Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:22:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Truyện ngắn chọn lọc - Nguyễn Quang Sáng  (Đọc 28407 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #20 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2009, 12:08:13 am »

Quán rượu người câm (tiếp)

Dù khó khăn anh vẫn sống qua ngày, sống với quán rượu của anh. Quán rượu anh cất cạnh bờ sông. Một cái quán nhỏ lợp bằng lá dừa khô. Một cái quầy hai cái ghế dài để cho khách ngồi, một cái tấm vạc nhỏ để nhậu. Có hai con đường dẫn đến quán. Một con đường có cây cầu dừa, dành cho khách đi xuồng, hoặc ghe máy đuôi tôm, một con đường mòn nhỏ băng qua vườn mía dẫn vào con đường lớn xuyên qua xóm.

Quán nhỏ tồi tàn, nhưng lại có đủ thứ rượu ngon, toàn là rượu nổi tiếng. Người chủ quán là người biết chọn rượu. Rượu Lương Hòa tỉnh Bến Tre - Rượu nặng mà đầm và thơm... Rượu đế thì rượu kinh ông Kho, rượu ngon nhất tỉnh Long Châu Sa, rượu trong veo, sủi bọt nặng mà đầm. Rượu đậu nành nước trong xanh cay mà ngọt, uống say lúc nào chẳng biết, lúc say người như lịm đi. Rượu cất bằng mía, rượu "Rum" của Hiệp Hòa màu rượu như trái hồng quân. Đó là những thứ rượu ngon, loại mắc tiền nhưng đồ nhậu thì lại bình dân thôi. Đâu phộng rang tẩm mỡ với ngũ vị hương, tôm khô, củ kiệu, khô mực, các loại khô, và các loại cây trái, mùa nào thứ ấy xoài, ổi, mận và chùm ruột...

Ông chủ quán câm nhưng lại lịch sự, và tiền nong rất rõ ràng. Nếu cần chủ quán sẽ mời anh một ly nhỏ không lấy tiền và nếu vui chủ quán sẽ sẵn sàng chạm một ly. Trên quầy có một xấp giấy nhỏ, có khi là một xấp lịch cũ của một cuốn sổ tay nào đó và một cây viếc "bic". Khách nào đến ngồi lâu, uống nhiều ly, mua nhiều đồ nhậu, chủ quán câm không nói được, chủ quán tính tiền trong cái giấy. Khách cứ coi theo đó mà trả. Rất tiện khỏi phải cãi cọ nhiều lời. Ông chủ quán này lại có cái lạ là không tham bán nhiều, thấy khách vừa say thì một cách lịch sự, lịch sự theo người câm, nhe răng cười ú ớ mấy cái rồi đưa cho khách. Vậy là khách biết mình sắp say rồi. Chỉ phiền có một điều, có lẽ vì chủ quán ít chữ nghĩa quá, viết không được mạch lạc, hoặc nghuệch ngoạc cho nên khách phải đọc rất lâu, có khi tiền thì cứ trả mà giấy thì mang về đọc lại.

Khách rượu ở quán này thường hay ngồi lâu, có khi ngồi đến hằng giờ. Ông chủ quán câm kể loại biết điệu đời, ông xếp ghế ngồi để cho khách nhìn ra sông: sông Cửu Long. Khách có thể ngắm rặng cây xa mờ, ngắm những cánh buồm, vừa ngắm nhìn vừa nghe tiếng sóng. Sóng bạc đầu, bỏ vòi, tràn lên nhau, sóng bủa ầm ầm. Sóng lưỡi búa, lách chách từng đợt nhỏ và đều, lấp lánh khắp mặt sông. Sóng nhỏ nhưng lại thường hay nhấn chìm xuồng ghe. Xuồng ghe tấp vào bờ. Sóng vẳng rì rầm, buồn và mênh mông.

Vì rượu ngon, hay vì có chỗ ngồi nhìn ngắm cảnh hay vì cái vẻ lịch sự câm của ông chủ quán? Chẳng rõ, chẳng biết, chỉ biết trong làng, hầu như người uống rượu nào cũng đến. Trong làng, dân làng không được hội họp, ba người đàn ông gặp nhau cũng không được, những cuộc gặp gỡ từ ba người trở lên, nếu nhà cầm quyền biết sẽ bị nghi là họp cộng sản, sẽ bị đi tù. Còn ở cái quán rượu này buồn đến nỗi đàn bà cũng uống rượu nữa. Con gái thì chưa uống ghiền nhưng cũng đến mua. "Rượu vào thì lời ra !". Bọn xâm lược Mỹ và tay sai không cấm được điều đó. Thật tội nghiệp cho ông chủ quán câm, ông phải nghe chuyện của những thằng uống rượu, chuyện của những thằng say. Nhưng cũng thật hạnh phúc cho ông, ông toàn nghe những chuyện thật. Bởi vì không ai dám nói thật bằng những thằng uống rượu, những thằng say. Lúc bình thường giận đời, giận người, họ không dám chửi, uống rượu vào, họ chửi chẳng sợ ai. Lúc bình thường có những sự thật vì lẽ gì đó mà không dám nói, uống rượu vào họ nói tất. Những người khách rượu này, họ nói tất cả những sự thật của làng.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #21 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2009, 12:09:07 am »

Quán rượu người câm (tiếp)

- Chú Hai ở cuối xóm bị bắt, bị đi tù. Thằng xếp đến bắt hiếp vợ chú.

- Nhà chị Ba một người đàn bà góa, bị lính moi hầm, dưới hầm có một anh kháng chiến cũ. Chị bị nhà cầm quyền buộc tội lấy Việt Cộng. Hai người đều bị bắt. Nó bắt hai người phải ngủ với nhau. Anh kháng chiến cũ không chịu. Nó lột quần áo cả hai người, trói lại, bắt nằm chồng lên nhau, rồi gí điện. Chị Ba chết để lại ba đứa con.

- Con Sáu có chồng đi tập kết. Bị bọn lính ép quá, chịu không nổi, nó cạo đầu rồi, định đi tu.

- Nửa đêm một chiếc tàu sắp cặp bến. Bọn lính ùa lên nhà một gia đình không có đàn ông, gí súng vào lưng đàn bà con nít, lùa xuống tàu, phóng lửa đốt nhà, rồi chở đi, chẳng biết đi đâu.

- Ông Năm, một ông già điếc hơn sáu mươi tuổi vừa bị lính bắt, người ta không hiểu sao ông bị bắt. Trong tù ông không khai. Có người bảo ông là người khảng khái, có người bảo ông có gì để khai mà không khảng khái.

- Thằng Chín có vợ có con rồi mà còn ve vãn con nhỏ gọi nó bằng chú. Nó bị phản đối, nó đâm ra thù oán người ta, nó phao tin đồn nhảm định làm hại cô ta. Cô gái đang bị bọn công an áo đen theo dõi. Đối với những thằng sa đọa như thằng Chín, cần phải cảnh giác.

- Thằng Tư nó đầu hàng rồi. Nó khai nó làm chỉ điểm cho địch. Nó mang kiếng đen, nó lảng vảng ở ngoài bến xe. Nó vừa chỉ bắt một người đàn bà.

- Nhà ông Tám bị khui hầm. Ông lấy ngực đỡ đầu súng. Anh cán bộ chạy thoát, Ngực ông bị bắn nát.

Chuyện trong làng trong huyện, trong tỉnh và chuyện của cả miền Nam toàn những chuyện đau thương, ngày nào cũng có. Mỗi ngày một chuyện, có khi hàng chục chuyện...

Ông chủ quán câm : đầu óc bùm sùm, mặt hốc hác, người gầy gò, mặc bộ bà ba rách, ngả màu cháo lòng.

Ông lắng nghe chuyện, mặt hơi nhếch lên, ngơ ngác như một người điếc. Những người khách vừa nói vừa uống, vừa chửi, vừa nắm quả đấm muốn đập nát cái vạc tre để đồ nhấm, hoặc thở dài hoặc đang nói thì bị nghẹn. Còn ông chủ quán câm, ông nghe mà cứ như điếc chẳng ai thấy ông bị xúc động, mặt cứ trơ. Hay là tạo hóa thương ông, cho ông điếc luôn? Chẳng biết nữa. Lâu lâu ông cúi xuống, rút giấy ra ghi. Ông ghi tiền rượu cho khách, hay ghi những chuyện đáng cười, đáng giận đó. Chẳng ai hiểu nổi. Mà hiểu để làm gì mới được chứ ! Từ câm đến ngớ ngẩn có khó gì. Lúc ông ta cúi cái đầu bùm sùm xuống quầy, hai tay khuỳnh ra, mặt nghiêng nghiêng, tay ghi ghi, miệng há hốc, dáng điệu của ông ta, đúng là dáng điệu của một thằng ngớ ngẩn, lúc ghi, lúc viết, miệng ông ta như không ngậm lại được.

Khi khách hàng ra về, và quán vắng, ông rót ly rượu kinh ông Kho, rót đầy, có khi rót mà không nhìn ly, rót tràn ra quầy vì ông là chủ quán nên ông không uống từng ngụm như khách, ông uống cạn một hơi. Nói cho đúng thì ông không uống mà ông đổ. Uống thì phải nhắp, phải chén, phải khà, phải thưởng thức cho hết chất cay, chất nồng của rượu. Còn ông, với cái miệng vốn há hốc của ông, ông ngước mặt rồi cầm ly rượu, đưa cao lên, đổ xuống. Hình như rượu không đụng đến lưỡi, rượu đổ ngay vào đốc họng rồi tuôn thẳng vào lòng ông. Ông uống rượu mà như uống thuốc độc vậy.

Uống xong mặt ông không đỏ, mà tái, ông ngồi im, miệng há hốc, mắt lờ đờ. Đừng thấy dòng sông lặng lẽ mà bảo dòng sông không có sóng. Sóng đang nổi lên từ dưới đáy người ta gọi đó là sóng ngầm. Nhìn sông đến chán, ông gục đầu xuống quầy. Như một ông chủ quán bán khuya đến lúc phải ngủ gục. Khách rượu đến bất ngờ thấy ông gục đầu, hai vai run run, khách rượu tưởng ông khóc. Khách rượu vỗ vai ông, ông giật mình lật đật đứng dậy, khách rượu hỏi:

- Sao ông khóc ?

Ông lắc đầu ú ớ, đưa tay chỉ vào mắt, con mắt khô quánh. Yý ông muốn nói: Tôi khóc hồi nào !

Nhưng khách rượu không tin, thấy đôi vai run của ông, khách rượu đoán là ông khóc. Có điều là người khách có thể tin. Là con mắt của ông không ướt. Con mắt khô, nhưng miệng chảy nước dãi. Khách rượu ấy kết luận : Ông khóc thật, nhưng không phải khóc bằng nước mắt mà ông khóc bằng nước miếng, đó là kiểu khóc đặc biệt của người câm.
*
* *
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #22 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2009, 12:09:43 am »

Quán rượu người câm (tiếp)

Trong làng, trong cả miền Nam, nhà nào cũng có người bị bắt bị giết, những nhà bị tan nát. Con người sống không yên. Người ta phải đứng dậy. Từ một đến mười, từ mười đến trăm, từ trăm đến ngàn, rồi cả làng. Hầu hết đàn bà trong làng, họ kéo nhau ra đồn bót, ra huyện, ra tỉnh, kéo nhau đi cả Sài Gòn nữa. Họ bắt kẻ thù phải công nhận cho họ là con người đang sống và có quyền sống. Những cuộc biểu tình ấy, nếu đi xuồng đi ghe máy đuôi tôm hoặc đi tài thì qua bến chủ quán rượu. Cái bến của quán rượu người câm lúc nào cũng nổi sóng. Nếu đi bộ, thì đoàn người đi ngang qua con đường sau quán. Ông câm nhưng ông thấy, ông nghe và ông biết. Đi đấu tranh xong trở về, người ta lại ghé vào quán rượu của ông. Người vào quán ông bất cứ lúc nào, về lúc nào ghé lúc ấy, có khi vừa tối, có lúc nửa đêm. Người ta ghé vào để uống rượu và nói chuyện và bàn cãi. Nhờ có nhiều khách hàng, đêm đêm ông thắp đèn khí đá. Ông vừa bán vừa nghe chuyện. Địch nó bắn người ta cứ tràn lên. Một người bị bắt cả ngàn người cứ đứng vây cửa nhà tên quận, hò hét cho đến lúc nó thả ra mới chịu về. Bọn địch nó biết, khi mà đàn bà đã đứng dậy thì chẳng có sức mạnh nào bằng. Nó sợ đàn bà, nhưng nó lại biết chỗ yếu của đàn bà. Đàn bà không sợ bị bắt, không sợ tù, không sợ súng, không sợ chết, nhưng lại sợ nhục. Nó không bắn, nó sai lính đi tuột quần từng người. Ôồ! Chuyện ấy có gì khó. Đàn bà đi đấu tranh người ta không mặc quần thun hay quần lưng rút nữa, người ta mặc quần gài nút, giật quần không tuột, nó bắt từng người, lấy kéo cắt đầu tóc, mái tóc dài, và đầu tóc ở sau ót, đó là vẻ đẹp của người đàn bà Việt Nam. Những người đàn bà khi đã bước vào đấu tranh, người ta không sợ mất cái vẻ đẹp đó. Chồng họ cũng không sợ. Một hôm có một anh chồng ra quán người câm đón vợ, thấy vợ buồn vì mất cái đầu tóc, trong lúc mọi người đang ồn ào anh kêu lên:

- Sao mình buồn ? Mình sợ tôi chê mình xấu à ? Ông câm, ông cho tôi một ly rượu, "rượu" "rum" Hiệp Hòa ấy.

Anh chồng uống cạn một ly. Uống xong, anh lấy rượu làm nư, anh ôm lấy vai vợ rồi cúi hôn lên cái ót trần của vợ. Vợ anh đẩy ra, người ta cười ồ lên, người ta vỗ tay, anh chồng ấy - có rượu rồi - không lấy đó làm thẹn, anh ngả ra cười ngất. Đã lâu lắm rồi, người ta mới thấy ông chủ quán câm cười. Khi ông cười, mặt ông thảm hại làm sao. Mặt ông nghiêm, nhắm một con mắt, miệng méo. Cười xong, ông rót thêm hai ly nhỏ, đưa anh chồng ấy một ly, hai người cùng chạm và uống cạn.

Lại một lần khác, bọn địch không cắt tóc nữa, chúng gí súng vào từng người, đè họ xuống giữa chợ, cởi quần áo. Bọn địch muốn làm nhục họ. Chúng muốn cho người khác bỏ chạy. Bỗng một bà già, gọi là bà Tư Trầu - vì bà ăn trầu luôn miệng và kêu lớn. Thân thể của người đàn bà là vẻ đẹp thiêng liêng của họ, nhưng đến lúc cần phải giành lại tự do, độc lập và quyền sống họ sẵn sàng hy sinh tất cả. Khi bà Tư Trầu ra lệnh, thế là cả ngàn người đàn bà, bà già, người có chồng, người còn con gái, tất cả, liền cởi hết và họ xếp lại thành hàng, họ thành một đạo quân ngang nhiên lạ lùng diễn qua trước mặt kẻ thù. Kẻ muốn làm cho họ nhục, thì chính họ lại thấy nhục. Những thằng giặc ấy, chúng mặc áo, quần, tay cầm súng, nhưng chúng phải bỏ chạy.

Người ta nói chuyện ấy trong quán rượu. Ông chủ quán câm liền rót đầy một ly rượu màu hồng quân trịnh trọng đưa cho bà Tư Trầu và rót nhiều ly khác cho những bà, những chị, những em đang có mặt. Những bà, những chị, những em đều uống cạn những ly rượu do người câm rót ra. Rượu ấy là rượu đặc biệt do chính tay chủ quán cất bằng trái cây, rượu dành riêng cho đàn bà, rượu không cay nồng, rượu ngọt và rượu uống không say.

*
* *

Giặc lê máy chém đến. Chúng giết bà Tư Trầu và giết nhiều người khác nữa. Trong làng, có thêm những đứa bé chít khăn tang.Cái quán rượu không còn ồn ào nữa. Nhưng quán rượu của người câm không vắng khách - những người ghiền, những người say lại đến với quán rượu.

Bỗng một ngày, không một khách rượu nào đến, ngoài đường cũng chẳng thấy ai đi. Dưới bến, chẳng có một chiếc xuồng, ghe nào qua lại. Người chủ quán câm chỉ còn biết ú ớ cũng chẳng có ai để cho ông ta ú ớ nữa, trong làng chỉ còn nghe có tiếng sóng. Sự im lặng của mọi người đang nín thở ấy kéo dài gần nửa đêm. Như một hơi thở dài bị đè ép bỗng trút ra, bất thần, cả làng bỗng dấy lên. Nhà thờ kéo chuông, nhà chùa nện đại đồng chung, người ta đánh trống, người ta đánh mõ, người ta đánh thùng thiếc, người ta đánh xoong, đánh bất cứ cái gì gây ra tiếng động. Người ta hò hét, người ta vác cái gì như súng, người ta đi, người ta gọi nhau, kêu rủ nhau, người ta gọi cả ông câm chủ quán rượu. Người ta báo cho nhau một cái tin lạ " Đồng khởi". Người ở tất cả các ngả xóm, các con đường làng cứ đổ ra. Người trong làng cũng bấy nhiêu đó, nhưng đêm đó lại đông hơn, đông hơn gấp mười, gấp trăm. Người kéo đi cuồn cuộn, kéo tràn đến dồn bót giặc. Người ta cho nổ những tiếng nổ lớn.

Bọn giặc trong đồn, trong bót hoảng hốt. Nghe những tiếng nổ tiếng trống, và mọi thứ tiếng vang dội lên mỗi lúc một dữ dội, chúng thấy cái đồn, cái bót của chúng như những chiếc xuồng con đang bị sóng của một cơn bão đang bủa tới, chúng nhớ những người chúng giết, nhớ những người chúng bắt, nhớ những người chúng đánh, nhớ những gia đình do bàn tay chúng phá tan nát, chúng thấy những người đó đang tràn tới. Đông quá! Chúng không thể biết được bao nhiêu. Với súng, với đạn của chúng, chúng có thể giết được hàng trăm, nhưng khi hết cả đạn, chúng không thể sống được. Vậy là chúng nó lần lượt vứt súng đưa hai tay lên trời, có đứa vứt súng tìm cách thoát thân.

Thế là dân làng san bằng tất cả đồn bót bằng tiếng trống tiếng mõ, bằng những tiếng nổ lớn của pháo tre, của khí đá.

Sau khi san bằng hết đồn bót, dân làng đốt đuốc, kéo nhau ra đồng, dựng lên một khán đài cao.

Cả làng mỗi người một ngọn đuốc, người ta nhìn về phía lễ đài, chờ một người mà người ta muốn biết : Người chỉ huy ngày đồng khởi.

Người ta đứng im. Chỉ còn nghe có tiếng lửa cháy rần rật. Tiếng nổ đều đều của tàn đuốc. Tiếng lửa cháy nghe thật trang nghiêm. Hầu hết người làng đều không biết người chỉ huy. Khi người ta không biết thì người ta đoán và tưởng tượng. Con người trong tưởng tượng thì không thể nào giống con người thật. Người ta chờ đợi người chỉ huy theo ý tưởng tượng riêng của mình. Người ta hồi hộp chờ một người chỉ huy thật.

Người chỉ huy ấy xuất hiện, đứng trên lễ đài, hoàn toàn không giống như ý tưởng tượng của họ. Người ta kinh ngạc nhưng người ta không thất vọng. Con người thật không giống như trong tưởng tượng nhưng phong phú hơn, và gần gũi hơn. Qua một thoáng kinh ngạc, người ta liền dậy lên. Người ta hoan hô, người ta kêu nhau, người ta chen nhau tràn về phía trước. Trong ánh lửa hồng của hàng ngàn ngọn đuốc, người chỉ huy hiện lên trước khán đài. Người ấy, một con người cao, gầy gò, mặc bộ bà ba màu cháo lòng tóc bùm sùm. Đó là người câm của quán rượu. Anh Ba Hoành!.

Anh mọp đầu chào dân làng, rồi nhón chân, đưa hai tay chào, rồi đưa tay vuốt ngực và cất tiếng:

- ... Bốn năm nay tôi không nói, không phải tôi câm. Mà tôi im lặng. Đã đến lúc chúng ta không im lặng được nữa. Đã đến lúc chúng ta phải...

Tiếng nói của bốn năm câm lặng, tiếng nói không cần phải qua máy móc của các thứ loa, tiếng nói của anh vang lên đến từng người, vang dội cả trong lòng họ.

Cả làng. Mỗi người một ngọn đuốc, mỗi người một thứ giọng lại dấy lên, đáp lại lời của anh.

Làng lúc nào cũng tràn trề tiếng sóng, người ta không nghe tiếng sóng nữa. Người ta chỉ nghe tiếng vang dội của dân làng.

Dân làng quây quanh lấy khán đài, hò hét cho hả hê, và đốt thêm đuốc. Đuốc: cái đưa lên, cái đưa xuống rào rào như một đám cháy. Người ta quơ đuốc cho cháy to hơn, quơ đuốc cho lửa bốc cao và người ta phóng cả ngọn đuốc bay vọt lên không. Tưởng chừng, hàng ngàn ngọn lửa đuốc đang đốt cả trời đêm.

Tháp Mười 16-5-1967
Logged
Trang: « 1 2 3   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM