Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:02:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Số phận Lữ dù 3 Nguỵ Sài Gòn  (Đọc 133347 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #180 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2009, 01:47:14 pm »

- Giải phóng tiếp tù chính trị!

Ban Chỉ huy khởi nghĩa quyết định.

Lại một nhóm cán bộ lên xe .

Cũng chỉ trong chốc lát sau, hai cánh cửa nhà lao Cần Thơ không phải được mở rộng mà đã bị đẩy gần như đổ sập.

Anh chị em tù chính trị, với băng cờ chuẩn bị sẵn từ lúc nào, cũng tiến vào trung tâm thành phố như cả một đoàn quân chiến thắng. Tiếng hô khẩu hiệu, tiếng reo hô rung trời chuyển đất.

Thế là trong khoảnh khắc, cả hai lực lượng; anh chị em tù chính trị và một vạn thanh niên bị bắt lính, gần như hợp làm một đã tạo nên một sức mạnh chính trị khổng lồ. Cả Cần Thơ như cùng bay lên với những ngọn lửa đấu tranh. Chính trong những giây phút đó những tên ác ôn, những bọn ngụy quân, ngụy quyền còn cố gan, cố bám lấy doanh trại hoặc công sở, đã phải kinh hoàng bỏ chạy gần hết. Trung đội lính bảo vệ thân cận nhất của Nguyễn Khoa Nam cũng tan vỡ chỉ còn lại tám tên. Viên thư ký của Nguyễn Khoa Nam đã bất ngờ chiếm luôn trực thăng đậu thường trực trong sân nhà y bay đi thẳng.

Và cũng chính lúc đó. Cô Mười, dẫn đầu những toán thanh niên võ trang mà cô mới cấp tốc tập hợp ngay trong buổi sáng, tiến thẳng tới căn cứ tiếp vận 4 của quân đoàn ngụy.

Cô tiến trước, các tay súng dàn hai bên tiến sau. Gió thổi bay tà áo xanh, thổi xòa những món tóc mai xuống đôi gò má xanh xao của cô.

Tất cả sĩ quan và binh lính trong căn cứ đều đứng há hốc mồm kinh ngạc. Chúng không thể nào ngờ người chỉ huy "Việt cộng" tiến vô bắt chúng phải đầu hàng lại chỉ là một cô gái mảnh mai.

- Các anh hãy lập ngay bản thống kê toàn bộ vũ khí, quân nhu, quân lương, xe cộ... của căn cứ để nộp chúng tôi coi!

Đến lượt vị “nữ chỉ huy Việt cộng" không khỏi ngạc nhiên khi thấy viên trung tá chỉ huy trưởng căn cứ lễ phép và nhanh nhảu mở cặp, đưa ra một tập giấy tờ:

- Trình quý bà! Chúng tôi đã làm xong từ hồi sáng! Thưa, đầy đủ!

Thì ra bọn này đã tiên liệu được hoàn toàn đúng những gì sẽ xảy ra với chúng nên đã chủ động chuẩn bị, để trình báo với những người chiến thắng, ngay từ buổi sáng nay.

Mục tiêu thứ nhất đã xong. Mục tiêu thứ hai: Cuộc cảnh sát phường. Tại nơi đây cũng không gặp một sự kháng cự nào hết. Nói cho đúng hơn: Không còn gặp một bóng ma nào hết. Bọn cảnh sát đã chuồn, đã trốn biệt mất tăm. Chưa có thể tìm ra ngay bọn đó.

Trên đường quay trở lại phường, qua Ty An ninh địch. Cô Mười tranh thủ cho anh em tiến vào chiếm lĩnh luôn. Chỉ còn một vài tên nhân viên quèn đang run lên.

- Treo cờ lên, Chánh!

Cậu học sinh tú tài "dạ" một tiếng rõ to rồi vác lá cờ Mặt trận leo thoăn thoắt lên tầng lầu cao nhất. Lá cờ được mở tung. Gió từ sông Hậu Giang mênh mông hùng vĩ phía xa thổi vào dào dạt, nâng lá cờ bay lên, reo lên mãi trên nóc tòa nhà đã từng bao năm là một trong những nơi ghê rợn đối với tất cả những ai đã từng đặt chân lên thành phố này hoạt động.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #181 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2009, 01:49:18 pm »

Đã quá trưa, tin các anh Năm Bình và Sáu Minh trực tiếp chỉ đạo lực lượng quần chúng chiếm được Đài Phát thanh làm cho toàn thể các cán bộ và quần chúng nổi dậy càng thêm phấn chấn.

“Đây là tiếng nói của nhân dân cách mạng Cần Thơ..."

Ôi, mới chỉ có bằng ấy tiếng phát đi, vang rộn trên loa phóng thanh đặt ở các ngã ba, ngã tư... đã làm cho không biết bao người đổ nước mắt vì mừng rỡ, cảm động.

Và cũng liền ngay đó, từ các nẻo đường tiến vào thành phố bỗng trào lên tiếng hò reo vang dậy của quần chúng:

Bộ đội ta đập tan các tuyến "tử thủ” của Nguyễn Khoa Nam, đang tiến vào thành phố, đang chiếm nốt những mục tiêu quân sự trọng yếu còn lại! Và tên tướng ngoan cố ấy đã tự sát.

Đẹp quá! Một sự phối hợp tuyệt vời. Tiến vào đầu tiên là tiểu đoàn Tây Đô với những người con yêu dấu của đồng bằng sông Cửu Long đã bao năm lăn lộn, dạn dày chiến đấu. Tiếp đến là thành đội, rồi các trung đoàn 2, trung đoàn 3, trung đoàn 10 của quân khu...

Thành phố trong phút chốc chìm ngập trong một biển cờ. Ở trên các xóm nghèo. Cờ trên các bin-đinh hiện đại. Cờ trên các công sở lớn, nhỏ. Có trên các trại lính, các căn cứ của quân đoàn ngụy. Cờ bay múa trong mắt người. Cờ nở đẹp trên những đôi môi hổng của những người cô gái Cần Thơ.

Cũng trong những giây phút đó, tại ngôi nhà tạm làm trụ sở của phường mình, cô Mười đang ngồi giải quyết công việc cho hàng trăm chiến sĩ tự vệ đang đứng vây quanh, bỗng tối tăm cả mặt mày. Cô không gượng nổi nữa, từ từ ngã xỉu. Chánh la lên vội ôm choàng lấy cô xốc dậy: Cậu kinh hãi, chưa biết xử trí ra sao, ông y tá cha cậu, đứng bên đã ôn tồn:

- Kiếm cái giường cho cô nằm nghỉ chút, con! Không sao đâu! Cô quá mệt đó thôi. Suốt cả ngày hôm nay, má mày chỉ ép cô uống được độc có một ly sữa nhỏ!

*
*   *

Mờ sáng hôm sau cô đã gọi Chánh:

- Đi theo cô tới bệnh viện Thủ Khoa Nghĩa coi! Anh em báo cáo đã xong, nhưng chưa trực tiếp tới đó được, cô chưa yên tâm !

Chánh can sao cũng không nổi nữa, cậu đành tập hợp một tiểu đội vũ trang cùng theo cô.

Chiếc xe đỗ ở cổng ngoài. Cô và nhóm thanh niên võ trang cùng đi bộ vào trong viện.

Hầu hết nhân viên của bệnh viện, được Chánh gọi điện báo trước, đã tề tựu ở trong phòng họp lớn. Hết sức im lặng. Một sự im lặng trang nghiêm lẫn sợ sệt.

Cũng như ở nhiều nơi, họ đang chờ đợi một "võ tướng" oai dũng, mặt cháy nắng, vũ khí đầy người tiến vào. Nhưng chỉ là một cô gái. Những ánh mắt đang căng thẳng thoắt dịu đi.

Họ cùng kính cẩn cất lời chào.

Cô Mười đưa mắt nhìn lướt qua một lượt. Không có hắn. Toàn những bộ mặt xa lạ. Cô thong thả nói:

- Tôi yêu cầu các ông cho tôi xem danh sách toàn bộ bác sĩ, nhân viên ở đây ! Các ông đã có sẵn chứ? Hay cần có thời gian để làm?

- Thưa bà, chúng tôi đã có đầy đủ! ...

Một ông bác sĩ già tiến lên, mở một cặp tài liệu, đưa cho cô một bản danh sách dài tới năm trang.

Cô Mười nhíu đôi lông mày lại, chăm chú đọc thong thả, từ đầu tới cuối - Cũng không có hắn! Cô thầm thở trút ra nhè nhẹ. Cũng lạ! Thật là nhẹ hẳn! Phải chăng như thế này dễ xử hơn? Hoặc vì những nguyên cớ phức tạp sâu xa nào khác mà chính cô cũng không thể hiểu nổi. Cô chỉ biết: rõ ràng cô cảm thấy nhẹ nhàng.

Cô bắt đầu nói chuyện với mọi người trong bệnh viện. Cô nói về chiến thắng lịch sử của cách mạng. Cô nói về chính sách mới ... Rồi cô yêu cầu mọi người hãy nhanh chóng bắt tay vào việc, không để cho bệnh viện ngừng trệ dù chỉ một ngày. Cuối cùng cô yêu cầu tổ chức ngay một trung đội tự vệ gồm các anh chị em lao công và cả nhân viên chuyên môn hăng hái nhất! ...

Cô nói thật thanh thoát, rõ ràng.

Rồi cô trở ra xe.

Cần Thơ đỏ rực bóng cờ trong nắng sớm. Cả thành phố như đang hát ca rộn rã. Một lần nữa cô thấy lòng mình thật thanh thản. Chuyện cũ dường như không còn gì nữa trong lòng cô. Đúng vậy! Hình bóng đen tối của con người ấy có lẽ đã không còn để lại một dấu vết gì trong tâm hồn cô, một tâm hồn đang mở ra sáng tươi, mới mẻ như buổi sáng nay, trên thành phố đang hồi sinh.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #182 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2009, 01:53:49 pm »

HAI MƯƠI NĂM SAU

Buổi trưa ngày 1 tháng 5 năm 1975. Cả thành phố còn đang ngây ngất trong niềm vui giải phóng, chợt có tiếng người la thất thanh ở một hẻm gần đường Công Lý cũ: “Có người chết! Có người ngộ độc!"

Hàng xóm đổ xô tới một căn nhà mang số lẻ. Rồi xe cấp cứu thét còi hối hả lao tới. Người ta khiêng ra xe một người đàn ông trạc ngoài bốn mươi, cao, gầy, mặt xanh ngắt, trên mép có một hàng ria nhỏ. Nhiều người nhận ra đó là một viên trung tá ngụy cũ. Hàng xóm xôn xao. Người ta cho biết: vợ con người này đã đi Mỹ. Một mình anh ta ở lại, mấy ngày nay như một cái xác không hổn...

Ngộ độc thật hay tự vẫn? Vì nỗi đau mất vợ, mất con? Hay còn gì những vì gì nữa? Nạn nhân đã được đưa tới bệnh viện của thành phố. Những bác sĩ giỏi nhất của Giải phóng đã tập trung cứu chữa.

Nạn nhân được tẩy rửa dạ dày và tiêm đủ các thứ thuốc. Các bác sĩ áp dụng tất cả mọi biện pháp cần thiết. Một tia sáng le lói. Nạn nhân vẫn còn giữ được chút hơi thở mong manh ...

*
*   *

Mùa xuân năm 1954. Hai mươi mốt năm đã qua. Mặt trận Điện Biên Phủ sáng hôm đó dầy sương mù. Cứ điểm đồi Độc Lập đã bị tiêu diệt đêm trước như một xác người bị đâm chém nhừ nát, đẫm máu vẫn còn nằm đấy.

Một đơn vị nhỏ của ta phòng ngự ở đó.

Hơn một tiểu đoàn Lê dương cộng một đại đội quân dù ngụy với bốn xe tăng đã được lệnh Đờ Cát-xtơ-ri tiến ra phản kích hết sức quyết liệt tại căn cứ đã thất thủ. Các đợt phản kích liên tục kéo dài từ tám giờ sáng tới trưa nhưng hai xe tăng đã bị phá huỷ, hơn một đại đội Lê dương bị loại khỏi vòng chiến đấu, đại dội dù ngụy bị thiệt hại tới một nửa. Đờ Cát-xtơ-ri buộc phải cho lực lượng còn lại rút lui. Tuy nhiên, khi rút vào phía trong, bọn lính nhảy dù ngụy cũng khiêng về được một thương binh của ta bị chúng bắt, khi anh bị ngất đi sau một loạt pháo từ Mường Thanh dội xuống trận địa. Người thương binh bị mảnh đạn ở cánh tay phải và cả ở sườn trái.

Vừa lộn xộn, vừa quá mệt mỏi, bọn lính dù đã quên hoặc cố tình quên mọi sự quy định, không đưa thương binh bị bắt vào Sở chỉ huy căn cứ ở Mường Thanh để cho các sĩ quan phòng Nhì kịp thời khai thác tài liệu. Chúng khiêng thương binh bị bắt về thẳng căn cứ của đại đội đóng bên bờ sông Nậm Rốm. Chỉ huy trưởng đại đội là một viên trung úy hai mươi bốn tuổi. Anh ta cùng đơn vị thất trận trở về, lê đi không nổi đôi giày nhảy dù đã bê bết bùn đất. Bộ quần áo trận tả tơi cũng nhuộm đầy bùn. Chiếc mũ sắt cầm lỏng nơi tay, tóc rũ rượi, anh ta bước vào lều bạt gieo mình xuống một chiếc giường vải. Đầu óc anh ta hỗn loạn đủ trăm nghìn tiếng nổ. Tròng mắt anh ta còn tràn ngập máu người và ngùn ngụt lửa khói... Toàn thân anh ta rã rời và ớn lạnh.

Nhưng lũ lính đã vào báo cáo là có một tù binh, một “thắng lợi phẩm".

Quát lên một câu chửi thề tục tĩu, mắt ngầu đỏ, anh ta đuổi lũ lính đi rồi úp mặt xuống chiếc chăn dù để cố ngủ, cố quên đi tất cả. Nhưng lát sau, biết không thể không giải quyết sự vụ này, anh ta đành phải gượng ngồi dậy:

- Cho nó vào đây tao xem sao!

Mấy tên lính đem chiếc cáng thương tới. Vén lá bạt, viên trung úy mệt nhọc cau có miễn cưỡng bước ra.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #183 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2009, 01:54:48 pm »

Trên cáng vải, một người đang nằm thiêm thiếp. Một người mảnh dẻ, và cũng trạc hăm bốn, hăm lăm, gương mặt xanh mét mầu sốt rét rừng và cả vì mất máu, mái tóc bết đất bùn, hai chân anh mang một đôi giày vải cũng đầy bùn. Chiếc trấn thủ thì đẫm máu và đã bị mảnh đạn xé tan thành nhiều mảnh.

Viên trung uý bỗng sững người. Đôi mắt hơi lồi của anh ta càng như lồi thềm ra. Cái miệng với đôi môi khô trắng há hốc. Anh ta thở gấp. Rồi hấp tấp tiến lại, quỳ xuống, vội vã lục lọi các túi áo của người thương binh. Hai bàn tay trắng trẻo, ngón dài như búp măng - tay của những chàng trai yếu ớt và được nuôi dưỡng khá đầy đủ - dường như đã sũng nước và nhoè nhoẹt bùn non.

Nguyễn Văn Di
Sinh 1930. quê quán: Nghi Tàm - Hà Nội.
Đại đội phó đại đội 3 - tiểu đoàn 4, trung đoàn Tam Đảo - Đại đoàn Thép

Viên trung uý đứng sững

Một tên lính rụt rè, tò mò:

- Thưa trung úy, có lẽ... trung úy biết người này!

Như choàng tỉnh khỏi một cơn mộng dữ, viên trung úy quay lại, trừng mắt, nạt lớn:

- Cút! Ai cho mày đứng đây? Đồ con lợn?

Hồi lâu sau, khi đã tỉnh lại và được băng bó sơ sơ, người thương binh được lệnh vào trong lều vải để cho trung úy chỉ huy trưởng đại đội “trực tiếp hỏi cung". Các binh lính hầu cận bị đuổi ra hết, vì lý do "cơ mật".

Hai người ngồi đối diện, ở giữa là một chiếc "bàn" làm bằng những hòm đạn chồng lên nhau. Trong lều vải tối mung lung, nhưng cũng đủ nhìn thấy rõ hai bộ mặt hết sức khác nhau. Một người gày yếu, xanh xao, một người trắng trẻo mập mạp, no đủ. Một người đã trút bỏ bộ đồ trận lấm láp, nhàu nát, thay vào đó là một bộ khác còn hoàn toàn phẳng phiu và được may cắt một cách cực kỳ khéo léo; còn người nọ, vẫn chiếc áo trấn thủ rách tơi tả vì mảnh đạn và đầy máu, vẫn đôi giày vải sũng nước, đất bùn và chiếc quần rộng thùng thình xắn cao quá gối như kiểu dân cày.

"Anh Di! Phải không? Tôi đây!" .

“Anh Cường trố? Vâng, tôi đây...".

Hai người đã nhận ra nhau. Trước đây họ đã là một đôi bạn. Từ nhỏ, tuy không thân nhưng họ cùng học một trường, cùng qua tiểu học rồi trung học. 

Thời tiểu học họ đã cùng vào "Sói con". Đã cùng nhau vui vẻ hát những bài của ta và của nhi đồng Pháp mà cho đến bây giờ vẫn chưa ai quên: "Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm... " và "Này em Giắc, hãy ngủ đi!” “Dưới ánh trăng, anh bạn Pi-e-rô của tôi..." Khi gần hết trung học, phong trào yêu nước do Đảng Cộng sản phát động như một làn gió mới tràn ngập khắp các tầng lớp thanh niên, sinh viên, học sinh, thì họ lại cùng nhau say sưa hát "Thăng Long thành xưa" ... “Bạch Đằng giang..." và "Này thanh niên ơi ...". Máu trong tim họ đã một thời cùng dạt dào chảy theo một hướng và nóng hổi tình nghĩa đồng bào, cùng tinh thần ái quốc...

Đến khi quân Pháp quay trở lại gây hấn, chuẩn bị đánh chiếm lại Hà Nội và cả nước ta, Hà Nội được lệnh tản cư. Phải chia tay, họ đã ngậm ngùi cùng hứa "sẽ có ngày gặp lại". Dạo ấy Cường theo cha mẹ về Hưng Yên, Di vẫn ở lại. Kháng chiến bùng nổ, Di mặc nhiên trở thành một người lính của trung đoàn Thủ đô. Còn Cường sau đó đã nghe theo gia đình hồi cư về Hà Nội. Năm 1949, anh ta theo học Trường võ bị Thủ Đức.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #184 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2009, 01:55:54 pm »

Cuộc chiến đã cuốn mỗi con người theo một xoáy lốc khác nhau. Đã bao nhiêu con người bị nghiền nát, và bao nhiêu con người được sàng lọc lại? Và không thể nào ngờ hôm nay hai người bạn cũ lại gặp nhau như thế này. Ở đây - cái Điện Biên Phủ sôi bỏng này...

- Anh Di ạ, tôi biết nói gì với anh bây giờ nhỉ? Trước hết anh đừng nhìn tôi bằng con mắt thù hận như vậy

Người bị bắt chỉ hơi nhếch miệng cười.

- Trời, nom anh cười, thật càng không sao lẫn được nữa! Anh không khác trước là bao, những cái năm lớp nhì, lớp nhất trường Hàng Than ấy.

- Anh vẫn chưa quên hả .

- Quên sao được anh! Chao ôi! thời thơ ấu bao giờ cũng đẹp.

- Cái đó cũng còn tuỳ...

- Tôi vẫn nhớ tôi hay quay góp bài của anh. Nhưng nhớ nhất cái lần chúng ta đánh nhau với bọn thằng Tân ở Hàng Đường. Anh đã nhận tất cả mọi chuyện, để tôi khỏi bị đuổi học... Hồi đó, tôi nhút nhát lắm, không được như anh...

- Thôi chuyện cũ ...

- Anh trước là người giàu tình cảm lắm! Tôi vẫn nhớ như thế...

Cường vừa nói vừa đưa bao thuốc thơm ra. Di lắc đầu:

- Tôi con nhà nghèo, không quen những thứ này từ nhỏ. Điều này chắc anh cũng vẫn nhớ.

Cường hơi ngượng, đặt bao thuốc xuống. Rồi chép miệng:

- Anh Di ạ, tôi thật không ngờ chúng ta lại gặp nhau trong cảnh ngộ này ... Tôi không muốn đối xử tệ với anh như là... thường lệ.

Di gật đầu :

- Tôi có nhận thấy điều đó.

Cường có vẻ hả dạ:

- Anh hiểu bụng tôi, vậy tôi... có thể giúp anh...

Đôi mát Di bật sáng.

- Có thật thế không? 

- Thật chứ! Anh Di ạ, tôi có thể sẵn sàng bảo lãnh cho anh khỏi bị... Mọi điều không hay xảy ra, khi người Pháp biết là anh bị bắt vào đây...

Đôi lông mày Di thoáng nhíu lại, như chưa hiểu rõ:

- Anh cứ nói tiếp đi!

- Anh sẽ được cứu chữa vết thương và được đưa về Hà Nội. Và anh sẽ yên ổn làm ăn sinh sống...

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #185 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2009, 01:57:15 pm »

Di ngồi thẳng người dậy, cắt ngang câu nói của Cường:

- Như vậy có nghĩa là …

- Phải, có nghĩa là anh thôi đừng trở lại hàng ngũ Việt Minh kháng chiến làm gì nữa.

- Ôi! Nghĩa là tôi phải từ bỏ ... tất cả? ...

- Không phải. Chỉ có nghĩa là... anh thôi đừng hoạt động.

- Thì cũng vậy thôi, cũng có nghĩa là tôi phải từ bỏ tất cả?

- Là bạn cũ, tôi thành thật khuyên anh. Anh Di ạ, đừng có ảo tưởng. Chúng ta không làm gì được người Pháp đâu? Thân phận nhược tiểu da vàng mà anh!

Mặt Di thoắt đỏ dần lên:

- Anh nói là Pháp mạnh. Nhưng chúng tôi đang thắng họ ở Điện Biên Phủ đây thôi ?

- Không đâu anh? Đây chỉ là mấy "cứ” tạm thời ban đầu họ bị bất ngờ. Các anh chưa thấy hết được cái căn cứ quân sự khổng lồ này đâu. Nó là đệ nhất châu Á sau thế chiến thứ hai đấy. Các anh đánh vào đây là sai lầm lớn.

Người bị bắt lặng đi và mặt càng xẩm đỏ. Cường nhận thấy điều đó. Anh ta ngừng lại. Lát sau, Di mới cất tiếng, giọng anh như trĩu hẳn xuống và lạ hẳn đi:

- Anh Cường trố. Tôi biết anh nói thực, song anh nói hoàn toàn không đúng. Nhưng thôi, khoan tranh cãi đã. Bây giờ tôi chỉ muốn anh giúp tôi một việc, liệu có được không? 

Cường chăm chú. Di mạnh bạo:

- Anh hãy thả tôi ra, anh có thể làm được không anh Cường? 

Như có một quả trái phá bất ngờ lao tới nổ tung ngay giữa chiếc lều vải. Cường như bàng hoàng, choáng váng. Mãi sau anh ta mới ấp úng được:

- Không! Anh Di, không! Sao lại thế được? Tôi đâu dám! Tôi không có thẩm quyền ...

- Nhưng tôi đang còn ở trong tay anh kia mà!

- Anh Di? Anh thông cảm cho tôi. Thả anh ra, tương lai sự nghiệp cả đời tôi nữa...

Di nhếch mép cười:

- A, thì ra... anh vẫn thế! Anh vẫn không dám làm một điều gì khác, mặc dầu...

- Anh Di! - Cường trố như van vỉ: - Anh hiểu cho tôi tôi chỉ là...

Di lại nhếch mép cười lần nữa. Nhưng lần này giọng anh rít hẳn lại:

- Là tay sai, là một lính đánh thuê, có phải không anh ?

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #186 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2009, 01:58:10 pm »

Đến lượt Cường vụt đỏ mặt. Anh ta đập tay xuống bàn :

- Anh không được nhục mạ tôi! Anh nên nhớ muốn gì thì anh đang là tù binh trong tay tôi. Anh cần giữ lễ độ! Tôi đã không muốn làm dữ, làm hại anh thì thôi, anh lại còn ...

Di quay lưng lại. Từ đó anh câm bặt như một tảng đá mặc cho Cường trố lảm nhám nói tiếp những điều gì đó

Xẩm tối, Di được đưa lên một chiếc xe gíp để vào khu trung tâm Mường Thanh. Một tên thượng sĩ nhảy dù đi áp giải anh. Cường trố cố tình lánh mặt.

Chiếc xe gầm lên, lao trên con đường đất đỏ bụi mù. Lát sau quẹo đi quẹo lại nhiều lần, vượt qua những vị trí dày đặc, chiếc xe dừng lại trước một khu hầm rất lớn trên nóc chất nhiều bao cát. Phía trước khu hầm là một tấm biển gỗ có vẽ một chữ thập đỏ và một dòng chữ: Trung tâm Quân y.

Di ngạc nhiên quay lại phía tên thượng sĩ ngụy ngồi bên:

- Vào đây chứ không phải vào phòng Nhì, hoặc chỗ Đờ Cát xtơ ri? 

- Vâng ! Trung uý tôi bảo đưa ông vào đây để người ta băng bó lại cho ông, và chữa chạy cho tử tế đã. Rồi đưa ông sang bên phòng Nhì cũng không muộn.

Di thở trút ra nhè nhẹ. Rồi chiếc xe gíp quay về. Và ngay đêm hôm đó một tin từ Trung tâm Quân y bay đì như một dòng điện: tên tù binh Việt Minh cả gan lợi dụng tình trạng quá lộn xộn của trung tâm sau hai trận Him Lam, Độc Lập đã trốn mất. Các lực lượng tuần tra đã được lệnh kiên quyết truy tìm, bắt lại bằng mọi giá...

Năm tháng sau. tập đoàn cứ điểm Điện Biên hoàn toàn thất thủ. Cũng may cho Cường trố, anh ta đã bị thương sau buổi Di trốn thoát không lâu. Còn may hơn nữa, chiếc máy bay tải thương đưa anh ta cùng hơn tám mươi thương binh ngụy về Hà Nội, là chuyến máy bay cuối cùng hạ cánh được xuống sân bay Mường Thanh. Từ đó về sau: ba tiếng Điện Biên Phủ như đã đồng nghĩa với: Địa ngục sống.

Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết và quy định bộ đội kháng chiến sẽ vào tiếp quản Hà Nội chính thức từ ngày 10 tháng 10 năm 1954 .
Hà Nội đã trải qua những ngày náo động, Pháp, ngụy tới tấp lo di chuyển vào Nam. Đi hay ở lại? Câu hỏi ấy quay cuồng dữ dội trong không ít gia đình. Với một tâm lý hết sức chán nản và mệt mỏi, Cường đã đi tới một lựa chọn cuối cùng là ở lại. Phải, ở lại, và cố quên đi mọi chuyện. Ở lại, và thử làm lại cuộc đời xem sao...

Nhưng không ngờ, ngay giữa ngày 10 tháng 10 năm ấy quyết định của anh ta đã hoàn toàn sụp đổ. Tò mò, đứng lẫn trong đám đông dân chúng để "xem" những người kháng chiến, những người cộng sản trở về, mắt Cường bỗng như lồi hẳn ra. Anh ta không thể lầm được. Hoàn toàn không phải là một giấc mơ, hoặc một huyền thoại nào đó về những "tráng sĩ ra đi nay trở về" mà những bà già vẫn kể cho trẻ nhỏ. Đi đầu một tiểu đoàn bộ binh xung kích không phải ai khác, chính là người mà Cường đã bắt được ở Điện Biên Phủ, người đã yêu cầu Cường nếu quả là vì tình bạn còn có tình bạn thì hãy thả anh ra, mà Cường đã không có đủ can đám đáp lại... “Thì ra anh vẫn thế". Anh ta đã nhếch mép cười khinh bỉ và nói vậy. Có thể hiểu câu ấy là: “Thì ra ngày thơ bé anh đã hèn yếu, nay anh vẫn hoàn toàn là một tên hèn nhát, không hơn không kém".

Choáng váng, Cường bỏ đám đông quay về. Có cái gì sụp đổ ghê gớm trong lòng anh ta. Đồng thời một nỗi đắng cay cũng tràn ngập. Thêm cả một nỗi lo sợ. Dù mơ hồ, dù viển vông, nhưng nó cứ âm thầm gặm nhấm, cưa xẻ mãi tinh thần anh ta một cách thảm hại.

Hơn một tháng sau, Cường có một quyết định mới: bí mật đưa vợ con xuống Hải Phòng, nơi đó thuộc khu "ba trăm ngày", quân Pháp vẫn chưa rút hết khỏi miền Bắc để vào Nam...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #187 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2009, 02:01:10 pm »

Hai mươi năm sau.

Cường đã là trung tá chỉ huy phó một tiểu khu trên cao nguyên miền Trung.

Mùa xuân 1975, trận Buôn Ma Thuột kinh hoàng đã mở đầu cho sự sụp đổ của toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn trong năm đó.

Sau Buôn Ma Thuột, tất cả như tan ra từng mảng, như đứng trước một sức mạnh thần bí khủng khiếp, như đã tới giờ tận số của định mệnh không gì cưỡng lại nổi.

Cường bị bắt sống trên đường đang tháo chạy cùng một số nhân viên hành chính địa phương.

Anh ta bị giải tức khắc tới Sở chỉ huy nhẹ của một sư đoàn tấn công đang như bão lốc đuổi giặc. Gọi là sở chỉ huy, thực ra chẳng có cái gì hết. Chỉ có mỗi người chỉ huy nhỏ nhắn đeo súng ngắn đang đứng ở bên đường. Mặt xanh xám nắng gió. Tấm vải dù khoác sau lưng lỗ dỗ vết đạn, còn cạnh anh là một nhóm người, chắc là sĩ quan tham mưu tuỳ tùng và một tổ điện đài lưu động.

Cường bị trói và dẫn tới sáp mặt người chỉ huy ấy. Lúc đó, Cường mới nhìn được rõ hơn và kêu lên một tiếng nho nhỏ, giật lùi trở lại, gần như té ngửa... Người chỉ huy cũng sửng sốt và bước hẳn lên mấy bước:

- Cường trố phải không .

- Trời, anh... à! ông Di, nếu tôi... tôi không nhầm?

- Phải, tôi, Di đây? Hay quá nhỉ? Thì ra... là anh!

Di bật cười vang. Hàm răng của anh vẫn trắng và rất đều đặn như xưa. Tiếng cười thật sảng khoái. Tiếng cười ấm. Không thấy vẻ hận thù, hoặc rợn lên sự tàn bạo.

Và thế là, lại như hai mươi năm về trước, ở bên đường truy kích này đã diễn ra cuộc đối thoại giữa hai con người đã một thời là bạn hữu, nay địa vị đã hoàn toàn bị lật ngược. Người bị bắt trước kia nay đã trở thành người chiến thắng và kẻ tự coi là chiến thắng trước kia, nay hai tay đang bị trói chặt...

Di ngồi xuống tảng đá. Anh xoè diêm, thong thả mồi một điếu thuốc. Khi anh cúi xuống, nom lại càng đúng là Di xưa, "Di học gạo" "Di gầy". "Cái thằng quanh năm từ thời một cái quần ka-ki, một chiếc áo sơ-mi xanh nhàu nát. Nhưng là một thằng dễ mến, hay giúp đỡ mọi người và đặc biệt tự trọng, khẳng khái ...". Cường ngắm nhìn và một cái gì đó tựa như một niềm tủi hổ hơn là một nỗi sợ hãi, xâm chiếm toàn bộ đầu óc, làm cho hai mắt anh ta bỗng cay cay muốn ứa lệ.

- Ngồi xuống! Phải, tôi cho phép anh ngồi xuống gốc cây đó! Đến lượt tôi nói với anh: không ngờ chúng ta lại còn được gặp nhau, và gặp nhau trong cảnh ngộ này. Kỳ lạ thật, phải không anh?

Cường cúi mặt. Nước mắt anh la ứa ra thật, không cầm được nữa.

- Không! Tôi không có ý muốn làm nhục hoặc mỉa mai anh. Nhưng quả thật, tôi không khỏi nhớ lại lần chúng ta gặp nhau ở Điện Biện Phủ. Tôi biết hôm ấy anh không có ý xử ác hoặc làm hại tôi. Và anh đã thành thật khuyên tôi một vài điều nào đó...

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #188 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2009, 02:01:55 pm »

Cường ngẩng mặt lên. Bộ mặt anh ta đã như hoàn toàn méo mó. Anh ta muốn gào lên để van xin Di đừng nhắc lại chuyện cũ nữa. Di nhìn cặp mắt rã rượi, đau khổ và tủi nhục của tên tù binh. Anh ngừng lại. Điếu thuốc đã cháy sát hai ngón tay vàng khè. Gương mặt anh chìm sâu trong những suy nghĩ. Rồi anh vẫy mấy chiến sĩ lại:

- Đứng coi người này. Cẩn thận nhé! Tôi đi gặp Chính uỷ, trao đổi ý kiến một chút.

Di đi khuất. Cường lo sợ nhìn theo. Anh ta sẽ làm gì mình đây? Anh ta sẽ tra khảo lấy khẩu cung luôn, hoặc có thể bắn liền? Tù binh hiện nay rất đông, một cái miệng này đâu có còn giá trị gì nhiều cho lắm?

Làm thế nào dể thoát? Làm gì? Làm như thế nào bây giờ hả trời. Số phận sao mà ghê gớm!...

Rất mau. Di đã quay lại. Anh không ngồi xuống tảng đá nữa, mà đứng xoè diêm tiếp tục mồi một điếu thuốc thứ hai. Nét mặt anh rất khó đoán. Vui vẻ, cởi mở, lẽ cố nhiên là không rồi nhưng cũng không giận dữ, không hung ác...

- Anh Cường, nghe đây! Trước ở Điện Biên Phủ tôi có đề nghị anh thả tôi ra. Nhưng anh không dám. Cuối cùng bây giờ anh thấy đấy, cuộc sống đã chứng minh con đường nào là con đường đúng...

Cường lại cúi mặt. Anh ta định nói cái gì đây? Rào đón để rồi sẽ bắt Cường phải làm những điều gì, chịu đựng những gì?

- Nhưng mà thôi, không có nhiều thì giờ để nói với anh đâu, tôi muốn kết thúc cuộc gặp gỡ hôm nay bằng một việc ...

Trái tim Cường như đứng hẳn lại.

- Tôi sẽ thả anh, mặc dầu anh không dám yêu cầu. Anh ngạc nhiên lắm hả? Phải, tôi nhắc lại: tôi sẽ thả anh. Cho anh được tự do, tìm đường trở về Sài Gòn với vợ con anh...

- Ôi ông Di ... . ông Di! Có thật không? Tôi xin... Tôi biết làm gì để bày tỏ ...

- Thôi không phải nói gì hết. Các chiến sĩ của tôi sẽ cho anh một bộ thường phục, cho anh theo dân chúng trở về Sài Gòn. Không có điều kiện gì hết. Chỉ mong anh hãy trung thực. Thấy gì ở đây thì nói lại đúng như thế với gia đình, và nhất là bè bạn anh. Thế thôi. Và này, không đùa đâu, chúng ta sẽ lại gặp nhau ở Sài Gòn đấy nhé!

Tất cả mọi việc đã diễn ra hoàn toàn như một giấc mộng .

Đôi tay Cường run lên đỡ lấy bộ quần áo thường dân và một số lương khô, đồ hộp. Anh ta không nói nổi một lời nào nữa. Nỗi mừng cuống quít đến mê sảng.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #189 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2009, 02:02:02 pm »

Về tới Sài Gòn mà anh ta vẫn chưa thực tin mình còn sống. Và chỉ hai tháng sau, không thể nào tưởng tượng được nổi - câu nói cuối cùng của Di, mà Cường đã quên bẵng đi rồi, nay không ngờ đã trở thành sự thật. Quân cách mạng thắng như chẻ tre và đã áp sát tới Sài Gòn.

Sài Gòn đã hoàn toàn sụp đổ. Gia đình các sĩ quan, binh lính và những người thân Mỹ giày xéo lên nhau để ra sân bay và bến cảng.

Cường cuống cuồng đưa vợ con tới Toà đại sứ Mỹ. May sao lại gặp một sĩ quan CIA quen biết. Tên này kéo được Thanh Tuyền và hai đứa nhóc vào qua hàng rào lính thuỷ đánh bộ. Cường bị gạt ở lại. Anh ta tự an ủi: sẽ đi chuyến sau. Nhưng nào ngờ đó là chuyến trực thăng bi thảm cuối cùng.

Anh ta kẹt ở lại. Ngay hôm sau toàn thành phố được giải phóng.

Như một người rồ, anh ta đi lang thang, cười cười, khóc lóc trên các đường phố đang đỏ rực màu cờ. Một mình anh ta trơ trọi giữa căn nhà nay đã trở thành hoang phế, như một hồn ma ai oán giữa một nhà mồ. Cũng may, nhà bên là một gia đình trí thức, có mấy cô con gái đang là sinh viên, và họ đều là Phật tử. Với lòng từ thiện, thi thoảng họ bảo nhau chạy sang khuyên giải hoặc nấu cơm, nấu cháo cho người hàng xóm đau khổ.

Và buổi sáng 1 tháng 5, khi lại lang thang như ma ám, đi lên các đường phố, anh ta đã bắt gặp một trong những đơn vị của quân giải phóng diễu hành. Anh ta đã gặp lại Di chăng. Người chỉ huy đơn vị ấy cũng nhỏ nhắn, cũng có cặp mắt thông minh và nụ cười như hơi chế giễu... Có lẽ đúng là Di? ôi kỳ lạ! Nếu vậy thật kỳ lạ biết bao! Một lần nữa, kỳ lạ thật, anh ta đã gặp lại Di lần thứ ba, cứ y như một điều gì đã được định sẵn một cách hoàn toàn chính xác, bởi một bộ máy vô hình huyền bí, màu nhiệm nào đó. Đây có phải sự kết thúc của một cuộc đuổi bắt nhau ghê gớm tới tận cùng trái đất? Hay là sự ngã ngũ bi thảm của sự thách đố về việc lựa chọn một lẽ sống

Cường quay trở về, tái nhợt như một xác chết. Anh ta run rẩy mở cửa, vào nhà, mở các hốc tủ. Anh ta tiếc không còn giấu lại được một khẩu súng sáu nào. Ngồi rũ xuống một lúc, anh ta lại đứng dậy, lần mò vào bếp. Một gói thuốc bả chuột. Đây rồi! Thanh Tuyền mua từ lâu vẫn vứt xó ở đây...

Anh ta ngửa cổ lên, bàn tay run bắn mở gói giấy ra.

Lúc đó, dưới cầu thang gác, hai cô nữ sinh đang mau mắn bước lên. Họ nhớ tới bữa ăn trưa của ông hàng xóm khốn khổ. Vừa ló đầu vào nhà, hai cô đã nghe thấy rầm một tiếng, rồi một bóng người ngã gục. Hai cô rụng rời cả chân tay. Cô lớn tuổi hơn sớm hiểu ra chuyện gì. Cô lao ra ngoài nhà, thét lên: - Có người chết! Có người bị ngộ độc!"

Và xe cấp cứu đã rú còi inh ỏi tức tốc lao tới.

Trong bệnh viện, anh ta nằm thiêm thiếp, bên tai mơ hồ vọng lại mãi những câu hát nào đó. như từ một thế giới hết sức xa xăm và không hề có thực: "Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm... " và “Em Giắc ơi, hãy ngủ đi, nghỉ đi ... ".
1976


HẾT
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM