Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 07:00:31 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điều không ngờ tới  (Đọc 31730 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #30 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2021, 05:01:40 pm »

Ở hàng ghế cuối bên trái giảng đường


Đầu đề bài toán chỉ vẻn vẹn có ba dòng mà chiếm gần như hoàn toàn tâm trí tôi suốt buổi sớm ấy. Vẽ trên giấy khó nhìn, chờ bạn bè rời giảng đường về hết, tôi tìm một viên phấn, lên bảng.

- Anh có thể nối thử A với D...

Giật mình quay lại, tôi không khỏi bối rối trước sự hiện diện bất ngờ của cô gái lạ có gương mặt vừa điềm tĩnh lại vừa rực rỡ. Có lẽ mái tóc óng, đen như mun kia và làn da trắng mịn màng đã tạo nên gương mặt điềm tĩnh và rực rỡ ấy.

Như một cái máy, tôi nối A với D.

- Dạ. Anh kéo dài AD cho cắt XY tại M, nối M với N... Tuyệt quá!...

Đúng là tuyệt quá. Hướng giải bỗng hiện ra giản dị và sáng sủa lạ lùng. Bài toán kết thúc. Nhưng lạ sao chính sự giản dị lạ lùng đó lại khiến tôi bực mình. Bực và ngượng với chính mình. Luống cuống, tôi đánh rơi cái com-pa gỗ khá lớn vào chân cô.

- Chà, đau đấy chớ bộ! - Cô gái cười, ngồi sụp xuống, hất vạt áo dài xanh hồ thủy lên, đưa cả đôi bàn tay với những ngón thon hồng ôm lấy bàn chân - Coi như sự "trả ơn" của anh đấy. Anh là anh Bình phải không?

- Dạ. Còn chị?

- Tôi là Linh.

- À. Ngọc Linh.

Cách đó hơn một tuần, tin đồn về một cô gái đỗ hạng ưu khoa thi tú tài ở hội đồng thi Cần Thơ sẽ về ghi danh học chứng chỉ dự bị toán lý tại đại học khoa học Sài Gòn này đã bắt trí tưởng tượng của tôi làm việc hơi nhiều. Điều đó cũng thật dễ hiểu, vì năm ấy tôi vừa hai mươi hai tuổi. Và sự tưởng tượng càng được đặc biệt kích động, khi một số bạn bè xì xầm:

- Tao đã gặp nàng ở phòng học vụ bữa ghi danh. Đẹp dễ sợ. Chỉ giận nhất là mái tóc, nàng để "mô-ve-gu", tỉnh lẻ!

- Toán một cây, hết sảy. Nghe đâu đã được giáo sư Thanh mời tiếp xúc. Ổng khen lắm. Có thể át cả Bình!

"Có thể át cả Bình". Nhận xét ấy thực tình đã khiến tôi đỏ mặt. Hồi còn học trung học đệ nhất cấp thì không kể, nhưng kể từ năm đầu của trung học đệ nhị cấp cho đến nay, có lẽ chưa năm nào, về môn toán, điểm số của tôi bị dưới một ai. Ờ, nhưng cô ta đã được gặp giáo sư Thanh. Được ông già giáo sư lừng danh ấy mời tiếp xúc, thật không dễ dàng gì...

- Nhà Ngọc Linh ở đâu?

- Ở chùa!

- Ủa! - Ngỡ Ngọc Linh nói đùa, tôi thêm - Vậy thì ăn chay chớ?

- Dạ. Thường là vậy. Nhưng cũng có bừa bọn tôi "phá giới" bằng đồ hộp mua của quân tiếp vụ. Thứ đó rẻ ợt mà. Tôi mới ở Cần Thơ lên, tìm sao được nhà ở cái đô thành này. Lưu xá sinh viên thì chật chội quá. Tôi và hai con bạn kéo nhau vào ở nhờ nhà chùa.

- Thế thì chiều nay xin mời Ngọc Linh và hai chị bạn qua nhà tôi ăn cơm. Được không?...

Tôi đang định nói thêm một câu gì đó vì chợt thấy lời mời này như quá đột ngột, dễ dãi, có thể khiến Ngọc Linh phật ý. Cái anh chàng này mới gặp, chưa đâu vào đâu mà đã mời kéo, coi bộ người ta đói khát lắm à! Lo một lời từ chối lạnh lùng thường dễ gặp ở một cô gái kiêu kỳ, mặt tôi nóng bừng lên. Nhưng sau một thoáng nhìn, chừng như đã hiểu được sự bối rối của tôi, Ngọc Linh nhỏ nhẹ:

- Cảm ơn anh Bình. Nhưng ăn xong là bọn tôi đi dạo đó, không có làm toán nữa đâu nhé. Nghe nói anh Bình mê toán lắm phải không?

Tôi sẽ cười. Đời người phải có cái gì mà say mê chứ. Nghĩ thế, nhưng tôi không nói. Ngọc Linh cũng lặng lẽ đi bên tôi ra tận cửa trường. Đúng là lặng lẽ hoàn toàn. Khi Ngọc Linh bước lên xe buýt, tôi trở lại với chiếc mô-bi-lét cà rịch cà tang hay hỏng nhất phân khoa của tôi.


Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa tôi và Ngọc Linh là như vậy. Tính đến nay đã gần sáu năm rồi mà sao tôi còn nhớ nhiều đến thế. Tôi nhớ cả sớm ấy không hiểu sao đại lộ Cộng Hòa rất ít người qua lại, trên lối vào đại học đường rất nhiều nắng. Và những tán phượng, sau một mùa hoa xanh đến lạ lùng...


Sau bữa cơm chiều ấy, Ngọc Linh về rồi mà má tôi cứ luống cuống mãi, hết đi ra lại đi vào. Bà nhìn tôi bằng đôi mắt rất lạ. Hết lời khen Ngọc Linh, nhưng một lát sau chợt nhớ ra điều gì đó, má tôi ngừng tay xay bột bánh, quay sang phía ba tôi đang ngồi chấm bài trên chiếc bàn kê sát bàn học của tôi:

- À, sớm nay ông phường trưởng kêu ông sang có việc gì đó?

- Ổng nhắc tôi lấy cho đủ hồ sơ miễn quân dịch của thằng Bình. Hồ sơ quái gì nữa. Lại muốn vòi tiền mình đó bà ạ.

- Ừ thì đã đành, nhưng có thêm giấy tờ thì cũng nhẹ nhàng hơn - Má tôi im lặng một lát, khẽ thở dài, rồi quay sang tôi - Bánh trái bán không được là bao. Nay tiền mai tiền. Má là má lo lắm đó. Nhà mình nghèo...

Chỉ chút xíu nữa, nếu không kìm lại được, tôi đã cười ầm lên, kiếm vài câu dọa má cho vui. Tôi vẫn tin rằng tôi học giỏi đến thế thì có gì đáng lo kia chứ. Nhưng bữa nay, sự hiện diện của Ngọc Linh chưa chừng lại khiến má tôi lo lắng nhiều hơn. Càng khen Ngọc Linh, má tôi lại càng lo tôi có thể học tồi đi vì chính cô gái ấy đấy!


Đoán được ý má, nhưng tôi chỉ im lặng. Tôi không thể nói để má tôi tin rằng một mai chính cô gái ấy sẽ làm cho con trai má học giỏi hơn gấp mấy lần nữa. Phải, chính là Ngọc Linh đó má ạ. Tôi hy vọng rất nhiều người con gái ấy sẽ giúp đỡ được tôi. Qua hai cô bạn Ngọc Linh, tôi biết Ngọc Linh chỉ còn một bà má đã già với mảnh vườn nhỏ ở ngoại ô Cần Thơ. Người anh trai duy nhất của Ngọc Linh thì đã ra bưng từ gần mười năm trước. Cũng như tôi, không có đường nào khác, Ngọc Linh phải học giỏi, thật giỏi, ngõ hầu tìm tháy sự cứu giúp, bảo trợ của những giáo sư có uy tín, giành được học bổng toàn phần. Bốn năm nữa, chúng tôi sẽ hoàn thành những chứng chỉ để có được văn bằng cử nhân toán lý. Ba năm cao học sẽ không là bao, và nếu như cuộc chiến không can thiệp thô bạo vào tiến trình học tập này, thì chúng tôi sẽ không khó khăn gì lắm với văn bằng tiến sĩ quốc gia, sau một thời gian may mắn nào đó được đi tu nghiệp ngoại quốc... Lúc ấy chúng tôi sẽ trở thành những khoa học gia thực thục, thực sự có phần đóng góp vào kho tàng trí thức nhân loại...


Năm dự bị đại học ấy trôi qua một cách hết sức yên ả. Những mơ ước ấy tôi chưa một lần trọn vẹn nói với Ngọc Linh, nhưng hình như Ngọc Linh cũng đã cảm thấy, và quả thực nó đã giúp chúng tôi giành được những kết quả khá xuất sắc trong những kỳ thi chứng chỉ tiếp sau.


Nhưng rồi mùa hè năm 1972 đã đến với tất cả sự ngột ngạt của nắng nôi và tình hình chiến sự. Dù muốn hay không, việc thất thủ Quảng Trị ở quân khu Một; vùng biên giới Căm-bốt bị phong tỏa... cũng đã dội vào các trường đại học. Binh lính không rõ từ đâu tràn về, kéo dài vô độ những ngày nghỉ của họ, lê la ăn nhậu, chửi thề trên khắp mọi vỉa hè, phòng trà, tiệm ăn. Các ca sĩ thời thượng được mùa, xả láng những điệu tỉ tê, tang tóc, ma quái. Hòa đàm Ba Lê không dẫn tới một khả quan nào. Cùng với sự gia tăng chương trình quân sự hóa học đường, người ta còn vô hiệu hóa mọi tiêu chuẩn miễn quân dịch đối với sinh viên, học sinh trong nghị định 7689 do chính Trần Văn Hương ký ngày 22-7-1968 đã được đăng tải trên công báo của chính phủ Việt Nam Cộng hòa... Thế là những mơ ước về con đường học thuật vốn đã xa xôi của tôi lại càng xa xôi thêm. Sang năm thứ hai này, những cuộc vây ráp quân dịch đã khiến tiến trình học tập tại trường của tôi bị cắt vụn ra. Ngọc Linh cũng thường  hay "cúp cua" đi đâu đó. Mới đầu tôi cứ đoán rằng Ngọc Linh cũng lây cái tâm sự chán chường của bọn nam sinh viên chúng tôi, nhưng không phải thế. Gương mặt ấy, ngược lại, trong những ngày này lại có những dáng vẻ phấn chấn, sôi nổi lạ lùng. Nhiều lần tôi tìm đến Ngọc Linh, nhưng không gặp. Ngôi chùa, tôi thường gọi là "Lưu xá Ngọc Linh" ấy, vắng hoe vắng ngắt. Tại sao Ngọc Linh lại tránh gặp tôi? Hay chính là vì có lần quá vội vã, tôi đã ngộ nhận sự cởi mở gàn gũi rất bạn bè của Ngọc Linh như một tình yêu và tôi đã ngỏ lời khiến Ngọc Linh giận?


Lần ấy vào một buổi chiều, như thường lệ, Ngọc Linh ghé qua nhà tôi làm toán. Sự ngớ ngẩn của tôi trước những bài toán dễ nhát bữa ấy đã khiến Ngọc Linh ngạc nhiên, nhưng rồi, bằng sự nhạy cảm vốn có, Ngọc Linh đã hiểu, và sau đó với đôi mắt dịu dàng, thoáng buồn - một ánh mắt buồn ít thấy ở Ngọc Linh - Ngọc Linh đã lặng lẽ ngồi nghe tôi nói tất cả những dự định, ước mơ... Không, Ngọc Linh sẽ không bao giờ nỡ giận tôi theo lối nghĩ thường tình của những người con gái kiêu kỳ đâu.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #31 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2021, 05:02:58 pm »

Và rồi một lần, chính Ngọc Linh đã tìm đến gõ cửa nhà tôi vào một giờ khuya lắm.

- Anh Bình đừng giận Ngọc Linh nhé. Có những điều bây giờ Ngọc Linh chưa thể nói cùng anh được... Nhưng dù thế nào và bằng mọi cách, anh Bình phải học giỏi, thật giỏi nhé - Ngọc Linh chợt ngừng lời và cúi xuống để cố nén một điều gì xúc động lắm.

Mặt Ngọc Linh hơi tái đi. Ừ, mà tại sao Ngọc Linh lại nói với tôi những lời như căn dặn, nhắn nhủ thế? Cái gì đã và sẽ xảy ra?

- Có bao giờ anh Bình nghĩ đến phong trào sinh viên tranh đấu không? - Ngọc Linh chậm rãi hỏi tôi.

- Không! - Tôi nói một cách quả quyết và thực tình trong giọng nói khi đó chắc hắn còn pha ít nhiều sự giễu cợt, coi thường. Tranh đấu! Con người cũng đã tranh đấu nhiều rồi, tôi nghĩ, nhưng với khoa học sẽ không có ai có thể nói hai với hai lại khác bốn. Tranh đấu với những mít tinh, biểu tình, khẩu hiệu ư? Liệu có đẻ ra một định lý mới, một phát minh kỹ thuật như việc tìm ra lửa, như máy hơi nước, như nguyên tử, phản hạt, tương đối luận...? Tranh đấu! Dễ thường trong việc tìm hiểu khoa học, người ta lại không gặp quá nhiều những cái phải tranh đấu hay sao mà còn đi tìm sự tranh đấu ở những nơi nào khác nữa?

- Anh không nghĩ đến thực à? - Ngọc Linh rướn cao lông mày nhìn tôi, ngạc nhiên.

Và như để Ngọc Linh đỡ phải ngạc nhiên lâu, tôi tiếp:

- Thực! Tôi không nghĩ đến, bởi lẽ, cũng chẳng có gì đáng phải nghĩ về điều đó! Đấy là công việc của những chính khách!

- Thế mà có khi con đường đi tới khoa học lại phải bắt đầu từ đó kia, chớ không phải chỉ là từ những con đường X hay Y đâu! - Ngọc Linh chợt nói to lên và không giấu vẻ chua chát. Dường như Ngọc Linh đã cảm thấy không còn một chút ngạc nhiên gì trước những câu trả lời của tôi, mà ngược lại, cô còn cho đó như một sự dĩ nhiên, đến mức đáng thất vọng về tôi. Tuy nhiên, Ngọc Linh vẫn chưa dừng lại. Cái người mà đã có một thời thật gần gũi với cô là tôi kia, lẽ nào lại nông cạn và có những ý nghĩ hợm hĩnh về khoa học đến mức coi như đấy là một lĩnh vực thuần túy, cao siêu, vượt lên cả những vấn đề tranh đấu có liên quan tới vận mạnh của con người? - Anh Bình này - Ngọc Linh tiếp - Anh có biết tin gì mới nhất về nhóm sinh viên năm người được xuất ngoại trình luận án tiến sĩ quốc gia hồi đầu năm nay không?

- Không. Nhưng có gì thế? - Tôi hỏi lại Ngọc Linh một cách bình thản, hay cố làm ra vẻ bình thản mà cho đến nay tôi cũng không còn nhớ rõ nữa.

- Họ đã bị đuổi khỏi khóa tu nghiệp rồi!

- Tại sao? Đấy là những khối óc tuyệt vời mà tất cả chúng ta đều biết hồi còn ở trong nước. Vô lý! A, hay lại cũng chính vì họ đã tham gia một phong trào đấu tranh nào đó? Nếu thế thì thật đáng tiếc!

Chừng như cũng thấy được giọng kinh ngạc và bất bình của tôi trước sự kiện này, nhưng thấy tôi lại có ý chỉ trích phong trào tranh đấu, Ngọc Linh đã trả lời một cách thách thức:

- Đúng. Vì họ đã tham gia một phong trào tranh đấu, anh Bình ạ.

- Tranh đấu! Họ đã làm sai cái sứ mệnh của những nhà khoa học.

- Sai à? Ông Thiệu thì cắt tiền. Muốn được trợ cấp tiếp tục thì không còn cách nào khác là nhập quốc tịch nước ngoài. Cần tranh đấu để được là người Việt Nam, chẳng lẽ anh cho sự tranh đấu ấy là sai với sứ mệnh? Còn về Nguyễn Thái Bình...

- Nguyễn Thái Bình vừa đỗ thủ khoa tiến sĩ bên Hoa Kỳ - Tôi chộp lấy chi tiết này như một kẻ chết đuối vớ được cọc - Tôi cho rằng vẫn có cách để tiến thủ được như Nguyễn Thái Bình, Ngọc Linh ạ.

- Nhưng Nguyễn Thái Bình lại vừa bị giết rồi! Anh chưa biết sao? Tài năng lại càng dễ bị chúng giết nếu người đó lại biết yêu nước mình!

Sự phẫn nộ đến chua chát trong giọng nói và gương mặt của Ngọc Linh đã khiến tôi phải nhìn tránh đi. Tàn khốc đến thế kia ư? Tôi nghe Ngọc Linh nói mà thảng thốt như người đi trong mơ. Cái cảm giác về Ngọc Linh là một người con gái khác biệt, lạ lùng lâu nay đã ám ảnh tôi, cho đến bây giờ mới thực sự khiến tôi chú ý. Nhưng sự chú ý ấy đã quá muộn. Có phải vì thế mà từ lâu nay, với tôi, Ngọc Linh vừa thân gần lại vừa như một vầng sáng xa xôi?


Tiễn Ngọc Linh về, cả đêm ấy tôi không sao chợp được mắt. Sáng hôm sau, vừa dắt xe ra cửa, những đứa bạn thân nhất của tôi đã ập đến:

- Bộ mi định đến trường làm mồi cho cảnh sát, quân cảnh sao? Khoa mình, mười hai thằng; bên lý hóa - mười lăm thằng; bên vạn vật - mười một thằng bị bắt quân dịch rồi. Chúng mang lệnh bắt Ngọc Linh, tình nghi hoạt động Cộng sản.

- Tình nghi gì nữa!- Một cậu hạ thấp giọng - Ngọc Linh có cả truyền đơn, tiểu liên AK, điện đài. Ngọc Linh chỉ huy cả một mạng lưới biệt động gì đó từ Cần Thơ liên lạc với nội đô. Có lẽ Ngọc Linh biết trước nên đã không đến trường bữa nay. Nghe nói có cả đối súng với cảnh sát tại ngôi chùa Ngọc Linh ở nữa kia. Bốn cảnh sát viên đã bị bắn hạ ngay đằng sau tượng Quan Âm! Nhưng đến khi cả một đại đội cảnh sát dã chiến nhào vô thì tịnh không còn một dấu vết gì. Cứ y như là Z.28 chi đó!...


Có ly kỳ như kiểu trinh thám Z.28 hay không; bốn hay năm cảnh sát bị bắn ra sao... tất cả những điều đó không mảy may khiến tôi nghĩ đến một kiểu tò mò nào đó nữa. Rất có thể Ngọc Linh đã bị bao vây. Rất có thể Ngọc Linh đã nổ súng. Cuộc gặp gỡ đối thoại tối qua giữa tôi và Ngọc Linh đã chỉ rõ Ngọc Linh như thế nào rồi. Tất cả những điều xảy ra ấy có gì đáng ngạc nhiên với một chiến sĩ giải phóng hoạt động bí mật. Tất cả đều có thể là thật, nhưng cái thật lớn nhất với riêng tôi, mà tôi biết chắc đã xảy ra, khiến tôi bàng hoàng là từ nay Ngọc Linh sẽ không đến trường nữa!...


Không đến trường hay là Ngọc Linh đã đi xa mãi mãi, và cuộc gặp gỡ tối qua giữa tôi và Ngọc Linh sẽ là lần gặp gỡ cuối cùng? Cô đã đến thăm tôi như một lần vĩnh biệt?

Để tránh quân dịch, niên học ấy, tôi đành bỏ dở. Với đồng lương còm của một giáo viên tiểu học, làm sao ba tôi có đủ tiền lo lót đến hàng chục nơi để miễn quân dịch cho tôi. Thỉnh thoảng tôi cũng có ghé lại trường mua thêm ít sách, gặp giáo sư Thanh, nhờ ông gợi ý cho một số luận đề. "Hy vọng. Hy vọng. Không bao giờ để mất hy vọng!!". Không lần nào giáo sư quên nói với tôi cái câu bằng tiếng Anh ấy, kèm theo một nụ cười khó khăn. Hy vọng? Còn có gì để mà hy vọng trong khi chỉ cần ra phố dăm phút thôi là đã có thể bị cảnh sát hay quân cảnh tóm cổ lôi đi quân dịch rồi không biết sẽ bị đẩy tới phương trời nào... "Có khi con đường đi tới khoa học lại phải bắt đầu từ đó kia, chớ không phải chỉ từ những con đường X hay Y đâu". Bắt đầu từ đó, chính là con đường tranh đấu mà Ngọc Linh đang đi đó chăng?


Mỗi khi trở lại trường như thế, tôi cũng không quên đến trước tấm bảng giảng đường, lặng lẽ nhớ lại buổi gặp gỡ đầu tiên với Ngọc Linh. Cái bàn tận cuối giảng đường kia là nơi Ngọc Linh vẫn thường ngồi với gương mặt lúc nào cũng như ẩn giấu một nụ cười vừa điềm tĩnh lại vừa rực rỡ. Có lẽ nào tất cả chỉ là hoài niệm?


Không kịp mở cửa chính, từ giường tôi vọt qua cửa sổ nhảy ra đường như những nhỏ khi nghe chúng bạn kêu tên mình. Từ chung cư Nguyễn Thiện Thuật này mà nhoáng cái tôi đã băng qua đường Hồng Thập Tự, vượt qua Gia Long, tới trước cửa dinh Độc Lập. Đồng bào đang tíu tít vây quanh những chiếc xe tăng khổng lồ của bộ đội Giải phóng. Những hàng rào cũi lợn dây kẽm gai đã bị gạt sang dọc hai mép đường Công Lý. Những tấm biển "vượt qua binh sĩ sẽ nổ súng" bỗng mất hết uy lực. Từ dinh Độc Lập, tôi nhảy đại lên sau chiếc Vét-xpa của một thằng bạn đến trường Đại học khoa học. Nào đã có ai kịp ra thông báo tập trung gì đâu mà kéo đến đông đủ thế! Bọn bạn ùa ra vây lấy tôi:

- Ẩn đâu mà kỹ quá vậy Bình? "Tu nghiệp tại gia" hết mấy bồ sách rồi?

- Đã nghe tin gì về Ngọc Linh chưa? Muốn tìm Ngọc Linh bây giờ thì cứ phải vô dinh Độc Lập. Chính mắt tôi nhìn thấy Ngọc Linh ngồi cùng xe với mấy ông bà già Giải phóng cỡ "cốp"...

Lại những chuyện về Ngọc Linh. Không phải bây giờ người ta mới nhắc tới Ngọc Linh, mà ngay sau những ngày Ngọc Linh rời trường lên chiến khu đã có rất nhiều nguồn tin. Bạn bè và nhiều khi cả những hoạt động quả cảm, kín đáo của Ngọc Linh. Rồi lại đến những sĩ quan trong Ủy ban liên lạc quân sự bốn bên vốn là sinh viên cũ của trường cũng nói nhiều về sự hiện diện của Ngọc Linh trong những cuộc đàm phán với bên Giải phóng... Có thể nói đối với sinh viên trường tôi, Ngọc Linh đã trở thành một nhân vật ít nhiều mang màu sắc huyền thoại. Phải chăng đấy chính là tình yêu mến của bạn bè và cả sự kính phục của kẻ thù đã dành cho Ngọc Linh, một cô gái quả cảm mà cho đến nay tôi cũng không dám nghĩ rằng tôi đã từng được sống gần gũi và thân thiết. Còn bây giờ? Khó lòng mà gặp lại. Và cho dù có gặp lại thì tôi biết nói sao với Ngọc Linh về những ảo vọng đã từng huyễn hoặc tôi, đẩy tôi xa cách Ngọc Linh vào những ngày quẩn quanh, ngu ngơ, gần như tuyệt vọng vừa qua trong lủi trốn. Không còn lau nữa, những ngày tới đây tôi sẽ trở lại cuộc đời sinh viên và trong tương lai tôi sẽ trở thành một nhà khoa học, phải, một nhà khoa học, đúng như tôi đã ước mơ. Có thể thế lắm, nhưng tôi đã làm gì để có được hạnh phúc ấy?


Tôi không dám nghĩ tiếp, và không sao hình dung được một ngày gặp lại. Lòng cồn cào như một người say sóng, tôi bị cuốn đi giữa một rừng cờ, hoa, biểu ngữ và vô vàn những khuôn mặt hớn hở của bè bạn. - "Bình ơi, cậu cầm lấy cho mình một bên biểu ngữ, kéo rộng ra. Thế. Thế".


Từ trên lan can lầu ba, ai đó tung xuống tôi cả một trận mưa hoa rất nhiều màu sắc và tôi cũng đón nhận trận mưa hoa ấy như tất cả những người làm nên chiến thắng!

Hàng ghế cuối cùng. Có thực là như vậy không? Phải, chính là hàng ghế cuối cùng, phía trái, từ trên bục giảng đường nhìn xuống mà nhiều năm qua mỗi khi trở lại trường, tôi đã từng bâng khuâng đến thăm kia, Ngọc Linh đang ngồi giữa bạn bè trong ngày khai giảng niên khóa đầu tiên sau ngày giải phóng của trường Đại học khoa học.

- Ngọc Linh đấy à? - Lúng túng quá, tôi đã hỏi một câu quá thừa - Buổi sáng nay nhà trường vừa nhắc lại những ngày hoạt động truyền thống của sinh viên, có nói nhiều đến Ngọc Linh. Ngọc Linh đến thăm trường được bao lâu?

- Dạ, Ngọc Linh... - Ngọc Linh vội nhìn đi chỗ khác, có lẽ điều tôi vừa nói đã khiến Ngọc Linh bối rối - Ngọc Linh không đến thăm đâu, Ngọc Linh về học lại đấy, anh Bình chưa biết à?

- Chà. Tôi cứ nghĩ...

- Buổi sáng Ngọc Linh cũng đã đến tập trung, nhưng không nhìn thấy anh, Ngọc Linh đã nghe rất nhiều chuyện về những việc làm của mình và các bạn khác trong phong trào sinh viên tranh đấu. Thực cả đấy, mà sao ai kể cũng cứ như huyền thoại ấy, kỳ quá! Nhưng dù thế nào thì những ngày ấy cũng đã qua. Anh nghĩ là Ngọc Linh không trở lại đây nữa phải không? - Ngọc Linh cười nhè nhẹ - Vậy thì ai sẽ cùng anh kéo dài đường thẳng AD? Anh còn nhớ cái bài toán ngày nào trên bảng giảng đường này không? Anh nghĩ là Ngọc Linh không cần đi học nữa à?


Ngọc Linh lại cười, một nụ cười bao giờ cũng khiêm nhường, ấm áp, như những ngày xưa mà tôi thường bắt gặp ở tận hàng ghế cuối, phía trái bục giảng đường...

1976
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #32 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2021, 10:33:47 am »

Điều không thể khác


- Bình này!

Nghe tiếng Thành, tôi vội buông tập báo số tết xuống bàn. Cứ cái giọng gọi giật cục như vậy là thế nào anh chàng cũng sắp có một quyết định mới, nếu không đảo ngược hoàn toàn với những điều đã bàn trước đây ít phút, thì ít nhất cũng phải là một "đính chính" quan trọng.

- Không chờ nữa cậu ạ. Hẹn với hò cứ như trẻ con. Cả năm có ngày mồng một tết. Trưa rồi, ta đi thăm vài nhà là tối thôi. Đi Bình!

Ấy đấy, tôi đoán có sai đâu. Cái quyết định "không chờ nữa" và cái tội "hẹn hò như trẻ con" mà Thành vừa "ban" ra ấy là nhằm vào Hiền, cô giáo dạy hóa của trường cấp ba ngay dầu làng anh; người mà bà cụ sinh ra Thành đã từng nói: "cái đám này mà tôi lo được cho nó thì tôi cứ trẻ lại ít nhất là dăm tuổi anh ạ. Con bé cứ hiền hiền là".

- Này, này, đừng có mà chứng "cá quẫy"! - Bà cụ mắng con trai rồi ngừng tay bóc bánh, quay sang phân trần với tôi - Đấy anh Bình xem! Tôi không rõ con bé quý thằng này vì cái nỗi gì, chứ nhiều lúc tôi thật khổ với cái chứng "cá quẫy" của nó. Từ Hà Nội sang đây hai chục cây số, tàu xe ngày tết, con bé có sang chậm thì cũng phải thể tình cho nó chứ. Người ta là con gái, còn phải lo cỗ bàn cơm nước ở nhà, xong, lại còn phải lo cái tóc cái tai thế nào rồi đi đâu thì mới đi; chứ có như cái thân anh, đến bữa chỉ việc sụp xuống ăn, miệng chưa nói đi thì bụng dạ chân cẳng đã để cả ngoài ngõ. Ba mươi tuổi rồi chứ dễ vẫn mười tám đôi mươi đấy hẳn. Báu lắm đấy mà rộn!

- Vâng, thế mẹ cứ ở nhà để đón con dâu mẹ nhá! - Thành cười vẻ đấu dịu, nhưng vẫn không bỏ ý định đi chơi. Cậu ta nháy tôi.

- Không nháy với nhí gì cả - Bà cục lườm con trai - Có cần đi đâu thì đi chốc nhát, đi quanh đây thôi, rồi liệu mà còn về. Còn anh Bình, cứ ở nhà với bác. Kệ nó.

- Đúng rồi. Kệ nó! Cháu ở nhà với bác - Tôi phụ họa với bà cụ rồi lại cúi xuống đọc báo. Tôi quyết định ở nhà vì đoán chắc rằng khi Thành đi rồi thế nào bà cụ cũng có điều tâm sự riêng với tôi.

- Anh Bình này! - Quả đúng thế, Thành vừa ra đến sân là bà cụ đã quay lại gọi tôi - Thế thằng Thành nó có nói gì với cháu không?

- Dạ, có.

- Nó nói thế nào?

Tôi thấy giọng bà cụ có vẻ lo lắng thật sự, tôi nảy ra ý trêu cụ:

- Dạ, nó bảo với cháu là chết thì thôi chứ nó không lấy cô Hiền!

- Gở! Có họa là anh nói dối bác!... Nhà chỉ có một mẹ một con...

- Không, không... - Thấy giọng nói bà cụ đã như có nước mắt, tôi không nén được cười - Không phải đâu! Nó đồng ý cô ấy cả hai tay nên tết này nó mới gọi cháu về để cùng lo liệu đấy.

- Ừ, có thế chứ - Bà cụ vội đưa khăn tay lên chấm nước mắt nhưng miệng thì đã cười rõ tươi - Bác biết là nó quý anh từ những ngày ở bộ đội kia, nên thấy anh về, bác mừng lắm. Mới nghe, ai cũng tưởng bác tìm cho nó rồi ép uổng, nhưng bác có biết thế nào, tự chúng nó cả đấy. Dưng mà cái thằng Thành nhà bác thì trái tính trái nết lắm. Bác chỉ sợ leo cau đến buồng...

- Đúng rồi. Bác ép thế nào được cái anh đầu bò đầu bướu ấy. Cháu sẽ bảo nó. Nhưng dù sao thì bác cũng phải để cháu xem mặt cô giáo cái đã chứ.

- Ừ thì xem mặt, nhưng anh em liệu mà bảo nhau. Thôi bây giờ bác phải đi đằng này một tí.

- Bác lại ra đầu làng đón cô giáo chứ gì?

- Ừ anh nói phải - Bà cụ ngượng ngịu - Con mình thì "cá quẫy"! Này, nói có anh chứ, nhiều làn chẳng hiểu chúng nó bàn bạc cái gì, thằng Thành cứ gắt ngậu lên mà con bé thì vẫn một mực khẽ khàng như không ấy. Nghĩ mà thương con bé. Dưng thôi, anh coi nhà, có ai vào chúc tết, bánh mứt đấy, anh tiếp giúp, bác đi đây.


Nhìn cái dáng te tái của bà cụ, tôi lại nghĩ đến cái chứng "cá quẫy" của Thành. Không biết nó đi đâu? Cái thằng kể cũng lạ. Hồi ở lính cũng như về nhà, tính nết chẳng thay đổi là bao. Thương mẹ nhiều khi khóc như con nít, nhưng hễ cứ gần mẹ là y như rằng gây sự. Không lần nào tôi về thăm mà không nghe đôi chuyện phàn nàn, đôi vụ "kiện cáo" của bà cụ về cái sự "cá quẫy" của con trai. Thương lính thì không ai bằng Thành, nhưng cũng vô phúc cho anh chiến sĩ nào gặp "cơn" của đại đội trưởng.


Tôi còn nhớ cái lần đầu tiên cậu ta xuất hiện ở đại đội tôi; ấy là một buổi chiều mùa khô 1973 trên chiến trường miền đông Nam Bộ. Cách đêm tiến công chi khu quân sự Lộc Ninh hai ngày, lên họp các chính trị viên đại đội trên trung đoàn, tôi được biết đại đội tôi sẽ có một đại đội trưởng mới về thay đại đội trưởng Minh vừa hy sinh.

- Tay này tên là Thành - Chính ủy trung đoàn nói với tôi - Văn hóa lớp mười. Đẹp trai. Trẻ như cậu. Cậu hai mươi ba phải không? Tay này hai mươi hai. Nhưng nên nhớ nó đã hai năm làm đại đội trưởng. Cứng đấy. Làm ăn được chứ?

- Báo cáo chính ủy... - được ạ!

Miệng nói vậy nhưng trong bụn tôi không khỏi lo. Tôi bỗng nhớ đại đội trưởng Minh vừa mới hy sinh. Tiếc quá chừng. Anh ấy vừa dũng cảm, tế nhị, lại có cái chững chạc của tuổi ba mươi. Giá anh ấy còn thì hay biết bao, trận đánh tới tôi sẽ không phải quá lo lắng. Còn bây giờ, tôi là chính trị viên đã trẻ, lại thêm Thành sẽ về cũng chỉ mới hai mươi hai...

- Báo cáo chính ủy...

- Còn gì nữ? Vừa "được" rồi kia mà? - Ông tiến đến ôm lấy vai tôi.

- Báo cáo chính ủy, được thì rất được, nhưng trận đánh tới vào một chi khu lớn... hay là để sau trận đánh hãy bổ sung. Bây giờ để đại đội phó Đạt chỉ huy. Anh ấy là người cũ, chín chắn và nắm được chiến sĩ hơn.

- Không! - Chính ủy nheo nheo mắt nửa như thăm dò, nửa như giễu cợt một cách vui vẻ - Không nhất thiết. Bây giờ giả dụ cậu rơi vào vòng vây giặc, gặp những chiến sĩ thất lạc từ nhiều đơn vị khác nhau, cậu lại là sĩ quan, vậy cậu có tập hợp họ thành một mũi chiến đấu không, hay phải chờ cho thật quen biết đã? Vậy đó! Trung đoàn đã cử Thành về ngay rồi. Có khi bây giờ cậu về thì đã thấy cậu ta ở đại đội rồi đấy.

Và đúng như chính ủy nói, vừa về đến đầu cánh rừng le chỗ trú quân đại đội, tôi đã nghe cánh lính xuống suối lấy nước kháo nhau:

- Thế đếch nào vừa về đến nơi, "ông ta" đã cho lệnh tập hợp đại đội làm ông "phó" Đạt cứ cuống cà kê. Sắp đánh chắc?

- Cả tớ cũng cuống. Bố khỉ. Lương khô phát hai ngày hành quân, vui mồm tớ vừa xơi gọn trong bữa trưa nay thì bị kiểm tra tắp lự. May mà đạn thì còn đủ cơ số.

- Mình mới xúi. Vừa đổi cái màn cho một cậu bên C4 lấy cái áo "ni-phăng". Hóa ra quần áo thì thừa mà lại không có màn! Cũng may cái áo ấy cũng là quân phục.


A, thì ra cậu ta đã tập hợp kiểm tra nội vụ. Kể ra sắp vào trận mà làm việc đó thì cũng là chuyện thường. Nhưng dù sao thì cậu ta cũng mới đến, hơn nữa trong khi tôi là thủ trưởng duy nhất lại đi vắng. Có cái gì như một kiểu hiếu thắng, chơi trội. Tôi càng thấy nhớ da diết đại đội trưởng Minh và lòng trĩu buồn. Tôi định bụng là cho dù không thành kiến nhưng sẽ bằng một cách nào đó nhắc khéo anh bạn đồng sự trong cung cách làm việc.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #33 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2021, 10:35:06 am »

Nhưng rồi tất cả những dự kiến ấy đều không phải thực hiện. Khi tôi về đến lán đại đội thấy anh bạn Thành đang lăn ra ngủ trên một chiếc võng mắc tòng teng ngang đầu lán, súng ngắn chưa kịp tháo, xoay từ lưng bụng lên. Đúng như chính ủy nói, cậu ta đẹp trai thật. Cả gương mặt cứ ngời ngợi lên một vẻ đặc biệt tươi sáng. Giá mà đôi lông mày không quá đen và quá rậm, xếch như lưỡi mác, thì có thể nói toàn bộ gương mặt này là những nét thanh tú. Và xin đừng ai nghĩ tôi là một người có xu hướng của một nhà nhân tướng học, nhưng quả thật vẻ tươi sáng cả trong khi ngủ của kia không thể nào lại có chỗ cho một cái gì khuất tất. Có chăng thì sẽ phải kiềm chế anh bạn này về những sự bồng bột nào đó.


- Bình này! - Đại đội phó Đạt từ phía sau lán chạy lại. Tuy là cấp dưới nhưng nhiều tuổi và tính vốn xuề xòa, anh thường gọi tôi bằng tên không - Thành nó vừa cho kiểm tra nội vụ.

- Có hội ý với anh chứ?

- Tất nhiên. Việc này là theo ý mình - Đạt chợt cười. Thấy cậu ấy trẻ quá, tớ thử! Khá! Xem cậu ta đứng trước hàng quân, xử trí mấy trường hợp vi phạm nội vụ khá cương quyết và thông minh. Lính ta nể đại đội trưởng mới đấy! Theo ý tôi là sẽ để cậu ta nắm quân ngay trong trận đánh tới. Tớ lại xin làm... "phó" Đạt! Tớ đã đem bàn bạc với Thành...

- Thế ý Thành sao?

- Cậu ta cáu. Cậu ta nói như quát với mình là tại sao lại còn đem bàn bạc như mặc cả với nhau về những điều như thế. Cậu ta có nhận chức đại đội trưởng cho oai đâu. Cậu ta lệnh ngay cho mình là cấp ngay cho cậu ta một khẩu AK. Cứ phải AK và ít nhất là ba băng đạn. Còn súng ngắn thì xem ý cậu ta có vẻ coi thường ra mặt. Cậu ta bảo khi nào cậu về, đánh thức cậu ta để cùng xuống các tiểu đội. Thế là nó ngủ.


Và cho tới trận đánh ngay đêm sau vào chi khu Lộc Ninh của tiểu đoàn 52 ngụy thì Thành đã khiến cả trung đoàn kinh ngạc về cái cách trinh sát địa hình rất chi chính xác, đặc biệt khi cậu ta cắp AK dẫn lính sục vào khu hầm ngầm trung tâm chiến đoàn. Hầm ngầm của địch thì quỷ nào biết sẽ có bao nhiêu ngóc ngách mới mở ra hàng ngày, hàng giờ? Vượt qua bảy hàng rào tiến vào khu trung tâm, mặc tiểu đoàn hét, cậu ta bắt lính dừng lại có lẽ đến ba bốn phút khiến tôi nóng ruột phải chạy từ mũi trái sang. Nhưng vừa đến nơi thì cũng là lúc nó thét xung phong. Thế quái nào mà Thành đã túm được một "cái lưỡi" là một tên thiếu úy vệ sĩ bắt dẫn đường vào thẳng hầm thằng đại tá chiến đoàn trưởng. Đánh hầm ngầm mà không có "lưỡi" thì không dễ đâu.

- Tớ không rõ rồi lên chỉ huy tiểu đoàn, trung đoàn... thì có những yêu cầu mới nào, nhưng ở cấp đại đội mà không biết dùng tất cả những thứ vũ khí bộ binh thông dụng và trong trận đánh không vượt lên đầu cho lính theo, không tính chi ly đến từng giọt máu thì quyết không thể là chỉ huy!

Tôi nhớ nhất cái điều mà Thành thường nói với tôi không biết bao nhiêu lần trong những phút tâm sự ngày ấy. Khoái cậu ta quá, tôi cứ nghĩ là dù thế nào cũng sẽ cùng đi với nhau cho tới ngày cuối chiến tranh, nhưng rồi đến đầu năm 1974, tôi bị thương nặng phải đưa ra bắc điều trị. Cuối năm 1976, tôi chuyển ngành sang làm chỉ huy phó công trường kiến trúc phía bắc Hà Nội này cho đến bây giờ. Sở dĩ tôi chuyển sang ngành ấy là vì trước khi nhập ngũ, tôi đã học qua năm thứ hai trường Đại học kiến trúc. Mỗi khi nhớ đến Thành, tôi cứ thầm tiếc là hôm chia tay, vết thương ra nhiều máu, tôi đã hoàn toàn bất tỉnh mà cái "thằng Thành vô tâm" ấy không biết ghi vào giấy giúi vào túi ngực cho tôi địa chỉ quê nó, như cách ở mặt trận chúng tôi vẫn quen làm, thành thử tôi chỉ còn nhớ mang máng là hình như quê Thành ở đâu đó, quãng gần Bát Tràng.


Mãi cho tới đầu năm nay, do một cuộc nói chuyện tình cờ với một công nhân ở công trường, tôi được biết Thành cũng đã xuất ngũ vì bị thương vào đầu và hiện nay đang ở quê làm ruộng với mẹ. Làm ruộng? Đã đành rằng chuyện đó cũng bình thường thôi, nhưng riêng với Thành thì tôi lại cảm thấy thế nào ấy. Một tay thông minh, văn hóa lớp mười và dù sao khi xuất ngũ ít nhất cũng phải là trung úy. Hay là do một chấn động nặng nề nào đó từ vết thương trên đầu?


Không nén được bồn chồn, buổi trưa biết tin, ngay buổi chiều, sau giờ làm việc, tôi chỉ nhắn về nhà để vợ tôi khỏi chờ, rồi vội đạp xe đến thăm Thành.

Lặn lội thăm hỏi đến gần tám giờ tối, tôi mới tìm được đến nơi. Căn nhà nhỏ ba gian lợp ngói, trước sân có một mảnh vườn của Thành ở mãi cuối bãi, gần méo nước, đoạn sông Hồng chảy qua làng anh. Ở đấy có thể nhìn rõ ánh lửa hắt ra từ những lò gốm gia đình thôn bên. Đúng là nó ở gần Bát Tràng như tôi vẫn mang máng nhớ.


Thành đi vắng. Ở nhà chỉ có một mình bà cụ đang dùng đòn gánh lùa hai con lợn khá lớn vừa vượt chuồng ra. Thấy tôi, bà cụ mừng như bắt được của. Bà nhờ ngay tôi vào việc lùa mấy con lợn. Xong mới tất tưởi lên nhà thắp đèn. Vừa tìm diêm, bà cụ vừa than vãn về nỗi nhà cửa trống trải tuềnh toàng, con trai thì cứ đi biền biệt suốt ngày này sang ngày khác, mà nào đã được cái tích sự gì, đến lấy vợ cũng không lấy được!

- Mà còn điều này - Bà cụ nhả vội miếng trầu ra cửa sổ - Biết anh là chỗ bạn bè thân tình tôi mới nói để anh liệu lời khuyên em, chứ nếu không thì rồi ra mất cả họ hàng! Đã đành rằng ông Cồn khi làm phó chủ nhiệm ông ấy có tham ô dăm tạ thóc; chú Bình trên ủy ban có tý cậy quyền cậy thế, đúng là họ có lỗi, nhưng là lỗi với dân với Đảng chứ với mìn, họ là bậc cha chú thân nhân nội tộc, ai lại cứ nay đưa ra hội nghị, mai đưa ra hội nghị, thì thử hỏi tôi còn đi lại nói năng với họ làm sao?

- Nhưng anh Thành cũng là một đảng viên. Anh ấy phải...

- Phải, nhưng mà cũng có năm bảy đường phải chứ cứ "thẳng mực Tàu, đau lòng gỗ" anh ạ... Thôi dưng mà nói ra thì dắt dây dắt nhợ lắm. Anh cứ ở chơi đây chốc nữa em nó về thì bàn với nó cho tôi cái đường vợ con là một. Sau nữa, nói gần nói xa chẳng qua nói thật, anh xem có chỗ nào làm trong nhà nước thì dìu dắt cho em nó đi với. Ở nhà cứ thế này thì có phen... - Bà cụ chợt dừng lại lắng nghe - Đấy, đấy, nó đã về đấy. Nhưng anh đừng có bảo tôi nói gì nhá...

Có tiếng đẩy cổng rồi tiếng bước chân quen thuộc. Đúng là Thành rồi. Thành về thật. Cậu ta đã kịp nhận ra tôi và chỉ hai bước đã nhảy qua bậu cửa, quàng cả hai tay qua vai tôi. Thành vẫn thế, trẻ trung và thậm chí còn đẹp trai hơn trước nữa bởi những nét điềm đạm do thời gian và có lẽ cả sự chín chắn trong ý nghĩ, tình cảm đã đem lại cho Thành.

- Hèn nào đi đường tớ cứ vấp. Đến đã lâu chưa?

Sau bữa cơm, chúng tôi quyết định sẽ ngủ chung một giường, phần vì rét, nhưng chủ yếu là hồi ở đơn vị, có một dạo ở nhà hầm, chúng tôi thường ngủ thế. Thành rút một điếu thuốc ở bao Cửu Long mới nguyên, bẻ ra làm đôi, cười lớn:

- Cái hồi ở trong ấy, cậu còn nhớ không? Bây giờ cứ mỗi lần phải bẻ đôi điếu thuốc lá, tớ lại nhớ đến cậu. Hút gạn quá có lần đại đội phó Đạt nhà ta cháy cả râu! - Chợt giọng Thành trầm hẳn xuống - Cậu còn nhớ Đạt chứ? Ông "phó" Đạt bắt mình kiểm tra nội vụ đại đội ngay hôm đầu về đơn vị ấy. Đạt hy sinh ở đèo Bông mấy tuần sau khi cậu bị thương.

- Giá còn địa chỉ anh ấy thì chúng mình kéo về thăm. Hình như anh ấy chỉ có một thằng con và chắc là đã lớn...

- Có, lớn lắm rồi, năm nay mười tám. Mình có giữ địa chỉ và đã về thăm hồi tết năm ngoái. Nhưng có một chuyện bực lắm cậu ạ.

- Sao?

- Ai đời thằng con anh ấy học giỏi, thế mà có một vị ở ủy ban hẳn hoi đem tráo tên trong danh sách đi học nước ngoài của nó cho con một tay chữa xe đạp và chạy áp-phe! Mình phải mất hơn tháng đi lại, mất bố nó cả cái tết năm ngoái, mới lần ra vụ này. Còn ở địa phương mình...
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #34 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2021, 10:36:17 am »

Thành chậm rãi kể. Cái giọng chậm rãi dường như ít thấy ở đại đội trưởng Thành trước kia khiến tôi càng chăm chú và nhiều khi thật cảm động. Anh không hề khiêm tốn giả vờ khi kể về những cái mạnh của địa phương mình và cũng thật chi li, minh bạch khi nói về những mặt yếu kém, thậm chí rất tệ hại còn ngổn ngang, cần phải đấu tranh vất vả lắm mới mong khắc phục...

- Hay là cậu đi sang chỗ công trường tớ làm việc?

Sực nhớ tới nét mặt và những lời khẩn khoản của bà cụ mẹ Thành, tôi buột miệng nói.

- Cậu định bảo tớ bỏ đây mà đi sao? Không, nếu đi thì tớ đã đi từ lâu rồi. Dễ thường ở bên cậu mọi việc đều êm đẹp cả sao? Ngộ tớ sang bên đó lại gây sự "cãi nhau" không "dĩ hòa vi quý" được, làm phiền cậu thì sao?

- Không phải! - Nghe cái giọng bắt đầu "gây sự" của Thành, tôi vội nói thêm cho rõ - Tớ chỉ nghĩ cậu còn trẻ, còn sức học lên, sang đấy vừa làm vừa học. Gì thì gì chứ không học thêm được sẽ rất khó làm việc lâu dài.

- Ờ thế cậu cho rằng tớ chỉ biết làm ruộng không thôi ư? Làm ruộng không phải học à? Tớ là phó chủ nhiệm phụ trách kế hoạch, cậu bảo không học mà làm được mãi à?

- Thế cậu học gì? Học thế nào?

- Ơ hay thật! - Thành lắ lắc đầu, ra dáng thất vọng về tôi lắm - Cậu cứ như mới từ sao Kim sao Hỏa rơi xuống ấy. Học đại học kinh tế nông nghiệp và học hàm thụ chứ học thế nào?

- A khá đấy! Tớ thành thật ngạc nhiên và khâm phục. Nhưng học xong thì cậu sẽ thoát ly chứ gì?

- Ấy đấy, cứ hễ ai học xong, thành tri thức là cứ phải thoát ly! Thoát với ly đi đâu "Thoát" cái gì và "ly" cái gì?

Thành cười to đến nỗi hình như cậu ta quên rằng đêm đã rất khuya - Nhà nước còn phải cử kỹ sư ở tận đâu đâu về đây, tớ người sở tại chả tiện bằng máy à? Buồn cười, cái hồi ở trại an dưỡng trước khi xuất ngũ, có mấy cậu cứ cuống cà kê về chuyện đi tìm việc. Cậu nào có tay nghề vững, bỏ chuyên môn thì tiếc. Nhà nước mất công đào tạo lâu, họ đi tìm việc, đã đành. Còn những cậu chả có nghề ngỗng gì cũng cứ hoắng cả lên tìm việc. Đã không có nghề thì sao gọi là có việc! Xin vào cơ quan để lý thuyết chay, dựa hồn dựa cốt lĩnh lương ấy à? Tớ thì cứ thèm vào! Đồng ruộng mênh mông mà cứ tính quẩn, thế mới lạ chứ. Những câu cậu hỏi vừa rồi khiến tớ lại nhớ đến cô bạn Hiền...


Thành chợt ngừng lại. Hình như anh bạn thấy cơn say chuyện đã khiến anh bị lôi cuốn đến cả những điều chưa nên nói và vội ngừng lại? Không, muộn rồi, tôi mỉm cười thầm nghĩ. Tớ sẽ moi bằng hết mọi chuyện về cô gái mà cậu vừa nhắc đến kia. Có gì thì tớ sẽ quyết lo cho cậu chuyện này để yên lòng bà mẹ. Mà cũng phải thế chứ. Ngày trước làm chính trị viên cho cậu, tớ đã phải khổ sở vì những lời bóng gió xa xôi của các cô gái trong trung đoàn về cái vẻ kiêu kỳ và khô như đá hộc của đại đội trưởng Thành, mà nay chính cậu đã buột miệng ra tên một cô gái thì đúng là một chuyển biến!... Tôi vội chớp lấy thời cơ:

- Hiền! Có phải cô Hiền mà cậu đang đặt vấn đề chứ gì?

Tôi làm như đã rõ mọi chuyện.

- Vấn đề gì? Ai bảo cậu thế? - Thành nhổm người lên như phải bỏng.

- À, còn phải ai! Tớ mới đến đầu làng đã thấy đám thanh niên kháo chuyện ầm cả lên rồi! - Tôi vội bịa chi tiết này để công khai hóa câu chuyện, và khiến anh bạn không còn đường né tránh.

- Ừ. - Giọng Thành đã mềm hẳn lại - Ừ, đầu đuôi là tại cái bữa tớ dẫn đầu "liên minh nề mộc" ra tu sửa lại trường cấp ba. Hợp tác xã tớ chịu trách nhiệm xây dựng và tu sửa mà. Cô ấy thì đưa một nhóm học sinh lớp chín ra phụ việc. Tớ mới quát cho...

- Thế quái nào mà chưa chi đã quát tháo như Trương Phi thế ông?

- Ờ thì có thế nào tớ phải nói lại trung thực chứ. Tớ quát là vì đi phụ nề, mộc, làm việc nặng mà lại đưa toàn nữ sinh ra. Tớ mới quát... - Thành dừng lại như nghĩ ngợi ròi tung chăn vùng dậy, vẻ xúy xóa - Thôi có vậy thôi. Để khi khác. Cậu cứ làm như hỏi cùng tớ không bằng.

- Hỏi cung cái gì? Chuyện tình yêu gì mà cứ cụt ngun ngủn, cứ nhát gừng, cứ toàn quát với thét như thế thì ai nghe chả sốt tiết, rồi sao?

- Thôi! - Giọng Thành đã có vẻ van nài thực sự - Có gì tớ sẽ viết thư tường trình. Có gì khó khăn cậu lại làm... chính trị viên cho tớ!

- Cậu thì chỉ được cái mạnh bạo xó bếp, khôn nhà dại chợ - Tôi buông giọng chán nản - Việc này mà không xong là không yên với tớ đâu.

- Xong! Xong! Hiền là một cô gái khá thật ấy chứ không đùa đâu. Thôi thế bây giờ chúng mình ngủ nhá. Mai cậu cứ ngủ tít đi, tớ chạy ra xem xe công ty rau về thu mua dưa. Cải lên ngồng ra hoa cứ vàng rực cả bãi sông, cậu có để ý không? Họ cho xe về chậm đến sáu ngày. Hợp đồng đã ký rõ ràng thế mà làm ăn đến kỳ lạ. Ngủ nhá. Mai mà không cho đủ xe về, tớ sẽ lên tận nơi!


Vừa buông lời, Thành đã ngáy ngay và ngáy khá sâu. Thành vẫn ngủ dễ dàng như ngày nào giữa cái sống và cái chết ở chiến trường. Dường như ở con người lúc nào cũng sôi động này ít những điều trăn chở chăng? Không. Ít nhất là không ít hơn so với riêng tôi. Ở chiến trường đã vậy, bây giờ trước mặt tôi là một công trường, thì trước mặt Thành cũng là cả một hợp tác xã cấp toàn xã với tất cả những hạn, úng, được mùa và mất mùa; với cả những trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, trạm xá; với cả những lo toan khác biệt giữa hàng ngàn gia đình xã viên... Ngày nằm chờ chuyển ngành, cứ như cách nói và cách nghĩ mà Thành đã kể, chắc chắn cậu ta sẽ không gặp những đêm mất ngủ vô ích như mình đau. Mình đã mất ngủ vì những lẽ gì? Vì nhiều điều có ích, nhưng quả thực cũng không ít những điều "chả lẽ" đáng ngượng. Về học tiếp ngay Đại học kiến truics để sau này có một kiến thức vững vàng làm việc ư? Có giấy gọi học rồi nhưng "chả lẽ" sáy bảy năm chiến trường, cấp bậc tiểu đoàn phó rồi mà lại trở vè làm một anh sinh viên thường? Không! Bằng mọi cách hãy giành lấy cái chức chỉ huy phó công trường, lương tương đương đại úy và ít nhiều có quyền ngay! Thế là mất ngủ! Và mỉa mai thay khi mới về công trường, đường đường là một bí thư đoàn toàn khối, nhưng lại chưa nắm chắc được cái chức chỉ huy phó, đã nhiều lúc tôi tỏ ra chiều chuộng quá đáng với cái vị chỉ huy trưởng nát rượu, ngu dốt, vô trách nhiệm đang bị cả đảng ủy công trường lên án...


Đằng này với Thành thì dường như tất cả mọi điều đều hiện ra với một vẻ trong sáng, giản dị hơn nhiều. Đánh giặc xong thì về với đồng ruonjg, xóm làng, và khi có điều kiện thì đến với những trang sách hàm thụ đại học. Thành đã trở về và bám trụ tại đó không một chút so đo tính toán, không một chút do dự kể cả những trường hợp phải đối mặt với những kẻ ăn cắp, sa đọa. Bao nhiêu những đứa trẻ đáng yêu như con trai của đại đội phó Đạt sẽ bị những kẻ gian dối đánh tráo, lừa gạt, nếu như cuộc sống này còn thiếu những tấm lòng và những cánh tay tin cậy, mạnh mẽ che chở cho các em? Anh Đạt ơi, chúng toi còn đang sống và làm việc đây! Với Thành thì cậu ra đã có thể tự hào để nói điều đó với những người đã khuất như Đạt và cả với những người đang sống nồng nhiệt xung quanh. Nhưng còn tôi? Thật là may và không hiểu sao tôi cũng còn nhiều xúc động nhớ thương mỗi khi nghĩ tới những người bạn như Đạt, như Thành. Và thực lòng vẫn còn nhiều náo nức, bồn chòn mỗi khi tìm đến các anh...


Thoảng đâu đó từ đầu làng đã có đôi tiếng gà xao xác trong tiếng gió bấc đang tràn về ồn ã cả mặt sông. Tôi vội vã tắt đèn, kéo chăn trùm kín cho cả Thành. Hơi ấm tỏa ra từ thân thể khỏe mạnh của Thành đã đưa tôi nhanh vào giấc ngủ. Và thật kỳ lạ, đêm ấy, nếu không nhớ nhầm thì phải đến ba lần tôi nằm mơ thấy mình đi dạo chơi dọc một triền sông Hồng và lần nào tôi cũng đều gặp cô giáo Hiền. Tôi không sao nhớ rõ cô mặc áo mầu gì, chi tiết đường nét gương mặt ra sao, nhưng có điều chắc chắn là cô có một nụ cười ấm sáng, trẻ trung, hiền dịu đến lạ lùng...


Và cho đến chiều nay, giữa buổi chiều mồng một tết này, Hiền đã đến, không phải từ trong một giấc mơ nào cả mà ngay trước bậc thềm nhà Thành, giữa một nhóm học trò của cô, giữa những chiếc khăn, những cánh áo nhiều mầu cứ rực rỡ cả lên như một chùm hoa lạ.


Còn mẹ, mẹ đã về ngồi lặng lẽ ở một góc sân vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa ngắm nhìn Hiền với bầy trẻ nhỏ. Và tuy tôi đã nhắc nhiều lần, việc đi gọi Thành về, nhưng mẹ cứ nhất quyết "không hơi đâu mà đi tìm cái thằng cá quẫy", khiến Hiền cứ cười hoài, một nụ cười ấm sáng, trẻ trung, hiền dịu. Đúng là nụ cười tôi đã gặp trong mơ và đã kể với Thành. Làm sao mà khác được?

1979
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
Trang: « 1 2 3 4   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM