Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 07:36:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngọn lửa chiến tranh lạnh - Tập 2  (Đọc 137042 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #20 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2009, 04:36:05 pm »

Trong những cuộc thay đổi Chính phủ nhanh như đèn cù, các tướng lĩnh bỏ mặc việc cải cách chính trị. Ngày 16 tháng 8, tướng Nguyễn Khánh trở thành Tổng thống, gạt tướng Dương Văn Minh ra rìa hứa hẹn chế định Hiến pháp mới. 11 ngày sau, hiến pháp bị loại bỏ, Dương Văn Minh một lần nữa trở thành "nguyên thủ quốc gia", Nguyễn Khánh quay về giữ ghế "Thủ tướng’. Hai ngày sau, Nguyễn Khánh về nước với lý do "tinh thần bạc nhược" và 5 hôm sau ông ta lại lên ngôi Thủ tướng, 10 hôm sau lại bị hạ bệ trong một cuộc đảo chính không đổ máu và chỉ một ngày sau đó lại thấy ông ta thượng đài trong một cuộc chính biến. Tình hình cứ tiếp tục diễn ra như thế trong khi đại sứ Taylo vẫn cố ra sức khống chế lực lượng của mình và níu kéo Chính phủ đương thời.

Taylo nói: "Trong một năm tôi làm đại sứ, tôi đã phải đối phó với 5 chính quyền, 5 tốp tướng lĩnh cao cấp. 5 tốp thủ lĩnh cấp tỉnh cai trị 44 tỉnh. Nói một cách khách, trong sự hỗn loạn mà người ta có thể hình dung được, guồng máy Chính phủ đã theo nhau bị loại trừ, bị lật đổ vào 5 thời điểm khác nhau, và ngay từ khi bắt đầu đã không một lúc nào xây dựng được một Chính phủ ổn định".

Ngày 18 tháng 8, khi báo cáo của Xibớtnơ về chuyến công cán Hà Nội từ Ôtaoa chuyển tới Oasinhtơn rồi từ Oasinhtơn chuyển tới Sài Gòn, đại sứ Tay lơ khuyến cáo Nhà Trắng, cho rằng việc ném bom miền Bắc vẫn chưa đủ: Tướng Oétmôlen dự tính đến việc Nam Việt Nam cần tới lính thủy đánh bộ Mỹ.

Trước áp lực của phía quân đội và những người ủng hộ hành động quân sự, Tổng thống Giôn sơn từng bước từng bước đẩy nước Mỹ lún sâu vào tai hoạ chiến tranh. .

Ngày 1 tháng 11, du kích miền Nam tập kích căn cứ không quân Biên Hòa gần Sài Gòn, 4 lính Mỹ bị chết, 6 máy bay ném bom B-57 bị phá huỷ. Hai ngày sau, Giôn sơn với tư cách ứng cử viên của phái ôn hòa đã giành thắng lợi với ưu thế áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống.

Vào lúc mà người Mỹ đang bỏ phiếu bầu thì Giôn sơn đã gặp Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng để bàn vấn đề phản ứng của Mỹ trước việc tập kích Biên Hoà. Ông Chủ tịch nói với Tổng thống: "Quyền thống trị ở mặt đất đã có những thay đổi có lợi cho cộng sản" - ý ông ta muốn nói, do quân Mỹ cứ ngồi đợi ở Việt Nam, cho nên không có lý do công kích lại họ. Ông ta yêu cầu phải lập tức tập kích các căn cứ không quân ở gần Hà Nội, và Giôn sơn cũng đưa ra những phương án ném bom hiện đại hoá. Trợ lý Quốc vụ khanh Bâncơ được cử đi liên hệ với Lầu Năm Góc.

Ngày 5 tháng 11, Bâncơ đệ trình bị vong lục của nhóm kế hoạch. Ông ghi trong nhật ký: "Sự kiện Biên Hoà có thể tái diễn bất cứ lúc nào, điều này buộc chúng tôi phải hành động, đồng thời cũng sẽ cung cấp cho chúng tôi cơ hội tuyệt vời để chúng tôi hành động mạnh mẽ hơn. Rõ ràng là Tổng thống đang cân nhắc những điều cơ bản có thể vận dụng được ở mức độ tối đa qua sự kiện Vịnh Bắc Bộ".

Tuần lễ cuối cùng của tháng 11, Uylimam Bâncơ đã trình Tổng thống phương án đã được sửa chữa, đó là ném bom theo kiểu "phẫu thuật ngoại khoa" - một kiểu ném bom mà Mỹ đã dùng cả nghìn lần ở châu Á: xóa sổ mục tiêu A, nếu mục tiêu đó không còn phát huy tác dụng được nữa sẽ đến mục tiêu B, sau đó lần lượt đến các mục tiêu khác, đồng thời đẩy nhanh tốc độ phá hoại.

Bắt đầu từ năm 1965, "thế giới tự do" đã tham gia đạo quân xâm lược núp dưới chiếc ô bảo hộ của Mỹ. Nam Triều Tiên cử 2000 viên cố vấn quân sự, Thái Lan và Philippin cũng sẵn sàng một lực lượng tương tự, Ôxtrâylia đã trở thành căn cứ ứng cứu.

Ngày 1 tháng 1 năm 1965, Mỹ tiến hành một bước chuẩn bị quan trọng cho cuộc chiến tranh trên đất liền. Kế hoạch đưa quân lính chiến đấu của Mỹ vào ứng cứu đã bước vào "trạng thái tác chiến" của giai đoạn một mang mật hiệu "32-64". Ngày hôm đó cũng là kỳ hạn cuối cùng ném bom Bắc Việt theo đề nghị của đại sứ Taylo. Oétmolen thì kiên trì chủ trương đưa bộ binh vào, còn Taylo thì kiên trì chủ trương tiến hành ném bom "từng bước" và đề nghị Hội đồng Tham mưu trưởng cố gắng cho ném bom những căn cứ không quân gần Hà Nội.

Lúc Giôn sơn phải cân nhắc những đề nghị khác nhau đó cũng là lúc hội nghị kiểu maratông của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đang diễn ra. Ông ta phải lựa chọn giữa tiến hành chiến tranh trên không hay chiến tranh mặt đất, hoặc giả cả hai cùng đồng thời tiến hành. Giờ đây không còn là chuyện ứng cứu nữa mà phải đưa ra sự lựa chọn dứt khoát: sự quá yếu ớt của người bạn đồng minh của Mỹ (chính quyền Sài Gòn) buộc Mỹ phải mở rộng chiến tranh. Đến cuối tháng 1, kết quả của sự lựa chọn là: chiến tranh trên không có thể sẽ giành được hiệu quả tối đa, có khả năng dẫn đến tranh cãi nhất.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #21 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2009, 04:37:05 pm »

Ngày 7 tháng 2, một đơn vị du kích tập kích căn cứ Mỹ ở Plâycu, 9 lính Mỹ chết, 76 người bị thương. Mấy giờ sau, Giôn sơn phê chuẩn kế hoạch, "mũi tên rực cháy" - mật hiệu của một giai đoạn trong kế hoạch trả đũa ăn miếng trả miếng của Lầu Năm Góc.

29 máy bay "Chim ưng nhà trời" và "Kẻ đột nhập" cất cánh từ Hạm đội 7 đánh vào Đồng Hới - căn cứ tập kết quân đội Bắc Việt nằm ở phía bắc giới tuyến. Trận tập kích không vấp phải sự đề kháng. Cùng lúc, ở miền Nam kế hoạch sơ tán người Mỹ vạch ra trước đây cũng được thực hiện ngay. Trong một ngày, máy bay chở hàng trăm phụ nữ và trẻ em đi sơ tán. Giôn sơn hạ lệnh tiếp tục chiến dịch ném bom giai đoạn hai với biệt danh "sấm rền".

Sáng ngày 2 tháng 3, 100 máy bay chiến đấu vượt qua vĩ tuyến 17 và chỉ trong phút chốc nhiều cầu cống, đường sắt, cửa cảng... của miền Bắc bị phá hoại. Đó là những mục tiêu nằm trong "Kế hoạch ném bom một năm" của Mỹ. Trong khi đó, qua vô tuyến truyền hình, Giôn sơn nói với dân chúng Mỹ: "Tôi cho rằng, tính tất yếu của cuộc chiến tranh đã buộc chúng ta phải ném bom miền Bắc. Chúng ta thực sự đã hạn chế các cuộc không tập, chỉ nhằm vào các mục tiêu bê-tông và gang thép chứ không nhằm sát hại thường dân". 

Toàn thế giới bắt đầu quan tâm theo dõi và lên án gay gắt chiến dịch "Sấm rền". Nhiều thượng nghị sĩ Mỹ cũng phải kinh ngạc, Giôn sơn thì luôn mồm bảo đảm rằng "mục đích của ông ta không phải là mở rộng chiến tranh mà là sáng tạo hòa bình, nhưng theo họ, "ông ta (chỉ Giôn sơn), đã thay đổi quan điểm từ khi xảy ra sự kiện Plâycu đầu năm 1965, ông ta bắt đầu muốn mở rộng chiến tranh".

Trong khi "sấm" vẫn "rền" thì kế hoạch ứng cứu bằng bộ binh ráo riết chuẩn bị triển khai. Vậy mà Tổng thống Giôn sơn không hề đả động đến chuyện này trong hài nói trên truyền hình ngày 2 tháng 3.

Kế hoạch đưa lính chiến đấu Mỹ vào Việt Nam của Tư lệnh quân sự tối cao ở Nam Việt Nam Oétmôlen cũng đã được Bộ trưởng quốc phòng Mắc Namara ủng hộ.

Theo Oétmôlen, ném bom vẫn chưa đủ, Mỹ phải tiến hành chiến tranh trên bộ.

Oétmôlen cho rằng, phân giai đoạn để ném bom "không thể mang lại kết quả" vì như ông ta giải thích: "Một khi Bắc Việt nhận thức được chuyện gì đang xảy ra, họ có thể phân tán mục tiêu. Chẳng hạn, trước kia họ tập trung xăng dầu ở một chỗ, nay họ có thể phân tán xăng dầu ra khắp cả nước bằng những bồn xăng nhỏ... trước sau tôi vẫn nghĩ rằng, đối thủ của chúng ta khá ngoan cường, họ có thể thích ứng với các kiểu ném bom đặc biệt. Ném bom ngắt quãng như Oasinhtơn hiện nay không thể giải quyết được vấn đề

Oétmôlen lý sự việc ném bom miền Bắc chắc chắn sẽ dẫn đến hành động trả đũa vào các căn cứ không quân Mỹ ở miền Bắc Việt Nam. Sau trận tập kích của du kích ở Biên Hoà và Plâycu, rõ ràng Mỹ không còn có thể dựa vào lực lượng vũ trang Nam Việt Nam để bảo vệ những căn cứ của Mỹ được nữa. Theo ông ta, căn cứ chủ yếu của Mỹ ở Đà Nẵng, nằm ở ven biển, cách giới tuyến quân sự tạm thời chỉ có 100 km, rất dễ bị tấn công. Để ủng hộ quan điểm của Oétmôlen, Hội đồng Tham mưu trưởng đề nghị trước tiên đưa lính thủy đánh bộ đến Đà Nẵng, coi như phản ứng đầu tiên về vấn đề bảo đảm an toàn. Lầu Năm Góc cũng tỏ thái độ: cần phải cố quân đội để ngăn chặn sự trả đũa công khai đối với việc không kích của Mỹ".

Đại sứ Tay lơ lúc đầu tỏ ra kinh ngạc trước việc này. Ông ta gọi điện cảnh cáo Giôn sơn rằng, nếu lính thủy đánh bộ Mỹ tiếp quản nhiệm vụ bảo vệ an ninh vốn là của quân đội Việt Nam Cộng hoà thì sẽ càng làm cho Sài Gòn "rũ bỏ trách nhiệm nhiều hơn". Tay lơ chủ trương dựa vào chiến tranh trên không để cho quân đội Việt Nam Cộng hòa được "rèn luyện".

Tay lơ phê phán "sự rụt rè không cần thiết" trong những hành động không kích và kiến nghị vạch một "phương án không kích táo bạo hơn", Tay lơ còn cho rằng "những nỗ lực hoà bình của phương Tây” phải dựa vào cuộc chiến tranh trên không này.

Nhưng Bânđi nói: "Trên cái sân khấu đó, chỉ có đưa lính chiến đấu Mỹ vào mới có thể dứt khoát ngăn chặn được tình trạng thối nát và chưa năm xẻ bẩy đang tiếp diễn, làm cho nó tiến bộ lên được". Lực lượng chính trị mới của Sài Gòn là tướng Nguyễn Văn Thiệu cũng ủng hộ Oétmôlen. Nguyễn Văn Thiệu nói: "Cộng sản khống chế 75% nông thôn, chúng tôi chỉ khống chế được những thành phố chính. Chúng tôi thấy khó mở rộng được lực lượng, rất cần đến quân đội Hoa Kỳ”.

Cuối cùng, đại sứ Tay lơ "đồng ý” với kế hoạch cho lính thủy đánh bộ đổ bộ. Tay lơ gọi Oétmôlen là ông "Bạn thân" và nói: "Oétmôlen và tôi đều thường xuyên kiểm tra cách nghĩ của nhau”. Cả hai ông tướng này đều là những người lính cũ trên chiến trường Triều Tiên, đều từng là người phụ trách trường võ bị Oét Phăng. Tay lơ nói: "Oétmôlen đã nắm được những bằng chứng về tình trạng thối nát của quân đội Nam Việt Nam ở khu vực Đà Nẵng và mối đe doạ thâm nhập ngày càng gia tăng của Bắc Việt, cuối cùng tôi cũng khẳng định Đà Nẵng đang trong tình thế nguy hiểm". Tay lơ đề xuất phái một tiểu đoàn, Oétmôlen đề xuất phái hai tiểu đoàn, Hội đồng Tham mưu trưởng cũng đề xuất phái hai tiểu đoàn, Giôn sơn đã phê chuẩn đề nghị này.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #22 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2009, 04:37:49 pm »

Ngày 1 tháng 3 năm 1965, tại Sài Gòn, đại sứ Tay lơ đến chào Thủ tướng lâm thời Phan Huy Quát đã tiết lộ một tin khiến ông ta hoàn sửng sốt: lính thủy đánh bộ Mỹ sắp sang. Mới lên nhậm chức được 10 ngày, Phan Huy Quát không biết tý gì về chuyện này, hoàn toàn chưa có sự chuẩn bị về mặt tâm lý. 3 ngày sau, đại sứ Tay lơ chính thức đại diện cho Oasinhtơn hỏi Phan Huy Quát: Chính phủ Việt Nam Cộng hoà có thể "mời" lính thủy đánh bộ Mỹ tới không?

Ở miền Nam Việt Nam lúc này, số nhân viên quân sự Mỹ sắm vai cố vấn đã vượt qua 2000 người.

Phan Huy Quát tất nhiên không dám quyết định có "mời" hay không. Sau khi tỏ lời cám ơn Tay lơ, Phan Huy Quát nói sẽ bàn bạc với tướng Thiệu, người lãnh đạo Uỷ ban lực lượng vũ trang.

Tay lơ đi khỏi, Phan Huy Quát gọi Tham mưu trưởng Bùi Diệm tới, nói cho ông ta biết tin này. Cả hai đều cho rằng vấn đề hóc búa nhất là ai sẽ cai trị cái "quốc gia" này. Bùi Diệm cảm thấy đây là điểm cốt tử trong mục tiêu của họ: Người Mỹ quyết tâm muốn khống chế đối với Sài Gòn, Mỹ đã cảm thấy ngao ngán mệt mỏi về gánh nặng mà chắc chắn nó không có cơ hội nào chia sẻ được. Bùi Diệm giọng ngán ngẩm: 

- Thế đấy; đại đa số trường hợp người Mỹ sau khi đã có quyết định rồi, Chính phủ Nam Việt Nam mới được thông báo?

Thảo luận xong thông báo ngắn gọn của đại sứ Tay lơ về việc 3500 quân lính thủy đánh bộ sắp sửa tới, Bùi Diệm và Thủ tướng Phan Huy Quát vẫn không biết gì hơn ngoài việc lực lượng này ngày 6 lên đường, ngày 8 sẽ đổ bộ ở Đà Nẵng.

Bùi Diệm buồn thiu:

- Việc duy nhất mà chúng ta có thể làm được lúc này là ngồi vào bàn, soạn thảo công báo.

Bọn tướng lĩnh đã chú ý đến việc miền Nam sẽ bị "xâm phạm, quấy nhiễu”, nên đã không do dự đưa ra "lời mời" (lúc này quân đội Cộng hòa có khoảng 50 vạn còn theo tính toán của Mỹ, lực lượng du kích có 37.000 quân chính qui, 10 vạn dân quân, tăng 33% so với năm năm 1964).

Khi phê chuẩn cho lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ, tướng Nguyễn Văn Thiệu lo ngại giới Phật giáo và học sinh sinh viên Đà Nẵng, thành phố lớn thứ hai của Nam Việt Nam, sẽ có phản ứng. Ông yêu cầu lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ đổ bộ bằng một phương thức không dễ phát hiện.
9 giờ sáng ngày 8 tháng 3 năm 1965, một chi đội tàu đổ bộ của hạm đội hải quân Mỹ cập bờ biển Đà Nẵng. Hai mươi năm trước, người Pháp cũng đổ quân lên nơi đây để một lần nữa tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và bây giờ, đạo quân đẩu tiên của Mỹ với 3500 tên cũng đặt chân lên chốn này.

Trong quá trình đổ bộ, những người lính Mỹ lăm lăm trong tay khẩu M-14 đã gặp một cảnh tượng có thể nói là kỳ lạ nhất trong mọi cuộc chiến tranh. Trên bãi cát phẳng lì có cả một uỷ ban đón tiếp chính thức, một biểu ngữ chăng ngang giữa các cây phi lao với dòng chữ: "các bạn nên ở lại đây! và khắp nơi là những cô gái rất xinh đẹp. Các cô gái đều có nước da màu hổ phách, những cặp mắt hạnh nhân tinh nghịch, mái tóc đen chấm ngang lưng, mặc những chiếc quần lụa mới kêu sột soạt. Các cô gái chạy qua chạy lại giữa đám lính trẻ, quàng lên người họ những vòng hoa màu trắng và màu hồng. Các cô mặc những chiếc áo dài sặc sỡ đủ màu bó sát vào thân hình thon thả, dập dờn như trong mộng, vẻ e thẹn mỉm cười với các chàng lính đang mở to mắt há hốc mồm. Trên bãi cát giống như thiên đường bao trùm một không khí nửa thực nửa mơ.

Tướng Oétmôlen mô tả cuộc đổ bộ này như một buổi dạo "bồng lai tiền cảnh". Quả thực ông ta có lý do để liên tưởng một cách lãng mạn như vậy. Là một sĩ quan chỉ huy quân sự, đề nghị đưa bộ binh vào Việt Nam của ông ta giờ phút này đã trở thành hiện thực, lòng ông ta rạt rào sung sướng, mong ước lấy lại niềm tin cho dân chúng trong cuộc chiến tranh .này đang được thực hiện.

Và cũng từ đây, cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài suốt mười năm bắt đầu mở màn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #23 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 10:48:19 am »

VI. NGĂN CHẶN MÓNG VUỐT CỦA ĐẾ QUỐC MỸ

Mao Trạch Đông quan tâm theo dõi tình hình chiến sự Việt Nam

Trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, hai nước Trung Việt đã kết nên mối tình hữu nghị nồng hậu,

Ngay hôm sau xảy ra "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ", ngày 6 tháng 8 năm 1964, Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã ra tuyên bố.
“Mỹ đã châm ngọn lửa chiến tranh xâm lược, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có quyền hành động chống xâm lược, tất cả các nước bảo vệ Hiệp định Giơnevơ cũng có quyền chống lại sự xâm lược. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một thành viên của phe xã hội chủ nghĩa, không một nước xã hội chủ nghĩa nào có thể ngồi nhìn Việt Nam bị xâm lược. Mỹ xâm phạm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tức là xâm phạm Trung Quốc, nhân dân Trung quốc quyết không thể khoanh tay ngồi nhìn”.

Ngày thứ ba sau "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ", ngày 8 tháng 8, gần một triệu công nhân, nông dân, cán bộ, dân quân và đông đảo dân chúng xuống đường, rầm rộ biểu tình thị uy.

Ngày thứ năm sau "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ, ngày 10 tháng 8, Bắc Kinh tổ chức một cuộc mít tinh khổng lồ với 10 vạn người tham gia, ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ vũ trang xâm lược. Tham dự có Phó Chủ tịch Đảng kiêm Thủ tướng Quốc vụ viện Chu Ân Lai, Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị kiêm Phó Thủ tướng Lục Định Nhất, Bí thư Ban bí thư Trung ương, Phó Thủ tướng kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc La Thụy Khanh, Chủ tịch Uỷ ban bảo vệ hòa bình thế giới của Trung Quốc Quách Mạt Nhược.

Ngày 10 tháng 2 năm 1965, lại một cuộc mít tinh thị uy khổng lồ với 150 vạn người đã được tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh. Đứng trên Thiên An Môn, các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình... đã cùng với quân dân Bắc Kinh thét vang khẩu hiệu lên án tội ác xâm lược của đế quốc Mỹ, kiên quyết ửng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ của Việt Nam.

Trên quảng trường Thiên An Môn, cả dãy phố Đông Trường An và Tây Trường An, những tiếng hô vang dậy rung trời chuyển đất, rợp trời cờ đỏ tung bay, biểu ngữ san sát như rừng cây, hơn chục quả khí cầu lớn từ hai bên quảng trường từ từ bay lên không trung mang theo những tấm biểu ngữ to nhìn rõ mồn một. Trước lầu thành Thiên An Môn sừng sững một tấm biểu ngữ dài mấy chục mét với những dòng khẩu hiệu. "Phản đối đế quốc Mỹ xâm lược nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà!', "Đế quốc Mỹ cút khỏi miền Nam Việt Nam”, "Đế quốc Mỹ cút khỏi Đông Dương! Cút khỏi châu Á! Cút khỏi châu Phi! Cút khỏi châu Mỹ la tinh! Cút khỏi mọi nơi chúng chiếm đóng!"
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #24 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 10:50:03 am »

Hành động cướp biển của Chính phủ Giônsơn

Cuộc đấu tranh ở miền Nam Việt Nam nhanh chóng được sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân các nước trên thế giới, kế hoạch chiến lược của Mỹ liên tiếp bị thất bại. Giôn sơn mất ăn mất ngủ, hôm đó, ông ta lại bay sang Hônululu, triệu tập các đầu mục quân sự chính trị bàn khẩn cấp về tình hình Việt Nam. Giôn sơn nói:

- Thế lực của Việt cộng ở miền Nam phát triển nhanh tới mức khó tin, nhưng đó là sự thật. Nếu không nhanh chóng chặt đứt hậu phương của nó, chính quyền Sài Gòn sẽ lâm nguy trong một sóm một chiều, viện trợ quân sự của Mỹ lâu nay sẽ tan thành mây khói.

Thấy các cộng sự nhìn nhau, Giôn sơn dằn giọng:

- Nếu không tăng cường ngăn chặn, cứ để tiếp tục phát triển như thế này mãi, thế lực của Trung Quốc, thế lực của Liên Xô tất sẽ dồn xuống phía nam, lực lượng của các nước cộng sản có thể sẽ khống chế được eo biển Malắcca, yết hầu giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, lợi ích của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á sẽ bị tổn thất nặng nề. Tới lúc đó mới lại hạ quyết tâm giành giật với cộng sản, điều chỉnh lại kế hoạch quân sự để đối phó với sự bành trướng của thế lực cộng sản, đối phó với sách lược tấn công của Nga Xô ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì e đã muộn...

Bộ trưởng quốc phòng miền Nam và Quốc vụ khanh Đin Raxcơ nghe tới đây bất giác rùng mình. Một năm trước đây tại Trân Châu Cảng đã quyết định một kế hoạch hành động quân sự quan trọng. Kế hoạch này sau khì thực thi được gọi là "Sự kiện vịnh Bắc Bộ". Quốc vụ khanh Đin Raxcơ đã tham gia việc hoạch định kế hoạch, cả hai vị đại sứ ở Sài Gòn là Cabốt Lốt và Tay lơ cũng có mặt, Tư lệnh quân Mỹ miền Nam Việt Nam Oétmolen tràn trề tin tưởng. Tháng 8 bắt đầu tập kích căn cứ hải quân Bắc Việt. Sau đó, quân Mỹ lại ném bom các trục đường giao thông và các thành phố lớn, ném bom đường mòn Hồ Chí Minh.

Chiến sự ở Việt Nam làm đau đầu Mắc Namara .

Ông Bộ trưởng Quốc phòng này cảm thấy việc ném bom chỉ có thể làm chậm lại tốc độ chi viện của Bắc Việt chứ không thể ngăn chặn được sự chi viện đó. Theo ông ta, biện pháp tốt nhất là cho quân đổ bộ ra miền Bắc, chiếm Hà Nội, tàn phá triệt để căn cứ Bắc Việt. Trong đầu Mắc Namara đã nhiều lần hiện ra những giây phút nguy cấp của Mắc Namara trên chiến trường Triều Tiên năm ấy, Mác Ác tơ đã quả quyết cho quân đổ bộ lên Nhân Xuyên, chặt đứt đường tiếp tế của quân Kim Nhật Thành, nam bắc giáp công mười mấy vạn quân Bắc Triều Tiên, nhanh chóng đẩy mặt trận lên vĩ tuyến 38. Mắc Namara đã nhiều lần đề nghị với Tổng thống thực thi theo kế hoạch đó. Nhưng Giôn sơn cho rằng, việc đó rất quan trọng, quan hệ rất lớn, trù trừ mãi vẫn chưa thể đưa ra quyết định.

Về chủ trương của ông Bộ trưởng Quốc phòng, nội bộ Lầu Năm Góc quan điểm cũng không hoàn toàn thống nhất. Vấn đề mọi người lo lắng nhất là làm như vậy liệu Trung Quốc có xuất binh không, liệu có lại giống như chiến trường Triều Tiên không. Bài học thất bại trên chiến trường Triều Tiên vẫn còn in đậm trong ký ức họ. Một số tướng lĩnh cao cấp cho rằng, quân đội Mỹ chỉ cần tiếp cận biên giới Việt-Trung, chắc chắn sẽ dẫn tới sự can thiệp của Trung Quốc

Mắc Namara có phần không vui trước những ý kiến đó:

- Nếu các ông đằng trước sợ sói, đằng sau sợ hổ, liệu còn làm nên được chuyện gì, đành khoanh tay mà chờ chết!
 
Ông ta chợt nhớ đến ngày 23 tháng 9 năm 1945, 9 chiến hạm Pháp chở hai vạn quân đổ bộ lên Hải Phòng, ít lâu sau tiến về Hà Nội, "tống cổ” các quan chức của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vừa mới tuyên bố thành lập lên hết cả vùng núi rừng Việt Bắc. Ông ta đột nhiên phấn chấn hẳn lên, nói với các Tham mưu trưởng ba quân chủng, với các yếu nhân quân sự khác của Lầu Năm Góc:

- Tổng thống Giôn sơn ngày 30 tháng 5 nói với các họa sĩ vẽ tranh châm biếm rằng, có người đang phải cầm súng, có người đang phải chịu khổ, có người đã chết, chiến tranh là như vậy? Ngày 8 tháng 6, Tổng thống tuyên bố trên truyền hình về việc quân Mỹ trực tiếp tham chiến ở Việt Nam, có nói không bao gồm việc đổ bộ vào Bắc Việt. Để dập tắt cuộc tấn công của Việt Cộng, chúng ta phải quyết đoán kịp thời!

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #25 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 10:50:11 am »

Chẳng ai học được chữ ngờ. Kế hoạch này còn đang thai nghén thì đã bị một nhà báo tố giác. Ngày 17 tháng 6, phóng viên tờ báo Anh "Tin nhanh hàng ngày" ở Oasinhtơn tiết lộ quyết định quan trọng đó: "Kế hoạch này sẽ lặp lại cách làm của tướng Mác Ác tơ hồi chiến tranh Triều Tiên. Lúc bấy giờ, Mác Ác tơ quyết định đổ bộ lên Nhân Xuyên, cắt đứt đường liên lạc với Bắc Triều Tiên... Về kế hoạch này, Bộ trưởng Quốc phòng Mắc Namara nhận được sự ủng hộ của Hội đồng Tham mưu trưởng, và đã trình lên Tổng thống Giôn sơn". Chẳng mấy chốc, dư luận Đông, Tây ầm ỹ cả lên.

Điều làm cho Mắc Namara càng đau đầu hơn là trước khi ông ta vạch ra kế hoạch quan trọng này, ý đồ của ông đã bị Hồ Chí Minh, một con người sáng suốt, trí túc đa mưu đoán ra. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt đầu có sự chuẩn bị nhằm vào kế hoạch xâm lược của Mỹ đánh chiếm thủ đô Hà Nội, đồng thời, Hồ Chí Minh bí mật sang Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ nhiều hơn.

Đây là lần thứ hai Hồ Chí Minh bí mật sang thăm Trung Quốc. Lần thứ nhất là vào cuối tháng 1 năm 1950, khi đó nhân dân Việt Nam đang kháng chiến chống Pháp, và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã thành lập.

Ngày 3 tháng 2 năm đó, từ Đông Bắc Trung Quốc, Hồ Chí Minh đáp máy bay đi thẳng sang Mátxcơva. Một trong những mục đích của chuyến đi này là ra mắt Xtalin, đồng thời nhân dịp Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai cũng có mặt ở đó tranh thủ thêm sự viện trợ của Chính phủ Liên Xô.

Xtalin sau khi hỏi ý kiến Mao Trạch Đông đã hội kiến với Hồ Chí Minh để nghe ông giới thiệu về cuộc chiến tranh Pháp-Việt.

Hồ Chí Minh trực tiếp đề xuất với Xtalin yêu cầu Liên Xô cử cố vấn quân sự giúp Việt Nam và viện trợ cho Việt Nam súng ống đạn lược.
Trước những yêu cầu của Hồ Chí Minh, Xtalin dùng dằng chưa quyết định ngay. Ông ta muốn sau khi thương lượng với Trung Quốc rồi sẽ quyết định.

Khi hội đàm với Mao Trạch Đông, Xtalin một lần nữa nhắc lại nhận thức của ông về "hình thế thế giới".

Xtalin nói với Mao Trạch Đông, ông hy vọng trách nhiệm giúp Việt Nam chống Pháp chủ yếu vẫn do Trung Quốc đảm nhận, vì Trung Quốc và Việt Nam có nhiều mối liên hệ trong quá khứ cũng như hiện tại, hai bên khá hiểu biết nhau, vị trí địa lý cũng gần gũi nhau.

Xtalin tuyên bố, viện trợ Trung Quốc xây dựng kinh tế là nhiệm vụ quan trọng của Liên Xô.

Cuối cùng, Xtalin nói với Mao Trạch Đông:

- Chúng tôi đã đánh xong đại chiến thế giới, còn rất nhiều vũ khí dùng chưa hết, chúng tôi có thể chở sang Trung Quốc, các đồng chí giữ lấy, trong đó có những thứ phù hợp với chiến tranh Việt Nam, các đồng chí cũng có thể chở một số sang Việt Nam..

Ở Mátxcơva, về vấn đề viện trợ cho Việt Nam chống Pháp, Chính phủ hai nước Trung Quốc, Liên Xô nhanh chóng đi tới thoả thuận.

Về đến Bắc Kinh, Mao Trạch Đông triệu tập ngay Quân ủy Trung ương họp tại điện Cần Chánh trong Trung Nam Hải, bàn vấn đề viện trợ cho Việt Nam.

Mọi người đều thống nhất ý kiến: cách mạng Việt Nam là một bộ phận của Cách mạng thế giới, nếu cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Nam thắng lợi sẽ làm cho an ninh ở phía nam Trung Quốc được bảo đảm thêm một bước, về cơ bản mà nói, đây cũng là nghĩa vụ quốc tế vô sản.

Hồ Chí Minh hoàn toàn ý thức được sự hứa hẹn của Chính phủ Trung Quốc có ý nghĩa như thế nào. Ông phấn khởi nói với một cán bộ Việt Nam phụ trách công tác đối ngoại lúc bấy giờ:

- Trung Quốc hiện nay đã được giải phóng, so sánh lực lượng có lợi cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới, đặc biệt có lợi cho cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam. Mấy năm kháng chiến, dựa vào những cố gắng của bản thân, chúng ta đã giành được thắng lợi to lớn, nay Trung Quốc quyết định giúp đỡ chúng ta trên mọi phương diện, do đó trọng điểm công tác đối ngoại của chúng ta hiện nay không ở Thái Lan, phải chuyển về Trung Quốc. Đồng chí có thể phải ở lại Bắc Kinh nhận nhiệm vụ mới. Trong quá trình công tác, có rất nhiều điều mới mẻ cần phải học tập. Song điều thuận lợi nhất là các đồng chí Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai v.v.. đều tỏ ra muốn tận lực giúp đỡ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, mặc dù Trung Quốc cũng vừa mới được giải phóng, họ còn bao nhiêu khó khăn cần phải giải quyết
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #26 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 10:51:54 am »

Trung Quốc cử cán bộ

Di Niên Đường với những vì kèo chạm trổ hoa lá.

Chiều ngày 30 tháng 6 năm 1950, khoảng 40 cán bộ trong đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc sang giúp Việt Nam đã có mặt từ rất sớm. Họ chờ gặp các đồng chí trong Trung ương đến giao nhiệm vụ.

Di Niên Đường rộng mênh mông như thế này mà trống hơ trống hoác, không có sa-lông; không trải thảm, không bày biện thứ gì cả. Trên hai chiếc bàn gỗ kê ở đầu phòng, trà thuốc cũng không thấy có. Phía trước bàn xếp mấy chục chiếc ghế tựa và ghế băng, biến Di Niên Đường thành một phòng họp quá đỗi đơn sơ.

Duy nhất còn lưu lại ở Di Niên Đường là một bức tranh chữ của triều Thanh treo trên tường. Những sĩ quan có văn hóa này thanh thủ ngắm đi ngắm lại mãi.

- Thủ trưởng đến rồi!

Có ai đó khẽ nói. Đám người vội quay về đứng nghiêm trước chỗ của mình. 

Tổng Tư lệnh Chu Đức bước vào đầu tiên, tiếp đó là Lưu Thiếu Kỳ và phu nhân Vương Quang Mỹ.

Di Niên Đường rộ lên những tràng vỗ tay nhiệt liệt.

Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức bắt tay nói chuyện với Vi Quốc Thanh, Mai Gia Sinh, Đặng Dật Phàm đứng đón ngoài cửa, sau đó kéo cả ba người vào cùng ngồi ở chiếc bàn kê chính giữa. Mọi người cũng theo nhau ngồi xuống.

Lát sau, Lưu Thiếu Kỳ đứng lên, gật đầu chào mọi người rồi nói:

- Hôm nay mời các đồng chí đến đây, chúng ta nói với nhau chuyện gì chắc mọi người đều rõ cả. Mao Chủ tịch và Chu Thủ tướng vốn cũng muốn đến gặp gỡ mọi người.

Trong hơn 40 con người này, một số khá đông chưa có dịp tận mắt nhìn thấy Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai. Họ hy vọng nhân dịp này có thể nhìn thấy dung nhan hai con người vĩ đại đó, nghe Lưu Thiếu Kỳ nói vậy trong lòng cảm thấy nuối tiếc.

Lưu Thiếu Kỳ nói tiếp:

- Triều Tiên có chiến sự, tình hình thế nào, các đồng chí chắc đã đọc trên báo chí. Nói chung là rất căng thẳng, cũng lo đế quốc nhúng tay vào, chuyện này không chỉ quan hệ đến vận mạng của Triều Tiên mà quan hệ đến cả an ninh của đất nước chúng ta. Cho nên Trung ương rất quan tâm đến tình hình Triều Tiên, bận lắm. Chủ tịch mấy hôm nay rất vất vả, chuyên làm việc ban đêm, ban ngày chợp mắt được một lúc. Hiện giờ Chủ tịch đang nghỉ, chúng tôi không muốn quấy quả người. Chu Thủ tướng đang mắc họp, cũng không tới được. Thôi ta cứ nói chuyện với nhau vậy. Giọng Lưu Thiếu Kỳ rành rọt. - Nói chuyện thế nào đây? Cứ toạ đàm thôi. Đề nghị mọi người nói trước, có vấn đề gì có ý kiến gì đều có thể đề xuất.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #27 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 10:52:02 am »

Cả phòng họp im lặng, không có ai phát biểu.

Lưu Thiếu Kỳ quay sang Chu Đức:

- Tổng Tư lệnh, đồng chí nói trước đi vậy.

- Phó Chủ tịch nói trước đi. - Chu Đức giọng khiêm nhường.

Lưu Thiếu Kỳ gật gật đầu, hỏi lại một lần nữa:

- Nghe nói có đồng chí không muốn đi Việt Nam, không muốn rời Tổ quốc sang công tác bên đó. Đúng thế không? Vì lý do gì? Có thể nêu ra để bàn, có điều gì cứ nói thẳng ra.

Không ai lên tiếng, vì mọi người đều muốn đi công tác Việt Nam. Trong mỗi người đều tràn ngập một cảm giác mới mẻ chưa từng thấy bao giờ. Trong qua trình thành lập đoàn cố vấn, chỉ có một hai người tỏ ý không muốn đi.

Lưu Thiếu Kỳ nhìn mọi người:

- Không ai nói gì, thì tôi nói vậy. Lần này chúng ta sang Việt Nam công tác, đó là một việc lớn. Đi hay không đi là một vấn đề nguyên tắc, cũng là vấn đề lập trường của người đảng viên Cộng sản. Các đồng chí đều là đảng viên, người đảng viên Cộng sản nhìn nhận vấn đề như thế nào? Đúng vậy, đất nước chúng ta đã được giải phóng. Nhưng nếu nghĩ sâu xa một chút, Đài Loan của chúng ta vẫn chưa được giải phóng, trên đại lục vẫn còn những thế lực tàn dư và kẻ thù dấu mặt, cho nên nhiệm vụ của chúng ta mới chỉ đi trọn bước đầu tiên trong cuộc trường chinh vạn dặm. Các đồng chí hiểu câu nói đó như thế nào? Chúng ta đã giải phóng được đại lục, liệu Tưởng Giới Thạch có chịu cam tâm? Liệu bọn đế quốc, nhất là đế quốc Mỹ, có chịu cam tâm

Tiếp đó, Lưu Thiếu Kỳ nêu trường hợp "Lý Tự Thành (Lãnh tụ nông dân nổi tiếng của Trung Quốc. Cuộc khởi nghĩa nông dân lớn trong những năm 30 thập kỷ 17 ở Trung Quốc do Lý Tự Thành lãnh đạo đã lật đổ chính quyền nhà Minh. ND) làm ví dụ, nhắc nhở mọi người không được kiêu căng, không được mất cảnh giác, phải luôn luôn đề phòng bọn đế quốc câu kết với Tưởng Giới Thạch, lật đổ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa mới ra đời:

- Thắng lợi của chúng ta hiện nay chỉ mới là bắt đầu, chưa phải đã hoàn thành nhiệm vụ. Chúng ta không có lý do gì để thoả mãn, để kiêu căng, không thể có tư tưởng hưởng lạc, không được phép lơi lỏng. Lấy Việt Nam mà nói, họ bị đế quốc xâm lược và áp bức không kém gì chúng ta. Những nỗi thống khổ mà họ phải chịu đựng còn nặng nề hơn chúng ta, chẳng khác gì sống trong cảnh nước sôi lửa bỏng.

Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng của nhau, nhân dân trên biên giới đều là thân thích của nhau, trước những khó khăn của họ liệu chúng ta có thể phủi tay đứng ngoài nhìn? Liệu có thể ngồi nhìn mà không cứu? Giả dụ, Việt Nam bị Pháp đánh chiếm, biên giới của chúng ta liệu có yên ổn được không? Họ bị chinh phục, chúng ta sẽ bị uy hiếp trực tiếp. Bởi vậy viện trợ cho Việt Nam và là nghĩa vụ quốc tế cũng là để củng cố thắng lợi của chúng ta.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #28 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 10:53:45 am »

Côn Minh, Vân Nam ngày 22 tháng 6

Phó Tư lệnh Quân khu Tây Nam kiêm Tư lệnh binh đoàn 4 Trần Canh đang phê duyệt giấy tờ tại văn phòng Bộ Tư lệnh.

- Báo cáo! - Nhân viên cơ yếu tay cầm bức điện xăm xăm bước tới cửa. 

- Mời vào. - Trần Canh ngước đầu lên - Có chuyện gấp à?

Qua thái độ của nhân viên cơ yếu, Trần Canh đã linh cảm thấy có chuyện gì xảy ra.

- Quân uỷ Trung ương điện khẩn, bổ nhiệm thủ trưởng, đại diện Trung ương Đảng sang Việt Nam giúp quân đội Việt Nam tổ chức, thực thi chiến dịch Biên giới. - Nhân viên cơ yếu đưa bức điện cầm trong tay tới trước mặt Trần Canh.

- Đưa tôi! - Nghe nhân viên cơ yếu nói thế, Trần Canh vội mở bức điện ra xem.

Xem xong bức điện, Trần Canh nói ngay:

- Lập tức điện trả lời, tôi sẽ bắt tay ngay vào việc chuẩn bị đoàn đại diện của Trung ương sang Việt Nam.

- Rõ! - Nhân viên cơ yếu rập chân đứng nghiêm, quay người đi ra.

- Chờ đã! Trần Canh gọi với sau giây lát suy nghĩ. .

- Thủ trưởng, còn chỉ thị gì nữa ạ?

- Phát xong điện trả lời, cậu điện cho các đồng chí sau đây về Côn Minh ngay: Chủ nhiệm tuyên huấn Binh đoàn 4 Tăng Diêm Vi, Phó Trưởng ban tác chiến Binh đoàn Vương Chấn Phu, Phó Trưởng ban quân giới Binh đoàn Dương Tiến, Phó Trưởng ban cơ yếu Binh đoàn Lưu Sư Tường.

Nhận được lệnh các thành viên đoàn đại biểu đã nhanh chóng tụ tập về Côn Minh.

Trần Canh nhìn gương mặt các cán bộ dưới quyền của mình, ai cũng có vẻ mệt nhọc, giọng thông cảm:

- Các ông vất vả quá! Mọi người về chiêu đãi sở nghỉ đã chờ anh em đến đủ, chúng mình sẽ họp thảo luận nghiên cứu một số vấn đề cụ thể.

- Vất vả gì đâu. - Mọi người đồng thanh trả lời - Khỏi cần phải nghỉ.

- Bọn tôi cứ được nhìn thấy Thủ trưởng là phấn khởi rồi. - Trưởng phòng tác chiến Quân đoàn 14 Lương Trung Ngọc cười khì khì nói vui.

- Không được, không được! - Trần Canh lắc đầu - Sức khỏe là vốn quí của cách mạng, giờ không nghỉ ngơi cho tốt lăn quay ra ốm, đến khi Việt Nam người ta "chiếu cố” đến chúng ta, lúc đó làm thế nào?

- Đi! Thôi, chúng mình về phòng chiêu đãi nghỉ kẻo Thủ trưởng lại phải ra lệnh. - Vương Chấn Phu nói.

Nhìn cung cách trò chuyện giữa cấp trên với cấp dưới thân mật như vậy, người ta có thể hiểu được quan hệ tình cảm giữa những con người này, một thứ tình cảm được xây đắp qua bao nhiêu thử thách của khói lửa chiến tranh, qua bao nhiêu khảo nghiệm của máu và lửa, qua bao nhiêu cuộc giành giật giữa cái sống và cái chết!

Đưa tiễn những người tới trước xong, Trần Canh lại ngồi vào bàn cầm bản danh sách cán bộ lên nghiên cứu.

- Hình như còn thiếu mấy người?- Trần Canh lẩm bẩm.

- Báo cáo Thủ trưởng, Trưởng phòng cơ yếu Binh đoàn Lưu Sư Tường có mặt! - Một giọng nói oang oang làm đứt dòng suy nghĩ của Trần Canh.

- Sư Tường! Mau vào đây, đừng khách sáo nữa!- Trần Canh đứng bật dậy, bước vội ra cửa nắm lấy tay trưởng ban cơ yếu binh đoàn, vồn vã - Vất vả quá! Vất vả quá! Đi đường thuận lợi cả chứ!

- Cám ơn Thủ trưởng quan tâm, tôi nhận được lệnh là đi luôn, đi suốt cả ngày lẫn đêm.

- Ăn cơm chưa?- Trần canh thân mật hỏi.

- Ăn rồi! Trước đây một giờ tôi đã tới Côn Minh. - Lưu Sư Tường nói - Báo cáo Thủ trưởng, chưa được đồng chí đồng ý, nhưng tôi vẫn mang đến cho đoàn 3 thành viên mới.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #29 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 10:54:37 am »

- Ba người nào? Đâu rồi?- Giọng Trần canh có vẻ hơi ngơ ngác.

- Ở bên ngoài- Lưu Sư Tường trả lời.

- Mau mời họ vào đây.

Lưu Sư Tường quay ra gọi ba người vào.

- Chào Thủ trưởng

- Các đồng chí vất vả quá!

Lưu Sư Tường:

- Để tôi giới Thiệu với Thủ trưởng. Ba đồng chí này là nhân viên cơ yếu của Ban cơ yếu chúng tôi, tên là Truyền Hiếu Trung, Nhạc Tinh Chiến, Diên Nguyệt Canh, cả ba đều rất tinh thông nghiệp vụ.

- Sư Tường ơi! Tốt quá! - Trần Canh đập mạnh vào vai Lưu Sư Tường nói - Người hiểu Trần Canh này, không ai hơn Sư Tường. Vừa rồi mình cũng đang nghĩ tới chuyện chúng ta phải mang theo điện đài để dọc đường kịp thời giữ liên lạc chặt chẽ với bốn nơi: Trung ương Đảng, Quân khu Tây Nam, đồng chí La Quý Ba đang ở Việt Nam, Bộ Tư lệnh binh đoàn, phát hiện thấy không đủ người, không ngờ cậu lại mang đến cho tôi, thật là tốt quá, tốt quá!

- Về điểm này cũng là nhờ học tập đồng chí. - Lưu Sư Tường giọng khiêm tốn.

- Sư Tường à, lần này mình chưa hỏi ý kiến các ông đã báo cáo lên Trung ương danh sách những thành viên chính của đoàn, thật là có lỗi. - Trần Canh đột ngột chuyển hướng câu chuyện.

- Thủ trưởng, cái này... Lưu Sư Tường không hiểu Trần Canh định nói gì - Người lính coi phục tùng mệnh lệnh là thiên chức. Thủ trưởng mệnh lệnh cho chúng tôi thế nào, chúng tôi cứ thế làm, sao lại nói....

- Tôi hôm qua mới nghe thấy người ta nói tháng 7 này cậu chuẩn bị kết hôn với cô nhân viên cơ yếu Trương Thụy Vân. - Trần canh tỏ ra áy náy.

Giọng Lưu Sư Tường vẫn bình thản:

- Đám cưới có thể lui lại mà!

- Cũng không thể nói thế được, nhất định phải làm tốt công tác tư tưởng cho cô Trương để cô vui lòng chờ một thời gian nữa. Quả thật cũng không ổn, việc này cứ để mình nói chuyện với cô ấy. - Trần Canh nói.

- Chuyện này Thủ trưởng khỏi bận tâm. Các cụ vẫn nói: "Đại trượng phu lo chi không vợ" - Lưu Sư Tường tếu

- Đứng đắn một chút, đừng có đùa, đều ngoài ba mươi cả rồi cũng phải lập gia đình chứ. - Trần Canh nghiêm sắc mặt nói - Chờ khi ở Việt Nam về, tôi đích thân đứng ra tổ chức đám cưới cho cô cậu.

- Vâng, nghe câu này của Thủ trưởng, tôi yên tâm rồi.

3 giờ sáng ngày 7 tháng 7, một đoàn tàu hỏa chỉ có mấy toa lặng lẽ rời khỏi ga Côn Minh chạy về phía nam.

Trước khi xuất hiện những tia nắng ban mai báo hiệu bình minh, những nơi con tàu chạy qua đều không rúc còi. Trần Canh ngồi trong toa tàu, mắt như dán vào kính cửa sổ ngắm nhìn quang cảnh bên ngoài, nhưng mỗi khi nhìn thấy bên đường có người, ông lại vội vàng rụt đầu lại.

Sau khi đã sắp xếp chu đáo mọi việc, hôm nay Trần Canh dẫn đầu các nhân viên tuỳ hành dưới sự bảo vệ của một đại đội cảnh vệ bắt đầu sứ mệnh cực kỳ đặc biệt và bí mật của mình trên chuyến tàu chạy trên con đường sắt Điền-Việt.

Đoàn tàu chạy quanh co giữa núi đồi trùng điệp trên cao nguyên Vân Nam. Con đường sắt này do thực dân Pháp làm từ hồi đầu thế kỷ XX sau khi chiếm được Việt Nam, nhằm mục đích bành trướng thế lực sang Vân Nam. Địa hình hiểm trở, tốc độ con tàu chậm dần, giá như chỉ để ngắm cảnh sơn thủy hữu tình, non sông gấm vóc trái dài suốt dọc đường tàu, tưởng không có gì thú bằng.

Nhưng Tư lệnh Trần Canh lúc này đâu có thì giờ nhàn rỗi để ngắm cảnh đẹp giang sơn đang bày ra trước mắt. Đầu óc ông đang mường tượng về tình hình chiến trường Việt Nam. 
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM