Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 04:30:41 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngọn lửa chiến tranh lạnh - Tập 2  (Đọc 137045 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #240 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2009, 11:30:32 am »

Rigân đặt chân lên mảnh đất "quái”

Ngày 29 tháng 5 năm 1988, Tổng thống Mỹ Rigân cùng phu nhân Nanxy xuống máy bay ở sân bay quốc tế Mátxcơva, đặt chân lên mảnh đất từng bị ông gọi là "đế quốc quái ác” để tiến hành cuộc gặp cấp cao lần thứ tư với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Goócbachốp. Đoàn Mỹ đã được Chủ tịch Chủ tịch đoàn Xô viết tối cao Liên Gromicô đón tiếp tại sân bay.

Goócbachốp và phu nhân tổ chức nghi lễ đón tiếp tại đại sảnh Thánh Gióoc trong điện Kremli.

Để thay đổi cách nhìn của Rigân đối với "đế quốc quái ác”, Liên Xô, trong lời chào mừng, Goócbachốp đã dẫn một câu cách ngôn Liên Xô:

- Tôi biết rằng Ngài rất thích thú với cách ngôn Nga, tôi xin được đưa thêm vào trong bộ sưu tập cách ngôn của ngài một câu là "Trăm nghe không bằng một thấy".

Trong lời đáp, Rigân cũng nói:

- Các Ngài có một câu cách ngôn cổ "Mười tháng mang thai mới có thể sinh nở; làm việc không thể hấp tấp vội vàng”.

Rõ ràng Rigân có ý nói tình hữu nghị và tin cậy giữa hai nước cần phải nuôi dưỡng dần dần. Việc "trao tặng” cách ngôn giữa hai người dự báo rằng cuộc đàm phán về những vấn đề quan trọng không phải là thuận buồm xuôi gió muốn đạt được hiệp nghị có tính thực chất quả là không phải chuyện dễ dàng.

Rigân và Goócbachốp đều hết sức coi trọng lần gặp mặt này. Rigân muốn trong lúc còn đương chức làm một cuộc "đột phá" cuối cùng để tỏ rõ cho phái bảo thủ biết rằng, điều chỉnh chính sách đối với Liên Xô sẽ mang lại lợi ích cho nước Mỹ, chẳng những có thể để lại một di sản quý báu cho Chính phủ khoá sau mà cũng còn lưu lại một kỷ niệm ngọt ngào cho mình.

Goócbachốp lại càng cần đến cuộc gặp gỡ này. Ông hy vọng đối thoại thành công để chứng tỏ với Đại hội Đảng sẽ họp vào tháng 6 này rằng ông có thể đối phó có hiệu quả với lãnh tụ chống cộng đứng đầu thế giới phương tây. Từ đó tăng cường thực lực địa vị của ông. Cuộc gặp gỡ nguyên thủ Mỹ - Xô lần này chú trọng thảo luận vấn đề khống chế trang bị quân sự, nhân quyền, quan hệ hai bên và vấn đề mang tính khu vực .

Hôm tới Mátxcơva, Rigân đã vội vã có cuộc gặp gỡ ngay với Goócbachốp. Sau khi kết thúc hai lần hội đàm khẩn trương, hai vị nguyên thủ cùng xuất hiện công khai, phong thái ung dung, nói cười vui vẻ. Nhưng trên thực tế, khi hội đàm về một số vấn đề trọng ỳếu, hai bên chĩa mũi nhọn vào nhau, mâu thuẫn sâu sắc, có lúc tranh cãi đến đỏ mặt tía tai.

Trong hội đàm, hai bên đã tiến hành thảo luận kiểu maratông các vấn đề khống chế trang bị quân sự và cắt giảm quân bị ở Châu Âu, do cò kè mặc cả nên tiến triển không nhiều.

Cuộc gặp gỡ nguyên thủ Mỹ - Xô lần này tuy chưa đạt được sự "đột phá trọng đại" trên vấn đề khống chế trang bị quân sự, nhưng hai bên đã trao đổi thư phê chuẩn Hiệp ước tên lửa đạn đạo tầm trung, còn ký kết được mấy hiệp định về giao lưu văn hoá và khoa học kỹ thuật. Về vấn đề xung đột khu vực và nhân quyền, hai bên vẫn giữ lập trường của mình. Điều quan trọng là Mỹ và Liên Xô vẫn giữ được thế đối thoại.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #241 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2009, 11:31:18 am »

Goócbachốp thăm Mỹ lần thứ hai
.

Sau hội đàm Mátxcơva của nguyên thủ hai nước Mỹ - Liên Xô tháng 5 năm 1988, quan hệ giữa ba nước Trung Quốc, Liên Xô, Mỹ đã có những biến chuyển mới. Đầu tháng 12 năm đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Tham đã đi thăm Liên Xô, nửa năm đầu năm 1989 Goócbachốp đi thăm Trung Quốc cũng đã được xác định thời gian. Sau bầu cử ở Mỹ, Tổng thống Rigân sẽ nghỉ việc, Tổng thống mới đắc cử Bus sẽ thực hiện chính sách ngoại giao như thế nào vẫn chưa thể biết được.

Trong tình hình đó, để thăm dò thái độ của Mỹ, ngày 13 tháng 11 năm 1988 Liên Xô chủ động đề xuất Goócbachốp sẽ hội đàm với tổng thống Rigân sau khi đọc diễn văn tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 7 tháng 12. Vì thế mọi người hầu hết cho rằng đây là lần gặp gỡ tiếp trước nối sau, một cuộc gặp gỡ kiểu giao ban.

Khoảng 3 giờ chiều ngày 6 tháng 12 năm 1988, nhà lãnh đạo Liên Xô Goócbachốp và phu nhân Rai sa có Ngoại trưởng Sêvatnatze đi cùng đã dùng chuyên cơ bay đến sân bay Kennơđi ở Niu Oóc, Goócbachốp phát biểu ý kiến ngắn gọn tại sân bay rằng, ông đến Liên Hợp Quốc khi thế giới đang trải qua một sự thay đổi có tính chất mấu chốt. Ông rất vui sướng có thể hội đàm với Tổng thống Rigân và Phó tổng thống Bus, và tin tưởng rằng hội đàm "sẽ tăng thêm sức sống tiềm ẩn thúc đẩy đối thoại Xô - Mỹ và mở rộng hợp tác giữa hai bên".

Lần đi thăm này của Goócbachốp là cuộc đi thăm Niu Oóc đầu tiên của nhà lãnh đạo Liên Xô kể từ sau khi Khơrutsôp thăm Mỹ năm 1959. Ông đã có bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc ở Niu Oóc với hai tư cách là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô và là Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô vì vậy sự có mặt của ông dù là ở Liên Hợp Quốc hay ở nước Mỹ đều được hết sức coi trọng. Sở cảnh sát Niu Oóc đã huy động tới 6600 viên cảnh sát để bảo vệ an ninh cho Goócbachốp, chỉ tiền phụ cấp thêm cho cảnh sát đã lên tới 1 triệu đô la.

Sáng ngày 7 tháng 12, trong bài diễn văn đọc ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Goócbachốp tuyên bố Liên Xô sẽ đơn phương cắt giảm quân số 50 vạn người: Sau đó là cuộc gặp gỡ với tổng thống Rigân, ngoài Bus tham dự với tư cách Phó Tổng thống ra, hai bên không có quan chức nào tham gia. Cuộc hội đàm vốn định tổ chức tại Bảo tàng lớn Niu Oóc nhưng vì lý do an ninh chuyển đến tổ chức tại đảo Tổng Trấn trong cảng Niu Oóc. Sau hội đàm Rigân đã mở tiệc chiêu đãi Goócbachốp. Cuộc hội đàm kín và gặp gỡ trong bữa tiệc, thời gian tổng cộng không đến 3 giờ đồng hồ.

Trong cuộc gặp gỡ không có chương trình nghị sự chính thức hai bên đã xem xét sự phát triển của quan hệ giữa hai nước hai năm gần đây và tiến hành thảo luận không chính thức về tài giảm quân bị, nhân quyền, xung đột khu vực và quan hệ hai bên.

Do Ácmenia bị động đất lớn lớn, Goócbachốp buộc phải ngừng cuộc viếng thăm, vội vã lên đường về nước ngay trưa ngày 8 tháng 12. Tại sân bay, Goócbachốp nói, tuy ông chưa hoàn thành cuộc thăm viếng Niu Oóc như đã định nhưng cuộc gặp gỡ giữa ông với Rigân và Bus làm cho hai bên tràn đầy niềm tin đối với việc mở rộng và cải thiện quan hệ trên cơ sở hợp tác giữa hai nước, tin rằng quan hệ Mỹ - Xô sẽ phát triển thêm một bước.

Rigân cho rằng lần hội đàm này là thẳng thắn và thân thiết nhưng bất đồng đương nhiên vẫn còn. Bus tỏ ý sẵn sàng duy trì tính liên tục trong chính sách đối với Liên Xô. Rigân đã trao chiếc gậy chạy tiếp sức cho Bus như vậy đó.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #242 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2009, 11:32:54 am »

Cuộc gặp gỡ "chớp nhoáng” của Bus

Ngày 2 tháng 12 năm 1989, thời tiết ở Địa Trung Hải đột nhiên biến đổi, gió thổi dữ dội làm mặt biển cuộn lên những lớp sóng lớn. Tổng thống Mỹ Bus và nhà lãnh đạo Liên Xô Goócbachốp vốn định tiến hành cuộc gặp gỡ nguyên thủ luân lưu trên hạm tàu hai nước đậu trên biển Manta, nhưng trong vịnh Masasen lúc sóng to gió lớn nguy hiểm, tàu nhỏ không sao đến gần quân hạm được nên đành phải tổ chức trên chiếc tàu khách viễn dương "Gorki" của Liên Xô đang neo đậu tại bến cảng.

Khi đón Bus bước lên chiếc tàu khách tráng lệ, Goócbachốp nói đùa với Bus: 

- Việc cần làm đầu tiên là huỷ bỏ những quân hạm mà Ngài không có cách nào leo lên được trong điều kiện thời tiết như thế này.

Những quân hạm mà Goócbachốp nói ở đây là chỉ hai quân hạm vốn định dùng để đón tiếp cuộc gặp gỡ nguyên thủ hai nước được trang bị rất hoàn hảo, rất hiện đại: tuần dương hạm mang tên lửa đạn đạo "Becna" của Mỹ và tuần dương hạm mang tên lửa đạn đạo "Slava" của Liên Xô.

Cuộc gặp gỡ nguyên thủ hai nước trong ngày đầu tiên kéo dài 3 tiếng đồng hồ. Tổng thống Bus đưa ra 16 kiến nghị với Goócbachốp. Trong hai ngày hội đàm tổng cộng 8 tiếng đồng hồ, nguyên thủ hai nước đã thảo luận các vấn đề: cục diện Đông Âu, khống chế trang bị quân sự, tình hình Trung - Mỹ và cải cách ở Liên Xô.

Trong hội đàm,Goócbachốp đã trải ra trước mặt Bus tấm bản đồ quân sự chỉ rõ căn cứ hải quân Mỹ ở thế bao vây Liên Xô, yêu cầu Mỹ cắt giảm lực lượng hải quân, nhưng Bus từ chối kiến nghị đưa vấn đề hải quân vào chương trình nghị sự đàm phán về cắt giảm quân đội thường trực ở châu Âu. Về vấn đề Trung - Mỹ, hai bên cũng tồn tại những bất đồng lớn. Tuy vậy, Tổng thống Bus vẫn đưa ra cho Goócbachốp một "cành ôliu”. Ông bảo đảm: một khi quyền tự do di dân được Chính phủ Liên Xô chính thức thừa nhận, Mỹ sẽ đối đãi với Liên Xô theo diện tối huệ quốc. Vị tân Tổng thống Mỹ này còn đưa ra ân huệ không ngờ: ông sẽ ủng hộ Liên Xô tham gia Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch với tư cách quan sát viên.

Sau khi hội đàm kết thúc, cuộc họp báo được tổ chức ngay. Goócbachốp "nói tóm lại" tỏ ý vừa lòng với kết quả hội đàm. Bus thì nói: Thông qua hội đàm hai bên đã "đi sâu tìm hiểu quan điểm của nhau”.

Hội đàm nguyên thủ lần này thực chất là một cuộc hội đàm không chính thức. Vì vào tháng chín, hai nước đã đồng ý với nhau sẽ tổ chức cuộc gặp gỡ chính thức vào cuối xuân đầu hạ năm 1990 tại Mỹ. Bus sở dĩ phải vội vã tăng thêm một cuộc gặp gỡ không chính thức "chớp nhoáng”, là đầu mùa thu năm 1989, cục diện Đông Âu và Liên Xô đã nẩy sinh những thay đổi khiến mọi người phải chú ý, nhà lãnh đạo hai nước đều muốn thăm dò thái độ đối phương.

Bus nói thẳng:

- Tôi không mong muốn hai hạm tàu lớn này khi chạy trong đêm lại va phải đối phương vì thông tin không chính xác.

Cuộc gặp gỡ nguyên thủ tổ chức trong gió to sóng lớn này không thu được kết quả gì lớn lao, nhưng dư luận phương Tây cho rằng, cuộc gặp gỡ nguyên thủ ở Manta đã chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh giữa phương Đông phương Tây kéo dài từ sau Đại chiến thế giới lần thứ hai.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #243 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2009, 11:33:09 am »

Tờ tạp chí hàng quý "Oasinhtơn” của Mỹ số mùa xuân đã đăng bài "Kết thúc chiến tranh lạnh chứ không phải cuộc chung kết lịch sử”, xin trích dẫn dưới đây:

Cuộc gặp gỡ Địa Trung Hải của Chủ tịch Liên Xô Goócbachốp với Tổng thống Mỹ Bus là một sự tiến triển trọng đại trong việc hoà giải Xô - Mỹ.

Hội đàm giữa các nhà lãnh đạo Xô - Mỹ đã trở thành một cột mốc quan trọng trong quan hệ hai bên. Hội đàm Manta đã thúc đẩy mạnh mẽ việc giải quyết vấn đề khống chế trang bị quân sự và những vấn đề khác. Hội đàm Manta cũng thúc đẩy mạnh mẽ cơ chế ngoại giao của hai nước, làm cho hai nước đã xuất hiện tình hình cùng dốc sức thúc đẩy giải quyết chương trình nghị sự với phạm vi rộng lớn giữa Liên Xô và Mỹ.

Các nhà chính trị và nhà bình luận Liên Xô đều nhất trí cho rằng, hội đàm Manta đã biến đổi trên cơ bản lập trường của Chính phủ Bus đối với Liên Xô: từ cách nhìn bàng quan tiêu cực trở thành ra sức thúc đẩy để sớm đi tới thành công.

Trước mùa thu năm 1989, đối với công cuộc cải cách của Liên Xô và quan hệ Mỹ - Xô, Chính phủ Bus chỉ có thái độ đứng ngoài quan sát. Trải qua suy ngẫm lâu dài, Nhà Trắng đã nhận thức được rằng nước Mỹ cần phải quan tâm đến công cuộc cải cách của Liên Xô vì nó có quan hệ tới lợi ích của chính nước Mỹ, cải cách của Liên Xô có đặc điểm là tính công khai, dân chủ và pháp chế.

Cải cách nhấn mạnh càng nhiều đến dầu, khí đốt chứ không phải là súng đạn.. Như vậy giúp cho Liên Xô giảm bớt được gánh nặng quân sự to lớn để tập trung vào việc xây dựng kinh tế. Nếu như cải cách của Liên xô thất bại, thì chính sách ngoại giao của họ tất sẽ bị gác lại, vì thế nó có tương quan mật thiết với chủ trương giảm thiểu ngân sách quân sự và xây dựng lại nền kinh tế của nước Mỹ.

Suy nghĩ này khiến cho Bus sau khi thăm Hungari, nhanh chóng rút ra kết luận: nước Mỹ cần phải tích cực giúp đỡ Liên Xô thực hiện cải cách, giúp đỡ Liên Xô chính là tự giúp mình.

Bus cho rằng, xây dựng quan hệ Mỹ - Xô tích cực phi đối kháng là cực kỳ trọng yếu. Nhà lãnh đạo hai nước hiện nay đã dốc sức để hiểu biết lẫn nhau và hợp tác song phương, tìm những hình thức và phương pháp cao hơn để cùng giải quyết các vấn đề quốc tế, ví như vấn đề môi trường và đe doạ chiến tranh v. v...

Hiện nay, Liên Xô và Mỹ xuất phát từ chỗ hiểu biết lẫn nhau, đang hiệp đồng hành động trên các lĩnh vực thuộc quan hệ quốc tế và quan hệ đôi bên. Mấy năm gần đây, đối kháng Xô - Mỹ với thế giới thứ ba rõ ràng đã giảm thiểu rất nhiều: quân đội Liên Xô đã rút khỏi Apganistan, hai bên đã có nhiều cố gắng để giải quyết hoà bình những xung đột ở Angola, Libăng, Sahara cho tới Campuchia, đã thúc đẩy cuộc tuyển cử tự do ở Namibia. Còn sẽ cùng hợp tác hành động về vấn đề Palestin.

Trước mắt, thách thức lớn nhất về mặt hiểu biết và hợp tác là ở châu Âu. Mọi người lo lắng, một nước Đức độc lập thống nhất thì nguy cơ dân tộc chủ nghĩa càng lớn. Châu Âu hiện nay đã thành nơi thử nghiệm để xây dựng trật tự quốc tế mới thật sự sau chiến tranh.

Ở châu Á, đối kháng Xô - Trung được xoá bỏ, Nhật Bản, Ôstrâylia, Ấn Độ, các nước Đông Dương tham gia xúc tiến hợp tác khu vục Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, những việc đó đã thúc đẩy xu thế hoà hoãn toàn cầu.

Ký kết Xô - Mỹ có ảnh hưởng đặc biệt trên phạm vi thế giới, do vai trò siêu cường của hai nước, họ cần phải cùng chung sức thực hiện các mục tiêu để nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh lạnh.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #244 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2009, 11:35:25 am »

II. "NGOẠI GIAO TANG LỄ"

Đàm phán về quan hệ Trung - Xô

Ngày 15 tháng 5 năm 1989, sau 30 năm Điếu Ngư Đài lại lần nữa chào đón vị nguyên thủ nước láng giềng lớn nhất, Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Goócbachốp đến thăm Trung Quốc.

Mọi người xem truyền hình thấy Đặng Tiểu Bình nắm chặt tay Goócbachốp, chính thức tuyên bố "bình thường hóa quan hệ hai nước Trung – Xô” và "bình thường hoá quan hệ giữa hai Đảng".

Đặng Tiểu Bình nói: 

- Ý nghĩa chính của lần hội kiến này là "kết thúc quá khứ, mở hướng tương lai".

Sau ba ngày, Goócbachốp vui vẻ ra về.

Hai bên Trung Xô ra "Thông cáo chung" chính thức chấm dứt quan hệ không bình thường kéo dài đến 30 năm. Đây là một mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ Trung-Xô. Người có vai trò chính đứng đằng sau thúc đẩy công việc này là Đặng Tiểu Bình.

Ngày 3 tháng 10 năm 1949, Trung Quốc - Liên Xô thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngày 14 tháng 2 năm 1950, tại Matxcova ký kết "Hiệp ước hữu nghị đồng minh hỗ trợ Trung Xô" có hiệu lực trong 30 năm. Hiệp ước quy định, trước khi hết hiệu lực một năm, nếu như bất cứ bên ký kết nào không có đề xuất chấm dứt hiệp ước thì hiệp ước này mặc nhiên được kéo dài thêm 5 năm. Vì thế, đến năm 1979, Trung Quốc là một bên ký hiệp ước tất phải có quyết định có kéo dài thời hạn của hiệp ước hay không.

Đầu những năm 50, "Hiệp ước hữu nghị đồng minh hỗ trợ Trung - Xô, phát triển tình hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước, duy trì hoà bình khu vực Viễn Đông và thế giới. Nhưng tới cuối những năm 70, việc tiếp tục kéo dài hiệp ước này đã không còn cần thiết và cũng không còn khả năng nữa..

Trước hết, từ đầu những năm 60, quan hệ hai nước dần dần xấu đi, Liên Xô đưa đông đảo quân đội đến đóng dọc biên giới phía Bắc Trung Quốc và trong lãnh thổ nước Cộng hoà Nhân dân Mông Cổ, uy hiếp nghiêm trọng nền an ninh của Trung Quốc, từ đó làm cho nền tảng của "Hiệp ước hữu nghị đồng minh hỗ trợ Trung Xô" nảy sinh những rạn nứt cơ bản, bản thân hiệp ước cũng sớm thành hữu danh vô thực.

Sau nữa, 30 năm qua tình hình quốc tế đã có những biến đổi lớn lao, đặc biệt là Trung Quốc với Nhật Bản và Mỹ đã thực hiện bình thường hoá quan hệ và đã chính thức đặt quan hệ ngoại giao. Điều đó chứng tỏ rằng nhiều điều khoản quan trọng trong hiệp ước đã thành lỗi thời.

Thứ ba là, sau Hội nghị Trung ương lần thứ ba khoá XI chính sách ngoại giao của Trung Quốc bắt đầu có những điều chỉnh lớn, tuyên bố rõ ràng thực hiện chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ hoà bình, Trung Quốc không kết đồng minh với bất cứ nước lớn hoặc tập đoàn nước lớn nào. Vì thế, nếu kéo dài thêm "Hiệp ước hữu nghị đồng minh hỗ trợ Trung Xô" thì sẽ đi ngược lại chính sách ngoại giao cơ bản của chính Trung Quốc.

Do đó, căn cứ vào những quy định có liên quan trong hiệp ước này, ngày 3 tháng 4 năm 1979, Hội nghị lần thứ bảy Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá V nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã ra quyết định không kéo dài thêm Hiệp ước sau khi hết thời hạn.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #245 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2009, 11:35:33 am »

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hoàng Hoa đã đến gặp Đại sứ Liên Xô ở Trung Quốc Secbacôp nhờ ông chuyển công hàm của Chính phủ Trung Quốc gửi Chính phủ Liên Xô, thông báo cho phía Liên Xô biết quyết định trên của Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc. Xuất phát từ lợi ích cơ bản của hai nước và nhân dân hai nước, phía Trung Quốc mong rằng hai nước láng giềng lớn vẫn duy trì và phát triển quan hệ quốc gia bình thường trên cơ sở nguyên tắc chung sống hoà bình, cho rằng sau khi hiệp ước hết hiệu lực, nên cùng xác định lại lần nữa chuẩn tắc với việc tuyên bố không kéo dài "Hiệp ước hữu nghị đồng minh hỗ trợ Trung – Xô”. Chính phủ Trung Quốc kiến nghị với Chính phủ Liên Xô: hai bên tiến hành đàm phán về quan hệ giữa hai nước, giải quyết những vấn đề còn mắc mớ trong quan hệ Trung Xô, xoá bỏ những cản trở trong việc bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, để quan hệ Trung Xô được cải thiện hơn. 

Từ đó trở đi, thông qua con đường ngoại giao, hai bên đã nêu ý kiến của mình về mục đích, nội dung và nhiệm vụ của cuộc đàm phán. Phía Trung Quốc biểu thị sẵn sàng đàm phán với phạm vi rộng cùng Liên Xô: ngoài cuộc đàm phán về biên giới Trung Xô cần tiếp tục tiến hành và sớm được tiến triển ra, còn cần xoá bỏ những trở ngại trong việc bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, xác định chuẩn mực cho quan hệ giữa hai nước, tiến hành đàm phán về các vấn đề phát triển mậu dịch, khoa học, kỹ thuật, giao lưu văn hóa.... trên cơ sở bình đẳng hai bên cùng có lợi.

Dựa vào kết quả đàm phán, hai bên ký kết những văn kiện tương ứng. Hai bên thoả thuận vào cuối tháng 9 năm 1979, bắt đầu đàm phán về quan hệ nhà nước Trung - Xô ở cấp thứ trưởng Ngoại giao luân phiên tại thủ đô hai nước.

Từ ngày 25 tháng 9 đến 30 tháng 11 năm 1979, đoàn đại biểu. Chính phủ Trung Quốc do Thứ trưởng Ngoại giao Vương Âu Bình dẫn đầu đến Mátxcơva, cùng phía Liên Xô đàm phán về quan hệ Trung Xô vòng một.

Đoàn đại biểu Trung Quốc đưa ra "Kiến nghị về cải thiện quan hệ hai nước Trung - Xô" Văn kiện này xuất phát từ tình hình thực tế về quan hệ giữa hai nước, vạch ra những cản trở trong việc bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, đề ra những biện pháp cụ thể để thực thi chuẩn mực này. Trong đó bao gồm các mục: yêu cầu phía Liên Xô chấm dứt đe doạ quân sự đối với Trung Quốc, giảm thiểu số quân đội trú ở biên giới Trung - Xô, rút quân khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà Nhân dân Mông Cổ.

Đoàn đại biểu Liên Xô đưa ra "Tuyên bố Trung - Xô về nguyên tắc quan hệ qua lại giữa hai nước" (Dự thảo). Bản dự thảo chỉ nêu ra nguyên tắc chung chung, xa rời thực tế về quan hệ Trung - Xô, lảng tránh những vấn đề mấu chốt cản trở việc bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, chẳng đưa ra được biện pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề trên.

Do lập trường hai bên còn những bất đồng về nguyên tắc, cuộc đàm phán vòng thứ nhất chưa thể đạt được hiệp nghị. Hai bên thoả thuận vòng đàm phán thứ hai sẽ tổ chức ở Bắc Kinh. Nhưng cuối năm 1979 nảy sinh sự kiện quân đội Liên Xô tiến vào Apganistan.
Apgạnistan là nước láng giềng của Trung Quốc, quân đội Liên Xô tiến vào Apganistan rõ ràng là làm cho tiến trình bình thường hoá quan hệ Trung - Xô vốn đã vô cùng khó khăn lại tăng thêm những nhân tố phức tạp mới.

Ngày 10 tháng 1 năm 1980, người phát ngôn báo chí của Bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: Liên Xô đưa quân vào Apganistan, đe doạ hoà bình thế giới, cũng đe doạ an ninh của Trung Quốc, đã tạo thành vật cản mới trong việc bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. Trong tình hình trước mắt, tiến hành đàm phán Trung - Xô rõ ràng là không thích hợp, đề nghị lui cuộc đàm phán lại. Từ đó, cuộc đàm phán bình thường hoá quan hệ Trung - Xô phải gác lại hơn hai năm trời.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #246 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2009, 11:36:48 am »

Đặc sứ Chính phủ hai nước cùng thương thuyết

Ngày 24 tháng 3 năm 1982, Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô Brêgiơnép nói chuyện tại Tasken. Cùng lúc với việc công kích chính sách của Trung Quốc, ông tỏ ý vui lòng thực hiện các "biện pháp cải thiện quan hệ Trung - Xô để đạt thành hiệp nghị". 

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc đã phát biểu ý kiến về việc này, kiên quyết bác bỏ những lời công kích Trung Quốc trong bài nói chuyện của Brêgiơnép. Đồng thời chỉ ra, phía Trung Quốc chú ý tới bài nói chuyện về quan hệ hai nước Trung - Xô của Brêgiơnép ở Tasken, trong quan hệ hai nước Trung - Xô và tình hình quốc tế hiện nay, điều mà Trung Quốc coi trọng chính là hành động thực tế của Liên Xô.

Ít lâu sau, trong báo cáo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng nêu ra, phía Trung Quốc chú ý tới việc các nhà lãnh đạo Liên Xô một lần nữa biểu thị sẵn sàng cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Nhưng điều quan trọng không phải là ngôn từ mà là hành động. Nếu như nhà đương cục Liên Xô quả có thành tâm cải thiện quan hệ với Trung Quốc, thực hiện từng bước thực tế xoá bỏ sự đe doạ đối với an ninh của Trung Quốc thì quan hệ hai nước Trung - Xô hẳn có khả năng đi tới bình thường hoá.

Tháng 8 cùng năm, phía Trung Quốc thông qua kênh ngoại giao bày tỏ với phía Liên Xô rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất quan tâm đến việc cải thiện quan hệ Trung - Xô, bây giờ là lúc có khả năng thực sự bắt đầu làm một số công việc thực tế về phương diện này. Hai bên cần phải ngồi lại, bình tâm tĩnh chí thảo luận, cùng chung sức tìm cách xoá bỏ những chướng ngại cản trở sự phát triển quan hệ giữa hai nước. Qua hiệp thương, hai bên quyết định bắt đầu từ tháng 10 năm 1982, Đặc sứ Chính phủ hai nước (cấp thứ trưởng Ngoại giao) sẽ tiến hành thương thuyết về vấn đề cải thiện quan hệ giữa hai nước luân phiên tại Bắc Kinh và Mátxcơva.

Ngày 5 tháng 10 năm 1982, đoàn đại biểu Liên Xô do Thứ trưởng Ngoại giao Ihsep dẫn đầu đến Bắc Kinh cùng đoàn đại biểu Trung Quốc do Thứ trưởng Ngoại giao Tiền Kỳ Tham dẫn đầu, tiến hành cuộc thương thuyết vòng đầu giữa Đặc sứ Chính phủ hai nước Trung - Xô. Hai bên đã thẳng thắn bình tĩnh trao đổi ý kiến về vấn đề quan hệ hai nước.

Từ tháng 10 năm đó đến tháng 6 năm 1988, Đặc sứ Chính phủ hai nước đã tiến hành thương thuyết 12 vòng, kéo dài gần 6 năm. Trong thương thuyết, phía Trung Quốc nhiều lần bày tỏ, tình hình không bình thường trong quan hệ Trung - Xô đã tồn tại gần 20 năm, điều này đã không phù hợp với lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước Trung - Xô mà cũng chẳng phù hợp với lợi ích hoà bình của châu Á và thế giới.

Hai bên Trung - Xô cần phải cùng chung sức thiết thực làm một số công việc để xoá bỏ những cản trở trên bước đường cải thiện quan hệ giữa hai nước.

Phía Trung Quốc cho rằng phía Liên Xô nếu như thành thật muốn cải thiện quan hệ giữa hai nước thì cần phải có những hành động thực tế, rút quân khỏi Mông Cổ và trên vùng biên giới Trung - Xô, rút quân khỏi Apganistan v.v...

Phía Liên Xô trong một khoảng thời gian dài từ sau khi bắt đầu thương thuyết đã lảng tránh thảo luận những vấn đề thực chất cản trở đến việc bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. Lấy cớ phía Trung Quốc đề xuất xoá bỏ ba trở ngại lớn là đề ra điều kiện tiên quyết cho việc cải thiện quan hệ hai nước, lại can thiệp vào lợi ích của nước thứ ba, là cho cuộc thương thuyết có lúc rơi vào bế tắc.

Năm 1985, sau khi Goócbachốp giữ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô đã tỏ ra có thái độ tích cực hơn đối với việc cải thiện quan hệ hai nước Trung - Xô. Tháng 4 năm 1986 trong cuộc họp vòng thứ 8, phía Liên Xô lần đầu tiên tỏ ý có thể coi vấn đề Campuchia là xung đột khu vực để tiến hành thảo luận với phía Trung Quốc.

Ngày 28 tháng 7 cùng năm, trong cuộc nói chuyện ở Vlađivôstôc, Goócbachốp tỏ ý vui lòng sẵn sàng thảo luận với Trung Quốc vào bất cứ lúc nào, ở bất kỳ cấp bậc nào về vấn đề tìm thêm biện pháp để tạo ra bầu không khí hữu nghị giữa hai nước láng giềng. Đồng thời cũng tuyên bố: Liên Xô đang cùng với nhà lãnh đạo Mông Cổ nghiên cứu vấn đề rút một bộ phận lớn quân đội ra khỏi Mông Cổ; Liên Xô cũng sẽ rút quân từng đợt khỏi Apganistan, đến cuối năm 1986 có 6 Trung đoàn quân đội Liên Xô rời khỏi Apganistan. Đây là lần đầu tiên phía Liên Xô tỏ rõ thái độ đối với việc xoá bỏ những trở ngại cho việc bình thường hoá quan hệ Trung - Xô .

Ngày 8 tháng 2 năm 1988, Goócbachốp tuyên bố về vấn đề Apganistan rằng bắt đầu từ 15 tháng 5 năm 1988 sẽ rút quân khỏi Apgamstan, trong vòng 10 tháng rút hết toàn bộ.

Tháng 6 cùng năm, trong cuộc họp vòng 12 giữa Đặc sứ hai Chính phủ Trung - Xô, hai bên tập trung thảo luận về vấn đề Campuchia, mỗi bên đã trình bày tỉ mỉ lập trường của mình về vấn đề này. Trong cuộc họp lần này, phía Liên Xô đề nghị hai bên Trung - Xô sẽ tổ chức một cuộc thương nghị chuyên về vấn đề Campuchia.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #247 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2009, 04:15:49 pm »

"Ngoại giao tang lễ" màu nhiệm

Tháng 11 năm 1982, cuộc thương thuyết vòng đầu của đặc sứ hai Chính phủ Trung - Xô kết thúc chưa được bao lâu thì Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô Brêgiơnép qua đời. Chính phủ Trung Quốc cử Uỷ viên Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Hoàng Hoa làm đặc sứ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đi dự lễ tang và đã hội kiến với Ngoại trưởng Gromia.

Tháng 2 năm 1984, nhà lãnh đạo Liên Xô Anđrôpôp qua đời, Chính phủ Trung Quốc cử Phó thủ tướng Quốc vụ viện Vạn Lý dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ đến Mátxcơva tham gia lễ tang. Nhà lãnh đạo Liên Xô Aliép đã hội kiến với Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc. Những cuộc tiếp xúc cao cấp đó đã phá vỡ trạng thái đóng băng làm gián đoạn việc giao lưu chính trị hơn 20 năm qua giữa hai nước Trung - Xô, phát huy được tác dụng quan trọng trong việc cải thiện quan hệ giữa hai nước.

Tháng 3 năm 1985. Secnencô qua đời, Goócbachốp lên làm Tổng bí thư. Trung Quốc có ấn tượng tốt với Goócbachốp, người có ý nguyện muốn cải thiện quan hệ với Trung Hoa nên đã cử Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Bằng dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ đến Mátxcơva viếng tang.

Lần đi thăm này, trọng điểm là thăm dò chính sách đối với Trung Quốc của Liên Xô, vì sau khi Secnencô qua đời, Goócbachốp được hội nghị Ban chấp hành trung ương bầu làm Tổng bí thư, đã có bài nói chuyện tỏ ý hy vọng quan hệ Trung - Xô có thể được cải thiện nhiều hơn nữa. Lời nói này là công thức nhậm chức hay thật sự có ý tán thành?

Trung Quốc đưa Lý Bằng lên tuyến một trong việc ngoại giao với Liên Xô cũng là do lịch sử tạo nên. Quan hệ Trung - Xô lâu nay không tốt, không thể tiến hành những cuộc gặp gỡ ở cấp càng cao hơn. Giao thiệp với Liên Xô cần phải có nhân vật thông minh nhanh nhẹn, có kinh nghiệm, giàu tính sáng tạo. Lý Bằng thông thạo về Liên Xô, biết tiếng Nga, chính là nhân vật lý tưởng để tuyển chọn.

Khi Lý Bằng đến Mátxcơva, Goócbachốp bận rộn vì quốc tang nên chưa thể tiếp kiến, nhưng ông biết rõ ràng tác dụng của "ngoại giao tang lễ", nên ngày buổi chiều ngày 13 tháng 3 Goócbachốp đã cùng với Tikhônốp Gromicô, Kuzơnetsôp hội kiến với Lý Bằng tại điện Kremlin, cảm ơn Lý Bằng đã đến dự lễ tang Secnencô. Đầu tiên Lý Bằng chúc mừng Goócbachốp đảm nhiệm chức Tổng Bí thư, sau đó nói:

- Chúc các đồng chí giành được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trung Quốc từ lâu đã không còn khẳng định Liên Xô là nước xã hội chủ nghĩa. Goócbachốp rất nhạy cảm chính trị, lập tức nhận ra sự khác nhau trong cách nói của người Trung Quốc. Ông giỏi nắm bắt mọi cơ hội có trước mắt. Thêm một người bạn rõ ràng là tốt hơn thêm một kẻ thù.

Lý Bằng chẳng những biết tiếng Nga, còn biết tiếng Anh tiếng Đức, lại là một kỹ sư điện lực. Lý Bằng hơn Goócbachốp 3 tuổi, gia nhập Đảng Cộng sản trước Goócbachốp 6 năm. Lý Bằng rõ ràng là chuyên gia về vấn đề Liên Xô, còn Goócbachốp thì chưa phải là chuyên gia về vấn đề Trung Quốc. Xem ra Goócbachốp đối phó với Lý Bằng chẳng phải dễ dàng, nếu như đấu trí với Đặng Tiểu Bình thì càng tốn nhiều công sức. Tuy vậy, Goócbachốp có khuynh hướng hoà giải, ông đã nhiều lần qua lại công tác với Lý Bằng, ông hy vọng qua Lý Bằng tìm ra những cơ hội đối thoại với Trung Quốc.

Ngay tối hôm đó, các nhà lãnh đạo Liên Xô đã nghiên cứu đối sách, nhân dịp tiếp đãi Lý Bằng khuấy động lại quan hệ Trung - Xô. Goócbachốp quyết định ngày hôm sau sẽ nói chuyện kỹ hơn với Lý Bằng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #248 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2009, 04:16:29 pm »

Trưa ngày 14, Goócbachốp, Rômưcô hội kiến một lần nữa với Lý Bằng tại điện Kremli. Lý Bằng làm theo quyết sách của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, trước hết chuyển lời chúc mừng chân thành và cầu mong tốt đẹp của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang. Lý Bằng nói:

- Trong bài nói chuyện tại Hội nghị Trung ương bất thường, đồng chí tỏ ý mong muốn quan hệ Trung - Xô có thể được cải thiện mạnh mẽ, chúng tôi tán thành ý kiến đó. Chúng tôi vui lòng làm hết sức mình để phát triển quan hệ giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa.

Goócbachốp giãi bày, Liên Xô hy vọng rằng quan hệ Trung - Xô sẽ được cải thiện mạnh mẽ. Ông nói:

- Liên Xô và Trung Quốc cần tiếp tục tiến hành đối thoại, nâng cấp đối thoại lên cao hơn, thu hẹp những bất đồng.

Tháng 12 năm 1985, Lý Bằng và phu nhân Chu Lâm đi thăm Tiệp Khắc và Bungari, khi trở về đi qua Mátxcơva, Goócbachốp đột nhiên yêu cầu được gặp ông bàn tiếp về vấn đề quan hệ Trung - Xô. Đây là cuộc gặp gỡ "thăm dò lẫn nhau”. Lý Bằng thẳng thắn nói với phía Liên Xô "ba cản trở lớn" không xoá bỏ, phía Liên Xô không hành động, thì đối thoại Xô - Trung rất khó mà nâng lên cấp cao hơn. Trao đổi kinh tế có thể phát triển, quan hệ chính trị vẫn không được cải thiện.

Khi đó Goócbachốp đang bị Mỹ dồn ép, phải nhanh chóng tạo được quan hệ chính trị tốt với Trung Quốc để giành ưu thế chiến lược. Ông ta một lần nữa tỏ ý nguyện phát triển quan hệ láng giềng, giảm bớt bất đồng, mong có cuộc gặp gỡ giữa nhà lãnh đạo hai nước.

Cuộc gặp gỡ lần này đã trực tiếp dẫn tới việc Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Talôxin đi thăm Trung Quốc, đẩy mạnh việc phát triển quan hệ kinh tế, mậu dịch, văn hóa, giáo dục. Đồng thời hai bên đều đã thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Ông mới nhậm chức chưa lâu, không ít người trước đây dưới thời Brêgiơnép kiên trì đường lối chống Trung Quốc, nay họ chịu thừa nhận sai lầm thì có nghĩa là sinh mệnh chính trị của họ chấm dứt. Những người này một ngày còn giữ chức thì không thể tán thành một bước ngoặt lớn đối với Trung Quốc được.

Nhưng đường lối ngoại giao thời Gromicô cuối cùng đã kết thúc. Tư tưởng chủ đạo trong đối ngoại của Gromicô là ưu tiên giải quyết quan hệ với siêu cường - tức quan hệ Mỹ - Xô. Các nước khác, bao gồm Tây Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, đều là thứ yếu. Gromicô rời khỏi Bộ Ngoại giao, Goócbachốp mới có cơ hội áp dụng hoạt động ngoại giao đa nguyên hoá, giàu sức sống.

Cuối tháng 7 năm 1986, thời cơ để Goócbachốp thúc đẩy quan hệ Trung - Xô đi lên đã chín muồi, ông đi thị sát 7 ngày ở vùng Viễn Đông, tại Vlađivôstốc ông đã có bài nói chuyện về chính sách của Liên Xô đối với vùng châu Á - Thái Bình Dương, tạo nên hình ảnh hoà bình và láng giềng thân thiện cho Liên Xô.

Trong bài nói chuyện, Goócbachốp đã đánh giá cục diện Viễn Đông:

Xét về mặt kinh tế, khu vực châu Á Thái Bình Dương đã tiến vào thời kỳ phục hưng. Xét về cục diện chính trị, khu vực này chưa có sự chuyển biến theo hướng tốt hơn. Nửa sau những năm 70, nước Mỹ đã mở rộng lực lượng quân sự ở Thái Bình Dương, bắt đầu xuất hiện đối kháng nhưng không theo kiểu quân sự hoá như ở châu Âu. Liên Xô chuẩn bị cải thiện quan hệ song phương với các nước châu Á - Thái Bình Dương. Liên Xô, bản thân cũng là một nước châu Á - Thái Bình Dương, không thể hy sinh nước khác để tăng cường an ninh cho riêng mình, không mưu cầu địa vị đặc quyền và đặc thù nào cả.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #249 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2009, 04:17:07 pm »

Trọng tâm bài nói chuyện của Goócbachốp là muốn cải thiện quan nệ chính trị với Trung Quốc, tỏ ý sẵn sàng thảo luận với Trung Quốc về vấn đề xây dựng quan hệ láng giềng vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ cấp bậc nào. Ông cho rằng hai nước đều đang đẩy nhanh xây dựng kinh tế, có thể giúp đỡ và hợp tác với nhau, quan hệ càng tốt càng có thể giao lưu kinh nghiệm nhiều hơn. Ông nhận định kinh tế mậu dịch của hai nước (bao gồm cả buôn bán ở vùng biên giới) rất giàu tiềm lực, liên hợp khai thác Hắc Long Giang, lấy dòng chảy chính trên sông làm đường biên giới chính thức, xây dựng đường sắt nối liền Tân Cương với Cazăcstan, cùng hợp tác về kỹ thuật hàng không vũ trụ, Trung Quốc và Liên Xô cùng giảm số lượng bộ binh.

Về vấn đề "ba cản trở lớn" trong quan hệ Trung - Xô, Goócbachốp đã nói tới vấn đề quân đồn trú ở biên giới Trung - Xô, đề cặp tới vấn đề Apganistan. Qua bài nói chuyện có thể thấy, chính sách của Liên Xô đã có thay đổi, đương nhiên như mọi người thường nói, kết quả thực tế còn phải nhìn vào việc làm đã.

Hai ngày trước khi Goócbachốp có bài nói chuyện này, Liên Xô đã "kính mời” Tổng bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ Patmơnkhơ và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Trường Chinh đến Mátxcơva "nghỉ mát"

Ngày 26 tháng 7 là ngày Trường Chinh đến "nghỉ mát” ở Mátxcơva, hãng TASS từ Hà Nội đưa tin về bài nói chuyện của Trường Chinh tại Hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông nói:

- Đại gia đình xã hội chủ nghĩa đã trở thành hệ thống thế giới và không ngừng tăng thêm sức mạnh, chúng ta cần phải tận dụng sự viện trợ cực kỳ quý báu của các nước anh em, trước hết là Liên Xô .

Cùng lúc đó, Goócbachốp lại hội kiến với Tổng bí thư Mông Cổ Patmơnkhơ. Patmơnkhơ biết được sau này viện trợ phải giảm nhiều, nên vừa về tới Mông Cổ đã sửa đổi cung cách tuyên truyền trên báo chí, không còn nhắc tới "Liên Xô luôn luôn viện trợ kinh tế kỹ thuật khảng khái vô tư cho Mông Cổ. Trong các cuộc nói chuyện, nhà lãnh đạo Mông Cổ lại nhắc đến "khai thác với mức độ cao nhất tiềm lực kinh tế quốc dân của nước ta" và "mở rộng phát triển các xí nghiệp liên doanh Mông Cổ - Liên Xô". 

Người Việt Nam cũng đã hiểu rõ. Liên Xô đang gặp khó khăn về kinh tế, không thể để họ thêm gánh nặng được nữa.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM