Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:35:13 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bến đò lặng lẽ xưa  (Đọc 42557 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #10 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2009, 09:14:18 am »

Chương 4

Chiếc xe bốn chỗ ngồi màu đen đã rút ra khỏi đám đông trên sân Nhà văn hoá từ lúc nào không ai để ý. Cả hai người đàn bà danh giá, một trung niên, một đã già, ai ngồi ghế nấy lặng lẽ, khô khan nhìn thẳng ra phía trước. Chiếc xe chạy thật thong thả. Người lái xe cũng trạc tuổi với giám đốc Linh và rất hiểu ý chủ nhân. Anh đã lái chiếc xe này, làm bạn đường với nữ giám đốc giàu có kia gần sáu năm. Không bao giờ anh mở mồm hỏi "xếp" đi đâu, dừng lại ở đâu. Anh cứ lặng lẽ lái. Chủ nhân thường ngồi ghế sau, thỉnh thoảng lại cất tiếng điều chỉnh như một công tắc tự động: rẽ trái, đi thẳng, cứ đi đi, thôi dừng, chờ......
Xe ra khỏi khu vực trung tâm thị xã thì chủ nhân bắt đầu lên tiếng, nhưng lần này không phải nói với lái xe.
- Mạ có về qua chỗ con không?
- Thôi.... cho mạ về nhà......
Người lái hiểu, như vậy là cho xe chạy thẳng theo đường quốc lộ I vào Huế.
- Các ông lãnh đạo tỉnh đã cấp đất cho mạ ở trung tâm thị xã rồi đó. Mạ có ý định ra không?......
Li im lặng. Thực ra ngay từ những ngày đầu chia tách tỉnh, chị đã rất náo nức muốn trở về quê. Nhưng bây giờ thì.......
- Này, có phải chính con ép các chú ký về việc đất đai của mạ không?
Linh bật cười, một kiểu cười sít sao hai hàm răng, kiểu cười mang cốt cách của Lương chứ không phải của Li.
- Ép cái gì, tiêu chuẩn mình, mình nhận.
- Tiêu chuẩn gì nào. Mạ về hưu khi còn tỉnh Bình - Trị - Thiên, cũng đã có nhà trong Huế rồi.......
- Mạ cứ ép xác như thầy tu ấy. Sống thế chỉ có thiệt mình......
- Thiệt cái gì? Tao có thấy thiệt thòi gì đâu.
- Mạ không thấy thiệt nhưng con thấy. Tội đếch gì mà nhường cho người ta ăn hết. Mình không đớp mất phần của họ là được.
Người đàn bà lớn tuổi sa sầm mặt lại. Chị không thể ngờ đứa con gái đã đứng tuổi của chị, lại còn là một giám đốc danh giá nhất tỉnh nữa, mà lại có kiểu nói năng mang đậm chất chợ búa như vậy. Nhưng Li chỉ thở dài. Chị biết, chị đã hết thời dạy dỗ, bảo ban con cái. Ngay từ ngày còn giữ chức vụ quan trọng của tỉnh, cái chức mà bất kỳ một đảng viên nào, một tổ chức Đảng nào trong tỉnh cũng phải nể sợ, thì con Linh vẫn cứ hay cãi nhát gừng như thế với chị. Thực ra chị biết rõ không phải nó hỗn láo hay không tôn trọng chị. Chị có thể nhận ra rất rõ tấm lòng của đứa con nuôi, nó thương chị gấp nhiều lần thương mẹ đẻ. Bây giờ chị nghỉ hưu tại Huế. Đứa con trai duy nhất là Đình lại theo nghề công an hình sự, quanh năm suốt tháng cứ biệt tăm, mất tích. Những lúc trái gió, trở trời, chỉ có mình Linh lo liệu. Chị bị bệnh cao huyết áp. Nhiều khi cơn đau đến đột ngột. Chị lặng im, chịu đựng, không điện báo cho Linh. Nhưng cô y tá nhà ở cạnh lại bí mật điện cho Linh. Có khi gần nửa đêm xe của Linh đỗ xịch trước cửa. Nó chạy ào vào. Chân chưa bước lên sàn nhà, miệng đã sa sả: " nhà sắm điện thoại ra làm gì mà không gọi cho con. Mạ sợ tốn tiền à? ''. Nghe cách nói thiếu lễ độ của con, chị buồn lắm. Nhưng chị cũng đủ minh mẫn để biểu rằng, nó rất lo cho chị.
- Mấy hôm ni thằng Đình có về chỗ con không?
Linh hơi bị giật mình. Cô liếc nhanh qua mẹ rồi xẳng giọng:
- Về làm gì!
- Hừ, chị em mà hỏi hay nhỉ! Ngừng một tí, giọng Li khẽ lại, không biết dạo này.... nó ra sao nữa......
Linh hơi nhếch mép:
- Tuyệt vời. Làm ra cái vụ án mồ mả này, cậu Đình có công đầu đấy....
- Nó vẫn thế. Chi thì chi, nói về công việc hắn luôn tận tuỵ.
- Thì có "ren" của mạ mà......
Li bất chợt nhíu mày. Chỉ câu nói này của Linh là câu khó chịu nhất. Mỗi lần nghe Linh xổ ra cái từ "ren" ấy, chị thật sự buồn. Cái ngày Linh còn thơ dại, còn ngoan ngoãn đáng yêu, chị chưa tiết lộ cho nó biết gốc gác thật của nó. Lúc đó, nó quý thằng Đình đến mức hễ mẹ quát to em một cái là con chị đã rơm rớm nước mắt. Rồi không biết bắt đầu từ lúc nào, Linh bỗng trở nên khó tính. Nó là đứa con gái táo bạo, mạnh mẽ, nhưng hết sức khó bảo...... Không biết bắt đầu từ đâu, nó có cái nhìn đối với mẹ và em khác lạ. Lúc đó Li đoán, chắc nó đã nghe phong phanh lời đồn thổi đâu đó..... Chị thấy, có lẽ đã đến lúc phải nói sự thật......
Đó là những ngày thật sự khủng khiếp đối với gia đình chị. Có một sự rạn nứt âm thầm. Chị linh cảm rất rõ điều đó! Tuy nhiên cái từ "ren" lúc ấy chưa ai nói. Mãi gần đây, trên thế giới đâu đó người ta bàn nhiều đến cái học thuyết zen..... Chị chẳng hiểu nó có ý nghĩa gì. Nhưng thời đại văn minh ác độc thế đây. Chuyện đâu đó trên thế giới cũng có thể nhanh chóng lọt vào tận gốc bếp nhà chị. Cái từ "ren" bắt đầu bục ra từ miệng Linh. Nó là cái gì chị không hiểu. Nhưng chị nhận thấy rất rõ, nó là cái đỉnh cắm phập vào tim chị.
*
Khi Lương đột ngột xuất hiện trước bậc cửa, Li sửng sốt đến mức không kêu lên được thành tiếng. Mừng, rồi kinh ngạc, rồi hốt hoảng lo lắng..... Đó là một đêm đầu mùa hè năm 1952. Kể từ khi Lương dứt áo ra đi theo cha Cựu ra ngoài Phước Sơn, Li tuyệt nhiên không biết một chút gì về tin tức của bạn. Những năm đó, cả vùng đất này cũng như ngoài đó, du kích đánh mạnh. Giặc Pháp cũng càn nhiều. Nói chung, dân tình xao xác, thấp thỏm trong nỗi sợ hãi. Phía trên làng Quách Xá là vùng du kích, nối liền với căn cứ Cây Trai, Cây Trổ. Còn ở Phước Tuyền, vẫn được coi là vùng tạm chiến. Nhưng ban đêm lại thuộc về Việt Minh. Vì vậy, việc Lương xuất hiện vào ban đêm, với nét mặt xanh xao, phờ phạc khiến Li hốt hoảng. Hay Lương đã thành du kích Việt Minh?
Li kéo bạn vào buồng. Nửa người dưới của Lương ướt sũng vì phải lội qua sông Hiếu. Bến lội ấy phía trên Quách Xá. Sao bạn Lương không về trên đó mà lại xuống đây......
Li ném cho bạn bộ áo quần rồi lách người ra ngoài. Cô khẽ đảo mắt nhìn ra ngõ. Không có động tĩnh gì. Li đi nhanh xuống bếp rót cho bạn cốc nước ấm......
Bây giờ thì cả hai đều bình tĩnh. Lương ngã người tựa lên bờ vách của căn buồng, mắt khép hờ ra dáng mệt mỏi. Li sốt ruột muốn hỏi Lương nhiều chuyện, nhưng không biết nên bắt đầu thế nào. Cô ngắm bạn trong ánh đèn dầu. Có cái gì đó đã thật sự biến đổi trên khuôn mặt, dáng người của Lương. Hai hố mặt sâu hơn, u tối hơn, chiếc cổ có vẻ dài ra, lại có vài tia máu màu xanh gợn lên. Bộ ngực có vẻ cộm to hơn. Hơi thở gấp gáp.
Lương mở mắt ra, bắt gặp ánh mắt tò mò của bạn, cô xẳng giọng:
- Nhìn chi? Khác lắm hả?
Li lúng túng:
- Này...... có chuyện chi à?
Lương thở hắt một cái, nhìn chiếu tướng bạn:
- Tao có bầu rồi.......
Li sửng người... Không hiểu sao cô lại gật gật như thể đã đoán ra từ trước. Giọng Lương đột ngột trầm xuống, đôi mắt rơm rớm nước.
- Tao... không thể ở ngoài đó được... Tao không thể để cho họ nhìn thấy cái bụng của tao...Tao cũng không thể về sinh nở trên làng của tao được. Mày phải giúp tao.......
Rồi Lương nằm vật xuống giường, úp mặt lên gối. Cô khóc! Cả tấm thân rung lên. Li như kẻ mất hết trí giác, không còn biết phản ứng thế nào. Cô chỉ còn biết vỗ vỗ lên lưng bạn.......
Cũng may cho họ, vào những năm đó, những làng xã ở nơi giáp ranh giữa đồng bằng và rừng núi này, nói chung là rất bất ổn. Ban ngày lính bảo an lố nhố, ban đêm du kích lùng sục. Các chức sắc của xã, của làng thì lúc nào cũng hốt hoảng. Ban ngày xum xoe với giặc, ban đêm thì xu nịnh lấy lòng Việt mình. Họ chẳng còn hồn vía nào để duy trì kỷ cương phép nước cũng như lệ làng. Vì vậy mà việc Lương xuất hiện với cái bụng chửa, cũng chỉ lao xao dư luận ít ngày rồi chẳng ai còn tâm trạng nào mà thóc mách nữa.
Với lại, Lương vốn là một loại con gái không bình thường. Trước đây cả làng ai cũng biết cô rất thân với cha Cựu. Rồi cô lại bỏ quê đi biệt tăm mất tích hơn hai năm. Nay bỗng dưng xuất hiện, tính khí càng thêm thất thường. Lại còn thêm cái Li nữa, loại con gái không dễ để cho ai bắt nạt. Cũng có vài người tò mò hỏi về Lương. Li trợn mắt, nhăn mũi, nửa ra vẻ bí mất, nửa như thể đe doạ:
- Này, muốn mất đầu hả. Đừng có dại mà hỏi chị ấy, thiệt thân đó.... Cái gì? Cái bụng ấy hả? Trời ơi, của Ngọc Hoàng đó. Rồi cả làng mình sẽ nhờ vào cái bụng ấy đấy....
Không ai hiểu nổi câu ấy ám chỉ điều gì. Nhưng nói chung không ai dám bỡn cợt nữa. Của Ngọc Hoàng nghĩa là gì? Có người đoán Lương đã có được sự che chở của cha Cố, có người lại nghĩ không chừng cô ta có quan hệ với du kích Việt Minh... Thời buổi nhiễu nhương này, không ai biết chắc thế sự ai thắng ai, tốt nhất đừng dại mà dây vào.
Cuối cùng mọi sự hoá ra cũng dễ chịu. Từ cái buổi sáng quyết định trốn khỏi nhà Phúc, Lương lo lắng vô cùng. Xa quê hơn hai năm tưởng đã làm nên ông gì, bà gì, nay lại vác cái bụng trở vào liệu có còn sống nổi với dư luận? Nếu người làng cứ truy bức cái thai thì biết khai thế nào, nói là của một kẻ lang thang bờ bụi hoá ra mình là thứ người gì, nói là của một cán bộ Việt Minh thì lạy Chúa, liệu mấy ông chức sắc trong xã có tha thứ cho không? Suốt một đêm trằn trọc, Lương không sao gỡ rối được cho mình. Nhưng đã đến đường cùng rồi, không thể để chậm thêm được nữa, cái bụng đã bắt đầu căng căng. Ban ngày mang áo thụng đen còn che dấu được. Căng thẳng nhất là giờ đi tắm và lúc ngủ đêm. Mà hình như các Xơ cũng bắt đầu để ý. Nhất là Xơ bề trên. Rồi cả cha Cựu nữa. Lần nhận hàng cuối cùng ấy, cha cứ nhìn soi mói vào cổ Lương...Có cái chi nơi cổ mà nhìn dữ vậy? Cả người Lương cứ run lên. Cái lần nhận hàng cuối cùng ấy, cha Cựu đầy vẻ căng thẳng, cứ dặn đi, dặn lai: con phải thật chú ý, thật khẩn trương, sáng mai phải đưa hàng lên Hồ Xá ngay, nhớ chưa? Khi quay về Dục Đức, Lương đã kịp mò ra bến đò Hói Cụ. Lương tuyệt nhiên không hé răng về chuyện mình có mang, càng tuyệt nhiên không hở hơi về ý định bỏ trốn. Cô chỉ nói lại cho Khảm biết về những lời cha Cựu dặn, vì sau lần nghe Khảm giải thích, dù chưa thật tin lắm nhưng Lương cũng đoán trong gùi hàng mình nhận, hẳn phải có gì quan trọng hơn những gói thuốc lá cuốn.
Sáng hôm sau, Lương lên đến cầu Lèo Heo thì bị hai chiếc đò ập đến kẹp vào. Một tốp ba thanh niên lạ nhảy vào đò cô, giật chiếc gùi rồi biến đi. Không ai làm gì Lương. Nhưng Lương cũng không quay về nhà Phúc nữa....
Bây giờ thì tất cả đã qua, mọi sự diễn ra vượt khỏi sự đo lường của Lương. Nhất là Li. Cứ nghĩ thế nào hắn cũng khinh ghét, chế giễu, hay chưởi rủa không thương tiếc. Thì biết làm sao, đành cúi đầu chịu nhục vậy. Lương từng dự đoán thế, nhưng ngoài nó ra cũng chẳng còn biết nhờ cậy vào ai. Giờ thì mới thấy tình bạn của họ quý giá biết chừng nào. Sau cái giây phút ngỡ ngàng đầu tiên khi mới gặp lại nhau, Li thật sự là chỗ dựa cho cuộc sống của Lương. Hơn cả thế, có vẻ Li rất thích cái bụng phình phình này. Đêm, hai đứa ôm nhau nằm, Li cứ sờ tay suốt đêm lên bụng bạn rồi bất giác lại sờ tay lên bụng mình, phì cười. "Mi cười cái chi? " "Nì, lúc ấy thế nào" "Lúc ấy là lúc nào? ". Li sấp mặt vào phía bạn, tay thuồn vào bên trong áo của Lương, nắn nhẹ lên hai bầu vú đã sưng của bạn, cười rúc rích "Chắc sướng lắm hí" "Đồ quỷ"
Lương co rúm người lại mà cười. Mặt đỏ lựng. Sự kích thích của bàn tay bạn với những câu hỏi thô tục ấy đã gợi lại tất cả những giây phút hoan lạc ngất ngây mà chỉ có mình cô tự biết. Rồi bỗng nhiên cô nhớ đến Khảm. Khuôn mặt, bóng hình, cả giọng nói, cả đôi vòng tay siết chặt nữa. Bất giác có một nỗi niềm nghèn nghẹn chẹn lấy ngực Lương. Nhớ anh vô vàn, mà cũng giận anh sâu thẳm... Giờ này chắc Khảm đang tất tả ngược xuôi tìm Lương. Việc cô bất ngờ mất tích, chắc chắn nhà Phúc sẽ nháo nhác, cả trên nhà dòng hẳn cũng hoang mang. Nhưng mặc kệ. Đối với Lương, mọi thứ đều đã chấm hết. Nhưng mà với anh... Liệu có đoạn tuyệt được không? Liệu anh có ngơ ngác bơ vơ đi tìm trên con đường tỉnh lộ xuyên rừng ấy, có vẩn vơ qua lại bến dò xưa, có thẩn thờ nhìn con sông Hồ Xá vắng lặng chiều mưa để tìm dáng con đò côi cút... Có hay không, Khảm ơi!
*
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #11 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2009, 09:15:08 am »

Chiếc xe con màu đen đỗ lại trước cánh cổng có cây vú sữa choàng kín cành ra cả mặt đường. Linh nhanh hơn mẹ. Cô mở cổng rồi bước thoăn thoắt vào thềm mở khoá cửa. Trong lúc Li uể oải ngồi xuống chiếc ghế gỗ giữa phòng khách, tay nhấc ấm nước lọc chắt vào chiếc cốc thuỷ tinh, thì Linh đã rảo bước khắp gian nhà, dọn mảnh khăn giữa giường, nhặt cái chổi ở góc cửa sổ, cầm một mảnh khăn lau phẩy phẩy bụi trên mặt gương tủ áo quần... Cô vừa làm vừa càu nhàu: " Đã bảo thuê một đứa trẻ nào đó nó giúp việc cho, không chịu... Có ai bắt mạ bỏ lương hưu ra trả đâu mà sợ.... " Li đã quá quen cách nói lầu bầu của nó nên cũng không còn thấy bực mình. Dẫu sao cũng chỉ còn có nó là biết lo cho chị.
Nhoang nhoáng một lúc, Linh đã quay ra:
- Thôi, con phải trở ra. Chiều ni người ta đặt tiệc lớn, không biết chúng nó lo liệu thế nào...
- Ừ, con cứ theo việc của con....
Đó là những câu chào thông dụng của họ. Linh ra xe. Chiếc xe nổ máy và chuyển bánh êm dịu. Li vẫn ngồi lặng thinh trên ghế gỗ. Lòng chị mơ hồ một nỗi nhớ...
Không biết có nên oán Lương trong chuyện biết đẻ mà không biết nuôi không? Giá như ngày đó, Lương không để con Linh lại cho Li rồi bươn chãi trở ra Vĩnh Linh tìm người tình cũ, thì liệu giờ này chị còn có nó không? Rồi giá như cái lần sau đó bốn năm, khi chị mang con vượt tuyến ra đất bắc để trả lại cho mẹ nó, giá như lần đó mà Lương và Khảm nhận lại con, nuôi nấng lấy nó, thì giờ chị còn được nghe nó càu nhàu đầy thương cảm thế không? Hồi đó, chị giận Lương lắm. Chị coi thứ người như Lương là loại người vô hậu, vô lương tâm, lúc nào cũng cương cương lên với danh giá, danh dự mà dứt ruột bỏ rơi con. Đã có lúc chị chưởi thẳng: Đã muốn có danh giá, danh dự sao còn để cho đàn ông đút vào. Danh giá cũng muốn và sung sướng cũng muốn thì là thứ người gì!
Nhưng mà, giá như Lương tốt hơn, dám hy sinh, chịu đựng tổn thất danh tiếng để nhận lại con thì liệu chị có trao Linh cho Lương không? ... Dạo ấy sao mình ngu thế, lại vác con ra tận ngoài kia sông Bến Hải để suýt nữa mất Linh mãi mãi.
Thực ra không phải chị ngu. Lúc đó không thể không vượt tuyến. Chính cái lão già khốn nạn đó đã ép chị phải liều mạng sang sông. Cái thằng cha mặt choắt ấy, sáng nay nhìn nó nhăn nhúm trước mặt Hội đồng xét xử, xoen xoét cái mồm: Tôi vốn là người lương thiện. Nó mà lương thiện thì cả cái xã hội này thành Phật, thành tiên hết. Nếu như được đứng lên nói trước phiên toà, chị sẽ chỉ thẳng vào mặt hắn: Chính ông đã ép tôi, chính ông đã hại cả em ruột ông. Ông Đọt đó, đang đứng cúi gằm sau lưng ông đó. Tôi không biết trong vụ mồ mả này Đọt có bị oan không, còn từ trước tới nay, ông ấy đã quá nhiều oan khuất. Mà tất cả là do lão này, cái lão tự xưng làm anh mà lại bán cả em mình để sống!.... Hắn, cái mặt hắn, cái dáng người, dáng đi của hắn. Kể cả cái giọng nói xoen xoét của hắn, chẳng có cái nét gì giống Đọt cả. Nếu không phải là người làng Phước Tuyền, cam đoan rằng không ai tin hai con người ấy là anh em. Có lẽ, chỉ có một điều duy nhất họ giống nhau, đó là cả hai đều thầm theo đuổi Li, mê mẩn vì Li.
Nhưng Đọt là người thiệt thà, cục cằn, cử chỉ có phần thô tháp. Ưu điểm cơ bản của Đọt là tự biết thân, biết phận, không bao giờ dám nhìn thẳng vào Li. Nhất là sau cái vụ cá cược động trời ấy thì anh càng trốn biệt. Đôi lần ngồi một mình chăn bò ở mép sông, Đọt cố dấu người sau những lùm bụi, đưa mắt tìm kiếm dáng hình của Li trong thấp thoáng xa vời phía bãi ngô xanh mướt, nơi có năm bảy cô gái lom khom làm cỏ ngô. Nếu có lúc nào đó quá táo tợn, không dấu nổi sự thèm muốn của mình thì đêm đến Đọt cũng dám liều mạng lò mò đến bờ rào trước nhà Li, nín thở, chúi rúc như thằng ăn trộm để căng mắt nhìn vào. Vô phúc con chó đánh hơi được, cất tiếng sủa, là Đọt co giò chạy thục mạng....
Còn Rệ thì khác. Hắn có cặp mắt ti hí nhưng sáng quắc, đặc biệt là nụ cười, một kiểu cười lúc nào cũng nhõng nhoẹt. Ở trong làng Phước Tuyền cũng như khắp các làng lân cận, hắn không có bạn. Không có một đứa nào thật sự thân thiết với hắn. Nhưng lạ lùng ở chỗ, lúc nào cần, hắn cũng có thể tập hợp được dăm bảy đứa. Lạ lùng hơn là hầu như đám con trai mấy làng này rất nghe lời hắn, hắn xui bẩy chuyện gì cũng được nhiều đứa hùa theo. Cặp mắt ti hí của hắn rõ ràng chẳng đẹp chút nào, nhưng mỗi lần hắn nhìn Li thì thật đáng sợ. Li là đứa con gái ngang ngạnh, lại thêm có đứa bạn là Lương cũng dữ dằn không kém. Con trai cả vùng này vừa thèm thuồng họ lại vừa ngán ngẩm họ. Không ai dám bỡn cợt. Thế mà Li lại sờ sợ cái ánh mắt của Rệ.
Có vẻ như Rệ đã đoán ra được tâm trạng của Li, anh ta thừa khôn ngoan để không xáp lại quá gần, không dồn người con gái táo tợn này vào thế phải chống trả. Chỉ thỉnh thoảng, hắn ném một cái nhìn chéo mắt, cái nhìn hàm chứa sự đe doạ....
Cho đến khi Lương đi khỏi làng, Li bỗng trở nên cô độc. Đấy là thời điểm thích hợp để Rệ tính toán. Bắt đầu thường bằng những cử chỉ có vẻ vô tình:
- Này o, tôi nhặt được ngoài bãi ngô cái này, có phải của o không?
Hắn chìa ra trước mặt Li chiếc kẹp tóc ba lá bằng thép sáng loáng. Vào thời đó, chiếc kẹp tóc ba lá được coi là sang trọng nhất, hiếm hoi nhất. Cả làng này không một đứa con gái nào sắm nổi. Nhét chiếc kẹp tóc vào tay Li, Rệ quay người giả vờ đi ngay:
- Này này... không phải của tui.... tui làm chi mà sắm nổi kẹp tóc này...
Hắn vừa đi vừa khẽ quay đầu lại, nụ cười tinh quái hé ra trên môi:
- O mà không sắm nổi thì còn ai dám sắm.
 
- Này này, anh nói vậy là nói tui giàu có lắm hí?
Hắn lại toét miệng cười.
- Tui có nói o giàu đâu. Tui nói o đẹp. Cả làng này ngoài o ra, ai dám đặt cái kẹp ấy lên đầu...
Hắn đi thẳng. Còn Li thì đứng đực người. Thú thực cô rất thích chiếc kẹp tóc ba lá. Nhưng cô còn thích hơn cái câu nói nịnh đó. Biết chắc là nói nịnh, cái giọng ấy là giọng tán tỉnh, phỉnh phờ, cả cái kẹp này nữa, làm chi có của nhặt được, chắc chắn hắn đã bỏ tiền ra mua mồi để câu cá... Biết chắc vậy mà vẫn cứ ưa.
Những cuộc gặp gỡ "vô tình" kiểu ấy ngày một nhiều hơn, ngày một dày hơn với rất nhiều lý do khác nhau... Càng ngày Li càng cảm nhận mối hiểm hoạ đến gần... Cũng có lúc cô muốn bứt ra, bỏ chạy. Nhưng bản tính của Li không phải như vậy. Vừa chán ghét, khó chịu, thậm chí có lúc khinh bỉ nữa, nhưng Li lại không thể sống thiếu sự dòm ngó của ai đó vào cơ thể mình. Có dạo không hiểu vì lý do gì, ba bốn ngày liền không nhìn thấy cái mặt dài thuỗn ấy. Li không chịu được, chủ động tìm đến gây sự.
Cả hai anh em nhà Đọt đang cuốc phân chuồng. Đây là một công việc nặng nhọc nhưng không thể trốn tránh được. Đàn bò nhà Đọt hơn mười con, được chăn dắt tốt nhất làng. Chuồng bò cũng to nhất. Nhà người ta phải vài tháng mới lấy phân một lần, nhà Đọt mười lăm ngày là phải đảo. Cây lá đủ loại được vằm nhỏ chất đống ở bên ngoài. Người ở đây gọi thứ ấy là bổi. Sau đó, người ta cuốc và kéo phân ra, đảo lá bổi vào. Rồi phân lại được tấp thành đống, ủ kín lại bằng đất bùn. Có thể nói, nguồn lợi sống của tất cả dân vùng này chính là đống phân bò ấy. Nhà nào khá giả, nhà nào nghèo hèn, cứ nhìn vào đống phân là biết.
- Chà chà, chào hai lực điền… dẫm cứt sướng hí?
Cả hai đang dẫm chân trong chuồng phân, nghe tiếng Li đều giật mình luống cuống. Đọt lúng túng hơn. Cái đầu cứ cúi thấp xuống mặc dầu mùi phân đang xông lên nồng nặc. Còn Rệ thì toét miệng cười. Cái cười của hắn đôi khi thật sự vô nghĩa.
- Cứt nhiều nhỉ. Mùa này hai anh dư dật cái ăn....
Chỉ có loại đàn bà như Li mới dám xổng ra câu đó. Rệ vẫn nham nhở cười, nhưng trong bụng lại rất căm.
- O khen quá lời. Nói thiệt nuôi bò dù gắng đến mấy cũng chẳng bằng nuôi lợn. Mười con bò nhà này chẳng đổi được con lợn nhà o...
- Hả? Tui nuôi lợn hồi nào?
- Ủa... Rệ giả bộ ngạc nhiên nhìn Li chớp chớp mắt. Rứa nhà o không nuôi lợn thiệt à, răng thỉnh thoảng tui lại thấy có con lợn nái trắng hễu nằm vật giữa nhà....
Nói xong câu ấy, hắn tự thưởng cho mình một tràng cười. Hắn cố rặn ra mà cười, nghe ạch ạch như kẻ bị bệnh tiêu chảy.
Phải thừa nhận là thằng anh thông minh hơn thằng em. Chỉ có Rệ mới đủ tinh quái và cũng đủ ác độc để đối khẩu được với Li. Đọt vẫn cúi gầm mặt, thoảng hoặc lắm mới lén lút liếc trộm cô gái. Trong bụng nó rất căm thằng anh, nhưng cũng thầm oán trách Li nữa. Cô ấy đẹp thế, sao mồm mép cũng độc địa vậy....
Những chuyện như vậy đã xưa lắm rồi. Đáng ra tất cả, dù chuyện xấu hay chuyện tốt của cái thời thơ dại ấy giờ đây chỉ là những kỷ niệm. Kỷ niệm để mà nhớ, mà thương lấy nhau, thương một thời.
Nhưng sự đời lại không như thế! Thằng Rệ càng ngày càng quá quắt. Càng ngày Li càng không sao đọc được tâm can của hắn. Ngày Lương trốn khỏi nhà Phúc Phan Xá, mang cái bụng chửa vào ở nhờ nhà Li, thì chính thằng Rệ, với đôi mắt le lé đó đã phát hiện ra cái bụng trước. Nó cứ nhìn chằm chằm vào phần dưới của Lương mà cười. Quá khó chịu, Li phải cau mắt. "Nhìn cái chi, đui con tròng đó!" Nó nháy mắt một cái rồi huýt sáo. Chính nó là đứa thậm thụt tung ra cái tin: Giống ấy là giống du kích đấy! Rệ tưởng bắn tin như vậy thì mấy ông chức sắc của xã sẽ cho bắt ngay Lương. Ai dè, các vị chức sắc lại còn khôn hơn cả nó. Thời thế du kích đang mạnh, các vị đã khéo léo làm thân với Lương. Cái mặt nó nhìn thì tưởng mỏng lại hoá ra dày. Khi đứa con của Lương vừa mới chào đời thì cả vùng này náo động lên vì cuộc chiến Nam Đông. Một trận đại bại của người Pháp. Thanh thế vệ quốc đoàn và du kích nổi lên như cồn. Du kích dám vác súng đi về Phước Tuyền ban ngày. Các vị chức sắc của xã, của thôn co rúm lại, gặp du kích ngã mũ chào, gặp Lương, thậm chí cả Li nữa cũng nhoẽn cười như họ hàng thân thích. Thế là, đột nhiên, Rệ trở thành thanh niên hăng hái nhất thôn, đi đâu cũng bô bô bài vè chiến thắng Nam Đông. Hắn lại thầm thì tiết lộ, rằng đã được vào mặt trận Liên Việt. Tất nhiên cả làng chả ai tin hắn. Không tin nhưng cũng có phần nể sợ....
Sau chiến trận Nam Đông, lại rộ lên cái tin bộ đội địa phương Vĩnh Linh đại thắng một trận lớn ở đồn Mỹ Tá. Tin này đặc biệt đã làm cho Lương xốn xang. Đồn Mỹ Tá ở rất gần nhà Phúc Phan Xá! Rất nhiều đêm Lương không ngủ, vác mặt nhìn ra phương bắc. Li hiểu rất rõ bạn đang nhớ ai. Nhưng lúc này, đứa con của Lương mới hai tháng tuổi.
Những ngày tháng ấy, cuộc sống của cả vùng đất này thật sự chộn rộn, xao xác. Chính cái không khí ấy đã làm phân tâm những tên dê đực như Rệ. Hắn cũng không đủ bình tĩnh để sắp đặt mưu mẹo đối với Li. Mà cũng không dám nữa... Lương và Li nhờ vậy mà không gặp trắc trở gì cho tới giữa năm 1953.
Khi đó, con Linh đã được tám tháng tuổi. Một buổi tối, khi hai người mẹ, Lương và Li cùng ngồi chồm hỗm trên hai góc giường, vẫy tay, đùa nghịch cho bé Linh bò lỗm ngỗm từ mẹ này sang mẹ khác, thì bất ngờ Rệ đến. Hắn xông thẳng từ ngoài ngõ vào sân rồi lên nhà. Rồi hắn vỗ tay hoan hô đứa bé. Cả Lương và Li đều giật mình, vừa ngẩng lên, vừa tỏ vẻ khó chịu. Nhưng hắn làm bộ không thèm để ý. Ngồi lẹ xuống mép giường một cách đầy tự tin, rồi cất giọng với một vẻ bí mật đặc biệt. Hắn đang cố chứng minh là người quan trọng của Liên Việt.
- Có chuyện này tui nói cho hai o biết... Hắn ngừng một tý cho thêm phần bí hiểm - Cha Cựu bị bắt rồi.!
- Cái chi... Cha Cựu làm sao? Lương tròn mắt nhìn hắn.
- Bị bắt, bị xử cùng với hai cha cố người Tây nữa...
- Nhưng ai bắt, ai xử?
- Thì Việt Minh chứ còn ai...
- Xử làm sao? Giết à?
Hắn thở ra một cái nhẹ nhõm như thể chính hắn đã trải qua sự vụ.
- May mà không bị giết...
Lương càng sốt ruột.
- Thì là làm sao?
- Tha. Cho lên thuyền trao vào cho tổng giám mục.
Cả Lương và Li nhìn nhau. Họ tự hỏi có nên tin vào câu chuyện li kỳ ấy không? Li hỏi:
- Nì, anh dám dựng ra cả cái chuyện tày đình như thế hả?
- Cái chi? Tui dựng chuyện? Tui là tui được phép của tổ chức thông báo cho o Lương...
- Tổ chức nào? Li lại vặn.
- Xì, tổ chức nào không liên quan đến o.
- Nhưng mà tui hỏi anh... mắc mớ chi Việt Minh mà lại đi bắt mấy ông cha cố?
Rệ cười khẩy:
- O thì biết cái gì.
Lương tỏ ra điềm đạm hơn:
- Tui hỏi thiệt, anh lấy tin ở đâu?
- Nì, o không được hỏi vậy. Tin của tổ chức. Tui chỉ có trách nhiệm nói lại cho o thôi.
- Thôi được rồi. .Nhưng theo tôi được biết, Việt Minh không đánh vào nhà tu. Hai nữa, đánh vào được khu nhà dòng ấy không phải chuyện dễ.
Rệ gật mạnh đầu một cái, hắn làm ra vẻ cũng đã từng đến Phước Sơn, hiểu rất rõ nơi ấy.
- Đúng thế. Không dễ chút nào. Người ta đã bắt được quả tang hành động phản quốc của cha Cựu. Lão ta đã viết thư cho một quan sáu Pháp yêu cầu đỗ quân lên chiến khu Thuỷ Ba, đội quân trong nhà dòng có sẵn vũ khí đạn dược sẽ tiếp ứng. Bằng chứng rành rành, cấm cãi.
- Nhưng mà làm sao lấy được tin đó? Li đã bị Rệ chinh phục.
- Ồ, đó là một kỳ tích... Nghe nói có một nữ tình báo cài cắm lâu ngày vào trong đó... ui chà, chuyện đó ly kỳ lắm, phải kể hết đêm.
Lương rất muốn phì cười, tuy nhiên cô vẫn làm ra vẻ thờ ơ:
- Thế còn... đánh vào bằng cách nào?
- Quan trọng chính là chỗ đó. Lực lượng chủ yếu chính là dân giáo trong vùng?
- Cái gì? Li nhăn mũi - dân giáo lại nổi dậy chống cha ư?
- Cha cái gì... Lão ta mà đáng mặt làm cha ư?
- Lạy chúa! Anh Rệ nói chi lạ vậy. Lương sa sầm mặt lại.
- Thôi đi, o đừng giả vờ nữa. Tui đoán chuyện này o cũng có thể biết. Cha lòng thòng một lúc với hai cô con gái của một lão nông theo đạo. Rồi một cô có chửa, cố dấu mà không được. Đến khi đẻ, lại xúi cô ta đem con vứt ra sau rú. Dân làm nương bắt gặp... Thế là vỡ chuyện... Đúng là hoạ vô đơn chí...
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #12 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2009, 09:16:13 am »

Li cứ xuýt xoa:
- Trời ơi là trời, có thiệt không đó... ui cha ơi là cha....
Còn Lương thì ngồi lặng. Loại trừ đi những chi tiết màu mè có thể do Rệ bịa ra, nhưng chắc chắn chuyện ấy là có. Hậu quả chắc chắn đã xẩy ra... Có một nỗi đau âm thầm nhói lên trong tim, lại pha lẫn chút căm hận, oán trách, thậm chí hình như có đôi chút hả hê nữa...
Nhưng không. Có lẽ trên tất cả mọi cảm xúc ấy là một nỗi buồn. Nỗi buồn âm u, sâu thẳm...
Không hiểu mục đích của Rệ hôm đó là gì. Có thể chỉ là thứ buôn chuyện kiếm cớ để làm thân với hai người đẹp. Cũng có thể hắn đã ngầm khẳng định Lương là du kích Việt Minh nên dùng chuyện thử người. Hay hắn lại nghi Lương có quan hệ kiểu ấy với cha Cựu?
Mặc kệ thằng mặt choắt ấy. Suốt một tuần sau đó, Lương như kẻ mất hồn. Nỗi buồn xen với nỗi vui, thật khó khăn mà phân xử trong lòng. Rồi bất ngờ, hình bóng Khảm cuộn lên. Trận đại chiến ấy có công của Khảm. Không chừng bây giờ anh ấy đã trở thành chỉ huy. Phải rồi, xong nhiệm vụ hẳn anh sẽ đàng hoàng hiện rõ là một cán bộ, đi đâu cùng được người ta khen ngợi... Anh có còn nhớ đến em không? Trong chiến công ấy, có phải em cũng đã góp phần?
Mười ngày sau, thật bất ngờ, Lương đã ném con lại cho Li, nói là chỉ đi độ vài ba ngày rồi về. Li can gián mãi không được. Thú thật lúc đó, Li không bao giờ dám cá cược rằng một người mẹ như Lương lại dứt tình với con.
*
Li ơi, tao lạy mi, đừng nghĩ cay độc về tao như thế. Con Lương này có thể có trăm ngàn thứ xấu, nhưng tao thề có Chúa, tao đâu đến mức tệ bạc hơn cả thú vật mà dứt ruột bỏ con. Thực lòng hôm đó, tao chỉ định bụng trở lại Vĩnh Sơn để thấy tận mắt những gì xẩy ra. Để làm gì ư, thật sự tao không biết nữa. Nhưng mà, cái nơi đó, dầu sao cũng gắn bó một phần đời của tao, niềm tin, ước mơ, sự cay cực và cả những đam mê không sao cưỡng được. Rồi bất hạnh, tan nát, rồi nhen nhóm tình yêu, lại chơi vơi không bờ không bến... Nơi đó, theo như lời Rệ kể thì rõ ràng đã xẩy một trận động đất, một ngày phán xử cuối cùng như Chúa từng cảnh báo. Sau tất cả mọi điều, tao muốn biết mọi sự sẽ ra sao... Cho nên tao nói tao đi, mi biết tính tao rồi mà, nói đi là đi, làm sao bảo tao đừng đi được. Nhưng tao đi vài bữa rồi sẽ quay lại. tao nói như thế là sẽ như thế. Tao có phải loại súc sinh đâu mà đành đoạn bỏ con...
Nhưng mà Li ơi, cuộc đời này có khi nào chiều theo ý tao đâu. Tao nói vài ngày quay lại nhưng rồi không quay lại được. Trăm sự không phải do tao..... Đúng như tao dự đoán, Khảm lúc này đã là xã đội trưởng. Anh đi lại đàng hoàng, nói năng chững chạc, giọng nói có vẻ to hơn, cố rống lên, không còn khẽ khàng như thuở còn làm vai thầy bói.
Gặp tao, Khảm ngớ người. Mắt anh như khóc. Tao lao sầm đến. Tao là đứa liều mà. Nhưng Khảm lại không phải người liều, Khảm chặn tao lại, khẽ đưa mắt liếc nhanh qua hai bên, rồi rất khẽ, anh nói với tao:
- Lương ơi, anh mừng quá... Nhưng chừ quá bận, chưa nói chuyện được. Chiều ni nghe... Nì, ra lại chỗ bến đò ấy...
Tao như kẻ bước hụt, mặt ngu ra... Tao linh cảm có lẽ trời sẽ sập thêm cú nữa. Nhìn dáng Khảm đi, nhanh như chạy, chiếc xắc cốt đập đập bên hông, tay chỉ bên này, chỉ bên kia, miệng oang oang ban phát mệnh lệnh, tao thầm kêu lên: Ai đó? Là Khảm đó ư?
Chiều đó, cũng vào cái tầm hoàng hôn như lần gặp năm trước, tao lò dò ra lại bến đò xưa, vừa đi vừa thấp thỏm lo sợ. Tao sợ Khảm sẽ tránh mặt không đến. Nếu vậy có lẽ tao chỉ còn biết nhảy xuống sông mà chết vì đau và vì nhục nữa.
Nhưng sự thể đã không đến mức ấy. Khảm đến trước cả tao. Anh đứng đợi bên bến đò với dáng vẻ bất yên như một tên kẻ trộm. Vừa nhìn thấy tao, anh đã vẩy tay làm hiệu hệt như hồi còn hoạt động bí mật. Tao câm lặng theo anh lên đò qua bên kia. Anh nhảy lên trước, cúi đầu đi như chạy trốn. Tao nhẫn nhục theo sau. Khi không còn bóng người nào trên bờ và con đò ngang cũng đã quay mũi, anh vụt lách người biến vào trong ngôi miếu cổ. Tao chạy vào theo. Anh nhoài ra lôi tay tao vào, rồi cuống cuồng ôm lấy tao, hôn hít, cào cấu, sờ soạng. Nhưng Li ơi, tao đã không một chút cảm xúc nào, thậm chí còn thấy nghẹt thở và đau buốt ở ngực. Ngực tao đau vì hai bầu vú đang căng sữa mà lại bị ngực Khảm ép chặt. Tao cố đẩy anh ra, nhưng anh không chịu. Hai vòng tay như hai cọng kìm siết chặt. Rồi trong một phút vô ý, anh quật ngã tao ra sàn nhà. Cả người tao mất hết ý chí... Tao nhắm mắt, câm lặng và buông xuôi. Tự anh ấy làm tất cả các động tác, vần vũ, mây mưa, rồi anh thở dốc như kẻ chết ngạt được vớt lên. Còn tao cứ nằm phơi thân như một xác mắm. Tao không phân biệt được cơn giông tố trên người đã kết thúc lúc nào. Tao không thèm kéo quân lên, không thèm làm bất cứ động tác thu dọn gì hết. Tao phó mặc cho đời.
Rồi thì, sau đó một hồi lâu, cả hai đều bình tĩnh lại. Tao vẫn nằm ngửa và quyết định kể cho anh về đứa con. Sở dĩ tao phải kể chuyện ấy vì phải giải thích những giọt sữa đang tóe ra giữa bộ ngực và cũng là giải thích lý do tao bỏ trốn.
Tao thì nằm, còn anh ấy lại ngồi. Tao không nhìn thẳng vào mắt Khảm nên không nhận biết được cảm xúc thật sự của anh ấy. Khảm vui hay buồn khi biết được mình đã có con? Chỉ thấy mấy ngón tay áp lên bụng tao run run...
- Này... anh có vui không?
- Có chứ... sao lại không.
- Thật chứ?
- Sao lại không...
- Thế... anh có quyết định lấy em không?
Khảm hơi giật mình, nhưng ngay lập tức anh đã trấn tĩnh được.
- Sao lại không...
- Thật chứ...
- Kìa em.. Nhưng mà anh nói đã này. Anh sẽ lấy em. Trời có sập xuống cũng không chia lìa được chúng mình...
- Ôi... Tao sung sướng quá, kéo dặc mạnh cánh tay anh. Khảm đổ nghiêng người lên người tao và hôn nhẹ một cái lên bầu vú.
- Nhưng mà này... từ giờ phút này em phải nghe lời anh. Mọi thứ phải theo sự sắp xếp của anh. Nhớ chưa?
- Nhớ rồi. Nhưng mà sắp xếp cái chi?
Khảm ngồi thẳng dậy. Anh bắt đầu kể cho tao nghe tình hình nhà dòng sau khi cha Cựu bị bắt. Nội tình câu chuyện cũng gần giống như lời Rệ kể. Thằng cha mặt choắt ấy thế mà tài.
- Tội ác phản động, bán nước của cha Cựu là rõ ràng. Hắn cũng đã cúi đầu nhận tội. Một tội ác như vậy nếu là với một tên tề nguỵ khác thì đã bị chặt đầu. Nhưng Việt Minh muốn nhà thờ hiểu rằng cách mạng không phải đánh vào tôn giáo, vì vậy hắn cùng với hai tên cố đạo người Tây khác đều được tha, chỉ bị trục xuất trả lại cho Toà Tổng giám mục. Việt Minh còn cho hẳn một chiếc đò chở họ vô nam. Còn các cha, các thầy khác vẫn ở đó. Việt Minh yêu cầu nhà dòng phải chia lại ruộng đất cho dân đạo trong vùng để họ có điều kiện làm ăn... Nói chung, mọi thứ đang được sắp xếp ổn thoả.
- Tóm lại, riêng với em, anh sắp xếp thế nào nào?...
- À, sáng mai em cần đến gặp một người.
Tao hơi hoảng, hỏi vội:
- Ai?
- Thượng cấp của anh.
- Há... sao em phải gặp thượng cấp? à, là để thưa chuyện về chúng mình phải không?
- Không phải đâu - Khảm có vẻ hơi cuống - Chưa thưa chuyện lúc này được đâu.
- Sao thế?
Khảm khẽ thở nhẹ một cái, đôi lông mày hơi nhíu lại:
- Mọi việc chưa ổn đâu em ạ. Nói là nói vậy, chứ dân đạo vẫn còn bàng hoàng về chuyện động trời mới xẩy ra. Trước mắt bàn dân thiên hạ lúc này, anh với em vẫn thờ hai lý tưởng...
Tao ngồi vọt dậy:
- Em bỏ. Em chẳng còn nuối tiếc gì nữa... Anh không tin em à! Em bỏ đạo từ cái ngày trốn khỏi nhà Phúc ấy kia...
- Anh biết rồi. Anh mà không tin em thì còn ai tin em nữa. Nhưng mà... Liệu dân cả vùng này, chính quyền, du kích có dễ dàng tin như vậy không?
- Thế thì... em gặp ông ấy để làm gì?
Khảm bỗng trở nên hào hứng, rành rọt.
- Chiều nay, anh đã có báo cáo với thượng cấp chuyện của em... Không không, không phải chuyện hai chúng mình nọ kia đâu. Là anh nói thế này. Có một cơ sở quan trọng của tôi trong đội ngũ các Xơ ở nhà Phúc. Cô ấy đã được tôi giác ngộ. Cô ấy tình nguyện hoạt động nội gián cho ta. Chính cô ấy đã báo cho tôi cái tin quan trọng nhất về lá thư của cha Cựu. Chiến công đầu của trận đánh này thực ra thuộc về cô ấy đấy. Thượng cấp mừng quá hỏi dồn: Rứa o ta mô? Anh đáp, sau khi báo tin, cô ta sợ lộ phải bí mạt rút đi khỏi vùng này. Chừ chiến dịch đã thành công, cô ta tìm về gặp tôi. Thượng cấp lập tức ra lệnh: Mời o nớ đến đây ngay...
Ngừng một tý, Khảm hạ giọng kết luận:
- Sáng mai em đến là chuyện mừng. Cách mạng sẽ ghi công em. Chỉ có điều em phải nói giống như anh nói. Đừng nói chuyện sinh nở đẻ đái gì cả.
- Nhưng như thế để làm gi? Em có cần ai khen ngợi ghi công gì đâu.
- Khổ quá! Anh cũng đâu có cần họ khen ngợi. Cái anh cần là cách mạng xác nhận em là người của cách mạng. Anh với em có cùng một lý tưởng... Em có cần chuyện đó không?
Bây giờ thì tao đã hiểu rõ ý đồ của anh ấy. Thực lòng tao rất ghét chuyện này. Nhưng đúng là chỉ còn có cách ấy tao với Khảm mới có thể đàng hoàng ở bên nhau. Tao làm vậy cũng chỉ vì con, mày có hiểu tao không, Li ơi!...
*
Con ơi, sự đời không ai lường nổi một chữ ngờ. Mẹ đã nặng tội với con. Mẹ không mong con tha thứ, chỉ ước ao một điều là con đọc được những dòng này, hiểu thấu cho tình cảnh của mẹ.
Sáng đó, cái ông thượng cấp tiếp mẹ là một con người to cao, phốp pháp, hai bàn tay to bè, hai mắt lồi ra như hai con ốc nhồi, giọng nói oang oang. Về sau mẹ mới biết đó là Huyện đội trưởng.
- Chào o... Chà, o không những can đảm, giỏi dang mà còn xinh đẹp nữa. Tui chưa thấy ai đẹp như o, phải rứa không các đồng chí!.
"Các đồng chí" mà ông vừa hỏi là mấy chàng thanh niên ngồi cạnh, tay cầm những cuốn vở ghi ghi chép chép...
 
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #13 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2009, 09:17:03 am »

 Mẹ thấy ngượng quá, cúi đầu ngồi xuống, không dám nhìn một ai.
Ông lại oang oang hỏi:
- O tên chi?
- Dạ Lương...
- O người ở mô?
- Dạ cháu... dạ em... ở trong Cam Lộ.
- Cam Lộ… Tui ở Cam Lộ hoài mà. O ở thôn mô, làng mô...
- Dạ em ở làng Quách Xá, thôn Quai Mọ.
- Ui chao ui... Làng nớ là làng du kích. Một làng cách mạng có nòi đó. Tui ăn dầm nằm dề ở đó mà. Nì, hỏi thiệt, o con ai đó?
- Dạ... con ông Triết...
Ông thượng cấp sững ra, hai con ốc nhồi chớp chớp, mép miệng nhấp nháy...
- Trời đất ơi... thì ra con ông Triết...
- Chú... à, anh biết ba em ư?
- Ui cha, ông ấy là cơ sở tin cậy của tui mà. Mà này, nghe nói... bác đã...
- Dạ phải. Cả ba, cả mẹ em đều đã mất.
- Khổ ơi là khổ... Kêu lên một tiếng như vậy rồi ông đứng bật dậy,vòng qua chiếc bàn đến bên mẹ. Bàn tay hộ pháp của ông xoa xoa lên tóc mẹ. Lúc đó, thật lòng, mẹ thấy quý ông ta, muốn đổi cách xưng hô bằng chú cho thật phải phép. Nhưng ông đã nhanh hơn mẹ.
- Rứa coi như anh biết rõ em rồi đó. Em là con nhà nòi cách mạng. Phải xứng đáng với gia đình em ạ...
- Dạ...
- Này, rứa ai đưa em vào hoạt động trong nhà Phúc? Mẹ ngớ người. Câu hỏi này quá bất ngờ, mẹ chưa kịp chuẩn bị nên đâm ra lúng túng:
- Dạ cái đó...cái đó thì...
Đột nhiên ông cười xoà:
- Chà, mình hỏi sai nguyên tắc phải không? Nhưng o cứ yên tâm. Trong nớ, ngoài ni là một thôi. Không sợ lộ bí mật đâu.
May quá, chính ông đã vạch đường, mách lối cho mẹ. Mẹ nhanh trí đảo mắt nhìn mấy chàng trợ lý trẻ. Ông thượng cấp biết ý cười xoà.
- Thôi, khỏi phải trả lời câu đó. Dù sao cũng phải giữ nguyên tắc chứ, đúng không nào... Thế này nhé, cái vỏ bọc của em là rất tốt. Em phải tiếp tục...
- Tiếp tục?
- Phải. Nhưng mà trước mắt, huyện cho em đi dự một lớp tập huấn ngắn ngày... Phải học về chủ trương đường lối cách mạng, phải hiểu phương pháp dân vận, địch vận, phải nắm vững thời cơ, giai đoạn từ cầm cự lên phản công... Nói tóm lại, phải học cho biết. Hơn nữa, cũng tranh thủ mà bồi dưỡng chút sức cho thiệt khoẻ. Này, đồng chí Công, dẫn o Lương lên khu tập huấn ngay đi, sáng nay người ta khai mạc rồi đó...
Mẹ cuống lên:
- Nhưng mà thưa anh...
Ông khoát tay.
- Không cần về. Bên ban dân vận họ sẽ tặng o mấy bộ quần áo. Chăn màn thì đã có sẵn ở trên đó... Người ta đã học mất một buổi rồi: Thế nhé. Rồi anh em mình còn gặp nhau nhiều. Ui chao, anh với bác Triết thiệt còn hơn cả ruột thịt...
Nói nhanh, rồi khoát tay nhanh, lại cũng bước đi nhanh. Con ơi, lúc ấy mẹ đứng như chết lặng. Mẹ chỉ muốn oà lên khóc mà không sao khóc được.
Cái lớp học ấy được tổ chức trong một mái lán lợp tranh, nền đào sâu xuống đất chừng 80 phân. Người ta bảo làm như thế để tránh đạn ca-nông, moóc-chê của Pháp. Lớp có ba bốn chục người già có trẻ có. Ai cũng kêu khó. Một là quá ít người biết chữ nên không ghi chép được. Hai là không sao học thuộc lòng được những đoạn dài dòng, trục trắc như: làm cách mệnh thì phải đồng lòng, quân với dân như cá với nước, bầu ơi thương lây bí cùng... Cứ ba ngày, người ta lại kiểm tra một bài. Không một ai trả lời được. Không trả lời được thì chỉ có cười. Thầy cười trò cười. Có lẽ họ đến đây để gặp nhau, để vui vẻ, bô bô chuyện trò là chủ yếu. Chỉ có tập bài hát là mau thuộc. Ai cũng thích hát. Nhất là các cô gái trẻ, ngày tập, đêm hát cả trong mơ.
Có lẽ cả lớp chỉ duy nhất mẹ là thuộc bài. Bài nào mẹ cũng thuộc. Thực tình mẹ chẳng có chút hứng thú gì. Mẹ cũng chẳng hiểu những câu những chữ ấy có ý nghĩa thế nào. Mẹ học thuộc được chỉ vì hai lẽ. Một là cố trả được bài để nhanh chóng thoát ra khỏi đây, trở về với con, với mẹ Li. Hai là, có lẽ tư chất mẹ thông minh, với lại cũng đã quen học thuộc kinh thánh. Kinh thánh khó hiểu hơn nhiều mà mẹ vẫn học thuộc được, huống chi mấy bài này.
Thế rồi mẹ được biểu dương. Rồi cả lớp nhìn mẹ ngưỡng mộ, tấm tắc. Thú thực lúc ấy mẹ cũng thấy có chút tự hào, mặt mẹ cũng vênh vênh lên tí chút. Tuy nhiên, mẹ thề rằng, không vì thế mà mẹ muốn ở lại chiến khu. Cứ trông ngày, trông đêm cho xong lớp để trở về. Mẹ tự sắp xếp một cuộc trốn chạy như ngày trước trốn khỏi nhà Phúc. Hôm nào kết thúc lớp, khi về đến giữa cánh đồng mẹ sẽ không rẽ lên Phước Sơn, mà tắt đường qua chợ huyện, vào cầu Hiền Lương đi thẳng...
Mẹ đã tính toán rất kỹ. Phải nói là khá khôn ngoan. Nhưng con ơi, cha con còn khôn hơn mẹ, kỹ càng hơn mẹ. Mọi lỗi lầm đều ở cha con.
Chiều kết thúc lớp học, mẹ được gọi lên ở phía trên để nghe biểu dương, rồi được khen thưởng thành tích học giỏi. Người ta trao cho mẹ một cái khăn bông và một bánh xà phòng thơm. Hồi đó mà có những thứ ấy là quá sang trọng, phú quý. Tiếng vỗ tay rào rào. mẹ hơi đỏ mặt, quay đầu nhìn xuống mọi người để tỏ lòng biết ơn. Mẹ nhìn hết cả lớp, từ hàng trên xuống hàng dưới cùng, thì trời ơi, mẹ sững cả người. Cha con đã đứng sẵn đó, đang nhìn mẹ mà cười, mà vỗ tay, vỗ to hơn bất kỳ ai trong lớp...
Thế là mẹ không trốn được, phải theo cha về. Đến giữa đồng, trời đã xế chiều, mẹ dừng lại, nhìn cha con, giọng mẹ hơi run nhưng mà cương quyết.
- Này Khảm... Em muốn nói với anh chuyện này...
- Gì thế em...
- Em... không thể theo anh về bên đó được.
Khảm hơi chột dạ:
- Có chuyện gì thế?
- Em... phải về với con.
Cha con tròn mắt nhìn mẹ:
- Em điên à?
Mẹ cũng lồng lên:
- Anh điên thì có. Tại sao anh lại đẩy em vào tình thế này. Anh còn nghĩ đến con không? Tại sao không cho em về với con?
Cha con nhăn mặt, cố nuốt một cái gì đó trong cổ:
- Tại sao anh lại không nghĩ đến con. Tại sao anh lại ngăn cản em về với con. Như thế thì anh là cái giống gì?
- Thế thì hãy để em đi.
- Không được. Em sẽ đi, nhưng phải là dịp khác, không phải hôm nay...
- Dịp khác là dịp nào...
- Anh sẽ bố trí. Hãy tin anh. Anh muốn em đi một cách đàng hoàng, có sự phân công bố trí của tổ chức chứ không phải là kẻ "dinh tề"chạy trốn.
Mẹ quắc mắt lên. Có lẽ lúc đó trông mẹ dữ dằn lắm nên cha con hơi thụt người lại.
- Tôi chẳng cần ai bố trí. Tôi sợ chi ai mà phải chạy trốn. Tổ chức của các anh làm chi được tôi.
- Em không sợ, nhưng anh sợ. Em bỏ đi, anh sẽ ăn nói thế nào với tổ chức đây. Người ta không làm được gì em, nhưng với anh thì họ làm được. Em yên thân em, còn anh thì sẽ bị họ làm thịt. Em cam lòng như thế sao...
Trời ơi, lại còn thế nữa. Mẹ ngồi thụp xuống ngay trên bờ ruộng. Mẹ khóc lâu lắm, nhiều lắm. Mẹ không thể bỏ cha con được, con có hiểu thấu cho mẹ không?
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #14 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2009, 09:17:36 am »

Chương 5

Chao ôi là dương thế! Có một khoảnh đất nhỏ như bàn tay, đường ngang, lối tắt chằng chịt, thế mà đi mãi vẫn cứ lạc nhau. Suốt đời cứ tìm nhau. Thậm chí ngay cả những khi chen chúc nhau dày đặc trên một bãi đất như ở sân phiên toà sáng nay, người ta vẫn chẳng nhận ra nhau. Để rồi vì thế mà thù ghét nhau, oán hận nhau suốt đời...
Có bao nhiêu sự trắc trở trên đường đời, giờ thật tịnh tâm nhớ lại, không sao giải thích được. Cứ như ma xui, quỷ ám. Em nói em nhất quyết phải về với con. Tôi cũng thế. Tôi thề có trời xanh núi thẳm rằng không hề có ý gạt em. Mà gạt để làm gì kia chứ... Nhưng không hiểu sao, cứ chuyện nọ xỏ chuyện kia, hôm nay có lý do này, chờ thêm tuần nữa, tuần sau lại bất ngờ chuyện khác... Lúc đó toàn mặt trận chuẩn bị vào tổng tiến công. Lính tráng bận rộn đã đành. Lực lượng dân vận, binh vận cũng xoay như chong chóng. Mà em lại là một cán bộ quá được tin cậy, quá được đề cao... Nhoáng một cái, người ta đề bạt em làm tổ trưởng một tổ ba người chọc sâu xuống Hồ Xá. Em cũng định xong vụ đó là bay. Nhưng cả một vùng phía bắc huyện (thuộc xã Vĩnh Chấp bây giờ) với một hệ thống lô cốt dày đặc của Pháp, cũng cần kíp phát động quần chúng nổi dậy. Huyện lại cử em làm đội trưởng đội công tác tám người đi ngay. Uy tín em ngày một cao, thành tích em ngày một nhiều, lại thêm hai lần khen thưởng đột xuất: Chính em cũng thấy vui, thấy háo hức. Chị em trong đội bắt đầu gọi em bằng bà đội. Lúc đầu thì ngượng, nhưng rồi lại thấy hay hay... Nỗi nhớ con dịu dần... Niềm vui công tác đẩy lên... Chẳng lẽ tất cả những chuyện đó, đều do lỗi của tôi ư?
Nhoáng một cái, sáu tháng trôi qua. Đã bước vào đầu hè năm 1954. Tin tức ở những đẩu những đâu cứ dội về từng đêm từng ngày. Ta thắng chỗ này, địch thua chỗ nọ, rồi Điện Biên Phủ toàn thắng, hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết... Cả vùng đất heo hút nay cứ như động biển. Bộ đội tràn về, không chỉ mang theo bao nhiêu là súng đạn, mà còn cả những bài hát, điệu múa. Ngày hát, đêm múa, hát múa suốt sáng thâu đêm... Em cũng như tôi, cũng như hàng trăm hàng ngàn người khác quay cuồng trong cơn lốc xoáy đó. Chính ra lúc này, tôi mới là người muốn em ghìm mình lại, nhiều lần gặp em tôi rất muốn nhắc đến con. Nhưng gặp nhau lần nào cũng cập rập vội vã. Mà em thì như kẻ đang say. Rồi đánh đùng một cái, em lại được chọn đi học một đợt về công tác giảm tô, cải cách. Em là cán bộ được lựa chọn để một thời gian nữa quay lại địa bàn làm nhiệm vụ "cắm rễ, xâu chuỗi", nói cho thật dễ hiểu tức là bồi dưỡng cốt cán trong dân để tạo nên lực lượng mà vạch mặt bọn địa chủ, bọn ác bá cường hào...
Lớp học ấy khá dài, gần hết quãng thời gian thông thương hai miền nam - bắc sau ký kết hiệp định. Khi em quay trở lại Vĩnh Sơn chính là lúc khoá tuyến. Khu phi quân sự hình thành. Con đường trở về tìm con của em bị chặt đứt.
Đến lúc này em mới sững cả người, mới thật sự thấy đau khổ. Nỗi nhớ con khô quắt lại trong trái tim em. Cả khuôn mặt vốn lúc nào cũng xinh tươi của em cũng khô đanh lại. Cả bộ ngực, hai bầu vú của em cũng đã khô cạn, lép kẹp từ lúc nào rồi.
Đêm đêm, em âm thầm mò ra bến đò xưa, nhìn qua bên kia Hói Cụ, không phải để gợi nhớ những kỷ niệm ân ái của một cuộc tình, mà để vòng vọng hướng về xa hơn, nơi Quách Xá, Phước Tuyền, nơi có Li và con đang đỏ mắt chờ em.
Tôi tuyệt nhiên không bù đắp được gì cho em, thậm chí còn làm cho em khô héo. Em bắt đầu tránh gặp tôi, và cũng bắt đầu nhen nhóm lòng căm hận đối với tôi. Tôi không thể làm gì được, vì lúc này em không còn là em thuở trước. Em đã là cán bộ cốt cán của chiến dịch giảm tô, cải cách. Công cuộc cải cách ruộng đất ở vùng này có làm chậm hơn ngoài miền Bắc. Nhưng những lực lượng nồng cốt như em đã vào cuộc. Em đã bắt đầu lăn lộn với việc cài cấy cơ sở để chuẩn bị cho những cuộc đấu tố động trời sắp xẩy ra nay mai...
Chính những lúc em và tôi tưởng như hoàn toàn tuyệt vọng thì bất ngờ Li xuất hiện. Thêm một người đàn ông nữa. Là Đọt. Thêm một bé gái ba tuổi cực kỳ xinh đẹp nữa. Đó chính là Linh, đứa con gái bất hạnh của chúng tôi.
*
Có thể kể lại vắn tắt thế này.
Lúc đầu thì hắn - thằng Rệ ấy - cố làm ra vẻ người của Việt Minh. Đó là giai đoàn Lương mới trở vào để sinh con. Vì lúc đó Việt Minh đánh khắp nơi, bọn tề nguỵ, bọn bảo an, cả lính Pháp nữa cứ nhớn nha nhớn nhác, nghe động là bỏ súng chạy. Rồi không hiểu sao hắn trở thành người Việt Minh thật. Thực ra cũng chẳng ai kết nạp hắn vào tổ chức. Nhưng hắn cứ bắng nhắng, lăng quăng như vậy nhiều ngày, nhiều tháng thành ra người làng cứ quen mắt. Quen mắt rồi thành quen ý nghĩ, rằng hắn là cán bộ. Mà kể cũng rất lạ. Hắn không có ai thân thích, tâm đắc, nhưng lại có tướng lôi cuốn nhiều người. Có vẻ như hắn hô hào gì cũng được nhiều người chạy theo.(Hay là hắn được cha truyền lại pháp thuật?). Cái lợi thế đó của hắn lập tức được mấy cán bộ huyện từ trên rừng về lợi dụng. Hắn đương nhiên trở thành cán bộ phong trào rất sôi nổi. Đúng là công việc ấy rất hợp với hắn. Cứ chạy lăng quăng chỗ này, chỗ nọ, hết gặp người này lại đến nhóm kia, bô bô lỗ mồm. Trời sinh ra hắn chỉ làm được có vậy. Chứ những việc lao động thật sự như kiểu vào chuồng bò cuốc phân, hắn coi là một thứ khổ sai. Lúc này đàn bò nhà hắn cũng tan tác rồi. Thằng Đọt em hắn, hắn coi là tồ và đần nhất nhà đã đi làm du kích, vào hẳn trong núi. Thì cứ để nó đi cho khuất mắt, ít nhất là để Li không còn nhìn thấy nó nữa. Là thằng Rệ nghĩ vậy, vì hắn biết đứa em ngu đần cùng mẹ khác cha của hắn dám thậm thụt yêu Li.
Kháng chiến thắng lợi, cả làng cả xã tưng bừng cờ trống, hắn càng bắng nhắng tợn. Nhưng rất đột ngột, rất bất ngờ, hắn xìu hẳn xuống. Lúc đó cả làng còn đang ngất ngây thì không hiểu sao chỉ sau một đêm, người ta thấy hắn phờ phạc như kẻ mất hồn. Rồi đột ngột hắn mất tích. Mãi sau này, người ta biết hắn đã vào thị xã Quảng Trị. Trong đó, hắn có người o, tức là em gái người cha làm nghề thầy cúng của hắn, lấy chồng ở đó. Sự mất tích của hắn cũng có làm cho cả làng xao xác vài ngày. Nhưng sau đó người ta quên hắn luôn. Quên hắn vì tất cả tâm trí dân làng đang phải tập trung vào để hiểu cho được một sự thật đến đờ đẫn cả người. Đó là nội dung của hiệp định Giơ-ne-vơ. Cán bộ chính quyền cách mạng tập họp dân lại vừa đọc vừa giải thích. Câu chữ thì chẳng có chi khó hiểu. Tuy nhiên, người dân vẫn bàng hoàng không sao hiểu được. Nguồn vui như bó đuốc đang cháy phừng phừng bất thần bị nhấn ngập xuống hồ. Tất cả bỗng hững hụt như đang bay ngất ngưởng trên mây xanh bỗng rơi bệt xuống hố sâu. Thế là, ngày mai, ngày kia kìa gì đó, bộ đội cán bộ sẽ kéo hết ra ngoài kia. Đất này, lại giao về cho quân Pháp...
Đó là những ngày buồn nhất trong đời Li. Năm đó, Li hăm ba tuổi. Suốt hăm ba năm trước đó, dù có khi thất bát, đói kém, cả khi cha mẹ qua đời, chưa bao giờ Li buồn đến thế. Những năm Lương trốn đi, Li có buồn, nhưng chỉ là nỗi buồn se lạnh. Đến khi Lương về sinh con rồi đột ngột ném con lại mà biệt tăm mất tích theo người tình, Li sống cực nhọc, gian nan lắm, lại còn hận bạn nữa. Hận đến mức Li cứ tưởng tượng nếu chụp được ả ta (tức là Lương), Li sẽ túm lấy tóc mà nhấn gục xuống đất, và chưởi. Chưởi bao giờ mà cái buồng phổi của cô thoát hết khí tức ra ngoài mới thôi. Đó là những ý nghĩ độc ác nhất xuất hiện trong những đêm cô quạnh, gió mùa đông bắc rên rỉ ngoài hiên nhà, và bé Linh lại nóng mình, sổ mũi....
Tuy vậy, ngay cả những thời điểm đó, cũng không thể sánh được nỗi buồn lúc này. Có cái gì đó thật sự trống rỗng, thật sự tan vỡ trong thể xác của con người luôn hừng hực sức sống như Li. Lần lượt người ta kéo nhau đi. Lúc đầu là bộ đội. Rồi cán bộ huyện, cán bộ xã, cán bộ thôn, cán bộ hội, rồi du kích, rồi cả những thanh niên mới lớn lên chưa vào tổ chức nhưng đã từng cầm mõ gõ vang đường làng trong nhiều đêm cổ động... Tất cả đều được liệt qua phía bên kia, tất cả đều rút đi hết. Bỏ lại một Phước Tuyền xác xơ, côi cút...
- Chỉ có hắn không đi. Hắn lại trở về. Nhưng cứ như có phép thuật của cha truyền lại, hắn - cái thằng Rệ ấy - bỗng trở thành một con người khác.
Hắn bảo, hắn là người của Đảng Cần Lao - Nhân vị... Lúc này, cả xã, cả thôn lại đang hớt hải lập chính quyền mới. Xã trưởng mới. Thôn trưởng mới. Hội đoàn cũng mới. Thật là lạ, cũng chẳng có tổ chức nào chính thức kết nạp hắn. hắn không hề được bổ nhiệm một chức vụ gì. Nhưng lại có vai trò rất rõ rệt. Hắn lại đến chỗ này, chỗ nọ, và lại rất nhiều người nghe theo hắn. Xã trưởng mới cũng lợi dụng hắn. Hắn lại trở thành con chim đầu đàn. Nói chi thì nói, cũng phải thừa nhận hắn thông minh và quá ư nhanh nhẹn. Thì ra hắn nghe thì thào về hiệp định Giơ-ne-vơ, và hắn lập tức hiểu ngay. Trong lúc cả làng chưa kịp hiểu, cả làng đang ngất ngây sung sướng thì hắn đã bỏ làng ra đi. Chính thằng Rệ đã công khai nói cho Li biết điều ấy. Ngay sau khi trở về làng, hắn đến thẳng nhà Li không một chút kiêng dè như dạo trước. Hắn vào đề sắc lạnh như một nhát dao:
- Có chuyện này, tôi phải nói cho o biết.(Y như cách nói hồi trước) Tôi đã gặp được cha Cựu? ...
- Cha Cựu? Người Li bỗng run lên.
- Phải. Cha cũng sắp ra lại Phước Tuyền... Ngừng một tý rồi bỗng nhiên hắn toét miệng cười. Nhưng có chuyện này o phải biết, cha không làm cha nữa...
Li nhíu mày:
- Nghĩa là răng?
- Nghĩa là... Cha làm người thường. Có vẻ như... là tôi cũng đoán ý như cha vậy thôi, có vẻ cha muốn đòi lại con...
Li nhổm bật cả người dậy:
- Anh nói chi rứa? Con của cha ở đâu?
Lại một cái nhéo mắt:
- Tôi đâu có tuờng. Chuyện này chỉ có o với o Lương là biết rõ thôi...
Li hốt hoảng la to lên:
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #15 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2009, 09:18:32 am »

- Này này, đừng có ăn nói hàm hồ... Thuê thêm một thúng vàng nữa con Lương cũng chẳng thèm ngủ với thằng cha ấy đâu, nhớ...
- Vậy thì ngủ với ai? Giọng hắn đột ngột hạ xuống. Ngoài đó, nếu không phải các cha cố thì chỉ có cộng sản. Hay là con cộng sản? O có biết hậu quả của việc thừa nhận có nòi giống cộng sản trong nhà sẽ thế nào không?
Li há tròn mồm, ngắc ngứ một lúc:
- Này này, anh Rệ... Anh là thứ người gì vậy. Chẳng phải cách đây chưa lâu, anh cũng tự xưng mình là người của tổ chức cộng sản đó sao?
- Chà, nếu không che mình trong cái vỏ đó, làm sao tôi nắm được tình hình. Chừ đây, cả làng này, cả xã này, gia đình nào thân cận là tôi nắm chặt trong lòng bàn tay... O cũng nên tự lo, tự liệu đi...
- Đồ... chó chết.
- O ơi là o, đất này là đất nào, chẳng lẽ tôi phải giải thích cho một người khôn ngoan như o hay sao. Ở cái đất này, đố ai sống thật với chính mình được. Này, đến khi cha Cựu ra đây o sẽ thấy. Cha mặc áo Sơ-mi, quần xếp-bo. Nhưng đừng tưởng cha không còn là cha cố. Rồi o sẽ thấy, chỉ cần cha ho một tiếng, các nhà thờ xứ đạo vùng này rung lên hết. Không những thế, mà các xã trưởng, thôn trưởng, đôi khi cả mấy ông trên quận nữa cũng xách quần chạy không kịp đấy...
Hắn bỏ đi. Nhưng những lời hắn nói cứ chụp lên đầu Li, mịt mù, tối tăm, không còn có chỗ nào để lần gỡ lối ra.
Từ hôm đó, Li lúc nào cũng sống trong sự thấp thỏm, lo âu.Giấc ngủ cứ chập chờn như có ma ám. Gió ngoài vườn như thổi mạnh hơn, lá cau xào xạc có vẻ to hơn, giọt nước rơi cuối hè nhà như thể sốt ruột hơn... Rồi bất ngờ, Rệ mang đến cho Li một mảnh giấy viết ngoạch ngoạc, nói là thư tay của cha Cựu. Sống lưng cô ớn lạnh, tay chân nổi da gà. Bốn, năm ngày sau lại thêm lá thư nữa... mười bữa, nửa tháng lại thêm lá nữa... Lá thư đầu thì chỉ có mấy dòng " Em Li ơi, còn nhớ anh chứ. Anh muốn gặp em mà mà chưa thu xếp về được. Anh muốn hỏi thăm một người, chắc là em biết ai rồi đó... Gặp nhau sẽ nói kỹ hơn... ".... Cứ nhấm nha nhấm nhí như thế... Đến mấy lá thư sau, thâm ý rõ hơn " Li à, có chuyện này cần cho em biết, chính anh đã mang phiền toái cho em đó... ở trong này, có nhiều người nghi vấn về vật báu mà em đang giữ... Có lẽ anh phải nghĩ cách không để cho em liên luỵ. Nếu em có ý định gì hay hơn thì cứ trao đổi với Rệ, anh ta là người tin cậy của anh đó... "
Li không tin đó là những dòng viết của cha Cựu. Trước đây, cô chưa từng nhìn thấy nét chữ của cha, cũng chưa đọc một mảnh giấy nào của cha... Tuy nhiên, Li vẫn cứ hình dung cái giọng điệu, cách nói của cha thì chẳng hợp chút nào với những dòng chữ trong cái lá thư này. Không thật tin, nhưng lại bối rối, lại thấp thỏm, lo âu... Những điều mà các lá thư cứ thay nhau thóc mách vạch ra đã làm cho cô thật sự thấy lo lắng. Cô nhận thấy một cách rõ ràng, chắc chắn, là thời buổi đã khác hẳn rồi. Một khoảng tối mịt mù đã ùn ùn ùa đến, sắp trùm kín đời cô...
*
Cả tôi, cả em đều sững sốt bất ngờ. Cả ba người họ đều bị nhúng nước. Li vừa run, vừa tức tưởi khóc, vừa kể: "Cái bến sông đó không phải là bến lội, nó không cạn như bến lội trong quê mình. Bọn tôi chỉ cố đẩy con lên cao cho nó khỏi sặc nước, thế mà nó vẫn ướt... Khốn nạn con tôi..."
Lúc ấy đã gần nửa đêm. Hai cậu du kích vừa lập công "tóm gọn nhóm biệt kích vượt tuyến qua sông Hói Cụ", lúc này vẫn cầm súng đứng ở cửa nhà Uỷ ban xã, họ đang chờ tôi có lời khen ngợi biểu dương. Tôi lấy túi thuốc rê chìa ra mời họ rồi gật đầu:
- Tốt rồi. Các đồng chí về nghỉ đi.
- Nhưng mà... báo cáo xã đội trưởng...
- Mình biết rồi, mình sẽ chịu trách nhiệm.
Cả hai lặng lẽ đi ra ngoài. Từ khi họ dẫn bọn Li vào, báo cáo rằng "cái mụ này" đòi gặp một người tên là Lương, tôi đoán ra ngay. Và tôi cũng choáng váng khi thấy "cái mụ ấy" dắt bên cạnh một bé gái chừng ba tuổi. Tim tôi thắt lại. Tôi luống cuống bảo cậu du kích chạy gấp tìm em. Em chạy đến, không cần ngắm nhìn, không có chào hỏi, không thèm để ý tới ai, đổ sập xuống ôm lấy Li, ôm choàng cả con nữa rồi tru tréo lên khóc như có người chết trong nhà...
Bé Linh sợ sệt và ướt lạnh nên nép sát vào mẹ Li. Cả ba vày vò lấy nhau thành một đống, tức tưởi khóc. Chỉ còn lại hai gã đàn ông, ngồi ở hai góc khác nhau, câm lặng như hai chiếc bóng. Lúc đó, tôi chưa biết Đọt. Trong rất nhiều câu chuyện của em kế cho tôi nghe về vùng quê trong đó, chưa khi nào có hình bóng con người này.
Cái bóng đen kia, sau một lúc khá lâu mới khe khẽ đứng dậy, nặng nhọc lê gót đến gần tôi.
- Anh có thuốc không, cho tôi một điếu... Thuốc tôi ướt hết rồi.
Tôi moi túi thuốc rê chìa cho anh ta. Và tôi cố căng mắt nhìn. Ngọn đèn dầu đặt ở phía cuối mặt bàn không hắt đủ sáng lên khuôn mặt anh ta. Tôi chỉ kịp cảm nhận, anh là một người chất phác thật thà.
Li bất ngờ ngẩng dậy, xoay người qua phía chúng tôi.
- Anh ấy tên là Đọt. Anh ấy là du kích, được lệnh ra ngoài này hẳn hoi. Có giấy tờ đó...
Rồi Li nhìn đăm đăm vào tôi, hỏi em:
- Anh ni là...? Có phải...
- À... à... đây là Khảm, xã đội trưởng.
- Thế còn... ai là...
Tôi đã đọc được ý hỏi của Li. Cứ tưởng em sẽ reo lên để khoe ngay với bạn. Nhưng thật bất ngờ, em đứng dậy, đồng thời dìu cả Li cùng đứng lên:
- Thôi nào, về chỗ mình đi... Cả hai mẹ con, cả đồng chí này nữa. Mình thu xếp được... Rồi Lương quay qua tôi, giọng tỉnh khô - Đồng chí xã đội cho phép chứ!
Tôi đờ dẫn cả người. Mồm chưa kịp cử động thì em đã kéo cả tốp lùi lũi đi luôn. Sao vậy em? Sao em không giới thiệu anh là cha của đứa trẻ. Sao em không cho anh được ôm con? Chẳng lẽ em căm hận anh đến mức đó ư... Tôi cay đắng gục mặt lên đầu gối. Một cảm giác xót xa ứa đầy lên... Lần đầu tiên trong đời một thằng đàn ông, một cán bộ cách mạng, tôi khóc. Rồi tôi bật người dậy. Không thể được. Dầu sao tôi cũng là một chiến binh. Tôi không cam tâm. Tôi vùng người chạy đuổi theo họ.
Cửa phòng ở của em đã khép. Bé Linh đã nằm co quắp trên giường, ngủ say như chết. Một mảnh chiếu trải xuống góc phòng. Đọt nằm ở đó, có lẽ đã ngủ, hoặc giả vờ ngủ. Còn Li và em thì cùng ngồi sấp mặt vào nhau, hai mái đầu cùng cúi gục chạm sát nhau. Hai bờ vai cùng rung rinh, có lẽ cả hai vẫn còn thút thít khóc... Tôi se sẽ ép sát người vào phên cửa.
- Mi độc ác lắm Lương ơi...
- Ừ... tao ác... Không có ai ác nghiệt hơn tao...
- Câm mồm đi, đồ giẻ rách...
- Ừ, tao thật sự là đống giẻ rách...
- Khốn nạn...
- Đúng, khốn nạn, tao thiệt khốn nạn.
Đầu vẫn cúi, vẫn sụt sịt, nhưng tay Li vẫn vòng ra đấm đấm vào gáy em, mỗi đấm là một nhịp cho một lời chưởi rủa " chó chết này, ác độc này..." Rồi cánh tay đang đấm thụi ấy ôm ghì lấy cổ Lương. Cả hai đều oà lên tru tréo khóc.
Tôi không nỡ, và cũng không đủ can đảm để bước vào. Tôi cố dướn mắt nhìn con. Nhưng phòng tối quá, con lại đang giấc say. Tôi đành nuốt nước mắt, câm lặng rời khỏi hiên nhà...
Gần như suốt đêm tôi không chợp mắt được. Cổ khô đắng. Người cứ lao lư như say sóng. Thế rồi tôi thiếp đi lúc nào không rõ. Đến khi choàng tỉnh dậy, em đã ngồi ngay cạnh trên mép giường tôi. Tôi ngơ ngác nhìn em. Đôi mắt em sâu hoắm lại.
- Anh... em cần nói với anh chuyện này...
- Đúng đúng... Em nói ngay đi, vì sao? ...Tôi nhổm vội người dậy. Nhưng em đã ấn nhẹ tôi xuống giường.
- Chúng mình... chưa thể nhận con được anh ạ?
- Tại sao? Tại sao không cho anh nhận con?
Giọng em hơi run nhưng rất khô lạnh:
- Không phải vì anh, mà vì em...
- Nghĩa là thế nào?
Em cố thở ra một hơi cho đễ nói:
- Anh biết rồi mà, hiện giờ em là Đội phó đội công tác đặc biệt...
Tôi cố gào lên:
- Thì đó là việc của em. Còn anh, anh vẫn chỉ là thằng xã đội trưởng..
Em cau mày:
- Anh nói chi lạ thế? Sao lại là thằng xã đội trưởng. Một uỷ viên Thường vụ Đảng uỷ xã kia mà... Còn em, anh biết rồi mà, đội cái cách là thế nào lúc này, anh phải hiểu hơn người khác chứ...
Tôi nhăn nhó:
- Biết rồi. Thì em cứ việc em, anh không ép. Nhưng anh thì khác. Việc nhận con không ảnh hưởng chính trị gì lắm đối với anh đâu.
- Hay nhỉ?
- Chứ sao nữa.
- Vậy, anh lấy ai mà có con? Hay là lấy cô ấy, cô Li ấy... Anh sẽ báo cáo thế nào với tổ chức?
Tôi ngớ cả người... ừ nhỉ. Nếu em không nhận con thì... tôi phải làm chồng Li ư?
Em lại thở dài, giọng đã nhẹ lại:
- Em biết anh thương con lắm, muốn nhận con ngay lúc này. Anh tưởng em không muốn thế ư. Em là đàn bà, em còn muốn gấp trăm lần anh ấy chứ... Nhưng anh có nghĩ thấu mọi lẽ không. Còn em, em nghĩ suốt cả một đêm qua. Anh đừng cho rằng em tiếc nuối cái chức vụ công tác lúc này lắm. Có thứ chức sắc nào mà sánh được với con... Từ lâu... phải nói là ngay từ đầu, em đã muốn vứt bỏ tất cả để về với con rổi... Nhưng bây giờ, đâm lao phải theo lao. Nếu bây giờ em nhận con, anh nhận con, thì anh thử tưởng tượng coi, tổ chức sẽ coi cả hai chúng ta là thứ gì? Là những phần tử thoái hoá, khai man quan hệ để chui luồn vào tổ chức. Anh sẽ chịu tội dối lừa Đảng để đưa em lọt vào... Anh cũng biết cả huyện mình sắp phát động cải cách rồi, những cuộc truy tìm địa chủ, phản động, sẽ diễn ra vô cùng khốc liệt. Thượng cấp đã giao chỉ tiêu cho xã mình phải tìm cho ra mười phần trăm địa chủ phản động, em cũng đang đau đầu việc này đây. Anh có muốn nằm trong số mười phần trăm ấy không?
Tôi ngồi chết lặng trên giường. Giọng em cứ sắc lạnh, rành rọt, cặn kẽ từng tính toán nghĩ suy. Em đã không còn là em. Tôi cũng chẳng còn là tôi nữa... Tất cả chúng mình chẳng còn giống chúng mình năm xưa...
Có lẽ phải đến một lúc rất lâu, tôi mới mở được miệng:
- Thôi thì... tuỳ em lo liệu... thu xếp.
Em lại vằn mắt lên:
- Không thể được. Việc này phải do anh...
- Há... sao lại phải là anh?
- Chẳng lẽ anh không hiểu ư. Em đã nặng tội với con, đã quá tệ bạc với con Li... Giờ nó ra đây, nó nguyền rủa em, nhưng thực ra trong bụng nó vẫn còn thương em lắm. Nếu không thương, tội chi mà nó lại trao đứa con yêu quý đó lại cho một người không xứng đáng như em. Nó ngu chi mà làm vậy. Trong lòng nó, bé Linh thật sự là con nó rồi. Bé Linh cũng đã coi Li là mẹ, nó quên em rồi. Vậy thì, nếu anh là nó, anh có ngu mà mang con cho lại người khác không? Chẳng qua nó thương em... Nó thương em nên mới cắt ruột, cắt lòng mà mang con ra cho em. Nếu lúc này em từ chối, thì nó sẽ ghê tởm em thật sự, khinh bạc em đời đời. Em sẽ vĩnh viễn mất con. Vĩnh viễn mất cả Li nữa...
Trời ơi, sao tôi vẫn không nghĩ thấu đáo điều đó nhỉ. Rõ ràng tôi không thể biết tính toán mọi nhẽ đời như em.
- Vì thế, chỉ có anh, ngay chừ đến gặp Li giúp em...
- Anh sẽ nói thế nào?
- Thì đấy... nói tất cả những lời mà em vừa nói với anh lúc nãy. Anh cố giải thích cho Li hiểu cải cách ruộng đất là gì, đấu tranh giai cấp là gì... Có thể Li không hiểu được, nhưng cậu Đọt sẽ hiểu. Vì cậu ấy là du kích thật. Cậu ấy là người tốt. Cậu ấy thầm yêu Li từ nhiều năm trước nhưng không dám thổ lộ. Mặc dù đã thoát li ra ngoài rừng, nhưng Đọt vẫn âm thầm theo dõi Li. Lần này biết Li bị o ép, sắp bị khủng bố, có thể buộc phải nhận lời lấy một thằng mất dạy nên Đọt liều mạng đột nhập về làng kéo Li trốn...

*

Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #16 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2009, 09:18:56 am »

Tôi đã "diễn" đúng như cái "kịch bản" mà em sắp đặt. Tôi vừa thì thào trao đổi, vừa thầm tự nhủ trong lòng. Tội nghiệp cho Li. Bạn thực thà quá. Bạn đơn giản quá. Làm sao mà có một người thực thà, đơn giản như bạn lại trở thành bạn tâm giao chí cốt với một người sắc sảo tinh khôn như em....
Nhưng tôi đã nhầm. Và cả em nữa. Chính em cũng đã đánh giá quá thấp bạn em. Cuộc sống ngần ấy năm trôi qua với bao nhiêu thăng trầm, dâu bể, em khôn ngoan lên mười phần thì Li cũng đã tĩnh người ra nhiều lắm, như người đời vẫn nói kẻ tám lạng người nửa cân.
Lúc đầu đúng là Li hơi sửng sốt. Đôi mắt cô mở tròn, cứ nhìn tôi trân trân không chớp, như thể trước mắt cô là một con vật lạ. Rồi ánh mắt ấy sầm lại, đôi mi khẽ khép xuống. Có một tiếng thở dài rất nhẹ như một sự kìm hãm. Li gật gật đầu hai cái và lặng lẽ bước đi. Bé Linh vẫn nắm chặt tay mẹ Li, bám sát gót như sợ bị lạc. Mấy ngày liền Li không nói gì... Cả tôi và em, lúc đầu thì mừng vì thấy mọi việc đã diễn ra như ý muốn. Nhưng sau đó lại hoang mang. Chúng tôi không sao đọc ra được ý nghĩ của Li... Có lẽ chỉ có cái anh chàng thấp lùn, thô tháp kia là hiểu được. Chỉ có Đọt là kiên trì bám theo Li, nhẫn nại đến cơ cực.
Em bố trí cho Li và con ở nhờ trong nhà một bà cụ độc thân, vừa mờ mắt lại vừa nặng tai. Cũng có nhà trên, nhà dưới, nhưng cả hai đều bé tẹo và lụp xụp như hai cái chòi canh thú trên rẫy. Bà cụ ngủ nhà trên với một chiếc chõng tre ọp ẹp. Còn mẹ con Li nằm dưới nhà bếp, trên một chiếc giường gỗ do chính em mượn của đội công tác đưa về. Nhà này chỉ cách khu của nhà đội công tác đặc biệt một nương sắn. Có lẽ em muốn được nhìn thấy con nhiều hơn nên đã thu xếp vậy.
Đọt đã được giới thiệu lên với huyện đội, anh được tiếp nhận và cũng được bố trí tập huấn một lớp ngắn ngày. Còn Li thì đích thân Lương dẫn lên gặp ông huyện đội trưởng. Sau khi nghe Lương kể sơ bộ về Li, ông đã la to lên: "Ui chao, thì ra con đồng chí Huỳnh ở Phước Tuyền ư? Chà chà, đồng chí Huỳnh với anh Thiệt còn hơn anh em ruột... Ừ, gia đình các em đều là nòi giống của cách mạng mà... " Rồi chỉ sau có mười ngày, Li đã được vào đội công tác đặc biệt. Lương cố đề đạt để Li về cùng đội với mình. Xa nhau quá lâu rồi, chừ phải cùng sống bên nhau cho thoả chí. Là Lương nói vậy, nhưng không ngờ Li lại trực tiếp đề xuất với huyện xin qua đội ba, phụ trách địa bàn Vĩnh Thuỷ. Ít ngày sau, Đọt đã trở thành chiến sĩ trong lực lượng dân quân đặc biệt, lực lượng này được hình thành để sẵn sàng bảo vệ các đội công tác đặc biệt giảm tô, cải cách, truy lùng, trấn áp bọn địa chủ, phản động. Và đích thân Li xin cho Đọt về phối hợp địa bàn với cô...
Mọi việc diễn ra nhanh chóng quá khiến tôi không sao ngờ tới được. Tôi chỉ mơ hồ cảm nhận rằng, có một cái gì đó rất không bình thường đang diễn ra với tốp người này, với em, Li, và cả Đọt nữa... Nhưng tình hình lúc đó, tôi chẳng làm gì được. Thời buổi đó, vị trí của những đội công tác giảm tô, cải cách là đặc biệt quan trọng, cái loại uỷ ban, xã đội như tôi dưới con mắt của các "bà đội" "ông đội" kia chẳng là gì cả. Ngay cả đến thường vụ Đảng uỷ xã cũng bị lu mờ. Người ta có thể "sờ gáy" chúng tôi bất cứ lúc nào... Chúng tôi tự lo thân mình còn chưa đảm bảo, đâu dám nghĩ ngợi những chuyện cao xa hơn.
Người làm cho tôi hoang mang nhất, nghi ngờ nhất chính là Li, cô bạn mà theo lời em kể lâu nay là rất thẳng bụng, rất vô tư, và còn "thèm thuồng đàn ông như mèo thèm mỡ". Nhưng lúc này, trước mắt tôi Li hiện lên khác hẳn. Sau cái buổi sáng tôi thì thào với cô ấy câu chuyện "đặc biệt" vì sao Lương chưa thể nhận con, mong bạn gắng chịu đựng cho một thời gian ngắn nữa, còn Lương và tôi sẽ làm hết sức để bù đắp cho bạn, tạo điều kiện tốt nhất cho bạn phấn đấu... vân vân... thì Li đột ngột trở nên câm lặng. Cô không hề tru tréo, chưởi bới như tôi và Lương đã dự tính. Chỉ có đôi mắt, thỉnh thoảng cứ nhìn như găm vào Lương, thoảng hoặc lại chém một cái nhìn lạnh lẽo qua tôi... Dù cố hết sức nhưng cả tôi và em đều không sao đọc được suy nghĩ của cô bạn ấy. Tôi bối rối, còn em thì hoang mang, có lẫn chút hoảng sợ nữa. Hay là nó toan tính tố cáo tụi mình. Em thầm thì với tôi như thế. Tôi thở dài. Chẳng lẽ đến mức đó sao? Em bảo, lạ nhất là kiểu cười của nó, anh có để ý không? Hồi trước nó cười hở toang hoác cả răng lợi, nhắm tít cả mắt. Còn chừ, anh coi, nó chỉ khẽ nhếch mép, mỗi lần bắt buộc phải cười, hai khoé miệng nó chỉ hơi kéo dài ra một chút, tuyệt nhiên không hở tí răng nào. Nó luyện kiểu cười này từ khi nào thế?
Cho đến một buổi sáng, y như cách nói của em là buổi sáng trời sập. Li lặng lẽ tìm đến đội công tác của em, chìa ra trước mắt một tờ giấy viết tay.
- Cái chi thế này, Li?.
- Mi đọc đi... giọng của Li lạnh lùng.
Em lướt nhanh mắt lên trang giấy rồi kêu như bị mất của:
- Ôi chao ôi, mi... mi điên à?
- Mi phải viết chứng thực cho tao.
- Tao chứng thực cho mi?. ha ha... mi đã lấy Đọt từ ba năm trước, đã có con, nhưng vì đang hoạt động bí mật nên không cưới hỏi được. Cái chi nữa đây, lại là tổ chức yêu cầu chịu đựng, phấn đấu, khi nào có điều kiện hoà bình sẽ tổ chức đàng hoàng...
Cái giọng lành lạnh của Li vẫn không thay đổi:
- Thì sự thật thế nào mi phải chứng thực như thế thôi.
- Cái gì, thật sự? Sự thật thế này à?
Em cố dướn lông mày lên với vẻ chế diễu cốt để Li ngượng ngùng và thôi cái trò bịp bợm ấy đi. Nhưng đôi lông mày của Li lại bất ngờ dướn cao lên. Hai tròng mắt Li mở tròn xoe, có thể nhìn rõ vài tia máu hồng vằn lên bên trong con người. Ánh mắt dữ dằn đến mức làm em rụt cả người lại.
- Này... sự thật không phải thế này thì mày bảo phải thế nào, hãy mách bảo cho tao đi. Nếu bé Linh không phải con tao thì khai con ai bây giờ?
Em điếng cả người. Lời nói ấy của Li vừa là một lời chì chiết, trách móc, lại có hàm ý đe doạ...
- Nào, có chịu chứng thực giúp tao không? Mày không giúp là tao bị kiểm điểm đó… Tội nghiệp tao mà, Lương!
Tay em run run đỡ lấy tờ giấy. Rồi em tỳ lên mặt bàn. Nét bút chạy xiêu vẹo. Em trả lại tờ xác nhận cho bạn, giọng nghẹn tắc:
- Nì... nhưng cái này... chỉ làm giả đò thôi chứ?
Lại có một cái nhếch mép, sau đó là một tiếng thở dài:
- Mi đã mất trinh. Còn tao thì mất tiết. Nhưng cuối cùng, cái chi mi cũng được. Còn tao... có khi nào mi nghĩ tao sẽ có cái gì không...
- Kìa Li...
- Cho nên, tao quyết định, tao phải phấn đấu hơn mi. Trước hết tao hơn mi một ông chồng và một đứa con... Còn lại, để xem thời thế đã...
Cả hai người bạn đã ra đến cuối ngõ. Nhưng em không thể nào bước tiếp được nữa. Li quay lại nhìn em, lại khẽ nhếch mép cười nhưng lần này nụ cười có vẻ tươi hơn một chút:
- Thôi, thế này cũng tạm ổn rồi. Mi giúp tao, tao lại giúp mi, rứa mới là tình bạn, phải không... Tao sẽ mời mi với cả anh Khảm nữa đến dự cưới. Nếu hai bạn thuận tình thì làm phù dâu, phù rể cho mình, mà nếu thấy không tiện thì thôi, anh em trong đội công tác sẽ lo...
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #17 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2009, 09:19:15 am »

- Này Li...
- Nghĩ tới, nghĩ lui, lại thấy rằng cũng ít ai yêu mình, tận tuỵ với mình như Đọt... Mình có còn trẻ mỏ gì nữa đâu mà kén chọn. Đã hăm bốn, hăm lăm rồi chứ có còn ít đâu. Cậu tuy thế nhưng cũng được nếm của ngon vật lạ chán chê rồi, tao đã được biết chút mùi mè gì đâu, thèm chết khô đi được...
Nói rồi Li cười khùng khục. Cũng cách nói tục tĩu ấy, cũng kiểu cười đỏ tấy gò má ấy, nhưng Li đã không còn là Li nữa. Một nỗi niềm chua xót ứa lên trong lồng ngực em...
*
Em chủ động bàn với tôi, dù cay đắng thế nào thì cũng nên tình nguyện làm chân phù dâu, phù rể. Em nói, với sự có mặt của hai đứa chúng mình sẽ làm tăng thêm độ tin cậy cho những lời chứng thực trong giấy. Tôi miễn cưỡng phải nghe theo.
Đám cưới tổ chức rất oai phong nhưng cũng rất lộn xộn. Nói là phù dâu, phù rể nhưng tôi và em cũng chẳng làm gì, chỉ đứng bên cạnh Li và Đọt, nắm tay họ thành hàng ngang như hát tốp ca. Oai phong nhất chính là ông chủ hôn, huyện đội trưởng có cái giọng oang oang phè phè như chum vỡ. Ông nói một thôi, một hồi về nhiệm vụ cách mạng, về âm mưu Mỹ Diệm, về đấu tranh giai cấp, về quan điểm lập trường. Ông vung mạnh tay, nói như quát. "Các đồng chí, ta đang sống ở mảnh đất này, là chiến tuyến, là nơi đối đầu khóc liệt nhất. Bên kia Mỹ Diệm đang biến cuộc sống thành sắt, bên ni ta phải thành thép. Bên nớ hắn cứng thành đá, bên ni ta phải như kim cương, rõ cả chưa nào......". Rồi ông hô to như một mệnh lệnh chiến đấu: Vui duyên mới không quên nhiệm vụ, rõ chưa!
Thế là xong. Tiếp đó là múa hát và ăn kẹo. Kẹo mè bày trên mấy chiếc bàn gỗ. Bé Linh cúi đầu ăn không thèm để ý đến ai. Lợi dụng giây phút đó, em và tôi ngồi xuống bên con, bóc kẹo mè cho con. Nhưng bé Linh có vẻ sợ chúng tôi. Nó không cho ai chạm đến nó...
Cả cái phòng của đội công tác nhốn nháo lên với những điệu hát múa. Có vài cặp, một nam một nữ khoèo tay nhau, nhún nhảy điệu múa du nhập từ Liên Xô về. "Bước đi dân U-cờ-ren... tưng bừng reo hát". Một tốp con trai khác lại cầm tay nhau lộn vòng theo kiểu múa sạp với lời hát ca ngợi đội cải cách ruộng đất: "Đội về đội dẫn đường, xồn xồn xồn đô rê......" ở góc nhà đầu kia, có tốp nam nữ thanh niên cốt cán trong xóm đến dự, họ đang nắm tay nhau thành vòng tròn, múa bài: " Hoà bình tưng bừng từ Liên Xô về Trung Hoa, toàn dân ta ca vang hữu nghị......"
Mạnh ai nấy hát, mạnh ai nấy múa, chẳng ai thèm nghe ai. Còn em, đã lẳng lặng rời hôn trường từ lúc nào. Không còn có em, tôi cũng âm thầm lặn luôn.
Đầu óc tôi trống rỗng và mơ hồ. Tôi không nhận ra được một điều gì thật rạch ròi, cụ thể. Và tôi thấy mệt mỏi. Thôi thì kệ, cứ để cho mọi việc trôi đi, như bọt nước trên sông, lúc nào đó, nó tan, nó dạt hay nó xuôi về đâu cũng mặc.
Nhưng em thì khác. Với bản tính không chịu lùi trước bất cứ chuyện gì, em cứ tự làm khổ tâm can, suốt buổi chiều như kẻ tâm thần bất định, ngồi chỗ nọ, lại nhổm lên đi tới chỗ kia. Rồi em tìm ra bờ sông Sa Lung, cắm mình xuống dưới gốc tre hóp, đờ đẫn nhìn con nước. Không ai tìm thấy em. Em ngồi vậy cho qua cả buổi hoàng hôn. Đêm buông xuống, em vẫn không rời bờ nước. Rồi bất ngờ em quyết định. Em đứng bật lên, xăm xăm đi thẳng về nhà ở của Li. Phải lật cỗ bài, phải hỏi thẳng mực tàu dù có đau lòng gỗ.....
Em xăm xăm bước, nửa như đi, nửa như chạy. Em vào ngõ, vào sân, rồi bước lên thềm. Bỗng em khịu chân lại. Cửa đóng. Nhưng phên nhà thì hở. Và bên trong đèn thắp sáng trưng. Chỉ có một mảnh vải hoa dăng ngang. Hai thân người đang quần nhau, bóng của họ lờ mờ hiện ra bên trong nhờ ngọn đèn đốt to hết cỡ......
Quá khứ chợt cuộn về. Cái đêm em đánh liều quay trở lại căn nhà của Núc và Nắc ở thôn Phát Lát... Khung cảnh từa tựa thế này. Nhưng lần đó bên trong là cuộc tình vụng trộm, nhớp nhúa. Còn giờ, một cơn mây mưa có vẻ thoả nguyện thửa ruộng khô hạn lâu ngày. Cuộc tình hợp pháp và công khai. Công khai đến mức như là một sự khoe khoang và thách thức. Bởi vì ngọn đèn đặt phía trong được vặn bấc cao vọt. Bởi tiếng thở hì hục không dấu diếm của loại đàn ông cục mịch chuyên lấy phân bò. Bởi tiếng rên, có khi như là kêu van của người đàn bà lúc nào cũng tràn ngập khao khát...
Em cũng là loại người gần như thế. Trước đây em đã từng nhiều lần như thế. Nhiều đêm, không có tôi, em nằm tự mình tưởng tượng ra cảnh hoan lạc, tự mình kích thích sinh lý của mình... Thế mà giờ đây, đứng nhìn cuộc làm tình ngay trước con mắt, em không thấy chút râm ran nào trong cơ thể. Không có chút cảm xúc sinh lý nào. Chỉ thấy xót xa, có lẫn cả niềm ân hận....
Năm đó, em đã bước vào tuổi hăm sáu. Li kém em một tuổi. Đọt lại còn kém Li một tuổi nữa....
Sau lần xem trộm bạn làm tình đó, dĩ nhiên em không kể lại với tôi. Mà em cũng tránh gặp tôi, tránh gặp cả Li. Chúng tôi, mỗi đứa giữ riêng cho mình một vòm đen thăm thẳm. Sự im lặng kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng, nhiều năm... Sự im lặng đến nồng nặc, oi bức, ngột ngạt như khung cảnh trước cơn bão lớn. Thế rồi cơn bão thật sự đã đến. Cuộc cải cách ruộng đất bắt đầu. Những đêm đấu tố khốc liệt. Những cuộc cổ động đuốc cháy rực cả đường thôn... Nông dân đêm đi đấu địa chủ, ngày xúm nhau chia quả thực. Cán bộ đội cải cách thì lăn lộn phát động dân: Có khổ nói khổ, nông dân vùng lên. Cả làng, cả xã, cả huyện thay nhau kể khổ... Cả ba chúng tôi, không, phải kể thêm Đọt nữa là bốn, tất cả đều hùng hục, lăn lộn với cuộc cải cách. Bé Linh lúc này được gửi lên Hồ Xá, ăn ở học hành theo chế độ học sinh miền nam. Cả ba chúng tôi hầu như không còn thì giờ và cơ hội để nhìn thấy nó.
Giai đoạn một kết thúc. Giai đoạn hai mở ra với quy mô lớn hơn, những cuộc đấu tố được tổ chức liên xã, liên vùng. Nhiều đội công tác cải cách được nhập lại thành Liên đội. Đội của Li và của em cũng nhập lại, và thật trớ trêu, Li được bổ nhiệm làm Liên đội trưởng, vượt lên trên đầu em. Chắc hẳn em bất mãn lắm. Nét mặt em đanh hẳn lại khi nhìn thấy nụ cười nhếch mép của Li. Thì ra bấy lâu nó cắn răng lại chạy đua với mình. Nhưng cắn răng lại là một chuyện, vấn đề ở chỗ làm cách nào nó có thể thăng tiến nhanh đến thế? Xét về mọi mặt, em tự cho rằng, còn lâu Li mới sánh được với em.
Nhưng em đành lòng ngậm miệng chịu đựng. Kỷ luật ở đội cải cách là kỷ luật thép. Hơn nữa, Li đã có bầu, tính khí vì vậy càng trở nên khó gần. Mãi về sau này tôi mới được biết cú sốc về việc bổ nhiệm chức vụ Liên đội trưởng của Li đã hoàn toàn cắt đứt tình bạn hàng chục năm của hai đứa, hơn thế nữa nó cũng làm đứt bung duyên nợ của em với cách mạng, với đoàn thể và cả với tôi.
Vào cái ngày Li sinh con, một thằng con trai, em đã chạy đến. Em nói nói cười cười. Li cũng cười cười nói nói. Em vỗ vỗ vào đít thằng bé, thậm chí còn nắm lấy chim của nó mà kéo kéo... Li kêu lên: "Đừng làm đứt của quý mà mất nòi nhà tao đấy!" "Tên nó là chi, Đọt ròi thì Địt hả" "Đồ quỷ, tao phải gọi chệch ra một chút, Đình!" "A ha, cu Đình, cái của giống này rồi sẽ to bằng cột đình đây..."
Cứ nhìn khung cảnh ấy, không ai có thể nghĩ rằng, họ đã hoàn toàn không còn là bạn của nhau. Không ai, kể cả tôi, lại có thể biết được rằng, đó là những giây phút cuối cùng họ ở bên nhau. Vào chiều tối hôm đó, em đã bỏ Li, bỏ tôi, bỏ cách mạng mà vượt tuyến...
Sao em có thể có một hành động phản bội tệ hại và nhanh chóng đến như thế! Có phải em đã suy tính đến nước cờ thí xác để kéo cả tôi và Li cùng chìm? Em đi rồi, sau một tuần thì cấp trên xác nhận được tin. Tôi và Li, thêm cả Đọt nữa, bỗng chốc mất hết. Chúng tôi bị bắt lên tập trung tại khu dành cho bọn tình nghi là Quốc dân Đảng. Chúng tôi nếm đủ mọi sự nhục nhã, ê chề. Tuy thế, chỉ có tôi là cảm thấy đau khổ, tủi cực, còn Li, tôi không hề nhận ra sự thay đổi nào cả. Chỉ thấy cô càng ít nói hơn, già đi hơn. Có lẽ Li hiểu quá rõ tâm trạng của em, hoặc có thể thông cảm được sự phản bội của đứa bạn chí cốt của mình. Có lẽ Li không oán giận gì em cả. Nhưng có một điều mà Li không hề biết, không hề hiểu. Mãi sau này, phải gần mười năm sau, Li mới biết. Đó là em khi trốn đi, đã bí mật vòng lên Hồ xá tìm con, với ý định mang con chạy trốn. Hành động ấy mới thật sự đớn hèn. Cũng may lúc này con Linh đã đủ khôn để không nghe lời em dụ dỗ. Thuyết phục mãi không được, em đã nổi đoá, đã nói toạc ra mọi thứ cho con nghe. Lúc đó Linh chỉ nhìn em như một người đàn bà điên, một kẻ xấu bụng, mảy may không tin một chút nào về những điều em nói. Nhưng mười năm sau thì khác... Nỗi đau này Li phải chịu cho đến tận hôm nay...
... Hôm nay, em đứng đó, ơ hờ như một kẻ vô cảm. Mà anh cũng chẳng muốn nhắc lại làm gì chuyện xa xưa. Đối với anh sự dứt tình ra đi của em ngày ấy là một dấu chấm hết. Mặc dù sau này, khi anh vào mặt trận trong đó, lại cụng đầu với em, có khi lại phải trực tiếp liên lạc với em, nhưng cả hai đứa thật sự đã như hai hòn than nguội lạnh. Không phải anh và Li hận em vì sự phản bội của em đã làm cho anh liên luỵ Trong cải cách ruộng đất, những kẻ oan ức hơn cả bọn anh còn có nhiều. Nói trắng ra, bọn anh còn là những người may mắn. Cả anh, Li và Đọt đều bị giam. Nhưng sau khi "sửa sai", anh lại được trả lại công tác, được điều lên huyện đội. Li cũng được về tham gia Hội phụ nữ huyện, lúc đầu chỉ là cán bộ bình thường. Nhưng với bản lĩnh của mình, Li đã nhanh chóng vượt lên. Li đã có đỉnh cao quyền lực. Chỉ tội cho Đọt thôi. Đọt bị giam lâu hơn, gần một năm rưỡi. đến khi "sửa sai" thì chỉ được phân công chăn đàn bò nông trường. Lẽ nào đời anh ấy không sao dứt ra khỏi những chuồng phân!
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #18 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2009, 09:20:14 am »

Chương 6

- Bị cáo Phạm Đọt!
Đọt giật bắn cả người. Đầu ngẩng vội lên, đôi mắt lơ láo, hoảng loạn như thể tiếng hét kia đang gọi anh ra trường bắn, hoặc là tiếng gọi lôi giật anh qua cầu Chó Ngao để xuống âm phủ......
- Bị cáo lên vị trí......
Có ai đó xô phía sau. Đọt kéo lê bước chân lên phía trước.
- Bị cáo khai rõ họ tên?
- Dạ... Phạm Đọt...
- Bị cáo là em ruột của bị cáo Cao Rệ đúng không?
- Đúng.
- Vì sao có họ Phạm?
- Cha bị cáo họ Phạm, còn cha hắn..... dạ, cha bị cáo kia là họ Cao.
- Bị cáo có bí danh gì nữa không?
- Không!
Chiếc búa đập "bốp" lên mặt bàn.
- Bị cáo phải trả lời đúng phép tắc: Thưa hội đồng xử án, bị cáo không có bí danh gì nữa.
- Thưa hội đồng, không có gì nữa.
- Bị cáo đã có tiền án, tiền sự gì chưa?
- Tiền án, tiền sự là gì ạ?
- Nghĩa là đã bị các cơ quan pháp luật bắt, truy tố, hay xét xử giam cầm lần nào chưa?
Có một phút chờ đợi. Đầu của Đọt hơi cúi xuống một tí rồi lại ngẩng nhanh lên:
- Nhiều...
- Cái gì? Trả lời đúng phép tắc quy định!
- Thưa hội đồng xử án, bị cáo đã có bốn lần bị bắt, bị giam.
Cả hội trường bỗng xao xác hẳn lên, có ai đó tặc lưỡi....
- Bị cáo hãy khai rõ hơn.
- Thưa hội đồng, đúng bốn lần. Một lần địch bắt, ba lần ta bắt...
Đôi lông mày của vị thẩm phán chủ toạ khẽ nhíu lại:
- Bị địch bắt? Lúc nào? Vì sao?
- Nó bắt lúc tôi đánh nó. Vì sao à? Vì tôi là con "gấu xám" của mặt trận này mà......
Hình như có tiếng cười ở đâu đó, vị thẩm phán gõ nhẹ chiếc búa.....
- Còn ba lần ta bắt giam là ba lần nào? Vì sao?
- Thưa, lần một là dạo cải cách ruộng đất, lần hai là... hồi đánh Mỹ, sau khi ngụy thả ra thì ta bắt. Còn lần ba là... là... lần này ạ.
- Bị cáo có biết vì sao mình bị bắt không?
- Vì tôi bị lừa ạ.
Chiếc búa lại gõ đánh "bốp" lên mặt bàn:
- Bị cáo phải nhận thức đúng tội lỗi của mình. Ai lừa bị cáo?
- Dạ, là những người thân nhất, là những người tôi thương yêu nhất, tin cậy nhất. Những người đó lừa tôi......
- Cụ thể là ai?
- Là... những kẻ mà tôi không thể nhận mặt được...
Tiếng lào xào lại đột ngột rộ lên cả hội trường. Chiếc búa trong tay thẩm phán phải gõ liền mấy cái. "yêu cầu trật tự! ". Chờ cho hội trường trật tự trở lại, thẩm phán lại hỏi tiếp:
- Bị cáo làm nghề nghiệp gì?
- Thưa, không có nghề nghiệp ạ.
- Hãy trả lời đúng quy định. Khai đúng sự thật. Tại sao lại không có nghề nghiệp? Từ trước tới nay, tức là từ nhỏ đến lớn, bị cáo làm những công việc gì?
- Thưa hội đồng xét xử, từ trước tới nay, nghĩa là từ nhỏ đến lớn, bị cáo chỉ làm... Chỉ làm có hai công việc... à… không, có ba công việc.
- Được rồi, cứ bình tĩnh mà nhớ lại. Ba công việc gì?
- Đi đánh giặc, chăn bò, và... và đi tù ạ! .....
Cả hội trường lại rào lên, lần này có vẻ lộn xộn. Có tiếng cười bật to ra như không thể kìm nén được. Có tiếng chửi tục đầy căm tức: "Đù mạ, thằng ngoan cố "... "Bắn bỏ mẹ chúng nó đi, hỏi hỏi cái gì mất thì giờ! ".
Nhưng hội đồng xử án thì bình tĩnh hơn. Quả đúng là những người cầm cân nảy mực:
- Thôi được rồi. Bị cáo hãy khai rõ hành vi phạm tội lần này.
- Tôi không phạm tội. Tôi bị oan.
- Bị cáo có lời khai trong hồ sơ là đã nghe lời người anh là Cao Rệ, cùng nhập bọn để tìm hài cốt liệt sĩ về nhận tiền chính sách.
- Thưa, đúng thế. Nhưng chẳng lẽ như thế là có tội?
- Chẳng lẽ bị cáo không nhận thức được những hành vi gian dối của nhóm người làm ăn thất đức như bản cáo trạng đã nêu là một tội ác sao? Bị cáo khai là đã từng đi đánh giặc, đã từng làm người chiến sĩ. Vậy, cái hành động đốn mạt của nhóm người này đối với xương cốt liệt sĩ như thế mà không có tội sao?
Giọng thẩm vấn của ông thẩm phán oang oang, gay gắt, lại tràn đầy xúc động nữa, khiến cả hội trường im phăng phắc. Hẳn sau câu buộc tội như trời giáng ấy, Đọt phải câm miệng. Nhưng thật không ngờ, hắn lại ngẩng cổ cao hơn, giọng hắn cũng oang oang lên:
- Tại sao lại không có tội. Cái bọn khốn nạn đó thì bắn hết đi, hỏi làm gì nữa, xử làm gì nữa... Nhưng thưa toà, tôi không phải cùng bọn hắn. Tôi được thằng Rệ rủ đi tìm hài cốt, tôi hăng hái đi, vì tôi biết rõ những nơi anh em mình chôn cất. Một nơi, mà trận đánh đó, tôi đã bị bắt. Còn tất cả anh em khác bị thằng Mỹ lùa đống lại đốt. Đốt cho đến mức tất cả chỉ còn là than. Chỗ đó thì không thể cất bốc được, chỉ có thể làm mộ chung. Còn lũ chúng nó xâu xé như thế nào, chia chác thế nào tôi đâu có biết. Bản thân tôi, vì thực thà, tin vào họ nên chỉ chỗ cho họ biết, sau đó tôi đi tìm một đồng đội khác... Đó là một người tôi vô vàn quý trọng. Anh ấy đã vì tôi mà lao lư nhiều lần, cứu tôi nhiều lần... Tôi đi tìm cho bằng được anh ấy. Tôi tìm được, mang về, mang nguyên vẹn không bớt, không thêm... Vậy mà, các ông cứ ép tôi, cứ nhốt tôi vào chung một bầy với chúng nó. Tôi bị oan, nhưng tôi biết kêu oan với ai bây giờ. Giá như vong linh anh ấy có thể hiện ra được ở đây, nói lên tại đây được sự thật thì hay biết mấy... Anh Khảm ơi! Đồng chí Khảm ơi! Hãy hiện về cứu tôi lần nữa đi, đồng chí Khảm ơi!
*
Bạn nói, suốt đời bạn đi theo một lý tưởng. Vậy bạn đã từng nghe những tiếng kêu "đồng chí" khắc khoải như thế mấy lần rồi. Cuộc sống giờ đây, đôi khi người ta gọi nhau bằng hai từ ấy, là lúc thật sự đã đặt nhau ra trước một sự đối chọi khó có thể khoan dung, hoặc là ở những diễn đàn to tát, chung chung, là cách gọi số đông không sợ chạnh lòng một ai cả.
Còn tôi, tôi vẫn gọi hai tiếng ấy như cách gọi ngày nào. Đồng chí Đọt! Đồng chí quả thật là con "gấu xám'' của mặt trận bắc đường Chín. Mỹ nguỵ gọi đồng chí như vậy vì khiếp sợ. Bọn tôi gọi đồng chí như vậy với lòng khâm phục và tin yêu. Nhưng sau lần đồng chí bị bắt - là bên ta bắt ấy - thì không hiểu sao, hai tiếng "gấu xám" lại được gán cho người khác, cứ như thế đó là một chức vụ mà người này khuyết thì đã có kẻ khác thay.
Đồng chí Đọt. Tôi đang có mặt ở đây. Tôi sẵn sàng nói lại tất cả. Nhưng than ôi, làm sao người đời nghe được lời tôi. Giá như họ nghe được, hiểu được, tôi đâu có tiếc gì công sức mà không kể lại từ đầu...
Tôi sẽ kể lại từ đầu.
... Đọt, tức là đồng chí Đọt, trở lại chiến trường Cam Lộ sau tôi gần một năm. Tôi rời cơ quan Khu đội Vĩnh Linh vào Gio Cam trong tốp cán bộ đầu tiên được điều động về nam. Lúc đó là tháng tư, năm 1964. Lúc đó, đồng chí Đọt vẫn còn là anh công nhân chăn bò của nông trường quốc doanh. Cái nông trường này được thành lập ra để tiếp quản một vùng đất đồi bao la rộng lớn đã bị bỏ hoang lâu ngày. Về con người, nông trường tiếp quản mấy đại đội bộ đội địa phương vừa hoàn thành nhiệm vụ chống Pháp. Đây cũng là cách hình thành một loại lực lượng tác chiến tại chỗ như truyền thống "ngụ binh ư nông "của ông cha xưa, hoặc theo kiểu gọi hiện nay là lực lượng dự bị động viên. Càng về sau, khi chiến tranh phá hoại diễn ra, thì ở trên mảnh đất giới tuyến này tất cả đều được tổ chức lại thành lực lượng chiến đấu tại chỗ. Toàn bộ sự sống ở đây đều được "quân sự hoá". Tôi bỗng nhớ lại lời huấn thị hùng hồn của người Huyện đội trưởng trong lễ cưới của Li năm nào: "Bên kia bọn Mỹ Diệm đang biến cuộc sống thành sắt thì bên ni ta phải thành thép, bên nớ hắn cứng thành đá thì bên ni ta phải thành kim cương..."
Trở lại chuyện Đọt ở cái nông trường quốc doanh ấy. Ở đây, hầu hết công nhân đều đi trồng cao su. Cao su là hướng phát triển được xác định là cơ bản và lâu dài của nông trường. Tuy nhiên, người ta vẫn hay nói "lấy ngắn nuôi dài". Thế nên, nông trường mới có mấy đàn bò. Mỗi đội một đàn từ mười lăm đến hai mười con. Chăn bò để tạo nguồn thu trước mắt khi cao su chưa tới kỳ lấy mủ. Chăn bò còn nhằm tạo nguồn phân tại chỗ để chăm bón cao su. Thế là, Đồng chí Đọt, sau khi kiên quyết vứt đàn bò của mình ở thôn Cam Tuyền để đi kháng chiến, lăn lộn chìm nổi chán chê, bây giờ lại trở về với tiếng mõ bò lóc cóc và cái chuồng to bự lúc nào cũng ăm ắp phân.
Tôi may mắn và vẻ vang hơn Đọt nhiều. Sau những ngày tủi cực vì bị quy là Quốc dân đảng, sửa sai, tôi được điều lên khu đội, lúc đầu chỉ làm trợ lý ban dân quân. Ba năm sau lên phó ban. Thêm hai năm nữa được đề bạt trưởng ban. Khi nhận lệnh điều động đi B, tôi được cử làm tổ trưởng. Vào đến Huyện uỷ Cam Lộ, lập tức được quyết định tham gia huyện uỷ viên, phụ trách ban địch vận, cũng phải mất sáu tháng mới chính thức bổ nhiệm Trưởng ban. Còn đồng chí Đọt tới tận lúc đó vẫn còn ở lại ngoài kia, vẫn với chức danh công nhân chăn bò.
Chiến trường Gio Cam năm đó vô cùng đen tối. Hầu hết cơ sở của ta còn lại đều đã bị triệt phá. Một số bị bắt đem đi đày ải. Còn lại ít người thì bị khống chế. Mà họ cũng đã kiệt sức rồi. Số trẻ, thanh niên mới lớn lên hầu như một trăm phần trăm đều bị động viên vào lính, không đi chủ lực thì dân vệ, kém cõi nữa là nghĩa quân. Cả một vùng rộng lớn đều tràn ngập lính nguỵ.
Huyện uỷ mới nhen nhúm lực lượng trở lại quá ít người. Những đồng chí có mặt trước tôi đã đột kích mấy lần vào ấp, đưa ra "cứ" được vài thanh niên trẻ. Các em tuy bị ép phải vào nghĩa quân nhưng đều là con nhà nòi cách mạng. Được đưa thoát lên núi là hăng hái ngay.
Chính nhờ có lực lượng mới từ trong các ấp ra, tôi đã nắm sơ bộ được tình hình. Thì ra Quận trưởng lúc này không ai khác mà chính là cha Cựu. Trong số những gia đình cơ sở cũ, tôi đặc biệt chú ý đến một người. Đó là Lương.
Cậu Thuẫn, nhân viên trẻ của ban địch vận kể với tôi:
Từ ngày cô Lương trở về làng, cô chẳng gần gũi với ai hết. Hồi đó, cháu còn là thiếu niên, thấy cô xinh xắn, hay hay, nên cũng thích đến gần. Nhưng cha cháu - lúc đó chưa bị bắt và chưa mất - đã đe nạt cháu: đừng chơi với loại ấy! Hồi đó cháu nhỏ, cháu không hiểu. Khi cha cháu bị bắt lên quận, cháu cũng bị buộc phải vào nghĩa quân, mẹ cháu bảo, mi làm nghĩa quân lăng quăng trong làng, sà vào đâu thì sà chớ ngu mà sà vào cái ổ nớ. Cháu hỏi, cô ấy là cộng sản hả mạ? Mẹ cháu bĩu môi: Cộng sản chi cái thứ ấy. Rứa thì theo quốc gia rồi? Mẹ lại xì một cái như đuổi gà: có theo trai làm đĩ thì có...
Thực lòng cháu không hiểu vì sao mẹ cũng như hầu hết dân làng Quách Xá lại ác cảm nặng nề với cô ấy đến thế. Đến khi tham gia vào nghĩa quân, đêm đêm lùng sục, nhậu nhoẹt khắp làng, cháu mới nhận ra một điều, hình như cô ấy sống buông thả quá. Thế mới lạ, cô ấy đâu có còn trẻ mỏ gì nữa, phụ nữ đứng tuổi rồi ai lại cứ đá đít lính trẻ, trìa môi với lính già, thậm chí có khi còn ôm vật cho mấy cậu lính cộng hoà bổ chửng ra nữa... Người ta còn đồn rằng, ông quận trưởng Nguyễn Đình Cựu thỉnh thoảng vẫn ghé về đó. Chính vì có quan hệ gì đó với ông quận trưởng, nên dù cả làng ghét nhưng cũng chẳng ai dám hở răng nói câu nào. Lính nghĩa quân như bọn cháu sợ đã đành, ngay cả lính cộng hoà cũng ớn cô ta lắm...
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #19 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2009, 09:20:38 am »

Tôi choáng váng cả người. Lẽ nào em lại thay đổi đến mức ấy? Rừng khe Ló như âm u hơn, gió Trường Sơn bỗng như xao xác hơn. Cả một khu căn cứ vốn đã thưa thớt người, nay lại càng côi cút, heo hắt. Suốt cả đêm ấy, tôi cứ trở trăn một mình trên võng, không sao ngủ được. Không biết hỏi ai lúc này, tôi cứ tự hỏi tôi: Vì sao Lương lại trở nên nông nổi ấy, có phải vì tôi, vì Li, vì bất mãn một tý chức vụ mà tổ chức đã không trao cho em? Thật chẳng có lý chút nào? Hay là, em đã tự ép xác quá lâu ngày, nay như chiếc lò xo bị nén đã bật bung ra, em chỉ sống cho bản thân em, cho thoả thuê mọi thèm muốn cá nhân mình? Nếu vậy, cứ cho là em thay đổi về cách sống, còn lý tưởng em có phản bội lại cách mạng không? Nếu giờ gặp tôi, em có bán đứng tôi không? Thật khó mà tin vào điều ấy! ...
Sáng hôm sau tôi đi tìm đồng chí bí thư huyện uỷ. Đây là một người từng trải đầy ắp kinh nghiệm. Tên anh là Quảng. Người Cùa. Quảng đã lớn tuổi, lại gầy yếu, liên tục bị sốt rét nên nước da vàng quạch, hai mắt lờ đờ. Anh cũng có tập kết ra Bắc, nhưng được lệnh trở lại địa bàn trước tôi gần hai năm. Một con người thật sự đáng khâm phục và nể trọng, nhưng xem ra anh khó mà trụ nổi với cuộc chiến này...
Tôi đã kể hết cho bí thư huyện uỷ nghe về Lương, cả việc chung lẫn chuyện riêng, tôi kể cả những điều mà cậu ban viên trẻ vừa mới cung cấp. Cuối cùng tôi đưa ra đề nghị:
- Báo cáo anh, có lẽ tôi phải trực tiếp gặp o ấy?
Người bí thư nhìn tôi mơ màng:
- Sao vội thế?
- Không ạ, không phải là tôi muốn gặp lại... chuyện xưa... Vấn đề là, tôi muốn xác định xem, o ta có phản bội lý tưởng không? Nếu chưa thì cố gắng đưa Lương trở lại thành cơ sở, Lương có kinh nghiệm hoạt động lắm.
Bí thư húng hắng ho. Thật khó mà đoán được ông ấy đang suy nghĩ điều gì. Chờ đợi một lúc khá lâu, phải nói là rất lâu thì ông mới mở đôi tròng mắt vàng đục ra nhìn tôi, môi mấp máy từng câu nhỏ nhẹ:
- Cậu người Giang Phao hí?
- Dạ.
- Cậu đã vô trong Quách Xá,Tân Mỹ lần nào chưa?
- Dạ chưa?
- Có biết chút chi về địa hình, dân cư ở trong nớ?
- Dạ... chưa biết gì cả ạ.
Ông khẽ thở ra một tiếng.
- Đó... cho nên vô làm răng được. Nếu gặp bất trắc biết đường nào mà chạy.
- Dạ thưa anh...
- Mình biết rồi. Nhưng làm cách mạng không thể liều mạng được. Nhiệm vụ cấp bách lúc này là gì? Là phải khẩn trương củng cố lực lượng huyện uỷ. Mình đang cố tìm thêm người. Ở các ban, các cậu cũng phải tự tìm lấy người. Tốt nhất là tìm các đồng chí cũ đã từng hoạt động vùng này, có quan hệ hàng xóm, bà con ở vùng này, từng đi lại nhiều lần ở trong các xã, các thôn ấp ở đây... Cố nhớ đi, tìm đi, coi có ai ở đây đi tập kết, chừ ở mô, hoàn cảnh thế nào, phẩm chất, năng lực ra sao, liệu có động viên họ quay lại chiến trường được không?
Anh ngừng lại thở. Vòm ngực lép kẹp của anh dội lên từng cơn.
- Phải có lực lượng đã Khảm ơi. Đừng nôn nóng. Mình vừa mới có cậu, chưa kịp mừng, nếu xẩy ra bất trắc gì, lấy ai lo việc đây...
Đó chính là những lời huấn thị đầu tiên của người bí thư già đối với tôi. Sau đó một thời gian, Quảng chỉ thị cho tôi trở ra lại Vĩnh Linh tìm người. Một trong số những người tôi nhớ đến trước hết chính là Đọt. Đồng chí Đọt.
Tôi trở lại nơi chốn xưa, bến cũ vào những ngày rét đậm. Đã qua đầu năm 1965 dương lịch, nhưng cũng còn hơn mười ngày nữa mới kết thúc năm âm. Tục ngữ xưa có câu " bôn chôn như hồn ba ngày tết ". Tôi trở lại Vĩnh Sơn y như một mảnh hồn phiêu dạt, bồn chồn theo hương khói mà lần mò tìm lại hơi lửa đêm giao thừa. Nhưng Vĩnh Linh lúc này, người ta hầu như không còn có tâm trạng chờ trông ngày tết. Cả đất này, tất cả mọi người ở đây đang căng thẳng, phập phồng đợi chờ một điều khác.
Bom đã ném quả đầu tiên xuống miền Bắc từ dạo đầu thu. Ở đôi bờ sông tuyến, thỉnh thoảng lại có vài đợt đọ súng. Đã có mấy tốp biệt kích đột nhập từ bờ nam qua bờ bắc. Ngược lại, những nhóm cán bộ của bờ bắc cũng đêm đêm âm thầm vượt tuyến qua sông. Đâu đó trên những tấm ruộng cồn cao, hay dọc theo trục đường liên thôn, liên xã, đã xuất hiện nhiều hầm hố cá nhân, vài chục mét giao thông hào. Một số cơ quan rục rịch phương án sơ tán...
Có lẽ chỉ có tôi, duy nhất có tôi là thẫn thờ, cô quạnh. Tôi cứ lần theo mép sông Bến Hải mà đi từ hạ lưu lên đến thượng nguồn. Cũng chẳng có gì thay đổi. Rừng vẫn có rừng, đất vẫn bời bời cỏ lút... Hói Cụ đây rồi, Miếu Ông còn đó... Kỷ niệm ngày nào cứ sủi tăm nơi bến cũ, xao xác ngọn gió mùa, nhẹ thôi mà sao buốt vậy, Lương ơi!
*
Đọt ở trong một căn phòng của khu nhà tập thể công nhân. Nhà cấp bốn, mái ngói, tường trát xi, quét vôi trắng. Có bốn dãy nhà, xếp trước sau, hai dãy quay sấp mặt lại chung một sân. Hầu như phòng nào cũng có đôi, có cặp, lại thêm trẻ con chạy nhốn nháo nữa. Đọt ở một mình. Mâm cơm đêm ấy, Đọt mời tôi, thêm một bát, một đôi đũa, một chén nhỏ uống rượu. Còn những bữa khác, những ngày khác, đã nhiều ngày như thế, Đọt ngồi một mình, lưng quay ra cửa, mặt sấp vào trong. Đọt nói với tôi như thế.
Tôi vân vê chén rượu gạo, tần ngần:
- Vậy... Li không lên đây lần nào sao?
- Có, thỉnh thoảng. Tại thằng Đình đòi đi nên cô ấy phải chiều. Khó khăn lắm tôi mới hỏi thêm được một câu:
- Có nghĩa là... các cậu li thân?
Đọt ngước lên nhìn tôi, có vẻ như không hiểu nổi ý tôi hỏi, rồi chợt cười gượng gạo:
- Li thân li thiếc gì. Tại cô ấy bận quá... Phó chủ tịch hội phụ nữ khu chứ có phải vớ vẩn như tôi đâu...
Đọt lại chêm rượu vào chén tôi, ép uống thêm tí nữa, gặp nhau vui quá mà. Nhưng tôi là người từng trải, tự tôi cũng đã thừa cay đắng với đàn bà nên tôi hiểu. Đã thật sự xảy ra những điều xa xót trong quan hệ của Đọt và Li...
Đêm đó, tôi ôm Đọt cùng nằm trên chiếc giường một, cùng phủ lên mình một tấm chăn chiên mỏng. Cả hai thân đàn ông khoẻ mạnh ôm riết lấy nhau mà vẫn không đủ ấm. Khuya lắm rồi, nhưng cả hai đều không ngủ được. Bên ngoài trời vẫn rã rích mưa.
Và Đọt kể:
Tui không có chi oán trách Li cả, anh ạ. Có trách thì trách chính mình. Ngần ấy năm sống gần nhau, là tui nói cả những năm trẻ dại ở trong quê nữa kia, hoá ra tui vẫn chẳng hiểu chút gì về Li cả. Cô ấy không hề yêu tui, chưa bao giờ yêu tui, dù chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi. Vì sao cô ấy nhận lời lấy tui, ăn nằm với tui để có thằng Đình, thật sự đến giờ tui vẫn không hiểu. Mà nói anh đừng cười, thành vợ, thành chồng đến nay đã tám năm, cô ấy chỉ cho tui ăn nằm có hai lần. Lần đầu là cái đêm sau lễ cưới. Nhờ lần ấy mà chừ tui có được thằng Đình. Lần thứ hai là sau khi tui được sửa sai, Li đón tui ra khỏi trại giam về ở tạm cái phòng của hội phụ nữ huyện. Li được ra tù trước tôi gần sáu tháng và đã được nhận công tác ở đó. Li nấu sẵn cơm cho tui ăn, bữa cơm gia đình đầu tiên sau gần một năm rưỡi ở tù. Vừa ăn cơm, Li vừa báo cho tui biết đã nhờ các anh trên khu uỷ thu xếp cho tui về nông trường. Li thật sự giỏi giang trong mọi sự sắp đặt cuộc sống. Bữa cơm tối đó chính là bữa cơm chia tay. Đêm đó, cũng cảnh như hai đứa mình đêm nay đây, bọn tui ngủ chung trên chiếc giường một. Li đã cho tôi lần cuối cùng...
Kể đến đó, đột nhiên Đọt khẽ bật ra một tiếng cười. Tôi không thể nhận ra tiếng cười ấy là vui tếu hay xót xa. Nhưng tôi cố đẩy câu chuyện qua một hướng khác cốt để cho Đọt đỡ tủi thân:
- Còn cháu Linh thế nào? Cả cháu Đình nữa? Chúng nó học hành ra sao?
- Con Linh khá lắm. Đã vào lớp bảy. Nó được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi toán để đi thi toàn miền bắc đó. Nó rất thông minh, chỉ có điều...
Tôi hơi nhổm dậy:
- Có điều làm sao?
Giọng Đọt có vẻ ngập ngừng:
- Chẳng sao đâu... Nó... có vẻ hơi khó tính. Dù sao thì vẫn còn là trẻ con ấy mà. Nó đẹp lắm. Đẹp hơn cả mẹ nữa. Mà này, tại sao anh không tìm gặp con?
Câu hỏi bất ngờ quá khiến tôi líu cả lưỡi:
- Con... nào?
Đọt ngồi dựng dậy. Đêm tối như mực nhưng tôi vẫn hình dung thấy mặt Đọt vằn lên.
- Khốn nạn! Anh mở miệng hỏi thế mà hỏi được à? Bữa ni là năm nào rồi? Có còn cái thời cải cách ruộng đất nữa đâu. Cả anh, cả Lương thật chẳng ra gì...
- Kìa... Đọt...
- Thôi im đi. Cứ cho là hồi đó anh sợ. Nhưng đáng ra sau khi sửa sai, anh phải nhận con ngay. Nếu chần chừ, suy tính thì ít nhất trước khi nhận lệnh đi B, phải tìm ngay con mình chứ. Các người thật là... Không hiểu với anh, trên đời này cái gì là quý nhất.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM