Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 03:06:29 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Không thể chuộc lỗi  (Đọc 51663 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #40 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:34:09 pm »

Chương 8 (tiếp)

“Tôi nhớ đến những trại mồ côi đông đúc và sự chịu đựng đau đớn cùng cực của con người”, Richard F. Harper, một bác sĩ tình nguyện được phân bổ phục vụ tại Mộc Hóa nhớ lại. Mộc Hóa là một thị trấn nhỏ trong vùng Đồng Tháp Mười, nằm cách Sài Gòn gần 100 km về phía Tây. “Tôi cũng nhận ra nghị lực của con người Việt Nam. Họ quyết sống còn và cố giữ cho được phẩm giá của mình.”

     “Khi tất cả mọi việc đã được tuyên bố và thực hiện xong, điều gây ấn tượng nhất đối với tôi trong ba tháng làm việc ở đây chính là những con người Việt Nam”, bác sĩ Tom H. Mitchell, người tình nguyện phục vụ ở Bạc Liêu nói. “Sự chấp nhận và chịu đựng của họ đối với nghịch cảnh cũng đáng kinh ngạc như sự tự nguyện và tính kiên trì của họ. Họ có một khả năng hồi phục mà bạn hiếm khi thấy ở Hoa Kỳ. Khi trở lại quê nhà, tôi đã có khoảng thời gian khá khó khăn để chấp nhận một số điều khó hiểu phải đối diện khi hành nghề y.”
     Cậu thông dịch viên Nguyễn trẻ tuổi thông minh đã hướng dẫn cho tôi khá nhiều về lịch sử và chính trị trong vùng, kể cả những kiến thức tổng quát về văn hóa Việt Nam. Mặc dù tôi không quan tâm đến việc tìm kiếm một người bạn gái hay một người vợ, Nguyễn đã vài lần cố lôi kéo tôi, cố giới thiệu cho tôi một cô gái.
     Nguyễn và gia đình cậu đã gắn số phận của mình với chính quyền Nam Việt Nam và Hoa Kỳ. Họ có thể sẽ bị giết chết nếu như các lực lượng Việt Cộng tiến chiếm Quảng Trị. Cha của Nguyễn là Tỉnh trưởng, một chức vụ cao cấp đầy quyền lực trong chính quyền Nam Việt Nam, chức vụ có thẩm quyền phân phối thực phẩm và hàng tiếp liệu do Cơ quan Viện trợ Mỹ cung cấp. Sau này, một vài người có nói với tôi rằng, có lẽ cha của Nguyễn đã mua chức vụ tỉnh trưởng với giá 50.000 đô-la Mỹ, và hầu hết những ai đã đầu tư theo kiểu mua quan bán chức như thế thì đều lấy lại khoản tiền mà họ đã bỏ ra chỉ trong vòng bốn tháng. Trong thời gian ở Quảng Trị, do Nguyễn quá tử tế và giúp đỡ tôi nhiều việc nên tôi thật ngây thơ khi nghĩ rằng cha cậu ta phải là người thông minh, thân ái và là người không bao giờ lừa dối dân chúng hoặc ăn chặn, ăn bớt của những kẻ nghèo khó.
     Một hôm nọ, tôi nhận được lời mời đến ăn cơm tối tại tư dinh của cha Nguyễn. Tôi nghĩ, được quan đầu tỉnh mời như thế là một vinh dự lớn nên vui vẻ nhận lời. Do cha của Nguyễn không biết tiếng Anh còn tôi thì chỉ biết lõm bõm một vài tiếng Việt nên Nguyễn lại phải làm thông ngôn trong bữa ăn xa xỉ có đến 10 món ăn.
     Khi viên tỉnh trưởng biết là tôi chưa có vợ, ông ta biểu lộ sự quan tâm.
- Chúng tôi có nhiều cô gái đẹp và đáng yêu đang cần một tấm chồng. - Ông nói bằng tiếng Việt và Nguyễn dịch lại cho tôi.
- Chúng tôi sẽ kiếm cho ông một cô vợ xinh đẹp.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #41 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:34:49 pm »

Chương 8 (tiếp)

 Tôi lịch sự cám ơn và tiếp tục ăn. Mặc dù tôi yêu phụ nữ, nhưng tôi cũng đã quyết định là không đụng chạm đến bất cứ cô gái Việt Nam nào vì tôi nghĩ, làm như vậy chẳng khác gì một hình thức bóc lột.
     Cha của Nguyễn đẩy qua cho tôi một đĩa mà ông nói là đặc biệt thơm ngon. Trên đĩa là những lát thịt thái mỏng, có màu hơi đen đen được gói trong những lá xanh có mùi thơm bạc hà. Ông nài nỉ tôi ăn thử. Đĩa thịt trông ngon lành và tôi đã ăn hết cả đĩa rồi quay qua hỏi Nguyễn tên món ăn này.
     Nguyễn nói cho tôi tên tiếng Việt của món ăn.
- Cậu nói gì? - Tôi hỏi lại.
- Thịt chuột. - Nguyễn giải thích bằng tiếng Anh.
     Tôi đã từng biết thịt chuột là món ăn phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á, nhưng tôi không nghĩ là chính mình sẽ nếm thử. Tôi phải thừa nhận là mùi vị thơm ngon của thịt chuột làm tôi ngạc nhiên, nhưng khi nghĩ về bệnh giun xoắn có thể nhiễm vào những loại thịt như thế, tôi đã lịch sự từ chối đĩa thứ hai.
     Mặc dù không thường gặp viên tỉnh trưởng này, thỉnh thoảng tôi vẫn cảm nhận được sự lưu tâm của ông đối với cuộc sống của mình.
     Một vài ngày sau bữa ăn tối tại tư dinh tỉnh trưởng, Nguyễn kéo tôi ra cửa sổ bệnh viện và chỉ cho tôi nhìn ra bên ngoài. Tôi thật ngạc nhiên khi thấy khoảng 100 cô gái trẻ đẹp đang đứng xếp hàng một cách từ tốn. Tôi chưa từng thấy cảnh tượng như thế bao giờ. Các cô gái thanh xuân trong độ tuổi trên dưới hai mươi. Tất cả đều mặc những chiếc áo dài truyền thống của người Việt Nam bằng lụa trắng khiến họ trông giống như những thiên sứ đến thăm chúng tôi.
- Những cô gái này đến đây để làm gì? - Tôi hỏi Nguyễn.
- Để xin châm cứu. - Nguyễn đáp.
- Nhưng mà Nguyễn này! Tôi đâu có biết châm cứu!
- Không, không. - Nguyễn giải thích. - Họ đã được châm cứu rồi, nhưng vẫn còn kim châm cứu trên thân thể.
- Tôi phải làm gì với những cây kim đó?
- Họ biết ông từng lấy những viên đạn ra khỏi cơ thể nên bây giờ, họ muốn ông lấy những cây kim kia ra. - Nguyễn nói. - Ngoài ra, ông có thể chọn bất cứ cô nào ông thích để làm bạn gái.
- Bác sĩ không được quyền hẹn hò với bệnh nhân của mình. - Tôi nói và giải thích cho Nguyễn biết về lời thề Hippocrates.
- Không thành vấn đề. - Nguyễn nói. - Ông không cần phải hẹn hò với cô nàng. Ông có thể cưới bất cứ cô nào mà ông thích.
     Nguyễn tỏ ra vui vẻ khi ra hiệu cho cô gái đầu tiên đi vào phòng khám. Sau khi cô gái cởi áo dài ra, tôi thấy có ba gốc kim châm cứu nhỏ – như thể kim bị gãy – dưới da cô gái. Châm cứu là một cách trị liệu chính của Đông y và tất cả những cô gái đang chờ tôi khám bệnh đều đã được chữa trị bằng phương pháp này cho mọi chứng bệnh, từ ho, đến cảm lạnh, nhiễm trùng đường tiểu và ngay cả bệnh sốt rét nữa. Những cây kim châm cứu dài, nhỏ, thường được dùng đi dùng lại, có khi bị gãy trong khi châm cứu và các vị Đông y sĩ cứ để mặc như thế. Các cô gái không được chữa trị gì thêm cho đến khi các gốc kim lồi lên khỏi da. Một ai đó – có lẽ là viên tỉnh trưởng, cha của Nguyễn – đã tập trung họ lại để cho tôi giải quyết, giúp họ tránh những vết sẹo do gốc kim gây ra. Lúc đó, dường như tôi không để ý là tại sao không có lấy một người đàn ông nào trong số những người đến nhờ tôi lấy gốc kim châm cứu ra.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #42 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:35:31 pm »

Chương 8 (tiếp)

Tôi đã cố hết sức để giúp họ. Với cô gái đầu tiên, sau khi khử trùng vùng da, tôi rạch bằng một cây dao nhỏ, nhưng khi tôi cố gắp cây kim ra - tương tự như khi gắp viên đạn hay mảnh bom - thì gốc kim chẳng hề suy suyển. Các gốc chân kim này đã hoàn toàn kết dính với những mô sợi. Với chỉ hai cô gái đầu tiên thôi, tôi đã mất ba hoặc bốn tiếng đồng hồ, trong lúc những cô gái khác vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi trong chiếc áo dài bằng lụa trắng. Sau một lúc làm việc, tôi thấy thật khó để lấy những gốc chân kim này, và vết sẹo chắc chắn là vẫn còn sau khi đã lấy kim ra.
     Cuối cùng, tôi bảo Nguyễn là hãy nói với các cô gái đang chờ rằng tôi muốn giúp họ nhưng việc gắp những gốc chân kim cũng không tránh khỏi việc để lại vết sẹo, thậm chí còn sâu hơn là vết sẹo đã có sẵn. Tôi cho Nguyễn biết là không thể khám cho các cô ngay bây giờ vì còn nhiều bệnh nhân già yếu và trẻ con đang chờ. Bằng một lệnh ngắn gọn, Nguyễn giải tán ngay các cô gái rồi trở lại làm việc với tôi.
     - Sao ông không là một người hạnh phúc ở Việt Nam? - Nguyễn hỏi tôi khi trở lại. - Ông đã khá lớn tuổi và có thể lập gia đình ở đây. Ông cần phải là một người hạnh phúc từng ngày. Tôi muốn kiếm cho ông một người vợ tốt.
     Tôi mỉm cười và nháy mắt với Nguyễn. Tôi biết ý định tốt của cậu ta.
     Nguyễn luôn luôn để ý đến những mối quan tâm của gia đình, bạn bè và những ai có nhu cầu. Cậu ấy cho rằng tôi thật sự cần có một tình bạn khác phái cho dù tôi không nghĩ như vậy. Và mặc dù không nhận thức được ngay thời điểm đó, nhưng sự hấp dẫn của cuộc sống đời thường giản dị mà cậu ấy đang hưởng thụ hằng ngày, cũng như chính cuộc sống mà tôi đang trải nghiệm, đã cuốn hút và làm thay đổi quan điểm của tôi theo nhiều cách khác nhau.
     Với nền văn hiến mấy nghìn năm, người Việt Nam có rất nhiều ngày lễ lớn để tổ chức kỷ niệm. Thông thường, những bữa tiệc tối là cơ hội cho hội hè đình đám. Những ngày lễ hội như thế giúp cho người Việt Nam giảm bớt căng thẳng từ cuộc chiến bằng thời gian thư giãn và vui chơi. Một đôi lần, tôi may mắn được mời tham dự vào những lễ hội này. Tôi còn nhớ mãi những âm thanh trang nhã, mượt mà của âm nhạc châu Á trong lúc những đứa trẻ sung sướng cùng gia đình san sẻ thức ăn với nhau.
     Vào một trong những dịp lễ hội như thế, tôi được mời thưởng thức một món ăn đặc biệt mà mọi người trong bàn đều muốn tôi nếm thử. Món ăn đầu bữa này thoạt nhìn giống như món bánh kem sô-cô-la. Mọi người đều nói món này ngon tuyệt. Nhìn quanh, tôi thấy những người ngồi chung bàn đều múc vào đĩa thức ăn một cách nhiệt tình.
     Khi ăn thử một miếng, tôi kinh hãi với vị đắng gắt nên liền phun ra khỏi miệng một cách bất lịch sự. Vài người giải thích cho tôi biết món ăn ngon đó của địa phương chính là món tiết canh, làm bằng hỗn hợp của huyết với lòng.
     Và khi tôi nói rằng mùi vị đó không hợp với mình, với khẩu vị người Mỹ của tôi, mấy đứa trẻ phục vụ muốn đền bù lại cho tôi nên chúng mang đến một món ngon khác: trứng vịt lộn.
     Khi tìm hiểu, tôi mới biết rằng những cái trứng mà bọn trẻ đem ra đãi tôi chính là trứng vịt đã được chôn dưới lòng đất ấm trong nhiều tháng trời. Mặc dù bị chôn như thế, con vịt con ở trong trứng vẫn lớn lên theo thời gian và phát triển đến độ hình thành mắt, và đôi khi cả mỏ nữa. Khi trứng đến độ vừa ăn, người ta đem luộc lên và bọn trẻ đem ra mời tôi.
- Hãy thử đi. Ông sẽ thích lắm đó! - Lũ trẻ nói.
     Tôi cám ơn nhưng bọn chúng vẫn tiếp tục nài ép tôi ăn. Tôi không thể ăn được. Thế là các em chia nhau ngay những trứng vịt lộn đó. Sau này tôi mới biết là bọn trẻ đã thể hiện lòng quý mến nên mới mời tôi ăn những quả trứng đầu tiên.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #43 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:36:46 pm »

Chương 9

CUỘC SỐNG TRONG THỜI CHIẾN


    Thái độ của tôi khá chao đảo trong những ngày tháng phục vụ ở Việt Nam. Tôi biết quá rõ về cuộc chiến ác liệt đang diễn ra với số tổn thất nhân mạng và bị thương rất cao. Tôi biết là cuộc đời mình có thể kết thúc bất cứ lúc nào. Tôi biết là mình có thể lãnh ngay một quả đạn pháo hay một viên đạn lạc. Vài tuần sau khi đến Việt Nam, tôi nghe tin thượng sĩ Robert Kennedy (1) bị ám sát ở California. Ngày hôm sau thì ông ấy chết .
     Nhưng cho dù tình hình nghiêm trọng như vậy, tâm trạng của tôi không hoàn toàn bi quan. Trong nhiều ngày, tôi cảm thấy cực kỳ vui vẻ, một cảm giác của người không hề có vấn đề gì. Tôi vui vẻ tiến hành công việc cứu mạng những thường dân vô tội và khoan khoái vì đã thoát khỏi công việc nhàm chán trong chức năng bác sĩ nột trú tại một bệnh viện tâm thần Mỹ. Tôi cảm nhận rằng mình đang hoàn thành một điều gì đó xứng đáng ở Việt Nam. Tôi biết những gì mình đang làm đáp ứng được nhiều hơn, cần thiết hơn, nhân đạo hơn và nhân văn hơn bất cứ điều gì tôi có thể làm ở bệnh viện tâm thần trước đó.
 
     Cứ mỗi lần cứu mạng được một người nghèo , giúp họ sống thêm trên cõi đời này , tôi lại cảm thấy một niềm vui nho nhỏ và thật sự hài lòng về mình. Những lúc như thế, tôi phấn khởi thấy mình làm việc nhanh hơn. Nhiều lần tôi có cảm giác tự hào khi mấy anh chàng Thủy quân lục chiến trẻ xem tôi là “người của họ”. Nhưng liền đó tôi lại trở nên lo lắng và sợ hãi cho cuộc đời mình.
     
     Đột ngột không cần cảnh báo, chiến tranh có thể ở ngay trên đầu chúng tôi. Bầu trời đen kịt trực thăng quân đội với những tiếng nổ liên tiếp của hỏa tiễn, của đạn pháo. Cũng chẳng có gì báo trứơc, mặt đất dưới chân tôi bất thần có thể rung lên với những đợt đánh bom của máy bay B-52 ở một nơi khá xa. Tôi có thể ngửi thấy mùi đặc trưng của bom na-pan trong không khí. Thường là những khi xuất hiện các sự việc nhắc nhở về cuộc chiến đang tiếp diễn như thế, tôi dễ trở nên chán nản ngay tức khắc. Tôi bất lực tự hỏi sẽ có bao nhiêu người dân vô tội bị kẹt giữa hai làn đạn, bao nhiêu người đang chết vào thời điểm đó, bao nhiêu người bị thương, bao nhiêu cơ thể bị biến dạng vì bom đạn và bao nhiêu người sẽ bò đến hoặc được đưa đến bệnh viện của chúng tôi xin chữa trị trong vài giờ tới.
 
     Sau một ngày dài đối diện với chết chóc và những nỗi thống khổ, khi trở về nhà trong tối tăm ẩm ướt, tôi tự hỏi những chỗ tối bên đường là gì? Có ai đó hay ma quỷ nào đi theo mình không? Những lần khác, tôi tự hỏi những tiếng nổ đó phát xuất từ đâu? Có phải là tiếng nổ của đạn súng cối? Ai đã bắn và tại sao bắn? Viên đạn bắn từ hướng nào và phát kế tiếp có bắn trúng mình không?
 
Nhưng là một bác sĩ trẻ đang thực hiện những việc làm thiện chí, tôi có cảm giác là mình được bảo vệ, là “đạn  bắn không thủng”. Chẳng bao lâu sau khi đặt chân đến Quảng Trị, tôi đã được biết đến–qua truyền miệng của trẻ em– là người đến đây để giúp dân chúng địa phương mà không nhận thù lao. Đôi khi tôi cảm thấy không một ai ở Việt Nam lại muốn làm tổn thương đến một bác sĩ nhân từ, một Pied Piper được các em bé bu theo trên đường đến nơi làm việc. Tuy thế, vào những ngày khác, vì một số lý do nào đó mà tôi không thể biết được, những đứa trẻ thường hay theo chân tôi đến bệnh viện lại không xuất hiện. Tôi bắt đầu thắc mắc về điều này.
 
     Khi đi bộ đến bệnh viện và từ bệnh viện về nhà, hoặc thả bộ quanh thị tứ, thỉnh thoảng tôi cũng nghe thấy âm thanh tương tự như đường đạn bay xuyên qua cây cối bên cạnh mình. Tôi đã biết âm thanh này từ những ngày còn phục vụ trong lực lượng Thủy quân lục chiến, nhưng kể từ khi trở thành bác sĩ của thị tứ này, tôi không nghĩ là các tay bắn tỉa sẽ nhắm vào mình. Đôi khi, tôi nghĩ mình được miễn trừ khỏi làn đạn của cả hai phía vì là một bác sĩ Mỹ đến giúp thường dân Việt Nam.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #44 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:37:44 pm »

Chương 9 (tiếp)

Vài lần đầu nghe tiếng đạn bay như thế, tôi cho đó chỉ là những viên đạn lạc và chẳng mấy quan tâm. Thế nhưng về sau , khi tiếp tục đi bộ đến sở làm và vẫn nghe thấy tiếng đạn rít quanh mình, tôi nhận thức được rằng có thể những viên đạn đó đang nhắm vào mình. Tôi hiểu rằng có lẽ Việt Cộng nhắm bắn vào bất cứ người Mỹ nào hiện diện trong khu vực. Nhưng tôi vẫn có ý nghĩ là mình sẽ chẳng bao giờ là mục tiêutrực tiếp của các tay súng và họ chỉ bắn cảnh cáo qua đầu theo kiểu gửi “danh thiếp” cho biết vậy thôi vì tôi trị liệu cho bất cứ ai đến bệnh viện, kể cả Việt Cộng.
 
     Những ngày khác, tôi cẩn thận hơn.  Khi nghe tiếng đạn bay, tôi chạy ngay về nơi trú ngụ, chạy rất nhanh và lắt léo để tránh đạn. Mặc dù tôi đã được huấn luyện cách sử dụng các loại súng cá nhân khi còn trong lực lượng Thủy quân lục chiến và tôi cũng đã được cấp một khẩu M-16 khi đến nhận nhiệm vụ ở Quảng Trị. – một vũ khí hiện đại so với khẩu M-1 cổ lỗ sĩ mà tôi sử dụng khi còn là một quân nhân Thủy quân lục chiến, tôi đã không bao giờ mang theo vũ khí ở Việt Nam. Tôi không muốn mình trở thành mục tiêu . Tôi đến đây trong vai trò một bác sĩ chứ không phải là một chiến binh.
 
     Nhưng khi chiến tuyến thay đổi và chiến sự đến gần hơn, nỗi sợ hãi bắt đầu lan truyền. Tất cả mọi người ở Quảng Trị đều bị tác động. Những đoàn xe quân sự chạy nhanh qua tỉnh lỵ. Dân chúng vội vội vàng vàng. Còn phần mình, tôi nguyện tiếp tục công việc cần  thiết như mọi ngày, bất kể thời cuộc diễn biến ra sao. Có quá nhiều bất ổn, nhiều nỗi đau đớn quanh tôi và tôi phải cách ly chúng để tập trung vào công việc cứu người của mình.
 
     Càng ngày tôi càng nhận rõ là mình thực sự đang ở vùng tâm điểm của cuộc chiến mà cả hai bên đều muốn giành phần thắng. Tỉnh lỵ Quảng Trị chỉ cách vĩ tuyến 17 – tức vùng phi quân sự - chừng 35 km. Cư dân sống trong thị tứ này chia thành nhiều phe. Một số người đồng tình với Việt cộng, một số người thì ban ngày làm việc cho Mỹ, nhưng khi đêm đến lại trở thành những tay súng du kích sẵn sàng tấn công vào binh lính Hoa Kỳ và Nam Việt nam. Tôi được biết là Việt cộng đã cho người thâm nhập vào lực lượng cảnh sát địa phương. Tôi thật sự chẳng thể biết được dânc húng Quảng Trị trung thành với chế độ Nam Việt Nam, hay với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được chính quyền Hà Nội hậu thuẫn.
 
      Mặc dù không thể ước lượng một cách chính xác, có lẽ Quảng Trị được chia ra như sau: 25% dân chúng đồng tình với chính phủ Nam Việt Nam, 25% khác trung thành với Việt Cộng, và một đa số của 50% còn lại thuộc loại lưng chừng, có thể thay đổi chính kiến tùy theo diễn tiến của cuộc chiến. Hầu hết người Việt Nam thích người Mỹ, đặc biệt là thích tiền bạc của Mỹ, nhưng nhiều người trong số họ biết chắc rằng họ có thể phải giết các tay súng người Mỹ vào một thời điểm nào đó để thống nhất đất nước.
     Một ngày nọ, có tin đồn là quân đội Bắc Việt Nam đang chiến thắng, rằng Việt Cộng ngày càng mạnh hơn và rằng do quá nhiều quân nhân Mỹ thương vong nên người Mỹ chuẩn bị rời khỏi Việt Nam. Ngày đó, các y tá người Việt không đến bệnh viện làm việc. Ngày hôm sau, lại có tin đồn là quân đội Mỹ vừa đánh thắng một trận lớn và rằng các lực lượng của Nam Việt Nam sẽ chiến thắng cuộc chiến. Thế là các y tá trở lại làm việc. Tinh thần làm việc của mọi người được tiếp tục thử nghiệm qua sự dao động, biến chuyển của tình hình chiến sự, trong đó phe nào cũng muốn chiếm thế thượng phong. Mọi thứ như một trò đùa. Vào những đêm khi có tin đồn sẽ có trận đánh lớn nhắm vào các lực lượng Hoa Kỳ, Nguyễn hoặc những người Việt Nam khác đã cảnh báo và tôi nhận những lời cảnh báo này một cách nghiêm túc.
     Trong lần đi Huế vào một buổi chiều, tôi đã có dịp thấy rõ ràng bức tranh về những hoạt động bí mật của Việt Cộng và khả năng xâm nhập của họ vào những khu vực được coi là vùng an ninh. Tôi cùng bác sĩ Detwiler – người cố vấn của tôi – đi thăm một lăng tẩm ở Huế. Vào thời điểm đó, các lực lượng quân đội Mỹ đang bảo vệ cho cố đô Huế.
     Khi đến lăng tẩm này, chúng tôi dừng một lát để nhìn cảnh tượng một đám ma đang diễn ra trên đường phố. Một nhóm người khiêng nhiều quan tài bằng gỗ trong khi những người khác ngồi trên những chiếc xích lô. Đúng lúc đó, một vị tu sĩ Phật giáo lặng lẽ đến bên cạnh chúng tôi và lưu ý là chúng tôi không nên đến quá gần đám tang đó. Vị tu sĩ nói thầm cho chúng tôi biết là các quan tài đó chẳng hề có xác chết mà trái lại, chứa toàn lựu đạn và các loại quân trang quân dụng khác. Còn những người ngồi trên xích lô chịu trách nhiệm trinh sát, canh phòng cho bất cứ sự cố nào có thể xảy ra.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #45 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:38:30 pm »

Chương 9 (tiếp)

Bác sĩ Detwiler và tôi cám ơn vị tu sĩ và trở về bệnh viện sớm hơn so với dự kiến. Trong một thành phố được xem là an ninh, được quân đội Mỹ bảo vệ như thế, mà chúng tôi lại vừa thấy một đoàn người Việt Cộng. Ở Việt Nam, mọi thứ không phải lúc nào cũng giống như vẻ bên ngoài mà ta nhìn thấy.
Ở Quảng Trị còn nguy hiểm hơn. Một ngày nọ, tôi vô ý lâm vào một hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm. Khi đi bộ từ một khoảng cách khá xa, tôi nhìn thấy nhiều bác sĩ quân y Mỹ đang nói chuyện với một trong những thông dịch viên người Việt Nam. Tôi dừng lại để nói chuyện với các bác sĩ mà không biết rằng mình đang rơi vào một tình huống chết người. Tôi có mang theo máy ảnh và ngây thơ đưa máy lên chụp một kiểu cho các bác sĩ. Và rồi tôi nhận ra là người thông dịch viên nọ đang khua khua một quả lựu đạn trong tay.
- Các anh điều hành đất nước chúng tôi. Các anh nói tôi ăn cắp xăng. Các anh đuổi việc tôi. Và bây giờ thì tôi giết các anh! -- Người Việt Nam đó hét lên, tay đe đe quả lựu đạn.
- Từ từ đã ông bạn! - Tôi vừa nói vừa bước về phía anh ta. - Có gì thì hãy nói. Việc cỏn con này thì chúng ta có thể dàn xếp được mà!
- Người Mỹ đuổi việc tôi. Họ còn gọi tôi là kẻ ăn cắp! - Anh ta nói.
     Anh ta kể là anh bị đuổi việc vì người Mỹ cho rằng anh đã ăn cắp xăng đổ vào xe gắn máy của mình. Anh nói đó chỉ là một lít xăng thôi và tôi đã thuyết phục anh rằng chuyện nhỏ như thế chẳng đáng để xảy ra án mạng.
     Tôi nhẹ nhàng vỗ về và kéo anh ta ra khỏi những vị bác sĩ mà rõ ràng là những người vô can, ngoài cuộc. Tôi nói chuyện tử tế với anh ta, yêu cầu anh giao quả lựu đạn cho tôi. Tôi cũng nói là anh ta có thể nhận được số xăng cần thiết và hứa sẽ giúp anh ta trở lại với công việc cũ với mức lương 6 đô la/ngày, cao hơn nhiều so với mức lương trung bình ở Việt Nam lúc đó là dưới 1 đô la/ngày. Khi anh ta bình tĩnh trở lại, tôi giao trả quả lựu đạn và bảo anh ta hãy đi ngay lập tức.
     Ngày hôm sau, khi quay trở lại địa điểm xảy ra sự cố, tôi được báo là anh chàng tay cầm quả lựu đạn bị nghi ngờ là một điệp viên Việt Cộng, còn hai viên bác sĩ quân y Mỹ được tôi cứu mạng lại bị nghi ngờ là những cảm tình viên của Việt Cộng. Tôi không thể tin được. Hành động cứu người của mình lại bị xem là hậu thuẫn cho Việt Cộng ư? Dù gì thì điều mà tôi đã thực hiện để cứu giúp người khác và tháo gỡ tình thế khó khăn đã bị xem xét với con mắt nghi ngờ. Và hậu quả của việc này là tôi có thể trở thành “một đối tượng bị nghi ngờ với những động cơ đáng ngờ” tại tổng hành dinh Cơ quan Viện trợ Quân sự Mỹ ở Quảng Trị. Sau này, khi xem phim Apocalypse Now, tôi nhận ra mức độ gần gũi với sự thật mà các phim siêu hiện thực thể hiện.
     Rất nhiều lần chúng tôi thật sự có cảm giác là chiến tranh đang di chuyển đến gần hơn. Đạn pháo nã vào tỉnh lỵ Quảng Trị mỗi ngày. Đang có giao tranh lớn gần đó và thủ phủ Quảng Trị nhiều lần có khả năng bị xâm nhập. Chúng tôi đã nghĩ đến việc buộc phải di tản cả bệnh viện.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #46 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:39:11 pm »

Chương 9 (tiếp)

Nơi ở của tôi không phải là một vị trí an toàn. Ngôi nhà tôi sống cùng với một gia đình truyền giáo người Mỹ nằm ở khoảng giữa tư dinh viên tỉnh trưởng và kho đạn lớn của Nam Việt Nam tọa lạc trong thành cổ. Đây là hai mục tiêu chính yếu của các lực lượng đối phương và điều này khiến ngôi nhà trở thành nơi nguy hiểm và dễ dàng lãnh những trái đạn lạc.
     Một lần, vào khoảng nửa đêm, tôi đang ngủ trên giường thì bị chấn động mạnh do đạn súng cối nổ ở góc sân, cách nơi tôi nằm chừng ba, bốn mét. Tôi thảng thốt tỉnh giấc giữa tiếng nổ kinh hoàng và tia sáng lóe lên ngoài cửa sổ. Vụ nổ khiến toàn bộ cửa kính rơi vỡ tung tóe khắp nơi. Bức tường phòng ngủ đổ sập xuống. Ngay sau tiếng nổ, tôi cảm nhận được sự nguy hiểm xảy ra đến nơi. Tôi nghe tiếng gào thét của ai đó phá tan không gian yên tĩnh sau tiếng nổ.
     Rồi nhiều quả đạn pháo rơi tiếp, chẳng xa mấy so với quả ban đầu. Tôi nghe tiếng súng nhỏ và chụp vội khẩu M-16 mà tôi được trang bị và chưa hề sử dụng. Tôi kiểm tra xem súng đã được nạp đạn chưa rồi bò xuống gầm giường. Tôi đã trải qua một đêm như thế bên dưới gầm giường, với hy vọng là ít nhất chiếc giường có nệm cũng “che” được cho mình khỏi làn đạn pháo và bảo vệ mình phần nào trong trường hợp các bức tường đổ ập xuống. Mặc dù có trong tay khẩu M-16 nhưng tôi biết rằng, nếu Việt Cộng có tràn vào nhà, tôi cũng chẳng nổ được phát súng nào.
     Tôi đã hoàn toàn tỉnh táo. Những gì từng được huấn luyện khi còn là một người lính Thủy quân lục chiến đã trở lại với tôi. Tôi trở nên cảnh giác cao độ. Tôi đã được huấn luyện “kỹ thuật chiến tranh”, nhưng giờ đây, cuộc chiến này không phải là một kiểu chiến tranh cổ điển với ranh giới rõ ràng giữa các chiến binh và dân thường. Không có tuyến đầu cũng chẳng có hậu phương thực sự. Đó là cuộc chiến giải phóng dân tộc do Việt Cộng tiến hành dựa vào kỹ năng, sự khôn khéo và bí mật để chống lại các lực lượng Hoa Kỳ hung dữ với hỏa lực hùng hậu.
     Đó là một đêm rất dài. Tiếng nổ liên hồi của đạn cối, hầu như cách một phút là một quả kéo dài cho đến khi mặt trời mọc. Tiếng súng và đạn pháo chấm dứt khi những tia nắng ban mai chiếu vào khung cửa sổ vỡ nát của nhà tôi mang theo hơi ấm của một ngày mới. Tôi nghe thấy âm thanh của vài chiếc trực thăng đang quần thảo đâu đó.
     Tôi tắm bằng vòi sen, cố gắng loại bỏ những suy nghĩ trong đầu và quyết định đến bệnh viện làm việc. Bên ngoài cửa chính ngôi nhà mình đang ở, tôi kinh ngạc phát hiện ra rằng đầu người lính gác của mình đã bị hớt đi một mảng tóc vì mảnh đạn pháo. Anh ấy vẫn đứng gác với một vệt dài trên đầu khi mảnh đạn pháo bóc đi phần da tóc trên chóp đầu của anh.
     Không lâu sau vụ tấn công nói trên, vị tỉnh trưởng – cha của Nguyễn – lệnh cho người mang bao cát và xây một hầm trú ẩn bên cạnh cửa chính ngôi nhà tôi ở. Một hầm chống bom đạn lớn khá an toàn dành cho tôi mà sau này tôi cần đến ngày một nhiều hơn.
     Khi tôi hỏi Nguyễn vì sao cha cậu ấy làm như vậy, Nguyễn giải thích: “Cha tôi quý mến ông, rất tôn trọng ông và không muốn ông chết. Cha tôi cầu nguyện cho sự bình an của ông và cũng cầu cho ông kiếm được một người vợ tốt”.
     Căn nhà tôi ở cũng là nơi cư trú của một gia đình Cơ đốc giáo. Họ là những nhà truyền giáo đến từ Mỹ, gồm người chồng, người vợ và ba đứa con tuổi thiếu nhi. Công việc của những nhà truyền giáo Jehovah’s Witness là chuyển giao tặng phẩm gồm sữa bột và những sản phẩm từ sữa đến trẻ em và gia đình Việt Nam trong khu vực như là một phần trong chiến dịch nhân đạo của họ. Tôi nhận thấy có điểm đáng băn khoăn về y học ở đây, do lẽ hầu hết trẻ em Việt Nam không dung nạp lactose(1) và sẽ phản ứng không thuận lợi đối với sữa bò. Nếu nhìn lại, rõ ràng đây là một thí dụ về ý muốn tỏ ra thiện ý của người Mỹ, nhưng lại không am hiểu những vấn đề sức khỏe và văn hóa của Việt Nam. Tôi nhớ âm thanh dễ chịu của kèn sáo xuất phát từ nơi ở của gia đình truyền giáo này vào một số đêm, với những người Việt Nam ngồi quây quần bên những dụng cụ âm nhạc dân tộc – hay thỉnh thoảng với cây đàn ghi-ta – và cùng hát những bài ca hòa bình.
     Tôi kính trọng những người này và quan tâm đến sự an nguy của họ. Tôi nói với những người truyền giáo rằng, trong những trường hợp khẩn cấp, họ cũng như bất cứ ai khác đều có thể sử dụng cái hầm trú ẩn mới của tôi. Gia đình nhà truyền giáo không có hầm trú ẩn riêng nên nhiều đêm họ ngủ cùng hầm với tôi. Tất cả chúng tôi hiểu rằng mình đang ở trong vùng chiến sự và rằng chúng tôi nên cùng sẻ chia, giúp đỡ nhau sống sót qua cuộc chiến.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #47 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:40:04 pm »

Chương 10

NHỮNG BÁC SĨ TÌNH NGUYỆN ĐẾN VIỆT NAM


THĂM VIẾNG MỘT TRẠI CẢI HUẤN
     Mấy ngày sau vụ tấn công bằng đạn cối, tôi cùng vài y tá Hải quân đi đến một xã kế cận trong chương trình tiêm chủng và chăm sóc trẻ em định kỳ của chúng tôi.
Ở đó, tôi đã chứng kiến những điều còn kinh khủng hơn nữa của chiến tranh. Trong xã này, lần đầu tiên tôi thấy một trại “cải huấn”.
     Cũng giống như nhiều trại tù tương tự được thiết lập bằng nguồn tài trợ của Mỹ và do chính quyền Nam Việt Nam quản lý một cách tồi tệ, trại cải huấn trong xã này chật kín hàng ngàn con người gần như trần truồng, gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ con, bị cho là tù binh chiến tranh. Cái gọi là “trại cải huấn” dùng để giam giữ cư dân địa phương bị vây bắt mà không có chứng cứ xác đáng và đối xử với họ như súc vật. Họ bị buộc phải nhận tội, bị giam cầm mà không có xét xử, và bị đối xử một cách tàn nhẫn.
      Đây chưa phải là phương cách tồi tệ nhất mà chính quyền Nam Việt Nam và Mỹ áp dụng. Những người bị tình nghi có hành động chống đối lại chính quyền Nam Việt Nam còn bị nhốt trong các “chuồng cọp” rất chật hẹp và đầy nghẹt người. Những chuồng cọp này được néo chặt bằng những cột tre dày đặc, cách khoảng chưa đầy một tấc.
      Những chuồng cọp mà tôi thấy tận mắt dài chừng 6m, rộng 3m và cao khoảng hơn 1m. Chuồng cọp rất thấp nên tù nhân không thể đứng dậy được. Mỗi chuồng cọp như thế giam đến 20 người. Họ được nuôi ăn thông qua những lát gỗ mỏng và buộc phải sống chung với những thứ cặn bã phân, nước tiểu mà họ thải ra. Tôi cũng thấy cảnh người ta mắng nhiếc, khạc nhổ lên những người bị giam trong chuồng.
     Khi tôi đi bộ ngang qua những chuồng cọp, các tù nhân đã nhận biết tôi là một người Mỹ mặc thường phục. Họ ngồi trong tư thế quỳ gối và lặng lẽ chìa bàn tay ra cầu xin sự cứu giúp. Trong khoảnh khắc ấy, tôi đã nhìn thấy những ánh mắt biết nói và đáng thương nhất ở Việt Nam.
     Tôi được biết là những du kích Cộng Sản trung kiên nhất sẽ bị giam cầm rất lâu trong chuồng cọp. Những tù nhân bị liệt vào hạng “tội nặng nhất” sẽ bị hành hạ và bỏ lờ đi cho đến chết. Thường thường, các chuồng cọp được xây dựng ở những nơi trống trải nên nhiều tù nhân đã chết vì bị mất nước dưới ánh nắng chói chang của mặt trời. Họ cũng chết vì đói khát và căng thẳng khi bị giam lâu ngày trong những chuồng cọp chật chội, nơi mà đúng ra còn không thích hợp để nhốt súc vật nữa.
     Ngoài ra, tôi cũng được biết những tù nhân “ngoan cố” nhất – những nhà cách mạng kiên cường đến cùng – những người bị xem như không có hứa hẹn “cải hối” được, thì đừng mong ngay cả việc bị đưa vào trại cải huấn. Sau này tôi mới biết rằng, trong chiến tranh, có khoảng 40.000 người Việt Nam bị chính quyền Nam Việt Nam và Mỹ sát hại trong các chiến dịch Phượng hoàng của Cục Tình báo Trung Ương Mỹ (CIA). Chính đây là nơi đề xuất thiết lập các trại cải huấn. Theo Stuart Herrington, tác giả của Stalking the Vietcong: Inside Operation Phoenix: A Personal Account, những thường dân Việt Nam bị phát hiện có giữ ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhà, có radio, có thuốc men nhiều hơn mức cá nhân cần dùng, đều bị quy là Việt Cộng và sẽ bị giết ngay tức khắc.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #48 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:41:23 pm »

Chương 10 (tiếp)

Trại cải huấn mà tôi mô tả chỉ là một khía cạnh khác của cuộc chiến tàn bạo, mất nhân tính. Tại Việt Nam, có lần tôi đã nghe từ miệng một sĩ quan quân đội rằng cần phải giết cả con cái của những người bị tình nghi là Việt Cộng nữa, vì chúng như trứng chấy rận, rồi sẽ lớn lên và trở thành kẻ thù nguy hiểm.
     Khi mọi việc ở bệnh viện tạm ngớt hoặc khi được nghỉ bù, một bác sĩ người Mỹ như tôi có thể du hành quanh đất nước Việt Nam bằng trực thăng hoặc bằng các loại máy bay quân sự khác. Tôi cảm thấy thật tự tin khi quanh mình toàn là quân nhân Mỹ. Những gã lính trẻ hiên ngang này thường làm tôi nhớ lại hình ảnh của chính mình khi còn mặc bộ quân phục và hãnh diện là một người lính Thủy quân lục chiến.
     Nhưng thỉnh thoảng, ngay trong quân đội, đã xuất hiện tiếng rì rầm lo sợ hoặc trạng thái tuyệt vọng. Hình như những người lính trẻ đã nghĩ và hy vọng rằng tôi, với tư cách là một bác sĩ, có thể có chút ảnh hưởng đối với các nhà lãnh đạo chính trị ở quê nhà trong việc đưa họ trở về nhà sớm hơn. Có lẽ vì tôi là một bác sĩ, nên một số quân nhân trông chờ ở nơi tôi nhiều hơn là đối với sĩ quan chỉ huy của họ. Rất bất ngờ, một binh sĩ giãi bày với tôi cảm giác và nỗi sợ hãi của anh ta. Một số quân nhân cố tìm cách làm cho tôi nghe họ nói và giúp họ “trở về với thế giới” – là cách ám chỉ trở về nước Mỹ – càng nhanh càng tốt.
     Trong một cuộc viếng thăm quân nhân Mỹ, tôi nghe một Thủy quân lục chiến trẻ nói buột ra: “Mẹ kiếp! Chúng ta đang thua trận. Mọi thứ đều là đồ chết tiệt. Chúng ta đi hành quân và cố tìm diệt kẻ địch, nhưng không biết kẻ thù quỷ sứ của mình ở đâu. Nếu chúng ta chạm trán ngay bây giờ, trận chiến sẽ kết thúc nhanh vì họ đang ở thế thượng phong và chủ động, họ sẽ tấn công chúng ta tả tơi”.
     Một người lính trẻ khác nói với tôi: “Này bác sĩ! Hãy nói với công chúng là chiến tranh đang hồi bế tắc và không còn lý do biện minh nữa. Các sĩ quan chỉ huy không còn dẫn dắt chúng tôi ra trận, họ cũng không đi theo chúng tôi nữa. Họ sợ bị bắn hoặc hứng chịu mảnh bom đạn, nhưng họ cứ ra lệnh buộc chúng tôi phải ra mặt trận. Chúng tôi nhận lệnh phải đi tuần tra và sẽ chết như ruồi muỗi ấy”.
Là một cựu binh Thủy quân lục chiến, khi nghe những lời này từ những quân nhân Mỹ trẻ tuổi hoặc từ những chàng trai Thủy quân lục chiến, tôi cảm thấy thật thảm thương và buồn xé ruột. Nhận định của những quân nhân này nhắc nhở tôi hãy đừng hậu thuẫn với chính quyền Mỹ trong việc tiếp tục dính líu vào chiến tranh Việt Nam.
     Đội quân dũng cảm nhưng nản chí của chúng ta thỉnh thoảng phơi bày thái độ yếm thế, hoảng sợ và tin vào số mệnh. Trong khi chờ đợi các chuyến bay, tôi đã thấy những gã trai trẻ ở tuổi thanh niên, khoảng ngoài 20 tuổi nhưng lại có khuôn mặt lạnh lùng, đăm chiêu của những gã đàn ông 50 hoặc 60 tuổi. Có lần, họ bày tỏ với tôi những nhận xét kín đáo, khó hiểu.
- Tôi không nghĩ là mình có thể tiếp tục tồn tại ở đây lâu hơn nữa bác sĩ à. - Một người nói.
- Tôi đã mất cả đám bạn thân. Chúng đã chết. Tôi không muốn ở đây và chấm dứt cuộc đời giống như chúng. - Người khác nói.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #49 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:41:57 pm »

Chương 10 (tiếp)

Trong một chuyến bay ngắn tại sân bay Phú Bài, tôi vội vàng leo lên một máy bay quân sự, nhưng rồi phát hiện là mình đáp nhầm máy bay. Tôi muốn trở về Quảng Trị mà lại leo lên máy bay đi An Khê, cách Quảng Trị đến 350 km về phía Nam. Đây là chuyến bay đầy hiểm họa khiến tôi phải ghi nhớ trong nhiều năm.
     Máy bay chở hơn 150 lính Thủy quân lục chiến được trang bị súng M-16, lựu đạn, súng đại liên và cơ số đạn dược đầy đủ. Một máy bay quân sự bay trên bầu trời Việt Nam thì dĩ nhiên dễ bị bắn từ dưới mặt đất. Một số người đang ngủ gà ngủ gật, số khác cóng lên vì sợ hãi. Số ít muốn bắt chuyện với tôi, vị bác sĩ đi nhầm máy bay.
- Bác sĩ! Ông sẽ làm gì khi đi với chúng tôi? - Một anh chàng Thủy quân lục chiến da đen khoảng 19 tuổi hỏi tôi. - Ông sẽ ra trận với chúng tôi chứ?
     Tôi giải thích với cậu ta rằng tôi phải trở lại Quảng Trị. Cậu ta bảo rằng máy bay đang bay theo hướng ngược lại.
- Này, bác sĩ! Hãy nói giùm tôi là ông học cái quỷ gì ở trường y mà lại không biết là mình sẽ đi đâu?
     Chúng tôi cùng cười. Rồi tay Thủy quân lục chiến trẻ này kể cho tôi nghe câu chuyện:
- Cách nay chừng hai tháng, suýt nữa tôi đã chết rồi! - Cậu ta nói, cho tôi xem vết sẹo dài chừng một tấc rưỡi trên cổ, gần tĩnh mạch cổ họng. - Một mảnh bom cắt ngang cổ họng khiến tôi bị mất máu đến gần chết ở Cồn Thiên. Họ đưa tôi đi bệnh viện, rồi họ nói là tôi có thể bị hư não vì mất quá nhiều máu. Trông tôi có vẻ gì là điên điên không bác sĩ?
     Tôi nói là anh ta không có vấn đề gì đâu.
- Có một số quy định nói rằng khi bị thương như vậy thì sẽ được nhiều thời gian dưỡng thương hơn. Nhưng họ nói là tôi trông rất khỏe nên tôi biết là họ đã cắt ngắn thời gian dưỡng bệnh và đưa tôi trở về đơn vị. Các em trai tôi cần tôi, nhưng tôi e đây là trận chiến cuối cùng của tôi. Bác sĩ ạ! Tôi có cảm giác là lạ về trận chiến này.
     Người lính Thủy quân lục chiến trẻ ngả lưng ra phía sau, nhắm mắt lại. Có vẻ như cậu ta ở trong tình trạng bất an ấy suốt thời gian còn lại của chuyến bay.
     Tôi tìm gặp viên đại úy Thủy quân lục chiến chỉ huy. Ông ta cười khi nghe tôi kể chuyện mình đi nhầm máy bay. Đó là nụ cười thứ hai tôi thấy được trên chuyến bay này. Viên đại úy cho hay là tôi cần phải đáp chuyến bay trở về ngay khi có thể.
- Tôi sẽ cho một chiếc trực thăng chở anh về Quảng Trị. - Viên đại úy nói. - Chúng tôi có đủ máy bay trực thăng, nhưng cơ hội bay được đến Quảng Trị bằng trực thăng là 50/50. Hãy chờ một máy bay phản lực, anh sẽ bớt gặp nguy hiểm hơn.
- Vâng, tôi sẽ chờ máy bay.
     Ông gật đầu và cười.
     Khi máy bay đáp xuống An Khê, chúng tôi nghe tiếng đạn dưới bụng máy bay của các tay bắn tỉa trên mặt đất. Tôi trông thấy vẻ sợ hãi thật sự trong mắt của những người lính. Và sự dũng cảm của họ cũng là điều hiển nhiên. Mỗi một người lính đều biết rằng, có lẽ một nửa số đồng đội của họ trong cuộc hành quân này sẽ không còn sau trận chiến mà họ đang hướng tới. Tất cả họ chỉ cố sống sót qua từng ngày, sống và chiến đấu cho màu áo Thủy quân lục chiến và thực hiện nhiệm vụ chiến đấu cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM