Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:24:52 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điều không ngờ tới  (Đọc 31601 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #20 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2009, 07:12:35 pm »

Tôi cố gắng nói ngắn, gọn và trong phạm vi những điều có thể nói về việc biên chế hiện nay cho cụ nghe. Tôi vừa dứt lời thì cụ cũng xin phép chạy xuống bếp. Lát sau cụ lên, hai tay bưng một hũ sành lớn áng chừng đựng được hai mươi lít rượu. Cái hũ có lẽ đã lâu ngày không ai sờ đến nên mạng nhện, mồ hóng dăng khắp cả. Cụ lấy khăn lau bàn chùi đi một lượt xung quanh miệng hũ rồi mở nút, cho tay vào bốc ra một nắm toàn những miếng thái quân cờ xốp và trắng như ruột cây sắn, có lẫn cả bỏng nếp rang. Cụ đưa lên sát mặt tôi:

-Anh có biết nó là cái gì đây không?

-Cháu chịu.

-Tôi biết mà! Anh chịu là phải, mà đến nhiều người khác cũng phải chịu! Không biết ông trời ông ấy có định cho tôi là sau này làm nghê nuôi quân không mà ngay từ thời còn trẻ, ông ấy đã phú cho tôi cái tính ăn thì không được nhêìu mà cứ hay chú ý đến các món ăn. Tôi còn nhớ cái hồi hăm lăm, hăm bảy tuổi, tháng ba ngày tám là cùng anh em đi đóng cối. Năm ấy tôi đóng năm cái cối xay cho nhà lý Nhật đúng vào dịp lão ta ăn mừng lên lão. Hắn là chúa bạc ấc và khinh khỉnh, nhưng vì tôi là người hàng xứ lại đến đóng cối, đối xử không tử tế với cánh “phó” chúng tôi thì cối xay nặng là một, rời tay nêm ra là đất cối cũng bở ra lẫn với thóc gạo ngay là hai. Cho nên đến bữa ăn, hắn cũng phải mời mấy anh em tôi ngồi chiếu ở nhà trên đàng hoàng. Bữa ấy ngoài giò, nem, ninh mọc ra còn có một món đựng trong bát da lươn, chỉ lẫn loáng thoáng mấy miếng lòng gà làm phép mà ngọt ơi là ngọt. Nó cứ xôm xốp, sần sật. Cái giống ấy nó thấm nước nở ra nên khi cắn vào là nước ngọt nó cứ tràn ra chân răng…

-Bong bóng cá phải không cụ?-Tôi hỏi.

-Không phải!

-Bong bóng bì? Bong bóng thủ?

-Không phải! Đấy, mới đầu tôi cũng đoán như anh. Không biết thì phải hỏi. Nhưng hỏi ngay ở mâm thì cánh khách hàng xứ họ khinh mình quê. Tôi mới để ý nhìn xuống bếp thì thấy một bác ra tay dao, vào tay thớt. Tôi nghĩ sống chết là phải “túm” cái nhà bác này. Không uống được rượu nên chẳng thiết ngồi lâu, tôi xin kiếu trước rồi tảng lờ xuống bếp lấy nước. Tôi mới hỏi khẽ bác ta:

-Này bác, thế cái món trăng trắng xôm xếp đựng trong bát da lươn mà bác cho anh em tôi ăn là cái món gì đấy?

Bác ta ngừng chặt thịt, ngửng lên nhìn tôi như có ý xem tôi có thật bụng hỏi không. Bác ta còn hỏi nghề nghiệp, quê quán tôi. Còn bác, mãi sau tôi mới biết. Bác chính là bếp Kính, làm bếp cho thằng đốc tờ Tây trên tỉnh, lý Nhật phải đưa xe tay nhà đi đón bác về thuê làm cỗ khao. Làm thầy thuốc có gia truyền bí truyền thì làm bếp cũng có nghề riêng, không mỗi chốc nói ra được. Nhưng tôi thì bác ấy nói. Cái món ấy có gì đâu, nó là cái anh củ mỡ thái quân cờ đem phơi! Phơi nắng hạ cũng được, nhưng được cái nắng hanh thì mau khô mà khô bền. Phơi độ năm nắng liền rồi cứ mười cân nó thì để lẫn với hai bơ bỏng nếp, cho vào hũ kín cất đi dùng dần. Cái này ở bộ đội mà đựng vào hũ thì lỉnh kỉnh quá, tôi phải bọc vào vải nhựa để dễ mang đi theo đơn vị. Cái nghề mình phải “năng nhặt chặt bị”, cứ vào mùa củ mỡ là tôi tỉ mẩn ngày nửa cân, ngày một cân, thái dần, đến cuối mùa tôi có vài yến là thường. Nhiều đấy, nhưng không phải lúc nào cũng ăn mà phải chờ vào những dịp khao quân, liên hoan, đem ra nấu với nước dùng gà, lợn hay xương trâu, xương bò đều tốt. Cần gì phải bong bóng bì mấy chả bóng thủ. Nó mà nấu với nước gà thì giá kể khi ăn vào miệng có anh nào đứng cạnh, nó tuốt gươm bảo: “Không nhả ông chém!” thì cũng nuốt cái đã!


Cụ nói sôi nổi quá làm đám trẻ con đang chơi ngoài sân cũng xô cả vào nhìn chúng tôi ngơ ngác, giơ cả răng sún ra mà cười.

Câu chuyện đang hào hứng. Giá không phải đi mua đậu thì tôi còn xin cụ kể nốt cho mấy món ba ba, ốc suối, món hạt dẻ rang thay gạo… nhưng đành tạm gác. Cụ đon đả tiễn tôi ra đến cổng, rồi còn đứng vừa quạt vừa nhìn theo mãi cho đến khi tôi đi khuất.

Từ bữa ấy, cứ lúc nào rảnh rỗi là tôi đến thăm cụ. Mỗi lần đến, tôi lại “mang về” được vài ba món ăn, toàn những món rẻ tiền, dễ kiếm nhưng ngon cho đơn vị. Đến mãi thành thân thiết như người nhà rồi, tôi mới đánh bạo hỏi cụ về cái chuyện sao chè lá già, chuyện cụ đánh xổng chó ở chợ Mọc… mà mọi người đồn đại. Cụ hơi đỏ mặt, tôi đã lo, nhưng rồi cụ lại tủm tỉm cười:

-Chắc anh lại nghe cái đám trẻ, mấy thằng Trang, thằng Thịnh, cái Hành, cái Trương… nó nói chứ gì? Nó bịa đấy. Gặp đâu cũng “ông kể chuyện kháng chiến đánh Tây cho cháu nghe”. Vậy mà cứ chuyện nào nghe cánh phụ lão chúng tôi nói xong là u như rằng nó thêm dấm thêm ớt vào! Quái lại thế chứ lỵ! Cũng là cái cách nó quý mình, nó nói cho vui thôi. Cái thời ấy vui chứ anh nhỉ. Cứ nghĩ lại những lúc ba đào mà vẫn kiếm được vài món ngon, đơn vị ăn uống ríu rít thì thật cả còn gì thích bằng. Giá kể bây giờ có phép gì làm trẻ lại thì tôi lại xin đi nuôi quân.


Sau thời gian ở xóm Húng, đơn vị tôi đi chiến đấu suốt hai năm liền trong rừng Trường Sơn và đồng đội của tôi đã được ăn hầu hết những món ăn mà cụ đã cho “đơn”. Nhưng có một món ngon nhất, không hiểu các đồng chí có cho tôi là suy diễn không, đó là niềm vui, niềm tự hào không bao giờ cạn của một cuộc đời khi biết từ trong những công việc bình thường, nhỏ nhặt cũng luôn luôn hết lòng với đồng chí, đồng đội của mình mà cụ đã truyền lại cho tôi!


1970
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #21 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2021, 06:35:08 pm »

Đối thoại


Chưa khi nào đại úy Phan Khiết lại cảm thấy khó chịu như lúc này, cái buổi sớm lẽ ra là phải đẹp lắm. Trời mịn màng. Đài quân đội đang dạo những bản nhạc nhẹ. Thùy Linh vẫn bảo cái vẻ hào hoa của sĩ quan trẻ như Phan Khiết, sẽ tăng lên rất nhiều trong âm hưởng của những bản nhạc nhẹ. Cuộc đưa tiễn xuống tới bậc thềm thứ chín rất đặc biệt tại bộ tư lệnh quân đoàn của thiếu tướng tham mưu trưởng - một viên tướng ít khi rời khỏi xa-lông khi tiếp cấp dưới. Sự xì xào về người đại úy quá trẻ của những đám lính - dẫu là Phan Khiết không hề để mắt đến họ - dọc những hành lang mà y đi qua... đã làm y hào hứng biết bao nhiêu trong chuyến công vụ này thì khi ra xe, gặp viên thượng sĩ già tài xế, Phan Khiết càng cảm thấy bực bội bấy nhiêu. Đôi mắt giễu cợt, nụ cười nhếch không duyên có trên bộ mặt già nua ốm yếu, bàn tay gầy guộc đưa lên vành mũ một cách chiếu lệ, lời nói gióng một không ít những hàm ý coi thường...

- Anh có thể cho xe nổ máy được rồi đó. Tôi không nhất thiết là phải chờ họ.

Đại úy Phan Khiết nói với một giọng gay gắt và nhìn xoáy vào viên thượng sĩ.

- Thưa đại úy - viên thượng sĩ úp mặt vào vô lăng chiếc xe Jeép - Đúng là đại úy không nhất thiết phải chờ họ, nhưng...

- Không nhưng gì cả! - Phan Khiết ngắt lời viên thượng sĩ - Mà sao anh lại cứ phải dài dòng thế. Đi!

- Nhưng thưa đại úy, chưa có lệnh thông đường buổi sớm. Xe dò mìn trên lộ chưa về.

Ờ, hắn nói có lý. Đây là lộ 13. Nhưng như thế là hắn sẽ lại cười mỉm. Những kẻ tầm thường sẽ rất dễ đắc ý trước những thắng lợi lặt vặt ấy. Chưa chừng mà thằng cha thượng sĩ này sẽ còn nghĩ cả đến sự non choẹt về trình độ quân sự của Phan Khiết trong cuộc chiến hiện tại. Phan Khiết có cái tánh không chịu nổi với những con người mà trước sự hiện diện của y lại không tỏ ra một vẻ gì là săn đón. Có lẽ tánh này có từ hồi nhỏ, từ những ngày mà mỗi buổi sáng, buổi trưa khi cậu Tư Khiết ngủ dậy hay lên tiếng đòi một thứ gì là các loại con sen thằng ở cứ phải cuống quýt cả lên kia! Cho nên lúc này Phan Khiết càng cảm thấy bực bội, không thể nào im lặng chấp nhận cái lý hiển nhiên đó của viên thượng sĩ. Y đặt mạnh bàn tay vào cái vai gầy nhô lên dưới manh áo lính quá rộng của viên thượng sĩ, khiến tên này phải ngẩng lên.

- Tôi hỏi thật, hình như thượng sĩ mỏi mệt lắm phải không?

Viên thượng sĩ chớp chớp mắt và hiểu rằng sau cái giọng cố làm ra ra chậm rãi, thậm chí còn dịu dàng ấy của viên đại úy trẻ tuổi này không phải là những lời thăm hỏi đâu.

- Dạ, tôi cảm thấy mệt mỏi thật. Đại úy có cảm thấy như vậy không?

- Anh đừng có cười mỉm cái điệu như vậy. Nếu anh là một người lính trẻ thì tôi đã có cách đối xử khác với anh rồi đấy. Trong cuộc chiến này không ai có quyền mệt mỏi hết!

- Trình đại úy, tôi có mặt! - Một viên thiếu úy cao, gầy, đứng nghiêm trước mũi xe chào Phan Khiết làm cắt ngang lời y.

- Sao lại chỉ có một người? Thiếu úy Vân đâu?

- Thưa đại úy, thiếu úy Vân lại vừa mới ói vì say rượu. Hình như thiếu úy không muốn đi.

- Thôi anh lên đi. Tòa án binh sẽ nói chuyện với anh ta. Chúng ta đã có quá nhiều những người say rồi đấy.

Sau chừng mươi phút len lách giữa đám thiết giáp đủ kiểu đỗ ngổn ngang không ra hàng ra lối nào trước bộ tư lệnh quân đoàn, chiếc xe Jeép tăng số lao nhanh trên con đường nhựa láng bóng như một đường bằng sân bay. Chỗ này đường tốt quá. Gió mát của buổi sớm đã khiến Phan Khiết lấy lại được đôi chút khoan khoái khi trước, nhưng y vẫn không muốn nói chuyện. Có gì đáng nói? Viên thượng sĩ ngái ngủ và thằng cha thiếu úy quèn kia đâu phải bè bạn! Phan Khiết mỉm cười khi chợt nhận ra khuôn mặt thanh tú của y phản chiếu ở chiếc xe để trần trước mặt. Thùy Linh đã có lý khi nàng bảo rằng Thượng đế đã sinh ra anh để mặc quần áo võ quan! Đúng là cách nhìn tinh đời của con gái một vị tướng. Nghe đâu trước đây hai năm, Thùy Linh đã có yêu một viên thiếu tá thân cận của ba nàng, nhưng rồi viên thiếu tá ấy đã chết trong một trận pháo kích của cộng quân vào sở chỉ huy sư đoàn. Không sao, không sao. Ngày ấy Thùy Linh mới có mười bảy tuổi, bất quá thì cũng chỉ là một thứ tình yêu học trò! Còn bây giờ, ở nơi khung trời thương nhớ đô thành kia, Thùy Linh sẽ dành tình yêu cho y, dành một cách trọn vẹn, chắc chắn là như vậy. Những thằng bạn ngu xuẩn của Phan Khiết đã cười lên hô hố khi Phan Khiết nói về một tình yêu trọn vẹn của nàng. Sao lại cười? Chúng nó thường bị những cô gái quý phái ấy phụ tình bởi vì tuy cũng là sĩ quan, nhưng thiệt tình chúng không sao so được với Phan Khiết. Ngoài Phan Khiết ra, Thùy Linh còn có thể tìm đâu ra một tình nhân và một gia thế tương xứng hơn? Bố Phan Khiết sau sự biến tháng mười một năm một chín sáu ba, ông đã rút ra khỏi hội đồng tướng lãnh, nhưng ông vẫn có văn phòng của ông ở hải ngoại và đặc biệt, ông còn là chủ của ba hãng sản xuất nước ngọt, hàng chục xnách-ba nổi tiếng tráng lệ rải suốt từ cố đô Huế vào Sài Gòn. Giá không phải là con vợ bé thì có thể y sẽ khá hơn, nhưng không sao. Người anh cùng cha khác mẹ của y cũng chỉ mới hết tú tài phần hai, vào võ bị Đà Lạt, nay cũng đã lên tới cấp đại tá, ngấp nghé cái ghế chuẩn tướng. Còn y? Y đã từng cắn răng nhịn nhục với cả những tên thượng sĩ, chuẩn úy huấn luyện mạt hạng ở trường võ bị để lấy những nhận xét tốt khi ra trường. Anh y vẫn bảo rằng ương bướng với những kẻ tiểu nhân luôn luôn là một điều bất lợi. Đấy chỉ là một thứ rác rưởi hôi thối của một quãng đường mà người muốn đi xa phải nín thở ráng chạy qua cho nhanh. A ha, đúng thế đấy. Sau bọn huấn luyện viên lính tẩy ấy là những cuộc gặp gỡ các vị tướng tá cao cấp, những ngày làm sĩ quan ở Bộ tổng tham mưu. Những con mắt tinh đời của các vị tướng đã phát hiện ra Phan Khiết. Chưa đầy ba năm, y được thăng trung úy rồi đại úy trước con mắt ngạc nhiên của các sĩ quan cùng khóa. Có gì mà phải ngạc nhiên? Thế giới tự do là thế giới của những người hữu sản! Phan Khiết đã công khai nói với những thằng bạn sĩ quan dám ra mặt công kích y. Ở cái tuổi hai mươi bốn, y chưa hề nhìn thấy cảnh bố mẹ y đã phải rời bỏ những vùng cộng sản chiếm đóng chạy theo người Pháp và mấy trăm mẫu ruộng của gia đình y đã bị đem chia cho những kẻ nghèo hèn ở khắp các làng của một miền châu thổ Bắc Bộ phì nhiêu ấy ra sao, nhưng những dấu vết cay chay hằn học qua những câu chuyện và in trên gương mặt bố mẹ y thì quả là không thiếu. Cộng sản vẫn bảo như thế nào nhỉ? Ừ, họ vẫn bảo mảnh đất mà y và gia đình y đang sống đây là mảnh đát và hang ổ cuối cùng của những kẻ phản động còn muốn cố bám vào để nô dịch đồng bào. Hừ, hang ổ thì không đúng, nhưng là mảnh đất cuối cùng thì đúng. Từ mảnh đất còn lại cuồi cùng này, y và những người cùng tầng lớp với y phải giữ lấy và mở rộng ra, giành lại tất cả những gì đã mất, bằng mọi phương sách kể cả những thế lực đồng minh ngoại bang, dù là với điều kiện nào, ngõ hầu là họ mang đến cho tầng lớp y ít nhiều sức mạnh. Những người cùng cảnh ngộ như y, triết học hơn một chút mà nói, thì có nghĩa là những người cùng giai cấp với y, vốn không nhiều. Vật thì việc những người cầm đầu chánh phủ Việt Nam Cộng hòa có dựa vào thế lực ngoại bang, thậm chí có phải làm người dọn đường cho quân đội ngoại bang kéo vào cũng sẽ không có gì là lạ. Xương thịt quý phái không nhiều đâu. Những người như y cần phải nắm lấy, đứng trên đỉnh cao mà năm lấy cái đám quần chúng đông đảo, biến nó thành những kẻ thuộc hạ. Cho nên Phan Khiết cần phải có chỗ đứng, không phải chỉ là một thứ danh phận cho riêng y, mà còn là một cái thế để giữ gìn những gì mà bố y, anh y và tương lai y sẽ có. Việc y lên cấp nhanh như thế hoặc hơn thế có gì còn phải ngạc nhiên? Nhưng tại sao Phan Khiết lại phải rời Bộ tổng tham mưu để đến một vùng trận mạc ác liệt với chuyến công vụ này? Kể ra thì cũng là một điều khó hiểu thật đấy. Thùy Linh cũng đã từng hoảng hốt ôm lấy Phan Khiết mà khóc khi nghe được tin này và không ít bạn bè sĩ quan đã hỏi thẳng Phan Khiết. Nhưng tất cả đã nằm trong con tính của người anh y. Thời buổi này quả la có quá nhiều thế lực đối kháng. Ngay ở Bộ tổng tham mưu cũng vây. Anh y không phải là một thế lực tuyệt đối. Sự thăng thưởng của y dù có khiến bọn cấp dưới bất mãn ganh tỵ đến đâu thì cũng chỉ xem như những thứ rác rưởi. Nhưng còn những người ngang cấp và trên cấp ông anh Phan Khiết? Họ cũng lốc nhốc những đứa cháu, đứa con, rồi lại cả những đưeá con, đứa cháu của những ông bạn họ đang làm tổng trưởng bộ này, giám đốc hãng kia. Cái này thì không thể xem thường được. "Thời của ba là thời đệ nhất cộng hòa. Thời của các con bây giờ là thời đệ nhị cộng hòa. Về cơ bản không có gì thay đổi, nhưng cái thế riêng của gia đình mình có phần kém đi. Vậy thì các con phải có cách tính khác". "Cách tính khác" là như thế nào? Sau lần nghỉ mát ở Đà Lạt với ba y được nghe những lời ấy, Phan Khiết nghĩ mãi mà không ra "cách tính khác". Hỏi thì ba y chỉ nói "con còn trẻ lắm, ba thì bận kinh doanh. Ba chỉ mong sao con biết nghe lời anh con là được". Ba tháng sau y nhận được lệnh tạm rời Bộ tổng tham mưu và ngay trước ngày y đi, người anh ruột chờ chuẩn tướng ấy đã kịp đến thăm. "Phải có một chút trận mạc - anh y nói - Những thằng khác muốn cho con cháu nó nhoai lên, nhưng chúng nó không dám cho lũ sữa ấy đi trạn. Chú đi chuyến này ngắn ngày thôi và tôi cũng đã nghiên cứu kỹ rồi". "Có chí làm quan, có gan làm giàu", chính mẹ Phan Khiết cũng khuyên y như thế. Hai tay ôm khư khư lấy cái tráp đựng trầu khảm xà cừ, mẹ y nói nghe cứ ngọt xớt. Nhiều khi chính Phan Khiết cũng cảm thấy ớn trước giọng nói của mẹ y. Sao mà nó giống với cái giọng ngày mẹ y dỗ ngon dỗ ngọt cho người chị gái khá đẹp của y phải lấy viên trưởng ty cảnh sát già đến thế. Ờ, nhưng mà đấy là chuyện đàn bà. Còn việc y đi trận thì dù sao cũng khác. Lấy cớ để nhoai lên là một việc, còn một điều nữa khiến y cũng cảm thấy là cần thiết. Đây sẽ là dịp mà y có thể xác định được rõ cái biệt tài quân sự mà nhiều khi y cảm thấy là có ở y, nhưng nó còn lờ mờ vì chưa được thực tế kiểm nghiệm. Na-pô-lê-ông cũng bắt đầu từ cái chức thiếu úy trước trận Tu-lông. Còn Hít-le dám dùng đến cả một thế chiến để chứng minh cho thiên tài quân sự của ông ta! Cái đám quần chúng thấp kém muôn thở chỉ là một dãy zê-rô1 (dãy số không) nếu không có những thực số, dù chỉ là con số 1 đứng đằng trước để làm nên một giá trị lớn. Siêu nhân chính là những thực số, những con số 1 đứng đằng trước như thế. Mỗi khi nghĩ đến những siêu nhân ấy, Phan Khiết còn cảm thấy một điều nữa là cả anh trai y, cũng chỉ là một kẻ khôn ngoan một cách tầm thường. Ờ mà biết đâu. Việc gặp gỡ kín đáo gần đây giữa Phan Khiết và một nhân vật cao cấp trong tòa đại sứ Mỹ mà y còn giấu cả anh y nữa, đã mở ra một viễn ảnh khá là huy hoàng.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #22 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2021, 06:36:03 pm »

Chiều ấy, sau những giờ nghe điện thoại réo mệt đến phát điên lên, y đi dạo một vòng quanh những bồn hoa trong khu vườn riêng Bộ tổng tham mưu thì có một người Mỹ đi đến trước mặt y. Người Mỹ này trông từ xa thì còn trẻ, nhưng đến gần thì Phan Khiết thấy da mặt ông ta đã có nhiều nếp nhăn, tóc đã thưa và ngả trắng. Chỉ có hàm răng là vẫn đều đặn, ken xít vào nhau, khiến cho tiếng nói của ông ta không phều phào một chút nào hết.

- Đại úy bao nhiêu tuổi rồi?

- Thưa ngài, tôi hai mươi bốn tuổi.

- Chà, tôi khao khát cái tuổi trẻ của đại úy biết là dường nào!

Sau những câu làm quen cởi mở và đáng nhớ như thế, người Mỹ ấy đã mời Phan Khiết đến tòa đại sứ. Phan Khiết không ngờ con người có dáng dấp lịch sự mềm mỏng như một nhà ngoại giao ấy lại là một viên tướng từ những ngày cuộc chiến Cao Ly. Ông ta nói rất nhiều về tương lai của nền đệ nhị cộng hòa, về trách nhiệm của người Mỹ đối với nền an ninh của Việt Nam, Á châu và cả thế giới nữa, rằng đây là một cuộc chiến giữa các ý thức hệ. Rồi đến cả chuyện ông ta đã từng vinh dự tiếp kiến với những vị tướng tên tuổi của Việt Nam, trong đó không biết vô tình hay đã sắp đặt trước, ông ta có nhắc đến tên bố Phan Khiết. Chắc là vô tình thôi - Phan Khiết nghĩ thế - vì sau khi nghe y nói chính y là con trai viên tướng đó, thì ông ta đã ồ lên với tất cả vẻ ngưỡng mộ và ngạc nhiên từ khóe mắt đến cái dáng người nhô về phía trước. Chưa hết. Nhà ngoại giao kiêm nhà quân sự danh tiếng ấy còn tỏ ra áy náy nếu có điều gì thất thố với Phan Khiết nữa kia! Chao ôi, thế mới biết, khi người ta nói đến sự thô bỉ của những người Mỹ thì chỉ có thể là do bọn sĩ quan cấp dưới, bọn lính tráng rác rưởi mà thôi. Bọn ấy thì cả Mỹ và Việt Nam đều có chứ! Chúng nó là những kẻ dưới quyền!

- Đại úy có thể cho tôi hay đôi chút những suy nghĩ của đại úy về tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và nội các của ông ta?

- Dạ, điều đó có thể là quá lớn lao và vượt ra ngoài quyền hạn của một quân nhân như tôi.

- Không sao, không sao! Đã đến lúc đại úy cần đặt cho mình những suy nghĩ như thế. Đừng bao giờ tự hạn chế mình trong cái khuôn khổ thuần túy quân nhân đã lỗi thời rồi. Đấy chỉ là quan niệm của những kẻ võ biền. Với chúng ta (chao ơi, ông ấy dùng hai tiếng "chúng ta" để chỉ cả Phan Khiết) sẽ không có một hạn chế nào! Chúng tôi hy vọng nhiều vào thế hệ trẻ Việt Nam mà đại úy là một trong những người cần có sự quan tâm đặc biệt. Nhất là khi quân đội Mỹ đã rời khỏi Việt Nam.


A ha! Nghĩ về tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và nội các của ông ta... Đại úy là một trong những người cần được quan tâm đặc biệt... Tại sao trước kia không bao giờ y nghĩ đến có những điều hứa hẹn lớn lao như vậy nhỉ? Cho cả đến chuyến đi này ông ta cũng biết trước, cho xe đón Phan Khiết và cầu Chúa cho y mọi sự tốt lành. Ông ta còn bảo hãy can đảm. Trong công cuộc chống Cộng, chúng ta đã có quá nhiều nhà lý luận mà chỉ thiếu có lòng can đảm! Cần phải có những vị tướng có thể nói với binh lính của mình bằng những vết sẹo chiến tích...

- Binh lính và lòng can đảm, thưa ngài, là một sĩ quan, tôi có quyền hoài nghi về những điều đó đối với quân đội hiện có của chúng ta không? - Phan Khiết cố gắng hết sức để đặt ra một câu hỏi có ý nghĩa của một tầm suy nghĩ lớn và những suy tư không dễ dãi.

- Đại úy biết đặt thẳng những hoài nghi đó là một sự can đảm - Viên tướng Mỹ cười lớn - Chúng ta cần có những suy nghĩ thực tiễn. Sự can đảm đó là kết quả của những người có ý thức cao. Tôi không hoài nghi chút nào về lòng can đảm của những người như đại úy. Nhưng con binh lính ư? - Viên tướng dừng lại vẻ suy nghĩ, chậm rãi - Tôi cũng không nghi ngờ gì lòng can đảm của họ, nhưng hình như ở cái khối đông này sự can đảm sẽ không cụ thể và rõ ràng bằng sức mạnh khi bản năng bị kích động!... Người sĩ quan là người biết tạo nên những tình huống và khích lệ họ...


Hết quãng đường nhựa, chiếc Jeép giảm tốc độ một cách đột ngột để bắt đầu bò vào chỗ đường đất nham nhở đã khiến ý nghĩ của Phan Khiết bị gián đoạn. Y giở bản đồ ra. Qua cánh rừng cao su này là sẽ tới đài quan sát chiến đoàn. Ngay từ đây đã có thể phân biệt được từng loại súng của trận đánh trước mặt.


Phan Khiết châm một điếu thuốc thơm. Y hít những hơi dài cố ý cho khói tràn vào lồng ngực mà không hiểu sao y vừa cảm thấy như nó có phần trống rỗng. Y cũng chẳng để ý gì đến viên thượng sĩ già lái xe nhổ nước miếng ầm ĩ vì nhạt miệng và phía ghế sau, khói thuốc thơm đã khiến viên thiếu úy ngáp vặt liên hồi đến giàn giụa nước mắt.


Tên lính hầu đã mở đến chai la-ve thứ tám rồi mà những viên chỉ huy của nó vẫn chưa rời đài quan sát. Nó buồn nản hết nhìn những sĩ quan đờ đẫn thả mắt ra trảng cỏ vàng xuộm nhấp nhô những thân cây cháy đen khẳng khiu dưới nắng. Chưa bao giờ nó cảm thấy thiếu ta tiểu đoàn trưởng của nó lại lép vế như ngày hôm ấy. Đối với đại tá chiến đoàn trưởng thì đã đành một nhẽ. Nhưng tại sao đối với ngay cả viên đại úy non choẹt có cái tên Phan Khiết mới đến sáng nay ấy, thiếu tá cũng có phần xun xoe quá. Không thích gì thiếu tá nhưng lúc này nó chợt thấy có cái gì như một sự mủi lòng. Dù là thằng đầy tớ thì cũng cần phải có một ông chủ quyền thế hiên ngang để nó cũng theo đó mà quyền thế hiên ngang với những thằng đầy tớ khác chớ! Hay là bữa nay thiếu tá của nó hút không đủ số thuốc lá có tẩm nha phiến? Nó kín đáo đặt vào đùi thiếu tá hộp thuốc lá mà thằng bạn đã cho hồi hôm khi thằng này đi Sài Gòn về. Mắt thiếu tá sáng lên. Nó tưởng thế thì thiếu tá của nó sẽ thêm hăng hái. Nhưng thật lạ, thiếu tá của nó lại luống cuống rồi.

- Thiếu tá cũng xài loại thuốc này kia à? - Phan Khiết đã tinh mắt nhìn thấy hộp thuốc lá của tên lính hầu, mặc dầu hình như y không rời mắt khỏi ống nhòm.

- Dạ, cũng có đôi khi.

- Tôi sợ rằng điều đó sẽ là một gương xấu cho những người lính.

Viên thiếu tá hơi đỏ mặt. Nói đỏ mặt là theo cách tưởng tượng của tên lính hầu chớ thiệt ra cũng khó mà thấy được ở cái nước da tái xịn trên bọ mặt héo hắt của ông ta. Đến cái giọng trịnh thượng như thế mà thiếu tá cũng chịu ư? Buồn nản và thất vọng, trước khi quay mặt đi nơi khác, tên lính hầu không quên gửi lại viên thiếu tá cảu nó một cái nhìn trách móc à thương hại.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #23 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2021, 06:36:55 pm »

Viên thiếu tá khẽ nhếch mép cười. Mọi cử chỉ của tên lính hầu ấy, viên thiếu tá đều biết. Bản thân thiếu tá cách đây gần hai mươi năm cũng từng là một tên lính hầu thì làm sao ông ta không hiểu nỗi lòng đồng nghiệp? Nhưng hỡi chú lính ngây thơ kia ơi, nếu chú biết đằng sau ba bông mai của viên đại úy đáng ghét kia là cả một thế lực như thế nào? Và còn một điều này mới quan trọng, thiếu tá sẽ còn nhịn nhục, sẽ còn ra bộ nghiện ngập ốm yếu đến chừng nào ông ta có thể bàn giao toàn bộ cái tiểu đoàn 3 nổi tiếng thiêu thân của chiến đoàn này cho viên đại úy trẻ tuổi hiếu thắng kia. Hãy cho hắn thả cửa chê bai sự bất lực của ông ta trước mặt đại tá chiến đoàn trưởng đi. Không sao cả. Không cần nhìn ống nhòm, thiếu tá cũng biết đến giờ này, tiểu đoàn 1 đã bị loại ra ngoài vòng chiến, tiểu đoàn 2 đang tiến vào thay thế và sớm muộn gì cũng đến tiểu đoàn 3 của ông ta. Cứ nhìn vào bản đồ và cái thế trận thì chiến đoàn này không có phương sách nào giải tỏa nổi lộ 13. Việt cộng không thể bỏ lộ 13 trong thời gian này. Mà họ đã giữ, ờ đã chốt chặn, danh từ quân sự của họ, thì chỉ có nghĩa là "chốt" và "chặn" mà thôi! Ngay hôm qua chính đại tá chiến đoàn trưởng đã cho gọi thiếu tá lên nói trắng ra là tiểu đoàn 3 sẽ phải tham chiến. Đại tá cũng tỏ ý cảm phiền với tuổi tác bệnh tật của thiếu tá và muốn giao tiểu đoàn này cho một sĩ quan trẻ sắp đến, đưa thiếu tá về ban tiếp vụ. Được lời như cởi tấm lòng, viên thiếu tá cũng không một chút úp mở, nói rất say sưa về việc mụ vợ ông ta vừa đi một chuyến hàng từ Phnôm Pênh về và tất nhiên là có quà biếu gởi tới đại tá...

- Cho lệnh ngừng pháo đi! - Đại tá chiến đoàn trưởng nói quát sang phía nhóm sĩ quan thông tin - Mắt đại úy tinh thật đấy. Khói và đất cứ mờ mịt cả, tôi không nhìn rõ. Ờ, ờ, có một vùng sình lầy bên phải trận địa đối phương.

- Dạ thưa đại tá, tôi đã quan sát suốt một giờ liền và thấy rất rõ đấy là kẽ hở của đối phương. Từ đó ta có thể chọc một mũi vào sau trận địa chúng.

- Cái đó sẽ bất ngờ và rất có hiệu lực! - Viên đại tá ngúc ngắc cái cần cổ to bự một cách nặng nề, đánh khuôn mặt béo nhẽo về phía Phan Khiết - Nếu đại úy hoàn thành cách đánh này thì có thể nói đại úy là người đã mở ra một khả năng chiến thuật mới cho quân lực Việt Nam Cộng hòa. Nhưng...


Viên đại tá định nói: nhưng cũng không kém phần mạo hiểm, song hắn lại thôi. Nó đang hăng. Nếu nó làm được thì cái đó sẽ tốt đẹp cho cả nó và mình, đặc biệt là mình đã giải tỏa lộ 13 trong những tình huống gay gắt nhất. Còn nếu nó có sao thì trận mạc đấy, mình cũng sẽ không thiếu gì cách để nói với thằng anh nó. Một trái pháo vô tình, thế thôi...


Còn cái giọng háo hức của viên đại úy hiếu thắng lại khiến viên thiếu tá già phải cúi xuống giấu một nụ cười nửa miệng. Cái kẽ hở bên sườn từ phía đầm lầy ấy, chính thiếu tá cũng đã nhìn thấy từ lâu rồi. Nhưng vấn đề là cần có người cho một mũi thọc sâu. Trong thực tế đấy là chiến thuật mũi khoan thép, lối đánh mà Việt cộng rất hay sử dụng ấy, không dễ gì mà làm được. Rời lối đánh dùng hỏa lực là chính, sau đó là bộ binh ào ạt, quân đội Việt Nam Cộng hòa không có cách đánh nào khác. Vậy thì tìm đâu cho được những sĩ quan, binh lính có đủ gan làm một mũi thọc sâu như thế? Khó lắm, khó lắm! Một viên tướng Mỹ đã nói: chỉ cần cho tôi một trăm người lính trong quân lực Việt Nam Cộng hòa như những người lính Việt cộng ở những mũi khoan thép ấy, thì có nghĩa là tôi đã thắng!". Hì, chỉ ao ước chọn một trăm trong cái số khổng lồ một triệu quân lính Việt Nam Cộng hòa, viên tướng Mỹ ấy quả là một tay hài hước có tài!

- Thiếu tá!

- Dạ.

- Ông có thể bàn giao tiểu đoàn ông cho đại úy Phan Khiết nội nhật hôm nay.

- Dạ.

- Còn ông - viên đại tá xoay cái thân hình đồ sộ sang phía Phan Khiết - tôi hoàn toàn tin tưởng vào năng lực của đại úy. Riêng về việc dại úy muốn đích thân dẫn một mũi mật tập sườn phải trận địa đối phương, tôi sẽ huy động hết khả năng của pháo binh và giao cho đại úy một tiểu đội thám báo rất đáng tin cậy do chính tôi chọn lựa và huấn luyện. Tôi sẽ tăng cho họ tháng lương gấp ba trong khi họ cùng đại úy thừa hành công vụ.

- Dạ. Xin hết lòng biết ơn đại tá.

- Còn gì nữa không?

- Dạ - Phan Khiết lật đật mở cái cặp da - xin nhờ đại tá gửi theo đường bay quân sự giùm tôi một cánh thư cho gia quyến.

- Ồ được thôi. Ngay sớm mai, thư đại úy đã có thể nằm trên bàn của người nhận.


Ngay sớm mai, từ khung trời thương nhớ đô thành ấy, Thùy Linh đã có thể nhận được thư của ta. Thế nào rồi nàng cũng có the hồi âm ngay thôi. Thật là tiếc, mình đã quên mất cái máy chụp hình, quà tặng của vị tướng Mỹ danh tiếng. Giá có nó thì bây giờ có hình gửi về cho nàng, cho người anh của Phan Khiết ở Bộ tổng tham mưu nữa. Người anh đại tá ấy, nhất định sẽ in nó ra hàng chục tấm để tặng các sĩ quan xung quanh, bởi lẽ tấm hình đã ghi lại đứa em ruột tuấn tú của ông ta trên cái nền lửa khói và những cánh rừng hoang tàn ở một sở chỉ huy tiền phương!
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #24 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2021, 06:38:17 pm »

Khi đám khói bụi của trận pháo kích nửa giờ vừa tan thì cũng là lúc sương chiều phủ trắng trận địa chốt chặn của đại đội 8 Quân giải phóng trên lộ 13 này.

- Còn thuốc rê Gò Vấp không nhỉ? Làm một ấm trà Blao thứ thiệt chứ cậu. Ai?

- Tớ đây, Trung đây.

- À, đại đội trưởng. Tý nữa thì em nháy cò. Tình hình có gì mới không ảnh? - Ba chiến sĩ ở chiếc hầm bên sườn trên trận địa, phía quay ra đầm lầy quây lấy đại đội trưởng của họ.

- Không có gì mới đâu nhưng hơi lạ đấy. Các cậu có thấy là chiều nay nó pháo kích quá nhiều không?

- Đúng, có gì mới đâu nhưng hơi lạ đấy. Mà này, sương chiều nay xuống sớm nhưng không thấy chúng bắn pháo sáng nhiều như mọi ngày.

- Coi chừng cái hướng sình lầy này đấy. Mấy ngày qua, trừ những quả pháo mồ côi lưu lạc thì hình hình như hầm này của các cậu xem ra nhàn hơn cả!

- Hầm ém, thế hổ phục mà lại!

- Ai?

- Tớ đây. Liên lạc. Anh Trung ơi, chính trị viên bảo em sang phía này với các anh em đêm nay.

- Chà chà, một nửa C bộ sang đây thì còn gì là gói trà của  người ta nữa. À anh Trung này...

- Sao?

- Cánh cùng xã anh nó bảo hình như ông già anh ngày xưa có vào làm phu ở đồn điền cao su trong này. Liệu ông gia có làm ở cái đồn điền mà ta đang chốt chặn đây không? Tay Phấn ở trung đội 3 bảo ông chú nó hồi xưa viết thư về nói là ở đồn điền này.

- Đấy cũng là cái may. Nếu chú nó còn thì có thể tìm được, nhưng ông già mình thì từ ngày đi hơn ba mươi năm rồi chẳng có tin tức gì cả. Nhiều người làng mình cũng thế. Ngày ấy mình còn nhỏ...

- Anh Trung này, em tưởng người dân mình nghèo đói như ông già anh khi xưa bỏ đi đã đành, nhưng sao em đọc sách thấy nói cả ông Nam Cao cũng theo phu mộ đi vào trong này? Ông ấy là nhà văn mà cũng khổ thế hả anh? Anh bảo liệu anh con trai ông lão Hạc có ở đồn điền này không?...


Thật là lắm chuyện. Có đến một bách khoa toàn thư giắt trong ba lô cũng không tài nào trả lời hết những câu hỏi hàng ngày của cái đám chiến sĩ này. Đại đội trưởng Trung khẽ cười. Trong cai ánh sáng nhấp nhoáng của bếp nước đu bằng những miếng thuốc dẻo tháo ra từ mìn clee-mo, các chiến sĩ vẫn nhìn thấy hàm răng trắng rất đều của đại đội trưởng, đặc biệt là đôi mắt lúc nào cũng tươi roi rói của anh. Chiến sĩ bảo nhau nếu không vì cái nước da khoai nướng thì đại đội trưởng đã có "thẻ" đẹp trai bỏ túi rồi đấy nhé. Vốn là một giáo viên dạy sử của một trường cấp 3, đại đội trưởng có thể nói một cách tỉ mỉ về từng vùng đất mà mỗi khi đi qua, các chiến sĩ thường hỏi anh với tất cả lòng tin cậy và một niềm khát khao hiểu biết khôn cùng của họ. Núi đồi đồng bãi Bình Định với những tháp Chàm lở lói ấy là di tích cái gì và vào thời nào? Tại sao người ta lại gọi là vùng đám lá tối trời? Cù lao năm thôn kia có phải cũng chính là cù lao Ngũ Hiệp không? Đi qua Bến Tre đấy, nhưng Bến Tre thì rộng lắm, liệu từ chỗ trú quân của họ muốn qua thăm mộ cụ Đồ Chiểu thì đi bộ mất chừng mấy giờ?... Cứ mỗi câu hỏi của họ là lại được anh kể cho nghe một câu chuyện khiến lính ra cứ say như điếu đổ. Chính trị viên đại đội, một người người bạn hiền hậu và rất thân của Trung, đã có lần nói với các chiến sĩ là cấp trên cần phải chuyển Trung sang làm chính trị viên, còn anh sang làm đại đội trưởng mới phải.

- Tắt lửa đi - Trung nghiêm sắc mặt hạ thấp giọng. Một chiến sĩ chụp chiếc bao tải lên bếp. Nước sánh xuống làm ngún lên những đụn khói khét lẹt cả căn hầm.

- Các cậu có nghe thấy gì không?

Cả năm người cùng áp tai xuống đất. Có tiếng gì như tiếng xẻng cà vào cát xào xạo phía bờ sình vọng lại. Nhưng tất cả chỉ lắng nghe được chừng một phút thôi, mặt đất lại bắt đầu rung lên bần bật do một đợt pháo kích mới. Một chiến sĩ gác, bò từ cửa hầm lần đến chỗ Trung.

- Như thế là rõ rồi - Trung ra lệnh - Ngớt đợt pháo, cậu này ở lại hầm, còn ba cậu AK, thủ pháo theo tớ. Rõ không?

- Rõ!

Đại đội trưởng Trung tháo vội khẩu súng ngắn giúi vào tay người chiến sĩ ở lại. Cho nó gọn.

Bây giờ thì không còn ai có thể nhận ra đại úy Pha Khiết với cái dáng hào hoa trong bộ võ phục hàng ngày nữa. Chiếc mũ sắt sùm sụp đã nuốt gần hết khuôn mặt trắng trẻo của y. Một chiếc quần xà lỏn, tay trái cầm xẻng, tay phải cầm M.16, mình trần, y trườn đi như một con tê tê giũi đất, trong đường hào cắt qua sình lầy dẫn đến bãi cỏ tranh lút đầu người, sát ngay trận địa chốt chặn của Quân giải phóng. Thỉnh thoảng y lại xem đồng hồ. Giá chỉ có cát thôi thì có lẽ bọn lính của y cắt hào sẽ nhanh hơn. Nhưng đằng này cái giống rễ cỏ tranh chết tiệt ấy cứ dai nhanh nhách. Xẻng cùn quá, phải dùng đến dao găm mà vẫn còn chậm. Y đã cầm lấy xẻng cắt thử một thôi chừng mươi phút để làm mẫu, đúng như cách đã học trong trường võ bị, nhưng cũng chẳng nhanh gì hơn. Y quăng xẻng, văng tục rồi lùi lại phía sau, đẩy hai tên lính lên phía trước đào tiếp. Hai thằng một. Mệt thì thay. Đằng sau y rải ra trên hai chục thước hào mới đào là sáu tên lính nữa, vừa canh phòng sẵn sàng nổ súng, vừa lần lượt thay nhau lên dào dưới sự chỉ dẫn đôn đốc của y.


9 giờ 35 phút đêm. Sương dày quá. Càng tốt. Pháo đã dập xuống trận địa đối phương đợt thứ ba từ tối đến giờ. Đúng là đại tá đã chi hết "ga" để dìm đầu đối phương xuống. Cứ mỗi đợt pháo, nhờ tiếng động, đào được mạnh tay, đường hào của y lại mở ra được một khoảng khá dài.

- Thưa đại úy, đã đến gốc cây cao su cụt.

- Đâu? - Y chồm lên như một con sói đói, gạt vội hai thằng lính khắp mình trơn trượt mồ hôi đang tựa vào vách hầm thở như kéo bễ. Phan Khiết nhô hẳn người lên sờ nắn gốc cây cao su cụt như thể y đang vuốt ve một người bạn vàng lâu ngày mới gặp. Có đúng là gốc cây cao su hiện ra trong ống nhòm sáng nay không? Nếu đúng là nó thì có nghĩa là đường hào của y chỉ còn cách cái hầm tiền tiêu phía sình lầy của đối phương có mười lăm thước thoi ư? Đúng rồi. Phan Khiết run lên vì thích thú sau một loạt pháo nổ, hắt ánh sáng chói lòa để y nhận ra đúng gốc cây ấy. Sỏi đất do loạt pháo tung lên rơi rào rào trên lưng mà y không cảm thấy gì là sợ nữa cả. Canh bạc xét ra đến hồi chót! Pháo binh của chiến đoàn mới tuyệt làm sao! Họ đã căn đúng cự ly dù chỉ là trong một phân khoảng không hơn hai mươi mét.

- Tất cả chuẩn bị. Pháo ngừng bắn là lên, nghe không?

Phan Khiết cảm thấy tim y như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Tiếng đóng băng, tiếng mở khóa nòng lách cách của bọn lính bỗng rộ lên to quá. Pháo im rồi.

- Lên đi tụi bay!

Hình như cả bụi cỏ lau um tùm trước mặt ấy đã có phép thần biết nhảy chồm lên chụp vào đầu Phan Khiết. Y vội buông súng đưa cả hai tay lên bưng lấy mặt. Pháo binh của chiến đoàn đã chừa lại chỗ cho y đào hào, thì cũng có nghĩa là Việt Cộng đã biết lợi dụng ngay cái chỗ an toàn ấy mà phục kích. Tiếc quá!


Phan Khiết cố  hết sức nâng đầu dậy, nhưng không được nữa. Sự cố gắng cuối cùng ấy chỉ làm y xả ra một hơi thở dài não ruột.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #25 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2021, 06:39:21 pm »

- Anh Trung ơi, hắn tỉnh rồi. Có dễ đến ba ống thuốc trợ lực!

- Thật à? Có thế chứ. Hắn mà chết thì ngày mai tớ sẽ bắt cậu vè hậu cứ tập lại cái miếng đánh ấy!

- Ờ, cái lúc xung phong có hơi vội, em đánh có hơi nặng tay!

Phan Khiết từ từ mở mắt. Sáng rồi kia à? Như thế là y đã mê đi chừng sáu bảy tiếng. Y cố gắng xoay mặt nhìn ra cửa hầm để tìm cái người có tên là Trung đó. Cái anh chàng Trung này có đôi mắt sáng lạ lùng.

- Anh có cần ăn không? - Trung cúi xuống sát mặt y.

- Thưa không. Đây là trận địa của các ông hay phía sau?

- Trận địa. Nhưng anh đừng sợ. Bom pháo của các anh đã đánh hàng nửa tháng vào cái đoạn đường ngắn ngủi này rồi. Lại sắp bắn đấy. Nhưng không sao đâu.

- Tôi không sợ - Phan Khiết cố gắng nói chữa đẻ họ đừng nghĩ rằng y sợ. Dù sao thì y cũng là một sĩ quan. Ý nghĩ về cái chết có khiến y thảng thốt nhưng biết làm sao được nữa? Thôi, thế là hết - Tôi muốn biết là tôi đang được hân hạnh tiếp chuyện với ai?

- À, à... - Người có tên là Trung ấy chợt cười mỉm. Anh lại lo là không có người ở cấp bậc tương đương để hỏi cung anh chớ gì?

- Cái đó có lẽ thuộc quy định quân đội, chắc ông cũng đã rõ.

- Quy định à? Nhưng quân đội đâu phải chỉ là một thứ? Có quân đội thắng trận, có quân đội bại trận chứ? Nhưng thôi, bây giờ anh còn mệt, chúng tôi chưa hỏi gì đâu. Nhưng đến khi nào anh khỏe thì có thể chính chúng tôi sẽ là người hỏi cung anh. Những người đang chặn đứng cả một chiến đoàn chắc là có đủ thẩm quyền hỏi cung một đại úy chứ?

Phan Khiết vội khép mắt lại để dễ giấu vẻ bối rối. Quả thực y đang đứng trước một đối thủ không vừa. Chắc chắn cái anh chàng Trung còn rất trẻ kia không phải là một sĩ quan cao cấp hơn y. Ở một trận địa chốt chặn như thế này, nhiều lắm cũng chỉ có đến một đại đội.

- Ông làm ơn cho tôi biết những người lính của tôi hiện giờ ở đâu?

- Họ ngồi ở hầm bên.

- Thưa ông còn bao nhiêu người?

- Hai người.

- Không phải! - Phan Khiết nhếch mép cười một cách khiêu khích. Thực lòng, việc Phan Khiết hỏi về những người lính, không phải y quan tâm gì lắm về sự sống chết của họ mà qua họ, y muốn thăm dò vận mệnh chính y - Còn sáu người ở sau lưng tôi nữa. Có lẽ các ông đã bắt và và...

- Anh định nói là chúng tôi đã bắt và giết họ chứ gì? Không đâu. Một trong những điều khác biệt giữa chúng tôi và các anh cũng là ở đấy. Lẽ ra còn ai, mất ai, anh không có quyền biết, nhưng tôi nói cho anh rõ: chúng tôi đã kiểm tra lại trận địa, chỉ có một người các anh chết trong trận, bắt được anh và hai người lính. Bản thân anh chúng tôi cũng chỉ muốn anh là người có ích cho đất nước sau này. Có gì anh cứ hỏi.

- Dạ, xin cảm ơn ông - Phan Khiết không nén được một hơi thở dài nhẹ nhõm. Y cảm thấy mạnh bạo hẳn lên - Thú thực với ông sau lưng ba chúng tôi lúc đó còn có sáu người lính nữa. Giá mà tất cả họ đều có lòng can đảm như hai người lính...


Phan Khiết bỗng chột dạ ngừng lời. Hy vọng thoát chết đã làm y quá hưng phấn và y định nói: "Giá mà tất cả họ đều có  lòng can đảm như hai người lính cùng bị bắt với tôi". Không hiểu người sĩ quan Việt cộng có đoán ra điều đó không? Y cảm thấy lạnh toát cả người. Một chút sĩ diện hão cố tật đã làm hại y!

Chờ một lát không thấy y nói gì thêm, Trung kéo một hòm cối 82 ngồi sát xuống bên y.

- Cho đến bây giờ anh vẫn cứ nhầm! Tuy nhiên anh cũng đừng lo khi tôi đoán ra những ý nghĩ của anh. Tôi thông cảm đấy là một quá trình nhận thức - Trời ơi, anh ta đoán được ư? Mặt Phan Khiết chuyển sang nóng bừng. Còn Trung thì dừng lại một chút và anh cố gắng nói thật chậm để y có thể hiểu và nhớ - Những người lính đi đằng sau lưng anh đã bỏ anh mà chạy, tôi không nói đến nữa. Nhưng kể cả hai người lính cùng bị bắt với anh, cũng không phải họ can đảm đâu. Các anh đã mua họ bằng ba tháng lương. Và có điều này anh cần nhớ cho: tới phút họ bị bắt, hai người lính này vẫn luôn luôn bị anh thúc họng súng vào lưng khi họ đào hào. Như vậy là cả đằng trước và đằng sau anh trong trận đánh này, anh không có ai cả!


Lộ 13, tháng 11-1974
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #26 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2021, 02:06:29 pm »

Trên thành phố của tuổi thơ


Quyết xốc lại cái hòm gỗ đựng đồ nghề đánh giày trên cái vai gầy nhom của nó bằng một động tác quen thuộc nhưng không khỏi nặng nề. Kể ra nếu chỉ có vài lọ dầu tẩy da, vài hộp xi, mấy miếng da và cuộn vải mềm dùng để lau lại lần cuối những chiếc giày trước khi khách đi, thì cũng không có gì là nặng cả. Nhưng hôm nay trong cái hòm ấy còn có một cân thịt bò. Phải, một cân thịt bò bạc nhạc thôi, nhưng với nó là cả một niềm vui sướng. Gói một lượt nhật trình rồi cho vào túi ni lông. Tất nhiên là cho vào túi ni lông mà gói kín thì dễ ôi mất thịt. Người lớn nào cũng nói vậy. Cho nên cho vài túi nhưng nó vẫn cứ phải để hở miệng. Lại lo nước thịt sẽ chảy vào các thứ đồ nghề, thỉnh thoảng nó lại phải xốc cái hòm sao cho đừng có nghiêng. Trong túi quần xoóc ka ki rộng thùng thình xin được của người lớn thải ra, nó còn có một gói bọc giấy kiếng sực nức một mùi dầu thơm mà bất cứ một đứa nhỏ nào chỉ cần đưa qua mũi một cái cũng đủ làm cho nước miếng tứa ra và tay thì dọ dậy muốn chìa ra xin ngay. Đấy là phong bánh dẻo, một loại bánh mà người ta chỉ có thể thấy ở mâm cỗ trung thu của những đứa trẻ con nhà giàu. Thứ bột bánh mịn đến nỗi sờ qua lượt giấy kiếng cũng đã thấy mát tay. Mặc dầu phong bánh vẫn cứ dập đều đều, những cái dập êm ái vào đùi theo mỗi bước chân, thỉnh thoảng nó vẫn cứ phải nghiêng người thọc tay vào đáy túi quần sa quá gối mà sờ lại. Cái quần ấy cũ quá, vải túi bợt quá, biết đâu nó chả bục ra rồi rơi mất phong bánh. Quyết đã mất một hộp xi cỡ bực cũng chỉ vì quá tin vào cái túi bên phải của cái quần tã này.


Nhưng sao mà thằng Quyết bữa nay giàu vậy? Quyết huýt sáo chẳng ra bài nào, khi nó nghĩ đến những vẻ mặt kinh ngạc của bọn nhóc con nếu nó mở hòm và lộn túi ra lúc này cho chúng nhìn rõ miếng thịt và phong bánh. Có gì đâu. Trưa nay khi nó đang buồn bã vì ế khách, ngồi đạp nước nghịch trên cái thanh sắt bến rửa của khu bốc vác ở cảng Bạch Đằng thì có người gọi nó đánh giày. Nó mới lau được lượt bụi, chưa kịp quét xi thì người khách đó đột ngột đứng dậy ném cho nó tờ giấy 50 đồng mới cảo, gấp 5 lần tiền công lúc thường. Có mà mơ ngủ! Nó giụi mắt. Nhưng một tiếng quát của người khách đã khiến nó hiểu không phải là mơ.

- Cái bọn nhóc con này chỉ khôn lỏi thôi. Không có tiền thối lại thì tao cho. Sức mấy mà chờ mày đi đổi.

Câu mắng thiệt là vô lý. Nó đã bảo với ổng là không có tiền thối lại đâu? Nhưng khi ngẩng đầu lên thì nó hiểu. Người khách quát nó đó, song đôi mắt thì lại nhìn nó rất dịu dàng.

Sau lưng người khách ấy thoáng bóng một người người đeo kiếng mát đi qua chợt chậm lại. Cũng ở cảng Bạch Đằng này, đã có người chỉ vì cho một thằng bé đánh giày như nó một trăm đồng mà bị cảnh sát bắt đấy. Với cái lọc lõi của một thằng nhỏ đánh giày, Quyết lẳng lặng cầm tiền, nó không sao hiểu được hơn. Thiệt là lạ lùng quá!


Nắng chiều chỉ còn rớt lại từng mảng vàng hoe trên những bức tường chót đỉnh các cao ốc. Đèn đường phố chưa lên nhưng dưới những tầng lầu thấp, nhiều nhà đã bật đèn rồi. Mùi thơm thức ăn bữa tối từ các bếp gia đình hai bên phố tỏa ra. Quyết đưa phong bánh lên mũi hít một hơi khoan khoái. Thiệt tình lúc mới mua, cái mùi thơm không ngờ đầy quyến rũ của phong bánh khi được người bán hàng lấy ra khỏi tủ kiếng ném lên mặt quầy, rồi khi tự tay cầm lên, nó mới thấy hết. Quyết đã từng nghĩ là sẽ bóc ra, cắn một miếng nhỏ, thiệt nhỏ thôi, ăn thử. Nhưng suy tính rồi, Quyết lại thôi. Không, phải để nó to nguyên như thế, gói kín và xòe ra như một cái hoa như thế cho thằng Út nó ôm không hết bàn tay nó mới thích. Quyết thương nhất đôi mắt tròn xoe như hai hòn bi ve và đôi bàn tay ếch của thằng em lên ba ấy. Cứ cho nó cả đã rồi nếu mình muốn ăn thì phỉnh khéo nó vài câu là nó cho ngay. Tất nhiên là nó sẽ lại lấy hai bàn tay ếch ấy mà bịt kín lấy tấm bánh, chỉ đẻ thừa một tí xíu và Quyết sẽ cắn vào cái miếng bánh mà ý nó chỉ cho đén đấy. Đã có lần nó cho Quyết cắn bánh tét, Quyết vờ cắn quá vào tay nó, cắn hờ thôi, thế là cu cậu lăn đùng ra ngay, Quyết phải nựng nó đến là lâu. Bé thế thì đứa nào chả ăn tham. Ba má chết cả rồi chỉ còn Quyết với em...

- Giày!

Theo thói quen, tiếng gọi đó làm Quyết ngoái lại, nhưng rồi Quyết lại rảo bước. Dù thế nào thì hôm nay Quyết cũng sẽ về sớm. Người gọi Quyết là một con chiêu đãi viên mặc mi-ni-duýt đỏ sặc màu máu. Bọn nhóc đánh giày không bao giờ gọi họ là chị hay cô mà là con chiêu đãi viên.

- Giày!

Tiếng gọi lần này gắt gỏng hơn và không phải là giọng the thé của đứa con gái mà là giọng ồm ồm. Quyết không ngoái lại nữa nhưng một bàn tay vạm vỡ đã túm lấy lưng áo may ô mỏng tang của Quyết lôi lại. Một thằng cảnh sát mặt nhăn nhúm.

- Tổ cha bây. Chê tiền à? Để tao kêu hoài!

- Bỏ tui ra. Ông gọi đứa khác. Tui hết xi rồi.

- Hổng có đứa nào khác. Tao có xi.

Thằng cảnh sát kéo Quyết qua đường như kéo thằng ăn cắp. Nó tạt qua cửa hàng tạp hóa lấy một hộp xi hảo hạng bỏ túi.

- Lên trển tao sẽ đưa xi cho. Mày đánh giày cho mấy ngài cố vẫn Mỹ, nghe.

Ừ, có thế thì nó mới chịu mua loại xi đắt tiền này chớ. Qua phòng dưới, leo hết cột cầu thang, đi một đoạn hành lang, nó đẩy Quyết vào một căn phòng bỏ ngỏ.

- Bó nón ra. Đồ ngu!

Quyết bỏ nón. Trước mặt Quyết một chiếc bàn rộng phủ một tấm khăn trắng rủ xuống xung quanh những đường viền đăng ten óng ánh. Trên mặt bàn ngổn ngang những vỏ chai đủ các màu sắc nhãn hiệu sặc sỡ. Lóa mắt trước ánh điện, chỉ chút nữa là Quyết giẫm cả hai bàn chân để trần lên những mảnh cốc thủy tinh vỡ đầy trên sàn gác. Tóc để dài sã sượt xuống vai và lưng như đàn bà, những thân hình béo núc lông lá, những đôi mắt mèo mờ đi vì hơi rượu của cả bốn tên Mỹ ngồi quanh bàn đã khiến Quyết cảm thấy có điều gì không lành. Nhìn những bàn chân không giày của chúng, Quyết ngạc nhiên quá. Hay là thằng cảnh sát đã dẫn Quyết vào nhầm phòng? Quyết quay lại định hỏi thì nó đã đi lâu rồi, cánh cửa phòng đã đóng lại. Ba là phu bốc vác cảng Bạch Đằng bị ho lao chết chưa được một năm thì chính những thằng Mỹ say rượu này, bọn hip-pi mọi rợ này đã bắt má Quyết khi má đang quét đường rồi hành hạ má cho đến chết... Chúng định làm gì mình? Thằng cảnh sát ma cô đã vờ mua xi đánh giày để lừa Quyết chăng? Nó đã đưa cho Quyết hộp xi đó đâu...


Một tên Mỹ cao nhất trong bọn lừ đừ đi lại phía Quyết. Cái mũi quá dài trên khuôn mặt quắt đã khiến cả cái đầu nó như bị kéo dài ra, giống mỏ con chim ó. Nó xoa hai tay lên bộ ngực lông ngựa và nói với Quyết bằng một thứ tiếng Việt lơ lớ.

- Khoong đánh giay nhiều tiên. Tien (không đánh giày nhưng nhiều tiền. Tiền!). Nó chỉ lên góc bàn có để một xếp bạc giấy - Mày nghe hông?

- Các ông cho tôi về! Nước mắt Quyết như muốn vỡ ra. Ngoài khung cửa trời đã nhờ nhờ tối.
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #27 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2021, 02:07:48 pm »

Tên Mỹ mỏ ó quay lại phía mấy thằng bạn lít rít một câu gì đó mà Quyết không hiểu, rồi tất cả chúng nó cười lên hô hố. Cười xong, có thằng gật đầu, có thằng lắc đầu, tỏ vẻ như không tin điều thằng Mỹ mỏ ó nói. Nhưng không hiểu sao, chơi cái trò gì mà cả thằng gật đầu lẫn thằng lắc đầu đều lục túi tiền đặt thêm lên cái xấp tiền kia.

- Các ông cho tôi về - Nước mắt Quyết đã tràn ra.

- Khôông khóc. Khôông về! - Tên Mỹ mỏ ó kéo Quyết đến bên cạnh một chiếc ghế tựa. Nó hất tờ nhật trình phủ trên, phơi ra dưới sàn một đống lầy nhầy - Các ông sĩ quan bạn tao đặt tiền nếu tao bảo được mày ăn hết cái đống này. Tao không lấy tiền. Tao cho mày cả.

Quyết rùng mình. Chân tay em bỗng co cúm cả lại. Trời ơi, một đống ói của một thằng say rượu! Quyết không khóc được nữa. Chúng nó dùng em để ăn thua nhau. Mệt mỏi, uất ức nghẹn ngào.

- Ăn!

- Không!

Quyết hét to không ngờ. Thằng Mỹ đầu mỏ ó giật mình lùi lại. Bọn bạn nó được dịp cười lên sặc sụa.

- Khôông ăn. Khôông về. Tao đánh chết!

Tên Mỹ đẩy mạnh một cái khiến Quyết ngã giúi vào góc phòng.

Chúng nó lại ăn, lại uống.

"Út ơi...". Quyết bật khóc nức nở và bật dậy gọi đứa em lên ba tuổi, khi qua cửa sổ, Quyết nhìn thấy sao ngày cứ dày thêm mãi trên nền trời. Như thế là đã tối lâu rồi. Chúng nó vẫn cứ mải mê ăn uống như quên mất Quyết. Chăc là thằng Út đói lắm rồi. Nó đang mong Quyết về lắm và nó sẽ khóc hết hơi mất thôi. Cái lều của anh em Quyết chỉ là mấy tấm tôn gỉ gác lên giữa khe những đống rác to như núi ấy ai biết đến mà cho em ăn? Mấy tháng trước Quyết thường cõng em theo. Nhưng mấy tháng nay, phần vì Út đã lớn, phần vì bọn nhỏ đánh giày ngày càng đông, nếu cứ cõng theo em thì không tài nào Quyết giành khách kịp. Bỏ em bên đường thì Quyết sợ xe cộ chẹt chết em. Đấy là chưa kể ngày nào cũng một đôi lần bọn nhỏ đánh giày bị cảnh sát đánh đuổi không rõ vì cớ gì. Quyết đành để Út ở nhà. Thường thường Quyết vẫn gửi sang chơi với hai đứa nhỏ, đứa bảy tuổi, đứa năm tuổi, con bác Tư cách lều Quyết một đống rác lớn, chừng bốn chục thước. Trưa, Quyết rẽ qua nhà cho em ăn. Chiều, Quyết đón em về. Mấy tuần gần đây, do việc vợ chồng bác Tư chuyển sang đi làm đêm, chiều nào Quyết cũng không dám về muộn. Đã có vài buổi, do được khách, về muonj một chút, Quyết đã thấy nó khi thì nước mắt nước mũi đầy mặt lững chững dò ra gần đầu phố lớn đón anh, khi thì đợi mãi không thấy Quyết nó bỏ mấy đứa nhỏ con bác Tư, tự tìm về nhà rồi vì sợ quá, khóc quá, nó xỉu đi. Lúc Quyết bế em lên thì nó chỉ còn biết nức nở trong cổ, một lúc sau mới thức dậy đòi ăn. Không có người lớn giữ, chắc chiều nay nó lại đòi về nhà mất thôi. Út ơi, bây giờ anh làm sao mà về được, bao giờ anh mới về được cho em ăn, cho em khỏi sợ, Út ơi...


Thằng Mỹ đầu mỏ ó lại đứng lên. Nó túm tóc mấy thằng bạn lay và gào lên, nhưng cả ba thằng kia đều say quá rồi, chúng chỉ ú ớ rồi dùng những cánh tay vụng về cào cào ta y nó. Thằng Mỹ đầu mỏ ó nổi khùng. Phải, nó đã khùng, bởi vì như thế cái trò "đánh ăn thua" về thằng bé kia sẽ không còn người hưởng ứng. Từ khi nhìn thấy Quyết ở ngoài phố, nó đã quả quyết với những thằng bạn nó là nhất định tên nhóc con bản xứ này sẽ ăn hết đống ói khi nhìn thấy tiền. Nhưng kết cục lại như thế này. Ngày mai bọn bạn nó sẽ được thả sức giễu cợt nó không đủ tài "bình định" một thằng nhóc. Cơn khùng ấy nó trút vào Quyết. Nó túm lấy Quyết, đẩy ngã sấp xuống cạnh đống ói.

- Tôi ăn. Để tôi ăn!

- Mày ăn? - Nó dang rộng hai bàn tay nhún vai với tất cả vẻ ngạc nhiên rồi nó cười như điên lao đến lay bọn bạn như vần gỗ.

Một chiếc vỏ chai Uýt-ki bay như tia chớp dưới ánh điện, Quyết chỉ kịp thoáng thấy cái đầu mỏ ó của nó ngặt ra sau là em lao ra cửa. Nhờ cái ngã sấp cạnh đống ói mà Quyết nhận rõ cánh cửa ra vào chỉ mới khép.

Cái hành lang khách ạn hun hút ánh điện dẫn đến cầu thang gác kia rồi. Thấy vắng người, Quyết đang định chạy thì từ cầu thang ấy thằng cảnh sát mặt nhăn nhúm xuất hiện.

- Ông giả tiền tui đây. Các ông Mỹ đã không giả tiền tôi lại đánh đuổi tôi.

Quyết không ngờ em lại bình tĩnh được đến thế. Em nhấn mạnh tiếng đuổi rồi như sắp níu lấy áo nó. Thằng cảnh sát xua Quyết như xua tà rồi cười khả ố:

- Tao biết rồi. Mày đã được nhậu lại còn đòi tiền chi nữa? Bước!

Đi được một đoạn, Quyết chửi thề một câu rồi lấy cớ chạy. Thằng cảnh sát không hiểu ý định của Quyết, nó nổi khùng rượt theo một đoạn rồi văng tục. Kinh nghiệm đường phố cho nó biết không có đứa trẻ nào trên đời này chạy nhanh hơn bọn nhóc đánh giày.


Vượt qua đường lớn, Quyết rẽ ngay vào một ngõ tối. Bây giờ thì em không còn nhìn được bất cứ cái gì trên đường. Tiếng ai đó vừa nó mười giờ mười lăm phút khiến tai Quyết càng ù đi. Cái hòm đồ nghề cứ đập vào hông Quyết đau điếng nhưng em vẫn mải miết chạy. Bây giờ thì chúng nó không tài nào nhận được một thằng bé đánh giày ở cái thành phố hàng chục vạn đứa đánh giày này. Không sợ chúng bắt, nhưng một nỗi sợ ghê gớm hơn đang cồn cào cấu xé ruột gan Quyết. Nước mắt Quyết cứ giàn giụa. Út ơi, anh đang về đây, đừng sợ, đừng sợ.


Mọi đêm vào giờ này, thằng Út đang được quàng cả hai tay nhỏ xíu của nó qua cổ anh Quyết. Thằng nhỏ có cái thói quen là cứ bắt anh nó phải quay mặt vào mặt nó và quàng tay qua cổ anh thì mới chịu ngủ. Chắc là lúc nào nó cũng lo anh Quyết nó đi mất. Cả ngày lủi thủi nên chiều nào thấy Quyết về nó cũng mừng như chiều nào. Đang khóc nó cũng cười. Bảo Út múa đi là hai tay nó cong cong lên ngay. Út ơi, anh đang về đây, đừng sợ, đừng sợ. Em có đói lắm không?...


Quyết run người lên khi em rẽ qua nhà bác Tư chỉ thấy hai đứa nhỏ nhà bác ôm nhau ngủ. Như thế là thằng Út tự tìm về nhà rồi. Nó bé thế biết gì đâu. Quyết nghiêng người nắn lại cái túi quần có phong bánh dẻo. Vẫn còn. Anh sẽ cắt nhỏ ra cho em ăn. Anh không xin em một miếng nào nữa đâu. Thịt bò anh sẽ nấu thật nhạt thật mềm cho em ăn một bữa thỏa thuê rồi cho em ăn dần...


Cái lều tôn gỉ của Quyết đây rồi. Nhìn nó lẻ loi trong đêm tối mênh mông tràn ngập bãi vắng đầy rác rưởi, nước mắt Quyết càng giàn giụa.   

Quyết bủn rủn cả đầu gối cơ hồ như muốn khụy xuống khi thấy từ trong bóng tối căn lều những con chuột cống to xù như đàn chó đói thả rông ngeh tiếng động lao ra đâm cả vào chân Quyết. Út ơi, em ở đâu? Vừa lục hòm đồ nghề lấy hột quẹt, Quyết vừa gọi em. Quẹt được một cái, bấc chưa bén lửa, hộp quẹt đã tuột khỏi tay Quyết. Trong đốm sáng chợt lóe lên, Quyết đã kịp nhận ra đứa em bé nhỏ của mình đang ngồi gục mặt trên nồi cơm để ở góc lều. Sớm cũng như trưa, trước khi đi bao giờ Quyết cũng để lại đó một chút cơm một ông nước, phòng khi Út đói, Út tìm được cái ăn. Nó cũng đã từng biết bốc cơm ăn ở đấy, còn biết trèo lên những cái két "la de" kê sát nhau làm giường rồi ngủ, chả cần ai ru cả. Quyết lao đến ôm lấy em. Trời ơi, kiến. Những con kiến lửa đốt như kim chích. Quyết xốc em lên phủi kiến rối rít. Út ơi. Út ơi, Quyết thắp đèn lay em nhưng thằng nhỏ cứ mềm oặt trên tay Quyết. Người nó mẩn lên chi chít những nốt kiến đốt. Hai bàn tay nhỏ xíu lọ lem thọc vào nồi cơm máu cứ rỉ ra, rách tướp những vết răng chuột.


Đêm ấy và cả ngày hôm sau, bé Út cứ sốt li bì, vợ chồng bác Tư phải nghỉ việc đưa giúp bé Út đi nhà thương. Còn Quyết thì bán cho bọn đánh giày tất cả hòm đồ nghề, tất cả những chiếc giày em góp nhặt được trên khắp các bãi rác đã có thể ghép lại thành từng đôi và cả những con quay, đồng xu, cỗ bài mà Quyết dùng làm đồ chơi... Nhưng em Út của Quyết đã chết vào đêm hôm sau. Cái bánh dẻo Quyết cứ đợi chờ khi nào em Út khỏi, em Út ăn, đã vữa ra rồi!...
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #28 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2021, 02:09:17 pm »

Chiếc xe du lịch Toyota màu sữa lượn một đường mềm mại rồi dừng lại hết sức êm ả ngay dưới những ống tuýp đèn nô ông nhiều màu rọi xuống chỗ kè đá giáp với mí nước, cách khu trung tâm quân cảng Bạch Đằng chừng vài trăm mét.

Vừa ra khỏi xe, chưa kịp vuốt lại nếp áo, cô gái đã giơ một tay lên và gọi ríu rít trong xe:

- Ba ơi. Đại úy Liên!

Tiếng gọi và cái giơ tay của cô gái đã khiến chiếc hon đa đang phóng với tốc độ nhanh, thắng phắt lại rồi vòng sát tới chiếc Toyota:

- Cầu Chúa, cô vẫn còn nhớ tôi kia à? Bác có về không cô?

- Tôi đây. Tôi đây.

Cửa xe còn chưa kịp khép, không một chút do dự, viên trung tá lính dù (người mà cô gái gọi là ba) quàng cả hai tay qua vai viên đại úy quân cảnh trẻ tuổi.

- Tôi vừa ở thượng du về, chưa kịp đến thăm gia đình anh. Chuẩn tướng vẫn mạnh khỏe chớ.

- Dạ thưa bác, ba cháu vẫn khỏe.

- Ta đi dạo ít phút được không? Cánh quân cảnh các anh độ này chắc là cũng bết lắm hả?

- Đại úy Liên bận lắm đó ba ạ. - Giọng cô gái trách móc - con ở ngay Sài Gòn đây mà hơn một năm nay có được hân hạnh gặp đại úy đâu ba.

- Thôi con đừng rầy đại úy nữa, kẻo mấy ông cảnh sát đây lại cười cho đó.

Được ngài trung tá "anh hai dù" vui tính lôi vào cuộc một cách bất ngờ, lại trước mặt một cô gái xinh đẹp, mấy thầy cảnh sát đang tha thẩn quanh bót gác không khỏi cảm động và bối rối. Các thầy vội vã nói mấy câu làm duyên một cách cũng khá nhạt rồi lảng dần.

- Nếu không nhìn số xe và cái bót hẹn gặp này thì cháu không tài nào nhận ra chú - Viên đại úy quân cảnh hạ thấp giọng - Cái sẹo ở má chú làm khéo quá. Lại còn Hạnh nữa. Sài Gòn đến tận chân tóc!

- Suỵt! Đi xa chút nữa. Dù hóa trang khéo đến mấy thì cũng không phải là đã đủ...

- Đó, chết chưa anh - Cô gái chợt cười hết sức thoải mái - tất cả là ở sự dũng cảm! Thế nào ông già cũng sẽ nói lại câu đó cho coi.

- Hạnh nó lại giỡn chú đó, chú Tám.

- Mặc nó. Ai thì nó cũng giỡn vậy thôi. Nhắc lại cái đúng thì bao giờ cũng có lợi phải không? Cơm ăn từ bao đời có ai cho là "cũ" đâu. Mà thôi, ta vào việc nghe.

Đây là một nhóm chiến sĩ quân báo nội thành. Sau chừng mươi phút dạo mát hóng gió dọc triền sông, cả ba người quay lại nơi để xe. Họ châm thuốc hút rồi chào nhau một cách ồn ào bằng những câu tiếng Anh.


Viên trung tá dù, nhỏ nhắn, đứng tuổi là cụm trưởng quân báo XY8. Vết sẹo giả kéo dài từ lưỡng quyền đến cằm tuy có khiến khuôn mặt ông méo mó, nhưng từ đôi mắt đen nhỏ, sáng lấp lánh vẫn tỏa ra vẻ dịu dàng. Nhất là lúc này, lần gặp gỡ nào đối với T26 - viên đại úy quân cảnh giả trang trẻ tuổi - cũng khiến ông bồi hồi với nhiều kỷ niệm.


Cách đây bảy năm, vào một đêm mưa lớn, Thúy, một nữ chiến sĩ quân báo dẫn về cơ quan ông một chú nhỏ mười ba tuổi, gầy nhom lúc nào cũng ngơ ngác như người mất hồn. Hàng nửa tháng liền, cứ chiều đến là em lén riêng ra một góc rừng thút thít khóc. Mọi chuyện của em ông đều biết qua người nữ chiến sĩ quân báo. Nhưng vốn là người ít lời và tự biết là vụng về, không quen an ủi, ông nghĩ rồi thời gian sẽ giúp cho những đau khổ của em lắng xuống. Chừng tháng sau em ít khóc hơn, nhưng em cũng ít nói chuyện.

Chợt một hôm, em bảo ông bằng một giọng nhỏ nhẹ:

- Chú Tám à, chú cứ cho cháu theo cô Thúy vô nội thành, cháu làm liên lạc được. Cháu...

- Chú biết là cháu làm được, làm giỏi nữa kia. Nhưng hiện nay có điều kiện để cháu đi học. Cháu phải học cho giỏi để làm việc tốt hơn. Cháu hiểu chứ?

Năm năm sau, một thanh niên mảnh dẻ, khuôn mặt xương xương, cái cằm nhọn, vầng trán rộng và đôi mắt sáng trầm mặc trở về. Thằng Quyết! Ông reo lên đón anh. Trong lá thư, các bạn ông làm giáo viên trong trường Quyết học, đều tỏ ra hết sức khen ngợi người học viên thông minh và cần mẫn ấy. Ngay trong nhiều trận đánh thực tập, anh đã được tặng hai huân chương vì nhiều tài liệu quân sự quý giá của địch mà anh đã lấy được. Quyết đã có thể nói chuyện với ông một cách thoải mái bằng một thứ tiếng Anh sành sỏi. Năm năm với bao nhiêu bộ môn, từ một chú bé bập bõm đọc nhật trình nếu không phải là học quên chết - theo cách nói của ông - thì khó mà có một khả năng như vậy. Anh đã có thể đùa ông bằng cách chỉ sau ít phút, anh đã hóa trang thành một người đàn bà dịu dàng, một sĩ quan ngụy ngổ ngáo khinh mạn, hay một ông già tật nguyền lê đi không nổi... Và sau mỗi lần chuyện trò tâm sự, anh nói với ông một câu mà ở anh, ông tin là một điều tâm huyết: Chú à, mọi hiểu biết đều cần thiết, nhưng theo cháu thì cái quan trọng nhất là ý chí quyết đánh và lòng dũng cảm phải không chú?

- Nhiệm vụ cần cháu ở nhiều nơi. Thời gian đầu này, cháu sẽ không về ngay Sài Gòn đâu mà ở những thành phố khác. Cháu có ý kiến gì không?

- Không, nhưng...

- Chú biết.

Lần ấy ông không nói gì thêm. Tính ông vốn ít lời. Tuy nhiên ông cũng biết những cái gì sẽ nói sau tiếng "nhưng" của Quyết. Ông muốn mỗi chiến sĩ của mình không bao giờ nên thu hẹp kẻ thù ở một vùng đất riêng nào. Người ta thường đi từ những hận thù riêng đến những hận thù chung với giặc, điều đó đúng. Nhưng không ít người vì hận thù riêng, do thiếu sự từng trải, và một cái nhìn rộng rãi đã dẫn dến những việc làm thiếu bình tĩnh mà sự bình tĩnh thì lại vô cùng cần thiết trong công việc của một ngành đòi hỏi chính xác trước những biến động xảy ra phải tính đến từng giây!


Cách đây một năm, sau lần dẫn một đơn vị bạn đột kích đốt cháy mười bốn máy bay trong một sân bay quan trọng của địch, chính ông là người đã đứng ra làm lễ truy điệu Quyết. Một tháng rồi không thấy anh trở về và có nhiều dấu hiệu xác nhận anh hy sinh. Nhưng truy điệu được năm ngày thì vào một đêm đã khuya, một chiếc trực thăng đột nhiên hạ cánh xuống trảng cỏ sau cơ quan. Quyết về.


Trận ấy Quyết bị thương giập gan bàn chân, khi anh dẫn dường cho một mũi thọc sâu nhất. Không còn cách nào kịp giờ rút, Quyết quan sát xung quanh một cách kỹ lưỡng rồi quyết định ở lại ngay cạnh sở chỉ huy địch. Sau hơn một tuần lễ, len lỏi ẩn hiện ngay giữa bọn lính địch, quanh các hàng rào, ống cống, bếp ăn, bằng túi thuốc cá nhân, Quyết tự chữa khỏi vết thương. Nhưng một thuận lợi mới đã khiến Quyết ở lại sân bay. Đấy là việc liên tiếp xuất hiện ở sân bay những đám học viên sĩ quan người Việt lái trực thăng sắp ra trường, về thực tập. Trong những học viên sĩ quan ấy, có một chú bé đánh giày, bạn Quyết từ những ngày xưa...
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
chienvit
Thành viên
*
Bài viết: 554



« Trả lời #29 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2021, 02:10:32 pm »

Sau hơn một tháng cử Quyết vào hoạt động trong nội thành Sài Gòn, nhìn lại công việc của Quyết mấy năm liền ở những thành phố khác, ông quyết định giao cho anh một nhiệm vụ mới.

10 giờ 15 phút đêm. Tiếng còi giới nghiêm thành phố chưa dứt được bao lâu thì cả ngõ 34 đã chộn rộn hẳn lên. Từ những chiếc xe GMC có hai hàng ghế song song với thành xe, từng tốp, từng tốp quân cảnh, súng lắm lăm trong tay lần lượt nhảy xuống tiến vào từng ngôi nhà. Đi đầu mỗi tốp quân cảnh là những tên cảnh sát mật vụ mà trước đó một giờ nó giống như những người dân đi chơi đêm uống cà phê, ăn hủ tiếu... Một chiếc xe Jeép đỗ án ngữ trên cái lối độc nhất từ ngõ này đi ra phố. Hai viên sĩ quan Mỹ vừa xuống xe thì một người Việt mặc thường phục còn trẻ nhưng lưng hơi gù từ một góc tối bước ra. Dưới ánh sáng hai bóng điện lớn từ trên hai cột đèn gần đó, người ta có thể nhìn rõ từng nốt sần đen chi chít trên cái mặt thiết bì và đôi mắt lờ đờ chó khói gằm gằm u ẩn của nó.

- Ông có tin chắc rằng chính nó không? - Một viên sĩ quan Mỹ hỏi người Việt lưng gù.

- Thưa ngài, tuy rằng trước đây tôi vẫn thường họp với nó, nhưng khi họp chung, theo quy định chúng toi đều phải bịt mặt, nên nhớ rõ hoàn toàn thì cũng hơi khó. Nhưng cách đây một năm, tình cơ tôi nhìn thấy mặt nó trong nhà tắm. Đấy là một tên nguy hiểm. Tôi hy vọng là sẽ không nhầm.


Tiếng trẻ khóc ré lên từ khắp các ngôi nhà và đó đây vang lên tiếng những báng súng dộng vào cánh cửa. Tất cả mấy chục gia đình chui rúc trong những căn lều lụp xụp lợp lá dừa, ni lông, tôn gỉ, dưới gầm cầu thang, trong cả những xác ô tô hỏng... ở ngõ 34 đều bị lùa hết ra đường. Họ phải lần lượt từng người một diễu qua mặt hai tên sĩ quan Mỹ và đề tên người Việt lưng gù mắt chó khói  kia lật từng tấm khăn, vạt áo, thọc tay vào bất cứ chỗ nào mà nó thấy cần. Cả những tên lính, dù phục ở vị trí nào, khi có việc cần rời khỏi khu vực ngõ 34 đều phải qua báo cáo hắn.


Tên phản bội ấy đã không lầm khi phỏng đoán Quyết. Từ sau tấm biển cửa hiệu "Ngọc Xuân cắt may y phục phụ nữ", cách nó chỉ chừng hai mươi mét, Quyết chăm chú xác định lại. Đúng là thằng Phùng gù. Từ sau ngày nó phản bội, vào thành làm chỉ điểm, tất cả những chiến sĩ quân báo ít nhiều có liên quan từ trước kia, khi vô hoạt động nội thành đều được phát những tấm hình, kèm theo những ghi chú tỷ mỷ để nhận diện nó.


9 giờ 30 phút đêm nay, sau khi đã nắm được chi tiết toàn bộ cấu trúc và bố phòng của khách sạn M và tin chính xác cuối cùng cho biết, đúng 2 giờ sáng sẽ có một cuộc họp hơn hai trăm sĩ quan cố vấn Mỹ từ nhiều nơi kéo về nhận mật lệnh của tòa đại sứ, anh đi gặp cụm trưởng quân báo XY8, người mà Quyết đã có nhiều gắn bó từ mấy năm nay, anh quen gọi bằng chú Tám với tất cả tình yêu của anh. Từ gần một tuần nay, tin về cuộc họp tối mật đó của địch, cụm đã biết, nhưng số người, địa điểm, giờ họp thì chưa nắm được. Sài Gòn lâu nay không phải là nơi yên ổn cho bọn Mỹ nữa. Chúng đã rỏ ra không ngoan khi chọn địa điểm và thời gian họp sao cho thực bất ngờ. Chú Tám sẽ chịu trách nhiệm tổ chức trận đánh, nhưng thời gian và địa điểm cuộc họp, ít nhất chú phải được báo trước hai tiếng, việc đó thuộc nhiệm vụ của Quyết.


Mấy ngọn điện đầu ngõ 34 sáng quá. Vừa đi tới đấy, linh tính báo cho Quyết biết hình như có một luồng mắt nào dò xét mình. Anh kín đáo quay lại, liền nhận ra trong cửa số bót cảnh sát bên kia đường, tên Phùng gù vừa theo dõi anh vừa quay máy điện thoại, và bóng năm tên cảnh sát đi ra. Tại sao nó không bắt anh ngay? Thứ nhất, tên Phùng là một tên nhát, nó không dám động lực. Thứ hai, có thể nó cũng chưa tin hẳn cái người vừa thoáng qua đó là Quyết.


Nếu chỉ cần tìm chỗ để ở lại cái ngõ này rồi sau đó tìm dịp thuận tiện sẽ trở về thì điều đó rất đơn giản. Cái trò lục soát ồn ào tầm thường này làm sao mà tìm nổi anh. Nhưng bây giờ là mười một giờ rồi. Chậm nhất là 12 giờ anh phải đưa báo cáo. Hai trăm tên sĩ quan cố vấn Mỹ! Em Út ơi, thế nào cũng có thằng Mỹ đầu mỏ ó và những thằng cảnh sát mặt nhăn nhúm như buổi tối hôm nào! Hàng tháng nay, kể từ khi trở lại Sài Gòn hoạt động, mỗi khi chiều xuống, đêm vào sâu là Quyết lại cảm thấy nôn nao... Lòng anh chợt se lại khi vừa từ trên tấm biển cửa hiệu cắt may tuột xuống đất, Quyết đã gặp ngay một dãy những đống rác ở ngõ 34 này, những lều tôn gỉ nát âm thầm trong đêm, những túp lều không của ai khác ngoài anh em những chú nhóc đánh giày lang thang...


Đi một vòng quanh ngõ, Quyết không ngờ bọn quân cảnh, mật vụ, cảnh sát lại đông đến như thế. Phải chừng hai đại đội chứ không ít. Ngoài những tên vào lục soát, chỗ nào xung quanh ngõ, Quyết cũng tháy chúng ém quân. Nếu không thận trọng, có lẽ Quyết đã bị những khoảng tối đen đặc tưởng như không có gì ấy "cụp" mất rồi. Quyết luôn luôn phải nằm sát đất, lấy nền trời làm phòng để nhận ra mỗi cử động dù nhỏ bé nhất trên mặt đất và lắng nghe từng tiếng thở, tiếng quần áo sột soạt của đối phương.


11 giờ 15 phút. Thời gian sao mà khắc nghiệt! Có thoát khỏi đây ngay lúc này mà đến chỗ chú Tám nhanh nhất cũng phải là 12 giờ kém. Chao ôi, nếu bây giờ phải rút ngắn nửa đời người hay bất cứ giá nào để đổi lấy mươi phút thôi, Quyết cũng sẽ không mảy may do dự. Hay là mình hóa trang? Bất cứ một căn lều dân nào cũng dễ dàng cung cấp cho anh đủ các thứ để hóa trang, nhưng còn tên Phùng gù kia? Khi nằm trên tấm biển cửa hiệu máy may, Quyết đã nhìn kỹ hai bàn tay thâm hiểm của nó khám xét từng người, anh biết sẽ khó có một thủ thuật hóa trang nào đánh lừa nổi nó. Khó khăn quá. Lòng Quyết sôi lên. Không, không còn cách nào khác, dù phải chết! Quyết rút con dao găm nhỏ và sắc lẹm. Bây giờ thì không chỉ có bọn địch sục sạo tìm Quyết nữa, mà chính anh bắt đầu sục sạo tìm chúng...

- Trời ơi, nó, nó! Nó, nó trong hiệu cắt may đâm tui!...

Từ cửa sổ hiệu máy may, một tên lính quân cảnh, tiểu liên AR15 đeo thõng trước ngực, hai tay ôm lấy mặt rú lên rồi ngã sấp xuống hè đường. Đám dân chúng chộn rộn la hét.

- Tất cả đứng im. Ai nhốn nháo bắn bỏ!

Phùng gù rút súng ngắn khoa lên trời. Nó rẽ đám người bước đến chỗ tên quân cảnh.

- Nâng nó dậy.

Phùng gù lạnh lùng ra lệnh cho mấy tên cảnh sát đứng bên, rồi tiến gần về phía tên quân cảnh vẫn còn đang run lẩy bẩy. Bỗng Phùng gù giật lùi lại, mồm há hốc ra trước khuôn mặt đầm đìa và một vệt rách rộng chừng hai ngón tay trên má trái tên quân cảnh.

- Quây lấy khu nhà này!

Bọn quân cảnh, cảnh sát từ nhiều hướng tủa đến quanh cửa hiệu "Ngọc Xuân cắt may y phục phụ nữ"...

"Theo nhiều nguồn tin phương Tây, hồi 2 giờ 30 phút sáng nay, tính theo giờ Sài Gòn, tại một khách sạn ở trung tâm thành phố đã xảy ra một vụ nổ lớn. Nhiều sĩ quan người Việt quanh tòa lầu và khoảng hai trăm người Mỹ ở đó dã thiệt mạng. Sau đây mời các bạn nghe tin chính thức của Đài phát thanh Giải phóng...".


Đồng chí cụm trưởng quân báo XY8 khẽ xoay nút đài nhỏ lại ghé tai nghe. Ngồi đối diện với cụm trưởng quân báo là một bác sĩ đứng tuổi, chủ một bệnh viện tư nhân, một gia đình cơ sở cách mạng nội thành. Mái tóc đốm bạc xòa xuống trán, bác sĩ không ngừng rút mùi xoa lau đôi mắt kính.

- Tôi đã tiêm thuốc giảm đau cho Quyết - Bác sĩ nói, nửa như với cụm trưởng, nửa như với chính mình - Tôi sẽ cố gắng vá lại những vết thương trên mặt của anh ấy sao cho không còn những vết sẹo. Cái đó thực cần thiết. Giết một tên địch rồi hóa trang. Hóa trang bằng cách tự rạch nát mặt mình thì thật không thể nào tưởng tượng được...

- Không!

Cụm trưởng quân báo chỉ buột miệng nói một tiếng như thế rồi im lặng, mỉm cười ngắm khuôn mặt đầy đặn của người bác sĩ bằng đôi mắt dịu dàng. Đúng, không thể chỉ coi đó như một sự hóa trang. Đêm hôm ấy, Quyết trong bộ quần áo quân cảnh đã tự rạch nát mặt mình, che giấu được đôi mắt cú vọ của tên chỉ điểm và vượt ra khỏi vòng vây của địch một cách lẹ làng.


Bác sĩ cũng không hỏi gì thêm. Đêm vào sâu. Qua khung cửa sổ mở rộng, bất giác cả hai đều lặng lẽ ngắm những vì sao mỗi lúc một dày thêm xôn xao trên nền trời thành phố.


Sửa tại Sài Gòn 7-1975
Logged

Ta không mong được đời đời kiếp kiếp, không mong được sớm tối bên nhau.

Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian!
Trang: « 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM