Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 03:03:49 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Không thể chuộc lỗi  (Đọc 51644 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #10 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 10:11:09 am »

Chương 2 (tiếp)

Khi còn ở Red Oak, anh Richard Houck, chồng chị Miriam và cũng là một bác sĩ thú y, có gợi ý là tôi nên trở về Red Oak để hoàn tất đại học.

- Em nên trở thành một bác sĩ thú y thì tốt hơn là đi học ở Annapolis. - Anh Richard nói. - Nên nhớ em xuất thân là một cậu bé ở nông trang.

Giờ đây, khi đang nôn nóng với thời gian ở Annapolis thì những gợi ý của anh Richard chợt trở lại trong suy nghĩ của tôi. Tôi chỉ mới 21 tuổi mà đã hơi sốt ruột. Tôi gọi điện ngay cho trường Iowa State University. Và với sự giúp đỡ của anh Richard, trường đã chấp nhận cho tôi theo học, mặc dù các lớp đã khai giảng từ hai tuần trước đó. Cho dù tôi được xuất ngũ, đã vinh dự làm tròn trách nhiệm trong lực lượng Thủy quân lục chiến, nhưng tôi luôn hối tiếc việc từ bỏ Học viện Hải quân Annapolis. Tôi cảm thấy mình đã phụ lòng những người đã tiến cử và tin tưởng vào mình.

Tôi khập khiễng trở về Red Oak trên đôi nạng vì một tai nạn khi lặn dưới hồ bơi. Ngoài món tiền 3.500 đô-la tiết kiệm được và khoản tiền 3.000 đô-la ông ngoại để lại, tôi được nhận thêm 110 đô-la mỗi tháng theo quy định dành cho quân nhân xuất ngũ. Do nhập học trễ, điểm số giữa học kỳ của tôi thật tệ và hầu như tôi thi hỏng tất cả các môn. O’Mara, một giáo sư tóc đỏ do di truyền – người có chỉ số thông minh (IQ) 187, cao nhất trong trường đại học – đã khuyên tôi nên từ bỏ việc học này vì sự cách biệt quá lớn so với các bạn đồng học. Tôi cẩn thận lắng nghe những gì giáo sư nói.

- Allen này, anh đã bị tụt lại quá xa. Dù anh thông minh nhưng tôi không nghĩ là anh có thể san bằng khoảng cách. Trong môn của tôi, điểm số của anh thật là tệ hại.

Tôi đề nghị giáo sư O’Mara cho tôi được hoàn tất học kỳ vì cảm thấy rằng, cho dù có những điểm số “thê thảm” như thế, “những tia sáng đã bắt đầu lóe lên” trong tôi.

- Được rồi. Nhưng anh cần phải có một phương pháp học tập thật tốt mới vượt qua được và trả nợ điểm số với tôi cũng như với các vị giáo sư khác. - Giáo sư O’Mara nói.

Tôi lao vào việc học. Học và học liên miên. Các bạn cùng lớp rủ tôi vào nhóm học tập, chỉ giúp cho tôi cách học và những thiếu sót trong kiến thức của tôi. Nhờ đó, điểm số của tôi được cải thiện đáng kể. Vào cuối học kỳ, tôi đã nhận được điểm B trung bình. Tôi có tên trong danh sách tuyển chọn của trường Thú y trước khi vào lực lượng Thủy quân lục chiến, vì thế giờ đây họ dễ dàng chấp nhận cho tôi theo học.

Học ngành Thú y khá vất vả nhưng tôi có thể vượt qua. Tôi đã từng quản lý nông trang của ông ngoại. Tôi yêu các con vật và biết cách chăm sóc chúng. Nhưng những sinh viên khác thuộc ngành này cũng xuất thân là những cậu bé xuất sắc ở nông trang nên tất cả đều cần phải thật kiên trì, bền bỉ mới mong vượt qua được những thách thức. Chúng tôi được dạy rằng có thể phán đoán một nền văn minh qua phương cách mà xã hội đó cư xử với loài vật. Chúng tôi học thuộc lòng tất cả các loại vi khuẩn cùng bệnh tật có thể truyền từ gia súc qua con người và ngược lại. Chúng tôi học tất cả triệu chứng bệnh trên gia súc và thực hành nhiều, rất nhiều ca phẫu thuật trên các loài động vật lớn, nhỏ. Cùng với những kiến thức khác, sự khéo tay, chuẩn xác trong những ca phẫu thuật này về sau đã giúp tôi chữa trị vết thương cho người dân Việt Nam.

Trong trường Thú y, cùng với những “bàn tay vàng” Jimmy Higa, Richard Okey và các thành viên khác trong đội phẫu thuật, chúng tôi đã tiến hành những thủ thuật tinh tế trên chó và mèo. Chúng tôi khéo léo giải phẫu các bộ phận đường ruột, kéo chúng ra, tách các bộ phận riêng ra rồi cẩn thận đặt chúng trở lại trong khi con vật được gây mê và vẫn còn sống. Những thủ thuật khó khăn và nhạy cảm này đã cho tôi kinh nghiệm vô giá khi tôi đến phục vụ tại Việt Nam. Chúng tôi đã cắt bỏ lá lách, thận, buồng trứng, tử cung, một phần lá gan, một phần tụy tạng và nhiều phần nữa của những con chó trong phòng thí nghiệm.

Có một lần, một sinh viên cố cắt bỏ khối u thòi ra trên mũi của một con vẹt bằng điện và kết quả là con chim bị chết ngay lập tức. Tôi còn nhớ có lần mình đã thức dậy vào sáng sớm trên bàn mổ, kế bên là xác con ngựa mà tôi phải phẫu thuật cho kỳ thi ngày hôm ấy. Tôi còn nhớ là các giáo sư đã bảo đảm rằng sau khi ra trường, chúng tôi sẽ nắm vững chuyên môn hơn bất kỳ bác sĩ thú y nào trong nước. Ngoài ra, chúng tôi cũng được rèn luyện một phong cách nhã nhặn và nghiêm túc hơn nhờ trường Thú y là môi trường không rượu chè.

Trong khi theo học để trở thành bác sĩ thú y, tôi được kết nạp vào Hội sinh viên Học bổng Acacia, một hội đoàn uy tín của trường. Sau khi tôi được bầu làm Phó Chủ tịch và huấn luyện viên của Acacia, một trong những nhiệm vụ của tôi là thuyết phục cho được Jesse Owens tham gia vào Hội. Jesse Owens là người da đen, là anh hùng nổi tiếng thế giới của Thế vận hội và được rất nhiều người đánh giá là vận động viên vĩ đại nhất của Hoa Kỳ. Trên đường trở lại trường, Owens hỏi tôi có ở trong Hội sinh viên không và tôi nói là có, tôi đang là thành viên Hội Acacia.

- Là người có họ Hassan, là người Ả Rập, anh không nên vào hội sinh viên. Các hội sinh viên không cho phép người da đen đứng chung hàng ngũ với họ. - Jesse Owens nói. - Anh không biết các hội sinh viên chính là thành lũy chủ chốt của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tại Hoa Kỳ hay sao?
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #11 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 10:12:09 am »

Chương 2 (tiếp)

Tôi suy nghĩ về lời nói của vận động viên nổi tiếng này trong mấy tuần lễ kế tiếp. Sau đó, tôi giới thiệu một cầu thủ bóng đá da đen, một người bạn của tôi có điểm số học tập khá cao gia nhập hội. Tôi kinh ngạc khi thấy một số các thành viên năng nổ đã bỏ phiếu chống lại việc gia nhập của anh chàng thông minh này, viện dẫn là họ từng có lần nghe anh ta chửi thề. Thái độ đạo đức giả này làm tôi thật xấu hổ vì tôi đã nhiều lần nghe các thành viên của hội cũng dùng ngôn từ thiếu lịch sự như thế. Lúc đó, tôi mới thấy một điển hình về tệ phân biệt chủng tộc mà Jesse Owens đã nói.

Tôi giận dữ phản đối và bước ra khỏi tòa nhà của hội sinh viên, bắt đầu vận động những thành viên cởi mở hơn nhằm xóa bỏ sự bất công trong thủ tục bầu chọn. Cuối cùng, một nhóm đông thành viên đi đến căn hộ của tôi và thông báo rằng vị giám sát hội sinh viên đã đồng ý sửa đổi điều lệ. Họ đề nghị tôi trở lại cương vị Phó Chủ tịch hội, nhưng tôi nói là sẽ không trở lại cho đến khi người bạn cầu thủ của tôi được đón chào giống như tôi. Tôi chắc rằng mình đã làm một điều đúng đắn.

Mặc dù sắp trở thành bác sĩ thú y, những người mà tôi kính trọng lại xem tôi như là một bác sĩ y khoa. Mẹ Dinsmore – một Mẹ giám thị ký túc xá tốt bụng của Acacia – thường hay quan sát tôi. Một ngày nọ, Mẹ kéo tôi sang một bên và nói rằng Mẹ nghĩ những kỹ năng của tôi sẽ hữu dụng trong vai trò một bác sĩ y khoa hơn là một bác sĩ thú y. Lời Mẹ nói chạm vào sâu thẳm tim tôi, bởi nó chính là những lời mà ông ngoại yêu quý của tôi đã từng nói.

- Con có nhiều khả năng phục vụ cho con người hơn là phung phí cho loài vật. - Mẹ Dinsmore nói với tôi.

- Nhưng con yêu các con vật cũng như yêu con người. - Tôi trả lời.

- Hãy yêu hết thảy sinh vật của tạo hóa, - Mẹ nói. - Nhưng phải tối ưu hóa tiềm năng của mình. Phải phát huy hết ưu điểm của mình.

Mẹ Dinsmore giúp tôi vào trường Y. Mẹ gọi điện đến trường đại học và nói với ban giám hiệu rằng tôi vừa tốt nghiệp hạng ưu ở trường Thú y, rằng tôi là một người hết sức đáng yêu, và theo suy nghĩ của Mẹ, tôi sẽ thành công trong vai trò một bác sĩ y khoa hơn là một bác sĩ thú y. Tôi nộp đơn và theo học trường Y của Iowa State University, trong khi vẫn làm việc bán thời gian như là bác sĩ thú y thuộc Chương trình Triệt tiêu Bệnh Gia súc của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Chương trình học gồm 50% là nghe giảng và đọc sách, tài liệu; thời gian còn lại là học cách khám chữa bệnh qua việc tiếp xúc với bệnh nhân. Vậy là tôi đã làm theo ý nguyện của ông ngoại.

Có một thời gian, tôi có ý muốn trở thành bác sĩ giải phẫu thần kinh. Nhưng một phần trong chương trình phẫu thuật hoán chuyển, tôi đến làm việc ở nhiều phòng cấp cứu của bệnh viện thuộc tiểu bang California, từ các bệnh viện ở nội ô Oakland cho đến các bệnh viện chữa trị cho người da đỏ thuộc khu Hoopa, hạt Humboldt. Không kể đến rất nhiều ca phẫu thuật mà trước đây tôi từng thực hiện tại trường Thú y, giờ đây tôi phải tham dự hàng trăm ca phẫu thuật khác nhau trên cơ thể người, từ việc giải phẫu cắt bỏ khối u các loại, đến mổ bụng và ngực trong các trường hợp cấp cứu, gãy xương, cắt bỏ tứ chi… Tôi cũng giúp vài ca đỡ đẻ.

Tôi tin nghề y là một nghề cao quý. Tôi rất thích một câu trích dẫn của nhà văn Robert Lewis Stevenson, người từng bị bệnh lao và tiếp xúc với rất nhiều bác sĩ. Stevenson đã viết: “Có những người và tầng lớp người được xếp trên những thứ bậc bình thường: binh lính, thủy thủ và những người chăn cừu là lớp người bình thường; người nghệ sĩ khá hiếm hoi; giáo sĩ còn hiếm hơn; và bác sĩ thì hầu như là ngoại lệ. Người bác sĩ là tinh hoa, là đỉnh cao của nền văn minh chúng ta… Lòng quảng đại của người thầy thuốc, sự thận trọng được đúc kết bằng cả trăm bí quyết, cả trăm cách làm mà nhiều người không biết, tài xử trí được tôi luyện qua hàng ngàn tình huống khó xử, và quan trọng hơn hết là sự can đảm và tấm lòng sẵn sàng giúp đỡ. Rõ ràng người bác sĩ mang lại sinh khí cho phòng bệnh, mang lại sự hồi sinh cho người bệnh”.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #12 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 10:12:45 am »

Chương 2 (tiếp)

Sau thời gian thử thách với kỷ luật nghiêm khắc của trường Y và thời kỳ ngoại trú ở khoa thần kinh, tôi quyết định theo chuyên khoa bệnh học thần kinh. Tôi nói với các bạn đồng học rằng bệnh học thần kinh là một lĩnh vực mà tôi có thể nghiên cứu về con người mà không phán xét họ. Về mặt lý thuyết, chuyên khoa này có phương pháp rèn luyện tinh thần nhẹ nhàng mà tôi cảm thấy thích hợp nhất. Tôi đặc biệt quan tâm đến bệnh học thần kinh xuyên văn hóa, một ngành của bệnh học thần kinh không chỉ nghiên cứu các nhóm vị thành niên trong tù mà còn tìm hiểu nền văn hóa, phong tục của các dân tộc trên thế giới.

Tôi ước mơ có thể hợp nhất sự hiểu biết dựa trên kinh nghiệm với lý thuyết thành một tổng thể, để phục vụ cho sự nghiệp y tế cộng đồng trên toàn thế giới. Năm 1966, tôi chuyển đến sinh sống ở khu vực Bắc California theo quy trình nội trú luân chuyển, phục vụ tại bệnh viện Mount Zion ở San Francisco, và theo một chương trình huấn luyện tại chỗ về bệnh học thần kinh tại Mendocino State Hospital, một bệnh viện tâm thần ở gần San Francisco. Những trải nghiệm không mấy tốt đẹp ở California cuối cùng đã khiến tôi tình nguyện đến Việt Nam.

Tôi làm việc ở phòng cấp cứu bệnh viện Mercy San Juan ở Sacramento vào những ngày cuối tuần. Tôi cũng tiến hành một vài nghiên cứu độc lập tại các trường đại học lân cận nhưng hầu hết thời gian tôi có mặt tại bệnh viện tâm thần. Tôi chúi đầu vào sách vở nghiên cứu về bệnh thần kinh, học hỏi tất cả những gì về các loại bệnh tâm thần. Tôi cho rằng, các bác sĩ bệnh thần kinh có thể làm những điều tốt đẹp nhất khi phục vụ cho người nghèo, những người thiệt thòi và chữa trị những bệnh thần kinh ngặt nghèo nhất.

Thế nhưng, một trong số những bác sĩ ở bệnh viện Mount Zion đã nói với tôi rằng, trừ phi tôi có phòng mạch ở Nob Hill, San Francisco, nếu không, tôi không được xem là một bác sĩ thần kinh giỏi. Sau khi nghiên cứu ở bệnh viện Mendocino hai năm rưỡi, tôi mới tỉnh ngộ từ môi trường không mấy thân thiện mà nhân viên bệnh viện này tạo ra đối với người bệnh. Cơ bản mà nói, tôi cảm thấy chúng tôi là những người “lưu kho” vì không ai trong số những bác sĩ nội trú chúng tôi được hướng dẫn, giảng giải tường tận nên sau khi rời bệnh viện Mendocino, nhiều người đã phải nghiên cứu thêm một năm nữa mới theo kịp những gì mình chưa được giảng dạy.

Thông thường, một bác sĩ nội trú sẽ phục vụ với tư cách là bác sĩ cho cả một phòng bệnh với những bệnh nhân loạn thần kinh. Tôi được phân công làm bác sĩ phụ trách một phòng bệnh gồm những người trẻ tuổi lạm dụng thuốc gây mê trong 6 tháng. Lãnh đạo của bệnh viện dường như chỉ quan tâm chủ yếu đến việc kiểm soát bệnh nhân, việc sử dụng các loại thuốc thần kinh liều nặng như Thorazine và Mellaril cùng các kiểu hành hạ gần như giống với thời trung cổ.

Tôi tin rằng, nhiệm vụ của mình là phải hiểu người bệnh mà mình đang chăm sóc, phải điều trị cho họ chứ không phải là phê bình, phán xét họ. Chính thái độ này của tôi đã gây nhiều phiền hà cho bản thân vì tôi đã đụng chạm đến những nhân vật có trách nhiệm giám sát tôi, những người mà tôi không bao giờ kính trọng. Một trong số những người đó đã để cho 3 trong số những con ngựa nuôi của ông ta chết đói. Vì từng là bác sĩ thú y, hơn nữa, là một người lớn lên từ nông trang rất yêu quý gia súc, việc bỏ bê và tàn nhẫn với thú nuôi như thế đã làm tôi thấy thật kinh khủng.

Những vị giám sát khác cũng có một số vấn đề với tôi. Có lần, tôi cho đám trẻ bị nhốt trong một phòng bệnh được ra khỏi phòng, đưa chúng lên đầy một xe rồi chở ra bờ biển gần bệnh viện Mendocino. Bọn nhóc sinh hoạt vui vẻ mà không cần dùng đến thuốc tác động thần kinh. Chúng tôi chơi dã cầu, nướng bánh mì kẹp xúc xích. Sau đó, tôi liên hệ với nhân viên cứu hộ ở bờ biển để bọn trẻ có thể bơi lội thỏa thích trong sóng nước Thái Bình Dương. Tôi dùng tiền riêng của mình để tổ chức, vì biết rằng những sinh hoạt ngoài trời như thế sẽ có lợi cho bệnh nhân, đúng như hướng dẫn trong các tài liệu chuyên ngành bệnh học thần kinh.

Không lâu sau đó, bác sĩ John Gonda, một chuyên gia thần kinh của Đại học Stanford và là giáo sư thỉnh giảng của chương trình, đã ghé bệnh viện Mendocino và nói với tôi là ông đã nghe kể mọi chuyện. Ông nói rằng chính tôi là người đã mở tung những cánh cửa sổ để cho ánh nắng tràn vào bệnh viện Mendocino với những hoạt động như thế. “Hãy cứ thế mà làm”, ông nói. “Rồi anh sẽ trở thành một chuyên gia thần kinh cừ khôi cho mà xem.”

Nhưng không phải mọi người đều nhìn nhận như vậy về việc làm đó của tôi. Khi các nhà quản lý bệnh viện Mendocino hay biết sự việc, họ đã đưa vào hồ sơ của tôi một bản ghi nhớ với nhận xét là “hành xử không chuyên nghiệp”. Một lần khác, sau khi tôi dẫn một đứa bé ra khỏi bệnh viện Mount Zion để cho cháu ăn một cây kem, thì lại thêm một bản ghi nhớ nữa được đưa vào hồ sơ của tôi.

Mọi chuyện không phải đã hết. Tôi thật sự kinh hoàng khi thấy cách họ xử sự với một cô gái vị thành niên thuộc phòng bệnh loạn thần kinh, và tôi đã buộc phải hành động để cứu cô bé. Cô bé được đưa tới bệnh viện vài ngày trước đó vì chứng lo âu thái quá cùng thái độ “bộc lộ ra bằng hành động”. Hai ngày sau khi nhập viện, người ta phát hiện cô quan hệ tình dục với một bệnh nhân khác dưới các bụi cây. Để trừng phạt, họ đưa cô vào phòng loạn thần kinh với những bệnh nhân nặng thuộc lứa tuổi trên 60.

Một cách xử lý thật là kinh khủng! Những bệnh nhân ở đó chửi thề liên tục, lại thường tấn công, ném phân người vào nhau. Đó không phải là nơi dành cho cô bé. Tôi yêu cầu đưa cô sang một phòng bệnh khác thích hợp hơn, với những bệnh nhân cùng độ tuổi và cùng triệu chứng. Người ta bảo đó không phải là việc của tôi. Thế là tôi trở về phòng của mình, tìm một cái rìu rồi đến trước cửa phòng bệnh kia và tuyên bố: “Nếu các ông không đưa cô bé ra khỏi phòng này ngay, tôi sẽ phá cửa phòng!”.

Vậy là thêm nhiều lời phê bình, khiển trách nặng nề được ghi vào hồ sơ của tôi. Những việc như thế khiến tôi phải tự hỏi mình có làm đúng vai trò của một bác sĩ và một chuyên gia tâm thần? Tôi đã hoàn tất 13 năm miệt mài học tập và đã nhận được hai bằng cấp y khoa. Tôi đã được giáo dục đến mức mụ cả người đi. Lúc ấy, tôi cảm thấy buồn chán và không nghĩ là mình đã làm được điều gì xứng đáng cho cuộc đời này. Tôi ao ước được đáp trả cho đời.

Một thời điểm có ý nghĩa trong cuộc đời tôi đã đến. Bên ngoài cái thế giới nhỏ nhoi của bệnh viện Mendocino, tin tức về cuộc chiến ở Việt Nam đang nóng lên. Tôi đã đọc những mảng thông tin chiến sự, và riêng cá nhân mình, tôi phản đối cuộc chiến, cho dù tôi tin tưởng mạnh mẽ vào lòng tốt và sự cao thượng của Hoa Kỳ. Tôi háo hức muốn biết nhiều hơn về Việt Nam nên khi có lời kêu gọi, người cựu binh Thủy quân lục chiến trong tôi đã đáp lời ngay.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #13 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:05:03 pm »

Chương 3
NHỮNG BÁC SĨ TÌNH NGUYỆN ĐẾN VIỆT NAM

    Vào tháng Giêng năm 1968, tôi chú ý đến một mẩu quảng cáo ngắn trên tờ tạp chí uy tín Journal of the American Medical Association (Tạp chí của Hiệp hội Y học Mỹ).
Quảng cáo viết: “Chúng tôi cần những bác sĩ tình nguyện đến Việt Nam Cộng Hòa (Nam Việt Nam) để chăm sóc sức khỏe cho dân chúng. Chương trình được Hiệp hội Y học Mỹ đỡ đầu”.
Năm đó, tôi là một trong số khoảng 200 bác sĩ Mỹ đáp ứng lời kêu gọi nhân đạo của Hiệp hội Y học Mỹ. Chương trình Bác sĩ tình nguyện cho Việt Nam (VPVN) đã bắt đầu 3 năm trước đó, do Hiệp hội Y học Mỹ quản lý về hành chính và được sự hỗ trợ về ngân sách của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID)(1). Có rất ít bác sĩ trẻ tham gia chương trình này mà hầu hết là những vị ở độ tuổi trung niên, một vài người đã trên 70 tuổi.

    Vào thời điểm đó, dân chúng Việt Nam đang rất cần y, bác sĩ. Cho đến khi Chương trình Bác sĩ tình nguyện cho Việt Nam kết thúc vào tháng 6.1973, cứ mỗi hai tháng, Việt Nam cần thêm 32 bác sĩ tình nguyện và rất nhiều bác sĩ Mỹ đã tình nguyện phục vụ. Tổng cộng, có 774 người tình nguyện phục vụ thời hạn hai tháng không lương, chỉ nhận tiền chi phí 10 đô-la mỗi ngày và chính sách bảo hiểm 50.000 đô-la. Tôi tự hào là một trong số bác sĩ tình nguyện đến Việt Nam và nằm trong số 17% trở lại Việt Nam phục vụ đợt hai. Trong quá trình chuẩn bị cho cuốn sách này, tôi đã viết thư cho nhiều bác sĩ từng tham gia chương trình và những vị đó đã phúc đáp kèm theo những lời bình luận sâu sắc, được trích dẫn trong sách.
     Một trong những bác sĩ tình nguyện đầu tiên đến Việt Nam là bác sĩ William Shaw, đã 72 tuổi khi ông đến Việt Nam vào năm 1965. Mặc dù bác sĩ Shaw đã mất năm 1973 sau khi được vinh danh trong vai trò bác sĩ gia đình và bác sĩ phẫu thuật trong quân đội, ông đã ghi lại nhiều con số thống kê, tài liệu về thực hành ngành y trong chiến tranh Việt Nam. Vào lúc đó, miền Nam Việt Nam với 17 triệu dân nhưng chỉ có 700 bác sĩ có giấy phép hành nghề. Trong số này, hết 500 bác sĩ phục vụ cho quân đội Nam Việt Nam, để lại hàng triệu cư dân cho chỉ 200 bác sĩ trị liệu. Một số bác sĩ từ các nước như Úc, New Zealand, Philippines, Hàn Quốc, Ý và Iran đã hiện diện tại đây để lấp bớt khoảng trống khi ông Shaw đến Việt Nam. Theo các tài liệu của bác sĩ Shaw thì tại các thành phố Việt Nam, một bác sĩ phải chăm sóc cho 25.000 người, còn ở vùng nông thôn thì một bác sĩ phải lo cho gần 100.000 dân. Trong khi vào thời điểm đó, tỉ lệ ở Mỹ là 1 bác sĩ/700 người và ở Nhật là 1 bác sĩ/920 người.

    Khi tình nguyện tham gia chương trình, tôi không nhận thức được rằng một công việc ngắn hạn ở Việt Nam như thế lại trở thành một giai đoạn có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời mình. Vốn là lính Thủy quân lục chiến, tôi sẵn có niềm yêu thích đối với vùng Viễn Đông - chiến hạm của chúng tôi đã từng cặp bến ở Hồng Kông, Ma Cao, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như các hải cảng khác của Thái Bình Dương. Ngoài tiếng Anh, tôi nói được một ít tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc. Do mối liên quan chặt chẽ của những ngày phục vụ trong lực lượng Thủy quân lục chiến trên chiến hạm USS Toledo, Viễn Đông là một vùng hấp dẫn đối với tôi. Nhưng có lẽ lý do trước hết của việc tình nguyện đi Việt Nam là vì lúc đó tôi cực kỳ chán ngán công việc của một bác sĩ nội trú tại bệnh viện Mendocino.
Cuối cùng, quyết định đi Việt Nam đã giúp tôi chấm dứt chương trình nội trú chỉ mới kéo dài được 3 tháng tại khoa bệnh học thần kinh. Có thể tôi đã hành động một cách bốc đồng nhưng đúng là tôi đang rất cần một sự đổi thay. Tôi bị cuốn hút về phía cuộc chiến này không chỉ vì bản thân là cựu quân nhân Thủy quân lục chiến, mà còn vì tôi là một bác sĩ đang mong muốn được làm những công việc hữu ích.

     Những bác sĩ giám sát tôi tại bệnh viện Mendocino tỏ vẻ không hài lòng về việc tôi bỏ dở thời gian làm bác sĩ nội trú. Họ tổ chức một cuộc họp và phủ quyết việc tôi tình nguyện đi Việt Nam phục vụ. Nhưng cuối cùng tôi đã thuyết phục được các bác sĩ giám sát rằng chương trình nghiên cứu của tôi sẽ càng tăng giá trị một khi tôi viết luận văn về phương pháp chữa trị bệnh thần kinh ở Việt Nam. Sau đó, tôi xin nghỉ phép không lương và chuẩn bị cho chuyến đi Nam Việt Nam.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #14 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:06:06 pm »

Chương 3 (tiếp)

Vào thời điểm đó, Việt Nam là một đất nước bị chia cắt, là nơi diễn ra cuộc chiến giữa chính quyền Cộng sản miền Bắc Việt Nam với chính quyền Nam Việt Nam do Mỹ hậu thuẫn. Việt Nam là một đất nước nông nghiệp mà sản phẩm chủ yếu là gạo và cao su, vốn được trồng trong hệ thống đồn điền do người Pháp quản lý cho đến khi chiến tranh Đông Dương kết thúc năm 1954. Khi người Pháp rút lui, Hiệp định Geneve tạm thời chia cắt Việt Nam làm hai phần. Hồ Chí Minh – một anh hùng yêu nước – nhanh chóng thiết lập chính quyền Cộng sản ở miền Bắc Việt Nam. Gần một triệu người Thiên Chúa giáo đã di cư vào Nam. Chiến tranh lại tiếp diễn và dân chúng sống ở vùng nông thôn miền Nam Việt Nam bị buộc phải tản cư, buộc phải về sinh sống ở các khu vực thành thị, hình thành sự chuyển động dân cư từ nông thôn lên thành thị. Khi các cố vấn, rồi kế đến là quân đội Mỹ tràn vào giúp Nam Việt Nam trong cuộc chiến tranh kéo dài, quân đội Bắc Việt Nam đã hợp lực với du kích quân thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chiến đấu để tái thống nhất đất nước. Cuộc chiến đẫm máu với tổn thất sinh mạng ngày càng cao, cho đến khi lệnh ngừng bắn được thực hiện vào tháng Giêng năm 1973.

    Hiệp hội Y học Mỹ gửi những tài liệu hướng dẫn cho các bác sĩ tình nguyện của mình qua một loạt các bức thư ngắn. Những bức thư này giải thích rõ ràng về những loại vắc-xin hay dược phẩm nào sẽ nhận, chỉ dẫn cách thức xin hộ chiếu v.v. Có một bức thư yêu cầu chúng tôi học nhanh một số vốn từ tiếng Việt và tiếng Pháp. Chúng tôi cũng được cảnh báo là sẽ phải đối phó với những bệnh tật miền nhiệt đới mà chúng tôi chưa từng thấy ở Hoa Kỳ, chẳng hạn như bệnh dịch hạch, số rét và sốt thương hàn tràn lan trong nhiều làng xóm. Chúng tôi cũng phải chuẩn bị để chữa trị những ca nhiễm trùng, bị thương vì bom đạn vốn là hậu quả tất yếu của chiến tranh.
    Tôi thật sự háo hức khi đi đến một vùng đất lạ, hơn nữa lại được thoát khỏi công việc nhàm chán ở bệnh viện tâm thần. Tôi cũng thật sự háo hức muốn đóng góp những gì hữu ích cho đồng loại trong chức năng một bác sĩ y khoa. Nhưng tôi cũng phải chuẩn bị kỹ càng vì tôi biết là mình sẽ không có được điều kiện làm việc như một bác sĩ ở Hoa Kỳ khi hành nghề trong hoàn cảnh của Việt Nam.

    Tôi mang theo một số sách vở, tài liệu y khoa liên quan đến bệnh nhiệt đới, phẫu thuật chấn thương, phẫu thuật chỉnh hình, làm thế nào duy trì cân bằng chất điện giải trong phòng cấp cứu. Cuốn sách hữu dụng nhất trong số này là cuốn sách nhỏ, mỏng có tựa Emergency War Surgery - NATO Handbook, Department of Defense-United States of America mà tôi đã mua với giá 2,25 đô-la tại một hiệu sách ở San Francisco, gần bệnh viện Mount Zion. Tôi ngây thơ nghĩ rằng mình có thể đọc những quyển sách y học này vào chiều tối, sau một ngày làm việc. Tôi đã không nhận thức được công việc cấp cứu liên miên trong ngày đã vắt kiệt sức lực của mình đến nỗi không còn một chút thời gian và sức lực để đọc, ngay cả những gì cần thiết. Tôi đã không đánh giá đến mức độ hạn chế của đèn cầy trong hầm trú ẩn, không lường được việc sử dụng đèn ban đêm có thể làm mục tiêu cho các cuộc pháo kích. Nói chung, giống như nhiều bác sĩ tình nguyện khác, tôi cũng có một số điều ngây ngô về điều kiện thực tế ở Việt Nam.
 
      “Đến Nha Trang một mình với một chút sợ hãi”, bác sĩ William P. Levonian nhớ lại tình huống lúc ông đến phục vụ tại một trong những bệnh viện tỉnh của Việt Nam. “Không có ai đón mình ở phi trường. Cũng không chắc là mình đã đáp máy bay xuống đúng thành phố đã định. Không ai quanh mình biết nói tiếng Anh nên chẳng thể biết lối nào về thành phố. Đi nhờ xe ô tô đến bệnh viện tỉnh mà không biết ai là Việt Cộng, ai là kẻ thù của họ. Bệnh viện thì nghĩ là tôi sẽ đến vào ngày kế tiếp.”

      Bác sĩ William Shaw đã ghi lại suy nghĩ của mình ở Nha Trang: “Trong một tháng ở bệnh viện, có quá nhiều bệnh tật như viêm gan, viêm a-mi-đan, bệnh bạch hầu, bệnh giun đũa, bệnh phong, viêm não, bệnh dịch hạch, bệnh cơ, bệnh lỵ, suy dinh dưỡng và bệnh dịch tả. Trong khu phẫu thuật của tôi có 30 bệnh nhân thì có đến 13 người bị thương tích do chiến sự. Nhìn chung, 50% bệnh nhân của chúng tôi là nạn nhân của các cuộc giao tranh, nhưng rất nhiều lần, chúng tôi phải chứng kiến cảnh những nạn nhân này chết trước khi được nhập viện. Chẳng hạn trong một lần, có 4 trong số 6 thường dân bị thương đã chết trước khi có thể tiến hành phẫu thuật cứu chữa”.

     “Ngày đầu tiên là ngày khó khăn nhất đối với tôi”, bác sĩ Carnes Weeks nhớ lại. Không may khi đến Phan Rang, ông bị một cơn đau bụng dữ dội. “Trong khi cơn viêm dạ dày và viêm ruột cấp tính của tôi càng tệ hại hơn với mùi khó chịu của bệnh viện đông người, thì cả một dòng bệnh nhân chen chúc, trải dài ra cả 3 khu nhà của bệnh viện (nhiều bệnh nhân đi chân không hoặc đi bằng xe bò suốt đêm để đến được bệnh viện). Trong ngày hôm đó, tôi thật diễm phúc và xin cám ơn tục lệ địa phương về giấc ngủ trưa trong một buổi trưa nắng nóng như thế. Tôi tranh thủ nằm được vài tiếng đồng hồ và trở lại tươi tỉnh sau khi uống nước và nghỉ ngơi. Trong tháng kế tiếp, chúng tôi trở nên nhuần nhuyễn hơn trong việc ứng biến, nhanh chóng nhận bệnh và phân loại bệnh, cũng như cảm thông với người bệnh hơn. Chúng tôi trị liệu các chứng bệnh mà tôi chỉ nêu ra một số như bệnh dịch hạch, dịch tả, bệnh uốn ván, bệnh bại liệt ở trẻ em và bệnh lao.”

    Bác sĩ Bill Owen nhớ lại ấn tượng mạnh nhất đối với anh khi được phân bổ tới bệnh viện tỉnh Bạc Liêu: “Bệnh viện không có nước máy. Heo và dê thì chạy loanh quanh trong các phòng bệnh bỏ trống. Tôi thấy khoảng 120 trẻ em trong khu khám bệnh dành cho bệnh nhân ngoại trú đầu tiên của mình. Một bà mẹ đi vào và trao cho tôi đứa bé đã chết trên tay”.

     Bác sĩ phẫu thuật Marvin H. Lottman nhớ như in lần ông đến Gò Công trợ giúp cho một nhóm bác sĩ Tây Ban Nha mà ông cho là “một thời điểm buồn tẻ nhất trong đời hành nghề thầy thuốc của tôi”. Khi đến bệnh viện, ông nhìn trước ngó sau và nhận ra rằng “Những dụng cụ duy nhất còn có thể dùng được đều cũ kĩ, hoen gỉ và thiếu khử trùng. Những gì có thể dùng cho phẫu thuật vùng bụng chỉ là một số dụng cụ dùng cho trực tràng, cơ quan sinh dục và tiết niệu. Chẳng có lấy dụng cụ chỉnh hình, cũng chẳng có dụng cụ kéo tay, kéo chân nào cả. Không có hoặc có rất ít chỉ khâu. Thuốc kháng sinh duy nhất dùng được là những gì tôi mang theo bên mình. Không có dụng cụ lọc máu, không ngân hàng máu, không truyền máu qua tĩnh mạch, không hợp vệ sinh. Càng quan sát, tôi càng phát hiện thêm nhiều vấn đề, nhiều trở ngại tệ hại”.

    Tại Quảng Ngãi, bác sĩ Gilbert Lee cho biết, bệnh viện phải chăm sóc 600 bệnh nhân mỗi ngày, trong khi cơ sở vật chất thiếu thốn, không có hệ thống thoát nước và chất thải, nước máy thì chảy nhỏ giọt, bóng đèn thì chẳng có chụp đèn tụ sáng. Ông viết thêm: “Tôi bị sốc trong cảnh khốn khổ này. Hàng dòng người bệnh và bị thương đổ vào bệnh viện cùng với dòng người tản cư, lánh nạn chiến tranh. Vào cuối tuần lễ đầu tiên ở Việt Nam, tôi mới tin chắc là việc hành nghề thầy thuốc ở Việt Nam khác xa với những gì tôi đã làm ở Hoa Kỳ”.

      Vào thời điểm đó, tôi đã sẵn sàng gia nhập hàng ngũ những bác sĩ tình nguyện và đã chuẩn bị cho chuyến bay đến Việt Nam.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #15 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:08:35 pm »

Chương 4

ĐẾN SÀI GÒN


     Tôi lên máy bay ở San Francisco ngày 3.5.1968 và đến Hồng Kông ngày 5.5. Ngày 7.5, tôi rời khách sạn Peninsula, đáp chuyến bay thương mại đi Việt Nam. Máy bay chở hơn 10 bác sĩ tình nguyện và nhiều binh lính bay thẳng đến Sài Gòn, thủ đô của Nam Việt Nam.

     Khi chúng tôi vào không phận Việt Nam, máy bay bắt đầu bay chệch hướng từ bên này qua bên kia, theo cách “bay ngoằn ngoèo, bay hình chữ chi” để tránh bị bắn hạ. Một cô tiếp viên hàng không nói với tôi là đã có 4 chiếc bị bắn hạ trong vòng hai năm qua.

   Chỉ mới vài tháng trước đây, cuộc Tổng công kích và nổi dậy Tết Mậu Thân đã làm đảo lộn tình hình chiến cuộc Việt Nam. Các lực lượng Bắc Việt Nam cùng Việt Cộng(1) đã đồng loạt tấn công vào những thành phố Nam Việt Nam. Các lực lượng này bị đẩy lui với tổn thất nặng nề. Vào thời điểm máy bay chúng tôi chuẩn bị đáp xuống Sài Gòn, thì một cuộc Tổng tấn công khác -- với quy mô nhỏ hơn cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân - đang diễn ra ở thành phố này, trong đó có cuộc tấn công vào khu vực Chợ Lớn.

     Từ trên máy bay, tôi đã có thể nhìn thấy những cánh rừng, những cánh đồng tươi tốt bị cắt bằng một mê cung với những con sông uốn khúc chảy ra biển Đông. Khung cảnh bên dưới chúng tôi thật là hiền hòa, giống như một tấm bưu thiếp vĩ đại chụp cảnh trời quang mây tạnh. Thế nhưng máy bay hạ cánh chẳng an bình chút nào.

    Cách thức máy bay hạ cánh đã xác nhận là chúng tôi đang ở trong vùng chiến sự. Trên bầu trời Sài Gòn, viên phi công bất thình lình cho máy bay đâm bổ xuống, tức hạ độ cao một cách cực nhanh, rồi hạ cánh với tiếng rít bánh máy bay trên đường băng mà tôi tưởng như thể máy bay có thể quay ngoắt lại, lật nhào từ đằng mũi. Chúng tôi nhanh chóng rời khỏi máy bay chạy vào nhà đón khách của phi trường Tân Sơn Nhất. Rõ ràng chúng tôi đang ở trong vùng chiến sự. Nhiều máy bay hư hỏng nằm ụ trên đường băng cũng như trong các nhà chứa máy bay. Cả phi trường lẫn nhà ga đều được quây xung quanh bằng loại vòng kẽm gai concertina. Các ụ bao cát phòng vệ được thiết lập cách nhau chừng 15m. Khu vực quanh sân bay được phong tỏa, bảo vệ để ngăn chặn sự xâm nhập của Việt Cộng.

     Khi lên xe buýt đi về khách sạn, chúng tôi mới bắt đầu đổ mồ hôi vì thời tiết nóng và độ ẩm cao của khí hậu Việt Nam. Những thứ đầu tiên mà tôi chú ý là các tấm lưới bằng kim loại mỏng được thiết kế ở cửa sổ xe buýt, nhằm chống lại việc ném lựu đạn vào xe. Sau này, Việt Cộng đã tìm cách phá hỏng kế hoạch bảo vệ xe như thế bằng cách sử dụng lựu đạn tấn công với chất liệu là đinh, mảnh kim loại.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #16 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:10:28 pm »

Chương 4 (tiếp)

Sài Gòn – thủ phủ cấp tỉnh đẹp như tranh từ thời Pháp – trở thành thủ đô của Nam Việt Nam. Thành phố cổ này hầu như hoàn toàn được xây dựng trong thời Pháp thuộc với sức quyến rũ riêng của nó. Đường phố đầy người đi bộ, đi xe hơi, xe đạp và xích lô. Dân chúng mặc quần áo với sắc màu nhẹ, thanh thoát. Nhiều người đội chiếc nón lá che nắng đặc trưng của Việt Nam. Nhiều lâu đài, biệt thự mang dáng dấp của thời thực dân Pháp. Nhưng tôi và những bác sĩ đồng nghiệp khác cũng nhận ngay ra một Sài Gòn khác, với những cuộc chạm súng lác đác: Sài Gòn đã là một pháo đài quân sự. Chúng tôi đã nhìn thấy nhiều hố bom trên đường phố cùng một số tòa nhà tan tác vì bom đạn. Du kích quân Việt Cộng đã chiếm những cánh rừng và ngọn đồi lân cận thành phố, gây áp lực bằng các cuộc tấn công vào ban ngày.

     Chúng tôi đi qua nhiều công sự, boong-ke, nhiều vị trí đặt súng máy với bao cát và dây kẽm gai bao quanh. Tại các vị trí đó, những binh lính thuộc quân đội Nam Việt Nam mang kính râm, tay lăm lăm súng liên thanh. Cuộc Tổng tấn công đợt hai bắt đầu vào ngày 7 tháng 5, tức ngay ngày chúng tôi đến Sài Gòn. Giao tranh đang diễn ra ở Sài Gòn và tiếp tục gần một tháng ở khắp miền Nam Việt Nam. Và thật là nhẹ cả người khi đến được Caravelle – một khách sạn cổ và thanh nhã thời Pháp, được đặt làm tổng hành dinh của các bác sĩ tình nguyện ở Việt Nam. Tại khách sạn Caravelle, chúng tôi gặp một bà chủ khách sạn Việt Nam tuyệt đẹp, một người hiền lành đáng mến, tuy không bao giờ cười nhưng đã tiếp đãi chúng tôi như những ông hoàng trong hai ngày.

     “Trong thời gian ngắn ngủi ở Sài Gòn, chúng tôi được thông báo ba lý do cho sự hiện diện của mình ở đây”, bác sĩ Victor S. Falk – người được phân bổ đi Vĩnh Bình – nhớ lại. “Trước hết là tác động tâm lý, cả đối với người Việt Nam và ở quê nhà. Thứ đến là việc huấn luyện người Việt ở các bệnh viện tỉnh, nơi chúng tôi sẽ được phân công đến làm việc. Có lẽ một vài phương pháp hoặc cách thức khám bệnh của chúng tôi có thể làm mẫu mực cho nhân viên Việt Nam. Thứ ba là công việc chăm sóc y tế cấp thời. Công việc cuối cùng này là quan trọng nhất và chiếm hết thời gian của chúng tôi.”

     Gặp gỡ một số bác sĩ tình nguyện trong khách sạn Caravelle, tôi biết rằng không một ai trong chúng tôi được biết trước địa điểm phân công nhiệm sở của mình. Chúng tôi thảo luận về tình hình Việt Nam và về khả năng công việc còn bỏ ngỏ. Chỉ trong vài ngày, tất cả chúng tôi đều được phân bổ đi các nơi, hầu hết là rời Sài Gòn để đến một nơi nào đó ở Nam Việt Nam.
Tối hôm ấy, chiếc giường êm ấm và an toàn của tôi tại khách sạn Caravelle đã bị rung lên do ảnh hưởng của những vụ ném bom gần đó. Trong chuyến tham quan Sài Gòn vào hôm sau, tôi có thể nhìn tường tận cuộc chiến diễn ra quanh mình khi đứng trên mái nhà của khách sạn.

     Số là trong bữa ăn sáng, tôi tình cờ gặp Jim Cavanaugh, một bác sĩ tình nguyện lớn hơn tôi 10 tuổi mà tôi đã làm bạn từ lúc còn quá cảnh ở Hồng Kông. Lúc đó, chúng tôi đã nhanh chóng kết thân với nhau bởi lẽ Jim là một cựu binh Nhảy dù và tôi là một cựu binh Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Người ta khuyên là nên ở lại khách sạn, nhưng chúng tôi quyết định là phải xem xem việc gì đã xảy ra tối qua. Chúng tôi leo lên một chiếc taxi đi đến chỗ bị đánh bom tối hôm trước, vốn chẳng xa khách sạn là mấy. Trên đường đi, Jim cho tôi xem khẩu súng ngắn mà anh mang theo từ Mỹ.

- Anh chẳng biết lúc nào thì phải cần đến thứ này ở Việt Nam đâu! - Jim nói, tay vỗ vỗ vào khẩu súng 45 ly.

     Jim là một cựu binh ưa mạo hiểm và nghiện rượu nặng, một lính Nhảy dù trong cuộc chiến Triều Tiên và là một bác sĩ thích sống trong những tình huống nguy hiểm. Khi đến Việt Nam, anh đi vào nhiều vùng hoang vu, nguy hiểm cùng với lực lượng đặc biệt Mỹ. Anh ta là nhân vật đặc biệt vì là bác sĩ Mỹ tình nguyện duy nhất bị trục xuất khỏi Việt Nam, nhưng chúng tôi vẫn giữ tình bạn và sau khi trở về Hoa Kỳ, chúng tôi còn có một thời gian ngắn cùng hoạt động chung với nhau trong ngành y.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #17 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:11:21 pm »

Chương 4 (tiếp)

Bước ra khỏi xe taxi, tôi và bác sĩ Cavanaugh cùng quan sát khu vực Chợ Lớn, nơi vừa bị đánh bom tối hôm qua. Những chiếc máy bay phản lực bay thấp bắn phá, dội bom vào những địa điểm được xem là nơi trú ẩn của Việt Cộng. Khu vực này vẫn còn âm hưởng của vụ đánh bom, còn hơi nóng và còn những nơi âm ỉ cháy. Đó là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy sự tàn phá của chiến tranh Việt Nam.

     Một khu vực của thành phố đã bị đánh bom. Vật đầu tiên mà tôi thấy là một chiếc nệm đang cháy âm ỉ, bốc lên một mùi khét là lạ mà sau này tôi mới biết là của bom na-pan. Mặc dù không nhìn thấy bất cứ một thi thể nào, nhưng là bác sĩ, chúng tôi cảm nhận được mùi tử khí bốc lên trong không khí và nghĩ rằng, những nạn nhân chết và bị thương đã được chở đi. Đối với tôi, việc đánh bom vào khu dân cư đông đúc của một thành phố lớn như thế là bừa bãi, không thể chấp nhận được. Tôi đã tự hỏi: Ai đã làm việc này? Với mục đích gì? Vì sao họ có thể liều lĩnh như thế? Nhưng trả lời những câu hỏi đại loại như thế này thì thật là khó ở trường hợp của Việt Nam.

     Tôi và Jim trở về khách sạn và thấy rằng mình đúng là “cựu chiến binh” hơn là bản thân đã cảm nhận trước đó.
Trong mấy ngày ở khách sạn Caravelle, những bác sĩ tình nguyện chúng tôi gặp nhau một cách tự nhiên để tìm hiểu và để cùng chia sẻ, trao đổi ý tưởng cũng như thông tin cần thiết. Nhiều người là những nhà phẫu thuật tài ba. Rất nhiều người là bác sĩ giải phẫu thần kinh, bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình cùng những chuyên gia giàu kinh nghiệm khác. Hầu hết trong độ tuổi 40, 50, một số ở độ tuổi 60. Tôi là bác sĩ trẻ nhất trong nhóm và điều đó làm cho tôi thú vị. Tương phản rõ nét với những bác sĩ quanh mình, tôi là một thầy thuốc chuyên về thần kinh với rất ít kinh nghiệm về phẫu thuật và sắp được bổ nhiệm trong chức năng một bác sĩ y khoa ở một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam. Nhưng tất cả chúng tôi đều có điều gì đó chung nhất, cái điều đã đưa chúng tôi đến Việt Nam.

    “Tôi không tin chắc vào quyết định tình nguyện đi Việt Nam của mình”, bác sĩ William P. Levonian nhớ lại. “Cơ quan Phát triển Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao lên kế hoạch giúp đỡ thường dân ở Việt Nam và tôi chỉ nghĩ đó là một việc làm đúng đắn. Tôi tự hỏi là mình có quyền làm tổn thương đến hạnh phúc cũng như tương lai tốt đẹp của cả gia đình mình hay không khi đưa tay vẫy chào tạm biệt qua cửa sổ máy bay. Tuy nhiên, việc vợ và các con tôi đứng vẫy chào giã biệt đã cho tôi câu trả lời xác đáng về quyết định của mình.”
“Có thể nói là có rất nhiều lý do để phục vụ trong vai trò một bác sĩ tình nguyện ở Việt Nam”, William J. Rogers III, một bác sĩ tình nguyện ở Đà Nẵng nhận xét. “Khi chuyện trò với những bác sĩ Mỹ tình nguyện, tôi phát hiện ra rằng, nguyên nhân đưa họ đến đây chẳng hề dễ dàng diễn tả. Những người này hoàn toàn khác biệt nhau. Tất cả đều nói là họ muốn làm một cái gì đó, cần phải làm, phải cống hiến mà không thể nói là tại sao. Họ không thể kiềm nén động cơ thúc đẩy đó bằng những việc đơn giản như lái chiếc xe hơi mốt và sang trọng nhất, hoặc giả là cò kè đòi tăng lương, được cất nhắc lên một địa vị cao hơn và cả ngàn lẻ một sự việc nào đó mà thỉnh thoảng có vẻ như là mục đích cuối cùng của các y bác sĩ.”

     Bộ Ngoại giao Mỹ đã cung cấp tài liệu tóm tắt, hướng dẫn cho chúng tôi về lịch sử, tình hình kinh tế và quân sự của Việt Nam. Việc phân nhiệm cuối cùng được giao cho bác sĩ Charles H. Mosley, lúc đó là giám đốc khu vực của chương trình ở Sài Gòn. Một trong số những nơi cần một bác sĩ dân sự là tỉnh Quảng Trị xa xôi ở cực Bắc của Nam Việt Nam. Quảng Trị cần một bác sĩ đa khoa. Quảng Trị là một tỉnh không an ninh nằm gần vùng phi quân sự, và là trung tâm của các cuộc giao tranh dữ dội, có thủ phủ nằm cách đường phân chia ranh giới Nam - Bắc Việt Nam chỉ chừng 40 km. Người ta thông báo cho chúng tôi biết là vị bác sĩ được phân bổ đi phục vụ tại bệnh viện tỉnh Quảng Trị cần phải là người có kinh nghiệm về quân sự, tốt nhất đã từng phục vụ trong các đơn vị nhảy dù hoặc đơn vị chiến đấu nào khác, chứ không lưu ý đến một chuyên khoa ngành y nào cả.
- Tôi đi Quảng Trị. - Tôi nói và giơ tay lên. - Tôi từng phục vụ trong lực lượng Thủy quân lục chiến. Tôi có thể tự lo cho mình được.

    Các đồng nghiệp quay nhìn tôi chòng chọc, điều mà vào thời điểm đó tôi chẳng mấy quan tâm. Không còn một ai khác xung phong nhận vị trí này nên nhiệm vụ đó hầu như được giao cho tôi ngay vào lúc ấy. Vì đã từng là lính Thủy quân lục chiến, tôi nghĩ là mình có thể xoay xở trong bất kỳ tình huống nào, dù không chắc chắn lắm. Tôi còn độc thân, đó là một lợi thế nữa. Hầu hết các bác sĩ tình nguyện khác đều được phân bổ đi những nơi tương đối ít nguy hiểm hơn và tôi trở thành bác sĩ tình nguyện đầu tiên đi Quảng Trị. Sau này, trong những ngày tháng ở Việt Nam, nhiều lần tôi vẫn ghi nhớ và hành động theo phương châm của những bác sĩ tình nguyện “Nếu việc gì đến với bạn, hãy tiếp nhận nó”.
Thời tiết nóng và ẩm khi tôi leo lên máy bay rời Sài Gòn.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #18 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:12:48 pm »

Chương 5

PHẪU THUẬT TIM MỞ Ở HUẾ

     Con đường Quốc lộ 1 Việt Nam – cũng còn được biết dưới cái tên “Street Without Joy” (Con đường khổ ải) – là con đường nguy hiểm, là trục lộ chính chạy dài từ Bắc vào Nam do người Pháp xây dựng và đặt cho một cái tên buồn “La Rue Sans Joie”(1).
     Chạy dài từ Sài Gòn ra Huế, Quảng Trị và tiếp tục qua bên kia vùng phi quân sự, Quốc lộ 1 là con đường huyết mạch mà các đoàn xe quân sự Mỹ và Nam Việt Nam thường xuyên bị các tay súng bắn tỉa của đối phương tấn công cả ngày lẫn đêm trong chiến tranh Việt Nam. Rời Sài Gòn, máy bay đưa tôi đến Phú Bài, một phi trường nhỏ có căn cứ an toàn của Thủy quân lục chiến nằm cách thành phố Huế khoảng 10 km. Tại Huế, tôi gặp vài bác sĩ tình nguyện trước khi leo lên xe Jeep chạy thẳng đến Quảng Trị.
     Tôi còn nhớ cảnh mình rời khỏi chiếc máy bay nhỏ, loại 10 hành khách, bước xuống đường băng đen nhánh, đang bốc hơi. Khu rừng bao quanh sân bay Phú Bài đã được phát quang một phần bằng bom và bằng những chất làm cây rụng lá, nhưng đường băng với nhựa đường đen thì vẫn còn mới tinh và không bị hư hỏng. Tôi mang cái ba lô chứa một số đồ linh tinh như bàn chải, kem đánh răng, bộ dao cạo râu, ba cái áo thun ngắn tay, một quần jeans, cuốn cẩm nang phẫu thuật của NATO, một cuốn sách về bệnh nhiệt đới, hai trái táo, một trái cam và một trái chuối. Viên đại tá dẫn tôi xem qua bệnh viện quân sự một tầng, nhỏ nhưng sạch sẽ, ngăn nắp trong một khu nhà tiền chế(1) ở Phú Bài. Tôi nhớ rõ sự yên ắng cùng mùi khử trùng ở bệnh viện quân sự nhỏ này. Những dãy giường sạch gọn, và trên mỗi giường là một thương binh thuộc Thủy quân lục chiến hoặc một quân nhân thuộc binh chủng khác. Một vài người bị thương ở chân được treo chân lên, nhưng hầu hết là những vết thương không nhìn thấy được dưới lớp chăn quân đội màu xanh nâu.
- Chào bác sĩ, tôi đây này! - Một giọng nam cất lên.
     Ai ở đây mà biết tôi là bác sĩ vậy? Cách chỗ tôi đứng không xa là một khuôn mặt râu ria sạch nhẵn trên đôi vai rộng, cặp mắt đượm buồn và mái tóc húi cua theo “tiêu chuẩn quân đội” ló lên khỏi chiếc chăn. Đó là một gã đẹp trai, cằm vuông mà tôi chỉ biết tên là Jerry, một trung úy Thủy quân lục chiến. Trước đó mấy tháng, chúng tôi có gặp nhau tại quán rượu Shadowbox – nơi thỉnh thoảng các bác sĩ nội trú tụ tập, gần bệnh viện Mount Zion ở San Francisco. Lúc đó, Jerry trong bộ quân phục Thủy quân lục chiến và tôi cho anh biết mình cũng từng là lính Thủy quân lục chiến. Chúng tôi chuyện trò, tán gẫu và uống với nhau một vài cốc trong khi chờ các cô gái nhảy. Tôi có những nghi ngờ của mình về cuộc chiến. Jerry cũng có sự ngờ vực của anh nhưng anh nói, vì là một trung úy Thủy quân lục chiến trung thành nên anh chấp hành lệnh điều động đi đến bất cứ nơi đâu. Và nay thì anh đang ở tại một bệnh viện ở Việt Nam.
- Xin chờ tôi một lát. - Tôi nói với viên đại tá và đi tới bên cạnh giường Jerry.
- Trời đất, Jerry! Anh làm cái quái gì ở đây thế?
     Jerry cho tôi biết là chỉ mới vài tuần trước đây, tức khoảng đầu tháng 5, anh ở Đông Hà trong đợt hai của cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân. Đông Hà là thị trấn nằm cách thủ phủ Quảng Trị - nơi tôi được phân bổ - chừng 12 km về phía Bắc. Jerry mô tả đó như là một hỏa ngục với quá nhiều kẻ thù và quân đội Mỹ không thể giữ nổi chiến tuyến. Jerry đã nhảy vào một hố bom để tránh đạn nhưng một quả đạn pháo cối đã bám theo và phát nổ. Giờ đây, các bác sĩ vẫn còn tiếp tục gắp những mảnh đạn găm trên lưng anh. Jerry bị tê liệt từ thắt lưng trở xuống và cánh tay cũng cử động khó khăn.
- Nhưng trông anh khá lắm. - Tôi nói.
- Tôi không khá đâu. - Vừa nói anh vừa kéo chiếc chăn lên một chút.
Logged
Midaxudavo
Thành viên
*
Bài viết: 605


« Trả lời #19 vào lúc: 26 Tháng Bảy, 2009, 02:14:07 pm »

Chương 5 (tiếp)

Viên đại tá bước đến và nói rằng đã đến lúc phải đi. Tôi nói cho ông ấy biết là chúng tôi đã làm quen với nhau lúc ở San Francisco. Tôi cũng an ủi Jerry rằng các bác sĩ của quân đội rất giỏi và anh sẽ nhanh chóng hồi phục. Jerry nói có lẽ sau này anh chỉ có thể uống rượu được với tôi thôi, còn việc khiêu vũ thì chắc là không thể nghĩ tới được nữa.
     Cuộc hành trình ngắn từ phi trường về thành phố Huế bằng xe Jeep là một chuyến đi sởn tóc gáy. Tay tài xế nói là phải chạy nhanh để tránh các nòng súng bắn tỉa của Việt Cộng, vốn thường nhắm vào tấn công các xe quân sự Mỹ. Xe phóng xuống Quốc lộ 1 rồi qua con sông Hương tuyệt đẹp. Con sông được đặt tên theo những loài hoa thơm ngát mọc xanh tốt hai bên bờ sông.
     Huế là thành phố văn hiến với hơn 100.000 dân. Ở đây có nhiều kiến trúc truyền thống của Việt Nam, kể cả cung điện, lâu đài, lăng tẩm nguy nga, nhưng nhiều kiến trúc đã bị phá hủy trong chiến tranh. Việt Nam là đất nước có 4.000 năm văn hiến và Huế là một trung tâm văn hóa và học thuật, là cố đô của các hoàng đế phong kiến Việt Nam. Trung tâm của thành phố là Tử Cấm Thành. Qua triều đại của 13 vị vua, Huế trở thành nơi quy tụ những học giả, nghệ sĩ, triết gia và bác sĩ hàng đầu Việt Nam. Trong khi sự chiếm đóng của người Pháp ở Đông Dương từ 1889 đến 1954 bị xem là bóc lột, tàn ác vì đã duy trì tình trạng nghèo đói cho hầu hết dân chúng Việt Nam thì họ vẫn có được một vài động tác nhân đạo nổi bật. Đó là việc xây dựng hai Viện Pasteur đầu tiên bên ngoài Paris ở Việt Nam vào cuối thế kỷ 19.
     Huế cũng là nơi có một bệnh viện đại học lớn, có lẽ là bệnh viện tốt nhất ở Nam Việt Nam. Bệnh viện 1.000 giường do người Pháp xây dựng với mục đích giảm thiểu bệnh tật bằng công tác vệ sinh, huấn luyện kỹ năng chuyên môn cao cho các bác sĩ người Việt để tiến hành một số công trình đáng kể ở Đông Nam Á.
     Tại Huế, tôi gặp nhiều bác sĩ người Mỹ, trong đó có bác sĩ Howard Detwiler, một người bệ vệ, chuyên gia về tai mũi họng và là cố vấn dày dạn kinh nghiệm của tôi trong mấy hôm sau đó. Ông Detwiler tốt bụng đã 65 tuổi và gần nghỉ hưu khi ông rời phòng mạch của mình ở Michigan để tình nguyện đến Việt Nam. Đội ngũ bác sĩ ở Huế còn có thêm ba người khác là bác sĩ X-quang Grant Raitt, bác sĩ nhi khoa Ralf Young và bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Joe Nettles.
     “Đúng là có từ hai đến ba bệnh nhân nằm trên cùng một giường trong cái bệnh viện cả ngàn giường này”, nhiều năm sau này, bác sĩ Nettles viết, “kể cả trong một khu dành cho bệnh nhân bị bệnh phong. Bệnh viện an ninh vào ban ngày nhưng đêm đến thì đạn pháo nổ nhiều lần quanh đó. Chúng tôi được khuyên là hãy ngủ trong khu bệnh nhi và phải mang theo súng M-16 cùng lựu đạn để đề phòng việc Việt Cộng tràn vào lần nữa. Mỗi buổi sáng, những nạn nhân của các cuộc dội bom bằng B-52 trong đêm lại nằm sắp lớp trước cổng bệnh viện. Những vết thương khủng khiếp khó mà mô tả và chắc chắn là rất khó điều trị. Hàng ngày, tôi bận rộn từ sáng đến tối mịt và chỉ nhớ một điều là khi thời tiết trở nên nóng bức sau buổi trưa thì tôi rời bệnh viện, chạy băng qua đường rồi nhảy ào xuống dòng sông Hương. Tôi bơi một hồi thỏa thích cho đến khi thân thể mình chạm vào một dòng nước âm ấm mà tôi biết là dòng nước từ ống cống bệnh viện chảy ra sông.”
     Trong mấy ngày đầu tiên ở Huế, tôi đã nếm mùi những gì sẽ chờ đợi mình ở Quảng Trị. Đó là một kiểu rối loạn tâm thần, mất trí nhất thời mà người đang phải đối phó lúc ấy là bác sĩ Detwiler.
     Tôi bắt gặp bác sĩ Detwiler đang trốn chui trốn nhủi bên dưới một gầm giường. Một binh sĩ Nam Việt Nam giận dữ, tay cầm khẩu M-16 đang đi lùng sục khắp các tòa nhà của bệnh viện để tìm kiếm ông ta. Tay súng này giận dữ hét lên là sẽ bắn chết Detwiler, một bác sĩ già, tốt bụng mà anh ta cho rằng đã giết chết con trai của mình. Số là bác sĩ Detwiler đã tiến hành phẫu thuật vá môi sứt – một dị tật rất phổ biến ở Việt Nam – cho đứa bé trai con của người lính chiến kia. Nhưng thằng bé lại có một cái răng long, có thể rơi ra bất cứ lúc nào. Sau khi vá môi xong và được chuyển xuống phòng hậu phẫu, thằng bé hút bật hơi làm sao để chiếc răng long ra, lọt vào khí quản, khiến cậu bé tử vong vì ngạt thở. Cái chết này một phần là do các y tá đã không chăm sóc cẩn thận. Vị bác sĩ cân nặng gần 110 kg đã thoát chết bằng cách trốn dưới gầm chiếc giường nhỏ trong một phòng bỏ trống của bệnh viện, và rốt cuộc, người lính kia đã bình tĩnh trở lại.
     Ba ngày sau, tôi và bác sĩ Detwiler chạy ra khi trông thấy một binh sĩ Việt Nam nằm gục trên thềm tam cấp bệnh viện. Có một vết nhỏ màu đỏ trên ngực anh ta và máu trào ra ướt đẫm bộ quân phục. Chữ thêu trên quân phục cho biết anh ta là hạ sĩ Bình. Người lính trẻ này xem ra gần chết và bác sĩ Detwiler chú ý đến những tĩnh mạch cổ sưng phồng của anh ta.
- Chúng ta có một ca ép tim do tràn dịch ngoài màng tim.
- Bác sĩ Detwiler nói.
-Đưa ngay anh ta vào phòng phẫu thuật cấp cứu!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM