Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 09:23:38 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Không thể chuộc lỗi  (Đọc 51673 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #30 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:26:00 pm »

Chương 7 (tiếp)

Khi cân nhắc, xác định tình trạng người bị thương để phẫu thuật trong các trường hợp này thì việc phân tích hình dáng, kích cỡ và tốc độ của viên đạn hoặc mảnh bom vào thời điểm gây thương tích là rất quan trọng – không kém việc xem xét tình trạng vết thương. Nếu so sánh với vết thương do dao hoặc lưỡi lê gây ra, thì những vết thương do một viên đạn bắn ra ở tốc độ cao nghiêm trọng hơn rất nhiều vì lực phá hủy của chúng rất cao.
     Tốc độ bay của đầu đạn và tên lửa đã tăng lên gần 4 lần kể từ Thế chiến thứ I, và thương vong do viên đạn bắn đi với tốc độ từ 600 đến 1.200 mét trong một giây thì thật là khủng khiếp. Khi chạm vào đối tượng, động năng của viên đạn sẽ phá tung và tạo ra một lỗ hổng tức thời quanh điểm bị bắn. Lỗ hổng này có thể lớn gấp 30 lần độ lớn của đầu đạn, phá vỡ các mạch máu, dây thần kinh và làm vỡ xương. Những vết thương do đạn của súng tiểu liên M-16 gây nên thường nghiêm trọng hơn là những vết thương do mảnh lựu đạn cho dù thoạt nhìn, vết thương do mảnh lựu đạn tạo ra thường to hơn và có vẻ khủng khiếp hơn. Dĩ nhiên, với bất cứ vết thương nào, bạn cũng phải xử lý khả năng nhiễm trùng từ quần áo, da thịt, đất cát dơ bẩn và bất cứ thứ gì đi theo viên đạn thâm nhập vào vết thương. Vết thương do viên đạn xuyên qua còn có thể nhiễm trùng từ phân, nước tiểu, xương và các loại vi khuẩn nếu viên đạn làm thủng vùng ruột.
     Ngoài ra, chúng tôi cũng phải xử lý nhiều thương tích do tai nạn. Chúng tôi thường gặp những ca trẻ em chạy xe đạp bị ngã, rồi bị các loại xe quân sự cán qua người. Có em tử vong, có em bị nghiền nát tay hoặc chân. Bất cứ trường hợp nào bị nghiền nát tay chân sẽ bị hội chứng sưng tấy lên trong vòng một giờ đồng hồ: chân tay phù lên khi máu từ các mao mạch tràn ra trong cơ thể. Rồi các bắp thịt nơi bị nghiền nát sẽ phóng thích đồng loạt một lượng lớn các hóa chất như sắc tố của tế bào, kali, creatinine và a-xít có thể làm trụy gan, hạ huyết áp đột ngột dẫn đến tử vong. Khi nạn nhân của những trường hợp này được đưa tới bệnh viện, chúng tôi phải xem xét ngay là vào lúc đó, có ca bệnh nào cần thiết phải theo dõi trực tiếp hay không, rồi quyết định việc trị liệu. Thông thường, những chân tay bị nghiền nát quá nặng, hoặc bị nhiễm trùng nặng không thể cứu vãn được thì sẽ phải cắt bỏ. Đôi khi, vì có quá nhiều nạn nhân, chúng tôi phải giải quyết thật nhanh và trong phòng mổ có cả thùng chất đầy chân tay bị cắt bỏ.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #31 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:26:40 pm »

Chương 7 (tiếp)

Nhưng chúng tôi luôn cố gắng cứu lấy chân tay người bị nạn bất cứ khi nào có thể bằng cách nhanh chóng cắt bỏ mô hoại tử, chữa ngay các thương tích mạch máu, làm giảm sự biến chất của các mô, áp dụng liệu pháp kháng sinh – tức sử dụng hết mọi phương cách nhằm ngăn chặn sự nhiễm trùng và xuất huyết để khỏi phải dùng đến biện pháp cuối cùng là cắt bỏ. Một lý do để cố tránh việc cưa bỏ tay chân là tâm lý của nạn nhân sau khi phẫu thuật. Nếu như nạn nhân thấy được rằng đó là biện pháp cuối cùng sau khi đã tìm mọi cách cứu chữa thì họ sẽ dễ chấp nhận hơn.
     Tôi nhớ một lần, khi có toán bác sĩ Canada đến giúp trong vài ngày, chúng tôi cùng làm việc suốt nhiều giờ để cứu chữa cho cánh tay một em gái Việt Nam 12 tuổi bị một chiếc xe Jeep cán qua. Một cánh tay của em đã gần như rời ra, treo lủng lẳng với các dây thần kinh, động mạch giữa, các chùm động mạch và tĩnh mạch của cánh tay. Các bác sĩ đã làm việc hết sức tận tâm. Chúng tôi lo ngại về độ ẩm, về thời tiết oi bức, về tất cả các thứ như côn trùng, bụi bặm, chất bẩn kết hợp với chấn thương nặng như thế sẽ khiến cho em không sống nổi hoặc nhẹ nhất là mất luôn cánh tay.
     Tuy vậy, chúng tôi đã làm việc trong 6 giờ liền để khâu lại các mạch máu, cắt bỏ các mẩu xương gãy và sắp xếp lại các bắp thịt. Một điều thật đáng nể phục là em gái này không những đã dũng cảm chịu đựng mà còn cố nở nụ cười trên môi. Sau cuộc phẫu thuật, chúng tôi bọc tay của em bằng bao sợi saran và ngâm khuỷu tay trái vào nước đá lạnh. Chúng tôi đã làm hết sức mình nhưng định mệnh đã không chiều theo cô bé khi chúng tôi xem xét lại vết thương vào ba ngày sau. Tôi đã ngây thơ hơn tay bác sĩ chỉnh hình là người đứng mổ chính của ca này. Vào ngày thứ ba, vị chuyên gia này nhìn cánh tay của cô bé rồi phán: “Chúng ta phải cắt bỏ và ném vào thùng rác thôi”. Đây là thời khắc thật đáng buồn, nhưng ở Việt Nam lúc ấy thật sự không có nhiều thời khắc vui vẻ.
     “Chuyến đi thứ hai của tôi là đợt công tác ở Quảng Ngãi và phòng bệnh tôi phụ trách gồm những ca tệ hại nhất, những người bị thương trầm trọng nhất”, Bill Owen, một bác sĩ tình nguyện khác nhớ lại. “Đó là một cô gái xinh đẹp chừng 15 tuổi với một chân bị bắn rời và chân còn lại cũng ở trong tình trạng thật là tệ hại. Tôi nói cho cô gái biết là cô cần phải chịu đựng để cắt bỏ chân còn lại. Cô òa khóc nức nở. Sáng hôm sau, cô gái biến mất khỏi bệnh viện. Gia đình đã đưa cô về nhà vào đêm hôm đó và chẳng bao lâu sau, cô gái đã chết.”
     Đôi khi, hoàn cảnh và điều kiện y tế ở Việt Nam giống như thời trung cổ. Có những bà mẹ bồng con mình vừa mới đạp phải bẫy mìn với bàn chân bấy nát. Trước khi mang con đến bệnh viện, họ thường tìm cách chữa trị theo lối dân gian của người Việt Nam. Cơ bản là họ ngâm chân tay bị thương của con vào một cái chum đựng đầy phân bò bẩn thỉu, có cả giòi nên rất dễ bị nhiễm trùng. Thông thường, cách “chữa trị” theo kiểu được ăn cả ngã về không như thế hoặc có thể giết chết nạn nhân hoặc có thể giúp nạn nhân hồi phục. Sau khi được đặt vào chum đựng phân, phần còn lại của chân hay tay bị thương sẽ ngừng chảy máu. Rồi phần bị thương tích đó sẽ chuyển qua màu đen, thoái hóa và rời ra, để lại phần chân, tay cụt. Sau quá trình như thế, một số nạn nhân giành lại được sự sống, số khác tử vong.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #32 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:27:17 pm »

Chương 7 (tiếp)

Ở Quảng Trị, tôi đã cố gắng tìm cách cứu chữa nhiều em bé bằng y học hiện đại. Mặc dù gia đình các em không chú ý nhiều đến sự khác biệt này, chúng tôi đã dùng thuốc kháng sinh và tiếp tục chăm sóc hậu phẫu. Kết quả là chúng tôi đã chữa trị và cứu sống được nhiều nạn nhân hơn.
     Người Việt Nam cũng thường áp dụng các phương cách trị liệu truyền thống của người châu Á như giác lể và châm cứu trước khi tìm đến cách trị liệu khác. Tại Vĩnh Bình, bác sĩ Victor S. Falk nhớ lại: “Điều khá thường xuyên là trước khi gặp bác sĩ Mỹ, bệnh nhân đã qua chữa trị bằng đông y của người Hoa hoặc thuốc của người Campuchia, mà hầu hết là dùng các ống giác hơi, hút trên vùng cơ thể bị đau với những vết cắt lể trên da. Keo dán của người Campuchia thỉnh thoảng cũng được dán trên trán những ai bị chứng nhức đầu. Người ta hoàn toàn có thể nhận ra bệnh của ai đó qua việc quan sát dấu vết của các thầy lang tạo ra”.
     Nhiều lần, khi có bệnh nhân nhập viện với tình trạng xương ngực bị vỡ, tôi đều nhanh chóng tiến hành phẫu thuật để chữa trị vết thương theo khả năng có thể được. Các y tá Hải quân thì xử lý những thương tích đơn giản, và tôi cũng cùng làm với họ những lúc không có ca nặng. Một số y tá Hải quân nói rằng tôi là một trong những bác sĩ phẫu thuật cừ nhất mà họ từng thấy, nhưng tôi lại nghĩ việc họ khen ngợi tôi như thế là do tôi được đào tạo thành một bác sĩ tâm lý mà lại làm việc như một bác sĩ giải phẫu. Tuy không được huấn luyện nhiều về phẫu thuật nhưng tôi lại có nhiều cơ hội học hỏi và rèn luyện nhanh chóng trong lĩnh vực này.
Một lần, sau khi mở vùng bụng của một bệnh nhân, tôi chuyển nhẹ con dao mổ từ tay phải sang tay trái. Không may, lưỡi dao đâm vào cổ tay. Tôi lặng lẽ lấy con dao ra và đặt lên bàn. May mắn là chỉ còn một chút nữa thì lưỡi dao đã chạm vào các động mạch của bàn tay.
- Nào các bạn, hãy băng vết thương này lại giùm tôi. - Tôi nói một cách điềm tĩnh.
- Ối trời ơi! Bác sĩ! Ông đã đâm vào tay mình!
- Hãy băng giùm, - tôi nói, - và chúng ta hãy tiếp tục ca mổ.
     Sau khi chúng tôi hoàn tất công việc và nghỉ ngơi vào cuối ngày, các y tá Hải quân nói rằng họ muốn đề xuất cho tôi nhận Chiến thương Bội tinh, một huy chương dành để tưởng thưởng cho quân nhân nào bị thương ở chiến trường. “Thôi, quên nó đi. Tôi là thường dân”, tôi nói, và tất cả chúng tôi cùng cười.
     Các cuộc giao tranh ở Việt Nam thường diễn ra vào khoảng 4 giờ chiều, nên những thường dân bị thương mà không chết sẽ bị để nằm qua đêm trên hào, mương hay trên ruộng lúa ngập nước đến nửa thân cây lúa. Họ sẽ được tải thương vào lúc bình minh, khi chiến sự tạm ngưng.
     Chúng tôi phải chữa trị nhiều người bị thương vì đạn của các loại súng cá nhân, vì mảnh đạn pháo và vì bẫy mìn, trong đó nhiều nhất là thương vong do mảnh bom đạn. Trong một số trường hợp khá hiếm hoi, chúng tôi cũng chữa trị những người bị thương, bị cháy bỏng vì bom na-pan. Bom này đốt cháy hoàn toàn cả xương lẫn xác thịt và khi đã dính bom na-pan, rất khó để ngăn chặn sự phát cháy nên rất ít người sống sót để được chuyển đến bệnh viện.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #33 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:27:55 pm »

Chương 7 (tiếp)

Khi bệnh nhân nhập viện, chúng tôi không thể biết được ai là người theo Việt Cộng, ai đồng tình với Mỹ hoặc những ai là người trung lập, đứng giữa và chỉ muốn sống sót. Chúng tôi chữa trị không phân biệt những ai đến đây, nhưng rất nhiều người bị thương quá nặng và đã không thể vượt qua cơn nguy kịch. Những y tá Hải quân có nhiệm vụ chuyển đi những thi thể bệnh nhân chết trong đêm, nhưng cũng có những thi thể được thân nhân của họ mang đi. Ngay khi chúng tôi hoàn tất khám chữa vết thương cho một người, viên y tá Hải quân trẻ tuổi nhất liền nhắc nhở việc đưa bệnh nhân kế tiếp vào. Chứng kiến sự chết chóc mỗi ngày, thỉnh thoảng họ cũng có chút hài hước về điều đáng sợ này:
- Xong rồi, hãy đem người chết kế tiếp vào!
     Khi chúng tôi có quá nhiều bệnh nhân vào cùng một thời điểm thì các y tá Hải quân thực hiện giúp tôi một số ca mổ. Nếu như một bệnh nhân nhập viện với một cánh tay bị thương thật nặng và tôi đang bận rộn ở một nơi nào đó thì các y tá thường tiến hành cưa bỏ. Nếu cần thiết phải loại bỏ nhãn cầu bị hỏng của một bệnh nhân, tôi thường áp dụng thủ thuật khoét nhân và sau đó là phần việc của các y tá Hải quân. Trong trường hợp tôi quá bận, các y tá phải tiến hành thủ thuật này.
     Việc phải mổ nhiều vết thương phức tạp cùng lúc ít khi xảy ra. Chẳng hạn khi một y tá Hải quân tiến hành việc cưa chân cho một người bị thương, tôi có thể đang xem xét vùng bụng cho một người khác trong lúc một y tá Hải quân nữa chăm sóc vết thương ở mông hay chuẩn bị sẵn sàng cho thủ thuật khoét nhân mắt.
     Rất khó ước tính số lượng bệnh nhân nhập viện, các loại thương tích, bệnh tật của họ cũng như khối lượng công việc chúng tôi phải làm. Chỉ có thể nói rằng, số người bệnh hầu như luôn quá tải. Có lần, trong 4 ngày liền, mỗi ngày tôi tiến hành 5 ca mổ bụng quan trọng. Ở Mỹ, một ca mổ quan trọng như thế thường gây mệt mỏi cực độ cho bác sĩ đứng mổ, và hầu hết các bác sĩ phẫu thuật chỉ tiến hành không quá 2 ca mổ mỗi ngày, hoặc nhiều lắm là 3 ca trong trường hợp quá khẩn cấp. Chúng tôi đã thực hiện một loạt các ca phẫu thuật như thế trong nhiều ngày liên tiếp, trong điều kiện tệ hại về vệ sinh, an ninh, muỗi mòng, bụi bặm. Lại thêm việc các y tá thỉnh thoảng vắng mặt trong một bệnh viện không được trang bị những thứ cần thiết cho các ca mổ phức tạp cũng như việc chăm sóc hậu phẫu không chu đáo.
     Tôi vẫn nhớ đến một vài người trong số các bệnh nhân của mình. Có một ngày, chiếc xe Jeep dừng gấp trước bệnh viện.
- Bác sĩ! Bác sĩ! Giúp chúng tôi với! - Một trong hai người lính Thủy quân lục chiến từ trong xe Jeep la to lên.
     Tôi quan sát hai quân nhân Thủy quân lục chiến trẻ đang khiêng một người đàn ông khá lớn tuổi vào bệnh viện với sự trợ giúp của các y tá Hải quân. Nạn nhân mặc bộ đồ pyjama viền đen. Nhìn bề ngoài, người đàn ông này rõ ràng là người thuộc mạng lưới truyền tin địa phương, có nhiệm vụ đưa tin từ làng xã này qua làng xã nọ, không giống như kiểu đưa tin bằng ngựa cổ xưa ở Mỹ. Ông ta chạy bộ khoảng 10 km mỗi ngày để mang tin tức từ thủ phủ Quảng Trị về xã Quảng Điền của ông. Một trong những người lính Thủy quân lục chiến đã bắn trúng bụng ông khi ông đang chạy đi giao tin tức.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #34 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:28:42 pm »

Chương 7 (tiếp)

Những người lính Thủy quân lục chiến không nghĩ ông là Việt Cộng mà họ chỉ nhắm bắn vào ông vì theo lệnh, họ được quyền bắn vào bất cứ người Việt Nam nào đang chạy. Điều này vi phạm trắng trợn những quy tắc hành xử của quân đội, nhưng ở Việt Nam, những quy định không phải luôn luôn được tuân thủ.
     Khi tôi nhìn vào mắt của hai người lính Thủy quân lục chiến, những đôi mắt nói được nhiều hơn bất kỳ bài viết nào về tâm lý mà tôi từng đọc về sự tàn nhẫn của chiến tranh. Cho dù quai hàm của họ đã cứng lại, nhưng hai khuôn mặt trẻ ẩn chứa sự ăn năn và hối lỗi. Những người lính Thủy quân lục chiến được huấn luyện để bắn giết, nhưng khi họ thấy những gì họ làm đối với một thường dân, họ đã nhanh chóng chuyển nạn nhân ra khỏi vùng oanh kích tự do để đưa đến bệnh viện cứu chữa, không để nạn nhân chịu đau đớn nhiều hơn.
     Trên bàn mổ, người đàn ông trông khoảng 60 tuổi. Ông nhỏ người nhưng rắn chắc, cao khoảng 1,6m và nặng gần 50 kg. Tôi chỉ lo viên đạn nhằm trúng một động mạch và sẽ không thể cứu mạng ông.
     Tôi xem xét vết thương nơi đường đạn đi vào. Không có lỗ ra, có nghĩa là viên đạn còn nằm đâu đó trong cơ thể ông. Nhịp mạch 140 cho thấy không có mạch máu chính nào bị thương tổn. Ông lão quằn quại với những cơn đau nhưng cũng còn tỉnh táo và nhận biết được những gì chúng tôi đang làm khi chuẩn bị gây mê. Một trong những y tá Hải quân cho một ít chất gây mê Pentothal và ê-te vào mặt nạ.
     Chúng tôi làm vệ sinh vết thương, cọ rửa cho ông với các dung dịch khử trùng khác nhau. Tôi nhanh chóng rạch một đường mổ từ ngực xuống xương mu. Ông lão chỉ có lớp mỡ bụng dày chừng 1,5 cm. Vết thương nằm gần giữa bụng, hơi lệch sang trái một chút. Viên đạn phá vỡ một trong những phần chính yếu của ruột kết. Và thật đáng kinh ngạc, tôi đã phát hiện viên đạn 45 ly nằm ở một trong các đốt xương sống của nạn nhân, giữa các mạch máu chính. Viên đạn nằm chính giữa động mạch chủ ở bụng và một trong hai tĩnh mạch chính, tức động mạch lớn và tĩnh mạch vận chuyển máu đi và đến các chân và vào cơ ngang của xương sống. Thật may mắn là viên đạn đã không trúng vào động mạch chủ. Tôi cố gắng ngăn không cho xuất huyết. Phân từ phần ruột kết bị vỡ tuôn ra ổ bụng, làm tôi phải liên tục súc, rửa trong khi mổ.
- Thuốc kháng sinh! - Tôi gọi lớn.
Tôi cắt bớt phần ruột bị hư rồi súc, rửa ổ bụng.
     Tạm bỏ qua viên đạn, tôi tập trung vào việc giảm thiểu khả năng nhiễm trùng. Tôi biết là mình cần phải chữa vết thương rộng miệng ở phần cuối ruột kết bằng thủ thuật cắt bỏ ruột kết nhưng chưa dám làm. Có quá nhiều ruồi nhặng, quá nhiều nguy cơ nhiễm trùng, thời tiết quá nóng và lại có quá ít thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng từ một vết thương mở nữa. Tôi yêu cầu đem thêm kẹp, kim, chỉ khâu. Tôi cầm máu, tiếp tục cầm máu, đóng lại hết điểm chảy máu này đến điểm chảy máu khác bằng cách tận dụng tất cả những gì có thể.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #35 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:29:37 pm »

Chương 7 (tiếp)

Như đã từng phẫu thuật trên chó và mèo trong thời gian ở trường thú y, tôi thận trọng cắt bớt phần ruột bị hư, khoảng 10 cm ruột kết, rồi nối lại phần ruột còn tốt bằng chỉ khâu 3-0, loại chỉ tốt nhất trong tình huống này khi phải xử lý với mô ruột. Với phần ruột ấm nóng trên tay, tôi cố tìm xem còn chỗ nào bị rách, bị thương nữa hay không và may mắn là không còn chỗ nào khác. Tôi đóng vết thương và khử trùng một lần nữa.
     Tôi không tìm thấy vết thương nào khác mặc dù viên đạn vẫn còn nằm trong trục xương sống, một vị trí nguy hiểm. Vết sưng xung quanh cột sống sẽ gia tăng nếu tôi không gắp viên đạn ra. Việc nhiễm độc chì thường ít xảy ra với những viên đạn còn nằm trong cơ thể nhưng những mảnh vỡ lại có thể di chuyển và gây đau đớn, trục trặc ở một nơi nào khác. Tôi không có nhiều thời gian để quyết định xem là nên hay không nên lấy viên đạn ra. Nếu tôi gắp viên đạn ra, nó có thể gây hại nhiều hơn và ông lão có thể bị xuất huyết nhiều hơn. Những ý nghĩ này cứ luẩn quẩn trong tâm trí khi tôi đang phẫu thuật.
     Cuối cùng, tôi quyết định gắp viên đạn ra. Tôi cắt xung quanh viên đạn một cách thận trọng rồi kiểm tra chức năng hai chân của ông. Thử nghiệm phản xạ Babinski ở ngón chân cho kết quả tốt. Không có dấu hiệu bị liệt. Sau khi gắp viên đạn ra, tôi đặt nó vào chiếc lọ thủy tinh nhỏ bên cạnh. Có người muốn giữ những vật như thế để lưu niệm? Không chắc đâu – tôi tự nhủ – vì có quá nhiều viên đạn như thế quanh đây. Nhìn lại vết thương lần nữa, tôi nhận thấy là ông lão đã vô cùng may mắn. Viên đạn đã hết đà khi chạm đến cơ thể ông. Thượng đế đã che chở cho ông. Nếu như ông ở gần người bắn hơn chút nữa thì chắc chắn viên đạn đã phá vỡ xương sống của ông.
     Ca mổ kết thúc tốt đẹp và tôi đã cứu được ông lão. Trông ông rất khỏe, một ông lão cừ khôi. Nhưng tôi cũng biết rằng phẫu thuật thành công chỉ chiếm 20% của cuộc chiến giành sự sống. Kế tiếp, ông lão cần phải nhận được sự chăm sóc cần thiết trong 10 ngày.
     Tôi nhìn quanh phòng mổ của bệnh viện Quảng Trị và nghĩ về điều kỳ diệu mà Thượng đế dành cho ông lão. Viên đạn hết đà khi chạm đến cơ thể ông. Những người lính Thủy quân lục chiến đã bắn ông, rồi cũng chính những người lính đó nhanh chóng đưa ông đến bệnh viện. Họ biết là mình nhầm vì ông không phải là Việt Cộng. Hai người lính Thủy quân lục chiến đó có lòng trắc ẩn nên đã mang ông lão đến bệnh viện để ông có cơ hội được cứu sống.
     Ngày hôm sau, tôi nói chuyện về ca mổ với thông dịch viên Nguyễn.
- Thế bác sĩ có biết là ông lão bao nhiêu tuổi không? - Nguyễn hỏi tôi.
- Có lẽ 60 hoặc 65 gì đó. - Tôi đoán, dựa vào những ấn tượng đầu tiên của mình. Tôi nhớ lại các mạch máu của ông trong khi mổ, động mạch lớn chảy mạnh xuống hai chân. Không hề có chất vôi do cholesterol tích đọng khiến cơ thể ông trông giống như một người khỏe mạnh ở độ tuổi 40 hoặc 50.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #36 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:30:39 pm »

Chương 7 (tiếp)

- Ông lão đã 94 tuổi rồi đấy! - Nguyễn nói. Cậu ta còn cho tôi biết ông lão là người chạy đưa tin từ Quảng Trị về xã nhà Quảng Điền, nghĩa là mỗi ngày ông chạy khoảng 10 km để đưa tin chiến sự.
- Không thể tin nổi! - Tôi thốt lên.
     Ông lão đã được nhìn một thế giới nhiều đổi thay với 94 năm tuổi đời. Ông đã sống qua thời thuộc địa dưới ách thực dân Pháp, thời kỳ Nhật chiếm đóng Việt Nam trong Thế chiến thứ II, thời kỳ của chế độ Vichy (Pháp) với cuộc chiến chống thực dân Pháp và nay là sự kiện quân đội Mỹ tràn lan trên đất nước của mình.
     Cách sống và chế độ ăn uống đã cho ông một thể chất phi thường. Trong một quốc gia thuộc thế giới thứ ba, chế độ ăn uống thường ưu việt hơn là ở các nước phát triển. Trái cây cùng rau tươi, các loại cá và gạo là những thành phần chính trong thực đơn của người Việt Nam. Thêm vào đó, ông lão là một hiền nhân được dân trong xã kính trọng, bởi ông không chỉ là người mang tin tức đến cho mọi người mà còn là người già cả, thông thái sống trong một đất nước vốn có truyền thống tôn trọng ý kiến cùng sự thông thái của những bô lão.
     Tôi không biết ông sẽ sống thêm bao nhiêu năm nữa nhưng tôi nghĩ thời gian đó không chỉ là vài năm khi quan sát cách sống của ông. Ở ông toát lên sự say mê kỳ lạ đối với cuộc sống. Trong thời gian ở bệnh viện, ông tận tình dìu dắt, hướng dẫn những bệnh nhân khác, nhất là những đứa trẻ bị cụt tay chân và đang cố học cách làm quen với chân tay giả. Ông sống theo cách sống của người Việt Nam – không nghĩ nhiều về mình mà cố giúp làm giảm cơn đau cũng như nỗi lo sợ của những đứa trẻ bất hạnh. Bù lại, những đứa trẻ kính yêu, quý mến ông. Ông đã cho chúng niềm tin và hy vọng.
     Ở những nơi khác của Việt Nam, các bác sĩ tình nguyện cũng làm việc cật lực trong những hoàn cảnh khó khăn tương tự.
“Đã từng là bác sĩ phẫu thuật trong Thế chiến thứ II, tôi nghĩ là mình đã trải nghiệm mọi thứ, nhưng chỉ trong một tháng ở Việt Nam, tôi đã phải xử lý số thương vong còn nhiều hơn cả thời gian tôi phục vụ trong Thế chiến thứ II”, bác sĩ Victor S. Falk kể lại. Ông được phân bổ đi vùng đồng bằng sông Cửu Long, phục vụ tại bệnh viện tỉnh Vĩnh Bình, một bệnh viện đã được người Pháp xây dựng trước đó 70 năm. “Các thương tích gây nên do đạn, lựu đạn, mìn và bom trong các cuộc không kích. Phổ biến nhất là việc phải cưa bỏ chân tay nếu bị thương nặng, bị vỡ hay giập xương. Các cuộc phẫu thuật được hạn chế tối đa do rất dễ bị nhiễm trùng. Một trong những tình huống thống thiết nhất là trường hợp một bé gái 10 tuổi bị cắt cả tứ chi, còn vai thì bị bắn vỡ.”
     “Người bị thương đến bệnh viện theo từng đợt, tương ứng với các cuộc tấn công của hai bên”, bác sĩ Frank Van Orden hồi tưởng. Ông được phân bổ đi Mộc Hóa – cách biên giới Campuchia khoảng 6 km – trong dịp Tết Mậu Thân. “Một người đàn ông 85 tuổi bị bắn trúng giữa xương ống chân, đã lội bộ hơn 20 km đến chỗ chúng tôi để xin chữa trị. Ông đã chịu đựng đau đớn với thái độ chững chạc. Chúng tôi đã làm “phẫu thuật thịt bò viên” cho ông trong cảnh một y tá lật từng trang giáo trình phẫu thuật khi chúng tôi đang mổ. Chúng tôi phẫu thuật vùng bụng, còn với những chấn thương ở đầu và ngực thì chuyển bệnh nhân về Cần Thơ. Ngoại trừ những người làm trong ngành y, thái độ của nhân viên quân sự Mỹ đối với người Việt Nam là cực kỳ xấu.”
J. Clyde Ralph, một bác sĩ tình nguyện khác, nhớ lại: “Không hiếm trường hợp các bà mẹ đến bệnh viện với đứa con thơ đã chết còn ấm nóng trên tay. Có lần, tôi đã dùng ống nghe đặt trên ngực một em bé khi tim nó đã ngừng đập. Chúng tôi dùng hết mọi phương cách để cứu chữa, kể cả việc sử dụng số oxygen quý giá của mình. Có vẻ như chúng tôi đã thành công, nhưng chỉ ba giờ sau thì đứa bé chết. Thật sự là một nỗi đau lớn khi bạn đã đặt hết niềm tin vào đó. Nhưng bạn phải nhớ rằng đây không phải là nước Mỹ. Bạn phải biết điều đó”.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #37 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:31:54 pm »

Chương 8

CON NGƯỜI VIỆT NAM


     Vẻ đẹp và sự yên bình của Việt Nam nổi bật lên trong những thời khắc ngắn ngủi giữa các trận giao tranh. Rất nhiều, nếu như không muốn nói là hầu hết quân nhân Mỹ đều xem Việt Nam như một hỏa ngục.
     Nhưng khi Quảng Trị không phải là quang cảnh của một bãi chiến trường, tôi lại nhanh chóng bị hút hồn bởi vẻ đẹp không lẫn vào đâu của vùng đất này. Chẳng hạn như những khu nhà trong thị tứ hoặc vùng phụ cận. Đó là những khu nhà trông có vẻ ọp ẹp, xiêu vẹo như các lán trại, nhưng bên trong là những mái nhà ấm cúng, sạch sẽ với các chủ nhân rất hiếu khách.
     Cảnh quan của Quảng Trị đẹp dịu dàng với những con sông, con suối cắt ngang đồi núi bạt ngàn và những cánh đồng chạy dọc theo bờ biển. Buổi sáng, ta có thể nghe tiếng chim hót trong các bụi cây đang hiện dần trên đồng lúa. Bên ngoài khu thị tứ, những người nông dân Việt Nam trồng lúa trên đồng ruộng, một công việc mà tổ tiên họ đã làm từ hàng nghìn năm nay với niềm yêu thích việc đồng áng. Nhà nông Việt Nam làm việc 12 giờ một ngày trong suốt vụ mùa. Họ giữ được mực nước hợp lý trên đồng bằng cách sử dụng một hệ thống và cách thức tưới tiêu thô sơ, sử dụng sức người nhưng rất hiệu quả.
     Khi phát âm, tiếng Việt nghe trầm bổng như hát. Tùy thuộc vào người nói và ngữ cảnh, những âm thanh đó có thể chuyển từ êm dịu dễ nghe sang chênh chênh buồn nản, đau đớn hoặc hoảng sợ.
     Người Việt Nam không chỉ đẹp về thể chất mà còn thể hiện nét đẹp qua tinh thần hợp tác, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau ở một phạm vi mà tôi không bao giờ thấy ở Hoa Kỳ. Tôi vẫn nhớ hình ảnh các em nhỏ phụ giúp cha mẹ trong những công việc thường nhật ở nhà. Tại Việt Nam, trẻ em 10 tuổi hoặc nhỏ hơn là đã có thể gánh vác việc nhà và nhận lấy trách nhiệm như một thiếu niên đến độ tuổi trưởng thành ở Mỹ. Những đứa trẻ – với vẻ già dặn hơn tuổi thật của mình – luôn hăng say làm việc, không hề tỏ ra miễn cưỡng. Chúng chăm sóc lẫn nhau. Những bé gái 5 hay 6 tuổi đã có thể cõng đứa em 8 tháng tuổi trên lưng của mình. Công việc “giữ em” như thế thường là tự nguyện chứ không bắt buộc và những em bé được anh hoặc chị “nhí” của mình chăm sóc rất tốt, hơn cả mức độ của một người giữ trẻ được đào tạo bài bản ở Hoa Kỳ.
     Xã hội Việt Nam không dựa vào chủ nghĩa cá nhân, mà dựa vào đạo lý chứa đựng sự hợp tác. Đó là việc thực hiện những hành vi tốt đẹp cũng như sự quan tâm và chân thành chăm sóc người khác - thể hiện rõ nhất ở các gia đình nền nếp. Điều gây ấn tượng lớn với tôi là hầu như không có tính ích kỷ, nhỏ nhen trong các gia đình người Việt Nam, cho dù cuộc sống của họ đang bị chiến tranh đe dọa. Tôi tin chắc rằng, rất ít quốc gia trên trái đất này còn có được những đứa trẻ có tinh thần và tâm lý lành mạnh như trẻ em Việt Nam, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh như thế.
     Cùng lúc với việc chứng kiến những vết thương kinh hoàng mà chiến tranh gây ra cho người dân Việt Nam, tôi đã hiểu biết thêm nhiều điều về họ. Và cũng giống như nhiều bác sĩ tình nguyện khác, tôi cảm phục và yêu mến tình cảm ấm áp, giản dị và chân thành của họ.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #38 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:32:50 pm »

Chương 8 (tiếp)

“Cho dù có những vấn đề về vệ sinh, tôi yêu những con người này”, bác sĩ Clyde Ralph ở Nha Trang viết. “Dường như họ rất dễ hòa nhập với cuộc sống, tỏ ra vô tư với hoàn cảnh sống mà bề ngoài, hoàn cảnh đó có vẻ chỉ đưa lại cho họ chút ít niềm vui. Trẻ con thì chạy loanh quanh, chỉ mặc độc chiếc áo mà không có quần, hồn nhiên ngồi chồm hỗm bất cứ nơi nào và bất cứ khi nào chúng muốn. Gương mặt chúng sáng sủa, còn miệng thì luôn cười rạng rỡ. Đôi mắt tinh anh của chúng ánh lên niềm vui của sự nhận thức về những điều tốt lành trong cuộc sống. Tuổi trưởng thành dường như đã biến đổi rất nhanh điều đó. Chúng trở nên dè dặt và ngờ vực nhiều hơn, ít còn tin tưởng vào những điều tốt lành của cuộc sống; nhưng có phải đó là điều tất yếu ở con người?
     Bác sĩ Ralph nhớ lại cảnh vật vào cuối một ngày làm việc, khi ông rời bệnh viện Nha Trang về nhà. Ông thấy một nông dân đang cày trên đồng với chiếc cày bằng gỗ do bò kéo. Gần đó, hai chú bé đang tát nước vào ruộng với một dụng cụ thô sơ: gàu dai(1). “Thật khó diễn tả được cảm xúc của tôi lúc đó, ngoại trừ sự thán phục và ngạc nhiên”, Ralph nói. “Thán phục những nụ cười tươi sáng, hạnh phúc của trẻ em Việt Nam. Thán phục vẻ đẹp đứng đắn, đoan trang của phụ nữ Việt Nam. Ngạc nhiên ở sự vô nghĩa của cuộc chiến đang bao phủ và gây tang thương cho cuộc sống của họ. Ngạc nhiên ở sự vô nhân đạo giữa con người với con người và sự bất công, nghiêng hẳn về một bên trong phân phối của cải và sự dư thừa của đời sống. Nhưng đó có phải thật sự là vấn đề hay không, khi những con người này đang tận hưởng một cuộc sống hạnh phúc? Và tôi đã tự hỏi là liệu chúng ta có thể cải thiện gì để hướng tới một cuộc sống tốt hơn.”
     “Tôi luôn lấy làm lạ về khả năng của người Việt Nam trong việc giữ quần áo tươm tất, sạch sẽ, với nét thanh nhã và quyến rũ kỳ lạ”, John McBratney, một bác sĩ tình nguyện ở Quy Nhơn và Phan Rang nói. “Những người trẻ tuổi xuất hiện mỗi ngày từ những nơi có thể nói là có điều kiện thô sơ nhất - như nền nhà bẩn thỉu chẳng hạn - nhưng lại với nụ cười rất tươi và áo quần thật bảnh bao.”
     Tại Quảng Trị, khi thỉnh thoảng thả bộ qua vài khu nhà trên đường đến bệnh viện vào buổi sáng, tôi cũng cảm nhận được nhiều điều lý thú. Trước hết, trên đường đi thế nào cũng có vài đứa bé nhảy lò cò theo chân tôi. Tôi cảm thấy mình có đôi chút giống như Pied Piper(1) của Quảng Trị khi mấy đứa trẻ này vừa chạy theo tôi vừa la hét: “Bác sĩ Number One! Bác sĩ Number One!”.
     Sau một vài lần, tôi chợt nhận ra có thể đây là một cách cảnh báo với lực lượng Việt Cộng rằng tôi chẳng phải là mối đe dọa của họ, không phải là mục tiêu của họ. Dĩ nhiên tôi là người Mỹ, nhưng tôi không phải là lính chiến mà là một bác sĩ y khoa nên có thể tôi đã nhận được một số phương cách bảo vệ để không trở thành mục tiêu trực tiếp của các lực lượng thù địch. Tiếng Việt gọi những người hành nghề như tôi là bác sĩ mà theo thông dịch viên Nguyễn, từ này không chỉ có nghĩa là người làm nghề khám chữa bệnh, mà còn hàm nghĩa kính trọng, dành cho người được tôn trọng, được tin tưởng và được vinh danh. Cũng với ý nghĩa tôn trọng, người Việt Nam gọi lãnh tụ Cách mạng Hồ Chí Minh là Bác Hồ.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #39 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:33:26 pm »

Chương 8 (tiếp)

Được xem là những chuyên gia, các bác sĩ có một vị trí đặc biệt trong nền văn hóa và lịch sử của Việt Nam. Vào thế kỷ 19, Hải Thượng Lãn Ông – một học giả danh tiếng của Việt Nam - đã từ quan trở về quê nhà, dành hết cuộc đời của mình cho việc nghiên cứu y học chữa bệnh. Ông là một thầy thuốc tài ba đã đặt nền tảng cho nhiều nguyên tắc quan trọng của vệ sinh và phòng ngừa bệnh trong các công trình đồ sộ của mình. “Y học là nghệ thuật của con người, có nhiệm vụ duy trì sự sống, giúp chống lại nỗi đau, chăm sóc bệnh tật của con người mà không quan tâm đến tiền bạc hoặc sự đền ơn”, Hải Thượng Lãn Ông đã viết như thế. Ông quan niệm “Những người giàu có không thiếu thầy thuốc chăm sóc, nhưng người nghèo khó thì không thể, nên chúng ta cần phải đặc biệt chú ý đến họ. Y học là một nghệ thuật cao quý. Chúng ta phải phấn đấu để giữ vững nền tảng đạo đức thanh khiết đó”.
     Mặc dù hầu hết người Mỹ không mấy chú tâm, nhưng nền văn hóa Việt Nam với các tác phẩm chạm khắc, tạo hình của khu vực Đông Dương trước đây thật là quyến rũ. Đa số người Việt Nam theo đạo Phật, một số theo đạo Thiên Chúa, dù những tôn giáo khác như Khổng giáo, Lão giáo hay tập tục thờ cúng tổ tiên, ông bà cũng ảnh hưởng đến nền văn hóa. Ở Việt Nam, người già có vị trí tôn kính trong xã hội. Đức tin về việc đầu thai sau khi chết đã tạo được mối ràng buộc gia đình rất bền chặt, không chỉ với những người hiện hữu mà còn cả đối với những thành viên gia đình đã khuất. Đức tin này cũng khiến cho con người tiếp tục yêu thương và chú ý chăm sóc đến phần mộ của những người thân đã mất. Ý tưởng về sự đầu thai làm cho quan niệm của người Việt Nam về cuộc đời không là một khái niệm về đường thẳng – với một khởi đầu và kết thúc giống như cách nhìn của người phương Tây – mà là một sự tuần hoàn theo chu kỳ, có luật nhân quả chi phối. Và người Việt Nam có một thái độ tôn trọng – mà theo quan điểm của người phương Tây có thể là buồn cười – đối với cuộc sống của mọi sinh vật. Thế giới quan này cho phép họ, hoặc phớt lờ đi, bỏ qua một con gián mà bất cứ người Mỹ nào trông thấy cũng cố công trừ khử, hoặc thậm chí còn nhẹ nhàng nhặt lên và đưa con vật đi chỗ khác. Đối với người theo đạo Phật thì việc phóng sinh, việc thả những con vật trở về đời sống hoang dã hay bảo vệ chúng, sẽ tích đức cho họ trong kiếp sau. Vì thế, nhiều động vật, nhiều chim lạ thỉnh thoảng được thả khỏi lồng trong những dịp lễ hoặc những sự kiện trọng đại. Trong khi người phương Tây hăm hở săn tìm hạnh phúc hão huyền thì người Việt Nam cảm nhận rằng họ đã được sinh ra với niềm hạnh phúc, và việc quan trọng nhất trong cuộc đời là bảo vệ niềm hạnh phúc đó, không để nó mất đi. Trong các mối quan hệ, người Việt Nam không phô bày hết những cảm nghĩ thực sự của mình, mà thường cố chứng tỏ rằng cuộc đời là một trải nghiệm hạnh phúc. Việc Phật tử tâm niệm rằng dục vọng là nguyên nhân chủ yếu gây ra đau khổ đã khiến họ an phận với kiếp nghèo để hưởng thụ cuộc sống thanh nhàn, khác với những gì ở Mỹ.
     Cuộc sống ở Việt Nam cực kỳ đơn giản nếu như so sánh với cuộc sống ở Mỹ cùng thời điểm đó. Bác sĩ tình nguyện B. L. Tom phục vụ ở Đà Lạt, một khu nghỉ mát xinh đẹp ở miền núi, cách Sài Gòn mấy trăm kilômet về phía Bắc. Vào mùa mưa, mặc dù bệnh nhân xếp hàng thành cả đoàn và những cơn mưa tầm tã mỗi ngày, ông nhớ là mình vẫn có những giây phút giải trí vào ban đêm, gợi nhớ đến những gì từng diễn ra ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cả trăm năm về trước: “Không hề có tivi, radio, cũng chẳng có máy hát, nhưng chúng tôi vui đùa thỏa thích ở nhà dưới. Phòng ăn này có một lò sưởi lớn làm cho căn phòng trông giống như một căn lều ở vùng trượt tuyết. Tất cả chúng tôi tụ tập vào chiều tối để ca hát và nghe vài bạn bè người Thượng chơi đàn ghi-ta. Nhiều buôn làng người Thượng chuyển sang theo đạo Cơ Đốc và những người truyền giáo – vốn đã thâm nhập vào khu vực này một thời gian dài – đã cùng nhập bọn với chúng tôi hát những bài thánh ca. Dù hầu hết người Việt Nam theo đạo Phật, nhưng họ cũng rất thích thưởng thức âm nhạc”.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM