Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 03:57:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Truyện ngắn - Lê Văn Thảo  (Đọc 18034 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #20 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2009, 10:26:28 pm »

Bà nội tôi (tiếp)

Tôi nói đùa nhưng bà nội tôi làm thật, dạo đó tôi không có dịp về nhà nữa nhưng nghe bà nội tôi lại xây nhà nền đúc, và rồi lại bị tụi Mỹ đánh sập, không phải đám máy bay mà đám bộ binh đến đóng quân ở làng, lấy nhà bà làm trụ sở, sau thua vài trận đâm tức giận đặt bộc phá đánh tan tành nhà bà để trả thù. Một thời gian dài bà nội tôi buồn lòng không cất nhà nữa, chỉ che chòi ở tạm trên nền nhà cũ, nhưng vẫn miệt mài làm ruộng, chuyện đồng áng đối với bà không chỉ là thói quen mà như là một thiên chức, như một món nợ với đất đai cần phải trả. Năm đó bà đã già lắm rồi, đã bắt đầu quên trước quên sau, hay nổi giận vô cớ nhưng chuyện làm ruộng vẫn kỹ càng, chu tất, từ chuyện gieo cấy, bón phân nhổ cỏ, gặt đập đúng răm rắp không phạm một chút sai sót. Tiếng đồn bà nội tôi trở nên giàu có, cũng có tiếng đồn bà ngày càng khắt khe tằn tiện. Chỉ như vậy thôi chớ không có ai nói gì hơn bởi bà nội tôi có giữ gì lại cho riêng mình đâu, cứ cắm cúi làm cho đến lúc người khô cứng lại như cái lõi cây trông không thể nào đoán được tuổi tác. Cả hai cuộc chiến tranh trôi qua bà nội tôi cũng gần như không hay biết, bà nội tôi không quan tâm mấy tới chuyện thời cuộc chính trị, phần do đầu óc quá chất phác, phần mải cắm cúi làm, chuyện giặc giã như chuyện sấm chớp trên đầu. Bà thương yêu những người kháng chiến vì có con cháu bà trong đó, ghét bọn lính ngụy vì chúng xúc lúa của bà, nhưng trên hết, bà tin ở thần thánh, vong linh ông bà tổ tiên, một lòng tin mơ hồ nhưng vững chắc bám rễ từ lâu đời và sẽ còn mãi mãi.

Phía sau nhà bà nội tôi có một con rạch nhỏ, bên kia rạch có một khu đất hoang cây cối mọc rậm rì, có một cây đa lớn và một ngôi miếu cổ. Ngôi miếu thờ vị thần gì không rõ, các chữ viết đã phai mờ, các tượng lớn tượng nhỏ đã sứt sẹo, nhiều bức đổ sụp không còn ra hình thù gì. Cả khu đất chỉ có cây đa là quí, không phải ở cây đa mà ở số chim cò làm tổ trên đó. Chim cò nhiều vô số kể, chiều đi ăn về đậu trắng cả cây vỗ cánh xào xạc kêu inh ỏi, cả làng đều nghe thấy. Thuở nhỏ bọn chúng tôi thường hay qua đó lượm trứng chim. Mỗi khi có cơn giông lớn trứng chim rớt xuống bể nhớt cả một vùng đất chung quanh gốc cây đa, có những trứng không hiểu sao không bể còn hơi ấm của thân chim mẹ, có cả những con chim con mới ra ràng chỉ có vài ba sợi lông mới nhú nhọn hoắt như lông nhím, mắt nhắm tít, miệng cứ há ngoác ra đòi ăn. Chúng tôi lượm những con chim để trong lòng bàn tay hà hơi ấm cho chúng rồi đưa lên kêu : "Bay đi, bay đi!" Nhưng chúng không chịu bay. Chúng tôi đặt chúng trở vào ngôi miếu cổ, còn trứng thì đem về luộc ăn. Về sau này lớn lên có dịp về nhà tôi thường qua khu đất hoang đó ngắm lại cây đa, lúc này không còn chim cò đậu nữa, ngôi miếu gần như sụp đổ hoàn toàn. Tôi cứ đứng đó nhìn, lòng bồi hồi xức động không hiểu vì cớ gì, trong một lúc tôi quên đi tất cả và cũng nhớ lại tất cả.

Bà nội tôi thường hay qua ngôi miếu cổ khấn vái đủ thứ chuyện, làm ruộng mất mùa cũng khấn, mưa nắng thất thường cũng khấn. Má tôi và mấy thím tôi sanh khó cũng khấn, đến thằng em tôi lội sình đạp gai bị mưng mủ bà cũng đốt một bó nhang lớn qua đó khấn rì rầm suốt cả buổi rồi sau đó chính bà kẹp cổ thằng em tôi trong hai ống chân gầy khô dùng miểng chén nặn mủ vết thương, giả lá cây vòi voi đắp lại, lòng đinh ninh chính vong hồn ông bà đã độ cho thằng em tôi tai qua nạn khỏi.

Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #21 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2009, 10:30:27 pm »

Bà nội tôi (tiếp)


Duy chỉ có một lần bọn lính vào xúc lúa bà nội tôi không khấn. Bà đứng nhìn chiếc bồ trống rỗng một lúc rồi đi lục tìm số lúa cất dấu sau vườn đổ xuống ghe chèo đi. Sau nhà bà nội tôi có một con rạch nhỏ chảy xuyên qua làng, qua cánh đồng rồi mất hút vào khu rừng tràm rộng bạt ngàn. Tôi chưa khi nào đi hết con rạch đó. Những năm ấu thơ và tới sau này lớn lên con rạch vẫn là điều bí ẩn đối với tôi. Tôi không biết nó đi qua vùng nào, ngọn nguồn của nó ở đâu mà nó cứ chảy mãi chảy mãi như thế. Hôm đó một mình một ghe bà nội tôi chèo riết, qua hết làng qua hết cánh đồng vào tới khu rừng tràm có rất nhiều những tổ ong mật và đầy những rắn rít. Có một năm khoảng năm tôi lên mười, hồi giặc Tây càn dữ, bà nội tôi xua đám con cháu đi tản cư vào trong đó. Mùa mưa nước con rạch tràn đầy, chiều chỗ đồng trũng nước loang ra thành một chiếc đầm trắng xóa, mấy chiếc xuồng đi thành một hàng dài, mấy chú tôi dùng sào chống phía sau, má tôi và mấy thím tôi bơi phía trước, tụi tôi ngồi chính giữa, bà nội tôi đi chiếc xuồng sau rốt vừa chỉ đường cho mấy chú tôi vừa canh chừng không cho đám chúng tôi vọc nước hoặc hái bông súng. Ký ức tôi còn giữ được một hình ảnh thật kỳ lạ : xuồng đang đi bỗng không thấy con rạch đâu cả, trước mặt là cánh đồng trống chạy dài, mặt đất khô nứt nẻ. Mấy chú tôi ngẩn ra lúng túng nhưng bà nội tôi hô : "Vác xuồng lên đi tiếp đi". Mấy chú tôi từng hai người một khiêng bỗng xuồng lên đi trên cánh đồng khô nứt nẻ, chúng tôi chạy quấn theo sau mặc sức hái bông rau muống đồng, vạch cỏ tìm ổ chim. Một lúc sau lại thấy có rạch, lại thả xuồng xuống đi tiếp nữa. Cuối cùng chúng tôi đến khu rừng tràm hoang vu như không hề có dấu chân người. Bà nội tôi chọn một cụm rừng tràm cây rậm rạp cho xuồng dừng lại, mấy chú tôi chặt cây làm chòi má tôi và mấy thím tôi đóng cọc làm bếp đào lỗ để lấy nước nấu cơm. Chúng tôi ở đó cả tuần lễ, đám trẻ chúng tôi mặc sức chạy giỡn tung tăng trên những bãi cỏ, cuộn dây tơ hồng làm ngựa cưỡi hoặc long dưới rạch giũ rễ lục bình băởt tép bỏ vô miệng nhai. Thỉnh thoảng chúng tôi theo chú tôi ra bìa rừng coi xe tăng Tây bò lổn ngổn ngoài đồng xa hoặc lính Tây nhảy dù xanh đỏ lớp chớp trên nền trời. Nghe kể lần sau này bà nội tôi chèo ghe vào chính khu rừng tràm đó, còn việc bà gặp du kích thế nào, đưa lúa cho họ ra sao, làm sao họ xay giã ăn tôi không biết được. Chỉ biết khi trở về nhà, bà nội tôi lại bị tụi lính đồn kêu lên nữa.
Như mọi lần trước chúng hỏi : "Bà chở cái gì cho du kích đó ?" "Tôi chở lúa", bà nội tôi đáp. "A, vậy là bà nuôi du kích hả ? Bà nuôi chúng để chúng đánh lại tụi tôi hả? Bà theo phe nào, nói đi !". Bà nội tôi đáp : "Tôi không theo phe nào hết. Phe nào không ăn lúa của tôi ?" Đám lính la lên : "A, bà già quá cỡ ta ! Bà là bà nội tụi du kích, bà nội tụi tui, bà ở trên hết thảy hả ?". Bọn lính trả bà nội tôi về và nghĩ kế trả thù. Mấy bữa sau chúng kêu bà lên, lần này có xe hơi rước bóp kèn inh ỏi. Bà được đưa về chợ quận, đích thân tên quận trưởng ra đón rồi nào là chào mời tiệc tùng, nào chụp hình, báo chí phỏng vấn, có cả một ban hát đến góp vui, trong cuộc tiệc chúng gọi bà là người làm ruộng giỏi, một nhà nông học đã đem lại nhiều lúa gạo cho quốc gia. Rồi chúng đưa bà về, cũng đích thân tên quận trưởng đưa ra xe, coi như không có chuyện gì xảy ra cả. Bỗng một hôm có máy bay rải truyền đơn xuống làng có in hình bà nội tôi ngồi ăn tiệc với tên quận trưởng, có bài viết ghi rõ công lao của bà với nhà nước quốc gia, đã nhiều lần hiến lúa cho nhà nước, có giấy tờ đàng hoàng. Đó là nỗi đau trong đời bà nội tôi. Suốt mấy tháng trời bà không dám đi ra ngoài, không dám gặp gỡ ai, đi thăm đồng chỉ đi ban đêm và đám con cháu về không thấy bà mừng rỡ gì cả.

Nhưng nỗi đau rồi cũng qua đi, bà lại cặm cụi làm ruộng, học tập thêm những cách làm mới như chuyển qua trồng lúa thần nông, nuôi cá rô phi, bón phân hóa học, nuôi gà công nghiệp, nuôi heo bằng sữa bột Mỹ, trong nhà lúc nào cũng có sẵn mấy cái máy bơm nước, máy phát điện. Làng hầu như không còn đàn ông nên việc làm ruộng càng khó khăn, bom pháo dập ngày đêm, rồi lại sanh chuyện xe tăng càn trên ruộng lúa nữa.

Không biết bao nhiêu lần ruộng bà nội tôi bị xe tăng càn. Có một lần như thế này : Lúc đó lúa đã chín vàng rồi, chuẩn bị ngày gặt đập thì vừa sáng tinh mơ hôm đó bỗng nghe có tiếng gầm rú ở xa xa rồi một bầy xe tăng xuất hiện ở đầu làng. Dân làng chạy túa ra, bà nội tôi cũng chạy ra nhưng không còn kịp nữa, bầy xe tăng đã nhào xuống ruộng, xích sắt nghiến trên lúa nghe rào rào, thửa ruộng đang mượt mà trĩu bông phút chốc biến thành một bãi bùn đầy sình lẫn với rơm rạ. Một chiếc xe tăng chạy ngang trước mặt bà nội tôi định nhào xuống một thửa nữa. Tức thì bà nội tôi cũng nhào theo đứng cản trước đầu nó. Chiếc xe tăng như phát hiện thấy một trò vui liền chồm tới sát bên bà nội rồi rẽ ngoặt sang một bên. Bà nội tôi lại chạy theo cản trước đầu nó nữa, chiếc xe tăng trửng giỡn với bà nội tôi như mèo vờn chuột cho tới lúc thửa ruộng không còn gì nữa, bà nội tôi bò lóp ngóp trên mặt thửa ruộng bùn sình, thở hổn hển, cuối cùng nằm vắt ngang qua một bờ ruộng và chiếc xe tăng chồm qua một thửa ruộng khác, phụt khói đen sì chỗ bà nội tôi nằm.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #22 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2009, 10:31:13 pm »

Bà nội tôi (tiếp)

Đêm hôm đó một đứa em con chú tôi cùng một toán du kích về tới. Nó kể : bà nội tôi nằm ngoài bờ ruộng tới tối mới gượng đứng dậy đi về nhà, ngồi rũ xuống dưới gốc cây me già, trông bà thảm hại hơn những lần bị xúc lúa, cháy nhà, bị tụi lính đồn rải truyền đơn làm nhục. Nó kêu, cũng như mấy chú tôi trước kia : "Con đói nội ơi !". Bà nội tôi ngồi làm thinh. Nó lại kêu nữa. Bà nội ngước nhìn lên, không một lời, gượng đứng dậy đi xúc gạo nấu cơm. Đêm đó thằng em tôi cùng toán du kích cũng ăn hết chảo cơm lớn với cả cơm cháy.

Thằng em tôi là người cuối cùng trong đám chúng tôi về thăm bà nội tôi. Chiến tranh đã quá ác liệt, đường sá cách trở, ba tôi và mấy chú tôi đã già đi đứng khó khăn, đám chúng tôi giỏi bay nhảy nghĩ việc về thăm bà nội chuyện vãn năm ba câu bâng quơ thật không đáng gì so với công việc chúng tôi đang làm. Vậy rồi ngày tháng qua đi, chúng tôi như quên bà nội tôi, thậm chí có một lần tôi cùng đơn vị có dịp hành quân ngang qua làng bên cạnh, chỉ cách nhà bà nội tôi một cánh đồng, có thể nghe cả tiếng chó sủa bên đó, nhưng tôi nghĩ tới việc tách ra khỏi hàng quân về thăm nhà thật quá phiền toái vậy rồi tôi đi qua luôn, coi như ngoài tôi không ai biết chuyện đó.

Từ trên rừng sâu tôi nghe một chuyện, như đòn cuối cùng đánh vào bà nội tôi, nhưng nỗi đau thương, cơ cực phải theo bà nội tôi cho đến cuối đời. Năm đó bà nội tôi đã già lắm rồi, không còn đi ra đồng nữa, chỉ nằm nhà sai bảo, cắt đặt công việc cho những người làm công. Vậy mà đám lính đồn vẫn kéo tới, chúng vào tận nhà bà nội tôi đưa tờ giấy bắt phải ký vào để giao ruộng cho chúng. Nhà bà nội tôi bao giờ cũng mở rộng cửa, từ trong giường bà nội tôi nhìn ra cánh đồng trước mặt, cánh đồng vừa cày bừa xong, chuẩn bị gieo mạ, mặt ruộng bùn đen nhánh ánh lên dưới ánh nắng mặt trời.

Bà nói :

- Vậy là mấy ông lấy ruộng của tôi hả ? Cũng được thôi, ruộng đất là để cho mọi người làm... Nhưng mấy ông biết làm ruộng không cái đã ?

Đám lính đáp :

- Tụi tui không nói chuyện làm ruộng, tụi tui kêu bà phải ký vô đây giao ruộng cho tụi tui. Chúng tôi không để cho bà làm ruộng nuôi con cái đánh lại chúng tôi.

- Vậy mấy ông bắt tôi ký tên thôi hả ?

- ừ, bà ký đi.

- Nhưng tôi không biết chữ làm sao ký được ?

Nói rồi bà nội tôi nằm quay mặt vô vách, lịm đi, đám lính không có cách gì nói chuyện với bà được nữa. Bà nội tôi nằmliệt giường như vậy cả mấy tháng trời, chỉ uống nước cháo cầm hơi, rồi bỗng một bữa bà ngồi bật dậy đi xấp xải ra đồng la thét chỉ bảo mọi chuyện cho những người làm công như không hề có bịnh tình gì cả. Rồi bà trở vào lại nằm liệt giường, uống nước cháo, không ngồi dậy nữa cho tới ngày giải phóng đám con cháu hội tụ về.

Chừng hơn tháng sau ngày giải phóng, ba má tôi, mấy chú thím tôi cùng đám chúng tôi kéo về đủ mặt. Bà nội tôi nằm đó thoi thóp thở, người mỏng dính dán sát xuống mặt giường. Ba tôi nói vào tai bà nội tôi :

- Tụi con về đây rồi má ơi !

Bà nội tôi không nói được, chỉ gục gặc đầu, hai giọt nước mắt từ từ chảy lăn trên má.

Bà nội tôi mất sau đó không lâu. Đêm hôm đó em gái tôi, đứa cháu bà nội tôi đã đỡ đẻ nó trong một trận càn lớn của giặc Tây. Nó túc trực bên giường bà chợt nghe bà gọi ú ớ gì đó, nó choàng dậy nhưng không nghe được gì, chỉ thấy bà chỉ tay ra ngoài đám ruộng trước cửa vừa mới cày xong, đoán chừng bà chỉ bảo phải làm chuyện gì đó. Rồi bà nhắm mắt, hơi thở cũng nhẹ dần rồi tắt thở. Lúc đó vào rạng sáng ngày 28 tháng sáu năm bảy lăm, tới năm đó bà nội thọ 83 tuổi.

Tôi có kịp về dự lễ tưởng niệm bà nội tôi, thấy bà nằm trong áo quan nét mặt thanh thản, người khô quắt mỏng dính như một chiếc lá khô vừa rơi rụng khỏi cành cây.

Lễ tang bà nội tôi không có nhiều người dự, ai nấy đều bận túi bụi vào những công việc ngày đầu giải phóng. Mộ chôn ban đầu định ở ngoài ruộng, sau lại tính đem về sau vườn, cuối cùng dời qua bên khu đất hoang có ngôi miếu cổ. Ngôi miếu đã sụp đâu mất chỉ còn lại mấy khuôn tường đầy rêu phong. Lúc hạ huyệt chợt nhìn thấy một mảnh tượng nằm lăn lóc bên gốc cây đa tôi muốn khấn một câu gì đó nhưng không biết phải khấn như thế nào.

Đắp xong mộ bà nội tôi, không kịp nhận tang tôi phải trở lên thành phố vì có công việc.

5 - 1989
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #23 vào lúc: 08 Tháng Tám, 2009, 06:27:26 am »

Đi thăm chồng

Trên đường đi kháng chiến tôi thường gặp cảnh những người vợ lặn lội đi thăm chồng, những chị phụ nữ vợ bộ đội nên còn rất trẻ, nhà ở vùng giặc chiếm phải vượt qua bao nhiêu vành đai, đồn bót mới ra được tới vùng giải phóng. Rồi cứ thế tay bồng con, tay xách giỏ, chị đi bất cứ nơi đâu nghe tin có đơn vị chồng ở đó. Nhưng bộ đội chân đi vạn dặm, mặt trận mở ra khắp bốn phương trời chị biết tìm đâu để gặp được chồng ? Chị cứ đi, đi mãi, cho đến lúc đứa con nhuốm bịnh, hoặc bom đạn ác liệt cản đường chị mới quay trở về, lúc đi cũng như lúc về không lúc nào chị tỏ vẻ thất vọng cả, cảnh ấy cứ theo nhịp độ ác liệt của cuộc chiến mỗi lúc một tăng thêm lên.
Mới đây thôi tôi gặp cảnh một chị phụ nữ đi thăm chồng như vậy.
Tôi ngồi trong chiếc quán bên đường. Trời nắng gắt. Cánh đồng trước mặt nông dân đang làm mùa. Trên trời mấy chiếc trực thăng Mỹ đang bay rột rẹt tới lui. Trong quán ngoài tôi và cô chủ quán còn có một bà lão hay luôn miệng rầy rà kể cực kể khổ, và một bác nông dân có tật nói mấy câu đầu nghiêm chỉnh nhưng câu cuối hết sức bông lơn, vui đùa.
Bác nông dân chỉ mấy chiếc trực thăng trên trời nói :
- Nghĩ mình đánh với thằng Mỹ trận này cũng ghê gớm thật ! Nó thì "văn minh kỹ thuật" như vậy, còn mình thì... (Bác ừ à cái gì trong miệng rồi đưa tay chỉ dáng người còm nhom của tôi) như vậy đó - Lại ừ à một lúc nữa rồi bác nghiêm giọng nói tiếp - Cho nên mình không có lòng đoàn kết thương yêu nhau không đánh nổi thằng Mỹ một ngày chớ đừng nói đã đánh mười năm nay -Rồi liếc nhìn chị chủ quán, bác bắt đầu bông lơn - Như chút nữa đây lính Mỹ có bất ngờ đổ quân xuống trước sân kia, chị chủ quán thế nào cũng cầm chổi xông ra đánh chúng để cứu bà con mình.
Chị chủ quán vừa lau dọn bàn ghế vừa kêu lên :
- Thôi thôi, tôi nhát lắm ! Tôi sợ lắm ! Hồi mùa lúa vừa rồi tôi đụng một trận thiếu điều một đứng tim chết. Có hai anh cán bộ đi ngang ghé vào quán uống nước chưa kịp cạn ly liền có đám trực thăng sà xuống đổ quân ngay trước mặt, tôi quính quá chỉ còn biết cách kêu hai anh vô núp trong buồng rồi chạy ra tìm cách cười giỡn với tụi lính Mỹ. Hôm đó tôi nói cười đến mỏi cả miệng, chúng thì nói tiếng Mỹ tôi thì nói tiếng Việt vậy mà tôi cứ nói không hiểu sao tụi lính Mỹ vẫn chịu nghe cả mấy tiếng đồng hồ như vậy cho đến lúc trực thăng lại sà xuống đón chúng đi. Thật hú hồn hú vía !

Bà lão tiếp lời :
- Nhát gan cái gì, nó đánh mình thì mình đánh nó chớ khoanh tay chờ chết hay sao ? Còn như chú Hai này nói sự đoàn kết gì đó tôi không biết chú nói chữ nghĩa chi cho rườm rà vậy. Tôi chỉ biết nói thế này : mình cùng cực khổ sống chết với nhau đã nhiều, người dưng nước lã cũng biến thành cật ruột như người đi cùng thuyền giờ chỉ còn biết sống chết với nhau nữa thôi - Câu cuối cùng bà nói với giọng nạt nộ, rồi sẵn đó bà nạt luôn tôi - Còn thằng bộ đội này mày đi đâu giữa ban ngày ban mặt như vầy ? Muốn giỡn mặt với thằng Mỹ hả ? Có công tác gấp cũng phải đi ban đêm con à, tụi bây có bề gì...

Bà còn định than vãn rầy rà thêm nữa bỗng chị chủ quán che tay nhìn ra ngoài rồi kêu lên :
- Ôi có cô nào đi thất thơ kìa ! Lại còn bồng con nhỏ nữa. Tội nghiệp quá !
Bà lão cũng nhìn ra được dịp rầy rà :
- Sao cứ đi tìm chuyện cực chuyện khổ hoài vậy không biết !
Chị chủ quán kêu :
- Vô đây nghỉ uống ly nước đi cô Hai ơi !

Một chị phụ nữ còn trẻ bận bộ đồ bà ba đen khăn trùm mặt kín mít vai đeo túi xách tay bồng con nhỏ tay xách chiếc lồng gà lớn bước vào quán. Chị chủ quán đon đả kéo ghế mời. Vẫn xách chiếc lồng gà lúng túng một lúc chị tìm chỗ đặt nó xuống, chiếc lồng gà quá cỡ chạo rạo một con gà mẹ và một bầy gà con. Rồi chị ngồi xuống ghế tháo chiếc khăn lau mặt để lộ khuôn mặt còn trẻ đến nỗi nếu không có đứa nhỏ bồng trên tay tưởng chị còn con gái. Nhưng bộ đồ bà ba đen chị bận thì lầm bụi, coi dầu dãi, nhiều chỗ bị rách được vá lại sơ sài, chị mệt mỏi mỉm cười chào mọi người rồi lặng lẽ đưa mắt nhìn ra ngoài đồng, như muốn tìm kiếm cái gì.
Chị chủ quán bưng đến cho chị một ly nước chanh, giành bồng lấy đứa nhỏ :
- Uống miếng nước cho khỏe đi cô Hai ! Đưa đứa nhỏ đây ! Ôi cháu tôi dễ thương quá ! Nó còn cười nữa kìa, nó cười kìa cô bác ơi !
Bà lão rầy rà :
- Cười cái gì, mặt mày nó đỏ lơ đỏ lửng kia kìa ! Sao mà cực khổ quá vậy hả cháu ?
Bác nông dân thì đoán già đoán non :
- Coi mặt thằng nhỏ này tôi đoán ba nó là bộ đội, phải vậy không cô Hai ?
Chị chủ quán kéo ghế ngồi sát vào chị phụ nữ :
- Phải vậy không cô Hai, có phải "ông thầy bói" kia đoán đúng không ?
Chị phụ nữ đáp nhẹ như hơi thở :
- Dạ phải !
Với sự nhạy cảm của người phụ nữ chị chủ quán như đoán ra điều gì đó, khẽ thở dài. Chúng tôi cũng không nói gì. Hồi lâu chị chủ quán hạ thấp giọng hỏi tiếp :
- Bây giờ cô Hai đi đâu vậy ?
Chị phụ nữ kéo khăn che một bên mặt đáp khẽ :
- Em đi thăm chồng em... cho cha con thằng Chiếu gặp nhau... Từ hồi sanh nó tới giờ anh ấy đã gặp nó đâu. Cực lắm chị ơi, em ra đi tới nay đã ngót năm trời rồi, lặn lội cùng trời hết, chịu cực chịu khổ không biết là bao mà không biết chút tin tức gì về chồng em cả...
- Cô Hai chắc không phải người vùng này ?
- Em ở tuốt dưới sông Hậu. Đó chị thử tính coi từ đó em đi vòng xuống Cần Thơ, Sóc Trăng, lên tới Bến Tre, Mỹ Tho rồi lên tới vùng Đồng Tháp Mười này. Cách nay hơn tháng em qua kinh Chợ Gạo bị tụi thuyền bay Mỹ bắn chìm xuồng cũng may em bồng thằng Chiếu lội vào bờ được, chiếc lồng gà cũng không sao. Lúc ra đi em chỉ xách theo con gà thôi, tưởng gặp chồng em liền, em làm thịt gà nấu cháo cho chồng em ăn nào ngờ cứ phải đi mãi, qua xã này con gà đẻ, tới xã kia con gà ấp, tới xã kế nữa ổ trứng nở thành bầy gà con...
- Cô Hai có biết hòm thư, hoặc phiên hiệu đơn vị chồng cô không ?
- Em không biết, em quê mùa lắm chị ơi. Từ nhỏ tới lớn em chỉ ở làng có đi ra khỏi nhà lần nào đâu. Em cũng đâu biết xứ sở mình rộng lớn, đường sá đi hoài không hết như thế này. Và bộ đội thì trùng điệp đi đâu cũng thấy có đơn vị đang chuẩn bị chiến đấu nhưng lại không thấy chồng em đâu cả.
Bà lão hỏi :
- Chồng cháu đi bộ đội mẹ con cháu ở với ba má cháu hay ở với ông bà nội thằng Chiếu ?
- Dạ, cháu ở với ba má cháu.
- ờ vậy cũng được.
- Tới giờ cháu cũng không biết nhà ông bà nội thằng Chiếu ở đâu.
- ủa, sao lạ vậy ?
Chị phụ nữ e thẹn càng khép kín vạt áo hơn :
- Dạ, tại cháu và chồng cháu chỉ ăn ở với nhau có mấy tháng. Anh ấy cùng đơn vị hành quân qua làng, chúng cháu quen nhau, cưới nhau rồi anh ấy lại hành quân đi...
Không ai nói gì hết. Chị chủ quán càng ôm siết đứa nhỏ hơn, bà lão chắc lưỡi chép miệng một mình, còn bác nông dân thì nói lầm rầm : "Phải rồi, thời chiến mà, trai gái thương nhau..." Rồi trái với lệ thường bác không nói thêm câu đùa nào nữa.
Lát sau bà lão cất tiếng an ủi :
- Thôi cháu đến được đây cũng là may rồi, tình hình "bình định" như vầy khó ai đi đứng được trót lọt. Giờ cháu chỉ còn việc tìm gặp chồng cháu để cha con thằng Chiếu gặp mặt nhau nữa thôi.
Chị phụ nữ khóc sụt sịt :
- Dạ, cháu cũng nghĩ như vậy. Hôm ra đi vừa ra khỏi xã cháu bị tụi lính ngụy giữ lại tưởng không có cách gì đi được.
- ủa, té ra cháu cũng bị tụi lính bắt giữ hả ? Rồi cháu nói sao chúng cho đi?
- Cháu không nói gì cả, cháu chỉ cự chúng thôi.
Cô chủ quán xen vào :
- Cô Hai cự mà chúng cho đi à ?
- Chuyện dài lắm chị à.
- Thì cô Hai kể vắn tắt thôi cho bà con đây biết tụi lính dưới đó như thế nào.
- Thì cũng vậy thôi, chúng ăn ở ngay trong nhà mình, mọi chuyện đi đứng của mình chúng đều để mắt tới. Ngồi ăn cơm làm rớt chiếc đũa chúng đã trợn mắt ngó mình rồi. Nói chuyện không dám nói lớn tiếng, lỡ ho một tiếng hoảng sợ ngó dáo dác sợ chúng nói mình làm mật hiệu, ám hiệu gì. Chuyện em đi thăm chồng em em đã bàn với má em từ lâu nhưng phải đợi đến đợt tụi lính có đợt học tập tập trung em mới khăn gói lên đường đi được. Mình đi thăm chồng mình mà lén lút như đi ăn trộm. Đồ đạc cũng không dám mang gì nhiều, chỉ có mấy bộ quần áo của thằng Chiếu với con gà. Nhà chỉ có mẹ con em với ba má em, vậy ai biết chuyện em ra đi ? Em vừa bước ra tới ngõ đã thấy chiếc xe giép thắng cái "két" trước mặt, thằng lính thò đầu ra nói "anh Ba" gì đó của nó muốn "mời" em lên đồn "để nói chuyện". Em biết là em bị bắt rồi nên cứ đi theo chúng, chiếc xe giép đưa mẹ con em thẳng về chợ huyện, con gà cũng cùng đi, tới một khu nhà không rõ đồn bót hay trụ sở gì của bọn chúng, tên lính đưa mẹ con em vào một căn phòng nhỏ bảo cứ ở đó rồi khóa trái cửa lại. Căn phòng bài trí rất đẹp mắt, lót gạch bông trắng lốp nhưng không có giường chiếu chi cả, tối đến hai mẹ con em phải trải khăn nằm dưới gạch lạnh ngắt. Một ngày rồi hai ngày vẫn không thấy chúng hỏi han gì tới. Chỉ có bác đầu bếp già đem cơm cho mẹ con em thấy cảnh em thương tình hỏi vì sao bị bắt, em nói em đi thăm chồng em khiến bác lắc đầu không hiểu ra sao.

Tới ngày thứ ba, trời chưa sáng rõ tên lính hôm trước đến gõ cửa kêu em đi. Thằng Chiếu suốt hai ngày bị lạnh, lạ nhà không ngủ được, mới vừa chợp mắt một chút đã bị xốc dậy hoảng sợ khóc thét lên, em dỗ nó con đi thăm ba con có gì đâu rồi đi theo tên lính, tới một phòng đèn điện sáng choang, bắt em ngồi chờ đó. Một hồi cánh cửa phía sau chiếc tủ xịch mở, một đám tụi cán bộ bình định kéo vào ngồi vây chung quanh em, mỗi đứa ăn bận một kiểu, dân không ra dân, lính không ra lính, miệng đứa nào cũng thè lè điều thuốc coi rất kỳ dị. Thằng Chiếu cứ tấm tức khóc hoài em phải dấu đầu nó trong vạt áo. Trên đầu một chiếc quạt máy lớn bằng cái nia cứ quạt xành xạch gió thổi lạnh thấu xương. Chưa chi em đã thấy rối trong bụng rồi.

Thằng bận đồ đen - em đoán là thằng chỉ huy - kéo ghế ngồi xổm trước mặt em bắt đầu tra hỏi :
- Xin cô cho biết cô đi đâu khỏi xã mà không thấy báo bung gì cả ? Cô bí mật đi làm chuyện gì, hoặc đi gặp ai chăng ?
Em tìm cách chối quanh, khai tên cha mẹ, kể lể cuộc sống khó khăn... Nhưng tên bình định ranh ma đã ngắt lời em :
- ừ, nói chung ai cũng khó khăn, chiến tranh mà... Nhưng tôi muốn hỏi mục đích chuyến đi của cô kia. Cô đi làm chuyện gì ? Cô muốn gặp ai ?
Em định tìm cách chối quanh nữa nhưng vừa lúc đó thằng Chiếu lại bật khóc. Nó khóc tức tửi rất đáng thương vì bị em dấu đầu sau vạt áo. Em thấy tủi thân quá chừng. Mẹ con em đã làm gì phải chịu cực nhục như vầy ? Thằng Chiếu đi thăm ba nó, em đi thăm chồng em thì làm gì nên tội ? Vừa sợ vừa giận hóa liều em đáp :
- Không, tôi không đi làm gì cả !
- Vậy cô đi gặp ai ?
- Tôi đi thăm chồng tôi.
Tên bình định ngồi xổm tới nữa mắt sáng rỡ như mèo nhìn thấy chuột :
- A, vậy chồng cô là...
- Chồng tôi là bộ đội giải phóng.
Em đáp phứt như vậy, nghĩ bụng có muốn ra sao thì ra, rồi quay ra lo dỗ thằng Chiếu. Bọn chúng sau khi nghe em đáp vậy lấy làm đắc ý lắm quay ra bàn tán xì xào với nhau rồi kéo nhau qua phòng bên để mẹ con em ở lại với chiếc quạt lạnh ngắt. ở phòng bên em nghe tiếng chúng cãi cọ nhau, tiếng giày đi tới đi lui lạo xạo em biết còn chưa yên được với chúng. Sau đó cửa lại xịch mở chúng lại ùa vào mỗi đứa lại thè lè điếu thuốc mới. Thằng bận đồ đen lại ngồi xổm trước mặt em tra hỏi nữa :
- Vậy cô nhận là đi thăm chồng, và chồng là Việt cộng?
- Phải.
- Chồng cô cũng là người huyện này ?
- Không.
- Vậy là người ở xa... Chắc là bộ đội hành quân đi qua đây... Cô có thể cho biết trường hợp cô gặp chồng cô như thế nào không ?
Em làm thinh. Không phải em sợ, nhưng em không muốn đem chuyện riêng của vợ chồng em nói cho chúng biết. Tên bình định thấy vậy thì cười khẽ nói tiếp :
- Phải, cô có quyền không nói, đó là chuyện riêng của cô. Cả chuyện cô đi thăm chồng cũng vậy, chuyện đó hoàn toàn riêng tư. Nhưng chuyện bình định xã này là chuyện của chúng tôi, chúng tôi không thể để người của xã đang bình định đi gặp người của Việt cộng được. Chồng cô dù sao cũng là người đang cầm súng bắn lại chúng tôi. Người ta sẽ nghĩ về chúng tôi ra sao ? Cấp trên sẽ nhận xét chúng tôi như thế nào ?

Một đứa khác xen vào, giọng cộc lốc :
- Còn nghĩ gì nữa, để cô ấy đi gặp chồng mình cũng giải tán mẹ cái xã bình định này rồi cạo đầu đi tù thôi.
Chúng nhao nhao lên, rồi tên bận đồ đen lại nói :
- Giờ cô tính sao, quay trở về hay tiếp tục đi gặp chồng để gây khó dễ cho chúng tôi ?
Thằng Chiếu lại khóc nữa. Mấy hôm rày ngủ dưới gạch nó đã nhuốm bịnh, người ốm xọp đi ngó thấy, không biết đau chỗ nào mà cứ giãy lên từng cơn. Em nhìn con mà không cầm được nước mắt. "Phải trở về thôi, cốt sao đưa thằng Chiếu ra khỏi được chỗ này". Nghĩ vậy rồi em xốc thằng Chiếu đứng dậy nói :
- Thôi mấy ông biểu sao tôi nghe vậy, tôi là người dân xã bình định chỉ biết nghe lời mấy ông thôi.
Rồi em đứng chờ chúng mở cửa em về phòng lấy đồ xách con gà ra về, em sẽ chẳng đi được tới đây kể lại chuyện này nếu sau đó không có một thằng nói chọt vào một câu. Chính thằng nói câu cộc lốc khi nãy, thằng mặt nhọn như mặt chuột, em chưa kịp quay đi nó đã lên giọng mát mẻ nói :
- Không biết xã này hết đàn ông rồi hay sao lại đi lấy thằng Việt cộng cho cực thân vậy không biết.
Em nghe nó nói vậy tay chân phát run lên. Trời ơi tới chuyện em lấy chồng nó cũng xía vô được. Em quay phắt trở vào ngồi phịch xuống ghế. Bọn chúng thấy vậy ngạc nhiên đưa mắt nhìn nhau nhưng em không còn sợ gì nữa. Nó đã nói vậy em phải nói cho nó biết, cái thằng mặt nhọn ấy, em nhìn thẳng vào mặt nó nói không cho đứa nào xen vào :
- Ông nói chi câu độc địa vậy, tôi tuy nông dân quê mùa chuyện lớn chi tôi không biết chớ chuyện lấy chồng thì tôi phải biết. Là gái tôi biết phải lấy ai làm chồng. Ông nói vậy là do ông không biết tôi gặp chồng tôi ra sao chúng tôi yêu thương nhau như thế nào...
Rồi không còn e ngại thẹn thùng gì nữa em kể hết cho chúng nghe chuyện chồng em cùng đơn vị về xã em đánh giặc, chúng em gặp nhau thương yêu nhau kể cả chuyện hôm chồng em ra đi, trời mưa như trút nước, em thấy thương quá đội mưa chạy theo... Em còn nói cả chuyện chồng em cầm tay em lúc chia tay nói : "Anh đi đánh giặc mau để về giúp em giúp má làm ruộng làm nương..." Em kể hết rồi em bồng thằng Chiếu đứng dậy chờ cho chúng bắt em đi đâu thì bắt.
Nhưng chúng không bắt em. Thằng bận đồ đen em tính là thằng dữ nhứt không hiểu sao bỗng đâm tư lự ngồi cúi đầu một lúc rồi đứng dậy khoác tay kêu cả bọn ra ngoài. Rồi lát sau thằng lính bước vào dẫn em ra ngoài cửa, đưa em gói đồ và con gà nói :
- "Anh Ba" nói chị muốn đi đâu thì đi, đi về nhà hay đi thăm chồng tùy ý.
Em ra tới cửa thấy tên bận đồ đen chợt đi ngang qua đứng lại nhìn em một lúc rồi nhếch mép cười nói :
- Chúc cô đi gặp được chồng... cho êm đẹp...
Rồi nó đi rướn qua mặt em, mặt hầm hầm, không biết đang nghĩ gì. Nhưng em không cần biết nó nghĩ gì, em đi thăm chồng em chẳng tội vạ gì nên em cứ đi.

1969
Logged
Trang: « 1 2 3   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM