Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 08:30:15 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Số phận Lữ dù 3 Nguỵ Sài Gòn  (Đọc 133637 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 12:39:39 pm »

Tên sách: Số phận Lữ dù 3 Nguỵ Sài Gòn
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2005
Số hoá: ptlinh, Sao Vàng


SỐ PHẬN LỮ DÙ 3 NGỤY SÀI GÒN

Trời tối đã khá lâu. Trong trại dù Hoàng Hoa Thám kế bên sân bay Tân Sơn Nhất, đại tá lữ đoàn trưởng lữ dù 3 Nguyễn Văn Thọ đang ngồi một mình trước chiếc bàn làm việc đã được thu dọn sạch quang. Sổ sách, giấy tờ... đã đóng hòm ném lên xe từ hồi sáng. Trên tường cũng không còn một tấm bản đồ nhỏ. Chỉ còn trở lại một tấm lịch bìa, ghi ngày: 1 tháng 2 năm 1971, (Mồng năm tháng giêng Tân Hợi, theo âm lịch Sài Gòn). Toàn thể lữ dù 3 đã sẵn sàng để di chuyển. Theo kế hoạch đã hợp đồng, lẽ ra toàn lữ đã được không vận ra vùng chiến thuật 1 từ sáng. Nhưng không rõ bọn Mỹ, bọn trên sư đoàn làm ăn trục trặc ra sao. bây giờ vẫn còn vận chuyển sư đoàn bộ chưa xong.

Thọ ngồi đấy,đôi mắt long lanh dữ tợn trừng trừng nhìn ra những mảng sáng: mảng tối bên ngoài hành lang,đầy vẻ sốt ruột, bực bội. Bộ đồ dù loang lổ chặt căng bó lấy tấm thân cao lớn, to béo của y làm cho y càng có vẻ đẫy đà, to béo hơn. Đôi giày cao cổ nửa da nửa bạt đầy những khuy đồng cũng bó chặt lấy đôi cẳng của y làm cho vết thương ở ống chân bên trái chưa lành hẳn càng thêm khó chịu, đôi lúc đau nhức lên. Đó là vết thương do súng phòng không nhẹ của Campuchia bắn hồi cuối tháng 5-1970 khi lữ dù 3 của y đang tiến hành cuộc hành quân xâm lược theo kế hoạch Mỹ ở vùng Lưỡi Câu. Một băng đạn đã bắn lủng bụng chiếc trực thăng. Một viên đã xuyên chéo bắp chân y, sát ống xương, động tới một số dây thần kinh. Y đã được đưa về trại Hoàng Hoa Thám, nằm ở nhà thương Đỗ Vinh - cái nhà thương đặc biệt của quân dù - suốt từ cuối tháng 5-1970 tới trung tuần tháng 1-1971 nghĩa là trước Tết Tân Hợi này có ít bữa mới được tạm trở về nhà.

Nhưng đùng một cái lại được lệnh phải tham gia hành quân (Chiến dịch.) "... Thưa trung tướng sư trưởng, cái chân tôi còn đau, chưa lành hẳn... "; " Xía! Đi đứng cho thẳng thắn, đường hoàng lên chút nào! Chi mà cà nhắc, cà nhót? Khó coi dữ đa? Lịnh trên đi là đi! Cứ ngồi hầm mà chỉ huy thôi!”; “Đ... mẹ có chi mà nặng nhọc, ông đại tá?".

Vô học, nóng nảy, thô lỗ, đầu óc đặc sệt như đất, không biết nghĩ cái gì hết, cũng chẳng chịu nghĩ cái gì hết, đó là đặc điểm cơ bản của Dư Quốc Đống, viên tướng dù cao lớn, đen cháy, lúc nào cũng làm ra vẻ nghênh ngang, "oai dũng". Đống leo lên chức trung tướng, Tư lệnh trưởng dù chỉ vì có một lẽ: y là người của Thiệu. Có vậy thôi? Cả Sài Gòn này, ai cũng đều biết rõ điều đó.

…Lẽ cố nhiên, cuối cùng khi ra khỏi phòng họp, Đống cũng có khích lên cấp dưới của y được một câu: "Nè, tôi không thể thiếu một lữ trưởng như ông trong cuộc hành quân này. Ông hiểu bụng tôi chớ? Đ... mẹ, tôi nói thiệt đó, ông đại tá!”.

Ấy là cuộc họp tại bản doanh sư dù cũng tại trại Hoàng Hoa Thám nhằm ngày 27 tháng Chạp âm lịch (Sài Gòn). Tức là ngày 22-1-1971. Có đủ mặt các tên tiểu đoàn trưởng trong toàn sư và các tên lữ trưởng. Lữ 1: tên đại tá Lưỡng, một con người khoan thai, độ lượng nhưng lại là một viên chỉ huy hay do dự, thiển cận. Lữ 2: tên đại tá Lịch, mới từ tiểu đoàn trưởng lên, một con người chỉ huy chiến trận có vẻ hung hăng nhưng thật ra chẳng ra sao: lại tài xảo trá, làm thì láo báo cáo thì nhiều. Và Thọ, người mà Đống tỏ ra có phần vì nể trong công việc hành quân, chiến trận hơn cả, nhưng lại ghét vì thói kiêu căng, tự phụ. Tại cuộc họp ấy Đống chỉ phổ biến nhiệm vụ sơ sơ: toàn sư dù sẽ di chuyển ra vùng chiến thuật 1, hành quân dài ngày.

Nhiệm vụ có vẻ bình thường. Cách phổ biến của Đống cũng không có gì đặc biệt cho lắm. Y chỉ dặn thêm: ngoài vùng 1, thời tiết không giống ở đây. Phải cho binh lính mang áo phòng lạnh. Có vậy thôi. Nhưng cả ba tên lữ trưởng đều dưa mắt nhìn nhau. Có điều gì còn chưa rõ đây! Mấy bữa liền, báo chí nước ngoài và Sài Gòn đang lao xao bàn tán về một cuộc hành quân lớn của Việt - Mỹ có thể sẽ xảy ra mai mốt ở Ai Lao. Báo nói là Bô-lô-ven. Báo nói là vùng A So, A Lưới. Báo lại nói là đường 9... Thọ nghi hoặc. Y lựa lời ướm thử:

“Năm 1968, người Mỹ giữ Khe Sanh, tôi còn là trung tá cũng có ở đó. Tôi thuộc địa hình ít nhiều...". Nhưng, Đống đã cau mặt lại : "Khe Sanh, Khe Đỏ chi! Đ... mẹ! Trên bảo ra vùng 1, chỉ biết có thế thôi!". Rồi y quay về phía các lữ trưởng khác dặn: "Các ông nữa, nhớ giữ bí mật. nghe. Lộ ra, lính nó lại trốn như mọi cuộc hành quân trước, tôi sẽ không tha các ông đâu! Để cho lũ nó ăn Tết vui vẻ song đã"
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Năm, 2020, 04:59:33 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #1 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 12:40:27 pm »

Cuộc họp tan. Chiếc xe gíp lao vút ra khỏi cổng trại, chạy vô trung tâm đô thành xuyên thẳng đại lộ Lê Văn Duyệt, rồi rẽ về hướng nhà Thọ. Y ngồi khoanh tay trước ngực, đôi mắt xếch, dữ, mở trừng trừng nhìn về một điểm vô hình phía trước. Trong lòng y hết sức buồn bực, khó chịu. Hành quân! Lại hành quân! Họ không còn coi cái mạng y ra sao hết. Chân y vẫn còn đau, họ còn lạ chi! Hơn nữa, nếu như báo chí đoán đúng, họ lại muốn làm một chuyện gì đó ở Ai Lao, thì thật điên rồ? Cam- bốt đang kẹt chưa xong.

Nhưng cũng dễ hiểu thôi, Mỹ muốn, tức trời muốn! Đống là cái chi? - Cũng là một tên lính dù như Thọ mà thôi. Thậm chí Thiệu, Kỳ cũng thế! Hai tên lính? Người ta bảo "uýnh" thế là chúng “uýnh!” vong mạng. Nhưng có cái khác, hai tên lính đó “uýnh” không phải bằng máu chúng mà bằng máu của người khác. Rồi sau đó bao nhiêu cái béo bở, chúng lại được Mỹ cho nghiễm nhiên hưởng hết. Cuộc đời bây giờ là như vậy!

Đã quá ngán từ lâu. Muốn ẩn ở một nơi, muốn vứt bỏ cái áo dù bông (hoa) này đi cho rồi. Nhưng còn biết bao cái ràng buộc: vợ con, đồng lương, tài sản... Và cũng phải thú thiệt: dẫu sao cũng đã có một nghề làm ăn khá rôm rả - nghề quân sự - và cũng đã là một sĩ quan cao cấp có một vị trí khá lớn trong xã hội. Vì vậy thật ra cũng tiếc!

Ngoài ra cứ như lũ báo chí ở đây thì "bên kia" e cũng đáng sợ. Một bi kịch đã âm thầm phá hủy trong tâm hồn y, từ khá lâu, tất cả những cái gì là trong sáng, yên ổn. Cuối cùng, như vào ngõ cụt, y nhắm mắt lại cố quên hết mọi chuyện và chỉ cốt lo sao giữ cho lòng tự trọng khỏi bị tổn thương, cho những bông mai (cấp hiệu) trên ve áo khỏi rụng. Vì vậy đã làm thì ra làm, đã "uýnh” thì ra “uýnh". Để cho họ hiểu rằng: thằng Thọ này dầu sao cũng không bao giờ là thằng hèn hoặc một thằng tồi tệ chỉ biết nhận lấy những bông mai. nhận lấy đồng lương mà không chịu làm cái chi cho tử tế hết?

Đi Cam-bốt cũng vậy thôi: không còn thấy hứng thú chi? Nhưng mệnh lệnh: đi! Là đi. Và đã đi, y gắng không để cho cái lữ dù của y bị chửi là một lũ ăn hại! Y dốc hết tâm lực ra, cố tấn công, phòng thủ... cố tránh sao cho binh lính của y khỏi bị những tổn thất đau đớn nhất.

Và bây giờ, tất cả những sự việc ấy lại tái diễn. Nhưng không phải ở Cam-bốt. Họ sẽ ném bọn y vào đâu?. Khe Sanh, Ai Lao? Tuy nhiên, đã phải đi thì đi. Và đi cho nhanh. Đáng ghét nhất là sự lằng nhằng, mất thì giờ...

Trong lúc Thọ ngồi đấy, sốt ruột và buồn bực, ngoài hành lang bọn sĩ quan tham mưu của y đang đứng tán chuyện phiếm về dịch nuôi và kinh doanh chim cút ở Sài Gòn, về cái Tết "mùa xuân chiến sĩ" do cái Tổng cục Chiến tranh chính trị của chúng chủ trương vừa qua với những đêm văn nghệ ở nhà hàng Ritz, nhà hàng "Đêm màu hồng" cùng những danh ca: Khánh Ly, Lệ Thu, Giô Mác-xen (Jo Marcel) ưỡn ẹo, điệu đến chảy nước, và hề Trần Văn Trạch rẻ tiền cùng đội múa nhảy của Huê Kỳ hớ hênh, cuồng giật...

- Đ… mẹ! Chiến sĩ chẳng thấy đâu, chỉ thấy rặt những "phu nhơn” và lũ tỉ phú được bữa hả! - Tên thiếu tá tham mưu trưởng Hiền bình luận. Nhưng lời bình luận ấy không được những tên khác chú ý cho lắm. Bọn chúng còn đang mải nghe thiếu tá Đức trưởng ban hành quân (Ban tác chiến.) nói về những ngón chơi bài lá. Đức tuy là trưởng ban dưới quyền Hiền, nhưng được số đông những tên sĩ quan trong bộ tham mưu lữ nể hơn. Vì Đức rất thạo việc. Y là dân Bắc. Vào lính từ 1953, hồi Còn Pháp. Cả gia đình y di cư vô đây.

Tuy nhiên ai cũng biết: Thọ một mặt rất cần Đức, một mặt cũng không ưa Đức, coi y là một đứa khôn ngoan xảo trá, đầy những tham vọng. Đức cao dong dỏng: mặt dài có mấy vết sẹo nhỏ lấm tấm ở gò má phải. Đó là dấu vết một trận mìn của Quân giải phóng ở Quảng Trị năm 1968. Y đeo một cặp kính cận nhẹ (để làm dáng nhiều hơn là có tác dụng thiết thực). Y nói giọng Bắc giả Nam Bộ. Mỗi lần nghe cái giọng "Nam Bộ giả cầy" ấy. Thọ lại thấy khó chịu.

Đức đang đứng nói thao thao thì Thọ tập tễnh bước ra. Đức vội im bặt. Cả lũ sĩ quan tham mưu cùng vội đứng nghiêm chỉnh lại. Thọ nóng như lửa và nghiệt ngã trong công việc. Bọn sĩ quan cấp dưới rất nể sợ.

- Sư đoàn di chuyển song chưa? Có điện gọi ra phi trường chưa?

Đức cất cái giọng ngọt ngào, lễ phép:

- Thưa đại tá chưa!

- Điện hỏi lại đi!

- Xin tuân lệnh!
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #2 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 12:41:19 pm »

Bọn sĩ quan tham mưu được dịp, tản vội đi. Thọ cau có định trở lại phòng mình. Đức vẫn còn cố nán lại, vẻ mặt thật kính trọng và ưu ái:

- Thưa đại tá, chẳng hay cái chân đau của đại tá...

- Cám ơn. Không hề chi - Thọ lạnh nhạt.

- Thưa đại tá tôi nghĩ lý do chậm trễ có lẽ vì đây là lần đầu tiên quân dù ta, toàn sư đoàn di chuyển cùng một lần. Trung tướng sư đoàn trưởng tránh sao khỏi... lúng túng.

Đức đã trích đúng vào cái điều mà y biết: Thọ vốn không phục Đống, hơn nữa, không ưa Đống cũng như Đống không ưa Thọ. Quả nhiên Thọ gật đầu, tán thành ngay ý kiến của hắn một cách hăng hái:

- Rồi! Còn lẽ chi nữa! Nắm một sư đoàn mà không tổ chức nổi một cuộc di chuyển cho ra hồn! Như vậy đó! Cuối cùng nếu có chết thì tôi chết, anh chết và những thằng lính chết. Ngoài ra, có ai chết đâu?.

Đức thoáng rợn người. Y vốn tin tướng số và các điềm lành, dữ. Trước lúc ra quân, Thọ nói như gở mồm. Y vội lảng sang chuyện khác.

Nửa đêm mới có điện lệnh cho lữ dù 3 bắt đầu ra sân bay. Lũ sĩ quan tham mưu rầm rập lên xe. Các đơn vị khác trong lữ bộ cũng ồn ào, náo động, bắt đầu từ từ tiến ra khỏi trại. Bên chiếc máy siêu tần số, Thọ gọi tên trung tá tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 Trần Văn Thạch, lệnh cho y nhanh chóng vào đường băng trước tiên. Kế hoạch đã ấn định thứ tự di chuyển như sau: tiểu đoàn 2 - lữ bộ - tiếp đó là tiểu đoàn 3, kế tới là tiểu đoàn 1, cuối cùng là tiểu đoàn pháo. Những đơn vị mới được tăng cường: trung đội truyền tin, đại đội quân y, đại đội thám báo (trinh sát) đi cùng lữ bộ.

Đơn vị đầu tiên của chúng tôi đã tới phi trường. - Tiếng tên Thạch vang lên, đanh giòn trong máy - Thạch vốn từ hàng binh lính, qua chiến trận mà lên tới trung tá tiểu đoàn trưởng. Rất ngổ ngáo, mặc dầu công tác tham mưu và chỉ huy phối hợp của y còn non. Đó là một tên lính dù thực sự. Thọ vẫn nghĩ vậy. Y vốn tin ưa những người có lịch sử chiến đấu tương tự như y. Thạch mỗi khi nói bọp mép thường sùi ra, giống hệt một con chó dại.

Lát sau, Thọ cùng bộ tham mưu của y đã tới bên đường băng dành riêng cho những chiếc máy bay khổng lồ C.130 mang tên Héc-quyn bốc lữ đoàn của y ra Đông Hà. Lúc đó, những toán lính dù cuối cùng của tiểu đoàn 2 đang lục tục leo lên máy bay, chúng nai nịt gọn gàng, mang toàn súng Mỹ kiểu hiện đại nhất, đội mũ sắt Mỹ, đeo ba-lô Mỹ và những túi vải cũng Mỹ để làm công sự.

Thọ ngồi xuống một hòm đạn pháo binh. Đêm mùa xuân Sài Gòn nồng nực như mùa hạ. Sân bay rộng lớn, rực sáng cả một vùng trời làm cho không khí càng có vẻ thêm oi bức. Tiếng máy bay lên xuống liên tục trên nhiều đường băng khác nhau, gầm vang, căng thẳng, nhức nhối.

Chợt có tiếng chân người phía sau. Thọ quay lại toán cố vấn Mỹ đang bước tới. (Từ năm ngoái, để cho... dễ nghe hơn. Thiệu, Kỳ đã xin với Mỹ đổi tên những toán cố vấn thành những toán yểm trợ hành quân). Một tên thiếu tá cao lêu đêu, mũi nhọn và khoằm như mỏ quạ. Một tên đại úy to béo, lạnh lùng và mệt mỏi. Hai tên hạ sĩ giúp việc. Đây là toán cố vấn mới tới lữ đoàn từ trước Tết. Thọ chưa thuộc hết tên tuổi và tính tình chúng (Lũ cố vấn hồi sang Cam-bốt đã đổi đi nơi khác). Thọ vốn không ưa bọn cố vấn Mỹ, chỉ vì có một lẽ: tài năng chúng xoàng, nhưng chúng lại luôn tỏ ra là những ông chủ hách dịch, mặc dầu có thằng cũng biết giữ ý: hách dịch một cách khéo léo. Thọ miễn cương chìa tay ra.

- Sức khỏe đại tá tốt chứ?. - Tên thiếu tá Mỹ niềm nở.

- Cám ơn! Bình thường!

- Đại tá đã nổi tiếng là một trong số những sĩ quan được nhiều huân chương nhất, cũng lại là một trong những người gan dạ, từng trải nhất. Lần này quả là không thể thiếu mặt đại tá được!

Thọ uể oải :

- Trung tướng Đống cũng đã nói với tôi điều mà ông vừa nói. Cám ơn!

Tên Mỹ vẫn cố giữ vẻ lịch sự, khẽ nghiêng mình, mỉm cười.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #3 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 12:42:12 pm »

Đúng hai giờ sáng, chiếc C.130 khổng lồ trắng lóa dưới các ngọn đèn ở sân bay chở Thọ cùng toán cố vấn Mỹ bắt đầu rời dường băng. Sài Gòn rực sáng bên dưới xa dần. Rồi chỉ còn thấy một màn đêm thăm thẳm bốn bề, và ngọn đèn đỏ ở đầu cánh hiện lên lẻ loi như một ngôi sao lạc bay lướt mãi trong vũ trụ tối tăm, giá lạnh. Thọ ngồi bên thiếu tá Mỹ.

- Đại tá có cảm tưởng gì về cuộc di chuyển lớn chưa từng có này? Tên Mỹ cất tiếng hỏi trước.

- Thế còn ông, ông thiếu tá, ông có cảm tưởng gì?

Tên Mỹ cười vang:

- Ồ! Có lẽ chúng ta cùng chung một ý nghĩ thôi, ông đại tá! Ý nghĩ của các ông cũng là của chúng tôi, ý nghĩ của chúng tôi cũng là của các ông.

Nó nói đểu rồi ! Nó muốn bảo thẳng vào mặt tên Thọ: "Các ông phái làm theo ý kiến của chúng tôi. Ông hiểu chưa?". Nhưng dầu cay đắng, dầu tự kiêu đến mấy, cuối cùng, cũng như mọi khi, Thọ lại đành nghiến răng chịu đựng. Làm sao được? Đã có khá nhiều tấm gương: những kẻ vì tự ái chống lại bọn cố vấn Mỹ, cuối cùng đã bị bóp chết dưới bàn tay của Thiệu, Kỳ.

Nỗi buồn bực càng trĩu nặng trong lòng. Thọ nhắm mắt lại, cố ngủ cho quên đi. Nhưng không sao ngủ được. Sự bực bội dịu đi, thì những nỗi băn khoăn, hồ nghi, lo lắng hôm nào lại bùng dậy trong lòng y. Rồi đột nhiên những hình ảnh của vùng Khe Sanh 1968 lại hiện về với những trận pháo kích ác liệt của Quân giải phóng, những cuộc chạy dài không phải của riêng quân ngụy Sài Gòn mà cả quân Mỹ...

Khe Sanh! Phải chăng lần này chiến trận lại diễn ra ở cái vùng đáng sợ ấy? Hoặc, đúng như các báo xì xào, lại diễn ra ở tận đất Ai Lao? Mà có lẽ một chuyện gì, một mưu đồ gì đó to lớn ở đấy thật chăng? Bây giờ mới thấy chuyến thăm viếng Sài Gòn của Le-đơ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đầu tháng Giêng, rồi liên tiếp sau đó là viên chủ tịch Ban tham mưu liên quân Mỹ, Mắc Kên, Tư lệnh quân lực Mỹ ở Thái Bình Dương tới Thái Lan và Sài Gòn trong tháng qua là không bình thường. Đáng chú ý hơn cả cuộc hội đàm kín giữa Le-đơ và Thiệu vào ngày 29-1-1971 - nghĩa là đúng mồng 2 Tết (Sài Gòn). Có gì mà phải vội vã, bí mặt thế? Và cũng đúng ngày ấy, ở Mỹ, Râu-giơ bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đã họp báo úp mở nói rằng: Mỹ đang có những sự tăng cường hoạt động quân sự ở Cam-bốt và cả Ai Lao nữa, nhằm đảm bảo cho tính mạng binh lính Mỹ và để cho cuộc rút quân của Mỹ được nhanh hơn.

Nếu vậy, thì quả là lần này cuộc hành quân sẽ không một chút nào đơn giản như người ta đã cố làm ra vẻ bình thường và đơn giản với bọn chúng ở Sài Gòn...

Do việc tổ chức di chuyển rất kém. đúng bốn giờ ba mươi phút sáng ngày 2-2-1971, chiếc máy bay của bọn tham mưu lữ dù 3 mới tới sân bay Đông Hà. Trời hãy còn tối. Lất phất mưa bay; gió lạnh căm căm. Quả là thời tiết phía Bắc có khác thật. Bọn Thọ đứng co ro xít xoa. Lính tiểu đoàn 2 cũng còn đứng đầy ùn ở dọc đường băng cùng xe cộ, đạn dược ngổn ngang.

Một lúc lâu sau mới thấy xe của Phòng 4 của sư đoàn tới đón đưa bọn Thọ tới một địa điểm cách sân bay bốn ki lô mét về phía nam. Đó là một thôn nhỏ, có một ngôi trường học một gian dài ở sát bên đường xe lửa, hạ trại; ở phía sau thôn là những quả đồi cằn cỗi đầy sim, mua - vùng đồi Ái Hữu. Ngôi trường học gần như bỏ hoang: bàn ghế gãy, đổ lỏng chỏng, mạng nhện dăng dầy trên mái. Một hình tổng thống Thiệu treo lệch lạc bên một chiếc bảng đen đầy những hình vẽ đàn ông, đàn bà giao cấu và nhữn câu chửi rất tục.

Bọn lính công vụ dọn ngôi trường cho sạch sẽ lại, lấy bạt ngăn làm ba gian. Một gian dành cho Thọ cùng tên trung tá Mai xử lý thường vụ phụ trách lữ đoàn phó ở. Gian giữa, ày một chiếc bàn gấp, sáu chiếc ghế gấp làm phòng hành quân. Gian cuối, dành cho lũ sĩ quan tham mưu. Mỗi tên đều có một chiếc ghế bố mang theo. Riêng các binh lính công vụ và trung đội truyền tin, đại đội trinh sát... thì tràn vào trong xóm, treo võng la liệt trong nhà dân, bất kể họ có đồng ý hay không. Thiếu chỗ, chúng treo võng cả bếp và ngoài hiên.

Một cảnh tượng náo động diễn ra trong cái xóm nghèo tội nghiệp ấy. Cha gọi con, chồng gọi vợ... thất thanh. Những cô gái vội vã bịt kín mặt chạy tóe ra khỏi xóm như một bầy gà con nom thấy diều hâu. "Mấy ông mũ đỏ đã về đấy!"; “Lính dù đã đến đấy...!"; "Ô! Chi mà ồn lên vậy cô Ba? Coi chừng, chạy ra đồi cũng toàn mấy ông mũ đỏ thôi! Đằng nào cũng vậy, mấy cô, ở lại với các anh cho vui!"... Thọ đã quá quen với những cảnh lộn xộn ấy và y cũng thấy đó là lẽ thường của con nhà lính, không có gì lạ hết. Ngay chiều ấy, y được triệu tập lên họp ở quân đoàn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #4 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 12:42:48 pm »

Quân đoàn viễn chinh xâm lược Sài Gòn cùng bọn Mỹ tổ chức cuộc họp ở trên một quả đồi, trước là căn cứ Mỹ nay do bọn quân ngụy vùng 1 chiếm giữ. Đồi đỏ loét nham nhở hầm hố, hàng rào phòng thủ dày đặc như mạng nhện. Trên đỉnh đồi có mấy ngôi nhà gỗ lợp tôn. Phòng họp tuy không sang trọng như ở Sài Gòn, nhưng không khí nghiêm trọng khác thường.

Khi Thọ tập tễnh, kềnh càng bước vào đã thấy ở giữa dãy bàn, tên tướng Hoàng Xuân Lãm mặt dày những thịt, đội chiếc mũ nồi lệch về một bên, đang thì thào xun xoe nói gì với tên trung tướng Mỹ Su-dớc-len (Sutherland). Tên Mỹ mặt đỏ như gà trọi. giọng nói khàn khàn khô lạnh. Hai bên tả hữu bộ đôi quan trọng vào bậc nhất ấy là đủ bộ những tên tướng lĩnh trọng yếu: Dư Quốc Đống trung tướng sư trưởng dù, Phạm Văn Phú chuẩn tướng sư trưởng sư đoàn 1, Luật đại tá thiết giáp, Hiển đại tá biệt động quân và toàn thể bộ tham mưu quân đoàn. Đặc biệt: tất cả bọn cố vấn Mỹ của lũ Đống, Phú, Hiển, Luật cũng đều đến đông đủ.

Chỉ còn thiếu bọn tướng lĩnh của lũ thủy quân lục chiến. Nhưng ai cũng biết: Lê Nguyên Khang không thèm đến. Khang vốn có hiềm khích và rất khinh Lãm. Mặc dầu chỉ là tướng hai sao, nhưng Khang không hề phục tùng Lãm. Trước đây, Lãm còn là cấp dưới của Khang. Chỉ vì tài nịnh bợ Mỹ và được lòng Thiệu mà Lãm đã nhanh chóng leo lên tướng 3 sao.

Thọ ghé ngồi xuống một chiếc ghế cạnh tên tướng lữ trưởng sư 1 ở góc phòng, ngước mắt nhìn lên tấm bản đồ xanh rì phía sau Lãm. Ai Lao rồi! Không còn nghi ngờ gì nữa! Nam Ai Lao và đường 9. Rõ ràng rồi, một mưu đồ quá lớn! Thọ không khỏi bàng hoàng. Y liếc nhìn khắp mặt các tên lữ trưởng khác kể cả dù, cả thiết giáp, cả những tên trung đoàn trưởng thuộc sư đoàn 1. Không một tên nào không tỏ ra đăm chiêu. Lát sau, một tên sĩ quan ăn mặc chải chuốt đến sau lưng Lãm báo cáo: cuộc họp đã đông đủ. Lãm đẩy ghế đứng đậy, nghiêng mình lễ phép xin phép tên Su-dớc-len nói trước. Tên Mỹ cười khố khố:

- Ồ! Ngài trung tướng quá lịch sự! Chúng tôi muốn từ nay các ngài sẽ đóng vai chủ chốt trong tất cả mọi việc kia mà!

Lãm lại nghiêng mình để đáp lại lời nói mà y cho rằng rất có duyên và ý nhị ấy. Sau đó y cầm chiếc que dài bước lại gần tấm bản đồ lớn bắt đầu dõng dạc, hùng hồn trình bày về mục đích cuộc hành quân cùng những ý đồ lớn trong kế hoạch của quân đoàn.

Đây là một cuộc hành quân, theo lời y, đã được hai bên Việt - Mỹ trao đổi chuẩn bị từ lâu, đặc biệt đã được Tổng thống Ních-xơn đích thân xem xét và đồng ý. Một cuộc hành quân quy mô lớn chưa từng có của Mỹ bằng "Quân lực cộng hòa" cộng với hỏa lực của pháo binh, không quân Huê Kỳ. Một cuộc hành quân có một ý nghĩa cực kỳ trọng đại: để chứng minh học thuyết Ních-xơn là đúng, chương trình "Việt Nam hóa" thành công. Quân lực Việt Nam cộng hòa (ngụy) từ nay có thể tự mình đảm đương lấy chiến tranh với sự yểm trợ hỏa lực của Huê Kỳ. Một cuộc hành quân có tầm chiến lược quan trọng: sẽ làm thay đổi cục diện chiến tranh ở Đông Dương, dồn Cộng sản tới chỗ bế tắc, quy liệt...

Cuộc hành quân Đi-nây-can-nhơn 2 này để có vẻ Việt Nam thuần túy hơn, đã được cải là Lam Sơn 719. "... Các ngài Le-đơ, Mắc Kền... đã đến tận chiến trường Việt Nam ta để kiểm tra lại lần cuối mọi tình hình, xét duyệt lại lần cuối toàn bộ kế hoạch này và rất hài lòng... Ngài A-bram tác giả chủ yếu của kế hoạch tuyệt vời này cũng đã tỏ ra hoàn toàn hài lòng về mọi công việc chuẩn bị...".

Về cụ thể. mục tiêu cuộc hành quân trước hết là tiến đánh vùng Nam Lào cắt đứt mọi đường tiếp tế của đối phương, lục soát phá hủy mọi kho tàng của đối phương, thiết lập các căn cứ hỏa lực. Khi thắng lợi, sẽ phát triển xuống Hạ Lào, vùng Bô-lô-ven chiếm hoàn toàn vùng này, nối liền với Nam Lào thành cả một vùng hoàn chỉnh. Rồi mục tiêu tiếp theo sẽ là: phía Bắc Lào và miền Bắc Việt Nam, tùy theo tình hình lúc đó sẽ ấn định...

- Thưa các chiến hữu, ngày 3 tháng 2 năm 1971 Tổng thống Ních-xơn đã ký lệnh bảo đảm với Tổng thống Thiệu của Việt Nam cộng hòa là cuộc hành quân sang Ai Lao sẽ được Mỹ yểm trợ tuyệt đối. Bởi lẽ đó, Tổng thống Việt Nam cộng hòa sẽ đích thân phát động cuộc hành quân lịch sử này! Bởi lẽ đó, chúng ta lần đầu tiên trên một chiến trường không rộng lắm, sẽ tập trung gần như toàn bộ lực lượng tinh nhuệ trù bị chiến lược quốc gia với sự yểm, trợ tối đa của không lực Huê Kỳ, quyết sẽ giành lấy một chiến thắng vĩ đại.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #5 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 12:43:43 pm »

Càng nói Lãm càng hăng hái, kích động hơn lên, mặt đỏ dừ, mắt điên đại. Y càng nói càng gào lên cho thêm hùng hồn. Nhưng vì hăng hái kích động, hùng hồn quá y không kịp nhận thấy những bộ mặt tướng lĩnh thuộc cấp của y, nhất là hàng ngũ các tên lữ trưởng, trung đoàn trưởng - những tên sẽ phải trực tiếp nhảy vào lửa - vẫn không hề có một sắc thái nào hào hứng hoặc xúc động hơn lên dầu chỉ là chút ít.

Lãm nói xong, hổn hển ngồi về chỗ cũ. Tên tham mưu trưởng quân đoàn lên trình bày tiếp về những điểm lớn trong kế hoạch cụ thể.

Chiến trường sẽ được chia làm 3 khu Vực:

Khu A : La Tương - Cha Ki - Điểm cao 500.

Khu B: Khu vực trung tâm: trục chính là đường 9, mở rộng sang hai bên nam, bắc, mỗi chiều trên dưới mười ki lô mét.

Khu C: vùng các điểm cao nam đường 9: 660, 462... và Phu Cốc Tôm, Phu Khe Gio.

Nhiệm vụ giai đoạn đầu của cuộc hành quân: đánh chiếm Bản Đông và các vùng nam, bắc đường 9 rồi thẳng tiến tới Sê Pôn. Sê Pôn được coi như trọng điểm tấn công, mục tiêu lớn nhất, quan trọng vào bậc nhất trong giai đoạn này. Nhiệm vụ tiếp theo sẽ là Sa-va-na-khét và tiến xuống phía nam... Thời gian cuộc hành quân: hết tháng 5-1971 (nhưng cũng có thể sẽ để lại một số binh lực, nếu lúc đó xét thấy có thể và cần thiết).

Lực lượng Việt Nam cộng hòa (ngụy) được sử dụng: Sư dù (trụ cột của lực lượng trù bị chiến lược quốc gia). Sư thủy quân lục chiến (cũng thuộc lực lượng trù bị chiến lược quốc gia). Liên đoàn biệt động quân số 1 nổi tiếng ác ôn. Sư 1 tinh nhuệ (mới được huấn luyện, bổ sung, và trang bị mạnh tương đương với mọi sư đoàn bộ binh Mỹ). Ngoài ra còn các lực lượng thiết giáp, pháo binh hùng hậu của trù bị chiến lược quốc gia và của vùng chiến thuật 1. Lực lượng yểm trợ Mỹ: Sư đoàn bộ binh cơ giới 5, lữ đoàn dù không kỵ 101, sư đoàn A-mê-ri-cơn. Những đơn vị này sẽ đóng rải từ Cửa Việt qua Khe Sanh tới Lao Bảo. Cộng thêm nhiều đơn vị pháo tầm xa cực nhanh, pháo tầm xa cỡ lớn 175 sẽ được bố trí dọc biên giới Lào - Việt. Riêng về không lực sẽ có: 500 trực thăng vận chuyển, 1.500 máy bay chiến đấu.

Phân nhiệm: Liên đoàn biệt động quân sẽ đảm nhiệm Khu A (Cha Ki - La Tương - Điểm cao 500). Sư đoàn dù phụ trách trục trung tâm cuộc hành quân: đường 9. Sư đoàn 1 bộ binh sẽ tiến chiếm khu C. Ngày tiến quân vượt biên: N + 9 (8-2-1971). Ngày chiếm Bản Đông: N + 12 ((11-2-1971).

- Như vậy, thưa các chiến hữu, chúng ta đã nắm chắc chiến thắng trong tay ngay từ bữa nay rồi!

Lãm lại đứng lên hớn hở nói. Nhưng một tên sĩ quan cao cấp nào đó ngồi lấp ở xa đột ngột xin hỏi về tình hình địch. Lãm quay lại trao đổi ý kiến với viên tướng Mỹ, một lúc mới trả lời. Y cho biết đây cũng lại là một điều rất thú vị, một cuộc vừa đấu sức nhưng cũng vừa đấu mưu giữa quân lực Việt Nam cộng hòa với Cộng sản. Y cho biết: một chiến dịch tuyên truyền nghi binh vừa qua trên các báo chí đã đưa tới kết quả: Quân cộng sản đã bị lừa, tin là Sài Gòn được Mỹ yểm trợ lớn sẽ đánh vào vùng Bô-lô-ven Hạ Lào.

Mặt khác, tướng A- ram vừa đưa một lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ (1.500 tên) vào vịnh Bắc Bộ, do đó miền Bắc có thể lo sẽ bị tấn công "một ngày gần đây"; một số đơn vị chủ lực khác của họ tất sẽ bị kìm chân ở các tỉnh thuộc phía Bắc vĩ tuyến.

Như vậy Lãm đắc chí quả quyết, với những sự tính toán chính xác nhất của các máy móc điện tử, của các tài liệu thám sát đường không, đường bộ, của tình báo quốc gia... thì hiện nay có thể biết: trên khu vực mà quân đoàn (ngụy) hành quân, sẽ chỉ có lực lượng vận tải và bảo vệ đường. Nếu chủ lực đối phương vận động, di chuyển tới vùng này thì ít ra cũng phải đầu tháng 3-1971.

Như vậy, khi ấy quân Sài Gòn đã đứng chân rất vững ở tất cả các chốt hỏa lực, và ở cả Sê Pôn rồi. Đối phương dù có tài trời cũng không xoay chuyển lại được tình thế nữa...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #6 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 12:44:24 pm »

Cuối cùng đến lượt Su-dớc-len đứng dậy nói. Giọng y khô khốc, đều đều:

- Thưa các ngài sĩ quan Việt Nam cộng hòa, chắc các ngài đã biết từ tháng 11 năm 1970, tức là đã ba tháng qua, các pháo đài bay B.52 đã đánh liên tục, giẫm nát hết những vùng mà các ngài sẽ đi tới. Và B.52 sẽ còn tiếp tục rải thảm... nhiều hơn nữa ngay trong cuộc hành quân của các ngài. Nếu ví dụ có chủ lực, thì sẽ không có một đơn vị bộ đội chủ lực nào của đối phương có thể tồn tại được nếu chưa nói tới chuyện tập trung để tác chiến. Chúng sẽ bị nghiền ra tro bụi dưới sức nặng của các pháo đài bay. Đó là chưa tính đến tất cả những phi cơ oanh tạc, cường kích khác mà chúng tôi sẽ tập trung cao độ nhất trong cuộc chiến tranh này để yểm trợ cho các ngài. Chúng ta sẽ chiến thắng! Nhất định sẽ chiến thắng. Điều đó không có thể nào khác được, như Chúa đã phán quyết

Thế là đã rõ ràng, quá rõ ràng cái mưu đồ lớn, có lẽ là quá lớn của người Mỹ và những "thượng cấp" ở Sài Gòn bằng cái cuộc hành quân đẻ ở Mỹ nhưng lại mang tên Việt này. Cứ kể ra binh lực tập trung trên một chiến trường không lớn như thế làm nên chuyện nếu như tình hình diễn biến bình thường. Nhưng đã qua Cam-bốt rồi, Thọ và nhiều tên tướng, tá khác đã hiểu rất rõ một điều: Không mấy khi mọi việc lại diễn ra đúng như ý muốn của các "thượng cấp"! Vậy lần này họ có lưu ý tới những kinh nghiệm Cam-bốt không?

- Quân Cộng sản chỉ có thể chống đỡ được ở Cam-bốt. Và họ cũng chỉ có đủ lực lượng ở Cam-bốt! Bây giờ họ đang khánh kiệt về quân số chủ lực. Nói chung, lực lượng họ từ hai năm nay đã suy yếu...

Viên tướng Mỹ lại cất tiếng nói tiếp như vậy. Ngoài trời vẫn mù mây. Gió lạnh lướt trên các hàng rào dây kẽm gai bật lên những tiếng kêu buồn bã. Một tốp B.52 từ phía đông bay ngang qua, hướng thẳng phía tây. Tiếng hú như ma quỉ trên vòm trời ảm đạm. Tiếng trọng pháo nổ rền rền ở đâu đây.

Trong lúc đó, ở ngôi trường nhỏ bên đường xe lửa thuộc khu đồi Ái Hữu, những tên sĩ quan trong bộ tham mưu lữ dù 3 cũng đang quây quanh chiếc bàn gấp. Chồng bản đồ từ trên sư đoàn gửi xuống đã được tên đại úy Trụ, tên đại úy “sữa" nhất trong bộ tham mưu, trợ tá cho tên thiếu tá Đức ráp lại. Ai Lao! Nam Ai Lao và đường 9. 

Tất cả những khuôn mặt đều ngao ngán, hết ngẩng lên nhìn nhau lại cúi xuống tấm bản đồ xanh rì một màu với những ký hiệu dày đặc.

- Chết cha! Phen này bị ném sang cái đất này, gay rồi đó! Tên thiếu tá Đức lẩm bẩm! - Cứ tưởng ra vùng 1 thế cho thủy quân lục chiến nó về Sài Gòn nghỉ. Ai ngờ...

Trụ đứng bên. Y mới ở trường huấn luyện tân binh ra được hơn một năm, còn rất ít kinh nghiệm chiến đấu, nên rất phục Đức, con người đã hai lần dính đạn Việt cộng mà không chết. Trụ thành thực khẽ hỏi:

- Sẽ khó khăn hơn ở Cam-bốt nhiều phải không, thưa thiếu tá?

Đức nhún vai, lấy một ngón tay đẩy chiếc kính tụt ở sống mũi lên:

- Sao không? Tôi đã biết Khe Sanh 1968 - Khe Sanh coi như toàn Mỹ hồi đó cũng không còn ăn thua, nữa là bây giờ? "Họ" pháo kích khủng khiếp lắm. Thêm nữa, nay sang Ai Lao, mình chưa rõ địa hình, "họ" lại quá quen rồi... Chuyến này đi, giữ được cái đầu về là phúc đó!

Trụ đứng ngẩn ra. Thốt nhiên một nỗi lo sợ đến đau đớn choán ngập hết tâm hồn y. Y nhớ tới cô nữ sinh bé nhỏ Sài Gòn, người yêu của y mà y đã định bụng năm nay sẽ làm lễ cưới. Ôi. Em bé nhỏ của anh? tại sao khi ra đi, anh đã ngu đần không hiểu gì hết, không từ biệt em bằng tất cả nỗi đau buồn nhất của một cuộc chia tay có đi mà không thật hoàn toàn có khả năng trở lại... Tay Trụ như run lên, khi gấp tấm bản đồ. Đôi mắt sầu thảm của y liếc nhìn về phía Đức. Tên này đang ngồi cúi đầu im lặng, mặt hơi quay vào tường. Đức đang nghĩ gì? Đang lo gì? Đang mưu tính gì? nào Trụ có biết!
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #7 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 12:45:08 pm »

Họp quân đoàn, rồi họp sư đoàn, rồi họp tới lữ đoàn. Một loạt những cuộc họp liên tiếp, rối bận, căng thẳng và chồng chất những lo âu. Có lẽ chỉ có cuộc họp của lữ đoàn với các tiểu đoàn trưởng là còn làm cho tên đại tá lữ trưởng có phần đỡ lo, nếu không muốn nói: tin tưởng được đôi chút. Bởi lẽ các tên trung tá tiểu đoàn trưởng của lữ dù 3, cái lữ dù kỳ cựu này đều là những "hổ, sói", cả Thạch tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1, con người có vẻ ngổ ngáo, hễ nói là sùi cả bọt mép, ai cũng biết rồi.

Phước tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 6, là một tên cứng nhất trong ba tên. Y cũng từ hàng binh lính mà lên, có khá nhiều kinh nghiệm, có nghị lực tốt. Y luôn luôn cố tạo cho mình một bộ mặt "người hùng" sắt lạnh, không mấy khi cười. Lính dù 3 đã đùa bảo nhau: "Phước mà cười là trời mưa!".

Riêng Phát, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3 dù. tinh thần không được can trường cho lắm, nhưng tháo vát, linh lợi, lại được tên tiểu đoàn phó và trưởng ban hành quân giỏi việc, nên cũng vào loại tin cậy được.

Cả ba đều có vẻ hăng hái, mặc dầu cũng có lo chiến trường xa lạ, chưa rõ đối phương thực hư ra sao. Có một điều, Thọ hiểu, có lẽ nếu chúng có háo hức chút nào thì cũng là do lời hứa của Đống: sau cuộc hành quân này tất cả sẽ được lên một cấp. Ngoài ra, Đống rồi cả Lãm đã trực tiếp xuống tận nơi. cổ súy rất sôi động “những thiên thần mũ đỏ" làm cho lũ binh lính cũng tỏ ra bớt lo lắng. Hơn nữa, phần lớn lũ chúng ít hiểu biết, nếu không muốn nói là ngu đần nên cũng chẳng lo xa.

Một buổi sáng, khi đi ngang qua một đại đội. Thọ thấy lính tráng của y đang kéo ra vẫy chào những đoàn "cua sắt" của tên đại tá Luật nườm nượp kéo trên lộ số 1. Có thằng lính nhỏ tuổi mặt non choẹt, ngây thơ dại dột một cách tội nghiệp đã khoái trí reo ầm lên. Nó có biết đâu chủ tướng của nó thì lại đang ngày đêm phải tính từng việc lo từng cái vỉ sắt, viên đạn... đến thắt cả ruột lại.

Bước qua ngày 5-2-1971, toàn lữ dù 3 được bốc vào một địa điểm cách Khe Sanh 4 ki lô mét. Lần này không phải bằng C.130 mà toàn trực thăng. (Tuy nhiên, do tổ chức kém, pháo binh của lữ phải kéo bộ).

Khe Sanh! Có đặt chân tới đây mới thấy quả là quân đội Mỹ đã chuẩn bị rất kỹ cho cuộc hành quân Lam Sơn 719 này. Xe, pháo chúng đã kéo tới đây từ hồi nào. Rất nhiều căn cứ chúng đã bỏ hoang từ cuộc rút chạy 1968 nay đã được khôi phục lại, đỏ loét như những mụn lở khổng lổ giữa một vùng đồi núi, rừng rậm xanh um.

Con đường số 9 cũng đã được công binh Mỹ phát quang và sửa sang lại. Những hố bom, hố đại bác đã được lấp bằng. Những cây cầu lớn nhỏ đã được làm lại hoàn toàn. Xe tải, xe tăng Mỹ gầm rú suốt ngày đêm vận chuyển binh lính, đạn dược, lương thực, từ Cửa Việt vào Đông Hà; từ Đông Hà vào Khe Sanh; từ Khe Sanh vào Làng Vây: Làng Vây rồi đến Lao Bảo. Máy bay phản lực quần đảo như quạ trên bãi tha ma. Không gian chẳng lúc nào không sặc sụa mùi xăng, mùi dầu nhớt, mùi thuốc súng.

Chốc chốc lại thấy tiếng hú man rợ khác biệt của B.52 vượt trời bay sang Lào. Chốc chốc lại thấy một toán quân xa Mỹ chở lính đi tuần tiễu trên đường. Những tên lính Mỹ nom thấy lũ lính dù la lên như chó sói để bỡn cợt có thằng giơ năm đấm. Lũ dù cũng không kém. Có thằng vạch quần ưỡn ngửa ra cho tụi Mỹ. Đó là kiểu chào "thân hữu", kiểu chào "đồng minh" quen thuộc của cả hai bên.

Khe Sanh! Đất dữ. Vừa đổ quân xuống, toàn thể quân dù 3 phải tức tốc đào hầm hố, đề phòng pháo kích hoặc tập kích. Sau đó mới chém cây, phát quang đất, căng dựng tăng, bạt...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #8 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 12:45:41 pm »

Nơi lữ dù 3 đổ xuống, cây cối khá rậm rạp nhưng còn rất non, mới cao tới đầu người. Sau thấy có rất nhiều cây cối: mít, cà-phê và từng vườn mía, từng vườn củ mì, (củ to tới bắp chân người) mới đồ chừng đây là một khu làng trù phú cũ, nay dân đã bị gom về Cửa Việt hết.

Bọn lính công vụ căng cho Thọ một lều nhỏ, làm cho bọn tham mưu một lều lớn, đồng thời đấy cũng là phòng hành quân. Sau đó chúng chia nhau đi canh gác, lùng sục rộng ra bốn phía chung quanh. Khe Sanh! Đây là nơi tập kết cuối cùng của lữ dù 3 và của tất cả các đơn vị ngụy quân khác để chuẩn bị một đợt chót, hoàn tất toàn bộ kế hoạch, rồi sẽ bước thẳng vào cuộc chiến đấu xâm lược.

Ba ngày liền, ngày nào Thọ cũng phải lên tham mưu sư đoàn (hạ trại ngay kế đó) để nhận tình hình mới và thảo luận hợp đồng chi tiết thêm mọi mặt với sư đoàn. Trời vẫn u ám lạnh giá. Không gian ảm đạm, rầu rĩ. Hình như thiên nhiên không muốn họa theo cái nhịp độ chuẩn bị càng ngày càng nóng bỏng của cuộc tấn công xăm lược đại quy mô này của Mỹ - ngụy.

Đã là ngày N + 8. Thọ cưỡi một chiếc OV.10 (máy bay thám thính và chỉ điểm cho phi cơ, pháo binh) bay sang Lào trước để thám sát địa hình. Nhiệm vụ của lữ dù 3: phải đổ quân xuống dải đồi ở bắc đường 9 khoảng 10 ki lô mét đường chim bay, thiết lập 3 căn cứ, lấy tên: căn cứ 30 (ám danh Hoa Đại, bọn Mỹ lấy chữ H và chữ D ở đầu hai chữ gọi là Hotel Delta). Căn cứ 31, căn cứ trung tâm toàn lữ (ám danh: Tuyết Châu. Bọn Mỹ cũng lấy hai chữ T và C gọi là Tango Charli) và căn cứ 32 (chưa có ám danh).

Căn cứ 30, sẽ thiết lập trên ngọn đồi 655 (bản đồ Mỹ: 727 ) cách biên giới Lào - Việt 8 ki lô mét. Căn cứ 31, sẽ lập ở mỏm 456 (bản đồ Mỹ: 534). Mỏm này nằm về phía tây điểm cao 655 khoảng 10 ki lô mét đường chim bay. Căn cứ 32 dự tính sẽ được thiết lập ở tây 31, 10 ki lô mét. Như vậy lữ dù 3 có nhiệm vụ sẽ tạo nên một lá chắn thép ở sườn bắc của toàn sư đoàn. Nếu tính cả quân biệt động ở Khu A (Cha Ki - La Tương - điểm cao 500), thì lữ dù 3 cùng quân biệt động sẽ tạo nên một bức tường thép của cả quân đoàn ở hướng Bắc. Mà hai điểm then chốt nhất trong cánh bắc này là điểm cao 500 của biệt động và căn cứ 31 của lữ dù.

Kế hoạch tiến quân đã được ấn định như sau: ngày N + 9 (8-2-1971) đại bộ phận sư dù với quân biệt động và đại bộ phận sư đoàn 1 bộ binh bắt đầu cùng ồ ạt tiến quân sang Lào dưới sự yểm trợ đồng loạt của hàng chục trận địa pháo binh cực nhanh nòng dài mạnh mẽ của Mỹ và dưới sự phối hiệp của các máy bay chiến đấu phản lực Mỹ, kể cả những phi vụ B.52 ném ở vòng ngoài liên tục trong ngày.

Đội hình của riêng sư dù sẽ như sau: Lữ 2 ở lại vùng Lao Bảo làm đội dự bị. Lữ dù 1 cùng hai thiết đoàn 11, 17 hợp thành một lữ đoàn đặc nhiệm đi đường bộ thẳng đường 9, tiến tới cầu Ka Ki rồi đánh chiếm bản Đông. Lữ 3 sẽ được không vận, ném tiểu đoàn 2 cộng hai pháo đội xuống điểm cao 655 trước, thiết lập căn cứ 30. Căn cứ này hoàn tất sẽ dùng trọng pháo của nó bắn vươn tới điểm cao 456 để cho bộ chỉ huy lữ cùng bộ chỉ huy tiểu đoàn pháo binh, pháo đội dù 105 cùng tiểu đoàn 3 dù đổ xuống đấy, thiết lập căn cứ 31. Riêng tiểu đoàn dù 6 (lữ 3) vẫn phải tạm nán lại Khe Sanh, đợi lữ 1 và thiết giáp chiếm xong Bản Đông mới có thể nhảy sang vượt qua 31, lập căn cứ 32 theo kế hoạch đã định. Nếu vì lý do nào đó, lữ dù 1 và thiết giáp chưa tới Bản Đông theo đúng hạn. thì tiểu đoàn 6 vẫn cứ phái đợi .

Kế hoạch đã được vạch ra như vậy. Nhưng vẫn chỉ toàn trên bản đồ. Cần phải được tận mắt nhìn xuống cái 30, cái 31 ấy xem nó thực sự ra sao, có thể đổ quân được không, hoặc cần phải lựa một điểm cao khác. Nhưng trời vẫn đầy mây. Chiếc OV.10 bay cao, máy kêu to, rất khó chịu. Thọ không quen loại này. Người y nôn nao. Nhìn xuống, chỉ thấy toàn một màu mây xám chì dày đặc cuồn cuộn như sóng biển. Thất vọng, Thọ yêu cầu tên Mỹ lái quay về.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #9 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2009, 12:46:53 pm »

Y vừa đau chân, vừa mệt mỏi, vừa tức giận, tập tễnh bước tới chiếc lều bạt lớn. Ngó vào thấy một lũ sĩ quan đang túm tụm quanh một cỗ bài lá, vẻ bí mật và thành kính. Một tên trong đám đông bỗng mừng rỡ reo lên:

- Đ... mẹ! Lành nhiều dữ ít! Không có can chi mấy cha!".

- Đại tá” - một tên khác nom thấy Thọ, la to. Cả bọn ném vội cỗ bài, sợ hãi quay lại.

- Các ông bói bài?

Bọn sĩ quan xanh mắt nhìn nhau. Một tên đánh bạo, ấp úng đáp thay đồng bọn:

- Thưa đại tá không? Rỗi buồn, chúng tôi nghịch chơi chút ít.

Lẽ ra như mọi khi Thọ sẽ lập tức "nổi trận lôi đình", thậm chí có thể đập vào mặt chúng. Nhưng lần này. Thọ chỉ nhìn chừng chừng một lát, rồi thở dài lẳng lặng quay ra. Lát sau, y gọi tên thiếu tá Hiền tham mưu trưởng cùng tên trung úy trưởng ban 5 (tâm lý chiến) tới lều riêng:

- Họ lo ngại điều chi nhiều hơn cả?

- Thưa đại tá, lo nhất là đối phương...

- Sư đã thông báo: ở đây chỉ có quân vận tải!

- Thưa đại tá không một ai tin. - Thiếu tá Hiền nói - gạt đứa con nít thì được nhưng gạt những thằng này sao nổi 

- Họ lo đối phương sao?

- Họ nói: đánh đây giáp miền Bắc. Đánh đây là đánh vào khu vực đường tiếp tế trọng yếu. Như vậy, không thể nào chỉ có vài tiểu đoàn vận tải được. Họ nói: lần này sẽ khác Cam-bốt rất nhiều. Đối phương sẽ không đế yên cho ta...

- Sao nữa?

- Tối qua, họ lại nghe đài BBC nói: quân chủ lực của cả hai bên đã dàn sẵn ở biên giới, chỉ còn chờ lệnh là xông vào một cuộc tử chiến. Họ càng sợ, sợ lắm!

- Sao nữa?

- Họ nói chuyến này có đi sẽ không có về.

- Sao nữa?

- Họ nói bọn Mỹ thì mù vì chủ quan. còn Tổng thống thì vẫn... bảo sao gật vậy! Bây giờ ném quân sang đó là ném vào hang hùm!

- Sao nữa?

- Họ bảo binh lính mà biết chúng sẽ trốn hết đêm nay!

- Lệnh ngay: tuần tra nghiêm ngặt. Tối, đêm ai ra khỏi lều trại không có lệnh: bắn bỏ tại chỗ! Bất kể sĩ quan hay lính.

- Tuân lệnh!

- Họ nói sao nữa?

- Họ nói tất cả mọi chuyện này đều do người Mỹ hết.

- À à cái đó thì... lẽ cố nhiên rồi! Họ nói sao nữa?.

- Họ nói... đại tá cũng lo!

- À! À! À! Thiệt bậy! Thiệt bậy! Nhưng không có sao. Nói tiếp đi?.

- Có người nói: thà chết quách ở đây cho rảnh còn hơn sang đó mà chết mất xác.

- Đồ chó đẻ! Chúng nó nói sao nữa?

- Họ còn nói: các tướng lĩnh bảo Cộng sản đã bị gạt vì kế nghi binh, nhưng chưa chắc! Khéo ta bị gạt cũng nên !

- Hừm! Hừm! Nói điều chi mà kỳ quá xá!
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM