Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:35:04 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lược sử quân sự các nước Đông Nam Á  (Đọc 96241 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #40 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2008, 08:48:02 pm »

Sau khi lên nắm quyền lực, ngày 11 tháng 2 năm 1959, Chính phủ thân Mỹ tuyên bố chấm dứt hiệu lực của Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Lào cũng như các hiệp định chính quyền Viêng Chăn đã ký với Pa thét Lào, từ bỏ chính sách hoà bình trung lập, công kích Việt Nam, Trung Quốc. Trước sức ép của Mỹ, ngày 23 tháng 7 năm 1959, Chính phủ Pháp và Chính phủ Viêng Chăn đã tuyên bố đồng ý để Mỹ cung cấp vũ khí, trang bị và đưa cố vấn quân sự vào Lào huấn luyện quân đội Viêng Chăn. Từ tháng 11 năm 1959, Mỹ trực tiếp nắm quân đội Viêng Chăn và bắt đầu thực hiện chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" trên quy mô cả nước Lào1 (Lịch sử Đảng Nhân dân cách mạng Lào (bản dịch của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam). tr.72), kiểm soát các khoản viện trợ cho Lào.


Để thực hiện chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" ở Lào, cùng với việc cung cấp viện trợ kinh tế - tài chính cho Chính phủ Viêng Chăn, Mỹ đưa vào Lào một số lượng lớn vũ khí, trang bị để xây dựng quân đội tay sai. Được Mỹ viện trợ kinh tế và vũ khí trang bị, chính quyền Phủi Xananicon ra sức củng cố và phát triển quân đội. Chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền Phủi Xananicon đã tăng nhanh quân số từ 25.000 lên 44.000 quân và liên tiếp mở các đợt thanh trừng, đàn áp những người kháng chiến cũ, những cán bộ, chiến sĩ Pathét Lào đã phục viên về địa phương theo hiệp định Viêng Chăn. Đầu tháng 5 năm 1959, chính quyền Phủi Xananicon đưa quân đến bao vây, đòi tước vũ khí Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 đang đóng ở Cánh Đồng Chum và Xiềng Ngân. Tiếp đó, tháng 7 năm 1959, chính quyền Viêng Chăn còn trắng trợn bắt giam Chủ tịch Xuphanuvông và các nhà lãnh đạo cách mạng Lào vào Viêng Chăn để tham gia Chính phủ Liên hiệp.

 
Trước tình hình trên, Đảng Nhân dân Lào đã kịp thời quyết định chuyển hướng đấu tranh với phương châm kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Một mặt, Đảng tiếp tục giương cao ngọn cờ hoà bình, trung lập hoà hợp dân tộc, đẩy mạnh đấu tranh chính trị của quần chúng trong cả nước nhằm tranh thủ dư luận trong và ngoài nước; mặt khác kiên quyết phát động quần chúng đứng lên đấu tranh vũ trang hỗ trợ cho đấu tranh chính trị.


Chấp hành chỉ thị của Đảng, Tiểu đoàn 2 đã mưu trí, dũng cảm phá vỡ vòng vây của địch ở Cánh Đồng Chum, bí mật hành quân xuyên qua rừng, sau hơn một tháng đã rút về khu căn cứ an toàn. Cùng lúc, do những điều kiện khó khăn hơn, chỉ gần một nửa số quân của Tiểu đoàn 1 thoát khỏi vòng vây địch. Sau khi các đơn vị thoát vây trở về, Pa thét Lào bắt tay vào việc chỉnh đốn lực lượng. Dựa trên số quân của Tiểu đoàn 2 làm nòng cốt, Pathét Lào đã tổ chức thành 3 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn có khoảng 200 quân, đồng thời phát động quân và dân toàn quốc chuyển hướng đấu tranh, bắt nối cơ sở, khôi phục và củng cố căn cứ kháng chiến. Trong đợt hoạt động này, Pa thét Lào đã sử dụng cả 3 tiểu đoàn mới tổ chức lại phối hợp với các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam đánh địch đồng loạt trên cả ba hướng, giải phóng toàn bộ huyện Mường Xon, nửa huyện Xiềng Kho, một số xã trong huyện Mường Sông Mã thuộc tỉnh Hùa Phăn và 8 xã thuộc tỉnh Phongxalỳ. Các địa bàn đứng chân của cách mạng Lào được mở rộng; lực lượng bộ đội chủ lực Pa thét phát triển từ 700 lên 1.986 người; phong trào đấu tranh được giữ vững. Những thành tựu đó của cán bộ, chiến sĩ Pa thét đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng Lào.


Lo sợ trước sự phát triển của cách mạng Lào, đặc biệt là các lực lượng vũ trang Pa thét, Chính phủ Viêng Chăn đã ban hành lệnh khẩn cấp tại 5 tỉnh Bắc Lào và huy động quân đội tiến hành các cuộc càn quét, khủng bố các khu vực dọc biên giới Lào - Việt.


Sau đợt tiến công quân sự của lực lượng vũ trang Pa thét Lào, một phong trào đấu tranh chính trị của mọi tầng lớp nhân dân dâng cao ở cả thành thị lẫn nông thôn. Hàng trăm cuộc biểu tình, mít tinh đòi chính quyền Phủi Xananicon phải trả lại tự do cho các lãnh tụ Neo Lào Hắc Xạt. Cuộc đấu tranh của nhân dân, nhất là ở nông thôn, đã phát triển thành phong trào nổi dậy giành chính quyền cơ sở ở nhiều địa phương trong cả nước.


Sự lớn mạnh của phong trào đấu tranh chống Mỹ đã có ảnh hưởng lớn đến một số thành viên trong hoàng tộc và một bộ phận lực lượng vũ trang quân đội Viêng Chăn. Ngày 9 tháng 8 năm 1960, một bộ phận Quân đội Vương quốc có xu hướng tiến bộ do Đại úy Coongle, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn dù số 2 cầm đầu đã tiến hành cuộc đảo chính, thành lập chính phủ mới do Hoàng thân Xuvana Phuma làm Thủ tướng.


Ngay sau đảo chính, Trung ương Đảng Nhân dân Lào đã nhận định, đây là một cuộc đảo chính bột phát về quân sự do ảnh hưởng, tác động của phong trào đấu tranh yêu nước nên có tính chất quần chúng và tiến bộ. Vì vậy, Đảng chủ trương ủng hộ cuộc đảo chính, ủng hộ chính sách hoà bình trung lập, hoà hợp dân tộc và quyết đính nhanh chóng liên minh với lực lượng trung lập yêu nước, ủng hộ việc thành lập chính phủ ba phái; đẩy mạnh đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị trong cả nước.


Thực hiện chủ trương của Đảng Nhân dân Lào, ba đại đội Pa thét Lào được đưa vào Viêng Chăn để hỗ trợ lực lượng Coongle bảo vệ thủ đô, bảo vệ thành quả của cuộc đảo chính.


Ở tỉnh Hùa Phăn, từ ngày 23 đến ngày 30 tháng 9 năm 1960, các tiểu đoàn 1, 2 Pa thét Lào cùng các đơn vị pháo binh phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam mở đợt tiến công tiêu diệt, bức rút toàn bộ các vị trí địch dọc sông Nậm Mã, giải phóng trên 5.000km2 đất đai và hơn 11 vạn dân. Việc giải phóng tỉnh Hùa Phăn đã tạo điều kiện cho các lực lượng Pathét Lào khôi phục và xây dựng khu căn cứ để phát triển lực lượng cách mạng trong cả nước, đồng thời hỗ trợ quân đảo chính, chuẩn bị cho phương án có thể phải rút khỏi Viêng Chăn.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #41 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2008, 08:48:33 pm »

Lực lượng Phumi Nôxavẳn sau khi bị đánh bật khỏi Viêng Chăn, sau một thời gian củng cố lực lượng đã huy động được 6 tiểu đoàn với vũ khí trang bị của Mỹ bắt đầu mở các đợt tiến công vào quân đảo chính Coongle. Đặc biệt, từ ngày 12 tháng 12 năm 1960, quân Phumi có máy bay và pháo binh Thái Lan yểm trợ, cố vấn Mỹ chỉ huy, từ nhiều hướng tiến công vào thủ đô Viêng Chăn.


Các lực lượng của Ủy ban đảo chính kết hợp với các đơn vị Pa thét Lào cùng đông đảo nhân dân, học sinh Viêng Chăn đã anh dũng chiến đấu, chặn đứng nhiều đợt tiến công của địch. Ngày 18 tháng 12 năm 1960, do sự chênh lệch về lực lượng và nhận thấy khó có thể giữ được thủ đô, Đảng Nhân dân Lào quyết định rút toàn bộ lực lượng yêu nước ra khỏi Viêng Chăn, chủ động chuyển hướng tiến công lên Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng.


Thực hiện chủ trương của Đảng, các tiểu đoàn 1, 2 Pa thét Lào tiến công địch ở Nọng Hét, bản Ban. Lực lượng trung lập cùng một bộ phận Pa thét Lào từ Văng Viếng tiến công thẳng vào khu vực Cánh Đồng Chum. Ngày 1 tháng 1 năm 1961, Pathét Lào cùng lực lượng trung lập giải phóng toàn bộ Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, một địa bàn chiến lược quan trọng ở Thượng Lào.


Thành công của cuộc đảo chính và thắng lợi của việc giải phóng khu vực Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng đã làm thay đổi cục diện quân sự, chính trị ở Lào. Tận dụng thế hợp pháp của chính phủ trung lập, Đảng Nhân dân Lào đã tranh thủ sự viện trợ công khai, trực tiếp của Việt Nam, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, nhanh chóng phát triển lực lượng cách mạng về mọi mặt, nhất là lực lượng vũ trang; đẩy mạnh tiến công quân sự phối hợp với đấu tranh chính trị, mở rộng khu căn cứ, hình thành vùng giải phóng liên hoàn từ bắc đến nam, bao gồm hai phần ba đất đai và một phần ba số dân. Từ năm 1962, lực lượng vũ trang Pathét Lào đã tranh thủ thời gian để huấn luyện, củng cố tổ chức biên chế, trang bị; phát triển từ 4 tiểu đoàn và một số đại đội địa phương tỉnh lên 15 tiểu đoàn bộ binh, 36 đại đội độc lập của tỉnh và 64 trung đội bộ đội địa phương huyện; đồng thời bắt đầu xây dựng một số đơn vị binh chủng như pháo binh, công binh, thông tin, trinh sát, tăng thiết giáp... Ba cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần cũng nhanh chóng được tăng cường, củng cố để giúp Bộ chỉ huy tối cao lãnh đạo, chỉ huy các địa phương, đơn vị.


Cùng với việc xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang Pa thét, Đảng Nhân dân Lào còn tích cực giúp đỡ các lực lượng vũ trang trung lập yêu nước, củng cố các đơn vị, tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng chính trị nên các lực lượng này đã có chuyển biến về lập trường kiên quyết chống Mỹ, chống Phumi và có quan hệ tốt hơn với nhân dân và các lực lượng vũ trang giải phóng.


Với những nỗ lực của lực lượng vũ trang cách mạng, lực lượng trung lập và sự phối hợp của quân tình nguyện Việt Nam (lần thứ hai sang giúp Lào theo yêu cầu của Chính phủ Hoàng thân Phuma), Quân đội Lào đã đẩy lùi được các đợt tiến công của quân Phumi, phá nhiều ổ nhóm phỉ... Vùng giải phóng được giữ vững và không ngừng mở rộng.


Trước những thắng lợi của Quân giải phóng Lào trên khắp các chiến trường, cuối tháng 11 năm 1961, quân Phuma phải điều lực lượng lên giữ các tỉnh phía bắc, xây dựng cứ điểm tại Luông Nậm Thà do 10 tiểu đoàn chiếm giữ. Tháng 2 năm 1962, Mỹ ép Pháp và chính quyền Viêng Chăn trao căn cứ Sê Nô cho Mỹ để chuẩn bị đưa quân vào chiến trường Lào. Sau khi xem xét tình hình, Đảng và Bộ chỉ huy tối cao quyết định mở chiến dịch tiến công quân Phumi ở Luông Nậm Thà. Chỉ trong vòng một tháng (7.4-6.5.1962), Quân giải phóng nhân dân Lào và quân tình nguyện Việt Nam đã quét sạch quân địch ra khỏi Luông Nậm Thà, giải phóng gần 8.000km2 với 7 vạn dân.


Thất bại nặng nề về quân sự, chính trị, ngoại giao, đặc biệt là thất bại ở Nậm Thà, Mỹ - Phumi buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ về Lào (23.7.1962), chấp nhận thành lập chính phủ ba phái do Hoàng thân Xuvana Phuma làm Thủ tướng, Hoàng thân Xuphanuvông và Phumi Nôxavẳn làm Phó thủ tướng. Trong Chính phủ Liên hiệp thành lập lần thứ hai này, thế và lực cách mạng Lào lớn hơn hẳn thời kỳ Hiệp định Giơnevơ năm 1954 và Hiệp định Viêng Chăn năm 1957. Lực lượng cách mạng đã có một vùng lãnh thổ rộng lớn và là một thành phần trong Chính phủ Liên hiệp, có vị trí và tiếng nói có trọng lượng.


Tuy nhiên, với Mỹ, đây chỉ là giải pháp tình thế nhằm hạn chế thắng lợi của các lực lượng cách mạng, tránh cho quân Phumi khỏi bị tan rã và có thời gian để củng cố lực lượng. Từ năm 1961 đến năm 1962, đế quốc Mỹ công khai thiết lập bộ máy quân sự ở Lào; dưới danh nghĩa phái đoàn MAAG đã tăng cường cố vấn Mỹ lên đến 1.600 người cùng với 400 nhân viên quân sự Philippin và hàng trăm nhân viên kỹ thuật quân sự Nam Việt Nam; đồng thời ra sức củng cố, tăng quân số ngụy Viêng Chăn từ 29.000 lên 56.000 quân. Ngoài ra, Mỹ còn tổ chức "lực lượng đặc biệt” khoảng 1.200 quân do Vàng Pao chỉ huy...


Từ giữa năm 1963, địch bắt đầu mở nhiều cuộc hành quân lấn chiếm, đánh vào vùng giải phóng như cuộc hành quân lấn chiếm Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (5.1963), Nậm Thơn (cuối 1963), Xảm Xon ở bắc Viêng Chăn và nam Luông Phrabăng (7-10.1963), Xỏn Xay ở khu vực đường 9 (cuối 1964). Trong các cuộc hành quân này, địch đã huy động từ 10 đến 30 tiểu đoàn, có pháo binh Thái Lan chi viện và cố vấn Mỹ chỉ huy. Sau khi mở các đợt tiến công quân sự, ngày 14 tháng 4 năm 1964, được sự hậu thuẫn của Mỹ, lực lượng Phumi Nôxavẳn tiến hành đảo chính quân sự, lật đổ Chính phủ Liên hiệp, lũng đoạn lực lượng trung lập, xoá bỏ Hiệp định Giơnevơ năm 1962 về Lào và dựng nên chính quyền tay sai thân Mỹ. Ngay sau đó, ngày 17 tháng 4 năm 1964, lần đầu tiên chính quyền Giônxơn dùng lực lượng không quân Mỹ xuất phát từ các căn cứ ở Thái Lan và Hạm đội 7 ném bom rải chất độc xuống vùng giải phóng của Lào; từ năm 1966, sử dụng cả B.52 ném bom xuống chiến trường Lào. Trong 9 năm, từ 1964 đến 1973, số bom đạn Mỹ ném xuống Lào lên đến 3 triệu tấn. Số chi phí cho hoạt động không quân Mỹ ở Lào lên đến trên 10 tỉ đô la.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #42 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2008, 08:50:04 pm »

Đối phó với âm mưu và hành động mở rộng chiến tranh của Mỹ và tay sai, Đảng Nhân dân Lào chủ trương kiên quyết phát động chiến tranh nhân dân, quyết tâm đánh bại mọi thủ đoạn, âm mưu chiến lược của Mỹ; tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang, hình thành khối chủ lực gồm những tiểu đoàn tập trung cơ động trên từng khu vực và toàn chiến trường, các đại đội, tiểu đoàn ở huyện, tỉnh làm nòng cốt cho chiến tranh nhân dân ở các địa phương... tổng số quân của lực lượng Pathét được phát triển lên 19.300 người, tổ chức thành 18 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 53 đại đội độc lập, 48 trung đội địa phương. Đến năm 1964, cả nước có 21.321 du kích, trong đó có 2.733 du kích nằm trong vùng địch hậu. Cùng với việc tăng cường lực lượng vũ trang, Đảng Nhân dân Lào chủ trương tăng cường đưa lực lượng vào sau lưng địch, xây dựng cơ sở và phát triển chiến tranh du kích ở đồng bằng, đô thị, nhất là vùng Viêng Chăn. Ngày 20 tháng 1 năm 1966, bộ đội Pathét Lào đổi thành Quân giải phóng nhân dân Lào.


Căn cứ vào những đặc điểm của tình hình Lào trong bối cảnh chung của Đông Dương và thế giới, Đảng nhân dân Lào chủ trương giải quyết vấn đề Lào trong khuôn khổ mối tương quan giữa các phái ở Lào, đánh thắng địch từng bước, không để cho Mỹ có thể gây chiến tranh cục bộ ở Lào. Việc công bố "Cương lĩnh hành động và lập trường 4 điểm" của Mặt trận Lào yêu nước và các lực lượng trung lập yêu nước trong Hội nghị chính trị hiệp thương toàn quốc (10.1965) cũng như việc tiến công quân sự, đánh địch có mức độ ở các mặt trận chính là nhằm thực hiện chiến lược và sách lược đúng đắn của Đảng nhân dân Lào trong giai đoạn này.


Thực hiện chủ trương trên và với tinh thần chiến lược tiến công, từ năm 1964 đến năm 1968, Quân giải phóng nhân dân Lào liên tục đánh bại các cuộc hành quân Xộn Xay 1 và Xộn Xay 2 của Phumi lấn chiếm ra vùng Trung - Hạ Lào (22.10.1964), giải phóng một vùng rộng lớn, từ Nà Kay đến Khăm Cợt và bắc Hin Bun; từ 4 tháng 2 đến 24 tháng 4 năm 1966, phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam đánh thiệt hại nặng 3 binh đoàn của địch, đập tan mưu đồ câu kết của Coongle với Phumi nhằm chiếm đóng Cánh Đồng Chum. Đặc biệt, từ 21 đến 27 tháng 1 năm 1968, Quân giải phóng nhân dân Lào đã mở chiến dịch Nậm Bạc, đánh tan 4 binh đoàn cơ động của địch, giải phóng Nậm Bạc và vùng Khăn đồng với hơn 1 vạn dân. Chiến thắng Nậm Bạc có ý nghĩa quan trọng, chứng tỏ sự trưởng thành và phát triển của lực lượng vũ trang cách mạng Lào1 (Đến tháng 8 năm 1968, lực lượng vũ trang Pathét Lào có 23.124 người; năm 1966 có 22.424 du kích, trong đó có 1.641 nữ (Theo Dự thảo Lịch sử Quân đội Lào)), tạo ra sự thay đổi cơ bản trong so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng; đồng thời cũng đánh dấu thất bại của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" ở Lào của đế quốc Mỹ.


Thời gian này, trên chiến trường miền Nam Việt Nam, chiến lược "Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ cũng bị phá sản sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam. Nhằm từng bước rút ra khỏi cuộc chiến tranh Đông Dương mà vẫn duy trì được chủ nghĩa thực dân mới ở đây, Tổng thống Mỹ đưa ra Học thuyết Níchxơn với những chiến lược chiến tranh mới đối với mỗi nước. Ở Lào, đế quốc Mỹ thi hành chiến lược "Chiến tranh đặc biệt tăng cường”, còn ở miền Nam Việt Nam là "Việt Nam hoá chiến tranh" và mở rộng chiến tranh sang Campuchia với chiến lược "Khơme hoá chiến tranh".


Để thử nghiệm những nguyên tắc của "Học thuyết Níchxơn" ở Lào, giữa năm 1969, quân đội Mỹ và quân ngụy Viêng Chăn mở chiến dịch Cù Kiệt, huy động gần 50 tiểu đoàn gồm các đơn vị tinh nhuệ của "lực lượng đặc biệt Vàng Pao" và Quân đội Thái Lan, có sự hỗ trợ của không quân Mỹ, kể cả máy bay chiến lược B.52 đánh chiếm khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Nhằm tiêu diệt quân địch lấn chiếm, khôi phục và mở rộng vùng giải phóng, Quân ủy Lào quyết định mở chiến dịch phản công 139. Sau 6 tháng chiến đấu kiên cường dũng cảm (25.10.1969-25.4.1969), 10 tiểu đoàn Quân giải phóng nhân dân Lào phối hợp với các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam đã đập tan chiến dịch Cù Kiệt, làm thất bại bước đầu chiến lược "Chiến tranh đặc biệt tăng cường" của đế quốc Mỹ.


Tiếp đó, quân và dân Lào còn phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam mở rộng hoạt động tiến công tiêu diệt địch, giải phóng Sê Pôn, Mường Phin trung Lào); thị xã Áttôpơ (Hạ Lào) và Luông Nậm Thà (bắc Lào).
Đầu năm 1971, Mỹ tiếp tục leo thang chiến tranh, dùng quân đội Sài Gòn làm lực lượng xung kích, mở cuộc hành quân "Lam Sơn 719" đánh sang khu vực Đường 9 - Nam Lào. Trong chiến dịch này, ngoài quân đội Sài Gòn còn có 2 GM lực lượng đặc biệt Vàng Pao phối hợp với một số đơn vị Quân đội Thái Lan, được hàng nghìn máy bay, xe tăng, thiết giáp Mỹ yểm trợ.


Các lực lượng vũ trang Lào đã phối hợp chặt chẽ với Quân đội nhân dân Việt Nam đập tan lực lượng địch tiến công ra Đường 9 - Nam Lào, diệt và bắt hơn 23.000 địch, bắn rơi và phá hủy 300 máy bay các loại, 600 xe quân sự và 150 khẩu pháo.


Sau những thắng lợi trên, quân và dân Lào còn mở nhiều cuộc tiến công địch ở Pắcxoòng, giải phóng toàn bộ cao nguyên Bôlôven (5.1971); đập tan đợt phản kích cuối cùng của lực lượng đặc biệt Vàng Pao, bảo vệ vững chắc khu vực Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng...


Những thắng lợi quân sự liên tiếp trên chiến trường Lào cũng như ở Campuchia và chiến trường miền Nam Việt Nam cùng những thắng lợi to lớn trên mặt trận đấu tranh ngoại giao đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari về Việt Nam, Hiệp định Viêng Chăn về Lào. Ngày 27 tháng 2 năm 1973, tại Viêng Chăn, Chính phủ Liên hiệp dân tộc lâm thời và Hội đồng que gia chính trị liên hiệp với thành phần hai bên ngang nhau được thành lập. Thủ đô Viêng Chăn và kinh đô Luông Phrabăng được trung lập hoá theo quy chế đặc biệt dưới sự kiểm soát của lực lượng cả hai bên.


Sau Hiệp định Viêng Chăn, Đảng Nhân dân cách mạng Lào chủ trương nhanh chóng tăng cường lực lượng cách mạng về mọi mặt, củng cố, nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang, xây dựng và củng cố vùng giải phóng. Mùa thu năm 1973, một bộ phận cơ quan lãnh đạo trung ương và một số đơn vị quân đội, công an (khoảng 1.500 cán bộ, chiến sĩ) được đưa vào thủ đô Viêng Chăn và kinh đô Luông Phrabăng theo quy chế đã thoả thuận, tạo thế đứng chân ở hai thành phố lớn. Các đơn vị bộ đội chủ lực hình thành thế tiếp cận, bám sát các địa bàn xung yếu, nhất là những nơi có cơ quan đầu não về quân sự và chính trị của đối phương từ trung ương đến các tỉnh, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu và hỗ trợ quần chúng đấu tranh buộc đối phương nghiêm chỉnh thi hành các điều khoản của hiệp định.


Mùa xuân năm 1975, ở Lào đã xuất hiện hình thái nổi dậy của bộ phận của nhân dân và binh biến trong quân đội nguỵ, đồng thời những thắng lợi to lớn của quân dân Việt Nam và Campuchia đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi đối với cách mạng Lào. Ngày 5 tháng 5 năm 1975, Đảng Nhân dân cách mạng Lào kịp thời hạ quyết tâm chiến lược phát động toàn quân, toàn dân nổi dậy đồng loạt và tiến công toàn diện để giành chính quyền trong cả nước.


Thực hiện quyết tâm của Đảng, Quân giải phóng nhân dân Lào với thế trận đã bố trí sẵn tạo sức ép mạnh về quân sự để hỗ trợ đắc lực cho các tầng lớp nhân dân nổi dậy đấu tranh, đập tan hệ thống ngụy quân, ngụy quyền, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân ở hầu hết các vùng bị chiếm cũ.


Sau khi xoá bỏ hoàn toàn hệ thống bộ máy chính quyền phản động và giải giáp toàn bộ các lực lượng quân đội, cảnh sát ngụy do Mỹ lập ra, Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã triệu tập Đại hội đại biểu nhân dân các dân tộc trong cả nước. Đại hội đã quyết định xoá bỏ chế độ quân chủ, thiết lập chế độ cộng hoà dân chủ nhân dân. Ngày 2 tháng 12 năm 1975, nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào chính thức ra đời, kết thúc cuộc kháng chiến cứu nước, giải phóng dân tộc trong suốt 30 năm, đưa cách mạng Lào bước sang một giai đoạn mới: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #43 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2008, 08:50:35 pm »

4. Quân đội nhân dân Lào trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ 1975 đến nay

Sau khi thành lập nước Cộng hoà dân chủ nhân dân, đất nước Lào lại đứng trước những thử thách nghiêm trọng. Đó là sự phá hoại và mưu toan lật đổ chính quyền của các lực lượng thù địch bao gồm tàn quân ngụy lẩn lút ở trong nước và bọn phản động lưu vong bỏ chạy sang Thái Lan câu kết với các thế lực phản động nước ngoài tổ chức gây rồi ở nhiều nơi, vu khống, xuyên tạc chính sách của Nhà nước dân chủ nhân dân Lào. Do đó, nhiệm vụ quốc phòng-an ninh trong giai đoạn này vẫn là "nhiệm vụ hàng đầu và có tầm quan trọng số một".


Trên cơ sở phát động quần chúng, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, các bộ tộc bảo vệ chính quyền, các lực lượng vũ trang nhân dân Lào vừa trực tiếp chiến đấu chống các lực lượng thù địch, vừa đi về các địa phương tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo vệ trị an, xây dựng và củng cố chính quyền cơ sở.


Vượt qua mọi khó khăn và thử thách, các lực lượng vũ trang đã cùng nhân dân các bộ tộc đập tan các cuộc bạo loạn, gây rối của các lực lượng phản động, đánh trả đích đáng các hành động vũ trang khiêu khích, lấn chiếm biên giới của kẻ thù, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Từ sau năm 1975, Quân đội Lào đã tiến hành các chiến dịch đập tan cuộc bạo loạn ở Bắc Lào (6.3.1977); tiến công vào sào huyệt lực lượng lưu vong ở đảo Xing Xụ (tây bắc thủ đô Viêng Chăn, 4. 1977); phối hợp với bộ đội tình nguyện Việt Nam mở đợt hoạt động quy mô lớn, liên tục, dài ngày ở Mường Chà - Phu Bia (9-10.1978), tiêu diệt các cụm phỉ Vàng Pao, giải phóng địa bàn bị chúng chiếm đóng từ sau 1975; mở các cuộc tiến công, phản công đánh bại hành động khiêu khích, lấn chiếm của quân Thái Lan và lực lượng lưu vong Lào trên biên giới Lào - Thái (cuối năm 1987 - đầu năm 1988)... Những hoạt động của lực lượng vũ trang đã góp phần giữ vững an ninh quốc gia, tạo điều kiện ổn định để đất nước thực hiện thắng lợi kế hoạch khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá trong những giai đoạn tiếp theo.


Từ sau khi đất nước được giải phóng, Đảng Nhân dân cách mạng và Chính phủ Lào luôn chú trọng chăm lo, củng cố, xây dựng và phát triển khả năng quốc phòng, nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang. Ngày 16 tháng 12 năm 1975, Trung đoàn bộ binh 201, đơn vị cấp trung đoàn đầu tiên của Quân giải phóng nhân dân Lào ra đời gồm các tiểu đoàn 1, 705, 586 và các đơn vị bảo đảm, phục vụ chỉ huy chiến đấu. Đây là bước phát triển mới về quy mô tổ chức đơn vị chiến đấu của Quân đội Lào. Những năm tiếp theo, ở các hướng từ Bắc, Trung, Hạ Lào đều đã thành lập các trung đoàn chủ lực (202, 203, 204, 205, 206, 207, 208) và lập thêm nhiều tiểu đoàn binh chủng như pháo mặt đất, pháo phòng không, xe tăng, thiết giáp, công binh, đặc công, thông tin... Đặc biệt, với sự viện trợ trực tiếp của Liên Xô, ngày 20 tháng 10 năm 1977, đơn vị không quân chiến đấu phản lực MIG-21 đầu tiên đã được thành lập.


Đối với lực lượng quân sự theo vùng lãnh thổ, sau năm 1975 vẫn duy trì cấp quân khu (Quân khu Bắc Lào sau đổi thành Cơ quan tiền phương, Quân khu Xiêng Khoảng sau đổi thành Cơ quan hậu phương, Quân khu Trung Lào và Quân khu Nam Lào). Đến khi thành lập cấp sư đoàn thì giải thể cấp quân khu (1981-1982) chỉ còn lại Cơ quan tiền phương Bắc Lào duy trì cho đến năm 1987.


Thực hiện kế hoạch xây dựng lực lượng (1981-1985), ngày 6 tháng 10 năm 1981, Bộ Quốc phòng Lào quyết định thành lập Sư đoàn 2 - sư đoàn đầu tiên của Quân giải phóng nhân dân Lào, gồm có 3 trung đoàn bộ binh: 21 trước là Trung đoàn 202), 22 trước là Trung đoàn 205), 23 và Trung đoàn 24 pháo binh. Tiếp đó, trong năm 1982, Sư đoàn 3, các lữ đoàn 4, 51 (Sau này chuyển thành sư đoàn) và ngày 12 tháng 2 năm 1985 Sư đoàn 1 cũng lần lượt ra đời. Cùng với việc coi trọng xây dựng và phát triển lực lượng bộ đội chủ lực, Bộ Quốc phòng Lào cũng rất quan tâm tới việc xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng bộ đội địa phương và dân quân du kích; đồng thời gấp rút củng cố và triển khai hệ thống nhà trường, các trung tâm tập huấn nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện bộ đội. Ngoài Trường Quân chính Commađam được thành lập từ trong kháng chiến chống Mỹ, còn lập thêm Trường Sĩ quan lục quân tổng hợp ở Xiêng Khoảng, Trường Hạ sĩ quan binh chủng hợp thành và nhiều lớp, trung tâm huấn luyện nghiệp vụ, chuyên môn...


Để phù hợp với nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Đảng và Nhà nước Lào đã đổi tên Quân giải phóng nhân dân Lào thành Quân đội nhân dân Lào sắc lệnh số 75/CTN ngày 16 tháng 7 năm 1982 của Chủ tịch nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào). Ngày nay, Quân đội nhân dân Lào tiếp tục phát triển theo phương châm tăng cường chất lượng là chính, tinh giảm biên chế và quân số cho phù hợp với điều kiện dân số và kinh tế của Lào.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #44 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2008, 08:51:44 pm »

III. Tổ chức biên chế và trang bị của Quân đội nhân dân Lào hiện nay

Quân đội nhân dân Lào hiện nay gồm có quân đội thường trực (tại ngũ) và lực lượng dự bị động viên.
Quân đội thường trực là lực lượng chính quy trong lực lượng vũ trang của đất nước, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là sự lãnh đạo và chỉ huy của Đảng ủy quân sự Trung ương và Hội đồng quốc phòng an ninh. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thông qua Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần trực tiếp chỉ huy tác chiến và lãnh đạo xây dựng toàn quân. Quân đội thường trực gồm có hai quân chủng là lục quân và không quân.


Quân chủng lục quân là lực lượng đảm trách nhiệm vụ tác chiến đánh địch chủ yếu trên mặt đất, bao gồm bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương. Bộ đội chủ lực là lực lượng cơ động dã chiến trong toàn quốc do Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy; được biên chế thành các sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội, trung đội, tiểu đội. Quân đội nhân dân Lào có 5 sư đoàn chủ lực và một số trung đoàn, lữ đoàn chủ lực độc lập trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Bộ đội địa phương tổ chức ở các tỉnh (thành) và huyện do bộ chỉ huy quân sự tỉnh (thành), huyện trực tiếp quản lý và chỉ huy; là lực lượng đảm nhiệm tác chiến chủ yếu trong đỉa bàn địa phương, khi cần có thể điều chuyển thành bộ đội chủ lực hoạt động ở những địa bàn khác. bộ đội địa phương thường được tổ chức cấp trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội trung đội, tiểu đội. Mỗi tỉnh (thành) có 1 đến 2 tiểu đoàn; một số tỉnh trọng điểm có 1 trung đoàn; mỗi huyện có 1 đến 2 đại đội địa phương. Tổng quân số lục quân Lào năm 2003 là 25.600 quân. Tổ chức lực lượng của lục quân Lào có 5 sư đoàn bộ binh, 7 trung đoàn độc lập, 2 trung đoàn công binh, 1 trung đoàn xây dựng, 1 tiểu đoàn tăng thiết giáp, 5 tiểu đoàn pháo binh, 9 tiểu đoàn pháo phòng không, 65 đại đội bộ binh độc lập, 1 trung đoàn lực lượng đặc nhiệm, 1 đội máy bay của lục quân, 1 giang đoàn gồm các xuồng chạy sông.


Trang bị vũ khí của lục quân gồm 30 xe tăng hạng trung T-54/55; 25 xe tăng lội nước PT-76. Xe thiết giáp có 25 chiếc M-8, 30 chiếc BTR-40/60, 40 chiếc BTR-152, ngoài ra còn có xe thiết giáp M-113. Pháo các loại 100 khẩu, pháo dã chiến xe kéo các loại có 100 khẩu, trong đó có 40 khẩu 122mm M-30 và D-30, 10 khẩu M-46. Súng cối có một số lượng lớn cối 81, 82, 107 và 120mm. Súng phòng không của lục quân gồm pháo cao xạ 37mm, 6 khẩu 23mm ZU-23, giàn tên lừa phòng không di động "Strela-2". Các máy bay của lục quân gồm 4 chiếc "Xôxna” U-17A. Các tàu thuộc giang đoàn gồm 40 chiếc xuồng đổ bộ1 (Lực lượng vũ trang các nước trên thế giới", Sđd, tr.267).


Trong lục quân, binh chủng bộ binh được coi là lực lượng nòng cốt. Bên cạnh đó còn có các binh chủng hợp thành khác như tăng-thiết giáp, pháo binh, pháo phòng không, công binh, thông tin, hoá học, đặc công và các lực lượng chuyên môn như trinh sát, ra đa, tác chiến điện tử, vận tải, quân y, trinh sát đặc nhiệm trên sông.


Quân chủng không quân Lào có 3.500 quân (năm 2003) với 2 phi đội máy bay tiêm kích - oanh tạc, 2 phi đội máy bay vận tải, 1 phi đội trực thăng, 1 phi đội máy bay huấn luyện; được trang bị 68 máy bay các loại (26 chiếc MIG-21, bốn chiếc AN-2, năm chiếc AN-24, 4 chiếc AN-26, bốn chiếc Jak-12, tám chiếc Jak-18, hai chiếc Jak-40, hai chiếc MI-6, 10 chiếc MI-8, ba chiếc SA-360)1 (Lực lượng vũ trang các nước trên thế giới, sđd, tr.268).


Nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng không quân là phối hợp với binh chủng phòng không của lục quân tổ chức phòng không bảo vệ không phận quốc gia; hiệp đồng với lực lượng lục quân chống xâm nhập bằng đường không; vận tải lực lượng cơ động và các phương tiện vật chất phục vụ chiến đấu. Không quân của Quân đội Lào gồm các lực lượng không quân tiêm kích, không quân cường kích, không quân vận tải, phòng không của không quân, lực lượng đổ bộ đường không và các lực lượng chuyên môn như ra đa, thông tin, tác chiến điện tử... Tổ chức biên chế cấp cao nhất của không quân Lào là cấp trung đoàn hỗn hợp; dưới là các liên đội, biên đội máy bay chiến đấu, vận tải trực thăng, cơ động đường không. Mỗi trung đoàn không quân Lào có từ 2 đến 3 liên đội không quân (liên đội là đơn vị chiến thuật cơ bản của lực lượng không quân Lào). Riêng lực lượng đổ bộ đường không biên chế theo tiểu đoàn, đại đội, trung đội, tiểu đội như lục quân.


Lực lượng dự bị động viên của Quân đội Lào là lực lượng quân sự mà thời bình phân tán ở trong dân, được đăng ký động viên vào quân đội trong thời chiến theo biên chế đã chuẩn bị trước. Lực lượng này gồm số hạ sĩ quan, chiến sĩ đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự thời bình, còn độ tuổi làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc và được đăng ký phục vụ trong quân đội khi có lệnh tổng động viên.


Tổng quân số của Quân đội Lào năm 2003 là 29.700 quân (lực lượng thường trực), trong đó lục quân 25.600, không quân 3.500, hải quân 600 quân1 (Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Sđd, tr.586). Lào thực hiện tuyển quân theo chế độ nghĩa vụ quân sự trong độ tuổi từ 17 đến 26 tuổi, thời gian phục vụ là 18 tháng (trong kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ thực hiện theo chế độ tình nguyện).

 
Về huấn luyện quân sự, Quân đội Lào không ngừng tăng cường đổi mới công tác huấn luyện nhằm mục đích nâng cao năng lực tác chiến phòng thủ bảo vệ Tổ quốc, thích ứng với đặc điểm chiến tranh hiện đại; chú trọng công tác huấn luyện thực hành, huấn luyện vào ban đêm, chỉ huy tham mưu tác chiến cho bộ đội...


Đi đôi với tăng cường huấn luyện về quân sự, nâng cao khả năng lãnh đạo chỉ huy của cán bộ và chuyên môn nghiệp vụ cho cơ quan, Quân đội nhân dân Lào đặc biệt quan tâm chăm lo xây dựng về mặt chính trị, củng cố và tăng cường hệ thống tổ chức Đảng, công tác chính trị trong quân đội. Công tác giáo dục chính trị luôn bám sát thực tiễn đời sống bộ đội, tập trung bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị-xã hội, nâng cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, phát huy truyền thống anh hùng, đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, bồi dưỡng phẩm chất lối sống... làm cho quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, thực sự là đội quân chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #45 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2008, 08:54:08 pm »

Trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Lào đã lập nên những chiến công vẻ vang, xứng đáng là công cụ bạo lực cách mạng tin cậy của Đảng và nhân dân các bộ tộc Lào. Ra đời từ các đội vũ trang tuyên truyền của quần chúng cách mạng trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Quân đội nhân dân Lào đã kề vai sát cánh cùng nhân dân các bộ tộc Lào, Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội Campuchia tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đưa đến sự thành lập nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ngày 2 tháng 12 năm 1975.


Ngày nay, trong công cuộc xây dựng đất nước, Quân đội nhân dân Lào không những là lực lượng trung thành tuyệt đối của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ sự nghiệp lao động sáng tạo của nhân dân, mà còn phát huy truyền thống tốt đẹp là quân đội nhân dân, vừa chiến đấu giỏi, vừa tích cực tham gia xây dựng kinh tế, kết hợp quốc phòng với kinh tế góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Để ghi nhận những công lao to lớn của Quân đội nhân dân Lào trong chiến đấu cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nhà nước Lào đã hai lần tặng thưởng Huân chương Vàng quốc gia cho quân đội - phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.




Bộ Tổng tham mưu có các cục: Huấn luyện chiến đấu, Tác chiến, Quân lực, Địa phương, Không quân, Thông tin, Pháo binh, Công binh, Hóa học, Xe tăng, Đặc công.


Tổng cục Chính trị có các cục: Chính sách, Tuyên huấn, Cán bộ, Tổ chức, Thanh tra, Quân pháp, Bảo vệ, Xây dựng cơ sở Phòng Thanh nhiên, Phòng Phụ nữ, Phòng Công đoàn, Văn công, Phát thanh truyền hình, Báo Quân đội nhân dân.


Tổng cục Hậu cần có các cục: Tham mưu hậu cần, Xây dựng, Tài chính, Xăng dầu, Quân y, Vũ khí đạn, ô tô, Công nghiệp, Nông nghiệp.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #46 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2008, 07:14:39 am »

QUÂN ĐỘI LIÊN BANG MALAIXIA


I. Khái quát về đất nước con người Malaixia

Malaixia là một quốc gia nằm ở khu vực Đông Nam châu Á, trên phần phía nam bán đảo Malăcca (tây Malaixia) và phần phía bắc đảo Calimantan (đông Malaixia), có đường biên giới chung với Thái Lan, Inđônêxia, Brunây và Xingapo. Diện tích 332,800km2, thủ đô là Kuala Lămpơ, dân số 23,95 triệu người (năm 2005), nam giới chiếm 51% (khoảng gần 12 triệu người), trong đó có 4,7 triệu người trong độ tuổi 18-50. Theo đánh giá của một số chuyên gia, Malaixia có thể huy động cho quân đội cùng một lúc khoảng gần 1 triệu người mà không ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước1 (The World Armies. London, 2000, p.421). Tổng thu nhập quốc nội GDP của Malaixia năm 2004 khoảng 117 tỉ USD, bình quân thu nhập đầu người gần 5.000 USD một năm.


Nằm trên vịnh Malăcca, Malaixia có một vị trí địa chiến lược hết sức quan trọng, án ngữ tuyến giao thông đường thủy huyết mạch, nối liền các nước thuộc khu vực Cận Đông, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Đầu thế kỷ XVI (1511), Mã Lai là thuộc địa của Bồ Đào Nha. Đến năm 1641 trở thành thuộc địa của Hà Lan. Năm 1784, sau khi giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh Anh - Hà Lan lần thứ 4, thực dân Anh gạt Hà Lan và các đối thủ cạnh tranh khác ra khỏi Mã Lai, từng bước độc quyền thôn tính nước này bằng cách can thiệp, mua đất, hoặc đem quân đánh chiếm từng vùng. Năm 1786, Anh mua đảo Pênăng, năm 1789 mua tỉnh Oenlalay. Đầu năm 1795, Anh sử dụng một lực lượng lớn quân đội đánh chiếm Malăcca là nơi có vị trí quan trọng về mặt kinh tế và quân sự, đến năm 1819 chiếm Xingapo. Năm 1823, theo lệnh của Bộ thuộc địa Anh, Phrêđrich Oenđơ được cử tới Mã Lai làm công sứ; tại đây ông đã tập trung lực lượng đánh chiếm các vùng quan trọng còn lại ở phía bắc đảo Calimantan (phía đông Malaixia ngày nay) như Brunây, Xuhu, Xaba và Xaraoắc. Do áp lực của thực dân Anh, năm 1824 chính quyền Mã Lai buộc phải ký hoà ước thừa nhận sự bảo hộ của người Anh. Tuy vậy, phong trào phản kháng của nhân dân Mã Lai vẫn liên tiếp nổ ra ở nhiều nơi. Năm 1869, sau khi kênh đào Xuy được khai thông, Anh đã không ngừng tăng quân và vũ khí tới Mã Lai để đàn áp phong trào phản kháng của nhân dân, dụ dỗ, mua chuộc tầng lớp quý tộc địa chủ và từng bước biến Mã Lai thành "lãnh địa riêng" của mình.


Ngoài việc dùng lực lượng quân đội để mở rộng và củng cố chính quyền thuộc địa, từ năm 1870 chính quyền Anh còn dùng nhiều biện pháp khác như chính trị, thương mại, ngoại giao,v.v... để buộc các tiểu vương quốc trong khu vực ký các hiệp định thừa nhận sự bảo hộ của Anh, sau đó khuyến khích các tiểu vương quốc này sáp nhập lại với nhau thành Liên bang Mã Lai. Như vậy, đến cuối thế kỷ XIX, toàn bộ các vùng đất của Mã Lai đã nằm dưới sự thống trị và kiểm soát của thực dân Anh.


Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Mã Lai bị quân Nhật chiếm đóng (1941-1945). Sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh (8-1945), Anh lập tức đưa thêm 25.000 quân tới Mã Lai, nhanh chóng khôi phục lại quyền thống trị đã bị mất trong những năm chiến tranh. Mặc dù đã dùng đến các biện pháp đàn áp hết sức nham hiểm và tàn bạo, nhưng thực dân Anh vẫn không dập tắt được phong trào đấu tranh đòi độc lập của nhân dân Mã Lai. Ngày 31 tháng 8 năm 1957, sau gần hai thế kỷ thống trị, thực dân Anh cuối cùng đã buộc phải trao trả độc lập cho Mã Lai. Mã Lai trở thành quốc gia độc lập nhưng vẫn nằm trong khối Liên hiệp Anh. Sáu năm sau đó, ngày 16 tháng 9 năm 1963, các vùng lãnh thổ bao gồm Mã Lai, Xingapo, Xaraoắc, Xa ba hợp nhất thành liên bang. Mã Lai đổi tên thành liên bang Malaixia. Tháng 8 năm 1965, Xingapo tách khỏi Liên bang và thành lập quốc gia riêng.


Hiện nay Malaixia có 13 bang, 11 bang nằm trên đảo Malăcca và 2 bang nằm trên đảo Calimantan; có 9 bang Hồi giáo do các tiểu vương đứng đầu. Malaixia theo chế độ quân chủ lập hiến. Đứng đầu nhà nước là vua, do Hội nghị các tiểu vương Hồi giáo bầu ra, nhiệm kỳ của nhà vua là 5 năm. Cơ quan lập pháp tối cao là Quốc hội gồm 2 viện. Cơ quan hành pháp tối cao là Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu. Malaixia trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc ngày 17 tháng 9 năm 1957 và là một trong năm nước thành viên sáng lập ra Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) năm 1967. Malaixia thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ với Việt Nam ngày 30 tháng 3 năm 1973.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #47 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2008, 07:17:28 am »

II. Lịch sử xây dựng và phát triển của Quân đội Malaixia

So với nhiều nước trong khu vực, Malaixia là quốc gia mới giành được độc lập, nhưng quân đội nước này có lịch sử hình thành và phát triển tương đối sớm. Năm 1933, sau khi hoàn thành "Dự án khai thác thuộc địa" ở Mã Lai với mục tiêu chủ yếu là tập trung phát triển nông nghiệp, cây công nghiệp chiến lược và ngành công nghiệp khai khoáng, phục vụ cho thị trường nguyên liệu thô trong nước đang gặp khó khăn sau cuộc đại khủng khoảng kinh tế thế giới 1929-1933, chính quyền thuộc địa Anh ở Mã Lai bắt tay ngay vào việc xây dựng lực lượng vũ trang bản xứ.


Theo Sắc lệnh 9/1932 của Văn phòng Bộ Thuộc địa và chiến tranh Anh ở Luân đôn về việc xây dựng Trung đoàn thử nghiệm Mã Lai, ngày 1 tháng 3 năm 1933, đại đội lính bản xứ Mã Lai đầu tiên được thành lập. Đại đội lúc đầu chỉ có 25 người, đa số binh lính được tuyển chọn từ con em các gia đình quan lại, quý tộc thành thị. Nhiệm vụ chính của đại đội trong giai đoạn này là tập trung huấn luyện, tiếp thu kinh nghiệm chiến đấu của người Anh, sau nữa là bảo vệ các cơ quan, văn phòng đại diện của người Anh ở Mã Lai.


Do số lượng nhân viên cũng như các cơ quan đại diện của Anh ở Mã Lai không ngừng tăng lên, quân số của đại đội cũng đã tăng theo, từ 150 người (tháng 6 năm 1934) lên 400 người (tháng 2 năm 1935).


Nhận thấy tính ưu việt trong việc sử dụng quân đội bản xứ, đồng thời để giảm bớt những chi phí quá lớn trong việc duy trì quân Anh ở Mã Lai, năm 1937, được phép của Bộ Thuộc địa và chiến tranh Anh, Cao ủy Anh tại Mã Lai đã đưa ra kế hoạch “Mã Lai hoá" quân đội thuộc địa bằng việc phát triển đại đội có sẵn thành tiểu đoàn bộ binh Mã Lai hỗn hợp với quân số lên tới gần 8001 (Tạp chí "Bình luận quân sự nước ngoài" (bản tiếng Nga), số 5/1996, tr.7) người, gồm 17 sĩ quan người Anh, 6 sĩ quan, 11 hạ sĩ quan và 759 binh sĩ người Mã Lai. Tiểu đoàn được chia thành ba lực lượng chủ yếu: bộ binh, pháo binh, và thông tin. Ngoài ba lực lượng trên, trong tiểu đoàn còn có một số bộ phận khác như: hậu cần, tiếp tế, tham mưu, v.v... Khác với cách tuyển binh trước đây, từ nay đối tượng binh sĩ được tuyển chọn vào tiểu đoàn không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ con em của tầng lớp quan lại quý tộc thành thị, mà đã mở rộng ra cho cả con em của tầng lớp địa chủ giàu có ở nông thôn.


Để tạo cho quân đội bản xứ có một sắc thái riêng, người Anh quyết định chọn ba màu: màu Xanh biểu tượng cho đạo Hồi, màu Vàng biểu tượng cho vương quốc Mã Lai và màu Đỏ biểu tượng cho Quân đội Anh làm mẫu quân phục của tiểu đoàn. Đây cũng là quân phục của Quân đội quốc gia Mã Lai trong suốt thời kỳ thực dân Anh cai trị.


Như vậy, cho đến thời điểm trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Quân đội quốc gia Mã Lai thực chất chỉ mới trong giai đoạn đầu của quá trình hình thành và phát triển, nó phụ thuộc gần như hoàn toàn vào quân đội thực dân Anh cả về trang bị lẫn cơ cấu tổ chức. Toàn bộ lực lượng của quân đội lúc đó chỉ mới gồm 1 tiểu đoàn bộ binh hỗn hợp, được trang bị rất thô sơ, chủ yếu là súng trường bắn phát một và một số vũ khí tự tạo. Lực lượng hải quân và không quân chưa có. Nhiệm vụ chính của tiểu đoàn trong giai đoạn này là cùng với lực lượng cảnh sát bán vũ trang duy trì trật tự, bảo vệ các cơ quan trung ương của Anh và Mã Lai ở thủ đô và một số thành phố lớn khác, ngoài ra nó còn tham gia vào các vụ đàn áp phong trào nổi dậy chống thực dân và phong trào đòi ruộng đất của nhân dân Mã Lai ở cả thành thị và nông thôn.


Tháng 9 năm 1939, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Ngày 8 tháng 12 năm 1941, quân đội phát xít Nhật tiến công Mã Lai. Tám ngày trước khi Tập đoàn quân 25 của Nhật, gồm hơn 100.000 quân, 20 hạm tàu, dưới sự chỉ huy của Trung tướng Tomoyuki Yamashita (Sơn Hạ) đồng loạt đổ bộ theo ba mũi lên Patania, Singora và Kota Bharu (vùng Đông Bắc Malaixia), Bộ chỉ huy tối cao quân Anh ở Mã Lai quyết định thành lập tiểu đoàn bộ binh Mã Lai thứ hai với hy vọng nhanh chóng bổ sung cho lực lượng quân Anh, đồng thời cùng với quân Anh chặn đứng các cuộc đổ bộ của quân Nhật. Tuy nhiên, do tiểu đoàn được thành lập quá gấp, đa số tân binh chưa kịp qua các lớp huấn luyện, lại được trang bị quá sơ sài; mặt khác, vào thời điểm đó, quân Nhật đang quá mạnh cả về vũ khí trang bị lẫn quân số so với liên quân Anh - Mã Lai; cho nên, mặc dù đã hết sức cố gắng nhưng tiểu đoàn 2 cũng không giúp người Anh thực hiện được ý định. Trong vòng chưa đầy 1 tháng, quân Nhật đã lần lượt đánh chiếm hầu hết các tỉnh, thành phố của Malaixia, "vô hiệu hoá" toàn bộ quân Anh lẫn quân bản xứ. Mã Lai rơi vào ách chiếm đóng của quân Nhật.


Trong thời gian quân Nhật chiếm đóng, chính quyền thuộc địa Anh Ơ Mã Lai gần như bị giải tán, các đơn vị quân đội cả thuộc địa lẫn bản xứ bị giải giáp, lực lượng cảnh sát thì được sử dụng vào việc đàn áp phong trào kháng chiến. Thời kỳ này, sứ mạng giải phóng dân tộc khỏi ách xâm lược của quân đội Nhật được đặt lên vai các lực lượng yêu nước tiến bộ ở Mã Lai, chủ yếu là các tầng lớp nông dân, công nhân, trí thức. Quân đội nhân dân Mã Lai kháng Nhật (MPAJA) ra đời năm 1943 chính là nhằm thực hiện sứ mạng đó. Trong suốt hơn 4 năm đấu tranh bền bỉ, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Mã Lai (MCP), nhân dân Mã Lai đã cùng với lực lượng Đồng minh liên tiếp mở các chiến dịch quân sự trên quy mô lớn, đánh bại âm mưu thôn tính và mở rộng chiến tranh của Nhật.


Kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Nhật đầu hàng Đồng minh và rút khỏi Mã Lai, ngay sau đó Chính phủ Anh đã quyết định đưa thêm 25.000 quân tới đây và nhanh chóng khôi phục lại chính quyền thuộc địa. Để củng cố địa vị thống trị của mình thời kỳ sau chiến tranh, thực dân Anh một mặt tiến hành hàng loạt các cuộc cải cách hành chính, mở rộng sự tham gia của tầng lớp tư sản Mã Lai vào bộ máy chính quyền thuộc địa, tích cực tiến hành các hoạt động chia rẽ khối đoàn kết giữa cộng đồng các dân tộc ở Mã Lai (chủ yếu là giữa cộng đồng người Mã Lai, người Hoa và người Ấn Độ), cho thành lập các đảng phái chính trị của giai cấp tư sản người Hoa, người Ấn Độ ở Mã Lai và sử dụng các đảng này như những đảng đối lập chống lại Đảng Cộng sản; mặt khác áp dụng nhiều biện pháp quân sự, kết hợp với mở các chiến dịch càn quét nhằm thực hiện kế hoạch "tiêu diệt tận gốc” lực lượng cộng sản.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #48 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2008, 07:19:51 am »

Tháng 9 năm 1945, Cao ủy Anh tại Mã Lai ra lệnh giải tán Quân đội nhân dân Mã Lai kháng Nhật (MPAJA) vì họ coi đây là các phần tử "nổi dậy" chống phá chính quyền. Tiếp đó, đầu năm 1946, chính quyền thuộc địa Anh ở Mã Lai ban bố tình trạng thiết quân luật, thực hiện chế độ khai báo và đăng ký bắt buộc đối với tất cả các công dân Mã Lai từ 12 tuổi trở lên lúc ra khỏi nhà; cho phép quân đội cảnh sát có quyền bắt bớ và bỏ tù bất kỳ một ai bị tình nghi có dính líu tới cộng sản, mà không cần có lệnh bắt hoặc lập toà án xét xử, kiểm soát chặt chẽ việc di dân trên toàn bộ lãnh thổ Mã Lai.


Tháng 5 năm 1948, chính quyền thuộc địa Anh ban bố tình trạng khẩn cấp và tuyên bố bắt đầu cuộc chiến “chống nổi dậy" ở Mã Lai. Theo khoản 1, điều 25 Luật về tình trạng khẩn cấp, "bất kỳ người nào bị cảnh sát hỏi mà giấy tờ không minh mạch hoặc không trả lời được rõ ràng về mục đích, tại sao anh ta có mặt tại điểm đó, hay nếu cảnh sát nghi rằng người đó có ý định, hay sắp sửa làm những hành động có liên quan đến việc "tiếp tay" cho cộng sản, thì họ có quyền bắt giữ một cách vô điều kiện"1 (Luật khẩn cấp, Tài liệu do Phòng Quân huấn, quân đội Việt Nam cộng hoà dịch và in lần thứ nhất ngày 15 tháng 3 năm 1961, tr.23). Tiến thêm một bước nữa, chính quyền thuộc địa Anh đưa ra quốc sách "dồn dân lập ấp”, buộc hàng vạn nông dân Mã Lai phải rời bỏ xóm làng vào sống trong các các khu mà người Anh gọi là "Làng nông nghiệp". Theo mô hình của người Anh, "Làng nông nghiệp" là tất cả các khu vực đã có dân định cư, hay những điểm đông dân cư khác (ngoại trừ các thành phố lớn) được bao bọc bởi các hàng rào bao quanh, mỗi hàng rào thường có nhiều cổng để dân có thể qua lại lúc đi làm hay khi trở về nhà. Ở những khu vực không phải là khu của người da trắng, các lực lượng an ninh thường xuyên được cử tới để canh gác và "điều hành” việc đi lại của dân ở các cổng này. Đối với những làng mà chính quyền thuộc địa thấy cần thiết phải kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của dân, thì sẽ ban hành lệnh giới nghiêm vào những giờ nhất định, thậm chí suốt ngày đêm. Mục đích của việc dồn dân này là nhằm cô lập hoàn toàn lực lượng cộng sản, cắt đứt mọi nguồn tiếp tế của dân cho họ, cuối cùng buộc họ phải đầu hàng hoặc tự giải tán. Đến cuối năm 1953, người Anh đã xây dựng được hơn 550 làng kiểu như vậy trên toàn lãnh thổ Mã Lai.


Song song với việc triển khai quốc sách "dồn dân lập ấp", thực dân Anh còn cho tuyển thêm 26.000 cảnh sát bán vũ trang người Mã Lai, triển khai tăng cường tới Mã Lai 11 tiểu đoàn bộ binh Anh, liên tiếp mở các chiến dịch càn quét vào các khu vực rừng núi, biên giới, nơi mà họ coi là “sào huyệt” của lực lượng cộng sản. Cùng với việc không ngừng tăng quân tới Mã Lai, thực dân Anh còn tích cực đẩy nhanh việc khôi phục và xây dựng thêm các đơn vị quân đội lính bản xứ. Tháng 7 năm 1948, hai tiểu đoàn bộ binh bản xứ Mã Lai trước đây được thúc đẩy tăng cường hoạt động trở lại. Tiếp đó, tháng 8 năm 1948, tiểu đoàn thứ ba được thành lập. Do tiểu đoàn 3 được thành lập, tháng 7 năm 1949, Anh quyết định thành lập Lữ đoàn bộ binh Mã Lai đầu tiên.


Những năm tiếp theo, để đáp ứng yêu cầu của việc tăng quân nhằm đối phó với phong trào “nổi dậy” và mở rộng cuộc chiến "Chống nổi dậy", mặt khác để giảm bớt gánh nặng chiến tranh đang đè nặng lên nền kinh tế của chính quốc, đồng thời đẩy nhanh quá trình "Mã Lai hoá" lực lượng vũ trang ở đây, thực dân Anh đã cho thành lập thêm nhiều tiểu đoàn bộ binh thuộc Trung đoàn thử nghiệm Mã Lai. Tháng 8 năm 1949, tiểu đoàn bộ binh số 4 được thành lập tiếp đó thành lập tiểu đoàn 5 (năm 1951), tiểu đoàn 6 (năm 1952), tiểu đoàn 7 năm 1953). Ngoài việc thành lập các tiểu đoàn bộ binh thuộc Trung đoàn Mã Lai, một số đơn vị và lực lượng yểm trợ khác cũng được thành lập, như Trung đoàn pháo số 1 (4-1957), đại đội thông tin (6-1957)...


Lực lượng hải quân Mã Lai được Anh xây dựng từ năm 1952 và có căn cứ đóng tại Xingapo, nhưng trong những năm chiến tranh "Chống nổi dậy” nó vẫn thuộc quyền quản lý và điều hành của Quân đội Anh. Năm 1958, một năm sau khi Mã Lai giành được độc lập và sau khi Anh ký Hiệp ước phòng thủ chung với Mã Lai, Vương quốc Anh mới chính thức chuyển giao căn cứ hải quân trên cho Quân đội Liên bang Mã Lai cả về mặt hành chính lẫn hoạt động tác chiến. Việc Anh trao lại căn cứ hải quân của họ ở Xingapo cho Mã Lai không chỉ đơn thuần là sự "bàn giao" chủ quyền, nó còn được coi là một phần của khoản viện trợ đầu tiên gồm 20 triệu USD của Anh cho Mã Lai trong khuôn khổ của Hiệp ước phòng thủ chung ký năm 1957.


Tuy nhiên, vào thời điểm đó, cơ sở vật chất kỹ thuật của căn cứ hải quân này còn rất thô sơ, chỉ có 4 tàu quét mìn gần bờ, 1 tàu quét mìn xa bờ cùng một số kho tàng, bến bãi được xây dựng theo kiểu dã chiến. Nhiệm vụ chính của lực lượng hải quân lúc đó là để bảo vệ các tàu đánh cá của Mã Lai hoạt động ở eo biển Malăca, tuần tra vùng biển chủ quyền hoặc hợp tác với lực lượng cảnh sát và lực lượng an ninh trong các hoạt động chống khủng bố.


So với lực lượng hải quân, lực lượng không quân Quân đội quốc gia Mã Lai được thành lập muộn hơn. Năm 1955, người Anh đã có ý định xây dựng lực lượng không quân cho Quân đội quốc gia Mã Lai. Tuy nhiên do rất nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Xuyê 1956 mà Anh là một trong những nước tham chiến chủ yếu, đã làm cho ý định đó không thể thực hiện được. Mãi đến năm 1958, theo thoả thuận trong Hiệp ước phòng thủ chung Anh - Mã Lai, Anh mới viện trợ cho Mã Lai vài chiếc Tin Pioneer, một loại máy bay chỉ có khả năng hoạt động ở cự ly ngắn và khu vực rừng núi. Đó cũng là thời điểm đánh dấu sự ra đời của lực lượng không quân Mã Lai.


Những năm tiếp theo, được sự viện trợ tích cực của Anh và một số nước phương Tây, cộng với khả năng tự mua sắm của Chính phủ Mã Lai, lực lượng không quân Mã Lai đã có những bước phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Ngoài số máy bay hiện có, Mã Lai còn mua thêm hàng chục máy bay mới; hệ thống sân bay và các cơ sở đảm bảo cũng được nâng cấp và mở rộng đáng kể. Đến đầu những năm sáu mươi, không quân Mã Lai đã có thể đảm nhiệm được những nhiệm vụ phức tạp như yểm trợ tác chiến cho lực lượng bộ binh và hải quân, trinh sát trên bộ và trên biển; đồng thời thực hiện nhiều nhiệm vụ thông thường khác như vận tải, truyền thông, chuyển quân, v.v...
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #49 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2008, 07:22:55 am »

Cơ cấu lực lượng Quân đội quốc gia Malaixia
đến cuối năm 19621 (The Growth of Malaysian Armed Forces 1963-1973, Institude of Southeast Asian Studies, Singapore, 1975, p.25)




Như vậy, mặc dù được thực dân Anh tích cực xúc tiến xây dựng, nhưng sự phát triển của Quân đội quốc gia Mã Lai trong những năm tiến hành cuộc chiến "Chống nổi dậy" (19-8-1960)1 (Thời kỳ này trong lịch sử Mã Lai gọi là nhữg năm "Tình trạng khẩn cấp") diễn ra theo một nhịp độ tương đối chậm, quy mô khá nhỏ lẻ và mất cân đối. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do Chính phủ Mã Lai phụ thuộc quá nhiều vào nguồn viện trợ từ bên ngoài, cụ thể là nước Anh. Trong khi đó, thời điểm này, nguồn lực tài chính và quân sự của Anh bị phân tán vì ngoài việc phải đối phó với cuộc chiến ở Mã Lai, nước Anh còn phải lo tập trung đối phó với phong trào giải phóng dân tộc đang phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước, đặc biệt là những nước thuộc địa của họ ở khu vực Nam Á và Đông Xuyê. Một nguyên nhân khác là trong suốt nhiều năm, người Anh chỉ chú trọng xây dựng lực lượng cảnh sát bán vũ trang và một số đơn vị bộ binh phục vụ cho việc "dồn dân lập ấp" và đối phó với lực lượng "nổi dậy", vì vậy các lực lượng khác như hải quân, không quân ít được tập trung đầu tư phát triển.


Những năm "tình trạng khẩn cấp" chấm dứt, Malaixia lại rơi vào một cuộc xung đột quân sự mới với Inđônêxia (1963-1965)2 (Thời kỳ này trong lịch sử Malaixia gọi là "Thời kỳ đối đầu”). Nguyên nhân dẫn đến cuộc xung đột là do giữa hai nước còn tồn tại nhiều bất đồng xung quanh việc thành lập một Liên bang Malaixia, bao gồm vùng lãnh thổ Bắc Borneo, Xingapo, Brunây và Xaraoắc. Khác với cuộc chiến "Chống nổi dậy" trước đây, trong cuộc xung đột lần này, Malaixia phải đối đầu với một nước láng giềng có dân số đông hơn, tiềm lực kinh tế và quân sự cũng mạnh hơn. Một số nhà nghiên cứu quân sự coi đây như một cuộc chiến tranh quy ước giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, trong thực tế đó chỉ là các cuộc xâm nhập vũ trang của từng nhóm nhỏ từ Inđônêxia sang Malaixia; phương thức tác chiến của các nhóm này chủ yếu là gây bạo loạn hoặc xúi giục lật đổ. Do cuộc xung đột chỉ diễn ra ở cường độ thấp và có phần phù hợp với khả năng tác chiến của các lực lượng vũ trang, nên để đối phó với tình hình, Quân đội quốc gia Malaixia không đòi hỏi phải có những thay đổi hay bước phát triển mang tính đột biến.


Tuy nhiên, do Liên bang Malaixia mới được thành lập bao gồm một vùng lãnh thổ rộng lớn, với dân số tăng lên gần gấp đôi nên việc phát triển và mở rộng lực lượng vũ trang nói chung cũng như quân đội quốc gia nói riêng là nhu cầu tất yếu. Phát biểu trong kỳ họp Quốc hội đầu tiên của Malaixia năm 1963, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaixia Tun Razak tuyên bố. "... giờ đây Malaixia bao trùm cả một khu vực rộng lớn, với bờ biển dài hàng nghìn kilômét, vì vậy chúng ta cần có một lực lượng vũ trang đủ mạnh, trước hết để duy trì pháp luật và trật tự trong nước, sau nữa là bảo vệ vừng chắc chủ quyền quốc gia..."1 (The Growth of Malaysian Armed Forces, (1963-1973). Opcid., p.7). Trong bài phát biểu này, Razak còn vạch ra một kế hoạch chi tiết, đồng thời đề nghị Quốc hội thông qua một khoản tài chính trị giá 75 triệu đô la Malaixia, tập trung cho việc phát triển quân đội quốc gia trong thời gian tới. Một số chính khách cho rằng việc mở rộng và phát triển Quân đội quốc gia Malaixia sẽ làm cho tình trạng đồi đầu với Inđônêxia trở nên căng thẳng, thậm chí có thể trở thành "ngòi nổ" cho một cuộc "chạy đua vũ trang" đói với các nước xung quanh cũng như trong khu vực; số khác thì coi đó là gánh nặng quá sức đối với nền kinh tế của một đất nước vừa mới giành được độc lập và mới thoát khỏi cuộc chiến tranh kéo dài trong suốt 12 năm. Mặc dù gặp không ít khó khăn về mặt tài chính cũng như sự phản đối của nhiều chính khách, cả trong và ngoài nước, nhưng cuối cùng Quốc hội Malaixia cũng đã phê chuẩn kế hoạch của Razak.


Với kế hoạch đó, trong 3 năm (từ 1963 đến 1965), Quân đội quốc gia Malaixia đã có những bước phát triển đáng kể. Lục quân tiếp tục được mở rộng bằng việc thành lập tiểu đoàn 8 thuộc Trung đoàn Mã Lai. Tiếp đó, tháng 3 năm 1963, Lữ đoàn bộ binh số 4 được thành lập. Lữ đoàn này có nhiệm vụ cùng với 1 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn Mã Lai bảo vệ khu vực ở Xingapo. Tháng 12 năm 1963, Lữ đoàn bộ binh số 5 được thành lập ở Xa ba để thay thế các đơn vị quân Anh hoạt động trong vùng, đồng thời làm nhiệm vụ ngăn chặn các hoạt động xâm nhập của các nhóm vũ trang từ Inđônêxia.


Bên cạnh việc thành lập thêm các đơn vị chính quy, Chính phủ Malaixia còn quyết định cho xây dựng các trung tâm huấn luyện quân sự ở mỗi bang, thành lập các đơn vị bộ đội địa phương và lực lượng dân phòng dự bị theo phương thức "ngụ binh ư nông". Thực chất đây là những đơn vị bán vũ trang, nằm trong sự quản lý và điều hành của Bộ Quốc phòng. Với những quyết định và cách làm như trên, Chính phủ Malaíxia không những đã tránh được những lời chỉ trích từ các nước láng giềng mà còn mở rộng và phát triển đáng kể được quân đội quốc gia.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM