Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:52:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Không thể chuộc lỗi  (Đọc 51675 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #50 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:43:05 pm »

Chương 11

NHỮNG BÁC SĨ TÌNH NGUYỆN ĐẾN VIỆT NAM

"CUỘC HÀNH QUÂN ÁNH CẦU VỒNG"
    Thời gian trôi đi. Tôi không có nhiều thời gian để suy nghĩ về những thảm kịch mà mình đã trông thấy, hoặc âu lo về những người mà mình sẽ chữa trị trong ngày. Mỗi sáng, tôi lại thả bộ đến bệnh viện.
     Thỉnh thoảng, tôi đi bằng xe Jeep. Và thường là ngay khi đến bệnh viện, tôi đã bị ngập đầu vào công việc. Tôi nhớ lại hai ngày sau một cuộc ném bom rải thảm trong cuộc hành quân có mật danh là “Cuộc hành quân ánh cầu vồng”. Ở Quảng Trị, chúng tôi từng nghe có những quả bom nặng được máy bay ném bom B-52 thả xuống và nổ ở khoảng cách khá xa – chừng 16 km – làm rung chuyển mặt đất dưới chân chúng tôi. Căn cứ quân sự ở Khe Sanh bị tấn công ác liệt. Để trả đũa, những quả bom khổng lồ được thả xuống mỗi ngày. Âm thanh và sức mạnh của tiếng nổ làm rung chuyển cả núi đồi và thung lũng. Khi mặt đất rung chuyển, hầu như tôi nghe thấy trong đó tiếng kêu khóc của dân chúng vang vọng trên khắp các nẻo đường Quảng Trị. Chúng tôi thiếu người trợ giúp ở bệnh viện. Tất cả các bác sĩ quân y, các kỹ thuật viên vốn thường có thể giúp một tay chữa trị cho dân thường cùng hầu hết các y tá Hải quân đều nhận lệnh ra trận tiền chăm sóc cho thương binh.
     Sau cuộc tấn công bất ngờ bằng bom, hàng đoàn thường dân, trong đó có rất nhiều trẻ em bị thương sắp lớp tại bệnh viện. Tôi là bác sĩ duy nhất lúc đó tại tỉnh Quảng Trị và những người bị thương không còn nơi nào khác để xin cứu chữa ngoài chỗ này.
     Những trẻ em đến đây đa phần bị thương vì mảnh bom và nhiều em đã chết trên tay tôi. Những người bị thương nặng qua tay tôi được xử lý nhanh như hình ảnh trôi qua màn hình ra đa. Tôi phải làm việc thật nhanh và chỉ được một y tá Hải quân duy nhất trợ giúp. Ngay khi anh ta cưa chân các cháu bé và chăm sóc vết thương cho các cháu, thì tôi lao vào phẫu thuật hết ca này đến ca khác cho các bệnh nhân đang chờ tiếp theo.
     Tôi còn nhớ có một phụ nữ lớn tuổi bị một mảnh bom đâm vào đầu. Mảnh bom đó không đâm trúng các mạch máu quan trọng trên đường hướng tới trung tâm não bộ. Cơn nhức đầu của bà có vẻ không đe dọa đến tính mạng nên tôi để mảnh bom ở nguyên vị trí, chỉ sử dụng kháng sinh để ngăn chặn nhiễm trùng.
     Tôi nhớ đến việc tiến hành thủ thuật khoét nhân mắt của một em trai, lấy đi nhãn cầu của em nhưng chỉ trong vài giờ, vết thương đã bị nhiễm trùng nặng. Tôi không có dụng cụ thích hợp để lấy nhãn cầu. Tôi đã chích Xylocaine để gây tê vùng mắt. Tôi đã cứu được con mắt còn lại nhưng em phải chịu một vết sẹo lớn suốt đời. Cậu bé gan lì và dũng cảm này đã mỉm cười khi tôi cho thuốc chống nhiễm trùng. Cậu ta biết mình là một trong những người may mắn nhất sống sót.
     Bệnh viện trở nên quá tải và chúng tôi phải dùng đến tất cả những cơ sở tạm thời. Đó là hai lều rạp lớn ngoài sân bệnh viện. Điều kiện vệ sinh vì thế càng tệ hại hơn vì những phòng bệnh tạm thời trong lều rạp gồm những chiếc giường sắp thành hàng trên nền đất bẩn. Bệnh nhân cũng như các thành viên trong gia đình họ và những người đến thăm viếng đã tiêu tiểu ngay phía cuối các dãy giường. Một số người đến sau đã đào rãnh cho chất thải chảy vào con suối dẫn ra sông, nhưng chẳng bao lâu thì các chất cặn bã lại tích dồn thành đống.
     Tôi đã không có thời gian giải quyết nên tình trạng vệ sinh càng lúc càng tệ hại và là mối đe dọa hiển nhiên đối với sức khỏe cộng đồng. Hệ thống nước uống tại bệnh viện rất kém và không hợp vệ sinh. Nhiều chứng bệnh có thể đã được ngăn chặn nếu áp dụng tốt việc xử lý nước uống. Nhiều lần tôi đã cố giải thích với Nguyễn về ảnh hưởng của vi khuẩn đối với nước uống và sự quan trọng đến thế nào nếu như anh ta chỉ thị cho nhân viên tìm cách giữ cho hệ thống nước luôn sạch sẽ. Sự sạch sẽ là điều sống còn đối với một chuyên gia phẫu thuật nhưng chúng tôi không có bao tay cao su và tôi lại không thể rửa tay vì nước bị ô nhiễm. Tôi chỉ có thể chải nhẹ một lượng nhỏ chất khử trùng lên bàn tay từng lúc theo định kỳ – giữa thời gian mổ cho các bệnh nhân – để cố duy trì tình trạng vệ sinh.
     Trong khi đó, số người bị thương lại tăng lên. Hai cô gái trẻ nhập viện vì vết thương ở vùng bụng. May mắn cho các cô là khi khám vết thương, tôi thấy các mảnh bom không làm đứt mạch máu lớn nào, mặc dù tôi sẽ phải cắt bỏ một phần ruột của họ. Với sự trợ giúp của một y tá Hải quân, tôi tiến hành mổ cả hai cô cùng lúc, mổ từ xương ức đến vành xương chậu. Tôi còn nhớ cái cảm giác về hơi ấm của ruột các cô trên những ngón tay mình khi tôi dò tìm xem có thêm các lỗ thủng nào không. Trong mỗi ca, tôi phát hiện là các mảnh bom đều cắm vào mô mềm và đã vá lỗ thủng thành công.
     Nhưng sau mấy ngày làm việc cật lực, số bệnh nhân vẫn tràn ngập bệnh viện. Tôi nằm trên giường nhưng không thể ngủ được. Có quá nhiều thường dân vô tội bị thương. Người già, phụ nữ, trẻ em, những nạn nhân vô tội của các vụ ném bom ồ ạt, tàn nhẫn của Mỹ. Suy tưởng về tất cả những nạn nhân chết và bị thương làm cho tôi xúc động sâu sắc, âm thầm, lặng lẽ khóc một mình vào những giờ sáng sớm.
     Có một ca mà tôi không thể nào quên được là trường hợp của một bé trai 8 tuổi tên Thắng. Em bị trúng mảnh bom ở bụng, vùng chậu, chân, tay và nhiều nơi khác trên thân thể. Thắng đã ẩn náu dưới một cái mương với những vết thương như thế trong hai ngày trước khi được quân đội Mỹ dùng trực thăng chở em đến bệnh viện chúng tôi. Mẹ Thắng cùng nhiều thân nhân khác cùng theo em đến bệnh viện.
     Mẹ của Thắng ở lại với em cả ngày lẫn đêm. Sau này tôi mới biết là bà mẹ này đã mất ba đứa con khác gần Cam Lộ, một cứ điểm của Việt Cộng nằm cách Quảng Trị hơn 20 km. Thắng là đứa con duy nhất còn lại nên bà mẹ đau khổ này hết sức mong muốn cứu mạng đứa con của mình. Tôi có linh cảm là nếu như thằng bé chết thì bà mẹ cũng sẽ chết theo.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #51 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:43:56 pm »

Chương 11 (tiếp)

Khi nhập viện, Thắng đang bị sốt cao. Mặc dù bị nhiều thương tích như thế, em vẫn nở được nụ cười yếu ớt khi trông thấy tôi. Đôi mắt nâu của em ánh lên niềm hy vọng. Không một chút do dự, tôi tiến hành ngay thủ thuật cắt khí quản vì một trong những nguyên nhân gây đột tử thông thường nhất là do không thể thở được. Khi chúng tôi cởi quần áo và đặt em nằm trên bàn, dạ dày của em cứng như đá. Chúng tôi đặt ống mút dạ dày thông qua mũi và một ống dẫn nước tiểu vào bọng đái của em.
     Việc đầu tiên phải thực hiện trong những tình huống như thế này là ngăn sốc và trị liệu nếu như nạn nhân còn bị sốc. Kế đến là phải cố ngăn chặn sự nhiễm trùng. Khi một người bị thương, người bác sĩ cần xem xét tỉ mỉ vết thương, tìm xem những cục máu nghẽn, các mảnh vỡ cũng như những vật lạ khác, rồi rửa vết thương trong khi vẫn cố bảo vệ các dây thần kinh và mạch máu chính không bị tổn hại. Việc quan trọng thứ ba là làm cho bệnh nhân an tâm và thứ tư là cố gắng chữa lành vết thương theo quy trình tự nhiên, cố gắng duy trì chức năng của cơ quan bị tổn thương.
         Khi tôi mổ, bụng của em đầy mủ. Tôi dội rửa thông qua màng bụng, dùng mọi loại thuốc kháng sinh trong khi rửa các vết thương và những túi mủ. Những mảnh bom, mảnh thịt rơi vãi trong bụng, quanh động mạch chủ và găm vào gan. Tôi phải thật thận trọng khi gắp những thứ “rác rưởi” này. Thằng bé bị nhiễm trùng máu nhưng may mắn là những chỉ số của sự sống còn rất mạnh. Thân nhiệt ở mức 39,5 độ C là một dấu hiệu tốt, chứng tỏ cơ thể của em vẫn đang đề kháng.
     Để những mảnh bom vừa gắp ra vào một chỗ, tôi cắt bỏ một khúc ruột, lấy đi mô chết rồi đóng vết thương. Nhiều đoạn mô ruột quanh đường đi của mảnh bom đã chết và những mô chết này cần phải được cắt bỏ. Nếu không, chất thải trong ruột sẽ theo con đường của các mô chết để chảy ra ngoài ổ bụng, gây nên chứng viêm màng bụng. Điều này đã xảy ra với thằng bé và có lẽ đang giết chết cháu. Có thể tôi phải làm thêm thủ thuật mở thông ruột kết, nhưng tôi nghĩ, nếu mở thêm một vết thương khác thì nguy cơ nhiễm trùng sẽ tăng thêm trong khi tôi đang cố duy trì sự sống cho thằng bé.
     Tuy thế, thằng bé vẫn còn bị xuất huyết nội nên 8 tiếng đồng hồ sau, tôi phải mổ lần thứ hai để tìm xem nơi nào xuất huyết. Tôi chẳng tìm thấy gì ngoại trừ một vài vết loét ở đường ruột và niêm mạc dạ dày. Chúng tôi đã dùng gần nửa lít máu của một bệnh nhân khác và tôi cũng cho bé trai này nửa lít máu O của mình.
     Việc truyền máu là một trong những yếu tố quan trọng nhất của việc chế ngự cơn sốc. Nếu huyết áp giảm xuống dưới mức 100 mm/Hg sau khi bị thương thì việc truyền máu cần tiến hành càng nhanh càng tốt. Nếu huyết áp dưới 80 mm/Hg thì không nên chần chừ gì nữa vì bệnh nhân sẽ không thể cử động cho đến khi được truyền máu hoặc dịch truyền. Sự phân phối dịch truyền tại bệnh viện tỉnh Quảng Trị không phải luôn luôn được quyền lựa chọn, ngoại trừ với các ca mổ cấp cứu để cầm máu. Một phương cách đơn giản được sử dụng ở các quân y viện là nâng chiếc cáng lên hai tấc ở phía đầu trong khoảng 5 phút; nếu như huyết áp, mạch, sắc màu của da và môi vẫn không thay đổi, thì bệnh nhân có thể chịu đựng được sự gây mê và phẫu thuật với sự hỗ trợ bằng truyền máu hoặc dịch truyền.
     Một lúc sau, Thắng trông có vẻ khá hơn. Tuy vậy, sự nhiễm trùng vẫn là mối đe dọa. Chúng tôi bàn việc sử dụng 30 triệu đơn vị penicillin mỗi 4 tiếng đồng hồ, tức dùng hết cấp khoản penicillin hằng ngày để cứu mạng thằng bé. Ở Mỹ, liều sử dụng 1,5 triệu đơn vị penicillin mỗi 4 tiếng đồng hồ đã là nhiều, nhưng ở Việt Nam, tôi từng được biết, ngay cả để ngăn chặn chứng viêm phổi, người ta đã dùng đến 60 triệu đơn vị penecillin mỗi ngày cho các cháu bé. Chúng tôi cẩn thận chỉ dẫn cho các y tá truyền dịch cho thằng bé và lưu ý lượng hồng huyết cầu chỉ 8 gm/100 ml, tức bằng một nửa so với mức bình thường, và dĩ nhiên là chúng tôi không còn nguồn máu nào nữa. Chúng tôi tiếp tục chăm sóc, ưu ái thằng bé với nhiều hy vọng.
     Đến ngày thứ ba, tôi phẫu thuật lần nữa. Thắng vẫn còn bị xuất huyết mà tôi không tìm được nguyên nhân. Nụ cười của cậu bé yếu ớt hơn. Mẹ cậu trở nên mê sảng vì buồn đau và tức giận. Tôi biết là hy vọng sống sót của Thắng đang chầm chậm trôi qua. Đôi mắt của cậu bé mê dại đi. Đột nhiên, cậu bé thải ra nửa lít máu đặc sền sệt từ trực tràng. Rồi tia sáng hy vọng từ ánh mắt của cậu tắt hẳn. Cậu bé đã chết trên tay tôi sau tổng cộng 12 giờ phẫu thuật mệt lử.
- Người Mỹ đã giết chết con tôi! - Người mẹ hét lên, quỵ xuống khi tôi báo cho bà biết.
     Bà ôm lấy chân tôi và khóc lóc thảm thiết: “Người Mỹ đã giết chết con tôi rồi!”.
     Tôi chưa kịp chia buồn thì bà đã chạy toáng ra ngoài sân, khóc la, gào thét cả tiếng đồng hồ. Tiếng khóc than của bà nghe sao mà thảm thương đến thế. Sau này, người ta mới cho tôi biết biểu hiện như thế – được xem là “xì hơi” – là một hiện tượng thông thường ở Việt Nam vì không một sự chia buồn, an ủi nào có thể làm giảm nhẹ nỗi thống khổ, sự đau lòng xé ruột xé gan của bà mẹ mất con.
     Nhưng cũng vào cuối ngày hôm đó, bà mẹ đã trở lại bệnh viện. Bà giúp chăm sóc những người sống sót, những người bị thương nằm trong bệnh viện. Đôi mắt bà trông xa vắng, vô hồn.
Đối với tôi, đêm hôm đó là một đêm đặc biệt. Tôi lên giường với trạng thái buồn bã và mệt lử. Tôi đã làm hết sức mình. Tôi không cho ai biết rằng tôi đã khóc như một đứa bé. Tôi là một bác sĩ giải phẫu và tôi không thể để những sự việc như thế tác động đến mình. Nhưng tôi đã không làm được. Đây không phải là lần đầu tiên ở Quảng Trị tôi khóc trong đớn đau và mệt mỏi khi lên giường ngủ.
     Thảm kịch thương vong không ngừng của trẻ em đã tác động mạnh đến tôi, khiến tôi bị trầm cảm. Tôi ao ước có mối quan hệ gần gũi với một người nào đó. Tôi thèm được có trong vòng tay mình một người phụ nữ, được ôm ấp và hôn cô ấy, nhưng làm gì có được khoảnh khắc đó vì luôn luôn có nhiều người bệnh cần chữa trị cấp thiết. Tôi cũng biết là mình cần phải giữ một khoảng cách giữa thầy thuốc và bệnh nhân, duy trì tính khách quan và cho phép mình tập trung mọi năng lực vào công việc của một bác sĩ y khoa.
     Tuy thế, tôi vẫn không gột rửa được hình ảnh của đứa bé can đảm đó khỏi trí óc mình. Cái đêm cậu ta chết, tôi hình dung cảnh cậu bé nằm một mình dưới mương trong hai ngày đêm với những mảnh bom đạn trong bụng mình. Vậy mà cậu bé vẫn mỉm cười yếu ớt với tôi khi nhập viện. Tôi đã nhìn vào mắt cậu và cảm nhận vẻ thiết tha yêu cuộc sống trong con người cậu bé. Tôi đã làm mọi cách nhưng không thể cứu mạng cậu.
     Nhớ đến cảnh cậu bé chết ngay trên tay mình, tôi thề sẽ cố gắng làm mọi cách cho thế giới này tốt hơn, làm mọi thứ để cổ xúy cho hòa bình, chống chiến tranh. Đêm đó trong hầm trú ẩn, tôi đã tự thề, một lời thề dành cho trẻ em trên toàn thế giới giống như Thắng. Lời thề đó là “Không bao giờ cho phép lặp lại điều này nữa!”. Trong nhiều năm sau này, khi hồi tưởng lại cái đêm hôm đó, tôi tự nguyện là dù phải sống bất kỳ cuộc sống như thế nào và ở bất cứ nơi đâu, tôi cũng sẽ cố gắng tác động một cách có ý nghĩa lên mọi biến cố.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #52 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:45:11 pm »

Chương 12

NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ ĐẸP CỦA VIỆT NAM

    Thông thường, tôi không bao giờ đi ra khỏi hầm trú ẩn của mình vào ban đêm. Nhưng buổi tối nọ, một người đàn ông trẻ xuất hiện trước cửa hầm và khẩn khoản nhờ tôi giúp đỡ.
     Ngoài trời tối đen. Đã nghe thấy tiếng súng từ xa vọng lại. Với vốn tiếng Anh tàm tạm kết hợp với điệu bộ, anh ta báo cho tôi biết có một phụ nữ trẻ trong ngôi làng gần đây đang sinh khó và cần được giúp đỡ. Anh ta sẽ đưa tôi đến đó. Có một số lý do khiến tôi tin tưởng ở người đàn ông có thái độ tha thiết này. Tôi vơ vội bộ đồ nghề và cùng anh ấy bước vào bóng đêm.
     Trên đường đi vội vã từ Quảng Trị đến ngôi làng, chúng tôi nghe tiếng súng, tiếng đạn cối càng lúc càng nhặt hơn. Cuối cùng, chúng tôi đến một túp lều, đứng đợi một lát ở cửa. Trên đầu tôi, những trái hỏa châu soi sáng cả một khu vực chiến trận rộng lớn. Tôi nghe thấy tiếng đạn rất gần. Rõ ràng là chúng tôi đang ở kề bên trận địa.
     Tôi bước vào túp lều. Người hướng dẫn và bà ngoại của người phụ nữ đứng chờ phía bên ngoài. Tôi trông thấy một phụ nữ trẻ kiệt sức vì đã chịu cơn đau đẻ 24 tiếng đồng hồ. Nền đất bên dưới ướt đẫm máu còn trong lều thì đầy tiếng muỗi kêu vo vo. Khi khám cho cô gái trẻ dưới ánh sáng lờ mờ, tôi thấy hai chân và thân thể không còn sự sống của một hài nhi – giống như một con búp bê – đang đu đưa giữa hai chân của cô gái.
     Căn lều thật tĩnh mịch. Tôi nhanh chóng nhận ra đứa bé đã chết và do đầu của cháu quá lớn nên mẹ cháu đã không thể sinh cháu ra bình thường. Nếu ở bệnh viện, chúng tôi sẽ phải cắt thi thể của cháu rồi tiến hành phẫu thuật “bắt con” khẩn cấp. Nhưng ở đây tôi không có dụng cụ phẫu thuật và tôi biết người mẹ sẽ không thể sống lâu trong điều kiện kiệt sức với chiếc đầu của thai nhi còn kẹt trong tử cung như thế. Một lần nữa, tôi buộc phải xử lý tức thời. Đạn pháo vẫn tiếp tục rơi nên không thể đưa sản phụ đến bệnh viện được. Tôi biết là mình phải lấy thi thể hài nhi ra hoặc là người mẹ phải chết.
     Tôi yêu cầu cô nắm chắc lấy chân giường - đồ vật có vẻ chắc chắn nhất trong túp lều. Các chân giường bằng gỗ được chôn chặt xuống nền đất. Khi sản phụ dùng hai tay giữ chặt một chân giường và dang rộng hai chân ra, tôi lấy thế tựa hẳn vào tường và dùng hết sức kéo mạnh hai chân của cháu bé. Cô ấy khóc thét lên vì đau đớn nhưng đứa bé vẫn không ra. Tôi tiếp tục cố kéo hai chân cháu bé với tất cả sức mạnh của mình.
     Cuối cùng, thi hài cháu bé bị tràn dịch não đã được kéo ra, cái đầu to quá khổ bị ép dài ra. Cái đầu này thậm chí còn to hơn thân thể của cháu. Sản phụ đã ngừng kêu la nhưng lặng lẽ khóc. Tôi cũng mệt lử. Khi cô vỗ nhẹ vào tay tôi, tôi đỡ cô lên giường. Người phụ nữ trẻ này chỉ nặng chừng 35 kg.
Điều kỳ diệu là cô không bị xuất huyết nữa, dù tôi vẫn sợ là cô có thể bị ra huyết cho đến chết. Việc đờ tử cung – tử cung không co thắt khi sinh – có thể dẫn đến xuất huyết chết người. Tôi kiểm tra nhịp mạch: 120 và sản phụ chỉ hơi sốt nhẹ.
     Tôi không thể ở lại đây lâu hơn vì còn quá nhiều công việc đang chờ đợi mình ở bệnh viện trong ngày tới. Tôi lấy trong túi thuốc ra 100 viên tetracycline, gọi người hướng dẫn vào, giải thích cho anh ta biết là cô gái phải uống 2 viên mỗi 4 giờ sau khi ăn. Tôi cũng hỏi sản phụ xem cô ta có hiểu không và cô ra dấu yếu ớt là hiểu. Trước khi ra về, tôi còn dặn anh chàng hướng dẫn là cần thăm chừng, xem xét cô gái vài lần mỗi ngày. Tuy nhiên, tôi tự hỏi, nếu như vẫn cứ ở trong túp lều tồi tàn này thì liệu người phụ nữ trẻ đó có được hưởng những săn sóc gì nữa hay không.
     Đạn pháo rơi vãi quanh tôi trên đường trở về. Tôi phải vừa đi vừa chạy, thỉnh thoảng phải bò. Bấy giờ tôi mới thực sự lo cho sinh mạng của mình và chỉ còn nghĩ duy nhất đến việc làm sao trở về căn hầm trú ẩn an toàn của mình.
     Tiếng súng vang lên dữ dội khi tôi chạy lại gần 3 người lính Thủy quân lục chiến Mỹ da đen. Họ lạnh nhạt nhìn tôi chòng chọc, bắt tôi dừng lại với một khoảng cách an toàn. Cả ba đều mặc đồ rằn ri (bộ quân phục ngụy trang của Thủy quân lục chiến Mỹ), trang bị súng ống đạn dược đầy đủ, trông có vẻ hắc ám.
- Thằng chó đẻ! Mầy làm gì ở đây, có biết đang đánh nhau không? - Một tên quát lên.
- Mẹ kiếp! Mầy có biết là đang đi tới cái nơi quỷ quái gì không? - Tên khác tiếp lời.
     
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #53 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:47:29 pm »

Chương 12 (tiếp)

Tôi chưa hề lâm vào một hoàn cảnh như thế này mặc dù tôi nhận thức được là trận chiến đang diễn ra xung quanh Quảng Trị.
- Parlez-vous Franais?(1) - Tôi buột miệng mà không một chút suy nghĩ.
- Cái thằng Pháp chết tiệt này! - Một người lính Thủy quân lục chiến nói. - Hắn chẳng hiểu mô tê những gì chúng ta nói.
     Rồi anh ta quay sang tôi, dùng điệu bộ: “Đi! Đi. Cút đi. Đi đi mau”, dùng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt(2).
Tôi cười mỉm, đưa tay chào theo kiểu nhà binh rồi vội vã tìm đường về nhà.
     Lạy Chúa! Xin người phù hộ cho những binh lính Thủy quân lục chiến. Họ đang làm nhiệm vụ của mình, một nhiệm vụ hết sức nguy hiểm và tôi đã chạm trán họ. Tôi không muốn nói cho họ biết mình là một bác sĩ Mỹ dại dột đi vào vùng nhạy cảm mà chẳng hề mang theo vũ khí. Tôi không muốn những người bạn Thủy quân lục chiến phải giữ tôi lại và biết đâu, sẽ gây rắc rối cho họ về sau, hoặc ngay cả việc có thể làm cho họ chậm lại nhiệm vụ của mình. Tôi không muốn họ phải cất công bảo vệ tôi.
Tôi thở phào nhẹ nhõm khi về tới căn hầm. Thế là mình vẫn còn sống. Tôi vừa vượt qua một vùng nguy hiểm nhất bên ngoài tỉnh lỵ Quảng Trị, vừa chạy qua một chiến tuyến dài và muôn phần nguy hiểm trong một đêm mà tôi sẽ ghi nhớ mãi về sau.
Ở Việt Nam, trong đa số trường hợp, phụ nữ sinh đẻ rất lặng lẽ và yên ổn. Một bác sĩ tình nguyện khác, ông John McBratney, từng ngủ kế bên phòng hộ sinh ở bệnh viện Quy Nhơn mà ông không hề biết vì đa số phụ nữ Việt Nam cố giữ yên lặng khi họ sinh con. “Căn phòng của tôi nằm ngay bên cạnh phòng hộ sinh, thế mà tôi chẳng hề biết trong 3 tuần lễ đầu. Tôi chẳng phải là người bị điếc đâu. Chỉ cần 50 mg Demerol cho các phụ nữ chưa sinh và chỉ có thế. Thật là một sự khác biệt về văn hóa”, bác sĩ tỏ vẻ ngạc nhiên.
     Rất nhiều người Mỹ nhận xét, phụ nữ Việt Nam khá đẹp với tóc và mắt đen láy và với một vẻ duyên dáng đặc trưng châu Á. Leonard M. Pickering – một bác sĩ tình nguyện khác – đã sáng tác bài thơ dưới đây tại một mái hiên ở Sài Gòn năm 1968 về mối tình lãng mạn của một trong những đồng nghiệp của ông với một cô gái điếm.
Tình yêu muộn, nhưng nồng nàn đằm thắm,
Như chưa yêu, dù đã… lấy vợ nhiều năm,
Tình chớm nở giữa một trung niên y sĩ,
Với người thương… một cô gái đứng đường.
Yêu là khổ? Là bất hạnh, cam go?
Nhưng… có hề chi, tuổi tác trẻ hay già!
Khi xung quanh thấm đẫm hương tình,
Xin ngả nón chào – tình yêu thời chiến.
     Tôi từng chứng kiến một chuyện tình, một “cú sét” ái tình tại bệnh viện tỉnh Quảng Trị. Đó là chuyện tình lãng mạn kỳ lạ, vừa đẹp đẽ, vừa châm biếm, lại vừa đau đớn giữa một quân nhân Mỹ và một nữ chiến binh Việt Cộng tên là Lui.
     Câu chuyện bắt đầu khi trung sĩ Thomas chạy đâm sầm vào bệnh viện, hai tay bồng cô chiến binh bị thương. Tôi biết trung sĩ Thomas vì anh ta từng đến bệnh viện nhiều lần trước đây. Đây là đợt thứ hai anh phục vụ ở Việt Nam. Thomas đang bị kích động dữ dội.
- Bác sĩ, ông hãy cứu mạng! - Trung sĩ Thomas nói. - Làm ơn cứu mạng cô gái này!
     Người phụ nữ trẻ trên tay Thomas là một cô gái rất xinh đẹp, tuổi khoảng 25, 26 với mái tóc dài. Một chân của cô bị giập đang đu đưa trong ống quần màu đen rách tả tơi có dính máu, thịt.
- Cô ấy chạy về phía tôi, bắn vào chúng tôi. Tôi buộc phải bắn cô. - Thomas thú nhận. - Bây giờ thì xin ông hãy cứu mạng cô ấy, bác sĩ. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì, nhưng ông phải cứu cô ấy! Tôi chỉ muốn biết là cô ấy sẽ khá lên thôi.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #54 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:48:05 pm »

Chương 12 (tiếp)

Thomas đã làm một ga-rô phía trên đầu gối của cô gái để cầm máu, nhưng cái đầu gối này đã hứng hai viên đạn M-16, đi xoáy xuyên qua da thịt. Khi khám đầu gối, tôi e rằng sẽ phải cưa chân phía trên đầu gối.
     Một trong những bác sĩ quân y mà tôi từng giải thoát khỏi “sự cố lựu đạn” của người thông dịch viên (đã kể trong chương 9) xuất hiện. Tôi, vị bác sĩ quân y và hai y tá Hải quân cùng săn sóc cô gái trong 4 tiếng đồng hồ. Cô ấy bị sốc, tái xanh, mạch yếu, huyết áp thấp. Hồng huyết cầu của cô gái giảm từ 12, 13 xuống còn 6, có nghĩa là cô đã mất một nửa khối lượng máu trong cơ thể. Tay cô lạnh, thân thể không có mồ hôi.
     Chúng tôi phải tiết kiệm đến từng giọt dịch truyền, từng giọt máu nên vẫn giữ ga-rô cho đến khi thắt được tất cả động mạch, tĩnh mạch chính. Một phương cách có từ Thế chiến thứ II là tháo ga-rô 5 phút mỗi giờ cho thấy đó là một cách không khôn ngoan, không cần thiết và nguy hiểm. Tốt hơn hết là chấp nhận nguy cơ hoại tử có thể xảy ra ở phần bị thương quá tệ hại, khó có thể cứu vãn được, hơn là nguy cơ tử vong vì mất máu nhiều hơn do việc tháo và di dời ga-rô.
     Việc phải cưa chân tay luôn luôn là một sự thất bại vì không có gì thay thế được một khi đã cắt bỏ. Nhưng khi chúng tôi khám tổng quát chân cô gái, chúng tôi hết sức ngạc nhiên về thương tích trầm trọng mà chân và đầu gối của cô phải chịu đựng. Hầu như toàn bộ các dây chằng hình chữ thập phía trước, phía sau, xương bánh chè đầu gối, những bắp thịt, gân để chống đỡ cho phần trên và phần dưới của chân đều bị mất hết. Loại “thương tật tên lửa” này đã phá hủy hết các cấu trúc quan trọng của chân và cho thấy rất rõ là không thể cứu vãn gì được. Chúng tôi cắt bỏ một phần chân cô gái, lót nệm phần cuối chân cụt: sắp xếp mô mỡ, gân, dây chằng cùng những gì có thể hình thành một cái đệm mềm mại để sau này chống đỡ cơ thể của cô gái trên chiếc chân giả. Và cuối cùng là cẩn thận khâu da lại.
     Khi cô gái hồi phục sau ca phẫu thuật cắt chân, tôi càng thấy rõ người nữ chiến sĩ Việt Cộng này là một cô gái đẹp. Giống như nhiều phụ nữ Việt Nam khác, cô ấy thật xinh xắn, dễ thương.
     Chúng tôi sử dụng khá nhiều thuốc kháng sinh và chỉ trong một, hai ngày là cô gái đã lấy lại khá nhiều sinh lực. Nhưng mặc dù ở trong bệnh viện chúng tôi, cô vẫn còn như đang ở chiến trường. Tôi để ý thấy cô luôn tỏ vẻ sợ hãi, như thể lo ngại mình có thể bị giết bất cứ lúc nào.
     Về phần trung sĩ Thomas, anh chàng này vào thăm cô bất cứ lúc nào có thể. Ám ảnh vì những gì mình gây ra cho cô gái, anh ta liên tục có mặt bên cạnh giường bệnh như thể mình là thiên thần bảo vệ cho cá nhân cô ấy. Anh ta không chịu rời bệnh viện và rõ ràng là đã vắng mặt bất hợp pháp ở đơn vị. Không lâu sau, sự thức khuya dậy sớm, lo buồn cho cô gái đã khiến Thomas bị bấn loạn tinh thần. Tôi báo cho anh ta biết là cần phải dùng thuốc Chlorpromazine hoặc Mellaril nhưng trung sĩ Thomas không hề đụng đến các thứ thuốc này. Mọi chú ý của anh ta cả ngày lẫn đêm đều tập trung vào cô chiến sĩ xinh đẹp. Anh chàng này cảm thấy có trách nhiệm với cô gái, có lẽ vì cô quá đẹp, có lẽ vì anh ta đã bắn vào cô và gây thương tật vĩnh viễn cho cô.
- Tôi gây ra sự cố này và tôi sẽ cưới cô gái này làm vợ. - Trung sĩ Thomas nói với tôi. - Tôi phải đưa cô ấy đi Mỹ. Tôi phải chăm sóc cho cô ấy. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì để có thể chăm sóc cô ấy. Tôi sẽ chăm sóc cô ấy suốt đời.
     Nhưng cô chiến sĩ Việt Cộng vẫn tỏ vẻ sợ hãi. Nét kinh hoàng vẫn còn trên khuôn mặt cô gái trong nhiều ngày. Tuy nhiên, đến ngày thứ năm hay thứ sáu gì đó, sự chăm sóc chân tình của người quân nhân Mỹ khiến cho những nét âu lo đó tan biến đi.
     Trung sĩ Thomas dùng tay mình đuổi ruồi nhặng cho Lui. Anh ta mang thức ăn đồ uống cho cô, săn sóc cô như người thân của mình. Thomas cũng biết chút đỉnh tiếng Việt đủ để cho Lui hiểu về nỗi nuối tiếc của anh ta khi bắn vào chân cô, và cho cô hiểu là anh muốn chăm sóc cô như thế suốt đời.
     Việt Nam có thật nhiều điều kỳ lạ. Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo cho chuyện tình Romeo và Juliet diễn ra tại điểm nóng của cuộc chiến này. Nhưng cả hai đều đã gặp kẻ thù của mình và đã thấy được mặt nhân bản của phía bên kia.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #55 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 09:41:51 pm »

Chương 13

ĐIỀU KINH KHỦNG CỦA CHIẾN TRANH

    Lúc bắt đầu nhiệm vụ của mình, tôi có nhiều khoảnh khắc hồ hởi, những dịp mà tôi cảm thấy mình thật sự tạo được một sự khác biệt nào đó ở Việt Nam và cho người Việt Nam thấy một số về lòng tốt, sự cao thượng và lòng khoan dung của nước Mỹ. Nhưng một ngày nọ, tôi đã cảm thấy nghi ngờ về cảm nhận này.
     Tôi đang ở căn cứ Phú Bài chờ phương tiện đi Đà Nẵng. Mê li với cảnh đẹp Việt Nam và bàng hoàng với cuộc chiến, tôi ghi hình một số cảnh vật bằng cái máy quay phim Super 8 của mình. Tôi ghi hình một chiếc trực thăng đang hạ cánh một cách khó khăn. Một phi công Thủy quân lục chiến hiện rõ trên chiếc máy bay. Viên phi công đã bị một tay bắn tỉa bắn bị thương ở bàn chân. Anh ta đang đi cà nhắc trên phi đạo. Khi viên phi công thấy tôi đang chĩa ống kính về phía mình liền chỉ tay về phía tôi và ra lệnh cho các binh sĩ thuộc quyền bao vây lấy tôi và tịch thu máy quay cùng phim ghi hình.
- Bắn vỡ óc cái thằng chết tiệt đó đi nếu như chưa lấy được máy quay và toàn bộ phim! - Viên phi công hét lên khi các quân nhân Thủy quân lục chiến đã vây lấy tôi.
- Này! - Tôi phản kháng, vừa hạ chiếc máy quay phim xuống. - Tôi là một cựu binh Thủy quân lục chiến. Đừng làm vậy. Tôi là một bác sĩ. Tôi không phải là kẻ thù ở đây!
     Nhưng tôi trông chẳng giống một Thủy quân lục chiến, cũng không giống một bác sĩ chút nào trong bộ đồ quần jeans bụi với chiếc áo thun bạc màu. Mấy người lính Thủy quân lục chiến bao vây tôi, nâng súng M-16 của họ lên và sẵn sàng nhả đạn. Nếu còn ở trong lực lượng Thủy quân lục chiến và theo học ở Annapolis, có thể tôi đã là một sĩ quan mang quân hàm trung úy ở Việt Nam. Đằng này, tôi ở đây trong tư cách một bác sĩ tình nguyện, chữa trị cho những thường dân bị thương và bị bệnh.
- Mày là ai mặc kệ mày. Đưa ngay máy quay phim đây! Thằng chó chết, hay là mày muốn bị bắn vỡ óc ra? - Một gã Thủy quân lục chiến hét lớn rồi đưa bàn tay của hắn chực giật cái máy quay của tôi.
     Tôi thật sự giận dữ với cách xử sự như thế và muốn hét lại. “Dám không? Cái đầu gáo dừa của chúng mày đấy! Có dám bắn vào đầu ông mày không? Chúng mày không có quyền lấy máy và phim của ông. Thủy quân lục chiến mà như thế à? Mẹ kiếp! Một lũ đê tiện…”. Thực tế, tôi đã không thốt lên những lời thóa mạ đó nhưng tôi thật sự tức giận trước hành động của họ. Tôi tức tối vì mình bị hiểu lầm. Thế nhưng tôi ngoan ngoãn giao nộp máy và phim. Bởi vì là một cựu Thủy quân lục chiến, tôi rất hiểu tính chất nghiêm trọng của thời điểm đó. Các quân nhân Thủy quân lục chiến không bao giờ nâng súng lên nếu như họ không định nổ súng. Tôi đã có hơn một lần nếm trải về sự điên rồ của chiến tranh Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, sự ngu dốt của một tay súng Thủy quân lục chiến nóng nảy, bộp chộp này có thể kết liễu đời mình. Và không một ai thông minh vào lúc này lại cố chấp sự ngu dốt đó để mà nằm lại vĩnh viễn ở Việt Nam.
      Tôi lang thang bỏ đi và có cảm giác như thể mình bị trấn lột. Tôi bức xúc và tức giận với viên trung úy Thủy quân lục chiến đã ra lệnh tịch thu máy quay, nhưng tôi không giận hờn đối với những người lính trẻ Thủy quân lục chiến thi hành lệnh của cấp chỉ huy. Tôi nhanh chóng bỏ qua sự cố này. Khi hồi tưởng lại, tôi nghĩ có lẽ viên sĩ quan trẻ khi bước ra khỏi chiếc trực thăng với bàn chân khập khiễng đó chỉ muốn có những thước phim ghi lại khoảnh khắc oai hùng của anh ta mà thôi. Tôi tự nhủ có thể anh chàng này mong muốn một điều gì nhiều hơn là chiếc huy chương chiến thương bội tinh mà anh ta xứng đáng được nhận. Và khi nghĩ sâu xa hơn, tôi cho rằng mình nên cảm thấy sung sướng là viên trung úy đã để cho mình sống sót trở về Phú Bài. Chưa đầy một giờ đồng hồ sau đó, tôi đã lên một chiếc trực thăng khác trực chỉ về Đà Nẵng và tôi quên khuấy ngay sự việc vừa xảy ra.
     Một buổi chiều tháng năm không bao giờ quên .
     Một buổi chiều gần cuối tháng Năm, tôi đang làm việc tại bệnh viện thì nghe thấy âm thanh quen thuộc whack-whack-whack của chiếc trực thăng tải thương bay ở tầm thấp. Một chiếc trực thăng của lục quân hoặc không quân đang hạ cánh xuống sân cỏ của bệnh viện tỉnh Quảng Trị. Có một chút bất thường khi trực thăng quân sự chở thường dân đến đây chữa trị vì trước nay điều này chỉ xảy ra có vài lần.
     Ba phi công mặc đồng phục vội vã khiêng một chiếc cáng vào hội trường của bệnh viện. Trên cáng chất đầy trẻ em. Các cháu có vẻ sạch sẽ, như thể vừa mới được tắm rửa sáng hôm đó. Tôi đứng nhìn các viên phi công khiêng ba hoặc bốn bé chất đống trên cáng xuống, rồi trở ra trực thăng khiêng tiếp.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #56 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 09:43:01 pm »

Chương 13 (tiếp)

Rồi thì tôi và các y tá điếng người khi các viên phi công liên tục mang thêm vào bệnh viện, hết cáng này đến cáng khác. Tôi chú ý đến những bàn tay ủ rủ dọc theo thành cáng. Những bàn tay đu đưa này như muốn đặt câu hỏi: “Tại sao? Tại sao lại là cháu? Cháu đã làm gì sai nào?”.
     Không một lời nào, những phi công đặt nạn nhân bé tí cuối cùng xuống nền nhà.
- Chúng nó đấy, bác sĩ! – Cuối cùng, một người lên tiếng.
     Không ai nói thêm một lời nào khác.
     Tôi còn nhớ cái nhìn trên khuôn mặt của một trong những viên phi công khi anh ta quay đi, như thể là anh ta cầu khẩn tôi hãy làm cái gì đó để chặn đứng vụ thảm sát này.
      Rồi chiếc trực thăng cất cánh, mất hút về phía bìa rừng.
     Đây là Việt Nam và đây là chiến tranh, nhưng tôi không thể tin cảnh tượng phi lý đang trải ra ngay trước mắt tôi trong hội trường bệnh viện. Từng hàng, từng hàng những thân thể đầy thương tích, có lẽ lên đến chừng 40 trẻ em Việt Nam từ tuổi còn ẵm ngửa đến khoảng 5 tuổi. Các bé đều có đeo dải băng trên cánh tay và một số các cháu đã chết hẳn. Những cháu còn sống đang cố nhúc nhích chân tay.
     Ngay lập tức, tôi cố gắng cứu chữa cho các cháu còn sống. Mỗi một bé trai, bé gái đều bị một viên đạn xuyên qua đầu với vết thương là một lỗ tròn, nhỏ nhưng không thể chữa trị. Máu rỉ ra từ lỗ vết thương trên đầu các cháu. Những đứa trẻ này rõ ràng đã bị bắn ở đầu, kiểu như bị hành hình.
     Đây là bệnh viện của tôi. Tôi là bác sĩ duy nhất. Và những em bé này đang chết.
     Tôi kêu đem Gelfoam, một chất dùng ngăn máu chảy ở phòng cấp cứu. Gelfoam hình thành một dấu niêm và tạm thời làm ngừng chảy máu. Tôi cố liều nhét đầy Gelfoam vào các lỗ vết thương cho dù đã cảm thấy hoàn toàn vô vọng. Tất cả các bé đều đang chết, không một cháu nào có thể sống sót. Tôi nhận thức điều đó chỉ sau ít phút cố thử cứu chữa. Hai y tá Việt Nam bắt đầu quấn chăn cho những cháu đã chết rồi khiêng thi thể các cháu ra khỏi hội trường.
     Tôi đã trải nghiệm những giây phút hết sức đau lòng, những giây phút mà người bác sĩ cảm nhận sau khi đã dùng hết khả năng của mình mà bệnh nhân vẫn ra đi. Không một lời cảnh báo, tôi đã mất một lần đến 40 sinh mạng.
     Tôi chú ý đến những dải băng trên cánh tay các cháu bé. Tôi bị sốc thật sự. Dải băng plastic có dòng chữ: “Thủy quân lục chiến Mỹ thẩm vấn”. Tôi từng là một quân nhân Thủy quân lục chiến và từng tự hào về tính cách binh chủng của mình. Nhưng trong khoảnh khắc đó, tôi không còn tự hào là một người lính Thủy quân lục chiến nữa. Không ai trong lực lượng Thủy quân lục chiến có thể thẩm vấn những trẻ em như thế, nhưng một số người nào đó đã vây bắt các cháu rồi tàn sát tất cả.
      Tôi chưa bao giờ hoàn toàn mất bình tĩnh khi ở Việt Nam, nhưng lúc đó, toàn thân tôi rúng động. Cảm giác kinh tởm lan tỏa khắp cơ thể. Tôi có cảm giác như thể mình đang hứng chịu một trận đánh, như thể bom đạn đang đổ xuống mái nhà bệnh viện. Hình ảnh hàng chục thi thể trẻ em chết thảm thương ghi sâu vào tâm não tôi. Khi những đứa trẻ này chết một cách lặng lẽ, há hốc miệng ra thở rồi yếu ớt giãy giụa giã từ cuộc đời, hết bé này đến bé khác, tôi đã tự hỏi có thể nào chuộc được lỗi lầm cho một cuộc thảm sát ghê rợn như thế.
     Là một quân nhân Thủy quân lục chiến, tôi từng được huấn luyện để tiêu diệt kẻ thù trong trận chiến xáp lá cà. Tôi đã quan niệm chiến tranh như là cuộc chiến đấu danh dự, theo quy tắc riêng giữa các chiến binh. Tại Việt Nam, tôi hiểu rằng trong khi các tay súng chiến đấu thì hàng ngàn dân thường cũng bị thương vì bom na-pan, các loại bom, đạn lạc. Hầu hết những trường hợp thương vong như thế là do rủi ro, tình cờ, và chỉ là thiệt hại “phụ” của chiến tranh mà thôi. Nhưng những gì tôi chứng kiến tận mắt chiều hôm đó trong hội trường bệnh viện thì không phải là tình cờ, ngẫu nhiên.
     Những đứa bé không phải ngẫu nhiên bị thương vì bom rơi trên xóm làng của chúng. Cũng không phải do các cháu giẫm phải mìn. Một vài nơi xung quanh Quảng Trị, các quân nhân – có lẽ là thuộc Thủy quân lục chiến Mỹ – đã bố ráp và bắt giữ những đứa trẻ này. Có thể họ đã giằng kéo các bé từ trong tay những người mẹ. Các em nhỏ chẳng có cách nào để đánh trả, chống cự và cũng chẳng thể hiểu việc gì đang xảy ra. Rồi các em bị giết, bị đập chết giống như những con gián vậy. Cho dù với tất cả những gì đã trông thấy ở Việt Nam, tôi đã không chuẩn bị tâm lý cho một kiểu giết người theo cách hành hình mất nhân tính như thế này đối với những trẻ thơ vô tội.
     Không hoàn toàn tin vào những gì mình thấy, tôi lấy kéo cắt hai băng tay trên thi thể các em rồi cho vào túi mình như là chứng cứ trước khi chuyển qua công việc khác.
     Dường như phải mất mấy ngày mới tẩy sạch máu của các cháu bé trên nền cẩm thạch và trên tường của hội trường. Về tấn thảm kịch này, cảm xúc của tôi không chỉ đơn giản như đã có lời kể lại rằng tôi đã giận dữ và đau lòng. Trong những ngày tiếp theo, tôi vẫn còn nói với vài y tá Hải quân là mình thật sự kinh hồn trước việc tàn sát điên rồ mà tôi đã thấy, và rằng tôi sẽ quy trách nhiệm cho người chỉ huy việc này. Lời nói của tôi như gióng lên tiếng chuông cảnh báo không xa. Tôi đã không biết đến vụ thảm sát Mỹ Lai đã diễn ra chỉ hai tháng trước đó, tại một nơi chỉ cách Quảng Trị khoảng 200 km. Mặc dù tôi chưa hề trông thấy những gì như thế trước đây, việc thảm sát dân thường đã và đang diễn ra. Sự khốc liệt và dã man của chiến tranh đang tạo ra hàng đống những tội ác “phụ” trên nhiều khu vực ở Nam Việt Nam.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #57 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 09:43:44 pm »

Chương 13 (tiếp)

Ngày hôm đó, tôi có nhiều việc phải làm ở bệnh viện. Sau này, tôi hỏi hai y tá Hải quân trực về việc xử lý thi thể các cháu. Tôi muốn biết nơi chôn cất các cháu.
- Các y tá Việt Nam phụ trách việc đó. - Họ trả lời.
     Tôi đã không bao giờ biết được nơi chôn cất các cháu vì tôi quá bận bịu trong ngày hôm ấy. Tôi cố gắng tiếp tục công việc nhưng không thể nào quên được hình ảnh những đứa trẻ đó.
     Tôi chia sẻ điều này với nhiều người khác ở trong bệnh viện. Tôi nhớ là những ngày tiếp theo sau vụ thảm sát, không khí trong bệnh viện trở nên im lặng một cách kỳ quặc. Bệnh nhân ngưng sắp hàng ngoài cửa bệnh viện. Các y tá không báo cáo công việc. Bệnh viện yên ắng một cách bất thường. Hầu như không một ai nói chuyện với tôi. Và hơn thế nữa, tôi lại sa sút vì một cơn sốt, có lẽ là sự tái diễn chứng sốt rét gây ra do những căng thẳng vì chứng kiến những thảm sát do cuộc chiến mang lại. Khi thân nhiệt tăng cao, tôi tự chích penicillin, dùng thuốc trị sốt rét để có thể tiếp tục công việc của mình.
     Tôi cảm thấy đau khổ và đơn độc vô cùng, như thể tôi đang rơi vào tình huống bất lực do hồi ức về sự tàn nhẫn mà tôi đã chứng kiến. Tôi cảm thấy giận dữ và đau buồn về những điều kinh khủng mà mình đã thấy. Tôi bắt đầu có cảm giác là mình đang bị khai thác, bóc lột. Tôi cảm thấy mình giống như một vật cầm cố cho bộ máy chiến tranh của Mỹ, một trò giải trí về quan hệ công chúng nhằm làm cho hình ảnh quân nhân của chúng tôi trông đẹp đẽ hơn đối với người Việt Nam, cũng như đối với công luận ở Hoa Kỳ. Mặc dù tôi đã hăng hái tình nguyện và tôi biết mình đã giúp được nhiều người, cứu sống nhiều sinh mạng, nhưng tất cả niềm vui cùng sự hưng phấn giúp đỡ cho Việt Nam nay không còn nữa. Giờ đây, thay vào tình cảm chứa chan mà tôi từng cảm nhận, bao phủ lấy tôi chỉ còn là nỗi ân hận, buồn chán và căm ghét.
     Trong khi đang còn phải chiến đấu với cơn sốt của mình thì tôi nhận được một gói hàng. Chiếc máy quay phim Super 8 bị các quân nhân Thủy quân lục chiến tịch thu ở Phú Bài được gởi trả lại, nhưng những thước phim tôi đã quay thì không còn. Viên trung úy Thủy quân lục chiến – người đã ra lệnh tịch thu chiếc máy – đã ghi vài dòng kèm theo: “Xin đừng tự ái. Chúc tốt lành”. Tôi tự nghĩ rằng, những gì tốt đẹp về lòng can đảm, cao thượng của binh chủng Thủy quân lục chiến cuối cùng đã chiến thắng, và trong trường hợp này, những người lính Thủy quân lục chiến ấy đã không làm mất danh dự binh chủng của mình.
     Nhưng khi xem lại nơi trú ngụ của mình, một số đồ đạc, dụng cụ mà tôi cất giữ đã không cánh mà bay trong khi tôi đi vắng. Khẩu súng M-16 cất dưới gầm giường nay đã không còn. Một số ảnh chụp, một số cuộn phim quay cảnh Quảng Trị tôi để trong ngăn kéo cũng biến mất. Nhưng tệ hại nhất là hai dải băng đeo tay tôi lấy từ thi thể các em bé chết thảm, có đề chữ “Thủy quân lục chiến Mỹ thẩm vấn” cũng biến mất. Hai dải băng này tôi để cạnh một số đồ đạc có giá trị khác nhưng những thứ này thì lại không suy suyển. “Mẹ kiếp!”. Tôi tự nhủ. Vậy là giờ đây tôi chẳng còn chứng cứ gì hỗ trợ cho những gì mình đã tận mắt chứng kiến. Ai đó dường như đang thử thách sự chịu đựng của tôi và làm tăng thêm nỗi sợ hãi cùng cơn sốt mà tôi đang hứng chịu.
     Để chống lại cơn sốt và sự chán nản gia tăng, tôi cố xua đuổi chúng đi. Nhưng mây đen cứ vây phủ lấy tôi. Rõ ràng là tôi đang bị theo dõi từ nhiều phía, đặc biệt là từ một tòa nhà gần đó.
Cựu binh chiến tranh Việt Nam Ronald Pelfrey, bị hội chứng căng thẳng do rối loạn chấn thương tâm lý sau chiến tranh Việt Nam (Vietnam Post Traumatic Stress Disorder – gọi tắt là PTSD), là bệnh nhân của bác sĩ Allen Hassan nói: “Khi tôi ở Việt Nam năm 1970, vào khoảng tháng Bảy năm đó, tôi đi tuần tra quanh LZ Baldi. Chúng tôi được lệnh giải tỏa một ngôi làng ngay bên ngoài khuôn viên hàng rào và cũng được lệnh tiêu diệt bất cứ vật gì chuyển động, kể cả phụ nữ và trẻ em. 47 người đã bị giết chết và thi thể của họ được Thủy quân lục chiến Hàn Quốc bốc lên trực thăng chở đi. Ngày hôm sau, chúng tôi được cho biết ngôi làng đó là vùng oanh kích tự do. Chẳng hề có một tiếng súng bắn lại từ phía ngôi làng. Chẳng tìm thấy vũ khí gì. Cũng chẳng có bẫy sập nào để biện hộ cho những hành động mà chúng tôi được lệnh thi hành.
     Hai tháng sau, trong một lần tuần tra, tôi bị một con dơi cắn khi ném quả lựu đạn vào bụi cây mà tôi nghe có động tĩnh. Tôi được đưa ra tàu bệnh viện USS Sanctuary và cho đến thời điểm ấy, tôi vẫn không biết tại sao dân làng lại bị giết như thế”.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #58 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 09:45:30 pm »

Chương 14

HAI NGƯỜI LẠ MẶT BÍ ẨN

    Cách bệnh viện hơn hai khu nhà về phía trung tâm tỉnh lỵ là một tòa nhà đơn giản, bình thường mà lúc đầu tôi được biết là tổng hành dinh Bình định Nông thôn.
     Số là trong một lần đi xuống phố, một bác sĩ đã nói cho tôi biết cơ quan Bình định Nông thôn đóng trụ sở ở đây. Nhưng một ngày nọ, khi tôi và Nguyễn đi ngang qua tòa nhà, tôi nói điều gì đó liên quan đến trụ sở Bình định Nông thôn thì anh chàng thông dịch viên trẻ tuổi này nhìn tôi bằng cặp mắt sửng sốt pha lẫn thú vị.
- Ông nói đùa đấy chứ, bác sĩ? Ông không biết à? - Nguyễn nói.
- Đó là tổng hành dinh của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ở Quảng Trị.
- Anh lầm rồi Nguyễn à. - Tôi trả lời.
- Không, tôi không lầm đâu.
- Vậy chứ CIA làm gì ở cái thị xã này?
- CIA điều hành cuộc chiến. - Anh chàng thông dịch viên nói.
     Vào những ngày đầu tháng 6 năm 1968, sau vụ thảm sát các cháu bé, danh hiệu “Bác sĩ Number One” bị bào mòn dần trong tôi. Tôi đã chứng kiến quá nhiều điều tồi tệ ở Việt Nam: những bệnh tật có thể cứu chữa nhưng vì không được chăm sóc mà dẫn đến tử vong, những vết thương do bom đạn dẫn đến những cái chết không đáng có hay những vụ cưa chân tay không cần thiết, thường dân bị biến dạng cơ thể vĩnh viễn do ảnh hưởng của hóa chất, bom đạn và tai nạn trong chiến tranh. Nhưng trên tất cả sự chết chóc và thương tích đó, chính là sự vô cảm, sự lạnh lùng không có tình người một cách đáng sợ.
     Tại Việt Nam, các lực lượng chiến đấu của Mỹ hầu như luôn luôn nhận được sự chăm sóc tuyệt vời. Nhưng đối với thường dân bị thương, sự chăm sóc y tế là hết sức cẩu thả. Tôi đã thấy nhiều người dân bị cưa cả hai chân vì đạp phải bẫy mìn, nhưng việc cưa chân đó có thể không xảy ra nếu như được chăm sóc đúng mức. Các nhân viên quân y thường cũng cố cứu mạng những thường dân bị thương do chiến trận, nhưng với những người bị quân đội Nam Việt Nam hoặc Mỹ nghi ngờ, quy cho là “Việt Cộng” thì sẽ không được nhanh chóng cứu chữa. Tôi nhớ có lần, tôi ở trong vùng chiến sự đang diễn ra dữ dội trong vài ngày. Sau khi làng mạc bị dội bom và bị lực lượng Thủy quân lục chiến tàn phá, trong những người bị thương mà tôi giúp đưa lên xe chở về bệnh viện có nhiều bà mẹ và trẻ em.
     Trước khi chứng kiến việc hành hình những em bé Việt Nam trong vụ trực thăng chuyển các cháu tới bệnh viện và chết trước mắt tôi, tôi chưa từng thấy bất cứ một vụ tàn sát nào ở Quảng Trị nhắm trực tiếp vào một đối tượng nào đó. Nhìn chung, có vẻ như chúng ta đã buông lỏng việc sử dụng hỏa lực quá mạnh ở một quốc gia thuộc Thế giới thứ ba, một hỏa lực vượt quá mức cân xứng với đối thủ, mà phần lớn là sử dụng không hiệu quả và cuối cùng, dẫn đến việc phản tác dụng trong việc tranh thủ nhân tâm.
     Tại Mỹ, Tổng thống Lyndon Johnson giận dữ gọi Việt Nam là một “đất nước đáng nguyền rủa”. Ông hạ lệnh cho quân đội phải thắng cuộc chiến này. Những nhà chiến lược dân sự lẫn quân sự đã xem thường đối phương và cứ việc gửi thêm quân đến chiến trường. Trong trường hợp quân đội Mỹ xét thấy việc khai hỏa dữ dội từ một làng xã nào đó nhắm vào hàng ngũ của mình, các cấp chỉ huy của chúng ta vội cho phép tuyên bố làng xã đó là “vùng oanh kích tự do” và rồi, binh lính trực thuộc có quyền bắn bỏ bất cứ thứ gì có thể “nhúc nhích”. Phụ nữ và trẻ con không phải là mục tiêu, nhưng trong nhiều trường hợp, chính họ lại là nạn nhân. Các lực lượng Việt Cộng và quân đội Bắc Việt Nam thường đào hào, hố hoặc chuẩn bị rút vào hệ thống đường hầm khi cần thiết, trong khi thường dân thì hoàn toàn phơi bày ra ở chốn hiểm nguy.
     Từng trải nghiệm qua tâm trạng cả yếm thế lẫn tỉnh ngộ, một buổi tối nọ, tôi thực sự sửng sốt khi có hai người hoàn toàn xa lạ đến “thăm viếng” nơi cư ngụ của mình. Sau vụ pháo kích mới đây và may mắn thoát chết, tôi đã dời chỗ ngủ của mình xuống hầm trú ẩn, một nơi an toàn được hai lớp bao cát bảo vệ, nhưng tôi lại chạm trán với những kẻ hết sức “tình cờ” mà tôi chẳng quan tâm là mấy.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #59 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 09:46:37 pm »

Chương 14 (tiếp)

Tối hôm đó, sau khi tôi vừa từ bệnh viện trở về, có hai quân nhân lạ mặt trong quân phục tác chiến đến hỏi xin tôi được ngủ nhờ qua đêm dưới hầm trú ẩn. Việc “tiếp khách” là quân nhân hiếm khi xảy ra ở nơi tôi cư ngụ và lần duy nhất mới xảy ra gần đây thôi là khi viên chỉ huy quân đội, bác sĩ quân y Hurst – người giám sát tôi, đến thăm khi tôi bị sốt rét. Vì vậy, việc xuất hiện của hai quân nhân bí ẩn này khiến tôi hơi nghi ngờ. Tuy nhiên, họ đang mặc quân phục và rõ ràng là người Mỹ nên tôi không thể từ chối việc cho họ ngủ nhờ qua đêm.
     Hai người lạ mặt bí hiểm này ăn mặc chỉnh tề và gọn gàng. Họ có phong thái của những sĩ quan ở độ tuổi 23 hoặc 24. Trông họ giống như vừa mới bước ra từ phim trường Hollywood. Bộ đồ họ mặc để ngụy trang được ủi thẳng nếp nhưng lại không gắn phù hiệu cho biết họ thuộc binh chủng nào của quân đội. Vũ khí họ mang cũng như những quả lựu đạn được gắn vào nịt thắt lưng trông rất mới và bóng láng, như thể vừa mới được lấy từ trong thùng ra. Mặc dù họ mặc quân phục Mỹ, mang vũ khí Mỹ, nhưng trông họ chẳng giống như những tay súng trong khu vực chiến sự nóng bỏng của vùng hỏa tuyến này.
     Sau đó, tôi nhận ra rằng những người này có lẽ đến đây theo cái mà CIA gọi là “lượng giá điều bất lợi” căn cứ vào mức độ nghiêm trọng mà tôi đã được báo cáo về thông tin các trẻ em bị sát hại. Theo những tác giả khác, chiến dịch Phượng Hoàng của CIA không chỉ thiết lập những “trại cải huấn” trên khắp lãnh thổ Việt Nam, nơi mà con người bị tra tấn hàng ngày, mà những người thực hiện chiến dịch Phượng Hoàng còn thủ tiêu những ai mà họ xem là “có vấn đề” vào thời điểm đó, ngay cả việc thủ tiêu người Mỹ nếu xét thấy cần thiết.
     Hai người mặc quân phục lấy ra một bộ bài, tỏ ra muốn tôi được thư giãn. Họ nói họ đến đây chơi bài và để tán gẫu với tôi về “tình hình” của bệnh viện. Chúng tôi chơi bài dưới ánh sáng bập bùng của nến dưới hầm trú ẩn.
     Sau một hồi trò chuyện vặt, một trong hai người bắt đầu hỏi tôi một số câu có tính dò dẫm.
- Bác sĩ! Chúng tôi nghe là ông đang có một số vấn đề ở đây.
     Một số vụ việc khiến ông đang lo buồn phải không?
     Tôi cảm thấy như là mình đang bị thẩm vấn. Bản năng tự vệ nổi dậy.
- Tôi là một cựu quân nhân Thủy quân lục chiến. - Tôi giận dữ trả lời. - Và tôi biết rất rõ những người lính Thủy quân lục chiến đang đối diện với cái chết trên khắp chiến trường Quảng Trị. Họ đang chết như ruồi nhặng trong cuộc chiến chết tiệt này mà chẳng có lấy một nguyên nhân nào cả. Đây là một cuộc chiến tàn bạo, vô nghĩa, nhưng nếu như có ai đó bị lãnh đạn một lúc nào đó, hoặc những người thường dân vô tội bị trúng đạn, thì đó chỉ là một phần của cái giá vô lý mà chúng ta phải trả khi hiện diện ở Việt Nam.
     Tôi trả lời lớn tiếng với chủ đích sử dụng ngôn ngữ theo bản năng của người lính Thủy quân lục chiến, xổ ra một loạt những lời nói báng bổ và điều đó hình như đã đẩy hai người kia trở lại vị trí những người khách bình thường, ngồi đánh bài với nhau. Nhưng về phần mình, tôi đã bị kích động, bối rối. Đó là một buổi tối căng thẳng và tôi vẫn không cảm thấy dễ chịu ngay cả khi hai kẻ này đã ngủ yên trong hầm trú ẩn của tôi.
     Trong đêm, đạn pháo cối nổ chẳng xa hầm trú ẩn của tôi là mấy. Hầu hết pháo là từ phía Việt Cộng, một vài quả phản pháo từ vị trí đóng quân của quân đội Nam Việt Nam. Do vị trí căn hầm trú ẩn của tôi nằm giữa một bên là kho đạn, một bên là dinh Tỉnh trưởng nên chẳng ai dại gì muốn có mặt nơi tôi ở vào ban đêm. Chính điều này dấy lên mối nghi ngờ về hai người khách lạ đã chọn qua đêm với tôi thay vì tìm một địa điểm quân sự an toàn hơn.
     Đến sáng, họ mặc lại quân phục, lặng lẽ nai nịt gọn gàng cùng khẩu súng ngắn 45 ly đeo nơi dây nịt gắn đầy lựu đạn.
     Trước khi giã từ, một người đến gần tôi, dùng tay chỉ vào mặt tôi, ngón cái và ngón trỏ ghép lại như hình khẩu súng ngắn, đe đe cách mặt tôi chừng hơn một phân.
- Tối qua ông bạn suýt chết đấy? - Anh ta nói.
- Ô! Anh muốn ám chỉ các viên đạn súng cối ấy à? - Tôi nói.
- Không phải những viên đạn súng cối. - Giọng anh ta trở nên lạnh lùng và gằn từng chữ. - Và vẫn còn sự chọn lựa cho ông. Chúng tôi đang theo dõi ông về những câu chuyện vô bổ hoặc bất cứ thứ gì đáng ngờ khác.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM