Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Tư, 2024, 01:23:22 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một chiến thắng bị bỏ lỡ  (Đọc 56195 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2009, 04:38:30 pm »


Tuy nhiên có một người Việt Nam bắt đầu suy nghĩ đến vấn đề chiến lược của chiến tranh Việt Nam, đó là Ngô Đình Nhu. Trong những cuộc gặp gỡ hàng tuần, Nhu và tôi tiến hành phân tích một cách kỹ càng chiến lược của cộng sản, chiến lược mà nhờ nó họ đã xây dựng được một bộ phận quân đội nhân dân, tiến từ du kích lên bộ đội địa phương rồi tiểu đoàn bộ đội chính quy. Rõ ràng là quân đội Nam Việt Nam có đủ pháo binh, trực thăng, máy bay ném bom cũng không thể ngăn cản nổi quá trình phát triển ấy. Nhu cũng tin chắc là các viên chức trong các bộ cũng không thể ngăn chặn được làn sóng cộng sản bằng các kế hoạch được vạch ra tỷ mỷ ở Sài Gòn trước khi đưa xuống cho các địa phương thực hiện. Nhu cũng bắt đầu hiểu rằng bộ máy đảng Cần Lao của ông chẳng có gốc rễ gì trong các cộng đồng nông thôn, là nơi thực sự diễn ra cuộc đối đầu giữa chính phủ với cộng sản.

Chính vì vậy chúng tôi bắt đầu tìm mọi cách để quyết định các làng, dưới sự chỉ huy của các xã trưởng, ấp trưởng, sẽ tổ chức những hệ thống phòng thủ, dù sơ sài, giúp họ chống sự xâm nhập của các đội đi làm công tác tổ chức, tuyên truyền của cộng sản. Tất nhiên trong trường hợp bị du kích hay bộ đội cộng sản tấn công thì cần phải có lực lượng quân sự đóng gần đấy đến cứu nguy. Tôi làm cho Nhu hiểu rằng, rõ ràng chỉ cần với một tổ có vũ trang đầy đủ, cộng sản không những đã có thể thâm nhập mà còn có thể khống chế được dân làng nếu như lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ nó ban đêm cứ chúi đầu vào một lô cốt để cố thủ. Tuy nhiên chỉ cần dân làng có vài người nổ vài phát súng để báo động và uy hiếp địch, thì sẽ làm cho địch không thể thực hiện được mục đích của họ là tập trung dân làng để tuyên truyền, tuyển mộ và điểm mấu chốt nhất là lấy tiền của dân làng.

Khi tôi trình bày với Nhu những gì đã diễn ra ở Buôn Ênao và một số thí nghiệm chúng tôi đã làm ở các nơi khác thì Nhu càng thấy ở đó một tiềm năng để tiến hành phòng thủ chống lại cộng sản. Ông còn dự kiến kinh nghiệm của chúng tôi có thể giúp cho việc xây dựng nền tảng của một cộng đồng chính trị và xã hội mới ở Việt Nam, bắt đầu xây dựng từ các vùng nông thôn để thay thế cho những tinh hoa do kinh nghiệm thực dân của Pháp để lại. Nhưng ông ngại rằng quá trình này sẽ bị người Mỹ làm tổn hại nếu họ nhảy vào đấy đóng một vai trò quan trọng, bởi sẽ có nguy cơ người nông dân sẽ chỉ trông cậy vào những chương trình giúp đỡ kinh tế và các mặt lợi khác mà người Mỹ mang lại trong khi lẽ ra họ phải phát triển sự tự trị và tính tự lực của họ. Tất cả những điều nói trên đều giàu về lý thuyết nhưng nghèo về áp dụng thực tiễn và sự tiến triển trong suy nghĩ của Nhu cũng gây khích lệ cho tôi, khi thấy ông đã dần dần nêu ra được những khái niệm có thể sử dụng để xây dựng một chiến lược cơ bản giúp cho chính phủ đưa ra một chính sách đích thực về quyền lực địa phương ở nông thôn. Và rất có thể từ đấy sẽ phát triển quyền lực của một Nam Việt Nam tự do và xác thực, mà văn hoá và nhân cách con người sẽ chẳng là của cộng sản cũng như của phương Tây.

Cuối cùng tôi đã thuyết phục được Nhu nên ra khỏi dinh để quan sát tận nơi một số thử nghiệm của chúng tôi, và tự mình thẩm tra những báo cáo tích cực mà anh em ông đã nhận được từ những người đã tham gia của chúng tôi. Thuyết phục được Nhu rồi, để dễ dàng cho chuyến đi của ông, tôi gợi ý là nên kết hợp nó với một cuộc đi săn hổ (mà “chiến thuật” săn bắn như thế nào chúng tôi đã bàn bạc kỹ trong buổi thảo luận). Kết quả sau những chuyến đi ấy của Nhu, trong đó những người của C.I.A. và lực lượng đặc biệt đều cho biết rằng họ chỉ đóng một vai trò rất thứ yếu trong thí nghiệm, ông đã bật đèn xanh để chúng tôi tiếp tục giúp đỡ cho các dự án của chương trình. Cuối 1961 được thuyết phục về tính vững chắc của cách tiếp cận vấn đề của chúng tôi và những ý nghĩ của ông đã đủ chín, Nhu đã thành công trong việc thuyết phục Diệm tiến hành một chương trình lớn ở quy mô quốc gia: đó là chương trình áp dụng “kỹ thuật” chúng tôi đã làm dưới các tên gọi là chương trình “ấp chiến lược”.

Chương trình này do Nhu đích thân chỉ đạo chính thức và chịu trách nhiệm trong thực hiện. Để đưa nó ra, ông triệu tập các quan chức cao cấp về hành chính và quân sự các cấp đến dự những cuộc hội thảo bất tận, trong đó ông giải thích cho họ về những căn cứ chính trị và trừu tượng của khái niệm. Run sợ với ý nghĩ con đường công danh của mình và phụ thuộc vào thái độ làm hài lòng ông em tổng thống của họ, các quan chức đều cố gắng tìm cho ra trong cái mớ rối rắm những ý tưởng cao siêu của Nhu những gì mà họ cho rằng phải làm đúng để thực hiện được chương trình. Người ta có thể thấy rằng họ tỏ ra bối rối khi phải vượt quá những biện pháp đơn giản thường làm, ví dụ như đào một hố ẩn nấp, dựng một hàng rào kiểm kê số dân một cách chính xác hoặc làm thế nào để kiểm soát được dân một cách thực sự. Nhưng rồi, để chứng tỏ sự hăng hái của họ, trở về lãnh địa nông thôn của mình, họ bắt dân phải dựng những hàng rào phòng thủ, thể hiện quyết tâm kiểm soát dân một cách thực sự bằng sức ép những ai ở quá xa chu vi phòng thủ phải dỡ nhà để dồn vào trong, và gặt phăng tất cả những dự án nào, công cộng hoặc tư nhân, mà không nằm trong ưu tiên đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2009, 04:38:47 pm »


Các nhà chức trách địa phương, những người trước đây đã được một dự án của C.I.A. tài trợ (năm 1962 trong cả Nam Việt Nam) đã có ba mươi nghìn nhân viên võ trang để thực hiện những dự án ấy, là những người đương nhiên được lợi nhất. Đơn giản là họ chỉ việc, và đương nhiên họ đã làm thế, lồng các dự án ấy vào chương trình ấp chiến lược và thế là họ có thể lớn tiếng khoe rằng họ đã thực hiện chương trình một cách mau mắn. Tuy C.I.A. cũng có đôi điều phàn nàn của C.I.A. khi thấy mình mất ảnh hưởng trực tiếp đối với những làng đã được C.I.A. thí nghiệm và vũ trang, nhưng dưới con mắt của tôi, thì dù sao việc đưa những làng ấy vào chương trình ấp chiến lược cũng chứng tỏ rằng một chiến lược cơ bản mà chính quyền Diệm đang cần biết bao để đương đầu với chiến tranh nhân dân của cộng sản. Vậy là tôi rất vui mừng và hoan nghênh tiến triển đó, một tiến triển giúp cho chúng tôi chuyển được từ những khả năng hạn chế của C.I.A. thành một nỗ lực quốc gia.

Nhu đòi hỏi mỗi ngày phải có những tiến bộ nhanh hơn và tới tấp bay về chỗ Nhu những báo cáo tin rằng hệ thống ấp chiến lược đã được thiết lập, dù rằng có thực hay không. Người Mỹ bối rối trước sự bộc phát của một hoạt động to lớn, mà trước đây cả một hệ thống tổ chức phức tạp của họ đã không làm nổi. Các viên chức, cả Mỹ và Việt Nam, đều không chạy theo kịp cái nhịp điệu say mê cuồng nhiệt của Nhu. Trong khi đó thì giới tinh hoa thành thị, tập trung chú ý vào chương trình, đã tìm cách moi móc những chỗ yếu, những khiếm khuyết của nó và chuyển những lời chỉ trích, kêu ca của họ đến các cộng đồng nước ngoài, dân sự và thông tin, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc bắt dân dời nhà, một điều mà người dân rất phản ứng vì họ không muốn xa nơi đất cát nhà cửa cha ông để lại và có mồ mả tổ tiên.

Tuy nhiên, mặc dù nhiều trở ngại và những chỗ bất tiện, chương trình vẫn đạt hai mục tiêu chủ yếu: nó cung cấp một chiến lược nền tảng để tiến hành chiến tranh theo mức độ tấn công của đối phương, tức là ở nông thôn, và nó đã thành công trong việc “thông dòng” cho một nỗ lực quốc gia và tập trung vào thực hiện, thay vì cho việc từng bộ từng cơ quan một cứ chúi mũi vào những công việc tủn mủn hàng ngày.

Lần đầu tiên kể từ lúc khởi đầu cuộc chiến, chương trình ấp chiến lược đã nắm quyền chủ động chiến tranh. Với cách phá vụn và gây hỗn loạn, nó bắt đầu làm đảo ngược chiều hướng phát triển của cộng sản ở nông thôn. Và khi chương trình mới bắt đầu được tiến hành, cộng sản đã thấy ở nó một đe doạ nghiêm trọng đối với kế hoạch của họ. Họ yêu cầu phải tập trung đánh phá ấp chiến lược, phá huỷ sự phòng thủ của nó và bãi bỏ việc huy động nông dân. Nhưng chương trình vẫn phát triển đi lên, những khuyết điểm và những trò gian lận hiển nhiên được phát hiện và chỉnh đốn, khắc phục. Đầu năm 1963, nhà báo Úc Wilfred G. Burchett, người tuyên truyền lâu đời cho cộng sản ở Triều Tiên và Việt Nam, đã phản ánh như thường lệ quan điểm của những người được ông che chở, là: “Năm 1962 là thuộc về Sài Gòn”. Lẽ ra ông ta có thể thêm rằng sự cảm phục ấy chủ yếu là nên dành cho Nhu.

Nhiều năm sau, qua một tướng cũ của Nam Việt Nam và cũng là một trong những người đã khởi xướng cuộc đảo chính lật đổ Diệm - Nhu, tôi được biết một thông tin làm sáng tỏ thêm tầm quan trọng đáng kinh ngạc của chương trình ấp chiến lược. Viên tướng ấy khẳng định đã biết - thậm chí dù ông không có mặt ở đó - rằng năm 1963, giữa Nhu và Phạm Hùng, nhà lãnh đạo cuộc chiến đấu của cộng sản miền Nam, đã có một cuộc gặp gỡ riêng. Cuộc gặp ấy xảy ra vào thời kỳ mà Diệm - Nhu phải đối đầu với những bất đồng sâu sắc với Mỹ, đang tuyệt vọng tìm một lối để thoát ra khỏi cái ngõ cụt mà hai ông đang lâm vào, bị kẹt trong cuộc chiến đấu giữa cộng sản và Mỹ. Theo nguồn tin của tôi, trong cuộc gặp ấy, Phạm Hùng đã thú nhận là ông ta bị ấn tượng khi được gặp tác giả của chương trình ấp chiến lược, chương trình mà đối với những nỗ lực của cộng sản, tác động của nó thật có sức huỷ hoại. Giai đoạn này có lẽ đáng ngờ, nhưng nó không phù hợp với những lời phát biểu của cộng sản trong thời kỳ đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2009, 04:39:11 pm »


7. Cuộc xung đột giữa thủ đô

Trong những năm Diệm và người Mỹ cố gắng ngăn chặn sự lan tràn của sức mạnh cộng sản, thì một cuộc đối đầu khác lại đang diễn ra. Đó là sự thù địch ngày càng tăng giữa người Mỹ và chế độ Diệm. Ý thức được sự phát triển của cuộc xung đột tổng thống Diệm rất lấy làm tiếc, nhưng ông cũng không phải hoàn toàn được tự do hành động để có thể điều khiển được nó hay vòng tránh nó. Còn về phía Mỹ thì những cách xử sự của họ lại cũng bị tác động bởi nhiều yếu tố mà chống lại nó, họ chẳng thể làm được là bao, nếu không muốn nói là chẳng làm gì hết.

Những đại diện, thậm chí cả những người phụ trách các cơ quan khác nhau ở Sài Gòn đều là những sĩ quan chuyên nghiệp mà hy vọng và tương lai của họ phải phụ thuộc vào cơ quan họ. Thành công hay thất bại của một sĩ quan - nghĩa là vị trí và việc đề bạt của họ đều bị quyết định bởi thái độ của họ đối với cơ quan. Việc đánh giá năng lực của họ còn bao hàm cả một lối thoát cho họ khi có trục trặc: người ta sẽ không quy tội cho một sĩ quan trong trường hợp xảy ra một thất bại nào đấy nếu như người ta có thể gán thất bại ấy cho sự suy kém của chính quyền địa phương. Người ta sẽ nêu lên những vấn đề về thể lực do ảnh hưởng của địa lý và thời tiết. Người ta sẽ đổ mọi tội lỗi vào chính quyền Diệm và các quan chức cao cấp của ông. Một số người Mỹ cương quyết và cần mẫn, bị bức xúc bởi những khác biệt về văn hoá hay những lời kêu ca khiến họ bực dọc khi họ đưa ra những giải pháp về Việt Nam, thường biện minh cho thất bại của họ bằng cách cho rằng đó là lỗi hay thái độ vô trách nhiệm của các quan chức Việt Nam mà không nghĩ rằng những đề nghị của họ có thể sai lầm.

Trong chừng mực mà các cơ quan Mỹ vừa đông, lại vừa rất mất thời gian để bàn bạc về cách hợp đồng giữa họ, người Mỹ thường có khuynh hưởng coi chính quyền Diệm như một địch thủ trong khi Việt cộng, gần như vô hình, lại chẳng mấy nặng ký trên bàn cân của họ. Như những người mù xem voi, các sĩ quan của ban Ngoại vụ Bộ Ngoại giao, Cơ quan phát triển quốc tế, các cơ quan tình báo Cục C.I.A. và đội ngũ tương đối quan trọng các đại diện ba quân chủng và hải quân cứ xoay quanh chính phủ Diệm, cơ quan nào cũng chỉ quan tâm đến giải pháp của riêng mình cho vấn đề Việt Nam và dĩ nhiên họ xem voi dưới góc độ khác nhau.

Cơ quan nào cũng điều hành chương trình theo nhịp độ của mình và các hoạt động tản mạn của họ thường hầu như, thậm chí hoàn toàn, không có tập trung. Mỗi tuần, đến kỳ họp của cái gọi là “Nhóm đầu ngành”, các xếp của các ngành đều tề tựu ở văn phòng đại sứ. Nhưng ông này chỉ đóng vai trò của một chủ tọa phiên họp hơn là trưởng nhóm thực sự. Trong chừng mực mà ngoài ban Ngoại vụ Bộ Ngoại giao ra, ông đại sứ chẳng có một tý quyền hành nào đối với các cơ quan khác, và các cơ quan này chỉ gửi thẳng báo cáo của họ đến các xếp trực tiếp của họ ở Washington thì các cơ quan khác nhau ở Sài Gòn đều tiến hành công việc của mình một cách độc lập, bất kể ông đại sứ có “chỉ thị” thế nào. Chắc chắn đó không phải là cái cách mà một chính quyền phải làm việc, tuy nhiên ở Sài Gòn lúc ấy, người ta đã làm việc như vậy đấy.

Trong các câu lạc bộ người Mỹ thường hay đến, họ là cái mồi không tránh khỏi của những lời đàm tiếu và đồn đại, thực hư đều có, được truyền miệng ở Sài Gòn, do thiếu những thông tin chính thức. Dù họ có biết hay không thì những lời xầm xì đó cũng đóng góp một phần lớn cho ý kiến cho rằng cuối cùng người Mỹ cũng sẽ phải đứng ra làm thay cho chế độ.

Cá nhân tôi, tôi cũng đóng góp cho việc truyền bá những dư luận bất lợi ấy. Tôi cảm thấy có trách nhiệm buộc phải thông báo cho Washington về những chuyện tố giác tham nhũng, dối trá và khuấy động chính trị mà C.I.A. nhận được từ những nguồn tin Việt Nam. Tuy nhiên tôi tin chắc rằng mặt khác, chế độ cũng thành công trong việc hiện đại hoá một thuộc địa cũ lạc hậu và xứng đáng được người ta khuyến khích nó trên một con đường giúp cho nó chống lại kẻ thù cộng sản. Tôi không thể kiểm tra được tất cả các báo cáo của các nhân viên của tôi và tôi chỉ chuyển đi những gì mà tôi thấy có vẻ là xác thực, và hàng tháng đều gửi về một tóm tắt và một kết luận trong đó tôi cố gắng phác lên một cách đậm nét một bức tranh chung. Rủi thay, những báo cáo của tôi không phải là “tuyệt mật” và chuyển qua đường ngoại giao chứ không phải trực tiếp điện về, nên tới được Washington, nó đã ít được người ta chú ý.

Kết quả những bất đồng giữa người Mỹ về Việt Nam là sự xuất hiện dần dần của một biện pháp kép về cách đánh giá rất đặc trưng của người Mỹ đối với các chế độ đồng minh. Người ta chỉ trích Diệm - Nhu bởi họ đã không tôn trọng những chuẩn mực mà chúng ta mong muốn (trong đó đúng là nhiều cái đã được ghi vào Hiến pháp), nhưng người ta không nói, hay chỉ nói rất ít về cái thế phải lựa chọn, tức là nếu như cộng sản đưa ra đề nghị về một chế độ, một chính thể sẽ lập ở Việt Nam. Thế mà điều mà người Mỹ bỏ sót này lại chủ yếu là do họ từ chối không chịu tính đến kinh nghiệm rõ ràng của cộng sản Bắc Việt. Cũng như họ không chịu chú ý đến cái “kho dự trữ” các nhân vật lãnh đạo để thay thế ở Nam Việt Nam: Đó là những nhân vật chính trị dân sự (như những người khởi xướng của tuyên ngôn Caravelle) hay quân sự. Lại càng ít có vấn đề là người Mỹ tự hỏi rằng cái cộng đồng chính trị và xã hội Nam Việt Nam có sẵn sàng chấp nhận những kinh nghiệm và biện pháp mà người Mỹ đã làm trong hai thế kỷ nay ở Bắc Mỹ, do những con người rất khác nhau và trong những điều kiện chưa từng thấy ở đâu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2009, 04:39:45 pm »


Điều rõ ràng nhất trong con mắt tôi là không một ai trong giới quan chức hay nhà báo Mỹ, những người đã kịch liệt phê phán tổng thống Diệm về chuyện ông ta đã để quá bị phụ thuộc vào những ý kiến của cố vấn Nhu, người em của ông ta, mà lại không thấy được sự giống nhau giữa việc đó với việc làm của tổng thống Mỹ của chúng tôi, khi ông này đã cử em ruột của mình làm bộ trưởng tư pháp và chánh án toà tối cao để bảo đảm quyền chính thức cho người em cũng như sự gần gũi với con người ông tin cậy. Còn về những sai lạc trong hệ thống bầu cử của Nam Việt Nam, đối với tôi nó cũng không tỏ ra quá xa, ít ra là về bản chất, với cách bầu cử ở một số khu vực của Mỹ như ở Boston, Chicago hay ở nhiều vùng quan trọng khác ở miền Nam nước Mỹ. Không phải tôi tìm cách thanh minh hay làm nhẹ lỗi cho khả năng yếu kém của chế độ Diệm trong việc thực thi những lời tuyên bố về lý tưởng dân chủ của ông, nhưng tôi nghĩ rằng các lời chỉ trích của Mỹ có lẽ nên bớt cái vẻ dạy đời và có chừng mực hơn.

Trên thực tế, các lời chỉ trích ấy đã quên mất những quy tắc của “nghệ thuật của cái có thể được”, một thứ nghệ thuật mà trong chính trị cũng như trong ngoại giao, nó là cách thử nghiệm xác thực nhất cho tính hiệu quả. Nếu chúng tôi thảo luận trên cơ sở ấy với chế độ Diệm, chúng tôi sẽ có thể hiểu được tốt hơn những gì nên làm, trong những giới hạn thực tế để duy trì và giúp nó tốt hơn trong việc chống lại kẻ thù cộng sản (của nó cũng như của chúng tôi) và tăng cường nền tảng chính trị cho nó.

Toàn bộ những lời chỉ trích của Mỹ đều được giới thiệu trong một bản đánh giá tháng Tám năm 1960 của C.I.A. Bản đánh giá này khẳng định rằng nếu một số “khuynh hướng tiêu cực” vẫn cứ còn tồn tại thì “cuối cùng ngày một ngày hai chế độ Diệm sẽ phải sụp đổ”. Tháng Mười hai cũng năm ấy, đại sứ Durbrow nhắc lại rằng ông rất lo ngại khi thấy Diệm phải đương đầu với “một sự bất bình rộng rãi trong dân chúng và tổng thống cần phải cải tiến lại phương pháp đấu tranh chống cộng sản của ông để thi hành những biện pháp kiên quyết nhằm giành được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân”. Durbrow khẳng định nếu Diệm không làm thế “chúng ta sẽ bắt buộc trong một tương lai gần là phải công nhận và ủng hộ những nhà lãnh đạo khác”.

Bị ảnh hưởng mạnh bởi Lansdale, chính quyền Kennedy chọn một con đường khác. Vì trước đây đã tin tưởng Diệm, rồi muốn tỏ ra mình là người có tinh thần đổi mới và nhất là vững tin vào hiệu quả của chính quyền mới của mình, Kennedy quyết định sẽ bảo đảm với Diệm là Mỹ sẽ hết lòng ủng hộ Diệm dù thử thách thế nào, và Diệm có thể tin cậy vào sự ủng hộ ấy và cũng với sự ủng hộ ấy Diệm có thể yên tâm làm việc.

Chúng tôi đã sớm có được hai chỉ dẫn có ý nghĩa của cách tiếp cận mới ấy.

Chỉ dẫn thứ nhất là “chương trình hành động ở Việt Nam” năm 1961; chương trình này sau khi được loại bỏ một số điểm không được ai ưa thích của “kế hoạch tổng thể chống nổi dậy” (như đưa vài thành phần đối lập vào chính phủ, cử Nhu và Tuyến vào những vị trí ngoại giao ở nước ngoài, cử một phái đoàn của Quốc hội đi điều tra về cách thức tiến hành chiến tranh của Diệm) đã được chấp nhận trên hình thức khi chính quyền mới bắt đầu nhậm chức. Chương trình đã bật đèn xanh, điều mà nhiều người chờ đợi, cho việc tăng thêm hai mươi nghìn quân cho quân đội Sài Gòn, hỗ trợ cho một lực lượng dân vệ sáu mươi nghìn người và thành lập một lực lượng tự vệ (ở thôn ấp) với bốn mươi nghìn người. Chương trình còn dự kiến tổ chức một “hạm đội thuyền buồm” Việt Nam để chống xâm nhập đường biển, như vậy là giao cho hải quân quốc gia một vai trò tương tự như việc kiểm soát những chuyến bay không thể thăm dò được của cộng sản bằng ra đa của không quân.

Chương trình hành động mới còn tạo ra khả năng đưa vào và chấp nhận một cách kiên quyết đường lối của một số chương trình mà cơ quan C.I.A. chúng tôi đã phát triển trong năm trước, trong những tháng mà kế hoạch tổng thể chống nổi dậy được tiến hành. Chính vì vậy mà tháng Tư năm 1961, tôi bay về Washington, thực hiện chuyến bay đầu tiên của một loạt những chuyến vượt Thái Bình Dương sau này, những chuyến đi trong những năm tới sẽ giúp tôi tham gia vào việc soạn thảo phụ lục “Hành động mật của C.I.A.” của chương trình. Ở Washington, tôi bị lôi kéo vào một lô những cuộc họp liên các ban ngành và viết hết dự án này đến dự án khác để trình lên các cấp có thẩm quyền. Thành thực mà nói, tôi dành nhiều công sức và tâm trí vào việc bảo đảm cho cơ quan tôi được phép tiếp tục tiến hành những chiến dịch khiêm tốn mà chúng tôi đã đưa ra làm, và đối với tôi nó có vẻ như hứa hẹn hơn, hơn là với việc nghĩ ra một chiến lược cơ bản cho Việt Nam. Rủi thay, những người tham gia khác vào quá trình soạn thảo cũng có một thái độ như tôi. Và do đó kết quả chung là bản phụ lục giống như một cái phiếu giặt là với những ý định riêng của từng ban ngành, hơn là một bản trình bày cụ thể của tình hình Nam Việt Nam và vạch ra hướng chỉ đạo chiến lược mà chúng tôi cần phải áp dụng cho tương lai. Trong trường hợp của tôi, một yếu tố khác đã hạn chế những yêu cầu giúp đỡ cho kế hoạch của tôi: đó là do đặc biệt ý thức được tác động của thất bại ở Vịnh Con Lợn gần đây, tôi biết rằng C.I.A. chẳng là cái gì nặng ký trong số “giấy tờ đặc biệt” của chính phủ Kennedy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2009, 04:41:06 pm »


Cuối cùng, phụ lục “Hành động mật của C.I.A.” đã cho phép chúng tôi “được phát triển, dưới quyền giám sát của M.A.A.G và C.I.A, các chiến dịch đang tiến hành (của lực lượng đặc biệt người Việt) trong những vùng du kích của Nam Việt Nam... với sự hợp tác toàn diện với người Việt Nam và bằng cách sử dụng những dân thường Việt Nam được tuyển mộ với sự giúp đỡ của C.I.A”. Chương trình cũng cho phép chúng tôi mở rộng những hoạt động ấy sang cả bên kia biên giới Lào cũng như đối với cả Bắc Việt Nam.

Điều này biện hộ cho việc tăng thêm quân số cho phân cục C.I.A. ở Việt Nam, nhưng với tỷ lệ rất khiêm tốn đến nỗi người ta khó có thể nói đây là một cuộc leo thang chiến lược.

Được bật đèn xanh cho từng dự án của C.I.A., tôi lập tức bắt tay ngay vào thực hiện, hy vọng nó sẽ đóng góp một cách có hiệu quả vào giải pháp cho cuộc xung đột ở Việt Nam. Tôi cũng học được nhiều về cách vận hành của những cỗ máy quan liêu khổng lồ của nhà nước chúng tôi và sự thiếu khả năng của nó trong việc thích ứng với nỗ lực chung. Nhưng tôi cũng phấn khởi khi thấy chính quyền mới Kennedy đã có vẻ sẵn sàng làm việc với Diệm hơn là chỉ biết không ngớt chỉ trích bới móc Diệm về chuyện ông ta đã bất lực trong việc áp dụng những chuẩn mực của một chính phủ dân chủ địa phương tựa như chúng tôi thực hiện đối với New - England1.

Dấu hiệu có ý nghĩa thứ hai trong cách tiếp cận mới là việc cử Frederick Nolting sang thay chân đại sứ cho Durbrow Nolting, con người với phong cách lịch lãm nhưng lại biết cứng rắn khi cần thiết, sang Việt Nam trong đầu không một chút kinh nghiệm về Châu Á. Nhưng công việc mà ông đã thực hiện ở Châu Âu, tức là đẽo gọt cho bớt gai góc những mâu thuẫn hay tranh chấp giữa những đồng minh cực kỳ nhạy cảm vừa mới hồi lại người sau cơn chấn thương của cuộc Đại chiến thế giới thứ hai - đã làm ông trở thành một người được coi là rất tinh thông và giỏi giang. Ông đã nhanh chóng nắm được tính chất cực kỳ phức tạp trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Và khi phát triển những mối liên hệ vừa gần gũi, vừa hiệu quả với các quan chức Việt Nam, ông đã thành công trong việc gây ảnh hưởng với họ một cách thuyết phục như giữa bạn bè với nhau, chứ không phải bằng cách gây sức ép như đối với một địch thủ. Ông tin chắc Hoa Kỳ sẽ phải ủng hộ chính quyền mà Diệm là người đại diện.

Được Washington khuyến khích, tân đại sứ Nolting tự mình đảm đương nhiệm vụ thuyết phục Diệm rằng ông ta có thể tin cậy vào người Mỹ, tự mình tìm hiểu những vấn đề đặc biệt đặt ra với ông và đất nước ông, và tạo ra mối quan hệ tin cậy để xuất phát từ đó, ông hy vọng nhìn thấy hay chính phủ sẽ xây dựng một chiến lược và một nỗ lực có khả năng ngăn chặn được cuộc tiến công của cộng sản. Cách tiếp cận vấn đề ấy là nhờ vào Lansdale rất nhiều, mặc dù Lansdale không phải là người thực hiện. Chuyến đi thăm Nam Việt Nam của phó tổng thống Lyndon Johnson vào tháng Năm năm 1961 lại càng khẳng định lập trường đó.

Các nhà lãnh đạo Nam Việt Nam, trước hết là Nhu, đặc biệt cảm nhận được ý nghĩa của việc Hồ Chí Minh kêu gọi nông dân nổi dậy bằng cách buộc tội Diệm là tay sai của đế quốc Mỹ và chế độ Diệm là chế độ của một thuộc địa của “Chủ nghĩa thực dân mới”. Cái điệp khúc “Mỹ - Diệm” được nhấn mạnh ấy cứ vang lên ở khắp miền nông thôn. Chính vì vậy mà anh em họ Ngô, cùng với các cộng sự và thuộc hạ của hai ông nhận thấy chẳng những cần thiết phải chứng tỏ chủ quyền và độc lập của nhân dân Việt Nam, mà ngay đối với họ, họ cũng nhận thấy cần thiết phải chứng tỏ mình là người thực sự đại diện cho chính nghĩa quốc gia.

Không chỉ biểu hiện về mặt hình thức trong những hành động của họ, mà nhu cầu ấy còn thể hiện trong việc họ có khuynh hướng đơn phương công bố các chương trình và việc làm của họ. Điều đó khiến người Mỹ rất ngạc nhiên khi thấy xuất hiện những kế hoạch mới, những kế hoạch lẽ ra phải được người Mỹ giúp đỡ, thế mà người Mỹ chẳng biết làm thế nào để can thiệp. Trong giới quân sự thì giữa những đồng nghiệp Mỹ và Việt Nam, khuynh hướng ấy không gây nhiều rắc rối lắm vì họ thường xuyên tiếp xúc với nhau, nhưng đối với giới dân sự và sứ quán thì do ít có sự cộng tác trong lĩnh vực hành động và chủ động chính trị, nên khuynh hướng ấy đã gây ra một số phiền toái.

Trong một hoàn cảnh mà sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau giữa hai nền văn hoá rất khác biệt cũng đã khá thành vấn đề rồi thì việc quan hệ thực tế với nhau lại có nhiều trục trặc. Lỗi này đều do cả từ hai phía. Nếu chế độ Diệm tỏ ra rất nhạy cảm đối với các đặc quyền của mình và rất khó giao tiếp với người vừa là đồng minh lại vừa là người bảo trợ của họ thì về phía người Mỹ, rất nhiều người lại không có đủ đức tính kiên nhẫn để giải quyết và điều hành các vấn đề của Việt Nam. Hơn thế nữa, người Mỹ chúng tôi, một cách hoàn toàn thiếu khiêm tốn, lại ra sức khoe khoang rằng mình mà giải quyết công việc thì bao giờ cũng rất chính xác tựa một bác sĩ cầm dao mổ và những biện pháp mà mình đưa thì bao giờ cũng tối ưu.
___________________________________
1. Tên gọi sáu bang phía Tây Hoa Kỳ, nguyên trước là những thuộc địa của Anh thành lập ở thế kỷ 17: Maine, New Hampshire, Vermont, Massachusetts, Rhode Island, Connecticut (N.D).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2009, 04:41:35 pm »


Lúc Kennedy mới lên cầm quyền, một sự kiện đã diễn ra ở Nam Việt Nam mà hầu như không mấy ai nhận thấy: Diệm tổ chức bầu cử và giành thắng lợi ngày 9 tháng Tư năm 1961 với một nhiệm kỳ năm năm. Đương nhiên kết quả này đã được xếp đặt trước. Các viên chức phụ trách bầu cử thừa biết rằng ở tất cả các khu vực bầu, những người chịu trách nhiệm chắc chắn sẽ không tiếc công sức để bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với một tổng thống mà tới đây ông ta sẽ nắm vận mệnh của họ.

Nhưng nhìn chung, các thủ tục bầu đều được tôn trọng. Có hai liên danh đứng ra đối lập với Diệm. Một là do Nguyễn Đình Quát đứng đầu. Quát nêu ra việc đình chỉ chiến sự với cộng sản và tiến hành tổng tuyển cử để thống nhất nước nhà. Liên danh thứ hai là của Hồ Nhựt Tân, một chính trị gia theo chủ nghĩa truyền thống. Noi gương Quát, Tân công kích những phương pháp độc tài và chính quyền gia đình trị của Diệm, đòi tự do ngôn luận và báo chí, phóng thích tù chính trị và chấm dứt nạn tham nhũng. Ứng cử viên thứ ba là Trương Đình Dzu, cựu chủ tịch câu lạc bộ Rotary Đông Nam Á, người có khả năng sẽ hốt được nhiều phiếu. Nhưng bị chính quyền Diệm buộc tội là tham ô công quỹ, Dzu đã phải rút khỏi cuộc đua. Thực tế Diệm chỉ giành được nửa số phiếu ở Sài Gòn cho nên ông ta chỉ đạt được tỷ lệ tám mươi chín phần trăm số phiếu trên toàn miền.

Vào lúc cuộc tiến công của cộng sản đang lan rộng ở nông thôn và chính quyền Kennedy quyết định Việt Nam là chiến trường mà ở đấy đã diễn ra cuộc đối đầu giữa chống nổi dạy của Mỹ và nổi dậy của cộng sản thì một nhân vật Mỹ thứ ba nhảy vào cuộc: đó là giới thông tin đại chúng. Trong xã hội Mỹ, báo chí tự do và người kế thừa trong thời kỳ mới của nó là vô tuyến truyền hình đã đóng vai trò của một thứ “nhà nước”, một người quan sát độc lập với mọi quyền lực của chính quyền và nó sẽ cung cấp cho nhân dân, người chủ tối cao, những lời bình luận, chỉ trích đối với cách mà những người được dân bầu đã phục vụ - hay không phục vụ họ ra sao. Để thu hút được sự chú ý của công chúng, cuộc cạnh tranh trong nội bộ giới thông tin đại chúng diễn ra thật dữ dội, chẳng những giữa các báo với nhau mà còn giữa các chuyên gia của thông tin với chuyên gia của giải trí. Trong chừng mực mà khả năng chú ý của công chúng không lớn thì báo chí phải tìm cách để kích thích sự chú ý đó lên. Thế là từ đó họ đua nhau tung ra những lời bình luận, tô đậm màu sắc và tăng thêm tính phê phán cho nó và làm nổi bật lên những sự kiện liên quan đến những cuộc xung đột hay những thất bại. Trong thời kỳ Việt Nam còn yên tĩnh, giữa 1950 và 1960, báo chí Mỹ không mấy quan tâm đến những chương trình hiện đại hoá kinh tế và xã hội do Diệm đưa ra (trừ một phóng viên rất hăng hái mà từ lâu tôi đã quên tên, năm 1959 có đến Việt Nam và đã có bài chỉ trích chương trình viện trợ Mỹ và cuộc sống quá ung dung đầy đủ của các quan chức chúng tôi). Nhưng từ khi chiến tranh bắt đầu trở nên dữ dội ở nông thôn và sự căng thẳng tăng lên trong các giới chính trị ở Sài Gòn, thì các phóng viên ở Tokyo và Hồng Kông năng đến Việt Nam nhiều hơn và số người ở hẳn lại cũng tăng lên.

Đối với các phóng viên và các thường dân Mỹ, hoàn toàn đương nhiên là họ tiếp xúc với giới quan chức và các thành viên của giới tinh hoa trí thức và chính trị của Sài Gòn, bởi những người này rất sành tiếng Anh và Pháp.

Thảng hoặc cũng có người đi về nông thôn và những cuộc chuyện trò, phỏng vấn của họ đối với nông dân hay công nhân, do thiếu cái vốn văn hoá và ngôn ngữ, nên không thiếu gì những chỗ dịch lầm dịch sai. Quan tâm nghề nghiệp của họ là bới móc những sơ hở, những khiếm khuyết trong các lời phát biểu của chính quyền Sài Gòn và sứ quán Mỹ khi những người này tô điểm cho chế độ và tình hình Nam Việt Nam, nào là tiến bộ, là yên tĩnh, là mọi người ai cũng hài lòng. Cộng sản thì do hoạt động bí mật nên họ không có điều kiện tiếp xúc, vì vậy mũi nhọn của họ là chĩa vào chính quyền Sài Gòn và sự giúp đỡ của Mỹ. Thất bại của những người này đúng theo truyền thống ưu việt của báo chí tự do Mỹ, quả là những đề tài hấp dẫn cho các bài báo tuyệt vời của họ. Thực ra trong những năm chiến tranh, “được” cử đến Sài Gòn không hẳn là một thứ lộc đối với những phóng viên cho rằng tuy có những bất tiện về vật chất, nhưng cái lời về nghề nghiệp sẽ bù lại cho nhiều hơn. Vì phần lớn những phóng viên được cử sang Việt Nam là các phóng viên trẻ đang muốn nổi lên trong sự nghiệp, nên họ có khuynh hướng là muốn gửi về những bài hay ảnh có khả năng được đưa lên trang nhất hay được phát trong buổi tin giờ chót. Còn ở bên này đại dương thì các nhà biên tập, tinh thông nghề nghiệp và có tuổi hơn, lại không phải bao giờ cũng có điều kiện để chọn lọc kỹ càng các bài vở nhận được để có thể đưa ra một hình ảnh đúng mức hơn trong một tổng thể các sự kiện.

Chắc các nhà báo cũng không cố tình tìm cách cung cấp cho dư luận Hoa Kỳ một cái nhìn nhầm lẫn về Việt Nam và việc có một cái nhìn đúng đắn về tình hình và về những nền văn hoá xa xôi ở nước ngoài quả cũng là một vấn đề phức tạp. Trước một bài báo kể có một người đã cắn một con chó trong một làng nào đó ở Mỹ, chắc hẳn mọi người Mỹ ai cũng thấy đó là một chuyện cực kỳ đặc biệt, thế nhưng nếu bài báo kể có một con chó đã cắn người thì hiển nhiên nó chẳng có chút giá trị báo chí nào hết. Ngược lại, nếu những sự kiện trên xảy ra ở một đất nước xa xôi thì đối với người Mỹ, do không có một sự hiểu biết nào về đất nước ấy để bấu víu, thì họ sẽ không có cách nào để suy xét xem cái sự kiện đó là bình thường hay đặc biệt. Thậm chí một sự kiện ở nước này có thể được coi là một chuyện rất bình thường ở một nước có nền văn hoá khác. Những cảm nhận lẫn lộn ấy có thể có một ý nghĩa quyết định: xem báo, người đọc Mỹ và những đại biểu họ bầu ra cuối cùng sẽ phải đi đến chỗ hoặc chấp nhận, hoặc gạt bỏ một chính sách mà chính phủ chúng tôi đang thực hiện đối với một nước nào đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2009, 04:42:03 pm »


Chui đầu vào cái mớ bòng bong những thông tin tự do chỉ tổ càng làm cho mọi việc xấu đi. Tuy nhiên vấn đề cần phải được nhìn nhận và giải quyết một cách hết sức cảnh giác và thận trọng, làm thế nào để tình hình phải được phản ánh bởi những người chịu trách nhiệm, những chính phủ có liên quan và những nhà báo nghiêm túc. Quá trình này đã phải làm mất nhiều năm ở Việt Nam và những nhận thức sai lầm đã đóng một vai trò đáng kể trong thái độ chính sách và hành động của Mỹ trong suốt cuộc chiến tranh.

Ở Việt Nam, ảnh hưởng của quá khứ đối với hiện tại, sự tương phản giữa hai nền văn hoá, cuộc đối đầu giữa lòng tự hào dân tộc, những chia rẽ đang tác động đối với hai xã hội Mỹ và Việt Nam, sự bất đồng về phương pháp tiến hành giữa các nhà lãnh đạo hai nước, sự lo ngại ngày càng rõ rệt trong giới cao cấp Hoa Kỳ, sự gia tăng của những dính líu quân sự Mỹ (kể cả những chiếc trực thăng đưa vào năm 1962) rồi con mắt của toàn thế giới bắt đầu chú ý vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương, tất cả đã góp phần, trong thời kỳ 1961 và 1962, vào việc làm nóng lên bầu không khí căng thẳng ở Sài Gòn và kết hợp cùng lúc đó là sự đe doạ của cộng sản ở nông thôn. Việt Nam trở thành đối tượng của những cái tít lớn chạy dài trên báo chí Mỹ. Sự quan tâm của công chúng càng làm tăng thêm những sức ép vốn đã tồn tại trong các bộ phận và các lực lượng có dính líu vào chiến tranh. Về phía Mỹ, cái hố ngăn cách mở rộng giữa một bên là những người nghĩ rằng chỉ cần tăng cường sự can thiệp quân sự và bán quân sự ở nông thôn là đủ để giải quyết vấn đề, và một bên thì cho rằng mọi nỗ lực của Mỹ đều uổng công, chừng nào mà Diệm còn không chịu sửa đổi chế độ độc tài của mình để tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng và cho phe đối lập tham gia vào nỗ lực chung.

Vào thời kỳ này, tôi phụ trách cơ quan C.I.A. toàn Việt Nam và cơ quan đã được mở rộng thêm để có thể điều hành được các chương trình mà chúng tôi đã bắt đầu làm. Các thôn xóm và ấp chiến lược chúng tôi đã xây dựng thí điểm, như Buôn Ênao và các cộng đồng do linh mục điều khiển ở đồng bằng Cửu Long cũng được đưa vào chương trình chung của ấp chiến lược. Hiểu được sự cần thiết của ấp chiến lược, đại sứ Nolting đã chấp thuận chiến lược đó. Ông bắt buộc các quan chức Mỹ phải ủng hộ đầy đủ chương trình của Nhu, mặc dù những người này vẫn ngấm ngầm chỉ trích Nhu. Phái bộ A.I.D. lập ra một ban riêng để thực hiện chương trình, cung cấp cho nó dây thép gai và các phượng tiện cần thiết khác. Lãnh đạo ban là Recys, một thành viên đắc lực của A.I.D. Phillips nắm rất vững mục tiêu chính trị của chương trình. Tuy nhiên ông lo ngại chương trình đã bị quá tải. Nhu đòi hỏi phải làm nhanh còn chính quyền cấp dưới thì chỉ lo tìm cách thống kê thành tích sao cho vừa lòng Nhu hơn là mạnh dạn nói lên sự thật. Thế mà chắc chắn việc làm cho các ấp có được một khả năng tự vệ thực sự còn quan trọng hơn là báo cáo về Dinh những tiến bộ trong tổ chức cũng như cung cấp phương tiện và vật liệu.

M.A.A.G (Phái đoàn viện trợ và cố vấn quân sự) nhận được từ chính quyền Kennedy bảo đảm tăng cường viện trợ cho Nam Việt Nam. Tháng Hai năm 1962, nó được nâng lên thành M.A.C.V (Bộ chỉ huy viện trợ quân sự ở Việt Nam) một tướng bốn sao chỉ huy, tướng Paul D.Harkins. M.A.C.V. không phải là không báo cáo trực tiếp với Washington nhưng vẫn phải qua Bộ chỉ huy Thái Bình Dương ở Honolulu. Đó vẫn là áp đặt một cách ngu xuẩn một nấc trung gian nữa giữa hành động ở Việt Nam với chính sách của Washington. Nhưng bởi trong chiến tranh thế giới thứ hai và chiến tranh Triều Tiên người ta đã làm thế, thì bây giờ Việt Nam, người ta cũng cứ vẫn thế mà làm. Vả lại Harkins không phải là một tay trường phái cũ do đích thân tướng Maxwell Taylor chỉ định để điều hành các chương trình ở Việt Nam. Trong ý thức của ông, ông có nhiệm vụ là giúp quân đội Nam Việt Nam tăng cường sức mạnh của mình để đương đầu với kẻ thù cộng sản, trong khi vẫn trung thành với truyền thống cổ truyền của quân đội Mỹ là đứng ngoài chính trị, đặc biệt là chính trị ở Việt Nam. Ông không mấy có cảm tình với giới dân sự Mỹ, những người hay bới móc những yếu kém của Diệm mà cảm tình của ông lại có vẻ nghiêng về phía Diệm. Chừng nào còn ở Việt Nam, Harkins vẫn còn giữ một đường dây liên lạc “quân sự” riêng với Taylor, đến nỗi mà chính phủ Mỹ không phải lúc nào cũng nói cùng một giọng và nó thường phát ra những thông điệp trái ngược nhau.

Bất chấp những khiếm khuyết về cơ cấu tổ chức, bộ chỉ huy quân sự mới và đại sứ mới mong muốn tạo ra một bước xuất phát mới cho những quan hệ giữa giới quân sự và dân sự Mỹ và kết thúc những căng thẳng đã có trong quan hệ giữa “Sam, người treo cổ” (tướng Williams) và người kế tiếp ông ta. Từ đó, những buổi họp của nhóm đầu ngành trở thành những buổi họp dễ chịu mà trong đó có tất cả mọi người đều cố gắng tham gia vào nỗ lực chung.

Cá nhân tôi, để đóng góp vào nỗ lực chung, tôi vẫn đều đặn gặp Nhu và cố gắng diễn đạt những quan điểm của Nhu về chương trình “ấp chiến lược” bằng những từ ngữ dễ hiểu, để thuận tiện cho công việc của những người Mỹ có trách nhiệm giúp đỡ Nhu. Tuy nhiên điều đó cũng không ngăn cản Nhu khi ông thường xuyên tuyên bố công khai rằng việc thực hiện chương trình đó phải là do nhân dân tự tiến hành chứ không phải là trông cậy vào sự chỉ đạo và giúp đỡ của chính phủ. Tôi cũng tìm kiếm vài chương trình khác mà chúng tôi có thể tham gia để giúp đỡ cho nỗ lực chiến tranh. Chúng tôi tiến hành lập một tổ chức tình báo trung ương để tập họp các tổ chức tình báo khác nhau của Việt Nam. Mục tiêu của nó là cung cấp cho chính phủ một hiểu biết đúng đắn hơn về tình hình nông thôn và giúp họ nhận thức được rõ hơn về bộ máy chính trị mà cộng sản đã lập ra ở nông thôn. Đặc biệt, điểm sau cùng đòi hỏi người ta phải thẩm vấn một cách thật kỹ lưỡng và khôn khéo những tù binh hay những cộng sản đầu hàng đầu thú. Người ta cũng bổ sung vào chương trình “Thám báo miền núi” - một chương trình do Tôn Thất Đính, một tướng tuy tính tình đồng bóng, thất thường nhưng rất có tài, gợi ý - một hai huấn luyện, vũ khí và khí tài thông tin. Những đội thám báo miền núi này của tướng Đính có thể thâm nhập và len lỏi dọc trên biên giới Việt Lào để thu thập tin tức về việc xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh cũng như những hoạt động vận tải của cộng sản ở đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2009, 04:42:27 pm »


Đối với Bắc Việt chúng tôi cho đào tạo những người lái bay đêm do các phi công có kinh nghiệm của Đài Loan huấn luyện. Có một, hai lần, ngồi sau người học lái trong một chuyến bay tập, khi thấy họ bay sát mặt đất quá tôi tự hỏi không biết họ có bay đúng như độ cao tối thiểu ghi trên kế hoạch bay tập không? Một lần khác, đại tá chỉ huy không quân vận tải Nguyễn Cao Kỳ mời tôi đi cùng ông trong một chuyến bay thấp. Chỗ ngồi quan sát của tôi ở cửa phía sau, vị trí mà nhiều năm trước đây trong Đại chiến thế giới thứ hai tôi vẫn thường ngồi trong những chuyến bay thả dù những khẩu pháo rời cho quân kháng chiến. Một cách cố tình, Kỳ đã bay sát mặt sóng đến nỗi khi đậu xuống căn cứ, tôi đã nói với ông ta là lần sau tôi sẽ mang thêm... cần câu cá.

Tuy nhiên cũng phải nói rằng không phải chuyến bay nào cũng thành công. Một dịp khác, tôi rủ William Trueheart, phụ tá của đại sứ Nolting đi cùng tôi trong một chuyến công cán dài ngày để chỉ cho ông ta những công việc mà cơ quan C.I.A. đã làm được. Chúng tôi thăm nhiều làng được C.I.A. vũ trang và huấn luyện và thăm những lực lượng đặc biệt Mỹ được sử dụng cho chương trình. Chúng tôi cũng thăm số làng giáo dân do các linh mục chăn dắt, một trại huấn luyện về đổ bộ và hoạt động đường biển, và cuối cùng là căn cứ lớn ở ngoài Đà Nẵng để chuẩn bị cho lực lượng áo đen của Cẩn trong công tác phát triển phòng thủ và xây dựng chính quyền ở nông thôn miền Trung.

Một sự cố nghiêm trọng duy nhất đã xảy ra ở Sài Gòn làm náo động cả bầu không khí phấn khởi đang bao trùm những thành tựu của chúng tôi. Một buổi sáng tháng Hai, trong khi đang chuẩn bị đến cơ quan, thì tôi bỗng nghe thấy tiếp theo tiếng gầm rít của máy bay ngay trên đầu là một tiếng nổ inh tai ở phía dinh bên kia đường. Chạy ngay ra cửa sổ, tôi trông thấy một chiếc máy bay khác đang lao tới rất thấp. Nhìn thấy thiết bị phóng rốc két của nó, tôi vội quay vào trong nhà và kêu mọi người hãy vào nấp dưới gầm cầu thang, thì đúng lúc đó tiếng rốc két phát nổ trong đám cây trước nhà. Đến vòng lượn thứ hai thì máy bay ném xuống khu vườn của dinh bom napan và bom phá, khiến các cửa sổ nhà tôi và vôi vữa văng ra tung toé. Tôi nhận thấy mé nhà có phòng làm việc của Nhu bị trúng bom và sau đó tôi được biết tiếp cả tổng thống và gia đình Nhu đều bình an vô sự, trừ một trong hai người bảo mẫu cho con của Nhu bị chết. Sau khi oanh kích xong hai chiếc máy bay trốn sang Campuchia. Người lái là hai phi công chiến đấu. Giống như những người lính dù làm đảo chính năm 1960 họ nghĩ rằng họ có thể tham gia vào nỗ lực chiến tranh bằng cách trừ khử Diệm, Nhu. Sự cố sau đó được nhanh chóng quên đi và chính phủ lại tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động của mình ở nông thôn.

Đến mùa xuân, chỉ huy ở Washington đồng thời là người bạn tuyệt vời của tôi, Desmond Fitzgerald, lúc đó phụ trách phân cục C.I.A. ở Viễn Đông, báo cho tôi biết là tôi phải về phụ tá cho ông. Tôi hiểu đó là một vinh dự lớn, việc điều động này báo hiệu triển vọng thăng tiến trên con đường công danh của tôi, song tôi vẫn đề nghị cục hãy hoãn sự cất nhắc này cho tôi trong một năm nữa. Tôi có cảm tưởng rõ rệt là trong cuộc chiến đấu chống cộng sản cuối cùng thì chính quyền Diệm và Mỹ đã nắm được quyền chủ động, và rồi đây, họ sẽ còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thành đến nơi đến chốn những chương trình mà chúng tôi đã khởi sự làm. Vì đã từng làm việc nhiều với họ, quen biết họ nên tôi thấy tốt hơn là tôi nên ở lại để bảo đảm cho công việc được tiến hành trôi chảy hơn. Desmond trả lời còn nhiều việc khác đang cần đến tôi nên ông không đồng ý. Tôi đành chịu thua. Tháng Năm, tôi bàn giao công việc cho người kế nhiệm và trở về Mỹ, làm một chuyến đi thú vị qua Ấn Độ, Jérusalem và các hòn đảo Hy Lạp.

John Richardson, người thay tôi, rất giàu kinh nghiệm về Châu Á. Tôi chẳng những hết lòng giới thiệu ông với các cộng sự và các đối tác, mà còn giúp ông hoà nhập với các ý tưởng mà chúng tôi đã bảo vệ trong ba năm qua. Tôi cảm thấy dễ chịu khi thấy ông thực lòng chấp nhận và sẵn sàng quyết tâm áp dụng nó.

Điểm lại tình hình một lần chót trước khi đi, tôi tự hỏi ai là người có thể thay thế Diệm trong trường hợp ông ta có thể gặp rủi ro, chẳng hạn như tổng thống Philippines Magsaysay, đã đâm phải núi trong thời tiết xấu (tức là gặp sương mù phải hạ cánh xuống gần Huế) hoặc nếu ông ta bị ám sát. Nhu chắc sẽ thử vận may, nhưng theo ý tôi, cái vẻ mưu mô thâm hiểm của ông cũng như đơn giản chỉ một việc là ông rất bị giới quân sự và đa số giới tinh hoa trí thức thù ghét (những người mà ông khinh miệt một cách không hề giấu giếm) đã khiến ông trở thành một ứng cử viên rất yếu thế. Còn trong giới tướng lĩnh? Thì nổi trội nhất trước con mắt mọi người là tướng “Minh lớn”. Trong hệ thống cấp bậc ông là người đứng đầu, mặc dù Diệm vì chẳng tin tưởng cũng như tôn trọng ông, đã đặt một đồng nghiệp khác của ông lên làm Tổng tư lệnh quân đội. Cho nên dù ông có ưu thế về cấp bậc và là một ứng cử viên thoạt đầu người ta có thể nghĩ đến, nhưng tôi đã gạt ông ngay bởi vì cá nhân ông, ông tỏ ra không có khả năng nắm giữ và điều hành chính quyền. Trong số các tướng còn lại, tôi thấy không một ai có vẻ hiểu được tính chất của cuộc chiến tranh du kích và hơn nữa, phần lớn số họ đều là những người ít nhiều đã có những điều tiếng không hay hoặc những vụ bê bối, khiến họ không có đủ khả năng cũng như uy tín để đảm đương nhiệm vụ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2009, 04:42:56 pm »


Tôi nêu ra đây một trường hợp ngoại lệ: đó là tướng Nguyễn Khánh, người trong cuộc tấn công của quân dù đêm đảo chính tháng Mười một năm 1960, đã dũng cảm quyết tâm leo qua tường Dinh để đến cứu Tổng thống, trong khi số tướng tá khác thì ngồi im chờ đợi xem gió xoay chiều thế nào. Tôi quen biết Khánh khá nhiều, đủ để thỉnh thoảng trao đổi với nhau mấy lời đùa cợt theo kiểu lính dù. Khánh đã kể với tôi lúc còn là một sĩ quan trẻ, ông đã theo học một lớp nhảy dù ở trại huấn luyện Pau ở Tây Nam nước Pháp. Tôi biết Khánh như một con lươn, ông ta đã khéo léo đi lại trong “Bộ Tham mưu” Diệm - Nhu, nơi công việc gì cũng thọc tay vào. Hơn nữa, ông ta hiểu sự cần thiết phải chống cộng sản bằng cách vừa áp dụng phương pháp hoàn toàn quân sự, lại vừa áp dụng cả phương pháp không theo một quy ước nào. Điều đó ông đã thuyết phục được tôi trong một chuyến đi, đúng vào lúc tôi sắp sửa về nước, khi chúng tôi dừng chân lại ở một đồn hẻo lánh nằm trong thung lũng A Sầu, giáp biên giới Việt Lào, nơi về sau này sẽ xảy ra nhiều trận kịch chiến. Ông có sự dũng cảm cần thiết, cả về tinh thần và thể chất, cũng như những kinh nghiệm tích luỹ được trong thời kỳ ở Dinh về việc phải đương đầu với những vấn đề khó khăn hoặc khi phải chịu những sức ép. Theo tôi, ông ta có vẻ như đủ kiên quyết và tham vọng để cai quản đất nước và áp đặt quyền lực của mình đối với các đồng sự trong quân ngũ.

Như tôi mô tả lúc đó, tất cả những điều nói trên đương nhiên mới chỉ là những giả thuyết, chứ không phải là một lời tiên đoán liên quan đến những sự kiện sau này sẽ xảy ra.

Trở về Washington, cách nhìn của tôi đã thay đổi. Đây không còn chỉ là những chương trình do C.I.A. tiến hành ở Việt Nam, mà nó là một danh sách mở rộng bao gồm cả đường lối chính sách, các quan hệ với quốc hội và những cuộc thương thảo giữa nhiều cơ quan khác nhau. Tôi và gia đình, đến ở trong một ngoại ô dễ chịu của Washington. Các con tôi đến học ở những trường gần đấy và chúng tỏ ra sung sướng khi được trở về Mỹ.

Nhờ công việc mới, tôi lại có mặt cùng với các “diễn viên” chính trong tấn bi kịch của nước Mỹ. Phần lớn trong số họ tôi đã gặp, đã biết trong những cuộc họp ít hay nhiều quan trọng, nhưng việc Desmond Fitzgérald ra đi vào tháng Một năm 1963 và tôi thay ông ta phụ trách phân cục Viễn Đông, cùng với sức mạnh của các sự kiện, đã đẩy tôi lên đứng cùng họ ở phía trước sân khấu.

Người tôi tiếp xúc thường xuyên nhất hiển nhiên là “xếp” của tôi, Giám đốc C.I.A. Mc Cone. Trong chiến tranh Mc Cone đã làm giàu bằng nghề đóng tàu và ông vẫn giữ được toàn bộ nghị lực và tính bền bỉ dẻo dai, những đức tính giúp ông làm nên sự nghiệp. Ông là đảng viên cộng hoà, cựu thứ trưởng không quân và thành viên ủy ban năng lượng hạt nhân dưới thời Eisenhower. Khi Kennedy lên, muốn thay Allen Dulles ở vị trí giám đốc C.I.A., ông đã chọn Mc Cone. Lựa chọn một đảng viên hàng đầu của Đảng cộng hoà, Kennedy có dụng ý muốn chứng tỏ rằng vị trí này là độc lập với mọi đảng phái và hơn nữa, ông cũng muốn phòng ngừa đối với những vấn đề có thể xảy ra với C.I.A.

Mc Cone rất hiếm có điểm yếu - trừ niềm say mê đối với chiếc xe Cadillac dài được cấp theo tiêu chuẩn giám đốc C.I.A. - còn trong công việc thì ông ta điều khiển cơ quan với sự hiệu quả của một ông chủ công ty. Một trong những phương pháp nghiêm ngặt của ông là cứ đến chiều, ông lại đặt ra với các cộng sự một lô những câu hỏi riêng biệt về khả năng tiến triển của các vấn đề về quốc tế. Đúng 8 giờ sáng hôm sau, mọi người phải mang đến những câu trả lời để ông có thể chấp nhận sự thách thức ấy và không thấy ai trong họ có ý kêu ca gì về những giờ họ phải làm thuê. Nhờ phương pháp ấy, họ cảm thấy họ thực sự đóng một vai trò nào đấy trong việc hoạch định ra một chính sách. Chiến công của ông là - đương lúc ông đi hưởng tuần trăng mật ở miền Nam nước Pháp - ông đã kiên quyết xin cho máy bay U.2 đi trinh sát trên vùng trời Cuba vì lúc đó, nếu tin vào Ủy ban đánh giá quốc gia (Board of National Estimates) thì người ta sẽ tin rằng Liên Xô không bao giờ bố trí tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ở ngoài đất nước Xô Viết của họ, và họ sẽ không bao giờ làm thế. Cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba sau này xảy ra là một trong những giờ phút huy hoàng của C.I.A.

Mc Cone điều khiển cơ quan với một bàn tay hết sức kiên quyết, nhưng ông cũng vẫn sẵn sàng bỏ một ý kiến - ví dụ như gửi quân Đài Loan sang Việt Nam nếu như ý kiến đó không đứng vững trước sự phân tích của các chuyên gia. Ông mạnh dạn giao việc điều hành cơ quan cho cấp dưới nhưng đòi hỏi họ phải điều hành nó một cách tốt nhất. Một hôm, tôi đưa ra với ông ý kiến là nên có một chính sách luân phiên để những khó khăn nguy hiểm của một số nhiệm vụ, đặc biệt như ở Việt Nam, có thể được phân chia đều cho các nhân viên. Mc Cone nhìn tôi với ánh mắt sắt thép của ông và nói: “Ông Colby, Việt Nam là vấn đề khó khăn nhất và quan trọng nhất mà tổng thống phải đương đầu hiện nay. Ông hãy gửi đến đấy những người ưu tú nhất và họ sẽ ở lại đấy. Tôi không muốn nghe ai nói đến việc luân phiên một lần nữa”.

Mc Cone thường lấy tôi làm phụ tá khi đến làm việc ở Nhà Trắng và dự một số cuộc họp khác đối với những vấn đề Đông Dương, và điều đó lại càng thường xuyên hơn khi quan hệ giữa Mỹ và Diệm ngày càng trở nên căng thẳng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2009, 04:43:20 pm »


Với tư cách là Phó giám đốc C.I.A. phụ trách về kế hoạch (đây là một cách nói khác để che giấu vai trò chỉ đạo các chương trình), Dick Helms về chuyên môn là người phụ trách trực tiếp của tôi trong thời kỳ đó. Cho nên với ý thức tôn trọng hệ thống cấp bậc, mọi hoạt động của tôi đều báo cáo với ông ta. Nhưng Mc Cone lại ưa thích trao đổi trực tiếp với tôi. Song do Helms tỏ ra thông cảm nên giữa ông và tôi không có gì xảy ra. Vả lại, Helms ưa thích lĩnh vực của những hoạt động có tính chất chuyên môn tình báo - như điệp báo và phản gián, cho nên ông sẵn sàng dành những hoạt động về Việt Nam cho tôi. Chúng tôi rất ăn ý với nhau và không lúc nào Helms không ủng hộ những gì mà tôi thử làm để thúc đẩy những chương trình nông thôn ở Việt Nam.

Trong thời kỳ này, những cố gắng lớn lao mà bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara bỏ ra để tìm kiếm một chính sách và để thực hiện cùng lúc nhiều chương trình đã tỏ ra không mấy lạc quan. Trong nhiều cuộc họp, tôi thấy ông bực tức ghi ghi xoá xoá những ghi chép về số lượng vũ khí, số huấn luyện viên và vật chất khí tài cần phải gửi sang Việt Nam, trong khi nhẽ ra cần phải có một độ lùi để xem xét và suy nghĩ về cách làm thế nào để cách đánh của chúng tôi thích ứng với cách đánh của Bắc Việt Nam. Ông thực sự nghĩ rằng những yếu tố khó lường và không thể sờ mó được của chiến tranh vẫn có thể kiểm soát được, với điều kiện là viết được nó thành con số (và tốt nhất là xếp nó thành cột mục) và nhờ đó mà có thể lập ra được những so sánh rõ ràng. Cái phương pháp tổng kết được các ông chủ công ty Mỹ rất say mê mà Kennedy trước đây cũng là một ông chủ thì nó lại chẳng phù hợp chút nào với kiểu chiến tranh nhân dân tức là kiểu chiến tranh theo phương châm: bỏ ra ít nhất, tránh những cuộc đối đầu và nhằm cái khó sờ thấy, một phương châm đã trở thành nét tinh tuý nhất trong chiến lược của Bắc Việt.

Cơn đói con số của Mc Namara dẫn đến một kết quả đương nhiên: Các cấp dưới của ông vội vã cung cấp món hàng ưa thích đó cho ông. Thế rồi hội nghị, hội thảo về thông tin diễn ra liên miên, và theo đúng truyền thống ưu tú của quân sự Hoa Kỳ, trong phòng họp treo la liệt đủ các thứ sơ đồ, biểu đồ và tranh ảnh, trong khi đó thì người ta chỉ dành ra có ít thời giờ để tìm hiểu về những khía cạnh ít sờ mó thấy của cuộc chiến. Sau này người ta xét thấy số lần xuất kích của máy bay và số lượng bom đạn ném xuống đường mòn Hồ Chí Minh đã không đem lại kết quả, và người ta đã không hề chú ý chút nào đến những nỗ lực phi thường của các nhà lãnh đạo và du kích cộng sản trong việc tiếp tục cuộc chiến đấu tới cùng, dù có phải trả bất cứ giá nào. Còn về những đánh giá của C.I.A, mà từ đó người ta có thể hiểu rất rõ rằng Việt cộng ở miền Nam chỉ cần những số lượng vũ khí rất ít ỏi mà họ có thể chuyên chở bằng nhiều cách, cho nên ngay cả khi người ta có thể ngăn chặn được những chuyến xe từ Bắc Việt chạy vào, thì người ta giải quyết được nỗi ám ảnh của Mc Namara cùng các nhà quân sự của ông: đó là tàn phá xứ sở này bằng những cuộc không kích.

Một trong những câu chuyện đáng buồn nhất tôi được nghe từ Stewart Alsop, một người tôi rất có cảm tình và được biết từ thời kỳ tôi hoạt động cho O.S.S. ở Pháp. Trong một lần đến gặp Mc Namara, Desmond Fitzgérald đã phản ứng về những con số cửa ông bộ trưởng bằng cách nhẹ nhàng nói rằng, trong một cuộc chiến tranh, có một yếu tố còn quan trọng hơn nhiều: đó là tinh thần, ý chí. Là một người đã từng chiến đấu bên phía Trung Hoa dân quốc (tức phía Tưởng Giới Thạch - N.D) trong chiến tranh thế giới thứ hai Desmond hiểu rất rõ điều mình nói. Thế nhưng từ đó, Mc Namara đã không một lần nào mời Desmond tham gia ý kiến nữa.

Bộ óc thông minh xuất sắc của Mc Namara đã không giúp gì được cho ông khi ông phải đương đầu với những thực tế phũ phàng của Nam Việt Nam trong thời kỳ hỗn loạn. Ông còn mắc thêm một sai lầm cổ điển nữa trong các cuộc chiến tranh, là dùng phương pháp leo thang từng nấc, trong khi lẽ ra phải giáng một đòn thật mạnh bằng tất cả sức lực của mình. Điều này đã xảy ra trong việc ông chủ trương đưa dần quân Mỹ vào Nam Việt Nam cũng như trong kế hoạch leo thang một cách rất “tinh tế” của ông ra miền Bắc, bằng cách cứ mỗi lần leo thang là ông lại cho nhích ra thêm một độ. Mc Namara cứ ngỡ đối thủ của ông là một kẻ “biết điều”, họ sẽ phải từ bỏ cuộc chiến đấu khi hiểu ra rằng nhưng bước leo thang mào đầu có tính chất báo hiệu này tất yếu sẽ dẫn họ đến một sự huỷ diệt không thể tránh khỏi. Nhưng ông đã nhận được một kết quả trái ngược: Mỹ leo thang chừng nào thì các nhà lãnh đạo Hà Nội lại thích nghi với chừng đó. Sai lầm lớn của chiến lược là Mỹ không hề tính đến quyết tâm ghê gớm của người Bắc Việt trong cuộc chiến đấu chống Pháp trước đây cũng như chống Mỹ hiện nay. Cách duy nhất là phải “ngăn chặn” họ, trong khi Mc Namara và sau này là Kissinger lại nghĩ là có thể “thuyết phục” được họ. Tất nhiên, Mc Namara cuối cùng đã thừa nhận cách nhìn của mình không phải là một cách tốt. Ông xin từ chức, nhưng sai lầm có tính bi kịch này của ông vẫn còn đeo đuổi ông mãi mãi về sau.

Tháng Một năm 1963, khi tôi thay Desmond Fitzgérald phụ trách phân cục C.I.A. Viễn Đông, tuần nào tôi cũng có một cuộc họp theo quy định với Averell Harriman, lúc đó là bộ trưởng Ngoại giao đặc phái về những vấn đề Viễn Đông - Harriman được cử giữ chức này sau khi ông hoàn thành xuất sắc một nhiệm vụ mà trong đó ông đã có dịp thương thuyết với những nhân vật hàng đầu của lịch sử hiện đại, từ các lãnh tụ như Churchill, Staline đến các nguyên thủ quốc gia lớn của phương Tây thời kỳ ở Châu Âu. Ông là người bạn, người ủng hộ và cố vấn của Franklin Roosevelt và Harry Truman và hiện giờ vẫn có những quan hệ như thế với John Kennedy. Ông thích được người ta gọi là “Thống đốc”, bất kể nhiệm vụ của ông nay ra sao, để tôn vinh nhiệm kỳ thống đốc bang New York của ông trong những năm 50. Trong khi vẫn là một đảng viên dân chủ nhiệt tình, nhưng quan tâm chủ yếu của ông lại là cách mà sức mạnh Hoa Kỳ phải được sử dụng như thế nào trên thế giới, và đặc biệt là cách mà Mỹ phải sử dụng nó để chống lại những tham vọng của Xô viết.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM