Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 04:35:41 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một chiến thắng bị bỏ lỡ  (Đọc 56152 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #80 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2009, 01:04:05 am »


Năm 1967, giờ của các lãnh tụ dân sự lỗi thời - những người mà sự bất tài đã được chứng tỏ quá rõ ràng - đã điểm, nhóm Tuyếc trẻ lên cầm quyền để mang lại cho đất nước một chút ít gì đó gọi là trật tự và có cơ cấu tổ chức. Sức ép của Mỹ làm xuất hiện nhu cầu phải có một hiến pháp, hiến pháp đầu tiên từ thời Diệm. Nó được đưa ra vào đầu năm 1967 bởi một Hội đồng lập hiến và hội đồng yêu cầu phải tổ chức bầu tổng thống để tạo cho chính phủ Việt Nam một cơ sở chính trị. Trong ý thức của mọi người, tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ sẽ là ứng cử viên cho giới quân sự và nhóm Tuyếc trẻ ở nhiệm kỳ tổng thống và người ta nghĩ chẳng mấy khó khăn Kỳ sẽ đắc cử nhờ vào số cử tri mà người ta có thể lôi kéo dễ dàng đến hòm phiếu. Thì chính giữa lúc ấy, Thiệu bước ra từ bóng tối và yêu cầu Hội đồng các lực lượng vũ trang cho ông tham gia vào cuộc chạy đua đến chức vị tổng thống. Trái với sự chờ đợi của người Mỹ, chính Thiệu đã thắng cử còn Kỳ thì bị đẩy xuống hàng phó tổng thống.

Thoạt đầu, qua việc Komer được cử sang Việt Nam, Thiệu chỉ thấy đấy là một trong nhiều trò biến hóa của các hệ thống tổ chức của Mỹ mà ông thấy đầy rẫy ở Nam Việt Nam. Ông kiên nhẫn lắng nghe Komer kể ông ta sẽ tình cách đưa bộ máy của Mỹ vào công cuộc bình định như thế nào. Nhưng ông vẫn tỏ ra không mặn mà gì lắm đối với quá trình này, cho đến khi sự quan tâm của ông bỗng như bừng tỉnh khi ông được Komer cho xem nhưng báo cáo của các cố vấn Mỹ ở tỉnh, huyện gửi lên. Ông cảm thấy công việc song song này sẽ có thể giúp ông kiểm soát được các quận trưởng, tỉnh trưởng của ông. Và ông chú ý đến ý kiến của Komer khi ông này qua những báo cáo vạch rõ sự bất lực, thói tham nhũng và tệ nạn quan liêu giấy tờ của một số quan chức địa phương, đã đề nghị ông cách chức bọn họ và thúc giục ông tìm ra một giải pháp để giải quyết những khác biệt về quan điểm giữa người Việt Nam và người Mỹ bằng cách có sự điều hòa hay nương nhẹ đối với phía này hay phía kia.

Có một điều chắc chắn là Thiệu đánh giá cao quyết tâm của Komer trong việc tăng cường và phát triển đội ngũ các “bà con nghèo” trong lực lượng phòng vệ Việt Nam, đó là các lực lượng địa phương tỉnh huyện mà người ta gọi là lực lượng dân vệ địa phương. Đó là lần đầu tiên có một người Mỹ thể hiện sự quan tâm đối với số đơn vị vô cùng cần thiết ấy nhưng lại bị sao nhãng từ lâu, do giới quân sự Mỹ từ trước đến giờ chỉ duy nhất quan tâm đến quân đội chính quy.

Sở dĩ Thiệu nắm được tầm quan trọng của công tác bình định nông thôn, là do nguồn gốc nông dân của ông. Năm 1945, ông đã là đoàn viên của lực lượng “Thanh niên cách mạng” và sau này đã tích cực tham gia chương trình ấp chiến lược của Diệm, tin rằng đó là chiến lược đúng đắn để chiến đấu chống lại chiến tranh nhân dân của cộng sản. Đương nhiên để thể hiện tinh thần yêu nước của mình, ông không có thái độ “cứu thế” của Diệm cũng như quá bị ám ảnh bởi vấn đề độc lập, chủ quyền như Diệm. Ông cho rằng vai trò của ông là cai trị đất nước với những phương tiện ông có trong tay, đặc biệt là xây dựng được một lực lượng quân sự Việt Nam, trong khi bằng lòng chấp nhận một số hành vi cần thiết có tính chất tượng trưng để làm thỏa mãn nỗi khát khao của người Mỹ trong việc họ đòi hỏi phải tôn trọng những thể chế dân chủ. Đương nhiên người Mỹ đã có những thay đổi từ thời Diệm. Được Bunker điều hành một cách tinh tế và khéo léo, họ hiểu rằng giờ đây nhiệm vụ chủ yếu của họ là ủng hộ những biện pháp do Thiệu đưa ra để xây dựng những thể chế của nhà nước và thực hiện những chương trình nhằm tăng cường các cơ cấu chính trị và xã hội. Họ không còn đòi hỏi phải “cải cách” ngay lập tức để mau chóng làm cho nông dân Việt Nam được thừa hưởng những cái lợi của nền dân chủ và nguyên tắc tam quyền phân lập như đã tồn tại ở Hoa Kỳ.

Nhân vật có tầm cỡ thứ tư xuất hiện trong năm 1967 là tướng Mỹ Creighton W. Abrams. Tốt nghiệp West Point vừa đúng trước Chiến tranh thế giới thứ hai, Abrams trở thành chỉ huy một đơn vị thiết giáp tham gia cuộc tấn công vào Pháp năm 1944 dưới quyền chỉ huy của tướng Goerge S. Patton. Sau đó ông chỉ huy số đơn vị được tổng thống Kennedy phái đến trường đại học Missisipi khi ở đấy xảy ra một cuộc khủng hoảng về chuyện sáp nhập. Đó là một dịp tốt để ông thể hiện tài năng ngoại giao. Abrams cũng có một thời kỳ công tác lâu ở Đức, nơi ông có điều kiện để học hỏi thêm về âm nhạc cổ điển là môn ông có thiên hướng. Điếu xì gà kẹp ở ngón tay, cái nhìn ánh lên vẻ kiên quyết và giận dữ dưới đôi lông mày nhíu lại, đó là điệu bộ bướng bỉnh và đầy tính chiến đấu mà ông ưa thích. Nhưng không phải vì thế mà ông là một con người thiếu nhạy cảm: trò chuyện với các bạn đồng minh có nền văn hóa và môi trường khác biệt, chỉ một sắc thái nho nhỏ trong câu chuyện ông cũng có thể nhận ra, và ông luôn luôn sẵn sàng đứng vào hàng sau (đặc biệt sau Bunker) nếu như điều đó là có lợi cho sự nghiệp mà nước Mỹ ủng hộ. Tóm lại là ở con ngươi ông, người ta thấy có nhiều chất Eisenhower hơn là Mac Arthur hay Batton.

Abrams mới đầu được cử làm phó cho Westmoreland, đặc biệt chịu trách nhiệm về khía cạnh “cố vấn” trong những quan hệ của chúng tôi với Quân đội Việt Nam. Do đó ông là người thường xuyên tiếp xúc với các thủ lĩnh quân sự Việt Nam và điều đó cũng bắt buộc ông phải xem xét cuộc chiến tranh với cách nhìn của họ hơn là với cách nhìn của chúng tôi. Nhiệm vụ đó bỗng ngừng khi người ta cử ông ra phía bắc Nam Việt Nam để thiết lập ở đấy một tổng hành dinh tiên tiến thống nhất của quân đội Mỹ, tuy nhiên ông vẫn tiếp tục trông coi việc xây dựng quân đội Nam Việt Nam. Cho nên khi ông được giao làm tổng chỉ huy lực lượng Mỹ vào giữa năm 1968, thay cho Westmoreland trở về Washington thì trên thực tế ông đã được chuẩn bị cho nhiệm vụ ấy trong cả năm 1967.

Nỗ lực Komer đưa vào cuộc chiến đấu chống lại cuộc tổng tiến công chính trị của cộng sản ở nông thôn đã làm nảy sinh trong thời kỳ ấy nhiều sáng kiến của cả phía Mỹ lẫn Việt Nam.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #81 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2009, 01:04:33 am »


Trong những chương trình đạt đến độ chín vào năm 1967, người ta thấy có các “Đội hành động dân chúng” của đại tá Nguyễn Bé. Thấy đó là một sáng kiến quan trọng, C.I.A. được khuyến khích phát triển và nâng nó lên quy mô quốc gia. Vậy là chúng tôi lập một trường quốc gia để đào tạo “cán bộ” những người sau này sẽ về tổ chức ra các đội. Với nhận thức ngày càng phát triển, về tác dụng của những đội này, người ta thấy rằng nó càng cần phải được sự giúp đỡ của các ban, ngành chính phủ. Vì vậy một bộ riêng của chính phủ được thành lập, có nhiệm vụ giúp đỡ và đưa công việc của các đội này vào các chương trình có liên quan tới công cuộc bình định.

Trường đã vấp phải một cuộc khủng hoảng khi viên giám đốc đầu tiên - một sĩ quan ở cấp tỉnh được C.I.A. đánh giá rất cao và chọn lựa vì tỏ ra đặc biệt nhạy bén với tầm quan trọng chính trị của dự án - đã bị bộ trưởng cách chức, vì anh ta đã lợi dụng cương vị của mình để tuyển mộ các cán bộ trẻ để phát triển lực lượng cho đảng chính trị mà anh ta ưa thích. Chức giám đốc này được trao cho Nguyễn Bé, người đã rất nhiệt tình với ý tưởng là phải đi từ nông thôn để xây dựng một nền tảng mới cho xã hội Việt Nam chứ không phải là áp đặt từ trên xuống bằng một quyền lực chính trị.

Một dự án nữa đã ra đời từ sáng kiến và nhu cầu địa phương, đó là P.R.U. (Provincial Reconaissance Unit), Đơn vị thám báo cấp tỉnh. Nhiều sĩ quan của C.I.A. nhận thấy trong nhiều tỉnh, các tỉnh trưởng đã không có đủ lực lượng có khả năng phát hiện ra du kích và cán bộ lãnh đạo của cộng sản. Hoặc do các đơn vị bộ đội chính quy không thuộc quyền chỉ huy của họ, hoặc do hậu quả của việc quá thiên về lực lượng chính quy mà coi nhẹ lực lượng địa phương của người Mỹ nên họ chỉ được trang bị và huấn luyện trong những hoạt động tấn công. Giữa những năm 1960, không khí của nhiều tỉnh chẳng khác gì không khí của một vùng giáp biên - nghĩa là quân địch có thể nhảy qua cửa sổ để vào trong nhà đánh phá tuỳ thích. Nhận thấy với khả năng mềm dẻo linh hoạt của mình, C.I.A. có thể giúp đỡ họ ở những nơi cần thiết, nhiều tỉnh trưởng đã yêu cầu C.I.A. giúp đỡ. Vậy là nhiều tỉnh đã lập ra các đơn vị nhỏ gồm các chiến binh gan dạ, được C.I.A. trang bị và trả lương, sẵn sàng khai thác một cách trực tiếp và nhanh chóng những tin tức mà họ có được. Tấm gương này có sức thuyết phục cao đến nỗi các tỉnh lân cận đã yêu cầu C.I.A. một sự giúp đỡ tương tự. C.I.A. nhận lời với hai điều kiện: trước hết tỉnh trưởng mỗi tỉnh phải chịu trách nhiệm trực tiếp về các đơn vị này và các hoạt động của nó; sau nữa, người mà họ sử dụng sẽ phải được huấn luyện một cách thích hợp.

Xét đặc tính bí mật gắn liền với hoạt động của C.I.A. và tính chất cơ bản là phân tán của chương trình, nên P.R.U. trở thành đề tài của một cuộc tranh cãi quan trọng. Để mô tả các hoạt động của nó, người ta đã phải vận đến các từ ngữ khủng khiếp. Người ta kể quân của P.R.U. là những tên đào binh của các đơn vị chủ lực hay những kẻ trốn tránh quân dịch. Sự tương đối dồi dào của các trang bị của nó cũng gây nên một sự tỵ nạnh đối với các chương trình Mỹ khác và người của chương trình này thì phàn nàn về sự “thiếu phối hợp” của lực lượng đó. Chỉ có các tỉnh trưởng là chẳng phàn nàn gì hết mà trái lại họ còn tỏ ra rất phấn khởi. Nhiều năm sau, khi tình hình ở Nam Việt Nam được cải thiện, chúng tôi đã sát nhập P.R.U. vào lực lượng cảnh sát quốc gia.

Ở cơ quan C.I.A., chúng tôi rất nhạy cảm với các điều tàn bạo mà P.R.U. thường bị cáo buộc. Chúng tôi đã cố đưa họ vào khuôn khổ của những quy tắc thông thường của chiến tranh nhưng kết quả thường không mấy khả quan. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục cố gắng và sau đó những lời phàn nàn về họ thường chỉ là những lời đồn thổi, những điều nghe người ta nói thế, tóm lại là những “câu chuyện thời chiến” mà người ta thường nghe thấy. Tôi không hề muốn biện minh cho bất kỳ một hành động khát máu nào của họ nhưng tôi muốn mọi người hãy phán xét những hành động ấy dưới ánh sáng của bối cảnh lịch sử và thấy được ảnh hưởng mà C.I.A. đã tác động vào P.R.U. để nâng cao hiệu quả của nó.

Có được một cơ quan tình báo hoạt động có hiệu lực là một đòi hỏi thường xuyên. Dưới thời Diệm, chúng tôi đã góp phần vào việc xây dựng một Tổ chức Tình báo trung ương (C.I.O.), giúp vào việc tập trung và phân tích những tin tức tình báo thu thập được trong cả nước để từ đó rút ra những kết luận mà chúng tôi chờ đợi ở các nhà phân tích ở Washington. Cơ quan tình báo Việt Nam có thể khoe họ có nhiều cơ sở để lấy tin. Tuy nhiên mạnh ai người nấy làm và chỉ vì lợi ích của riêng mình nên các tin tức của họ bị giấu kín và rất hiếm khi được chia sẻ với nhau.

Trong một số trường hợp, việc giữ tin có thể coi là chính đáng bởi trong thời kỳ hỗn độn giữa những năm 1960, việc thông tin có khi lại có nguy cơ là những tin ấy lại bị sử dụng để chống lại người cung cấp nó. Tình trạng đó thường dẫn đến việc C.I.A. là cơ quan duy nhất được các cơ quan tình báo Việt Nam khác nhau tin cậy và duy nhất chỉ có nó là có khả năng tập hợp được những tin tức rải rác để tổng hợp lại thành một bức tranh có sự liên kết chung.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #82 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2009, 01:05:15 am »


Ưu thế vượt trội của giới quân sự Mỹ giữa những năm 60 đã có tác dụng là tập trung được hoạt động tình báo vào những khía cạnh quân sự của cuộc tổng tiến công của địch. Cũng là điều hiển nhiên và chính đáng khi các chỉ huy quân sự Mỹ, và do đó cả các sĩ quan tình báo của họ đều chủ yếu muốn nắm được các đơn vị địch có khả năng tấn công họ, hay ngược lại sẽ là mục tiêu để họ tấn công. Vậy mục tiêu chính của giới quân sự Mỹ là lực lượng quân sự cộng sản chứ không phải là những phần tử tích cực hay cốt cán dân sự của cộng sản sống ngay ở trong làng hay thâm nhập vào làng để tiến hành chiến lược nền tảng của họ trong chiến tranh nhân dân - đó là tuyên truyền lôi kéo, thu thuế và tuyển mộ lực lượng. Những quân nhân làm nhiệm vụ thẩm vấn tù binh thường quan tâm hỏi đến từng chi tiết những hoạt động quân sự của các đơn vị địch, hỏi hết ở khu vực đơn vị mình lại đến khu vực đơn vị bạn, thậm chí có khi hỏi cả sang các đội du kích ở các vùng kế cận nhưng chẳng bao giờ họ hỏi lấy một câu về tung tích cũng như về các hoạt động của một người làm nhiệm vụ thu thuế cho địch hay của một chiến sĩ địch làm nhiệm vụ kích động dân chúng.

Song C.I.A. lại quan tâm đến khía cạnh đó của chiến tranh và họ tập trung nỗ lực tình báo của mình vào đấy. C.I.A. không có khả năng và cũng chẳng có ham muốn đua tranh với các nhà quân sự về sự quan tâm đối với công tác tình báo. Ý nghĩ của C.I.A. là giúp đỡ người Việt Nam xây dựng một thứ cơ cấu giúp cho cả Việt Nam và Mỹ hiểu được “kẻ thù chính trị” mà chúng tôi phải đương đầu trong tổ chức bí mật của cộng sản ở Nam Việt Nam. Ý tưởng về việc đó khá đơn giản: đó là lập ra những trung tâm tình báo để tập họp tất cả các cơ quan tình báo khác nhau mà ở những trung tâm ấy cơ quan nào cũng có thể đem đến những thông tin cần thiết cho các cơ quan khác, trong khi vẫn thỏa thuận với nhau là cơ quan nào cũng có quyền giữ việc kiểm soát các nguồn tin và các kỹ thuật tinh tế của nó trong trường hợp mà cơ quan đó ngại rằng các nguồn tin và kỹ thuật ấy sẽ bị nguy hiểm nếu đem ra chia sẻ (mối nguy hại đó có thể đến từ kẻ thù hoặc một phe phái kình địch).

Việc tổ chức thêm một Bộ Tham mưu trung tâm hướng tất cả chú ý vào bộ máy chính trị của địch cho phép chúng tôi phân tích tất cả các thông tin thu thập được và lập được danh sách (tương đối có thể sử dụng được) của các cán bộ cộng sản hoạt động ở địa phương, hiểu được cơ cấu và lực lượng của tổ chức cộng sản và thậm chí có khi còn dự kiến được cả chiến thuật, chiến lược của cộng sản tại khu vực. Cuối 1967, thấy việc làm trên thu được kết quả, người ta có ý định lập một chương trình quốc gia để áp dụng nó. Và tháng Mười một, áp dụng những ý tưởng đó, tổng thống Thiệu đã ra chỉ thị tổ chức “chương trình Phượng hoàng”. Biện pháp này hẳn là muộn mằn nhưng dù sao nó cũng gắng tạo nên cơ sở cần thiết cho công tác tình báo để chống lại chiến tranh nhân dân của cộng sản ở nông thôn.

Về mặt phát triển quốc tế, C.I.A. tập trung nỗ lực vào những vấn đề kinh tế lớn: làm thế nào bảo đảm được khả năng đứng vững của kinh tế Việt Nam mặc dù có những tác động về lạm phát và tham nhũng do sự có mặt của Hoa Kỳ. A.I.D. cũng thu được những kết quả đáng kể trong giúp đỡ về y tế và giáo dục. Họ đã cắm được những cột mốc đầu tiên trong thực hiện “Cách mạng xanh”, điều mà Viện nghiên cứu lúa gạo Rockefeller (Rockefeller Rice Research Institude) đã thực hiện được một bước nhảy vọt ở Philippines bằng cách đưa vào sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu và những giống lúa mới. Mới đầu những người nông dân Việt Nam tinh khôn nhìn việc làm ấy với con mắt nghi ngờ nhưng rồi họ đã nhanh chóng nhận ra rằng những biện pháp đó sẽ giúp cho họ có thể đạt được những vụ mùa bội thu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #83 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2009, 01:05:40 am »


Vậy là vào cuối 1967, tình hình có vẻ trở nên hứa hẹn trong con mắt người Mỹ có mặt ở Việt Nam. Một chính phủ ổn định, có Hiến pháp đàng hoàng, đã chấm dứt chuỗi dài những cuộc thử nghiệm tồi tệ mà đất nước đã phải trải qua từ khi Diệm đổ. Quân đội Mỹ có khoảng năm trăm nghìn người đủ sức ngăn chặn Bắc Việt giành chiến thắng. Quân đội Nam Việt Nam tăng về số lượng và thừa hưởng được các chương trình mới giúp nó cải thiện huấn luyện, trang bị và hiệu năng chiến đấu. Người Mỹ đã thiết lập được một cơ cấu cho phép tiếp tục chương trình bình định, từ nay được mọi người công nhận là cần thiết để tăng cường sức mạnh đất nước tới mức mà người Mỹ có thể dần dần rút quân được trong những năm tới. Tuy nhiên người ta vẫn chưa thống nhất được hoàn toàn về cách thức mà chương trình đó cần phải áp dụng: đó là mai đây quân đội Nam Việt Nam sẽ có thể đảm đương được chương trình bình định đó không để quân Mỹ có thể rảnh tay tiến hành cuộc “chiến tranh lớn” chống lại quân đội chính quy cộng sản? Bởi rõ ràng là không hề bị lay chuyển bởi những cuộc ném bom xuống miền Bắc và đường mòn Hồ Chí Minh, quân đội cộng sản vẫn quyết tâm tiến hành cuộc chiến tranh đó. Nhưng có vẻ như cũng “có chút ánh sáng le lói ở cuối đường hầm” - một thành ngữ được dùng trong thời kỳ ấy để chỉ một lối thoát tốt đẹp cho cuộc xung đột - ngay cả nếu lúc ấy người ta phải vượt qua một vùng tối đáng kể.

Đó là nội dung báo cáo của đại sứ Bunker và tướng Tổng Tư lệnh Westmoreland khi hai ông trở về Mỹ cuối năm 1967. Ngay cả khi phát biểu hay tuyên bố chính thức, người ta đã hết sức cẩn thận để không gợi nên một triển vọng thành công ngắn hạn thì giới thông tin đại chúng, băng ngôn ngữ quen thuộc của họ để thể hiện nội dung của nó, đã khẳng định một cách tin tưởng rằng kết cục tốt đẹp đã tới gần và bác bỏ lời lẽ của những kẻ bi quan cho rằng tình hình đã tuyệt vọng. Thành thực mà nói, tuy rằng có mức độ, tôi cũng chia sẻ ngầm lạc quan ấy. Cho nên khi Giám đốc C.I.A. Richard Helms tạo cơ hội cho tôi để chấm dứt công việc đã kéo dài ở Việt Nam và Viễn Đông bằng cách đề nghị tôi phụ trách việc tổ chức bí mật thâm nhập vào Liên Xô thì tôi đã sẵn sàng đồng ý. Tôi có cảm tưởng là tôi đã làm tất cả những gì tôi có thể làm ở Việt Nam và nghĩ rằng, những chương trình mà người Mỹ và Việt Nam tiến hành ở đấy đã được xếp đặt tốt để cuối cùng nó có thể thành công mỹ mãn miễn là người ta duy trì được nó đủ lâu dài.

Hoàn toàn hiểu rằng “công việc” của chúng tôi ở Liên Xô là rất tế nhị và dễ gây những cuộc tranh cãi trong nội bộ cơ quan, tôi vẫn phấn khởi về sự thay đổi ấy. Điều vui nhất của tôi là từ nay tôi được chuyên tâm về những hoạt động tình báo có tính chất nghề nghiệp sau một thời gian dài tôi phải bận rộn về những chương trình chính trị và bán quân sự.

Nhưng điều đó đã không xảy ra. Giữa chừng một buổi hội ý về chương trình hoạt động ở Liên Xô, tôi đã được Dick Helms mời tới phòng làm việc của ông. Helms có vẻ không vui và lập tức cho tôi biết lý do. Trong buổi họp vừa rồi với Lyndon Johnson - buổi họp ông thảo luận với các cố vấn thân cận nhất của mình về chiến lược áp dụng ở Việt Nam - tổng thống bỗng quay về phía Helms và bảo rằng Komer, khi đi ngang qua đây đã đề nghị tổng thống cho xin một người tên là Colby sang Việt Nam để làm phó cho ông ta. Rồi tổng thống lại ngoắt quay đi, chứng tỏ việc đó đã quyết định xong, chúng tôi cứ thế mà chấp hành. Helms xin lỗi tôi về việc đã xảy ra và đề nghị đêm về tôi sẽ suy nghĩ thêm để xem chúng tôi có cách gì giải quyết không.

Dù muốn sang làm nhiệm vụ ở Liên Xô đến đâu, tôi cũng phải sớm công nhận là tổng thống và Komer có lý. Tôi không thể tự coi mình là một “nhà Xô viết học” đã được thành danh, trong khi mà từ sáu năm nay, tôi là một trong những chuyên gia về Việt Nam ở Washington. Thêm nữa, những ý tưởng mà từ lâu tôi đã bảo vệ nay lại được đưa lên trung tâm vũ đài. Và dù thế nào cũng rất khó nói “không” với tổng thống khi ông giao cho anh một nhiệm vụ - vì lẽ tôi đã cử sang Việt Nam hàng chục sĩ quan C.I.A., những người có tài năng có thể làm tốt công việc ở bất cứ đâu nhưng họ đã vui lòng sang Việt Nam chính vì để đóng góp vào nỗ lực chung của chúng tôi. Vì vậy khi quay lại gặp Helms, đúng như ông chờ đợi, tôi đã báo ông tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ, trong khi vẫn hy vọng sẽ có một ngày nào đó tôi được cử sang công tác ở Liên Xô.

Vào lúc tôi đang chuẩn bị để trở lại Việt Nam, một trong những gương mặt chính của cuộc chiến tranh Việt Nam cũng sắp sửa rời vũ đài. Ngày 27 tháng Mười một, Nhà Trắng thông báo rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara sẽ xin từ chức để chuyển sang phụ trách Ngân hàng thế giới. Quyết định đó của Mc Namara chứng tỏ ông ngày càng ít có ảo tưởng về kết cục của chiến tranh Việt Nam. Mùa thu 1967, sự giải ước của ông hay sự mất hy vọng của ông lên tới mức mà Johnson đã mất lòng tin vào ông. Và đó lại đúng vào lúc mà tổng thống nghĩ rằng mình đã hội tụ được đủ các yếu tố: một chính phủ hợp hiến và ổn định, một lực lượng quân sự Nam Việt Nam tăng cả về số lượng và chất lượng, kể cả lực lượng dự bị, và một tổ chức đúng đắn của phái bộ Mỹ để tiến hành nhiệm vụ... để nếu không giành được thắng lợi thì ít ra cũng đẩy lùi được chiến tranh. Mc Namara vẫn ở lại vị trí cho đến khi Clark Clifford, một quan chức dày dạn kinh nghiệm của Washington được Thượng viện phê chuẩn đến thay. Đó là vào ngày 30 tháng Một năm 1968, một ngày đặc biệt không mấy “huy hoàng” đối với Washington.

Thật là một sự trùng hợp kỳ lạ khi đúng ngày đó tôi quyết định rời vị trí giám đốc phân cục Viễn Đông của C.I.A. để chuyển sang A.I.D., là nơi từ nay tôi sẽ nhận lương phó của Komer. Ý nghĩa thực sự của ngày đó chỉ đến với chúng tôi khi chúng tôi nhận được những bức điện đầu tiên đánh từ trung tâm thông tin của C.I.A. ở sứ quán Sài Gòn của Mỹ: Việt cộng đang tiến công vào sứ quán!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #84 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2009, 09:05:07 pm »


PHẦN NĂM
KHÁM PHÁ RA MỘT CHIẾN LƯỢC


14. Tết 1968

Bức điện “tia chớp nhoáng” đầu tiên báo về cuộc tổng tiến công của cộng sản đến Washington vào buổi chiều ngày 29 tháng Một năm 1968, tức quá nửa đêm rạng sáng ngày 30 tháng Một ở Việt Nam. Bức điện cho biết đã xảy ra một cuộc tấn công vào sứ quán và thậm chí có lẽ những kẻ tấn công đã vượt qua tường. Ở nhiều thành phố đô thị khác cũng nổ ra những cuộc tấn công tương tự. Những tin tức này trùng hợp với báo cáo nhận được trước đó về những cuộc tấn công cộng sản tung ra ở các thành phố thị xã miền Trung, và có một số tin do quân đội bắt được đã nói về những điều liên quan đến ý định cửa cộng sản là sẽ mở một cuộc tiến công lớn trong dịp Tết ở miền Nam. (Tết ở Đông Nam Á là ngày đầu năm của lịch âm và là ngày lễ quan trọng nhất của một năm, vào dịp này gia đình nào cũng sum họp để khẳng định tầm quan trọng của nó như một thành tố cơ bản của xã hội).

Đọc các báo cáo, người ta thấy rõ ràng đây là một cuộc tổng tiến công của cộng sản trên quy mô toàn miền. Trong phần lớn các trường hợp, nó được tiến hành bởi các đội đặc công, biệt động phân tán thành các nhóm nhỏ đánh vào những mục tiêu quan trọng nằm trong trung tâm đô thị (như sứ quán Mỹ chẳng hạn), rồi các đội du kích đánh vào thôn xã để áp đặt quyền lực của họ, và các đơn vị chủ lực để chống lại cuộc phản kích của quân Mỹ và quân Nam Việt Nam. Cộng sản hẳn có tính đến hành động nổi dậy của nhân dân các địa phương để áp dụng từng ly từng tý khái niệm “khởi nghĩa” trong học thuyết chiến tranh của họ, và nhờ đó mà nhân lên số lượng các chiến đấu viên. Nếu những cuộc xâm nhập lúc ban đầu thu được những thành công đáng kể, gây ra được hiệu quả bất ngờ về chiến thuật thì về sau, phần còn lại của kế hoạch trở thành một thảm họa đối với cộng sản.

Lực lượng quân Nam Việt Nam và Mỹ đã nhanh chóng tập họp lại để tiến hành phản kích, còn dân chúng thì mạnh ai người nấy tìm đường trốn chạy. Phần lớn các đơn vị cộng sản phơi mình dưới một sức mạnh hoả lực vượt trội đã bị tổn thất nặng nề. Trong nhiều thành phố cộng sản tấn công, họ chỉ giữ được một, hai ngày rồi bị đánh lui, trừ ở thành cổ Huế, họ đã bám trụ được tới ba tuần lễ. Các cuộc oanh tạc bằng phi, pháo của Nam Việt Nam và Mỹ giáng xuống quân cộng sản rút lui đã gây ra nhiều thiệt hại về người và của và tàn phá nặng nề nhiều khu vực lớn của các thành phố mà quân cộng sản bám trụ để chiến đấu.

Một kết quả khác của các trận chiến đấu là hơn một triệu dân phải đi lánh nạn. Cộng sản ẩn nấp vào nhà dân. Ở phần lớn nông thôn, cộng sản tấn công có hiệu quả và kiểm soát được các thôn ấp. Quân đội Nam Việt Nam phải tập trung lực lượng để đẩy lùi địch ra khỏi các đô thị nên họ chẳng còn đủ sức để giải cứu cho các làng xung quanh. Rõ ràng nhìn một cách thuần tuý chiến lược thì chỉ trong vài ngày, quân đội Nam Việt Nam và Mỹ thực sự kiềm chế được cuộc tiến công, quân cộng sản không thể giành phần thắng và việc còn lại đối với Nam Việt Nam và Mỹ trong cuộc chiến này là tiếp tục truy bắt những kẻ tấn công.

Trong những khu vực cộng sản kiểm soát được một thời gian, họ đã không biết tổ chức lại dân chúng - một điều đáng ngạc nhiên nếu đối chiếu với lý luận chiến lược cơ bản của họ, nhất là trong trường hợp của cuộc tiến công đặc biệt này, việc họ có giành được thắng lợi hay không là tuỳ thuộc vào sự ủng hộ của dân chúng.

Nếu Nam Việt Nam và Mỹ đã không dự kiến được tính chất phân tán và đồng loạt của các cuộc tấn công của cộng sản thì về phía cộng sản, các cơ quan tình báo của họ cũng đã đánh giá thấp sức mạnh của quân đội Nam Việt Nam và Mỹ, điều đó đã dẫn đến thảm họa đối với họ. Cộng sản đã phải gánh chịu nhiều tổn thất, đặc biệt họ đã mất đi nhiều cán bộ miền Nam ưu tú và do đó, khả năng tiến hành chiến tranh nhân dân của họ đã bị ảnh hưởng trong một thời gian dài. Trên thực tế, họ đã phải trông cậy nhiều hơn vào “chiến tranh quân sự”, loại chiến tranh mà bộ đội chính quy Bắc Việt tiến hành.

Nhưng giống như cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Nam trước đây, chiến tranh còn diễn ra trên một vũ đài khác. Những nhà lãnh đạo cộng sản hy vọng tổng tiến công Tết sẽ thắng lợi và tác động mạnh tới dư luận ở nước Mỹ xa xôi, giống như chiến thắng Điện Biên Phủ đã tác động tới dư luận của nước Pháp năm 1954. Lúc đầu thất bại hẳn đã làm họ thất vọng khiến họ đã phải tự hỏi về cái giá phải trả. Tuy nhiên, cuộc tiến công Tết ấy đã trở thành bước ngoặt của cuộc chiến tranh và thế lợi nghiêng về phía họ.

Chỉ trước đây không lâu, khi các quan chức Mỹ tin rằng họ đã có trong tay đủ các công cụ để giành chiến thắng và niềm tin ấy lại được những lời khích lệ của tổng thống Johnson và những báo cáo lạc quan của Bunker và Westmoreland trong chuyến về thăm Mỹ củng cố, thì dân chúng Hoa Kỳ có cảm giác là rồi đây mọi sự sẽ ổn thoả. Thế mà giờ đây cộng sản bỗng đột nhiên có khả năng mở cuộc tiến công Tết trên toàn miền, thậm chí đánh cả vào sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, thì tất cả thực tế phũ phàng đó đã đi ngược lại cảm giác ấy của dân chúng Mỹ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #85 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2009, 09:05:43 pm »


Cái làm công chúng Mỹ phản ứng mạnh nhất với cuộc tổng tiến công Tết, đó là họ bất ngờ trông thấy trên các màn ảnh tivi những hình ảnh khủng khiếp của máu đổ, bạo lực và tàn phá. Từ trước đến giờ nét chủ yếu của chiến tranh Việt Nam chỉ được phản ánh qua vài tấm ảnh gây ấn tượng mạnh như ảnh vị sư tự thiêu để phản đối chế độ Diệm. Nhưng lần này thì công chúng Mỹ có cả một lô một lốc, trong đó cảnh gây ấn tượng nhất là tấm ảnh chụp rõ đến từng chi tiết cảnh tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan hành quyết ngay tại chỗ một chiến sỹ Việt cộng bị bắt, do phóng viên Eddie Adams của hãng Associated Press quay được (sau đó Adams thú thực giá anh không quay được cảnh ấy thì hơn)... Rồi biết bao cảnh khác nữa: cảnh xác người đổ ngổn ngang, rách bươm, đẫm máu, cảnh bom đạn nổ, cảnh các đám cháy khói lửa ngày đêm ngun ngút... trong khi các phóng viên chạy hết nơi này đến nơi khác để ghi lại khiến người ta có cảm tưởng là toàn Nam Việt Nam đang điên đảo trong một vụ chấn động lớn.

Trước tác động vang dội của những hình ấy thì không một phân tích lạnh lùng nào về kết quả của cuộc chiến lại có thể đứng vững. Một số phóng viên chín chắn đã tỏ ra lo ngại về cách đưa tin một chiều ấy của truyền hình, báo chí. Thậm chí một số người trong họ đã nêu lên là trong bối cảnh ấy, lương tâm nghề nghiệp của thông tin báo chí là phải thể hiện được bức tranh toàn cảnh của tình hình, chứ không phải chỉ chạy theo nhũng sự kiện giật gân lúc này đang tràn ngập trên báo chí và truyền hình. Song ở đây vấn đề này xin để người khác giải quyết. Điều đáng nêu ở đây là kết quả của việc đưa tin của giới thông tin đại chúng nhất là truyền hình về cuộc tiến công Tết là nó đã gợi cho công chúng Hoa Kỳ ý nghĩ là người Mỹ hãy chấm dứt những nỗ lực của mình ở Việt Nam, nơi mà tình hình từ nay đã trở nên vô vọng.

Sau một bữa tiệc và một buổi họp ngắn ngày 25 tháng Ba do Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và C.I.A. tổ chức, một nhóm “cố vấn” của Washington, trước khi mời các cơ quan tổ chức xin ý kiến tổng thống và được tổng thống tán thành, đã kiên quyết chủ trương là nên “giải ước”, có nghĩa là rút ra khỏi cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Trong chừng mực mà nhóm ấy gồm các nhân vật hàng đầu (người ta không thể nói được là “bồ câu”) như Dean Acheson, Mc George Bundy, Douglas Dillon (cựu bộ trưởng Tài chính), Robert Murphy (nhà quán quân của nền ngoại giao Hoa Kỳ), John Mc Coy (cao thủ Đức sau chiến tranh) và Hery Cabot Lodge (vừa từ Việt Nam về) thì sức ép đối với Johnson quả là mạnh.

Lập trường của họ lại được củng cố thêm bởi kết quả của cuộc bầu sơ bộ của Đảng Dân chủ ở New Hampshire, mà ở đấy người ta thấy Engene Mc Carthy, kẻ thù công khai của chiến tranh, đuổi sát gót tổng thống đang nhận chức, và bởi việc thông báo Robert Kennedy sẽ ra ứng cử tổng thống (dựa trên một mục tiêu: thay đổi chính sách theo đuổi chiến tranh). Johnson chịu đựng cú sốc với thái độ của một nhà chính trị cừ khôi của dân Texas và quyết định sẽ thôi tái cử để tập trung thời giờ vào giải pháp chiến tranh, lánh ra khỏi sức ép của một chiến dịch bầu cử.

Nhưng cũng như nhiều người Mỹ có mặt ở Việt Nam, tôi không đồng ý. Chúng tôi là những người đã đương đầu trực tiếp với thực tế tình hình ở Việt Nam, chứ không phải chỉ gián tiếp qua hình ảnh của nó trên truyền hình Mỹ. Chúng tôi thấy rằng tiến công Tết là một thất bại của cộng sản, và người Việt cũng như người Mỹ có mặt ở Nam Việt Nam cuối cùng đã sẵn sàng ở tư thế và đứng trước khả năng có thể tận dụng và khai thác được nó. Kẻ địch đã bị những tổn thất nặng nề, nhất là về cán bộ miền Nam, những người tạo thành nền tảng cần thiết cho chiến lược chiến tranh nhân dân của họ. Tinh thần quân đội Nam Việt Nam như được hồi sinh bởi họ đã đương đầu thắng lợi với cuộc tiến công lớn nhất mà kẻ địch tung ra từ trước đến giờ, và bởi quân đội của họ chứ không riêng gì Mỹ đã chiến đấu một cách dũng cảm và họ đã thành công. Đã đến lúc này Nam Việt Nam và Mỹ có thể tiến đánh kẻ thù ngay tại nơi mà họ thách thức chúng tôi: đó là các thôn ấp Việt Nam.

Tháng Hai năm 1968, lúc sắp từ biệt C.I.A. để sang A.I.D, tôi tự hỏi tôi nên làm gì ở Việt Nam. Ngồi trên chiếc máy bay đưa tôi sang bờ kia của Thái Bình Dương, tôi nghĩ với tư cách người phó của Komer, tôi cần phải thích nghi với phong cách kiên quyết của ông để chỉ đạo chương trình C.O.R.D.S (Civil Operations and Revolutionary Development Support. Chương trình hỗ trợ phát triển cách mạng và các hoạt động dân sự) dưới quyền của ông. Tôi lại cần phải giữ được các mối quan hệ với các chỉ huy cấp cao của quân đội, với sứ quán và với các nhà lãnh đạo Việt Nam, trong khi tôi phải chuẩn bị cho Komer các chương trình riêng về chiến lược bình định và giám sát việc thực hiện nó: Vai trò này sẽ tạo cho tôi cơ hội để đưa ra các ý kiến của tôi - về cách tiếp cận chính trị và tầm quan trọng của công tác tự vệ tại thôn ấp và kết hợp các chương trình khác nhau của C.I.A, các chương trình đã đạt tới tầm cỡ quốc gia trong những năm qua. Tôi trông đợi vào sự ủng hộ của Komer, biết rằng ông đã khuyến khích các chương trình ấy từ khi C.O.R.D.S. được thành lập. Nhưng tôi cũng biết chúng tôi cần phải nhanh chóng đạt được những kết quả nào đấy để bù lại tác động tiêu cực của cuộc tiến công Tết đối với công luận Mỹ. Nó cần phải đủ sức thuyết phục để làm hồi sinh sự ủng hộ của dân chúng Mỹ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #86 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2009, 09:06:14 pm »


Ngày 2 tháng Ba, trong khi chiếc máy bay của Pan Am bổ nhào xuống để hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất (để tránh có thể bị bắn lên từ mặt đất), tôi nhận thấy bay bên phải tôi một chiếc phóng pháo đeo đầy bom của không quân Nam Việt Nam, chắc nó có nhiệm vụ đi tấn công các đội du kích địch còn đang bám trụ ở ngoại ô thành phố. Tôi hiểu rằng để biến các chương trình của chúng tôi thành hành động cụ thể trên chiến trường, chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm. Đẩy lùi các đơn vị cộng sản ở thành phố dù họ là bộ đội chính quy hay du kích là một chuyện nhưng còn lập lại được một không khí tin cậy và an toàn ở nông thôn chống lại bom đạn và các hoạt động khủng bố, thì đó lại là chuyện khác.

Thêm nữa, chúng tôi lại có một nhiệm vụ đáng kể khác, đó là sửa chữa lại nhà cửa, có khi nguyên cả một khu phố, khôi phục lại đường sá giao thông, cầu cống và chăm sóc cho hàng triệu dân phải chạy trốn trong cuộc tiến công Tết trên khắp miền đất nước, và lo sao cho họ có được nơi ăn chốn ở.

Komer đón tiếp tôi một cách nồng nhiệt và đề nghị tôi nhanh chóng bắt tay vào nhiệm vụ mới - làm phó thực hành cho ông và chính thức là một trong các phó Tổng Tham mưu trưởng của Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở Việt Nam. Điều đó có nghĩa là tôi phải làm việc với các đồng sự của tôi trên tất cả các lĩnh vực: tình báo, nhân sự, hậu cần, kế hoạch và nhiều mặt chuyên môn khác của một tổng hành dinh chỉ huy năm trăm nghìn quân. Tôi cũng cần phải sẵn sàng dưới quyền sử dụng của Tổng Tham mưu trưởng, người điều hành cả dàn nhạc khổng lồ và giúp việc cho tổng chỉ huy Westmoreland và các viên chỉ huy phó của ông ta. Có một người cha là sĩ quan quân đội, nên tôi cũng cảm thất dễ gần gũi hơn với các sĩ quan chuyên nghiệp, những người từ nay tôi cùng làm việc, tuy lúc đầu tôi cũng phải mất một thời gian để vượt qua rào cản tâm lý: đó là lúc đầu hễ cứ gặp ai đeo một hàng sao trên vai là tôi lại không ngăn được mình khỏi buột miệng “thưa tướng quân của tôi” (Chả là lúc tôi còn bé, quân đội còn ít tướng, nên mỗi khi tiếp cận họ là người tỏ ra rất trọng vọng và kính phục.)

Tuy nhiên phần chủ yếu trong công việc của tôi lại ở bên ngoài tổng hành dinh và đó là điều làm tôi hứng thú. Tôi nhanh chóng quyết định cách tốt nhất để xa lánh những phiền toái trong cuộc sống thành thị và hoàn thành nhiệm vụ của mình ngay tại thực địa, điều mà tôi cho đó mới là mục tiêu thực sự của sự có mặt của tôi ở Việt Nam, là sống ở các tỉnh càng nhiều càng tốt. Có một chiếc trực thăng sử dụng riêng để muốn đến đâu thì đến, một sự “xa xỉ” vô giá đối với tôi, tôi có thể làm việc cả ngày thứ bảy ở tổng hành dinh, hết chiều thì đáp trực thăng đến một tỉnh, huyện nào đó, ăn tối ở đấy với các cố vấn địa phương, bàn bạc công việc và quan sát các hoạt động tại chỗ cả buổi sáng chủ nhật cùng với họ, rồi trở về Sài Gòn kịp bơi một chầu trước khi ăn trưa. Sáng thứ hai tôi đã có thể sẵn sàng để làm việc ở tổng hành dinh, thoát được khỏi mấy trò hội hè vớ vẩn của những buổi tối thứ bảy.

Những đêm ngoại thành ấy đã dạy tôi thế nào là thực tế chiến tranh ở các tỉnh. Khi chiếc trực thăng của tôi lượn một vòng hẹp để đáp xuống thị xã Vĩnh Long ở đồng bằng Cửu Long, tôi có đủ bằng chứng là quân địch vẫn còn có mặt đâu đó ở ngoại ô, sẵn sàng bắn hạ chúng tôi nếu có điều kiện. Một đêm ở Buôn Ma Thuộc, gần làng Ênao, nơi chúng tôi đã khởi đầu chương trình xây dựng các buôn làng tự vệ năm 1960, tôi đã nghe thấy tiếng súng cối của địch bắn dần theo các đường phố về phía chúng tôi. Được trang bị đầy đủ, người của chúng tôi bố trí trên ban công tầng hai sẵn sàng đánh trả địch nếu xảy ra chiến đấu, nhưng chuyện đó đã không xảy ra. Nếu địch đã có thể làm được như vậy đối với các thành phố, thị xã, thì có nghĩa là họ đã kiểm soát được nông thôn. Quân Nam Việt Nam và Mỹ luôn luôn có thể, và họ cũng đã nhiều lần làm thế, sớm hôm sau tổ chức lùng sục ra ngoài để truy quét cộng sản, song phần lớn những cuộc lùng sục ấy đều tỏ ra vô hiệu.

Tôi cũng có những chuyến đi ngắn ban ngày đến các vùng ngoại vi Sài Gòn hay vùng đồng bằng Cửu Long, những chuyến đi thăm thực địa, được tổ chức kỹ càng cho các quan chức đến từ Washington; những cuộc hội thảo với các cố vấn cấp tỉnh, có người của Sài Gòn tham dự; những buổi họp để chúng tôi trình bày chương trình bình định cho các chỉ huy quân sự của một khu. Komer chủ trì các buổi họp quan trọng hơn nhưng nếu có thể tôi vẫn tham dự để có được một ý niệm của riêng tôi.

Tôi thực hiện một trong những chuyến đi đầu của tôi cùng với John Paul Vann, lúc đó còn là một trong những gương mặt huyền thoại của chiến tranh Việt Nam. Mới mười chín tuổi, Vann đã theo học một khoá huấn luyện để được gia nhập vào một phi đội máy bay ném bom trong Chiến tranh thế giới thứ hai ở mặt trận chống Nhật ở Thái bình Dương. Chiến tranh kết thúc trước khi Vann có dịp chiến đấu và thế là ông quyết định theo đuổi con đường binh nghiệp và cứ tuần tự leo lên trong hệ thống cấp bậc. Trở thành trung tá bộ binh, Vann được cử làm cố vấn cho một một sư đoàn Nam Việt Nam đóng ở đồng bằng Cửu Long. Tính khí hơi bướng bỉnh, ngay cả với kỷ luật quân đội, Vann lần đầu được người ta nhắc đến tên là từ sau trận Ấp Bắc tháng Một năm 1963. Do thiếu kiên quyết và bất cẩn, sư đoàn ông làm cố vấn đã để địch chạy thoát, Nam Việt Nam và Mỹ bị tổn thất nặng. Khi báo chí Mỹ nêu lên sự việc, kêu rằng hơn một lần nữa, thất bại ở Ấp Bắc đã chứng tỏ rằng chế độ và quân đội Diệm đã không đáng được hưởng sự giúp đỡ của Mỹ thì Vann, đúng với tính khí của mình, đã phẫn nộ phản bác. Công phẫn trước phản ứng chính thức của người Mỹ, Vann đã xin ra khỏi quân đội. Năm 1965, ông lại trở Việt Nam với tư cách là đại diện dân sự của A.I.D. ở một trong những tỉnh nguy hiểm nhất và bị địch quấy phá mạnh nhất ở xung quanh Sài Gòn. Một cách hoàn toàn mặc nhiên, Komer chọn Vann làm chỉ huy vùng trong tổ chức liên hợp mới của ông, tổ chức C.O.R.D.S.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #87 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2009, 09:06:39 pm »

Neil Sheehan đã viết về Vann trong một cuốn sách dày và chi tiết, Sự lừa dối hào nhoáng mà trong đó ông đã thể hiện Vann như một biểu tượng của cuộc chiến ở Việt Nam. Nghiên cứu của Sheehan là toàn diện, còn văn phong thì sáng sủa, song đối với tôi, những kết luận của ông có vẻ như nhầm lẫn. Như cho rằng: các phóng viên trẻ có mặt ở Việt Nam từ hồi đầu chiến tranh như Vann đã có lý khi họ công kích Diệm; không riêng Diệm, nói chung những người Việt Nam đều tỏ ra thiếu khả năng, người Mỹ, dính líu sâu vào chiến tranh, đã bị lừa bịp.

Những gì tôi biết về chế độ Diệm khiến tôi nghi ngờ về sự đúng đắn của những ý kiến của nhà báo Sheehan, ngay cả khi những ý kiến đó được gán cho bản thân Vann. Sau này tôi sẽ nói về những hành động của nhiều người Việt Nam sau tiến công Tết 1968 mà theo ý tôi là rất có hiệu quả và nó sẽ là một sự bác bỏ rõ ràng quan niệm cho rằng người Việt Nam là chẳng được tích sự gì hết. Còn về những khía cạnh khiến người khác phải khó chịu trong đời sống riêng tư của Vann mà Sheehan đào bới lên, thì tôi chỉ nói rằng theo tôi biết, nó chưa bao giờ gây trở ngại cho những phẩm chất chỉ huy của ông cũng như cho phong cách đặc biệt mà ông đảm đương những trọng trách của mình.

Vann đã hiểu biết nhiều về tôi. Đêm đầu tiên, Vann dẫn tôi đến gặp một thôn trưởng vào loại dám nghĩ dám làm, người đã trang bị cho trai tráng trong làng những thanh kiếm thô sơ làm từ những díp xe hơi. Điểm nút của cuộc viếng thăm là vào lúc ông thôn trưởng muốn lưu ý chúng tôi về việc phải giúp cho trai làng ông được trang bị tử tế để có thể bảo vệ xóm làng chống lại cộng sản được trang bị tiểu liên AK, đưa cho chúng tôi xem một trong những thanh kiếm ấy. Hết sức lựa lời để tránh cho họ khỏi phải hy vọng hão, tôi hứa sẽ làm hết sức mình để trang bị vũ khí tốt cho họ. (Sau đó tôi đã thực hiện đúng như lời hứa). Kết qua tích cực của buổi tối ấy là Vann và tôi đã thống nhất về một điểm: cách tốt nhất để tiến hành chiến tranh là xây dựng những thôn ấp tương tự như ngôi làng chúng tôi vừa đến và loại dần cộng sản ra khỏi dân chúng.

Tuy nhiên trong thời kỳ ấy, chúng tôi chưa thực sự theo đuổi một chiến lược bình định. Tổng tiến công Tết đã tàn phá rất nặng - cả đối với Nam Việt Nam và Mỹ - cho nên sau đó nỗ lực chính của chúng tôi là phải tập trung vào xây dựng kinh tế và các làng xóm. Số người lánh nạn chạy trốn trước thảm hoạ lên tới hơn một triệu. Họ chờ đợi ở chính phủ một sự giúp đỡ về nơi ăn, chốn ở và những chăm sóc khác. Nhiều người sợ quay về nơi cũ, nơi họ đã bị tấn công và tập trung vào các trại, đã hy vọng các nhà chức trách sẽ quan tâm tới họ. Chính phủ Nam Việt Nam phải đối mặt với những nghĩa vụ giống như họ đã phải làm năm 1954 và 1955 khi chín trăm người dân chạy vào từ Bắc Việt Nam.

Một số lượng rất lớn nhà ở và công trình công cộng - nhà trường, chợ búa - cần phải được xây dựng lại, và muốn vậy cần phải có xi măng, sắt thép, tôn lượn và nhân công. Người bị thương cần được chữa trị và một số cơ quan chính quyền và tổ chức dịch vụ ở cơ sở bắt đầu làm việc một cách rụt rè, thậm chí tạm thời ở những khu vực bị cộng sản chiếm đóng trong cuộc tiến công Tết. Để làm cho tình hình càng khó khăn hơn, cộng sản tiếp tục mở nhiều đợt tiến công trong những tháng tiếp theo, nhằm lấy lại đà tiến công bị mất sau hồi Tết.

Thế là một cách tự nhiên, các công việc xây dựng và khắc phục hậu quả ấy rơi vào tổ chức của chương trình bình định, trong khi quân đội tập trung vào đối phó với những nguy cơ tấn công của cộng sản mỗi khi họ có thể phát hiện ra nó. Muốn chứng tỏ tổ chức mới của chương trình bình định có thể thực hiện được những gì trước sức ép ấy, Komer quyết tâm bắt tay vào việc. Nhưng điều chúng tôi chủ yếu quan tâm là khía cạnh vật chất của công cuộc tái thiết, còn những khía cạnh có tính chất chính trị và khó nhìn thấy của một chương trình bình định đích thực thì đành tạm gác về sau.

Thời kỳ tiếp xúc với nhiệm vụ mới của tôi bị gián đoạn bởi chuyến đến viếng thăm của một vị khách của Washington, tân Bộ trưởng Quốc phòng Clark Clifford. Tổng thống Johnson đã cử ông thế chân Mc Namara mặc dù - hay ít ra không phải chỉ vì - năm 1965, ông đã tiên đoán một cách bi quan rằng: “Nếu chúng ta mất thêm 50.000 người nữa... thì đó sẽ là một sự phá sản đối với chúng ta. Năm năm, hàng tỷ đô la và 50.000 người không phải là cái dành cho chúng ta”.

Hiệu quả của ông bộ trưởng mới một phần là ở cách xử sự lịch thiệp, sự tự tin và cái giọng nghiêm nghị gợi lên lòng tin và sự tôn trọng của ông ta. Nhưng trong trường hợp này, giá trị lớn của ông là ở chỗ ông có thể xem xét một cách sáng suốt những thực tế chính trị mà một tổng thống phải đối mặt - thế mà Việt Nam lại là thực tế quan trọng nhất mà Johnson phải giải quyết.

Đi theo Clifford có thứ trưởng Quốc phòng phụ trách những công việc quốc tế Paul Warnke, người tôi đã biết hồi ông còn làm việc trong một văn phòng luật ở Washington. Trong khi biết ông là một người dân chủ tự do kiên định, tôi lại không nắm được ông là người thuộc đội tiên phong của những người, ngày càng mất lòng tin vào chiến tranh Việt Nam, đã tuyên truyền cho việc Mỹ nên thôi dính líu.

Chịu sức ép mạnh của cảm tình chung ở Mỹ cho rằng sự dính líu của chúng tôi vào Việt Nam là một thất bại, chẳng một ai trong hai vị khách để mình bị huyễn hoặc bởi những chứng minh lạc quan của các nhà chỉ huy quân sự. Komer và tôi hầu như chỉ có dịp nêu lên những hy vọng của mình vào công tác bình định mà những tổn thất hồi Tết đã che lấp mất. Nó chỉ là một chương trình, hơn là một chiến lược, xây dựng lại về mặt vật chất những đổ nát tích tụ lại trong chiến tranh Việt Nam bởi một kẻ địch chiến thắng, không hứa hẹn gì cho tương lai. Hai vị khách ra đi mà người ta chẳng thể làm thay đổi được quan điểm của họ: đó là Mỹ đã sa vào một vũng lầy tồi tệ mà Mỹ nên sớm rút chân ra được nhanh chừng nào hay chừng ấy.

Tháng Tư năm 1968, phía địch có một cử chỉ mới khiến tôi nghĩ nỗ lực chính trị của chúng tôi lại có thể tung ra. Đài cộng sản loan tin thành lập “Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình” và rõ ràng đó là một âm mưu của cộng sản nhằm lập ra một tổ chức bao gồm cả các lực lượng dân tộc không cộng sản trong một liên minh chống chế độ Thiệu. Nhờ kinh nghiệm của tôi về các câu lạc bộ chính trị ở New York và ở Châu Âu những năm 40 và 50, và theo hiểu biết của tôi về cách thức mà những người cộng sản đã lãnh đạo các mặt trận ấy của họ. Cộng sản Việt Nam cũng thông báo thành lập uỷ ban giải phóng ở các địa phương để tổ chức chính quyền ở các vùng họ đã giành được quyền kiểm soát. Hiển nhiên những đề xuất và việc làm ấy của họ là nhằm tạo cơ sở để khẳng định chủ quyền của họ trong trường hợp họ có khả năng đàm phán về một sự thoả hiệp giữa quân đội của họ và quân đội quốc gia Nam Việt Nam.

Thất bại trong ý đồ thôn tính Nam Việt Nam khởi đầu từ tiến công Tết, giờ đây cộng sản đang chuẩn bị chiến trường để giành lấy quyền chính trị, hay ít ra để tham gia chính quyền, và chuẩn bị để đàm phán một thoả hiệp với Mỹ trên lưng của chính phủ quốc gia. Cho nên câu trả lời của chính phủ Nam Việt Nam và Mỹ cũng phải là trên phương diện chính trị: đó là phải xây dựng một chính quyền địa phương hợp pháp để chống lại những tham vọng của cộng sản.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #88 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2009, 09:07:49 pm »


15. Một bước nhảy.

Giữ đúng lời hứa với các con tôi khi tôi rời Washington và với ông trưởng thôn, người tôi gặp trong cùng một chuyến đi cùng với John Vann, tôi nhanh chóng bắt tay vào tổ chức các đội tự vệ ở các thôn ấp. Trong công việc này, tôi đã được sự giúp đỡ “không công” của một chương trình có sẵn từ trước: đó là phương trình các Lực lượng địa phương và nhân dân mà Komer đã đưa ra năm trước nhằm cải thiện an ninh địa phương. Trong chừng mực mà Komer chịu trách nhiệm cho C.O.R.D.S. hỗ trợ các lực lượng ấy thì đây là lần đầu tiên nó có được chỗ đứng trong cơ cấu của Mỹ, và không phải chỉ đành bằng lòng với cái khoản dư thừa sau khi các lực lượng chính quy đã được cung cấp đủ.

Điều không thể tưởng tượng nổi đối với Komer là ông thấy các lực lượng địa phương ấy đã được trang bị đủ mọi thứ vũ khí linh tinh nhặt nhạnh được bằng đủ mọi cách: có thứ có từ thời Pháp đã qua hai, ba đời sử dụng, có thứ thì do quân đội Mỹ hay Nam Việt Nam thải ra... Khẳng định rằng chính các lực lượng địa phương này là lực lượng phải gánh chịu sức nặng của cuộc chiến đấu chống cộng sản, cho nên Komer cho rằng nó phải được trang bị tốt hơn. Ông nhấn mạnh điều đó nhiều và mạnh đến nỗi người ta phải quyết định cung cấp cho các lực lượng địa phương súng M-16 Mỹ để thay cho bộ sưu tập binh khí cổ có từ Chiến tranh thế giới thứ hai hay còn xưa hơn. Đó là một dịp may không nên bỏ lỡ. Những vũ khí họ trả lại có thể đưa xuống trang bị cho các đội phòng vệ dân sự thôn ấp.

Nhưng nói thường dễ hơn làm. Ý định phân phát vũ khí xuống nông thôn đã gặp phải vài sức chống đối. Có người cho rằng làm thế thì có khác nào trang bị súng cho du kích cộng sản, điều tôi đã bác lại rằng du kích cộng sản đâu có cần đến thứ vũ khí đó, trong khi trong tay họ chẳng thiếu gì súng AK-47, một thứ vũ khí thích hợp với các hoạt động của họ hơn là thứ vũ khí chúng tôi có. Có người lại nêu chủ chương phát súng như vậy là vô ích, bởi những người chúng tôi trang bị súng đâu có được huấn luyện và họ sẽ co giò mà chạy khi có bóng địch xuất hiện. Về điểm này tôi đưa ra lập luận: mục tiêu của chương trình không phải để sinh ra những người lính được huấn luyện thành thục, mà để lôi kéo về phía chính phủ những người mà nếu không thì họ dễ bị kích động chạy sang với du kích cộng sản.

Kinh nghiệm cho hay là chỉ cần một tổ năm người của Việt cộng là họ có thể lọt vào một làng không được trang bị vũ khí để tự vệ và chế ngự dân làng. Nếu không gặp phải sức chống đối, tổ năm người ấy sẽ tập họp dân chúng tuyên truyền lôi kéo, thu thuế và thu nạp một số thanh niên đi theo họ. Thế nhưng nếu có một đội tự vệ (phòng vệ dân sự), dù là nhỏ bé, thì nó vẫn có thể ngăn chặn được Việt cộng xâm nhập và hỗ trợ cho dân làng chống cự nếu họ muốn chống cự. Trang bị vũ khí cho dân làng, chính phủ chúng tỏ rằng mình tin tưởng ở họ và đó là điều tốt nhất có khả năng lôi kéo họ tham gia vào cuộc chiến đấu chống cộng, một điều cần thiết cho chiến lượt chiến tranh nhân dân của chúng tôi. Ngay cả khi một số vũ khí chính phủ trang bị cho họ có thể là vô dụng, nhưng điều đó sẽ được bù trừ một cách thích đáng bởi số người chúng tôi tranh thủ được. Tôi đã tính rằng có lẽ chúng tôi mất khoảng hai mươi phần trăm vũ khí nhưng bù lại, chúng tôi sẽ tranh thủ được tám mươi phần trăm dân chúng, điều mà tôi nghĩ là quá lợi đối với chúng tôi.

Ý kiến phản đối có tính thuyết phục nhất đến từ thủ tướng Trần Văn Hương, một cựu giáo sư thời Pháp đã có tuổi và đáng kính, đã tham gia kháng chiến chống Pháp, rồi chống Diệm, nhưng vẫn giữ nguyên lập trường quốc gia không cộng sản. Gợi lại những chiến tranh giáo phái đã làm rung chuyển Nam Việt Nam giữa những năm 50, ông cho rằng việc trang bị vũ khí cũng sẽ nuôi dưỡng cho những cuộc chiến đẫm máu có thể xảy ra về sau và thậm chí ngay cả trong lúc chúng tôi đang chống cộng. Để bác bỏ những lập luận của ông, tôi phải thảo một cách rất vất vả một bức thư bằng tiếng Pháp - thứ tiếng mà ông đã giảng dạy ngày trước và chắc chắn nắm vững hơn tiếng Anh - trong đó tôi lưu ý ông rằng vấn đề cấp bách lúc này là mối nguy cộng sản, và sau đó người ta sẽ có thể tấn công vào các nguy cơ khác khi nguy cơ chủ yếu đã bị loại trừ hoặc ít ra nó cũng đã bị giảm đáng kể. Sau này khi gặp lại nhau trong một buổi lễ, ông đã bảo tôi là cái món tiếng Pháp của tôi “quá tồi”, nhưng lập luận của tôi thì ông xin chịu.

Komer cũng dùng những lý lẽ ấy để thuyết phục Thiệu, người cũng thẳng thừng bác bỏ chủ trương vũ trang cho dân: theo Komer, chính phủ là phải dựa vào dân và nó sẽ không thể tồn tại được lâu nếu nó không vũ trang cho dân. Thế là một chương trình quốc gia được đưa ra nhằm tổ chức một “Lực lượng phòng vệ dân sự”, một cái tên được cân nhắc từng chữ để chỉ rõ nhiệm vụ của nó. Trong ba năm sau đó, một nửa triệu vũ khí đã được phân phát cho dân các thôn ấp.

Khái niệm về nó rất đơn giản. Đàn ông (và sau này cả đàn bà), những ai có sức khoẻ nhưng còn quá trẻ để xung vào quân ngũ hay lực lượng dự bị, thì đều phải dành một phần thời gian, như một đêm trong một tuần, để tham gia bảo vệ xóm làng. Trưởng thôn giữ một số súng và giao cho những người đến phiên gác. Những ai không có súng cũng có nhiệm vụ phải canh chừng nghe ngóng. Súng để gác đêm sáng sau phải trả lại. Những người tham gia vào công việc trên không được trả thù lao, nhưng được nhận những băng tay hay những huy hiệu riêng để ghi nhận công lao của họ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #89 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2009, 09:08:22 pm »


Người ta bắt đầu áp dụng chương trình trên ở những khu vực đáng tin cậy vừa để bảo đảm cho nó đứng vững vừa tránh cho các đội tự vệ khỏi phải phơi mình trước một tình thế vượt quá khả năng của họ. Biện pháp ấy cùng với việc quay vòng vũ khí dưới quyền kiểm soát của thôn trưởng đã mang lại những kết quả đáng kinh ngạc: tỷ lệ vũ khí mất chỉ vượt không quá hai hay ba phần trăm, tức thấp hơn rất nhiều mức hai mươi phần trăm mà tôi dự kiến. Cũng có vài cuộc nổ súng với địch, và đúng như người ta chờ đợi, các đội viên phòng vệ ấy tỏ ra không được dũng cảm lắm, nhưng mục tiêu chính của chương trình thì sớm đạt được, nghĩa là số người tham gia đã tăng từ vài trăm lên vài nghìn. Tôi chưa bao giờ thực sự tin vào con số một triệu nhưng tôi tin số người tham gia càng ngày càng đông và có điều chắc chắn là: những đêm tôi qua đêm tại thực địa đã chứng minh rằng hoạt động ấy đã phát triển rộng rãi.

Có một khía cạnh của chương trình mà tôi không dám tự khoe, bởi nó là sáng kiến của người Việt Nam. Đành rằng ý tưởng vũ trang cho dân làng được cả Mỹ và Việt Nam chấp nhận, nhưng biện pháp luân lưu súng là do người Việt Nam nghĩ ra. Điều đó có nghĩa là khi không giữ vũ khí thường xuyên bên mình, các đội viên tự vệ chứng tỏ họ không phải là lực lượng dân binh làm nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu. Việc đó sẽ tránh cho dân làng cũng như cho địch khỏi phải lo ngại, như người ta thường thấy ở một số nước áp dụng phương pháp đó. Hoàn toàn tán thành ý kiến ấy, tôi cương quyết từ chối mọi gợi ý nên trả thù lao cho số phòng vệ tình nguyện, bởi làm thế sẽ biến họ thành một lực lượng bán chuyên nghiệp.

Một chương trình khác tôi muốn khôi phục là dự án Phượng hoàng được tổng thống Thiệu ban hành theo một sắc lệnh tháng Mười hai năm 1967. Nó đã gần như bị bỏ rơi sau tổng tiến công Tết 1968, một mặt do các cơ quan tình báo còn bận theo dõi các cuộc tấn công kế tiếp của địch, mặt khác, chương trình bình định đang phải tập trung vào nhiệm vụ tái thiết và cứu giúp. Tuy nhiên những đường nét chính của kế hoạch Phượng hoàng vẫn còn tồn tại, và nhu cầu tìm hiểu kẻ địch chính trị giờ đây lại càng quan trọng hơn bao giờ hết, khi mà cộng sản đã có được những công cụ lí tưởng hơn (Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình và các Ủy ban giải phóng) để tiếp tục cuộc tiến công chính trị của họ.

Liên minh các lực lượng chỉ là một mặt trận mới, giống như mặt trận giải phóng dân tộc thành lập nărn1960 để gây cho người ta cảm tưởng là cả những người không cộng sản cũng tham gia chiến đấu chống chính phủ quốc gia. Trái lại, các uỷ ban giải phóng mới thực sự quan trọng hơn bởi nó có ý đồ khẳng định nó là đại diện cho chính quyền địa phương ở các làng xã và muốn đóng một vai trò trong giải quyết xung đột. Nếu về phía chúng tôi, chúng tôi chỉ đề cập đến vấn đề như đơn thuần chỉ có tính chất quân sự thì chúng tôi sẽ bị những thủ đoạn chính trị và các lực lượng của địch vượt qua. Cho nên nhiệm vụ thứ nhất là phải hiểu nó.

Mặc dù lúc đó đang thoi thóp nhưng chương trình Phượng hoàng không phải không cung cấp cho chúng tôi một cơ sở xuất phát để hướng về một nỗ lực mới. Nhiều cuộc họp, nhiều buổi dự thảo kế hoạch và thảo luận với những cơ quan tình báo Việt Nam và Mỹ đã giúp chúng tôi có được một bước xuất phát mới và một ưu tiên thực sự cho nỗ lúc ấy. Kết quả là vào tháng Bảy, tổng thống Thiệu đã ban hành một sắc lệnh mới đưa chương trình Phượng hoàng lên hàng ưu tiên quốc gia và kèm vào đó là quy định thành lập, trong hai trăm bốn mươi tư quận hành chính, mỗi quận một trung tâm tập hợp đủ mọi đại diện của các cơ quan an ninh, tình báo có mặt ở khu vực. Mọi cơ quan đều phải góp phần mình vào những gì họ biết về “cơ sở hạ tầng” của cộng sản. (Đó là từ dùng để chỉ bộ máy chính trị cộng sản nằm trong mỗi khu vực để chỉ đạo và nắm quyền kiểm soát chính trị đối với những hoạt động chống chính phủ quốc gia). Mục tiêu là xác định và tìm hiểu “trình tự chiến đấu” của cộng sản, cũng giống như bên quân sự thường tìm hiểu “trình tự chiến đấu” quân sự của địch.

Về phía Mỹ, qua thu xếp riêng, chúng tôi đã đưa vào mỗi trung tâm của một quân đoàn cố vấn Mỹ và những người này sẽ làm việc tại chỗ với người Việt Nam - quan chức, quân sự, cảnh sát và dân sự. Quen hành động nhanh đối với mọi yêu cầu đóng góp vào nỗ lực chiến tranh, quân đội Mỹ đã ngay lập tức tuyển chọn một số sỹ quan, đảm bảo cho họ qua một lớp đào tạo và được định hướng trước khi cử họ đến trung tâm. Với tính linh hoạt đặc trưng của các sĩ quan Mỹ, họ đã hiểu rất nhanh ý nghĩa nhiệm vụ của họ và tích cực bắt tay vào điều tra những cán bộ, nhân viên của địch làm nhiệm vụ thu thuế cũng như phát hiện các đơn vị du kích địa phương của cộng sản - tất cả những điều đó mang một cái tên viết tắt tiếng Mỹ là “Cơ sở hạ tầng Việt cộng: V.C.I.”

Thoạt đầu chương trình Phượng hoàng được xác định nó không phải là một hoạt động của cảnh sát mật. Việc đưa nó ra được tiến hành công khai; đích thân thủ tướng Trần Thiện Khiêm đã dẫn đầu một đoàn diễu hành qua đường phố Sài gòn để cổ động cho chương trình. Ông tuyên bố không úp mở rằng chính phủ cần được công dân giúp đỡ trong việc phát hiện các chỉ huy của bộ máy cộng sản mật, những kẻ chịu trách nhiệm về các vụ khủng bố ở thành thị, sát hại các viên chức chính quyền ở nông thôn, bắt dân đóng thuế và tuyển quân cho cộng sản. Lời tuyên bố trên không chỉ là một lời tuyên chiến chống kẻ thù cộng sản nằm vùng mà nó còn là lời kêu gọi dân chúng Nam Việt Nam cần phải tham gia vào nỗ lực chiến tranh chứ không phải chỉ đứng mà trông đợi quân đội.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM