khả năng ngăn cản các sư đoàn của đối phương tràn sang nước Lào trong khi chỉ một sư đoàn duy nhất trong số đó đã quét sạch những gì mà ông bố trí chốt chặn trên con đường dẫn tới Luang Prabang?

Người ta hiểu rằng Navarre đã không kết tội mình vì đã có những đánh giá sai lầm. Những sai lầm đó quá rõ ràng cho nên cũng không cần thiết để đòi hỏi Navarre phải thú tội một cách công khai: không phải là thông báo về Hội nghị Genève đã làm cho tướng Giáp quyết định tấn công Điện Biên Phủ mà là cái mệnh lệnh tổng động viên được ông ấy tung ra ngày 6 tháng mười hai 1953 đã chứng minh tướng Giáp có quyết định tấn công Điện Biên Phủ từ trước đó. Đổ lỗi rằng những hậu quả của một thảm họa tuỳ thuộc vào cách thức mà nước Pháp sẽ hứng chịu lấy thảm họa ấy là việc quá dễ dàng. Navarre đúng là người duy nhất cùng với đại tá Berteil, cố vấn chiến lược của ông, đã mù quáng. Không một ai ôm lấy những nguy cơ như vậy mà trong kế hoạch của chính ông, tự ông đã cam đoan là sẽ né tránh. Không một ai đã áp đặt cho ông việc bắt buộc phải bảo vệ nước Lào. Mọi người đã cảnh báo ông về trạng thái xộc xệch, lỏng lẻo của đạo quân viễn chinh bao gồm những binh sĩ thuộc thành phần mười bẩy dân tộc, cơ cấu đó đã huỷ hoại tính thống nhất của nó. Liệu ông có thể làm cho ai tin rằng một đòn rất mạnh vẫn còn có thể giáng cho Việt Minh khi mà cuộc hành binh Atlante đã phung phí lực lượng dự bị trong tay ông, và rằng Điện Biên Phủ thất thủ trước những con mắt kinh hoàng của phương Tây? Liệu có ai còn có thể gửi gắm lòng tin vào thái độ lạc quan của ông và cung cấp cho ông những phương tiện mà ông yêu cầu để đẩy mạnh một cuộc chiến tranh mà ông đã không biết cách điều hành?

Về tất cả những vấn đề đó, Navarre đã không ý thức được hay giả bộ không nhận thức được. Đối với Navarre, một tiểu đoàn bao giờ cũng có giá trị là một tiểu đoàn. Ông đã chơi ván cờ với những ý tưởng đúng và những quân cờ sai. Dựa vào những nguyên tắc hợp lí, nhưng ông chỉ toàn phạm phải sai lầm. Muốn tiến hành một trận đánh mở, ông đã để cho mình bị vây chặt; từ chối việc tham chiến với đại bộ phận các lực lượng đối phương, ông lại đã khiêu khích khối lực lượng đó và không hiểu rằng bằng một lần gieo súc sắc ông đã mạo hiểm số phận của toàn bộ cuộc chiến tranh. Là con người của phòng kín và những cơ quan mật vụ, ông luôn luôn ngờ vực những thông tin mà ông có được; đứng trước thất bại của mình, ông đã phủ nhận tầm quan trọng của thất bại đó, và đã gán ghép trận thua đó với những nguyên nhân khách quan chứ không phải là với những sai lầm của mình; cuối cùng không có khả năng dắt dẫn những con người, ông đã sử dụng kém cỏi những con người mà ông có trong tay.

Nhưng mà ai là người đã chỉ định ông, chọn trong số tất cả những sĩ quan cấp tướng? Một vị chủ tịch hội đồng bộ trưởng và một tổng thống nước cộng hòa. Ai là người đã không bao giờ thừa nhận ông? Một đại lá không quân và cấp dưới trực tiếp của ông, con bò tót Cogny bốn móng gót giận dữ cào đất trên dải đồng bằng của nó. Trong các cơ quan chính phủ, không một ai dám làm việc đó. Trong nội bộ đạo quân viễn chinh, không một ai nói sự thật với ai cả. Navarre đã mắng nhiếc Cogny, Cogny đã trả thù Navarre, Castries đã nói dối các nhà báo, ngài Dejean nói dối các bộ trưởng, các nghị sĩ quốc hội, và chủ tịch hội đồng bộ trưởng của họ. Máu đã chảy và nhân dân Pháp đã im tiếng.

Ở Azincourt3 vào năm 1415, việc lây nhiễm thói tự đắc cũng như vậy: người ta sắp tiêu diệt quân Anh nếu như chúng dám xuất hiện, người ta dự định gửi cho chúng những con gà mái để nuôi sống chúng và những con ngựa để chúng chiến đấu. Vào thời điểm của sự thật, xác chết của đội kị binh Pháp vốn đã từ chối đóng vai trò những con người chuyên nghiệp, chất đống từng chỗ cao tới sáu pieds4. Ít nhất thì ở thời điểm đó quân đội Pháp có một lời bào chữa: nhà vua của họ bị điên. Năm 1954, Grauwin, sau khi ở trại tù binh trở về được Navarre hỏi chuyện và đột nhiên trước mặt Grauwin, Navarre đã giận dữ hét to: "Có lẽ tôi đã bị tất cả mọi người phản bội!" Cogny, ngược lại, đã khóc. Salan cũng thế, ông là cha đẻ đầu tiên của căn cứ Điện Biên Phủ.
____________________________________
1. Những tên của các địa danh ở Điện Biên Phủ, đó là những cứ điểm Isabelle và Béatrice.
2. Noubas: Nhạc của binh lính Bắc Phi. - N.D
3. Azincourt: Địa danh phía Bắc nước Pháp, nơi quân Pháp bị quân Anh đánh bại 24/10/1415.
4. pieds: đơn vị đo lường cũ của Pháp, khoảng O,33m. - N.D
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #106 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2008, 12:34:26 am »

NGƯỜI TA XOÁ SẠCH ĐỂ LẠI BẮT ĐẦU

Xóa sạch tất cả những chuyện đó, ai là người không buộc phải làm việc ấy? Người ta đã che giấu các sĩ quan bị bắt làm tù binh trở về, bóp nghẹt những tiếng la hét của họ, những tiếng la hét có thể làm náo động công luận. Người ta đã tỏ ý rằng, sống qua ít ngày với quân Việt, họ đã bị lây nhiễm. Họ bị như thế thật: họ thấy xấu hổ vì mình còn sống sót. Một vài người còn tự hỏi, nếu như họ không phải chịu trách nhiệm về Điện Biên Phủ đó là vì họ đã không chống đỡ thêm một đêm nữa. Nhất là họ đã nhìn thấy người ta giành được một trận thắng như thế nào và họ có thể đòi hỏi những phẩm chất gì ở những người chỉ huy của họ. Bigeard cũng như Bréchignac, cả hai đều không bị một ủy ban điều tra nào thẩm vấn, và nếu có ủy ban này cũng chẳng buộc tội một ai.

Những con sư tử bị những con lừa dắt mũi ư? Để tỏ ra tôn kính, cần phải nói những con sư tử được dắt dẫn bởi những con sư tử khác mà chiếc bờm đã bị nhậy cắn và hàng ngày thấy cần thiết phải gọi điện thoại cho "bà xã" để làm yên lòng bà ấy. Nếu như rất nhiều trong số các viên tiểu đoàn trưởng ưu tú, những sĩ quan cấp dưới và những viên trung sĩ từng chiến đấu ở Điện Biên Phủ, giờ đây sống trong trại giam để đến một lúc nào đó đã định, đứng lên chống lại quốc gia thì họ làm việc đó chính là do Điện Biên Phủ, do nỗi ngờ vực họ đã tích tụ lại tại đó về năng lực của các vị chỉ huy và do thái độ thờ ơ của dân tộc đã để mặc cho họ lao mình vào những mục đích mà dân tộc đó không ấp ủ. Một cử chỉ, ít nhất, lẽ ra có thể an ủi họ: đã chẳng có một cử chỉ nào. Khoản tiền cược bị mất, đó chỉ là một lần mua cái không có kết quả. Navarre thậm chí đã không cưỡi máy bay bay lượn trên vùng trời Điện Biên Phủ, ở đó viên sĩ quan tùy tùng của ông chiến đấu trong bãi bùn.

Người ta có nói rằng Navarre đã thay đổi rất nhiều sau trận thất bại. Sau mối thảm họa ở Crimée, huân tước Raglan chỉ huy đạo quân viễn chinh đã chết vì đau khổ trong cái mùa đông kinh khủng vì phải chứng kiến sự tan rã của đạo quân của ông. Người ta đã hé lộ cho biết rằng Navarre đã có ý nghĩ tự tử. Tin đồn lan truyền rằng các sĩ quan đã gửi cho ông một khẩu súng ổ quay đựng trong một chiếc hộp nhỏ. Ấy thế mà ông vẫn cứ sống, chấp nhận rằng mình đã vừa gặp phải một thất bại chiến thuật và giành được một thành công chiến lược. Berteil, con người mà linh hồn bị nguyền rủa, nếu như Navarre nghi ngờ điều đó, thì ông ta sẽ có mặt để nhắc cho Navarre nhớ lại câu chuyện. Và câu nói đầu tiên của De Castries sau khi từ trại giam trở về đó là câu hỏi xem liệu bà vợ ông ta có làm quá nhiều chuyện chó má hay không. Ông ta cũng thế, con người đã từng coi quân Việt là những kẻ hèn nhát, ông ta cũng không chết vì đau khổ: truyền thuyết đã đưa ông lên vị trí người anh hùng của Điện Biên Phủ và chắc chắn là trong một thời điểm, ông ta đã trương lá cờ trắng lên trên nóc hầm sở chỉ huy của mình "để cứu lấy các thương binh ". Ở thời đại chúng ta, nỗi nhục về quân sự, miễn là người ta có thể biến đổi nó thành vinh quang nhờ sự trợ giúp của báo chí, thì vẫn có thể nuốt trôi không đến nỗi ngượng ngùng và không hề ngăn cản việc mỗi buổi sáng phi ngựa vào trong khu Rừng Lớn. Và khi một người như viên đại tá chỉ huy trưởng lực lượng pháo binh của tập đoàn cứ điểm đã tự tử bởi vì những đánh giá sai lầm của ông ta là nguyên nhân của một thảm họa thì người ta cất dấu tử thi của ông ta và gán ghép cử chỉ tuyệt vọng của ông ta cho một cơn khủng hoảng thần kinh. Đại tá Piroth có thể là một con người bình thường nhưng ông ta đã có ý nghĩ về danh dự quân nhân đúng đắn hơn là Castries và Navarre. Ông ta biết là mình có trách nhiệm. Quyết định của người chỉ huy không phải là làm khởi động những chiếc máy đánh chữ mà là khởi động những cỗ máy chém giết.

Tôi đã tự nhủ điều đó ở Điện Biên Phủ, trong tháng mười hai vừa qua, vài ngày trước khi bị căn bệnh lị a-míp, trong một thời gian đã biến tôi trở thành như một tấm áo rách. Mỗi buổi chiều, khi mà vầng mặt trời lặn mất, trong lúc đó những đống lửa được nhóm lên trong thôn bản nằm giữa khu ruộng lúa, trải dài những dải khói xanh lơ hướng lên các đỉnh núi thì một đội quân những con qụa đen, lúc bình minh hay theo hướng ngược lại, hướng về những cánh đồng ngô của nông trường quốc doanh, giờ đây tung cánh bay xuyên qua khu lòng chảo. Trong một lúc lâu, tiếng quạ kêu văng vẳng trên những ngọn đồi gần ngôi nhà tôi ở và trong những khu rừng nơi lũ quạ lượn tròn trên cao trước khi đỗ xuống. Những con đi sau cùng để bảo vệ cả đàn, đôi khi đỗ xuống vào lúc sẩm tối. Phải chăng chúng luyến tiếc cuộc chém giết đã làm cho chúng béo tốt, chín năm về trước? Liệu chúng có hi vọng, trong khi bay lượn trên dải thung lũng, rằng những con người lại chém giết lẫn nhau một lần nữa? Tiếng kêu và tiếng vỗ cánh của chúng cào xé buổi hoàng hôn và mang tới trong lòng tôi một nỗi buồn sâu sắc. Và dù cho tôi biết rõ không nên nhầm lẫn tiếng quạ kêu với những tiếng thét đòi hỏi sự công bằng, tôi vẫn cứ thoáng thấy hình như linh hồn những người chết đã nhập vào những đàn chim thê thảm ấy?

Một thất bại, điều đó phải gánh chịu, ngoại trừ đối với những ai đã bỏ mạng ở đó, và điều này có thể hiểu được. Một dân tộc có quyền, trong mọi trường hợp, đòi hỏi sự giải thích cho thất bại đó. Để từ đó rút ra được niềm vinh quang... Để từ đó đặt cái tên Điện Biên Phủ cho một khóa sĩ quan trường Saint Cyr... Tại sao lại không phải là Azincourt, Waterloo hoặc Sedan? Tại sao không phải là Dunkerque1? Hoặc là cái tên Piroth. Niềm vinh quang duy nhất ở Điện Biên Phủ thuộc về những người chiến thắng và một vài người chiến bại như Bréchignac, Bigeard, Langlais và Botella, Tourret cùng rất nhiều các đại úy, trung úy đã không trông thấy lá cờ trắng mà họ không hề hay biết đã được trương lên phía trên đầu họ. Khi nhắc đến cái tên đáng sợ Điện Biên Phủ, chính tướng Navarre và ngài Pléven là những người mà người ta nghĩ đến. Không có điều gì để có thể tự hào.


GIEO MẦM CHO VĨNH CỬU

Để trốn chạy khỏi vùng Viễn Đông, có những chiếc Boeing của Hãng hàng không Pháp. Qua bốn chặng dừng, không ra khỏi màn đêm đang bao phủ trái đất, người ta vượt qua những khoảng bóng tối đang nuốt chửng lấy phần lục địa, ở đó những con người lao động chỉ để không bị chết đói và giành giật từ lòng đất một vài hạt gạo. Rạng sáng, người ta bay tới rìa ngoài châu Âu, nơi mà những con người khác có thể uống thứ nước sạch không bị nôn mửa, ăn những thức ăn mà họ ưa thích và suy nghĩ về không gian vũ trụ. Ý tưởng tốt đẹp để viết cuốn sách này, đã đưa tôi từ phía Bắc Việt Nam đến thủ đô nước Lào, ở đó trước cái ý nghĩ là tôi sắp bỏ mạng trong cái vương quốc của bùn lầy này, tôi gắng sức cầm cự và trở về để thoát khỏi lũ a-míp, thoát khỏi Điện Biên Phủ đang cắn xé tâm can tôi. Ở Nôngpênh, bằng một giọng thều thào, vất vả lắm tôi mới kể lại được cho Grauwin nghe về chuyến đi của tôi. Anh nhồi nhét cho tôi các thứ thuốc và những viên nhỏ thuốc phiện và lôi tôi ra sân bay. Tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi khuôn mặt những người tù binh từ các trại giam trở về, đó là những bộ xương người còn động đậy bên trong những bộ quần áo, với những đôi mắt cháy bỏng. Thậm chí chưa hề tham gia chiến đấu, chưa hề biết đến những thử thách mà họ đã trải qua, tôi trở về với một mẩu vải dù của cuộc hành binh Castor và một chiếc túi nhỏ đựng thứ đất sét mầu vàng cùng với một ít mẩu sắt thép. Tôi tưởng như cũng mang theo trong hành lí của mình tấm da lông của một con hổ. Thật là một ảo ảnh ngây thơ! Không hề biết đến việc đó, như vậy là tôi thấy mình đang ngồi trên lưng con hổ đó. Từ trên lưng con hổ đó, tôi không thể nào bước xuống một cách dễ dàng.

Nói lên sự thật không bao giờ là một việc dễ dàng. Lại càng khó khăn hơn, khi đó là sự thật mà bằng những nhát xúc nặng trĩu người ta lật xới lên ở trong đó nỗi hổ thẹn và sự ngu xuẩn, lòng dũng cảm và sự hèn nhát. Khi tôi bắt đầu thu thập hồ sơ cho cuốn sách này, tôi thừa biết là tấn bi kịch này đã kết thúc như thế nào, tôi tưởng đâu là mình sẽ kể lại một trận đánh, tôi những hi vọng đó là một chiến thắng hoặc một trận thua trong danh dự nhưng đó lại là một thảm họa, một thảm họa đã được nghiên cứu một cách sáng suốt và nung nấu trong các cơ quan tham mưu của đạo quân viễn chinh và được tung hô một cách om sòm. Tôi hi vọng ít nhất lúc mở đầu có thể có đôi chút tự do trong việc xử lí các sự kiện và các nhân vật và trong khi không làm biến dạng, sai lệch các sự kiện và nhân vật, sẽ nhào nặn chúng theo ý đồ của mình đúng như hình ảnh mà tôi muốn chúng sẽ như thế hoặc đúng như những gì tôi hình dung ra lúc ban đầu. Mối bận tâm tôn trọng sự thật cùng với thực tế là, dù cho nếu như người ta tưởng là họ đã chết, những diễn viên chủ chốt hiện vẫn còn sống, đã buộc tôi phải giữ nguyên toàn bộ chi tiết các tuyến ngang dọc của tấn bi kịch. Tôi phải tự bằng lòng với những hành động đã được thực hiện và những lời nói đã nói ra, đôi khi những nhân chứng tin cậy hơn đã buộc tôi phải sửa đổi những cảnh tượng hùng vĩ. Chẳng hạn, không như người ta đã nói với tôi lúc đầu, Navarre đã không bay lượn trên bầu trời khu tập đoàn cứ điểm trong đêm 6 rạng ngày 7 tháng năm 1954, cũng như chẳng hề rơi lệ ở trên không trung của tập đoàn cứ điểm đang hấp hối: ông ta đã rời Hà Nội đi Sài Gòn ngày 5 tháng năm lúc 11 giờ 15 phút và đã không hề cho đổi hướng máy bay. Tuy nhiên việc đó cũng không hề làm suy giảm tư thế của cái viên tướng đã khóc cho đội hiệp sĩ của mình bị tiêu diệt. Ngày 26 tháng tám năm 1346, trong buổi tối ở Crécy2, Philippe VI ít nhất cũng đã thét lên tiếng thét đau khổ, nói với những chiến binh bảo vệ lâu đài De Broye: "Mở cửa đi, đây là nhà vua bất hạnh của nước Pháp... ". Đối với Navarre và Điện Biên Phủ, tôi phải bỏ qua chuyện này. Hư cấu dù cho là bất kỳ điều gì, hoặc dựa vào câu chuyện truyền thuyết, đó sẽ là dối trá. Một chiếc mũ nồi dỏ không thể cắt nghĩa được mọi chuyện. Tôi viết ra những gì mà tôi được chứng kiến, dù cho đôi khi tôi thấy đau xé lòng trước những cái đó. Ý định nói ra tất cả chắc chắn cũng đáng khen; để dứt khoát làm được việc đó, cần phải bám theo một cách không thích thú, những gì toát ra từ những con người bắt đầu từ thời điểm mà tựa như những nhân vật ảo, họ lại sống lại trong các tài liệu và dưới ngòi bút có vẻ như sáng tạo ra họ, không phải như người ta muốn họ như thế, mà là đúng như họ đã sống trong sự thật của các sự kiện. Có những phán xét mà người ta không thể đặt lên vai những người đương thời. Điều gì mà tôi không dám nói, bạn đọc sẽ tự hình dung ra.

Thực tế những ai trở về một cách vẻ vang từ cuộc phiêu lưu vẫn còn mang trên mình nỗi ân hận đau khổ của một công việc dở dang, của cách làm cẩu thả và của thất bại, thực tế đó cũng thật dễ hiểu. Bị lừa dối, họ đã bị như thế rồi, giống như những ông chồng; lẽ ra họ phải biết là người ta không yêu quí họ, lẽ ra ít nhất họ phải đoán ra được là những kẻ đánh thuê mà họ được quyền chỉ huy không thể nào đủ sức chiến đấu chống lại những con người chiến đấu vì tổ quốc của họ, và rằng nỗi cay đắng sẽ là kết quả của những sự hi sinh vô ích của những người chỉ huy ấy.

Vô ích ư? Đã lâu lắm rồi, tôi không còn tin vào câu chữ ấy nữa. Trong trật tự những giá trị của loài người, mọi cái đều góp sức để chứng minh là những cá tính, hoàn toàn giống như các số phận đều tan biến trong các nỗi thất bại, ngang bằng nếu không phải là nhiều hơn trong các chiến thắng. Một con người chỉ là một tổng thể những cách ứng xử và sự thành đạt, dù cho là để truy tặng, luôn luôn ở trong tầm tay khi mà người ta biết đương đầu với số phận đối nghịch. Thắng lợi chỉ ngây ngất nếu như thắng lợi đó xóa bỏ được trạng thái đối địch. Chỉ có những hi sinh vô ích trong các bài diễn văn trên diễn đàn nghị viện. Phần còn lại đó là đau khổ, máu và cái chết, những điều gieo mầm sống của chúng vào trong vĩnh cửu.
______________________________________
1. Dunkerque: Hải cảng ở phía bắc nước Pháp. Năm 1940 diễn ra trận chiến ác liệt để rút các lực lượng đồng minh ở Bỉ sang nước Anh. - N.D
2. Crécy: Thủ phủ tỉnh Albeville, nơi Philippe VI, vua Pháp bị Edouard III vua Anh đánh bại 1346. (Philippe VI: vua nước Pháp kể từ năm 1328). - N.D



Het
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM