Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:24:09 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mẫn và tôi  (Đọc 93686 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #160 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2008, 03:10:09 pm »

Trước khi sang xã khác, chúng tôi thóc mách hỏi chị M. về đời tư. Người yêu của chị là một anh bộ đội giải phóng nhiều tài đức, đã cùng chị chiến đấu và đổ máu để giành lại quê hương. Chị ngượng ngùng đáp: “vậy đó, ảnh với em như bông bạc giữa dòng…”

Thêm mấy câu chung chung nữa rồi nhạc nổi, “Các bạn vừa nghe xong…”Tôi ngẩn ra, cái quần đứt chỉ cầm tay, đợi đài chuyển qua buổi khác. Tôi hụt mất phần đầu của bài bút ký, gọi là nhắn tin cũng được, chỉ còn bần thần gỡ mấy con vắt no tròn trên chân.
- Mời các vị lên. Úi mẹ, thằng Ngân được ba cá niên!
- Dốt, hai niên, một vọp, một sốc đây nữa. Cho mày con sốc. Tối nay mặc sức húp canh chua nè Thiêm!

Chúng tôi kéo vào lán, bẻ lá lót đất nhão, đặt ba lô trên lá, cưỡi ba lô, lật sổ tay. Trung đoàn trưởng cao chạm mái nhà, vừa lau miệng vừa nói hối hả:
- Ta làm hè. Tham mưu cho biết quân số… Hoan hô. Bà con kịp nghe bản tin trưa nay chưa? Ta đánh hai trận khủng khiếp ở Chu Lai, Đà Nẵng tối qua. Đài mình mới nhắc tin phương tây sơ sơ. Điện của quân khu hồi chiều bảnh lắm, mộ trăm tàu bay trở lên, đang đợi thẩm tra. To nhứt cái anh Chu Lai, chà chà, cả đặc công cả cối, diệt phi công như sắp củi. Còn cánh Plâyme lập kỷ lục diệt tăng với xe thép toàn miền Nam rồi, ghì dữ dội, sư không vận Mỹ rún xương. Mình nghe, mình cứ đánh gậy trong bụng. Coi thử trung đoàn Vạn Tường làm ăn sao cho biết…

Anh ngây mặt nhìn chúng tôi như cố nhớ một cái gì, quờ tay tìm cái ba lô treo trên mấu cây, rút một chiếc đũa ngà voi, đập đập vào không khí, quay vào tấm bản đồ vẽ tay treo đứng.
- Tới lượt tội mình rồi… Hốt mảng này!
Anh gõ bộp đầu đũa.

Một cụm cứ điểm nằm trong nét khoanh đỏ đậm nhảy vọt vào mắt tôi, choán hết luồng nhìn. Có đến sáu bảy cái tam giác đen to nhỏ. Một quả bóng nào đó vỡ nhẹ trong ngực tôi, toả hơi ấm đến chân tay. Đánh to. Đánh rất to!
Đất Tây Sơn mà. Về chỗ có “cây đa khởi cổ, cây cầy xuất binh” của Nguyễn Huệ, chơi vậy mới đã. Từng tảng đá rêu phong sẽ ngửng đầu xem con cháu Bác Hồ đánh Mỹ, gật đầu khen giỏi. Trinh sát của ta đã sờ nắn mãi mớ ung nhọt kia, đánh dấu vết rạch bằng hai gạch chéo trên bản đồ. Các lưỡi dao đã gí tận nơi. Nhiều bàn tay muốn cầm dao.

Bắt gặp mắt tôi khẩn khoản, anh chính ủy cười, gật gật, xỉa một ngón tay. Tôi nổi rôm cả người. Được nắm mũi nhọn rồi! Hết biệt phái tới nằm viện, nay mới gọi là có chút đền bù chứ!
- Đà Nẵng, Chu Lai chưa gượng dậy ngay. Plâyme đang hút địch mạnh. Ta làm keo này được lợi nhiều bề, vậy chớ phải coi chừng nó rút lính thủy đánh bộ Mỹ ném lên chữa cháy, sư Ba nó còn đông…
Càng hay anh ơi. Cho tôi ích kỷ chút xíu, tôi đang muốn giết đỡ cho Mẫn một ít lính cổ da đây… Mà công bằng thôi. Đánh Chu Lai, chắc Mẫn lại kẹp cácbin đưa các anh đặc công lội trắng đêm trên cát và đời nào em tôi chịu vắng bóng trong đợt pháo hoa cuối cùng. Tôi chia lửa cho Mẫn là phải, riêng tây gì đâu. Phải không em, Mẫn, dù anh đi khắp chân trời góc biển, mỗi lần ra trận chúng mình lại gặp nhau; có phải lúc này em đang quấn quít bên anh, em gần đến nỗi anh chỉ đẩy ngón tay đặt nên tim là nghe ngay tiếng người thương rủ rỉ trong tai, kể rằng quê ta thắng Mỹ rất ngon và hai đứa mình là bông bạc vẫy hai ngón giữa dòng?

10-1971

Chú thích:
(1) Đi đường này không được… Đường kia tốt. Tôi dẫn xê mình
- Nhiều Mỹ không?
- Không có
(2) Tiếng dùng để gọi lính Mỹ.
(3) Bài hát của Lưu Hữu Phước
(4) Đường này đi đến nhà tôi được không, anh Thiêm? Nhớ vợ quá (Tiếng Gia Rai).
(5) Tôi không nói được tiếng Gia Rai!

LỜi NGƯỜi VIẾT


Cuối sách, tôi xin đề gửi lòng biết ơn không bờ bến tới đồng bào đồng chí ở Tam Kỳ và Bình Sơn – hai huyện bao quanh khu căn cứ Chu Lai – đã nuôi dạy và che chở cho tôi suốt những năm tôi công tác tại đấy.
Tôi cũng xin nhắc rằng tất cả những tên người, tên đất, tên sự kiện lịch sử trong tiểu thuyết này đều là mượn tạm hoặc do tôi đặt ra.
Phan Tứ
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Bảy, 2009, 06:38:05 pm gửi bởi hoacuc » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #161 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2009, 06:38:14 pm »

Gặp cô “Mẫn” trong Mẫn và Tôi của Phan Tứ

Trung Việt (Phụ nữ TP)

Tôi nhìn kỹ bà. Tháng năm đã xô những vết ngang dọc trên gương mặt của người đàn bà 71 tuổi. Nếu tìm có tấm ảnh của “tuổi 20 yêu dấu”, hẳn khó hình dung tuổi 20 của cô Mẫn xinh đẹp, chỉ huy 12 đơn vị du kích của vành đai diệt Mỹ ở Chu Lai-Núi Thành - Quảng Nam. “Sao mày biết tao là Mẫn?”. Tôi cười: “Ai mà không biết”. “Lứa tao mới biết chứ lớp trẻ biết gì”.

Ngoài sân, nắng lên gay gắt. Vùng bán sơn địa như Tam Mỹ đây, vốn kín gió, lại càng oi nồng. Cả gia tài của đời văn Phan Tứ được sinh ra từ cái chòi canh chuột ăn kho thóc của tuyên huấn khu 5, vùng nóc ông Bền và Tứ Mỹ - Kỳ Sanh này. Cách đây mấy năm, bà Thanh - mẹ nuôi của Phan Tứ, bà “Má Bảy” ấy, mất, thọ 107 tuổi. Bà Phận ngoắt tay chỉ vào gốc mít góc vườn: “Chỗ đó, trước có cái hầm, hễ động là ông Tứ vọt xuống nấp”.



Bà Võ Thị Phận

Tôi kể cho bà nghe, có lần gặp một người là cán bộ xã, bị ổng thuyết giảng lý luận văn học về bà, rằng bà ấy là cô Mẫn đấy, nhưng cô Mẫn trong Mẫn và tôi là chỉ huy du kích 12 xã vành đai Chu Lai, chứ bà Phận chỉ làm giao liên, phụ nữ, rồi binh vận thôi. Ông còn móc tiếp một câu: Anh biết nhân vật văn học chứ, đó là sự nhào nặn nhiều con người để thành một, cho nên bảo đúng cũng được, không cũng chẳng sao! Tôi hỏi: Nếu tôi, mọi người đọc Mẫn và tôi bảo đúng là thế, anh nghĩ sao? Vì sao trong nhà bả treo ảnh Phan Tứ trên bàn thờ?

Phan Tứ vào chiến trường miền Nam năm 1960. Bà gặp ông giữa đường khi đi cáng thương binh. Một tháng sau, uỷ ban dẫn ông vào nhà cha bà, nói rằng cho uỷ ban gửi một tháng. “Lúc đó tao mới 20 tuổi, dám để ý ai. Tứ Mỹ-Kỳ Sanh là vùng đất giải phóng đầu tiên của Quảng Nam; bộ đội, cán bộ đi về như nước chảy, có biết ai là ai. Sau đó, tao học một lớp đào tạo cán bộ ở Quảng Ngãi, lại gặp ông Tứ giảng bài về dân vận, chiến tranh du kích, binh vận. Phan Tứ ở vùng đất này đến năm 1965 mới đi hẳn”.

Đột ngột bà quay sang tôi: “Mày đọc Mẫn và tôi chưa?”. Tôi phì cười, đọc nát rồi cô ơi. “Vậy mày giải thích tao nghe vì sao trong đó ổng viết “Út cõng em”. Út mà sao lại có em?”. Tôi bó tay. “Chỉ có ở đây mới biết thôi. Tao là Út Phận. Mẹ tao thiếu con trai nên xin một đứa con nuôi. Nó là em tao, tên là Võ Sầm, gọi là cậu Mười , hiện đang sống ở thôn 8”.

“Cô biết không, con vào internet, thấy nhiều người, lớn có nhỏ có, đều khen tình yêu của cô Mẫn và anh Thiêm là quá đẹp, quá lãng mạn, một tình yêu đẹp nhất trong văn học chống Mỹ”. “Thế à? Tao nhà quê làm gì biết họ nói gì”. Nói xong, bà chống cằm nhìn ra sân, không nén được tiếng thở dài. Tiếng con mọt kẽo cọt xà nhà. Tôi nhìn lên, ngay cây cột đỡ cạnh bàn thờ, trên cao là ảnh nhà văn Phan Tứ. Ông đã thành người thiên cổ. Tôi cố nhớ những trang ông viết về tình yêu giữa anh Thiêm và cô Mẫn. Cứ tưởng tượng một cô gái trẻ măng, quấn khăn dù, áo bà ba, khoác AK, nắm tay một anh nhà văn mới qua tuổi 30, vai xắt cốt, hông đeo súng ngắn, đi dưới ánh trăng non, sau lưng họ là khoảnh rừng vừa cháy do bom... Tình yêu của cô Mẫn và anh Thiêm đã lay động trái tim bao thế hệ đọc sách. Một tình yêu lý tưởng, hiểu theo nghĩa đúng của tình yêu, chứ không phải thứ lý tưởng lên gân, bởi Phan Tứ đã viết bằng cả sự dấn thân và trải nghiệm, với tư cách là người trong cuộc.

Bà phá sự im lặng bằng giọng trầm tưởng, mà tôi nghe như đang có những giọt mưa, giọt mưa của ký ức vun đầy và vỡ tan. “Gặp miết, sao mà không yêu được. Tao biết ổng thương tao là do ăn chén chung. Thì sáu người mà chỉ có ba cái chén. Tao với ổng một chén, người ni ăn xong chuyển sang người kia. Tao đi đâu ổng đi đó. Khi ổng chuyển lên cái chòi cách đây 3km, cũng mình tao đưa thức ăn, áo quần lên. Có bữa nó nện bom nhiều quá, về không được, ổng lo. Tao nói: Không về được thì ở lại đây ngủ. Ổng nói : Ừ, lâu rồi mới nghe nói rứa! Ổng khó tính, gay lắm nghen mày, dễ gì để ổng ưng. Tao hồi đó mà lí lắc, cà chớn, sao lọt mắt ổng được”.

Bà khóc. Lần đầu tiên tôi chứng kiến một người già khóc vì tình yêu. “Yêu lúc nào làm sao mà nhớ, thì cùng đi cùng làm việc với nhau mà. Ổng ở nhà tao mấy năm chứ ít đâu”. Bà cắt lời tôi rồi khóc tiếp. Tôi đứng dậy, ra ngoài. Trưa trung du như tấm gương cầu khổng lồ, loáng nắng vòm lá và cây rừng. Những cánh rừng một thời Phan Tứ đã sống và viết. Những cánh rừng của cô Mẫn và anh Thiêm cùng chạy tránh pháo, cùng tâm sự lúc vắng người, cùng xẻ chia cái nhìn sau một đợt pháo. Những khoảnh khắc chỉ là khoảnh khắc, nhưng sẽ là dài vô tận, bởi nó được sinh ra từ chiến tranh với bao điều không lý giải được. Ngay cả bà Phận, đến khi ngồi cùng tôi đây cũng ngơ ngác đến nao lòng.

***

Chung quy cũng là chuyện ra đời của một con người. Tôi đến, không có anh ở nhà, mà đang bận dạy ở trường xã. Anh là Phan Thế Huẫn. “Lúc đầu tên nó là Uẩn, do cha tao đặt, dụng ý: nó là đứa con của uẩn khúc, hơn nữa chiến tranh, lỡ sau này có đi lạc, thì cái tên khó nghe lại dễ tìm. Sau tao thấy khó kêu quá nên đặt là Huẫn”. Anh Huẫn sinh năm 1963.

“Sinh nó được sáu tháng thì ổng đi, nhắn tao đưa con lên gặp. Mấy chị em dẫn lên, ổng bồng nó, dặn tao “trời đất cho đứa con, tụi mình không biết đứa nào chết trước đứa nào, em ráng nuôi con”, xong, đưa ra chiếc nhẫn vàng “em giữ nó, khi nào khó khăn quá thì bán nuôi con”. Tao lắc đầu, ở nhà lo gì. Ai ngờ, khi bồng con về thì chị tao la lên: “Nó đeo chiếc nhẫn vào ngón chân cái thằng cu nè". Nhẫn tao còn giữ đấy. Xong, ổng đi luôn”. “Giải phóng ra, ổng có gặp cô không?”. “Tao nghe nói năm 1977, ổng có ghé về, gần đến nhà, không hiểu sao quay ra lại. Biệt luôn. Năm ổng mất, thằng Huẫn có ra, xin được chít khăn tang".

Tiễn tôi về, bà bảo, ngày kia là giỗ ông Tứ rồi. Hễ ngày nào giỗ, đêm đó thế nào cũng chiêm bao thấy ổng về. Cách đây một tuần, lại thấy ổng về, rủ ra ruộng ngồi chơi. Lạ quá! Tao nhớ hoài lời ổng nói khi chia tay: “Em yên tâm, sau này nếu không ở với nhau được, anh cũng làm điều đó cho em thanh thản. Thế mà...”.
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Bảy, 2009, 07:46:04 pm gửi bởi hoacuc » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #162 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2020, 10:31:11 pm »


        Chị Út Phận, bóng dáng ngoài đời của nhân vật Mẫn trong "Mẫn và Tôi" đã một thời là sách gối đầu giường của thế hệ thanh niên thời chống Mỹ mới qua đời vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 31 tháng 8 năm 2020. Trong giờ phút tiễn biệt chị, tôi xin giới thiệu lại Truyện ký về con đường tìm cách giải oan thân phận chính trị cho chị Út do tôi viết sau khi chúng tôi đã hoàn thành công việc.

        
NỖI OAN CỦA “MẪN”?.

        Truyện Ký của Phạm Thông

        Cách đây 5 năm, theo yêu cầu của Huyện ủy Núi Thành tôi viết quyển sách "Núi Thành đất và người kiên trung" tập 3. Tôi viết và xuất bản đúng thời hạn. Đây cũng là cơ hội để tôi nhắn gửi trong bút ký của mình về trường hợp chị Út Phận ở Vùng 3, thôn 8, xã Kỳ Sanh nay là Tam Mỹ Tây- một xã rất anh hung, nhưng riêng chị Út đã chịu oan khúc mấy chục năm sau ngày giải phóng đến nay. Nếu "lọt qua" được Hội thảo nhân chứng lịch sử thẩm định tại huyện ủy, sách sẽ ra, tôi thực hiện được một phần ước nguyện của mình. Bởi tôi đã tiếp xúc chị Út nhiều lần, lần nào chị cũng đau đáu về nỗi đau tột cùng thân phận. Bằng linh cảm, tôi biết chị bị oan. Một nỗi oan kêu không thấu trời!

        Tôi bắt đầu câu chuyện của một đồng chí chiến sĩ cách mạng trung kiên tại xã Tam Xuân thuộc huyện Núi Thành. Nhân chuyện này tôi gửi gắm về thân phận chị Út ở trang cuối cùng, bởi đồng chí này giao nhiệm vụ cho chị.

        Đồng chí ấy là cơ sở cách mạng do ông Đỗ Thế Chấp, ông Võ Ngọc Hải cán bộ phân công ở lại miền Nam cài cắm từ năm 1955 đến 1959 thì thoát ly lên chiến khu. Đồng chí được kết nạp Đảng vào tháng 11 năm 1958, đấy là lúc cách mạng miền Nam thoái trào đến mức đen tối. Đồng chí vào Đảng trong khi địch đã giết, bắt bỏ tù gần hết cán bộ, đảng viên, đánh tan nát hết cơ sở cách mạng, đó là một trong những trường hợp đặc biệt hiếm hoi tại địa phương Tam Kỳ. Tôi không thể viết riêng cho chị Út Phận một chuyện, vì mọi thứ chưa rõ ràng, lập tức bị phản ứng từ phía những người kiên trung theo hướng khư khư "Út Phận là gián điệp". Tại nơi cư trú của chị, từ Đảng ủy, Ủy ban nếu có người quan niệm khác cũng không dám tỏ thái độ. Bao nhiêu cuộc họp về thân phận chính trị của chị Võ Thị Phận, đồng chí Bí thư xã cũng đều kết luận "y án". Những đồng chí cán bộ kỳ cựu như ông Lê Tư Đặng, từng làm Trưởng ban An ninh, Chủ tịch huyện Nam Tam Kỳ trong chiến tranh, sau này tiếp tục làm Chủ tịch huyện Núi Thành hay anh Đỗ Viết Can - Phó ban Binh vân tỉnh Quảng Nam thời chống Mỹ được xã mời đến dự họp về trường hợp của chị. Họ nói, họ thanh minh cho chị Út, xã không nghe, tức tối bỏ về. Thương Út Phận mà hai ông đành bất lực trước con dấu của Đảng ủy và Ủy ban xã. Họ có tổ chức, họ có tư cách pháp nhân, họ nắm con dấu mà họ khư khư như vậy, các ông đành bất lực.

        Tình hình như thế mà tôi dám ghé vào một đoạn về thân phận chị ấy cũng đã cố sức lắm rồi. Gửi gắm vào truyện của đồng chí Can, thông qua đồng chí nhiều lần, đồng chí đồng ý có nghĩa là cùng chịu trách nhiệm với tôi. Có như thế tôi mới yên tâm trước phản ứng của những đồng chí cũng rất kiên cường trụ bám tại Kỳ Sanh nhưng rất khác ông Can, ông Đặng... về thân phận chính trị của Út Phận. Bởi ông Can, ông Đặng là những thủ trưởng trực tiếp quản lý hoạt động của Út Phận thời đó, tôi chỉ là người viết chuyện, là người tiếp cận câu chuyện để diễn đạt thành văn với một lòng tin trinh bạch mà thôi. Tôi cũng là người kháng chiến nhưng công tác ở nơi khác, lĩnh vực khác làm chi có tư cách để bảo vệ cho chị Út. Viết không đúng với sự thật lịch sử, họ khởi kiện tôi, kiện luôn tòa báo đăng bài. Xã mà kiện là mình gãy bút, nát danh dự chứ chuyện chơi đâu...

        Và tôi nghĩ câu chuyện của chị Út gửi được vào bút ký "Những năm tháng không thể nào quên", trong đó đồng chí Đỗ Viết Can là nhân vật chính được in báo, in vào Tập sách do Ban Tuyên giáo huyện Núi Thành chịu trách nhiệm xuất bản như một cử chỉ tưởng về chị, níu kéo một chút công lao của chị trong thời khắc gian nguy, động viên chị vào năm tháng cuối đời. Tôi không dám ước mong gì khác.
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Chín, 2020, 04:59:39 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #163 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2020, 05:00:09 pm »


        Một hôm đột ngột nhận cú điện thoại của người lạ, tên là Vũ Hồng Sơn:

        - Anh có phải Phạm Thông, người viết bút ký có nói về chị Út Phận. Anh ở Tam Kỳ, Quảng Nam phải không?

        - Sao anh biết tôi, biết cả tôi viết bút ký đó nữa?

        - Tôi đọc ở trên báo Quảng Nam, đọc kỹ, đọc trọn vẹn mấy kỳ báo.

        - Sao anh biết số điện thoại của tôi? Anh ở đâu, có chuyện gì về bút ký đó không? Anh ở cơ quan nào mà chú ý đến tác phẩm của tôi vậy?

        - Tôi ở Hà Nội, tôi làm doanh nghiệp. Thế hệ tôi thì tác phẩm Mẫn và Tôi là tiểu thuyết gối đầu giường. Nay thấy nhân vật lý tưởng của chúng tôi lại là một gián điệp, bức xúc quá tôi điện thoại cho Tổng biên tập báo Quảng Nam hỏi số điện thoại của anh. Nay tôi liên hệ thử anh em mình có làm gì được cho chị Út Phận không. Tôi có quen biết, coi như người nhà với một đồng chí cán bộ chủ chốt của Trung ương Đảng, đồng chí ấy biết chuyện này sẽ quan tâm. Tôi đưa cho đồng chí 3 kỳ báo Quảng Nam, đồng chí đã biết chuyện.

        - Ừ thì tôi không biết anh là ai, nhưng đến với nhau bằng trái tim, chúng ta hãy cùng quan tâm, cùng làm, được chi thì được, để vậy tội nghiệp chị Út quá. Mấy chục năm nay rất nhiều lần chị kêu oan. Những lời kêu oan của một người phụ nữ trong xóm lẻ, bên hóc núi giống như những viên sỏi ném xuống nước thôi mà. Nhiều cán bộ kỳ cựu thanh minh cho chị, nhưng không qua nổi những người ở cơ sở, bởi họ cũng rất kỳ cựu. Tôi và anh làm việc này là đi giữa lằn ranh mâu thuẫn về một vấn đề hệ trọng mà những người cách mạng kỳ cựu trong chống Mỹ ở Núi Thành, đặc biệt ở xã Tam Mỹ (Kỳ Sanh cũ) đinh ninh trong ký ức rất khác nhau.

        Tôi bám vấn đề của chị Út từ lâu, tôi cũng thân với Phan Thế Huẩn là con trai của người mẹ oan khúc. Huẩn sinh năm 1963, cùng thời với nhà văn về Kỳ Sanh tiếp cận thực tế chiến trường hình thành hai tác phẩm: Gia đình Má Bảy, Mẫn và Tôi. Thế Huẩn lọt lòng trong sự kín tiếng của mẹ về gốc tích người cha. Cha Huẩn là ai? Chỉ có mình chị biết. Một mình chị mang tiếng đời, một mình chị bị tổ chức kiểm điểm... Và Huẩn cũng chịu nỗi oan không cha từ khi lọt lòng cho mãi tới hôm nay. Chị Út phải chịu nỗi oan kép: Nỗi oan nước, nỗi oan nhà...

        Hồng Sơn lại gọi điện thoại:

        - Theo anh chị Út có bị oan thiệt không, khẳng định xem nào. Anh bảo "chắc" thì em vào ngay. Nếu là oan thì người như anh phải cố mà làm rõ. Cố nghe anh! Em chỉ là người thấy chuyện uẩn khúc giữa đời, anh là người địa phương, là người cùng thời chống Mỹ mà để chị Út như vậy là có lỗi. Anh em mình phải thử sức, nếu không được chi cũng thỏa lòng.

        - Bằng trực giác, bằng sự theo dõi có hệ thống cả về quá trình lịch sử vùng đất cùng với những tư liệu, thư từ do chị Út lưu trữ, tiếp cận những nhân chứng lịch sử đáng tin, anh dám chắc chị bị oan. Nhưng cuộc chiến quá phức tạp, lòng người đổi thay mấy chốc trước sự sống và cái chết, trước bao nhiêu cám dỗ, vì thế phải có một cuộc sưu tra hệ thống mới khẳng định. Nay được sự hỗ trợ của em, anh cảm giác em không phải là một doanh nghiệp mà đang làm việc chi đó khá quan trọng ở Hà Nội. Thôi kệ em, em làm chi cũng được miễn là có tấm lòng. Em vào với anh. Anh đợi!

        Sau 5 ngày một chiếc xe con mang biển số Hà Nội đến nhà:

        - Giới thiệu với anh em là Sơn, còn đây là Tuấn luật sư, bạn thân của em. Nghe chuyện hay quá cậu ta tự nguyện cùng đi đến vùng đất Mẫn và Tôi, Gia đình Má Bảy. Nơi có những nhân vật lý tưởng một thời của tụi em. Em lái xe thẳng từ Hà Nội vào đây. Tính là để có phương tiện, chắc phải đi nhiều anh nhỉ...

        Bắt đầu đi!

        Trước tiên chúng tôi đến nhà đồng chí Đỗ Viết Can ở thôn Vĩnh An, xã Tam Xuân. Ông Can lúc này đã 83 tuổi, người không khỏe nhưng đầu óc minh mẫn. Ông kể:

        - Tui nói đây là trên tinh thần của một đảng viên, của một người đã từng vào tù ra tội thời sau 1954, lặn lội ở chiến khu từ 1959 đến 1975. Với bổn phận của một trong những người lãnh đạo ngành Binh vận cấp tỉnh còn sống sót sau chiến tranh mà không bảo vệ được cho những cơ sở của mình, để họ phải chịu oan trái thì chết không nhắm mắt. Tôi rất biết anh Thông, tôi cũng nghe anh Thông báo trước về mục đích chuyến đi của các anh về đất Núi Thành. Tin anh Thông, tin các anh, tôi còn nghe anh Thông nói các anh vào đây là theo ý kiến của đồng chí Trần Quốc Vượng - Thường trực Ban Bí thư. Như vậy đây là một nhân duyên tuyệt vời. Tôi nói hết, nói với tinh thần của một chiến sĩ đã từng vào sanh ra tử. Sống đến bây giờ, hưởng đầy đủ chế độ là quý quá rồi. Tội cho chị Út Phận, bao nhiêu công lao đều không được ghi nhận. Tôi cũng cố gắng nhưng không được, đợt này có các ảnh trên đó lưu tâm thì rất hy vọng.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #164 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2020, 08:59:43 am »


        Năm 1972, tôi là Phó Ban Binh vận tỉnh Quảng Nam về đứng điểm tại các huyện Bắc, Nam và Thị xã Tam Kỳ. Ba đơn vị này trước cùng một huyện, giờ chia tách để phù hợp với sự chỉ đạo tổ chức phong trào cách mạng thời chiến. Đây là địa bàn tôi am hiểu nên cấp trên phân công.

        Tôi gặp anh Nguyễn Lẫm bí thư, anh Lê Tư Đặng phó Bí thư kiêm Chủ tịch và Trưởng ban An Ninh huyện Nam Tam Kỳ, nhờ các anh tìm người thích hợp cài vào các khu tập trung của địch làm công tác Binh địch vận. Các anh giới thiệu chị Võ Thị Phận con ông giáo Quới ở Vùng 3, thôn 8, Kỳ Sanh. Vì chị Út có nhiều phẩm chất thích hợp với công tác này.

        Ai chứ Út Phận thì tôi biết khá rõ. Cô út đẹp người, gái nông thôn nhưng con ông giáo nên có dáng thanh mảnh khuê cát, học đến lớp 4 hồi kháng chiến chống Pháp. Phụ nữ mà thời đó học như rứa là loại hiếm ở các làng quê, tạm gọi là có trình độ. Ông Quới, cô Út đã giúp đỡ chúng tôi ngay trong thời đen tối nhất. Các ông Mười Chấp, Hải Để và sau này có cả tôi cũng đã ăn cơm, ăn gạo, ăn mắm nhà ông Quới tiếp tế từ những năm 1958-1959. Họ là những người dân kiên trung.

        Cô Út còn là người chính thức tham gia làm cơ sở của chúng tôi từ 1960; năm 1962 Kỳ Sanh giải phóng cô làm cán bộ phụ nữ thôn, xã... Nghe nói thời 1962-1963-1964 cô hay đem đường sữa lên tiếp tế cho nhà văn Phan Tứ về Tứ Mỹ, Kỳ Sanh viết tiểu thuyết. Năm 1962 cô được cử đi học bồi dưỡng chính trị dành cho cán bộ cơ sở ở trong tận Ba Tơ, Quảng Ngãi. Mà hay thiệt, khi vào đó cô cũng thấy ông Phan Tứ đang làm công tác chi trong đó nữa. Làm cách mạng gian khổ đến thế mà được như họ cũng hết sức nên thơ. Hằng chi họ nói Tam tứ núi cũng trèo là thế đó. Đây lại là trăm núi ngàn đèo, ba bốn mà kể vô. Thấy vậy, nghe vậy, nói vậy chứ biết chi mô. Chủ yếu là chứng minh tinh thần cách mạng và sự giác ngộ rất sớm của chị Út.

        Luật sư Tuấn sửa sửa cái máy ảnh hình như có cả quay phim và ghi âm. Ông Can liếc nhìn:

        - Mấy chú ghi âm luôn hả, ừ thì chuyện thật mà sợ chi, cứ tự nhiên. Ông tiếp tục:

        - Chị Út mới ra tù được non một năm, nghe nói ở tù Quảng Tín chị giữ vững khí tiết, không khai báo gì có hại cho cách mạng. Chị bị bắt tại Mội ông Thểnh- Kỳ Khương, sát nách quận lỵ Lý Tín. Hôm mồng 2 tết Mậu Thân, khi đoàn biểu tình cánh Tây quận Lý Tín từ Kỳ Sanh giương cờ, biểu ngữ kéo xuống cùng lực lượng vũ trang nổi dậy cướp chính quyền, địch xả đạn thẳng giết chết tại chỗ 13 người. Sau đó vây bắt hàng trăm người. Chúng tra tấn thanh lọc, nhưng mọi người không khai ai là cán bộ. Nhiều cán bộ bự của ta bị bắt, như chị Hồ Thị Kim Thanh từng là huyện ủy viên Tiên Phước, hiện chị là người của Tỉnh ủy cử về phụ trách cuộc nổi dậy của nhân dân vùng tây Lý Tín ( huyện Nam Tam Kỳ). Chị Thanh bị bắt, nhưng dân đã che chở, dân đã sinh kế lừa chúng, bảo vệ và đưa chị thoát chạy. Dân mình kiên cường thật. Cỡ cán bộ như chị Thanh mà rơi vào tay giặc thì tan xương nát thịt.

        Út phận có quá trình công tác, lại được thử thách trong nhà tù đế quốc, tôi giao nhiệm vụ ngay cho chị. Chị ở lại trong khu dồn, làm ăn nuôi con như dân thường; tìm cách giao dịch, bắt nối liên lạc những binh lính có biểu hiện cảm tình với cách mạng, kiểm tra kỹ lai lịch, nắm chắc tư tưởng của đối tượng, thử thách dần dần, thấy chín mùi thì cài cắm làm cơ sở trong lòng địch... Tôi với chị là đơn tuyến và chị với tất cả họ cũng đơn tuyến, một người giao nhiệm vụ một người biết, đường dây từ Ban Binh vận tỉnh xuống tận cơ sở. Báo cáo với ai về việc làm của các anh chị là do tôi phụ trách. Chị đã làm được khá nhiều việc, cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng.

        Có lần tôi nhận từ chị một bản đồ Chi khu Tiên Phước và một bản đồ Tỉnh đường Quảng Tín do một người tên là Hùng, cảnh sát trắng ngụy vẽ khá tỉ mỉ. Hùng có cha tập kết, con bà chi đó ở thôn 5, Kỳ Sanh, lâu ngày quá quên cả tên. Chị bắt nối được với Hùng thông qua mẹ Hùng, điểm liên lạc cũng tại nhà bà ấy. Một lần khác, chị sai thằng Huẩn mới 9 tuổi dẫn hai lính nghĩa quân mang súng về giao cho cách mạng. Hình như hai người đó còn sống, hỏi chị Út thì biết...Chuyện của chị khá nhiều... Có điều này là quan trọng nè: Chị Út là cơ sở chính thức của Ban Binh vận tỉnh, được hưởng phụ cấp hàng tháng. Tôi trực tiếp đưa cho chị. Của ít nhưng đó là sự ghi nhận. Đồng tiền ít ỏi đó là để phụ cho chị nuôi thằng Huẩn. Thằng Huẩn nhỏ rứa nhưng làm theo lời mẹ sai. Tôi đã nhiều lần ăn cơm do thằng Huẩn mang tới chỗ vắng giữa trưa...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #165 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2020, 04:10:55 pm »


        Đùng một cái, tôi nghe tin như sét đánh: Út Phận bị ta bắt giải về trại cải tạo huyện Nam Tam Kỳ vào ngày 28 tháng 2 năm 1975. Từ Bắc Tam Kỳ, tôi tức tốc băng núi vào Trại cải tạo do anh Bá phụ trách, can gián. Anh Lê Tư Đặng nhanh tay hơn. Anh Đặng lệnh thả chị ra. Nhưng rồi cái vết đen đó bám theo chị mãi mấy chục năm, chúng tôi gỡ không ra. Ừ thì tôi giao nhiệm vụ, nhưng làm sao biết được chị Út có bắt cá hai tay hay không. Chị làm cho ta thời gian rất dài, có thể nói xuyên suốt cuộc chiến, nhưng có hay không sự lầm lỡ, tôi không xác định... Thương chị quá mà đành chịu. Cách mạng miền Nam ai làm nấy biết là ở chỗ này đây. Oan hay không là chỗ này đây. Đơn tuyến mà các anh! Đơn tuyến hay chịu nỗi oan cô đơn. Nỗi oan cũng là cái giá của cuộc chiến khốc liệt năm xưa... Trên gò má ông Can bỗng lăn dài những giọt lệ.

        Cám ơn và tạm biệt anh Can, chúng tôi đi gần vài chục cây số nữa vào thị trấn Núi Thành gặp anh Lê Tư Đặng. Anh Đặng lớn hơn anh Can vài ba tuổi nhưng còn phong độ, cười nói vang vang như trước đây 35 năm, một thời làm Chủ tịch huyện Tam Kỳ cũ, nay đã chia ra làm 3 đơn vị hành chính ngang huyện: Thành phố Tam Kỳ, huyện Núi Thành và huyện Phú Ninh. Cũng được tôi báo trước, anh Đặng ngồi ở phòng khách đợi những người khách quý từ Hà Nội vào. Sau khi thăm hỏi, giới thiệu giản đơn theo kiểu cách Quảng Nam, anh Đặng vừa mừng, vừa xúc động vào cuộc:

        - Anh Thông đã giới thiệu nên chúng ta mới có cuộc gặp mặt hôm nay. Nói gần nói xa không qua nói thiệt, người Quảng tui hay nói thế. Thì giờ của các anh không nhiều, các anh có lòng mới vào tới đây, tôi xin phép đi thẳng vào vấn đề. Năm nay tôi đã gần 70 tuổi Đảng, tập kết miền Bắc, có mặt tại chiến trường Quảng Nam từ cuối năm 1960, có một thời gian công tác tại huyện Nam Tam Kỳ cho mãi tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Thời đó tôi làm Chủ tịch kiêm Trưởng ban An ninh huyện. Nói như vậy để các đồng chí biết tôi có những mối liên quan chính trị gần đối với những người hoạt động cách mạng trên địa bàn, kể cả những đồng chí hoạt động đơn tuyến trong vùng địch chiếm. Vì thế lời nói của tôi hôm nay đối với thân phận chính trị của đồng chí Võ Thị Phận là có cơ sở thực tế lịch sử.

        Những ngày hạ tuần tháng 2 năm 1975, được sự phân công của Ban Thường vụ Huyện ủy tôi đứng điểm ở các xã phía bắc huyện Nam Tam Kỳ chuẩn bị cho chiến dịch mùa xuân 1975 tại địa phương. Được tin ở nhà (ở căn cứ của huyện) ta bắt một số cơ sở cách mạng hoạt động hai mặt giải lên cứ, tôi băng núi về ngay. Với linh cảm của một người có chút từng trải, tôi cảm nhận ta có thể sụp bẫy bôi đen của địch. Bọn địch ranh ma lắm, đơn giản là mắc mưu ngay. Về tới nơi, tôi thấy chị Út Phận đã có mặt ở Trại cải tạo huyện. Tôi có ý kiến với anh Nguyễn Lẫm, Bí thư huyện ủy:

        - Anh khoan kết luận, để thời gian cho tôi xuống Kỳ Sanh thẩm tra. Bởi Út Phận là cơ sở binh vận theo đường dây của Ban Binh vận tỉnh, chính tôi và anh giới thiệu. Một con người đã được chọn lọc, kết luận không đúng là tổn hại cho cách mạng, điều này anh quá biết, tôi không dám nói thêm. Linh cảm của tôi Út phận không thể là gián điệp. Dầu ở dưới đó có căng thẳng, có nguy hiểm mấy tôi cũng đi. Vụ này anh em mình phải trực tiếp nghe, trực tiếp khảo sát tình hình mới được...

        Tôi mang gói xuống Kỳ Sanh, nằm ở đó 3 ngày nắm bắt tình hình thực hư ra sao. Út Phận làm công tác Binh vận phải gần gũi với lính, dân thấy sinh nghi. Chị làm thì cấp trên biết chứ dân làm chi biết được, thậm chí các đồng chí ở xã cũng không biết. Họ nhìn hiện tượng suy bản chất. Chị phận ở Khu dồn, thỉnh thoảng ra vùng giải phóng liên hệ công tác, họ lại càng nghi: "Bà này đi nắm tình hình để chỉ điểm chứ đi đâu". Rồi một hôm chị về vùng giải phóng có gặp các đồng chí du kích, tối hôm đó pháo bắn trúng chỗ các anh ấy nằm, chết mấy người. Rồi hôm khác, các đồng chí đi công tác bị phục chết mấy người, trong đó có một huyện ủy viên, dân cũng thấy chị Út thoáng về thôn Tám. Rứa là họ kết luận Út Phận chỉ điểm. Trong chiến tranh tình hình quá gấp gáp, chết sống như trở bàn tay, đâu có thì giờ nghiên cứu cho kỹ, dễ nhầm lẫn lắm các đồng chí ạ. Nghiệt nỗi vỡ lỡ là chết cả đám. Buộc phải xử lý nhanh, nhưng nhanh quá thì không chín...
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #166 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2020, 08:10:56 am »


        Tôi điều tra, đối chiếu mọi hành xử, mọi hành động thấy Út Phận hoàn toàn ngoại phạm. Chị Út ra vùng giải phóng, chớp nhoáng trở lại khu dồn, địch quản lý dân vô cùng nghiêm ngặt, ở lâu chúng sinh nghi. Với thời gian ít ỏi như vậy chị làm sao biết tối đó anh em ta đi đường nào, ngủ ở đâu. Thời đó anh em du kích, cán bộ xã di chuyển liên tục, tối ở chỗ này khuya ở chỗ khác, hôm nay đi đường này mai đi đường khác, chị Út không thể biết được. Kiểm tra trong khu dồn, cơ sở báo chị Út hai hôm đó 5 giờ chiều đã có mặt. Đối chiếu mọi lý lẽ, tôi lập tức về căn cứ, xin ý kiến anh Lẫm thả ngay chị Võ Thị Phận.

        Nhưng chị Phận ở trong Khu Dồn, nay lại mất tích mười ngày, nữa tháng, địch bảo chị thoát ly ra vùng giải phóng. Về lại là chúng chụp ngay. Rất nguy hiểm. Tôi có ý kiến chuyển chị sang bộ phận lương thực huyện, đi khai thác lương thực phục vụ chiến dịch đang trên đà mở ra với khí hừng hực. Phóng tích vô điều kiện chị là có giấy tôi ký đàng hoàng, không biết có còn lưu trữ hay không. Chiến tranh, lưu trữ ở cấp huyện sơ sài, đến cái ảnh cá nhân mà không giữ nổi, có lẽ là lệnh không còn. Một điều trăn trỡ, chi Út một mẹ một con, thằng Huẩn con chị sẽ ra sao. Nhưng có thể yên tâm, trong khu dồn mấy người chị ruột của Út Phận sẽ cưu mang cháu. Chị Út cũng hy vọng như thế.

        Anh Can và tôi đã nhiều lần lên tiếng về Võ Thị Phận, nhưng mình đã về hưu hết quyền, không bảo vệ được. Chuyện cũng đã quá lâu, chuyện xảy ra lúc Út Phận mới ba mươi nay đã gần tám mươi, tui ba lăm nay đã trên tám mươi. Thời gian trôi hun hút, ký ức đứt gãy, phai nhòa. Nhưng cái chi liên quan hệ trọng đến đồng chí, đồng đội, chúng tôi không bao giờ quên. Tóm gọn những nét chính về vụ Võ Thị Phận, tôi trực tiếp xử lý là vậy. Các đồng chí đi đợt này sẽ gặp nhiều nhân chứng, đồng thời có sự hỗ trợ của cấp trên, may đâu trả lại được thân phận cho chị Út. Ờ mà nghe nói chị Út còn là hình mẫu ngoài đời của tiểu thuyết, biết đâu các đồng chí sẽ góp phần "trả lại tên cho em" thì thật là tuyệt vời.

        Ngày hôm sau chúng tôi đến nhà chị Út Phận. Chị Út, Huẩn, con dâu, cháu gọi dì ruột đón tiếp chúng tôi. Tất cả các hồ sơ chị đã để sẵn trên bàn. Đầu tiên chị đưa cho Sơn xem tập lý lịch làm khi giải quyết chế độ nghỉ việc:

        - Người ta chỉ cho tôi hưởng chế độ rất ít ỏi, họ tính từ khi tôi được thả ra khỏi trại cải tạo vào đầu tháng 3 năm 1975 đến năm 1981. Có nghĩa họ chỉ tính cho tôi thời gian công tác trong ngành lương thực của huyện Tam Kỳ cũ, những phần tôi khai từ năm 1960 đến 1975 đều bị bỏ qua. Đây đây, có bút tích của ai tui không biết mà đành đoạn như vậy đây. Tôi nói mấy, kêu mấy cũng không được. Đến đoạn làm hồ sơ có công để thưởng huân, huy chương tôi cũng trớt hướt. Đó đó, các anh ngó trên tường nhà tôi có cái giấy khen, bằng khen nào đâu... Bà chỉ cô cháu, giọng hơi uất nghẹn:

        - Con cháu này tuổi thân, sinh 1956 mà có huân chương hạng Ba, hắn hưởng chế độ có công cách mạng.

        Vùng đất này hầu như ai cũng có chế độ, thời đó trai gái nào trộng xác đều tham gia du kích. Không du kích chính thức thì du kích B. Út Phận thì đã mười mấy năm lăn lộn với hiểm nguy mà thằng con trai duy nhất đi học cao đẳng cũng xét lên, xét xuống. Bà lại uất nghẹn:

        - Cái số tui sao mà khổ vậy. Có lẽ ông già Quới biết trước nên đặt cho tui cái tên Phận. Số phận, phận người hay sao vậy.

        Nói thiệt với chú, thời con gái tui phơi phới, da trắng non mà xông pha không kể chết, ăn nói vận động quần chúng đâu ra đó. Xuân Mậu Thân tôi trong tổ đi đầu của đoàn biểu tình kéo xuống quận lị Lý Tín. Tôi bị bắt nhốt ở nhà lao Quảng Tín gần 3 năm. Bà lại xìa ra miếng giấy:

        - Giấy tui xin được của Công an huyện Núi Thành sao lục từ tàng thư của địch có ghi đây: " Võ Thị Phận là tên Việt cộng ngoan cố". "Ngoan cố" thiệt, tui không khai vấn đề gì có hại cho cách mạng trong suốt thời gian ở tù. Tui mà phản thì phản lúc ở tù. Trong tù bọn địch dùng mọi cực cực hình, thủ đoạn mua chuộc, tôi vẫn chịu đựng được. Thế thì khi ra tù lấy cái cớ chi nói tôi phản, bắt cá hai tay. Chắc ông Can đã nói hết cho các chú nghe rồi. Ổng nói chi cho hết được, chắc chỉ nói giai đoạn biết tui, giao nhiệm vụ cho tui. Út thò tay rút miếng giấy của bà Năm Mãi xác nhận, đại ý: "Chị Võ Thị Phận là cán bộ cơ sở của phụ nữ huyện, cán bộ phụ nữ thôn, phụ nữ xã liên tục nhiều năm...".
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #167 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2020, 07:02:35 am »


        Chị Út là cán bộ ở cơ sở trước khi bị địch bắt, chuyện đó ai cũng biết. Một người dân thường đội bom, đội pháo, nhà cháy chục lần, che lều ở trong bụi lau, bụi lách trụ tại vùng giải phóng chừng đó năm trời cũng đủ để thưởng huân chương, huống chi chị Út là một cán bộ phụ nữ. Thằng Huẩn lách địch đem cơm cho cách mạng, mới 10 tuổi đã nghe mẹ dẫn lính ngụy về giao súng cho cách mạng, đến ngày đất nước thái bình phải bị xét đi xét lại khi làm giấy tờ đi học cao đẳng sư phạm, đau như nhát dao cứa ruột chị Út. Tức!

        Sẵn trớn nói về Huẩn, chị Út chạy vào buồng lấy quyển Mẫn và Tôi đã cũ, rất cũ:

        - Tôi đọc nát quyển sách này. Ổng viết, ổng tả i sì tôi. Người ta bảo tôi nhận vơ là nhân vật ngoài đời của Mẫn. Thế tôi hỏi lại: Không tôi thì là ai? Đành rằng nhân vật trong tiểu thuyết không thể giống hoàn toàn ngoài đời, nhưng có bột mới khuấy nên hồ. Tôi hỏi Út Phận này không phải là bột thì bột đó ở mô, trong khi ông Bốn Gương về đây rất lâu, rất thân với ông già tôi, ăn cơm ăn mắm, ở nhà tôi. Nói đến ông Bốn thì từ làng này lên tới Đồng Cố, Tứ Mỹ người dân trụ bám ai mà không từng thấy ổng.

        Cách đây mười mấy năm, hai nhà báo cùng với thằng Huẩn lên nhà bà Trần Thị Tranh- Nguyên mẫu của tiểu thuyết Gia đình má Bảy. Lúc đó bà đã trên 90 tuổi, rứa mà 3 đứa ngồi trên một hàng ghế, Út Lợi - con bà, hỏi: "Mẹ coi ba đứa ni thì đứa mô giống Bốn Gương". Bà Tranh lại gần, nhìn qua một lượt, ôm thằng ngồi giữa khóc sướt mướt. Bà già Tranh biết chuyện lắm đấy. Bà còn lên tiếng:

        - Các ông Bốn Hương, Mười Chấp hồi đó làm đến Bí thư Tỉnh ủy, Phó bí thư Tỉnh ủy, to như hòn núi rứa mà đều về đây thăm tau, Bốn Gương ở đâu mà hai mươi mấy năm không thấy mặt. Tau nhớ lão lắm, tau coi lão như con. Tau nhớ miết, sau khi giải phóng Tứ Mỹ vào tháng 8 năm 1961 độ một hai năm, địch thả bom tấn, bom xăng định hủy diệt cả làng, nhà cháy người chết la liệt. Hồi đó tau còn mạnh, chạy vào núi. Sau trận bom lão đến coi tau còn hay mất. Thấy tau an toàn, lão mừng ra nước mắt. Lão bày tau, khi có pháo có bom thì xuống hầm tại chỗ, không chạy. Nằm tại chỗ may còn sống, chạy mảnh xén ngang lưng, ngang chân. Tau nhớ miết lời của lão Bốn dặn. Rứa mà từ ngày giải phóng đến nay biệt tăm, tau nhớ, tau buồn lắm.

        Hồng Sơn về Hà Nội một tháng chờ đơn, nhiều lần gọi điện thoại cho tôi. Tôi xác định mấy ông này quyết tâm thật. Đơn do chị Út Phận ký đến với đồng chí Thường Trực Ban Bí thư và lãnh đạo tỉnh cùng lúc. Các đồng chí ở tỉnh ra họp Trung ương có nhận ý kiến chỉ đạo của cấp trên về vụ chị Võ Thị Phận. Tỉnh triển khai, các đồng chí ở bộ phận chuyên môn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy bắt đầu vào cuộc. Mấy em được phân công tiệm cận nhân chứng và có thể (theo tôi nhận đinh) phối hợp với công an thẩm tra tàng thư của địch.

        Rứa là tôi hết trách nhiệm. Ngồi chờ, lo lắng. Lo mà tin.

        Bởi nghe đâu các em vào cuộc rất quyết liệt. Đúng một năm tròn, tháng 3 năm 2019, toàn bộ hồ sơ liên quan đến chị Võ Thị Phận được bạch hóa.

        Nghe Huẩn nói khi cho chị biết tin giải oan, con dâu, con ruột phải ngồi sát bên mẹ. Mấy đứa sợ mẹ lên huyết áp bất ngờ. Mừng quá, không khéo lại khổ.

        Nỗi oan nước đã giải quyết. Chị Út được trả chế độ tù yêu nước. Nhưng việc làm chế độ có công còn khó, vì mỗi giai đoạn phải có 2 người chứng mà nhân chứng từ 1960 đến 1975 còn lại rất ít. Khó! Tôi nói với Huẩn:

        - Khó mấy cũng cố làm cho mẹ, vì cái khó nhất đã vượt qua. Chú thấy chị Út sức khỏe ngày càng tệ, cố lên.

        Nghe nói mọi việc xong, Vũ Hồng Sơn từ Hà Nội băng vào ngay. Nhưng lần này băng trên trời, gọn nhẹ, nhanh chóng hơn. Thấy Sơn, Tuấn vào chị Út mừng rơi nước mắt:

        - Các em đã trả lại được thân phận cho chị sau 44 năm. Chị cám ơn các em vô cùng.

        Hồng Sơn lễ độ:

        - Chuyện này thì các em phải có trách nhiệm, đó là nghĩa cử của thế hệ các em. Mong chị sức khỏe để sống an nhiên cùng con cháu. Chủ yếu là các đồng chí ở cơ quan có trách nhiệm, họ đã tiến hành công việc cẩn trọng, công tâm, công phu. Ghi nhận là ghi nhận các đồng chí trẻ ở các cơ quan. Họ làm việc liên quan đến chị như làm cho mẹ, cho bà.

        Hai đứa cháu nội của chị Út cũng có mặt trong cuộc gặp gỡ thành công này. Hai đứa con trai của Huẩn, đứa lớn nhận bằng tiến sĩ khoa học ở Úc lúc 27 tuổi, làm chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại nước sở tại; một đứa đang làm hướng dẫn không lưu tại sân bay Đà Nẵng.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #168 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2020, 01:11:57 pm »


        Chị Út là cán bộ ở cơ sở trước khi bị địch bắt, chuyện đó ai cũng biết. Một người dân thường đội bom, đội pháo, nhà cháy chục lần, che lều ở trong bụi lau, bụi lách trụ tại vùng giải phóng chừng đó năm trời cũng đủ để thưởng huân chương, huống chi chị Út là một cán bộ phụ nữ. Thằng Huẩn lách địch đem cơm cho cách mạng, mới 10 tuổi đã nghe mẹ dẫn lính ngụy về giao súng cho cách mạng, đến ngày đất nước thái bình phải bị xét đi xét lại khi làm giấy tờ đi học cao đẳng sư phạm, đau như nhát dao cứa ruột chị Út. Tức!

        Sẵn trớn nói về Huẩn, chị Út chạy vào buồng lấy quyển Mẫn và Tôi đã cũ, rất cũ:

        - Tôi đọc nát quyển sách này. Ổng viết, ổng tả i sì tôi. Người ta bảo tôi nhận vơ là nhân vật ngoài đời của Mẫn. Thế tôi hỏi lại: Không tôi thì là ai? Đành rằng nhân vật trong tiểu thuyết không thể giống hoàn toàn ngoài đời, nhưng có bột mới khuấy nên hồ. Tôi hỏi Út Phận này không phải là bột thì bột đó ở mô, trong khi ông Bốn Gương về đây rất lâu, rất thân với ông già tôi, ăn cơm ăn mắm, ở nhà tôi. Nói đến ông Bốn thì từ làng này lên tới Đồng Cố, Tứ Mỹ người dân trụ bám ai mà không từng thấy ổng.

        Cách đây mười mấy năm, hai nhà báo cùng với thằng Huẩn lên nhà bà Trần Thị Tranh- Nguyên mẫu của tiểu thuyết Gia đình má Bảy. Lúc đó bà đã trên 90 tuổi, rứa mà 3 đứa ngồi trên một hàng ghế, Út Lợi - con bà, hỏi: "Mẹ coi ba đứa ni thì đứa mô giống Bốn Gương". Bà Tranh lại gần, nhìn qua một lượt, ôm thằng ngồi giữa khóc sướt mướt. Bà già Tranh biết chuyện lắm đấy. Bà còn lên tiếng:

        - Các ông Bốn Hương, Mười Chấp hồi đó làm đến Bí thư Tỉnh ủy, Phó bí thư Tỉnh ủy, to như hòn núi rứa mà đều về đây thăm tau, Bốn Gương ở đâu mà hai mươi mấy năm không thấy mặt. Tau nhớ lão lắm, tau coi lão như con. Tau nhớ miết, sau khi giải phóng Tứ Mỹ vào tháng 8 năm 1961 độ một hai năm, địch thả bom tấn, bom xăng định hủy diệt cả làng, nhà cháy người chết la liệt. Hồi đó tau còn mạnh, chạy vào núi. Sau trận bom lão đến coi tau còn hay mất. Thấy tau an toàn, lão mừng ra nước mắt. Lão bày tau, khi có pháo có bom thì xuống hầm tại chỗ, không chạy. Nằm tại chỗ may còn sống, chạy mảnh xén ngang lưng, ngang chân. Tau nhớ miết lời của lão Bốn dặn. Rứa mà từ ngày giải phóng đến nay biệt tăm, tau nhớ, tau buồn lắm.

        Hồng Sơn về Hà Nội một tháng chờ đơn, nhiều lần gọi điện thoại cho tôi. Tôi xác định mấy ông này quyết tâm thật. Đơn do chị Út Phận ký đến với đồng chí Thường Trực Ban Bí thư và lãnh đạo tỉnh cùng lúc. Các đồng chí ở tỉnh ra họp Trung ương có nhận ý kiến chỉ đạo của cấp trên về vụ chị Võ Thị Phận. Tỉnh triển khai, các đồng chí ở bộ phận chuyên môn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy bắt đầu vào cuộc. Mấy em được phân công tiệm cận nhân chứng và có thể (theo tôi nhận đinh) phối hợp với công an thẩm tra tàng thư của địch.

        Rứa là tôi hết trách nhiệm. Ngồi chờ, lo lắng. Lo mà tin.

        Bởi nghe đâu các em vào cuộc rất quyết liệt. Đúng một năm tròn, tháng 3 năm 2019, toàn bộ hồ sơ liên quan đến chị Võ Thị Phận được bạch hóa.

        Nghe Huẩn nói khi cho chị biết tin giải oan, con dâu, con ruột phải ngồi sát bên mẹ. Mấy đứa sợ mẹ lên huyết áp bất ngờ. Mừng quá, không khéo lại khổ.

        Nỗi oan nước đã giải quyết. Chị Út được trả chế độ tù yêu nước. Nhưng việc làm chế độ có công còn khó, vì mỗi giai đoạn phải có 2 người chứng mà nhân chứng từ 1960 đến 1975 còn lại rất ít. Khó! Tôi nói với Huẩn:

        - Khó mấy cũng cố làm cho mẹ, vì cái khó nhất đã vượt qua. Chú thấy chị Út sức khỏe ngày càng tệ, cố lên.

        Nghe nói mọi việc xong, Vũ Hồng Sơn từ Hà Nội băng vào ngay. Nhưng lần này băng trên trời, gọn nhẹ, nhanh chóng hơn. Thấy Sơn, Tuấn vào chị Út mừng rơi nước mắt:

        - Các em đã trả lại được thân phận cho chị sau 44 năm. Chị cám ơn các em vô cùng.

        Hồng Sơn lễ độ:

        - Chuyện này thì các em phải có trách nhiệm, đó là nghĩa cử của thế hệ các em. Mong chị sức khỏe để sống an nhiên cùng con cháu. Chủ yếu là các đồng chí ở cơ quan có trách nhiệm, họ đã tiến hành công việc cẩn trọng, công tâm, công phu. Ghi nhận là ghi nhận các đồng chí trẻ ở các cơ quan. Họ làm việc liên quan đến chị như làm cho mẹ, cho bà.

        Hai đứa cháu nội của chị Út cũng có mặt trong cuộc gặp gỡ thành công này. Hai đứa con trai của Huẩn, đứa lớn nhận bằng tiến sĩ khoa học ở Úc lúc 27 tuổi, làm chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại nước sở tại; một đứa đang làm hướng dẫn không lưu tại sân bay Đà Nẵng.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #169 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2020, 05:38:10 pm »


        Lúc này Huẩn mới lên tiếng:

        - Thưa với mấy anh mấy chú, tôi thì sao cũng được, mình là đàn ông mà. Mừng với nỗi mừng khôn tả, mẹ tôi đã được trả lại giá trị, trả lại công lao. Dẫu muộn nhưng vẫn là nguồn động viên lớn cho mẹ, thỏa lòng con cháu mỗi khi nghĩ, tưởng đến mẹ, đến bà nội mình. Gia đình tôi rất biết ơn mọi người đã đồng hành cùng mẹ bằng trái tim nồng cháy yêu thương. Có lần mẹ bức xúc quá nói: "Mi có lo được cho tau mấy chục triệu, làm răng có cho tau cái giấy khen, giấy chứng nhận của nhà nước, khi chết treo lên bàn thờ. Rứa có được không Huẩn. Mẹ nói vậy là sai, nhưng cũng vì quá bức xúc. Nghĩ mà thương mẹ. Nay thì dần dần sẽ có đủ.

        Tôi nghĩ đây là điều an ủi mẹ. Hai đứa cháu nội có bước khởi đầu thành công. Rứa là đứa con trai duy nhất được mẹ sinh ra lúc hai mươi ba tuổi và đã ở vậy nuôi tôi, dạy dỗ tôi nên người. Giờ vợ chồng tôi sinh con, các con cũng đã làm cho bà nội vui. Thế là được rồi.

        Oan nước đã giải, oan nhà thì sao đây. Chim có tổ người có tông. Đối với tôi và các con, chuyện này vô cùng hệ trọng. Tôi, đứa con trai luôn tin mẹ. Con mà không tin mẹ thì tin ai. Tôi tin tôi có tông. Tông của tôi là một dòng họ danh gia. Nhưng bảo tôi thử ADN để xác định tông của mình, thề đến chết cũng không làm vậy. Tôi tin mẹ tôi! Tôi không đi cầu lụy để được nhận danh gia. Làm như vậy là bất hiếu với mẹ.

        Tôi vẫn luôn kính trọng cha mình, chắc có lý do nào đó vô cùng khe khắc ông mới làm thế. Giận thì giận, nhưng tôi vẫn kính trọng, tôn thờ ông. Tôi luôn cầu mong cho linh hồn của cha, một chiến sĩ kiên trung trên mặt trận văn hóa, một nhà văn lớn được siêu thoát. Trời đã định: "Con là con của cha, của mẹ". Không ai cãi trời được! Mẹ tôi vẫn đẹp như trong tiểu thuyết!



        Bà Út Phận - Nguyên mẫu nhân vật Mẫn trong tiểu thuyết “Mẫn và Tôi” của nhà văn Phan Tứ đã giã từ trần thế vào lúc 10h10 ngày 31/8/2020.

        Bà Nội sinh ra một mình Ba, 1 mình tần tảo nuôi Ba thành Người rồi sinh ra hai anh em mình, giờ có thêm 2 con dâu và 1 cháu chắt.

        Có lẽ hiếm có người Phụ nữ Việt Nam nào dành gần 40 năm đầu của cuộc đời để tham gia vào cuộc kháng chiến chống giặc bảo vệ đất nước; và sau đó dành hơn 40 năm cuối đời để chỉ đi minh oan cho chính mình vì bị gán cho cái mác “theo địch phản cách mạng”. Lý do?! Như đúng theo lời trích của Chủ tịch HCM có nhắc đến trong bức thư của hai Bác ngoài Hà Nội gởi viếng Bà.

        Trong suốt 40 năm qua, dù gặp được rất nhiều người tốt có mong muốn giúp Bà giải oan nhưng không thành vì có quá nhiều sự ngang trái trong cuộc đời Bà. Bà vẫn kiên cường chiến đấu cho danh dự & nhân phẩm của mình và quyết không đầu hàng số phận, không cam chịu oan trái đó. Những năm cuối đời Bà có được sự trợ giúp đắc lực từ 3 người, trong đó có 2 người ở Hà Nội (sau đó Bà Nội đã nhận làm con nuôi) và Nhà báo Phạm Thông (Thông Phạm) ở Tam Kỳ, Quảng Nam.

        Cuối cùng, nỗi oan của Bà được giải sau hơn 40 năm. Bà nói với cả nhà: “Tao không cần quất gì ba cái Huân Huy Chương lúc này đâu, nhưng tao không bao giờ từ bỏ để lấy lại danh dự nhân phẩm cho tao và cả nhà. Tao bị oan tao tức quá!”.

        Bà ra đi sau 1 năm được minh oan.

        Hôm nay, hai người con nuôi của Bà ngoài Hà Nội không vào viếng Má được. Có gởi một lá thư viếng và nhờ Nhà báo Phạm Thông đọc trong Lễ viếng chiều nay.

        Đúng là cuộc chiến ở thời chiến chưa chắc khốc liệt bằng cuộc chiến ở thời bình đối với nhiều người, trong đó có Bà Nội!

        Có lẽ giờ này Bà cũng đã ra đi một cách thanh thản, không màn bụi trần thế nhân gian này vốn đỗi đã quá khốc liệt với hơn 80 năm cuộc đời của Bà rồi. Bà đã nhẹ nhàng ra đi nhưng sẽ vẫn còn sống mãi trong lòng của các con các cháu, và của cả một thế hệ thanh niên mê mẩn cuốn tiểu thuyết gối đầu giường “Mẫn và Tôi” nổi tiếng ấy.

        Con - cháu đích tôn của Bà - vô cùng biết ơn những người đã giúp Bà giải được nỗi oan kịp trước lúc Bà mất, để giúp Bà hôm nay ra đi vô cùng thanh thản không còn vương vấn cát bụi trần gian!.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM