Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 03:44:27 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngọn lửa chiến tranh lạnh - Tập 2  (Đọc 137039 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #170 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2009, 09:48:51 am »

Không khí "liên Nga" làm cho nội bộ Đài Loan rối loạn

Hạ tuần tháng 4 năm 1977, Đài Loan thông qua báo chí tiếng Anh một lần nữa tạo ra không khí muôn câu kết với Liên Xô. Ý đồ của họ là muốn dùng nó gây áp lực với Mỹ, ngăn cản cuộc đàm phán bình thường hoá quan hệ Trung - Mỹ. Nhưng việc đó lại gây hỗn loạn trong nội bộ Quốc dân đảng. Bị đủ mọi sức ép, Tưởng Kinh Quốc, Thẩm Xương Hoán không thể không ra mặt phủ nhận, nhắc lại "lập trường cơ bản’ của chính sách đối nội đối ngoại của họ.

Ngày 21 tháng 4 năm 1977, hãng UPI đưa tin: Tờ "Trung Quốc tự do" một tờ báo tiếng Anh chuyên phản ánh quan điểm của Quốc dân đảng tỏ ý: một khi "Hiệp ước phòng thủ chung" Mỹ - Tưởng bị huỷ bỏ giữa chừng, "nước Trung Quốc tự do... khi cần thiết cũng có thể thiết lập quan hệ bè bạn kỳ quặc với Đảng Cộng sản" Liên Xô "chắc chắn sẽ nhúng tay vào", "có thể sẽ rất tự hào hứng trong việc xây dựng căn cứ hải quân ở eo biển Đài Loan."

Ngày 22 tháng 4, tờ báo tiếng Anh "Trung Quốc nhật báo" chuyên phản ánh ý kiến của Bộ ngoại giao Đài Loan, cũng ra ngay xã luận nói: "Chúng ta không đe doạ ai. Nhưng... (Mỹ) nếu thực sự công nhận Bắc Bình (Tên cũ của Bắc Kinh - ND), chúng ta sẽ bảo lưu mọi biện pháp lựa chọn của chúng ta. Trong những biện pháp đó có cả việc nghiên cứu chế tạo vũ khí nguyên tử hợp tác với những người chống Trung Cộng, tiến hành phản công tự vệ đối với Trung Quốc đại lục", "chúng ta quyết sẽ ngồi chờ”.

Tuần báo "Tân văn Hoa thiên địa" ở Hồng Công ngày 7 tháng 5 đăng một bài ký tên Hạ Đức Khải cổ vũ Đài Loan thêm một bước: "vì sự sống còn", " khi vạn bất đắc dĩ, sẽ không ngần ngại tạm thời cho Nga Xô sử dụng căn cứ hải quân không quân Bành Hồ đổi lấy việc Nga Xô phòng thủ eo biển Đài Loan".

Tiếp đó, các báo "Tin nhanh", "Đài thiên văn" của Hồng Công liên tiếp đăng bình luận, trắng trợn khuyến khích Đài Loan "có thể lợi dụng Liên Xô để kiềm chế Mỹ và Trung Cộng".

Ngày 2 tháng 5, Tưởng Kinh Quốc và "Thứ trưởng ngoại giao" Dương Tây Côn trong cuộc gặp gỡ với Đoàn đại biểu báo chí phái hữu của Hồng Công đã tiết lộ, Liên Xô trong 6 năm qua nhiều lần công khai đề nghị thiếp lập quan hệ ngoại giao với Tưởng. Tưởng Kinh Quốc cũng là người đầu tiên chứng kiến "mật sứ” Liên Xô Vichto Lui đến Đài Loan. Đinh Trung Giang, thân tín của Tưởng Kinh Quốc, cũng hò hét "chúng ta không thể để mặc cho người khác quyết định số phận của chúng ta", "đứng trước sự phiêu lưu và huỷ diệt, chúng ta buộc phải phiêu lưu để sống còn, quyết không thể ngồi chờ để bị huỷ diệt”. Kể từ năm 1971 khi Đài Loan tung ra câu "ôm hôn ma quỉ" đến nay, chưa khi nào những lời hô hào "liên Nga", kêu gào tiếp xúc với Liên Xô lại ầm ỹ, trắng trợn như vậy.

Trong thời gian này, Đài Loan liên tục khuấy động bầu không khí "muốn bắt tay với Liên Xô”, đồng thời gây áp lực với các phía (chủ yếu là Mỹ), mưu toan dùng mọi biện pháp để đạt được mục đích ngăn cản cuộc đàm phán Trung - Mỹ, hoặc ít nhất là "trường kỳ hoá" cuộc đàm phán đó.

Đài Loan cho rằng, sau khi Ca tơ lên cầm quyền đã quyết định tiếp tục “dựa vào thông cáo Thượng Hải để chỉ đạo" chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Đặc biệt là từ cuối tháng 3 năm 1975, cuộc đàm phán hạn chế vũ khí chiến lược gặp trở ngại, đại diện Mỹ Oenxơ gặp trắc trở ở Mátxcơva, Mỹ đã có một số động tác trong quan hệ đối với Trung Quốc nhằm gây áp lực với Liên Xô.

Theo tin của "Liên hợp báo" cục Đông Á - Thái Bình Dương của Quốc vụ viện Mỹ ngày 12 tháng 3 năm 1975 đã có một cuộc họp bí mật, nghiên cứu về chính sách Đông Á của Mỹ. Nội dung chính là thảo luận chính sách đối với Trung Quốc. Đa số người dự họp nghiêng về biện pháp dùng "kiểu Nhật Bản" để giải quyết việc bình thường hoá quan hệ Trung-Mỹ.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #171 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2009, 09:49:06 am »

Sau cuộc họp bí mật này ít lâu, một đoàn đại biểu nghị sĩ Mỹ (có cả con trai của Ca tơ) ngày mồng 7 tháng 7 sang thăm Trung Quốc. Theo "Trung ương nhật báo” của Đài Loan, chuyến đi này của Đoàn đại biểu nghị sĩ Mỹ nhằm "nhanh chóng tìm kiếm bước tiến triển cho quan hệ với Trung Cộng”.

Tiếp đó, trung tuần tháng 4 lại tung ra những tài liệu về "những lời cam kết của Ních sơn" về quốc vụ viện Mỹ năm 1949 đã tính đến chuyện khi cần thiết sẽ bỏ rơi Đài Loan. Cũng trong thời gian này, thông tin chính thức của Chính phủ Mỹ và dư luận bên ngoài về quan hệ Trung - Mỹ cũng tăng lên. 

Những tình hình đó làm cho Đài Loan lo lắng, cho rằng Mỹ đang có những tính toán về vấn đề Đài Loan và đang bắt tay với Trung Cộng để kiềm chế Nga Xô. Đặc biệt là sau khi người phát ngôn của quốc vụ viện Mỹ ngày 2 tháng 5 tuyên bố từ tháng 2 hai bên Trung - Mỹ đã đàm phán về vấn đề phong tỏa tài sản khiến Đài Loan càng thêm lo lắng gấp bội. Người phát ngôn của Bộ ngoại giao Đài Loan ngày mồng 4 vội vã trịnh trọng nhắc lại rằng "hoàn toàn không thừa nhận bất cứ một hiệp nghị nào công khai hay bí mật giữa Trung Cộng và Mỹ”.

Tờ "Liên hợp báo" ngày mồng 5 tháng 5 ra xã luận kêu gào: "Trước tình thế mới đã xuất hiện công khai đó, chúng ta cần phải có phản ứng thoả đáng nhất, đồng thời cũng cần phải tính đến khả năng xấu nhất”, "cần phải tìm cách trường kỳ hoá cuộc đàm phán Mỹ - Phỉ, và trong thời gian đó chúng ta phải tìm ra một giải pháp đối phó có hiệu quả."

Thời gian này, Quốc dân đảng rỏ ra rất bất mãn với thái độ lạnh nhạt của ông chủ Mỹ thể hiện trong quan hệ Mỹ - Tưởng. Sau khi Oenxơ nhậm chức Quốc vụ khanh, đại sứ Đài Loan ở Mỹ Thẩm Kiếm Hồng nhiều lần xin gặp nhưng đều bị từ chối. Đài Loan van nài Mỹ cung cấp cho những vũ khí tiên tiến như máy bay chiến đấu F-16, Mỹ chẳng những không cung cấp mà còn cấm Israen bán cho Đài Loan máy bay chiến đấu "Sư tử con" lắp động cơ của Mỹ.

Mỹ còn dự định đổi tên "Đoàn cố vấn viện trợ quân sự" ở Đài Loan thành "văn phòng hợp tác về phòng thủ”, chỉ bố trí 6 nhân viên làm việc. Hạ tuần tháng 4, Mỹ liên tiếp cử Panit nghiên cứu viên cao cấp của sở nghiên cứu Bruckin, Xpacnan chủ tịch uỷ ban đối ngoại Thượng viện và Hônbrúc trợ lí Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề về châu Á đi công cán Đài Loan. Nhà cầm quyền Đài Loan chẳng những không cảm thấy "yên lòng" mà còn "nghi ngờ” (Mỹ) phải chăng đang ấp ủ một chủ trương hoặc những quyết định quan trọng gì đó nên muốn đi thăm dò và du thuyết trước khi thực hiện?"

Trong thời gian ở Đài Loan, Panit và các "học giả" Đài Loan tranh luận suốt 3 tiếng đồng hồ về vấn đề phải chăng Mỹ bất chấp Hiệp ước Mỹ- Tưởng thiết lập quan hệ ngoại giao với cộng hoà Nhân dân Trung hoa. Tờ "Trung ương thời báo" và tờ "Trung Quốc thời báo" còn viết bài, ra xã luận chỉ trích những quan điểm của Panit. "Trung Quốc thời báo" ngày 12 tháng 4 ra xã luận tố cáo Vôn phơ đã nói với phóng viên ở Đài Bắc rằng việc "bình thường hoá" "cần phải có bước tiến triển", (duy trì) hiện trạng có thể là chưa đủ”, điều đó chứng tỏ "vấn đề bình thường hoá đã được Mỹ-Phỉ bắt đầu thương thuyết và đang tiếp tục, điều này trước đây chưa hề được tiết lộ rõ ràng, hơn nữa Oasinhtơn và Đài Bắc cũng chưa bao giờ bàn bạc với nhau về chuyện đó."

Tờ báo đó "nghiêm khắc cảnh cáo" Mỹ phải nhớ rằng "Chính phủ và nhân dân Đài Loan vui buồn an nguy cùng chia sẻ", giữa Mỹ và Tưởng "quan hệ ngoại giao là chính, hiệp ước và đóng quân là phụ, da không còn thì lông bám vào đâu?”

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #172 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2009, 09:49:13 am »

Tháng 4, từ Oasinhtơn lại truyền đi cái gọi là "mô thức Mỹ" - "kế hoạch khu hoà bình" và "kế hoạch kiểu Việt Nam" - trong việc giải quyết vấn đề bình thường hoá quan hệ Trung - Mỹ, đã gây ra sự chú ý của Đài Loan. Theo "Nhật báo phố Uôn châu Á”, một số quan chức có hiểu biết của Đài Loan tin chắc rằng Chính phủ Ca tơ đang nghĩ cách áp dụng một "phương án Mỹ" hoặc một phương án Nhật Bản cải tiến" để thoát khỏi Đài Loan.

Đại sứ Đài Loan ở Mỹ Thẩm Kiếm Hồng ngày 27 tháng 4 đã lên tiếng phản đối cái gọi là "mô thức Mỹ” nói trên, tuyên bố rằng "Hiệp ước phòng thủ chung” Mỹ - Tưởng "không gì có thể thay thế được kể cả cái gọi là tuyên ngôn an ninh phiến diện của Mỹ". Xã luận của "Trung Quốc thời báo" cảnh cáo: Mỹ "không nên cố moi từ chính quyền Bắc Bình ra cái (phương án) thoả hiệp hoà bình cho eo biển Đài Loan".

Tờ "Tuần báo tin tức" của Mỹ số ra ngày 9 tháng 5 trong tin "Đài Bắc có thể đang trông chờ sự ủng hộ của quốc tế thiết lập một quan hệ mới với Bắc Kinh, có lẽ với địa vị là một tỉnh “tự trị". Báo này viết "lâu nay báo chí Đài Loan bị khống chế rất ngặt, nay bỗng nhiên lại đăng hàng loạt bài của phái bồ câu, làm cho người ta phải nghi ngờ”, "lời giải cho sự nghi ngờ đó có thể là, các yếu nhân của Chính phủ Đài Loan đã bắt đầu trông về tương lai sau khi mất đi sự công nhận của Mỹ." Điều này có thể là sự phối hợp với cái gọi là "kế hoạch hoà bình" của Mỹ?

Tình hình kể trên chứng tỏ Đài Loan rõ ràng không thể dự đoán nổi hành động của Mỹ đối với Trung Quốc, lo ngại với chính sách "liên Phỉ chế Nga", Mỹ có thể "giải quyết cái gọi là "vấn đề Đài Loan" theo một kiểu nào đó"' Thêm vào đó là lập trường kiên định của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, về vấn đề bình thường hoá, cho nên nhà cầm quyền Đài Loan cho rằng "cần phải nắm lấy vấn đề cốt lõi là Mỹ muốn "liên Phỉ chế Nga" lợi dụng việc Mỹ lo ngại Liên Xô nhảy vào eo biển Đài Loan có thể dẫn tới nổ ra chiến tranh ở đây để gây sức ép với Mỹ, và ngăn cản triển khai cuộc đàm phán về bình thường hoá quan hệ Trung - Mỹ.

Việc Đài Loan dấy lên bầu không khí câu kết với Liên Xô đã gây náo loạn trong nội bộ họ. Theo "Trung ương nhật báo" tiết lộ, hành động câu kết với Liên Xô của Đài Loan đã nhiều lần bị giới báo chí chất vấn. Trong một bài viết, tờ "Vạn nhân nhật báo" của Hồng Công trách cứ Đài Loan rằng: "Trên thực tế đó là một quan điểm lệch lạc mù quáng thay đổi cả quốc sách", "không có lí do để hi vọng Liên Xô nhúng tay vào công việc nội bộ của Trung Quốc", "đừng có dại đánh bạn với quỉ”. Hứa Hiếu Viêm ' "uỷ viên lập pháp", "bình luận viên trung ương" nguyên giám đốc "Hồng Công thời báo" đã chất vấn bằng văn bản viện lập pháp về việc đó.

Dưới đủ mọi sức ép, Thẩm Xương Hoán ngày mồng 1 tháng 5 phải lấp liếm: "Quan điểm của "Trung Quốc tự do" cũng như của tờ "Trung Quốc nhật báo” không phải là quan điểm chính sách của Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, cũng không phải là thái độ đối với Mỹ." Tờ "Trung ương nhật báo" ngày 13 tháng 5 đăng bài nói của Tưởng Kinh Quốc, trong đó ông ta khẳng định Quốc dân đảng "có khí phách, có cốt cách của một chính đảng", "tuyệt nhiên không hề có giao thiệp tiếp xúc với bè lũ cộng sản do Nga Xô cầm đầu”, "cũng tuyệt nhiên không hề có tiếp xúc và đàm phán gì với chính quyền Trung cộng" "chỉ có vấn đề Trung Quốc, không có "vấn đề Đài Loan"? ông ta còn chỉ trích nội bộ Đài Loan "có một số ít kẻ mượn gió bẻ măng” cần phải lôi ra ánh sáng .

Mỹ cũng rất nhậy cảm với quả khí cầu thăm dò do Đài Loan thả ra. Theo tờ "Vạn nhân nhật báo" ra ngày 30 tháng 4, "những tin tức của Đài Loan đã làm cho cơ quan Mỹ (ở Hồng Công) lúc đó chú ý, đặc biệt là lãnh sự Mỹ và phòng báo chí Mỹ, họ đã điều tra nghiên cứu nguyên nhân đích thực và động cơ của những tin tức đó."
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #173 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2009, 09:51:19 am »

III. "DƯƠNG ĐÔNG KÍCH TÂY” VÀ CHUYỂN TAI HOẠ

Tin giật gân ở phương Tây

Trong khi phía Đài Loan liên tục tung tin về khả năng "tiếp xúc" với Liên Xô thì các công cụ tuyên truyền phương Tây cũng xôn xao chuyện Liên Xô chỉ vài tháng nữa sẽ tấn công Trung Quốc .

Hai sơn Xônxbơn phóng viên tờ "Thời báo Niuoóc" cho xuất bản một cuốn sách có nhan đề cuộc chiến tranh Nga - Trung trong tương lai. Tác giả cuốn sách kể rằng năm 1959 khi ông ta đi du lịch ở Mông Cổ phát hiện có quân nhân Liên Xô đã nghĩ đến chuyện đánh nhau với Trung Quốc, và năm 1969, cũng trong chuyến du lịch Mông Cổ ông ta lại tận mắt thấy quân đội Liên Xô đang gấp rút xây dựng căn cứ quân sự.

Phân tích tình hình và những vấn đề tồn tại giữa Trung Quốc và Liên Xô, ông ta cho rằng chiến tranh không phải là không thể tránh được, nhưng nếu tình hình quân sự có tiếp tục diễn biến như hiện tại thì chiến tranh là điều khó tránh. Thời kỳ đó, rất nhiều người quan tâm thảo luận về vấn đề chiến tranh Trung-Xô với những động cơ khác nhau, có người thực sự lo lắng cho hoà bình thế giới, có người muốn tìm hiểu nghiên cứu nó từ góc độ quân sự, nhưng cũng có người muốn qua đó mưu tính chuyện nọ chuyện kia.

Những bài viết về khả năng xảy ra chiến tranh Trung - Xô một phần khá lớn có xuất xứ từ Liên Xô. Ngày 9 tháng 8 năm 1978, tờ "Tin điện hàng ngày" của Anh đưa tin, từ Liên Xô chuyển đến phương Tây một tài liệu ký tên Abđrây Xamôkhin trong đó nêu lên một loạt sự việc chứng tỏ Liên Xô đang chuẩn bị một cuộc "chiến tranh mang tính chất răn đe" chống Trung Quốc, rằng mục tiêu cấp bách nhất, chủ yếu nhất trong chính sách đối ngoại của Liên Xô là tiến hành thắng lợi cuộc chiến tranh đổ máu với Trung Quốc".

Trước những tin tức đại loại như vậy, Liên Xô có khi lấy danh nghĩa Bộ ngoại giao hoặc cơ quan của họ ở nước ngoài để phủ nhận hoặc bác bỏ, có khi im lặng không nói gì

Trung Quốc đương nhiên không thể làm ngơ. Hồi đó Mao Trạch Đông đã dùng hai câu để nói về tình hình đó. Câu thứ nhất: "hoạ thuỷ đông dẫn" (Nghĩa đen: Dẫn dòng nước tai hoạ chảy về phía đông.), ý ông muốn nói có một số kẻ ở phương Tây có ý mong muốn hướng sự xâm lược của Liên Xô về phía Trung Quốc. Câu thứ hai: "dương đông kích tây" (Nghĩa đen: mồm nói đánh bên đông, thực ra lại đánh bên tây), ý ông muốn nói, Liên Xô khí thế hung hăng xem chừng muốn đánh Trung Quốc, nhưng trên thực tế trọng điểm chiến lược của họ vẫn là phương tây. Mao Trạch Đông nhìn xa trông rộng, phân tích thấu triệt toàn bộ tình hình quốc tế, phán đoán rất tinh tế xác đáng. Để phá vỡ ý đồ "hoạ thuỷ đông dẫn”, Trung Quốc phải cảnh giác với ý đồ tiến xuống phía nam bao vây Trung Quốc của Liên Xô, quan hệ Trung - Xô vẫn rất căng thẳng.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #174 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2009, 09:51:32 am »

Tháng 11 năm 1974, Brêgiơnep kiên quyết từ chối đề nghị của Trung Quốc về việc ký một hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau, điều kiện tiền đề cho hiệp ước này là Liên Xô rút quân ra khỏi những vùng biên giới còn có tranh chấp.

Cùng lúc đó, cuộc khẩu chiến giữa hai bên tiếp tục leo thang. Trung Quốc phê phán những hành động bá quyền của Liên Xô, lên án Liên Xô can thiệp vào Angôla và miền nam châu Phi. Phía Liên Xô trong khi tỏ ra muốn xúc tiến việc bình thường hoá quan hệ Trung - Xô, lại luôn luôn công kích Trung Quốc, đe doạ Trung Quốc, muốn  thiết lập lại "hệ thống an ninh tập thể châu Á” nhằm bao vây Trung Quốc.
Hoà hoãn Mỹ - Xô có chiều hướng xấu đi

Khi Pho vào làm chủ nhà Trắng, sự hoà hoãn giữa Mỹ và Liên Xô luôn đứng trước những thử thách nghiêm trọng. Vụ "Oatơghết” chắc chắn là đòn đả kích nặng nề vào sự hoà hoãn. Chính phủ của Đảng Cộng hoà sau vết thương "Oatơghết" đã mất đi địa vị chính trị mạnh mẽ cần thiết để thực hiện chính sách hoà hoãn.

Chính sách hoà hoãn đứng trước một thách thức to lớn khác là thế lực chống đối hoà hoãn trong nội bộ nước Mỹ đang ngày càng lớn mạnh. Những việc làm của Liên Xô ở Angôla, Trung Đông và tình trạng bế tắc trong cuộc đàm phán về vũ khí chiến lược đã làm giảm uy tín của chính sách hoà hoãn, và chính sách đó bị phê phán ngày càng gay gắt trong nội bộ nước Mỹ. Ở Quốc hội, phái diều hâu đại diện là thượng nghị sĩ Giăcsơn kiên quyết đòi gắn việc trao cho Liên Xô quyền tối huệ quốc với việc nới rộng di dân cho người Do Thái, đã phủ mây đen lên bầu trời hoà hoãn. Trong nội bộ Chính phủ, thế lực chống đối hoà hoãn đại diện là Bộ trưởng quốc phòng Slesinhgiơ cường điệu sự đe doạ của Liên Xô, đòi phải có lập trường cứng rắn trong cuộc đàm phán về vũ khí chiến lược.

Năm 1975, làm một bộ phận của cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề hoà hoãn, nội bộ nước Mỹ đã diễn ra một cuộc tranh cãi về vai trò của Trung Quốc trong chiến lược của Mỹ đối với Liên Xô trong đó vấn đề then chốt là quan hệ hợp tác quân sự Trung - Mỹ.

Phái diều hâu đại diện là Giăcsơn và Slesinhgiơ chủ trương liên kết với Trung Quốc để đối phó lại Liên Xô. Theo họ việc xây dựng quan hệ hợp tác quân sự với Trung Quốc bao gồm cả bán vũ khí tiên tiến, có thể gây sức ép đối với Liên Xô trong những hành động quốc tế, buộc Liên Xô phải nhượng bộ trong cuộc đàm phán về hạn chế vũ khí chiến lược và trong các mối quan hệ song phương khác, qua đó làm cho quan hệ Trung - Xô thêm căng thẳng, càng nghi ngờ nhau, Trung Quốc sẽ phải thực thi chính sách ngả về phía Mỹ, ngăn ngừa Trung - Xô hoà hiếu.

Họ còn cho rằng, bán một số vũ khí tiên tiến hoặc chuyển nhượng một số kỹ thuật quân sự tiên tiến cho Trung Quốc có thể tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc, giúp Trung Quốc nâng cao khả năng ngăn chặn Liên Xô, thì kiềm chế có hiệu quả hơn lực lượng quân đội thường trực của Liên Xô ở Viễn Đông giảm bớt sức ép đối với NATO ở tuyến phía tây.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #175 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2009, 09:51:40 am »

Nhưng phái hoà hoãn đại diện là Kítsinhgơ nắm công việc ngoại giao của nước Mỹ lại giữ thái độ thận trọng đối với việc phát triển quan hệ hợp tác quân sự với Trung Quốc. Với chủ trương chính trị của Kítsinhgơ, Mỹ phát triển quan hệ với Trung Quốc chủ yếu xuất phát từ nhu cầu đối phó lại mối đe doạ từ phía Liên Xô, tức là muốn lợi dụng sự lo ngại của Liên Xô cho rằng Trung - Mỹ liên kết với nhau chống lại họ, để ép Liên Xô phải thoả hiệp.

Do đó, việc phát triển quan hệ hợp tác quân sự với Trung Quốc phải giúp Mỹ tăng cường được địa vị của nó trong quan hệ với Liên Xô, chứ không phải là kích thích quá mức Liên Xô làm cho Liên Xô cứng rắn hơn với Mỹ, mà gây nguy hại cho sự hoà hoãn giữa Mỹ và Liên Xô. Nói cách khác, theo phái diều hâu, chống đối Liên Xô chiếm vị trí hàng đầu; còn theo Kítsinhgơ, hoà hoãn với Liên Xô là lợi ích quan trọng hơn, phát triển quan hệ với Trung Quốc phải phục tùng lợi ích đó.

Dưới sức ép của phái diều hâu, Pho và Kítsinhgơ cũng không thể không hành động theo hướng xây dựng lực lượng quan hệ hợp tác quân sự với Trung Quốc. Đương nhiên, đối với Chính phủ Pho làm như vậy không phải không có lợi. Chính phủ Pho có thể qua đó tác động đến hành động của Liên Xô ở Angôla, nâng cao vị thế của Mỹ trong cuộc đàm phán về hạn chế vũ khí chiến lược, hơn nữa vẫn có thể làm cho quan hệ Trung - Mỹ tiếp tục được cải thiện trong khi việc bình thường hoá quan hệ Trung - Mỹ đang gặp khó khăn.

Tháng 12 năm 1975, khi sang thăm Bắc Kinh, Pho và Kítsinhgơ đã tỏ ý như vậy. Họ tán thành việc Anh bán cho Trung Quốc động cơ máy bay phản lực và xây dựng nhà máy chế tạo động cơ ở Tây An.

Năm 1976, do việc Liên Xô tăng cường can thiệp vào Angôla, quan hệ hoà hoãn giữa Mỹ và Liên Xô trục trặc, bắt đầu đi xuống. Đồng thời, tình trạng bế tắc không sao gỡ nổi trong đàm phán Xô-Mỹ về hạn chế vũ khí chiến lược đã trở thành một vấn đề nổi bật trong quan hệ hoà hoãn. Những tiếng hò hét phê phán cuộc đàm phán hạn chế vũ khí chiến lược ở nước Mỹ ngày càng mạnh mẽ, khiến đường lối hoà hoãn của Pho và Kítsinhgơ đứng trước một thách thức nghiêm trọng.

Năm 1976 là năm bầu tổng thống Mỹ. Ngay từ đầu năm, tình hình phát triển đã không có lợi cho việc tranh cử của Pho. Trong cả hai đảng, phái bảo thủ liên kết với những phần tử "bảo thủ mới" thuộc phái tự do công kích chủ trương hoà hoãn. Thế là, Chính phủ Pho buộc phải có thái độ thận trọng hơn đối với cuộc đàm phán về hạn chế vũ khí chiến lược.

Đến tháng 3 năm 1976, hiệp ước về hạn chế vũ khí chiến lược trên thực tế đã bị gác lại. Ngày mồng 5 tháng 3, trong một cuộc du thuyết Pho tuyên bố "chúng ta sẽ quên đi và không dùng từ "hoà hoãn” nữa. Từ đó Chính phủ Pho bắt đầu tuyên truyền cho chính sách "dùng thực lực để mưu cầu hoà bình" thay chính sách đó cho chủ trương hoà hoãn, đồng thời có lập trường cứng rắn hơn trước trong các mối quan hệ Mỹ- Xô.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #176 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2009, 09:52:37 am »

Lui lại dọa Trung Quốc
.
 
Năm 1976, tình hình chính trị của Trung Quốc có những thay đổi to lớn. Tháng 1, thủ tướng Chu Ân Lai qua đời. Tháng 4, Đặng Tiểu Bình bị cách chức lãnh đạo. Đến tháng 9, chủ tịch Mao Trạch Đông tạ thế.

Liên Xô coi việc Mao Trạch Đông tạ thế là một cơ hội. Liên Xô đã có một số động tác tỏ ý muốn hoà giải, chờ đợi sự thay đổi trong bộ phận lãnh đạo của Trung Quốc sẽ dẫn đến sự thay đổi trong chính sách đối với Liên Xô, nhưng 14 tháng 10, "nhà báo" bí hiểm của Liên Xô Vichto Lui đăng bài ở Pa ri doạ rằng, trừ phi Trung Quốc nội trong một tháng thực thi chính sách hoà giải với Liên Xô, nếu không sẽ buộc những người lãnh đạo Liên Xô phải đưa ra một số "quyết định không thể đảo ngược được".

Sau khi yêu cầu cải thiện quan hệ bị Trung Quốc từ chối, Liên Xô quay sang thực hiện chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Chính phủ Pho theo dõi sát sao diễn biến chính trị ở Trung Quốc, lo ngại sau khi Mao Trạch Đông qua đời quan hệ Trung - Xô có thể hoà hoãn, tình hình chính trị Trung Quốc có thể phát triển theo chiều hướng bất lợi cho Mỹ. Vì thế, Mỹ tiếp tục ủng hộ Trung Quốc phản đối sự đe doạ của Liên Xô, tăng cường hợp tác quân sự với Trung Quốc, muốn qua đó tỏ rõ lập trường của mình đối với quan hệ Trung - Mỹ.

Tháng 10 năm 1976, sau khi đi thăm Trung Quốc, cựu Bộ trưởng quốc phòng Slesinhgiơ trong một cuộc nói chuyện đã đề cập đến mối đe doạ của Liên Xô đối với rung Quốc. Theo ông ta Liên Xô mà tấn công Trung Quốc thì được ít mất nhiều.

Ngày 15 tháng 10, Kítsinhgơ nói "lãnh thổ toàn vẹn và chủ quyền của Trung Quốc rất quan trọng đối với thế cân bằng của thế giới”, do vai trò của Trung Quốc trên bàn cờ quốc tế nếu Trung Quốc "bị một nước lớn bên ngoài đe doạ" Hoa Kỳ cho rằng đó sẽ là "sự kiện nghiêm trọng”. Trong một lần đàm đạo Kítsinhgơ nói thẳng với Vichto Lui với giọng đe dọa, mọi âm mưu muốn thông qua việc phát động chiến tranh đại qui mô với Trung Quốc để đảo lộn bàn cờ quốc tế, Hoa Kỳ đều phải có thái độ đối xử đích đáng.

Ngày 12 tháng 10, Uỷ ban An ninh quốc gia phê chuẩn cho phép bán cho Trung Quốc hai máy tính điện tử Cyper - 72 dùng cho quân sự, được xem như là một bước tiến về mặt hợp tác quân sự Trung - Mỹ.

Tuy vậy, Chính phủ Mỹ vẫn rất thận trọng dè dặt trong việc ủng hộ Trung Quốc chống lại sự đe doạ của Liên Xô. Sự ủng hộ này chủ yếu trên lời nói, và cũng nhằm xoa dịu sự bất mãn của Trung Quốc đối với sự hoà hoãn Mỹ - Xô. Sự ủng hộ đó không có nghĩa là Mỹ sẽ áp dụng phương châm "liên Hoa phản Xô". Ngược lại, Chính phủ Pho không muốn vì sự phát triển quan hệ Trung - Mỹ, đặc biệt là sự hợp tác quân sự giữa 2 nước mà dẫn tới những phản ứng mạnh mẽ của Liên Xô, làm nguy hại quan hệ Mỹ - Xô.

Về mặt này, Mỹ luôn chịu sức ép của Liên Xô. Trong một lần nói chuyện vào tháng 9 năm 1976, Kítsinhgơ đã phủ nhận tin Slesinhgiơ đề nghị bán vũ khí cho Trung Quốc. Ông ta nói: "Chúng tôi chưa hề thảo luận với Trung Quốc về vấn đề phòng thủ, tôi nghĩ rằng sau này cũng sẽ không có cuộc thảo luận đó”.

Chính sách của Mỹ đối với Liên Xô và chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc ràng buộc lẫn nhau, buộc Chính phủ Pho phải hết sức thận trọng, kết quả là cả hai mối quan hệ - quan hệ với Liên Xô và quan hệ với Trung Quốc - đều khó có những bước tiến triển quan trọng. Dưới thời Pho, quan hệ Trung - Mỹ có hiện tượng dậm chân tại chỗ, đặc biệt là việc bình thường hoá quan hệ chưa có bước đột phá. Ngoài nguyên nhân chính trị trong nội bộ nước Mỹ, sự ràng buộc của quan hệ Mỹ - Xô cũng là một nhân tố quan trọng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #177 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2009, 09:55:24 am »

IV. TRUNG QUỐC VÀ HOA KỲ THIẾT LẬP QUAN HỆ NGOẠI GIAO 

Người Liên Xô bị cụt hứng
.

0 giờ 10 phút ngày mồng 9 tháng 9 năm 1976, lịch sử chứng kiến sự qua đời của một vĩ nhân sau khi đã hoàn thành cuộc hành trình cuối cùng trong cuộc đời mình. Mao Trạch Đông ung dung nhắm mắt, lặng lẽ đi vào giấc ngủ vĩnh hằng, từ nay ông không bao giờ còn phải khổ sở vì khó ngủ nữa. Ông vĩnh viễn đi vào thế giới xa xăm tĩnh lặng, tranh cãi và đấu tranh, dục vọng và lợi lộc, tất cả ông đều bỏ lại phía sau. Trên chiếc giường nằm rộng quá khổ, vóc người cao lớn trước đây của ông hình như nhỏ đi rất nhiều, đôi mắt nhắm nghiền, miệng hơi hé mở, ông dường như đang mỉm cười, như đang than thở, lại như đang trầm tư siêu thoát. Một thời đại sắp kết thúc nằm trong chiếc quan tài thuỷ tinh, Mao Trạch Đông lặng lẽ chờ mọi người đang lao xao quanh ông đánh dấu chấm hết cho một thời đại.
Cả thế giới chăm chú nhìn về Bắc Kinh đang trong cảnh sắc mùa thu.

Chiều ngày 9 tháng 9 năm 1976, Bộ ngoại giao Liên Xô nhận được bức điện của đại sứ quán Liên Xô ở Trung Quốc: "Ngày mồng 9 tháng 9 năm 1976, Mao Trạch Đông đã tạ thế". Bộ ngoại giao Liên Xô gọi điện đến Bắc Kinh hỏi lại cho chính xác, sau đó báo gấp cho người lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô và Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô nhớ lại chuyện năm 1975 khi tiếp đại thần ngoại giao Anh, Mao Trạch Đông đang bị tuổi tác già nua và bệnh tật giày vò vẫn nhỏ nhẹ, chậm rãi từng tiếng một thốt ra một câu:

- Sự bất đồng giữa Trung Quốc và Liên Xô sẽ kéo dài đến một vạn năm.

Vị khách hỏi tiếp

- Việc bình thường hoá quan hệ kinh tế giữa hai nước cũng phải mất một thời gian dài như vậy sao?

Mao Trạch Đông trả lời:

- Có lẽ phải 9 năm.

Quan hệ Trung - Xô sau thập kỷ 50 đã trải qua những bước đường gian nan khó khăn, Mao Trạch Đông đã trở thành biểu tượng của đường lối độc lập tự chủ không khuất phục trước sức ép của Liên Xô .

Quan hệ Trung - Mỹ sau chuyến thăm Trung Quốc của Nichsơn năm 1972 đã bước đầu được cải thiện, nhưng Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn chưa thiết lập được quan hệ ngoại giao, Mỹ vẫn đóng quân ở Đài Loan. Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai các nhà lãnh đạo nhà nước tiền bối này đã làm rất nhiều việc cho quan hệ Trung - Mỹ, nhờ họ mà quan hệ Trung - Mỹ được khôi phục và cải thiện. Nhưng quan hệ Trung - Mỹ muốn phát triển còn phải trải qua rất nhiều chặng đường. Chu Ân Lai rồi Mao Trạch Đông kế tiếp nhau qua đời, bộ máy quyền lực cao nhất của Trung Quốc được sắp xếp lại đang đánh một dấu hỏi cho quan hệ Trung - Mỹ trong tương lai.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #178 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2009, 09:55:38 am »

Giữa hai siêu cường Trung Quốc ngả về cực nào cũng sẽ làm thay đổi thế cân bằng cũng sẽ ảnh hưởng toàn diện đến cục diện quốc tế... Mỹ phải đối mặt với thế tấn công hung hăng của Liên Xô, Liên Xô cũng phải đối chọi với sức ép nặng nề của Mỹ, ở Trung Quốc một thời đại đang kết thúc, lôi kéo Trung Quốc, chơi "con bài Trung Quốc" là việc làm cấp bách của cả hai siêu cường Hoa Kỳ và Liên Xô. Nhân cơ hội Mao Trạch Đông qua đời, họ đều muốn quay trở lại Trung Quốc và cuộc chiến giành giật Trung Quốc đã diễn ra trên vũ đài quốc tế.
Mao Trạch Đông qua đời hôm trước, hôm sau các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô triệu tập cuộc họp bất thường bàn về việc đó. Trong hội nghị, Brêgiơnép phân tích tình hình trước mắt, ảnh hưởng cái chết của Mao Trạch Đông đối với quan hệ Trung - Xô, quan hệ Trung - Mỹ và cục diện thế giới. Ông yêu cầu tất cả các thành viên trong Bộ chính trị đều phát biểu ý kiến của mình.

Sau một hồi tranh luận, Bộ trưởng Ngoại giao Grômico nhà ngoại giao, nhà chính trị kỳ cựu phát biểu kiến giải của mình:

- Tôi cho rằng Mao Trạch Đông qua đời, chính sách của Bắc Kinh chắc chắn sẽ thay đổi, nhưng thay đổi thế nào còn phải xem ai là người kế tục Mao Trạch Đông. Hiện nay ai có thể kế tục ông? Tình hình chưa rõ ràng, chúng ta phải chờ xem.

Grômicô còn nêu ra mấy kiến nghị:

Một tăng cường công tác tình báo về Trung Quốc, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình ở Trung Quốc.

Hai phản ứng của phía nhà nước phải bình tĩnh, giữ đúng lễ tiết.

Ba tăng cường tiếp xúc riêng với các quan chức Trung Quốc, tăng cường liên hệ với Trung Quốc, tranh thủ thời cơ này cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Tuy phía nhà nước Liên Xô tỏ ra bình tĩnh và đúng mực, nhưng thực ra việc Mao Trạch Đông qua đời đã gây sự xúc động và hy vọng trong tâm trạng những người lãnh đạo Liên Xô. Quan chức Liên Xô ở Liên Hợp Quốc đã nhận được một số chỉ thị cụ thể từ Bộ ngoại giao Liên Xô, trong đó có yêu cầu Giacôp Malich tăng cường hoạt động .

Ngày hôm sau, theo chỉ thị của Bộ Ngoại giao Liên Xô Malích đến nơi ở của Đoàn đại biểu Trung Quốc thường trú tại Liên Hợp Quốc. Ông tới trước bàn thờ đứng mặc niệm, vái lạy trước ảnh Mao Trạch Đông, sau đó đến ký tên vào sổ tang. Ông bước đến bắt tay Hoàng Hoa đại sứ Trung Quốc ở Liên Hợp Quốc. Thay mặt Chính phủ Liên Xô, ông bày tỏ lòng tiếc thương Chủ tịch Mao Trạch Đông và nói với Hoàng Hoa: "Tôi biết, rất nhiều bạn Trung Quốc vẫn còn nhớ những năm tháng hữu nghị giữa chúng ta trước kia, nay đã tới lúc phải kết thúc những oán thù giữa hai nước"

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #179 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2009, 09:55:44 am »

Ít lâu sau, Malich được Grômicô triệu về gặp. Grômicô hỏi cặn kẽ tình hình Malich đến viếng tang, thái độ và phản ứng của phía Trung Quốc. Ông hỏi:

- Đồng chí nhận xét thế nào về Hoàng Hoa, đại sứ Trung Quốc ở Liên Hợp Quốc?

- Ông ấy là một người nghiêm túc, thận trọng và rất lão luyện.

- Ông ta không có cử chỉ gì khác thường ư? - Grômicô nghĩ một lát rồi hỏi thêm - Sau khi Mao qua đời ông ta có thay đổi không?

- Không có biểu hiện gì rõ ràng.

Nghe trả lời xong, Grômicô trầm tư khá lâu, rồi không biết ông nói với Malích hay nói với chính mình:

- Sau bao nhiêu năm rối ren, nay mong muốn chính sách của Trung Quốc có sự gì thay đổi lớn ngay là quá sớm, song nhất định sẽ thay đổi. Tôi quyết định trong diễn văn sắp tới đọc trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ nhấn mạnh Liên Xô xưa nay coi trọng và tiếp tục coi trọng việc bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, diễn văn sẽ không có ý gì phê phán cả. 

Quả nhiên, hàng loạt bài chống Trung Quốc trên báo chí Liên Xô chỉ một đêm đã biến mất tăm mất tích.

Ngày 30 tháng 9, Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô và Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô gửi điện cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Quốc vụ viện nước cộng hoà Nhân dân Trung Hoa chúc mừng Quốc khánh Trung Quốc lần thứ 27, và tỏ ý muốn bình thường hoá quan hệ giữa hai nước.

Sau khi "bè lũ 4 tên" bị đập tan, Liên Xô lấy danh nghĩa Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô gửi điện chúc mừng Hoa Quốc Phong đảm nhiệm chức Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng do không nghĩ đến chuyện Trung Quốc và Liên Xô không còn quan hệ về đảng nên bức điện bị trả lại.

Ngày 18 tháng 10, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô Brêgiơnep mở tiệc chiêu đãi nhà lãnh đạo Mông Cổ Sêđenban. Trong diễn văn, Brêgiơnep không nói thẳng về quan hệ Trung - Xô, nhưng tỏ ý chỉ cần kiên trì dựa vào nguyên tắc láng giềng hữu nghị, xây dựng quan hệ dần từng bước một, tiến hành đối thoại thẳng thắn, sẽ có thể thông cảm lẫn nhau.

Ngày 21 tháng 10, Hãng TASS đưa tin Bắc Kinh tổ chức diễu hành lớn chúc mừng thắng lợi đập tan "bè lũ 4 tên".

Ngày 25 tháng 10, khi nói chuyện ở Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Brêgiơnep nói: "Trung Quốc đang trong một tiến trình chính trị phức tạp, phương châm chính trị trong tương lai của Trung Quốc sẽ ra sao bây giờ còn rất khó nói, mong muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc là chính sách nhất quán của Liên Xô. Trong quan hệ Trung - Xô, không có vấn đề nào không giải quyết được bằng tinh thần láng giềng hữu nghị, vấn đề được quyết định bởi lập trường của đối phương."
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM