Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:19:42 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bến đò lặng lẽ xưa  (Đọc 42555 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2009, 09:01:45 am »

BẾN ĐÒ XƯA LẶNG LẼ
Tác giả: Xuân Đức
Nhà xuất bản: Hội Nhà Văn
Ngày xuất bản: Quý I/2005
Giới thiệu
Tiểu thuyết viết về cuộc chiến đấu chống Pháp, Mỹ và những ngày đầu thống nhất đất nước của những lớp người ở hai bên bờ sông Bến Hải, Vĩnh Linh, Quảng Trị; những cuộc chiến đấu gan dạ, anh dũng, khốc liệt nhưng cũng lắm gian nan, hy sinh, mất mát nhất là những oan trái, những nỗi niềm không thể giãi bày của người dân chất phác hiền lành, chỉ một lòng vì dân vì nước vì đồng chí đồng đội.
*
*           *
Sông cũng như người ấy, có khi vơi đầy, có khi hờn ghen. Chỉ tình yêu tuổi thơ mới biết...
Lời một bài hát
THAY CHO LỜI GIÁO ĐẦU
Chắc chắn rồi mọi người sẽ bực bõ mà kêu lên, người âm thì kể sao nổi chuyện dương thế, nói trật lất cả...
 Có thể là như thế. Nếu tính về tuổi tác tôi năm nay cũng đã gần bằng tuổi cái lão bị cáo hom hem kia, trí nhớ đương nhiên là không còn ngăn nắp như xưa nữa. Cái lão ấy, còn sống nhăn răng ra đó, lại còn đủ gian mãnh tinh ranh để phạm tội tày trời, thế mà đứng trước toà còn khai lẩm cà lẩm cẩm. Huống chi tôi đã là người âm, chẳng phải người ta vẫn rủa những kẻ lẫn thẩn là "nói lộn âm lộn dương" đó sao. Tôi biết trước thế nào cũng có sự lẫn lộn.
 Rồi tôi sẽ kể cho các bạn rất nhiều tên đất, tên làng, tên địa phương. Nhưng xin hãy nhớ cho rằng, sở dĩ có những tên gọi thân thương đó là vì những địa danh ấy đã gắn chặt với đời tôi, ẩn chứa bao nhiêu là kỉ niệm. Yêu quá có khi hoá dại, tôi lại đi mang những chuyện ở đẩu ở đâu mà gắn với những địa danh thân thuộc đó. Tôi biết, yêu nhau thế bằng mười hại nhau...
 Ngay cả những sự kiện lịch sử nữa. Sự kiện chung đương nhiên là có thật, bạn có thể cũng đã từng nghe thấy. Với tôi, những sự kiện to lớn ấy là những cột mốc, những bước ngoặt khủng khiếp trong kiếp sống của mình. Vì lẽ đó mà những chuyện lặt vặt tôi sắp kể ra đây, vốn nó cũng ở những đẩu những đâu, thế mà không hiểu sao lại cứ bấu víu vào cái mốc sự kiện trọng đại ấy, chứ thức lòng tôi không chắc chắn lắm, rằng nó sinh ra đúng trong sự kiện đó...
 Còn nhân vật thì sao? Tôi cũng học đòi mấy bác nhà văn chắp nhặt những mảnh đời đâu đó mà tôi từng gặp, từng biết trên cõi trần. Bạn có thể tin chắc chắn là họ có thật trên dương gian, tôi thề đấy, nhưng xin đừng tin là họ có mặt đúng cái nơi tôi kể.
 Lập tức bạn nổi cú lên, mắng rằng:
- Kể chuyện mà bảo người ta đừng tin thì kể làm quái gì, mất thì giờ!
Vâng, ai cảm thấy mất thì giờ thì thôi vậy. Còn ai rỗi rãi ham vui thì tôi xin được học đòi theo tiền nhân: "lời quê chắp nhặt dông dài, mua vui cũng được một vài trống canh."
 Tóm tắt lại thế này. Câu chuyện mà tôi sắp kể ra đây, như người ta vẫn thường nói là không nằm trong chính sử. Tôi không hát sử thi về một vùng quê, mà chỉ kể cổ tích đêm giao thừa. Rằng ngày xửa, ngày xưa, ở một cái làng tạm gọi là làng ấy, ở cái huyện... cứ gọi đại là huyện đó, thuộc cái tỉnh... thôi thì lấy quách tên tỉnh mà mình quen thuộc để nói cho mau... đã xảy ra một chuyện thế này...
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Ba, 2021, 11:21:49 am gửi bởi ptlinh » Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #1 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2009, 09:03:04 am »

Chương 1

Mặc dù sự kiện này ở dương thế được coi là long trời lở đất nhưng tôi không còn là người dương thế, nên tôi rất bình tĩnh. Mà nói chung tôi vốn là người trầm tĩnh, từ thuở tráng kiệt gặp em cho đến nay đã thành người thiên cổ, tôi vẫn thế. Cả cái khi ấy, khi mà em vồ lấy tôi, ngấu nghiến tôi, để có con Linh, giờ đã trở thành đứa con gái giàu có nhất vùng, giá như lúc ấy em bình tâm lại một chút, em đừng như con sóng ùa vỗ vào mạn thuyền tôi, thì có lẽ con thuyền đơn côi như tôi đã không ngập nước....
 Trong cái vòm nhà kia, người ta đang ngột ngạt thở, ngoài sân này cũng đang xao xác. Người đời chen nhau phạm tội rồi giờ lại chen nhau coi xử án. Trẻ con leo lên những cành bạch đàn. Người có tuổi cũng chẳng hơn gì con trẻ, cũng đội đít nhau mà leo cây.... Mặt sân đã quá chật. Người ta không thể chui xuống đất như bọn tôi nên phải đùn nhau lên trời.
 Riêng tôi thì bình tĩnh. Thứ nhất, tôi thuộc một thế giới khác, tôi không hề bị vướng bận, khuất lấp bởi xác thịt người đời, việc gì phải chen lấn. Thứ hai, nhóm người âm được coi là " kẻ bị hại" chừng trên dưới một trăm vong thì duy nhất chỉ có tôi là lành lặn, còn nguyên hai chân hai tay nên mới tới được đây. Còn lại thì rên rỉ, chân bị đặt một nơi, tay một nẻo, chân người nọ nằm ở chỗ người kia... Tất cả đã bị bấu xé, bứt ra, chia bo để có số hài cốt lên con số ba bốn trăm... Thế nên mới có phiên toà kinh thiên đông địa này.....
 Tôi bình tĩnh lắm nên tự hỏi, mình đến đây làm gì. Để được chứng kiến cơn thịnh nộ như động đất của người dân xứ này đối với tội ác của đám bất lương kia ư? Có chứng kiến hay không thì cũng thế thôi, làm gì được nữa. Họ có thể luộc nhau, bắn nhau để góp thêm cho thế giới dưới này dăm ba vong nữa. Nhưng số anh em oan ức của chúng tôi thì đành chấp nhận số kiếp, không ai có thể đào bới thêm lần nữa, mà có bới ra cũng chỉ để đau lòng người sống chứ làm sao mà hàn gắn được sự nát tan của người đã khuất....
 Tôi bình tĩnh và tự hiểu ra động cơ của mình. Tôi muốn đến để được kêu oan cho một người, không phải là những người âm đã bị chia thân xẻ cốt, mà là người dương, một người trong số mấy chục bị cáo đang đứng kia. Tôi biết tôi chẳng thể làm gì được. Bởi vì tiếng kêu của tôi, chẳng ai trong số họ nghe được. Rồi thì anh ấy có nói gì, họ cũng chả tin, bởi anh đang lẫn vào cái mớ hỗn độn rối như bòng bong kia, cái mớ tội ác cổ kim chưa từng thấy ấy.

*

Tôi trầm tĩnh, thậm chí có vẻ thừa thời gian, tôi ngắm một cách bao quát toàn cảnh khu nhà, khu đất mà có lẽ phải chứa tới năm bảy ngàn người đang chen chúc.
 Và tôi có sự đối chứng.
 Khu nhà này với cái Miếu Ông thuở nọ, nơi em vồ lấy tôi. Thật là một trời một vực. Cái Miếu ấy bé như cái ki-ốt bán kẹo thời nay, mà lại bị nhấn chìm vào trong những lùm cây chằng chịt âm u ở cái vùng đồi tít tận thượng nguồn sông Bến Hải. Ở đó có một bến đò. Chẳng hiểu bến đò Hói Cụ có trước hay Miếu Ông có trước, nhưng cả hai đều được dân bản địa gọi thành bậc ông, bậc cụ. Còn cái nhà này thì quá mới, quá to, lại ở ngay cái ngã ba hoành tráng nhất của tỉnh lỵ. Người ta xây cái nhà này được coi như sự khởi đầu cho một đô thị tỉnh lỵ vừa mới tái lập, chức năng của nó là Nhà văn hoá tỉnh. Như vậy, giới lãnh đạo tỉnh này xem ra có tư duy thật mới... Nhưng sự khởi đầu sao lại thế kia. Cái nhà văn hoá chưa kịp hoàn thành, chưa tổ chức một đêm văn hoá nào lại phải chứa mấy ngàn người đến đây hỏi tội nhau, mà là một tội ác động cả đất trời!
 Tôi đối chứng em và tôi, và thêm anh ấy nữa. Em ngồi hàng ghế thứ ba, mắt hơi ngước lên trần nhà phía trên sân khấu. Có nghĩa là em không nhìn ai cả, hội đồng xét xử, các bị can, hay hàng rào công an vây bọc quanh bốn phía cửa.... Em hơi ngước cao, mắt lơ đễnh, thành ra tôi không nhìn rõ được những nếp nhăn rạn vỡ quanh vòm mắt em. Còn anh ấy đứng lẫn trong tốp bị cáo, đầu cúi gằm, nhìn xuống những ngón chân mình.. Có lẽ anh ta cũng chẳng có ý cầu cứu ai. Nếu em còn theo đạo, chắc em đang cầu Chúa.
 Lạy chúa, phải chăng Ngài đã quyết từ bỏ Giu-đa?
 Phải chăng Xi-on khiến lòng Ngài ghê tởm?
 Vậy cớ sao Ngài đánh phạt chúng con đến vô phương chữa chạy?
 Chúng con đợi hoà bình nhưng chẳng được may lành chi hết
 Mong đến thời bình phục, mà chỉ thấy rùng rợn khiếp kinh...
Tôi đối chứng từ ngày đó, đến ngày này, từ đầu năm 1952 đến giờ là đầu 1992, chẵn chòi 40 năm.
*
Tên em thì đẹp, hay ít ra cũng dễ nghe: Nguyễn Thị Lương. Nhưng tên gọi thôn em, làng em lại hơi kỳ. Thôn Quai Mọ, làng Quách Xá.
 Quách Xá, cùng với Tân Mỹ, An Hưng, Phước Tuyền là những làng quê vô cùng thơ mộng nép mình ở phía bờ Nam sông Hiếu. Làng Quách Xá chốt phía trên cùng. Nhưng thôn Quai Mọ thì lại vòng ra bên ngoài, tự tách ra như một cái bướu, như một cục thịt thừa, hay cái dái tai. Người Quách Xá không muốn ví von kiểu ấy. Họ tự coi làng mình giống cái mõ trâu, còn cái thôn nhỏ thò ra ngoài kia là cái quai mõ. Tiếng địa phương đọc mõ thành mọ. Thế là thành tên. Đất làng quá hẹp, chỉ một dãy bãi bồi dọc mép sông để trồng bắp, trồng lạc, ra xa chút nữa là đất pha cát gieo vừng. Còn lại là đồi núi. Đồi lúp xúp trườn dài bao bọc ba mặt bắc, tây, nam. Chỉ còn lại một hướng đông dọc theo sông Hiếu xuôi về tận Đông Hà là đất bằng. Hết đồi là núi cao, rừng rậm. Phía bắc, rừng trùm lên cả một vùng đất đỏ ba-zan của xứ Cồn Tiên, Nam Đông Nam Tây; phía tây, núi trập trùng theo đường Chín lên tới Khe Sanh - Lao Bảo, phía nam núi kéo lên đèo Cùa, rồi vào tận Đá Bạc, Ba Lòng.. Bởi vậy, nghề nuôi bò, nuôi trâu thả rông từng đàn là kế sinh nhai cơ bản của làng. Cái mõ trâu thực sự là hình ảnh tượng trưng, như một thứ Tô tem hay như cách gọi thời hiện đại là Lô-gô của làng vậy.
 Còn tên em là Lương, vốn không phải do bố mẹ đặt cho. Khi em sinh ra, cũng như bao bé gái làng này đều được gọi là bẹp. Bẹp, cái đơn âm vô nghĩa ấy được hiểu na ná như cái hĩm ngoài bắc, chỉ bộ phận đàn bà. Em là bé gái hiếm hoi của thôn Quai Mọ sớm có được tên đẹp. Mà em cũng là bé gái cực kỳ hiếm hoi có nhan sắc. Từ Quách Xá về tận Phước Tuyền lúc đó, có hai đứa con gái đẹp nhất, lại có vẻ sắc sảo giống nhau. Cả hai đứa con gái này đều được một cha đạo trẻ quan tâm đặc biệt. Tên hai đứa đều được cha đặt. Em là Lương, còn bạn em ở làng đạo Phước Tuyền là Li.
 Vào thời các em sinh ra, cũng là những năm tôi sinh ra, tất nhiên là tôi sinh ở một vùng khác. Mỗi đứa hơn nhau đúng một tuổi. Tôi sinh năm 1929, Lương sinh năm 1930 còn Li năm 1931. Vào thuở đó, cả cái làng Quách Xá chừng chỉ có độ bốn chục nóc nhà. Còn cái thôn Quai Mọ của em đếm chưa đủ trên mười đầu ngón tay, vỏn vẹn có chín hộ. Làng em không phải là làng đạo, người tin Chúa chỉ có lác đác. Nhà thờ cả họ đạo của vùng này đặt ở dưới Phước Tuyền, sát cạnh nhà Li. Nhưng cha trẻ nổi tiếng lại là người Quách Xá. Cha rất trẻ nhưng lại đặt tên là Cựu. Nguyễn Đình Cựu. Cha được người Pháp đem về nuôi ở nước mẹ từ thuở còn thơ. Cha trở về mang theo cả cái dáng chải chuốt của người Tây. Mái tóc không hiểu vì sao lại lớt phớt vàng như cỏ gặp hạn. Thậm chí người làng còn quả quyết rằng sống mũi của cha đã thẳng đuỗn, dài ra, y hệt như giống được đúc ra ở bên Tây vậy.
 Cha đẹp trai, mắt cha sóng sánh pha chút âm u, giọng cha khe khẽ mà vang, nói cứ như là hát. Cha Cựu như một thỏi nam châm hút chặt lấy em, nên em theo gót chân cha mà về Phước Tuyền. Vì thế mà em quen Li., trở thành đôi bạn thần tiên như trong cổ tích. Nhưng mà cha Cựu lại không phải nam châm. Cha rất gần, lại rất xa, xa vời vợi. Lạy Chúa, cha như thể hiện thân của một đức tin, vừa rất có lý vừa rất vô lý. Một đức tin thuộc lòng, mê mẩn, tràn ngập cả vào giấc ngủ, nhưng chưa bao giờ chạm tay vào được.

*
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #2 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2009, 09:04:05 am »

Một chiếc xe con màu đen khá sang trọng, nháy đèn xi nhan, toe lên hai tiếng còi ngắn rồi cố len vào mép sân. Đám người đang bực bội sẵn vì chen chúc nên chẳng tiếc gì mà không phun ra lời rủa tục.
 - Toe cái con c.... Mắt đui hay sao mà còn chui xe vào chỗ này....
Chiếc xe phanh khựng lại. Cửa mở một cách dè dặt và từ trong đó ló ra một mái đầu phụ nữ, tóc lâm râm muối tiêu.... Đám đông đang eo xèo bỗng im bặt. Họ đã nhận ra con người danh giá này. Một phụ nữ luống tuổi, mặt bầu tròn. Một trong số lãnh đạo cao cấp của tỉnh đã nghỉ hưu. Người ta im bặt không phải vì sợ lãnh đạo. Người ta nể sợ một con người cụ thể, một phụ nữ anh hùng nổi tiếng thời chiến, một cán bộ có đầy chất sắt đá thời bình. Hầu như không có một điều tiếng gì xây xát đến danh giá con người này. Người đàn bà tuổi chẵn sáu mươi ấy là Trần thị Li, nguyên uỷ viên thường vụ, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ Bình Trị Thiên. Còn một người phụ nữ khác vẫn ngồi lại trên xe, trẻ hơn, nhưng lại càng đáng nể sợ hơn. Đó là Linh, một chủ doanh nghiệp giàu có vào bậc nhất xứ sở khô cằn này. Chiếc xe màu đen sang trọng này chính là xe của giám đốc Linh, còn người mẹ nuôi cán bộ cao cấp tỉnh đã nghỉ hưu chỉ là kẻ đi nhờ.
 Nhưng sao Li lại đến đây, vào lúc này? Mà sao Li cũng chen chúc ở sân, lại cũng nhói chân nhìn thăm thẳm qua một rừng đầu người. Trong đám đông có số đã bình tĩnh cất tiếng chào "chị thường vụ ". Li có vẻ như giật mình, chị khẽ nhếch mép đáp lại một cách lúng túng, khó xử. Không phải bây giờ Li mới có kiểu cười không hở miệng. Cái kiểu cười đó đã có cách đây gần hai mươi năm.... Trước đó thì không, thậm chí còn ngược lại. Thời trẻ ở làng Phước Tuyền, tuy cũng có vẻ đẹp giống Lương nhưng Li lúc nào cũng có một khiếm khuyết là cười to, kiểu cười "nhắm mắt hả miệng ". Hồi đó, nếu xét một cách toàn mỹ thì Lương hoàn chỉnh hơn Li nhiều.
 Có lẽ để tránh sự tập trung chú ý của đám đông, Li lặng lẽ lách người tránh xa chiếc xe con đang bị chôn chặt không đường tiến thoái. Li đến chỗ này không với một tư cách quan trọng gì cả. Đây là chỗ toà xử án chứ không phải lễ mét tin. Ở đây không có hàng ghế danh dự cho những quan chức lãnh đạo. Và lẽ ra, nói tóm lại là một người như Li không nên xuất hiện ở đây, vào giờ này... Nhưng trong kia, hút sâu tận trên cùng của phòng xử án, trong đám bị can phờ phạc đứng kia, có con người ấy. Người mà không chỉ có tôi, không chỉ có Lương quan tâm, mà cả Li cũng vậy. Lương đứng gần anh ấy hơn chúng tôi. Nhưng Lương không nhìn vào cái điểm cần nhìn. Mắt hơi ngước lên, lơ đễnh và khô ráo. Dĩ nhiên Lương không thể biết có Li đang chen chúc phía ngoài sân. Đương nhiên em lại càng không biết có tôi nữa.

*

Họ là bạn của nhau, trên bốn năm chục năm chứ có phải ít đâu, bạn thật sự, bạn chí cốt thâm giao chứ chẳng phải cái thứ bạn nhậu thời nay của đám con trai choai choai vô công rỗi nghề, cũng chẳng phải cái thứ bạn sớm nắng chiều mưa của các vị quan chức, các đấng hảo hán trong làng kinh doanh lấy lợi lộc làm khế ước giao hão. Cho dù thuở ban đầu họ đến với nhau do bàn tay chắp nối của người cha đạo trẻ. Nhưng chỉ có Lương là kẻ bị cha hút hồn còn Li thì không. Họ quen nhau năm ấy, Lương mười bảy, còn Li mười sáu. Li nhỏ hơn một tuổi nên thơ ngây hơn, nhưng thân thể lại nở nang hơn, cả dáng người khuôn mặt, cả đôi mắt nữa, Li có vẻ tròn trịa hơn một chút, đẫy đà hơn một chút. Còn Lương thì mảnh hơn tí tẹo, đôi lông mày có hơi xếch một tí, môi mỏng hơn một chút, hai hàm răng đều đặn và khi cười cũng sít sao hơn. Dạo đó, cha Cựu thường gọi đùa Lương là Thuý Kiều, còn Li là Thuý Vân..... Cả hai chả hiểu hai ả Kiều, Vân kia là người ở làng nào, quen biết cha trẻ đến mức độ nào mà cha lại nhớ đến vậy. Có một lần, Li bộp chộp hỏi thẳng cha điều ấy khiến cha Cựu tròn mắt ra rồi cất tiếng cười vang. Trời đất ơi, tiếng cha cười cũng hay như hát.
 Lần trắc trở tình bạn đầu tiên, cũng coi như là thử thách đầu tiên đối với cặp chim câu này chính là khi Lương quyết chí theo cha vào tu trong làng đạo. Lương đã mang hết tất cả những điều thuộc lòng mà cha Cựu truyền cho để nói lại với Li. Nhưng Li bịt tai quầy quậy. Lương đã nổi cáu. Nhưng Li còn cáu hơn. Lương hét " Vì sao mi không tin Chúa? " Li cũng trợn mắt hét lai "Rứa vì sao mi tin? " Cả hai bỗng ngồi đực ra, vì cả hai đều không trả lời được. Họ ngồi vậy rất lâu, rồi bỗng cùng thút thít...
 - Tao.. thực ra tao tin cha.... tao tin ở cha chứ không phải tin Chúa…
 - Mi ngu, còn tao thì không, tao sợ cha ấy lắm...
Thế rồi sau đó ai theo đường nấy, cũng chẳng ai nài ép ai, nhưng họ vẫn là bạn. Đêm đêm, bên bờ sông Hiếu, cạnh gốc cây dưới tàu trên bến lội, họ thường ngồi bó gối nhìn ra mặt sông... Họ ngồi vậy có khi gần hết đêm, kể đi kể lại những chuyện cũ rích trong làng mà cả hai đều biết và đã kể cho nhau có tới hàng trăm lần. Nhưng họ vẫn kể, vẫn nghe, vẫn cười ngặt nghẽo như mới.
 Lần trắc trở thứ hai thì u ám hơn, nặng nhọc hơn. Lúc đó cả hai đã bước vào bậc cửa tuổi hai mươi. Cái tuổi ấy, nói ít, cười ít, thở dài nhiều. Tuổi ấy, vào cái thời ấy, con gái vùng này hầu hết đã con bế con bồng, muộn lắm cũng phè phè bụng chửa. Nhưng cả Li và Lương vẫn còn son. Đó được coi như là hiện tượng lạ rất không bình thường của vùng đất Cam Lộ này. Cả hai luôn luôn đỏ má, đôi bộ ngực căng phồng, rung rinh, ánh mắt Li ngày thêm lúng liếng, mắt Lương thì xanh hơn, bí hiểm hơn. Có kẻ ác miệng nói rằng, ánh mắt ấy đã nhiễm màu Tây, ít bữa nữa không chừng sống mũi cũng thẳng đuỗn ra như cha Cựu..
 Rồi một đêm nọ, thật đột ngột, thật bí mật, Lương kéo Li ra bên bờ sông cạnh gốc dưới tàu quen thuộc, giọng cô lạc đi:
 - Tao đi...
- Đi đâu?
 - Đi... làm nhà phúc....
 - Nhà phúc là nhà gì?
 - Là... là... tao cũng chẳng hiểu nữa. Cha bảo tao đi tới một vùng.... ở đó.... cha có dòng tu kín, tao làm nhà phúc giúp cứu nạn cho đời.... Thực ra tao chẳng hiểu gì cả.... Nhưng cha bảo thế, a men.
Nói là không hiểu, nhưng như thế là hiểu. Cả hai đều hiểu, rằng từ giờ phút đó họ thực sự mất nhau.
 Ấy là năm khu nhà Dòng Phước Sơn phát triển mạnh. Phước Sơn cũng là một vùng bán sơn địa, cũng được bao bọc bốn phía núi đồi, cũng ở thượng nguồn của một con sông như ở đây, nhưng đó là sông Bến Hải. Chính nơi đó là địa điểm em gặp tôi, là câu chuyện dài thế kỷ dẫn đến phiên toà vô tiền khoáng hậu hôm nay.

*
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #3 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2009, 09:05:24 am »

Bản cáo trạng của ông kiểm sát viên giữ quyền công tố đã đọc gần một giờ, giọng ông khàn đi, mồ hôi đầm đìa cổ áo, nhưng xem ra chưa có dấu hiệu kết thúc. Người ta không đoán được nó dài bao nhiêu, chỉ thấy trên tay ông là một xấp giấy, cứ lật một trang rồi gấp ra phía sau, lại lật nữa, gấp ra nữa, xấp giấy cứ dày như chưa hề lật dở. Hai bên cánh gà sân khấu là hai chồng loa thùng, còn ngoài sân là ba cụm loa sắt, một treo chính trên nốc nhà, hai cụm gắn vào hai cây bạch đàn trái, phải của bờ rào. Đã một giờ đồng hồ không nghỉ, tiếng loa cứ như xé vào không gian.
 "Trong lúc, Đảng và nhà nước ta đang làm hết sức mình vì nghĩa cả đối với những người hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong lúc mỗi một người dân chúng ta, dù cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ lành, vẫn dành dụm, gom góp công sức tiền của, khói hương với đạo lý uống nước nhớ nguồn thì đau đớn thay lại có những kẻ vô nhân đạo, vô luân lý, vì đã vụ lợi tối tăm mà dám làm những điều thất đức. Chúng dám ăn mòn, ăn bớt cả xương cốt đồng bào, đồng chí ta... Tội ác này trời không thể dung, đất không thể tha...."
" Những kẻ vô nhân đạo, vô luân lý " mà bản cáo trạng vừa mới lên án đang đứng chen chúc nhau, áo sọc đen, áo sọc trắng, đầu cúi, lưng hơi còng. Trong lũ chúng đã có kẻ đã quá tuổi sáu mươi, nhưng cũng có tên mặt còn non choẹt. Có kẻ thì thật sự bất lương, lợi dụng chính sách cấp tiền tìm hài cốt liệt sĩ, đã vắt óc nghĩ mẹo tìm cách chia ba, chia bảy thi thể người âm để ăn tiền. Có kẻ cũng chỉ là loại quan liêu, đầu gật, tay ký, thế nên tội ác mới thả sức hoành hoành. Trong số đó, tôi biết, anh là người oan ức hơn cả. Đầu anh cúi thấp hơn đầu những kẻ kia, không phải vì ngấm nặng những lời buộc tội sắt đá của công tố, mà vì anh bất lực. Mà không phải đây là lần đầu anh chịu bất lực. Anh không nhìn thấy vòm trời, cũng không nhìn thấy cả cái vòm nhà mới được xây cất. Anh chỉ thấy một khối đen khổng lồ trùm kín bên trên, áp nặng xuống đầu.... Nó là cái gì, thực sự anh không thể biết được.
 Nỗi oan như một tiền định kiếp trước. Ngay từ khi còn là cậu bé ở làng đạo Phước Tuyền. Cậu bé thấp, da đậm màu đất núi, vai bè và thô. Con trai làng đồi thế là khoẻ mạnh rắn rỏi. Nhưng người làng, nhất là đám con gái như Li lại không nghĩ thế. Chúng cứ gọi cậu là Tồ, cu Tồ. Cậu xấu hổ vì cái tên đó, mặc dù tên thật của cậu cũng chẳng hay hớm gì hơn. Đọt.
 Cậu không hiểu vì sao bố mẹ lại đặt tên anh em nhà cậu kỳ cục như thế. Anh là Rệ, em là Đọt. Mà nói chung cả hai anh em lại không hiểu sao chúng nó chỉ có một mẹ mà lại hai cha. Cả làng không có đứa trẻ nào như vậy cả. Hai cha nhưng không ai ở với mẹ, không ai trực tiếp nuôi chúng nó. Cha trên thì mặc áo dài đen, đội khăn xếp, tay cầm cái xập xoã gõ leng keng. Khi lớn lên chúng nó mới biết ông làm thầy cúng, kiêm thầy pháp, kiêm cả thầy địa lý. Còn cha dưới, tức là cha đẻ ra Đọt là kẻ đốt than, một tuần bốn ngày trên núi, một ngày ngồi chợ phiên Cam Lộ, hoạ hoằn ghé về chỗ mẹ nó một ngày. Tên hai anh em nhà nó là do cha dưới đặt. Rệ, tiếng địa phương đọc rễ thành rệ, tức là gốc, còn nó là Đọt tức là ngọn. Là cha đẻ cậu giải thích như vậy.....
 Đọt sinh sau Li một tuổi, điều đó không có chi oan ức. Đáng ra họ phải là một đôi bạn. Ít ra là tự Đọt cảm thấy thế. Oan ức nhất chính là lũ con trai trong làng lại cứ quả quyết rằng cậu lùn, thấp hơn Li một gang tay. Đầu têu trong chuyện này không phải ai khác mà chính là thằng anh cùng mẹ khác cha. Nhiều lúc cãi nhau khiến Đọt nổi cú. Nó hiền nhưng lại cục. Khi lũ con trai to tiếng với nhau cái chuyện cao thấp vớ vẩn ấy, Li đều lắng nghe và nhăn mũi cười. Thế mới lại càng cú. Lúc đó Đọt không hề hiểu rằng chính Li rất thích được nghe sự cãi nhau đó. Nói đúng hơn, Li rất thích bọn con trai ngắm nghía mình, bàn tán và cãi vã về mình. Năm đó Li mới mười sáu nhưng rất phổng phao, mắt ướt lúng liếng, đôi vú nở căng tròn lẳn. Chỉ có hai hàm răng không được đẹp như Lương và cái kiểu cười mở rộng miệng hết cỡ, còn nữa thì thật sự là đoá hoa rực rỡ.
 Sự thể oan ức của Đọt đã dẫn đến đỉnh điểm bằng sự cá cược. Lại chính thằng anh, thằng Rệ đứng ra cá. Nếu nó sai nó nhường con sáo đen mỏ khoanh vàng cho Đọt. Cá rằng, nếu xáp mặt đo nghiêm chỉnh thì đỉnh đầu thằng Đọt chỉ đúng ngang cằm con Li. Còn Đọt quả quyết nó cao trên tầm lông mày của "con ấy ". Li không những không phản đối cuộc cá cược mà còn bĩu môi, nhăn mũi, đưa bàn tay lên đặt ngang cổ, ý rằng Đọt còn chưa cao tới cằm. Thế là nổi máu tam hoàng. Đã bảo nó hiền nhưng rất cộc. Thế là hai đứa xáp mặt vào nhau, rất gần, rất sát...... Bỗng Đọt thấy chột dạ, rồi run run, rồi luống cuống.... Hơi thở từ lỗ mũi Li phả vào trán khiến cậu rùng mình nổi hết da gà. Li ăn gian nhói chân lên, Đọt cũng nhói hai mũi chân như bị thôi miên. Thế đứng của cả hai lúc này vô cùng chông chênh. Đằng sau là tiếng reo hò "đo đi! đo đi "... Thằng Rệ đã áp sát vào lưng Đọt, hai tay hắn áp lên hai vai thằng em, vuốt xuống hai tay, làm như thể không chấp nhận sự gian dối. Thằng Đọt vẫn cố nhói chân lên. Bất ngờ một tay Rệ xô mặt Đọt xáp vào mặt Li, còn tay kia hắn kéo mạnh tay Đọt lên đập đánh bép một cái vào bầu vú đang căng phồng trên ngực Li.
 Tất cả vỡ oà ra tiếng reo từ bốn phía.
 - Ê, thằng Đọt bóp vú con Li.
 - Thằng Đọt hôn mồm con Li.
 - Thằng Đọt bóp vú con Li....
Cả khuôn mặt Đọt bỗng ngu ra như đứa trẻ ỉa đùn. Rồi nó bỏ chạy thục mạng. Còn Li thì tròn mắt như kẻ bị trời trồng. Chỉ trong có nửa ngày, tiếng đồn lan khắp cả thôn Phước Tuyền, loang lên cả An Hưng, Tân Định, lên thấu thôn Quai Mọ của Lương. Lương chạy vội về hỏi bạn. Li đã qua cơn xấu hổ, bò lăn ra cười. Thế là tin đồn được khẳng định. Nỗi đau này được coi là oan nghiệt đầu tiên. Mãi mãi Đọt không dám gần Li nữa. Chuyện sơ sài nhưng thật tệ hại. Anh đã mất tình bạn. Năm đó Đọt mới đến tuổi mười lăm.

*

" Đức Chúa thấy rằng sự gian ác của con người quả là quá nhiều trên mặt đất, và lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu suốt ngày. Đức Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và người buồn rầu trong lòng. Đức Chúa phán: ta sẽ xoá bỏ khỏi mặt đất tất cả những thứ mà ta đã sáng tạo ra, từ con người cho đến gia súc, giống vật bò dưới đất và chim trời, vì ta hối hận đã làm ra chúng. Nhưng riêng ông Nô-ê thì lại đẹp lòng Đức Chúa..... "
Cổ em vẫn ngước hơi cao, nhưng bàn tay không hề đưa lên làm dấu Thánh. Em cũng không hề nhẫm đọc lời kinh. Em chưa thật quên phép tắc cầu Chúa nhưng cũng không còn thói quen, không còn nhớ một câu kinh nào thật trọn ven. Đôi mắt em vẫn mở lờ đờ, em không hẳn là nhìn vào dải vải nhung lất phất dăng ngang trên trần sân khấu, không hẳn nhìn vào một cái gì đó cụ thể, tuy nhiên em vẫn mang máng thấy, mang máng nghe và mang máng hiểu lời cáo trạng. Em như đang bơi trên con sóng của cơn đại hồng thuỷ, cũng chẳng có cảm giác gì là dữ dằn, là bi thảm khủng khiếp, hình như Chúa nói vậy là vẫn có ngoại lệ, có một khoang thuyền dành cho ông Nô-ê, dành cho ai đó nữa, tóm lại sự sống không vì thế mà phụt tắt như ngọn đèn dầu trước gió bão. Hiện tại đã chẳng rạch ròi thì quá khứ lại càng bồng bềnh thấp thoáng. Đáng ra em phải nhớ kỹ lắm mới phải. Nhưng lúc này, mọi chuyện đều không bến, không bờ.....
Em theo cha Cựu ra Vĩnh Sơn, nhưng không thể theo cha vào nhà Dòng Phước Sơn. Đó là dòng kín. Lúc đó em cũng không hiểu dòng kín là gì, chỉ biết đại khái rằng, sau những biến động từ khi ông Gia Long lên ngôi Hoàng đế, rồi ông Minh Mạng trị vì, lại nối qua ông Thiệu Trị, những sắc dụ cấm đạo, sát đạo liên tục ban hành cho đến cái năm 1885, Kinh đô thất thủ, lòng căm hận người Tây, căm hận tất cả ai có thân hình cao quá cỡ và mái tóc quăn màu râu ngô, cái mũi chọc dài như con đỉa, ngun ngút trong lòng dân bản địa, thì nhà thờ khắp cả vùng này lâm vào cơn đại hạn. Tổng giám mục ở Huế phải phân tán các lực lượng. Nhiều cha dạt ra các nhà thờ nhỏ(nhà thờ họ đạo). Cả dải đất Bình Trị Thiên này, xuất hiện hai nơi tu kín, ấy là nhà dòng Thiên An ở Huế, và dòng Phước Sơn ở bắc sông Bến Hải. Người vào tu trong dòng kín chủ yếu là cấp thầy, họ không tu để lên cha, không xuất hiện ra ngoài và dĩ nhiên bên ngoài cũng không thể bén mảng vào được. Ấy là cha Cựu giải thích cho em, hẳn là lý do để từ chối em, để không cho em gần, chứ lúc này đã là năm 1951 rồi, có còn phải cái thời loạn lạc, chạy trốn của các dòng đạo như thời 1885 nữa đâu. Em được cha gửi vào nhà phúc ở hạ lưu sông Bến Hải. Cái làng ấy gọi là Huỳnh Hạ. Khi em đến, nhà phúc có trên mười xơ. Sau một năm, lại có thêm bảy xơ từ phía trong dạt ra nữa. Hình như tất cả đều do cha Cựu dẫn về. Họ đều là những cô gái trẻ, đẹp mà khi ai đó nhắc đến tên cha Cựu, tất cả đều sáng mắt ra. Em cắn răng nuốt ực cái cục gì đó trong cổ.
 Vào cái giai đoạn năm 1951 ấy, thế cuộc đã có khác. Cả một vùng đồng ruộng mênh mông phía đông sông Bến Hải, sau này thuộc địa phận ba xã Lâm - Sơn - Thuỷ, kéo lên đến núi đồi trập trùng trên đầu nguồn sông đều là đất bỏ hoang, vì đây là vùng tạm chiếm. Người ở lại chủ yếu là đàn bà con gái, trẻ nhỏ. Còn trai tráng thì kéo lên chiến khu Thuỷ Ba, cũng là vùng đồi núi nối liến với khu nhà dòng Phước Sơn nhưng chếch ra hướng Bắc. Cả một vùng đất đai rộng lớn ấy thuộc quyền cai quản của các xứ đạo, họ đạo. Dưới cửa sông là xứ Di Loan, có chủng viện được coi là sớm nhất vùng Đông Nam Á. Lên đến ngã ba sông, nơi giao nhau giữa hai dòng Bến Hải và Sa Lung là khu cai quản của nhà Phúc, còn lên trên cùng, toạ lạc giữa một vùng đồi bát ngát là "chiến khu" của dòng kín, nhà dòng Phước Sơn. Nơi đó cha Cựu được phong làm cha nhất. Con sông Bến Hải chảy qua chỗ này đã hẹp lại như một con suối. Tuy nhiên, người qua sông vẫn phải cần đến một con đò. Đấy là bến đò Hói Cụ. Bên đông của con sông - mà nói thật chuẩn xác là bên này, phía Đông Bắc, là làng Dục Đức, còn bên kia phía Tây - Nam là làng Hói Cụ. Vào giai đoạn ấy thì cả hai bên đều thuộc xã Vĩnh Sơn của Vĩnh Linh. Nhưng hiện giờ thì khác. Bên Hói Cụ có Miếu Ông là vùng đồi của xã Gio Sơn - Gio Linh. Vùng đồi ấy chạy dài một mạch, nhập vào các triền núi, trập trùng cây rừng. Đấy cũng là một vùng chiến khu kháng chiến. Rồi núi lại tràn tiếp về phía Nam, gặp sông Hiếu, gặp cái làng Quách Xá, gặp cái thôn Quai Mọ của em. Hình như cái việc tôi gặp em ở bến đò xưa lặng lẽ này chính là do sơn tạo và trời định..... Thôi, chuyện đó khoan nhắc lại với em lúc này.
 Công việc cơ bản, thường nhật của nhà Phúc và cũng là của các xơ như em là cầu kinh và làm ruộng. Công việc của các cha, các thầy trên nhà dòng Phước Sơn cũng vậy, tự tu thân, cầu kinh giảng đạo và khai hoang, làm vườn, làm hàng thủ công, làm ruộng, chăn nuôi. Có lẽ em không hiểu vì sao lại như thế. Nhưng tôi hiểu. Hồi đó, khi mới quen em rồi sau đó thương em, tôi đã giảng giải cho em nhiều lần. Nhưng không dễ gì làm cho em tin ở lời tôi. Lòng tin của em từ thuở còn trong trắng đã ký gửi hết ở cha Cựu rồi. Vả lại, sau khi em biết tôi là Việt Minh, là Cộng sản, em lại càng không tin.
 Tôi đã cố gắng giảng giải cho em, nhà thờ đặt "Một tập đoàn cứ điểm" ở đây có mấy mục đích chính. Mục đích Tôn giáo là lợi dụng vùng đất bỏ hoang để tạo lập đồn điền, cũng không hẳn chỉ vì nguồn lợi kinh tế mà cái chính là phát triển cơ sở đạo. Họ đã khống chế hết đất đai. Người dân vùng tạm chiếm này muốn có ăn phải theo họ, xin làm thuê trực tiếp (gọi là trai bạn), hoặc xin nhận ruộng làm khoán nạp thóc lúa (gọi là làm rẽ, rẽ tức là chia lợi nhuận). Đương nhiên muốn được làm trai bạn hay làm rẽ thì phải theo đạo. Những gia đình theo đạo kiểu ấy kêu bằng "đạo theo" Mục đích chính trị của họ thì còn ghê gớm hơn. Khu nhà dòng Phước Sơn như cái đinh khổng lồ cắm phập vào giữa tâm của một tam giác kháng chiến, chia tách chiến khu Thuỷ Ba của Vĩnh Linh với trục đường giao liên đi qua bến đò Hói Cụ vào Giang Phao, Gio An là khu căn cứ Tây Gio Linh, lại cắt ngang cả tuyến liên lạc về miệt rừng Cam Lộ, qua Quách xá quê em để lên với chiến khu Ba Lòng. Chia cắt tam giác kháng chiến, nhưng chính họ lại thiết lập nên một tam giác giáo xứ, nối từ chủng viện Di Loan - An Ninh dưới cửa biển, lên Phước Sơn ở thượng nguồn, lại bắc qua Nam Đông - Nam Tây, vùng công giáo toàn tòng của Gio Linh và khu Phước Tuyền của Cam Lộ.
 Cũng vì thế mà Việt minh phải cài cắm loại cán bộ như tôi lọt vào trung tâm này. Em cứ khăng khăng bảo tôi lừa em. Cha Cựu cũng lừa em. Em đánh đồng tôi với cha. Em khóc sau những lần mây mưa, em bảo em là đồ dẻ rách đã biết cha như thế mà vẫn ngưỡng mộ như bị hút hồn, biết tôi cũng chẳng thật thà gì, sao cứ hiến thân! Em nói, em như con chim zát, loại chim len lén ăn ở bến đò, lại bị kẹp giữa hai cạm bẫy......
 Có thể em đã quên dần những lời kinh, cũng có thể quên thói quen làm dấu thánh. Nhưng tôi tự mình cam đoan trong lòng rằng, em chưa thể quên nổi cái lần gặp nhau đầu tiên, không phải ở bến đò Hói Cụ đâu em, mà ở đình làng chợ Huyện.
 Đó là một buổi chiều đầu mùa đông năm 1951.
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #4 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2009, 09:05:57 am »

Chương 2

Cả vùng đất rộng lớn thuộc ba xã Vĩnh Lâm - Vĩnh Sơn - Vĩnh Thuỷ được hoạch định bao bọc bởi hai con sông rất thơ mộng. Phía Tây -Nam là sông Bến Hải, chạy từ Cửa Tùng lên Hiền Lương, rồi qua Huỳnh Hạ, Huỳnh Thượng, Tiên An, Minh Hưng, Dục Đức - nơi có bến đò Hói Cụ, rồi lên Phước Sơn, bến Tắt.... Còn con sông phía Đông-Bắc là sông Sa Lung, bắt đầu từ một ngã ba nối với sông Bến Hải. Ngã ba đó chính là ranh giới của hai làng thuộc hai xã khác nhau. Phía Đông là Hiền Lương. Phía Tây là Huỳnh Hạ, nơi có nhà Phúc Phan xá! Từ ngã ba đó ngược lên chỉ chưa tới năm ki-lô-mét, lại có một ngã ba, có một nhánh sông nhỏ nối từ Sa Lung rẽ vào chợ huyện, lên Hồ Xá. Ngã ba đó mang cái tên làng, mà làng lại mang tên chợ. Đó là làng Châu Thị. Một khóm làng vẻn vẹn có bốn hộ dân. Nhưng Châu Thị vì gắn với bến đò chợ huyện nên lại là nơi sầm uất đứng vào bậc nhất Phủ Vĩnh lúc bấy giờ.
 Đò chở cá, nước mắm từ An Ninh - Di Loan Cửa Tùng lên, gồng gánh đưa chè, mít, khoai sắn từ trong vùng đất đỏ ra. Đò chở củi, chổi, muồng theo con sông đào từ ngoài Quảng Bình, qua Vĩnh Chấp, về Hồ Xá, mà xuôi xuống......Còn lúa gạo thì từ bên kia sông Sa Lung đưa qua, chủ yếu là nhà Phúc Huỳnh Hạ, theo đò lên chợ. Và người ta, bàn dân thiên hạ khắp cả vùng này thường để mắt nhiều nhất vào những con đò Huỳnh Hạ. Không phải vì nó mang nhiều thóc gạo. Chủ yếu là vì những cô gái trắng trẻo đến lạ thường, đẹp một cách khó tả, nhưng toàn bộ cái sự đẹp như cổ tích ấy lại được đùm gói trong những bộ áo choàng đen, trùm khăn đen. Chỉ lộ ra một khuôn mặt với những đôi mắt đen thăm thẳm. Chỉ cần chừng đó thôi cũng đủ mê mẩn cả chợ trời.....
 Sau những khuôn mặt, ánh mắt như tranh vẽ ấy, là những giọng nói. Chao ôi là những giọng nói. Không hẳn là giọng Huế, cũng càng không phải là giọng Quảng, không phải thổ âm người Cùa hay bè bè giọng biển Hải Lăng. Không... không phải bất cứ một thổ âm nào hết. Tất cả bọn họ, các cô gái ấy, như từ một lò đúc ra, có một chất giọng giống nhau mà lại không giống bất kỳ vùng đất nào. Tiếng nói khe khẽ nhưng lại vang, nghe rõ mồn một từng âm, hơi buồn buồn, ngang ngang nhưng tuyệt nhiên không nhàm chán. Họ nói như hát, như ru, tỉa tót từng lời. Nói tóm tắt lại, tất cả bọn họ, cho dù là ba người hay năm người, cho dù là đi đò hôm qua hay số mới xuất hiện ở đò hôm nay, tất cả đều như một, một khuôn, một hình, một chất giọng, không có lớn bé, già trẻ, không có tính cách, cá thể. Họ như thể có chung một bà mẹ khổng lồ nào đó đẻ năm, đẻ bảy một lúc để cho ra cả đám áo choàng đen, mặt trắng nõn này.
 Là nói vậy, tất nhiên, nếu nhìn kỹ một chút lại có thể phân biệt được đôi chút. Có một số cô, da mặt hơi sạm hơn, li ti thoảng hoặc có nếp nhăn ở khoé mắt, và những bà Xơ ấy thường có đôi mắt u ám hơn, những xơ ấy ít khi nhìn thẳng vào ai, thường hay nhìn xuống, cả dáng người, dáng mắt đều toát nên vẻ lãnh đạm, bí hiểm. Còn có một lớp khác, chắc hẳn là trẻ hơn, mắt cứ lúng liếng, và nếu thật tâm chú ý, ta sẽ thấy những ánh mắt ấy rực lên khi bắt gặp những người đàn ông khoẻ mạnh, đẹp trai đến đong gạo. Cái giọng trầm trầm, đều đều nhưng rất tròn vành rõ chữ kia lúc ấy cũng hơi bị run run, thậm chí có khi lập bập.
 Là nói vậy, tất nhiên ít có ai dám ngắm nhìn kỹ càng, xoi mói như vậy. Phải nói là không ai dám, vì ở đám bà xơ ấy, với cái áo choàng đen ấy lúc nào cũng toát lên vẻ thần bí của chúa. Đương nhiên, trong đám đàn ông ở chợ huyện không phải ai cũng sợ chúa. Họ sợ cái khác. Họ biết đám bà xơ này có mối quan hệ đặc biệt với người Pháp. Đó mới chính là rào cản quan trọng nhất để làm cho những ánh mắt cố tình lảng tránh nhau.
 Ở trong đình chợ nhốn nháo này, có lẽ duy nhất chỉ có một người dám nhìn kỹ họ. Nhìn rất kỹ, ngày này qua ngày khác, phân tích đánh giá từng khuôn mặt, từng dáng người..... Hắn ta không sợ Chúa, không sợ Pháp, không sợ cánh Xơ phản ứng. Thứ nhất là vì hắn ta có chủ đích, được giao nhiệm vụ ngắm nhìn. Thứ hai, vì hắn là thằng mù. Hắn là người đàn ông không ra trẻ, không ra già, áo thân đen, không có râu nhưng lại đeo kính đen.
 Hắn cũng chỉ mới xuất hiện ở đình chợ Huyện hơn nửa tháng nay thôi. Hắn làm nghề thầy bói.
*
Từ bao giờ em để ý đến tôi, vì lẽ gì mà em xô ập vào tôi. Ngày ấy thật sự tôi không tự biết. Mà chính em cũng không tự biết. Em quen với cha thì nhanh, nhưng em thật khó quen được với đức tin của cha. Khổ hạnh của em tuyệt nhiên không phải vì công việc đồng áng, cho dù làm ruộng đất này chẳng dễ dàng chút nào. Ruộng ở đây làm hai vụ. Nhưng chỉ có một vụ có nước, đấy là vụ lúa chiêm. Em cùng các Xơ ngâm giống, đi cấy, sau đó là gặt. Còn khâu làm ruộng, từ cày ải, bừa, be bờ, phạt cỏ, bón phân là phần việc của người dân làm trai bạn ở vùng này. Sau khi thu vụ chiêm là đến kỳ ruộng vại. Vại tức là vãi, do thổ âm ở đây đọc nặng mà thành. Trời nắng hạn kéo dài suốt vụ. Đất cày ải không được, người ta đốt rạ trên ruộng, đã khô cháy cho khô cháy luôn. Rồi dùng sức người mà cuốc. Đất cuốc lên từng tảng cứng như đá, trắng như vôi. Rồi dùng vồ mà đập. Đập từng hòn đất, có hòn phải giáng đến ba vồ mới vỡ hết. Trong nhà Phúc có đến vài ba chục chiếc cuốc, lại có ba bốn chục chiếc vồ. Không chỉ có trai bạn, người làm ruộng rẽ phải đập đất, mà tất cả các Xơ trẻ đều phải đập. Em đương nhiên cũng phải lăn mình ngoài ruộng. Đôi bàn tay phổng rốp, lấy vải bố bọc tay lại, ngâm nước muối. Rồi tay cũng chai ra. Bụi đất trắng mù mịt một vùng như khói. Một ngày làm đất vại, những tấm áo choàng đen phủ lớp bụi trắng như vôi.
 Nhưng cái cực khổ, nhọc nhằn ấy chưa phải đã làm em sợ. Hãi hùng nhất với em là phép tắc cầu kinh trong nhà Phúc. Đấy là chưa kể những khi bị Xơ bề trên quở trách. Các Xơ đến trước hầu như ít bị quở. Bảy cô đến sau thì thường xuyên vướng tội. Khi thì không chịu khó, siêng năng, khi thì quên đọc kinh trước giờ ngủ, khi lại nói năng hớ hanh như người đời không đúng khuôn phép. Có lúc đi làm phúc lại không giữ đúng phận con Chúa mà đùa cợt thái quá với trẻ con. Mỗi lần bị quở, dù là buổi sáng, buổi trưa, hay trước khi ăn, trước khi ngủ đều phải quỳ trước tượng thánh giá mà đọc bài kinh tuỳ theo nội dung vi phạm. Trong tất cả các tội lỗi ấy, sợ sệt nhất là tội không giữ mắt, giữ miệng trước đám đàn ông trai bạn..... họ quá khoẻ mạnh, quá vô tư, có người còn rất liều mạng. Mấy Xơ trẻ cứ như bầy chim non xao xác, trôi giạt trước những cơn gió mạnh. Ở nhà Phúc không có cha để xưng tội, nhưng Xơ bề trên quản huấn thì còn đáng sợ gấp mấy cha bề trên.
 Trong số các Xơ trẻ đến sau, em là người được Xơ bề trên tin cậy nhất. Xơ trên lấy em làm gương để răn dạy các Xơ trẻ khác. Nhưng em chẳng lấy thế làm mừng, bởi vì lời biểu dương của Xơ bề trên đã khiến cho đám bạn Xơ cùng lứa xa lánh em, họ thường lãng tránh chào hỏi, không làm việc cùng. Họ túm tụm ở một khóm đầu bờ ruộng xa kia, thỉnh thoảng đánh mắt về phía em, xầm xì với nhau điều gì đó......
 Ai biết được em khổ tâm dường nào. Em đâu có muốn tự ép xác mình để được thăng tiến. Thực ra em cũng có những khát khao, cũng muốn lột phăng chiếc áo quàng đen và chiếc khăn trùm đầu... Nhưng mà không phải vì mấy lão đàn ông cầm vồ đập đất kia đâu. Mấy thằng cha ấy như Xơ bề trên đã nói là những con quỷ xa tăng nói tiếng cười. Mấy thằng cha ấy đứng trước mặt các Xơ trẻ là mắt ti hí, lưỡi liếm môi, tay cứ xoa xoa vẽ vẽ vào đầu cái vồ gỗ nhẵn thính trộc lốc... Đám xơ trẻ nhiều đứa đỏ mặt, nhiều đứa đấm vào lưng nhau rồi bỏ chạy. Những cử chỉ đó không thể lọt qua mắt Xơ bề trên. Đêm này chắc chắn phải quỳ và đọc kinh sám hối. Em thì không. Không phải em dị ứng với những động tác gợi dục đó, mà ngược lai, nhìn những cử chỉ đó lại dội lòng em về với một bến đợi xa hơn, mơ hồ hơn nhưng lại vô cùng khát khao cháy bỏng. Đó là cha Cựu. Giờ này cha ở đâu. Trong trăm ngàn dây phút của một tuần, một tháng trên con đường khổ hạnh đi về bên Chúa, có một giây nào cha ngoảnh lại bến quê xưa?
*
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #5 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2009, 09:07:30 am »

Thì rồi cha đến thật. Đó là một buổi chiều mùa đông, mưa phùn gió bấc. Một bóng đen đi chiếc xe đạp lộc cộc, lao vào cổng nhà Phúc. Rồi tấm áo choàng đen đàn ông ấy không hề dừng lại, không hề ngoảnh nhìn, không hề lộ mặt đã lướt nhanh vào phòng Xơ bề trên. Lúc này hầu như các Xơ đều có mặt ở nhà chung, tất cả vừa đi làm cỏ lúa về, chưa ai kịp thay quần áo. Tuy người đàn ông đi nhanh, không chào hỏi, không lộ mặt nhưng tất cả đều cùng một lúc nhận ra. Đó là cha nhất nhà dòng Phước Sơn ở trên thượng nguồn. Cha về với hạ nguồn làm chi hè?... Tất cả các Xơ đều đứng đó, chờ đợi. Mà có ai bảo chờ đâu, Xơ bề trên không hề có lệnh phải tập trung đón tiếp. Nhưng các Xơ không ai đủ sức đi về phòng.
 Gần nửa giờ, Xơ bề trên bước ra. Cha Cựu theo sát phía sau. Xơ bề trên nhìn tất cả các Xơ tỏ vẻ ngạc nhiên. Nhưng cha nhất đã nở nụ cười tươi tắn. Chao ôi, nụ cười mới mãn nguyện làm sao, mới trẻ trung và chan chứa làm sao, cho dù nhìn kỹ thì chợt thấy cha có già đi, có vẻ trần ai hơn, hẳn là cha đã đi được quãng đường khó khăn nhất. Cha đã rất gần Đức chúa.
 - Chào các Xơ! Các xơ có khoẻ mạnh không?
Tất cả nhao lên:
 -Thưa cha, khỏe lắm ạ!
Riêng em không sao mở miệng được. Sao cha chỉ chào chung mà không nhìn vào em? Sao cha lại gọi các Xơ mà không gọi em, hoặc con... Tiếng con nghe ra còn tha thiết. Con có thể ngã đầu vào ngực cha, còn Xơ thì không thể....
 Chỉ có vậy thôi. Sau một nụ cười thật tươi tắn, một câu chào rất chi sảng khoái, rồi thì cha cúi xuống một cái là ngẩng lên, tay đưa nhanh làm dấu thánh, rồi thì nhảy phốc lên chiếc xe đạp. Cha cúi người mà đạp trên con đường đất đồng lấm tấm mưa phùn. Đường lên Phước Sơn, vừa ngược dốc, vừa ngược gió. Hẳn là cha cơ cực lắm!
 Bữa cơm chiều hôm đó ở nhà Phúc thật đặc biệt. Nhiều Xơ ăn ngon miệng hẳn lên, ăn ngon như chưa bao giờ được ăn ngon như thế. Ấy là nhờ được gặp cha. Nhiều Xơ lại không sao nuốt được hoặc là cứ xăm xăm đôi đũa vào bát cơm, hoặc là gác ngang đũa lên bát. Có cái gì đó nghèn nghẹn, tui tủi, oan oan... Xơ bề trên nhìn lướt một vòng, xơ hiểu hết. Bỗng Xơ khẽ thở dài, đưa tay lên làm dấu thánh.
 Riêng em vẫn và cơm, không nhanh hơn mà cũng không chậm hơn bình thường. Em vẫn cố nhai, cố nuốt. Mắt không liếc nhìn ai. Có cái gì đó thật khô khan và vô nghĩa cư lãng vãng trước mắt.
 Có lẽ nhờ cử chỉ khô khan ấy mà tối đó, Xơ bề trên đã bước vào buồng em. Nhìn thấy Xơ, em hết hồn, em luống cuống bò từ trên giường xuống quỳ vội trên mặt đất, tay run rẩy làm dấu thánh. Câu kinh lộn từ đít lên đầu.. "Amen... lạy Chúa lòng lành..."
 - Xơ đứng dậy đi!
Xơ bề trên nói rồi ngồi xuống mép giường, mắt nhìn xoi mói vào em.
 - Có việc này, chị dành riêng cho em.
Lạy Chúa, sắp đến ngày tận thế rồi chăng. Có bao giờ Xơ xưng hô như thế. Giọng em càng run hơn:
 - Thưa... chị....
- Có việc này... ta giao cho Xơ - lạy Chúa, lại thay đổi cách xưng hô rồi, sao có thể thay như lật bàn tay vậy - Mười ngày một lần, Xơ được lên Phước Sơn...
Người em như bồng bềnh trôi. Lời của Xơ bề trên nghe như ở đâu xa lắm vẵng tới, có lẽ ở tận thiên đàng.
 - Nghe ta dặn cho kỹ đây. Lên đó là lên thánh địa, tuyệt đối không đi lại lung tung, không gặp gỡ lung tung, không hỏi han lung tung.... Xơ chỉ được vào một gia đình ở họ đạo Phát Lát. Làng đó kêu bằng làng Phát Lát, nghe kỹ chưa? Ông chủ nhà tên là Kiềm. Ông Kiềm nhớ kỹ chưa...
 - Dạ rồi răng nữa?
 - Xơ nhận ở đó số thuốc lá quấn điếu do xưởng quấn thuốc trong nhà Dòng họ làm, chuyển về đây.....
 - Chuyển về đây để đi bán hả Xơ bề trên?
 - Không. Rồi Xơ lại chuyển về chợ huyện theo gạo.....
 - Lạy Chúa! Em phải bán thuốc lá ở chợ?
 - Nghe ta nói cho kỹ đã. Xơ bán gạo ở chợ, còn thuốc thì không bán mà thẳng đò lên đồn Hồ Xá, giao trực tiếp cho ông trưởng đồn.
Cả người em như muốn bật dậy, em quên mất mình đang nói chuyện với ai:
 - Không đâu....Em không vào cái bốt ấy đâu, Xơ ơi......
Xơ bề trên khẽ thở dài, đặt nhẹ bàn tay lên tay em:
 - Không có gì đáng ngại. ở đó, người ta biết em là ai, không ai dám hỗn láo đâu.
Mi mắt em khẽ chớp:
 - Sao cơ..... Họ sợ Xơ à?
 - Ta có đáng gì mà họ sợ - một cái nhìn chéo hiếm thấy ở Xơ bề trên, cái nhìn sâu xa khôn lường - bọn lính ấy sẽ biết em là người của cha Cựu.
 Có cái gì đó đột ngột xốn xang, em phải cúi xuống, hỏi lí nhí:
 - Ờ ờ... chỉ có cha thì mới đáng cho chúng nó sợ.
Lại một cái nhìn chéo, rồi bất ngờ thêm một cái mỉm cười. Cái cười khẽ mím môi lại còn hiếm thấy hơn ở Xơ quản giáo.
 - Chúng nó đâu có sợ cha Cựu.
 - Thế thì......?
 - Xơ nên biết rằng, trên nhà dòng Phước Sơn, cha Cựu là cha nhất. Nhưng trên cha Cựu còn có hai cha cố ngoại quốc. Một cha người Pháp tên là Vecna, một người cha Ý tên là Rumbe. Chính họ mới là nỗi sợ hãi cho các quan tây dưới quốc lộ.
 - Lạy Chúa...... Bất giác em kêu lên và làm dấu thánh. Không phải vì em lây sự sợ hãi trước các cha cố tây, mà vì em thấy quá bất ngờ, quá xúc động. Thật không ngờ em lại được Xơ bề trên tin cậy đến thế, được Xơ kể cho nghe những điều to tát đến vậy. Cả nhà Phúc này mấy chục con người, nào có ai được hạnh phúc như em.
*
Từ nhà Phúc Phan Xá - Huỳnh Hạ lên Phát Lát - Phước Sơn, có thể đi đò dọc theo sông Bến Hải. Nhưng đường đò này chủ yếu là dành cho dân đạo Di Loan đưa mắm muối lên Nhà Dòng và chở gạo, sắn, cả trâu bò nữa từ trên " đất thánh" ấy về cho dân vùng cửa biển. Còn dân Vĩnh Sơn chủ yếu là đi đường bộ, băng qua những mảnh ruộng chằng chịt bờ bụi thì lên tới vùng đồi. Thuở đó, đồi rậm rịt lùm bụi, muông thú nhiều vô kể. Còn có cả cọp nữa. Vùng này nối liền với chiến khu Thuỷ Ba, nơi có cọp thành tinh và cũng là nổi tiếng với hội làng bắt cọp. Tuy nhiên từ khi ông Thượng Thư Bộ Công Nguyễn Hữu Bài, một con chiên sùng đạo (vào học chủng viện An ninh- Di Loan từ khi mới mười tuổi) xin với triều đình để trưng dụng toàn bộ đất hoang hoá mà khai khẩn lập ra ngũ môn: Phước Sơn, Phước Sa ở Vĩnh Linh, Phước Môn ở Hải Lăng, Phước Tín Phước Xuyên ở Truồi, thì ông cũng cho khai phá một con đường lớn, được coi là tỉnh lộ chạy song song với dòng Bến Hải mà lên tới Dục Đức, Phát Lát, Phước Sơn.
 Chẳng ai rõ sau này, giữa cái nhà dòng Phước Sơn và ông đại thần triều Nguyễn có mối quan hệ gì, nhưng toàn bộ vùng đất khai phá ấy lại trở thành đất đạo. Và con đường lớn ấy nghiễm nhiên cũng thành đường của Chúa!
 Sáng nay, em bắt đầu chuyến đi đầu tiên trên con đường của Chúa, lên với vùng "thánh địa", mà thực ra trong lòng em biết rất rõ là đang đến với ai.
 Đi bộ trên đường đất từ Phan Xá lên Cổ Hiền, tới Lê Xá thì gần như hết ruộng, bắt đầu vào vùng đồi. Tới đầu thôn Yên Cư thì trời đã xế chiều. Mây mỗi lúc một đặc lại trên đầu, gió se lạnh. Trời tuy không mưa nhưng rất u ám. Đường của cụ Thượng Thư Bộ Công tuy có to nhưng khi chui vào miệt rừng này bỗng thành heo hút như một lối mòn nhỏ. Rất ít gặp người đi lại trên đường. Tay em luôn luôn làm dấu thánh, miệng lẩm bẩm những câu kinh lẫn lộn.....
 Rồi thì mọi lo lắng cũng qua. Một nhà thờ nhỏ hiện ra ở phía đường. Em biết đó là nhà thờ họ đạo Phát Lát. Một cháu gái chừng hơn mười tuổi, tay dắt mũi con trâu đực to gần chục lần người em. Chính cháu bé đen điu đó đã chỉ nhà ông Kiềm. Em đương nhiên cảm ơn và xoa đầu bé làm phúc.
 Em run run bước vào ngõ, mắt không dám nhìn lên. Em cố tưởng tượng ra cảnh cha Cựu chạy ùa từ trong nhà ra đón em. Nhưng em vội làm dấu thánh, cố xua cái cảm giác ác quỷ ấy đi.... Lạy Chúa toàn năng hãy đổ tràn lên con, giúp con xua tan ma quỷ. Amen!
 Đón em không phải cha nhất, cũng không phải ông Kiềm mà là hai cô gái. Một cô có lẽ suýt soát tuổi em, đứng ở bậc cửa, vịn tay vào bờ tường, nhìn em gằm gằm. Còn một cô chạy ra, có lẽ là em gái vì có khuôn mặt hao hao với cô kia, nhưng tươi tắn hơn, dễ chịu hơn.
- Chị có phải là chị Lương không?
- Dạ... tôi tìm....
 - Em biết rồi. Cha bề trên bảo nhà em đón chị.
Người em bỗng như bước hụt:
 - Thế cha không đến đây sao?
Một nụ cười toét miệng, cô em liếc nhanh vào cô chị:
 - Có chứ. Không đến răng được.
Em thở phào. Cơn mệt ào đến. Em ngồi bệt xuống giường. Cô em loay hoay rót nước. Cô chị vẫn tựa lưng vào tường nhìn em. Hớp một ngụm nước lá vằng chát đắng, em thấy tỉnh cả người. Bây giờ em mới kịp nhìn khắp nhà và hai cô con gái....
Hai ngôi nhà gỗ, một trước, một sau được nối với nhau bằng mái cầu. Em hiểu nhà trên để ở, nhà dưới là bếp nấu, kho tàng. Nhưng sao nhà trên tường vách sơ sài, còn nhà dưới lại thưng che có vẻ kín đáo. Hay nhà này thuộc loại nhà giàu, nhiều của cải?
- Chị ngồi nghỉ, để em đi dọn cơm.....
 - Ấy tôi......
- Thì cha dặn em thế mà.
Lại cười. Nụ cười toang hoác. Bất giác em nhớ đến bạn mình ở làng Phước Tuyền. Tất nhiên không thể so sánh thế được. Li cười cũng toét miệng nhưng mà duyên. Duyên từ môi đến khoé mặt. Còn cô gái này... Em bình tâm ngắm kỹ. Cả hai cô đều thấp lùn, cơ thể đều nở nang, ngực phổng pháo, mông bè bè. Tuy nhiên, cô em - là em đoán vậy - có vẻ dễ ưa vì có đôi mắt ướt át và lúng liếng. Đôi má cũng hồng hào và phúng phính hơn.
- Hai chị đây..... chắc là chị em?
Cô em vẫn nhanh nhẩu hơn:
- Dạ chị đây tên là Núc, em là Nắc!
Suýt nữa thì em phì cười. Em đưa tay che vội miệng rồi vờ kéo lại mép khăn. Lạy Chúa, người đời sao sướng thế, đến cái tên gọi cũng thoải mái như thể trên đời chẳng cần ai nghe.
Bữa cơm quê nấu khá ngon. Cá rô kho mặn. Đọt bí ngô luộc chấm nước mắm gừng. Cơm có trộn ít sắn nhưng rất dẻo. Biết là ngon và thật sự em đang đói. Nhưng sao em vẫn chẳng muốn ăn. Cứ tưởng thế nào cha cũng có mặt, cũng ăn cơm. Ai dè chỉ có ba đứa con gái dở lạ, dở quen. Một đứa mặt gằm gằm, một đứa nói liến thoắng. Em lặng im nhai cơm rồi nuốt một cách mệt nhọc như đang leo đồi.
 Rồi thì cha đến. Chào ào vào khi những chiếc bát đã xếp chồng lên nhau. Cả hai cô gái chủ nhà cùng reo lên một lúc: Cha!.... Em sửng người một chút rồi bình tĩnh đứng dậy, giọng tỉnh khô:
 - Thưa cha, Xơ bề trên dặn con......
- Rồi rồi... Cha có sẵn hàng cho con đây.
Một chiếc gùi to nhô ra những cạnh vuông vức đặt xuống ngay giữa giường. Cha khẽ thở mạnh một cái rồi nói tiếp:
- Con đưa về rồi phải đưa ngay đến chỗ người nhận, đừng chậm trễ nghe.
Em luống cuống đứng dậy:
- Nhưng thưa cha... con phải về ngay ư? Trời sắp tối rồi mà.....
Cha khẽ gật đầu đưa mắt ra hiệu cho hai cô gái chủ nhà. Nhoáng một cái, cả hai ả đã rút ra nhà sau. Cha nhẹ nhàng ngồi xuống bên em. Tim em đột ngột đập mạnh.
- Trời tối, đường rừng, con không đi được đâu...
- Dạ...
 - Nhưng... con cũng không thể ở lại nơi này được. Đây là vùng đất thuộc dòng kín, không ai được vào, con hiểu rồi chứ! Cha tin con mới bảo Xơ bề trên giao việc này cho con, chứ các Xơ trẻ khác thì không thể cho vào đây được.
- Dạ......
- Tuy nhiên, con nhận hàng rồi thì phải đi. Gắng một đoạn xuống làng Dục Đức, cạnh bến đò Hói Cụ. Ở đó, cha đã sắp xếp cho con một nhà quen, chị chủ nhà tên là Miên, chồng lái đò ngang. Từ rày về sau, con sẽ ngủ đêm tại đó... Thôi, con xuống núi kẻo muộn...
Trời chưa tối nhưng em có cảm giác tất cả đã sập xuống. Đột ngột và đơn côi. Em không còn nhớ phép tắc, lễ nghĩa, quên cả cử chỉ xã giao thông thường, tay khoác mạnh chiếc gùi lên vai, không chào cha, không chào cả những cô gái chủ nhà đã mời em ăn cơm. Em cúi đầu đi như chạy. Có cảm giác phía sau, cha khẽ nén tiếng thở dài và run run đưa bàn tay lên làm dấu thánh.
*
Đó là mùa đông đầu tiên em thật sự thấy u sầu. Thực ra bấy lâu em không tự biết mình đã đi qua tuổi thơ ngây. Em cứ sống, cứ thấp thõm, cứ bồi hồi. Thời gian cứ như không hề trôi chảy, em cư ngỡ mình vẫn độ trăng tròn, tuổi mười lăm mười sáu... Em quên mất năm nay, năm 1951, em đã bước vào tuổi hăm mốt, trái cây đã ngã màu, mỗi ngày một chín hơn, mọng hơn, và có thể rụng bất cứ lúc nào.
 Sau cái lần đầu tiên được lên nhận thuốc ở nhà dòng Phước Sơn, rồi chuyển về đồn bảo an ở Hồ Xá, công việc chẳng có gì đặc biệt. Đúng như kế hoạch, mười ngày sau em lại đi, lại gặp cha, nhưng lần này em tỉnh táo hơn, biết thân biết phận hơn, không nói chi nhiều, chỉ cúi chào, thưa và dạ rồi lùi lũi quay về. Rồi mười ngày nữa, lại lên chuyến nữa......
 Bọn lính bảo an ở đồn Hồ Xá, quả thật lần đầu em đến, chúng có nể sợ. Chúng cũng dạ như em dạ, cũng đưa hai tay nhận gùi thuốc và cúi chào như em cúi chào. Nhưng đến lần thứ hai thì đã có thằng nháy mắt, có đứa bạo phổi còn dám gọi: này này cái chị gì ấy ơi!
Lần thứ ba em đến, chúng có vẻ như chờ sẵn. Ba thằng lính trẻ, đẹp trai cùng chạy ra, một đứa đỡ gùi, một đưa táo tợn cầm tay, đứa nữa lột tấm vải ni lông che mưa vô ý lộc cả tấm vải đen bịt đầu. Em khẽ hất tay chú lính ra nhưng cũng không hề cáu! Chúng nó cười thật vui vẻ. Lần đó em có ngồi vui hơn một chút, dám uống hết li nước chúng mời.
Rồi lần thứ tư, chỉ một thằng ra đón. Em chột dạ, cứ chắc mẫm lần này phải nhiều thằng hơn lần trước mới đúng. Chúng nó đã thấy chán mình rồi chăng? Một thoáng lòng em se lạnh. Nhưng vừa bước vào cái phòng trực ban, đột ngột hai thằng kia xuất hiện, mắt như muốn lồi ra, miệng cười nham nhở:
 - Sao chiều ni qua muộn rứa em? Có đứa mô ngáng em giữa đường ư?
- Ui chao, út tao ướt hết rồi nè, tội nghiệp út.......
Một đứa lột ni-lon, lần này thì cố tình lột vải trùm đầu. Người em bỗng run lên. Có lẽ vì trời quá lạnh. Thằng lính gọi em bằng út bỗng tru tréo lên:
- Ui chao, mặc áo mưa kiểu chi mà ướt hết ri út? Coi này, coi này.......
Rồi hắn hấp tấp phủi bụi nước, phủi trên tóc, phủi bờ vai, quệt tay lên cổ, mồm cú xuýt xoa: tội chưa, khổ chưa...Bất ngờ, cái bàn tay thô như chiếc bai thợ nề bỗng phủi mạnh lên bộ ngực đang phập phồng. Không phải là phủi mà quệt, cũng không phải quệt nữa mà thực ra là một cú ấn mạnh như bàn ủi lên bầu vú. Em giật bắn cả người, hai chân run bần bật. Em lao đầu ra cửa, chạy xiêu vẹo. Sau lưng em oai oái một cơn cười thốc tháo như nôn oẹ.
 Em bổ nhào xuống đò, chiếc đò chao nghiêng như muốn lật. Tay em luống cuống ôm lấy mái chèo. Đò quay qua bên này rồi lại hất sang bên kia. Có lẽ phải mất tới dăm phút, chiếc đò mới bơi được thẳng...
 Rồi thì em cũng dần bình tâm lại, rồi thì cơn rét cũng nguội đi. Em thở dốc ra một cái, khẽ cúi xuống nhìn vào ngực áo mình nơi có hai bầu vú căng tròn, nơi vừa ghi dấu chiếc bàn ủi thô bạo đó... Đột ngột có cái gì đó râm ran trong người như kiến bò. Rồi một luồng nóng bốc lên, từ lồng ngực lan lên hai thái dương, hừng hực phả ra đôi gò má... Cả người em lâng lâng...
 
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #6 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2009, 09:12:43 am »

Về đến ngang chợ Huyện thì em chợt thấy đói. Một cơn đói đến nôn nao. Em ghé đò vào bến, mau mắn bước lên nhằm thẳng cái quán bán bánh đúc ở phía bên kia đường quốc lộ.
 Đang lướt đi nhanh, chợt em hơi chững lại. Hình như có ai đó ở trong túp lều quán bên cạnh đang nhìn xoi mói vào em. Ai nhỉ? Chợ đã tan lâu rồi. Cả khu đất chỉ còn ngổn ngang giấy lộn, cọng rau, lá gói bánh và những chiếc lều toành toàng, xác xơ... Em định tâm nhìn kỹ. Có người. Trời đất ơi, lão thầy bói....
 Lão mù đang nhìn em? Em chợt phì cười. Mù mà cũng ưng ngắm con gái ư? Chợt một ý nghĩ độc ác vụt loé lên. Lão có ưng ta cởi truồng ra không.... Hay tí nữa quay lại đây, ta sẽ vờ ngồi đái tại chỗ này, ngoảnh mặt vào phía lão nhé. Lạy chúa tôi... ác quỷ đã xui con nên mới có ý nghĩ tội lỗi ấy. Xin Chúa toàn năng tha tội. Amen!
 Đói quá cho nên "con mắt to hơn lỗ miệng", em xỉa ra một lúc hai hào. Em mua cả hai tảng bánh đúc to. Một, gói lại gọn gàng, còn một cầm trên tay, khẽ đảo mắt một vòng, chẳng có ai nhìn thấy, em cho luôn vào mồm nhai sần sật.
 Phải nuốt hết nửa tấm bánh đúc, em mới thấy thật sự tỉnh táo, vừa nhai, vừa chầm chậm quay trở lại, vừa nhởn nhơ nghĩ ngợi. Cái lão thầy bói đó có đói không nhỉ? Lão cũng lắm tiền chứ chẳng đến nỗi nào. Mấy lần tới chợ bán gạo em để ý thấy lão đều có khách. Mà thật là lạ, khách toàn con gái. Có cô béo phục phịch, có cô gầy nhom, cô thì vừa chìa tay cho thầy nắn nắn vừa cười khúc khích, cô lại rụt rè hoảng hốt như đang ngồi trước thần linh. Em theo Chúa. Chúa không cho phép con chiên tin vào mê tín dị đoan, vì vậy em phải lánh xa cái thứ bói toán tầm phào ấy... Nhưng mà, nhìn đám con gái cứ xoắn xuýt lấy lão, em lại thấy kỳ kỳ, đôi khi cũng muốn biết cái lão mù ấy nói những gì mà đám dân vô đạo ấy lại như bị bùa mê, thuốc lú thế. Em muốn biết lắm, nhưng không dám. Mỗi lần đi chợ có vài ba Xơ, em mà lởn vởn tới gần lão ta thì đêm ấy về hẳn không sao sống nổi với Xơ bề trên... Mấy lại, cho dù không có các Xơ khác nhìn thấy, nhưng với tấm áo choàng đen đặc biệt này mà lại làm cái điều trái ý Chúa thì dân ngoại đạo cả chợ này sẽ nghĩ thế nào về các con chiên?
Em là đứa đã quen giữ mình, giữ mình từ thủa mười lăm mười sáu, đến nay đã tuổi hăm mốt. Em quyết ghìm mình để giữ gìn cho cha, cho Chúa, nhưng sao cha và Chúa vẫn thăm thẳm nơi đâu để cho mấy cái bàn tay gớm ghiếc ấy chà xát lên ngực em! Mà sao cha biết cái bọn chó ấy là quỷ sa tăng lại đùn đẩy em đến... Có gì mấy gói thuốc lá ấy mà phải chọn đến một Xơ ngoan đạo nhất, tin cậy nhất đưa đi..
Bỗng nhiên em thấy bực tức, thấy ngột ngạt, thấy cáu tiết. Giá như được hét to một tiếng, đồ lừa phỉnh, chắc hẳn em sẽ thấy nhẹ lòng. Nhưng ai là đồ lừa phỉnh! Lạy Chúa, con đâu dám nghĩ là Chúa hay Cha... Xin đừng trừng phạt con. Con đang rủa kẻ khác. Ai ư? Lão ta đấy, lão thầy bói ấy......
Thế nên em quay người bước vào. Em tự lý sự trong đầu rằng, thứ nhất là vào để thay Chúa vạch mặt kẻ lừa phỉnh. Thứ hai, có lẽ đây là lí do chính, chợ không còn một ai, trời lại lất phất mưa, mờ mịt cả một bãi sông, cả đến trên đường quốc lộ cũng không có một bóng người. Chẳng ai nhìn thấy em để mà chê trách Chúa.
 Tuy vậy, em vẫn bỗng thấy hồi hộp... Lão ta đã ngẩng lên. Em biết bên trong hai mắt kính đen thui kia là những con mắt đã mù. Lão sẽ chẳng biết em là ai. Thế sao em vẫn thấy sờ sợ. Và bắt đầu run...
- Chị muốn biết về việc chi?
Em giật bắn cả người. Làm sao lão lại biết có người, mà cho dù có nghe được tiếng bước chân rồi tự đoán mò thì làm sao biết là đàn bà mà gọi "chị"...
- Chị ngồi xuống đi... đưa tay trái đây...
Em như kẻ bị thôi miên, bàn tay thập thò nửa muốn chìa ra nửa như thụt lại! Em đảo vội mắt nhìn ra phía sau. Không có ai. Trời vẫn mù mịt như khói phủ. Thế rồi không biết do ai chủ động, em hay lão ta, bàn tay em đã nằm gọn vào giữa hai tay đàn ông. Lạy Chúa lòng lành, hãy tha tội cho con!
Một làn hơi nóng từ từ nhưng rất mãnh liệt từ nơi đó lan ra, truyền đi, râm ran, bồi hồi, đủ cho cả cơ thể lạnh giá của em phút chốc bừng lên.
 Em khẽ thở ra một tiếng rất mạnh. Cái thở ra như là một sự chấp nhận, đánh liều. Sau đó em định tâm nhìn kỹ lão. Chợt em giật mình. Không phải là lão, Chúa ơi, nghĩa là lão chưa hề già, thậm chí còn quá trẻ. Một nông dân, không, một chàng trai, mà đẹp nữa, mà có gì đó thật quyến rũ, trừ hai kính mắt đen... Giọng nói thầm thì, không quá cao, không quá thấp, cứ như là một lời tâm sự chứ không phải cách thầy bói nói mò.
 - Chị có thể nói cho tôi năm sinh tháng đẻ được không? Nếu có cả giờ sinh nữa thì tốt.
- Dạ… Đột nhiên em cảnh giác. Sự khôn ngoan bẩm sinh khiến em phải tính toán lựa chọn. Không nói sự thật thì không thể có cơ sở khẳng định hắn lừa phỉnh. Nhưng cũng cần thử thách hắn chứ! Em khẽ mỉm cười một mình rồi nói cho lão biết cả giờ, cả ngày, cả năm tháng sinh của mình. Rồi em hỏi luôn:
 - Thầy có biết tôi làm nghề chi không?
 - Dạ, chị mệnh kim, chu sa kim, tức là vàng lẫn trong cát. Chị là người đoan trang, chuẩn mực, chị lúc nào cũng tự ép mình trong bao nhiêu ước muốn. Nhưng tiếc thay, người ta không chịu nhìn thấy những hạt vàng trong cát. Người ta thật quá vô tình.......
Em suýt kêu lên. Lòng em bỗng nhiên mềm lại. Có cái gì như một sự tủi thân nghèn nghẹn trong lòng ngực, chẹn lấy hơi thở. Khoé mắt đột nhiên rơm rớm nước...
 - Mệnh chị cao, nhưng lại lỗi mùa sinh, kim khắc mộc nên càng thương người thì lòng càng bị tổn hại... Mệnh kim là mệnh sang, đàn bà có mệnh kim cũng là loại xinh đẹp và sắc sảo. Chị thật sự đáng để cho nhiều người yêu mến… Nhưng mà...
- Thôi thầy...
Em bỗng nghẹn giọng và rụt vội tay lại. Nhưng em không đứng lên.... Một giọt nước mắt lăn tròn xuống gò má. Em khẽ kéo mái khăn trùm đầu lau nhẹ nước mắt. Rồi em rút tờ bạc hai hào khẽ khàng đặt vào tay thầy.
Bàn tay thầy bói bất ngờ gập lại, ốp lên tay em. Em để nguyên vậy, rất lâu.
 
Chương 3
Tôi biết về sau này, em oán tôi, hận tôi, coi tôi cũng là lũ đểu cáng chính là vì những câu nói trúng phốc tâm can em hôm đó. Em gục ngã hoàn toàn khi bị người khác lột trần gan ruột mà bấy lâu em kìm nén, cất dấu, tự lừa dối chính mình.
 Bây giờ thì em đứng đó, tham dự một phiên toà mà tất cả những người có mặt đều sôi lên sùng sục như thể hàng mấy ngàn con người này đang bị luộc trong một cái chão tội ác. Riêng em thì cứ như một kẻ vô hồn. Đành rằng em không phải là bị cáo. Em cũng không trực tiếp bị hại. Nhưng em cũng không giống như mấy trăm con người đang chen chúc trong hội trường, hay hàng ngàn người nhễ nhãi mồ hôi ngoài sân Nhà văn hoá. Tất cả những khán giả ấy đến đây là để được nhìn thấy tận mắt nanh vuốt của những con chuột -  người đã đào mồ cuốc mả người khác, xé cốt, chia thân kẻ khác, để được nghe tận tai tâm địa ác độc và những mưu mô tính toán đến tởm lợm của loại sâu mọt trên trần gian, và để nghe trực tiếp lời phán xét không phải của Chúa trời mà của chính đồng loại giáng xuống. Em đến để làm gì, thật ra em cũng không tự biết. Em cố chen lên gần trên cùng, rất sát với gáy bọn người phạm tội. Ở đó trong đám áo sọc kia có những người đã vì em, vì em mà oan sai, vì em mà ác độc. Ít nhất có đến hai người như vậy.
 Và sau lưng em, ở trong một không gian thế giới khác còn có tôi nữa, là ba.
 Nhưng mà, không phải em hốt hoảng đến để thương xót, để chia ly hay để kêu oan, để chạy tội... Với những người kia, cho dù đó là Đọt, đã từng là chồng em, cho dù đó là Rệ, đã từng trù úm em, hay cả tôi nữa, đã từng có một giọt máu với em, thì giờ đây trong lòng em mọi ký ức đã bở ra, rệu rã và nhạt thếch. Đã trên bốn mươi năm rồi còn gì.
 Em đến ơ hờ như Chúa dẫn em đến. Có một thời em theo Chúa. Chúa dạy em về một ngày phán xử cuối cùng. Hình như ngày đó là đây. Và em cứ đứng vậy, cổ hơi ngước lên, đầu óc mơ hồ, có vẻ như em đang chờ cái gì đó từ trên trần nhà đổ xuống...
Nói rằng tôi không biết chút gì về thuật bói toán cũng không đúng. Bố tôi trước đó là một thầy cúng. Bố tôi học lại nghề ở cậu ruột tôi. Tuy nhiên, cậu tôi là thầy chánh tông, sống hẳn hoi với nghề. Còn bố tôi chỉ là người ham vui. Học được một, bố lại giảng cho tôi biết một. Học được hai lại giảng hai. Nhưng lúc ấy tôi còn bé, nghe mười chỉ nhớ một. Sau này khi chính thức được Việt Minh giao nhiệm vụ thọc sâu xuống vùng tạm chiếm, nghĩ mãi không tìm ra mẹo nào để hợp pháp, tôi đã chọn nghề xem bói.
 Nhiệm vụ lúc đầu của tôi là bám vào khu chợ Huyện để nắm tình hình tề điệp ở trong làng Đơn Duệ đang liên lạc với đám lính bảo an ở bốt Lèo Heo, lại trực tiếp chắp nối với cơ sở của ta ở các làng đất đỏ. Những người đến coi bói, đương nhiên đa phần là coi thật. Có thể đó là những cô gái bắt đầu thòm thèm tình yêu. Có thể là kẻ nghiện cờ bạc cầu vận may. Cũng có người gặp rủi ro bất hạnh. Với họ, tôi cố tìm cách nói làm sao để họ đừng quá tuyệt vọng nhưng cũng không quá lạc quan. Nói làm sao mà sự đời về sau dẫu diễn biến thế nào cũng không quá giới hạn những điều tôi đã phán. Mục tiêu quan trọng nhất của tôi là những người đến bói "vờ". Thường là một chị phụ nữ tóc bối, khăn trùm đầu, mặt lúc nào cũng tỏ vẻ rầu rĩ, tay cầm sẵn túm khăn thỉnh thoảng lại chấm nước mắt. Cũng có thể là một lão nông tóc đã bạc, chân đi xiêu vẹo như kẻ say, nhưng ánh mắt thỉnh thoảng lại chém ngang, chém dọc. Sở dĩ họ có dáng bộ như vậy chính là để tìm cách cúi sát vào mặt tôi mà nói khẽ. Chị phụ nữ thì thút thít khóc, tay chấm mắt, che miệng, đầu cúi gầm.... Còn lão say thì ngất ngưỡng, bổ qua bổ lại, có lúc gác cả cằm lên vai tôi... Họ đã nói được những gì cần nói. Cuối cùng, họ trả tiền quẻ bằng cách đặt vào bàn tay tôi tờ giấy một hào gấp nhỏ. Tôi nắm lại thật chặt và nhét vào lưng quần. Vì tôi biết đằng trong tờ giấy bạc ấy sẽ có tờ giấy khác.
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #7 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2009, 09:13:05 am »

Cho đến một buổi chiều đầu mùa đông, có một người đàn bà lạ nhảy từ đò lên bến, khăn tang chít đầu, mếu máo khóc và đổ sập vào quán tôi.
 - Lạy thầy, chồng con bạc phận, bất đắc kỳ tử, lại gặp ngày trùng... Cả nhà con van lạy thầy hạ cố đến nơi coi giúp ngày đưa, mấy lại có chi còn nhờ thầy giải hạn.... Thầy làm ơn, làm phúc.
Nhìn cách nói, cách lạy của chị, lại thêm đôi mắt hay liếc trộm ra hai bên, tôi biết đây là chuyện "vờ". Nhưng chị ta là ai? Thứ nhất, tôi chưa bao giờ bắt liên lạc với người này. Thứ hai, cơ sở của tôi thì phải ở trong làng đất đỏ ra, không thể đi đò lên bến được. Tôi khẽ rặn giọng "e hèm" một tiếng. Rồi phán:
 - Sinh hữu hạn, tử vô kỳ, người đời ai chẳng thế, có chi mà chị phải hốt hoảng đến vậy. (Kỳ là tên đội trưởng của tôi. Tôi được dặn rằng, trong trường hợp có thông tin trái tuyến thì phải hỏi câu này, ý nghĩa là chưa có lệnh của đội trưởng, tôi đâu dám tin)
Người phụ nữ chợt ngẩng dậy, nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng chị bỗng nhiên đanh lại.
 - Trời, thầy nói vậy mà nghe được ư? Con chim, con kiến còn biết tới bầy, tới đàn. Thầy cũng là người mà không thương xót, trắc ẩn chút chi với đồng loại răng? Thầy không sợ đồng loại trách cứ ư?.....
Tôi gấp vội đồ nghề nhét vào bị, lập bập bước theo chị xuống thuyền. Thuyền rời bến, quay mũi ra phía sông Sa Lung. Chị phụ nữ cầm lái chèo gấp gáp. Tôi ngồi im trong mui vừa đảo mắt nhìn ngược lại phía chợ xem có ai để ý đến mình không, vừa hồi hộp, lo lắng. Có thật anh Đồng cho gọi mình không? Đồng là tên người Đại đội trưởng quân báo khét tiếng của tỉnh.
 Chiếc thuyền ra đến ngã ba Sa Lung thì ngoặt đầu lên phía tây. Chèo thêm một đoạn nữa, chị lái cho thuyền ghé vào bờ phải. Ở đó cũng có một con đò kín mui cắm sào dưới gốc dừa. Hai đò cạp mũi nhau. Tôi nhảy vội qua bên kia, chui vào trong mui. Một thân hình vạm vỡ đứng chắn ngay giữa khoang. Cái giọng làng Tùng bè bè không sao lẫn được.
 - Chào thầy, thầy coi cho một quẻ xem khi mô tui lấy được thêm một mợ nữa, hả?...
Tôi lột vội chiếc kính đen, mặt ngớ ra:
 - Chào thủ trưởng...
Đồng cười khà khà một chặp rồi ấn vai tôi ngồi xuống.
 - Thôi vô việc. Cậu phải chuyển mục tiêu....
 - Chuyển mục tiêu?
Người đại đội trưởng quân báo cho tay vào túi lôi ra một nắm lá thuốc, hai tay bứt xé, kẹp lại và cuốn tròn, lại lè lưỡi liếm đẫm trên mặt lá quấn rồi đặt vào giữa hai môi, điếu thuốc lăn tròn thật điêu luyện. Anh bật lửa, châm thuốc, rít thật sâu rồi phả đám khói ra tràn cả mặt tôi.
 - Mục tiêu mới của cậu là cái nhà dòng Phước Sơn.
 - Sao, đó là chỗ nhà tu mà......
 - Đó không phải là nhà tu. Đó là một căn cứ chống cách mạng. Là một tập đoàn cứ điểm đấy. Toàn bộ khu nhà Dòng ấy tao đã nắm gọn trong tay rồi. Có tất cả 52 ngôi nhà gõ lợp ngói, tường gạch. Chúng nó ghê thật. Gạch nó đúc tại chỗ chẳng thèm mua nơi khác. Một trường học đào tạo các thầy. Một nhà thương có ba đốc - tờ. Một trại nuôi bò sữa. Một đàn cừu ba trăm con. Số thầy hiện tại là 150, trai bạn vào làm thuê thường xuyên khoảng 100 nữa...
Tôi há mồm kêu lên:
 - Trời ơi, Thủ trưởng nắm chắc đến thế ư?
 - Hừ... có cái gì qua được mắt tao. Nó ở trên đất mình chứ có phải mình ở đất nó đâu...
 - Nhưng mà... chắc là Thủ trưởng đã cài được người...
Tôi ngậm vội miệng lại vì thấy đã hơi quá đà. Nhưng anh Đồng vốn là người dễ tính, không chấp:
 - Chú mi mà cứ hỏi lớ ngớ kiểu ấy thêm một lần nữa là cụt đầu đấy.....
 - Dạ không, ý tôi là... Thủ trưởng đã có điều kiện biết rõ như vậy, sao còn bảo tôi đi nữa....
Đồng "hự" một tiếng, vứt điếu thuốc ướt sũng nước miếng ra sông, lại nhổ toẹt thêm một cái, rồi đột nhiên trầm giọng xuống:
 - Tao còn biết kỹ hơn nữa kia. Nó có một bãi đất nói là trồng chè nhưng không trồng mà làm sân bay. Trực thăng và khu trục đều đổ xuống được. Lại có một xưởng thợ rèn mà thực chất là đúc đạn và chứa vũ khí.... Nó rắp tâm đánh úp vào chiến khu Thuỷ Ba.....
Tôi vụt ngồi thẳng dậy:
 - Thế thì cho đánh đi thôi, thủ trưởng?
 - Không đánh được, đù mạ nó chứ, thế mới cay. Anh thở hắt một cái rõ mạnh rồi lại thò tay vào túi rút ra một lá thuốc. Nhưng lần này anh quấn chậm:
 - Chưa đánh được, vì nó là của công giáo. Không vạch trần được bộ mặt phản động của nó thì chẳng có cách nào chọc vào được. Thế đấy, thế nên bọn tao mới cần đến cậu.
 - Nhưng mà, tôi biết làm sao được.
 - Nhân viên đặc tình của bọn tao đã biết được, gần đây cha Nguyễn Đình Cựu đã bắt đầu trực tiếp nối đường dây với bọn Pháp ở tỉnh Quảng Trị. Đường dây của hắn là một cô xơ, tên cô ta là Lương.... Cô này ở nhà Phúc Phan Xá cứ mười ngày một lần lên Phước Sơn lấy tin rồi đưa về đồn Hồ Xá. Sau đó, tin tức được chuyển đến cho một sĩ quan Pháp.... Việc của cậu là phải bắt được quả tang.
 - Làm sao tôi nhận ra được cô ta?
 - Cô ấy vẫn thường cùng với mấy Xơ khác bán gạo chỗ chợ huyện. Nhưng, cứ mười ngày một lần, có một thuyền tách ra đi thẳng lên Hồ xá. Đó chính là Xơ Lương.....
 Tôi ngồi im một lúc. Theo thói quen, tôi đang tự sắp xếp trong đầu các mưu mẹo để tiếp cận.
 - Nhưng cậu phải nhớ cho là không được vội vàng. Vội vàng là đứt dây. Chỉ có khi nào chắc chắn có bản tin thật sự phản động, nguy hiểm mới ra tay.
 - Làm sao tôi biết chuyến nào là tin đặc biệt?
 - Đừng lo. Có người sẽ cho cậu biết.
Sau lần được đại đội trưởng quân báo trực tiếp giao nhiệm vụ, tôi bắt đầu để ý tìm em. Và chưa tới hai tuần sau, thật sự là do trời xui khiến, sắp đặt, em đã tự mình bước vào mái quán của tôi. Đấy là giây phút đầu tiên ta nắm tay nhau, cái thời điểm oan nghiệt cho những tháng năm dài cay đắng...
 Em căm hận tôi. Em có lý của em. Nhưng tôi, tôi biết làm sao được. Tôi theo lý tưởng thì phải thừa hành công việc. Cũng như em theo Chúa thì phải hành sự theo sự sắp xếp của cha. Cái khác nhau cơ bản là, em thật sự vô tâm, không hề biết lòng tin mình bị lợi dụng. Em trở thành một đường dây phản cách mạng. Còn tôi, tôi đã biết trước những việc mình phải làm. Đến khi bộ đội địa phương phục kích tại cầu Leo Heo, bắt quả tang lá thư của Nguyễn Đình Cựu gửi quan sáu Pháp yêu cầu đổ quân gấp để đánh úp chiến khu Thuỷ Ba thì em mới sững cả người. Cùng một lúc em nhận ra cả hai cạm bẫy. Cha Cựu và tôi.
*
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #8 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2009, 09:13:29 am »

Phiên toà đã bước qua giai đoạn thẩm vấn. Bị cáo đầu tiên được gọi lên trước vành móng ngựa là một lão già. Thực ra có lẽ chưa phải già lắm, nhưng đã qua mấy tháng tạm giam, cộng thêm sự hoảng sợ kinh hãi nên cả con người hắn đã trở nên tiều tuỵ.
 - Bị cáo hãy khai rõ họ tên?
 - Dạ thưa toà....
 - Thưa hội đồng xét xử?
 - Dạ thưa hội đồng xét xử, con tên là....
 - Không phải con mà bị cáo tên là....
 - Dạ phải, con tên là bị cáo tên là.....
 - Là gì?
 - Là Rệ.
 - Gì Rệ?
 - Dạ Cao Rệ.
 - Bị cáo còn có bí danh gì khác không?
 - Dạ bí danh thì không. Nhưng làng con gọi con là Côộc,... Côộc tức là dưới gốc, còn thằng em con đó, nó có tên là Đọt....
Chiếc búa đập đánh "Bốp" vào mặt bàn khiến tất cả giật thót cả người.
 - Bị cáo chỉ khai bản thân, không có trách nhiệm khai tên người khác. Bị cáo hãy tường trình lại quá trình phạm tội...
Đến đây thì hắn ngẩng cao đầu dậy, lấy hơi nói một mạch. Rõ ràng hắn đã chuẩn bị rất kỹ và học thuộc lòng.
 - Dạ thưa hội đồng xét xử... Con là người dân lương thiện. Bắt đầu công việc cũng là việc cực kỳ lương thiện. Con sống ở vùng đất có nhiều người chết. Con biết chỗ chôn cất hài cốt. Thế nên con muốn tìm kiếm, cũng là làm một việc nghĩa. Lúc đầu thì con không hề có ý gian dối. Tìm được một mộ là nói một mộ. Tìm được ba thì nói ba. Con nói bao nhiêu, cấp trên nhận bấy nhiêu rồi trả tiền cho con. Con thấy đơn giản quá. Chợt con nghĩ, thì nói thêm một bộ nữa xem sao. Không ngờ vẫn được thanh toán. Thế là con thử tạm chia hai bộ ra thành ba... Tại vì con thấy mọi việc cũng thật quá đơn giản... Thực lòng con cũng chẳng có mưu mô gì to tát cả....
Cả hội trường lao xao lên như vỡ chợ. Có lẽ không ai chịu nổi những lời lẽ sám hối trơn truột như thế kia, nó còn vô lương tâm hơn cả những hành động tội lỗi của chúng nó.
 Nhưng tôi là người bình tĩnh. Đã từng là thằng lính đặc tình thời chống Pháp, rồi làm xã đội thời bình, lại vào nam làm lên đến chức phó bí thư, rồi bí thư huyện uỷ. Sóng gió cuộc đời đã làm cho tôi không còn bị bất ngờ trước bất kỳ một sự biến nào. Đương nhiên không thể chấp nhận được lời khai trơn truột kia, nhưng tôi cũng chẳng có gì kinh ngạc. Lời của hắn không phải không có lý.
 Một con sóng bạc đầu dù dữ dằn đến mấy cũng được bắt đầu bằng một gợn sóng lăn tăn. Thì có phải người đời vẫn ca ngợi những gợn nước lăn tăn đó, bao nhiêu thơ phú văn chương vẫn vân vê những hơi gió thoang thoảng, những gợn sóng li ti... Rồi đánh đùng một cái, người ta lại gầm rú, chưởi bới, trút hết căm dận lên bão lũ...
 Đã trên bốn mươi năm rồi, từ thuở còn ngất ngưởng trên bục cao của dương thế, cho đến khi lặn hút vào cõi vô cực của cửu tuyền, tôi hầu như chưa có lấy một ngày thanh thản. Cứ lặp đi lặp lại trong tâm khảm tôi một lời tự vấn, mình có lỗi hay không có lỗi.? Nhưng em không biết được điều đó. Em cứ cho rằng tôi vô tâm, vô tình, vô trách nhiệm. Tôi là cục đá, là tường gạch chứ không phải giống người. Thôi thì em nghĩ sao về tôi cũng được, căm hận tôi đến mức nào cũng xong. Tai hại nhất là em lại trút tất cả nỗi oán hận ấy lên đứa con gái thơ ngây của chúng mình, em đã cấy vào trí não con cái sự thông minh vượt quá sức người. Sự thông minh để cai trị loài người. Rồi em lại tự trút mọi giận hờn ấy vào chính con người em, tự biến mình thành thứ người vô cảm, không tin, không yêu, không xót xa, xúc động. Em đã trả thù vào mọi cảm xúc của giống người.
 Những năm sau này, có một câu cửa miệng lúc nào cũng túc trực ở em: "Chà, ngày ấy, mình ngu thiệt...... "
 Người đời sẽ chẳng ai hiểu được ngụ ý sâu xa của câu nói đó. Những người bà con, hàng xóm của em ở Quai Mọ, Quách Xá hay Phước Tuyền, những người từng sống với em ở Huỳnh Hạ hay Phát Lát, Hói Cụ ngoài Vĩnh Sơn đều không thể hiểu được. Chỉ vỏn vẹn có mấy người: Li, Đọt và tôi là chia sẻ được với em. Nhưng ngay cả bản thân tôi cũng không thể hiểu được một cách cặn kẽ, rằng em nói ngày ấy quá ngu là ám chỉ thời khắc nào? Đó là thời điểm em bỏ làng Quai Mọ, Phước Tuyền theo cha Cựu ra Phước Sơn, hay là chính cái lần đầu tiên đánh liều vào quán tôi xem bói, để rồi sau đó, mười ngày sau đó, ma đưa lối, quỷ dẫn đường khiến em mò vào gặp tôi lần thứ hai...
 Hình như đó là chuyến đi thứ năm, hay thứ sáu gì đó. Ngày trước lên nhà dòng gặp cha nhận thuốc lá cuốn, ngày sau lại ngược đò lên Hồ Xá giao hàng. Nhưng chuyến đi Phước Sơn lần ấy đã không còn là chuyến đi bình thường, là một cú sập trời xuống đời em...
 Trời hôm ấy quả thật là muốn đổ sập từ sáng. Mây nặng trĩu, thấp là đà. Gió cứ giật từng cơn, xô ngược em trở lại. Bình thường em lên đến thôn Phát Lát vào khoảng bốn giờ chiều. Hôm đó em tới nơi thì trời đã nhá nhem tối. Ngay từ buổi sáng chưa bước chân ra khỏi nhà Phúc em đã linh cảm thấy sự bất ổn. Có thể Chúa đã mách bảo cho em. Mà cũng có thể sự bất an được khơi mào từ lão thầy bói ở chợ. Một bàn tay nóng hổi, những lời nói như xăm xỉa vào tim can vốn bịt kín hàng chục năm trời của em... Một tuần qua em bần thần như kẻ ăn cắp sắp bị phát giác. Còn sáng nay, trên con đường heo hút đến Phước Sơn, em cứ như đi trên sóng...
 Cha Cưu đợi em ngay ở cửa. Có vẻ cha sốt ruột, vẻ mặt không được vui. Cha hỏi lý do đến muộn, em nói như một sự oán trách. Đường càng ngày càng khó đi cha ơi. Cha ậm ự cho qua, rồi trao gửi hàng, rồi ra vẻ xuýt xoa, lo lắng:
 - Trời sắp tối rồi con ạ. Gắng về kịp Dục Đức nghe con...
Em không còn ngỡ ngàng khi bị xua đuổi. Nhưng em thấy uất ức, nghèn nghẹn....
 "Chị là người đoan trang, chuẩn mực, chị lúc nào cũng tự ép mình trong bao nhiêu ước muốn. Nhưng tiếc thay, Người ta không chịu nhìn thấy những hạt vàng trong cát. Người ta thật quá vô tình...."
 Mình là con ngu, thừa nhận. Nhưng con Lương này là ai, cả cái làng Quai Mọ đều rõ. Nó đâu phải tay vừa. Nó dám bỏ làng, bỏ quê, bỏ đứa bạn chí cốt như Li mà phiêu bạt giang hồ ra đây, dễ cam thân, thủ phận. Li ơi, giờ mi sống ra sao rồi, chắc là con đàn, con lũ rồi phải không? Chừ tao mới hiểu được con người của mi. Mi chưởi tao: "Đồ ngu, tin chi ba cái thứ nớ mà tin, Mi định ở goá thờ Chúa à?. Tao thì tao chỉ biết thờ cha mạ tao, nhưng cha mạ chưa chết thì tao cứ vui vẻ đã. Có thằng con trai nào mập mập một chút vì tao thì tao thờ trước....". Hồi đó, mỗi lần cãi nhau, hễ nghe Li xổ cái giọng ấy ra, mình đã rủa bạn là đồ lợn nái. Chừ nghĩ lại, biết đâu làm thân lợn lại sướng hơn người.
 Trời tối sập xuống rất nhanh. Rồi mưa nữa. Con đường kẹp giữa rừng bỗng như cái hang chui vào lòng đất. Tiếng gió cứ hú từng cơn nghe rất thê thảm. Đương nhiên, một người như em, không biết sợ. Ngày trẻ ở làng Quai Mọ, bọn con trai đã phải tôn em là tướng liều.
 Nhưng liều để làm gi? Đã liều sao không liều với người, không liều với Chúa mà lại đi liều với mưa gió, ma quỷ. Phải. Cứ thử một lần xem sao. Mưa gió, tối tăm không đi được, Chúa nào bắt tội. Nếu Chúa buộc phải đi, sao không bắt cha dẫn đường.
 Thế là, thật đột ngột, thật bất ngờ,em quay trở lại. Mãi mãi về sau, em vẫn không sao giải thích được cái hành động bột phát, điên khùng này.
 Quay trở lại, một đoạn đường chưa tới một cây số, để bắt đầu cho một sự quay đầu của dặm đường khổ hạnh hơn mười năm dấn thân.
 Em đã quay trở lại đầu ngõ. Phía trong vẫn tối đen. Em vào đến sân. Có ngọn đèn dầu đặt giữa bàn, nhưng cửa ngoài đã khép. Ánh sáng le lói hắt ra từ các khe hở của ván cửa. Em bước lên thềm. Nhà vắng ngắt, không có người. Có nên vào không? Em tự hỏi. Có một chút lo lắng. Nếu ngày mai cha biết được mình quay lại nhà này, cha sẽ nổi giận, cha sẽ báo cho Xơ bề trên, rồi thì.... Em chợt chíu mày. Sợ chó gì. Xơ bề trên có quát, em bảo, lạy Chúa, trời tối, mưa to, em làm sao đi được. Còn cơn giận của cha? Lòng em chợt nhói thắt. Rõ ràng em vẫn sợ cha giận. Em không thể tự dối lòng mình.
 Em kéo nhẹ cánh cửa, bước se sẽ vào bên trong. Cô Núc, cô Nắc đi đâu cả hè? Rõ ràng, mới cách đây chưa đầy một giờ, họ còn đứng nép sau cánh cửa nhìn cha tiễn chân em. Đêm khuya, mưa gió thế này, sao còn kéo nhau đi đâu hết?
 Em còn đang bần thần, thì đột ngột từ nhà sau bật lên tiếng cười. Tiếng cười như chuột kêu. Em rón rén bước ra mái cầu, lom khom như kẻ trộm chuyên nghiệp, lò do bước sát ra mép cửa nhà bếp. Bên trong cũng có một ngọn đèn đặt phía sập lúa. Tiếng cười rúc rích ở chếch đầu hồi. Em dán mắt vào phên liếp và... bỗng đứng đực người. Lạy Chúa!
 Hai thân người vật nhau. Chiếc áo thụng đen vứt một bãi ở góc giường, nhăn nhó. Thân người đàn ông phong phanh chiếc áo lót màu trắng. Còn cái thân kia... là Nắc. Biết chắc là Nắc vì cái tiếng cười như đang bị cù vào nách. Nhưng không phải bị cù vào nách và nhồi lên ngực. Tấm áo bà ba mở phanh hàng cúc như con lợn bị rạch bụng. Bụng trắng đúng như bụng con lợn đã cạo sạch lông. Chỉ có hai núm vú là đen. Chợt em đưa tay đỡ lấy ngực mình. Chính em thấy nghẹt thở như bị nhồi ngực chứ không phải cô Nắc ấy. Ôi, hai bàn tay ông ta, hai bàn tay lật từng trang sách kinh dè dặt, sùng kính thì nay đang nhồi một cách thô bạo lên hai đầu vú con gái, như người ta nhồi bột sắn lọc. Cái miệng đọc kinh như hát ấy thì đang cạp, đang liếm, đang ngoạm từng miếng trên môi, trên má, trên cổ. Rồi mút cả nuốm vú của con chiên mà lôi. Người đàn bà ấy thì nhắm mắt mà cười, còn em thì đứng ngoài cửa lại run, lại tê cóng hai chân, lại ớn lạnh suốt dọc sóng lưng... Tại sao em không chạy đi, chạy ngay đi. Em định thế, muốn thế. Nhưng chân em tê cóng rồi không nhấc lên được. Đôi tay như co quắp bấu vào thành cửa không buông ra được. Và cặp mắt nữa, đã bị dán chặt vào tấm lưng người đàn ông không bứt ra được. Tấm lưng ông ta phong phanh áo lót, đó là điều bí ẩn đầu tiên em nhìn thấy. Cái mông ông ta quật qua, quật lại cùng cặp chân vật vã như kẻ lên cơn co giật. Đó là sự lạ lần đầu em nhận ra. Đặc biệt là đôi bàn tay. Tay trái quặp lên đầu cô gái, ngoạm lấy chiếc đầu không cho quay lật, còn tay phải thì đang cào cấu khắp bộ ngực, khoang bụng con lợn sề... Rồi bất thình lình, bàn tay thọc vào bên trong cạp quần, thọc rất nhanh xuống dưới. Rồi hình như tay ông ta cấu quá mạnh khiến cô gái co rúm cả hai chân, kêu "oái" một tiếng. Không phải cô ấy giật nảy lên mà chính là em. Em bật người ra khỏi cửa, lao ra nhà ngoài, đạp ào ra sân rồi ù té chạy. Một màn đen khổng lồ nuốt chửng lấy em.... Chuyện đó xẩy ra ngày hôm trước. Ngày hôm sau em vẫn chèo đò lên Hồ Xá. Bọn bảo an ở đồn Hồ Xá như thành lệ cứ va va quệt quệt vào ngực em mấy cái. Nhưng lần này em chỉ nguýt một cái chứ không quắc mắt lên. Thế là bọn lính được thể cười ré lên, định xâu lại. Nhưng em nhanh hơn chúng. Em chạy xuống đò, cạy mái.
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #9 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2009, 09:13:55 am »

 Rồi, em lại ghé đò vào bến chợ. Lại lên hàng bánh đúc mua một lúc hai hào. Rồi quay lại,em vào chỗ tôi.
 Lần này em không ngồi đối diện mà chủ động ngồi lên mép ván sát vào tôi. Một tay em đút bánh đúc vào mồm. Một tay chìa qua tôi. Tôi nắm lấy tay em. Tay em nóng lên một cách lạ lùng.
 - Đố thầy biết tôi là ai?
Như thế là không phải lời một người xem bói. Hay em muốn thử thách tôi. Tôi vân vê tay em rồi biết rõ bên cạnh, em đang liếc chéo mắt quan sát tôi.
 - Thật tình tôi không biết chị. Nhưng... bàn tay này hình như đã quen.
 Em bật cười, rồi nuốt ực một cái. Bàn tay bất ngờ nắm chặt lấy tay tôi, hơi thở nóng hổi, rất gần, lại như đang run rẩy:
 - Thầy đoán đi. Đừng hỏi năm sinh, tháng đẻ. Thầy cứ đoán qua bàn tay, được không. Tôi xin đặt quẻ thầy năm hào...
Tôi nhận thấy ngay sự bất thường trong người em. Nhưng làm cái nghề này không thể nói toẹt ngay từ đầu được. Đấy là mẹo nghề cha tôi truyền lại cho.
 - Chị... đang có chuyện bất ổn.
 
 - Nhà tôi mất trộm hả thầy...
 - Ờ... cũng gần gần như thế.
Lại một cái cười hà tiện bật ra.
 - Mất của quý chắc?
Tôi làm vẻ thở dài, cố tìm cách nói bí hiểm.
 - Phải. Của quý. Rất quý là đằng khác.
 - Tiền bạc hay lư hương, nồi đồng hả thầy?
 - Không. Những thứ đó chưa đáng gọi là quý. Những thứ đó và cho dù là những thứ khác tương tự như vàng lá, đồng đen đi chăng nữa, nếu có mất thì cũng là "của đi thay người".
 - Thế thì nhà tôi còn có gì là quý nữa.
 - Sao lại không. Chị thử nhớ lại coi. Có những thứ chị âm thầm cất giữ, trời phật cũng khó lòng nhìn thấy. Thế mà bỗng chốc một loáng mất sạch...
 Đột ngột bàn tay em run run, giọng em khẽ lại:
 - Sao lại thế được... hở thầy?
 - Vì chị quá tin người....
 - Nhưng mà.... Em định cãi lại một điều gì đó, nhưng lại thôi. Bất giác thở dài- Thế là hết phải không thầy? Có còn gì nữa đâu.
 - Không... Thánh nhân nói, phúc hoạ chi sở phục, hoạ phúc chi sở ẩn, chị có hiểu không? Không hả? Ý nói, biết đâu từ cái hoạ lại hé ra cho ta nhìn thấy một cái phúc...
Em lại khẽ thở dài, rồi đột ngột choàng tay lên cổ tôi. Mắt em khẽ nhắm lại. Có lẽ em cố hình dung khi người ta không còn nhìn thấy gì trước mặt, thì sẽ thế nào. Có lẽ như thế người ta sẽ nghe thấu hơn lời Chúa. Chúa phán: " Hỡi những kẻ chuyên nghề bói toán, hỡi những người giống nòi dâm đãng ngoại tình, hãy đến cả đây! Này, các người nhạo cười ai vậy, các người mở miệng, le lưỡi chống lại ai? Há các người không phải là con của tội ác, là nòi giống của gian dối hay sao? ... "
Không hiểu sao em lại nhẩm lời kinh thánh lúc này, có phải trong thâm tâm em đã gán "kẻ chuyên nghề bói toán" như tôi với cái "giống nòi dâm đãng" như thằng cha ấy lại một, đều là "nòi giống của gian dối". Em ghì chặt tôi vào sát người em. Ngực em phập phồng. Mãi sau này tôi đã tự hỏi nhiều lần, rằng lúc đó thực sự em nghĩ gì. Em muốn dùng tôi trả thù cha Cựu? Hay em tự xẻ thân, phanh xác em ra để trả thù Chúa? Hay chỉ vì một lý do thật đơn giản, thật con người, là em cũng tự nhận mình là "nòi giống gian dối"? Cha Cựu biết tránh mặt con Chiên để thậm thụt với đàn bà ngoại đạo, thì em dại gì mà không hiến xác cho một thằng mù. Với nhà dòng Phước Sơn, cha vẫn là cha nhất nổi tiếng. Với nhà Phúc Phan Xá, em vẫn là Xơ nổi tiếng ngoan đạo. Còn tôi, tôi vì cái gì, là thứ người gì vậy. Là một cán bộ muôn phần được tin cậy, được giao những trọng trách thật hiểm nguy. Nhưng với người đời, tôi là một thằng mù. Tôi tựa vào cả hai điều đó. Cả niềm tin của Việt Minh và cả cái sự tin ngây ngô của người đời. Tôi có lỗi gì trong chuyện này? Suốt mấy chục năm qua, lúc nào nghĩ về em, tôi cũng mang mình ra tự kết tội rồi tự bào chữa. Với cách mạng, tôi đã lập được công. Với người đời, tôi chưa bói bậy bạ câu gì có thể gây ra tai hoạ cho họ. Tôi có nhận của người ta năm xu, một hào. Nhưng chuyện đó, tổ chức cho phép coi như là khoản phụ cấp hoạt động. Còn duy nhất, chuyện với em... Nhưng tôi đâu có lừa em, có ép em, càng không phải lợi dụng em. Chính em cần tôi, lại lợi dụng tôi mù loà. Không nhìn rõ em là bà Xơ để khỏi ố danh Chúa. Còn việc tôi giả mù thì lại càng không phải lỗi của tôi, không thể coi đó là hành động lừa bịp. Tôi đang hành động vì tổ chức mà...
 Có lẽ trên đời này không có gì khó khăn hơn bằng việc tự nhận ra tội lỗi của mình.
 Phiên toà vì vậy mà rơi vào nhàm chán, khó chịu khi bước qua giai đoạn thẩm vấn và tự khai của bị cáo.
*
Thì tôi trước hết cũng là một thằng người đã chứ. Cũng như em, bốc hết tấm áo thụng đen kia là lồ lộ một thân người. Vì sao em khổ vậy. Vì sao tôi khổ vậy. Năm ấy, tôi đã hăm hai tuổi. Tôi theo kháng chiến lúc mới mười bảy. Dạo đó cách mạng mới thành công, cả mảnh đất này cứ phập phồng như đêm động biển. Tuổi mười chín mà ngày đi, đêm đi, rầm rập, hừng hực, hết hát hò, múa nhảy, lại gác xách, tập lăn lê bò toài, không biết ăn uống, ngủ ngáy là gì, nói chi đến hơi đàn bà con gái. Rồi đùng một cái, thằng Tây ở đâu đổ đến, máy bay vè vè trút khói đen sịt ra giữa bầu trời. Rồi "cắc, đùng", súng cứ lốp đốp đằng đông, đì đẹt đằng tây. Thế là kháng chiến. Rào làng, chôn mìn, cuốc lộ... Cầm cự chưa được một năm thì giặc làm dữ, càn riết. Lính bảo an, bảo vệ lố nhố khắp các nẻo đường. Thế là rút dần lên chiến khu, ban đêm mò về quấy rối. Tôi lại được chọn làm lính đặc tình. Vậy là sống câm, sống lặng, giả đui giả điếc ngay giữa đồng bào mình....
 Tôi thề với em là cho đến lần ấy, khi đã bước vào tuổi hăm sáu tôi mới biết thật sự thế nào là hơi nóng của da thịt đàn bà. Tôi đã cầm rất nhiều bàn tay người xem bói, cho dù là tay con gái mười tám, đôi mươi, nhưng tuyệt nhiên không có hơi lửa đó. Vì sao tay em lại có, lỗi đó thuộc về tôi hay em?
 Và vì sao sau những lần đó, em cứ đến hoài, cứ nắm chặt lấy tay tôi. Cái hơi nóng bổi hổi, râm ran đó, càng về sau càng nồng, càng những lần sau càng không chịu nguội đi cả khi em đã xuống đò. Nó kéo theo tôi.... Em đắt tôi vào đò như những nhân mối cơ sở từng đón tôi đi bắt liên lạc. Đò ra ngoài ngã ba Sa Lung thì em buông chèo. Sông dập dềnh, đò chùng chiềng và em đốt cháy người tôi.
 Sau cái chiều cả hai nuốt ực trái đắng, chìm nghĩm xuống địa ngục đó, chúng tôi ngỡ đã mất nhau. Em không ghé thuyền vào bến chợ một lần nào nữa. Cứ mười ngày một lần, tôi bồn chồn ngoảnh mặt ra sông. Đã thấy thuyền em lướt qua chéo lên phía Hồ Xá. Chiều xuống, chợ hoang lạnh, tôi khấp khởi đợi em. Thuyền em về nhưng mũi cứ lao thẳng. Tôi nhìn rõ bóng em trong tấm áo đen, mặt cúi, tay cạy nhanh hơn mái chèo. Con thuyền bơi như trốn chạy. Tôi rất muốn gào to lên một tiếng. Cái chấm đen xa hút ra phía sông Sa Lung, chìm vào màn mưa mù mịt...
Tôi định bụng đợi mười ngày sau, liều mạng lao ra thuyền, rồi muốn ra sao thì ra. Tổ chức có kỷ luật tôi cũng liều. Nhưng tổ chức đã nhanh hơn tôi, đã không cho tôi cơ hội vi phạm kỷ luật...
 Tôi được lệnh chuyển địa điểm lên bến đò Hói Cụ, làng Dục Đức để tiếp cận với nhà dòng Phước Sơn. Cấp trên cho tôi mật khẩu để bắt liên lạc với một thầy trong nhà dòng. Thế là tôi thật sự xa em. Hết một mùa đông năm ấy. Rồi qua tết, ra giêng... Tôi nhớ chị tôi hồi trước hay ru em một câu thế này: Những ngày tháng chạp ra giêng vui chung thiên hạ sầu riêng một mình. Câu ru bây giờ đang vận vào tôi, buồn ơi là buồn....
 Theo cách sắp xếp của cấp trên, tôi giam mình trong Miếu Ông bên bờ nam của bến Hói Cụ. Bên đó là vùng giáp với khu du lịch Giang Phao. Bọn tề, điệp cũng như lính bảo an không dám qua. Ban ngày tôi lò dò ra sông, ngồi dưới gốc mưng cạnh bến đò, cũng đóng vai xem bói cho khách qua lại. Khách đi đò này rất ít. Sáng sớm có vài gánh chè xanh, mít trái, vài thúng gạo từ Vĩnh Sơn qua bán chợ Nam Đông... Cũng có khi có dăm ba kẻ sơn tràng đi khai thác mây, lá nón... Tóm lại, đây thực sự là chốn sơn cùng, thuỷ tận. Cơ sở nội gián của tôi là một thầy trạc tuổi ba mươi. Thầy cũng choàng áo đen nhưng có khoang trắng từ cổ xuống ngực, đội mũ cát trắng rộng vành. Từ ngày tôi về bến Hói Cụ cho đến khi em bất ngờ ập đến, tôi chỉ gặp thầy cơ sở có ba lần. Hãy tưởng tượng coi, giam mình gần bốn tháng chỉ để nhận tin có ba lần. Còn lại là cô đơn, vô nghĩa. Thử hỏi trên đời còn có ai cô độc, hưu quạnh như tôi nữa không?
 Vì thế nên khi em xuất hiện ở Miếu Ông, ngay lúc mới nhá nhem tối, cả một khu đồi hoang vắng mênh mông, tôi sững sờ đến dường nào, tôi sung sướng đến dường nào. Tôi quên béng cả việc phải đóng vai mù loà, quên mất phải giả vờ sờ soạng, đánh tiếng dò hỏi. Tôi ôm chầm lấy em. Em cũng xô ập vào tôi. Em khóc. Tôi vồ vỗ lưng em... Chúng tôi chỉ muốn vò nát nhau ra cho thoả bao nhiêu ngày thương nhớ. Nhưng than ôi, cái giây phút choáng váng ấy chỉ xẩy ra vỏn vẹn vài phút. Rồi em tỉnh lại ngay. Em xô tôi ra xa nhưng hai tay vẫn níu chặt lấy vai tôi. Em găm thẳng vào mắt tôi một cái nhìn như tên bắn.
 - Anh... không mù?
Thế là hết. Tôi biết cái giây phút khủng khiếp nhất đã đến rồi. Tiếng tôi lạc đi.
 - Em ngồi xuống đây đã.
 - Thôi, nói ngay đi: Vì sao lại lừa tôi?
Tôi nhăn nhó, khổ sở:
 - Anh không lừa em... Anh thế mà.
 - Đồ khốn nạn.
Tôi tưởng sau câu chưởi không thương tiếc ấy, em sẽ ngoay quắt ra bờ sông và đi thẳng. Nhưng em lại ngồi xổm xuống, gục mặt xuống gối. Đôi bờ vai rung rung. Em khóc.
 Không còn nhớ rõ lúc đó tôi đã làm những gì, dáng điệu tôi thảm hại đến mức nào, và hình như tôi còn khóc cùng em nữa. Rồi tôi phân bua, thổ lộ, thành khẩu và dài dòng như con chiên xưng tội trước cha cố. Tôi không còn đủ minh mẫn để tự giới hạn cho mình là phải giữ bí mật công tác. Tôi nói hết. Vạch hết tội của đám phản động ở Phước Sơn, tôi chỉ cho em biết những chuyến đi nhận thuốc, trao thuốc của em chính là tiếp tay truyền tin tức phản động, tôi phân tích những âm mưu sâu xa mà "cứ điểm" nhà dòng cắm chốt ở thượng nguồn sông Bến Hải này... Rồi vân vân nữa. Tôi nói gấp gáp, cuống cuồng đến mức quên mất rằng, vì sao em tìm được tôi, như vậy có phải hành tung tôi đã bị theo dõi, đã bị bại lộ rồi không? Đáng ra tôi phải cảnh giác mà hỏi ngay câu đó. Nhưng tôi không còn đủ minh mẫn nữa. Mãi sau này, khi em trốn về trong Phước Tuyền sinh con, gửi lại cho Li rồi nhẫn nhục và liều mạng quay ra tìm tôi, em mới nói cho tôi biết. Chính em bất ngờ phát hiện ra tôi khi em ngủ lại ở làng Dục Đức sau những chuyến đi nhận hàng. Chỉ một mình em nhận ra tôi, không có ai biết cả.
 Tôi vừa nói vừa cố gắng quan sát em. Rõ ràng là em đang lắng nghe. Cũng có những biểu hiện kinh ngạc, có lúc sững sờ... Có thể em đã hiểu ra... Tôi khấp khởi mừng.
 Tôi nói một thôi, một hồi như người ghìm thở vượt dốc. Rồi tôi hết hơi ngồi bẹp xuống, há miệng thở. Đúng vào lúc tôi kiệt sức, em đột nhiên ngửng phắt dậy, quay ngoắt qua phía tôi và cực kỳ bất ngờ tát đánh "bép" một cái. Tôi xây xẩm cả mặt mày, không phải vì đau mà vì tuyệt vọng.
 Rồi em đứng dậy, mắt ráo hoảnh. Em bước ra vài bước đảo mắt nhìn cả khu đồi. Trời mùa xuân, tối muộn, nhưng rừng đồi cũng đã chuốm sương đêm. Tôi vẫn ngồi câm lặng mà nhìn em, mà bất lực. Tôi đã chắc chắn rằng em sẽ bỏ đi mãi mãi..
 Thì em bất ngờ quay lại, không nói không rằng xô mạnh vào ngực tôi. Tôi bổ ngửa ra. Em đổ sập người đè lên tôi. Em cắn rất mạnh vào má tôi. Rồi hai giọt nước mắt em rớt xuống. Giọng em nghẹn lại: "Chó má. cả anh, cả hắn, đều khốn nạn cả". "Không phải thế đâu em" "Thôi câm đi, còn tiếc chi nữa"
 Ôi, cái Miếu Ông hồi đó, giá như không có ngôi Miếu ẩm mốc đó, thì câu chuyện của chúng tôi có lẽ đã lệch qua một hướng khác rồi...
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM